Người Không Thể Bỏ Lỡ
|
|
Trong bữa cơm, bố tôi hỏi han công việc công việc của cả tôi cả Vũ, tôi hào hứng khoe con mới bốc thăm trúng thưởng được một cái xe máy, Vũ thì chỉ ậm ừ nói “công việc của con vẫn bình thường”. Lúc sau, bố tôi bảo: - Thế tết năm nay Thanh định đi đâu chơi không con? - Con định về dưới quê bố ạ. Nhà dưới đó lâu không về, còn bàn thờ ông bà nữa. Năm nay con bận việc không về dọn dẹp trước tết được nên con định ngày mai hoặc ngày kia gì đấy về. - Ừ, thế cũng được. Có lịch cụ thể chưa? Bố đưa về. - Thôi con đi taxi cũng được bố ạ. Hoặc xe khách. Đến mùng hai là có xe chạy rồi ấy mà. - Lạnh thế này đi xe khách làm gì. Cứ để bố đưa về. - Bố còn có việc mà, bố cũng phải đi chúc tết họ hàng chứ. Con về dưới quê cũng phải đi chúc tết loanh quanh mấy người hàng xóm, chưa biết về rồi lúc nào lên cơ. Bố cứ để con đi một mình thôi. - Hay là bố bảo anh Vũ đi với con nhé? Vũ có bận gì không con? Nghe bố nói thế, tôi giật mình quay sang nhìn anh ta. Cứ nghĩ Vũ kiểu gì cũng sẽ trả lời “Không”, thế nhưng cuối cùng có lẽ vì nể bố tôi nên anh ta lại nói: - Vâng. Nếu bố bận thì để con đưa đi. - Ừ. Tết nhất thế này để Thanh đi một mình bố cũng không yên tâm. Nếu con rỗi thì đưa Thanh về quê hộ bố với nhé. Mẹ kế tôi xót con trai, thấy thế cũng có vẻ không thích nhưng cũng không dám nói thẳng ra mặt. Bà ấy chỉ bảo: - Vũ cũng không bận gì hả con? Cũng phải tranh thủ tết đi chơi loanh quanh rồi kiếm người yêu dẫn về đi chứ. Chẳng lẽ ba mươi rồi mà cứ ở thế mãi à? - Mẹ giục anh Thành đi. - Anh con sang Nhật học, vài năm nữa mới về thì lấy vợ làm sao được. Giờ chỉ còn con ở nhà, con cũng phải lo lấy vợ đẻ con đi cho nhà cửa có tiếng trẻ con chứ. Mẹ già rồi, sao mà chờ mãi được. - Con chưa muốn lấy vợ. - Thế anh định để mẹ anh chờ đến bao giờ? Mẹ chỉ đẻ được mỗi hai anh em, giờ một đứa thì đi Nhật, đứa thì không chịu lấy vợ. Con muốn làm sao hả Vũ? Bố tôi thấy hai mẹ con bắt đầu căng thẳng với nhau, không muốn mất không khí bữa cơm nên thì đành bảo: - Hôm nay tất niên, cả nhà ăn cơm cho vui vẻ chứ. Từ từ rồi cũng đến lúc con nó lấy vợ thôi. Em đừng giục con nữa. - Đấy anh xem, nhìn người khác có cháu chắt đầy nhà mà thèm. Nhà mình ăn cơm tất niên cũng chỉ có mấy người. Mọi năm có thằng Thành còn thấy vui vui, năm nay thì… Mà được thằng anh nói nó còn nghe mình, thằng em thì chẳng bao giờ nghe lời. Mẹ nói gì là nó chống đối cho bằng được. - Con trai út của em giỏi giang như thế, em còn muốn gì nữa. Con lớn rồi, quyết định sao là quyền của nó, mình cũng đừng can thiệp vào. Với cả, biết đâu năm sau ăn tất niên lại có đủ cả con cả cháu thì sao. Bố tôi nói đến đây lại quay sang nhìn tôi, chuyển chủ đề: - Mà cái Thanh có người yêu chưa con? Giờ đi làm rồi, thấy anh nào tốt thì cứ tìm hiểu xem sao. Tuổi này lấy chồng đẻ con là được rồi. Tôi gượng gạo nở nụ cười, lắc đầu bảo: - Con mới hai ba mà, vài năm nữa sắp lấy chồng rồi con yêu luôn thể. - Con là con gái, không giống anh Thành với anh Vũ được đâu nhé. Cao nhất là hai năm nữa cũng cưới đi thôi. Bố còn bế cháu. - Vâng, con biết rồi. Cả nhà mình ăn cơm đi thôi. Thịt gà ngon quá. - Ừ, ăn thôi. Ăn uống xong xuôi, tôi ở lại chơi đến hơn mười giờ cho bố và mẹ kế đỡ buồn rồi mới ra về. Bố tôi giữ mãi không được, thế là lúc tiễn tôi ra cổng, ông còn dúi vào tay tôi một nắm tiền: - Con cầm tiền tiêu gì thì tiêu. Mấy hôm nữa có về quê thì mua ít đồ thắp hương cho ông bà giúp bố. - Bố ơi con không nhận đâu, bố cứ cầm lấy. Con đi làm có lương rồi mà. - Bố biết con ngại dì Hiền nên không ở lại ăn tết, bố cũng chẳng biết làm sao cả. Con cứ cầm tiền đi, cần gì hay muốn mua gì thì bảo bố. - Không, không phải con ngại dì ấy đâu. Con ở bên kia quen rồi ấy bố ạ. Con không cần gì cả đâu. Mà con có cần thì con sẽ bảo bố, bố đừng lo. - Khi nào con muốn thì cứ đến đây, không cần ngại ai cả, nhớ chưa? - Vâng, con biết mà. Bố vào nhà đi, ngoài này lạnh lắm. Con về đây. Chào bố ra về xong, tôi không về nhà mà bắt taxi đi thẳng đến bệnh viện. Ngồi trên xe, tôi lặng lẽ nhắm mắt, nghĩ lại một năm đã qua thấy cuộc sống của mình bây giờ đã khá hơn trước rất nhiều, nhưng quanh đi quẩn lại sao vẫn có cảm giác cô độc quá. Không còn Ngọc ở bên nữa, cũng không có anh Thành ở đây nữa… chỉ còn mình tôi lạc lõng giữa thế gian rộng lớn này… Tôi nặng nề thở dài một tiếng, bỗng nhiên cúi xuống lại thấy màn hình điện thoại sáng lên, mở ra thì thấy người mà tôi vừa nghĩ tới gửi tin nhắn đến: - Tết về đến đâu rồi em? Tôi ngoảnh đầu nhìn không khí tết tràn ngập bên ngoài cửa kính xe, thấy đường phố sáng rực, người người tấp nập dọn đồ nghỉ tết, bỗng nhiên cảm xúc cô đơn khi nãy chợt biến mất, chỉ còn thấy ấm áp đến nao lòng: - Về đến bên ngoài cửa sổ rồi anh ạ. Anh ở bên đó thế nào? - Anh bận. Nhưng nhớ nhà, nhớ mọi người. - Hôm nay nhà ăn tất niên, ai cũng bảo nhớ anh đấy. Anh ở bên đó đang làm gì? Có được ăn tất nhiên không? - Không được ăn tất niên, không có bánh chưng với dưa hành, chỉ có thuốc khử trùng với dao mổ thôi. Em đang làm gì đấy? - Em đang nhắn tin với anh. Anh gửi cho tôi một hình mặt cười, kèm hai chữ “Đồ hâm”. Tôi cũng gửi icon mặt cười lại. Tôi rất muốn bảo anh gửi cho tôi một tấm ảnh, Facebook của anh chẳng có bức hình nào, mỗi khi nhớ anh tôi cũng chẳng có cách nào cả. Giờ muốn nhìn thấy anh ở đất nước xa xôi cũng không dám nói. Mà hình như anh cũng có thể hiểu được lòng tôi, vài phút sau gửi cho tôi một bức hình trong phòng mổ của anh. Giờ này bên đó đang là gần mười hai giờ đêm, vậy mà các bác sĩ y tá vẫn đang cần mẫn đứng trong phòng mổ, tay kim tay dao bận rộn cứu người. Tôi nhìn kỹ tấm ảnh một vòng, không thấy mặt anh nhưng thế cũng vui rồi. Tôi bảo: - Làm nghề cao quý, vất vả mấy cũng phải cố lên nhé anh. Chaiyooo!!! - Nói chuyện với em hết mệt rồi. Anh định chờ đến giao thừa thì nhắn tin cho em, nhưng chắc không kịp, giờ anh phải vào mổ rồi. - Không sao đâu. Chúc anh năm mới mạnh khỏe, làm việc thật tốt, gặp nhiều may mắn. - Chúc em tuổi mới nhiều niềm vui, lì xì cho em anh để ở bìa sau quyển sách Luật hôn nhân & gia đình. Tý nữa về thì bóc ra nhé. - Anh chuẩn bị sẵn lì xì tết cho em từ trước khi đi à? - Ừ. Không biết tết có về được không nên phải chuẩn bị trước. Sống mũi tôi bỗng cay cay, từ bé đến lớn thỉnh thoảng tôi vẫn được nhận lì xì, nhưng có lẽ lì xì lần này của một người là làm tôi xúc động nhất. Ở phương xa vẫn không quên dành những điều ấm áp nhất cho tôi. Tôi run run nhắn mấy chữ “Cảm ơn anh. Nhanh về nhé”, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng đành xóa đi vế sau, chỉ nói mình ba chữ “cảm ơn anh”. Sau đó anh Thành cũng không nhắn lại nữa, chắc là đã đeo găng tay mổ rồi. Liệu một ngày xa xôi nào đó, khi tôi có thể chấm dứt với Vũ, có một điều kỳ diệu nào đó đến với tôi không? Tôi có thể thích anh không? Sẽ bỏ đi tất cả để thích anh một cách thật bình thường chứ? Nghĩ đến đây, tôi cúi đầu tự cười chính bản thân mình… Tôi đã nghĩ nhiều rồi. Tôi với anh Thành, có lẽ vĩnh viễn sẽ không thể đâu… Đêm giao thừa năm đó, tôi ở bệnh viện cùng với Bống. Đợi đến mười hai giờ đêm, tôi mặc quần áo mới, mũ và tất mới cho con, sau đó bế Bống ra ngoài hành lang đứng, lặng lẽ nghe tiếng pháo chúc mừng năm mới, lặng lẽ nhìn lên bầu trời. Con bé mở to mắt, ngoan ngoãn nằm trong ngực tôi, không khóc cũng không quấy gì cả, giống như có thể cảm nhận được hôm nay còn một người nữa vẫn đang dõi theo nó ở một nơi rất xa xôi. Tôi nhìn con rồi cũng mỉm cười, tôi biết, mặc dù giao thừa năm nay không còn được ở cạnh nhau nữa, nhưng có lẽ ở trên trời cao nhìn thấy con gái vẫn đang lớn lên từng ngày, Ngọc của tôi nhất định cũng sẽ được an ủi nhiều rồi. Giao thừa vui vẻ nhé Ngọc ơi, Bống ơi!!! *** Mấy ngày tết tôi không đi đâu cả, toàn ở viện với con gái, đến tận sáng mùng ba mới về nhà. Không ngờ còn chưa kịp trèo lên giường đánh một giấc thì lại nhận được điện thoại của Vũ. Anh ta chưa bao giờ gọi điện cho tôi, mọi lần đến thích thì nhắn tin, không thích thì thôi. Lần này tự nhiên gọi điện thế làm tôi cứ có cảm giác quái đản làm sao ấy. Tôi chần chừ một lúc rồi mới nghe máy: - Alo. - Xuống dưới tầng đi. - Ơ… Có chuyện gì mà tự nhiên anh lại muốn tôi xuống tầng thế? - Không muốn về quê cô nữa thì thôi. Về đây. Nghe anh ta nói đến đây tôi mới nhớ, thì ra là vì bố tôi đã mất công nhờ nên hôm nay anh ta mới đích thân đến đây đưa tôi về quê. Tôi ngay lập tức bật dậy, vội vàng nói: - À tôi quên mất. Giờ tôi xuống đây. Anh đợi tôi tý. Tôi… Còn chưa nói hết câu, anh ta đã thẳng thừng cúp máy, tôi biết tính anh ta thô lỗ thế, quen rồi nên cũng không thèm so đo nữa, vẫn đứng dậy thay quần áo rồi đi xuống. Lúc xuống đến nơi mới xe Vũ đậu ngay trước sảnh chung cư, chỗ đó cấm đậu xe mà anh ta ngang nhiên đỗ ở đó cũng không thấy chú bảo vệ nào ra đuổi. Tôi sợ chờ đến khi bảo vệ đuổi thì xấu hổ nên vội vàng chạy đến, trèo vào xe rồi bảo: - Chỗ này cấm đỗ xe đấy. - Thì sao? - Thì từ giờ anh đừng đậu xe ở đây nữa không bảo vệ người ta nói cho đấy. Đỗ hai lần còn bị phạt tiền nữa. - Liên quan gì đến tôi? - Ơ…
|
Đoạn 9 Suốt quãng đường mấy chục cây số về quê, để tránh việc đấu khẩu và bị đuổi xuống giữa đường thì ngoài lúc phải chỉ đường cho Vũ, chúng tôi hầu như chẳng ai nói năng câu gì với nhau cả. Nhà tôi tít ở cuối xã, đường vừa ngoằn nghèo vừa xấu nên xe phải đi rất chậm, lúc qua nhà dì của Ngọc, tôi lặng lẽ nhìn vào, thấy mái ngói trên dưới đã đổ xiêu đổ vẹo, sân đầy lá mục, bên ngoài cỏ dại mọc um tùm, có lẽ lâu lắm cũng chẳng ai về đây. Đúng là chẳng có gì tàn nhẫn như thời gian, mới đó mà giờ đã trở thành kỷ niệm cả rồi. Đi thêm gần một cây số nữa là đến nhà tôi, cảnh vật có vẻ khá hơn nhưng đại loại là cỏ cũng cao đến mắt cá chân rồi. Tôi quay sang nhìn Vũ, thấy anh ta vẫn ngồi yên trên xe. Biết kiểu gì đại gia cũng chê bẩn không xuống nhưng vì phép lịch sự tối thiểu nên tôi vẫn phải nói: - Nhà tôi lâu rồi không có ai về nên hơi bẩn. Mà gần đây cũng không có quán café hay chỗ nào sạch sẽ cả. Hay là trong lúc chờ tôi, anh vào nhà tôi ngồi tạm được không? - Tôi không có ý định vào ngồi hít bụi giúp cô. Mời mọc tử tế như thế mà bị anh ta phũ phàng cho ăn cả một xô nước lạnh, tôi tức lắm nhưng nghĩ hôm nay vẫn còn là tết nên vẫn phải nhịn. Tôi nói: - Thế anh ngồi đây nhé. Tôi vào dọn tý rồi ra ngay thôi. - Không muốn đi bộ về thì nhanh lên. - Tôi biết rồi. Lúc tôi bước vào nhà, mới có mấy tháng thôi mà bụi bặm và mạng nhện đã giăng đầy hết cả, bên trong thì toàn mùi ẩm mốc, phải mở hết cửa ra thì mới thoáng để quét dọn được. Mấy cửa chính trong nhà thì không sao, nhưng có một chiếc cửa sổ ở hiên hè bên trái bị kẹt, tôi đứng loay hoay mãi cũng không sao kéo ra được. Lúc sau, vừa thò tay cậy vài cái thì bản lề bỗng dưng bung ra, sau đó hai cánh cửa gỗ to đùng lập tức đổ ập xuống đầu tôi. Khi đó bị bất ngờ nên tôi quên mất không chạy, cứ nghĩ hôm nay kiểu gì cũng vỡ đầu rồi, thế mà đúng lúc cửa gần rơi đến thì đột nhiên có một cánh tay thò ra đặt trước trán tôi, tay còn lại thì đỡ lấy cánh cửa. Hai đầu mày của Vũ nhíu chặt, nhìn tôi quát ầm lên: - Cô bị ngu à? Tránh ra. Mặt tôi tái xanh tái mét, vội vã đứng tránh sang một bên. Vũ thấy tôi đứng cách xa một quãng rồi mới lôi hai cánh cửa kia xuống, nhìn kỹ mới thấy bản lề đã gỉ sét hết sạch rồi, cửa đã nặng mà tôi lôi kéo thế thì bung ra là đúng rồi. Tôi nhìn tay Vũ thấy hơi đỏ lên thì vội vàng nói: - Anh có sao không? Tay sao không? - Nhà lâu không có người ở, mấy đồ sắt thép thế này kiểu gì cũng bị gỉ. Đáng lẽ kéo thấy nặng thì phải thôi ngay chứ. - Tôi… không biết. Cứ tưởng nó bị kẹt. - Ra xe lấy tua vít mang đây. - Tua vít ạ? - Ở trong cốp xe có cái hộp đồ sửa xe với chai dầu, mang cả ra đây. - À vâng… tôi biết rồi. Trước đây, tôi cứ nghĩ đại gia thích sạch sẽ như anh ta sẽ không bao giờ chịu bẩn tay vì mấy chuyện vớ vẩn, thế mà khi tôi mang hộp đồ quay lại, Vũ lại thản nhiên cầm lấy tua vít rồi bắt đầu sửa bản lề giúp tôi. Thấy anh ta thế, tôi cứ có cảm giác không tin được, tròn xoe mắt hỏi: - Anh biết sửa mấy cái này à? - Không. Nếu làm hỏng thì thôi. - Từ đây ra chợ xa lắm, mà tết không ai bán đâu. Anh đừng làm hỏng đấy. - Cô làm hỏng chứ đâu phải tôi? - À… tôi quên. - Tránh ra chỗ khác đi, vướng tay. Tôi đoán anh ta làm việc tốt thì tự thấy có lỗi với mình nên không muốn ai nhìn thấy, thế là tôi cũng không nói nữa, quay vào nhà tiếp tục dọn dẹp. Đến khi xong xuôi quay ra thì đã thấy Vũ sửa xong cửa, bản lề không còn thấy vết hoen rỉ, ngay cả cánh cửa cũng được lau sạch sẽ không một hạt bụi. Tôi nhìn bàn tay đẹp đẽ của anh ta bây giờ đầy vết dầu mỡ, tự nhiên trong lòng lại thấy vừa cảm động, lại hơi buồn cười. Tôi bảo: - Anh sửa xong rồi à? - Ừ, tạm thế. Muốn chắc hơn thì phải đổi bản lề. - Để lần sau về tôi đổi. Anh ra sân giếng rửa tay đi, để tôi lấy xà phòng cho. Rửa tạm bằng xà phòng nhé? Vũ không nói gì, nhưng cũng không từ chối mà vẫn đi theo tôi ra sau sân giếng. Tôi dùng gàu múc nước từ dưới giếng lên cho anh ta rửa tay, nước ở đây dù lâu không dùng nhưng vẫn rất sạch và trong, mùa đông không hề bị buốt tý nào mà âm ấm rất dễ chịu. Lần đầu tiên, tôi chủ động kể về mình với anh ta: - Mấy năm đại hàn trước, tôi toàn tắm không bằng nước giếng này đấy. Mùa đông vẫn ấm, không cần đun nước nóng luôn. - Tắm thì được, uống thì thôi. Nước giếng này bị nhiễm đá vôi. - Ừ, biết thế nhưng ở quê lấy đâu ra nước máy. Xung quanh đây mọi người cũng toàn ăn bằng nước giếng mà. Đun sôi lên, đợi lắng cặn đi là uống được. - Có thời gian thì đi khám sỏi thận đi. Tôi cười cười, biết anh ta mỉa mai mình nhưng cũng không buồn chấp. Hôm nay là tết, mà anh ta mất công đưa tôi về đây, còn sửa đồ đạc trong nhà giúp tôi, với một người lúc nào cũng cáu kỉnh khó gần như Vũ mà làm được những điều ấy là quá tốt rồi, tôi không muốn phải so đo với anh ta nữa. Buổi trưa, đợi thắp hương cho ông bà xong xuôi cũng đã quá mười hai giờ, bụng tôi bắt đầu réo òng ọc. Trong lúc chờ hương tàn, tôi chạy xuống bếp tìm được mấy gói mì tôm vẫn còn hạn sử dụng, định nấu lên ăn lót dạ nhưng nghĩ ở đây có hai người, một mình ăn cũng không hay lắm. Thế nên mặc dù biết sẽ có người chê bai không ăn nhưng tôi vẫn mời: - Anh đói không? - Làm gì? - Giờ trưa rồi, mà tết ở quê tôi hàng quán không mở. Trong nhà có mấy gói mì tôm, anh có ăn không, tôi nấu luôn. Vũ ngẫm nghĩ một lúc, sau đó không hiểu sao lại gật đầu: - Nấu đi. - Mì tôm không đấy, không có gì đâu, chỉ có mì với nước thôi. - Cũng được, nấu đi. Đến tận khi nấu mì xong xuôi rồi mà tôi vẫn không sao tin được anh ta chịu ăn mì nấu bằng nước giếng có đá vôi, hơn nữa còn ăn trong căn nhà sơ sài của tôi. Hai chúng tôi ngồi đối diện nhau, cách một chiếc bàn nhỏ, ở giữa là hai bát mì lõng bõng nước vẫn còn bốc khói nghi ngút. Tôi đưa cho Vũ một đôi đũa được mình lau đi lau lại cả chục lần, tự nhiên cũng thấy hơi ngượng ngượng, tôi bảo: - Thông cảm nhé, nhà chẳng có ai ở nên không có gì ăn tử tế cả. Anh ăn tạm cho đỡ đói. - Còn hạn sử dụng không?
|
- Còn. Tôi vừa xem rồi, tháng 4 năm nay mới hết hạn. Vẫn ăn được. - Thế cô ăn trước đi. Tôi “ừ” một tiếng rồi bắt đầu gắp mì bắt đầu ăn. Nhưng mà ăn mì kiểu gì cũng phát ra mấy tiếng sột soạt, tôi sợ anh ta thấy mình đã nghèo còn ăn uống thô lỗ nên ngại, ăn mãi cũng không hết nửa bát. Lúc sau ngẩng đầu lên cũng thấy Vũ cũng đang cúi đầu ăn mì, nhưng mà cách ăn uống của anh ta rất tự nhiên và từ tốn, đúng kiểu con nhà được giáo dục đàng hoàng chứ không gượng gạo giống như tôi. Đang ngồi nhìn thì tự nhiên Vũ nói: - Mì có độc à? - Không, tôi vẫn đang ăn đây thôi. - Thế sao cô ăn như kiểu bị ép nhai thuốc độc thế? - À… tại vì sợ anh lại mất công bảo tôi ăn uống thô thiển. - Có phải tôi chưa nhìn thấy cô ăn uống thô thiển bao giờ đâu. Cô cứ ăn bình thường đi cho tôi dễ nuốt. - Thế bình thường tôi ăn uống thô thiển lắm à? - Hỏi thừa. Thích ăn kiểu gì thì ăn. Nghe thế, lần đầu tiên bị chê mà tôi không thấy bực, chỉ thấy buồn cười. Tôi không còn cảm giác mất tự nhiên, cũng không cần ăn sao cho đẹp mắt nữa, cúi đầu xuống sột soạt nhai mì, ăn xong còn bê bát lên húp sạch nước mới thôi. Lúc đặt bát xuống, ánh mắt Vũ nhìn tôi như kiểu muốn nói: "Bảo thích ăn kiểu gì thì ăn mà ăn thật, đúng là lợn", tôi đọc được rõ ràng nhưng vẫn nhe răng ra cười: - Tại anh bảo tôi thích ăn kiểu gì thì ăn đấy chứ. Tôi ăn thế cho anh dễ nuốt còn gì? - Cô tiêu tiền của tôi vào việc gì? - Sao tự nhiên anh lại hỏi thế? - Quần áo lôi thôi lếch thếch, ăn uống như bị bỏ đói. Tôi không hiểu một tháng chừng ấy tiền cô tiêu vào việc gì. - Nếu thấy thương hại, hay là anh cho tôi thêm đi. Tôi không đòi nhiều đâu, anh muốn cho bao nhiêu tôi cũng nhận hết. - Giờ lộ rõ lòng tham không đáy rồi à? - Không vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp là được. À mà đúng rồi, tết thì sếp nào cũng phải thưởng cho nhân viên, anh bao tôi thì cũng coi như là sếp tôi, anh lì xì cho tôi đi. Càng nhiều càng tốt. Tôi vừa nói vừa chìa tay ra, nhưng Vũ chẳng hề quan tâm mà chỉ hừ lạnh một tiếng rồi quay đi. Tôi cũng không có ý định đòi tiền anh ta thật nên chỉ cười cười: - Không lì xì thì thôi, tôi đi rửa bát đây. Nước tôi để trong ấm ấy, nước giếng đun sôi không sạch như nước lọc nhưng uống một lần chắc không bị sỏi thận đâu. Anh khát thì rót ra mà uống nhé. Vũ không trả lời, tôi cũng không nói nữa mà bê bát đi rửa luôn. Lúc sau quay lên đã thấy anh ta tựa đầu vào ghế nhắm mắt ngủ rồi. Không biết mệt hay ngủ quên mà tôi khẽ gọi vài ba câu cũng không thấy đáp. Tôi nghĩ giờ này vẫn còn sớm, để anh ta ngủ thêm một lúc nữa rồi về cũng được, thế là tranh thủ thời gian đó đi loanh quanh chúc tết hàng xóm, thăm hỏi mọi người rồi tiện thể nhờ họ thỉnh thoảng ngó qua nhà giúp tôi. Mãi đến bốn giờ chiều, tôi với Vũ mới lên xe về lại Hà Nội, trên đường về, đến lượt tôi mệt nên cũng nhắm mắt ngủ ngon lành, khi tỉnh dậy đã thấy xe dừng lại, nhìn ra bên ngoài mới biết đã về đến chung cư nhà tôi rồi. Tôi dụi dụi mắt, quay sang nhìn Vũ vài giây rồi mới nhổm dậy, tháo đai an toàn: - Hôm nay cảm ơn anh nhé. Anh có muốn lên nhà uống nước rồi hãy về không? - Không. - Thế thôi, tôi về đây. Anh về cẩn thận. Với cả từ giờ đừng đỗ xe ở đây nữa nhé, bảo vệ đuổi đấy. Nói xong, tôi mở cửa xe định bước xuống, thế nhưng chân còn chưa kịp chạm đến đất thì đã nghe Vũ nói: - Này. Tôi quay đầu lại, thấy trên tay anh ta là một bao lì xì đỏ. Lúc đòi thì anh ta không đưa, giờ tự nhiên lại tặng cho tôi nên tôi cứ thấy ngạc nhiên sao sao ấy, không tin được nên cứ tròn xoe mắt nhìn. Vũ thấy tôi ngẩn ra không nhận thì bảo: - Lúc nãy không phải cô đòi tiền lì xì à? - Nhưng lúc đó anh không đưa. - Giờ mới nhớ ra. Cái này là của nhân viên lì xì, tôi chưa bóc, không biết có bao tiền. Cho cô đấy. - À… ừ… Cảm ơn. Vì Vũ nói thế nên rất lâu sau đó tôi cũng không mở bao lì xì đó ra mà chỉ kẹp vào một quyển sách. Tôi nghĩ tặng quà cho người khác, đặc biệt là vào dịp tết thế này phải có tâm, giống như anh Thành tặng cho tôi một chiếc lắc tay bằng bạc nhỏ nhỏ, là thứ có ý nghĩa chứ không phải chỉ đơn giản là một tờ tiền. Mà chiếc lì xì đó cũng không phải do Vũ cố ý muốn tặng tôi, nên tôi cũng không quan tâm nữa. Sau tết, tôi bắt đầu quay trở về với guồng sống thường ngày, ban ngày tất bật đi làm ở văn phòng Luật, ban đêm thì đến với Bống, ngày nào mệt thì về nhà ngủ một mình. Có một hôm, anh Hải bảo tôi bên công ty AVF đang chuẩn bị thu mua một doanh nghiệp ở Nha Trang, bảo tôi đi với bên họ một chuyến để tư vấn pháp lý các thủ tục mua bán. Tôi không muốn xa Bống nên không nỡ đi, đành viện lý do: - Em mới vào làm, chưa có kinh nghiệm, em sợ tư vấn không đến nơi đến chốn cho người ta anh ạ. - Không sao đâu. Anh bảo Bích đi cùng, em cũng nên đi để học hỏi kinh nghiệm. Công việc của em chỉ là ghi chép với nghiên cứu tài liệu thôi. Thật ra mua bán doanh nghiệp cũng dễ ấy mà. - Cả chị Bích cũng đi hả anh? - Ừ, fan cứng của sếp Vũ nên phải đi chứ. Em cứ sắp xếp đi, khoảng một tuần nữa thì bay. Vé máy bay bên công ty AVF trả. - Vâng, em biết rồi ạ. Cũng may là dạo gần đây con gái tôi khỏe, mấy hôm trước trộm vía bác sĩ còn khen tiến độ như thế này chẳng mấy chốc mà ghép tủy được rồi, cho nên trước lúc tôi đi, giao lại Bống cho chị Tâm chăm sóc cũng yên tâm được ít nhiều.
|
Chị Tâm bảo với tôi: - Con bé ngoan lắm, chơi cả ngày có quấy có khóc gì đâu. Bác sĩ còn bảo một hai tháng nữa còn cho về nhà điều trị, lúc nào làm hóa trị thì lại vào viện tiếp đấy. - Thật hả chị? - Ừ. Cũng nên cho nó về nhà đi chứ, ở bệnh viện suốt thế cũng tội thân. Người bé tý mà tay chân chỗ nào cũng thấy cắm kim truyền thôi. Thương lắm. - Vâng, thế thì tốt quá. Em cũng mong đưa Bống về nhà chơi vài hôm, ở bệnh viện từ lúc đẻ ra cho đến giờ, chưa biết thế giới bên ngoài là gì. - Ừ đấy, em Bống nhanh lớn lên để mẹ Thanh cho em đi chơi, em Bống nhỉ? Con bé nhìn chị Tâm rồi lại nhìn tôi, lúc này đã biết theo rồi nên nghe thế thì mếu máo, giơ tay ra đòi tôi bế. Tôi ẵm con vào lòng, ngoài mùi sữa ra còn ngửi thấy cả mùi thuốc tây trên người con bé, vừa xót lại vừa thương con mà chẳng biết phải làm sao. Tôi nói: - Bống ở nhà với bà Tâm ngoan, mẹ đi công tác vài bữa rồi mẹ về. Mẹ mua quà cho Bống nhé. Sau lớn mẹ cho Bống đi làm với mẹ nữa nhờ. Con bé chẳng hiểu gì nhưng được tôi bế thì cười toe cười toét, chị Tâm thấy thế còn trêu: - Thôi mẹ Thanh cũng nhanh lên, kiếm bố cho Bống đi. Sau có đi Nha Trang thì đi cả nhà mới vui. - Vâng. Đợi em tìm được ai thương Bống như con ruột thì em lấy. - Ôi, tiêu chí thế thì cao quá, khó lắm đấy nhé. - Vâng, chắc là không tìm được nên em ở thế nuôi Bống thôi. Bống có mẹ Thanh với cả bà Tâm rồi, chả cần bố nữa Bống nhỉ? - Biết đâu một ngày lại tìm được, đừng lo. Em vừa xinh xắn, vừa biết trước biết sau, kiểu gì cũng gặp được người tốt. Tôi không đáp, chỉ cười. Người tốt trên đời này tôi đã gặp rồi, là một người ở tận Osaka xa xôi. Chỉ tiếc là tôi đã sai lầm quá nhiều thứ nên cuộc đời này chỉ có thể đứng nhìn anh thôi, người như thế tôi không thể nào làm vấy bẩn được. Một tuần sau đó, tôi và chị Bích cùng đoàn của công ty AVF bay đến Nha Trang để ký hợp đồng thu mua doanh nghiệp. Vũ không đi cùng chúng tôi mà chỉ có bà Hương giám đốc kinh doanh thôi, con mụ cả người dát kim cương ấy thì ghét tôi và chị Bích khỏi phải nói, vừa mới thấy mặt đã khinh khỉnh bảo: - Chả hiểu cái văn phòng Luật Đông Nam kiểu gì mà chọn toàn người chẳng ra gì đi cố vấn pháp lý mấy cái việc quan trọng như này. Đến lúc nhỡ có làm hỏng việc của công ty tôi, các người tự bỏ tiền ra mà đền nhé. Bà Bích vẫn còn ngại vụ lần trước, sợ bà này đì văn phòng của chúng tôi nên nhẫn nhịn đáp: - Chắc chị mới vào công ty nên không biết chứ bọn em cũng hay đi cùng AVF kiểu này, chưa lần nào làm sai gì cả. Lần này bọn em cũng đã nghiên cứu kỹ tài liệu rồi, chị đừng lo. - Thế ý cô là tôi ngu không biết gì đấy đúng không? - Không, ý em là bọn em làm lâu rồi nên cũng có kinh nghiệm. - Tôi chả cần biết kinh nghiệm gì, nhưng cứ làm sai thì cứ thế mà chịu trách nhiệm, thế thôi. - Vâng, bọn em biết rồi. Sau khi chị ta đi rồi, bà Bích nghiến răng kèn kẹt, bảo tôi: - Mẹ con này, rồi có ngày chị mày cưa đổ ông Vũ, chị mày đì cho chết thì thôi. Mặt vênh như mặt thớt. - Thế thì chị phải mau mau lên. Lâu quá nó lại đì mình trước đấy. - Tức thế, chuyến này ông Vũ lại không đi mới đau. Nếu ông ấy mà đi thì có phải mình có cơ hội tiếp cận không. - Sao chị lại thích anh ấy thế? - Ông ấy thì ai mà chả thích. Này nhé, có tiền giờ cũng bình thường thôi, nhưng quan trọng nhất là phong độ, phong độ đấy mày hiểu không? Đàn ông chung thủy thì chả có gì đáng nói cả, nhưng kiểu đàn ông không thể nắm giữ trong tay được mới là người mà mình muốn chạy theo. Giống như muốn thuần được một con ngựa nổi tiếng bất kham ấy. Mày có thấy thế không? - Thế anh Vũ là con ngựa bất kham hả chị? - Ừ, đại loại thế. Cái kiểu hờ hững của ông ấy mới là làm phụ nữ chết đứ đừ đấy. Nghe giang hồ đồn nhiều rồi nhưng chưa bao giờ thấy ông thấy mặn mà với ai cả, ai cũng chỉ thờ ơ thôi, như kiểu qua đường, chán rồi thôi. Mỗi con mụ Hương này là lâu nhất. Chị mày đã điều tra rồi. Nó là con của cái bà có cổ phần nhiều nhất trong công ty AVF đấy, kinh chưa? - À, kiểu như con nhà giàu ấy hả chị? - Ừ, thế nên mới vào làm cái đã được lên giám đốc kinh doanh luôn chứ. Chả biết năng lực được đến đâu nhưng vênh váo thì không ai bằng. Chị mà tóm được lão Vũ thì nó hết vênh váo. - Rồi rồi, thế chị phải cố lên. Lần này nhớ làm tốt vào để cho ông ấy ấn tượng nhé. - Yên tâm. Vào phòng thôi, nghỉ ngơi rồi nghiên cứu tài liệu tý. - Vâng. Tôi chưa được đi máy bay bao giờ nên say gần chết, vào phòng là đánh liền một giấc đến tận tám giờ tối mới dậy, lúc chị Bích gọi đi ăn cũng không tài nào mở mắt ra nổi. Tôi định nhịn luôn để mai ăn sáng luôn thể, nhưng đến chín giờ thì đói không chịu được, thế là đành bò xuống giường bảo với bà Bích: - Chị ơi, biết chỗ nào ăn ở gần đây không? Em đói quá. - Giờ này khách sạn chắc hết đồ ăn rồi. Chị cũng chẳng biết ở đâu cơ, đã được vào đây bao giờ đâu. Mày cứ thử loanh quanh xuống dưới xem. - Vâng, chị đi với em không? - Không. Chị mới ăn no rồi, mày đi đi. Chị còn bận nghiên cứu tài liệu, mai đi ký hợp đồng rồi. - Vâng, thế xem có gì ngon em mua về cho. Một mình tôi lếch thếch cầm ví tiền đi xuống, định ăn bát phở cho nhanh rồi về thôi. Thế nhưng lúc thang máy dừng ở tầng một, cửa vừa mới mở ra thì đã thấy Vũ đứng ngay bên ngoài. Anh ta hình như vừa mới bay từ Hà Nội vào nên vẫn mặc quần tây, áo sơ mi, đứng bên cạnh còn một người đàn ông đang xách túi nữa, chắc là trợ lý hay thư ký gì đấy. Tôi không biết có nên chào hay không nên chần chừ vài giây, lúc sau mới khẽ gật đầu: - Chào anh ạ. - Đi đâu thế? - À, tôi ra ngoài ăn đêm. Anh mới vào đến nơi ạ? Vũ không trả lời mà chỉ quay sang nhìn người bên cạnh, bảo anh ta: - Mang đồ lên phòng trước đi, tôi đi ăn đêm.
|
Đoạn 10 Tôi với Vũ đi bộ ra một quán trông có vẻ sạch sẽ ngay bên cạnh bờ biển, gọi ra hai bát mì Quảng, còn gọi thêm một đĩa nem nướng Nha Trang. Tôi chưa được ăn mấy đồ này bao giờ nên không biết ăn như nào cả, đang cầm đũa ngồi lơ ngơ thì Vũ đẩy hộp ớt về phía tôi. Anh ta nói: - Cho thêm một ít ớt mới đủ vị. - Vâng. Trước nghe nói mì Quảng nhiều lắm rồi mà giờ mới được ăn. - Thích thì ăn đi. Không phải chỗ nào cũng có mì Quảng ngon như Nha Trang đâu. - Tôi biết rồi. Anh vừa xuống sân bay à? - Ừ. - Thấy mọi người trong đoàn bảo anh không vào, sao giờ lại tự nhiên lại bay đêm vào đây thế? - Bận việc, chiều mới xong nên giờ mới vào đến. - Ừ, thế thì anh cũng ăn nhiều vào. Vũ không nói nữa, cúi đầu lặng lẽ ăn mì. Tôi chẳng biết công việc anh ta là gì, phải đi những đâu, nhưng tôi đoán là anh ta rất bận nên thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, hoặc nếu không mệt thì cũng là uống say. Phải rồi, công việc của anh ta khác anh Thành. Bác sĩ không uống rượu, còn Vũ thì thường xuyên phải đi tiếp khách nên không thể tránh được. Ngay cả bây giờ dù anh ta ngồi ngược hướng gió, tôi vẫn ngửi thấy mùi rượu thoang thoảng từ anh ta. Hình như Vũ tiếp khách ở Hà Nội xong rồi mới lên máy bay vào đây. Nghĩ đến đó, tự nhiên tôi lại thấy thương thương nên định thử cuốn một cái nem nướng Nha Trang đưa cho anh ta. Loay hoay mãi mới cuốn xong, chuẩn bị chìa tay ra đưa thì bỗng dưng nghe thấy tiếng chuông điện thoại. Vũ nhìn tên người gọi đến trên màn hình, khẽ nhíu mày vài giây rồi mới nhận máy: - Alo. - … - Ừ, vào rồi, đang đi ăn đêm. - … - Không cần đâu, ăn sắp xong rồi. Tý nữa anh về ngay thôi. Tôi nghe loáng thoáng thấy giọng bà Hương, chắc là gọi để hỏi Vũ vào đến nơi chưa. Chẳng biết chị ta là bồ cứng, người yêu, hay gì gì của Vũ, nhưng để anh ta chủ động nói với chuyện mình đang đi đâu, làm gì, thì nghĩa là chị ta có vị trí rất quan trọng với Vũ. Và nếu bà ta với tôi thì tôi chả là gì cả. Người ta là con nhà giàu, còn tôi thì chỉ là một đứa mà anh ta bỏ tiền ra bao nhưng cả tháng cũng chẳng thèm đến, thậm chí mỗi lần quan hệ Vũ cũng không buồn phí phạm lời nói với tôi. Có lẽ tôi cũng như hạt cát qua đường của anh ta thôi, thế nên không cần thiết phải quan tâm đến anh ta nữa, có người khác lo thay rồi. Tôi chậm chạp thu tay về, tiện tay bỏ luôn miếng nem nướng Nha Trang vào trong miệng. Vũ thấy tôi ăn nhồm nhoàm như thế thì cau có bảo: - Cô chết đói à? - Ừ, mới ăn một bát mì chưa đủ no. Mấy khi mới được anh mời đi ăn, tôi phải tranh thủ ăn nhiều cho bõ. - Đúng là lợn. - Gọi thêm đĩa nem nướng nữa nhé? Anh trả tiền. Anh ta không đáp, nhưng vẫn vẫy tay gọi phục vụ lấy ra thêm một đĩa nem nướng cho tôi. Khi ấy thật ra tôi đã no rồi, nhưng mà tiếc của, với cả sợ Vũ mắng vì tội đòi gọi cho bằng được rồi không ăn, thế là vẫn phải cố nuốt bằng hết. Ăn xong, hai chúng tôi đi bộ về đến cổng khách sạn thì gặp bà Hương đang đứng ngay bên dưới. Vẻ mặt chị ta đang niềm nở, thấy tôi đi bên cạnh Vũ cái thì lập tức sa sầm. Tôi cũng ngại phiền phức nên định kiếm cớ lảng đi, ai ngờ còn chưa kịp chuồn thì chị ta đã rảo bước đi lại gần rồi nói: - Ơ, Thanh cũng đói bụng nên ra ngoài đi ăn hả em? Đi cùng anh Vũ hả? Quả nhiên là yêu quái. Trở mặt còn nhanh hơn lật sách. Miệng nam mô bụng một bồ dao găm. Tôi chẳng quan tâm đến vẻ thảo mai giả tạo của chị ta, thờ ơ gật đầu: - Vâng, đi ăn thì gặp anh Vũ nên ngồi cùng luôn. - Hai anh em đi ăn gì thế? Ở gần đây có nhiều quán ăn ngon lắm, sao không bảo chị dẫn đi. - Em định ra ngoài ăn bát phở thôi, nhưng thấy quán mì Quảng ngon nên ăn mì Quảng luôn. Lần sau không biết thì em nhờ chị. - Ừ, sau đi đâu cứ bảo chị dẫn đi. Lúc chửi người thì như hát hay, thế mà có Vũ ở đây thì nói ngọt còn hơn mía. Tôi ghét kiểu đó nên không muốn nói chuyện nữa, cũng chẳng biết chuyện gì mà nói. May sao đúng lúc đó Vũ lại lên tiếng: - Đi thôi. - Vâng. Tôi định chờ hai người họ lên trước rồi mới lên sau, nhưng vì ở cùng khách sạn, đi thế dễ bị hiểu nhầm nên đành phải đi cùng luôn. Lúc lên đến tầng 4 thì Vũ với bà Hương cùng đi ra, trước khi cửa thang đóng lại, chị ta còn không quên nguýt tôi một cái. Tôi tỏ vẻ không thấy rồi tiếp tục ấn nút đi lên, thích giả vờ với tôi thì tôi cũng giả vờ lại cho tức. Tôi với chị Bích là kiểu đi theo nói leo lên bị xếp ở tận tầng tám, còn hội bên công ty AVF thì ở phòng VIP dưới tầng 4, có cửa sổ hướng ra biển. Buổi trưa nhận phòng, tôi để ý thấy bà Hương book riêng một phòng, giờ thấy Vũ cũng đi ra ở tầng 4 thế này, chắc là đêm nay sẽ ngủ cùng chị ta nhỉ? Chẳng trách từ tết đến giờ mới đến chỗ tôi một lần, thì ra có quá nhiều chỗ để giải quyết. Đi hết một vòng mới đến lượt tôi. Đồ đàn ông bỉ ổi. Lúc tôi về đến phòng, bà Bích thấy tôi mặt mày dài như cái bơm mới hỏi: - Sao thế? Đồ ăn không ngon à? - Không, em ăn no quá nên giờ tức bụng. Chị vẫn chưa ngủ à? - Chưa. Buổi tối thì ăn ít thôi không béo. Dáng mày đẻ một con rồi mà vẫn đẹp thế, phải chịu khó mà giữ vào chứ. - Thôi tầm này thì có ai nhìn nữa đâu mà giữ hả chị. À, lúc nãy em mới gặp thần tượng của chị đấy. - Ai cơ? Anh Vũ á? - Vâng. Thần tượng của chị mới vừa đáp máy bay xuống đây. Giờ đang ở dưới tầng 4. Chị Bích nghe xong thì hai mắt lập tức sáng lên, vứt cả tài liệu chạy ngay đến chỗ tôi: - Thật á? Anh Vũ tự nhiên xuất hiện ở đây á? - Vâng. - Ở cùng tầng bốn với con mụ Hương à? Có thấy vào phòng cùng nhau không?
|