Twin, Này Nhóc, Đứng Lại
|
|
Thế mà chạy trời không khỏi nắng, đang cái khúc chuẩn bị cua sang con đường khác, một toán xe máy rít còi vượt vèo qua, hất cho tôi một đống nước-mưa-chưa-kịp-khô lên người. Thảm cảnh vậy đã đành, có đứa còn tay lái lụa bị ép tấp vào lề đường đổ uỳnh lên chiếc xe đạp của tôi.
Chớ ai có lo, đúng như lời thề, tôi đã phóng ngay lên vỉa hè lánh nạn, nhìn hai tên con trai trên chiếc xe với ánh mắt “bà sẽ móc mắt mày ra”.
Nhìn xe đạp bé cỏn con bị chiếc xe vừa to vừa lạ như con ốc sên kia đè lên, tôi không khỏi xót xa. Nhưng chừng nào hai tên khốn kia chưa đứng dậy được, tôi vẫn phải đứng nhìn.
- Đại ca có sao không? – Tên ngồi trước dựng xe dậy, vội vàng chạy lại hỏi thăm thằng ngồi sau. Mấy đứa đểu thế này giọng nói nghe cũng giống nhau nữa. - Không. Đi đứng ẩu thế hả mày.
- Tại con nhỏ này nè đại ca. Nó đi xe đạp khúc cua mà cũng lạng – thằng này chỉ thẳng tay vào tôi thế mới tức.
- Khỉ gió nhà anh. Tôi lạng hồi nào – chỉ là phải né những đứa đi bão kia nên tôi hơi “anh hùng xa lộ” tí thôi, nhưng chuyện đó là tài lẻ cá nhân, mắc mớ gì phải nói với mấy tên này. Hừ.
- Còn không à? Cái con nhỏ này. Biết đây là ai không? – Thằng này già mồm còn chưa chịu tha cho tôi, lại còn hù dọa.
- Thôi được rồi, Thắng.
Tên ngồi sau ngẩng lên với ánh mắt sắc lạnh. Trong cái ánh sáng mờ mờ, tôi nhận ra hắn chính là…
DANH KÍP SAO???
- Oái! – tôi giật mình lùi lại một bước. Hèn chi mình nghe giọng quen quen. Còn thằng đàn em đi cùng là Thắng sẹo chứ còn ai vào đây.
Thắng sẹo nhìn tôi hỉ hả, còn Danh tiến lên một bước, vẻ quan tâm:
- Lúc nãy bị đụng xe em có sao không?
- Không… - tôi trả lời. May mà mặt đang bịt khẩu trang kín mít nên hai tên này kịp thời chưa nhận ra. Nhưng ngay khi tôi có biểu hiện kì lạ, cái nhíu mày đã xuất hiện trên khuôn mặt Danh Kíp. Anh ta suy nghĩ gì đó trong giây lát rồi nhìn tôi chăm chú.
- Em tên gì?
- Hả - Thắng sẹo kêu lên – đại ca quan tâm gì con nhỏ đó.
- Cậu đi sửa xe rồi kêu thằng Thành đến đây chở tôi – Danh ra lệnh, không đếm xỉa đến lời Thắng sẹo nói.
- Nhưng đại ca, xe đâu có…
- Nhanh!
Giờ tôi mới thấy cái uy đại ca của D.K. Thắng sẹo chẳng cự nự thêm nữa, nhanh chóng dựng chiếc xe dậy. Tôi cũng vội vàng chạy lại giúp đỡ hắn, thực chất là để thừa cơ nắm gi đông xe đạp bỏ trốn.
Tên đàn em phóng thẳng đi chẳng kịp chào lấy một câu. Xe chạy tốt thế cơ mà. Những tưởng được an toàn, ai dè Danh ở đằng sau chăm chú quan sát tôi khổ sở với cái vành xe móp xọp, dính sát vào bánh.
- Có cần anh giúp không? – D.K lên tiếng. Không ngờ anh ta cũng có lúc tử tế đến thế.
- Thôi khỏi.
Chẳng kịp để Danh lại gần, tôi phóng từ trên xe xuống, chạy lại nắn cái càng. Đến khổ với mớ sắt gỉ này. May là cơ bắp của tôi cũng được việc, bù lại cho bao nhiêu năm bị người ta “vật cho bầm người”.
- Chà! Em khỏe thật nhỉ - anh ta chép miệng rồi phán khi thấy cái xe đạp kêu rắc một tiếng.
Tôi quay lại nhìn Danh Kíp, vừa ngạc nhiên vừa tức. Con gái mà khen “khỏe” kiểu đó khác nào nói kháy cơ chứ. Tôi khỏe kệ tôi, liên quan gì đến… con cún nhà anh ta. Mà sao cái tên này hôm nay lắm mồm thế, hay hắn phát hiện ra gì…?
Vớ vẩn. Cái bộ dạng quê mùa này của tôi thì ai nhận ra. Có điều đứng với tên đàn anh này để tán phét cũng chẳng hợp, huống hồ tôi còn sởn gai ốc cái vụ hôm bữa. Chuồn đi là thượng sách.
Nghĩ là làm, tôi trèo lên yên xe, đưa một chân lên để đạp. Bất thình lình, Danh nắm cái yên sau khiến tôi hụt bước.
Quay lại nhìn anh ta với đôi mắt tóe lửa, tôi hằm hè:
- Vụ gì đây? Tôi không xin tiền bồi thường.
- Anh đâu có gì… Em có thể bỏ khẩu trang ra không?
- Anh là gì mà dám yêu cầu tôi? – nói vậy thôi chứ trong người tôi đang run bắn lên. Chẳng lẽ Danh Kíp nhận ra cái bản mặt này rồi.
- Không, chẳng là gì cả - Danh nhìn tôi kĩ hơn. Khỉ thật. Cái mặt mình lúc nào cũng bị đem ra soi mói.
Một nụ cười khẽ nở trên khuôn mặt Danh khiến tôi đứng tim – không phải vì rung động mà là hết hồn. Anh ta mở miệng chuẩn bị nói, tôi cũng nắm tay chuẩn bị…
- Em có quen ai tên Thanh Phong...?
Bốp.
Cú đấm gọn lỏn ngay giữa khuôn mặt đẹp trai được tôi căn rất “chính xác”, đảm bảo không gãy mũi thì cũng bầm mắt. Tôi chẳng giỏi giang gì lắm, chẳng qua việc này quá bất ngờ mà Danh lại không hề đề phòng. Anh ta kêu lên khe khẽ rồi lấy tay che mặt, người hơi gập xuống.
Gây thương tích cho người ta xong thì bạn sẽ làm gì? Tôi thì lên xe chạy thẳng, dù là xe đạp cũng hơn chạy bằng chân.
Danh giơ tay lên định níu tôi lại nhưng bị hụt. Trước khi tôi đi đủ xa, anh ta còn gọi với theo:
- Lần trước em cũng như thế…!
Lần trước là lần nào? Cái lần tôi đi cùng Thanh Phong bị bắt giả làm bạn gái hắn hay lần gần đây nhất khi tôi tương cho anh ta một cú vào chân nhỉ.
Thôi chết – tôi vỗ trán – có khi hắn nhận ra tôi là con nhỏ bạn gái quê mùa của Thanh Phong nên mới hỏi thế. Đúng là chạy trời không khỏi nắng.
- Mà sao dạo này mình xui thế chứ? Toàn đụng độ thứ dữ không à – tôi hét toáng lên, quên mất là mình đang chông chênh hai bánh xe đạp giữa đường.
- Mẹ ơi chị kia có vấn đề.
Tôi quay sang lừ mắt nhìn thằng nhỏ vừa phán câu đó. Nó chẳng có vẻ gì là sợ hãi, còn đưa cây chả cá lên miệng như trêu ngươi. Bà mẹ đang lái xe cũng cố ngoái lại nhìn tôi. Một tín hiệu phát ra rõ ràng rằng chị ta sẵn sàng xuống xe “xử lí” tôi.
- Em làm dính xiên chả vào áo rồi kìa cô – tôi cười tinh quoái, lướt mắt xuống chiếc áo bằng vải trắng chắc chắn không ít tiền.
Người phụ nữ nghe thế giật mình ré lên, vội vàng tấp xe bên vệ đường kiểm tra trong khi tôi gù lưng rẽ sang hướng khác.
Hôm nay mình gây sự nhiều quá rồi.
|
Chap 11
Tất cả chỉ là một vụ sắp đặt.
- Em không tìm ra được thông tin gì về việc Anh Thư học võ, chỉ có mấy tấm hình này.
Mớ giấy gói hình được trải dài trên bàn. Bọn đàn em định ghé mắt nhìn, nhưng cuối cùng bị đuổi xuống nhà dưới hết. Chỉ còn Thắng sẹo là đứa có công tìm kiếm được ở lại.
- Đại ca thấy lạ không. Anh Thư mà lại đi một mình những chỗ vắng vẻ thế. Mà nghe nói hơn tuần nay Tỉ Tỉ không đi học rồi.
Danh chau mày. Càng ngày cô nhóc “không đội trời chung” làm cậu suy nghĩ càng nhiều. Chưa bao giờ đại ca Danh Kíp phải bỏ công ra theo dõi một ai, thế mà…
- Như em thì chẳng bao giờ muốn bỏ công ra xem kẻ thù của mình tự dưng biến đổi khác người như thế nào.
Thắng đã lỡ lời, nhưng chỉ đến khi nhìn thấy cái trừng mắt của Danh Kíp, nó mới vội vàng cụp vòi đi giật lùi. May sao đại ca nó hôm nay không khó tính lắm.
- Tối nay cậu rảnh không? Chở anh đi dạo phố cái.
Thắng sẹo nhìn đại ca không chớp mắt:
- Chẳng lẽ đại ca định bão? Nhưng Bàng đại ca đã cấm…
Thêm một cái trừng mắt nữa. Lần này thì Thắng sẹo chạy thẳng xuống dưới nhà.
- Khi nào muốn đi thì đại ca hú em trước 5 phút.
** ** **
Tối nay trời không trăng, gió nhẹ. Rất thú vị để khám phá một điều gì đó.
- Chạy nép sang bên phải một tí đi.
Danh Kíp chỉ tay khi thấy một bọn đi “bão” phóng vèo qua. Nãy giờ chỉ được giữ ở tốc độ “nhanh hơn con rùa một tí”, vừa được lệnh là Thắng sẹo phóng thẳng.
- Anh! Có thấy con nhỏ gồng lưng đi xe đạp tức cười chưa kìa. Mà cái dáng nó quen quen.
- Mày lo tập trung đi – Danh Kíp đổi giọng.
Vi vu buổi tối, những cơn gió lùa vào từng ngõ ngách và cả trong lòng. Bản thân không biết mình đang nghĩ gì, chỉ đi theo tiếng gọi của suy đoán, và cảm xúc…
- Nép sát nữa được không?
- Đại ca… sát nữa thì bị cuốn luôn đấy.
- Đại ca nói thì mày cứ làm theo đi.
Những chiếc xe đua “bão” cứ nhắm mắt nhắm mũi mà phóng, hút tất cả xe xung quanh theo vòng đua của nó.
Kết quả là “Ầm”. Cả chiếc xe và con nhỏ gồng lưng đạp xe ngã xuống. May mà cô bé kia nhanh chân chạy ra. Anh cười thầm.
….
- Khỉ gió nhà anh…
Giống mà không giống. Ước gì mình được thấy mặt cô bé.
Bốp.
Đau thật. Con gái mà ra đòn mạnh như thế. Nhưng lần này thì giống quá rồi…
** ** **
Vừa bước vào shop, tôi đã bị Dương mắng té tát. Nào là đã hay cúp làm mà còn hay ý kiến ý cò, đi làm trễ mà cứ nhiều chuyện (mấy cái này đâu có ăn nhập với nhau). Sau một hồi ca thán, bà Dương quyết định trừ nửa tháng lương của tôi “cho biết mặt”.
- Chị ơi tha cho em mà – tôi hạ mình năn nỉ, làm khuôn mặt thảm nhất có thể.
- Phải lấy làm gương – Dương cứng giọng.
- Thế bù vào phần của em nhé – Bình Nhi nhanh nhảu. Hôm nay nó mặc cái váy đến là dễ thương.
- Ở đâu ra – chị Dương quoắc mắt.
- Nhưng em phải làm thay phần những khi nó nghỉ mà chị!!! – Nhi chỉ tay về phía tôi phàn nàn. Chậc, đụng đến tiền bạc thì ai cũng “thật thà” cả.
- Đừng tưởng tôi không biết thằng Kiên nó về rồi, cô suốt ngày chỉ kiếm đường mà chuồn sớm.
Hóa ra Kiên anh đã về. Hèn chi con nhỏ điệu đà, mặt tươi rói như cá mới vào chợ. Không hiểu khi người ta yêu thì có ma lực gì mạnh mẽ thế nhỉ? Đến lúc đó liệu tôi có đỡ cái bộ dạng “côn đồ” + “bà già” đi không nhỉ.
Nhi nghe thế chỉ cười mà không than thở thêm gì. Nó cười rồi biến mất hút sau hàng sách. Còn tôi cũng nhanh nhẹn đi thay đồ để bắt đầu công việc.
Lúc cột chiếc tạp dề, chị Dương bỗng nói với tôi, mắt không rời chậu sương rồng.
- Mà chắc chị không trừ tiền em đâu Thư.
Dương mỉm cười làm tôi sinh nghi. Bà này lại bày trò gì nữa đây. Bình thường có bao giờ mở lời đặt vấn đề có lợi cho tôi đâu, toàn la mắng với tán trai.
- Đừng trố mắt nhìn chị như thế. Có lúc chị cũng giống thiên thần đấy chứ nhỉ - Dương cười tươi hơn nữa.
Tức thì Nhi từ phòng bên phóng qua phản kháng:
- Thôi đi. Đấy là tại họ hàng của Thư đến đặt hàng ủng hộ nên chị mới khoái chí như vậy. Đặt nhiều tiền cỡ đó thì phải làm khách hàng thân thiết luôn rồi.
Dương nhìn tôi hí hửng:
- Lần này là lần thứ ba rồi. Đặt hàng mỗi lần tính cỡ chai.
Tôi làm gì có họ hàng giàu có đến mua quà giúp mình đến như thế chứ? Hay lại xuất hiện thêm một bà cô kếch xù vớt mình thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ này?
- Là ai vậy chị? – tôi hỏi, cố nuốt nước miếng để kìm mường tượng việc giấc mơ thành sự thật.
- Thư có anh họ đã từng đến đây rồi còn gì – Nhi nhìn tôi – anh ấy có vẻ nhiều tiền nhỉ.
Chết thật. Thanh Phong đến đây á? Hắn làm gì ở chỗ tôi làm thêm? Không phải đến để gây sự hay gài bẫy gì chứ?
Tôi há miệng ngạc nhiên.
|
- Ừ, nghĩ cũng lạ. Hoài Thư là thế mà có ông anh vừa dễ thương vừa tốt tính. Cứ lần nào nó cúp làm là y như rằng anh họ lại đến thăm cửa hàng, báo hại mình muốn giận cũng chẳng được – Dương nhìn Nhi, gật đầu lia lịa.
- Em thì làm sao cơ chứ - tôi nhanh chóng phản đối.
- Xì! Nhìn lại bộ dạng mình kìa.
- Ừm, anh họ cậu thật là tốt. Nếu không vì anh ấy có người yêu thì mình cũng ráng bỏ Kiên để lấn tới rồi.
Nhi nói xong hùa vào cười với Dương lúc này đang giơ ngón tay cái đồng tình.
- Phong… à không, anh họ mình có người yêu? – tôi ré lên – làm sao mà hai người biết được.
- Chỉ là đoán thôi em – Dương nói – cậu ấy đặt một bó hoa ngoại hơi bị hoành tráng vào thứ 3 tuần sau, dặn là chiều tối sẽ đến lấy.
- Một bó hoa thì ăn nhằm gì? – tôi cãi.
- Nhưng trước khi mua anh họ em đã hỏi ý nghĩa của loại hoa ấy cơ mà.
- Hoa… gì chị… - tôi lắp bắp.
Tức thì Nhi chỉ tay về cuối phòng, nơi sắc vàng của những chùm hoa nhỏ được mang về từ Australia rực lên trong không gian. Loài hoa không đẹp kiêu sa, nhưng nó khiến cho người ta nhìn thấy lại nao lòng. Cây hoa được trồng hoang dã nên khi đưa về đặt trong phòng kín, nó buồn như lòng chàng trai với tình yêu chưa được nói ra.
Hoa Minosa tượng trưng cho tình yêu thầm kín.
Và…
Thanh Phong yêu thầm ai đó.
Nhưng là ai mới được?
Tôi lắc đầu để xóa tan những ý nghĩ quoái gở bắt đầu xuất hiện. Dương đặt một tay lên vai tôi:
- Con nhỏ này lạ nhỉ. Anh họ có người yêu thì nó phải là người đầu tiên biết chứ?
- Sao em phải biết – tôi bướng.
- Ừ, vậy đừng có làm cái mặt đơ ra thế kia và làm việc đi em.
** ** **
Kết thúc ca làm thêm lúc 9h rưỡi, tôi mới bước ra ngoài vỉa hè đã trở lạnh. Nhìn lại chiếc xe đạp yêu qúy bị mấy cú va chạm làm cho te tua, tôi nao lòng không biết kiếm tiền sửa bằng cách nào.
Chị Dương bước ra khóa cửa, thấy vẻ mặt sầu thảm của chính chủ nên hạ giọng thương cảm:
- Để đây rồi bắt xe về đi em. Có bác sửa xe đạp hay ngồi phía trước, mai chị mang sang giùm cho chứ đi về nguy hiểm.
Không ngờ bà chủ của mình cũng có lúc tốt thế. Uống lộn thuốc, hay vì ông “anh họ” đẹp trai hay đến mua hoa cho “bà già chưa chồng” này?
- Em cảm ơn chị nhiều - tôi mỉm cười.
- Đừng vội mừng cô nhóc. Tiền bạc là sòng phẳng – Dương nháy mắt.
- Ok. Bữa nào em sẽ đi rút tiền trả chị.
Dù gì thì từ ngày đóng thế Anh Thư, xe tôi mới tàn tạ thế này. Lỗi không phải do chủ của nó.
Tạm biệt chị Dương, tôi vội vàng chạy ra trạm xe bus cho kịp giờ. Thế nhưng chân chạy không bằng xe chạy, lúc tôi vừa kịp thấy chiếc xe cũng là lúc nó chuẩn bị lăn bánh.
- Khoan!!! Chờ với. Trời phật ơi, hôm nay trời lạnh lắm, đừng bắt con phải đứng chờ thêm 15 ph.
Đúng lúc đó có một chiếc xe vàng chóe vọt ngang trước mũi làm chiếc xe bus thắng gấp lại. Mọi người trên xe, và nhất là người điều khiển nó đều được một phen hết hồn. Bác tài xế lao xuống định chứi một trận thì chiếc xe con chuồn chuồn vàng đó lại lao vút đi.
Cũng nhờ thế mà tôi mới đuổi kịp xe bus và tìm cho mình một chỗ ngồi yên vị, ấm áp hơn cái tiết lạnh ngoài kia.
Nhưng mà Thanh Phong, hắn ta làm gì ở đây giờ này?
Điện thoại rung, tôi luống cuống nhấn nút.
- Cô lên kịp xe chưa?
- Rồi, nhưng sao cậu lại… - tôi không dám nói tiếp, sợ bị mọi người phát hiện rằng mình có quen biết với “thằng khùng dám chặn mũi xe”.
- Chẳng phải muốn bắt kịp xe hay sao? Cô chẳng cầu cả trời phật là gì.
Hừ, hắn ở đâu mà nghe thấy?
- Sao cậu lại ở chỗ tôi làm việc? Định rình mò gì à?
- Chỉ là canh chừng thôi. Đừng có suy diễn lung tung.
Tiếp theo đó là những tiếng tút dài. Thật là bất lịch sự. Tôi thậm chí còn chưa nói câu tiếp theo. Ai thèm suy diễn gì với loại người như mi chứ “trịnh đểu đểu”.
Mà nếu Phong chờ điện thoại lâu thêm một tí, tôi có kịp hỏi rằng hắn ta mua hoa tặng ai không nhỉ? Và như thế có phải là quá tò mò?
|
Giúp xong cô nhỏ ngốc lên xe cho kịp giờ, Phong lái xe đến cầu ở gần ngoại ô, nơi tối đến có thể nhìn được một góc thành phố lung linh sáng đèn.
Gió hiu hiu thổi dưới chân cầu, trên mặt cầu. Tóc bay lòa xòa mát mẻ. Mặt nước đen đặc một màu khiến người ta ghê rợn nghĩ tới việc ở trong một không gian vô định hình không biết mình sẽ trôi về đâu, phải đối mặt với những gì.
Người ta nói chị em song sinh giống nhau, nhưng Phong chỉ chắc một phần nào đó. Đôi khi cậu không hiểu cảm xúc của mình. Cùng một khuôn mặt, nhưng chưa khi nào nhìn Hoài Thư, Phong lại có cảm giác đó là chị gái của cô ấy. Mỗi người đều có một nét riêng biệt khiến họ khác nhau trong con mắt mỗi người.
Hoài Thư mãi mãi không thể là Anh Thư.
Và cảm xúc trong con người mãi không thể thay đổi. Ít nhất lúc này cậu cảm thấy thế.
Phong tự hỏi, đã bao lâu rồi cậu phải nhìn Anh Thư dưới cái tên Hoài Thư? Đã bao lâu rồi không có cuộc điện thoại nào đáng mong chờ. Đã bao lâu rồi cậu trở nên là con người thích chọc một cô gái ngốc nghếch và rắc rối hơn tham gia vào những việc phải sử dụng đến nắm đấm…
Thọc tay vào túi áo khoác lấy điện thoại ra, Thanh Phong bấm phím tắt đến số 8.
Một giây, hai giây,… rồi cả nửa phút đợi chờ trong vô vọng.
Ngay khi con người ta sắp bỏ cuộc thì sẽ có một tia hi vọng phải không nào? Ráng thêm chút nữa.
Một phút mười hai giây, đầu dây bên kia có người bắt máy.
- A lô?
Tiếng cô gái hòa lẫn với sóng biển, giọng nói quen thuộc nhưng vui vẻ hơn nhiều.
- Là em đây Tỉ Tỉ.
- Biết rồi. Không cần nhìn màn hình cũng biết chỉ có cậu dở hơi gọi cho tôi giờ này.
- Việc tuần sau là thật chứ? Chưa hết một tháng cơ mà.
- Chỉ để kiểm tra. Cậu không cần lo đâu. Đáng lẽ tôi không cần báo cũng được.
Có giọng con trai lạ gọi tên Anh Thư khiến cô lấy tay che máy để trả lời. Thanh Phong không bỏ sót bất kì một âm thanh nhỏ không rõ lời nói ấy.
- Sorry! Có một người bạn mới quen. Cậu ấy hợp ý kinh khủng.
- Thế à? – Phong lơ đãng trả lời, mắt dõi theo những con tàu bắt đầu hành trình đêm của mình. Những tiếng hú dài nao lòng.
- Vui lắm, cậu đáng lẽ nên đi – Anh Thư vui vẻ.
- Còn em cậu mà.
-…
- Vậy thôi nhé!
- Có thể nói khi nào thì cậu về đến nhà không?
- Không…
Giờ thì Phong đã hiểu cảm giác hụt hẫng của Hoài Thư khi cậu bất chợt nhấn phím đỏ bên phải.
Sẽ không làm như thế nữa…
|
Chap 11
Sao bọn con trai lại thích xử lí nhau bằng nắm đấm?
Căn tin buổi trưa, tôi và Ngân thi nhau chạy xuống để giành được chỗ ngon trong khi thằng Hùng “cứ từ từ lấy tiền rồi xuống”. May là lớp tôi ra sớm hơn các lớp khác, không thì ăn “tiệc đứng” hết rồi.
Ngồi xuống bàn, tôi lại bắt đầu mường tượng ra cái cảnh nhà hàng Pháp tối nay mà vò đầu bứt tai.
- Tối nay, tối nay, 7h…
- Tối nay tao có hẹn với thằng Hùng, mày không nhờ vả được gì đâu cưng – Ngân ghé tai tôi.
- Hừ, ai thèm nhờ gì mày. Tối nay là đại họa của tao, chỉ mình tao đỡ nổi – tôi gắt gỏng.
Ngân tròn mắt, cố gắng khai thác bí mật của tôi càng nhiều càng tốt.
- Thế mày có phi vụ gì của Anh Thư nữa?
- Đi xem mặt – tôi đáp gọn lỏn.
- Trời – con nhỏ ré lên ngay tức khắc – làm như trong phim á mày?
- Mày không thấy cuộc đời tao li kì hơn khối chuyện trong phim à?
Tôi vênh mặt lên, rồi ngẫm nghĩ câu nói lại gục mặt xuống bàn. Li kì chi cho khổ, cứ sống như trước đây có phải hơn không.
- Đồ ăn đến đồ ăn đến – Hùng reo lên, chạy lạch bạch lại phía bàn.
- Phục vụ đến, phục vụ đến – Ngân khoái chí nhái lại, nó đập một tay lên vai thằng nhỏ - Hùng, có chuyện mới hot 100 độ, và nhân vật chính là… Oái!
Cái nhéo của tôi thay cho câu phản đối cuối cùng cũng làm cho Ngân im miệng. Nó nhìn tôi ấm ức vì không được thực hiện công cuộc “bà tám” của mình nhưng chẳng dám hó hé gì vì sợ tôi giận. Thằng Hùng thấy đồ ăn là lăn xả vào nên nhanh chóng quên cái Ngân định nói gì.
Chỉ còn lại chính chủ của vấn đề thở dài với hũ sữa chua – thứ mà Hoài Thư này có thể ăn thay cơm hằng ngày. Bụng lại nao, kiểu như nội tạng lộn tùng phèo trong đấy, rối tung.
- Hey! Cho em ăn với.
Phục Hy xuất hiện, nhanh chóng kéo chiếc ghế trống duy nhất bên cạnh tôi, vui vẻ lấy một chiếc bánh ngọt gặm.
- Hôm qua chết đói trong rừng hả em – Ngân hỏi trong khi miệng còn dính sữa.
- Em thì có lúc nào được yên thân mà ăn bữa tử tế đâu chị - Hy vui vẻ đáp, nhìn Ngân rồi lại liếc mắt sang tôi.
Tôi thì soi mói mớ tóc lù xù của cậu nhóc, cố tìm vết thương hôm bữa xem nó như thế nào.
Hy nhìn tôi với đôi mắt buồn, rồi nó vạch mớ tóc lòa xòa sang một bên, để lộ vết chỉ khâu. Chỉ có hai đứa chúng tôi biết chuyện này, nên Ngân và Hùng chẳng chú ý đến. Thấy tôi yên tâm, Phục Hy lại cười. Chiếc khuyên tai lấp lánh.
Cậu nhóc này trôi vào cuộc sống của mình… thật lạ…
Không nói thêm điều gì, tôi cắm cúi ăn hết hũ sữa chua của mình cho đến hết giờ, mặc cho hai đứa bạn và thằng nhóc lớp 10 cười đùa thoải mái.
Lúc cả đám lục tục kéo nhau đứng dậy tôi để ý thấy Phục Hy mãi chưa rời chỗ của mình. Ra đến hành lang, cậu nhóc lẽo đẽo theo sau tôi. Lờ mờ đoán ra gì đó, tôi cỗ tình đi chậm lại. Đến khi học sinh gần về lớp hết thì Hy nắm cổ tay tôi.
- Chị…
Tôi nhìn thẳng vào mắt cậu nhóc:
- Gì?
Hy lúng túng nhìn ra đằng sau rồi lại ngó quanh, cuối cùng nhìn tôi và thở dài:
- Em nói chị một chuyện được không?
- Tất nhiên. Hoài Thư sẽ nghe – tôi cố nhấn mạnh tên mình để cậu nhóc khỏi nghĩ về Anh Thư khi chuẩn bị tiết lộ điều khó nói.
- Tối nay… em muốn nhờ chị một việc. Nếu tụi nó đến tìm, Hy vọng chị có thể làm Anh Thư…
Không đợi Phục Hy nói xong, tôi vỗ nhẹ lên vai nó trấn an.
- Yên tâm. Chị mày sẽ đến. Mấy giờ?
- 6h hơn. Lúc đó em đi học về – Hy trả lời.
Oái oăm ở chỗ 7h tôi lại phải đến chỗ hẹn. Thôi thì cố giúp nó trong vòng một tiếng ít ỏi xem sao.
Gật đầu đồng ý, tôi vẫy tay chào cậu nhóc trước khi bước vào lớp.
Gọi là giúp đỡ, nhưng tôi chẳng biết mình phải làm thế nào. Dù là Anh Thư nhưng lại chẳng có lấy một đứa đàn em. Tên duy nhất có thể trông cậy được thì lúc nào cũng la mắng, phản đối mình. Cuộc sống của một đàn chị giả chỉ được dừng lại ở mức độ bạn bè và ăn chơi. Còn tham gia vào một vụ ân oán mà mình chẳng biết tí gì thì…
Nguy thật.
** * **
Đúng 5h kém 5, tôi bắt xe bus đến chỗ hẹn gặp Phục Hy. Có là buổi gặp mặt đi nữa thì chỉ quần jean-không-quá-loang-lổ và một chiếc áo thun rộng kín đáo là ok. Khoác thêm chiếc áo ngoài, chân xỏ đôi giày đế bệt, tôi chỉ cần thêm một chiếc mũ lưỡi trai là “đủ không cần chỉnh”. Dù nhà bên ấy có nhận xét đánh giá thế nào thì việc xem mặt này chắc chắn chẳng đi đến đâu.
Xe bus đến điểm dừng, tôi bước xuống đi bộ dọc men theo con phố đông người. Cậu nhóc học anh văn ở trung tâm gần ngã tư, chỉ việc đứng ở cột đèn giao thông là có thể nhìn thấy lúc nào thì học sinh bắt đầu ra về.
Nắng dần tắt trên những con phố. Trời râm mát mẻ, từng cơn gió khẽ lướt nhẹ là tung mớ bụi trên mặt nhựa đường xám xịt. Tôi đúc hai tay vào túi áo, co vai lại và kiễng chân lên, rồi lại thả lỏng người ngồi thụp xuống. Cứ như thế 10 trong lúc chẳng biết khi nào thì Phục Hy ra. Coi như tập luyện trước buổi đụng độ.
6h15 thì chuông reo. Từ những đứa nhóc lít nhít cho đến cô cậu học trò còn khoác nguyên đồng phục trên trường lần lượt bước ra. Phụ huynh đón con náo loạn cả một góc. Tôi căng mắt tìm cái bóng cao cao với chiếc khuyên bên tai trái nhưng tuyệt nhiên không thấy.
Lẽ nào thằng nhóc cho mình ăn dưa bở?
Lúc tôi đến cổng trường thì học sinh đã thưa dần. Chủ yếu là những đứa nhóc chậm chân hay chưa có người đến đón về. Nếu Phục Hy có đi ra từ hướng này, tôi chắc chắn phát hiện ra nó, còn nó thì không thể tránh mặt tôi được.
Vậy mà…
|