Đâu Chỉ Là Yêu
|
|
Tập 40: Củi một cành khô lạc mấy dòng
Hai tiết học trôi qua, tôi chẳng mở miệng nói một lời. Giờ giải lao, tôi vẫn gục đầu xuống bàn nằm im, chờ đợi vậy mà hắn cũng chẳng buồn thập thò bên khung cửa. Tôi biết, chắc chắn hắn đang tranh thủ chép “văn mẫu” ra nộp, kể ra cái sự bận bịu của hắn cũng chính đáng. Biết là vậy nhưng tôi vẫn thấy buồn vu vơ…
Tình yêu thầm kín được nuôi lớn từ một thằng học trò với một thằng học trò tuy có chút ngốc nghếch nhưng kể ra cũng lớn lao đến mãnh liệt, vui đó rồi buồn đó và đong đầy với những cơn giận hờn vô cớ, vu vơ. Bây giờ là thời điểm tốt nhất để khẳng định Nguyễn Du nói đúng: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…
Tiếng trống báo hết tiết 5 vang lên, sân trường lất phất mưa bay, thằng Hưng bắt đầu càm ràm.
- Mẹ, mưa nữa, mưa gì mưa hoài. - … - Tôi dửng dưng như không nghe thấy, mắt dán chặt ngoài khung cửa. - Mày có áo mưa không? – Nó quay sang tôi. - Có! – Tôi đáp gọn lỏn. - Sáng tao quên mang rồi. – Giọng nó yếu xìu. - Cho mày mượn nè! – Tôi mở cặp lôi chiếc áo mưa ra cho nó. - Rồi mày lấy gì về? - Tao ở lại, chiều học bồi dưỡng. - Chiều mưa lấy gì mày về? – Thằng Hưng chần chừ. - Kệ tao, nhiều chuyện! Lo bò trắng răng! – Tôi thở ra, nhìn thẳng lên bảng. - … - Thằng Hưng tầng ngần chẳng nói gì, cứ nhìn tôi như muốn hỏi điều gì đó nhưng không biết bắt đầu từ đâu. - Ê 4 mắt! Ở lại hay về? – Hắn lại xuất hiện bên cửa sổ, cười tươi roi rói. - Nó ở lại, mày ở lại với nó không? – Thằng Hưng mau miệng. - Thì tao ở lại mà! – Hắn nói lí nhí trong miệng. - Vậy vào ngồi chơi với nó đi, tao về.
Thằng Hưng trùm vội chiếc áo mưa, bước ra khỏi lớp, mất hút trong mành mưa trắng xóa phía sân trường. Hắn lò dò vào chỗ ngồi, nhìn tôi cười cười rồi nhẹ nhàng ngồi xuống chỗ thằng Hưng, tôi lặng im để nhịp tim mình rộn ràng, đập nhanh đến lạ. Nhờ vậy tôi mới thấy cô mình nói đúng.
Có lần cô bảo mỗi người sinh ra đều có một khả năng riêng biệt, như bản thân cô làm giáo viên thì chỉ làm một việc duy nhất là truyền đạt kiến thức năm này sang năm khác, cuộc đời chỉ có bấy nhiêu ấy thôi. Ví như Hitle, suy cho cùng khả năng tốt nhất của ông ấy chính là đưa người đi gây hấn để làm nên những cuộc thế chiến ác liệt, dai dẳng trên mặt đất này… Với hắn, ít ra tôi vẫn thấy cũng có một biệt tài nho nhỏ, hắn biết cách xoa dịu tôi những lúc tôi không vui, biết cách chia sẻ khi tôi cần, dẫu chẳng bao giờ tôi nói ra những gì tôi đang nghĩ trong đầu.
Cụ thể là những khi tôi không vui, hắn hay cười nói đủ thứ chuyện trên đời, hay hỏi những câu vô duyên để tôi cười. Khi tôi buồn, hắn im lặng bên cạnh tôi như cần mẫn thau tóm tất cả những nỗi buồn trong tôi lúc này… Bất chợt, hắn đưa bàn tay xuống ngăn bàn và nắm lấy tay tôi, thì thầm.
- Đứng dậy đi ăn trưa đi bốn mắt, nghĩ ngợi gì nữa, ngày mai sẽ quên hết à! - … - Tôi rùng mình khi nhận ra điều đó, thế rồi tôi đã lặng im, để nguyên vẹn bàn tay mình trong lòng bàn tay hắn, một cảm giác bình yên lan tỏa trong tâm trí tôi đến vô cùng. - Đi ăn trưa đi, nói này cho nghe! – Hắn cười cười, nhìn vào hai con mắt trong veo của hắn, tôi như thấy được dễ chịu. - Ừ, đi!
Tôi lẽo đẽo theo hắn dưới hiên mưa, nhìn cái ót của hắn ngắn ngắn với mớ tóc bềnh bồng tôi thấy mình lệ thuộc hắn, lệ thuộc giống như một đứa trẻ không còn ai trên đời để bấu víu vào, ngoài hắn. Nghĩ đến đó, tôi phì cười. Hắn ngoái cổ lại nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu.
- Cười gì vậy? – Hắn vừa đi vừa hỏi. - Cười gì đâu, thấy tức cười thì cười thôi. - Đúng là 4 mắt mất dịch! – Hắn đưa tay cú vào nhẹ đầu tôi. - … - Thằng Nghị đâu? – Hắn hỏi. - Ai biết! - Có khi nó về rồi! - Chiều học mà về làm gì, chắc nó đi kiếm ăn. – Tôi đáp gọn.
Đến căn tin, hắn gọi hai tô mì tôm, hai đứa cấm đầu ăn chẳng nói với nhau tiếng nào. Không biết trong đầu hắn lúc này đang nghĩ gì nhưng hà cớ làm sao điều gì hắn cũng có thể làm cho mình, từ việc rất nhỏ như thế này cho đến chuyện vô cùng đại sự: Dám yêu tôi!
- Ê bốn mắt! – Hắn gõ đũa xuống bàn. - Gì? – Tôi vẫn cấm đầu vào tô mì tôm. - Chưa xong hả? - Rồi, nè! – Tôi thả đôi đũa xuống bàn. - No không? – Hắn cười cười. - Sao không! - No rồi thì hết buồn chưa? – Hắn nhìn tôi cười như khiêu khích. - Ngậm miệng lại, ai cho cười, bẻ răng bây giờ!
Tôi thò chân ra dò tìm bàn chân hắn, hắn rụt chân lại, cười khoái chí và nhìn vào mặt tôi mà nói: “Biết ngay thế nào cũng co chân đạp mà, thấy thương quá nên thôi để cho đạp một cái, coi như mình mua vui cho thiên giang hồ…” Nói xong, hắn vênh mặt lên cười hờ hờ.
Thằng Nghị từ ngoài sân trường đang ôm ghì chiếc cặp trước ngực chạy ào vào quán. Nó đứng đó, thở hỗn hễnh.
- Mẹ ăn mà đếch thèm kêu tao, nhớ nghen con! - Thì giờ mày ăn đi, hai thằng tao chờ mày! – Hắn nhìn thằng Nghị, cười. - Ăn gì vậy bốn mắt? – Nghị ngó lom lom vào tô mì tôm. - Mì gói chứ gì nữa! - Thôi, tao không ăn mì. Cô, cho con cái bánh mì!
Nó ngồi xuống cạnh hắn rù rì điều gì đó. Hắn thản nhiên, gục gật đầu cười cười nhưng chẳng nói gì. Đến khi thằng Nghị với tay lấy cái bánh mì, hắn buông ra một câu, nhẹ như gió thổi qua sông: “Biết rồi ông! Ăn mau đi vào lớp nghỉ tí!”
… Ba thằng chui vào phòng chiều học bồi dưỡng, thênh thang, vắng tanh. Mỗi đứa chọn một cái ghế rồi quăn cặp lên bàn, duỗi chân nằm dài ra, tôi quay nhìn hắn và thằng Nghị, cả hai cứ rù rì có vẽ thong thả lắm. Tôi nằm đó lặng im, nhắm mắt lại rồi đưa tay gác lên trán mặc cho những suy nghĩ mông lung từ khắp chân trời góc biển mọi lối đi về cứ tha hồ rượt tìm nhau, và tôi đã chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay, không biết...
Sau khi thức dậy từ giấc ngủ chập chờn ngắn ngũi ấy, điều tôi nhận thấy đầu tiên là hắn đang gấp cuốn nhật ký của tôi lại, trả về vị trí cũ.
- Ai cho lấy cái đó ra đọc? – Tôi gằn giọng. - Của đó cũng là của đây thôi bốn mắt! – Hắn lại cười hiền lành. - Ngon ha! - Đi rửa mặt đi rồi vào học, gần 2h rồi kìa!
Hắn với thằng Nghị đứng dậy, kéo lê hai chiếc cặp trên mặt bàn rồi quẫy lên vai một cách mệt nhọc bước ra khỏi phòng. Bây giờ, tôi lại tò tỏ đi theo hắn. Rửa mặt, bước vào lớp…
Suốt một giờ đồng hồ trôi qua trong lớp bồi dưỡng chẳng có gì làm tôi hứng thú. Thầy nói lại những gì tôi đã học, hệ thống lại những gì tôi vừa biết. Thế nhưng theo thầy thì những điều đó với mấy anh chị lớp 12 đã là kiến thức cũ. Nghỉ giải lao 15 phút, hắn với thằng Nghị lại mò qua.
- Có gì hấp dẫn không bốn mắt? – Thằng Nghị lên tiếng. - Bốn mắt biết quái gì hấp dẫn với không mà mày hỏi – Hắn chen vào. - Khùng! – Tôi trợn mắt. - Uống nước không? – Hắn hỏi. - Ra căn tin thì không, mua vào đây thì uống – Tôi cười cười. - Nghị, mày ra mua đi! – Hắn vỗ vai thằng Nghị. - Má! Tao thua mày luôn!
Thằng Nghị nhìn tôi rồi thất thểu bước đi, chỉ chờ có vậy, hắn sải bước tiến vào lớp tôi. Mấy anh chị 12 học bồi dưỡng chung thấy hắn bước vào ai cũng ngước nhìn chằm chằm trên mặt hắn, vậy mà hắn cứ vênh mặt lên cười cười khinh khỉnh bước lại chỗ tôi, xà xuống bên cạnh, với tay lật cuốn tập ra.
- Sao không ghi gì hết vậy cha nội! - Ê! Mới kêu gì đó? – Tôi trợn mắt. - Quên, làm gì dữ, đúng là bốn mắt mất dịch! – Hắn cười hê hê. - Nước nè con, uống cho ngập bản mặt mày, đồ thứ con heo làm biếng…
Thằng Nghị đưa hai bịch nước qua song cửa, miệng càm ràm thôi không dứt, hắn với tay lấy hai bịch nước từ tay thằng Nghị, ngay lập tức nó vội vã quay đi không nói lời nào và một cái nhìn thôi cũng chẳng buồn ném lại…
Tôi ngồi đó, hắn ngồi đó, hai đứa nhìn nhau cũng không nói gì, thế rồi chẳng đứa nào bảo đứa nào, tôi và hắn từ từ đưa mắt nhìn ra sân trường, thằng Nghị đang lầm lũi bước đi, rất lặng lẽ. Bất chợt, tôi thấy nhoi nhói ở tim mình. Một cảm giác như có gì đó va chạm xô đập vào nhau, cứ rộn ràng, lòng như đang bão tố. Tôi giật mình: Lẽ nào, mình lại thương nó đến vậy, khi nó ý thức được thân phận “người thừa” đi cùng với hai đứa tôi. Tôi hiểu, hiểu rõ tính tự ái ở một thằng con trai mới lớn như nó, và đôi khi tôi cũng đọc được những điều trong đầu nó đang nghĩ về tôi, về hắn. Biết làm sao đây khi trái tim chẳng bao giờ có lỗi.
Hai đứa tôi ngồi đó, lặng im hồi lâu, đá trong hai bịch nước lúc này đã tan dần, bất chợt anh cai ngục đi ngang qua, nhìn vào.
- Ủa! Làm gì ngồi đây? – Thầy ngờ ngợ nhìn tôi. - Dạ đang học bồi dưỡng thầy! – Tôi cười đáp. - À, ra vậy, thú vị không? - Dạ không, bình thường à! – Tôi nhe răng cười. - Trời đất! Ai dậy vậy? – Thầy đưa mắt nhìn vào lớp. - Dạ hôm nay thầy Điền. - Còn ông này? – Thầy cười cười, hất hàm về phía hắn. - Dạ cũng học bồi dưỡng luôn thầy! - Bồi dưỡng Văn? – Thầy ngạc nhiên. - Dạ không, Lý! - Hắn đáp. - Hiểu rồi, thua luôn!
Thầy trề môi rồi lắc lắc đầu mấy cái từ từ bước đi. Hắn cũng từ từ đứng dậy vội vàng ra khỏi lớp. Bây giờ chỉ còn lại mình tôi ngồi đó, nhìn hai bịch nước tan đá ướt dầm dề mặt bàn nhưng chẳng hứng thú chạm tay vào. Một nỗi buồn thật mênh mông, thật khó tả. Bất chợt tôi làm một hành động quen thuộc, đan hai bàn tay vào nhau đưa ra sau ót, nhắm mắt lại và ngửa đầu ra sau hít thở thật sâu, thở ra thật mạnh. Tôi buột miệng kêu lên hai tiếng: “Trời ơi…” thật rõ to.
Thầy bước vào lớp, kêu mấy đứa phía sau dồn lên ngồi hai bàn đầu cho gần thầy, tôi lững thững làm theo, ngoái nhìn hai bịch nước một lần nữa, chợt thấy mình có lỗi, dẫu chẳng biết từ đâu và cũng không hiểu thằng Nghị giận mình và hắn vì lý do gì.
Thầy ghi lên bảng bốn câu trong khổ thơ đầu tiên bài Tràn Giang của Huy Cận.
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp Con thuyền xuôi mái nước song song Thuyền về nước lại sầu trăm ngả Củi một cành khô lạc mấy dòng…”
Viết xong thầy quay xuống, đảo mắt nhìn những con người tài năng rồi cười cười, cả đám cũng cười cười chẳng biết thầy muốn gì.
- Sao mấy đứa cười? – Thầy cũng cười. - Tại hong biết thầy định cho làm gì nên cười. - Muốn làm gì làm, muốn viết gì về bốn câu đó thì viết, nghĩ gì viết cái đó… - Thầy khoanh tay trước ngực bước xuống gần chúng tôi hơn. - Gì kỳ vậy thầy! – Tôi lí nhí. - Sao kỳ? Đề học sinh giỏi ra như vậy không à, bây giờ mấy đứa làm quen đi, cứ đọc bốn câu thơ này rồi muốn viết gì về nó cứ viết. Một trang giấy nhé và hoàn tất trong 15 phút. Thời gian được tính ngay từ bây giờ.
Nói xong thầy bước ra cửa lớp rồi mất hút, bỏ mặc cho những con người tài năng í ới cười nói với nhau, vật vả với bốn câu thơ Huy Cân.
Chép bốn câu thơ vào vở, đọc đi đọc lại năm bảy lần, cuối cùng tôi quyết định chọn một câu cuối của đoạn thơ ấy để viết. Đơn giản, tôi thấy thích thú với hình ảnh “củi một cành khô lạc mấy dòng” của Huy Cận. Thế rồi tôi cấm đầu viết như điên như dại, viết không ngừng nghỉ. Bây giờ, chẳng nhớ cụ thể mình viết cái gì trong tờ giấy ấy, chỉ mang máng rằng mình như đồng cảm, như thấu hiểu được nỗi quạnh hiu của tác giả trước không gian cảnh, hiểu được sự đơn độc của cành củi khô kia trơ trọi, lưu lạc giữa dòng. Và tôi cũng hiểu được tâm trạng của một người khi nhìn về vô định, hiểu được cái tôi mộc mạc, trữ tình như đang bị bỏ rơi đánh rớt giữa dòng chung này…
Tôi như thấy bóng dáng thằng Nghị thấp thoáng trong đó, một thằng Nghị cũng đơn độc, một thằng Nghị quạnh quẽ, khi lưu lạc rong chơi qua miền cảm xúc con người giữa cõi đời này. Thằng Nghị - Có khi nó cũng vô định giữa chốn tư tình như cành cây lẽ loi mênh mang theo con nước dài, dài đến bao la vô tận trong nhịp chảy thời gian.
Khi ngẩn đầu lên, thầy đang đứng cạnh mình.
- Xong chưa nhà vô địch? – Thầy cười cười. - Dạ rồi! – Tôi chìa bài ra cho thầy, cười. - Những con người tài năng thấy thế nào? Ra đề như vậy dễ viết không? – Thầy bước lên đứng trước chúng tôi. - Dạ không! - Dạ viết khó hay… - Viết cảm nhận thì được… - Chí Kiên! Nhà vô địch, thấy sao? - Dạ… dạ không sao cả! – Tôi nhe răng cười, một nụ cười vô duyên nhất hành tinh.
Thế rồi thầy đứng giữa lớp, đọc chầm chậm từng bài một cho mọi người trong lớp nghe và hết bài là thầy khuyến mãi kèm theo những nhận xét: khen có, động viên theo kiểu vuốt ve cũng xuất hiện. Thầy đọc đến bài tôi, thật xấu hổ vô cùng khi thầy nhìn thẳng vào mặt tôi, hỏi: “Chí Kiên sao giống thất tình vậy?” Cả chục người quay xuống nhìn tôi, cười cái rần. Bây giờ, tôi cảm nhận được da mặt mình đang căng ra, nóng rang. Tôi tin chắc nó đang đổi sắc, đỏ lè.
Thầy nói tiếp: “Đùa thôi, viết cảm nhận phải viết như vậy. Văn Chí Kiên rất có hồn, giàu cảm xúc” Nghe đến vậy, tôi nhẹ như trút đi gánh nặng vài chục kg đá đang mang trong lòng mình. Ngẫm nghĩ, kể ra thầy nói cũng đúng, mình đang nhìn một thằng thất tình để viết về “cành khô lạc giữa dòng” mà sao không giống thất tình cho được. Gấp cuốn vở lại, tôi cười một mình.
Tôi bước ra nhà xe, hắn đang đứng đó từ khi nào rồi, nhìn tôi hắn cười cười.
- Sao rồi bốn mắt? - Sao trăng gì đây, thằng Nghị đâu? - Nó về rồi, kêu nó đợi bốn mắt ra đi ăn kem mà nó nói phải về, nói xong leo lên xe nó đi một hơi. - Đi, ra quán kem đi!
Hai đứa dắt xe băng qua bên đường để chui đầu vào thế giới của những câu chuyện… qua đường. Nói vậy chắc ít ai hình dung ra tại sao chúng tôi gọi tên cho cái quán này như vậy. Sở dĩ quán kem này có tên gọi với mỹ từ “thế giới của những câu chuyện qua đường” là bởi nơi đây toàn là dân “nhiều chuyện” tấp vào, vừa kể chuyện vừa la làng nên tất cả ai ở trong quán cũng được nghe ké, cười ké, nghe chung cười chực mà không hề ái ngại, bởi ai cũng thấy cứ như chuyện của mình. Thực ra, ngồi trong căn tin trường đâu đứa nào dám nói xấu ông thầy bà cô, chỉ có ra đây phơi bày cho hả hê mới chịu. Thứ hỏi, ai trong đời học trò không dăm ba lần dọn mỏ nói xấu thầy cô mình, kể ra thì đó cũng là một trong nhiều cái thú!
- Chị cho hai kem! – Hắn gọi dõng dạc. - Hôm nay học có gì hay không? – Tôi ngó ra đường. - Hệ thống lại kiến thức thôi mà, hay gì đâu! – Giọng hắn lơi lơi. - Bên này cũng vậy, sau khi hệ thống xong thầy kêu viết cảm nhận về bốn câu đầu trong bài Tràng Giang của Huy Cận, tự dưng ông đọc bài mình, kêu mình thất tình, ghét! - Trời! – Hắn tròn mắt, hả họng, cười. - Cười gì khùng, đạp cho cái bây giờ!
Thấy vậy, hắn cười lớn hơn nữa, đến khi hai ly kem đặt xuống bàn hắn mới chịu nín mà ăn lấy ăn để. Hắn có thói quen, ăn kem thì ăn ào ào, theo hắn thì ăn như vậy cái sự lạnh liên tục trong miệng mới đã, ăn từ từ thì sự lạnh bị gián đoạn, mất ngon. Kể ra, hắn cũng có cái khùng chứ nào riêng gì mình tôi!
Vừa dắt xe ra khỏi quán thì trời lất phất mưa. Bây giờ mới nhớ ra mình đã tài lanh đưa áo mưa cho thằng Hưng mượn, may là mưa không lớn lắm.
Hình như lâu rồi, tôi với hắn mới đi chung con đường này. Con đường quen thuộc đã không biết bao lần nó phải oằn mình đón nhận những câu chuyện ngập tràn buồn vui của hai đứa tôi. Dẫu đôi khi chỉ cần đi song song với nhau thế thôi, chẳng cần nói gì cũng đã thấy trong lòng tràn lên niềm vui phơi phới. Và hôm nay, cũng là một ngày như thế…
Gần đến “ngả ba say good bye”, hắn quay sang khều khều tay tôi, cười.
- Ê bốn mắt! Nói này đừng chửi nha! - Chuyện gì vậy? – Tôi ngơ ngơ. - Chuyện của bốn mắt với Tuyết Sương á, hồi trưa kể cho thằng Nghị nghe hết rồi! - Trời! Nhiều chuyện vậy?
Tôi vừa co chân lên định đá cho hắn một phát, ngay lập tức hắn rướn người đạp thật nhanh, cả chiếc xe và hắn lao qua khỏi ngả ba trong cái nháy mắt.
Và trước khi tôi rẻ phải, hắn vẫn kịp quay lại, nhe răng cười…
|
Tập 41: Bức tâm thư không tên
Sáng tinh mơ, tôi đạp xe qua cánh đồng, những thửa ruộng người ta vừa cày ải xong, đất lật nghiêng lật ngửa lên, lô xô lộn xộn với xăm xắp nước, một đoạn đường dài thân quen với mùi ngai ngái từ bùn đất theo gió là đà dậy lên, chắc chắn với ai không quen, không yêu và không từng lớn lên từ đồng ruộng thường lấy làm khó chịu.
Gần đến cổng trường, trời bắt đầu đổ mưa với những hạt nước bé li ti. Mưa, ừ thì mưa. Nhẹ thôi, có khi mưa không đủ làm ướt áo kẻ nhởn nhơ trên đường đến trường sáng nay nhưng tin chắc rằng sẽ làm cho những người lãng đãng như tôi thấy buôn buốt trong lòng.
Mấy ngày qua, tôi đã cố gạt ra khỏi tâm trí mình hình ảnh thằng một Nghị lặng im, một thằng Nghị cúi đầu bước thật nhanh qua những nơi có tôi, một thằng Nghị đã quên rồi thói quen ngoái cổ nhìn xuống phía cuối lớp. Tôi thỏa hiệp với chính mình và dùng đủ mọi lý lẽ để níu kéo những lần nó cười nhếch mép, níu kéo cả những bước chân chầm chậm lững thững của nó lê la từ chỗ cả đám ăn sáng xuống cạnh tôi như đang mong nối lại một giấc chiêm bao dở dang, đứt quãng…
Từ nhà xe, tôi đi thẳng ra căn tin mua hai gói bắp mang vào lớp, thằng Nghị không tham gia ăn sáng với “hội nhiều chuyện”, nó đang cắm cúi ghi ghi chép chép gì đó, tôi nghĩ bụng: Thằng này lại lười soạn Văn nên giờ đang lôi vở của đứa nào đó ra chép vào đối phó đây!
Lười soạn Văn là chuyện không của riêng ai mà đã là chuyện thường tình của lớp, tôi cũng đã cố tình “quên” không ít lần. Học chuyên Văn nhưng cả lớp tôi không có khả năng miễn nhiễm với căn bệnh lười này, vì vậy nó lây lan khá nhanh và không chừa bất cứ đứa nào. Nói hơi quá chứ có khi cái lớp lười soạn Văn thuộc hàng vô địch của trường là lớp tôi. Bằng chứng là nếu đứa nào xui bị gọi lên kiểm tra bài cũ thì có một tuồng cũ xưa cứ ca hoài, hát mãi và cả đám thay nhau hát: Dạ thưa cô bữa nay em quên mang vở soạn theo, tiết sau em đưa cô xem… Có lúc, cao hứng và nói thẳng tuồn tuột: “Em nói thiệt, soạn cái này mất thời gian gần chết, hồi nào giờ em không soạn trước nên em không có vở soạn cô à…” Sự thẳng thắn theo kiểu thằng “Phong cùi” đã đi vào bộ nhớ cô tôi, dĩ nhiên lần đó cô giận và bỏ nguyên một tiết học ra chỉ để mắng đám học trò cưng của mình. Bởi vậy, giờ thằng Nghị đang ngồi đó, húy hoái cũng đúng thôi.
- Nghị! – Tôi gọi to. - … - Nó vẫn không ngước lên. - Vừa xấu vừa điếc! – Thằng Phong lên tiếng. - Nghị ăn sáng không? - Kệ cha nó đi, nó không ăn mình ăn nhiều! – Thằng Phong cười ha ha.
Không biết thằng Nghị đang nghĩ gì mà mấy hôm rồi nó lại tiếp tục cố tạo khoảng cách với tôi. Dĩ nhiên, nó đang gìn giữ khoảng cách ấy cứ như đang giữ báu vật của riêng nó, và tôi giống một kẻ trộm mà nó bất đắc dĩ nó phải đang ở rất gần. Thế rồi từ đó, nó nhất định không nói chuyện với tôi mặc cho tôi cố làm đủ các kiểu.
Lúc này, tôi cũng thấy chán ngán thái độ lành lạnh và bắt đầu cảm nhận được sự nhàn nhạt của nó. Tôi mặc kệ.
Ngoài sân mưa nặng hạt, tôi về lại chỗ ngồi đưa mắt ra cửa sổ ngắm những tà áo dài líu ríu chạy trong mưa, kể ra nhìn người ta vội vội vàng vàng cũng hay hay. Thằng Hưng ngồi cạnh nhìn tôi cười cười, giọng nó cứ rù rù rì rì.
- Mày làm gì ngó ra đó dữ mậy, đừng nói với tao mày chờ thằng kia nha! - Mày điên! – Tôi nhoẽn miệng cười. - Chứ ngoài đó có con mẹ gì mà nãy giờ tao thấy mày cứ nhìn chằm chằm… - Mày đui chứ tao đâu có mù! – Tôi cười hờ hờ - Ờ, đúng rồi! Mày đâu có mù, chỉ gắn lên mặt hai cái đít chai thôi! – Nó cười hê hê - Kệ tao nha con trai, mới sáng đừng làm anh nóng tính nha mậy!
Nó quay lại nhìn thẳng vào mặt tôi rồi kéo mép ra, cười. Kiểu cười của lúc nó vui thường như vậy, ban đầu cứ nghĩ nó khinh khỉnh với mình nhưng lâu dần tôi đã hiểu, đã quen. Hai thằng đang chụm đầu nhìn ra cửa sổ và múa mỏ với nhau, một cánh tay khều nhẹ vai mình, tôi quay lại và bắt gặp ánh mắt thằng Nghị, nó nhìn xoáy vào tôi. Thật, khó có thể nói hết thành lời với đôi mắt ấy, một ánh mắt để người đối diện thấy không gần gũi nhưng cũng chưa đến mức phải xa xôi, một ánh mắt đủ để người khác biết nó chất chứa ăm ắp những ưu phiền: “Mày sao vậy Nghị?” Nhận tờ giấy từ tay nó, tôi hỏi lại bằng giọng từ tốn và có chút xót xa, nó cười nửa mép: “Đếch có gì!”
Trống đánh vào lớp, nó lầm lũi về chỗ, tôi ngồi đó và nhìn theo những bước đi của nó qua từng dãy bàn ghế đang lô xô những bước chân ra vào. Một khoảng trống mênh mông đang dậy lên nơi lòng mình, bất chợt tôi biết hai cánh mũi mình như đang nồng nồng chẳng hiểu tại sao. Thằng Hưng nhìn tôi với ánh mắt dò xét trong phút chốc rồi lại ngó bâng quơ ra mành mưa giăng kín phía ngoài kia.
“Mày thân!
Tao sẽ nói thế nào để mày hiểu, tao phải làm gì để mày biết tao đang nghĩ gì về mày thật nhiều đây Chí Kiên! Tao viết mấy dòng này và mong là sau khi đọc xong mày sẽ hiểu tao hơn chút nữa.
Những gì tao giành cho mày là thật, có thể vì thật quá nên tao buồn. Tao thích mà đâu thèm hay. Lắm khi tao hứa với lòng không bận tâm mày nữa cho khỏi mệt đầu nhưng chẳng biết thế quái nào mà tao không làm được, mày giống như một phần của tao vậy.
Đôi khi cũng giận mày số chuyện nhưng nhìn thấy mày là tao quên mất điều đó như chưa từng có chuyện gì xảy ra, mày cười tao vui theo, mày lặng im, lòng tao khó chịu nhưng mày đâu biết, đúng không. Suy cho cùng, tao vô lý bởi tao biết chuyện hai thằng mày, còn tao thì là bạn thôi mà.
Những lần đi chung với mày và thằng Hào, tao thấy mình giống như kẻ vô tích sự. Ước gì mày giành cho tao một phần tình cảm như mày chia sẻ với thằng Hào thôi chắc tao vui dữ lắm, nhưng niềm vui đó như món quà xa xỉ vì tao biết mày cũng là đứa vô tâm. Tao không trách gì mày nữa, mày không nhận ra điều đó hay cố tình không muốn biết, thử nói với tao một lần được không?
Thích một người đã khó, nói cho người đó biết là khó gấp vạn lần nên khi tao nói với mày những gì cần nói thì mày quá xa tầm với của tao mất rồi. Chắc từ bây giờ điều tao nên thực hiện là tránh khỏi hai đứa mày để không đứa nào phải khó xử…
Ừ, thì tao thích mà mày đâu thèm hay!”
Xếp vội tờ giấy lại, tôi bước vội ra khỏi lớp để không đứa nào nhìn thấy hai giọt nước mắt sau cặp kiếng sẽ lăn xuống bất cứ lúc nào. Tôi đi dọc đến cuối hành lang, đứng đó nhìn ra con đường, những chiếc xe tải rì rì chậm chạp đi qua, những chiếc áo mưa đủ sắc màu đang phất phơ nối nhau trên đường, bên kia là quán kem núp dưới cơn mưa, vắng lặng không một bóng người… Tất cả đã nhòa dần nhòa dần trong tôi, vì mưa hay vì màng sương giăng trong mắt.
Lần đầu tiên thằng Nghị hờn trách tôi mà nó đâu biết ở đâu đó thật kín kẽ như trong trái tim mình thì tôi vẫn có một chỗ giành cho nó. Có điều, những bước chân đến sau thông thường là của những bàn chân trễ muộn, biết làm sao. Chắc chắn, nó không thể hiểu hết những điều be bé nho nhỏ nó giành cho tôi đã làm tôi phải suy nghĩ nhiều đến mất ngủ, đã làm tôi phải xao lòng để rồi những trang nhật ký của riêng tôi vẫn thấp thoáng bóng dáng Đình Nghị bước vào và ở lại thật lâu…
Càng nghĩ, tôi càng thấy buồn cho tôi, buồn cho hắn và thương thằng Nghị vô cùng. Tháo đôi kiếng ra, đưa tay quẹt ngang qua mắt, tôi thì thầm một mình như đang nói với nó, dẫu nó chẳng ở nơi này: Mày cũng làm tao nhiều lần không vui mà!
Suốt buổi học hôm ấy, tôi lơ mơ như kẻ không hồn, ngồi đó nhìn qua cửa sổ, mặt đờ ra, ngây dại. Giải lao xong cũng chẳng thấy phấn chấn thêm chút nào.
- Chí Kiên cô kêu! – Thằng Hưng lay lay cánh tay tôi. - Gì? - Cô Kêu mày đọc lại bài kìa! – Nó thì thầm.
Đứng dậy, cầm cuốn sách lên tay và đọc một hơi rất ư… thuộc bài. Ngồi xuống, cô bước lần đến chỗ tôi, nhìn nhìn: “Nay nhà người đọc tốt lắm đó, đọc Văn tế hay lắm đó nghen, cứ vậy mà phát huy. Đọc kiểu này mấy bác nghĩa sĩ Cần Giuộc ở Long An ai chưa chết nghe xong cũng muốn chết cho rồi…” Cả lớp cười rần lên, vỗ tay. Tôi cúi mặt ngó vào tiêu đề của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc như đang vạch lá tìm sâu. Cô nói tiếp: “Chí Kiên hôm nay bị gì vậy? Bộ thất tình ai kia trong lớp hay là ấy nào ở lớp kế bên, cần giúp đỡ gì không…” Chỉ chờ có vậy, cả đám lại nhao nhao lên cười ha hả rồi lại vỗ tay. Lớp học như tổ ong vò vẽ ngoài kia đang vỡ. Bình thường, tôi vui lắm những lúc thế này, vậy mà hôm nay tôi mong cô về bàn nhanh hơn để tôi mau đi qua cơn tra tấn.
Thằng Hưng bây giờ bắt đầu nhại lại mấy câu đầu trong bài văn tế theo kiểu tôi vừa đọc, cứ đọc hết một câu nó cười hí hí, thấy tôi không phản ứng gì nó lại càm ràm một mình: “Nhớ là hồi sáng mày ăn lần hai gói bắp, sao giờ mày đọc giống bị bỏ đói đến gần chết vậy mậy…” Tôi trừng mắt: “Kệ cha tao!”
Trống hết giờ, hắn thò mặt qua cửa sổ, cười cười. Tôi nhìn nhưng chẳng nói lời nào, thấy vậy hắn quay qua bắt chuyện với thằng Hưng.
- Ai cho mày ăn hiếp em tao? – Hắn cười khì khì - Ai nào dám ăn hiếp em mày! – Thằng Hưng nhìn tôi cười mỉm. - Ê bốn mắt mất dịch, ai làm gì mà mặt ngầu dữ! – Hắn trêu tôi. - Thôi tao về, đứng đây hồi đạn nã vào tai, điếc sớm – Thằng Hưng vừa đi vừa cười khà khà. - Ủa thằng kia đâu bốn mắt? - Ai biết! – Tôi trả lời nhát gừng. - Thua luôn, học chung lớp mà không biết! - Ờ, vậy đó. - Ra đây…! Ra đây xem đầu có bị ấm thêm chút nào không! – Hắn vẫy vẫy tay. - Đừng có khùng!
Tôi vênh mặt lên, kéo chiếc cặp qua mặt bàn rồi bước ra ngoài trong tiếng cười vang của hắn.
- Nay bị gì vậy? – Hắn choàng tay qua vài tôi, thì thầm. - Đâu có gì đâu! - Xạo sự, vào nhà vệ sinh soi gương xem cái mặt đi. - Nhiều chuyện quá đi cha! Đã nói là không có gì mà cứ… - Tôi hất tay hắn xuống, bỏ đi trước.
Hắn vội bước trước, chỉ thẳng tay vào trán tôi, tôi lại gạt tay hắn ra và bước đi song song bên nhau, im lặng không nói câu nào.
Sân trường sau cơn mưa nước đọng thành vũng, nước mát rượi dưới chân và nắng trên đỉnh đầu vẫn là những vệt nắng yếu ớt…
Hai thằng ngồi trong căn tin nhìn ra sân, các lớp học buổi chiều chưa vào, sân trường phút chốc trở nên quạnh quẽ trong thinh lặng, thinh lặng đến mênh mông. Thỉnh thoảng, một cơn gió thổi ào qua, chỉ lao xao thôi nhưng đủ để cho vô số lá vàng rơi rụng, rượt đuổi nhau ràn rạt dưới vòm trời.
Tôi lặng nghe một thứ thanh âm vừa đủ để buồn và cũng đủ để vui, những thanh âm lúc lạ lẫm nhưng cũng có khi thấy quen thân, xa xăm đến vô cùng nhưng cũng gần gũi quen thuộc đến yêu thương. Và chiếc bánh mì trên tay tôi hôm nay trở nên nhạt nhẽo...
- Nãy giờ chưa được nửa ổ - Giọng hắn chậm chậm, đều đều. - Ăn mà cũng vội, chi khổ vậy? - Vội sao không, vào nằm tí rồi học. Ngồi suốt buổi sáng giờ lại cong lưng nguyên buổi chiều nữa, mệt chết bà! - Trời, làm như có một mình vậy – Tôi cười khẩy.
Trả tiền xong, tôi và hắn mỗi đứa xách một bọc nước ngọt vừa đi vừa hút. Vào đến phòng bồi dưỡng, hắn đi thẳng xuống chiếc bàn cuối lớp, quăn cặp xuống bàn, thở ra cái hì rồi nằm vật xuống cái ghế, giọng hắn lanh lảnh: “Trời ơi mới có mấy hôm mà sao con mệt dữ vậy trời…” Nghe tức cười: “Ngủ đi! Mới có mấy ngày mà than giống cả năm không bằng, gớm!”
Mở bức tâm thư của thằng Nghị ra đọc lại lần nữa, tôi xúc động. Một cảm giác buồn man mác tràn ngập trong lòng, nó lớn dần lên trong tôi như vết dầu loang giữa bao la sóng nước…
Hắn nằm đó, lặng im. Tôi không nhìn lại nhưng cũng biết chắc hắn đã lơ mơ ngủ. Anh cai ngục lại đi ngang qua, thấy tôi ngồi đó anh cười cười.
- Chiều nay học nữa hả Chí Kiên? - Dạ! Thầy dạy chiều luôn hả? - Không, chiều thầy hợp tổ bộ môn thôi, mà sao ngồi một mình vậy, còn thằng ông nội lớp Lý đâu? – Thầy liếc mắt vào phòng. - Dạ đang ngủ dưới cuối lớp kìa thầy! - Hai đứa cố gắng, ít nhất là sau một tháng bồi dưỡng thì phải vào được đội tuyển chính thức của trường mới oai chứ. – Thầy nói rất quả quyết. - Thì đang cố gắng nè thầy! – Tôi cười cười. - Thằng Nghị không đi chung hay sao mà thấy nó ngồi vắt vẻo ngoài quán kem vậy? - Dạ em đâu biết, ra về nó bỏ đi mất tiêu luôn…
Hai thầy trỏ kẻ trong người ngoài bâng quơ với nhau dăm ba câu rồi thầy cũng đi, khoảng sân đìu hui trong mắt tôi bây giờ đã lao xao tiếng nói cười. Tôi vẫn cứ ngồi đó, đưa mắt nhìn về nơi vô định như chờ đợi thần linh mang đến cho mình chút phép màu.
Từ ngoài cổng, thằng Nghị quẫy chiếc cặp trên vai đi ngang qua khoảng sân rộng rinh kia, vừa thấy nó tôi liền chồm người dậy, đưa tay vẫy vẫy và gọi lớn: “Nghị!... Nghị ơi!...” Âm thanh ấy vang vọng giữa trưa thinh lặng, đủ cho nó nghe, nghe rất rõ là khác. Vậy mà nó không buồn ngoái nhìn lại phía tôi, dù một cái nhìn hằn hộc đi chăng nữa. Cứ như không nghe, nó đi thẳng vào hướng phòng thí nghiệm rồi mất hút.
Tôi muốn viết cho nó đôi điều, vài dòng thôi cũng được nhưng sao khó đến vô cùng. Những lúc thế này thường trong đầu tôi trống trơn, chẳng có gì, chẳng muốn nghĩ gì và viết gì, nó lung tung và xáo trộn. Từ phía cuối lớp, hắn ư a mấy tiếng rồi cũng bật dậy hỏi với lên.
- Ủa thằng Nghị đâu? - Nó không ghé. - Thằng khùng này mệt nó thiệt, trời mưa thì nó nắng, trời nắng thì nó mưa! – Hắn cười cười. - Thì kệ nó đi, quan tâm chi! - Thôi, về lớp. - Đưa này cho thằng Nghị dùm.
Hắn đứng dậy với tay lôi chiếc cặp, tôi cũng gấp xong tờ giấy chìa ra phía hắn, viết vội nên chẳng viết nhiều được. Hắn chẳng hỏi đó là gì, cũng chẳng bận tâm sao lại phải gởi cho nó mà không chạy tót qua lớp học, lôi cổ nó ra nói chán chế xong rồi về giống như hắn từng làm. Tính hắn là vậy, cái gì hắn đã mặc định đó là chuyện của người khác, nó thuộc bên ngoài con người hắn, thế cho nó yên vị ở bên ngoài, không bao giờ dính líu hay lôi kéo dây dưa vào. Hình như cái đám học văn chương như tôi thích hay dùng chữ nghĩa để cãi nhau hơn là dùng mồm mỏ như hắn.
Dẫu có thế nào thì tôi cũng chắc chắn một điều, hắn biết trong tờ giấy vội này chứa bí ẩn gì, ít nhất cũng là chuyện tôi – hắn – thằng Nghị, biết rất rõ nữa là khác. Vậy mà cũng như bao lần, hắn chưa từng tò mò hay tỏ ra khó chịu vì chuyện đó và cũng chưa một lần có kiểu lên giọng qua lại với thằng Nghị. Ngược lại, đôi khi tôi thấy hắn cười nói với nó rôm rả hơn.
Hắn mang cái mặt ngu ngu vừa ngủ dậy lững thững bước ra sân trường, tôi nhìn theo mà thầm nghĩ về con người và tính cách của hắn, tôi buột miệng:
“Đúng là khùng! Sao mình yêu hắn nhiều dữ vậy, chẳng biết!”
|
Tập 42: Chuyện trên trời rơi xuống…
Thời gian trôi qua trong bình yên, mấy ai biết những con sóng dữ luôn ẩn mình giữa bao la biển cả. Và những con sóng lòng biết đâu cũng vậy…
Những ngày học bồi dưỡng với tôi cũng nặng nề hơn, bởi quá nhiều kiến thức tôi chưa kịp chạm đến, mang thân đi thi vượt cấp có những nỗi khổ mà ít ai biết. Tôi lao vào học ngày học đêm, đọc nhiều, học thuộc lòng cũng nhiều. Hoảng nhất là phải thuộc lòng mấy số đoạn văn của Nam Cao, Thạch Lam, thuộc cả vài đoạn nói Nguyên Hồng tả về cái chết của Huệ Chi. Nhưng ái nhại nhất là khối lượng văn học hiện đại trong chương trình lớp 12 tôi như trang giấy trắng tinh tươm.
Như thường lệ, sau khi hết 5 tiết tôi và hắn lò mò ra căn tin ăn mì tôm lót dạ chiều chiến tiếp tục, từ xa đã thấy thằng Nghị đang loay hoay ở đó. Hắn bước nhanh chân hơn, vừa đi vừa nói: “Ê bốn mắt! Nghị kìa!” Tôi trả lời rất nhát gừng: “Kệ nó, không liên quan.” Hắn quay lại cười cười: “Bị điên hả?” Tôi nhào tới cú vào đầu hắn mấy cái, hắn la oai oái. Thằng Nghị từ trong căn tin nhìn ra, những ánh mắt lại giao nhau đầy ái ngại nhưng cũng kịp để nó lơ đi hướng khác.
- Ăn gì vậy thằng quỷ? – Hắn cười cười hỏi Nghị. - Mì tôm. – Nó đáp gọn lỏn. - Bốn mắt mất dịch ăn gì? – hắn quay sang tôi. - Gì cũng được, mà thôi bánh mì đi!
Hắn bước tới gọi đồ ăn, tôi kịp kéo cái ghế ngồi đối diện thằng Nghị, thấy vậy nó lập lập tức xách chiếc cặp ném qua bàn kế bên và bưng tô mì nhích qua chiếc ghế khác cách chỗ nó đang ngồi 2 chiếc ghế trống. Tôi ngồi đó với bao nỗi bất ngờ, chẳng nói được lời nào, chỉ nhìn nó trân trân…
- Quỷ sao mày nhảy qua đây! – Hắn đứng sau lưng thằng Nghị, khều khều. - Kệ tao! – Nó lầm bầm trong miệng. - Ê bốn mắt qua đây ngồi luôn cho vui! – Hắn vừa nói vừa kéo ghế. - … - Tôi ngồi nhìn ra sân trường, lòng chao chát một nỗi buồn phiền xa lạ từ đâu ập đến. - Bốn mắt! Qua đây ngồi luôn đi, ngồi chi một mình đó trời! – Hắn nhìn nhìn. - Thôi ngồi đó đi!
Dứt lời, tôi xách chiếc cặp đi thẳng đến quầy, với tay lấy cái bánh mì, trả tiền xong bước thẳng ra sân đi về phòng học, mặc cho hắn í ới gọi theo.
Một mình trong căn phòng rộng rinh, vừa trệu trạo nhai vừa xem lại mấy bài lý luận thầy đưa về nhà kêu đọc trước, ổ bánh mì hết thì hắn cũng bước vào, đưa mắt nhìn tôi chăm chằm.
- Thằng Nghị đưa nè! – Hắn chìa ra cuốn sách Văn 12, giọng gằn gằn. - Trả nó đi, không cần! – Tôi hất cuốn sách ra đầu bàn. - Làm thái độ gì vậy? - Thái độ gì là thái độ gì? - … - Hắn đứng đó, nhìn thẳng vào tôi. - Tại không thích thôi! – Tôi khinh khỉnh. - Quá mệt rồi nghen! - Ờ, đây cũng chẳng khoẻ, về lớp đi! – Tôi gắt giọng, chỉ tay ra cửa.
Hắn rút cuốn sách và bước thẳng ra khỏi phòng. Chẳng hiểu vì sao, trong tôi lúc này thấy bình yên khi nhìn hắn bước vội đi. Từ trước đến giờ, chưa khi nào tôi có cảm giác như thế này. Mấy lúc chỉ không đi song song, hay đến ngã ba mỗi đứa một lối về, tạm chia tay vậy thôi nhưng cũng đầy quyến luyến. Vậy mà bây giờ đây, hắn đi rồi tôi cứ ngồi trơ ra đó, rồi tiếp tục đọc say mê, chăm chú như không hề có chuyện gì…
Suốt buổi chiều ngồi trong lớp, quá mệt nên khi học xong tôi lấy xe ra về, chẳng buồn quan tâm hắn đã về hay còn ở lại đâu đó. Suốt con đường một mình, những hình ảnh quen thuộc chầm chậm lướt qua, nghĩ ngợi đôi điều không đầu không đuôi nhưng đâu biết chính những câu chuyện mênh mông ấy đã dẫn dắt suy nghĩ tôi rón rén bước vào vùng ký ức của riêng mình đã chất đầy nỗi nhớ, tôi nhớ hắn. Vậy đấy, nhưng rồi lại ngay lập tức gạt nó ra khỏi tâm trí riêng mình, tự nhũ: “Không đi cùng hắn cũng bình thường mà…”
Vế đến quán, vừa gạt chóng xe bước vào, hàng xóm ngồi đó thấy tôi về mọi người lại lôi chuyện tôi với Tuyết Sương ra đặt lên bàn, nhai đi nhai lại đến xôn xao. Nghe, nổi khùng. Tôi quay sang má thằng cu Kẹo.
- Sao thiếm biết con xuống dưới chỉ học yêu? - Chớ tao nói không đúng hả? - Đúng quá cho nên mấy đứa con thiếm nó ở nhà hết trơn! - Hỗn là ăn cán chổi nghen con! – Má tôi ngồi nướng bánh và lên tiếng. - Chứ tự dưng đi nói con vậy! – Tôi gân cổ lên. - Mày hỏi má mày coi, có phải tự nhiên không? Bà hôm trước mới từ đây bước ra đó, về sớm chút nữa gặp mặt mẹ vợ nghen con! – Thiếm mười cười cười. - Kệ bà đó, mệt.
Tôi nạt ngang nạt ngửa rồi bước ra quay đầu xe đạp một hơi về nhà ngoài trong tâm trạng đầy khó chịu. Ba đứng trong sân nhìn nhìn, chẳng nói gì, tôi cũng lặng im bước thẳng vào bàn cất cặp, thay đồ và xuống bếp chuẩn bị nấu cơm chiều.
Đang loay hoay chụm lửa nồi cơm sôi, ba bước xuống đứng gần bên làm gì đó tôi không dể ý, ông lại càm ràm: “Học hành không lo, mới nhiêu đó tuổi trai trai gái gái…” Nghe vậy, tôi quăn ống thổi lửa, ngước lên nhìn thì ba bước đi. Tôi ngồi im, nhìn bếp lửa đang cháy phừng phừng, một trời ấm ức trổi dậy vì chẳng biết chuyện gì đã và đang xảy ra với tôi trong ngày hôm nay. Buồn nhất là không được hiểu, buồn nữa là không ai sẻ chia, dù chẳng biết sẻ chia điều gì bởi chính bản thân mình cũng không rõ chuyện đang xảy ra.
Hai cha con ngồi đối diện nhau trong bữa cơm, tôi cấm mặt ăn và chẳng ai nói tiếng nào, chỉ có tiếng bát chén, muỗng đũa khua nhau. Gần cuối bữa ăn, ba hỏi.
- Bộ không muốn đi học nữa hả? - Là sao con không hiểu! - Học hành không lo, yêu đương thì nghỉ đi, ở nhà mà yêu. - … - Tôi cuối gầm mặt, lặng im, vì đã hiểu chuyện gì. - Tốn tiền tốn bạc cho đi học thế này phí quá! – Ba thả đũa cái rổn xuống mâm cơm, đứng bật dậy. - … - Tôi cũng buông đũa, dọn dẹp. - Làm sao thì làm, người ta lên nhà một lần nữa là chết, là chết nghen con! - … - Cũng hiểu biết rồi, đừng để phải nói nhiều mấy chuyện không đáng. Phải biết chuyện gì nên và chuyện nào không nên chứ… - … - Mới nứt con mắt, bày đặt trai gái yêu đương. Yêu đương cái giống gì, hả! - Ba gằn giọng. Nói như quát vào mặt tôi vậy. - Con có biết cái gì đâu! Tự dưng mấy chuyện điên điên đâu không chịu hỏi người ta cho rõ, về nhà trong bị mắng, ở nhà ngoài bị chửi… - Mày có thật không biết không? – Ba rút cây chổi cầm trên tay. - Con nói con không biết… Mà ba má tin người ta hơn tin con… Sao mấy chuyện tào lao vậy không chịu hỏi, con nói cho nghe tự dưng ai đó ở đâu đâu đến nói tao lao, nghe xong chụp đầu chửi mắng… Không cho học nữa thì nghỉ, ở nhà. - Tôi lại gào lên.
Dường như chỉ đợi có bây nhiêu đó thôi, ba bước tới vụt tôi mấy cán chổi vào mong, vào chân, tôi ngồi đó cho đánh. Đánh xong, ba thả cây chổi xuống nền nhà cái độp rồi xỏ chiếc quần dài vào, bước ra sân quay đầu xe đạp đi…
Tôi dọn mớ chén ra rửa, bây giờ mọi cảm xúc mới vỡ oà, ngồi đó gục mặt khóc tức tửi. Khóc, không phải vì bị đòn đau mà vì tôi thấy mình trơ trọi lúc này bởi không được hiểu. Giá như, thấy tôi bước vào quán má hỏi tôi thì chắc chắn sẽ nghe câu chuyện cụ thể, rõ ràng. Giá như ba một lần ngồi xuống chia sẻ đừng quát mắng, đừng kêu ca chuyện học hành thì tôi thấy mình được quan tâm hơn là quy chụp tôi chỉ biết yêu đương trai gái. Và giá như, sáng nay nhỏ Tuyết Sương đừng ngộ nhận sự im lặng và cười mỉm của tôi là đồng ý với lời gán ghép của mấy đứa trong lớp giành cho tôi và nhỏ. Giá như má Tuyết Sương đừng lên nhà tôi chiều nay…
Nghĩ đến đó, tôi thấy tức nhói trong lòng. Gạt nhanh mấy giọt nước mắt, rửa mặt xong vào nhà thay đồ, đóng cửa và đạp xe đi. Bây giờ, trời đã chạng vạng tối.
Trên con đường quen thuộc mỗi ngày vài lượt đi đi về về vậy mà lúc này chẳng biết mình đang đi đâu và đến đâu… Cứ như thói quen bao lâu nay, bất chợt thấy mình đang gần tới con hẻm xuống nhà hắn. Tôi khựng người lại và suy nghĩ có nên quẹo vào hay quay đầu xe. Nếu vào, thì nói chuyện gì, và trưa nay đã thấy hắn giận mình đến bực bội ra mặt. Vừa nhớ lại chuyện ban trưa, tôi lập tức quẹo đầu xe đạp ngược trở ra…
Dừng xe trước nhà thằng Phong, chó sủa vang dậy cả vùng. Từ trong nhà nó ló mặt ra, nhìn thấy tôi bước vào sân nó giật mình.
- Ủa Chí Kiên, mày đâu vậy! – Vừa hỏi vừa lao ra. - Chán chán, đếch biết đi đâu, xuống mày chơi. – Giọng tôi buồn buồn. - Mày sao vậy? Có chuyện gì hả? – Nó nhìn tôi từ đầu tới chân. - Ê ra quán đi! - Ờ, mày đợi tao chút.
Tôi với thằng Phong ngồi trong quán, kêu hai ly kem xong nhìn chỗ nào cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của ký ức xưa cũ, góc nào cũng thấy nụ cười thân quen của hắn hiển hiện, bởi tôi và hắn gắn với nơi này mỗi ngày, mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều… Dẫu đang buồn phiền thật nhiều nhưng nhớ chuỗi ngày qua tự dưng tôi nhoẽn miệng cười một mình.
- Cười gì mày, thằng khùng! - … - Mày có chuyện gì vậy Chí Kiên? - Sáng nay, tụi mày cáp đôi tao với Tuyết Sương chi, nó về nói gì với má nó, bà lại lên nhà tao nói gì đó chẳng biết làm tao bị ăn tiếp mấy cán chổi… - Tôi chậm rãi kể. - Cái gì! – Phong ngạc nhiên. - … - Bà đó bị gì vậy trời! Mà Tuyết Sương kỳ vậy ta! Bà lên kêu nhà mày cưới nữa hả? - Tao đếch biết, chẳng ai hỏi chẳng ai nói. Bà lên xong đi, tao học xong về bị chụp đầu chửi, rồi về nhà ngoài ăn cơm vừa xong cãi nhau với ba tao, vậy là bị quất mấy cán chổi… - Rồi giờ mày tính sao? - Tính quái gì, biết gì mà tính! Chán chán xuống rủ mày đi ăn kem cho hết chán rồi về. Mà tụi mày đừng gép đôi tao với nó nữa! - Ghép cái con mẹ gì nữa mà ghép, vui gì nữa đâu mà đùa! Tại tụi tao không nghĩ Tuyết Sương cái gì cũng về nói với má nó, càng không thể tưởng tượng được má nó lên tới nhà mày như vậy! – Nó nhìn ra đường, lầm bầm. - Tao bực ghê luôn!
Hai đứa ngồi nói hết chuyện Tuyết Sương lại sang chuyện khác, chán chê kêu tính tiền rồi ra về, mỗi đứa mỗi hướng. Tôi lại một mình nặng nhọc đưa từng vòng bánh xe lăn đi ràn rạt trên mặt đường. Lồi về thênh thang, vắng tênh, chỉ có gió từng cơn lùa qua, phả vào mặt, mát rượi…
Một ngày quá nhiều chuyện từ trên trời rơi xuống không đầu không cuối đã làm tôi uể oải, ngủ và ngủ không cần học hành gì. Tôi bỏ mặc, vì hơi chán.
Sáng thức dậy…
Nếu trước đây háo hức được đến lớp, chờ đợi ngày đi học nhiều thế nào thì bây giờ tôi lại tỏ ra chán ngán đến chừng ấy. Có lẽ, chuyện bạn bè, chuyện yêu thương, chuyện riêng chung đã tác động không nhỏ đến tôi và đã dần hồi dập tắt đi nhiều thứ đẹp đẽ trong con người mình.
Vừa tới cổng trường, tôi bước xuống dắt xe vào chừng vài bước. Tuyết Sương đứng đó, bước ra chặn đầu xe tôi gặn hỏi:
- Hôm qua má Sương lên nhà Chí Kiên làm gì? - Về hỏi má Sương đi! – Tôi nghiêm giọng. - Chí Kiên nói đi! – Sương nói như gào, rồi khóc nấc lên. - Thì Sương về hỏi đi, ai biết đâu! – Tôi dắt xe đi. - Chí Kiên đừng quá đáng như vậy, có gì thì nói với Sương, đi kể với bạn bè làm gì! – Sương kéo giật ngược xe tôi lùi lại. - Sương thả xe ra! – Tôi nhìn thẳng vào phía trước, không ngoái lại. - Chí Kiên nói đi, Sương muốn biết. – Sương nói trong nước mắt. - Tuyết Sương muốn biết thì về hỏi má đi, ai biết đâu mà nói!
Từ sân trường nhìn ra, rất nhiều người chứng kiến cảnh giằn co giữa tôi và Sương. Tôi thật sự ái ngại, dắt xe đi thật nhanh như chạy, mấy đứa đi song song cứ nhìn nhìn tôi rồi hỏi chuyện gì, làm gì để Tuyết Sương khóc… Tôi lắc đầu im lặng, chẳng buồn trả lời vì quá mệt nên đi thẳng vào lớp.
Vừa ngồi xuống chưa ấm chỗ, Tuyết Sương bước vào, tôi liếc nhìn thấy mắt còn đỏ hoe hoe, tự dưng thấy thương thương tội tội nhỏ, tôi muốn nói một lời xin lỗi vì đã giằn co với nhau vừa rồi, thế nhưng nghĩ lại: “Mình có làm gì mắc lỗi đâu mà xin!”
Ở phía trên kia, bữa sáng vẫn cứ lao nhao diễn ra bình thường. Có điều, tụi nó xem như tôi không hề tồn tại trong lớp này, không một đứa nhắc đến tên, không một lời nào kêu gọi. Tôi ngồi đó, nhìn thằng Nghị, thằng Phong, thằng Danh… lao nhao với cả đám con gái mà lòng tôi buồn rười rượi. Tự dưng thấy mình cô đơn đến quạnh quẽ ngay giữa chốn quen thuộc nhất của mình.
Một nỗi buồn như đang lớn dần lên và chất ngất trong tâm trí của cậu học trò 17 tuổi, tuổi không thể sống thiếu bạn bè. Và tôi gục đầu xuống bàn chờ đến giờ vào lớp…
|
Tập 43: Dừng lại thôi!
Một tuần trôi qua, tôi như ngập dần trong bao la muộn phiền không lối thoát. Đến lớp ngồi rồi về, lặng lẽ. Hôm nào học chiều thì lang thang ra quán kem ngồi một mình, chẳng buồn nói chuyện với ai mặc cho tụi nó cứ theo tra hỏi đủ các kiểu. Đôi khi thả hồn ra ngoài khung cửa lớp, nghĩ vẫn vơ, nhớ về nơi nào đó xa xôi trong vô định. Không ít lần thằng Hưng bắt gặp, nó nhìn nhìn tôi rồi như muốn nói gì đó nhưng lại thôi. Hôm nay cũng vậy, tôi ngồi đó, lặng im nhìn ra khung cửa, không chép bài. Nó lên tiếng.
- Mày sao vậy? - Tao bình thường mà! – Tôi cười giả lã trước mặt nó. - Bình thường cái đầu mày chứ bình thường, nhìn mặt là tao biết rồi ha. - … - Tôi liếc nhìn nó rồi lại im ỉm. - Chuyện với kia sao rồi? – Nó hất hàm về phía Tuyết Sương ngồi. - Có gì đâu, kệ đi. - Bây giờ ai cũng biết chuyện mày với nó… - Chuyện gì? – Tôi quay lại, thắc mắc. - Chuyện nó thích mày, chuyện má nó lên nhà mày, chuyện mày làm nó khóc lóc hôm bữa nữa… - Thôi, mày nín dùm tao – Tôi xua tay cắt ngang lời nó. - Thôi chép bài đi!
Đôi khi, người ta rất cần sự riêng tư, dẫu chỉ để hơi thở được tự nhiên theo kiểu của kẻ đang mang nặng mối trầm tư thâm sâu nào đó, nếu như có ánh mắt vô tình nào bắt gặp, một câu hỏi trống không từ phía xa lạ vọng về thì sự đáp lại cũng chỉ là đối phó, cố che lấp cho phủ kín những ưu phiền. Suy cho cùng, để được bình yên đi trọn đến tận cùng nỗi buồn âu cũng là điều xa xỉ. Điều đó, chí ít cũng đúng với tôi lúc này.
Miền Trung bắt đầu những ngày mưa dầm dề, mưa giăng kín cả đất cả trời. Sân trường luôn chìm ngập trong loang loáng bóng nước, nó hệch như nỗi ưu tư chất chứa trong tậm thẳm sau của đôi mắt lắm mơ và nhiều mộng mị.
Trống đánh giải lao giữa giờ, tôi cúi đầu bước đi ngang qua nhiều dẫy bàn ghế có nhiều gương mặt, chạy ào ra sân trường trong mành mưa để đến căn tin mua cái bánh mì, xong rồi chọn chiếc ghế nơi góc kẹt ngồi nhai một mình. Sáng nay căn tin vắng, bởi chúng nó lười bước ra khi nước từ trời chưa dứt. Cô chủ căn tin thấy tôi ngồi đó lẳng lặng nhai bánh mì ngắm mưa, cô cười cười.
- Sao Chí Kiên làm Tuyết Sương khóc vậy!? - Dạ, sao cô biết? – Tôi cũng giả vờ cười như bình tĩnh lắm. - Ối trời! Căn tin nó có khác phòng phát thanh của mấy đứa đâu! - Dạ, mà ai nói với cô vậy? - Mấy đứa nó nói quá chừng bữa giờ mà! - … - Yêu sớm khổ ha! Lo học đi, dính vào máy chuyện đó học hành khó thành lắm nghen. Rồi ba má nuôi mình cực khổ… - Dạ, có yêu gì đâu cô! - Mày bữa nay nói dóc nữa! Không có sao má Sương lên nhà chi! – Cô đi ngang qua, cú nhẹ đầu tôi. - Ôi trời! Cô biết chuyện này luôn hả? - Mấy đứa hay đi chung với Chí Kiên như thằng Nghị, thằng Hào đó, tụi nó nói chuyện với nhau cô nghe nha mày! - Không có đâu cô, con đâu có yêu gì đâu! - Tụi bây sớm nắng chiều mưa trưa ui ui ai chẳng biết. Làm gì làm miễn không ảnh hưởng tới việc học thì cô cũng ủng hộ tuốt.
Cô cười, tôi cũng cười theo. Hình như lâu lắm rồi tôi mới biết mình vừa cười, dẫu trong lòng chẳng có gì lấy làm vui sướng.
Trống đánh vào lớp, tôi lại lao ra sân mưa chạy về phòng. Thằng Hưng thấy vậy nó càm ràm trách móc sao đi ăn bánh mì không chịu rủ nó, tự dưng tôi phì cười: “Tao đang muốn một mình.” Nó quay sang nhìn tôi: “Vậy tao đi chỗ khác cho mày ngồi mình mày nha, ngắm mưa ngắm gió cho đã mày!” Biết mình vừa hớ hênh và chẳng hiểu vì sao tôi như quên đi mọi ưu phiền, cười với nó thật tự nhiên: “Mày đi, tao ngồi với ai, mà mày đâu nỡ bỏ tao mà đi, ha con trai!”
Cô bước vào lớp, câu chuyện của hai thằng bàn cuối trở nên dở dang, và dĩ nhiên nó cũng không bỏ tôi ngồi lại một mình. Đến khi trống báo hết tiết, cô bước ra thì tôi nghe giọng nói cười quen thân từ phía trên vọng xuống, xen lẫn trong những lao xao của mấy cái miệng và sách vở lôi ra cất vào từ ngăn bàn.
- Quỷ, trưa về hay ở? - Mưa về chi con! - Bữa trước mưa mày cũng mó về mà! - Bữa đó anh đếch mang tiền… - Thằng Nghị cười hì hì - Sao không nói, tao cho mượn!
Thằng Nghị không trả lời, nó quay xuống nhìn, hắn quay xuống nhìn và những ánh mắt gặp nhau, tôi lại một lần nữa ngó lơ ra cửa sổ mà nhoi nhói trong lòng. Thằng Hưng chẳng hiểu gì vì nó cốn không phải là đứa hay để ý chuyện người khác, tự dưng nó khều khều cánh tay tôi, rù rì rồi cười cười
- Chí Kiên! Bồ mày qua kìa! - Ai là bồ tao? – Tôi vẫn ngó ra ngoài sân đầy mưa - Hai thằng mày li thân rồi hả? - Mày bớt điên đi! - Chứ sao gần chục ngày nay tao đếch thấy nó đu cửa sổ tìm mày mà lại đi với thằng Nghị. - Mày có im không? Tôi rút cây thước giá lên ngang mặt nó, nó nhìn tôi đầy bất ngờ và nét mặt biến đổi cảm xúc từ vui tươi hồn nhiên sang buồn phiền giận dỗi. Tôi lập tức thả cây thước xuống bàn, thằng Hưng ngó lơ đi nơi khác. Bây giờ, tôi cảm nhận rất rõ từ trong đôi mắt như đang có một màng sương mỏng tang, dễ vỡ…
Cũng như bao buổi trưa gần đây, sau khi ăn lếu láo xong lại thất thễu xách cặp vào phòng học buổi chiều. Trong phòng bây giờ đã có mấy chị lớp 12 bồi dưỡng chung ngồi sẵn, tôi bước xuống ngồi cạnh chào hỏi vài câu thì Tuyết Sương lấp ló ngay cửa. Ngoáy lại nhìn trong bất ngờ, tôi bước lên dãy bàn đầu, Tuyết Sương bước vào, ngồi cạnh.
- Chiều nay có học nữa hả? – Tôi hỏi. - Hôm bữa trước nghỉ, nay học bù. – Sương cười tự nhiên như không chuyện gì. - Ờ… - Tôi đơ mặt chẳng biết nói gì. - Chí Kiên cho tui xin lỗi nghen! - Chuyện gì? - Chuyện… bữa trước đó! – Sương ngập ngừng. - Thôi, có gì đâu… - Tôi cười. - Đừng giận tui nghen, về nhà hỏi má rồi… Mấy hôm nay định nói chuyện với Chí Kiên mà tui ngại nên chưa nói…
Hình như, khi trút đi phần nào đó gánh nặng trong lòng mình, Tuyết Sương trở nên tươi tắn hơn và nụ cười cứ giòn tan… Ngay lúc ấy, hắn với thằng Nghị bước ngang qua cửa lớp, liếc mắt nhìn vào rồi cứ thế bước đi như không hề quen biết. Hai giọng nói ấy, hai kiểu cười thân quen ấy cứ nhẹ nhàng lướt qua tôi gẫn gũi đấy nhưng cũng chừng như xa vòi vọi và lạ đến ngỡ ngàng. Tuyết Sương thấy vậy, nhỏ hỏi: “Bữa giờ ông với Nghị và Hào sao vậy…” Tôi cười, lắc đầu. Cô dạy phần Lý luận Văn học bước vào lớp, Tuyết Sương nhanh nhẹn bước ra…
Cô bắt mấy chị lớp 12 lên trên ngồi gần với nhau thì tự dưng tôi lại đứng dậy lôi cặp lùi ra phía sau hai dẫy bàn, thấy vậy cô cười cười.
- làm gì xuống đó Chí Kiên! - Dạ, ngồi đây cũng gần mà cô! - Lên đây, mau!
Cô cứ đứng đó vẫy tay, mọi người quay xuống nhìn nhìn, ngài ngại nên tôi lại mò mặt lên gần hơn. Cô theo tra tấn tôi làm gì mà phải chui xuống dười đó, trốn ai… Tôi chẳng nói gì chỉ cười cười rồi thôi. Cô chọc cười vài ba câu chuyện xong đi vào phần bài học chính tìm hiểu chủ thể trữ tình và khách thể trữ tình. Chỉ đợi cô vừa dứt lời, mấy cái mỏ lại ồ lên, lao xao…
- Gì vậy? Biết không mà la lối! – Cô chỉ chỉ tay hỏi cả lớp. - Dạ không, nhưng nghe thấy thích. – Một chị trả lời. - Chí Kiên! – Cô bước xuống chỗ tôi ngồi. - Dạ! - Có người yêu chưa? - Chưa cô! – Tôi rụt cổ lại. - Chí Kiên xạo đó cô! - Mới thấy đó! - Ghét mấy đứa nói dóc, nói xạo nha! – Cô quay lên. - Thiệt mà cô! - Vậy biết thế nào là chủ thể và khách thể trữ tình không? - Dạ hiểu chút chút… - Chút chút là sao, nói nghe chơi! – Cô nói như khêu khích. - … - Tôi im lặng. - Ví dụ như Chí Kiên yêu bạn nào đó… - Tuyết Sương đó cô! – Lại một chị chen vào. - Ờ, Chí Kiên yêu Tuyết Sương đi ha, rồi Chí Kiên làm thơ tặng cho bạn đó, thì trong bài thơ ấy đối tượng được miêu tả là khách thể còn Chí Kiên là chủ thể…
Gần chục mạng ngồi đó là à ồ lên, tôi biết mặt mình đang đỏ. Vậy mà trong lòng cứ tưng tức khó chịu. Khó chịu nhất là suốt buổi học hôm ấy tôi như vật hiến tế cho cả lớp bồi dưỡng. Ngẫm lại, dẫu sao cũng còn chút may mắn. Nói may mắn là bởi chưa có ai đó kịp nhận ra và thay tên Quang Hào vào Tuyết Sương để nhận diện và so sánh chủ thể với khách thể trữ tình. Lỡ như điều đó xảy ra, chắc tôi đội nốc nhà thăng lên hoặc tìm đường nẻ chui xuống.
Cô cho nghỉ giải lao, tôi vừa thả người tựa ngửa ra bàn sau, hắn từ ngoài cửa bước vào với gương mặt bình thản nhẹ tênh, không cười nói. Hắn đứng ở đầu bàn, chìa ra tờ gấy gấp đôi trước mặt tôi rồi lại quay lưng nhẹ nhàng bước ra như vừa bước vào, mất hút…
Rút tờ giấy cho vào cặp, tôi ngồi đó nghĩ ngợi lung tung mọi thứ quanh mình, trong đó có những câu hỏi đặt ra: “Hắn viết gì trog tờ giấy ấy…” nhưng thói quen không muốn đọc điều bí mật trước mặt mọi người, nên đành chờ đợi…
Buổi học kết thúc trong nhiều niềm vui vì hôm nay khám phá ra thêm nữa một chân trời mới trong văn chương. Hiểu được những danh xưng giành của khách thể trữ tình, nghe thêm nhiều bài thơ tình hay, những đoạn văn đầy cảm xúc… Với những tâm hồn non nớt ướt đẫm văn chương như tôi, chỉ bấy nhiêu kiến thức ấy thôi cũng trở nên có ý nghĩa lớn lao đến vô cùng.
Bước ra khỏi lớp, tôi lại tự tách mình như bao lần vì không quen thân với ai trong lớp bồi dưỡng này. Sân trường vắng tanh vì các lớp buổi chiều trong giờ học, tôi chọn một chiếc ghế đá dưới gốc phượng, những cơn mưa vừa đi qua sáng nay đã làm cho nơi tôi ngồi bây giờ trở nên đìu hiu, đơn chiếc.
Mở cặp lôi “tâm thư” ra…
“Mình nên quên mọi thứ đã qua và xem như những kỷ niệm đẹp. Dừng lại thôi!”
Tôi ngồi đó, đọc từng từ và ngắm từng nét chữ thân thân quen mà nao lòng…
Một lần…
Hai lần…
Ba lần…
Và… đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần rồi, không nhớ nữa. Tôi đã lặng im, ngồi đó, bất động… Trời bắt đầu lăm răm mưa, những hạt nước bé li ti xuống trang giấy, tôi từ tốn xếp nó lại, cho vào chiếc cặp rồi lặng lẽ ra nhà xe. Nhìn chiếc xe hắn đứng đó, những cơn sóng đã dậy lên trong lòng…
Tôi chầm chậm đưa mình đi trong cơn mưa chỉ đủ ướt áo, lòng chất ngất một nỗi buồn, trống lặng đến mênh mông. Bây giờ tôi đã hiểu, mãi mãi sẽ không có nỗi buồn nào giống nỗi buồn nào và hàng vạn nỗi buồn đang lặng lẽ rơi trong mỗi con người trên thế gian này không thể giống nhau…
Vòng bánh xe cứ thế lăn đi, mưa cứ vậy mà lả lơi trên cánh đồng đời.
Riêng tôi, bây giờ cứ như đang mơ mình đi giữa không gian đầy kỷ niệm với rộn vang tiếng cười. Phía trước mặt là ngã ba quen thuộc, tôi giật mình bẻ tay lái và nước mắt cũng bắt đầu rơi lã chã…
|
Chào các bạn!
Khi mình kể lại câu chuyện này với mọi người, điều đó đồng nghĩa với việc mình phơi bày ra một quá khứ của riêng mình với nhiều người mà ở đó có nhiều kỷ niệm đẹp, vui rất nhiều và buồn cũng không ít. Mình cảm ơn các bạn đã đón nhận câu chuyện một cách chân thành, đọc một cách chân tình và gắn bó từ tập 1 đến giờ gần gũi như hơi thở của chính các bạn. Điều đó được thể hiện rõ bằng sự nôn nao chờ đợi của các bạn làm mình thấy vui, rất vui. Tuy nhiên, có một đôi điều mình muốn nói với các bạn, để bạn đọc của mình hiểu hơn: 1. Câu chuyện này không phải chuyện sáng tác và hư cấu. 2. Mình không có ý xây dựng đây là câu chuyện đậm mùi - màu - vị của sex. Cho nên, các bạn sẽ hoài công nếu chờ đợi điều đó. Thành ra đừng yêu cầu mình thêm sex vào, sẽ không thật. 3. Ai đó, đã và đang lấy câu chuyện từ đây mang sang đăng ở một số diễn đàn khác và mạo nhận là của mình thì nên dừng lại. Điều này hoàn toàn không nên (Mình đã có email đến các diễn đàn đó và yêu cầu họ stop lại rồi) nhưng mình muốn các bạn ý thức cái gì nên hoặc không nên. 4. Câu chuyện này sẽ liên quan đến nhiều dự án khác của mình (quyết định hơi táo bạo nhưng nó nằm trong tầm tay) nên mình muốn có một cộng đồng người đọc với "ĐCLY" - nhỏ thôi nhưng đó là những người biết yêu câu chuyện.
Cảm ơn các bạn rất nhiều!
4 mắt đáng ghét
|