Đâu Chỉ Là Yêu
|
|
Tập 44: Đi tìm màu nắng nhạt
Biết rằng, ai đó có đi qua chuỗi ngày mưa mới biết yêu hơn những ngày nắng, nhưng dẫu sao thì mỗi thân phận con người đang tồn tại và cựa quậy trong lòng bàn tay của mẹ Đất đều phải hứng vào lòng mình những nắng ấm lẫn bão giông…
Và tình yêu của trẻ con như một đám nắng rộn lên phía sau chái nhà, sẽ cháy bừng lúc bình minh thắp màu và tàn dần khi ngày tắt cạn. Người biết nuôi, ngày mai nắng sẽ vàng. Ta bỏ lơi ra, đời nắng nhạt.
Học bài xong, như một thói quen mỗi ngày, tôi bỏ chiếc băng cassette Áo Trắng vào máy, ngồi đó nghe những khúc ca quen thuộc từ Áo trắng học trò, Áo trắng sân trường cho đến Phượng hồng… rồi lại lần mở trang nhật ký ra, gởi vào đó những nỗi lòng son trẻ. Hôm nay, chỉ có những thở than, những muộn phiền. Chán, tắt đèn đi ngủ.
Vào giường nằm, trằn trọc mãi vẫn không chợp mắt. Ngoài kia tiếng mưa rơi lúc thưa lúc nhặt rồi mưa cũng dày lên khua thành tiếng động từ những tàu lá chuối sau vườn, những ngày tháng cũ bây giờ xôn xao rủ nhau cùng về. Tôi nhớ quá nhiều những chiếc hôn đầu vụng trộm, vội vàng. Nhớ chiếc áo mưa hai đứa che chung, đứa này hỏi đứa kia có ướt không, cả hai đều trả lời không sao nhưng cuối cùng thì không đứa nào khỏi ướt. Nhớ những lần chạy đua cùng cơn mưa đang rượt từ phía sau… Quay về thực tại, nhìn phía ngoài cùng của chiếc giường trống trơn, tôi đưa tay mình chạm vào khoảng trống ấy như đang cố tìm kiếm chút tàn hơi phía ngày cũ. Tôi ngồi bật dậy, lau nước mắt và biết mình đang nhớ, đang tiếc một thời mới vừa đi qua như kẻ lãng du giã từ giấc mộng đẹp để về nơi thực tại.
Tôi với tay mở toang cánh cửa sổ, mưa hắt vào, những giọt nước mát lạnh như làm con người ta bừng tỉnh. Nghe tiếng mở cửa, ba hỏi vọng sang.
- Làm gì chưa chịu ngủ mà còn mở của chi nữa? - Dạ, trời nóng mở chút rồi đóng lại. - Rồi ngủ quên, mưa ướt lạnh thấy cha bây!
Kéo cánh cửa vào, cài chốt. Tôi nằm xuống chỗ cũ, trong đầu văng vẳng câu hỏi: “Không biết bây giờ hắn có nghĩ về mình, như mình đang nhớ hắn không!?”…
Sáng cuối tuần, quyết định nướng chán chê, đến lúc ba từ quán cafe về gọi mới chịu dậy. Với tay bật chiếc máy hát, giọng Mỹ Linh cất lên, da diết quá đỗi quá chừng: “Khi thấy buồn em cứ đến chơi, chim vẫn hót sau vườn đấy thôi, chỉ có trong tôi ngày đã sang đêm lâu rồi…” Ngoài sân, mưa vẫn lăm răm hoài từ đêm qua đến giờ, chưa dứt.
- Sáng nay có đi trường không? – Ba hỏi vọng vào. - Dạ không, con ở nhà. - Ở nhà có làm gì không? Không thì về nhà trong chơi với hai đứa nó rồi coi quán cho má đi ruộng chút. - Dạ, vậy để con mang bài về trong đó đọc cũng được. – Tôi uể oải bước ra khỏi giường. - Coi đánh răng rửa mặt rồi đi, má bây đợi.
Tôi cầm tập tài liệu đi bộ lững thững bước vào quán, má đứng dậy chuẩn bị đồ ra đồng mà cứ nhìn tôi, thắc mắc.
- Mấy nay làm gì không thấy vào? - Đi học chứ làm gì! – Tôi quăn tập tài liệu xuống bàn, bước lại tủ bánh mì. - Làm gì mà ba bây nói đi học về nó cứ nhăn nhăn nhó nhó? - Nhăn gì đâu, sắp thi học tùm lum thứ nên mệt thôi mà. – Tôi chóng chế. - Thôi, ở nhà chơi với hai đứa nó rồi coi quán luôn, má ra đồng chút.
Tôi vừa rớt chữ “dạ” ra khỏi cửa miệng thì má cũng đội chiếc nón lên đầu và bước ra khỏi quán. Hai đứa em đâu chẳng thấy, chỉ thấy hai con bé hàng xóm ngồi đó chơi banh đũa, cãi nhau, tranh giành thắng thua, chí choé. Tôi đứng ngắm hai đứa say mê và nhớ về thời mẫu giáo lớp một cũng từng ngồi banh càng chơi ông trạng, banh đũa bất phân thắng bại với đám bạn nối khố. Tự dưng thấy tiếc hùi hụi những vàng son đã qua, lẽ nào cái gì cũ xưa cũng đều tươi đẹp!
Lật cuốn tài liệu Lý luận Văn học ra, đọc hết trang này sang trang khác. Thả hồn vào thế giới văn chương, tôi như kẻ mãi rong chơi mà đi lạc trong ấy quên đường về, trừ khi có ai đó gọi giật giọng đôi ba lần. Hai đứa bé sau một hồi tranh giành thắng bại cũng ngưng chơi tự khi nào, bây giờ còn lại mình tôi với vắng tanh bốn bề cùng tiếng mưa bay lắc cắc trên mái tôn, thỉnh thoảng có tiếng gà nhà ai đó vừa nhảy ổ, gáy vang lên một tràng dài rồi tắt lịm. Nhìn ra đường, lâu lâu có chiếc xe đạp chậm chậm ngang qua…
Sinh ra từ đây, lớn lên cũng từ nơi này, vậy mà ít khi nào tôi có dịp bắt gặp mình đang bơi trong miền cảm xúc của một sáng bình yên, chân quê đến vậy. Tôi lại liên tưởng đến không gian yên bình nơi làng quê Vĩ Dạ trong trang thơ Hàn Mặc Tử, bất chợt nhớ đến bài văn mình làm cho hắn, không biết hắn được bao nhiêu điểm…
Chạm đến hắn như chạm vào những tiếng cười tươi roi rói, chạm đến hắn như chạm đến những muộn phiền và chạm đến những nỗi nhớ chất chồng lên quanh đây. Tự dưng mơ ước có hắn xuất hiện ngay lúc này, chắc chắn sẽ nói với nhau nhiều điều lắm. Và bất chợt dợm lên trong suy nghĩ: “Hay là chiều nay nếu trời không mưa mình sẽ đạp xe xuống nhà hắn, một lần nữa rồi thôi. Cốt cũng chỉ để nói với nhau những gì cần nói…”
Vừa thả cuốn tài liệu xuống bàn, có hai thằng loi nhoi xà xe vào cửa quán, thằng ngồi sau dùng hai bàn chân chà chà xuống đường. Tôi ngồi đó, nhìn nó. Hai thằng bước vào quán, nhìn tôi.
- Có dì ba nhà không? – Thằng cao cao hỏi. - Không, má đi ruộng rồi, có gì không? – Tôi vẫn ngồi im đó. - Tưởng có dì ba thì trả nợ tiền cafe, mì tôm, bánh mì. – Hai thằng kéo ghế ngồi đối diện. - Thì trả đi, gạch sổ thôi mà! – Tôi đứng dậy kéo tủ lấy “cuốn sổ trần ai” thả ra bàn. - Làm cho hai cái bánh mì đi, rồi tính luôn. - Ờ!
Tôi đang loay hoay ra tay bán bánh mì, liếc mắt qua thấy thằng thấp vẫn im lặng đang lật lật sở nợ, thằng cao cao miệng mồm tép nhảy nãy giờ với tay lấy cuốn tài liệu của tôi, nó dong dỏng đọc tên tôi Nguyễn Chí Kiên rồi hỏi trống không.
- Ủa học gì mà có cuốn này? - Học Văn. – Tôi cũng đáp không chủ không vị. - Ê mày coi con trai mà viết chữ đẹp dữ! – Nó chìa cho thằng lùn kế bên. - Biết gì trong đó không mà lật, mất dấu của tui nha! – Tôi lên tiếng. - Coi chút làm dữ! - … - Tôi vẫn loay hoay làm bánh mì. - Mấy tác phẩm này thời Thơ Mới hay nè, vậy là đang học lớp 11. - Sao biết? – Tôi đưa bánh mì qua bàn. - Học rồi thì biết chớ sao, mà mai mốt lên 12 đi, học phần văn học hiện đại hay lắm…
Tôi ngồi im lặng nhưng thực ra là đang đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Nhìn hai thằng nó vừa ăn vừa xem sổ nợ và cuốn tài liệu của mình, nó cứ lật và đọc chăm chú đến khi hết ổ bánh mì, nó ngước nhìn tôi.
- Chí Kiên tính sổ đi! - Tên gì? - Hùng, Hùng vua vịt. – Giọng nó bình thản. - Là sao? – Tôi vừa lật sổ vừa hỏi. - Thì nó tên Hùng, nó chăn vịt. Dì ba ghi trong sổ là Hùng chăn vịt. – Thằng lùn kia giải thích. - Biết rồi! – Tôi thấy vui vui. - Cười gì? Nghe vua vịt cười hả? – Nó cũng vừa nói vừa cười. - 35.000 tất cả! – Tôi đưa sổ cho nó xem lại. - Ê Chí Kiên cho mượn cuốn này đọc nha, hay quá! - Tui đang học, đưa lấy gì tui đọc! – Giọng nghiêm nghị. - Chiều mang ra trả cho! Chiều nào cũng uống cafe ở đây hết mà! - Chiều không ra, tui tìm mấy người ở đâu mà lấy?
Nói rồi chẳng biết thế quái quỉ nào, tôi lại gật đầu cho nó cầm cuốn tài liệu của mình đi. Đó là cuốn duy nhất tôi bấu víu vào để tháng tới đi thi… Hai thằng nó đi rồi tôi mới thấy mình khùng điên dữ dội. Nhưng thôi không sao, cũng trưa rồi, chuẩn bị vào nhóm lửa nấu cơm.
Đang loay hoay thì má về, báo cáo tình hình với má có hai thằng trả nợ tên Hùng chăn vịt vua vịt gì đó, má à lên một tiếng rồi kể một loạt chuyện về hai đứa nó. Thằng Hùng đã học xong lớp 12, thi ĐH rớt, nhà nó nuôi vịt mà tìm không ra người chăn nên nó phải ra đồng… “làm vua”, thằng kia tên Lộc bà con gì đó của thằng Hùng… Tôi nghe má mói “làm vua” tự dưng tôi cười.
- Tự dưng kêu nó làm vua! - Nó uống café quán mình, ai hỏi nó cũng nói nó làm vua của bầy thần dân nhà nó là mấy trăm con vịt... - Bà cũng chịu nghe ghê ha! – Tôi cười cười. - Thì nó kể nghe chứ ai hỏi chi bây… Mà nghe nó học xong 12 thi rới ĐH ở nhà chăn vịt thấy thương quá à! – Giọng má chân tình. - Thương thì bà nuôi đi, cho nó đi ôn thi ĐH!
Nghe tôi nói vậy, má bỏ đi một hơi vào nhà không nói tiếng nào. Tôi ngồi đó, lại nghĩ về hắn, nghĩ về những ngày tháng hắn một buổi đi học một buổi chăn bò, vào rẫy gánh chuối… Tôi thương lạ kỳ. Và giờ, biết thêm thằng thi rớt ĐH ở nhà chăn vịt nữa. Quê mình còn quá nhiều đứa cơ cực…
Cơm trưa xong, mưa bắt đầu đổ nặng hạt, hai má con ngồi thao thao đủ chuyện trong quán, hắn lù lù xuất hiện.
- Dạ con chào bác! – Hắn cười như không có gì xảy ra. - Ủa con đi đâu ghé hay nhà lên, mưa vậy mà cũng đi cho ướt… - Má càm ràm. - Mặc kệ người ta! – Tôi nạt ngang. - Dạ sáng con học thêm xong chạy lên chơi luôn. – Hắn ngồi xuống phía đối diện. - Rồi ăn cơm chưa? – Má hỏi. - Dạ con ăn rồi bác!
Má đứng dậy bước vào nhà, chỉ còn lại tôi với hắn. Bây giờ, xung quanh mưa phủ, tiếng nước đổ dội xuống mái tôn ầm ầm. Hắn nhìn ra đường, tôi nhìn cũng nhìn ra đường, chẳng ai nói với ai lời nào, biết rằng những nghĩ suy cứ rượt nhau lòng vòng đâu đó…
Ngồi một hồi lâu, mưa tạnh dần, hắn lên tiếng.
- Bán cho ly cafe với hai điếu thuốc. - Đợi chút, kêu má bán. - Thứ khùng! Thứ 4 mắt mất dịch! - Kệ tui!
Tôi dợm người đứng dậy, định kêu má ra pha cafe cho hắn thì hai thằng “vua vịt” xuất hiện trong chiếc áo mưa, lại chà chân xuống đường vì xe không có thắng. Thằng Hùng rút từ trong chiếc áo mưa ra cuốn tài liệu, thảy ra bàn: “Trả Chí Kiên đó, đang đọc mà mưa quá sợ ướt sách…” Tôi cười cười, thằng Lộc bước vào bỏ xuống bàn mấy trái ổi: “Cho Chí Kiên nè!” Tôi hỏi nhỏ: “Đâu ngon vậy?” Thằng Lộc liếng thoáng: “Thằng quỷ này nó hái trong chùa chứ đâu!” Nghe vậy, tôi ngạc nhiên: “Trời đất ơi! Hái trộm ổi trong chùa cho tui, đừng nói ăn xong bà thầy trong đó ra chửi tui nha!”
Bây giờ, thằng Hùng mới kể là trưa nay hai thằng ngồi trên cây ổi trong chùa đọc sách, nhìn mấy trái ổi ngon quá nên hái cho tôi như cảm ơn vì tôi cho mượn sách. Liếc mắt nhìn, hắn ngồi đó vẫn chăm chăm ra đường, không nói tiếng nào. Tôi vẫn mặc kệ, bởi chẳng biết vì sao mọi thứ với tôi bây giờ rất bình thường. Những nôn nao mong ngóng chỉ mới sáng đây thôi, nếu như xưa kia điều ước nào đó liên quan đến hắn mà thành hiện thực, tôi vui, vui lắm. Vậy mà bây giờ mọi thứ khác quá rồi…
- Dì ba làm con hai ly cafe! – Thằng Lộc lên tiếng. - Hai đứa mới tới hả? – Má vừa bước vào quán vừa nói. - Ba ly má! - Ai mà ba ly? – Má hỏi. - Có người mới kêu ly cafe với hai điếu thuốc, làm bán đi. - Ai? – Má nhìn nhìn tôi. - Thì cứ làm đi, đã biểu bán thì cứ bán, có cô hồn uống mà hỏi chi! – Tôi cằn nhằn. - Dì ba, sáng con trả nợ cho Chí Kiên rồi nghen!
Đặt ba ly cafe xuống bàn, ừ với thằng Hùng một tiếng rồi cười cười, bước vào nhà. Tôi đưa tay đẫy ly cafe còn lại về trước mặt hắn: “Mời cô hồn!” Hắn trừng mắt nhìn: “Còn hai điếu thuốc!?” Tôi không nói gì, lẳng lặng bước tới tủ thuốc, mở lấy hai điếu ra để cạnh ly cafe. Cứ như chỉ đợi tôi ngồi xuống, hắn lại cất giọng trịch thượng: “Lấy cho mượn quẹt lửa!” Tôi lại đứng dậy, chồm tới tủ thuốc lấy bật lửa để cạnh hai điếu thuốc, giống như đang phục vụ cho bao nhiêu thực khác miệt vườn của má, chẳng than vang, kêu ca nửa lời.
Bây giờ, tôi với “vua vịt” nói chuyện với nhau, thì ra mới biết thằng Hùng từng thi khối D nên nó cũng biết chút ít về Văn học. Nghe nó kể chuyện trường lớp nó, kỷ niệm yêu đương của nó hồi năm lớp 11 với con bồ nó ra sao, chuyện đi thi ĐH ở Qui Nhơn người ta quay tài liệu thế nào, và nó nói cả về ao sen nhà nó rộng rinh đến đâu, mùa hè rồi trổ bông rồi ai hái bán… Tự dưng, hai đứa giống như quen thân lâu lắm.
Tôi liếc qua nhìn, hắn cứ ngồi uống cafe nhả khói thuốc, nhìn ra đường trầm ngâm… Tôi vẫn mặc kệ.
Trời tạnh dần, hai “vua vịt” tót lên xe đạp dặt dẹo đèo nhau đi, tôi với tay cầm cuốn tài liệu lên lật giở từng trang cứ như xem có mất tờ nào hay không vậy. Hắn nhìn nhìn rồi cất giọng âm trầm.
- Hai đứa nó là ai vậy? - Hỏi chi? – Tôi vẫn cấm cúi lật từng trang tài liệu. - Hỏi để biết! - Tụi nó chăn vịt, biết làm gì, có sao không? - Hỏi vậy thôi, sao trăng gì đâu! - … - Tôi vẫn lật và lật từng tờ, lật như cho có động tác.
Hắn đứng dậy, bước vào nhà: “Thưa bác con về!” xong đi thẳng ra trước cửa, chụp mũ lên đầu, treo lên xe đạp đi, mất hút cứ như hắn đang đi tìm màu nắng nhạt phai nào đó cho đời mình… Dọn ly tách trên bàn, nhìn điếu thuốc còn lại chênh vênh bên chiếc bật lửa, tôi cười nhẹ: “Làm màu làm mè, kệ, đếch cản!”
Nếu như bao lần trước, tôi sẽ là người bước ra, nhìn theo hắn đến khi nào mất dạng mới thôi. Vậy mà hôm nay, tiếc rằng nó không như những ngày quá khứ. Có lẽ tôi bây giờ giống như những chú chim non tập bay, biết sợ những vết thương dẫu chỉ mới một lần trúng viên đạn lạ. Rồi chú chim non sẽ khép đôi cánh lại, nằm im trong chiếc tổ riêng mình như giữ lấy sự bình yên, chờ đến lúc nào đó bay đến một phương trời thênh thang, mong có ngày nắng ấm.
Ngày ấy, kỳ thi ấy đang đến rất gần…
|
Tập 45: Lớp Văn ai thèm học Toán
Miền Trung vào mùa mưa dầm, những cơn mưa dai dăng dẳng làm cho đám học trò cứ mãi lót ngót nước đến trường trong giá lạnh, vào lớp hai hàm răng đứa nào cũng va nhau và lớp học thì chẳng bao giờ khô ráo.
Sau lần lên nhà vào cuối tuần hôm ấy, hắn lặn mất tâm không xuất hiện. Sau kỳ kiểm tra lần cuối để chọn ra đội tuyển chính thức của trường, tôi và hắn, thằng Nghị, Tuyết Sương… đều ổn, biết tin vậy nhưng cũng chẳng thiết tha với việc gặp hắn. Có đôi khi tự hỏi rằng, lẽ nào mọi thứ nhạt phai nhanh đến vậy, nhanh tựa như chiếc chong chóng quay trong gió… Thực tế, không hiếm lần tôi phải trầm ngâm trên suốt con đường về, không ít lần đã ngẩn ngơ vì vô tình chạm vào những khoảnh khắc cũ xưa của hai đứa.
Hôm nay cũng chẳng ngoại lệ, ngồi trong lớp mà cứ chóng cằm nhìn ra sân với mưa bay gió giật, tôi đã ngồi như vậy rất lâu rồi, bất kể đang giờ học hay giải lao.
Bây giờ, trống đánh vào lớp nhưng thầy chưa xuống, tôi lại bâng khuâng nhớ hắn, nhớ gương mặt hiền lành với nụ cười rạng ngời thấp thoáng bên ô cửa. Hắn đang ở rất gần đây thôi, vậy mà đã thành dĩ vãng, một thứ dĩ vãng xa xôi lăng lắc, mà lý do để chia xa thì không rõ điều gì, chỉ biết rằng chẳng ai có lỗi…
Đang mênh mênh mang mang với quá khứ đẹp đẽ, Tuyết Sương nhảy chồm chồm trên ghế, bước lại gần cửa sổ rồi với tay đóng cửa, móc khoá lại. Tôi cứ tưởng nhỏ ghét tôi nên cố tình che chắn đi khung trời của riêng tôi lại. Đưa mắt ngước nhìn lên, cả lớp phía trên đang nhao nhao, cười nói đủ kiểu, tôi chẳng bận tâm chuyện gì đang xảy ra. Đến khi cảnh cửa chính ra vào cũng được chốt lại xong là lúc tôi nghe rõ nhất giọng Tuyết Sương oang oang.
- Đóng cửa nha! Đứa nào mở ra là biết tay tui! – Nói xong, nhỏ cười tươi roi rói. - Nó làm gì vậy mày? – Thằng Hưng hỏi tôi đầy ngạc nhiên. - Ai biết, mày lên đó hỏi đi! – Tôi đáp. - Bữa giờ nó điên điên sao đó…! - Ờ, tao cũng thấy vậy. - Chắc tại mày! – Nó chỉ tay về tôi, cười cười. - Làm gì tại tao? - Tại nó thích mày mà mày thì… - Cầm mồm đi mày!
Thằng Hưng chưa hết câu, tôi nhảy bổ vô mồm nó ngồi chặn họng. Phía trên vẫn lao xao nói cười, Tuyết Sương vẫn chạy tới chạy lui từ bàn này sang bàn khác đùa cợt, có đứa nào đó kêu mở của ra, nhỏ ngênh nghênh cái mặt: “Lớp văn học toán làm gì, mưa gió, nghỉ đi, vào toàn chửi không à, chán…!”
Cánh cửa vẫn đóng im ỉm, trong lớp bây giờ ồn ào náo nhiệt như chợ vào phiên. Tiếng gõ cửa từ bên ngoài dội vào, cả lớp chợt nín bặt, dáo dác nhìn nhau chẳng ai nói câu nào, cũng một bước chân nào tự tin lên mở cửa.
Có lẽ, cả lớp cùng chung suy nghĩ: Đứa nào đóng thì ra mở, mình không đóng ra mở làm gì – Tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Có khi, cả lớp im lặng cũng là sự đồng lòng, bởi hầu như đứa nào trong lớp cũng ghét cay đắng thầy dạy Toán. Lý do thầy nói giọng Bắc khó nghe nhưng thầy luôn xem thường lớp Văn và có những phát ngôn chẳng lọt tai chút nào, điển hình như “chưa thấy lớp nào ngu như lớp này”; “giỏi Toán có thể giỏi Văn nhưng không có chuyện giỏi Văn giỏi luôn cả Toán”; “mấy đứa cứ lơ mơ như mấy con bò lạc trên rừng…”, “ngu như bò tót, dốt như bò rừng…” Nói chung những phát ngôn của thầy luôn chạm vào sự tự ái nơi hàng loạt trái tim dễ tổn thương và đầy lòng tự trọng, bởi vậy nên lớp học cứ như học cho xong, nói vậy không có nghĩa là lớp Văn ngu dốt Toán thậm tệ như lời thầy. Và hôm nay, hành động đóng cửa không cho thầy vào lớp cũng như một sự phản kháng…
Tiếng gõ cửa mỗi lúc dồn dập hơn, tiếng thầy kêu mở cửa như hét từ phía ngoài rồi im bặt. Vài phút sau, tiếng gõ rồi giật cửa từng hồi lại vang lên, dồn dập. Cả lớp ngơ ngác khi nghe giọng thầy hiệu trưởng từ bên ngoài đầy giận dữ: “Mở cửa cho thầy!” Bên trong, không một lời đáp, không một bước chân… Tất cả lặng im đến mức nghe rõ từng giọt mưa lộp độp bên ngoài. Vài ba ánh mắt đổ dồn về chỗ Tuyết Sương, nhỏ nhìn ngơ ngác như biết mình đi quá xa trong trò nghịch dại này, bất chợt nhỏ gục đầu xuống bàn.
Thế rồi chiếc chốt cửa cũng từ từ rơi xuống, hai cánh cửa mở tung ra, cả lớp lặng im, chăm chú nhìn xuống đám sách vở trên bàn mình.
- Ai đóng cửa, bước lên! – Thầy hiệu trưởng đứng giữa lớp, nét mặt thầy giận như chưa từng giận. - … - Cả lớp ngồi ngay ngắn, không ai cất tiếng. - Tôi nhắc lại, ai đóng cửa bước lên đây!
Bây giờ, thầy dạy Toán cũng bước vào, đứng bên cạnh hiệu trưởng, khoanh tay nhìn thẳng xuống lớp rồi chỉ từng người một đứng lên với một câu hỏi duy nhất: “Ai đóng cửa lớp” và thầy đã nhận lại hơn hai mươi câu trả lời tương tự như nhau, đại loại kiểu dạ em không thấy, dạ em không biết, dạ em không để ý. Dĩ nhiên, câu trả lời của người làm nên chuyện là Tuyết Sương cũng không ngoại lệ.
Có lẽ quá tức giận nên thầy bỏ đi, hiệu trưởng với tay tới bàn giáo viên rút cây thước, kêu hai dãy bàn đầu lên đứng trước mặt thầy rồi thầy hỏi từng người, từ từ đến dãy cuối… Chẳng biết lý do gì mà cả lớp chấp nhận ăn mỗi đứa một cây vào mông chứ chẳng chịu khai. Đánh xong, thầy thả cây thước xuống bàn như bất lực, bước ra khi vẫn chưa biết đứa học trò nào ra tay ngỗ nghịch thế này…
Với lớp tôi, đó là lần ăn đòn duy nhất của suốt những năm cấp ba. Với tôi và một vài người nữa có lẽ đây là lần ăn đòn tập thể hiếm hoi trong đời đi học.
Hai tiết Toán hôm ấy, thời gian trôi đi chậm chạm như chưa từng, thầy cứ đứng đó, mắng nhiếc đủ kiểu nhưng mặt nào cũng trơ ra cứ như thầy đang nói ai đó chứ chẳng chạm tới mình. Những lời mắng quá nặng nề làm chạm tới không ít đứa chúng tôi, đành rằng mình cũng có tội – tội đồng loã, thoả hiệp. Thằng Phong đã bất ngờ đứng lên, nó ngập ngừng trong giọng nói run như muốn lạc đi.
- Sao thầy cứ truy tìm ai đi đóng cửa mà thầy không hỏi lý do… Lẽ ra, thầy phải hỏi tại sao lớp đóng cửa… Có một người đóng cửa nhưng cả lớp không ai chịu chỉ… - Vậy tôi hỏi tại sao các bạn lại đóng cửa? Hay là em đóng? – Thầy nhìn thẳng vào thằng Phong. - Em không đóng! – Nói xong, nó ngồi xuống.
Thầy quay lại bàn giáo viên, xách cặp đi thẳng ra cửa và kèm theo câu nói: “Tôi sẽ không dạy lớp này nữa…”
Cả lớp như bừng tỉnh sau câu nói ấy, và như vừa đi qua một cơn mơ dữ. Cả lớp lại bàn tán xôn xao, nói cười rào rào như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hết hai tiết, đến giờ giải lao Tuyết Sương vẫn đội mưa mua bánh vào lớp ăn chung và rộn ràng như mọi lúc, mặc dù đứa nào cũng biết chắc chắn đại nạn sẽ đến…
Được nghỉ hai tiết cuối, vài đứa ra về, vài đứa ngồi lại vì trời mưa và nhiều chuyện… Tôi ngồi thu lu một mình cuối lớp bởi thằng Hưng về rồi, đang ngồi tư lự chẳng biết nên ở lại hay không thì anh đẹp trai đứng ngoài cửa sổ: “Chí Kiên lên phòng giáo viên gặp thầy chút!” Tôi dạ nhưng lòng bất an, vì thừa hiểu chuyện gì sẽ đến và không biết mình có nên nói thật hay lại giấu nhẹm đi, mà giấu bằng cách nào khi mình ngồi ngay cửa sổ. Tôi cứ như đang lê lết từng bước vào phòng.
- Ngồi xuống đó đi! – Thầy chỉ tay vào phía đối diện. - Dạ, có gì không thầy? – Tôi ngập ngừng. - Đứa nào đóng cửa giờ thầy Vinh sáng nay? – Giọng thầy đanh lại, sắc mặt hơi buồn buồn. - Em xin không nói gì được hông thầy? - Vậy Chí Kiến đóng cửa hả? – Thầy nhìn chăm chăm vào mặt tôi. - Dạ em không có! – Tôi nói như gằn. - Vậy ai đóng? - Sao cả lớp thầy không hỏi, tự dưng hỏi em? - Chí Kiên ngồi gần cửa sổ, cửa sổ đó chưa bao giờ đóng… – Thầy vừa nói vừa gõ gõ tay xuống bàn. - Nhưng em không có đóng cửa sổ! – Tôi gân cổ lên. - Vậy chứ ai đóng? – Thầy bắt đầu vặn vẹo và tỏ ra khó chịu. - Em không biết! - Các bạn đồng thuận, đồng lòng như vậy là tốt, nhưng bao che cho chuyện bạn mình hư hỏng mà em cũng tham gia hả Chí Kiên… Còn hạnh kiểm của em, còn nhiều thứ phía trước… Giờ tính sao?
Tôi ngồi đó chẳng nói gì, bắt đầu thấy bực bội trong lòng nên đứng dậy xin thầy ra về, thầy nhìn nhìn rồi nói: “Ai cho về mà về, ngồi im đó!” Nghe vậy, càng tức hơn nhưng vẫn ngồi im lại. Một lúc sau, thầy hiệu trưởng bước vào nhìn tôi, nhìn anh cai ngục… Bây giờ ảnh quay sang chuyện khác.
- Còn mấy ngày nữa đi thi biết không? – Thầy hỏi. - Dạ còn tuần nữa. - Rồi mấy đứa trong lớp tham gia đội tuyển sao rồi? – Mặt thầy giãn ra - Dạ em cũng không rõ, thấy học bình thường thôi thầy! – Tôi cười cười. - Thằng Nghị bồi dưỡng Lý tới đâu rồi? - Sao không chịu hỏi nó, tự dưng hỏi em chi! – Tôi lí nhí cằn nhằn trong miệng. - Bộ mấy đứa hết chơi với nhau rồi hả? Dạo này không thấy đi chung nữa? - Có đâu! Bình thường mà thầy… - Chí Kiên! Sao Tuyết Sương đóng cửa không cho thầy Vinh vào? – Thầy hiệu trưởng chen ngang. - Dạ! Dạ em đâu biết thầy! - Cái lớp lạ kỳ, đến nước này mà con bao che… - Nói xong, thầy bỏ đi.
Anh đẹp trai đứng dậy ngay sau khi hiệu trưởng ra khỏi phòng: “Đi ra quán kem thầy nói chuyện chút!”
Lần đầu tiên tôi ngồi với thầy, cả trường còn học nên quán vắng tênh, mưa cứ lất phất rồi bất chợt dồn dập đồ nước tràn trề không báo trước. Chẳng hiểu thế nào, tôi đã thừa nhận với thầy Tuyết Sương đóng cửa và kể hết cho thầy nghe chuyện cả lớp không thích thầy Vinh, lý do vào lớp hay mắng học trò, mắng như cho ăn cơm bữa nên chẳng hứng thú học. Thầy cứ ngồi nghe, gật gật, lâu lâu hỏi đi hỏi lại vài câu rồi thôi. Tự dưng thầy liếc nhìn tôi như đang bằng nửa con mắt.
- Liên quan tới Tuyết Sương nên giấu chứ gì! - Cái gì vậy thầy! Em với Tuyết Sương có gì mà liên quan? - Không có sao cả trường nói ầm lên! - Em bực thầy ghê! – Tôi ngả người ra sau, khoanh tay trước ngực. - Bực cài gì? Học hành không lo, yêu… yêu… yêu…! - Thầy mà nói nữa, không thèm nhìn mặt thầy luôn nha! - Vậy tui đi vào đây, ngồi đó làm gì, lo về đi! - Không, ở lại chiều còn học bữa cuối.
Thầy đi rồi, tôi ngồi đó một mình tha hồ ngắm mưa nghe gió. Thỉnh thoảng cũng đặt ra cho mình vài câu hỏi đại loại như tại sao có thể thích ngồi một mình trong hoàn cảnh này, và rồi như bao lần trước, tôi lại tự trả lời: “Chắc khùng!” Câu nào khó quá thì quên luôn.
Đang lơ mơ thì từ ngoài cửa quán, thằng Phong gạt chóng xe, lù lù bước vào, nó khựng lại khi nhìn thầy tôi đang ngồi một mình nơi chiếc bàn cuối quán.
- Làm gì ngồi đây mày! - Ngồi chơi chờ chiều học, khỏi về. - Ê hồi sáng bực ghê ha mày! - Bực ai? - Nhỏ Sương, rồi thầy Vinh nữa… - Ờ, khó chịu. - Tao không thích kiểu vậy, nên lúc tụi mày đi về hết thầy hiệu trưởng vào hỏi tao nói thẳng luôn là Tuyết Sương. - Mày điên hả Phong? Mai nó xé áo mày nha! – Tôi giật mình khi nó tự thú với thầy hiệu trưởng. - Tao cũng nói lý do vì sao Sương làm vậy, nói luôn vụ thầy Vinh vào lớp chửi mắng hoài, mệt… - Mày anh hùng nha con! - Ờ, anh hùng nhưng sợ chó chết mẹ!
Hai thằng cười ha ha khi nó phán xong câu “anh hùng nhưng sợ chó chết mẹ” của nó. Chị chủ quán bưng ra ly cafe sữa đặt xuống bàn, nó kéo lý cafe và khuấy khuấy liên tục rồi đưa lên miệng hớp từng ngụm rồi nói như mấy ông già: “Mưa, uống café đã…” Tôi nghe vậy, nhìn nó trề môi rồi nhìn ra ngoài sân quán đầy nước, nơi bọn tôi hay ngồi sưới bóng cây nhắm nháp ly kem ngày nắng…
- Mưa nổi bong bóng thế này, dai lắm mày ha! – Tôi hỏi nó. - Sao mày biết? - Thì tao nghe người lớn nói vậy! - Thứ khùng như mày biết gì… - Nó cười ha ha. - Ừ, tao khùng, chắc mày tỉnh… mày tỉnh quá nên cả lớp ai cũng gọi mày Phong khùng. - Tao đạp mày lọt ra mưa nha con! – Nó cười cười. - … - Tôi lại ngó ra sân nước. - Bữa tao ngồi đây với mấy đứa, tụi nó kể vụ mày với Sương tùm lum… - Ai kể? - Thằng Nghị kể, tao thằng Hào với mấy đứa nữa, nghe… - Ờ, chắc tụi nó nghĩ tao với Tuyết Sương ha! - Thì chứ sao, tụi nó còn nói hai đứa này rù rì gì trong phòng học bồi dưỡng bữa trưa… Mày ghê ha! – Nó cười cười nửa mép. - Trời ơi tao lạy mày! Giờ thành một đám tào lao…
Thằng Phong cười như khiêu khích, trả tiền cafe xong nó ra về, còn tôi lại một mình xách cặp lững thững bước vào căntin trường mua bánh mì ăn chờ chiều vô lớp.
Ngồi tí xíu, trống tan trường vang lên. Tôi vừa nhai bánh mì vừa nhìn ra khoảng sân lao xao, khoảng sân ấy ngày nắng nhìn những bộ áo dài trắng thước tha, đẹp lắm. Ngày mưa như hôm nay lại chứng kiến đủ loại áo mưa với vô số sắc màu, tất cả những hình ảnh ấy như đang rộn lên trong mắt tôi, bởi nó quá thân thương, gẫn gũi.
Hắn bước vào, đi ngang qua mặt tôi đến tủ bánh mì không nhìn không nói cứ như tôi không hề tồn tại nơi này, mặc cho tôi vẫn ngồi đó nhìn ra sân trường, trong đầu thầm nghĩ: Chắc thằng Nghị về rồi nên trưa nay hắn ở lại một mình… Không có mình cũng chẳng ai thân thiết với hắn đến vậy… Biểu quên mọi thứ thì ta quên cho thấy, không cần nữa! Mặc kệ đi…
Cảm giác như có ai đó đang nhìn mình từ phía sau, khó chịu. Với phản xạ tự nhiên nên tôi quay lại nơi ấy và bắt gặp ánh mắt hắn đang nhìn mình. Những ánh mắt biết nói, biết cười, nhìn nhau… rồi đứa thì chầm chậm ngó lơ đi nơi khác, đứa lại từ từ cúi mặt… rồi lại len lén nhìn nhau, chẳng nói câu gì, chẳng chào một tiếng.
Tôi đứng dậy bước dọc hành lang về phòng, lòng ngập trong nỗi buồn, bởi ánh mắt ấy cho tôi biết không chỉ riêng mình tôi mới đi trong khổ đau nơi những ngày tháng qua. Tôi đã thấy trong đôi mắt hắn như chất chứa trong ấy một nỗi buồn mênh mông tựa khung trời thăm thẳm…
Từ phía sau lưng, hắn cất tiếng gọi: Bốn mắt!
Tôi vẫn cứ bước đi, như chẳng hề nghe thấy…
Hắn lại gọi, tiếng gọi như gần hơn: Bốn mắt!
Tôi đã bước vào phòng…
Căn phòng thênh thang khi chưa ai vào và tôi đi thẳng về phía chiếc bàn bên cửa sổ…
|
Tình cờ đọc được truyện này. Thấy lâu rồi tác giả chưa cập nhật. Muốn tác giả tiếp tục lắm ạ.
|