Tên Anh Là Thời Gian
|
|
Tên Anh Là Thời Gian
Tác giả: Ân Tầm
Thể loại : Ngôn tình, Sủng
Đề tài: Bích họa Đôn Hoàng + nhà phục hồi văn vật Nghề nghiệp nam chính: Nhà phục hồi văn vật, dùng kỹ thuật, tay nghề để phục hồi những bức bích họa có thể bị xói mòn, bị thay đổi theo thời gian do thời tiết, do khí hậu hay do các lý do khách quan khác. Hệ thống nhân vật: Doctor Fan, Đường Thịnh [Updating...] Những bí ẩn trong hang đá Đôn Hoàng số 0, hay nói chính xác hơn là những bức bích hoạ trong truyền thuyết của hang đá, là thứ hấp dẫn các nhà phục hồi văn vật hơn hết thảy. Mặc dù chưa từng công bố hang đá với ngoại giới nhưng việc những bức bích hoạ có thể thay đổi bất kì lúc nào thật sự quá hấp dẫn và kì bí... Nhưng cũng vì thế mà cuộc sống của Thịnh Đường bỗng nhiên chệch đi quỹ đạo bình thường. "Đường Tiểu Thất, đừng ăn cơm nữa, lấy cho tôi số liệu lớp địa trượng* đến số thập phân thứ ba sau dấu phẩy." *Bích họa về cơ bản được cấu thành từ ba bộ phận chính: Kết cấu chống đỡ bích họa (vách tường hoặc vách đá), lớp địa trượng (hay còn gọi là lớp nền móng) và lớp màu (hay còn gọi là lớp tranh bề mặt). Có bức bích họa không có lớp địa trượng. "Đường Tiểu Thất, đừng ngủ nữa, tỷ lệ pha loãng nhựa cao su không đúng, pha chế lại cho tôi." Đường Tiểu Thất... Cô xúi quẩy trở thành người cộng sự thứ bảy của anh ta, rất không phù hợp với hình tượng hung tàn quỷ quyệt của cô! Anh ta thật sự nghĩ mình là Fan thần chắc? Đó là thần tượng của cô, nhà phục hồi văn vật truyền kỳ trong giới bích họa, được mệnh danh là Doctor Fan, "bác sỹ ngoại khoa" thời gian, nhân vật bàn tay vàng. Cho đến một ngày nào đó, cô tận mắt nhìn thấy khi ký tên anh để lại một chữ "Fan"... Thịnh Đường tự hủy hoại hình tượng bản thân, chạy đến ôm chân: "Fan thần, anh thiếu cái gì, cần cái gì cứ thoải mái dặn dò em ạ." Hiếm có dịp anh không độc miệng, bật cười: "Còn thiếu một cô bạn gái." Điệu múa hồ toàn* khó bề tưởng tượng trên bích họa, nhạc khí Sakuhachi đã thất truyền từ lâu, "hắc diện phi thiên" rơi nước mắt, bức tranh "Huyễn Hí" xuất hiện li kỳ, các nhà phục hồi bích họa Đôn Hoàng sử dụng kỹ thuật và tay nghề đặc biệt để mở ra những bí ẩn chưa từng được giải đáp... *Điệu múa lụa với một người nữ đứng chính giữa làm trung tâm, thịnh hành đời Đường tại Trung Quốc. (Có thể xem cảnh hội bàn đào trong phim Tây Du Ký để hình dung) Sa mạc hoang lạnh dưới núi Tam Nguy, Con đường tơ lụa ngàn năm biến đổi. Bảo vệ những dấu tích của thời gian, người là niềm tin thành kính nhất trên con đường cô độc của tôi.
|
Chương 1 - Chương 1: Lời mở đầu
Về câu chuyện mới, về mười năm
Vốn dĩ tôi định đăng vào tết Dương lịch, nhưng những ai hiểu về tôi đều biết tôi quá lười biếng, có thể thông báo chính thức trước hai, ba ngày thật ra cũng đã là chăm chỉ và tích cực rồi.
Dường như tôi có rất nhiều lời muốn nói về khoảng thời gian mười năm viết văn, dù thành tích hay thu hoạch, dù vui vẻ hay cô quạnh. Nhưng nghĩ lại hình như cũng không có gì để nói, bởi vì hầu như các tác giả khác khi đã viết được mười năm thật ra cũng đều trải qua những chuyện tương tự.
Nhiều tháng trước, người "chị em cây khế" của tôi - Cát Tường Dạ tổ chức một buổi fan meeting tròn mười năm cầm bút. Buổi tối, tôi và một vài người bạn thân trong nhóm chúc mừng cho cô ấy, uống mãi uống mãi, cười mãi cuối cùng bật khóc.
Chúng tôi đều nói sáng tác là một công việc cô độc, cô độc tới mức dù bạn có chảy nước mắt cũng không ai nhìn thấy. Thế nên khi đối mặt với việc sáng tác, chuyện "rải đậu thành binh"* chưa bao giờ là vũ khí cần thiết. Chúng tôi dường như không gì đánh bại nổi, vì một linh cảm chợt lóe lên mà cảm thấy hưng phấn, vì một đề tài mới mà bôn ba, dốc hết sức lực chỉ để kể thật hay một câu chuyện.
*Rải đậu thành binh lính: Một loại phép thuật truyền miệng qua tiểu thuyết, hí khúc xưa.
Cho đến khi, những người cô độc tập hợp lại với nhau mới ý thức được sự mệt mỏi của cơ thể và trái tim. Không cần giãi bày nhiều, mọi sự vất vả, cực nhọc và không được thấu hiểu trong quá trình sáng tác họ đều cảm thông sâu sắc.
Các độc giả đã giúp tôi tổng kết mười năm qua, quay đầu nhìn lại, nói lời thật lòng, tôi không biết mình đã kiên trì vượt qua bằng cách nào.
Nói những lời quá nghiêm chỉnh thì cảm thấy vừa đứng đắn vừa trang trọng, khá giả tạo; Nói những lời rút ruột rút gan vậy, nhưng tôi tin là mấy ngày nữa đọc lại vẫn cảm thấy ra vẻ mà thôi.
Tôi không phải là một người thích nhớ về quá khứ, thích hồi tưởng, bởi vì thứ nhất là lãng phí thời gian, thứ hai là lãng phí trí não, tha thứ cho tôi luôn lười như vậy. Nhưng thi thoảng đêm về nằm mộng, rồi nghĩ tới mười năm đã qua, tôi luôn cảm khái trong lòng.
Dọc đường đã qua, tôi phát hiện dần dần có rất nhiều gương mặt cũ không còn thấy nữa, giống như một bài hát nào đó: Đi mãi đi mãi rồi chia lìa. Đã từng cùng nhau phấn đấu, cùng nhau đọ thành tích, giành giật điểm tháng, so bì trên từng bảng xếp hạng, cuối cùng ai được cười, mọi người vẫn chân thành chúc mừng.
Chúng tôi của lúc đó vừa là đối thủ cạnh tranh cũng là bạn bè. Chúng tôi đều rất đơn thuần, đơn thuần tới mức chỉ cần tin tưởng, nỗ lực là được.
Mười năm đã qua không nói nhiều, kể không nổi. Mười năm sắp tới sẽ ra sao, không rõ nữa.
Không phải tôi chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ, sẽ tạm biệt ở đây, kiếp này không gặp lại. Tối đó trong buổi tụ tập, tôi nói với họ: Mệt rồi, bất cứ lúc nào cũng có tâm trạng không muốn viết, không buồn viết nữa. Nhưng có những hôm tôi nhìn thấy một đôi vợ chồng già dìu nhau qua đường, những người cha người mẹ cuống quýt đưa con đi học, những đôi lứa yêu nhau đùa giỡn hờn giận, những nhân viên công sở xếp hàng đợi xe, họ đều rất sống động, trong trái tim cũng có một nguồn sức mạnh thật tươi mới. Sức mạnh ấy lúc nào cũng nhắc nhở tôi, thật ra tôi không thể từ bỏ việc viết lách.
Chúng ta đều giống nhau, các tác giả đều giống nhau, một suy nghĩ có lạnh đến đâu cũng sẽ bị nhiệt huyết sục sôi duy nhất ủ ấm lại. w๖ebtruy๖enonlin๖e Có lẽ, người kể chuyện luôn sống vờ vịt lại chân thành như vậy đấy.
Rất may mắn khi bên cạnh có những người bạn cùng chí hướng, có thể điên có thể đùa, có thể khóc có thể cười. Khi vui có thể chia sẻ, khi buồn có thể vỗ về (Tuy rằng đa phần là móc mỉa nhau).
Cũng cảm ơn các biên tập và các nhân viên ở mọi vị trí đã giúp đỡ tôi suốt mười năm nay (Những người phụ trách về bản quyền phim, bản quyền xuất bản, bản quyền radio books, các hoạt động khác...), mọi người đã hy sinh thời gian và công sức để bảo đảm trên con đường sáng tác của mình, tôi không có gì phải lo nghĩ.
Càng cảm ơn các độc giả, nhất là những độc giả kỳ cựu, các admin vẫn luôn đồng hành cùng tôi, các hội FC nước ngoài, những người phụ trách Weibo chính thức. Cảm ơn các bạn vẫn ở đây, cũng cảm ơn sự bao dung của các bạn.
Nói một chút về câu chuyện mới đi.
Muốn viết về nhóm người này là suy nghĩ của tôi vào lần đầu tiên tới Đôn Hoàng. Nhà phục hồi những bức bích họa Đôn Hoàng, người bảo vệ những dấu tích trên Con đường tơ lụa, họ khép kín, không rầm rộ, không công khai. Họ chiến đấu với thời gian, dùng trí tuệ, tay nghề để thuyết minh một cách chân thực về văn minh nhân loại.
Tôi không nói quá nhiều những lời giới thiệu, coi như đây là tình cảm tôi dành cho vùng Tây Bắc rộng lớn. Tôi cũng không muốn viết quá nặng nề, dù sao thì cũng đã có quá nhiều tác phẩm nặng nề lấy chủ đề Đôn Hoàng, thế nên trên nền tảng huyền bí sẽ thêm vào một chút ngọt ngào.
Tác phẩm ngọt ngấy và "sợ hãi" đến rồi đây...
|
Chương 2: Cô quả nhiên biết nhìn ra người có tiền
Người đàn ông gỉ sắt cũng khá hợp tác, đón lấy bức tranh dập, quẹt ngón tay qua, bỗng khiến không ít cát bụi màu vàng rơi xuống.
Thịnh Đường là ai chứ? Cung phản xạ ngắn hơn người bình thường một đoạn dài. Cô giơ tay lên, bình tĩnh, điềm đạm phủi phủi mặt giấy, sau đó lại vô liêm sỉ kéo bàn tay của người đàn ông qua, cọ đi cọ lại dưới ánh mắt có phần hơi sửng sốt của anh, rất lâu sau mới buông tay.
"Những năm trước toàn xuất hiện bão cát vào khoảng tháng Ba, tháng Tư. Năm nay khác thường, đã đến tháng này rồi mà thi thoảng vẫn có chút cát bụi quét qua đấy."
"Chẳng phải năm nay có mưa bão sao?" Người đàn ông đội mũ hoa mỉm cười hỏi.
"Phải, nhưng mưa bão hiếm gặp, gió cát mới là chủ nhân của Đôn Hoàng mà." Thịnh Đường cố gắng duy trì "sự thật" mình là bà chủ tốt, đối xử với mọi mặt hàng đều công bằng như nhau, những sản phẩm bị ghẻ lạnh thường chẳng bán được giá cao.
Người đàn ông gỉ sắt lại ngắm nghía bức tranh dập thêm một lúc, bất thình lình hỏi cô một câu: "Cô nói nó có tuổi đời nhiều năm rồi, là bao nhiêu năm?"
Giọng nói này đúng là càng nghe càng hưởng thụ... Nhưng không có nghĩa là Thịnh Đường sẽ bị chất giọng hay ấy che mờ mắt. Cô tỉ mỉ đánh giá mặt tranh một lúc, khóe miệng khẽ rướn lên.
"Nếu nói nó có tuổi đời trên trăm năm tới ngàn năm, anh chắc chắn sẽ không tin. Nội dung của bức tranh dập này tương tự với những bức tranh trong hang đá trên núi, vừa nhìn đã biết là mang từ trong đó ra. Trước năm 1944, hang đá Đôn Hoàng không ai quản lý, nhờ đó nghề in tranh dập cũng thịnh hành. Cho đến khi viện nghiên cứu được thành lập, quốc gia bắt đầu coi trong việc phục hồi bích họa thì từ đó không cho phép in dập tranh nữa. Thế nên soái ca, anh nghĩ mà xem, từ lúc đó tới bây giờ là bao nhiêu năm thì bức tranh dập trong tay anh đã từng ấy tuổi đời rồi."
Người đàn ông gỉ sắt có lẽ không ngờ được một cô gái còn trẻ trung như vậy lại có thể nói ra những lời này. Anh ngước mắt lên nhìn cô, có vẻ như đánh giá, biểu cảm trên gương mặt toát ra một chút hứng thú.
Người đàn ông mũ hoa ghé sát tới nhìn: "Ha, đây là đồ sao chép."
Thịnh Đường vững vàng tiếp chiêu: "Có được bản sao chép là khá lắm rồi. Bản gốc có tiền cũng chẳng mua được. Chỉ riêng bản sao chép này thôi đã đủ hot rồi, vài phút là hết sạch."
Người đàn ông đội mũ hoa lấy khuỷu tay huých một cái vào người đàn ông gỉ sắt, ý tứ rất rõ ràng. Đôi mắt của Thịnh Đường tinh tường lắm, cô nghĩ thầm trong bụng: Khó ưa quá vậy, uổng phí một nhan sắc đẹp.
"Bán thế nào?" Thật bất ngờ, người đàn ông gỉ sắt hỏi.
Hai trăm, năm trăm... Một ngàn, hai ngàn... Và khi lên tiếng: "Năm ngàn."
***5000 NDT ~ 17.500.000 VNĐ.
Người đàn ông gỉ sắt chỉ một lòng nhìn chăm chú bức tranh in dập, không có phản ứng gì. Ngược lại, người đàn ông đội mũ hoa thì sửng sốt: "Năm ngàn? Cô gái, cô định "chém" khách đấy à. Người Đôn Hoàng chúng ta làm ăn thật thà có tiếng đấy."
"Thật thà chứ, sao lại không thật thà được?" Thịnh Đường thể hiện sự khách khí ngoài mặt, thật ra trong lòng nghĩ: Anh đứng đây "chúng ta" với ai thế hả?
"Ngày trước Đôn Hoàng đâu có chuyện xuất hiện mưa bão? Năm nay khác biệt, khách du lịch giảm đi một nửa, nếu không tranh in dập cũng chẳng thể bán rẻ như thế này. Có giá trị sưu tầm, bên ngoài không mua được."
Người đàn ông đội mũ cười gượng hai tiếng, Thịnh Đường vẫn cười rất vô tội, hiền lương, mặt không đổi sắc.
Mua đồ cò kè mặc cả đến mức xảy ra một cuộc chiến miệng lưỡi là chuyện rất bình thường. Ai dè, người đàn ông gỉ sắt lại không cho Thịnh Đường cơ hội thể hiện chút miệng lưỡi trơn tru. Anh cuộn bức tranh lại thành dạng ống, nói: "Thanh toán bằng wechat đi."
"Được." Thịnh Đường lòng vui như hoa nở. Cô quả nhiên tinh mắt, biết nhìn ra người có tiền.
Không cho đối phương một chút cơ hội nào để hối hận, cô quang minh chính đại, hoặc nói dân dã hơn là vô liêm sỉ, bất chấp ánh mắt với định nghĩa "lừa lọc dối trá" của người đàn ông mặc áo sơ mi trắng, nhanh chóng chìa mã QR ra, rồi lại khẩn trương gói bức tranh lại thật cẩn thận, cuối cùng là gọn gàng tiễn hai vị "thần tài" đi. Xong xuôi!
Cô rảnh rang rút di động từ trong túi quần ra, trả lời vào nhóm "các chị em cây khế": Vừa tự tay chặt chém một soái ca.
Râu ria thì có được tính là đẹp trai không nhỉ?
***
Ráng chiều rớt lại chút tàn, bóng đêm lập tức quét qua thành Đôn Hoàng, nhưng lại không mang đi sự nóng nực. Càng về đêm trời càng oi ả, đi lượn một vòng quanh chợ đêm Sa Châu vẫn mồ hôi mướt mát.
Có không ít gian hàng phải đợi tới khi trời tối hẳn mới mở cửa, tiếng người nói râm ran. Bên này các gian hàng nằm kề sát đua nhau kêu gào. Bên kia đang diễn đoạn hí khúc của Tần Chính Hàm, nếu nghe kỹ thì đó là đoạn trích trong Bát động thần tiên. Con đường dài sáng rực như ban ngày, còn có cả những cô gái quấn khăn lụa bảy màu đang nhảy múa rộn ràng.
Gian đồ ngọt, chiếc ô che bên trên có vẽ hình mây và lạc đà đã được thu lại. Bóng người qua lại không mang theo chút gió nào. Cho dù là cơn mưa bão mấy hôm trước nổi tiếng khắp mạng xã hội cũng chẳng thể giảm nhiệt cho vùng Tây Bắc nóng nực này.
Giang Chấp uống một cốc trà sữa ngọt ngấy, uống đến hớp cuối cùng rồi mà vẫn còn chưa đã đời lắm. Thấy cốc trà sữa đặt ở đối diện không hề được động vào, anh bèn rướn người qua lấy, một giây sau bị Tiêu Dã giữ chặt tay.
"Trong toàn bộ số hang đá Đôn Hoàng, hang Mogao bây giờ còn lại 492 bức, hang Du Lâm còn lại 42 bức, động Phật Tây Thiên còn 19 bức. Hai chúng ta đã xem xét tình hình những động đá này một lượt rồi. Xa hơn nữa là hang đá chùa Bình Linh* ở Lâm Hạ mà đến nay vẫn chưa ai tới phục hồi..." Tiêu Dã rướn người về phía trước, ra hiệu sang bên cạnh tay anh: "Bác sỹ Giang, cậu cảm thấy bức tranh này in dập lại từ hang nào?"
***Chùa Bình Linh là quần thể hang động Phật giáo dọc theo một hẻm núi dọc phía bắc sông Hoàng Hà đổ vào Hồ Lưu Gia Hạp. Về mặt hành chính, nó thuộc huyện Vĩnh Tĩnh, Châu tự trị Lâm Hạ, thuộc tỉnh Cam Túc, về phía đông nam thành phố Lan Châu khoảng 100km. Các hang động được hình thành trong hơn một thiên niên kỷ.
Giang Chấp để mặc cho anh ấy đè lên bàn tay phải của mình, tay trái chống lên mặt, cũng nhìn thẳng vào Tiêu Dã, ngẫm nghĩ một chút, rất lâu sau mới từ tốn đưa ra một câu trả lời: "Có lẽ không phải ở bất kỳ hang đá nào cả."
Tiêu Dã cũng nhìn Giang Chấp chằm chằm, gương mặt tuấn tú, yêu nghiệt nở nụ cười nửa đùa nửa thật: "Bỏ ra 5000 tệ mua một tờ giấy bỏ đi, ý cậu là vậy à? Hơn nữa còn là trả bằng tài khoản của tôi."
Những người đi qua đi lại không có ai không quay đầu lại nhìn chăm chú hai người đàn ông ngồi gần đó trong tư thế mặt đối mặt, tay kề tay. Tư thế này luôn khiến người ta phải liên tưởng xa xôi.
Giang Chấp coi những ánh mắt xung quanh như cặn bã, chậm rãi rút tay về, tiện thể kéo luôn cả cốc trà sữa ấy qua, buông một câu: "Vừa về nước, vẫn chưa học được cách thanh toán qua Wechat." Bạn đang đọc truyện tại Web Truyen Online . com Haha, lý do này nghe thật là đường hoàng lại đầy lý lẽ. Tiêu Dã cũng nghiến răng: Tôi đúng là nợ cậu thật rồi, nếu không phải vì thầy đã dặn đi dặn lại, dặn tái dặn hồi thì...
Suy nghĩ muốn tuyệt giao bị câu nói sau đó của Giang Chấp bóp nát chỉ trong vài phút ngắn ngủi.
"Cũng không thể nói là tờ giấy bỏ đi." Anh lắc lắc cốc trà sữa, đưa ống hút vào miệng, từ tốn uống.
Tiêu Dã đợi mãi không thấy anh nói câu tiếp theo bèn lườm nguýt, gạn hỏi: "Rồi sao nữa?"
Giang Chấp vươn dài cánh tay, mở rộng bức tranh ra từng chút một: "Cậu cũng tham gia vào việc phục hồi không ít bích họa Đôn Hoàng, cậu nhìn thật kỹ xem trên bức tranh có gì kỳ lạ."
Nội dung của bức tranh dập cũng không thể nhìn được đặc biệt rõ nét, dù sao cũng chỉ là bản sao chép, đại khái là bên trên có Phi Thiên vạt áo bay bay, bên dưới có một ca kỹ ngồi thổi sáo đánh đàn, hồ nước bên cạnh sóng xanh lăn tăn, hoa sen nở rộ.
"Chỉ có thể nói là phong cách rất giống với bích họa Đôn Hoàng." Tiêu Dã không quá coi trọng bức tranh dập này.
Anh ấy là người có tư cách nhận xét sắc sảo như vậy.
Tiêu Dã cũng là người xuất thân từ ngành thiết kế nội thất, sau khi về nước cơ duyên thế nào lại tiếp xúc với ngành phục hồi bích họa và từ đó không thể thoát ra. Đương nhiên, ba năm đầu chỉ toàn trộn bùn, cắt cỏ dại. Ba năm sau, với tư cách học trò lâu năm, Tiêu Dã cũng được theo thầy bắt tay phục hồi một bức bích họa tại một ngôi chùa ở Hà Dương. Kể từ ngày đó, coi như anh ấy đã bắt đầu mở rộng con đường trở thành nhà phục hồi văn vật của mình, tập trung chủ chốt vào công việc phục hồi ở mấy hang đá Đôn Hoàng, đặc biệt là có thành tích trong việc áp dụng tính toán vào lĩnh vực phục hồi, tuổi trẻ tài cao.
Thế nên anh ấy nói: "Theo tôi thấy, bức tranh này đã mô phỏng lại bức Lạc Vũ trong hang số 220 tại Mogao."
"Không sai, chính vì rất giống phong cách của hang số 220 thế nên mới kỳ lạ." Giang Chấp gõ gõ lên bức tranh dập: "Người cầm nhạc khí trên này không phải ca kỹ Thiên Cung mà giống người công đức* hơn. Cậu nhìn thêm nhạc khí trong tay họ đi, có nhận ra vấn đề gì không?"
***Người công đức: Chỉ những người vì tôn thờ một tôn giáo nào đó mà dùng tiền bạc, vật phẩm, công sức để làm tượng, đào hang, sửa chữa những kiến trúc tôn giáo, thể hiện lòng thành kính của mình.
"Nói trắng ra chính là đồ giả..." Tiêu Dã lắc đầu, nhưng vẫn tỉ mẩn đánh giá bức tranh dập trước mắt.
Mặt tranh không sắc nét, loáng thoáng nhìn thấy có rất nhiều người công đức đều đang chơi nhạc khí...
Đợi chút.
Tiêu Dã cũng cầm bức tranh dập lên, gần như dán sát mặt vào tranh, rồi bàng hoàng kêu khẽ: "Shit! Không đúng."
Hết chương 2
|
Chương 3: "Bác sỹ" Giang
Quả thực không đúng.
Giang Chấp chậm rãi uống một ngụm trà sữa. Vị ngọt của trà sữa này quả là bốc, ngay cả một người thích uống đồ ngọt như anh mà cũng không đỡ nổi, cuối cùng đã đẩy cốc trà sữa qua một bên. Tiêu Dã đặt bức tranh dập xuống, trừng mắt nhìn Giang Chấp, rất lâu sau mới nói: "Nhạc khí họ cầm trong tay là Shakuhachi*?"
***Shakuhachi là một sáo trúc của Nhật Bản, được đưa vào từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 8 và trong thế kỷ 17 nó được phát triển thành một nhạc cụ để niệm phật của các nhà tu zen. Theo truyền thống Shakuhachi được làm bằng gỗ tre, nhưng bây giờ cũng được làm bằng nhựa hay các loại gỗ cứng.
Ngữ khí của anh ấy ngoài sự sửng sốt ra còn có chút gì không chắc chắn. Nhưng Giang Chấp đã đưa ra một kết luận chuẩn xác: "Chính là nhạc khí Shakuhachi đã tuyệt tích cả ngàn năm."
Shakuhachi còn được gọi là ống tiêu, nhưng giống tiêu mà không phải tiêu, vì nó thường có chiều cao "một tấc tám" mà có cái tên Shakuhachi. Trong Bút đàm mộng khê có nhắc: Loại tiêu dài mà Mã Dung đời Hậu Hán rất giỏi, có lỗ, không có đáy, trên thân đục năm lỗ, một trong số năm lỗ nằm ở mặt sau.
Nó thịnh hành ở đời Đường và sau đời Tống thì tuyệt tích, vậy mà lại xuất hiện trên một bức tranh in dập trông có vẻ như đồ giả?
"Trên bức tranh dập ngoài hình ảnh Shakuhachi ra, còn cả tư thế biểu diễn của những người công đức. Họ đều đang nhìn về cùng một hướng." Giang Chấp nói, rồi chỉ ngón tay lên mấy chấm đen góc trên cùng của bức tranh, miêu tả qua.
Được nhắc nhở, Tiêu Dã cũng phát hiện ra những điều kỳ lạ ấy. Nhân vật trong tranh quả nhiên đều ở trong tư thế ngước nhìn lên trên, giống như đánh đàn, thổi sáo, ca hát cho trời. Nhưng nhìn từ góc độ của người ngắm tranh, những người trong tranh lại giống như đang nhìn lên mấy chấm đen trên đỉnh đầu. Mấy chấm đen đó là gì?
Giang Chấp dĩ nhiên không đưa ra được một đáp án chắc chắn. Anh đan hai bàn tay vào nhau vắt ngược cánh tay lên cao, vươn vai một cái. Khi buông tay xuống, anh gác ngược cánh tay lên lưng ghế: "Tóm lại, bức tranh in dập này không hề đơn giản, rất có thể có nguồn gốc đặc biệt. Thế nên cậu chủ Tiêu, năm ngàn tươi của cậu không phí phạm đâu, coi như mua về một đề tài cho mọi người nghiên cứu."
Tiêu Dã cũng liếc nhìn anh: "Được lắm bác sỹ Giang, thấu hiểu về bích họa Đôn Hoàng của chúng tôi như vậy, không uổng công thầy tôi tốn bao nhiêu công sức mới tìm được cậu về. Nhưng tôi vẫn khá tò mò, cậu đồng ý tới Đôn Hoàng là muốn rửa sạch nỗi oan ngày trước hay đã phục hồi bích họa phương Tây nhiều quá đâm nhàm chán rồi?"
Làm nghề phục hồi bích họa, có người quen được người ta gọi là giáo sư này nọ, ví dụ như thầy của Tiêu Dã, giáo sư Hồ; Có người thích được người ta gọi là anh thợ này thợ nọ, ví dụ Tiêu Dã; Nhưng cũng lại có người được gọi là bác sỹ nào đó, ví dụ như Giang Chấp.
Nhà phục hồi bích họa không phân loại việc. Mỗi một nhà phục hồi sẽ phải thuần thục và nắm rõ từng mắt xích trong công việc của mình để bảo đảm một người có khả năng hoàn thành công việc một cách độc lập. Nói một cách khác, nhà phục hồi bích họa vừa là thợ hồ vừa là thợ xây, vừa là thợ điện lại phải hiểu về lực học, nếu có tố chất về thẩm mỹ học thì vẫn phải biết các kiến thức lịch sử, rành các loại khoáng liệu truyền thống lại vừa phải nắm bắt được các kỹ thuật phục hồi đang đi đầu thời đại ngày nay...
Một nhân tài giỏi giang với những yêu cầu phức tạp như vậy, khi đối mặt với một bức bích họa càng giống như một bác sỹ ngoại khoa phải nhanh chóng chẩn đoán và tìm ra cách điều trị vậy, tranh đấu với thời gian, tái hiện văn minh lịch sử. Đây cũng là nguyên nhân các nhà phục hồi văn vật còn được gọi là bác sỹ.
Nhưng vị "bác sỹ" trước mắt không chịu hợp tác, không trả lời mà nói một câu nửa đùa nửa thật: "Đừng chúng ta chúng tôi như thế, cứ như thể tôi không phải con cháu Viêm Hoàng* vậy." Anh hất cằm về phía bức tranh in dập: "Nói tranh đi, đừng chành sang tôi."
***Con cháu Viêm Hoàng: Chỉ dân tộc Trung Hoa. Viêm Đế và Hoàng Đế được coi là tổ tiên của dân tộc Trung Hoa.
Thôi được rồi, Tiêu Dã cũng biết sẽ chẳng thể hỏi được điều gì từ miệng người này đâu. Họ từng cộng sự, làm việc chung với nhau, Giang Chức là người có tài nhưng không kiêu ngạo, tuy vậy cũng không phải là người rất dễ gần, trong bụng anh nghĩ gì rất khó đoán.
"Lai lịch của bức tranh có lẽ không khó tra ra đâu." Tiêu Dã quay đầu ngó một cái: "Cô gái đó vẫn ở kia, cậu hỏi thẳng cô ấy chẳng phải là xong sao? Tôi thấy vừa rồi cô ấy nói cũng ra trò phết."
Giang Chấp uể oải dựa vào lưng ghế, thu cánh tay về tựa khuỷu tay vào tay vịn, rồi chống tay lên mặt, ngón tay đặt vào bờ môi, ánh mắt xuyên qua tầng tầng lớp lớp những người dân bản địa rơi xuống người cô gái ở gian hàng phía xa. Cô đang nói chuyện với một người đã có tuổi, xem ra cô chỉ đứng đó bán hàng giúp.
"Cô nhóc đó quỷ quái lắm đấy, nhìn thấy cậu đang có hứng thú với bức tranh khắc gỗ của một hàng khác liền cố tình thu hút sự chú ý để cậu tới với gian hàng của mình, biết tôi có hứng thú với tranh in dập nên quyết không giảm dù chỉ một đồng, cố tình làm cho câu chuyện trở nên huyền bí lừa gạt người ta. Hỏi cô ấy ư? Tự tôi đi tra cứu còn nhanh hơn."
Tiêu Dã cố nhịn cười, nghĩ thầm: Hóa ra cậu cũng biết mình bị chặt chém rồi chứ gì. Anh ấy hắng giọng, cố tình nói: "Quan sát cũng tỉ mỉ quá nhỉ. Ban nãy lẽ nào cậu nhắm vào tranh in dập? Có đến mấy bức tranh bị đè ở dưới, làm gì có chuyện cậu mới liếc qua đã thấy. Tôi đoán, cậu thấy con gái nhà người xinh xắn mới sấn sổ tới làm quen thì có."
Giang Chấp vẫn nhìn chăm chú, trong lúc quan sát, ánh mắt dấy lên chút "thổ phỉ", anh cười khẽ: "Đúng là xinh, tay mềm mại, eo cũng thon."
Tiêu Dã cũng nhướng mày, giơ tay chỉ một vòng từ trên xuống dưới người anh: "Khẩu khí lưu manh và hình tượng của cậu đúng là hòa hợp một cách tự nhiên."
***
Cách đó một con đường, Thịnh Đường cũng cảm thấy như có một ánh mắt đang chăm chú nhìn mình.
Cô cảm giác sống lưng mình căng ra. Cô đánh mắt nhìn tứ phía, ngoài những du khách đi qua đi lại và các thực khách đói bụng tới ăn uống, hình như cũng không có tên biến thái nào.
Thịnh Đường xoa xoa cổ, làm dịu bớt cảm giác ớn lạnh ấy, sau đó chuyển hết tiền hàng mình bán được trong hơn nửa ngày nay cho Kỳ sư phụ. Kỳ sư phụ xuất thân làm lính, sau khi xuất ngũ đã bắt đầu bày hàng bán tại chợ đêm Sa Châu, mới đó đã bán quá nửa đời người, có một bàn tay điêu khắc tranh cực đẹp. Mỗi một bức tranh khắc gỗ tại cửa hàng đều do chính tay ông khắc ra, một người mang tinh thần người thợ điển hình.
Mỗi lần tới Đôn Hoàng, gặp lúc rảnh rỗi, Thịnh Đường lại tới đây dạo chơi. Hôm nay cô giúp sư phụ trông cửa hàng, làm bà chủ một lần cho đã. Hai hôm trước trời mưa lớn, Kỳ sư phụ nhiễm lạnh, phải vào bệnh viện truyền nước, lúc về còn xách theo hoa quả và thịt gác bếp tới để tỏ lòng cảm kích.
Thịnh Đường nói gì cũng không nhận: "Cháu và Kỳ Dư là bạn bè nhiều năm rồi. Anh ấy ra ngoài sửa bích họa, cháu qua đây giúp là chuyện nên làm ạ."
Kỳ sư phụ không phải là người giỏi nói lời khách sáo, chỉ ra sức cảm ơn. Tới khi quay đầu lại nhìn số tiền hàng, ông giật nảy mình, sao lại nhiều đến vậy?
Nghe nói số tiền nhiều nhất rơi vào một bức tranh in dập, Kỳ sư phụ xoa tay nói: "Đường Đường, tranh in dập của nhà chúng ta không đáng bao nhiêu tiền, lỡ như người ta hối hận quay lại đòi trả thì..."
Thịnh Đường cười nói: "Tranh in dập này cũng giống như ngọc Kim Ty* ở sa mạc Gobi vậy, gặp phải người ưng ý, chú có báo giá năm mươi ngàn người ta vẫn sẽ mua, gặp phải người không ưng, chú có báo giá năm trăm tệ người ta cũng chê đắt. Kỳ Dư chưa về, cháu đã tự quyết, giúp chú bán được nhiều tiền một chút, số tiền thừa ra chú vẫn có thể mang đi làm từ thiện mà, đúng không ạ?"
***Ngọc Kim Ty: (Thạch anh nham) là loại ngọc quý được phát hiện trên Con đường tơ lụa của Trung Quốc, khu vực biên giới Tân Cương, sa mạc Gobi... có ba màu vàng, đỏ, trắng là chính, có tiềm lực nâng giá trị vô cùng lớn.
Kỳ sư phụ từ nhỏ đã phải chịu khổ cực, thế nên bình thường tôn chỉ sống là tiêu đủ tiền được rồi, thường xuyên quyên góp cho một số trường tiểu học còn khó khăn dưới vùng quê, cũng là ngôi trường ông từng học hai năm hồi nhỏ. Trường tuy thành lập đã lâu nhưng nguồn học sinh có hạn. Một khu vực núi kề núi như thế, đám trẻ muốn đi học được cũng khó khăn vô cùng.
Hôm nay dọn hàng sớm, Thịnh Đường giúp ông bận rộn trước sau, đến mức Kỳ sư phụ nhìn mà cũng xót xa thay cho cánh tay nhỏ và bắp chân nhỏ của cô. Thịnh Đường thì không cảm thấy vậy. Cô nói với Kỳ sư phụ mình là người chuẩn bị vào hang động rèn luyện rồi, chút việc nặng này đáng là bao.
"Vả lại, trước kia mỗi lần cháu vào tận rừng sâu trên núi vẽ cảnh thực là ở liền một, hai tháng, ngày tháng tìm nguồn sống nơi hoang dã cháu đã trải qua rồi."
Kỳ sư phụ biết cô vẽ rất đẹp, bèn nói: "Chú nghe Kỳ Dư kể rồi, cháu định tới Đôn Hoàng ở một thời gian. Cũng tốt, nó sắp về rồi, hai đứa có thể chăm sóc lẫn nhau..."
Thịnh Đường ôm một chiếc hòm to tướng, gần như che kín gương mặt cô, giọng nói của cô vọng ra từ phía sau chiếc hòm: "Kỳ sư phụ, cháu và Kỳ Dư là những người bạn rốt tốt." Cô đặt chiếc hòm xuống đất, nhanh chân nhanh tay dọn dẹp đống tranh chữ.
Những lời thừa thãi cô không nói thêm nữa, chỉ dừng ở đây là được rồi. Kỳ sư phụ cũng là người tinh tế, nghe vậy là hiểu ngay, con trai mình hết hy vọng rồi. Ông thở dài trong lòng: Một cô gái tốt biết bao, vừa xinh xắn vừa có tài, đáng tiếc thật, không thể trở thành con cái trong nhà.
Lúc dọn dẹp tranh in dập vào trong hòm, Thịnh Đường nhẹ tay hơn. Trên sạp hàng có tổng cộng năm bức tranh in dập, ngoài bức hôm nay được mua thì chỉ còn hai bức tranh, trong đó có một bức tranh được sao chép lại thành ba bản, còn lại một bức là in dập hình vẽ chữ "hang Mogao". Cô cầm bức tranh này lên tay, chợt nghĩ tới người đàn ông râu ria mặc đồ màu gỉ sắt đã mua đi một bức. Người đó trông không giống loại dễ dàng bị lừa phỉnh. Lúc đó cô có liếc nhìn qua bức tranh in dập, đúng là hơi kỳ lạ, nhưng cụ thể lạ ở điểm nào thì không thể nói ra được.
Cô quay đầu nhìn Kỳ sư phụ, hỏi lai lịch của bức tranh in dập đó. Kỳ sư phụ cười ha ha: "Chú mua lại thôi, cháu cũng biết đấy, gian hàng này không chú trọng bán tranh in dập, bây giờ tranh in dập có bán được nữa đâu, không ai mua."
Hỏi sâu hơn thì Kỳ sư phụ không rõ nữa.
Thịnh Đường cũng không gạn hỏi thêm, cô nghĩ có lẽ chỉ là một bức tranh in dập không có gì đặc biệt, có thể là đối phương ưng mắt thì sao?
Chắc là vậy...
*Lời tác giả: Các nhân vật phụ như Trình Tần, Du Diệp, Kỳ Dư, Tiêu Dã đều là người tốt... [Nay còn rảnh rỗi nhấn mạnh người tốt luôn =))]
Hết chương 3
|
Chương 4: Vì tôi nóng thôi Hôm sau, không có gì bất ngờ, lại là một ngày sáng sủa.
Khi thức dậy, cổ họng của Giang Chấp giống như bị bốc khói vậy. Anh đã uống quá nửa vại nước mà cổ họng vẫn nóng rát đến phát đau. Còn chưa tới bảy giờ, ngoài cửa sổ đã xuất hiện mặt trời chói chang, nóng nực rồi.
Anh chửi thầm một câu "Mẹ nó". Đối với một người thích sống ở những nơi lạnh giá như anh, khí hậu ở đây chính là thách thức lớn nhất.
Đôn Hoàng là nơi, trong một năm, thời gian mặt trời soi chiếu là hơn 3246 giờ đồng hồ, lượng bốc hơi là 2486mm. Nếu không nhờ một cơn mưa bão hiếm gặp trong năm nay thì bình quân lượng mưa chỉ có 39.9mm. Mùa hè độ nóng có thể lên tới trên 40 độ C, mua đông có thể lạnh tới âm 20 độ C.
Nơi này khô nóng, là thành phố Tây Bắc bị sa mạc Gobi bao quanh tứ phía, nhưng lại là vị trí mấu chốt, trọng điểm của Con đường tơ lụa, sống suốt ngàn năm tới tận ngày nay như một truyền thuyết.
Lúc đánh răng rửa mặt, Giang Chấp đứng trước gương nhìn một lúc lâu, sau đó cầm một con dao cạo xuôi theo ngọn tóc hơi dài kéo tới chân tóc. Từng lọn tóc rơi xuống theo lưỡi dao. Con người có bệnh tâm thần phân liệt, chất tóc của anh cũng bị mắc bệnh tâm thần phân liệt. Lúc hơi dài ra sẽ xoăn tự nhiên, lúc ngắn sẽ lại thẳng đuột.
Anh bôi kem cao râu lên, vuốt bọt khắp mặt. Anh quen dùng dao cạo râu truyền thống, một đường lướt qua, mặt dao hứng đầy bọt trắng và râu, bên dưới mặt dao là một khuôn cằm cương nghị.
Mang theo chiếc cằm vẫn còn sót lại mấy vệt kem cạo râu và một lớp râu vừa mới cạo chỉ còn gốc, anh vào dội nước mát, khi bước ra ngoài, gương mặt trong gương đã rất tuấn tú sạch sẽ, ánh mắt sắc bén, giấu đôi chút lạnh lùng và bất kham.
Lúc anh ra ngoài, hai cô gái ở quầy lễ tân nhìn theo bóng lưng của Giang Chấp, thì thà thì thầm: "Là khách của khách sạn chúng ta sao? Sao không có chút ấn tượng nào nhỉ, đẹp trai quá."
Tiêu Dã cũng đã tới đại sảnh khách sạn từ sớm, xin đểu được tách trà, không biết là dùng nhan sắc lừa gạt người ta hay vốn dĩ phục vụ của khách sạn này đã nhiệt tình như vậy. Tóm lại, lúc nhìn thấy dáng vẻ gọn gàng, sảng khoái của Giang Chấp, dưới cuống lưỡi của anh ấy vẫn còn đọng lại chút ngọt ngào của ngụm trà vừa mới nhấp.
"Nhìn cậu thế này thoải mái hơn nhiều rồi." Tiêu Dã bật cười đứng lên, múa may minh họa từ trên xuống dưới người anh: "Được đấy, tôn sư trọng đạo, chú trọng hình thức là một cách thể hiện lịch sự, một khởi đầu rất tốt." Giang Chấp không nể tình, dội thẳng một xô nước lạnh tưới cho ngày nắng nóng: "Vì tôi nóng thôi."
***
Trong lòng mỗi người đều có một Đôn Hoàng, thành phố bé nhỏ nằm giữa vòng tay của Gobi.
Xa xôi lại hoa lệ. Hàng trăm hàng ngàn năm nay, nó đã đứng sững giữa sa mạc mênh *** không thể nhìn thấy điểm tận cùng, giữa tiếng hồ cầm*, giữa điệu hí khúc lên xuống trầm bổng, giữa điệu múa Phi Thiên.
***Hồ cầm là tên gọi chung của nhiều loại nhạc cụ kéo được sử dụng trong âm nhạc Trung Quốc. Nhiều nhạc cụ tương tự cũng có mặt ở những quốc gia châu Á khác như *** Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Giang Chấp và Tiêu Dã cùng ngồi co cụm trong một chiếc xe van bé hẹp, xe lao đi nhanh như bay. Diện tích của khu thành Đôn Hoàng không lớn, chẳng bao lâu sau trước mắt đã hiện ra Gobi hút tầm mắt. Bánh xe lăn trên lớp đất cát, làm cát bắn lên thân xe, đập rào rào vào cửa kính xe. Lái loại xe này trên kiểu đường này là tốt nhất, chắc chắn.
Tài xế họ Bao, đã lái xe cho viện nghiên cứu Đôn Hoàng được hơn hai mươi năm rồi, đi gió về cát, cả ngày luôn cười ha ha, khéo miệng, là một người Đông Bắc thuần phác, dân dã, da mặt đen sạm vì cháy nắng. Tài xế Bao quanh năm tiếp xúc với những người trong viện nghiên cứu nên mở miệng ra nếu không nói về nghệ thuật hang đá thì cũng nói về cách bảo vệ hang, có vẻ sắp trở thành một học giả học thuật đến nơi rồi. Tiêu Dã hòa đồng, với ai cũng có thể nói chuyện được một cách vui vẻ, hai người họ chém gió hăng say lên tận trời.
Nói mãi nói mãi, họ chuyển sang chủ đề về cơn mưa bão lớn lần này.
"Có những hang đá mất hơn chục năm mới vất vả tu sửa được, nói ngập úng là ngập úng ngay, trộn đầy bùn đất, cát sỏi, cỏ dại, khiến thầy tức đến nỗi cũng phải giậm chân bình bịch." Tài xế Bao nói tới đây chép miệng hai tiếng, rồi thở dài, giọng xen lẫn chút tiếc nuối: "Nếu không sao người ta lại bảo mấy thợ phục hồi, thợ công trình như các cậu chẳng dễ dàng chút nào. Cậu vừa về không biết đấy thôi, thầy cậu khoảng thời gian này không ra hang đá thì cũng tới viện nghiên cứu, hầu như chẳng mấy về nhà. À đúng rồi, Tân Cương có gì thú vị không? Phong cảnh chắc đẹp hơn Tây Bắc chúng ta chứ hả?"
Hai năm nay, Tiêu Dã tới Tân Cương, trợ giúp bên đó công việc phục hồi bích họa, việc phải làm nhiều nhất chính là "nhìn tường hối cải", còn núi xanh nước biếc phong cảnh đẹp của Tân Cương, anh ấy chẳng có thời gian lĩnh hội. Ngẫm nghĩ một chút, anh ấy hắng giọng nói: "À thì... gái Tân Cương rất đẹp."
"Tôi cũng nghe nói rồi, người ta bảo con gái bên đó xinh ngất trời..."
Trong thùng loa chở theo xe đang phát bài "Tín ngưỡng" của Trương Tín Triết. Có thể vì thùng loa đã cũ nên bài hát thi thoảng đang phát lại xen lẫn một vài tiếng rè rè của dòng điện.
Giang Chấp không tham gia vào cuộc đối thoại. Anh ngồi ở vị trí chính giữa hàng ghế sau, đôi chân dài tùy ý vắt vẻo gác lên trước, trên cổ đeo tai nghe nhưng anh không nghe nhạc. Từ đầu tới cuối anh chỉ đau đáu nhìn ra Gobi bị ánh nắng chói chang soi rọi đến nhức mắt bên ngoài cửa xe. Qua một lớp cửa kính mà vẫn cảm giác được cát sỏi như đang sôi sùng sục.
Bài hát trong thùng loa anh chưa từng nghe qua, loáng thoáng có thể phân biệt ra được một vài câu hát: Tôi yêu em, là tín ngưỡng sâu đậm đến thế, vững chắc đến thế...
Có người nói Đôn Hoàng cũng là một loại tín ngưỡng, là kỳ tích vượt qua cả ngàn năm, là sức mạnh vượt lên trên quan niệm thời gian, thần bí bao la, hoang lạnh tráng lệ.
Tín ngưỡng ư?
Giang Chấp nghĩ, có lẽ đối với anh mà nói, nơi đây chỉ đơn thuần là Đôn Hoàng mà thôi.
Tài xế Bao huyên thuyên một hồi rồi đánh mắt nhìn Giang Chấp qua gương chiếu hậu, cười lớn: "Vị này có vẻ không thích nói chuyện lắm nhỉ, cậu mới lần đầu tới Đôn Hoàng sao? Không quen phải không? Tới mùa này sẽ nóng lắm đấy."
Tiêu Dã ít nhiều cũng hiểu rõ tính cách không nóng không lạnh của Giang Chấp, bèn lên tiếng thay anh: "Vùng Đại Tây Bắc này vừa mới tới sẽ không cảm thấy gì, lâu dần sẽ yêu nó, giống như tôi đây..."
"Từng tới rồi." Giang Chấp đáp rất khẽ, ánh mắt không hề rời khỏi khung cảnh bên ngoài cửa xe.
Tiêu Dã dán sát cơ thể cao lớn của mình lại, tò mò trỗi dậy: "Trước kia cậu từng tới Đôn Hoàng sao? Khi nào vậy? Chưa từng nghe thầy nói qua."
Giang Chấp có vẻ coi anh ấy như không khí, Tiêu Dã thấy không moi được thông tin nào, nét mặt bày ra vẻ tiếc nuối. Tài xế Bao liếc nhanh về ghế sau qua gương chiếu hậu để xem xét tình hình, thầm nghĩ trong lòng: Dám thể hiện thái độ với thợ Tiêu à, chắc phải là một người thầy lợi hại hơn nữa đây...
Tai được nghỉ ngơi, Giang Chấp tiếp tục ngắm nhìn "phong cảnh" toàn là cát vàng bên ngoài, thứ xuất hiện trong đầu lại là một gương mặt khác của Đôn Hoàng.
Lần đầu tiên anh tới đây dường như đã là chuyện của kiếp trước rồi, vào đúng đầu tháng tư, lúc mà ban ngày và ban đêm còn có chênh lệch nhiệt độ. Nghe nói, tháng tư của Giang Nam là "Nhất giang yên thủy chiếu thanh lam"*, còn tháng tư của Đôn Hoàng là "Bóng điêu chiều in cát vàng khô". Cát bụi nổi lên thì đất trời mù mịt, dù các cửa hàng hay nhà dân có đóng kín cửa chính cửa sổ đến đâu, quét tay lên đồ đạc vẫn sẽ đầy cát bụi.
***Dịch nghĩa: Nắng chiếu xuống dòng sông, sương mù lan tỏa khắp bầu trời xanh.
Khi gió thổi qua tai sẽ đau nhói vì bị cát đánh vào. Người đi trên đường rất ít. Những ai buộc phải ra đường đều đội mũ đeo khăn, đôi mắt giấu phía sau chiếc kính chắn gió cũng buộc phải nheo lại thành một đường thẳng.
Năm ấy, anh đi một mạch từ Dương Quan, Ngọc Môn Quan, di chỉ thành Hán Trường cho tới thành ma quỷ Yardang, xuyên suốt biên giới phía Tây Đôn Hoàng, thậm chí tới tận Lop Nur*. Ở Gobi, nơi gần như ép người ta vào chỗ chết, đồng hành cùng anh cũng chỉ có cát vàng rợp trời. Có câu "Gió xuân chẳng thể thổi qua Ngọc Môn Quan", Con đường tơ lụa dẫn thẳng vào Bắc Tây Vực ấy, lọt vào mắt anh cũng chỉ toàn là sự hoang lạnh vô cùng vô tận.
***Lop Nur hay La Bố Bạc là một nhóm các hố, hồ muối nhỏ nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag thuộc phía Đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc.
Tiêu Dã lại ghé sát tới, nhỏ giọng hỏi anh: "Cậu tới Đôn Hoàng, chắc chắn không nhận một hang đá tầm thường đâu phải không?"
Giang Chấp rút hết những ký ức về cát vàng trong đầu lại, từ tốn đáp trả anh ấy: "Chẳng hang đá nào ở Đôn Hoàng là tầm thường cả."
Tiêu Dã cũng không giận dữ khi bị anh nhắm trúng chỗ yếu mà kề sát vai mình vào vai anh: "Nhưng mà, hang đá số 0 ấy so với các hang đá khác chắc chắn đặc biệt hơn, đúng không?"
Hết chương 4
|