Những Chuyện Tình Bên Bờ Vịnh Yokohama
|
|
Những Chuyện Tình Bên Bờ Vịnh Yokohama Princeoftherain - Yeucontrai Forum - gay 18+
"Mèo! Ra mưa ngồi đi…"
Tôi nghe thấy tiếng mưa rơi khe khẽ qua lớp vải dù mỏng manh. Bây giờ là 8h tối, màn mưa mù mịt biến thành phố bên dưới thành một bức tranh nhạt nhòa hư ảo.
Ở nơi này, anh từng hỏi tôi "Mèo sợ không?"
Tôi nhìn thẳng vào mắt anh, nhè nhẹ lắc đầu. Anh đâu biết khi đó ở cạnh anh dù trời có sập xuống tôi cũng không sợ, nhưng hiện tại cảnh vật nơi này lại khiến toàn thân tôi run rẩy. Không phải vì giá buốt của cơn mưa cuối đông, cũng không phải vì chỉ có mình tôi đơn độc, mà bởi tôi đang nghĩ về anh, nhớ về những ký ức mà chúng tôi đã cùng trải qua trong từng ấy thời gian. Khắp xung quanh đây, từng chút từng chút một đều chính là anh. Rút cuộc cũng đã đến lúc...
"Mèo đang ở dưới mưa...chờ anh."
***
Mưa!
Tôi đáp máy bay xuống Haneda vào một buổi chiều cuối tháng 9, Nhật Bản chào đón tôi bằng cơn mưa rào mùa hạ. Trên chuyến bay cùng tôi có một cô bé làm cùng công ty nhưng khác dự án, tên Hương quê ở Thái Bình.
Lúc đưa tiễn ở sân bay hai anh em cũng chuyện trò rôm rả. Tôi để ý có mẹ Hương và hai cô em gái ra tiễn, mẹ với hai cô em gái mau nước mắt, nó còn chưa qua khỏi cửa checkin đã nghẹn khóc làm con bé cũng đau đáu mắt buồn rười rượi checkin xong mà nước mắt đã thấm đẫm xuống vạt áo. Tôi vỗ vai, nói mấy câu an ủi rồi quay qua vẫy tay chào bố mẹ với nhóc em gái. Tính tôi vậy, xa gia đình quen rồi nên lúc đó không có buồn, đi hai ba năm rồi quay về, huống hồ bay có mấy tiếng qua đến nơi là gọi được về nhà rồi.
…
Tôi loay hoay tìm điểm kết nối wifi vì có hẹn một ông anh làm cùng công ty ra đón hai đứa. Chân ướt chân ráo, sợ tự tìm đường về rồi lạc. Hồi mới qua nhìn hệ thống tàu điện của Nhật chẳng khác nào mê hồn trận, hướng Đông hướng Tây bên nào cũng y chang nhau.
Đang loay hoay thì con bé kêu lên.
- A, em vào được mạng rồi.
Tôi cười cười bảo nó.
- Em nhắn anh Hoàng xem đang ở đâu, anh em mình đi lấy hành lý xong lại đó.
Chờ nó nhắn tin một hai phút tôi cũng vào được mạng, vội nhắn về cho mẹ "Con sang tới nơi an toàn rồi, đang về mẹ nhé".
Chốc lát con bé ngoắc tay tôi.
- Đi anh ơi, anh Hoàng bảo em cứ qua cổng soát hành lý, anh ấy đang chờ ngoài cổng.
Tôi cũng vội bước theo nó, hai anh em xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh xong qua lấy hành lý. Cả hàng người đang đứng chờ, băng chuyền quay mòng mòng, chốc chốc lại thấy có người kéo đồ xuống, mãi hai lượt mới thấy hành lý của anh em chúng tôi trên ray, tôi kéo đồ hộ cô nhóc xuống, tận ba vali to. Hai đứa hì hục chất hành lý lên xe đẩy. Tôi có một vali to, với một cái cỡ nhỡ của mẹ hay dùng đi du lịch, do lúc đi vội quá không kịp mua nên lấy dùng luôn, chất lên vừa khít. Hương đang cố kéo nốt cái vali thứ ba lên trên, tôi nhấc bổng đặt lên cho nó, nhóc gãi đầu cười cười. Xong đẩy xe về phía cổng soát hành lý.
Tôi đẩy đi trước nó chút, đang ngơ ngác tìm ông anh kia thì quay lại đã không thấy đâu, lại giật lùi lại tìm. Nhìn quanh quẩn thì thấy nhóc đang đứng giải trình với một ông kiểm soát ở sân bay, tôi đứng chờ một lúc tranh thủ ngó quanh xem ông anh kia đứng đâu. Lát sau, thấy lão người Nhật nói mấy câu lịch sự rồi xin lỗi, xong con bé thở phào một cái đẩy xe đi lại phía tôi, tôi cũng cười với nó.
Lúc ở trạm soát, chúng tôi đưa giấy tờ check xong thì ra ngoài luôn, tôi mới hỏi:
- Nãy ông nhân viên hỏi em gì đó? - Ông ấy thấy em nhiều đồ hỏi có mang đồ gì không hợp lệ không, may em nhanh trí bảo toàn quần áo với quà bánh kẹo cho khách hàng nên ông ấy cho qua - Hương đáp
Tôi cười xuề xòa.
- Nhìn em thật thà thế này, ông ấy không cho qua mới lạ. Mà tiếng Nhật xịn phết, anh vẫn còn gà lắm.
Cô nhóc thẹn thẹn lắc đầu rồi quay qua tìm ông anh kia cùng tôi. Quay qua mấy lượt hóa ra ông ấy chờ hai đứa lâu quá tưởng ra nhầm cửa khác nên chạy đi tìm, xong lúc sau quay lại thì thấy hai anh em tôi đang đứng ngó nghiêng xung quanh. Lão gọi to:
- Ê, hai đứa. Anh ở bên này.
Tôi nhận ra tiếng người quen thấy lão đứng cách một đoạn đang vẫy tay với chúng tôi. Tôi vội gọi Hương rồi cùng đẩy xe qua đó. Lúc sau thấy có thêm một ông nữa, hỏi ra mới biết tôi với Hương ở hai nơi khác nhau mà hôm nay trời mưa nên nhờ thêm một anh ở cùng khu nhà với cô nhóc ra đón.
Mấy anh em đứng chờ tàu, nhân tiện tán gẫu, cười cười nói nói một lúc. Anh ra cùng kia tên Huy, trước làm cùng dự án với tôi nhưng giờ qua đây lại làm cho khách hàng khác, còn ông Hoàng cũng coi như cùng dự án với tôi, nhưng lại khác bộ phận. Lúc sau tàu đến tôi kéo theo hai kiện hành lý, lỉnh kỉnh lên tàu.
Lần đầu tiên đi tàu điện ở Nhật, từ sân bay về cũng khá đông, vali cồng kềnh phải đứng nép vào một góc. Do chưa quen nên mấy lần tàu dừng phanh lại, tôi bị vali kéo ngã dúi dụi, may có cái cột đỡ. Hương là cô gái duy nhất nên được ưu tiên ngồi ghế, cũng khép nép giữ một chiếc vali, hai chiếc còn lại Huy cầm.
Chuyển tàu hai lần, gần hai tiếng đồng hồ mới về tới ga. Hương và anh Huy đã xuống ở trước tôi hai ga, tôi và Hoàng xuống sau đó. Lúc xuống ga trời vẫn còn mưa, lão ném cho tôi một chiếc thẻ màu xanh lá cây có in hình con chim cánh cụt rồi bảo:
- Đây là thẻ suica, thẻ này chuyên dùng để đi tàu điện và thanh toán ở một số hệ thống cửa hàng và chuỗi combini ở Nhật rất tiện lợi. Anh làm thẻ với nạp sẵn cho mày 1sen (1000y khoảng 200.000 VND) rồi. Lúc ở sân bay anh dạy mày đập thẻ, giờ quên thì nhìn anh rồi làm theo. - Cảm ơn anh!
Tôi gật đầu, giơ tay tóm lấy tấm thẻ, xong bắt trước lão đập vào mặt hình chữ nhật phát sáng ở cửa ra. Lúc ở sân bay tôi loay hoay với hai cái vali nên chắc lão sợ đưa tôi lại không cẩn thận làm rơi mất thì hỏng bét nên giờ mới giao.
Bên ngoài mưa lất phất, anh Hoàng bật chiếc ô gấp nhỏ giơ về phía tôi, tôi nhìn thấy vậy liền phất tay nói:
- Anh cứ đi trước dẫn đường, mưa thế này nhằm nhò gì.
Tôi nói vậy nhưng vẫn đội mũ áo phao gió lên cho khỏi ướt rồi hai tay kéo vali chạy theo sau. Đi được một đoạn, lúc đứng trên dốc chờ đèn đỏ qua đường lão quay sang bảo:
- Nhà trên đồi, anh với mày mà cứ đi thế này thì ướt hết. Thôi qua kia chờ xe bus.
Bên kia đường, trước ngôi nhà kiến trúc kiểu cổ có một chiếc ghế băng, kế bên là biển báo hiệu điểm đón bus. Tôi chạy tới dưới mái hiên trước nhà trú mưa, anh Hoàng thì đứng một bên ngóng xe tới. Chỉ trong một thoáng đã có đến mấy lượt xe đi qua nhưng chiếc xe chúng tôi cần vẫn chưa thấy tới, người đàn ông đứng gần đó cũng đã sốt ruột, ông ta liếc nhìn đồng hồ rồi thở dài mấy lượt.
Mười mấy phút sau xe vẫn chưa tới, lòng kiên nhẫn của tôi cũng sắp đến giới hạn, cơn mưa vẫn giăng mù mịt chưa dứt, những mảng mây đen ngày càng xám xịt, mặt trời đã bị mây đen phủ kín đến nỗi chẳng lọt xuống nổi một tia sáng. Tôi tựa lưng vào cánh cửa sắt phía sau ngửa mặt lên đếm từng giọt nước rơi trên mái hiên rơi xuống chờ thời gian trôi qua, ở một gốc cây gần đó mấy bụi hoa dại trắng muốt đang run lên bần bật trong gió.
Cuối cùng người đàn ông bên cạnh đã lên xe, ngay cả bà lão gần đó cũng tìm được chiếc xe như ý, chỉ còn tôi với anh Hoàng và đám người đứng trú mưa mỗi lúc một đông.
Lâu sau đó, hai anh em chúng tôi lên bus, về tới nhà thì cũng chập choạng tối, lúc đó là hơn 6h. Ở trên xe tôi có để ý hai bên đường trồng toàn cây phong, cuối mùa hạ lá phong xanh thẫm hòa lẫn màu rêu biếc trên thân cây, khẽ lay động trong màn mưa tạo nên một khung cảnh thi vị mờ mờ ảo ảo. Đường lên đồi dốc, xe bus chạy chậm thong thả như nghé con đang gặm cỏ. Mùi cỏ, cảm giác hơi lạnh của ngọn gió, bầu không khí mờ ẩm hơi nước bởi mưa...Tất cả những cảm nhận đó khiến cho lần đầu đặt chân tới Nhật Bản của tôi đẹp mê hoặc như trong một bức tranh sơn dầu mà trước đây tôi từng thấy qua màn ảnh vô tuyến, đẹp - tĩnh lặng - bình yên.
…
|
Nhà công ty thuê là một căn hộ gồm ba phòng ngủ, một phòng sinh hoạt chung gồm bếp và có nhà vệ sinh nhà tắm tách biệt riêng. Nhà ở hai ông con trai ở nên cũng hơi lộn xộn, lúc tôi đến thấy giày vứt ngổn ngang trước cửa cho dù có giá để giày ngay bên cạnh.
Ngoài Hoàng còn một anh nữa tên Công, cũng làm cùng dự án với tôi nhưng cùng bộ phận lão Hoàng, có mỗi mình tôi là một bộ phận riêng.
Tôi vừa vào nhà đã thấy mùi thức ăn sực nức, hóa ra một ông ở nhà chuẩn bị cơm nước chờ tôi về là sẵn sàng ba anh em chén luôn. Hôm nay nấu nhiều món chiêu đãi thành viên mới. Tuy đói lắm bụng đang réo òng ọc, nhưng đi mưa về nên tôi thay quần áo rồi chui vào tắm. Tôi khui hành lý, lấy quần áo với xà bông đem từ nhà sang rồi ngó ra phòng khách kêu.
- Em tắm cái, hai anh đói thì ăn trước đi.
Lúc tắm xong ra vẫn thấy hai lão đang ngồi chờ. Tôi hơi ngại vội lấy khăn tắm xoa qua loa đầu tóc rồi cũng chui vào bàn ăn cơm. Hôm đó đánh chén no say, bao nhiêu đồ ăn đều hết cả. Không rõ do tay nghề nấu nướng của anh Công tốt hay do bụng đói mà ăn món nào tôi cũng thấy ngon, hơn nữa lại còn được thưởng thức món rượu mơ thượng hạng của Nhật Umeshū nên càng ăn càng vào. Phê tới bến.
Buổi tối ăn cơm xong một lúc thì mưa cũng vừa tạnh, thấy tôi định luẩn quẩn định ra ngoài thì anh Hoàng gọi với theo bảo:
- Chờ tí anh dẫn mày đi dạo loanh quanh, nhân tiện chỉ luôn mấy thứ. Không mày mới sang đi một mình nhỡ lạc thì anh không gánh nổi tội.
Tôi gãi đầu cười, rồi đứng ngoài cửa đợi lão thay quần áo. Chỗ chúng tôi ở trên đồi cao, từ phía này có thể nhìn thấy toàn bộ thành phố bên dưới, đèn điện xe cộ, mọi thứ đều tỏa ra một thứ ánh sáng lấp lánh kỳ ảo. Tối hôm đó lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cảnh Nhật Bản về đêm, thật đẹp làm sao. Đó là ký ức đẹp nhất và cũng là cảm xúc khó quên nhất đối với tôi mãi về sau.
|
Chapter 2:
Tôi tốt nghiệp bằng kỹ sư công nghệ thông tin năm 2014, vào công ty ở Việt Nam vừa học vừa làm hai năm rồi sang Nhật. Thời điểm đó, Nhật Bản là một vùng đất đầy hứa hẹn chứa đựng bao giấc mơ hoài bão đối với những kỹ sư ngành công nghệ thông tin như chúng tôi.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thứ hai năm 1974 tỉ lệ sinh hàng năm của Nhật Bản liên tục giảm, tỉ lệ người không kết hôn ngày càng gia tăng tạo nên một cơ cấu dân số già dẫn đến hệ lụy nguồn lao động quốc nội không đủ đáp ứng nhu cầu cung cấp nhân lực cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Vì vậy chính phủ Nhật tung ra nhiều chính sách và các gói đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong nước nhằm thu hút nguồn nhân lực trí thức từ các quốc gia khác. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ, thị trường Nhật Bản là một miếng bánh béo bở cho các công ty cung cấp dịch vụ Offshore ngành công nghệ thông tin như công ty tôi.
Lúc ở Việt Nam tôi học tiếng với một thầy giáo người Nhật nên trong mắt tôi đất nước mặt trời mọc không phải thiên đường, nó chỉ là bàn đạp để hướng tới con đường tương lai mà tôi đang theo đuổi. Chính vì vậy để đặt nền móng cho những ước mơ hoài bão ấy tôi tiến tới bắt đầu những ngày tháng sống và làm việc tại Nhật Bản.
…
Xin lỗi các bạn vì đường đột, tôi có hơi lan man về những vấn đề ngoài luồng một chút, tiếp theo chúng ta cùng quay lại với thằng tôi của ngày đầu bước chân đến Nhật khi ấy.
…
Sáng hôm sau là Chủ Nhật, do đêm qua loanh quanh ở ngoài đến tận tối muộn cho nên sáng nay tôi ngủ nướng tới tận gần 11h. Lúc mở mắt ra mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, bao nhiêu mệt mỏi bởi đi đường hôm qua đều đã tan biến cả. Tôi vươn vai, gập người, chống đẩy mấy cái rồi đi đánh răng rửa mặt.
Hai lão ở cùng tôi đã đi chơi từ sáng sớm, lúc đi dạo cùng tôi đêm qua Hoàng bảo hôm nay họ có hẹn với mấy người bạn Nhật cùng đi chơi ở Tokyo. Anh cũng có ý hỏi tôi muốn đi cùng không nhưng tôi từ chối, một phần do tiếng chưa đâu vào đâu, hơn nữa tôi cũng muốn nghỉ ngơi và dành thời gian sắp xếp đồ đạc ngăn nắp chút.
Vừa đánh răng xong đang loay hoay mở vali lấy quần áo ra xếp thì có tiếng chuông cửa, tôi còn chưa kịp mở thì đã thấy có người chạy xộc vào nhà.
- Ơ Mạnh! Chú qua rồi đấy à?
Phải mất mấy giây tôi mới nhận ra người quen, là anh Tiến làm cùng dự án. Hóa ra ngoài phòng tôi đang ở còn có thêm hai phòng nữa cũng trong cùng tòa nhà công ty thuê mục đích để mấy anh em ở gần nhau, có gì liên lạc "tập trung" cho tiện.
Tôi mừng lắm vì gặp được người quen, vội chạy ra chào hỏi.
- Em mới sang chiều qua. Anh ở phòng nào thế? - Tôi vừa cười vừa nói. - Anh ở ngay trên phòng chú, xuống mượn cái máy hút bụi. À tẹo nữa bọn anh làm nồi lẩu, tiện chú mới sang lên tham gia luôn cho vui.
Lão vừa nói vừa ngó đông ngó tây, tôi thấy vậy cũng chạy quanh nhà tìm giúp, cuối cùng thấy nó nằm vật trong gầm bếp. Tiến sang trước tôi một tháng, dự định chỉ đi ngắn hạn học xong nghiệp vụ ba tháng rồi về. Chắc cũng biết tôi chuẩn bị bay, nhưng không rõ cụ thể là ngày tháng nào.
- Ba phòng mà có mỗi một chiếc dùng bất tiện quá - Mặt lão phụng phịu quay ra càu nhàu với tôi. - Anh xem có cần mượn gì nữa không em tìm luôn cho kẻo tí nữa quên lại mất công chạy xuống lấy. Bếp ga mini nồi niêu bát đũa đã có đủ chưa? - Được rồi, trên ấy chỉ thiếu máy hút bụi dọn dẹp nữa là xong. Mà anh nghe đài báo chiều nay bão vào đấy. Tí chú lên ăn thì nhớ kiểm tra cửa nẻo cẩn thận chốt hết cả vào. Với mày mới sang anh cũng nhắc vụ giữ chìa khóa, mỗi người một chiếc nên bảo quản cẩn thận, mất cái phải thay cả ổ khóa lại đền ốm tiền. - Vâng em nhớ rồi, tối qua lúc đưa em chìa khóa anh Hoàng cũng có dặn. - Ừ, đợt trước thằng Công làm mất chìa khóa một lần, phải phá cửa kính ban công vào nhà, lần đó cũng bị phạt ghê lắm. Tận 5man đấy (50000y khoảng 10tr VND)
Anh Tiến và Hoàng bằng tuổi nhau, Công thì hơn một tuổi, nhưng học cùng khóa nên vẫn xưng hô mày tao cả. Tôi lắc đầu cười với anh.
- Tính em cũng cẩn thận chìa khóa lúc nào chẳng mang theo người, anh yên tâm. Thôi anh lên trước đi kẻo mọi người chờ, em sắp đồ gọn gàng xong chốt cửa cẩn thận rồi lên sau.
Nói vậy nhưng trong lòng tôi cũng đang háo hức lắm, mới sang đã được tham gia mấy buổi nhậu nhẹt kiểu này thật thú vị.
Anh Tiến về rồi, tôi xếp nốt chỗ quần áo ban nãy đang sắp dở vào tủ, sau đó lấy đồ cá nhân ra khỏi vali rồi ném nó qua một góc. Cái còn lại toàn đồ ăn nên cũng chưa vội dỡ ra, tối qua có lôi ra mấy bịch mỳ tôm cho anh Hoàng trước. Sáng hôm tôi bay lão mới nhắn nhờ tôi mua đem qua nên không kịp mua đành đưa tạm cho lão một ít, phần đồ ăn còn lại tôi vẫn để nguyên trong vali.
Xong xuôi tôi chạy ra kiểm tra cửa kính ngoài ban công chốt trên chốt dưới cẩn thận. Mặc dù đang giữa trưa nhưng ngoài trời mây đen giăng kín, gió hun hút thổi từng đợt khiến cây cối xung quanh lá cành chao đảo, chắc chỉ lát nữa bão vào mưa to gió lớn sẽ trút xuống.
…
Nhật Bản là một trong những quốc gia thường xuyên phải đối mặt với thiên tai như động đất, sóng thần cho đến những cơn bão từ Thái Bình Dương. Tương tự như ở Việt Nam bão ở Nhật chủ yếu đổ bộ vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 hàng năm gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân Nhật Bản.
…
Lúc tôi mở cửa bước vào, mọi người đã tập trung đông đủ cả. Trong bữa nhậu đang có sáu người, phòng trên này bốn người, thêm hai anh ở phòng khác gần đó cũng được rủ qua giống tôi. Ngoài anh Tiến ra thì hầu hết đều là người tôi không quen, nhưng không sao trước lạ sau quen dù gì cũng đều là người mình cả, không nhậu không quen mặt.
Sau màn chào hỏi qua loa, tôi chui vào nhập cuộc trong chớp mắt. Nồi lẩu vẫn sôi sùng sục, rau nhúng, thịt bò, heo, tôm đủ thứ. Ai nấy đều rất hứng khởi vừa ăn vừa uống cười nói rôm rả. Ngoài trời mưa cũng vừa trút xuống.
Nói là nhậu nhưng thực ra tôi uống không tốt lắm, chủ yếu ngồi diệt mồi là chính. Mấy ông trong cuộc nhậu ông nào cũng hăng hái, uống vào đầu óc lâng lâng sảng khoái kể toàn chuyện gái gú, mông ngực nói đi nói lại không hiểu sao lại chuyển sang chủ đề công việc.
Ngồi cạnh tôi là Hiếu, nó bằng tuổi tôi. Trước học tiếng ở Việt Nam chúng tôi đã từng học chung lớp, nhưng cũng chỉ có chạm mặt chứ không thân quen vì Hiếu làm dự án khác, vả lại đợt đấy nó cũng mới vào công ty nên không tiếp xúc nhiều với mọi người. Nghe Hiếu kể thì đã có vợ và con gái ở Việt Nam đang làm thủ tục để đón cả gia đình sang Nhật, vừa tiện công việc, vừa tiện chăm sóc con cái. Mà cái nữa là xa vợ lâu quá "bấn" không chịu nổi.
Cạnh Hiếu là anh Long, đang làm sub-leader cho một dự án nhỏ. Long khá đô con, cắt đầu đinh để râu quai nón xồm xoàm làm tôi liên tưởng đến nhân vật Trương Phi trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Hắn uống bia như uống nước, có lẽ đã đạt tới cảnh giới độc cô cầu bại. Trong khi cả mâm mới quay qua đến lon thứ hai, lão đã uống đến lon thứ sáu. Long có thể uống liên tục không cần ăn, khả năng uống trăm phần trăm là tuyệt vời, luôn là trung tâm của bữa nhậu bởi vừa uống vừa nói năng huyên thuyên, đôi khi thành nói nhảm nhưng vẫn được anh em hưởng ứng rất nhiệt. Có thể nói những người như Long chính là linh hồn của bàn nhậu.
- Nhân tiện nói đến phụ nữ. Các chú sang đây học là chính, làm chỉ là phụ. Nhưng phụ ở đây là gì? Phụ ở đây không phải phụ sản, cũng không phải phụ khoa mà là phụ thuộc. Có nghĩa là gì? Chúng ta phụ thuộc vào khách hàng. Khách hàng yêu cầu làm cái A, thì mày không thể làm cái A phẩy chứ đừng nói là làm thành cái B. Bởi vì sao? Bởi vì các chú là bộ mặt của công ty, thằng khách hàng nó nhìn vào công ty của chúng ta qua cách mà các chú thể hiện với nó. Các chú làm sai một thì công ty phải chịu mười, nó sẽ đè đầu từ thằng giám đốc nó hành xuống, rồi giám đốc hành tiếp xuống AM, bên AM lại hành leader bọn anh...bla...bla
Long cứ hớp một ngụm bia lại nói một câu, hắn vừa nói vừa giơ lon bia trước mặt, ngón út chĩa ra hết trỏ sang trái lại trỏ sang phải, ra bộ đang giáo huấn lũ đàn em trên bàn nhậu. Mấy lão ngồi gần phía đó cũng gật gù theo từng nhịp nhấn nhá nhả chữ của lão. Phải công nhận nếu trong những buổi seminar mà cho phép diễn giả sử dụng rượu bia thì Long là một đối thủ đáng gờm của hầu hết các diễn giả nổi tiếng hiện nay.
|
- Vẫn là anh Long nói chí lý, khiến anh em mở mang tầm mắt. Giờ dự án mình mà mất đi những người như anh thì uổng phí - lão Hải ngồi bên trái Long vừa nhai miếng váng đậu vừa nịnh hót đến phọt cả nước miếng.
Hải làm cùng dự án với Long nhưng lão là member, hai người này hễ ở đâu có buổi nhậu là có mặt ở đó. Đương nhiên một phần vì Long là linh hồn của các buổi nhậu nhưng thiếu tung hứng của Hải thì độ mặn của Long giảm đi một nửa. Tôi nhớ ngày xưa nhãn hiệu nước mắm mẹ tôi thường mua chính là loại Long Hải này, nồng độ đạm cao, độ mặn thì khỏi cần nói chỉ mỗi tội mùi hơi khó ngửi.
- Chú cứ nói đùa. Mất là mất thế nào được. Anh còn phải làm vài năm nữa, khi nào bên nó hết tiền rút người thì anh về. Chú yên tâm - hết câu Long trợn mắt, ợ to một cái. - Anh Long dạo này còn làm với đội ở nhà không nhỉ? - anh Tiến xen ngang. - Nát lắm! Đội đấy toàn mấy chú làm chưa đâu vào đâu đã đòi nhảy lên đầu lên cổ người ta ngồi. Bên này bảo sửa code thì ông đem đập con mẹ hết cả đi code lại từ đầu, làm bên khách hàng lại chất vấn anh: code cũ của bọn tao có vấn đề gì hay sao? - lão nhăn mặt, có vẻ định nói gì đó tiếp nhưng suy nghĩ một lúc lại thôi, phất phất tay cho qua chuyện.
Tôi chỉ ngồi nghe, thỉnh thoảng cười hưởng ứng. Khi đó tôi mới sang nên mấy chủ đề này không hiểu được hết, hơn nữa tôi cũng không phải kiểu người biết nịnh nọt người khác. Nói thật thì được chứ nói mấy câu khiến người khác vừa lòng mà trong lòng mình thấy không thoải mái thì tôi chịu.
- Thanh niên mới sang kia là Mạnh nhỉ?
Người ngồi cạnh anh Tiến - đối diện tôi hắng giọng hỏi. Anh này cũng là bậc vai vế, tên Sơn. Sơn đang quản lý một nhóm trong dự án tiềm năng của công ty, qua lời kể của Tiến lão là một người khá dày dặn kinh nghiệm cả về kỹ thuật lẫn nghiệp vụ, hơn nữa lão còn có kinh nghiệm quản lý dự án. Trước đây Sơn làm PM ở công ty X cạnh tranh cùng mảng với công ty tôi, nhưng do đãi ngộ không thỏa đáng nên lão nhảy việc. Sang đây liền được trọng dụng.
- Vâng em mới sang chiều qua, từ mai bắt đầu đi làm. Tiếng Nhật cũng còn kém, chắc vẫn là gánh nặng cho mọi người. Sau này có gì em không phải nhờ mọi người chỉ bảo thêm. Em xin phép mời cả nhà cùng lên ạ.
Tôi hơi ngượng, vừa nói vừa đưa mắt nhìn anh Tiến, mong anh ấy đỡ được cho câu nào hay câu đó. Quả nhiên lão hiểu ý, nhấc lon bia giơ trước mặt, một tay đỡ dưới đít lon nói lớn.
- Thằng cu làm cùng dự án với em. Cũng thật thà ngoan ngoãn. Có gì anh em giúp đỡ. Thôi anh em mình dzô cái nhỉ. Nãy giờ trầm quá. Nào! Em quản ca.
Hai ba..dzô...hai ba dzô...hai ba...uống. Cứ như thế buổi nhậu kết thúc lúc gần 4h chiều. Lúc này hầu hết phân nửa đã nằm, có mấy ông còn cho chó ăn chè ngay tại chỗ, riêng Long vẫn còn tỉnh táo ra ngoài ban công hút thuốc cho dù đang mưa to gió lớn. Tôi với anh Tiến sở dọn dẹp đống đồ ăn bát đũa ngổn ngang, dọn xong định xắn tay áo rửa bát thì anh Tiến bảo:
- Thôi chú về nghỉ ngơi chuẩn bị mai còn đi làm, để đấy tí mấy thằng tỉnh anh bảo chúng nó rửa. Nhiều bát đũa thế này mình mày rửa có mà đến tối.
Lúc đấy tôi cũng hơi mệt, vả lại đúng là nhiều bát đũa thật nên cũng chẳng khách sáo, chào anh Tiến một tiếng rồi về phòng.
…
Xuống đến nơi đã hơn 5h chiều, cơn bão đang mạnh dần lên, mưa ào ào như trút nước tạt vào hai bên cửa kính. Tôi thấy trong người hơi uể oải nên định sẽ đi tắm cho thoải mái, không ngờ vừa đặt một chân bước vào phòng tắm thì thấy lão Công tồng ngồng từ trong đi ra, trên người vẫn còn hơi nước.
- Âyyy...
Tôi kêu lên rồi che mắt đi ra ngoài.
- Hahaha, em về lúc nào thế. Anh không biết, cứ tưởng không có ai ở nhà. Sorry em.
Tôi hơi ngại nên quay mặt đi nói.
- Em cũng tưởng nhà không có ai, lúc về vẫn thấy khóa cửa.
Hắn mặc quần áo xong liền chạy ra nhéo tai chọc tôi.
- Hề hề, thấy của anh sợ không? - Công cười gian manh - Sợ cái đầu anh, giật cả mình - Tôi giơ tay đấm nhẹ vào ngực hắn - Lần sau để ý điện sáng thì có người ở trong nhé. Phải anh còn đỡ chứ thằng Hoàng là nay chú mất đời dzai rồi. - Haha. Thôi em đi tắm.
Tôi gượng gạo đóng cửa phòng tắm, trong lòng vẫn còn lưu lại chút cảm xúc hoang mang khó tả.
Đêm ấy cơn bão hoành hành ngang ngược, gió hun hút thổi đập ầm ầm vào cửa kính khiến tôi mất ngủ. Bên ngoài kia là gió bão đang càn quét, còn trong lòng tôi lại đang có một ngọn gió khác sắp sửa phất lên.
|
Chapter 3:
Quá nửa đêm, cơn bão chỉ gầm thét hơn hai tiếng đồng hồ rồi im bặt. Có lẽ nó đã di chuyển đến một vùng khác tiếp tục càn quét, hoặc cũng có thể nó đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tiếng gió rít chẳng còn nữa, chỉ còn đọng lại tiếng mưa đêm rả rích. Tôi nằm tĩnh lặng lắng nghe tiếng mưa rơi, từ từ chìm vào giấc ngủ.
…
Sáng hôm sau, bình minh chiếu những tia nắng đầu tiên xuyên qua lớp bìa giấy mỏng manh trên khung cửa sổ khiến tôi tỉnh giấc. Đã hơn 7h sáng, tôi gấp chăn nệm gọn gàng rồi đẩy vào một góc lấy chỗ tập thể dục. Phòng khá rộng rãi, do hiện tại tôi chỉ ở có một mình. Căn phòng này là phòng kiểu Nhật hay còn gọi là phòng chiếu (Tatami), thông thường phòng chiếu sẽ là phòng rộng nhất trong căn hộ, ngoài ra còn có hai phòng kiểu u bé hơn và cũng được sử dụng chuyên biệt hơn.
Thực ra việc sử dụng phòng ở như thế nào đều do phía công ty tự quyết định và áp dụng với nhân viên như chúng tôi. Do hai phòng kiểu u có diện tích bé hơn nên chuyên dụng để ở một người, còn phòng chiếu lớn nên với những member công tác dài hạn như tôi, nếu có người sang công tác ngắn hạn (dưới ba tháng) thì sẽ phải share phòng này với họ giống như phòng anh Tiến đang ở bốn người vậy (Tiến sang ngắn hạn ba tháng). Tạm thời tôi sẽ được ở một mình, tự tung tự tác cho đến khi có ai đó sang công tác ngắn hạn.
…
Tập xong tôi sở đi đánh răng rửa mặt, vừa lấy kem đánh răng lên bàn chải thì nghe tiếng chuông báo thức kêu bất tử trong phòng Hoàng. Lão mới ngủ dậy, mắt còn đang sưng húp nửa mê nửa tỉnh kéo cửa nhà vệ sinh chui tọt vào trong. Đêm qua Hoàng về muộn, lúc tôi tắt điện ngủ mới thấy lạch cạch mở cửa. Hồi chiều nghe anh Công bảo Hoàng còn đi chơi tiếp đến đêm mới về, mà tôi không nghĩ lại muộn đến vậy.
Hắn xả nước buổi sáng ào ào trong nhà xí, xong quay qua thấy tôi đánh răng chưa xong liền quơ tay lấy bàn chải răng chạy ra bồn rửa bát đánh.
- Tẹo nữa mày lên bảo thằng Tiến dẫn đi làm nhé - Hoàng vừa chải răng vừa làu bàu trong miệng. - Vâng, hôm qua em cũng dặn anh Tiến rồi. Vì sáng nay còn phải làm thủ tục ra vào tòa nhà cho nhân viên mới nên em nhờ anh Tiến dẫn đi tiện thể làm luôn. - Ừ, anh với thằng Công chắc đi muộn tí, chú đi sớm mà làm thủ tục. À tí quên, còn làm vé tháng nữa, tí nhờ thằng Tiến nó làm luôn vào thẻ suica cho. - May có anh nhắc không em cũng không biết. Để em bảo anh Tiến luôn ạ.
Tôi nhẩm đi nhẩm lại trong đầu mấy việc cần làm cho khỏi quên. Ngày đầu tiên đi làm ở một phương trời mới, trong lòng không tránh khỏi những lo âu mơ hồ không đầu không cuối.
- À quên nữa, mày nhớ mang quà đi nhé. Như anh dặn đợt trước đấy, chuẩn bị quà để ra mắt mọi người hôm nay. Hôm anh hỏi thì team mày có khoảng hơn bốn chục người. Liệu liệu mà cầm cho đủ, dư ra tí cũng được.
Tôi vâng một tiếng rõ to rồi sắp xếp giấy tờ gọn gàng vào túi xách để chuẩn bị làm thủ tục nhập xuất. Sau đó mở vali lấy hộp kẹo chocolate hơn sáu chục viên. Trước hôm bay một tuần Hoàng đã dặn tôi chuẩn bị quà để mang đi chào hỏi mọi người hôm đầu tiên. Quà cần chú trọng hình thức: phải đẹp, còn ngon hay không không quan trọng.
Xong xuôi tôi mặc quần áo, đóng sơ vin gọn gàng rồi chạy lên gọi anh Tiến. Lúc chuẩn bị ra khỏi nhà mới thấy lão Công lồm cồm bò ra khỏi phòng đi đánh răng rửa mặt.
…
Tôi nhấn chuông, chuông cửa réo hai hồi. Tiến mở cửa, lão cũng đã chuẩn bị tươm tất đâu vào đấy chỉ chờ tôi gọi là hai anh em đi.
Sáng sớm bầu không khí trong lành dịu mát, tôi hít một hơi thật sâu, đâu đó vẫn còn chút hơi ẩm lành lạnh từ trận mưa tối qua. Lúc xuống cầu thang tôi mới để ý cảnh vật xung quanh đã bị cơn bão ảnh hưởng kha khá. So với lúc tôi mới sang, cây cối bị quật cho tơi tả hết cả, lá rụng đầy khắp sân. Mấy bụi hoa cảnh nhà dân mới trồng cũng bị gió bão xé tan nát, hoa đi đằng hoa lá đi đằng lá. Xe đạp dựng bên ngoài đổ rạp cả dãy, có mấy chiếc không rõ tại sao còn bay cả ra giữa sân nằm trơ trọi. Tại một góc khác, hai ba con quạ đen to tướng đang bươi móc mấy túi rác bị gió cuốn văng ra giữa đường. Ở Nhật quạ là linh vật được tôn thờ như thần thánh cho nên chúng thường bay nhảy tự do thành từng tốp ba bốn con kiếm ăn, như lúc này đây vừa mổ rác vừa kêu inh ỏi.
Từ nhà ra ga đi bộ mất hai chục phút. Nếu đi bus thì sẽ nhanh hơn một chút, nhưng để tiết kiệm tiền nên dù không ai bảo ai chúng tôi đều tự giác đi bộ cả. Trước đây nghe mấy lão ba hoa rằng đi bộ vì sức khỏe, nhưng tôi cảm thấy mấy lý do đó toàn là rắm thối. Mùa đông còn đỡ, mùa hè đi bộ từ nhà xuống tới ga mồ hôi chảy ướt hết áo, thiếu điều thở ra khói nữa, sau đó lên tàu còn chen chúc nóng đến chết đi sống lại chẳng khác nào địa ngục. Hoặc những ngày mưa lớn, những ngày có tuyết rơi, đi bộ từ nhà ra ga hay ngược lại từ ga về nhà đều là quãng đường gian nan đầy thử thách. Nhưng trên hết để tiết kiệm được thêm vài triệu tiền đi lại mỗi tháng, cho dù có khổ hơn nữa khó khăn hơn nữa anh em chúng tôi vẫn quyết tâm sống chung với lũ.
…
Khi gần ra tới ga, hai anh em chúng tôi chợt bắt gặp mấy người trong công ty đang quay về. Anh Long nhìn thấy chúng tôi từ xa xua xua tay.
- Về thôi. Ngoài ga đông lắm, tàu bị ảnh hưởng bão ngừng hoạt động mất mấy tuyến, giờ đang tắc nghẽn hết ở ga. Cả mấy trăm người đang chen chúc xếp hàng dài dằng dặc. Hai chú có ra cũng không chen vào nổi đâu. Thôi về nhà đợi đến khoảng 10h tàu chạy bình thường trở lại rồi đi.
Long nói luôn một hồi rồi cứ thế đi thẳng về. Anh Tiến quay lại vẫy tay chào lão rồi nói to.
- Anh về trước đi. Em dẫn thằng Mạnh ra ga làm vé tháng cho nó trước, đang tiện đường. Xong lát về sau.
Nói xong hai chúng tôi cứ thế đi tiếp. Ngoài ga quả thật người đông như kiến, đã xếp thành bốn hàng dài ra tận phía ngoài gần 500m. Anh Tiến dặn tôi đứng chờ rồi chạy đi làm vé tháng, lão bảo định hướng dẫn tôi nhưng sợ đông hai anh em chen chúc lại lạc nhau thì hỏng bét nên tôi đành chờ ở ngoài, mình lão vào chỗ máy bán vé làm.
Mười mấy phút sau, tôi thấy Tiến từ trong phía đám người hớn hở chui ra. Lão đưa thẻ cho tôi xong chỉ tay vào mặt thẻ bảo.
- Chú xác nhận lại họ tên, ngày tháng năm sinh trên thẻ xem đúng không? Anh cũng không nhớ chính xác nên nhập đại. - Tên đệm sai rồi anh. Anh nhầm chữ a lớn thành chữ a nhỏ rồi. - Ơ, anh gõ nhầm à - Lão tóm lấy cái thẻ từ tay tôi, căng mắt soi từng chữ. - Có cần sửa lại không anh nhỉ. - Thôi sai mỗi một chữ không sao đâu, sửa lại cũng hơi loằng ngoằng. Chú cứ để thế, giữ thẻ cẩn thận là được. Muốn chắc chắn thì chụp lại mặt thẻ, sau này lỡ có mất còn làm lại. - Ok anh. Em cảm ơn nhé. - Thôi về đi, đứng ngoài này đông quá họ lại tưởng mình chờ xếp hàng.
Tiến dẫn tôi quay lại con đường cũ, trên đường về chúng tôi có ghé qua combini mua đồ ăn sáng. Tôi chọn đi chọn lại cuối cùng mua một hộp nước cam với bánh bông lan vị kem khoai môn. Do các hàng quán đều bắt đầu mở cửa từ 10h sáng nên đồ ăn sáng ở Nhật có rất ít lựa chọn. Nếu không mua ở combini thì chỉ có lựa chọn tự nấu ăn ở nhà, mà hầu như chúng tôi chẳng có thời gian cho lựa chọn thứ hai cho nên combini luôn là lựa chọn duy nhất.
…
Combini hay cửa hàng tiện lợi là chuỗi hệ thống rất phổ biến ở Nhật, hiện tại có ba ông lớn đang chiếm thị phần lớn nhất và cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau đó là: 7eleven, Family Mart và Lawson. Những combini như thế này mở cửa 24/7, luôn sẵn sàng cho nhu cầu mua sắm của chúng tôi. Từ đồ ăn nhanh (gà rán, hot dog), bento (cơm hộp) cho đến đồ dùng cá nhân như dao cạo râu, sữa rửa mặt, hay đồ ăn rau củ quả, rượu bia, thuốc lá, tạp chí, áo sơ mi...bạn có thể tìm thấy đủ mọi thứ trong những cửa hàng nhỏ này. Hơn nữa những mặt hàng bán ra không hẳn là cố định, hàng hóa thường sẽ thay đổi theo mùa và theo thị hiếu của khách hàng. Ví dụ mùa thu thường sẽ có bánh bông lan hương khoai môn, kẹo Kit Kat hương vị hạt dẻ...mùa xuân sẽ có bánh mochi vị hoa anh đào, trà latte vị hoa anh đào...mùa hè đôi khi có bánh nướng táo, sữa chua uống táo xay...tôi đã trải qua bao nhiêu cái xuân hạ thu đông ở nơi này nhưng những thứ đồ ăn theo mùa như vậy vẫn chưa từng nếm thử hết.
Ở Nhật tôi thấy có hai thứ rất được ưa chuộng đó là cafe và matcha. Hầu như mọi loại thức uống đều sẽ có một phiên bản mang hai hương vị này. Không những vậy các loại kẹo, bánh ngọt cũng tương tự, luôn luôn có những phiên bản đặc biệt dành cho tín đồ của chúng. Tôi thì không thích cafe, còn matcha thì uống được nhưng cũng không khoái lắm. Có lẽ tôi không hợp với phong vị ăn uống của người Nhật cho lắm bởi vậy không chỉ hai thứ trên mà hầu hết đồ ăn ở Nhật tôi đều cảm thấy thua xa so với ẩm thực Việt Nam cả về mùi vị lẫn độ đa dạng.
Tôi lại quá lan man rồi thì phải. Xin lỗi các bạn. Câu chuyện về ẩm thực tôi tạm dừng ở đây, để khi khác hay ở một trang truyện khác tôi sẽ xin phép được tiếp tục. Còn bây giờ chúng ta sẽ trở lại với chuyến tàu đi làm đầu tiên của thằng tôi ngày hôm ấy.
…
Ăn uống xong xuôi mới hơn 8h sáng, tôi tranh thủ lôi tập tài liệu trong túi ra đọc lại mấy lượt. Quy trình làm thủ tục nhập xuất ở công ty khách hàng khá phức tạp, do thường những công ty lớn độ bảo mật và an ninh rất chặt chẽ.
Ngày đầu tiên, chúng tôi sẽ phải đi chụp ảnh ở tầng cao nhất của tòa nhà, sau đó nộp lại cùng hồ sơ nhân viên do công ty chính cung cấp ở sảnh tiếp tân tầng một và nhận một cái thẻ ra vào tạm thời, dùng thẻ này có thể đi qua cửa check bảo mật để vào bên trong tòa nhà làm việc. Nói là sảnh tiếp tân vậy nhưng thực chất là khu vực check an ninh thì đúng hơn. Ở đây luôn có 4-5 nhân viên an ninh thường trực, họ có nhiệm vụ chào hỏi mọi người ra vào tòa nhà và không để người lạ xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực làm việc. Nếu như có thẻ check qua được cửa bảo mật thì bạn chính thức có thể ra vào tòa nhà một cách thoải mái. Nhưng ngày đầu tiên thẻ mà tôi nhận được sẽ chỉ là tấm thẻ tạm thời buổi chiều hôm đó sau khi làm xong sẽ phải trả lại cho bộ phận an ninh. Ngày hôm sau mới có thẻ chính thức.
Vì toàn bộ tài liệu đều viết bằng tiếng Nhật nên tôi vừa đọc, vừa tra từ điển cũng khá mất thời gian. Đọc xong cũng hơn 9h, tôi thu xếp đồ đạc rồi chạy lên gọi anh Tiến. Đúng lúc thấy lão đang đi xuống cầu thang, thế là hai anh em lại tiếp tục hành trình đi làm đầy gian nan.
Ra đến ga người xếp hàng đã vãn. Tuy tàu vẫn chưa hoàn toàn hoạt động trở lại bình thường nhưng số chuyến tàu đã tăng lên đáng kể, hai chúng tôi chờ hơn chục phút thì có tàu đến. Cứ như vậy hơn một tiếng đồng hồ sau thì đến công ty.
|