Bố bị một nhóm cảnh sát đáng sợ còng tay đưa đến. Tôi đứng lặng, nhìn theo không chớp mắt. Camera lập tức chĩa vào khi bố xuất hiện và những câu hỏi dồn dập bắt đầu. Nhưng cảnh sát đã yêu cầu họ tránh đường.
“Làm ơn đứng tránh ra! Xin hãy tránh đường!”
Cảnh sát và cánh nhà báo bắt đầu to tiếng, còn bố đứng rũ ở giữa, không chút sức lực.
“Thằng khốn kiếp này!”
Bỗng tiếng ai đó chửi rủa và lao về phía bố. Cảnh sát đã nhanh chóng ngăn lại, nhưng không ngăn được những tiếng chửi rủa không ngớt từ bốn phía.
“Đồ không bằng súc vật!”
“Chết đi! Khốn kiếp!”
“Đừng làm rơi micro!”
“Mau tránh ra, tránh ra nào!”
Tôi đứng trên thùng rác, dưới trời mưa ướt sũng và choáng váng chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ấy. Tôi hoàn toàn không còn thần trí và đứng thẫn người nhìn bố. Mỗi bước đi của bố, có hàng bao nhiêu con mắt chòng chọc nhìn theo.
Ở giữa vòng người có một con ma-nơ-canh nhỏ hình đứa bé gái, bố tiến lại gần và ngồi xuống. Tôi trông thấy người đàn ông đứng cạnh cúi xuống mấp máy môi với bố điều gì đó, và bố cứ thế làm theo những lời ấy. người ta bắt đầu khóc lóc, gào hét xung quanh tôi. Những lời chửi rủa văng ra đập vào tai tôi đau đớn chẳng khác nào những mũi kim đâm. Tôi không đủ sức để đứng vững, liền bám vào bộ đồ ngủ của người đàn bà đứng bên, cố gắng nghển lên nhìn bố.
Bố chầm chậm cúi xuốn mở miệng và sau đó cởi quần của ma-nơ-canh. Rồi bố cũng từ từ đứng lên và bắt chước cởi quần.
“Bố đang làm cái gì thế? Người ta đang bắt bố làm gì thế kia?”
Tôi thật sự bàng hoàng. Xung quanh tôi, mọi người bắt đầu nhao lên phía trước, ném đủ thứ vào người bố, giơ nắm đấm vào bố và la hét. Cảnh sát lập tức dẹp đoàn người và vội vã đưa bố đi.
“Mày chết đi, đồ súc vật!”
Có ai đó đã vung tay giật chiếc mũ của bố, rồi đến khẩu trang cũng bị giật phăng. Tôi gần như nín thở khi nhìn thấy khuôn mặt bố đầy thương tích. Những vết xước, những chỗ thâm tím sao lại có trên mặt bố? Có những chỗ máu vẫn còn rớm, những vệt thâm dài trên mắt bố…
Rồi không thể nén được tôi hét to.
“Bố…!”
Tôi chỉ gọi một lần nhưng bố đã nghe thấy tiếng. Bố nhận ra tôi giữa đám người hỗn độn và quay đầu lại. Bố nhìn tôi bằng đôi mắt bầm tím, nước mắt bắt đầu ứa ra. Dù tay đã bị còng nhưng bố vẫn cố bám vào cửa xe, mặc cho cảnh sát kéo đi, bố vẫn nhào người về phía tôi và gọi lớn.
“Ye Seung ơi! Ye Seung ơi!”
Lúc ấy thực ra khoảng cách giữa tôi và bố không xa lắm, dường như tôi và bố đang đứng đối diện nhau. Vậy mà tôi lại không thể nào đến gần bố hơn được. Tôi cứ đứng trên thùng rác và gọi không ngớt lời.
“Bố ơi! Bố! Bố ơi!”
Tôi và bố cứ nhìn nhau như thế, bố chỉ tìm cách làm thế nào để chạy đến chỗ tôi, nhưng bị quá nhiều người cản lại. Tiếng của bố vang lên giữa những âm thanh la lối chửi rủa không ngớt.
“Ye Seung à…!”
Tôi nhảy xuống khỏi thùng rác và bắt đầu chạy ào đến bố. Tôi sẽ phải chạy đến phía bố, nhất định phải chạy đến cho dù có nhiều người cản như thế nào. Tôi đã nghĩ thế và liều lĩnh chen lấn giữa đám người nhưng rốt cục chẳng chen nổi. Một đứa trẻ như tôi không đủ sức vượt qua dòng người đang bủa vây quanh bố.
Tôi gào lên như muốn xé tan tất cả, nước mắt chan hòa. “Bố ơi! Bố ơi…!”
Bố cũng nhìn thấy tôi, lấy hết sức đẩy tay cảnh sát để nhào về phía tôi. Chiếc xe tám chỗ của cảnh sát bị vỡ mất gương chiếu hậu, nhưng người ta đã đẩy bố vào đó, đóng sập cửa lại. Và tiếng xe nổ máy…
Tôi chỉ còn biết òa khóc mà chạy về phía bố, không còn biết xung quanh ra sao nữa. Trên đời này bố sợ nhất là tiếng khóc của tôi. Bố đang bị giữ trong xe và không biết phải làm gì. Còn tôi bị người ta giữ không cho chạy vào, thế là tôi lại càng gào khóc to hơn.
“Ye Seung à, hãy về nhà đợi bố! Ye Seung à!”
“Bố ơi! Bố đi đâu vậy? Bố ơi…!”
Trong xe, cảnh sát đã còng tay và trói chân bố lại, bố không di chuyển được nhưng vẫn cố rướn người ra để bảo tôi trở về nhà. Bố dùng cả hai tay bị còng, dùng cả đầu đập vào cửa kính xe. Tôi nghe thấy cả những tiếng đập mạnh của bố.
“Bố ơi! Bố ơi!”
Tôi nhìn thấy bố đang cố gắng nói thật to bên trong cửa kính nhưng tôi không thể nghe thấy gì. Tôi cố vùng ra khỏi người đàn ông đang giữ mình, tôi gào khóc và gọi bố. Nhưng dẫu tôi có kêu gào thì bố cũng vẫn bị đưa đi, chiếc xe chở bố cứ thế đi xa dần…
Tôi cứ đứng và khóc mãi ở nơi mà bố bị đưa đi ấy. Tôi không tài nào hiểu được bố đã xảy ra chuyện gì. Tôi không tài nào biết được.
Có điều, với một đứa bé 8 tuổi lúc ấy, bố là tất cả thế giới. Và, vào ngày hôm đó, có rất nhiều kẻ đã cướp mất thế giới ấy của tôi.
Chương 4: Bí mật của tù nhân S4
“Hát hò gì thế không biết!”
Có ai đó vừa lên tiếng càu nhàu, nhưng xung quanh chẳng ai đáp lại. Công xưởng tồi tàn và bốc lên những mùi khó tả, chiếc radio thì cũ đến mức không còn nghe rõ nổi lời bài hát, thay vào đó là những tiếng rẹt rẹt khó chịu. Những lúc không phải nghe cái âm thanh ấy thật may mắn.
Tiếng hát ảo não khi nãy lại tiếp tục vang lên giữa không gian ảm đạm của nhà tù, vang đến tận xưởng làm. Bên trong công xưởng là nơi làm việc của những tù nhân. Sản phẩm của họ chủ yếu là bóng rổ, bóng đá, tuy yêu cầu kỹ thuật khá cao, nhưng dường như ai cũng làm việc thành thạo và không mấy khó khăn.
“Đại ca” - kẻ cầm đầu phòng giam số 7 cũng là một người tù như vậy.
Gã tên là So Yang Ho, một cái tên kiểu cách. Bình thường người ta vẫn thường gọi gã là anh So chứ không ai gọi là đại ca Yang Ho cả. Trong tù, gã và một tên cùng phòng Chun Ho là hai người làm bóng nhanh và có tay nghề nhất. Trước kia, gã cầm đầu một băng đảng, và bị bắt vào tù vì tội giết người.
Trong phòng giam số 7, Đại ca là người nhiều tuổi nhất, cũng là người có mức án lâu năm nhất. Gã là một tay xã hội đen đáng gờm. Vừa đặt chân vào tù, gã đã chẳng kiêng nể một ai, xích mích gây lộn với cả đám tù nhân. Không chỉ vậy, trại giam còn đồn rằng đã có kẻ từng giở thủ đoạn với gã, nhưng không hiểu bằng cách nào mà gã luôn biết tất cả. Và thế là gã trở thành Đại ca - người không ai có thể qua mặt được.
“Bài hát hay thế mà mày hát như gà mái mẹ ấy. Câm miệng lại và làm việc đi! Tao khâu mồm mày như khâu bóng bây giờ!”
Đại ca vừa cất tiếng quát, tên đang hát lập tức im bặt. Chun Ho – tên tù chuyên may khinh khí cầu ngồi cạnh gã, cười hả hê khoái trí. Chun Ho là tên nổi tiếng thứ hai trong trại. Hắn từng đào mồ người chết để kiếm chác của cải, nhưng lại có khuôn mặt giả danh trí thức. Trong lúc ngồi giết thời gian, hắn thường lôi quyển từ điển tiếng Anh ra đọc một lèo y như một chuyên gia đích thực, nên hắn được xem như bộ não của cả phòng giam số 7. Chun Ho còn nổi tiếng vì hắn là người cùng tạo dựng “sự nghiệp” với Đại ca.
“Mấy đứa chúng mày đừng có làm tao sợ. Tè cả ra quần rồi đây này!”
Lần này thì Đại ca phì cười.
Phòng giam số 7 ngoài hai người trên còn có một lão già đã bị tuyên án tử hình từ tháng mười hai năm ngoái vì tội giết người man rợ, một tên bị bắt vì móc túi, một tên bị bắt vì ngoại tình. Nhưng trong số đó, Đại ca chỉ tin dùng Chun Ho, thi thoảng mới bổ sung thêm những đứa “có trình độ” khác. Vì Chun Ho là thằng thường phát ngôn ra những ý tưởng hay ho nhất.
“Này!”
Đại ca ném quả bóng may gần xong cho Chun Ho. Nhân lúc không ai để ý, hắn lanh lẹ lấy trong túi áo ra một mảnh giấy nhét vào trong rồi dùng máy may lại, sau đó bơm khí vào trong như bình thường. Thao tác của hắn tự nhiên, thuần thục đến mức chẳng ai mảy may nghi ngờ. Quả bóng nhăn nheo dần dần căng phồng và tròn trịa.
“Ô kê!”
Đúng lúc ấy, bộ dạng quen thuộc của tay quản giáo xuất hiện, hắn nói lớn với đám tù nhân.
“Ra ngoài thể dục!”
Đại ca dừng lại, khoan khoái vắt tay ra sau lưng và cùng Chun Ho bước ra sân vận động. Những tù nhân khác từng người một bắt đầu đến tập trung và khởi động vài động tác cơ bản theo sự điều khiển của quản giáo. Sân vận động giờ trở thành nơi giải tỏa mệt mỏi ọi tù nhân.
Ở sân tất nhiên là có cả quản giáo đang giám sát, nhưng hắn chỉ cần vừa chạm phải ánh mắt của Đại ca, đã sợ sệt và ngấm ngầm quay đi chỗ khác. Luôn luôn là như vậy.
Tập được một lát, Đại ca làm ra bộ mệt mỏi, uể oải đi vào góc sân vận động ngồi dựa lưng vào tường. Chun Ho cũng đi cùng, mang theo mấy quả bóng. Bất chợt, Đại ca thản nhiên đứng dậy sút mạnh quả bóng đang cầm lên không trung. Quả bóng lao vút và rơi ra ngoài bức tường.
“Ôi trời! Bóng bay ra ngoài rồi sao?” Gã nói với vẻ mặt tự nhiên như không, Chun Ho cũng đế theo.
“Anh làm bay ra ngoài thật à? Ngoài đó có ai tốt bụng nhặt giúp tôi quả bóng rồi ném vào đây với!”
Chun Ho vừa dứt lời thì có ai đó đã lập tức ném trả quả bóng vào sân vận động. Đại ca cầm quả bóng tháo hết hơi và đi vào mộ góc sân. Đó là một trong những chỗ mà đám quản giáo ít để ý đến. Ở đó, theo tín hiệu của Đại ca, những tên tù của phòng giam số 7 đã nhanh chóng có mặt đông đủ. Đại ca bắt đầu ngồi xuống mở quả bóng một cách thận trọng giữa những ánh mắt đang nhìn hau háu. Từ vết da bị may lỗi trên quả bóng đổ ra đủ loại vật dụng, từ những thứ lặt vặt dùng hàng ngày như phin pha cà phê, thuốc lá chiếm đa số, còn có những thứ không hiểu để làm gì như son môi, tất chân dài…
Những món đồ hay ho ấy là những thứ đám tù nhân đặt hàng từ trước, ngoài Đại ca ra thì không ai có thể mua từ bên ngoài được.
“Nào, lại đây!”
Tốp khách mua hàng với vẻ mặt chờ đợi lần lượt xếp hàng chờ đến tên mình. Với bọn họ thì Đại ca quả là một người không tầm thường, chỉ có gã mới có gan và có thể mua được những món hàng khan hiếm, ít ỏi kia. Mỗi lần ra sân vận động, cả đám chờ đợi được nhận đồ đến mức những lần dành thời gian cho tập thể dục đúng nghĩa chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng ở nhà tù này, Đại ca không phải là tên duy nhất có quyền lực. Có một tên vô lại thường được gọi là Ba Park, chẳng khác nào cái gai trong mắt Đại ca. Nếu có kẻ nào kêu hắn là sư huynh, chẳng may bị Đại ca nghe thấy thì tên ấy nhất định đã đắc tội với Đại ca. Và nếu hắn muốn giành vị trí số một ở trại giam này, chỉ có cách duy nhất là phải đánh bại Đại ca mà thôi. Điều ấy không cần nói ra ai cũng biết.
Hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt. Tên kia cùng tay chân của hắn đi về phía góc sân vận động, cau mày khi thấy Đại ca đang chia chác các món hàng cho đám tù.
“Đại ca, chúng ta phải làm gì đó chứ? Bọn khốn kia lại đang giở trò gì sau lưng chúng ta vậy?”
Một tên vừa nói vừa cắm ống hút vào lọ sữa chua đưa cho Ba Park. Hắn nheo mắt nhìn chăm chú vào góc sân, rồi tức tối cầm lọ sữa chua hút “sụt” một hơi hết sạch và quay sang nói.
“Giữ đơn đặt hàng một người lại cho tao!”
Không rõ hắn nói như vậy để làm gì. Nhưng dù sao ở trại giam này, kẻ có quyền lực nhất trong đám tù nhân vẫn là Đại ca. Có muốn trả miếng Đại ca, e rằng cũng không đủ sức.
“Đại ca định làm gì ạ?”
“Hôm nay ta sẽ cho con gà nhãi nhép không xơi được gì cho coi!”
Lúc ấy ở góc sân, Đại ca vẫn đang phân phát những món hàng. Từng món, từng món được giơ lên và đám tù nhân lần lượt lên nhận, nhưng rốt cục còn một thứ mà ai cũng lắc đầu không phải của mình. Đó là đôi tất lưới màu đen của phụ nữ hay mang khi mặc váy ngắn. Đại ca giơ chiếc tất lên và hỏi lại lần nữa.
“Tất này là của đứa nào?”
Thì ra là của Man Bom đang đứng xa nên không nghe rõ. Hắn vội vàng chạy lên vừa cầm đôi tất nhét vào trong áo vừa cười trừ.
“Đại ca, là của em ạ.”
Chun Ho thè lưỡi và nói với Man Bom.
“Thằng này, mày lại định hiếp dâm ai đấy à?”
“Không phải hiếp dâm mà là đi cặp bồ! Cứ bình tĩnh! Cứ bình tĩnh!”
Man Bom cố tỏ ra oan ức đứng giải thích nhưng chẳng ai thèm nghe hắn nói.
“Mày thích ý kiến gì? Tất này lấy giá gấp đôi. Biết chưa?”
“Thôi nào, thằng này…”
Đại ca với bộ mặt rất lấy làm tiếc tỏ vẻ an ủi Man Bom. Nhưng ngay cả những tên tù cùng phòng cũng không một ai nói Đại ca phải giảm giá. Chun Ho - thằng đòi tăng giá đôi tất là một thằng rất nhanh nhạy, nếu nó làm kinh doanh hẳn rất phát đạt!