Người Không Thể Bỏ Lỡ
|
|
Phải rồi, có một người quen của tôi hôm nay cũng ở nhà hàng này, biết đâu anh ta lại giúp tôi. Tôi định há miệng gọi "Vũ ơi" thì bỗng dưng thấy anh ta cũng ngẩng đầu nhìn về phía bên này, nhưng Vũ chỉ nhìn tôi đúng một giây rồi lạnh lùng quay đi, thái độ như kiểu "việc của cô chả liên quan gì đến tôi". Cuối cùng mấy lời định nói, tôi đành phải nuốt lại. Anh ta đi thẳng qua chỗ tôi, không thèm liếc mắt đến lần thứ hai, dửng dưng còn hơn cả người qua đường. Lúc đó ngoài sợ hãi, trong lòng tôi bất giác còn cảm thấy thất vọng nặng nề. Tôi nghĩ nếu là anh Thành thì tốt rồi, anh Thành sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi khi thấy tôi như vậy. Nhưng đáng tiếc, người kia lại là Vũ. Người như anh ta làm sao muốn nhấc ngón tay lên giúp tôi được? Tôi cúi đầu, bên tai vẫn vang lên những tiếng lè nhè của mấy gã say rượu: - Này sao không nói gì thế em, sao mãi bạn em vẫn chưa đến? Hay là em lừa bọn anh. - Thôi cứ lên xe bọn anh chở về, bọn anh không làm gì đâu mà, thấy người đẹp thì thương, muốn giúp thôi. Đi nhé, anh chở về nhé. Vừa nói, bọn chúng vừa cầm tay tôi lôi lôi kéo kéo, tôi bực mình định giằng ra, trong lòng khi đó đã ấm ức đến suýt khóc rồi thì bỗng nhiên lại nghe tiếng Vũ nói: - Còn đứng đó làm gì? Đi. Tôi vội vàng ngẩng lên, phát hiện ra anh ta vẫn chưa đi mà chỉ đứng cách tôi một đoạn. Mấy người kia nghe tiếng người nói cũng quay đầu lại nhìn. Chẳng biết có phải do tưởng Vũ là bạn tôi hay là vì nhìn anh ta quá lạnh lùng mà bọn chúng im re, không nói năng gì cả. Tôi thì nhân cơ hội này vội vã xô bọn chúng ra rồi lao như bay về phía Vũ. Lần đầu tiên tôi chủ động ôm lấy cánh tay anh ta, tôi nói: - Anh đến rồi à? Em cứ tưởng anh không đến. - Đi. - Vâng. Cánh tay anh ta rất vững chãi, tôi cảm thấy ở một nơi toàn người lạ thế này, thái độ coi trời bằng vung của Vũ còn dễ chịu hơn cái giọng lè nhè đám say rượu kia cả trăm lần. Mỗi tội, bọn tôi mới đi được vài bước thì tự nhiên một thằng trong đám kia nói: - Ê thằng kia, mày là thằng nào đấy? Bọn tao đang nói chuyện với con bé đó, mày đến không chào hỏi ai mà đòi đi dễ thế à? - … - Thằng kia, bố mày bảo mày đứng lại nhé. Bố mày đang nói chuyện mà mày vẫn cố tình đi như thế à? Đứng lại. Vũ dừng bước, anh ta quay đầu nhìn bọn chúng, lạnh nhạt đáp: - Muốn sao? - Muốn sao á? Muốn đấm vỡ mồm mày đấy. Thằng ranh con định láo với bố mày à? Nói cho mày biết đây là địa bàn của bố mày nhé. Lúc đó trong đầu tôi nghĩ "thôi xong, quả này đánh nhau thật rồi. Mà cái ông Vũ này con nhà giàu, biết đánh đấm gì được". Thế mà thằng cha say rượu kia vừa lao lại, còn chưa đấm nổi một cái đã bị anh ta dùng một tay bẻ quặt tay về phía sau, tay còn lại chẳng nể nang gì, táng thẳng vào mặt hắn một đấm. Anh ta nhìn bọn chúng bằng ánh mắt đầy chán ghét, như kiểu đụng vào làm anh ta bẩn, nói: - Muốn đấm vỡ mồm tao đúng không? - Mẹ mày... thằng chó này... mày... Lại ăn thêm một đấm nữa chảy máu mồm máu mũi. Mấy thằng cha khác thấy bạn bị đánh cũng hăng máu xông vào, nhưng may sao lúc đó bảo vệ nhà hàng cũng chạy ra, mỗi người túm một lão lôi ra một góc. Tôi cứ tưởng cả Vũ cũng bị bảo vệ tóm, ai ngờ ông chủ nhà hàng lại sốt sắng chạy lại hỏi anh ta: - Anh Vũ, anh có làm sao không? Khổ, mấy thằng này nó say rượu đi gây sự linh tinh. Anh thông cảm. - Làm nhà hàng mà không quản được khách gây rối thì dẹp luôn đi. - Bọn em biết rồi, em xin lỗi. Anh vào trong xem có xây xước tý nào không, bọn này để em lôi lên đồn công an. Vũ liếc mấy gã kia, nghĩ ngợi vài giây rồi nói: - Cứ cho tỉnh rượu trước đi rồi cho lên đồn sau. - À… Vâng, em biết rồi. Nói xong, anh ta quay người đi thẳng ra xe, tôi cũng không dám ở lại mà lẽo đẽo chạy theo. Tôi biết cái kiểu cho "tỉnh rượu" nghĩa là tẩn cho bọn nó cho đến khi no đòn rồi mới cho lên đồn. Mấy người trong nhà hàng kia có vẻ vừa nể Vũ, lại cũng vừa sợ anh ta, nói một câu là nghe răm rắp, chắc là vì anh ta có tiền nên mới thế. Nghĩ đến đây, lần đầu tiên tôi cảm thấy không ghét thái độ cậy mình có tiền là có quyền của anh ta nữa. Cảm thấy đôi lúc nó cũng có điểm tốt đấy chứ. Ít ra trong khi tôi gặp khó khăn có thể giúp được tôi. Lúc ngồi yên vị trên xe xong xuôi, không còn cảm thấy sợ nữa, tôi mới lí nhí nói với Vũ: - Cảm ơn anh nhé. Anh ta vẫn tập trung lái xe, không để ý gì đến tôi. Tôi biết tính anh ta thế nhưng vì ban nãy Vũ đánh nhau với bọn say rượu kia vì tôi, tôi nghĩ ít ra mình cũng cần hỏi han người ta vài câu nên nói tiếp: - Anh giờ mới tiếp khách xong à? Nãy đánh nhau tay có bị sao không? - … - Bên công ty tôi xong từ lúc 11 giờ, mọi người ngược đường về với tôi nên đi về trước. Tôi đợi Taxi nhưng không thấy có cái nào cả. Đang định ra đầu đường xem có đón được không thì bị mấy lão kia trêu. Xin lỗi anh nhé, tự nhiên lại làm phiền anh. Nghe đến đây, Vũ mới buồn mở miệng trả lời tôi. Mỗi tội anh ta vẫn chẳng nói được câu nào tử tế mà lại bảo: - Chịu khó đứng đó tý nữa là kiếm thêm được khách rồi đấy.
|
Đoạn 7 Tôi nghĩ hình như một ngày không mỉa mai tôi thì anh ta ngủ không ngon hoặc ăn cơm không vào hay sao ấy, lúc nào cũng phải chọc tức người khác mới yên. Tôi đang cảm thấy biết ơn mà bị dội một gáo nước lạnh thẳng thừng thế, cũng chẳng còn tâm trạng nào để hỏi han anh ta nữa, lập tức xù lông lên: - Anh cho tôi đủ tiền rồi, tôi kiếm thêm khách làm gì cho cực thân. - Tôi tưởng lòng tham không đáy như cô thì không biết đủ chứ. Hóa ra vẫn biết đủ cơ à. - Anh làm kinh doanh mà không biết làm gì cũng phải có nguyên tắc nghề nghiệp à? Tôi cũng có phải nguyên tắc nghề nghiệp của tôi, đã thỏa thuận thì sẽ làm, như thế mới giữ được bát cơm của mình chứ. À mà nếu anh tốt bụng thì đưa tôi về nhà với nhé, giờ này bắt taxi cũng sợ lắm. Đến lúc không may có chuyện gì, anh lại phải dùng chung đồ với người khác đấy. Anh ta bị tôi chọc điên, lập tức phanh xe lại rồi quắc mắt nhìn tôi, sắc mặt hằm hằm như vừa ăn phải cả quả ớt: - Xuống xe. Tôi liếc ra bên ngoài, thấy ở đây cũng đã gần về đến chung cư nhà mình rồi, cách khoảng mấy chục mét đi bộ nữa thôi. Gần thế này đuổi xuống thì tôi xuống. Tôi không thèm đôi co với anh ta nữa, uể oải mở cửa xuống xe rồi đi bộ về. Vừa mới bước được vài bước thì thấy xe anh ta phóng vút qua người tôi, tốc độ phóng xe bạt mạng đến nỗi vèo một cái đã chẳng còn nhìn thấy đâu nữa, chỉ còn thấy đường để lại một dải đầy bụi mù bụi mịt. Đúng là đồ đàn ông lòng dạ hẹp hòi, đấu khẩu không được nên giận cá chém thớt. Tối hôm đó, tôi mệt nên về nhà tắm rửa cái là leo lên giường nhắm mắt ngủ luôn. Đến nửa đêm, đang say giấc ngủ ngon thì bỗng nhiên thấy người mình trĩu nặng giống như bị ai đè lên. Đên khuya thanh vắng, lại có một mình trong căn nhà rộng rãi mà tự nhiên gặp tình cảnh thế này, tôi sợ, giật mình định hét lên thì may sao lại ngửi thấy một mùi hương cơ thể quen quen. Mở mắt ra thì thấy Vũ đang loay hoay cởi cúc áo trên người mình. Người anh ta vẫn còn phảng phất mùi rượu và cả hơi gió lạnh bên ngoài nên da thịt rất mát, hình như cũng say rồi nên tay cứ lôi hết bên này đến bên kia mà cũng không sao tháo nổi áo ngủ của tôi. Lúc sau, anh ta bực bội xé tung cúc áo ra, lẩm bẩm: - Vướng quá, cởi đi. - Sao thế? Sao nửa đêm anh lại đến đây? - Muốn. Cái kiểu cộc lốc thẳng thừng này làm tôi thấy tức, nhưng không hiểu sao bỗng dưng cũng cảm thấy hơi buồn cười. Nhưng mà dù sao phục vụ anh ta cũng là trách nhiệm của tôi, cho nên dù buồn ngủ sắp chết tôi vẫn phải ngoan ngoãn cởi quần áo ra rồi trèo lên người Vũ. Đêm hôm đó, anh ta không phải đòi một lần mà đòi đến tận ba lần, tới tận gần sáng mới chịu buông tha cho tôi. Trước khi rời khỏi, Vũ còn không quên bỏ lại một câu: - Cô dám để tôi dùng chung với ai, cô đừng mong sống yên ổn. Tôi hết sức cãi cọ, lơ mơ kéo chăn đắp lên người mình, không dám nói to mà chỉ lẩm bẩm rủa: "Đúng là đồ đàn ông bụng dạ hẹp hòi, xấu tính xấu nết, có mỗi thế thôi mà cũng để ý". *** Thời gian gần tết, văn phòng của tôi rất bận, nhiều hồ sơ quá nên bù đầu bù óc cũng làm không xuể. Tôi không có thời gian đi chơi, cũng không có thời gian nhắn tin cho anh Thành, hễ cứ rảnh ra tý nào là toàn chạy đến với Bống rồi về nhà ngủ thôi. Bận rộn như con thoi thế cho đến một hôm, anh Hải nói: - Hôm nay là hai lăm tết rồi, hai tám tết bên công ty AVF mở tiệc chiêu đãi tất niên, có mời bên mình đấy. Mọi người nhớ đi đủ cả nhé. - Mình cũng được mời hả sếp? Mọi năm có thấy mời đâu nhỉ? - Thì năm nay người ta mời diện rộng mà, nghe nói có cả bốc thăm trúng thưởng nữa đấy. Mọi người cố kiếm lấy cái xe máy hay cái tivi mang về nhé. - Em xin giải khuyến khích là được rồi sếp ơi. Không thì cho cái giải gì mà được đi ăn với giám đốc bên đó một bữa ấy. Anh Hải liếc chị Bích, cười cười: - Thế thì đó là giải đặc biệt chứ không phải khuyến khích đâu, đố em mà kèo được lão Vũ đi ăn một bữa đấy. - Haha, thế em mới bảo. Hay là sếp sắp xếp giúp em một bữa xem nào. - Thôi anh chịu. Gọi được lão ấy đi ăn một bữa còn khó hơn mời chủ tịch thành phố đi ăn. Em tự lo đi nhé. - Thế mà cũng mang tiếng là bạn thân. Tôi không hay tham gia các loại tiệc tùng này nên không có ý kiến gì, với cả bên kia là công ty Vũ nữa nên tôi lại càng không muốn đến. Nhưng mà anh Hải thấy tôi im re thì lại nói: - Thanh có đi không em? Tiệc này là phải đi, có nhiều khách hàng tiềm năng lắm đấy. Nên đi để còn biết người này người nọ, có mối quan hệ thì sau mới có nhiều đối tác em ạ. - À vâng… em biết rồi ạ. Sếp đã nói thế chả lẽ tôi lại không đi, thế là hai tám tết đành phải theo mọi người đến công ty của Vũ. Nói chung, ban đầu tôi cứ tưởng công ty bình thường thôi, nhưng đến nơi mới biết công ty của anh ta lớn hơn cái văn phòng tôi đang làm việc cả chục lần, thậm chí còn có cả hội trường lớn chứa được cả nghìn người. Lúc ấy tôi mới biết đại gia đang bao mình đúng là giàu thật, giàu hơn tôi nghĩ nhiều. Đang đứng ngẩn ra nhìn thì chị Bích từ đâu chạy đến, lôi tay tôi kéo đi: - Sao lại đứng ở đây thế? Đi nào, vào nhà vệ sinh chỉnh trang lại mặt mũi đi chứ, mày để mặt mộc thế à? - Không em không quen đánh phấn đâu. Em để như này là được rồi. Có ai nhìn đâu mà. - Không makeup thì cũng phải bôi tý son vào chứ. Nhìn mày nhợt nhạt như xác chết ấy. Mấy khi mới được mời đến chỗ đông người thế này, phải lộng lẫy vào, biết đâu lại vớ được ông đại gia. - Thôi, em làm gì mà vớ được đại gia. Em về với cái máng lợn thôi. - Máng lợn cũng phải đẹp, vào đây chị trang điểm cho. Các chị em công ty tôi hôm nay ai cũng đều chưng diện lộng lẫy cả, chỉ có mỗi tôi là vẫn mặc áo phông quần bò bình thường như mọi ngày. Chị Bích sợ tôi chìm nghỉm trong một rừng phụ nữ xinh đẹp nên lôi tôi vào nhà vệ sinh, thoa cho tôi một chút son, xong còn xuýt xoa bảo có tý son vào nhìn mặt mày có thần thái hẳn. Tôi lặng lẽ cười. Lúc ra ngoài, hai chị em đang mải nói chuyện nên tôi không để ý, không may va phải một chị đang đi vào. Va không mạnh lắm nhưng tôi thấy chị kia bị rơi đồ nên vẫn vội vàng xin lỗi: - Em xin lỗi, chị có sao không? Em đi vội quá không để ý. - Đi đứng kiểu gì đấy? Có mắt hay mù mà không nhìn thấy người khác đang đi thế hả? Bẩn hết túi của người khác rồi. - Em xin lỗi, em không cố ý ạ. Để em nhặt cho chị.
|
- Đúng là cái đồ nhà quê, biết cái túi đấy bao tiền không mà dám làm bẩn hả? Tôi vội vã cúi xuống nhặt đồ dưới đất lên cho chị ta, nghe nói túi đắt tiền nên tôi cẩn thận phủi thật sạch, sau đó mới nhặt mấy thứ đồ lỉnh kỉnh rơi ra bỏ vào. Mỗi tội, tôi còn chưa nhặt xong thì chị ta đã giằng lấy, tiện tay xô tôi ngã ngửa ra đằng sau: - Biết ngay mà. Còn gãy cả son của tao nữa. Mày có đền nổi tiền không hả con kia? Mày đền ngay son cho tao. Chị Bích đứng cạnh thấy chị ta thế thì vội vã lên tiếng giải hòa: - Chị ơi, bọn em không để ý thật. Chị cho bọn em xin lỗi. Hết bao tiền em đền. - Mày nghĩ đền dễ thế à? Son này là son hàng hiệu chứ không phải son hàng chợ như chúng mày dùng đâu mà tưởng mua lại dễ thế nhé. Bán cả chúng mày đi cũng chưa chắc đã đủ tiền mua nổi cái quai túi cho tao, to mồm đền à? Đền thì đưa hai trăm triệu ra đây. Cái túi giá hơn ba trăm triệu, tao dùng rồi nên lấy giá hai trăm triệu thôi. Son thì bố thí cho chúng mày. Sao? Có đủ hai trăm triệu đền không? - Chị ơi nhưng túi chỉ bị bẩn tý thôi, lau đi là sạch mà. Có bị hỏng đâu mà chị bắt bọn em đền ạ? Với cả con bé kia nó cũng không có nhiều tiền thế, chị xem nếu lau được thì để bọn em lau. Bọn em xin lỗi chị. - Tao biết ngay mấy cái con nhà quê chúng mày chỉ giỏi to mồm chứ làm quái gì có xu nào trong người đâu mà. Chúng mày làm bẩn rồi xước cả túi của tao thì làm sao tao dùng được nữa. Rơi ở đâu không rơi, rơi ở khu vệ sinh thế này thì dùng kiểu gì? Mà tay con kia có sạch không mà dám đụng vào đồ của tao. Tôi thấy con mụ này bề ngoài trông có vẻ cũng cao ráo xinh xắn mà cứ mở mồm ra câu nào là tỏ vẻ khinh miệt người nhà quê câu ấy, chẳng biết giàu có hay giỏi giang đến đâu nhưng thái độ kênh kiệu vênh váo như thế làm tôi rất bực mình. Tôi bảo: - Này, túi chị mua hãng nào? Nếu cần sửa thì tôi với chị đi sửa, xem hóa đơn hết bao nhiêu rồi tôi thanh toán. Giờ chị bảo ba trăm triệu cái túi mà chẳng có hóa đơn gì, rồi lại đòi tôi trả hai trăm triệu cho chị, làm sao tôi biết được đó là túi thật hay túi giả. - Ý mày là bảo tao dùng túi giả đúng không? Chỉ có cái loại cả đời chưa biết cái túi hiệu nó như thế nào nên mới há mồm ra bảo thế thôi nhé. Mày thích hóa đơn chứ gì? Đi, tao cho mày xuống phòng bảo vệ ngồi rồi tao lấy hóa đơn cho mày nhé. Đi với tao. Chị ta vừa nói vừa hùng hùng hổ hổ túm lấy tóc tôi kéo đi, hôm nay tôi đi giày cao gót, đã không quen rồi mà còn bị giật tóc lôi đi như thế thì ngã dúi ngã dụi. Con mụ kia tưởng tôi cố tình giả vờ ngã nên càng chửi: - Mày thích giả vờ không đi à? Sợ rồi à? - Tôi bảo bà buông ra nhé, bà không buông thì đừng có trách tôi. - Tao không buông đấy, mày làm gì tao? Mày giỏi mày đụng vào tao đi xem nào. Người tao dát toàn kim cương đấy con nhà quê, đụng vào xem mày có ngồi tù mọt gông không nhé. - Con điên này… Tôi nhịn hết nổi, cuối cùng giơ tay túm ngược lại tóc của chị ta rồi giật ngửa ra sau. Tất nhiên cô tiểu thư cả người dát kim cương kia không thể khỏe bằng tôi nên cũng ngã lăn ra đất, gào mồm lên: - Mày dám đánh tao à? Mày chán sống rồi phải không? Con kia, bỏ tao ra. Tao kiện mày bây giờ. Bỏ tao ra. - Kiện hả? Thích kiện không? Tao cho mày một xiên giờ. Mày chửi ai nhà quê? Hả? Nói tao xem nào? Tôi vừa nói vừa giơ tay dọa tát chị ta, con mụ kia sợ tôi làm thật nên dù tức lắm cũng phải im re, không dám nói gì nữa. Tôi cũng không muốn đánh nhau ở đây nên chỉ ghì thêm vài giây rồi thả ra, đứng dậy phủi phủi tay: - Túi bẩn thì lau đi tý là được. Người ta xin lỗi rồi thì đừng làm quá lên. Người nhà quê nghèo thật đấy nhưng người ta còn biết đúng sai. Không như ai đó, cả người dát kim cương mà óc thì đúng bằng quả nho. Tao không thèm chấp. Chửi xong một tràng dài, tôi kéo tay chị Bích đi thẳng, để lại con mụ kia vẫn ngồi bệt dưới đất tròn xoe mắt nhìn. Lúc ra đến hội trường rồi mà bà Bích vẫn không tin nổi tôi bình thường hiền lành mà khi nóng máu lên cũng dám làm hầm hố như thế. Chị ấy cứ nhìn chằm chằm tôi rồi bảo: - Này, hôm nay mày có uống phải bả chuột không mà hăng thế? Được đấy. Chị cứ tưởng hôm nay con mụ kia ép mày phải đền tiền thật chứ. - Còn lâu em mới đền. Bẩn có tý mà chửi người ta như tát nước vào mặt, còn bắt đền tận hai trăm triệu. Em có tiền em cũng không đền. - Nhưng mà chị thấy con này quen lắm. Quen cực ấy. Không nhớ gặp ở đâu rồi. Nhìn cũng có vẻ là con nhà giàu đấy. - Vâng. Thôi cứ đừng rùm beng lên là được rồi. May mà hôm nay không sao. - Ừ, may mà không sao. Sau có đứa nào bắt nạt chị thì mày bảo vệ chị nhé. - Vâng, nhưng để em đi học võ cái đã nhé. Gặp đứa cao to với khỏe hơn, chắc em bị đấm thâm mắt trước đấy. - Cái con này… Thật ra tôi không quan tâm lắm đến con mụ cả người dát kim cương kia, nhưng đến khi ăn tiệc xong, bắt đầu chuyển đến tiết mục bốc thăm trúng thưởng, tôi mới phát hiện ra chị ta là người được đứng lên khai mạc chương trình bốc thăm. Bà Bích thấy thế mới ngớ người ra, huých vai tôi: - Thôi chết rồi Thanh ơi, chị nhớ ra con này rồi. - Ai đấy hả chị? - Bồ của anh Vũ đấy. Thế có chết không chứ. Nó mà biết mình thì kiểu gì cũng nói xấu đủ đường với anh Vũ cho mà xem. - Bồ hả chị? - Ừ. Ông Vũ này cũng lắm gái theo lắm, nhưng mà nghe nói chỉ cặp với con mụ này là lâu nhất thôi. Nó tên Hương thì phải. Nhà mặt phố, bố làm to. Giờ đang làm phó giám đốc kinh doanh ở công ty AVF ấy. Thảo nào nó vênh váo thế. Hóa ra là ô dù to. Quả này nó đì mình chết thôi. - Mình có làm công ty này đâu mà phải sợ hả chị? Đối tác thôi mà. - Mày chả biết gì cả, mấy hợp đồng to của mình toàn là của ông Vũ thôi đấy. Mà vì mình có danh tiếng nhờ ông Vũ nên mấy năm nay văn phòng mới có nhiều việc làm thế chứ. Không có ông Vũ chống lưng nữa thì chết à? Mà con này lại là bồ cứng của ông Vũ nữa. Nó đì thì chả chết. Tôi mới đi làm được mấy tháng nên những chuyện đó không biết, giờ nghe xong cũng không thấy sợ mà chỉ thấy lo cho mọi người trong công ty thôi. Tôi không muốn vì mấy chuyện vớ vẩn như này mà liên lụy ai cả. Tôi bảo: - Sếp mình thân với ông Vũ mà chị. Chắc là ông ấy cũng không vì mấy chuyện này mà đì công ty mình đâu. - Ai mà biết được. Nghe nói cả cái công ty AVF này sợ con mụ Hương kia đấy. Nói một câu nghe răm rắp luôn. Mà nó lộng hành thế, ông Vũ chẳng nói gì nghĩa là chiều chuộng nó, để nó tự tung tự tác còn gì. Hay là để tý nữa xong tiệc, chị với mày đi xin lỗi nó? - Nếu xin lỗi thì để em đi xin lỗi thôi, chị chẳng có lỗi gì cả. Mà em nghĩ nên từ từ, người như con mụ ấy thì có xin lỗi cũng không bỏ qua cho mình đâu. Tạm thời nó còn chưa biết mình là ai thì mình chuồn trước đi. - Ừ, ý kiến hay đấy. Chuồn đi. Tôi với bà Bích cứ đinh ninh nếu mình chuồn mất thì sẽ không ai biết, nhưng mà còn chưa kịp ra khỏi hội trường thì tự nhiên MC lại gọi đúng hai chúng tôi nên bục để bốc thăm. Mặt mày chị Bích méo xẹo, không trốn được nên cứ lẩm bẩm bảo "đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", tôi cũng chẳng biết nói gì nên chỉ mếu máo cười. Vì mấy chuyện vừa xảy ra nên tôi chẳng có tâm trạng nào mà háo hức mong trúng thưởng, cũng chẳng nghĩ số mình có thể may mắn như thế. Nhưng mà lúc sau khi MC công bố giải, đọc rõ ràng số trên tay tôi đang cầm trúng giải ba, được hẳn một chiếc xe máy Vision đời mới nhất. Tôi không tin nên cứ ngơ ngơ ngác ngác, bà Bích thì vui đến mức quên cả buồn bực vừa rồi, vỗ bốp một cái vào vai tôi: - Thanh, số 24 của em trúng giải ba rồi kìa. Được xe máy đấy. Hôm nay mày đúng là đen nhưng lại đỏ nhé, sướng nhé. Lên nhận giải nhanh lên em. - Ơ, em trúng thật hả chị? - Ừ, đọc đúng số 24 của em mà. Nhanh nhanh lên, người ta lên nhận hết rồi. Đứng dậy đi đi. Tôi thích xe máy, ước ao có xe máy từ lâu rồi mà bao nhiêu tiền cũng chỉ dành để chữa trị cho Bống hết, chẳng dám mua cho mình cái xe để đi làm. Hôm nay tự nhiên lại trúng được hẳn một cái xe tay ga, còn đúng loại tôi thích nữa nên tôi vui cực kỳ. Đang phấn khởi nên tôi thẳng thừng bỏ qua luôn ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống của bà Hương kia, sung sướng bước lên bục nhận giải.
|
Lúc tôi nhận xe xong thì tiệc tất nhiên cuối năm cũng tàn cuộc, cả văn phòng tôi làm thấy tôi trúng giải như thế ai cũng mừng, còn đòi tôi liên hoan rửa xe mới luôn. Tôi cười: - Thế giờ các anh chị thích em mời gì nào, em đang vui, hôm nay em chi mạnh tay. - Chín giờ rồi nhỉ? Giờ này đi ăn đêm nhé. Mỗi người ăn một bát cháo tim cho rẻ thôi. Ăn nháp, hôm sau ăn to. - Được luôn. Thế ta đi luôn thôi. Chân tôi bị giày cọ vào đau nên anh Hải phải dắt xe ra cây xăng gần đó đổ xăng cho tôi. Đổ xăng xong hình như nhớ ra chuyện gì đó nên anh ấy nói: - Hay là rủ cả Vũ đi nữa nhỉ? Hôm nay lúc tiệc ăn, ông ấy cũng không được ăn. Đi đâu ấy, không biết giờ về chưa. Mà quà này cũng là của công ty Vũ nên Thanh cũng nên mời cả anh Vũ đi. Nghĩ đến anh ta, tôi bỗng dưng lại cảm thấy bực mình. Anh ta nhiều tiền lại khinh người như thế, đúng thật hợp với con mụ Hương, được cả đôi kênh kiệu như nhau nên tôi ghét. Tôi bảo: - Thôi anh ạ. Anh ấy chắc không biết em là ai đâu. Tự nhiên mời người ta đi ngại lắm. - Ngại gì? Cái Bích chả ước ao đi ăn với ông ấy còn gì. Nếu rủ được thì tốt, không thì thôi. Để anh thử gọi điện cho nó xem được không nhé. Anh Hải đã nói thế, tôi không thể từ chối được cũng không phản đối nữa, mặc kệ anh ấy muốn mời thì mời. Ban đầu, lúc anh Hải gọi thì Vũ nói còn bận việc không biết đến được không, bảo mọi người cứ ăn trước đi. Tôi đang mừng thầm, cứ nghĩ anh ta kiểu gì cũng không đến cơ, thế mà mới ăn được nửa bát cháo đã thấy Vũ đến. Mọi người thấy anh ta thì vội vã đứng dậy chào hỏi. Anh Hải thì vừa cười vừa nói: - Bình thường mời rát họng chẳng đến, sao hôm nay mời một câu cái là đến luôn thế. Mặt Vũ lạnh tanh, thản nhiên ngồi xuống ghế của anh Hải rồi đáp: - Đang đói. - Đói à? Thế đợi tý tôi gọi cháo. Cậu ăn cháo gì? - Gì cũng được, không cho hành. - Rồi, biết rồi. Ra gọi đây. Ghế của anh Hải là ghế ngay sát chỗ tôi, mà Vũ vừa đến đã chiếm mất ghế của anh ấy nên anh Hải phải ngồi chỗ khác. Thế mà sếp tôi chẳng những không tức mà còn đùa: - Ngồi đúng chỗ rồi đấy. Hôm nay em Thanh là trung tâm, trúng giải của công ty cậu đấy. Có uống một cốc chúc mừng em ấy không? Vũ không nói gì, tôi liếc qua thấy vẻ mặt anh ta có vẻ hơi mệt mỏi, giờ này mà vẫn chưa ăn gì chắc là đói bụng lắm rồi. Với cả, tôi cũng chẳng muốn chúc tụng gì với anh ta nên đành bảo: - Thôi, chắc hôm nay anh Vũ mệt rồi, để hôm sau liên hoan thật rồi uống, lúc đó em cảm ơn anh Vũ sau. Giờ mọi người đang ăn cháo cả mà. Anh Hải cũng ngồi xuống ăn cháo đi. - Ừ, thế để lần sau nhé. Lần sau em phải uống với anh Vũ ba chén để cảm ơn đấy. - Vâng, em biết rồi. Từ khi Vũ đến, không khí càng lúc càng trở nên sôi nổi hẳn, mọi người cười đùa nói chuyện, tôi thỉnh thoảng góp vui vài ba câu, chỉ có Vũ là không mấy khi nói gì. Lát sau, anh ta có điện thoại nên đứng dậy ra ngoài nghe, lúc rút điện thoại ra thì vô tình làm rơi một ít đồ ngay xuống dưới chân tôi. Khi đó, gót chân tôi đã đau lắm rồi, không muốn nhúc nhích nữa nhưng vì lịch sự nên vẫn cúi xuống nhặt đồ cho anh ta, khi cầm lên mới phát hiện ra đó là mấy miếng Urgo vẫn còn rất mới. Đợi anh ta nghe điện thoại xong rồi, tôi đưa trả thì Vũ nói: - Không cần đâu, vứt đi. - Thế cho tôi nhé. Anh ta thờ ơ múc một muỗng cháo cho vào miệng, hờ hững gật đầu: - Ừ.
|
Đoạn 8 Chớp mắt một cái cũng đến tết âm lịch, năm nay là mùa xuân đầu tiên của con gái tôi và cũng là cái tết đầu tiên mà tôi không còn Ngọc bên cạnh nữa… Chiều ba mươi tết, tôi đi mua một ít tiền vàng và mấy đồ dùng hàng mã linh tinh, leo lên tầng thượng chung cư rồi đốt cho nó. Cứ nghĩ mọi năm vào thời điểm này tôi và nó đang tổng hợp tiền lương thưởng ở chỗ làm thêm rồi chia ra, một nửa nhét vào lợn để dành cho năm sau, một nửa đem đi mua vài bộ quần áo mới, dù mua đồ rẻ tiền thôi nhưng đứa nào cũng vui. Thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại, bây giờ mỗi đứa đã ở mỗi thế giới rồi, không bao giờ có thể gặp lại được nữa. Tôi nhớ nó đến cồn cào ruột gan nhưng không dám khóc, chỉ lặng lẽ nói: - Mày ơi, con biết lật rồi đấy mày ạ. Hơi chậm nhưng thế là được rồi mày nhỉ? - Vèo một cái mà mày đi được hơn nửa năm rồi đấy, tết năm nay chỉ còn mình tao thôi. Mà sau này cái tết nào cũng chỉ có mình tao thôi mày ạ. Không còn mày nữa rồi. Hứa hẹn bao nhiêu thứ mà giờ chẳng thực hiện được nữa, mày bỏ hết lại mà đi rồi. - Hôm nay 30 tết rồi đấy, tao lập cho mày cái bàn thờ nho nhỏ ở nhà tao, mày về nhà tao ăn tết cho ấm nhà ấm cửa với tao nhé. Bố tao bảo năm nay về ăn tết, nhưng còn Bống nữa nên tao không về, chỉ thỉnh thoảng chạy về bên đó ăn cơm thôi. Xong tao về bên này với mày nhé. Quần áo này tao mua cho mày đây, năm nay tao với mày vẫn có quần áo mới mày nhỉ? Giấy vàng mã cháy rồi lụi tàn, tựa như quãng thời gian bên nhau của chúng tôi, vui vẻ được một thời gian rồi nhanh chóng vụt tắt. Tôi đợi đến lúc tiền vàng chỉ còn một đống tro tàn mới thở dài một hơi, đứng dậy chuẩn bị sang nhà bố ăn cơm tất niên. Trên đường đến đó, tự nhiên tôi lại nhận được điện thoại của mẹ. Nhìn thấy số bà ấy, trong lòng tôi lại càng thêm trĩu nặng. Mẹ tôi hỏi dạo này thế nào, có khỏe không, tôi thì quen với việc mình có mẹ cũng như không rồi nên chỉ nhàn nhạt đáp: - Con vẫn khỏe, chưa chết được đâu. Mẹ không phải lo. - Cái con này ăn nói hay nhỉ? Mẹ gọi điện thoại về hỏi thăm mà nói thế à? - Con nhớ con gọi điện cho mẹ cách đây nửa năm rồi, mẹ không nghe máy, nửa năm sau mẹ mới gọi điện lại. Sao mẹ không để tròn một năm mà gọi luôn cũng được. - Ờ thì bây giờ mày ở với bố, ăn sung mặc sướng, có phải lo gì đâu. Mẹ thì vất vả kiếm tiền, thời gian đâu như bố mày mà suốt ngày chăm lo cho mày. - Vâng, mẹ kiếm tiền đi đánh bài bên Campuchia. Đánh mãi vẫn chưa hết tiền. Khi nào hết tiền thì mẹ về. Con quen rồi. - Thôi nói chuyện với mày tức anh ách ấy. Ba mươi tết tao gọi về nhắc mày nhớ về dưới quê mà dọn nhà với thắp hương cho ông bà. Đừng thấy bố mày giàu mà quên hết gốc gác nhà cửa. - Con cúp máy đây. Nói đến đó, tôi không chờ mẹ trả lời đã cúp máy luôn. Mẹ tôi bình thường chẳng bao giờ ngó ngàng gì đến tôi, sau khi tôi về ở với bố bà ấy lại càng phó mặc, để tôi sống sao thì sống. Ngay cả khi tôi khốn khó nhất phải bán thân kiếm tiền, gọi cho bà ấy cả chục cuộc cũng không thấy nghe máy. Bây giờ tự nhiên lại tỏ vẻ quan tâm hỏi han tôi, tôi thấy cứ nặng nề xa cách làm sao ấy, không muốn tiếp chuyện nữa. Nhưng mà có một điều mẹ tôi nói đúng, tết cũng nên về dưới quê dọn dẹp nhà cửa, không thể để bàn thờ của ông bà lạnh tanh lạnh ngắt được. May sao năm nay chị Tâm không nghỉ tết mà trông Bống giúp tôi, thế nên nếu tình hình con bé ổn ổn, có lẽ tôi cũng nên tranh thủ về dưới quê một chuyến. Lúc tôi đến nhà bố, chỉ có mẹ kế và bố tôi đang chuẩn bị cơm canh trong bếp, người giúp việc cũng nghỉ về quê ăn tết, anh Thành bận việc nên không về, Vũ cũng không thấy đâu. Bố tôi thấy tôi về thì cười rõ tươi, vẫy vẫy tay bảo tôi: - Đợi mãi, bố cứ tưởng con không về cơ. Năm nay nhà ít người, cứ đi ra đi vào trông ngóng mấy đứa mãi thôi. - Vâng. Con bận việc, giờ mới xong nên đến muộn. Bố với dì đang nấu món gì thế? - Nấu canh xương với củ quả, có chả ram với thịt gà nữa này. Rửa tay đi rồi vào đây con. - Đợi con mang hoa quả lên thắp hương đã. - Ừ. Chờ đến khi nấu nướng và thắp hương xong xuôi thì cũng đã hơn bảy giờ tối mà Vũ vẫn chưa về. Tôi với bố và mẹ kế ngồi ở bàn ăn đợi mãi, dù muộn rồi nhưng vẫn không ai ăn trước vì muốn đợi anh ta ăn cho đông đủ. Bố tôi nói: - Mọi năm có cả thằng Thành nữa, năm nay nhà có hai anh em mà chỉ còn mình thằng Vũ ở nhà, thôi muộn mấy thì muộn, cứ chờ nó về ăn. Cơm tất niên phải có đủ người ăn mới ngon. Tôi cười cười bảo “vâng”. Mẹ kế thì không nói gì mà chỉ lặng lẽ gật đầu. Công bằng mà nói, dù có hai đứa con sinh đôi nhưng tôi thấy so với Vũ thì dì Hiền có vẻ tình cảm với anh Thành hơn nhiều. Tính Vũ ít nói, lại hay cáu kỉnh nên hai mẹ con ít khi nói chuyện, chỉ có anh Thành là lúc nào cũng điềm đạm nhẹ nhàng nên dì ấy yêu thương con trai lớn ra mặt. Năm nay anh Thành bảo lịch làm việc bên Nhật dày đặc, không nghỉ nên không về được, mẹ kế chắc nhớ anh lắm nên buồn thiu. Cả nhà ngồi đợi thêm hai mươi phút nữa thì mới thấy tiếng xe của Vũ về. Anh ta vào nhà, mặt mũi vẫn lạnh tanh như thường nhưng ánh mắt lại hơi đỏ, phảng phất đôi ba nét mệt mỏi, giống như vừa phải đi một quãng đường rất xa để về đây. Bố và mẹ kế thấy con trai út về thì gương mặt liền giãn ra, vội vàng lên tiếng: - Con về rồi đấy à? Sao về muộn thế? - Con có ít việc, giờ mới về được. - Ừ, rửa mặt mũi tay chân rồi lại đây ngồi ăn đi con. Cả nhà vẫn đang chờ con đây. - Sao bố mẹ không ăn trước đi. Lúc nãy con bảo về muộn rồi mà. - Chờ con chứ, cơm tất niên cơ mà. - Vâng.
|