Mặc dù buổi sáng xảy ra chuyện chấn động nhưng mọi người cũng không thể giữ khuôn mặt buồn cả ngày được, nhất là khi hôm nay lại là một ngày vui như thế, khi anh Sinh cùng chị dâu trở về sau nhiều năm lăn lộn tận Sài Gòn. Kể từ cái ngày Điềm cùng Quân lên Hà Nội học rồi cưới nhau thì khoảng cách của anh Sinh và Điềm lại ngày càng cách xa, huống hồ ngày trước anh lại là người thân với Điềm nhất trong nhà, nên hôm nay dù có nhiều chuyện xảy ra nhưng tạm gác lại những chuyện không vui ấy sang một bên, Điềm vẫn giữ nụ cười thoải mái trên mặt mà phụ bu cùng các cháu dọn nhà, đi chợ.
Chợ đầu mối của làng Hoài nằm trên con đường làng rộng lớn nối liền giữa hai làng với nhau. Hồi trước khi hai làng chưa tách ra thì đấy là chợ chung, nhưng sau này mọi người ngại xa không ra chợ nên những cô dì bắt đầu lấy hàng từ chợ ấy về bán, cơ bản tại đó là chỗ mà mọi người trao đổi hàng hóa tươi mới, giá lại phải chăng, là nơi đầu nguồn thịt cá, rau củ nên mọi người gọi nó là chợ đầu mối, chứ thực ra tên trước của cái chợ ấy là chợ Hoài.
Ở giữa chợ có cây đa cổ thụ, không ai trong làng biết là cái cây ấy được trồng từ khi nào, chỉ biết là từ khi ông trưởng làng cũ – cái người đầu tiên về nơi này sinh sống và dựng làng ở đây thì cái cây ấy đã xuất hiện cao lớn. Thân cây to dài, phải mười người ôm mới hết, rễ cây chắc cắm sâu xuống đất, dù đã trải qua biết bao cơn bão quật ngã thì nó vẫn kiên cường bám trụ, tán cây to, sải rộng ra tỏa bóng râm cho bọn trẻ chơi đùa giữa cái nắng gắt của phiên chợ sáng. Ngày trước, khi còn nhỏ, Điềm cũng hay ra đây chơi mỗi khi cùng bu đi chợ. Cậu làm sao có thể quên được cái cảm giác thấp thỏm đợi chờ khi chợ tan gần hết mà bu Yến vẫn mải buôn chuyện với cô hàng gạo chứ, nghĩ đến đó, tự dưng Điềm lại chợt nhoẻn miệng cười, cúi xuống vỗ vỗ mấy cái vào bụng, thầm tưởng tượng rằng sau này, sẽ có một đứa trẻ cũng như cậu ngày xưa, cũng sẽ thấp thỏm đợi Điềm mỗi phiên chợ sáng, cũng sẽ bật khóc khi Điềm mải làm việc mà quên mất con, cũng sẽ mè nheo đòi Điềm mua cho mấy món quà vặt ở chợ. Chao ôi, khung cảnh đấy không biết cậu đã hằng mơ biết bao nhiêu đêm...
Bu Yến sợ Điềm bụng to mà chợ đông, đi đi lại lại lỡ có va chạm gì thì lại khổ nên dắt Điềm ngồi dưới gốc cây đợi bu đi chợ, trước khi đi, bu thậm chí còn dặn dò mấy cô bán hàng bên cạnh phải trông Điềm cho bu cẩn thận làm Điềm ngượng chín hết cả mặt, đã sắp làm ba rồi vậy mà bu Yên cứ coi Điềm như em bé ấy, vậy mà mấy cô cũng gật đầu đồng ý.
- Anh ngồi yên đây cho bu, bu ra chợ mua tí đồ rồi bu về, thích ăn kẹo bánh gì thì cứ mua cho cháu bu ăn, nhưng bu cấm tuyệt đối không có được đi đâu lang thang nhớ chưa?
Điềm cười, vỗ vai bu cười xòa.
- Bu cứ làm như con là con nít không bằng, con cũng sắp làm ba rồi đấy, thôi bu đi nhanh không chợ tan.
- Ừ, bu chạy ù đi thôi, mày cứ ngồi đấy.
- Bu cứ đi cẩn thận, từ từ mà đi, con còn vướng thằng nhóc này thì đâu có đi đâu được.
Nói vậy nhưng trong lòng bu Yến cứ thấy bất an kiểu gì nên đi được mấy bước lại ngó lại coi thằng con thằng cháu mình có rời chỗ không, mãi đến khúc ngoặt thì bu mới thôi ngó lại.
Ngồi dưới tán cây râm mát, Điềm nhắm mắt, tận hưởng cảm giác khoan khoái giữa cơn gió thổi nhè nhẹ cùng với tiếng ve kêu râm ran trên những tán cây. Ánh nắng chiếu qua tán lá hắt lên mặt cậu những tia nắng dịu, bọn trẻ con đang đợi bu đi chợ về cũng ngồi quanh đó, chơi ô ăn quan, đuổi bắt, mấy cô bán quà vặt thì ngồi xúm lại với nhau, bắt đầu bàn những câu chuyện mà ít ai biết đến... Điềm lắng tai cảm nhận thứ âm thanh yên bình ấy, tay khẽ vỗ về em Đậu trong bụng.
- Ô! Thằng Điềm con nhà bu Yến thầy Tư phải không? Dạo này lớn quá nhờ con? Lấy thằng chồng đại gia trên Hà Nội xong là mất hút, chẳng thấy về đây thăm dì gì hết nhờ?
Giọng ai réo rắt, chua loét làm Điềm chợt giật mình ngồi dậy, cậu nhìn xung quanh thấy mấy cô bán hàng đang mải bàn tán rôm rả, bọn trẻ con thì cũng đang mải chơi, quay qua mới thấy có dì đang đẩy xe chè với mấy bọc gạo nổ, dì đeo nón rồi bịt khăn kín hết cả mặt, chắc là do dì sợ nắng. Điềm lâu không ra đây cũng chẳng nhớ ai, nhưng chắc dì cũng là người quen của thầy bu nên cậu cũng chào lại theo phép lịch sự.
- Dì ạ, con vẫn về thăm thầy bu con thưởng xuyên, nhưng đúng là lâu rồi con cũng không ra chợ này, dì khỏe không ạ?
Chỉ đợi Điềm hỏi thăm là dì bắt đầu than thở để chào hàng.
- Ôi, khỏe gì đâu mà khỏe con ơi, dì bán ế hàng gần chết! Ngày trước bây còn mua hàng của dì, mở hàng cho dì thì dì bán đắt hàng, từ ngày bây đi là cái vía của bây cũng bay theo luôn. Đấy con xem, sáng giờ mà hàng còn nguyên này, hay bây mua giúp dì một cốc coi như mở hàng, có khi chiều dì lại bán hết ấy chớ.
Nhìn dì hồ hởi như thế, Điềm cũng không nỡ từ chối, mà trông cái xe hàng đầy ắp kia chắc dì không nói chơi để Điềm mua thêm hàng đâu, ngày trước lúc còn nhỏ, cậu cũng hay được mấy cô mấy dì nói cái vía mở hàng tốt nên thành ra Điềm tin răm rắp. Hơn nữa nhìn dì bán hàng giữa cái trời sắp tan chợ như này, Điềm cũng thấy tội. Vậy nên cậu cũng mua 1 cốc chè coi như mở hàng cho dì, Điềm định mua cho cả anh chị với mấy đứa nhỏ cơ mà sáng đi đãng trí kiểu gì mà quên ví ở nhà, thành ra móc túi quần cũng chỉ có mấy đồng lẻ. Vậy mà dì trông vui ra mặt, dì múc chè ra cái cốc to cho Điềm, luôn miệng nói cảm ơn Điềm cứu sống nhà dì cả năm nay rồi. Mặc dù không hiểu dì nói cái gì nhưng giúp được người khác, bản thân Điềm cũng thấy hơi vui vui.
Đợi lúc dì đi khuất, Điềm mới mở cốc chè ra ăn, trời đang gần đến trưa, không khí dù có gió mát thì vẫn cứ oi oi khó chịu, nhìn cốc chè lại vàng óng ánh, bóng loáng trông ngon mắt cực kì nên Điềm chẳng nghĩ gì nhiều mà xơi hết cả cốc. Chè ăn vào có mùi hơi lạ lạ như mùi thuốc Bắc chứ không phải mùi đậu xanh như những chè bình thường mà Điềm từng ăn, nhưng cái vị ngọt lịm và cảm giác man mát của cốc chè khiến Điềm không để ý nhiều đến cái mùi lạ.
Có ai ngờ đâu, hình như ăn no quá hay sao mà ngồi một lúc sau Điềm lại thấy hơi râm ran đau bụng, cái cảm giác căng tức ở bụng giống những cơn gò giả thường ngày nhưng lần này thì nó lại trở nên đau hơn nhiều. Vậy nhưng, Điềm không nghĩ rằng mình sắp sinh, những kiến thức về sinh sản mà cậu đã từng được nghe các mẹ truyền lại khác xa so với cơn đau này, cái này giống như ăn phải đồ gì kì lạ thì đúng hơn.
Điềm tựa lưng vào ghế, hơi nhăn mặt lại cố gắng hít thở đều, em bé trong bụng không hiểu vì chuyện gì mà tự dưng quẫy đạp vô cùng mạnh làm cậu đau điếng suýt kêu thành tiếng. Điềm cắn chặt môi dưới, đỡ bụng căng tròn hướng cao lên, xoa xoa, cố gắng trấn an em Đậu trong bụng, vì thở dốc nên giọng nói có phần đứt quãng.
- Em của ba dậy rồi á... em ngoan.. em không quậy ba nhé... em đá ba đau quá...
Cơn đau dữ dội ở phần xương sườn ở giữa bụng càng ngày càng mạnh hơn, Điềm bắt đầu nhìn xung quanh, dáo dác tìm bu, hi vọng bu mau mau về sớm. Một mình ở giữa khu chợ chẳng quen ai, lại thêm cơn đau bụng dữ dội khiến cậu dần trở nên lo lắng, dẫu biết cơn đau này không phải do trở dạ nhưng không hiểu sao lúc này, những kí ức trong quá khứ lại quay lại lần nữa ập vào trong đầu cậu. Kí ức về đứa trẻ đầu tiên bị chết lưu... ngày hôm đó, Điềm cũng đau bụng dữ dội như vậy...
Lắc đầu để quên đi những điều xui rủi ấy, đứa bé chắc chắc sẽ không gặp chuyện gì đâu nhỉ... chỉ là do Điềm ăn phải đồ lạ, không quen bụng nên bị đau bụng chút thôi. Eo và lưng của cậu mỏi nhừ do ngồi lâu đợi, lại đau nhức kinh khủng. Điềm nhăn nhó, khó chịu vặn vẹo, đấm đấm eo vài cái. Trời đến trưa nắng như đổ lửa, mồ hôi cậu chảy ròng ròng làm ướt hết lưng áo chiếc áo Điềm đang mặt, may mà Điềm thấy bóng dáng của bu xách đồ đi nhanh tới chỗ mình, nếu không chắc cậu lăn ra đây mất. Em Đậu hình như cũng nghe lời ba nên ngoan hơn nhiều, không thấy động đậy đấm đá gì nữa.
Bu Yến đi nhanh tới chỗ Điềm, khuôn mặt bu tràn ngập lo lắng lấy khăn trong giỏ đồ lau mồ hôi cho cậu.
- Sao mồ hôi mồ kê nhễ nhại vậy con? Bây phải biết kiếm chỗ nào râm râm mà ngồi chứ sao lại để mồ hôi nhễ nhại thế này? Có mệt lắm không, nãy bu thấy bây trông nhăn nhó quá nên phải chạy lại nhanh. Thế nào? Giờ có đau bụng hay có dấu hiệu gì không?
Điềm nắm tay bu nặng nề đỡ lưng đứng dậy, gượng cười cho bu yên tâm.
- Con ngồi lâu quá nên em Đậu biểu tình ấy mà bu, nãy giờ nó đá con quá trời. Với cả nãy con ăn cốc chè nên giờ cứ râm ran đau bụng, bu với con giờ về đi, bu để con xách bớt cho.
Bu Yến thì chẳng quan tâm Điềm cứ dài dòng, bu chỉ bắt đúng từ khóa là Điềm bị đau bụng thôi, vậy nên bu xửng cồ cả lên, tới tấp hỏi.
- Bây đau bụng như nào? Sao bây không kêu mấy cô đi tìm bu sớm? Trời ơi ngu như bò vậy, đứa nhỏ tụt xuống chưa? Bây có cơn gò bao lâu rồi, mà thôi thôi, ngồi yên đấy bu kiếm cho bây cái xe chở về nhà không lại đẻ rớt ra đấy bây giờ.
Điềm dở khóc dở cười xoa bụng, chạy lại nắm túi đồ trên tay bu.
- Bu ơi, bu xem con khỏe thế này cơ mà? Con đau bụng do ăn đồ lạ thôi, con biết đau bụng sinh là như nào mà, cháu bu còn ngủ ngoan lắm, bu coi bụng con nó còn cao như này cơ mà, đẻ đái thế nào được? Với cả gọi xe làm gì bu ơi, để con với bu đi về nhà cho dễ mở, dễ đẻ.
Bu Yến nghi ngờ quay lại nhìn chằm chằm Điềm. Mặc dù cơn đau bụng càng ngày càng nặng nhưng cậu vẫn cố gắng đứng thẳng, gượng ra nụ cười cho bu yên tâm. Bu Yến cũng không nói gì nữa mà quay lưng đi chầm chậm về nhà đợi Điềm theo sau, Điềm sách theo mấy cân thịt khệ nệ đi theo sau bóng bu. Trên đường về còn nhận mấy lời cằn nhằn của bu nữa.
Mặt trời chói gắt trên đỉnh đầu làm mô hôi chảy đầy lưng áo Điềm, Cơn đau dữ dội không thể nhịn được khiến nhiều lần cậu muốn ngồi thẳng xuống đường mà ôm bụng kêu đau, nhưng sợ bu lo lắng nên Điềm cố nhịn, cậu chẳng đứng thẳng được nữa mà hơi cúi mặt xuống, hít vào thở ra một cách khó nhọc.
- Ư.... A..... bu ơi... bu ơi...
Bu Yến quay vội lại, chạy đến giật túi đồ trên tay Điềm, khuôn mặt nhăn hết cả lại, cũng không còn trách mắng nữa, chưa bao giờ Điềm thấy giọng bu run rẩy đến vậy..
- Sao... sao con ơi? Đau bụng lắm hả con? Bu đây, bu đây.
Điềm chống eo, đau đến không nói nên lời được nữa, nhưng đợi đến lúc cơn đau vơi bớt thì lại hít một hơi thật sâu nhịn cảm giác đau dữ dội, ngẩng mặt lên cười.
- Hì hì, con bảo bu đợi con xíu, con chạy không nổi.
- Tiên sư nhà mày chứ? Thôi, bu vẫn lo lắm, để bu đi bắt xem có chú nào cho đi nhờ về không,.
Cậu nhăn mặt hít vào thở ra một lần nữa, đang đinh đi ra bảo bu là cậu đi bộ về được.
- Bu này, con đi về được mà... ối...
Chưa hết câu thì bên dưới cậu bụp một tiếng, nước ối chảy ra ào ạt chảy hết ra đường. Mọi việc xảy ra nhanh như vậy, Điềm chẳng kịp phản ứng, bu Yến cũng chẳng kịp phản ứng. Hai bu con mắt đối mắt nhìn nhau giữa đường, trong vài giây sốc đến không phản ứng kịp.