Sau Cơn Mưa (Kokubu Karin)
|
|
Con khỉ lai lợn vẫn ung dung thản nhiên hát bài “Đám cưới chuột” ngay cả khi tôi cố tình lao vào ổ gà, mặt nó đập mạnh vào lưng tôi. Chất giọng chua chua hát rock không hợp chút nào. Tuy nghĩ vậy nhưng tôi vẫn cắn răng nai lưng ra chở khối thịt rẽ vào cầu Yên Hoà. Hằng bắt tôi dừng lại ở hàng truyện gần trường Tiểu học cơ sở Yên Hoà, đợi nó vào trả truyện.
Hôm nay ông thầy bận việc đột xuất gọi điện báo nghỉ học, vậy là Hằng ở lại xem phim với bé Mai. Càng ngày tôi càng thấy con gái đúng là điên không để đâu cho hết, rõ ràng sợ ma mà cứ đòi xem phim ma. Hằng và bé Mai hết hét lại ôm chặt nhau mỗi lần đến đoạn gay cấn. Mẹ tôi cũng không ngoại lệ, ngồi xem mà cứ giật mình theo diễn biến của phim. Có ba và tôi ngồi sửa quạt gần đó mà phải nín cười mãi. Con gái luôn là ẩn số đối với tôi.
Sau khi vứt con khỉ lai lợn ở cổng nhà nó, tôi phóng xe thật nhanh. Bây giờ cũng tầm 10h30 rồi, không nên đi đường chùa Nền, gần nhưng tối om không bóng người không ánh điện. Tôi đi dọc đường Láng, vẫn có xe cộ qua lại, ánh đèn cao áp làm đường sáng hơn. Đang đạp xe ngon trớn, tôi cảm thấy có người đi theo, tiếng xe máy chạy chầm chậm phía sau, luôn giữ một khoảng cách nhất định. Giờ này có hét lên khi gặp nguy hiểm cũng không có ai giúp, đó là điều chắc chắn. Chân đạp nhanh hơn, tôi không muốn gặp rắc rối vì bất cứ lý do gì. Kẻ đi sau cũng tăng tốc nhưng khoảng cách luôn được giữ nguyên. Nghi ngờ của tôi đúng, hắn đang nhắm vào tôi.
Rẽ nhanh sang đường, vòng vào cái cột to đùng mà mọi người hay gọi là cổng chùa, tôi phi xe nhanh hơn. Ngoặt tay trái, ao Phủ dần hiện ra trước mắt, nỗi lo trong tôi giảm dần. Ở đây toàn nhà quen biết, chỉ cần tôi hô to, người dân sẽ ùa ra dần cho kẻ đi theo một trận ngay. Sự an tâm khiến tôi đi chậm lại, chiếc xe máy cũng chậm theo. Tới khoảng giữa ao Phủ, nơi mẹ tôi ngồi bán nước sát cầu ao thì dừng lại luôn, tôi muốn biết hắn cần gì ở tôi mà đi theo cả đoạn đường nhưng không hề làm gì như cướp giật hay bắt cóc. Chiếc xe từ từ trờ tới, ánh đèn đường cao áp làm tôi ngạc nhiên khi nhận ra kẻ theo sau là ai :
– Ủa? Sao lại là thầy?
Ông thầy gia sư bận việc xin nghỉ buổi dậy đang đứng trước mặt tôi, khuôn mặt hiền hơn khi nụ cười xuất hiện trên môi :
– Sao Hải chưa về? Đứng đây làm gì?
– Thầy giáo, người hỏi là em chứ không phải thầy – Nhịp đập nhanh vì lo lắng đang dần trở lại bình thường, tôi hỏi thẳng – Thầy đi theo sau làm gì?
– Tôi giải quyết xong công việc nên muốn đến xin lỗi vì đã nghỉ dậy, chỉ vậy thôi.
Gió đưa mùi hăng hắc thôi thối từ dưới ao lướt nhanh qua cánh mũi lành lạnh. Không thích đứng đây lâu nhưng bản tính tò mò khiến tôi thắc mắc :
– Không phải thầy đã gọi điện xin lỗi trước rồi sao?
-……
Không có câu trả lời. Gió vẫn nhè nhẹ đi qua quấn lấy mái tóc vốn đã rối của tôi bay bay, ánh sáng màu vàng nhạt chiếu xuống khuôn mặt với nước da nâu sậm trong im lặng. Vài kiốt gần đó tắt đèn trong nhà, việc chấm dứt sinh hoạt của người dân cũng góp phần vào sự tĩnh lặng của đêm đen.
– Hành động của thầy khiến người khác nghi ngờ đấy. Thầy đi theo em từ lúc nào?
Giọng nói hơi khàn vang lên, một mùi rượu thoảng qua, hoà vào gió, lướt nhanh đến cánh mũi tôi :
– Từ lúc Hải đưa Hằng về.
– Hả??? Ngay từ lúc đó?
– Ừ.
– Sao mình không biết nhỉ – Nhíu mày, tôi nhớ đến bản rock Hằng vừa hét và biết lý do vì sao.
– Hải về đi không cô Thi lại lo – Ông thầy nhắc khi thấy tôi đang nhăn mặt rủa thầm con béo.
Nhìn thẳng vào mặt ông thầy, nhưng dù có ánh đèn tôi vẫn không biết đôi mắt đó có biểu cảm gì, chỉ thấy màu đen sâu thẳm. Muốn hỏi nhiều điều, muốn thắc mắc lý do cho hành động vừa nãy nhưng tôi biết là khá muộn, về thể nào cũng bị mẹ chất vấn. Ông thầy còn dạy học, còn nhiều cơ hội để hỏi …Nhắc đến học là khuôn mặt bánh bao của Hằng hiện ra trước mắt. Biết đâu ông thầy đi theo vì con béo này? Chẳng phải có lần ông thầy nói nó là người con gái đẹp nhất hay sao? Yên tâm với phỏng đoán trong đầu, tôi ngồi lên yên thì ghi đông bị giữ lại :
– Hải cũng giống tôi phải không?
– Hả???
Tôi là gay.
Toàn thân rúng động, luồng điện chạy dọc sống lưng lan toả ra các đầu ngón tay, đầu lưỡi tôi tê cứng, mắt nhìn chăm chú vào người đối diện.
– Tôi là gay.
– Thầy…thầy nhận ra khi nào…
– Đêm hôm rồi, có để người khác ngủ không – Tiếng hét của chú Hinh vọng từ một kiốt gần đó, ánh đèn trong nhà tắt phụt.
Ông thầy giật mình tắt máy, tôi cũng nhận ra sự vô ý nãy giờ.
– Hải về nhà đi. Chúng ta nói chuyện sau.
|
Biết đứng lại thêm sẽ gặp rắc rối, nhỡ chú Hinh mở cửa ra thì nguy. Tôi nhìn ông thầy rồi phóng xe đi.
Ông thầy là gay? Người dạy học hơn tháng nay cũng giống tôi? Cái người có dáng chạy như ba, cái người phụ giúp dọn hàng, cái người có lối nói chuyện giản dị và dễ gần đó, cũng là người đồng tính? Đồng tính? Đúng rồi gay kín nếu không nói thì không ai biết đó là gay. Điều này tôi được biết ở những diễn đàn và bản thân tôi là một ví dụ. Nếu tôi không nói thì Hằng không biết tôi là gay, nếu tôi không vào mạng ở máy anh Khải thì ảnh cũng không biết tôi là người đồng tính, là người có xu hướng tình dục với người đồng giới. Hoàn toàn không biết nếu không nói, vì gay kín có lối sống, sinh hoạt, cách cư xử rất đàn ông, nhiều người còn mạnh mẽ lịch lãm hơn straight nhiều.
Nên vui hay nên buồn khi biết bên cạnh có một người đồng tính giống mình? Nhớ không nhầm, có lần tôi đọc bài nào đó nói “gay là những chàng trai bị trời đày”. Không ai muốn sinh ra khác mọi người, không ai muốn bản thân bị xa lánh bởi cái vốn có. Vậy tôi phải vui hay buồn khi thế giới thứ ba kết nạp thêm một nhân mạng?
~~~~~~~~~~~~~~~
– Có thể nhận ra người đối diện là gay chỉ ở sự quan sát không anh?
Dòng chữ xuất hiện trên màn hình ngay sau đó :
– Đối với gay lộ rất dễ nhận ra, còn gay kín thì khó lắm. Anh quen một gay kín 35 tuổi, đứa con lớn đã 7 tuổi, gia đình êm ấm, nhìn vào hạnh phúc đó có ai nghĩ ông chồng là gay đâu.
– Anh ta có yêu vợ không? – Áng mây sẫm màu lướt nhẹ qua, nó làm vết sẹo đang kéo da non nhói đau.
– Câu hỏi này anh xin từ chối trả lời. Người trong cuộc mới hiểu hết cảm giác đó, nhưng anh muốn nói “không phải ai cũng là Mắt_buồn đâu”.
Biết Mưa_trong_nỗi_nhớ lo lắng nên tôi gõ nhanh bàn phím :
– Em quên Mắt_buồn rồi, đừng nhắc đến nữa.
– Anh nghĩ bốn tháng đủ để em lấy lại nụ cười cũng như nhiều thứ trong cuộc sống. Anh sẽ không nói việc đó nữa.
Mưa_trong_nỗi_nhớ đúng là hiểu tâm lý người khác, cảnh báo nhưng cũng không quên truyền niềm tin. Tôi đổi đề tài hoà theo sự dẫn dắt của anh :
– Anh biết vì sao em hỏi vậy không? Chuyện là thế này ….
Tôi kể về ông gia sư cho Mưa_trong_nỗi_nhớ nghe, từ việc đụng xe đến những giờ học vui vẻ, rồi cái lần ông thầy dọn hàng trong mưa với tôi, cả việc đi theo cũng kể ra.
– Sau lần đi theo, em và ông thầy chưa có cơ hội nói chuyện riêng. Anh nghĩ sao về việc này?
– Nghĩ về ông gia sư hay nghĩ về chuyện hai người?
Tôi không biết khuôn mặt Mưa_trong_nỗi_nhớ có biểu hiện gì nhưng cách hỏi bao quát tất cả không nhầm vào đâu được, đích thị là người lớn trong tuổi trẻ con.
– Cả hai.
– Ông gia sư thì anh chỉ dám nói, đó là người đáng sợ. Đáng sợ không phải kiểu của Mắt_buồn mà là cái thâm trầm nhẹ nhàng bình tĩnh đi vào quỹ đạo đã vạch ra.
– Em không hiểu ý anh.
– Tức là những thứ bình dị giản đơn của cuộc sống hàng ngày cũng có thể ẩn chứa nhiều tình ý. Em nghe câu “mưa dầm thấm lâu” chưa?
Tôi cười toe toét khi hiểu hàm ý của dòng chữ trên màn hình :
– Cách anh nói làm em nghĩ “ông thầy …iu em”.
– Anh từng nói “Anh đố ai đó tiếp xúc với em mà không yêu em” phải không nào?
– Đừng nói anh cũng yêu em nhé? – Nụ cười kéo rộng qua hai bên, tôi thấy vui vui trong lòng.
– Anh yêu người anh yêu.
– Lại thế! Này, kể về tên đó đi ….
Đề tài chuyển sang người nào đó, cái người mà Mưa_trong_nỗi_nhớ luôn nhắc đến với những lời ngọt ngào yêu thương. Nhưng dù dụ dỗ trên dưới chục lần, vẫn không khai thác được dù chỉ bằng ngón tay.
Cái kiểu trả lời khôn khéo này giống y tối qua, lúc Hằng hỏi nick yahoo của ông thầy. Ông thầy bảo không thích onl yahoo, chỉ vào những diễn đàn đọc tin tức thôi. Con béo vẫn không buông tha, nó dò hỏi web hay vào nhưng chỉ nhận được nụ cười bí ẩn :
– Nói ra để cô bé vào đó phá tôi hả?
Trong tích tắc, ánh mắt tôi và ông thầy chạm nhau, tôi hiểu ngay đó là web gì. Mưa_trong_nỗi_nhớ và ông thầy có một điểm chung, đó là quá bí ẩn dù “trải” ra rất nhiều, nhưng cái lấy ra chỉ là giọt nước trong biển thôi.
~~~~~~~~~~~~~~~~
– Đợi tao vài phút – Hằng buông gọn rồi chạy vào hàng truyện.
“17 tổi rồi còn đọc truyện tranh, con béo này đúng là điên”. Miệng lẩm nhẩm, tôi nhìn con béo đang chọn lựa truyện trên quầy. Vẫn như mọi hôm, tôi làm culi đưa nó về nhà sau những giờ học gia sư. Lần nào cũng giống lần nào, trước khi về nhà Hằng luôn bắt tôi dừng lại để nó thuê truyện mới.
Cảm thấy nhồn nhột sau gáy, tôi quay lại và sững người. Cách đó không xa, dáng người cao gầy ngồi im lặng trên xe nhìn tôi chăm chú. Ánh đèn đường không đủ soi rõ khuôn mặt nhưng tôi nhận ra đó là Phùng Hiếu Nguyên_ông thầy vừa dạy học tôi và Hằng.
– Ê, đi thôi mày – Giọng nhí nhảnh của Hằng làm tôi giật bắn, nó đi ra với chồng truyện trên tay – Đêm nay tao sẽ luyện xong đống này.
Không dám quay lại nhìn, tôi sợ Hằng nhận ra sự có mặt của người không nên có mặt vào lúc này.
– Bye!
Không thèm chào đàng hoàng, Hằng đóng cánh cửa sắt đánh rầm. Quá quen với kiểu vô ơn của nó, tôi quay xe và mắt liếc sang hai bên đường tìm kiếm. Chỉ vài giây sau, con wave trờ tới đi song song. Lần đầu tôi đưa khỉ lai lợn về nhà mà lại có người đi cùng như vậy, sự khác lạ làm tôi im lặng. Đi qua cầu Yên Hoà, người lên tiếng trước là ông thầy :
|
– Tôi chỉ muốn có không gian riêng tư, Hải không ghét chứ?
– Tại sao?
– Nếu tôi nói “ Tôi thích Hải”?
Tiếng xe máy phía sau ồn ào, ba con xe phân khối lớn phóng vụt lên, tiếng chửi tục vang lên khắp đường. Khi những cậu ấm mất dần vào màn đêm, tôi nói một câu không ăn nhập chủ đề :
– Tình yêu của gay = tình dục + thuỷ chung. Thầy nghĩ sao về việc này?
– Tôi thấy đúng. Tình dục cũng là yếu tố quan trọng trong tình yêu. Khi hai tâm hồn hoà hợp với nhau, ngoài những chăm sóc lo lắng cuộc sống hàng ngày, ngoài sự chân thành của tình cảm thì sự thăng hoa của cảm xúc cũng góp phần không nhỏ. Nó làm tình yêu bền vững hơn theo nhiều khía cạnh.
– Sự thăng hoa của cảm xúc? – Không phải người dốt văn nhưng những từ ông thầy dùng đã làm tôi quay sang tò mò.
– Khi nào Hải quan hệ với boyfriend, người Hải yêu và yêu Hải, Hải sẽ hiểu sự thăng hoa của cảm xúc là như thế nào.
Đột nhiên tôi nổi giận vô cớ trước từ boyfriend :
– Tôi chưa có boyfriend!
Cũng nhận ra sự không vui trong giọng nói của tôi, ông thầy im lặng chạy chầm chậm bên cạnh. Ngay sau khi đi qua cổng chùa, ông thầy đã mở miệng :
– Tôi có cơ hội không Hải?
Hít thật sâu, tôi thu lấy làn gió mát lạnh vào buồng phổi rồi trả lời với nhịp đập đều đều của trái tim, Mưa_trong nỗi nhớ luôn đúng.
– Hiện tại cảm xúc của em chỉ là học trò và thầy giáo, không hơn không kém. Em cũng chưa muốn bước chân vào chữ yêu lần nữa. Hãy cho em thời gian để trả lời.
Trong khi nói, tôi quay sang nhìn nên có nhận ra nụ cười nhen nhúm hạnh phúc của người đàn ông đang chạy xe song song :
– Người nói câu này phải là tôi. Hãy cho tôi thời gian để chứng minh tình cảm của mình nhé?
– Thời gian? – Gật gù, tôi cười cười khi đi qua nơi đã đứng nói chuyện với ông thầy trong tối hôm đó – Ừ, thời gian vừa là câu trả lời vừa là bằng chứng xác thực nhất……
Bản nhạc vui nhộn làm tôi nhịp nhịp tay lên bàn, đầu gật gù rất tâm đắc. Trong lúc chờ đến giờ học gia sư, tôi mò mẫm ngăn bàn và tìm thấy chiếc đĩa không có vỏ. Nghĩ mãi không ra đó là đĩa gì và đã bị lãng quên bao lâu, cuối cùng tôi nhét nó vào ổ và rung đùi nghe. Lại tiếng Anh, dĩ nhiên không hiểu nhưng giai điệu hay khiến tôi cứ cười mãi.
– Hải! Hải ơi – Giọng ai đó ở cổng đang gọi tên tôi nghe rất quen – Hải, em có nhà không đấy?
Bây giờ tôi đã biết chủ nhân của giọng đó là ai, vội vàng phóng xuống mở cửa. Hôm nay ông thầy đến sớm hơn mọi khi và con béo thì ngược lại.
– Chắc thầy đến thông báo được nghỉ nên đi sớm phải không? – Mở rộng cổng, tôi hỏi luôn.
Vừa dắt xe ông thầy vừa cười hiền, nụ cười cứ như …nội mỗi lần trách yêu tôi :
– Chỉ được cái lười học – Ông thầy dựng chống xe rồi nhìn thẳng vào mắt tôi – Hải không thích tôi đến sớm hả?
Ánh nhìn rất hiền nhưng những tia sáng trong đó như đang lẫy. Không biết tôi có nhầm không vì ngay sau đó nụ cười lại bừng sáng trên gương mặt ông thầy. Bất giác tôi cười theo, cười cũng là cách trả lời nhưng kiểu trả lời khôn lỏi không được ông thầy chấp nhận. Trước khi tôi bước lên nhà thì cánh tay đã bị giữ lại :
– Hải chưa trả lời câu hỏi của tôi.
Hơi ấm từ bàn tay to lớn phủ nhanh lên cánh tay, ngấm vào mạch máu, lan toả ra xung quanh. Theo phản xạ, tôi lùi lại và hất mạnh, cánh tay ông thầy rơi thõng xuống đến tội nghiệp. Chút sửng sốt hiện lên trong mắt người đối diện, càng nhìn lâu tôi càng thấy nỗi buồn len lỏi không chỉ trong mắt mà còn nhen nhúm mờ mờ qua gương mặt. Cái biểu cảm này làm tôi thấy mình vừa phạm lỗi gì đó rất nghiêm trọng, nó làm tôi không biết cách nào thoát ra khỏi tình trạng khó xử. Tôi không quen bị bất ngờ chạm vào người, nhất là chạm vào da thịt, nó rất khó chịu, sự sợ hãi đẩy tôi đến hành động gây tổn thương cho người khác. Tôi không thích ai chạm vào người hết.
– Xin lỗi!
Tiếng xin lỗi chìm ngỉm trong tiếng hét của bé Mai :
– Anh Hải..cứu em…Hu hu hu…
Tôi lao nhanh lên tầng, ông thầy chạy ngay phía sau. Đập vào mắt là bé Mai đang nằm co quắp trên sàn nhà, hai tay ôm chặt bụng :
– Đau…đau…anh Hải …huhuhuhu…ư ư…
– Mai, em sao thế này – Tôi vội vàng ngồi xổm cạnh bé Mai, đầu óc trở nên bấn loạn. Ba trực đêm, mẹ qua nội, mà con bé đang ràn rụa nước mắt, khuôn mặt trắng nhợt.
– Ư ư …đau – Vòng tay bé Mai siết mạnh quanh bụng, rên rỉ đứt quãng.
Cả người con bé được bế lên, vừa ôm chặt bé Mai ông thầy vừa nói :
– Đến bệnh viện ngay. Hải đi tìm mẹ về, anh sẽ đưa cô bé đến bệnh viện.
Cái dáng gầy gầy chạy nhanh xuống tầng, tôi vội vã chạy theo và chỉ kịp bấm khoá cửa. Ngay từ lúc ra khỏi cổng, ông thầy rẽ trái làm tôi hét với theo :
– Đường này, đường này mà thầy?
– Đường này nhanh hơn – Vẫn ôm chặt bé Mai, ông thầy chạy sâu vào trong ngõ rồi rẽ ra đồng.
Những cây canh giới tía tô mọc thẳng hàng cao chừng 10 phân đổ rạp bởi những bước chân vội vã. Men theo đường mòn nhỏ xíu, ông thầy cúi đầu chui vào cổng phụ của bệnh viện Đường Sắt, đi ngang qua nhà dân làm mấy chú chó bị xích gần đó sủa inh ỏi. Bé Mai được đưa ngay vào phòng cấp cứu, bác sĩ đoán con bé bị đau ruột thừa. Cánh cửa phòng mổ vừa đóng lại cũng là lúc có bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi :
– Hải, bảo em đi tìm mẹ sao còn ở đây?
– Em…- Hơi thở dồn dập, tôi quay lại nói giọng nghèn nghẹn – Bé Mai …sẽ không sao chứ? Tôi…em…
– Không sao đâu – Bóp nhẹ vai tôi, ông thầy trấn an – Mổ ruột thừa nhanh và đơn giản lắm, Hải đừng lo.
Không hiểu sao giọng nói nhẹ nhàng lại làm tôi yên tâm rất nhiều. Cứ như bất cứ điều gì toát ra từ bờ môi kia đều đúng và sẽ đúng. Sự yên tâm khiến tôi chợt nhớ ra điều quan trọng :
– Chết, cần báo cho mẹ biết – Tôi dợm bước đi – Em phải đi gọi điện, mẹ đang ở bên nội.
– Hải – Cánh tay tôi bị giữ nhẹ, chiếc di động giơ ra trước mắt – Em gọi cho cô Thi đi.
– Nhưng…
Mắt nhìn chăm chú vào cục gạch trên tay, ông thầy cắt ngang :
– Số điện thoại bên nội là gì?
Tuy hơi ngại nhưng lúc này mẹ có mặt sớm lúc nào hay lúc đó. Tôi đọc số và nhận cục gạch màu đen từ tay ông thầy. Sau khi nói nơi tôi đang đứng thì mẹ bảo sẽ lên ngay, ở nguyên đó.
Xoay truớc xoay sau con nokia, tôi chợt giật mình vì ông thầy đã biến mất. Cả dãy hành lang chỉ có vài bệnh nhân đang đi lại chậm chạp trong màu áo bệnh viện, ngoài ra có mỗi mình tôi với màu áo đen lạc lõng.
– Hải, em nhìn gì vậy?
Tim tôi tưởng chừng nhảy khỏi lồng ngực, quay phắt lại và bắt gặp nụ cười hiền. Sao ông thầy đi nhẹ thế, cứ như mèo đi …Tôi mở to mắt nhìn bàn chân trần trước mặt :
– Thầy…lúc nãy thầy không kịp xỏ dép hả?
– Hả?? – Cũng ngạc nhiên không kém, ông thầy nhìn theo ánh mắt tôi – Ờ nhỉ! Sao anh không nhận ra mình đi chân đất nhỉ?
Tôi im lặng nhìn ông thầy, không biết nói gì vào lúc này. Thấy ánh mắt đó, ông thầy kéo tay tôi đặt vào một thứ mát lạnh :
– Hải uống nước đi!
Vẫn im lặng không nói, tôi xoay xoay lon sữa dừa trên tay khiến ông thầy ngạc nhiên :
– Sao vậy? À …- Cầm nhẹ tay tôi, ông thầy dẫn đến hàng ghế gần đó.
Tôi đi theo như đứa trẻ ngoan, miệng vẫn lặng câm không nói. Bật lắp lon, cắm ống hút, ông thầy đặt vào tay tôi ân cần :
– Hải uống nước đi!
|
Mắt tôi dán chặt vào mặt ông thầy, tay cầm lon nước mắt lạnh. Cái lạnh thấm vào đầu ngón tay hơi buốt khiến tôi tỉnh táo nhiều nhưng miệng vẫn ngậm tăm, không làm gì ngoài xoay lon sữa dừa.
– Hải! Bé Mai đâu – Tiếng chân chạy về phía tôi, mẹ nói giọng hổn hển – Nó có sao không? Bác sĩ nói gì?
– Cô, cô bình tĩnh đi. Bé Mai trong phòng mổ….
Cảm giác mát lạnh giảm dần, tay ướt nước nhưng chiếc miệng vẫn không một cử động, đôi mắt chăm chú nhìn ông thầy thuật lại mọi việc với mẹ. Nghe xong mẹ rối rít cảm ơn ông thầy rồi sốt ruột đi qua đi lại trước cửa phòng mổ. Tâm trí mẹ hoàn toàn đặt vào sinh mạng bé nhỏ phía sau cánh cửa kia nên cũng không nhận ra khi ông thầy ngồi xuống cạnh tôi :
– Hải ghét anh lắm hả – Giọng nói hơi thì thầm, ông thầy đưa mắt nhìn lon sữa dừa đầy hàm ý – Ghét anh nhưng lon sữa dừa đâu có tội. Sao Hải ghét lây nó?
Dù đang lo cho bé Mai nhưng tôi không khỏi phì cười trước câu trách móc khôn khéo. Ngậm ống hút, dòng sữa ngọt ngọt mát lạnh trôi vào họng khiến tôi thấy tâm trạng nhẹ đi nhiều. Ông thầy cười vui, cứ nhìn tôi chằm chằm làm tôi thỉnh thoảng quay sang mẹ canh chừng. Nhưng mẹ đâu thèm để ý đến 2 người con trai ngồi trên ghế có những cử chỉ mờ ám.
Cánh cửa bật mở, bác sĩ bước ra. Khuôn mặt hiền từ hơi mỉm cười cho tôi biết bé Mai không sao. Vị bác sĩ đáng kính bảo đưa bé Mai vào muộn chút nữa sẽ không cứu kịp, may phát hiện và mổ sớm. Mẹ vừa đi theo chiếc giường có bé Mai nằm vừa rối rít cảm ơn ông thầy. Tôi nghe cô y tá nói phòng bệnh rồi nhanh chân đi ra cổng bệnh viện. Không thể để ông thầy đi chân đất được, phải tìm mua dép đi tạm.
Nhìn đôi dép nhựa trên tay, tôi thấy là lạ trong lòng. Tôi biết tình cảm hện tại đối với ông thầy vẫn như trước, nhưng việc lo đưa bé Mai nhanh đến bệnh viện mà quên cả đi dép, việc này không làm tim rung động thì sự cảm phục và biết ơn cũng phải xúc động đậy. Ông thầy là người tốt hay chỉ vì bé Mai là em tôi nên mới làm thế? Ừ, mà sao chứ? Chỉ cần biết hôm nay nếu ông thầy không có ở đây, không nhanh chân đưa bé Mai đến bệnh viện thì …tôi cũng không biết sẽ ra sao nữa.
Mẹ gọi điện cho ba rồi bắt tôi về nhà, ở bệnh viện đã có mẹ rồi. Ngắm nụ cười xanh xao nhưng không kém phần ngây thơ của bé Mai một lúc, tôi quyết định đi về. Mổ ruột thừa cũng không có gì nguy hiểm, chắc mai con bé sẽ ra viện thôi. Vì muốn nhanh chóng về nhà nên tôi đi đường tắt, lúc này mới nhận ra một việc :
Ơ? Sao thầy không đi dép? Em mua không vừa hả?
– À, ừm …- Nãy giờ vẫn im lặng đi bên tôi, ông thầy hơi giật mình quay sang – Lâu rồi không đi chân trần, Hải để anh… tự do một bữa.
Tự nhiên hai má nóng trong vô thức rồi chuyển dần lên tai, tuy nhìn thẳng phía trước nhưng tôi biết đôi mắt người bên cạnh vẫn dõi theo nhất cử nhất động :
– Em đâu dám, tuỳ thầy mà.
– Hải giận hả – Giọng phân bua vang lên ngay sau đó – Chỉ là anh không muốn làm bẩn dép em mua thôi.
– Thì mua dép để đi, để không bẩn chân chứ ai mua để …cầm tay cho sạch dép? – Tôi mở to mắt nhìn ông thầy khó hiểu.
– Ờ thì…
Vậy là ông thầy nín luôn, không nói gì ngoài việc gãi đầu. Mặc dù rất thắc mắc nhưng câu hỏi chưa kịp thốt ra đã bị giọng chua lè của con khỉ lai lợn cướp mất :
– Mày làm gì mà nhà cửa tối om, gọi mãi không ai thưa…ơ, em chào thầy!
– Hằng hả? Em chờ lâu chưa?
Trong khi ông thầy kể sơ qua mọi việc, con béo cứ nhìn chằm chằm vào đôi chân trần, cuối cùng nó buông gọn :
– Dạ, vậy để em vào thăm bé Mai.
– Mai hẵng đi, đừng nói bây giờ mày đi bộ đến bệnh viện? – Tôi hỏi vì biết thừa con béo này không đời nào đi đường tắt đâu. Cái tính sợ ma của nó sao dám đi đường tối mù và lại đầy cỏ dại chứ.
– Lo gì, tao có xe ôm rồi – Hất đầu về bên trái, Hằng cười toe toét – Hôm nay em xin phép nghỉ buổi học nha thầy.
Người con trai trên chiếc xe gần đó gật đầu chào khi thấy tôi tò mò nhìn. Khỉ lai lợn nhảy lên ôm eo hắn rồi vẫy tay :
– Em đi trước nha.
Tiếng xe máy xa dần nơi góc rẽ sau cột điện. Nhìn ông thầy thật nhanh, tôi mở cửa vào nhà :
– Thầy để em lấy nước rửa chân.
Từ khi rửa sạch đất cát bám trên chân đến khi hai người ngồi trong phòng khách, chỉ có sự im lặng bao trùm lên tất cả. Tôi không phải ít nói nhưng lúc này không tìm ra chủ đề gì để bắt đầu, nhất là đôi mắt đó cứ vuốt ve mặt tôi. Mới đầu thấy bình thường nhưng càng “bị” ngắm tôi càng thấy kỳ. Trừ lúc quen Thăng ra thì trước đến nay toàn tôi lén ngắm những anh chàng đẹp trai, chứ chưa có ai nhìn tôi lâu và trìu mến như vậy. À, cũng có, Duy, nhưng tôi không dám khẳng định ánh mắt hồi đó là gì. Tay ngọ nguậy, mắt chăm chú dán vào màn hình tivi nhưng hai tai đang nóng dần lên bắt buộc tôi phá vỡ sự im lặng :
– Sao thầy biết đường tắt đó? – Tôi nhớ lại cái dáng chạy nhanh của ông thầy cứ như con đường này nằm gọn trong lòng bàn tay, nhắm mắt cũng đi bộ được.
– Hồi trước bạn anh thuê trọ ở gần đây nên anh biết – Mắt tôi chạm nhẹ vào tia nhìn cương trực đó, nụ cười hiền hiền lại sáng bừng – Hình như bây giờ cỏ ở đó mọc nhiều hơn trước thì phải.
|
Tôi gặt nhẹ và nín luôn, đầu óc lại hoạt động tìm ra điều gì đó để phá vỡ sự ngột ngạt không tiếng động. Màn hình tivi đang chiếu cảnh đôi nam nữ đứng dưới mưa hôn nhau rất tình tứ và đẹp, nhưng nhìn cảnh đó tôi thấy không khí cô đặc hơn. Tôi biết mặt mình bắt đầu đỏ vì ông thầy vẫn nhìn, miệng thì nở nụ cười cố hữu nhưng có cảm giác đang nén cười. Cái cảm giác khó chịu xông lên tận óc bủa vây mọi giác quan làm tôi nghẹt thở. Vận dụng chút tỉnh táo còn sót lại, tôi mở miệng hỏi :
– Thầy thích em ở điểm gì? – Nói xong tôi mới biết mình vừa nói gì.
Rõ ràng lý trí muốn hỏi việc bé Mai nhưng cái miệng lại thốt ra điều luôn thắc mắc trong lòng. Hôm nay tôi sao thế này? Tự nhiên hỏi vậy, đảm bảo ông thầy nghĩ tôi vô duyên. Đấy, vẫn nhìn tôi không nói, ông thầy có vẻ đang suy nghĩ lựa chọn điều gì đó. Tuy hiểu rõ ràng là tốt nhất nhưng cách hỏi “thẳng ruột ngựa” nghe thô và kỳ cục ….
– Tất cả! Hải là Hải nên anh thích.
Câu trả lời đơn giản không cầu kỳ cắt đứt mạch suy nghĩ của tôi. Đôi mắt nhìn thẳng tôi không né tránh. Ánh mắt rất lạ nhưng tôi thấy vô cùng an toàn, cánh nhìn cho tôi sự yên tâm tin tưởng. Hít thật mạnh, tôi cố giữ trái tim trở về đúng nhịp đập thường ngày rồi buông gọn :
– Em không tin nhưng em sẽ thử tin.
Giọng nói trầm trầm kèm theo nụ cười mãn nguyện :
– Muốn tin người khác, Hải phải tin vào bản thân mình trước.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
|