Truyện Gay Rùa và Thỏ
|
|
Truyện Gay Rùa và Thỏ khanhhoang1089 Các bạn thân mến! Mình có câu chuyện muốn kể với các bạn, nhưng mình cũng có vài lời trước khi các bạn bỏ thời gian theo dõi câu chuyện hết sức nhảm nhí này: - Chuyện không dính dáng gì tới ngụ ngôn Rùa & Thỏ. - Chỉ nên đọc khi các bạn không còn chuyện gì để đọc, không còn phim gì để coi, không còn nhạc gì để nghe, không còn game gì để chơi, không còn chỗ nào để đi, không còn việc gì để làm, không còn người nào để yêu… Túm lại là “rảnh”. - Sẽ gây nản với các bạn thích thể loại ắc- sần. Và dĩ nhiên, cũng như mọi người, mình mong được các bạn chân tình góp ý. Cám ơn các bạn đã đọc tới câu này.
Trời đang xế chiều, không gian vọng lên cái rực rở của buổi chiều sắp tắt nắng. Giống như ngọn đèn bừng lên để rồi tắt hẳn. Màu vàng sang trọng tô phết mọi vật. Thằng Thỏ ngồi trong phòng trên lầu, thẩn thờ nhìn ra vườn, gió mơn man nhè nhẹ trên những cành lá. Nó yêu cái nắng chiều kỳ lạ, nó cũng không hiểu vì sao và từ khi nào, chỉ biết là nó bị quyến rũ bởi ánh vàng của nắng chiều, trong không gian êm ả yên bình.
Dường như đến cuối ngày, người và vật đều mệt mỏi, hoạt động dường như chậm lại. Tiếng xe chạy ngoài đường như chậm chạp, tiếng náo nhiệt dần tan loãng, tiếng người rao hàng nghe xa xôi… Và cũng từ lâu nó phát hiện tiếng violin dường như chỉ thích hợp trong những buổi chiều tà. Từ giàn máy, Vanessa Mae rỉ rả kéo bản I will always love you, rồi Contradanza, qua tới Aurora… Âm thanh khô mà không thô ráp, hoài niệm nhẹ nhàng mà len sâu trong tâm khảm, nghe ray rức mơ hồ như có như không... Rồi nó nghe chính nó, sao mà cô đơn lặng lẽ. Nỗi cô đơn hực lên như ánh chiều. Nó cố nghĩ là mình không buồn không vui, nhưng nó không thể lừa gạt chính mình.
Nó cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Một câu chuyện quá dài và có nhiều điều kỳ lạ khó tin, nhưng nó và thằng Rùa vẫn đang hiện hữu như chứng nhân cho những điều kỳ lạ đó.
Ba nó tên Nguyễn An Khánh, có người em gái là Nguyễn Như Khánh. Ba nó có người bạn rất thân học chung từ nhỏ. Người đó tên Phạm Đình Khánh, cũng có người em gái là Phạm Ngọc Khánh. Chơi thân với nhau, qua nhà nhau ăn dầm nằm dề. Cuối cùng thì người này lấy em gái của người kia. Chuyện hơi hiếm nhưng cũng không có gì bất thường. Vấn đề gọi tên lại càng không có gì rắc rối, ba nó thì gọi là An, người em thì gọi là Như. Bên kia thì người anh là Đình, người em là Ngọc.
Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến khi thằng Rùa và thằng Thỏ ra đời. Thằng Thỏ gọi má thằng Rùa là cô vì là em của Ba. Nhưng lại gọi ba thằng Rùa là cậu vì là anh của má. Và thằng Rùa thì cũng y vậy. Nói là vậy nhưng thật ra người lớn cũng đã sắp xếp trước khi tụi nó biết nói, ba thằng Thỏ lớn hơn ba thằng Rùa một chút nên tụi nó cùng gọi ba má thằng Thỏ là ba lớn má lớn, còn ba má thằng Rùa là ba nhỏ má nhỏ. Nhưng má thằng Rùa đẻ thằng Rùa trước, rồi 15 ngày sau thằng Thỏ mới chui ra, nên thằng Rùa vẫn làm anh.
|
Chuyện gia đình bắt đầu kịch tính khi má lớn và má nhỏ cùng mang bầu. Hai ông già tía của tụi nó sau nhiều ngày bàn tính mới đi đến nhứt định là đặt tên cho hai đứa giống nhau để sau này tụi nó thương nhau. Ý tưởng này được hai bà má nhiệt liệt ủng hộ. Kết quả thằng Rùa tên Phạm Hoàng Khánh và 15 ngày sau thì xuất hiện thằng Nguyễn Hoàng Khánh.
Hồi cấp một, đám bạn còn gọi tử tế là Khánh Nguyễn và Khánh Phạm để phân biệt. Lên cấp hai thì tụi bạn chợt phát hiện thằng Rùa có cái đuôi rùa sau ót và thằng Thỏ có hai cái răng cửa quá khổ, lập tức hai đứa có tên mới: Khánh đuôi rùa và Khánh răng thỏ. Hai cái tên này tồn tại không được bao lâu thì tụi bạn tiết kiệm lời nói, cuối cùng hai thằng chỉ còn trụi lũi: Rùa, Thỏ. Mới đầu cả hai thằng đều coi đó là biệt danh trong lớp mà thằng nào cũng có. Nhưng không ngờ cái biệt danh này dường như đã trở thành tên chính thức đối với mọi người, kể cả trong gia đình tụi nó sau này.
Thật ra từ nhỏ hai đứa cũng có tên gọi ở nhà nhưng dường như ba má tụi nó không thỏa mản với cái tên nào, ban đầu thì Bi Bim, rồi Khánh anh, Khánh em. Đôi khi lại Khánh lớn, Khánh nhỏ... Có lẽ ba má tụi nó chỉ ưng ý với tên Hoàng Khánh, nhưng gọi Khánh hay Hoàng Khánh thì cũng không được vì hai thằng sẽ cùng "dạ". Sự việc chỉ chấm dứt khi đám bạn tới nhà chơi, tụi nó cứ xúm nhau "Rùa Rùa Thỏ Thỏ" hết sức tự nhiên, ba má hai thằng nghe qua giống như "giác ngộ", chợt thấy mặt của thằng Rùa hợp với tên Rùa, mặt của thằng Thỏ thì không có tên gì hay hơn là Thỏ. Vậy là đời của hai thằng đã được định đoạt. Chỉ khi nào cần kêu một lúc hai thằng thì ba má nó la lớn lên: "Khaa...ánh", thì hai thằng đồng thanh: "Dạ… aa" y như hát cải lương.
Người ta mỗi người có cái tướng mạo, tính nết riêng không ai giống ai, nhưng hai thằng lại trái ngược hẳn với nhau. Thằng Thỏ thì trắng trẻo, hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, lúc nào cặp kiếng cận cũng dính trên mặt, và đặc biệt là nhát như... thỏ. Không bao giờ dám tham gia những trò phá phách, chỉ biết đi học rồi về nhà ôm cái máy tính hoặc ôm cái piano. Đối nghịch là thằng Rùa, nước da hơi đen hơn, nổi bật cặp chưn mày rậm hơi xếch trông không hiền lành chút nào. Tính tình nó hoạt bát, ăn nói ồn ào nên dễ kết thân với nhiều người. Dường như lúc nào nó cũng là đầu trò trong lớp. Nó là thằng được thầy cô khen nhiều nhứt vì học giỏi nhưng cũng là thằng bị phạt nhiều nhứt vì bày trò phá phách. Hồi năm lớp 6 nó đã lấy được đai đen nhứt đẳng Thái Cực Đạo rồi. Thằng Thỏ có nhiều bạn nhưng thật ra phần đông là tụi nó chơi với thằng Rùa, mà thằng Rùa và thằng Thỏ lúc nào cũng dính nhau nên chơi chung luôn.
|
Nhưng mọi người đều nói rằng tụi nó giống nhau, “nhìn là biết anh em liền”. Mới đầu hai thằng không tin, về hỏi má, má tụi nói phán: "hai thằng không giống nhau mới lạ". Mà ở đời hình như cái gì hể thiên hạ nói riết thì thành thiệt, hai thằng nhìn nhau thấy thằng đối diện y hệt mình.
Má tụi nó kể, từ nhỏ thằng Rùa lúc nào cũng tỏ ra là anh, thương và nhường nhịn em, mặc dù nó chỉ lớn hơn 15 ngày. Thằng Thỏ mà giành ăn hay giành đồ chơi là nó đưa liền cho thằng Thỏ, nó không bao giờ để cho thằng Thỏ khóc. Khi lớn lên thằng Rùa càng ra sức bảo vệ cho thằng Thỏ, lúc nào nó cũng sợ thằng Thỏ bị người ta ăn hiếp. Nó càng bảo vệ thì thằng Thỏ nhát càng thêm nhát.
Hồi 5 tuổi, ba má cho tụi nó đi học tiếng Anh ở nhà Thiếu Nhi, mỗi tuần chỉ học 1 tiếng ngày chủ nhựt. Ở nhà đưa hai đứa đi học phải ngồi chờ rước về luôn vì chỉ có 1 tiếng đồng hồ. Sau đó thằng Rùa thấy có lớp học Thái cực đạo nó đòi học thêm, ở nhà cũng đồng ý, nó rủ thằng Thỏ học chung thì thằng Thỏ lè lưỡi. Thằng Thỏ muốn học piano vì lần nào vào lớp nó cũng đi ngang qua phòng học nhạc, nó rất thích tiếng đàn piano. Vì vậy mỗi ngày chủ nhựt tụi nó học 1 tiếng Anh văn xong chạy qua học thêm 1 tiếng nữa, thằng thì Thái cực đạo, thằng thì piano. Nhờ vậy người nhà đưa hai thằng đi học cũng có thể tranh thủ chạy về nhà lo công việc, 2 tiếng sau mới rước về.
Không ngờ cái ý muốn của hai thằng hồi nhỏ lại đeo đuổi cho tới lớn. Năm lớp 10 thằng Rùa đã lên nhị đẳng rồi. Ở tuổi đó mà mang 2 đẳng là thuộc hàng hiếm. Thằng Thỏ học piano hết lớp này qua lớp khác, khi lớn lên nó đến lớp chỉ để dợt bài mới và phụ thầy cô hướng dẫn các học viên khác. Nó mê mẩn tập luyện cho tới năm lớp 12 mới tạm ngưng vì lo thi tốt nghiệp. Có lẽ hai thằng đã chọn đúng sở thích và khuynh hướng của mình nên hai thằng ngày càng giỏi, càng giỏi lại càng mê. Nhưng dù giỏi thế nào đi nữa thì hai thằng vẫn coi đó là chuyện phụ, chuyện chính yếu là lo học chữ.
Căn nhà hai thằng đang ở là do đời trước để lại. Thời xa xưa, ông nội thằng Thỏ (là ông ngoại thằng Rùa) có người anh Hai, hai anh em rủ nhau mua chung một miếng đất khá lớn ở khu ngoại ô Sàigòn, nói là ngoại ô nhưng thật ra cũng sát bên, không xa xôi gì. Hai người cùng xây hai căn nhà khá lớn y hệt nhau. Từ cổng đi vào là khoảng sân trước khoảng 10 mét. Đứng từ ngoài đường nhìn vào thì nhà của thằng Thỏ nằm bên trái, cách ranh nhà người ta 10 mét. Bên phải là nhà thằng Rùa cũng cách ranh nhà người ta 10 mét, hai nhà cách nhau khoảng 20 mét. Phía sau nhà là vườn cây dài khoảng 30 mét.
|
Theo ý muốn của đời trước thì hai nhà nằm chung một miếng đất. Ruột thịt với nhau nhưng ai cũng có gia đình riêng nên phải ở riêng, nhưng trong riêng có chung.
Lúc mới cưới nhau, ba thằng Rùa đã có sẵn căn nhà ở quận 3, nên hai vợ chồng cùng về đó. Nhưng ông nội và ông nội Hai vẫn muốn anh em về ở chung, nên khi ông nội Hai đi định cư nước ngoài, ông nội Hai cho ba má thằng Rùa căn nhà của ông nội Hai. Hai vợ chồng nghe lời, bán căn nhà ở quận 3 rồi dọn về ở chung với gia đình thằng Thỏ. Thời gian sau ông nội thằng Thỏ qua đời. Sau đó hai thằng cùng ra đời tại căn nhà này.
Hai căn nhà, nhưng là một, đó là ý định của người đời trước truyền lại cho tới thời của thằng Rùa và thằng Thỏ. Hai căn nhà giống nhau như đúc chỉ ngược nhau trái phải, để hai căn đối xứng dễ nhìn và cũng để hai nhà chạy qua chạy lại cho tiện. Trong nhà bếp nhà thằng Thỏ có một cánh cửa bên hông nhìn qua là cửa hông nhà bếp của nhà thằng Rùa. Thằng Thỏ ở phòng trên lầu, phía trước là khung cửa sổ lớn và cửa ra hành lang. Bên hông là cửa sổ nhìn qua cửa sổ phòng của thằng Rùa. Ngay cửa sổ là bàn học, bên phải là bàn máy tính, bên trái là giường ngủ, đối diện giường ngủ là giàn âm thanh và tivi, đối diện bàn học là cây piano. Bên nhà thằng Rùa cũng bày y vậy, chỉ khác là không có cây đàn.
Chẳng những đúng như ý muốn người xưa, hai thằng còn làm hơn vậy. Tụi nó không phân biệt nhà nào, của ai. Hai thằng sẵn đâu ăn đó, sẵn đâu ngủ đó. Nhưng lớn lên hai thằng thường ở bên phòng thằng Thỏ nhiều hơn vì thằng Rùa thích nghe thằng Thỏ đàn. Má tụi nó dặn muốn ngủ đâu thì ngủ nhưng không được bỏ phòng ngủ lâu ngày lạnh lẽo không nên. Tụi nó không hiểu "không nên" vụ gì nhưng cũng nghe lời, cứ vài ngày lại chạy qua phòng thằng Rùa ngủ một lần.
Nhờ cách sống hòa thuận, thương yêu nhau của ba má hai bên làm cho tụi nó ảnh hưởng theo. Tụi nó không phân biệt ba má nào của đứa nào, tụi nó chỉ biết có hai ba và hai má. Từ nhỏ đến lớn, hể ba má sắm sửa quần áo giầy dép hay đồ đạc gì cũng mua giống nhau, không đứa nào nhiều hơn đứa nào. Ra đường ai cũng tưởng anh em sinh đôi. Lúc lớn khi hai đứa đã tự biết mua sắm, tụi nó cũng chưa hề mua một thứ gì khác nhau bao giờ, kể cả cái quần lót.
|
Đất chung quanh nhà rất rộng, hai ông của tụi nó lại thích trồng cây. Vì trồng chủ yếu là thích nên bạ cây gì trồng cây đó, nghe ai nói cây nào trái ngon là xin về trồng, cây nào lạ đẹp cũng thỉnh về. Kết quả là trong vườn chẳng hàng lối chẳng qui hoạch gì ráo, nhưng được cái trong nhà có rất nhiều thứ trái cây để ăn. Phía sân trước có cây vú sữa, mận, mít, chùm ruột. Hàng kiểng thì chạy dài theo hàng hiên. Sau nhà thì khế, ổi, cam, bưởi, quít… Cao nhứt trong vườn là cây cà na và cây quần quân. Tụi nó không hiểu hai ông của tụi nó trồng cây này để làm gì, bởi vì hai cây này quá cao, không cách gì hái được. Chờ cho nó chín rụng xuống thì cũng hư dập không ăn được. Tụi nó chỉ biết hình dạng của trái này khi lượm được dưới gốc cây. Cũng nhờ khu vườn này mà nhà tụi nó trở thành nơi tụ hợp anh hào bốn phương, dưới sự “lãnh đạo” của thằng Rùa.
Thằng Thỏ mê nhứt là cây nguyệt quế, bông trắng nhỏ xíu dễ thương, mùi hương lại càng quyến rũ, cái quyến rủ thanh tao nhẹ nhàng, ẩn hiện trong gió. Hương thơm cứ như lấp ló nửa muốn nửa không, muốn đến nhưng lại ngại, muốn đi nhưng lại tiếc. Ngược lại nó sợ cây dạ lý hương, chỉ mở cánh hoa vào ban đêm để tỏa hương, đến hừng sáng thì khép lại. Mùi hương ngào ngạt đến nghẹt thở, nghe như nồng nàn của son phấn, ướt át nhưng nhớp nhúa. Thằng Thỏ nói riết rồi ba nó cũng phải đốn bỏ.
Có lần thằng Thỏ đứng bên cây nguyệt quế hỏi thằng Rùa: Anh thích mùi này hôn?
Thằng Rùa hỉnh hỉnh lổ mũi: Thích chớ.
- Xạo, anh chỉ nói cho em vui bụng thôi, em biết tỏng.
- Thiệt mà, nhưng sao em nói anh không thích?
- Có đời nào nghe anh nói thích mùi này mùi kia đâu.
- Để trong bụng.
- Anh để trong bụng mùi gì vậy?
Thằng Rùa lấy ngón tay nhấn nhấn vô ngực thằng Thỏ: Mùi này nè.
Thằng Thỏ hất tay thằng Rùa ra: Lãng xẹt.
Thằng Rùa híp mắt cười: Lạ thiệt, nói gì cũng không chịu là sao ta.
- Anh chỉ giỏi đánh lộn, ngoài ra chẳng biết khỉ mốc gì.
- Trời! Người ta học võ mà kêu là đánh lộn.
- Chớ kêu là gì? Học võ thì học võ nhưng phải biết cái này đẹp, cái kia hay...
- Hổng lẽ anh phải làm thơ? Ờ, hay em dạy anh đàn đi.
- Thôi thôi, anh làm thơ con cóc thì được. Đừng rờ vô cây đàn của em, tội nghiệp nó. Có mấy cái nốt đồ rê mi mà lộn tới lộn lui, nói gì tới khóa fa với khóa sol. Không thèm nói chuyện với anh nữa.
- hehe...
|