Người Không Thể Bỏ Lỡ
|
|
- Hay là về đi con. Không cần học bác sĩ nội trú nữa. Đi học mà vất vả thế thì đi làm gì, về với mẹ, mẹ nuôi. - Con không sao đâu, còn gần hai năm nữa thôi. Vèo cái qua một năm rồi đấy còn gì, mẹ đừng lo. - Gầy quá thôi, ăn nhiều vào con. Ăn đi, tối mẹ hầm cháo gà ác cho. Tranh thủ ăn bồi bổ đi, mai lại sang đó rồi còn gì. Anh Thành không nói, chỉ cười. Tôi nghĩ nếu là Vũ, chắc chắn anh ta sẽ bảo: "Con không ăn, mẹ đừng làm mất công". Nhưng mà nghĩ tới đây, tự nhiên tôi lại nhớ ra hình như mẹ kế chưa bao giờ thức dậy lúc nửa đêm để hầm gà cho anh ta ăn cả. Vũ cũng bận như anh Thành, cũng phải đi xã giao suốt ngày, còn phải uống rượu, thậm chí bây giờ mọi người vui vẻ ăn cơm thì anh ta lại đang đi làm ở tít trong Sài Gòn. Sao mẹ kế không nhớ đến còn một đứa con trai nữa nửa đêm nay mới về mà chỉ nói hầm gà cho mỗi anh Thành như vậy? Miếng cơm trong họng tôi lại tiếp tục trở nên đắng ngắt. Ngày quái quỷ gì vậy, sao ăn cơm mà khó nuốt thế này? Sau khi ăn xong, cả nhà quây quần nói chuyện đến gần mười giờ mà Vũ vẫn chưa về. Bố tôi thấy muộn rồi mà nhà tôi thì xa, lo tôi đi về một mình gặp chuyện nên bảo: - Mai Thanh có phải đi làm không con? Muộn rồi hay là ngủ ở đây? Đường xa thế đi nguy hiểm lắm. - Mai con phải đi làm bố ạ. Con đi xe máy về được mà. Đi từ từ kiểu gì cũng về đến nơi, bố đừng lo. - Thế để bố đưa về. Bố tôi vừa nói dứt câu thì anh Thành bảo: - Để con đưa em Thanh về cho. Bố cứ ở nhà nghỉ đi. Con đi xe máy cùng em ấy rồi tý nữa con bắt taxi về. - Thế được không con? Nghỉ ở nhà mai còn đi chứ? Mẹ kế cũng nói: - Ừ, sáng mai lại bay sớm rồi, tranh thủ nghỉ đi con. Để bố đưa về cho. - Con đi được mà. Mai mười một giờ con mới bay. Vẫn được ngủ đến chín giờ. Con đưa em Thanh về, bố mẹ cứ ở nhà đi. Mặc dù không hài lòng nhưng có mặt bố tôi ở đấy, mẹ kế cũng không dám tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Tôi thì cũng không muốn làm phiền người khác, nhưng mà từ chối mãi không được, cuối cùng vẫn phải để anh Thành đưa mình về. Anh chở tôi bằng xe máy, tôi im lặng ngồi phía sau. Mặc dù tôi thích cảm giác ở bên cạnh anh nhưng không hiểu sao hôm nay vẫn thấy lòng nặng nề sao sao ấy. Không hề thoải mái tý nào. Anh Thành bảo: - Lâu rồi mới đi xe máy, cứ thấy không quen. Em ngồi cho chắc vào. - Ở bên đó anh hay đi xe đạp ạ? - Ừ, bên đó người dân hay đi bộ, xe đạp với cả tàu điện ngầm. Không đi xe máy nhiều như mình nên không khí cũng khá sạch sẽ. - Vâng. Bệnh viện chỗ anh làm có gần nhà trọ không? - Cách khoảng một kilomet. Anh với ông bạn người Thái Bình kia hôm nào cũng đạp xe đi làm. Khỏe người cực. - Vâng, em thấy đi xe đạp tốt cho sức khỏe. Mỗi tội mình ít người đi nên đi làm bằng xe đạp thì kỳ lắm. - Ừ. Em đi xe máy như này là được rồi. Anh thấy xe này hợp với em. Nhắc đến xe máy lại nghĩ đến Vũ, tôi thở dài, vừa nói chuyện với anh Thành vừa suy nghĩ, cuối cùng khi gần về đến nhà mới quyết định lôi điện thoại ra, nhắn cho Vũ một tin: "Tôi nấu cháo thịt băm, tý nữa anh từ sân bay về thì qua ăn nhé" Vũ không trả lời lại, nhưng khi anh Thành đưa tôi về nhà, đợi anh ấy bắt taxi về rồi, tôi vẫn chạy ra cửa hàng thịt sạch Meat Deli mua thịt về nấu cháo. Trước giờ tôi chưa bao giờ dám mua thịt ở đây vì đắt, nhưng nghĩ chắc là hôm nay Vũ mệt rồi, không có gà ác thì cũng nên mua thịt tử tế cho anh ta ăn. Tôi mang thịt về nhà, cẩn thận băm ra bằng tay rồi nấu một nồi cháo thơm lừng, đợi đến gần mười hai giờ cũng không thấy Vũ nhắn tin lại, chỉ có một tin nhắn của anh Thành báo đã về nhà rồi. Tôi cứ ngồi ở bàn ăn cầm điện thoại nhìn đi nhìn lại mãi, muốn gọi hỏi xem anh ta về chưa nhưng cứ ngại rồi không gọi, cuối cùng chờ lâu quá nên gục xuống ngủ quên mất, mãi đến khi nghe tiếng lạch cạch trong nhà mới giật mình tỉnh dậy. Tôi mở mắt ra thấy Vũ đang ngồi ở bàn uống nước, trước mặt là một cốc nước bỏ đá đầy ắp, chắc anh ta mới về, mệt nên mới tự pha nước uống kiểu đấy. Mà khi đó tôi nhìn đồng hồ cũng thấy ba giờ sáng rồi, cả ngày bay đi bay lại giữa Hà Nội với Sài Gòn, người đi không thôi cũng đã hết hơi, đằng này anh ta còn phải đi làm nữa, chắc là cũng đã mệt lắm rồi. Nhìn anh ta thế, tự nhiên tôi lại thấy thương thương, tôi đứng dậy đi lại gần rồi bảo: - Anh về rồi à? Vũ không đáp, cũng chẳng buồn liếc tôi, chỉ nâng cốc nước lên uống tiếp. Tôi thấy thế lại cầm bình rót ra thêm một cốc nữa, nói với anh ta: - Tôi hâm lại cháo nóng cho anh nhé? Cháo thịt băm ngon lắm. Thịt sạch tôi mua ở cửa hàng Meat Deli chứ không phải mua ở chợ đâu. Anh ăn đi rồi tranh thủ ngủ một giấc, mấy tiếng nữa còn đi làm. - Có gì nói nhanh đi. - À… tôi… Tôi biết anh ta sẽ không bỏ qua chuyện ban sáng, nhưng Vũ vẫn đến chỗ tôi nghĩa là vẫn cho tôi cơ hội để chuộc lỗi, thế nên tôi cũng phải biết điều, thành khẩn nhận tội: - Chuyện ban sáng ấy… tại anh Thành đến không báo trước nên tôi không biết. Nếu tôi biết anh ấy đến nhà thì kiểu gì tôi cũng từ chối, thật đấy. Tôi không cố ý làm gì vụng trộm sau lưng anh đâu. Tôi xin lỗi. - Đúng ý cô rồi phải không? - Hả? - Từ tận Osaka về tìm cô. Đúng ý cô rồi còn gì? Không nổi giận, không mỉa mai, không sỉ nhục tôi như thường ngày. Anh ta cứ như vậy làm tôi cảm thấy sợ. Tôi vội vã lắc đầu: - Không. Tôi đã nói rồi. Tôi nhận tiền của anh, ăn cơm của anh, tôi chỉ phục vụ mình anh. Chuyện anh Thành từ Nhật về là ngoài dự kiến, tôi không biết anh ấy về, cũng không mong anh ấy đến nhà này. Với cả, không phải tôi làm gì có lỗi sau lưng anh nên mới nấu cháo cho anh để chuộc lỗi đâu, tôi nghĩ anh hôm nay mệt rồi nên mới nấu. - Tôi nói không tin thì sao? - Tôi thề. Tôi làm gì có lỗi với anh thì tôi không bằng con kiến, anh giết chết lúc nào cũng được. Mà anh không cần giết, giờ anh chỉ cần không bao tôi nữa là tôi đủ chết rồi. Tôi tự biết bây giờ ai là người mình cần, thế nên tôi sẽ không tự đập đi bát cơm của mình đâu. Vũ im lặng nhìn tôi một lúc, dường như đang đánh giá xem lời nào của tôi là thật, lời nào của tôi là giả. Tôi cũng ngẩng lên nhìn anh ta, nhìn thẳng, để anh ta biết tôi thật tâm muốn nấu cho anh ta một bữa ăn khuya chứ không phải vì muốn chuộc lỗi. Rất lâu sau đó, Vũ mới thở hắt ra một hơi rồi nói với tôi: - Lại đây.
|
Đoạn 13 Tôi không biết anh ta định làm gì, nhưng vẫn chậm chạp đứng dậy đi sang ghế của anh ta rồi ngồi xuống. Vũ nhìn tôi vài giây, sau đó nhẹ nhàng nghiêng người nằm xuống sofa, gối đầu lên đùi tôi. Anh ta hình như rất mệt nên không muốn nhiều lời gì cả, chỉ chậm chạp nhắm mắt rồi nói: - Ngồi yên thế đi, ngủ một lúc. - Nhưng… còn nồi cháo? Anh không đói à? - Tý nữa dậy ăn sau. Tôi không nói nữa, đành ngồi im để anh ta gối, bây giờ cũng bốn giờ sáng rồi, chỉ còn hai tiếng nữa thôi là lại phải thức dậy để tiếp tục một ngày mới, cho nên tranh thủ chợp mắt được ít nào thì chắc cũng sẽ đỡ mệt đi ít ấy. Dù sao thì ngày hôm nay đối với anh ta cũng đủ dài rồi… Nghĩ vậy nên tôi ngoan ngoãn ngồi yên không cựa quậy để Vũ ngủ, cũng định ngồi ngủ luôn nhưng ban nãy đã ngủ rồi, giờ không sao chợp mắt nổi nữa, mà điện thoại thì không có để nghịch. Tôi chán quá, thế là đành làm một việc lãng xẹt nhất trên đời, đó là ngồi ngắm anh ta ngủ. Đây là lần đầu tiên tôi được kỹ nhìn Vũ ở khoảng cách gần như vậy, cũng là lần đầu tiên được trông thấy anh ta khi thiếp đi, không còn vẻ giương cung bạt kiếm thường ngày, cũng không cau có cáu kỉnh mà chỉ còn lại sự một sự an tĩnh khiến người ta có thể động lòng. Khi anh ta nhắm mắt, hai hàng lông mi dài cong cong như phiến lá khép chặt, đầu mày hơi giãn ra, gương mặt rất hiền lành, trông giống một cậu thanh niên bình thường đang say ngủ chứ không phải là một người đàn ông lạnh lùng sát phạt trên thương trường mà mọi người vẫn hay thấy. Tôi càng nhìn anh ta lại càng không thể dời mắt đi được, lúc này mới thật sự thấu hiểu tại sao phụ nữ biết rõ Vũ là dạng đàn ông không thể nắm giữ nhưng vẫn như thiêu thân lao vào rồi. Bởi vì trên người anh ta có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Ngay cả tôi bây giờ cũng vậy… Tôi không nhịn được, chậm chạp giơ tay chạm vào đầu mày anh ta, Vũ có lẽ bị giật mình nên hơi nhíu mày, khẽ cựa mình rồi nắm chặt lấy ngón tay tôi. Anh ta mơ ngủ, lẩm bẩm bảo: - Anh mệt. Lòng tôi bỗng nhiên cảm thấy hơi nhoi nhói. Có lẽ vì lâu nay quen nhận tiền của Vũ, quen với sự hào phóng của anh ta nên tôi đã quên mất để kiếm được những đồng tiền đó, anh ta cũng phải lao lực rất nhiều thì mới có được. Mà như thế, tôi lại càng cảm thấy mình có lỗi vì đã lợi dụng Vũ, nhưng thật sự cũng không còn cách nào cả. Tôi không biết phải làm sao, cuối cùng đành lặng lẽ nói: - Ừ. Ngủ đi. Ngủ một giấc là hết mệt thôi. Sau đó, tôi cứ ngồi nhìn anh ta như vậy rồi ngủ quên đi lúc nào không biết, đến khi tỉnh dậy thì thấy trời đã sáng rồi, đùi nhẹ tênh, cúi xuống cũng không thấy Vũ đâu nữa. Trên bàn có thứ gì đó sáng sáng, tôi dụi mắt, cầm lên mới biết đó là một chiếc móc khóa, loại này hình như hay bán ở khu du lịch, giá khoảng mười nghìn đến hai mươi nghìn một cái gì đó. Bình thường Vũ không bao giờ thích dùng mấy đồ này, cho nên chắc là anh ta mua cho tôi. Quà sinh nhật của tôi à? Tôi giơ móc chìa khóa lên ngắm nghía, thấy nó có mỗi một cái đuôi hình vuông bằng inox và cái đầu tròn để móc khóa, ngoài ra cũng chẳng có thêm chi tiết nào nữa. Trông có vẻ khá đơn giản nhưng mà tôi thích. Thích bởi vì dù chỉ là đồ rẻ tiền thôi, nhưng anh ta từ Sài Gòn về giữa đêm mà còn nhớ tặng quà cho tôi, chỉ cần thế thôi là đủ để vui rồi. Tôi hài lòng cầm móc chìa khóa đó treo vào khóa xe máy, sau đó đi lại bếp, mở nồi cháo ra thì thấy cháo trong đó cũng đã vơi đi một ít, nồi vẫn còn hơi âm ấm, chứng tỏ sáng nay Vũ ăn cháo rồi mới đi. Nghĩ đến việc anh ta chịu ăn cháo của tôi nấu, tự nhiên tôi lại nhoẻn miệng cười, sau đó tâm trạng có vẻ bắt đầu tốt lên, đánh răng rửa mặt xong cũng tự múc một bát cháo đầy rồi ăn hết. Lúc đến văn phòng, chị Bích thấy mặt tôi tươi tỉnh thì cau mày hỏi: - Sao thế? Mới trúng xổ số hay là mới cua được anh nào mà mày có vẻ phấn khởi thế? - Đâu? Phấn khởi hả chị? Em thấy em bình thường mà? - Đấy thôi, mồm cười toe cười toét đó thôi. Sáng giờ không nhận ra là mình cười như con dở hơi suốt à? - À… tại vì con em mới khỏi ốm nên em mới vui thế đấy. Nửa tháng nay ngày nào cũng thức gần trắng đêm bế nó, giờ được ngủ trọn một đêm nên tâm trạng mới tốt ạ. - Thế à? Bé khỏi ốm rồi à? Về nhà chưa? - Chắc là vài hôm nữa em cho về chị ạ. Cô trông bé cho em chuẩn bị vào miền nam thăm con mấy hôm, nên em cũng phải cho con em về, đang định tý nữa vào xin sếp cho nghỉ mấy ngày để ở nhà chăm con bé đây. - Ừ. Khổ. Nhìn mày chăm con mà gầy rạc đi ấy. May con khỏe lại là tốt rồi. Bữa nào con bé về thì chị đến chơi nhé? Khi đó, tôi đã làm ở văn phòng gần một năm, bảo chơi thân với ai thì chắc là không, nhưng riêng chị Bích thì hai chị em hay nói chuyện nên tôi nghĩ mình từ chối cũng hay lắm. Thế nên, dù không muốn ai biết chỗ ở của mình nhưng tôi vẫn đành bảo: - Vâng ạ. Khi nào cháu về thì em bảo. Nhưng chị đến một mình thôi nhé, nhiều người đến thăm em ngại lắm. - Ừ, chị biết rồi. Mày cứ cho địa chỉ đi rồi chị đến. - Vâng. Nói chuyện với chị Bích xong, tôi tranh thủ quay sang nhìn đồng hồ, chờ đến gần mười giờ mới lấy điện thoại ra nhắn cho anh Thành một tin: - Anh ơi anh chuẩn bị ra sân bay chưa?
|
- Anh đang chuẩn bị. Em đang đi làm à? - Vâng. Hôm nay em có hợp đồng, phải đi từ sáng sớm nên đi tiễn anh được, xin lỗi anh nhé. - Không sao đâu. Xa thế em ở nhà thôi. Anh đi rồi lúc nào rỗi anh về ấy mà. - Vâng. Anh đi mạnh khỏe nhé. Giữ gìn sức khỏe, chịu khó ăn nhiều vào. - Em cũng thế đấy. Lần này anh sang sẽ bổ túc thêm một khóa học nấu ăn, sau về sẽ nấu ngon hơn cho em ăn. - Haha, ok, ok. Em phải vào làm việc đây, sếp giục rồi. Sang đến nơi nhắn tin cho em nhé. - Ừ. Anh biết rồi. Anh đi đây. Tôi cố ý nói dối thế để không phải khó xử, bởi vì anh Thành mất công về đúng sinh nhật tôi mà tôi lại không tiễn anh đi thì cũng không đúng. Nhưng mà tôi nghĩ rồi, tôi càng dây dưa với anh thì tình cảm sẽ ngày càng lớn, mà tôi thì lại không thể thích anh được. Bên cạnh đó tôi còn bị ràng buộc bởi Vũ nữa, cho nên… chỉ có thể tránh thật xa anh thôi… Cuối tuần đó, con gái tôi được bác sĩ cho xuất viện về nhà, chị Bích biết nên tay xách nách mang cả đống đồ đến chơi. Lúc mới vào đến nhà tôi, bà ấy nhìn quanh một vòng rồi xuýt xoa ngay lập tức: - Ôi con này, sao mày lắm tiền thế mà chị không biết nhỉ? Giàu ngầm à? Nhà đẹp thế? - Đâu, nhà em thuê thôi ạ. - Thuê cái khỉ mốc. Chung cư ở đây thuê không thôi cũng đã đống tiền rồi, mà nhà này lại rộng rãi, đúng hướng đẹp, nội thất trong nhà còn toàn đồ xịn nữa. Chủ nào mà hào phóng cho mày thuê thế? - Của bạn em, bạn em không ở nên để rẻ lại cho ấy mà. Chị vào nhà đi. Con bé đang ngủ, tý nữa là cháu dậy ngay đấy. - Ừ, để bác vào xem nào. Con gái tôi ở bệnh viện quanh năm ngày tháng, tiếp xúc với nhiều người nhưng rất nhát, ngoài tôi với chị Tâm ra thì Bống không theo ai cả. Chị Bích ở nhà tôi chơi cả ngày, vậy mà nịnh nó thế nào nó cũng không cho bế, tôi thì chỉ cười: - Nó ốm nên quấy bác ạ, bác thông cảm. - Ốm thế nào mà phải đi viện suốt? Con gái mà sao mày không để tóc cho nó? Sao lại cạo trọc đầu nó như con trai thế? Tôi nhìn con bé, tóc nó không mọc được là bởi vì dùng thuốc, vừa rồi lại mới làm hóa trị nữa nên đầu càng trọc hếu, da xanh như tàu lá. Nó nhỏ như thế mà phải chịu đau đớn từ khi sinh ra, còn không có mẹ có bố ở bên, tôi thương lắm, thương đến đứt gan đứt ruột. Tôi ôm con vào lòng, nặng nề đáp: - Cháu bị ung thư bác ạ. Ung thư máu. Chị Bích nghe xong thì lập tức khựng lại, mở to mắt nhìn mẹ con tôi, dường như không thể tin nổi chuyện tôi đã phải làm mẹ đơn thân mà còn phải nuôi con bị ung thư máu như thế. Chị ấy nắm lấy tay tôi, khó khăn nói: - Chị xin lỗi, chị không biết, chị tưởng… - Không sao đâu bác ạ. Cháu ngoan lắm. Cháu sắp khỏi ốm rồi đây bác này. - Thương quá thôi. Thế tên đi học là gì? - Em đặt tên là Ngân. Phạm Kim Ngân bác ạ. - Vẫn theo họ bố nó hả? Tôi cười cười, nhớ lại ngày trước đi làm giấy khai sinh, người ta hỏi tôi họ của Bống là gì. Tôi nghĩ mãi, thấy Ngọc họ Phạm, mà anh Thành và Vũ cũng họ Phạm, một người là Phạm Vũ Thành, một người là Phạm Thành Vũ, thế nên tôi mới quyết định đặt tên Bống là Phạm Kim Ngân. - Vâng, họ bố bác ạ. - Ừ. Thôi cứ cố gắng nuôi con cho tốt là được rồi. Bống bị ốm thế nuôi vất vả lắm phải không? Đi làm ở Văn phòng, lương mấy triệu làm sao mà đủ? - Vâng, em vẫn lo được bác ạ. - Ừ, nhà chị cũng có người bị ung thư máu, chị biết. Người lớn chăm còn vất vả nữa là trẻ nhỏ. Thôi có gì khó khăn cứ bảo chị. Chị cũng không có nhiều tiền nhưng có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều. Còn có lòng nữa đấy nhé. - Em cảm ơn chị. Mấy ngày con bé được xuất viện, chị Tâm tranh thủ vào miền nam thăm con gái nên tôi phải xin nghỉ làm hẳn một tuần để ở nhà trông Bống. Hai mẹ con tôi ban ngày cùng đi chợ mua thức ăn nấu cơm, buổi tối thì ôm nhau ngủ, thỉnh thoảng tôi sẽ hát cho con nghe, còn dạy con bé phân biệt loài vật với cả màu sắc. Nhà có thêm một đứa trẻ sẽ bận rộn hơn một chút nhưng rất vui. Ở nhà đến ngày thứ tư thì Vũ nhắn tin cho tôi, anh ta bảo tám giờ sẽ đến. Tôi nhìn lịch, thấy hình như dạo này tần suất anh ta đến chỗ tôi tăng lên rồi, trước đây một tháng may ra đến một lần, giờ thì một tuần một lần. Tôi chưa bao giờ từ chối anh ta, nhưng vì giờ có Bống ở nhà nên tôi đành bảo: - Hôm nay tôi có việc, sang tuần được không? Sang tuần tôi bù gấp đôi. Nhắn xong chờ mãi cũng không có tin nhắn trả lời, anh ta toàn kiểu như vậy. Tôi cứ nghĩ Vũ đọc xong, biết thế thì sẽ không đến, nhưng mà tám giờ tối vẫn thấy anh ta mở cửa đi vào nhà. Lúc đó tôi đang ngồi chơi với con, thấy Vũ đột nhiên đến thế thì giật mình, luống ca luống cuống đứng bật dậy: - Ơ… sao anh… lại đến… Anh ta nhìn tôi, sau đó lại dời mắt nhìn đến con bé đang ngồi chơi dưới sàn. Khi ấy tôi hoảng, vội vàng đứng chắn phía trước Bống rồi lắp bắp nói: - Tôi đã nhắn tin cho anh rồi… tôi có việc... thật mà… - Không đọc tin nhắn. - Hôm nay tôi có việc thật, hôm khác anh đến được không? - Việc gì? Trông trẻ à? Anh ta vừa nói dứt câu thì con gái tôi sợ, giơ tay bám lấy chân tôi rồi ngọng nghịu gọi “Mạ… mạ…”. Tôi chưa chuẩn bị tâm lý để cho Vũ biết đến sự tồn tại của Bống nên không biết làm sao cả, mà nhìn con khóc cũng không đành lòng, cuối cùng đành phải bỏ qua anh ta rồi cúi xuống bế con lên. Tôi bảo với Vũ: - Tôi phải trông con bé này. Không gửi được ai cả. Hôm khác được không? - Đói. - Hả?
|
Còn chưa kịp hỏi thêm gì, anh ta đã đi thẳng vào nhà rồi tự rót nước ra uống. Vũ không thèm hỏi Bống là ai, cũng chẳng buồn hỏi tại sao tôi lại phải trông nó. Hình như anh ta chỉ quan tâm đến mỗi việc đói nên mới đến đây tìm tôi. Mà tôi đã nhận cả đống tiền của anh ta rồi nên cũng không thể không phục vụ được, đành một tay bế con, một tay dọn dẹp đồ chơi bày bừa trên sàn nhà rồi. Tôi nói: - Thế anh đợi tý, tôi đi nấu đồ ăn. Sau đó, tôi bế Bống vào trong bếp, đặt con ngồi ở xe tập đi rồi đeo tạp dề nấu nướng. Mỗi tội, con tôi đang tuổi thích đi nên cứ chạy vòng vòng khắp nhà, tôi thì không rảnh tay trông được, quay đi quay lại đã thấy nó phi ra tận phòng khách, xe chạy bon bon hướng thẳng đến chỗ tủ kính ngoài đó. Thấy thế, tôi vội vàng vứt luôn con dao chạy lại, trong lòng thầm nghĩ thôi chết rồi, nó mà đụng vào tủ thì kiểu gì kính phóng ra cũng rơi vào đầu. Nhưng mà tôi lại không thể chạy nhanh bằng xe của con được. Cuối cùng may sao đúng lúc con bé sắp va vào thì bỗng nhiên có một bàn tay thò ra, túm lấy xe của Bống lại. Tim tôi gần như vọt lên tận cổ họng, tôi nhìn Vũ, mặt tái xanh tái mét bảo: - Cảm… cảm… cảm ơn… Anh ta không trả lời, chỉ đưa tay kéo Bống về sát phía mình rồi bảo tôi: - Đi nấu cơm đi. - Nhưng còn con bé… để tôi trông cho. Tôi vừa trông vừa nấu được. - Tôi bảo cô đi nấu đi. Tôi định không đi, nhưng thấy Bống không khóc cũng không tỏ vẻ sợ sệt, chỉ ở yên một chỗ rồi mở to mắt nhìn Vũ, tự nhiên trong lòng tôi lại xuất hiện cảm giác hơi kỳ lạ. Tôi cứ đứng đó xem nó định thế nào, không ngờ cuối cùng lại thấy con bé giơ tay ra rồi tóm lấy một ngón tay của Vũ, nghịch nghịch ngón tay của anh ta, đã thế còn toét miệng cười. Vũ nhíu mày nhìn nó, tôi đoán cả đời anh ta chưa từng chơi với con nít bao giờ nên khi nhìn một đứa trẻ, thái độ của anh ta có vẻ hơi quái đản, nhưng mà cũng không rút tay ra, chỉ nói: - Buông ra. Tất nhiên là con tôi không hiểu, còn cầm ngón tay của anh ta bỏ vào miệng mút… Sắc mặt của ai đó tối sầm, như kiểu vừa ăn phải bả. Khi đó tôi vừa thấy ngại mà vừa thấy buồn cười, nói chung cảm giác khó tả lắm, Vũ thích sạch sẽ như thế mà bây giờ bị một con bé mút ngón tay, kiểu gì anh ta cũng nổi điên lên. Tôi vừa cười vừa vội vàng chạy lại, rút tay anh ta ra khỏi miệng Bống rồi đưa cho con cái núm ti cao su ở gần đó. Tôi bảo: - Đây, ti của Bống đây. Bống ngậm cái này chứ đừng ngậm tay chú nhé. - Chú? Cô bị điên à? - À quên, bác. Bác Vũ. Nói rồi, tôi nhặt thêm một ít đồ chơi xếp đầy lên mặt trước xe tập đi của con, nịnh nọt nó thêm vài câu rồi nói với Vũ: - Tôi tranh thủ nấu nốt nồi canh, tý nữa là xong thôi. Anh nhìn nó tý hộ tôi nhé. Nó mặc bỉm rồi, không đái dầm hay ị ra nhà đâu. Với cả nếu nó khóc thì tôi chạy ra ngay. - Biết rồi. Tôi không tin anh ta có thể trông Bống, nhưng vẫn để con ở đó rồi đi vào bếp nấu tiếp, thỉnh thoảng ngó ra vẫn thấy nó đang ngồi trước mặt Vũ, không chạy nữa mà cứ ngồi ngoan chơi đồ chơi. Kỳ lạ, nó chưa từng theo ai khác ngoài tôi và chị Tâm, thấy người lạ thì sẽ sợ rồi khóc. Thế mà sao nó không hề sợ Vũ? Vì bên ngoài quá im ắng nên lúc sau, tôi cũng không nhìn ra nữa. Mãi sau khi nấu ăn xong xuôi, tôi định chạy ra gọi Vũ thì thấy Bống đã gục xuống xe tập đi ngủ rồi, miệng vẫn ngậm một ngón tay của Vũ, đầu thì gối lên bàn tay còn lại của anh ta. Không phải, là Vũ để tay đỡ lên đầu con bé, để cho nó gối lên cho đỡ đau. Tim tôi bỗng nhiên như bị một dòng nước ấm vây lấy, cảm giác ấm áp len lỏi thấm tận vào trong đáy lòng. Cảnh tượng này tôi chưa từng nghĩ đến, cũng chưa từng mong có ngày nào đó sẽ có một người đàn ông sẽ cùng mình chăm sóc Bống. Nhưng mà hôm nay nhìn thấy Vũ ngồi ở đó, đột nhiên lòng tôi lại manh nha xuất hiện một khao khát rất quái lạ… Tôi nhìn rất lâu, rất lâu, mãi sau mới hít sâu một hơi rồi đi lại gần. Tôi bảo: - Cơm nấu xong rồi… để tôi bế con bé lên giường ngủ cho. Anh rút tay ra đi.
|
Đoạn 14 Sau khi đặt con ngủ xong, tôi quay lại bếp thấy Vũ đang ngồi một mình, vừa ăn vừa tranh thủ xem tài liệu gì đó trên điện thoại. Tôi ngồi xuống, cũng xới ra một bát cơm rồi ăn cùng anh ta. Suốt cả buổi thấy Vũ đến ăn cũng không tập trung được mà cứ ngồi cau mày suy nghĩ mãi, tôi mới bảo: - Dạo này công việc của anh bận lắm à? - Ừ. - Mấy hôm trước tôi về nhà, thấy bố với dì bảo dạo này anh ít về ăn cơm, toàn ăn ở ngoài. - Ừ. - Dì lo cho anh lắm đấy. Nghe xong câu này, Vũ dời mắt khỏi màn hình điện thoại rồi ngẩng lên nhìn tôi. Anh ta có vẻ khó chịu, cáu kỉnh đáp: - Ý cô là gì? Muốn đuổi tôi về bên đó ăn cơm à? - Không phải. Anh đến đây ăn cơm thì chỉ thêm bát thêm đũa thôi chứ gì đâu. Tại tôi thấy giờ chỉ còn anh ở nhà, anh đi làm suốt như thế, bố với dì cũng lo cho anh, muốn thỉnh thoảng anh về ăn cơm cùng. - Không phải việc của cô. - Ừ rồi, không phải việc của tôi. Bình thường nếu anh ta tỏ thái độ như thế, kiểu gì tôi cũng không thèm nói nữa, nhưng nghĩ đến hôm nay Vũ mất công trông Bống cho tôi, nên tôi cũng không muốn so đo nữa. Tôi chủ động gắp thêm cho anh ta một miếng thịt kho tàu, nhẹ nhàng nói: - Bận việc thì ăn nhiều vào. Ăn xong đi rồi làm việc sau. Quả nhiên làm việc tốt bất thình lình thì sẽ bị sét đánh Anh ta nghe xong thì nhìn tôi bằng ánh mắt quái gở: - Cô đang có ý gì đấy? - Làm gì có ý gì. Tôi thấy anh làm việc nhiều, lỡ ốm ra đó thì ảnh hưởng đến tiền của tôi. Thế nên mới muốn anh giữ sức khỏe chứ gì đâu. - … - Khi nào anh thích thì cứ đến đây ăn cơm, tôi nấu. - Luyện tập trình độ nấu nướng của cô đi rồi hãy mời. - Sao? Không ngon à? Tôi nấu chưa ai chê đâu đấy, chỉ có mỗi anh. Vũ không trả lời mà chỉ hừ lạnh một tiếng, lúc sau, tự nhiên thấy anh ta đặt vào bát tôi một miếng cá đã được nhặt sạch xương, còn dùng câu vừa nãy của tôi để đáp trả lại: - Ăn đi, lỡ cô ốm ra đó, không phục vụ được thì phí tiền của tôi. Tôi ngẩn ra nhìn anh ta mấy giây rồi phì cười. Lần đầu tiên từ khi quen biết nhau đến giờ, tôi có thể cười thoải mái như vậy trước mặt Vũ. Tôi nói: - Yên tâm. Tôi khỏe lắm, không ốm được đâu. - Ăn đi. Sau khi ăn xong, Vũ cũng không đòi làm gì mà chỉ ngồi đọc tài liệu một lúc rồi đứng dậy đi về. Tôi nghĩ anh ta không thích quan tâm đến những chuyện bên ngoài của tôi, hoặc là tưởng tôi trông hộ con của ai nên mới không hỏi, thế nên tôi cũng không phải tốn công giải thích nữa. Chỉ là, mấy hôm sau đó con gái tôi bỗng nhiên sốt cao, có làm cách nào cũng không hạ được. Nhìn con sốt đến đừ ngắt cả người, tôi sợ quá, nửa đêm cuống lên bế Bống đến bệnh viện. Mỗi tội Hà Nội đêm ấy mưa tầm tã, hai giờ sáng book cả chục lần Grab cũng không được, chạy ra đường cũng không thấy bóng dáng cái taxi nào đi qua. Tôi ôm con đứng trong trạm chờ xe bus, nước mưa phả vào ướt hết quần áo, hơi lạnh từ mưa gió ở bên ngoài lúc ấy cũng không thể so sánh với cảm giác lạnh buốt ở trong lòng. Con gái tôi sốt và khóc nhiều quá nên cứ dần dần lịm đi trên tay tôi. Khi đó nhìn con bé không còn sức khóc nữa mà chỉ thoi thóp nấc như mèo hen, tôi hoảng loạn tột cùng, cũng sợ đến tột cùng. Không nghĩ được gì cả, chỉ biết khóc thôi. Tôi vừa khóc vừa cầu xin Ngọc phù hộ cho mẹ con tôi, phù hộ cho Bống không sao cả, phù hộ cho nó đừng bỏ tôi mà đi. Con khóc, tôi cũng khóc… Con chết, tôi cũng không thể sống nổi… Từng hạt mưa tầm tã xuyên qua những ánh đèn đường, rơi xuống rồi biến thành từng bọt bóng, tâm trạng tôi mỗi lúc một nặng nề như những hạt mưa kia. Đúng lúc tuyệt vọng nhất, đột nhiên trong đầu tôi lại xuất hiện hình ảnh của một người. Phải rồi, tôi vẫn có thể nhờ vả được một người… Tôi luống cuống bấm điện thoại gọi cho Vũ, không chắc anh ta sẽ nghe máy vào giờ này nhưng vẫn muốn thử gọi một lần. Điện thoại vang lên đến hồi chuông thứ tư, cuối cùng cũng có tín hiệu kết nối, giọng Vũ hơi ngái ngủ vang lên: - Gọi gì thế? - Anh… anh… anh đang ở đâu thế? Đầu dây bên kia im lặng chừng một giây, sau đó âm thanh có vẻ tỉnh táo hẳn, anh ta nói với tôi: - Có chuyện gì thế? - Con bé sốt… tôi không bắt được taxi đến viện. Anh giúp tôi được không? Anh đưa tôi đến viện được không? Nó bị ốm, bị nặng lắm, nó không được đến viện thì chết mất. Tôi xin anh đấy, anh giúp tôi lần này thôi. Xin anh đấy. Anh đưa tôi đến bệnh viện với. - Đang ở đâu? - Tôi đang đứng ở chỗ chờ xe bus. Chỗ trạm chờ ngay trước cổng chung cư ấy. Con bé không khóc được nữa rồi, nó yếu lắm rồi. - Đứng yên đó. - Vâng. Anh đến nhanh nhé. Nhanh nhé. Mưa càng lúc càng nặng hạt, trắng xóa cả một vùng, tôi ôm con ngồi lùi thật sâu vào trong trạm chờ xe bus để tránh mưa. Cứ nghĩ ít nhất phải ba mươi phút nữa Vũ mới đến, thế nhưng mới chỉ hơn mười lăm phút sau đã thấy xe anh ta phóng như bay qua trạm chờ, sau đó phanh gấp quá nên bánh xe còn trượt đi mất một đoạn, phải lùi lại cả chục mét mới đến được chỗ tôi. Vũ mở cửa cầm ô bước xuống, tôi nhìn thấy anh ta bước đi trong mưa, bất giác trong lòng liền có cảm giác như dù có bất cứ điều gì cũng không phải lo sợ nữa, bởi vì đã có anh ta ở đây rồi… Tôi run rẩy bước ra bên ngoài, giọng khàn đặc: - Anh đến rồi à? Tôi… Tôi còn chưa nói hết câu, anh ta đã lạnh lùng ngắt lời: - Đi vào trong ô. - Vâng. Tôi bồng con, núp dưới chiếc ô của anh ta rồi chạy ra xe. Lúc ngồi yên vị rồi, còn chưa kịp nói câu gì thì Vũ đã dẫm chân ga lao thẳng đến bệnh viện. Con gái tôi được đưa vào phòng cấp cứu ngay sau đó, bác sĩ nói trẻ con bị ung thư máu thì hệ miễn dịch suy giảm trầm trọng, Bống bị viêm họng nhẹ nhưng vì miễn dịch kém nên mới thành sốt cao như thế, mà không hạ được sốt thì chắc chắn sẽ co giật và ảnh hưởng đến cả hệ thần kinh. Tôi nhìn con bé thiếp đi trên tay mình, lúc này đã được tiêm rồi nên con không còn sốt cao như ban nãy nữa nhưng vẫn không chịu rời tay tôi, ngủ mơ cũng mếu máo khóc. Một người làm mẹ thấy con mình như vậy, cảm giác thật sự xót xa vô cùng. Tôi không đặt con xuống được nên phải bế cả Bống theo để ra ngoài tìm Vũ, thấy anh ta vẫn ngồi ở hàng ghế chờ ngoài hành lang, quần áo trên người chỗ khô chỗ ướt, tự nhiên cũng thấy áy náy với anh ta cực kỳ. Ban nãy may mà Vũ đến kịp lúc, không thì mẹ con tôi cũng chẳng biết phải làm sao. Tôi đi lại gần, bảo với anh ta: - Anh ơi, cảm ơn anh nhé. Vũ ngẩng lên nhìn tôi, sau đó dừng ở bàn tay đang phải cắm kim luồn của con bé, khẽ nhíu mày: - Xong chưa? - Chưa. Chắc đêm nay tôi ở lại đây thôi. Anh về thay quần áo đi. Ướt hết người rồi. - Ừ. Thế về đây.
|