Tôi thuê xe của bệnh viện để đưa mẹ về quê, suốt cả đoạn đường chỉ có hai chị em tôi ngồi bên xác mẹ, lúc khỏe thì khóc, lúc mệt quá thì ngồi tựa vào ghế, trơ mắt vô hồn nhìn mẹ nằm đó như đang say giấc ngủ.
Hai chị em tôi không ai nói với ai một lời, mãi đến khi xe cấp cứu lăn bánh đến địa phận quê tôi, tôi mới dám ngước đôi mắt đã sưng húp của mình lên nhìn thằng Tý:
- Tý ơi, chị xin lỗi.
Nó không thèm trả lời, chỉ lặng thinh nắm thật chặt đôi bàn tay chỉ còn da bọc xương và đầy vết máu đen đỏ do bị vỡ ven của mẹ tôi. Mẹ mất rồi, em trai cũng không tha thứ cho tôi, ruột gan tôi đau như đứt thành từng đoạn một, khóc rống lên:
- Tý ơi em nói gì với chị đi. Giờ mẹ chết rồi, chị chỉ còn mỗi mình em thôi, em nói gì với chị đi.
- Tý nữa về đến nhà chị đi đi. Chị đừng bước vào nhà không ông nội với bố ra đón mẹ lại thấy cái mặt chị.
- Chị xin lỗi mà, chị chỉ muốn kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ thôi, chị không muốn thế đâu.
- Lúc mẹ còn sống đã dặn chị làm sao? Chị quên rồi à? Chị làm nghề đó kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, nhưng chính cái nghề đó lại giết mẹ rồi đấy. Chị giết mẹ rồi, chị không xứng làm chị tôi, chị cút đi.
- Chị xin em, chị van em, em tha thứ cho chị. Em mà cũng bỏ chị thì chị chết mất đấy Tý ơi, chị còn mỗi em thôi.
- Tôi không bao giờ tha thứ cho chị, không bao giờ. Tôi có phải bỏ học đi phụ hồ thì tôi cũng không cần loại như chị nuôi. Tôi sợ cầm tiền của chị lắm, tiền của chị thế tôi không tiêu nổi đâu.
- Em ơi sao em lại nói thế. Em mới lên cấp ba thôi, em sắp học lớp 11 rồi sao em lại bảo bỏ học đi phụ hồ. Em phải đi học chứ, đi học còn thi vào Đại học điện lực cho bố mẹ thấy nữa chứ. Chị hứa với em chị sẽ làm việc tử tế, chị đi rửa bát thuê như ngày trước kiếm tiền nuôi em đi học, được không em, em đừng bỏ học được không em.
- Chị im đi. Chị nói chị đi rửa bát thuê à? Rửa bát thuê mà chị ôm mấy thằng già bằng tuổi bố ở trong quán Karaoke đấy à? Chị đừng lừa tôi nữa, tôi lớn rồi, tôi không phải là thằng con nít học cấp hai cho chị lừa nữa đâu.
- Không phải đâu, chị chỉ rót bia cho người ta thôi, chị không làm gì cả. Không làm gì đâu.
- Chị rót bia mà một lúc chị có cả đống tiền để mổ cho mẹ đấy à? Rót bia mà có cả tiền làm hóa trị mấy lần đấy à? Thế thì trên thế giới này ai cũng đi rót bia hết, đi học làm gì nữa.
- Chị xin em đấy Tý, em phải đi học, em đừng bỏ học em ơi, còn một năm nữa thôi.
Tôi thấy thằng Tý bảo nghỉ học đi phụ hồ nên hoảng quá, nhào qua người mẹ rồi cầm tay nó, nó vùng vằng đẩy tôi ra. Đúng lúc đó, xe lại cũng vừa đến trước cổng nhà, thế nên tôi đành gạt nước mắt ngồi xuống rồi nói với chú lái xe:
- Chú ơi, đến nhà cháu rồi, chú cho mẹ con cháu xuống với ạ.
Ở đầu ngõ có lác đác mấy người họ hàng trong nhà đã được tôi gọi điện thông báo trước nên đã đứng chờ sẵn. Nhà tôi nghèo, anh em cũng nghèo, thế nên lúc mẹ tôi bệnh không ai có tiền giúp đỡ được gì, đi lên Hà Nội chăm cũng không được vì họ cũng bận lo việc đồng áng lợn gà. Bây giờ mẹ tôi mất rồi, vài người họ hàng gần nhất mới đến giúp đỡ làm ma chay.
Thằng Tý ôm mẹ tôi xuống xe, lúc tôi định xuống theo thì nó quay lại rồi quát:
- Tôi cấm chị không được vào nhà, chị đi đâu thì đi đi.
Tôi khóc, không dám khóc to mà chỉ dám lau nước mắt vào tay áo rồi định mặc kệ em tôi có cho hay không, tôi vẫn muốn về nhà để lo ma chay cho mẹ. Thế nhưng vừa đi được hai bước đã nghe bà mợ bên nội chửi:
- Con kia cút đi, mày cút ngay đi. Mày bôi tro trát trấu vào dòng họ nhà này giờ còn dám vác mặt về đây à, cút ngay.
- Đây là nhà gốc của ông bà, mày đừng bước chân vào đây cho bẩn cái nhà này.
- Dòng họ nhà tao chỉ còn thằng Tý là đích tôn, còn mày cút đâu thì cút đi. Nhà tao không có loại cháu chắt như mày. Ông nội với bố mày cũng không có loại con như mày, cút.
Tôi biết kiểu gì ở quê rồi cũng sẽ biết chuyện của tôi nhưng không ngờ lại nhanh đến thế, anh em không cho tôi vào nhà mà xua như xua tà, đàn ông thì vào bên trong lo ma chay, còn đàn bà thì đứng canh cửa rồi chửi bới.
Lúc đó, sự day dứt và ân hận vì đã gây ra cái chết của mẹ lẫn nỗi nhục nhã từ những người thân đã khiến chân tôi nặng nề như bị đeo xiềng, không làm sao mà bước nổi. Tôi chưa bao giờ khóc nhiều như thế, khóc đến mức cổ họng khàn đặc, hai mắt lẫn môi sưng húp biến dạng, chỉ dám đứng ngoài nhìn theo mẹ mà bất lực không làm gì được.
Thằng Tý bế mẹ vào đến cửa thì bỗng nhiên ngoái đầu lại nhìn tôi, ánh mắt nó dù chán ghét và thất vọng nhưng lại thấp thoáng một tia thương hại. Tôi đứng từ xa chỉ biết bám chặt vào gốc cây để đứng vững, cố há miệng ra nói mấy từ:
- Chị xin lỗi… Tý ơi…
***
Mấy ngày làm ma cho mẹ tôi, tôi không lên Hà Nội mà cứ lang thang ở gần nhà, không còn mặt mũi nào mà gặp người thân, không dám vào thắp cho mẹ nén hương nên chỉ có thể ở bên ngoài trông ngóng, lúc đói thì mua tạm bánh mì ăn, đêm thì ra nhà trọ ngủ.
Trong mấy ngày này, Huy có gọi cho tôi mấy cuộc nhưng tôi không nghe, sau đó thì điện thoại hết pin nên tôi cũng chẳng quan tâm nữa.
Cho đến hôm hạ huyệt mẹ tôi, chờ anh em về hết rồi tôi mới dám bước đến mộ, quỳ xuống khóc một trận thật to. Khóc cho số phận của tôi, khóc cho những sai lầm của tôi, khóc cả cho những ngày tháng sau này tôi không còn được làm con của mẹ nữa.
Tôi làm gái kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ là sai sao? Tôi gặp gỡ Huy là sai sao? Tôi đi đến bước đường này cũng là sai rồi sao? Ai nói cho tôi biết, những tháng ngày sau này tôi phải làm sao bây giờ, làm sao để chuộc lại lỗi lầm của tôi bây giờ?
Tôi khóc một trận vật vã, lúc mệt quá thì gục xuống thủ thỉ nói chuyện với mẹ, đến gần chiều tối mới đứng dậy lững thững đi bộ về nhà cậu. Cậu mợ tôi nhà cũng nghèo không khác gì nhà tôi là mấy, lại còn đẻ nhiều, đẻ đến sáu đứa con toàn là gái, thế nên mẹ tôi bệnh tật như thế cũng không thể giúp được gì vì không có tiền.
Cậu vừa thấy mặt tôi đã chửi:
- Mày còn dám vác mặt đến đây à? Mày cút ngay khỏi nhà tao.
Tôi không còn nước mắt để khóc, người ngợm cũng chẳng còn tý sức lực nào mà chỉ có thể quỳ sụp xuống trước mặt cậu:
- Cậu ơi, cháu đến nhờ cậu một việc rồi cháu đi ngay. Cháu sẽ đi ngay cậu ạ, cháu sẽ không bao giờ về quê nữa, không bao giờ để cậu thấy mặt cháu nữa. Cháu biết tội của cháu không thể tha thứ được, chỉ xin cậu giúp cháu một việc thôi.
Cậu tôi hai mắt cũng đỏ hoe, không nói gì mà bỏ lên ghế rít thuốc lào, mợ với mấy đứa em đứng ở cửa bếp nghe ngóng, nhìn tôi chằm chằm.
Tôi rút ra một chiếc phong bì, trong đó là tất cả số tiền còn lại của tôi, dùng hai đầu gối quỳ dưới đất để đi lại gần cậu:
- Đây là tiền tiết kiệm của cháu, cháu xin cậu cầm lấy rồi nuôi thằng Tý đi học, nó sắp lên lớp 11 rồi, nó không thể nghỉ học được. Cháu xin cậu đón nó về nuôi rồi khuyên nhủ nó tiếp tục đi học hộ cháu. Nó không nhận tiền của cháu nữa, nó cũng không gặp cháu nữa, giờ chị em cháu mồ côi rồi, cháu không nhờ được ai nữa, chỉ biết đến đây xin cậu thôi. Cháu xin cậu giúp cháu với, cậu thương em cháu với.
- Tiền này mày làm cái gì để kiếm ra được, mày bảo tao cầm kiểu gì.
- Cháu xin cậu, cháu biết cháu sai nhưng thằng Tý còn phải đi học, nó không thể nghỉ ngang được cậu ơi. Cháu xin cậu, cậu giúp cháu nuôi thằng Tý với. Cháu sẽ đi khỏi đây không về nữa, cháu sẽ vào Sài Gòn làm công nhân, cháu sẽ gửi thêm tiền nuôi nó về cho cậu, cháu sẽ kiếm những đồng tiền sạch sẽ. Cậu ơi cậu giúp cháu đi.
Sau khi tôi van lạy một hồi, cuối cùng cậu tôi cũng chịu nhận số tiền ấy. Tôi biết thằng Tý sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi hay nhận tiền của tôi nữa nên chỉ có thể làm thế, nhờ cậu chăm sóc em tôi rồi tôi mới đi.
Tôi về nhà, đứng trước cửa mấy tiếng mà không dám vào, cứ nhìn chằm chằm vào bàn thờ mẹ rất lâu, rất lâu, sau đó lại quỳ xuống dập đầu lạy tổ tiên.
Tôi vừa lạy vừa khóc, khóc đến chết đi sống lại nhưng không một ai mảy may quan tâm, người qua đường cũng nhìn tôi bằng ánh nhìn khinh rẻ rồi bỏ đi. Đúng lúc tôi tuyệt vọng nhất thì có một bàn tay ấm áp nhẹ nhàng đặt lên vai tôi rồi nắm lấy.
Tay người ấy rất to, đôi bàn tay thô đặc trưng của đàn ông, bình thường đó chỉ là một hành động rất giản đơn nhưng trong lúc tôi thế này, chỉ một cái nắm vai động viên thôi, cũng làm cho tôi không thể tiếp tục kiên cường nổi.
Huy nói:
- Ổn rồi, ổn rồi.
Tôi nhìn thấy anh, giống như đang vùng vẫy sắp chết đuối nhìn thấy một chiếc phao cứu sinh, chẳng còn nhớ đến việc người yêu anh đã gây ra tất cả những nỗi đau này cho tôi mà nhào lên, ôm lấy vai Huy rồi khóc nức nở.
- Mẹ em chết rồi, Huy ơi, mẹ em chết rồi. Sau này em kiếm tiền làm gì nữa, em chữa bệnh cho ai nữa, huhu, em phải làm sao bây giờ, em phải làm sao bây giờ. Em không muốn sống nữa.
- Em chết rồi thì ai nuôi thằng Tý? Chết là hết nhưng người ở lại thì sao? Nhìn thấy mẹ em không? Chết rồi còn biết gì đâu, em quỳ ở đây lạy mẹ em cũng có biết đâu.
Tôi nói thì không sao, nhưng lúc nghe Huy bảo “mẹ tôi đã chết”, tôi lại không chịu được, tôi hoảng loạn đấm đá vào cấu anh như muốn trút hết mọi đau khổ lên người đàn ông này:
- Tại anh, tại anh. Tại anh hết. Anh là thằng khốn. Sao tôi lại quen anh, sao tôi lại quen anh. Việc tôi ân hận nhất trong đời này là quen anh. Người yêu của anh hại mẹ tôi rồi, hại mẹ tôi rồi.
- Em bình tĩnh đi. Bĩnh tĩnh lại.
Tôi gào khóc và đấm đá mệt quá nên một lúc sau đã ngất xỉu. Khi tỉnh lại đã thấy mình đang trên xe về lại Hà Nội, Huy ngồi bên cạnh im lặng lái xe.
Có lẽ cả hai đều mỏi mệt nên không một ai nói gì, tôi nhìn anh mấy giây rồi cũng ngoảnh đầu ra nhìn cửa sổ.
Thế giới này làm tôi mệt mỏi quá, đã có lúc tôi muốn chết, muốn nhảy từ trên cầu xuống, hòa mình vào dòng sông Hồng đục ngầu rồi cứ thế chết đi, chết rồi sẽ hết đau đớn, chết rồi sẽ không cảm thấy khổ sở, chết rồi sẽ không phải day dứt thế này nữa. Nhưng mà… tôi phát hiện ra bây giờ tôi không thể chết được. Huy nói đúng, tôi còn phải sống để nuôi em tôi đi học nữa, chị em tôi bây giờ mồ côi rồi, tôi không đủ dũng khí để bỏ lại em tôi một mình trên đời. Thế nên tôi lại phải tiếp tục sống, sống trong đau đớn và giày vò.
Lúc quay về Hà Nội, anh dẫn tôi đến một quán cơm ở gần chung cư, người ngợm tôi lúc ấy quá nhếch nhác, tóc tai bù xù, lại đi cùng với một người đàng hoàng sạch sẽ như anh nên ai cũng phải ngoái đầu lại nhìn.
Huy gọi ra mấy món ăn tôi thích, gọi cả một tô canh cua nguội cho tôi dễ ăn, tôi thì chẳng còn bụng dạ nào mà ăn uống nên cứ nhìn chòng chọc mấy đĩa thức ăn trên bàn, không hề đụng đũa.
- Em định không ăn à?
- Em không muốn ăn.
- Không muốn cũng phải ăn.
Tôi ngước đôi mắt sưng húp và đỏ ngầu lên nhìn anh, tự nhiên không nhịn được nên nói rất to:
- Anh là cái gì mà ép tôi ăn? Anh nghĩ anh là ai mà lúc nào cũng bắt tôi làm theo ý của anh? Các người thì giỏi rồi, giàu có nên không bao giờ coi cảm nhận của người nghèo bọn tôi ra gì đúng không? Tôi chỉ như con kiến để anh và người yêu anh dẫm đạp thế nào cũng được đúng không?
Tôi chưa bao giờ dám cãi lại, chưa bao giờ dám to tiếng, thế nhưng hôm ấy tôi đã đập bàn quát tháo anh ở nơi đông người. Tôi tưởng Huy sẽ điên lên rồi tát cho tôi vài tát, nhưng cuối cùng anh không những không nổi giận mà còn nhẹ nhàng bảo tôi:
- Vân, ngồi xuống ăn đi.
- Tôi không ngồi. Tôi hận các người. Các người toàn là đồ lòng lang dạ sói. Đồ quỷ đội lốt người.
- Em không muốn sống nữa phải không? Em định chết đói phải không? Mấy ngày này em ăn gì để sống? Em hít không khí cũng sống à?
- Tôi sống hay chết liên quan gì đến anh?
- Anh trả tiền mua em đến cuối năm rồi, em thích chết sao thì chết, cứ sống đến cuối năm rồi muốn chết lúc nào cũng được.
Tôi bật cười, rõ ràng là cười mà nước mắt cứ thế thi nhau lăn xuống. Tôi không muốn đôi co với anh nữa vì mấy ngày vừa rồi tôi đã sống dở chết dở rồi, tôi không còn sức nữa. Tôi phải âm thầm trả thù, nếu tôi chống đối Huy ra mặt như thế, việc trả thù lại càng khó.
Huy kéo tay tôi ngồi xuống bàn, tự tay xới cơm rồi múc thức ăn vào bát tôi. Anh dúi thìa vào tay tôi rồi nói:
- Không phải chết là hết đâu. Còn đứa em đang đi học đấy, muốn nó mồ côi cả bố mẹ lẫn chị à? Ăn đi.
Tôi không cãi nữa, cúi đầu ăn cơm như nhai rơm, cổ họng chát đắng.
Ăn xong, anh đưa tôi về chung cư, trên đường về tôi có thấy Huy nghe một cuộc điện thoại, tưởng là Vy gọi nên tôi cố căng tai ra để nghe, nhưng cuối cùng lại thấy anh nói:
- Bố à?
- …
- Có việc gì đấy ạ?
- …
- Con đang bận.
- …
- Thế thì tý con về. Ba mươi phút nữa.
Về đến nơi, anh chờ tôi tắm xong rồi mới nói:
- Anh về nhà, em ngủ sớm đi, tý nữa nếu còn sớm thì anh đến.
Tôi không trả lời, Huy lại giữ lấy hai vai tôi rồi ép tôi nhìn thẳng vào mắt anh. Mắt anh màu đen, sâu hun hút, bình thường tôi rất thích nhìn anh vì anh đẹp trai, nhưng hôm nay thì tôi chỉ thấy kinh tởm. Kinh tởm muốn nôn.
- Anh nói em đã nhớ chưa?
- Nhớ gì?
- Ngủ sớm.
- Tôi ngủ hay không liên quan gì anh.
- Đừng có ương bướng nữa. Giờ còn có mình em với thằng Tý thôi, sống cho tốt vào, đừng để nó cười mình.
- Nó cười tôi? Cả dòng họ nhà tôi cười tôi, khinh miệt tôi như một con chó rồi đây này, anh biết vì ai không?
Tôi định gào lên: “Vì anh, vì con người yêu tởm lợm của anh đấy, anh biết chưa?”. Thế nhưng chưa kịp nói thì điện thoại của Huy lại đổ chuông lần nữa.
Anh nhìn số gọi đến, thở dài, rồi lại nhìn tôi:
- Mệt rồi thì ngủ đi. Em phải nhớ hai việc, một là em em, hai là đã nhận tiền của anh, không chết được đâu.
Nói xong, anh buông tôi ra rồi mở cửa đi về.
Khi bóng Huy vừa đi khỏi, việc đầu tiên tôi làm là lao vào dọn dẹp đồ đạc, sau đó đặt một chiếc vé tàu hỏa vào Sài Gòn. Bây giờ không còn ai có thể đe dọa tôi nữa, tôi cũng chẳng còn gì để ràng buộc nữa, thủ đô này hoa lệ quá, hoa cho người giàu, còn lệ cho người nghèo chúng tôi. Tôi muốn đi, đi để giải thoát cho bản thân và giải thoát cả cho tương lai của chính mình.
Nhưng mà trước khi đi, tôi còn phải làm một việc.
Lúc trước đưa Vy vào viện, trong lúc chờ bó bột tôi có nghe lỏm được chị ta đọc mã số bảo hiểm, tên và địa chỉ cho bác sĩ. Tôi bắt xe ôm đến nhà chị ta, đứng ở một góc khuất chờ đợi, đứng suốt gần hai tiếng mới thấy Vy ngồi trên xe ô tô đi ra ngoài.
Tôi bám theo chị ta đến một thẩm mỹ viện trên đường Thụy Khuê, lúc Vy vừa bước xuống thì tôi cũng nhào đến, túm lấy tóc chị ta rồi đấm đạp túi bụi:
- Con điên này, mày làm thế phải không? Mày cố tình để mẹ tao biết phải không? Tao đã nói mẹ tao đang bị ung thư, mày trả thù thì hại mình tao đây này, mày đánh mày giết tao đây này, mày hại một bà già bệnh tật như thế à con chó?
- Vân, mày làm gì đấy? Mày có tin tao báo công an không? Bỏ tao ra. Có ai ở đây không, cứu tôi với.
Tôi lao động chân tay quen rồi nên kiểu tiểu thư chị Vy không chống trả được, tôi giơ tay tát liên tiếp vào mặt Vy, vừa tát vừa gào:
- Tao đã nói với mày giờ tao không còn gì, mày dám đụng đến mẹ tao thì tao chó cùng dứt dậu luôn. Hôm nay tao phải giết mày, tao giết mày rồi tao đi tù cũng được. Loại như mày không phải con người.
- Mày làm được thì phải chịu được, bỏ tao ra.
- Bỏ à? Mày đã bao giờ nghèo như tao đâu mà biết, tao muốn như thế à? Tao đã xin mày cho tao thời gian, cho tao thêm một thời gian thôi. Mày muốn đánh tao, sỉ nhục tao sao cũng được, tao chấp nhận hết. Nhưng sao mày làm thế với mẹ tao hả? Mẹ nhà mày, mẹ nhà mày.
Tôi vừa khóc vừa điên cuồng lao vào đánh Vy, mấy người bảo vệ trong thẩm mỹ thấy thế mới ra can. Họ kéo tôi ra khỏi người chị ta, còn tôi thì vẫn gào lên ầm ỹ:
- Bỏ tôi ra, tôi phải giết chị ta. Đồ ác độc, đồ lòng lang dạ sói.
- Mày có gan giết tao không? Loại nghèo rách nghèo nát như mày rồi cũng ngồi tù mọt gông thôi con ranh ạ, mày tưởng đánh tao mà xong à? Loại đàn bà bẩn thỉu.
Thật ra tôi rất muốn giết Vy nhưng tôi biết tôi không thể làm thế, trong lý lịch của em trai tôi không thể có một người chị giết người được, với lại tôi còn phải sống, còn phải làm việc để nuôi em tôi.
Mấy người bảo vệ ở đó thấy thế mới nói:
- Cô này đi về ngay, tôi gọi điện báo công an cô gây rối trật tự công cộng đấy, đi về.
- Bỏ tôi ra để tôi giết chết con ranh kia, tôi phải giết nó. Con ranh Vy kia, mày dám đụng đến người nhà tao một lần nữa, tao thề, tao sẽ phanh thây mày ném cho chó ăn.
Bảo vệ lôi xềnh xệch tôi ra đường, sau đó xô tôi một cái làm tôi ngã dúi ngã dụi, một người chỉ tay vào mặt tôi quát:
- Biến đi chỗ khác, còn lang thang gần đây thì liệu hồn, đây là chỗ người ta làm ăn chứ không phải chỗ cho các cô đánh chửi nhau. Đi về.
Người tôi ngã xuống ngay gần mấy vũng nước, lấm lem hết cả quần áo, đầu gối chà xuống đường bỏng rát. Tôi biết tôi sai nên Vy có quyền đối xử với tôi như thế, nhưng mẹ tôi không có tội, tôi chỉ muốn đánh chị ta một trận để trả thù cho mẹ tôi thôi. Con người có ăn có học nhưng lòng lang dạ sói ác độc như chị ta, bị người nghèo như chúng tôi đánh cho một trận như thế, tôi mới cảm thấy hả dạ.
Tôi gạt nước mắt, đứng dậy bắt một chiếc xe ôm rồi về nhà nghỉ tắm rửa. Làm xong được việc mình muốn làm rồi, tôi không còn lý do gì để tiếp tục ở Hà Nội nữa mà chỉ muốn rời đi thật nhanh, thật xa. Phải đi càng sớm càng tốt nếu không Vy sẽ tìm ra tôi để tiếp tục trả thù mất.
Ngồi trên tàu hỏa, nhìn Hà Nội sầm uất nhưng nhuốm đầy những kỷ niệm đau thương suốt mấy năm qua của tôi, tôi không còn nước mắt để khóc nữa nên chỉ có thể lặng lẽ ngồi tựa vào cửa kính, tự mình gặm nhấm nỗi buồn của bản thân mình.
Sau khi thân thể đã rệu rã cực độ, trí óc tạm thời là một khoảng trống hơ trống hoác khiến tôi cảm thấy mệt mỏi đeo đẳng. Mặc những cảnh vật lướt nhanh qua ô cửa sổ, mặc phố phường, mặc bi thương, mặc hết tất thảy, tôi bây giờ chỉ còn mỗi nỗi tê dại bải hoải, cứ như cả con người đã thiếu hụt đi một mảnh nào đó, song cũng chẳng biết điền vào đâu.
Bố mất, mẹ cũng đi rồi, em trai không chấp nhận tôi, cả dòng họ ruồng rẫy. Bây giờ tôi đi học còn có ích gì, níu kéo ở lại Hà Nội còn có nghĩa lý gì. Những chuyện này xảy ra quá nhanh làm tôi chẳng thể có nổi tâm lý mà kháng cự, nhưng suy cho cùng, nhanh như thế cũng tốt, ít ra tôi có thể ra đi khi người khác còn chưa kịp trở tay.
Tôi không tin Vy sẽ tìm được ra tôi, tôi cũng chẳng hy vọng Huy sẽ vì một đứa làm gái mà nhọc công đi tìm. Tôi nhận tiền của anh, anh cũng gieo cho tôi đủ loại rối rắm và bi thương, chúng tôi thôi coi như không ai nợ ai nữa.
Đi được mấy tiếng, tôi mới gọi điện thoại về cho Huyền, sau khi nói cho nó biết mọi chuyện rồi, đầu dây bên kia vọng đến tiếng con bạn tôi khóc nức nở:
- Mày đi đi, tao không trách mày đâu, đời mày khổ quá rồi, đi đi Vân. Một ngày nào đó mày sẽ gặp được một người tốt với mày, bù đắp lại mọi tổn thương của mày.
- Mày làm gì mà nói như tao sắp chết đến nơi thế. Đời còn dài, kiểu gì chẳng còn gặp nhau, mày phải giữ liên lạc với tao đấy, không đến lúc cưới tao chẳng biết đâu mà về tham dự.
- Tao thế này thì lấy chó à? Thằng nào thèm cưới loại gái tã hết date như tao. Mày vào đấy phải giữ gìn sức khỏe, ăn nhiều vào, đừng để đứa nào bắt nạt nhớ chưa.
- Biết rồi, tao vào đấy mua sim mới rồi tao nhắn tin qua.
- Thế mày định làm gì? Không quen biết ai trong đó, tự nhiên vào đấy có biết đường xá rồi chỗ ăn ở không?
- Tao xin ở chùa đã, hôm qua tao liên hệ với một sư cô trong đó rồi, cô cho tao ở mấy ngày trong lúc chờ xin việc làm với cả thuê nhà.
- Khổ lắm thôi, có bằng cấp quái gì đâu mà xin việc tử tế. Mày làm gì thì làm, đừng làm gái nữa nhớ chưa? Vào đó lột xác làm con người khác, sống cuộc đời khác, một đời làm gái một lần là đủ rồi, đừng bao giờ bước chân vào nữa.
- Hôm qua tao đến trường Kế toán, xin họ đổi hệ học rồi. Tao xin chuyển vào trong này học, họ bảo lưu kết quả của tao rồi chuyển vào cơ sở 2 trong này. May thế, có cơ sở 2 nên đỡ phải học lại.
- Ừ, cố lên.
- Tao sắp say tàu rồi, cúp máy đây, khi nào vào đến nơi tao gọi nhé.
- Ừ, nhớ gọi tao đấy.
Tôi vừa cúp máy xong thì điện thoại lại có người gọi đến, lần này là Huy. Tôi nhìn chằm chằm màn hình cho đến khi cuộc gọi chuyển thành nhỡ, cười nhạt rồi định cất đi, sau đó lại thấy tin nhắn đến.
“Em đang ở đâu?”
“Em đừng làm gì linh tinh. Anh đã bảo rồi, chết không giải quyết được gì đâu”
“Em ở đâu anh đến đón em’’
“Vân”
“Cô điên à? Cô đang ở đâu? Để tôi bắt được thì đừng có trách, đi về”
Trước đây mỗi lần anh cáu giận là tôi rất sợ hãi, tôi sợ bởi vì mẹ tôi còn đang nằm viện, tôi cần có tiền chữa bệnh cho mẹ. Nhưng mà, mẹ tôi chết rồi, chết vì anh và người yêu của anh hại. Thế thì anh có tư cách quái gì mà quản việc tôi đi đâu?
Tôi suy nghĩ một lúc rồi nhắn lại: “Từ giờ về sau tôi không muốn gặp lại anh nữa. Hai năm qua tôi chịu giày vò đủ rồi. Tôi làm gái, nhưng tôi có tự trọng, tôi cũng là con người. Người giàu các anh không hiểu thế nào là giá trị cuộc sống đâu. Yên tâm, tôi sẽ không chết. Tôi sẽ chống mắt lên chờ quả báo đến với anh và người yêu anh. Tạm biệt”
Sau đó tắt máy, rút sim vứt ra ngoài cửa sổ, cũng coi như là vứt bỏ quá khứ tăm tối và nhơ nhớp ở lại phía sau lưng, từ ngày hôm nay trở đi, tôi đến một phương trời mới, sống cuộc đời mới, trở thành một con người mới.
Tàu SE chạy xuyên suốt Bắc – Nam, chạy dọc qua chiều dài mấy nghìn kilomet của đất nước, tận tối muộn ngày hôm sau đó tôi mới đặt chân đến ga Sài Gòn nhộn nhịp, chưa quen đường nên gọi một chiếc Taxi rồi đến ngôi chùa mà tôi đã liên hệ từ trước.
Lúc gần đến nơi mới thấy bụng réo òng ọc, một tuần rồi tôi không được hạt cơm nào vào bụng, chỉ ăn bánh mì cho qua bữa, trên tàu cũng mua tạm mấy cái bánh giò ăn lót dạ, giờ mới thấy đói.
Tôi bảo chú lái Taxi:
- Chú ơi, cho cháu xuống quán hủ tiếu đằng trước với ạ. Quán biển màu đỏ kia kìa chú.
- Quán đó ấy hả? Ngon nổi tiếng đấy. Cô người Bắc mới vào à?
- Vâng ạ. Cháu chưa được ăn hủ tiếu bao giờ, đang đói phải thử mới được.
Giờ này cũng đã muộn, tiệm hủ tiếu vẫn còn khách nhưng chỉ lác đác vài người, tôi gọi một tô hủ tiếu đầy đủ rồi chọn một bàn trong góc, ngồi xuống chờ đợi.
Lúc sau chủ quán bê một tô hủ tiếu nóng hổi đến, đặt trước mặt tôi, mùi thơm lừng đặc trưng của món ăn bay theo làn khói, xộc lên mũi. Tự nhiên tôi phấn khích “Oa” lên một tiếng, buột mồm bảo:
- Thơm thế.
Chủ quán cười:
- Cháu mới từ bắc vào à? Hủ tiếu ở quán tôi ngon lắm đấy, ăn thử đi, thấy hợp miệng thì hôm sau quay lại nhé.
- Vâng ạ.
Tôi ăn một mạch hết nửa tô hủ tiếu mới nhớ ra chưa gọi điện thông báo cho Huyền, giờ này chắc nó cũng mới đi làm về, lúc nãy xuống ga tàu tôi đã mua sim điện thoại mới rồi nên tiện tay gọi cho nó luôn.
- Mày à? Tao vào đến Sài Gòn rồi.
- Đẹp không? Có nóng như trên tivi nói không?
- Đẹp, nóng nhưng không oi như Hà Nội đâu, tao đang đi ăn hủ tiếu đây. Hủ tiếu ở đây ngon cực, khi nào mày vào tao dẫn đi ăn.
- Hà Nội cũng có hủ tiếu chứ thiếu giống gì.
- Nhưng ở đây ngon hơn chứ, mày không nghe người ta nói à? Hà Nội có phở còn Sài Gòn có hủ tiếu nhé.
- Thế Hà Nội có trai đẹp, Sài Gòn có gay, mày nghe chưa?
- Nói vớ vẩn, ở đâu mà chẳng có trai đẹp.
- Thế mày tăm tia được anh nào đẹp trai chưa? Nghe nói trong đó trai đẹp toàn bị gay đấy.
- Sài Gòn rộng thế kiểu gì chẳng có trai đẹp, trai đẹp kiểu mỹ nam cực phẩm trong ngôn tình ấy. Yên tâm, tao sẽ tìm một anh đẹp trai, bình thường thì hiền lành nhưng trên giường thì hóa thú, đảm bảo 100% không Gay, dắt về cho mày duyệt.
Khi tôi nói xong câu này, tự nhiên lại nghe một tiếng cười rất nhẹ từ phía sau truyền đến. Lúc đó mới nhớ ra đây không phải Hà Nội, quán ăn buổi đêm này chỉ còn vài người nên rất yên tĩnh, tôi chỉ định đùa với Huyền một tý cho vui thôi, không nghĩ là tất cả mọi người ở đây lại nghe thấy câu đùa hơi “vô duyên” đó.
Tôi bối rối đỏ mặt, chẳng nghe ra nổi Huyền đang lảm nhảm gì ở đầu dây bên kia mà vội vàng nói:
- Thôi, hủ tiếu của tao nguội hết rồi. Tao ăn đã, mày lưu số mới của tao vào nhé.
Cúp máy xong, tôi xấu hổ nên cúi đầu tiếp tục ăn, một lúc sau lại tò mò muốn nhìn xem người ngồi phía sau đã cười tôi lúc nãy, thế là len lén quay đầu lại nhìn.
Ngồi sau tôi là một người đàn ông có vẻ rất cao, anh ta ngồi xoay lưng lại phía tôi nên chỉ có thể thấy áo sơ mi của anh ta màu xanh đậm, mái tóc màu đen được cắt ngắn gọn gàng, trông có vẻ cũng rất sạch sẽ.
Tôi từ từ nghiêng người chếch thêm một ít, nghiêng đến vẹo cả sống lưng mới thấy được một góc khuôn mặt của anh ta, da trắng mũi cao, lông mày đậm, cách ăn uống chậm rãi từ tốn, giống kiểu như con nhà gia giáo được dạy dỗ cẩn thận đàng hoàng.
Chẳng trách lúc anh ta cười cũng nhẹ như thế.
Khi đó tôi thầm nghĩ: Hóa ra trai đẹp chẳng ở đâu xa, trai đẹp ở ngay sau lưng mà mình thì oang oang cái mồm muốn tìm một anh, lại còn ở trên giường hóa thú. Anh ta cười tôi là phải.
Tôi nhìn thêm vài giây rồi quay lại tiếp tục ăn tô hủ tiếu, thực ra cũng chẳng có tâm trạng nào để ngắm trai đẹp nên chỉ tò mò vu vơ thế thôi. Lúc sau ăn xong, đứng dậy tính tiền xong xuôi tôi cũng quên béng mất anh ta mà quay đầu đi thẳng.
Tôi vừa đi được một đoạn thì tự nhiên có một giọng nam trầm ấm dễ nghe truyền đến:
- Này bạn gì ơi.
***
Lời tác giả: Chắc hẳn mọi người sẽ thắc mắc ai sẽ là nam chính của truyện này, Huy hay là người đàn ông gặp ở tiệm hủ tiếu đúng không?
Thật ra, cả anh Huy và người kia đều yêu chị Vân.
Buồn cười nhỉ? Hai người cao sang quyền quý mà đi yêu một người làm gái. Nhưng chị Vân đã quá khổ, quá kiên cường, vậy nên chị ấy xứng đáng được nhận tình cảm đó phải không?
Muốn biết kết cục sẽ đi đến đâu, mỗi ngày cứ vào trang tớ theo dõi truyện, kiểu gì thuyền đến đầu cầu cũng sẽ thẳng.