Vọng Giang Nam
|
|
Chương 5 CHƯƠNG 4 – NĂM NĂM BINH XUẤT VŨ UY MẤY LẦN[1]. Mặt trời gắt gay như hong sấy, thậm chí cả không khí phía dưới cũng không dám lưu chuyển, tất cả đều hanh hao lại bất an khó tả. Chu Kỳ tận lực nghiêm mặt đứng phía sau Tĩnh tây vương, mạnh mẽ đậy lại nỗi thấp thỏm sâu trong tâm khảm. Bên dưới đài cao nơi hai người đang đứng là một thao trường vô cùng rộng lớn, lúc này đây tuy chưa có lấy một bóng người, nhưng chỉ dựa vào tiếng hô quát đồng đều như phô thiên cái địa phía ngoài lấn át cả tiếng gió khô nóng cuồn cuộn nơi Tái bắc cũng có thể thấy được lượng quân số khổng lồ tới mức nào, pháp luật kỷ cương nghiêm ngặt tới bao nhiêu. Tĩnh tây vương chắp tay đứng giữa đài, môi mím chặt, sườn mặt vốn đã lãnh ngạnh lại càng thêm phần lương bạc. Dường như chú ý tới nét mặt cứng ngắc của Chu Kỳ, gã kiêu ngạo nhếch mép, tay phải giơ lên, sau đó mạnh mẽ mà dứt khoát hạ xuống. Sau đó, có một binh sĩ chạy ra giữa thao trường, giương cao một mặt đại kỳ, Chu Kỳ nheo mắt nhìn, nền cờ đen tuyền phần phật nổi bật chữ “Tĩnh” vàng kim, dài chừng cả trượng, đúng là quân kỳ, có lẽ đại diện cho chủ soái. “Thùng thùng thùng…” Hai sườn không ngừng vang vọng tiếng trống giã liên hồi, một toán sĩ binh dần xuất hiện từ phía sườn đông bắc tiến ra thao trường, hàng trăm người đều bước như một, tiếng bước chân hòa vào tiếng kèn lệnh giữa cái yên tĩnh càng phá lệ chói tai, sau đó là tới toán thứ hai, toán thứ ba… Chu Kỳ sững sờ trông theo, chỉ vỏn vẹn một nén nhang, chừng bốn năm nghìn người đã tập kết chỉnh tề giữa thao trường, từ xa trông lại chỉ thấy vô số điểm đen hàng lối ngay ngắn trật tự lấp kín cả thao trường, hệt như những quân cờ đen nhánh trên bàn cờ. Chu Kỳ cũng rõ, những quân cờ này, đều mang theo nanh vuốt sắc nhọn, sát nhân kiến huyết. Lại có mấy giáo úy bước lên trước, quỳ gối hành lễ với Tĩnh tây vương. Tĩnh tây vương gật đầu, dõng dạc: “Bắt đầu đi.” Mấy giáo úy đứng thành một hàng trước toán sĩ binh, sau đó mỗi người rút trong người ra một chiếc cờ con. Chu Kỳ đếm được có tổng cộng năm màu xanh, đỏ, trắng, đen và vàng. Trước khi tới Bắc Cương, Chu Kỳ cũng từng nghiên cứu sơ qua binh pháp, y biết xanh là trực trận, trắng là phương trận, đỏ là duệ trận, đen là khúc trận, vàng là hoàn trận. Vốn cũng không lấy làm ngạc nhiêu nhiều lắm, chẳng qua những bố trận trong dĩ vãng chỉ có một người cầm cờ, đằng này có tới năm người, nội tâm không khỏi âm thầm suy đoán. Trống trận lại dồn vang, năm người lúc thì đồng loạt khi lại chỉ có một hai người phất cờ. Binh sĩ đang đứng yên bỗng chốc di chuyển nhanh như điện, chưa đầy một nén nhang đã phục hồi vẻ trang nghiêm bất động nguyên sơ. Vẻ mặt ai nấy đều bình thản, có lẽ vì thường được chứng kiến cảnh tượng này, nhưng Chu Kỳ thì khác, nhịp tim y đập dồn như trống trận, hàng ngàn con người biến đổi trận hình, mà trừ tiếng quân trang loạt soạt chạm nhau thì không còn bất cứ một tạp âm nào khác. Tĩnh tây vương thấy y sững người mà tự phụ cười, vẫy vẫy tay với y ý bảo tới bên cạnh gã. Chu Kỳ đang phi thường hiếu kỳ, cũng không chối từ, tiến lên nhìn cho rõ. Mấy nghìn người bị chia thành năm, sáu toán nhỏ, trùng trùng điệp điệp, Chu Kỳ chú ý thấy quân kỳ được vây tại hậu phương, từ ngoài vào trong, càng lúc càng hẹp. “Đây là trận Ngư lân[2].” – Tĩnh tây vương nói – “Ngươi thấy sao?” Chu Kỳ khiêm tốn: “Hạ quan là quan văn, không am hiểu binh pháp.” Con mắt Tĩnh tây vương sâu kín khóa trên mặt y: “Làm phụ tá của Bản vương, phải dám nói dám làm, không phải e dè múa rìu qua mắt thợ.” Chu Kỳ cân nhắc nhận xét: “Trận hình này, nhìn chung là tương đối vững chắc, khi nghênh địch, chủ soái đứng vị trí sau cùng, vừa lợi cho việc chỉ huy vừa không bị phân tán, song có duy nhất một vấn đề, đó là nền tảng không vững, hậu phương vô cùng bạc nhược. Nếu như quân địch đánh lén từ phía sau thì chủ soái sẽ rất nguy hiểm.” Tĩnh tây vương có đôi chút kinh ngạc với câu trả lời của y, gã quay ra phân phó gì đó với Trương Khuê đứng bên. Một lúc sau, Chu Kỳ mẫn cảm nhận ra tiết tấu trống trận đột nhiên gấp hơn trước, tựa chừng như ngay cả mặt đài dưới gang bàn chân cũng khẽ rung lên. Mấy giáo úy tay cầm cờ cũng giương đủ loại tư thế, chớp mắt, trận hình đã đổi hình thay dạng, chẳng rõ từ đâu xuất hiện một toán cung thủ vây quanh chủ soái, mà song song với đó, từ hai bên thao trường cũng vọt ra mấy đội kỵ binh bảo hộ hai cánh. Tĩnh tây vương thì thầm bên tai y: “Đây là trận Hạc dực[3], so với trận Ngư lân khi nãy thì thế nào?” Hai người dựa vào nhau thật gần, hơi thở nóng nực cũng chực phả bên cổ y, Chu Kỳ không được tự nhiên mà khẽ nhích ra xa: “Thêm cung thủ và kỵ binh tất nhiên là mạnh hơn nhiều, nhưng cũng lộ rõ vẻ cồng kềnh.” Trên mặt vị Tĩnh tây vương vẽ lên ý cười như có như không, gã không hỏi thêm gì nữa mà nhàn nhã thưởng thức binh sĩ của mình thao luyện. Vì thế, Chu Kỳ may mắn được chứng kiến trận Trường xà[4], trận Linh quy, trận Thất tinh và nhiều trận thế khác. Một ngày hạ xuống, y chỉ thấy đầu óc váng vất quay cuồng, không rõ là vì ánh nắng chói chang nướng chín hay bởi sức uy hiếp của quân đội Lũng Tây. Trời chiều ngả về tây, khói bếp chờn vờn. Trước không thôn xóm không khách ***, Châu gần nhất cũng cách mấy trăm dặm, Tĩnh tây vương hạ lệnh hạ trại ngay tại chỗ. Lính cấp dưỡng lấy ra một chiếc chảo cỡ lớn, nhặt chút củi lửa, kiếm chút thú hoang, nướng qua loa cũng thành một bữa. Chu Kỳ chọn một tảng đá sạch sẽ ngồi xuống, hứng thú quan sát mấy sĩ tốt trẻ tuổi vung quyền uống rượu. “A, huynh đệ, mới tới hả? Ta chưa từng thấy huynh trước đây.” Chu Kỳ nhìn lại, phát hiện ra đó là một thiếu niên hoạt bát, tuổi đời nhiều lắm mới chỉ chừng mười bảy, mười tám tuổi. Y nhỏm dậy, ngồi xuống bên cạnh họ: “Ừ, ta là lục sự mới tới.” Thiếu niên thật thà cười: “Tụi này đều là quân Uy Nhung, huynh thì sao, cũng tòng quân hả?” Chu Kỳ sửng sốt, sau đó thì minh bạch, thiếu niên xuất thân nông gia, với loại quan chức lục sự này cũng không hiểu, y khoan dung cười: “Ừm, cũng xem như là tòng quân, cứ coi như là một tú tài tòng quân đi.” Thiếu niên trợn tròn mắt: “Tú tài? Là người tri thức đó nha. Nào, ta mời huynh một chén.” Chu Kỳ nhận chén rượu trong tay thiếu niên, nhìn về phía những người còn lại: “Mọi người thủ vệ khổ cực, ta cũng kính mọi người một chén.” – ngừng lại một lúc, sửa lời: “Ta mời mọi người một chén.” Đều là hán tử hảo sảng, ai nấy đồng loạt uống cạn một hơi. Thiếu niên nhoẻn cười: “Ta là Vu Tiểu Hổ, còn huynh?” Chu Kỳ có chút men, nói: “Tại hạ Chu Kỳ, đứng hàng thứ ba, bằng không gọi ta là Chu tam cũng được.” Vu Tiểu Hổ hỉ hả: “Vậy gọi ngươi là tam lang đi.” Chén rượu nối nhau, không rõ là ai cất lên làn điệu gia hương trước, cũng không biết là ai nhắc về cha mẹ đầu tiên. Trước mắt là thiên không mênh mang vạn trượng, thấp thoáng ngân hà le lói. Hương rượu trong miệng không phải loại thuần hương liệt tửu, bên tai cũng không phải giọng oanh ca tiểu khúc hồi hương, tình cảnh này cách hưởng thụ xa lắm, vậy mà không biết vì sao, bao gút thắt nhớ nhung gia hương quẩn quanh trong lòng dần dần lắng xuống, Chu Kỳ khóe miệng ngậm ý cười, vừa trông mấy tiểu tử cười đùa vừa đút thêm củi vào đống lửa bập bùng. “Chu lục sự.” – dường như Trương Khuê luôn xuất hiện vào những lúc không được hoan nghênh nhất, bốn phía lập tức im bặt như tờ. Chu Kỳ cau mày: “Có chuyện gì?” Trương Khuê, vẫn cái vẻ ngông nghênh ngạo mạn đó, kiêu ngạo: “Vương gia triệu ngươi qua.” Đám người Vu Tiểu Hổ đều rít mạnh một ngụm , Chu Kỳ từ tốn đứng dậy, cười: “Hôm nay có thể quen biết cũng là cái duyên, chẳng biết bao giờ mới được cùng nâng chén sướng ẩm lần nữa. Ta đây có chút rượu nhạt từ gia hương, để lại cho các ngươi nếm thử.” Dứt lời, Chu Kỳ rút từ trong lòng ra một bầu rượu lục biếc thon nhỏ, nhẹ nhàng đặt xuống mặt đất, xoay người đi. Vu Tiểu Hổ đón lấy, gõ mấy cái đinh đinh đang đang lên thành bầu, rồi ngạc nhiên kêu lên: “Ôi, cái này làm bằng gì đây, nào có đá nào đẹp thế này, không phải ngọc thiệt đó chứ?” Cả đám châu đầu vào xem, ngươi sờ một cái ta vuốt một cái, tới khi ngẩng đầu lên, bóng dáng Chu Kỳ đang sớm biến mất giữa màn đêm u tối. ____________ 1. Tần niên xuất Uy Vũ: Trích “Tái hạ khúc” của Quách Chấn do Phanlang dịch. Nguồn: Tái hạ vũ 2. Trận Ngư lân (trận vảy cá): Đại tướng nằm phía sau đội hình, binh lực tập trung chủ yếu ở giữa. Trận Ngư Lân chia quân lực thành 5 – 6 cụm, tầng này xen kẽ tầng kia, phân phối theo bậc thang. Là loại trận hình tấn công. 3. Trận Hạc dực (trận cánh Hạc): Đại tướng nằm trong đội hình, chủ yếu dùng binh tướng bao vây xung quanh, hai cánh quân trái phải tạo thành hình vòng cung như cánh chim. Là trận hình vừa công vừa thủ. 4. Trận Trường xà: Là một trận pháp cổ, dàn quân đội thành trận thế dài và hẹp. Trận Trường Xà căn cứ vào tập tính của xà mà có 3 loại biến hóa: – Tấn công bằng đầu xà, đuôi di chuyển, cuốn. – Tấn công bằng đuôi xà, đầu di chuyển, cắn. – Thân xà giáp lá cà, đầu đuôi di chuyển, siết. Nhờ có 3 loại biến hòa này mà trận Trường Xà di chuyển tựa như cự mãng xuất kích, công kích sắc bén vô cùng! Đăng bởi: admin
|
Chương 6 CHƯƠNG 5 – HỒ GIÀ DẬY ĐÊM BIÊN THÙY. Cách trướng chủ soái chừng mấy thước, Trương Khuê đột nhiên khựng lại, Chu Kỳ cũng dừng ngay sau hắn ta. Trương Khuê lắng nghe, vẻ mặt thoáng chốc lộ vẻ túng quẫn xấu hổ. Ban đầu Chu Kỳ còn mang chút khó hiểu, không để ý tới tín hiệu của Trương Khuê mà tiến lên mấy bước, sau đó, sững người. Đồng cỏ hoang vu trải bất tận có cuốn lớp bờm ngựa dựng đứng, cuồng phong có gào thét đinh tai nhức óc, Chu Kỳ vẫn có thể nghe thấy tiếng giao hoan thấp thoáng, tiếng thở dốc và rên rỉ liên miên không dứt, khiến người ta mới nghe thôi đã nóng bừng cả vành tai. Chu Kỳ vô thức nhìn sang Trương Khuê đứng bên, thấy hắn ta chỉ một mực cắm mặt nhìn chân, một lời không nói, xem ra đây cũng không phải lần đầu tiên gặp phải tình huống này. Chu Kỳ cười nhạt, ác cảm với Tĩnh tây vương lại trướng ra thêm vài phần. Không biết đã đứng trong bao lâu, cho tới khi hai chân gần như vô giác, âm hưởng bên trong mới ngơi nghỉ. “Vương gia, ti chức đã đưa Chu Kỳ tới.” Phòng trong truyền ra âm thanh cực kỳ mập mờ: “Ừm, để y vào.” Chu Kỳ nhíu mày, cứng rắn nói vọng vào: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính. Hạ quan vẫn nên chờ Vương gia thu thập thỏa đáng xong thì hơn.” Tựa hồ có tiếng cười khẽ của Tĩnh vương gia, sau đó là một chuỗi loạt xoạt vang lên, chừng tròn nén nhang sau, liêm trướng được vén lên, đi ra là một Hồ cơ tuyệt sắc. Chu Kỳ liếc nhìn rồi cúi đầu ngay, nội tâm thầm oán thán: “Khanh bản giai nhân, nại hà tòng tặc[1]…” “Giờ đã vào được rồi chứ?” – Tĩnh tây vương giọng khàn khàn, nghe vào lại khiến người ta liên tưởng lung tung. Trương Khuê giật giật tay áo y, Chu Kỳ vẫn kề cà lưỡng lự, sau đó thì gần như bị Trương Khuê lôi vào trong trướng. Bên trong được bày bố cầu kỳ hơn y tưởng, giữa trướng đặt một chiếc bàn bằng mộc đàn, bên cạnh còn bày một sa bàn[2] rất lớn, Chu Kỳ liếc nhìn, bất động thanh sắc. Trên sa bàn không chỉ sắp xếp tình hình chiến sự tại Tây bắc, Hà Bắc đạo phía Bắc, Lĩnh Nam đạo phương Nam, mà còn có tất cả mười lăm đạo và thực lực binh lực ba trăm sáu mươi Châu của toàn bộ Thiên Khải cũng được hiển thị rõ ràng rành mạch. “Chu Kỳ.” – Tĩnh tây vương đột nhiên gọi. Chu Kỳ ngẩng đầu, lại vội cúi đầu. Tĩnh tây vương tùy ý dựa vào ải tháp, cổ áo trong buông thõng, lộ ra ***g ngực trần chắn nịch, để ý kỹ một chút còn có thể trông thấy ngay dưới bả vai có một vết sẹo hẹp dài. Không khí trong trướng nồng nặc thứ mùi vị đặc thù, liên tưởng đến tình huống vừa rồi, Chu Kỳ chợt hiểu, nhất thời có cảm giác dở khóc dở cười. “Ngươi tới Lương Châu được nửa tháng rồi nhỉ?” Chu Kỳ cung kính đáp: “Hồi Vương gia, hạ quan tới Lương Châu được ba mươi sáu ngày.” Tĩnh tây vương như khẽ cười khẩy: “Mỗi ngày bằng một năm, nhỉ?” Chẳng biết từ lúc nào Trương Khuê đã lui ra ngoài, đối mặt với Tĩnh tây vương quần áo không chỉnh tề, Chu Kỳ chưa thả lòng dù là một nửa tâm phòng bị. “Kiến công lập nghiệp, bái tướng phong hầu vốn là sở nguyện trước nay của Chu Kỳ, lần này có thể may mắn được cống hiến dưới trướng Vương gia chính là cầu còn không kịp, sao dám sống một ngày như một năm?” Một quãng yên tĩnh ngắn ngủi, nội tâm Chu Kỳ thêm phần thấp thỏm âu lo. Tĩnh tây vương chậm rãi cất lời: “Vậy thì tốt. Bản vương thấy ngươi cũng đã nghỉ ngơi hồi phục kha khá rồi, nếu triều đình phái ngươi tới đảm đương chức vụ lục sự cho Tĩnh vương phủ, vậy từ mai đi, ngươi theo Bản vương sao lục văn bộ.” Chu Kỳ khom người: “Ty chức tuân mệnh.” Đang do dự có nên xin cáo lui hay không thì Tĩnh tây vương nằm trên tháp lại hỏi: “Nghe nói ngươi tinh thông trà đạo?” Chu Kỳ khiêm tốn đáp: “Chỉ biết đôi chút.” “Vừa lúc vô sự, ngươi đi pha một bình trà cho Bản vương nếm thử.” – Tĩnh tây vương tùy ý chỉ một ngón tay về phía bàn mộc đàn. Chu Kỳ quay ra nhìn, không mặn không nhạt chối từ: “Vương gia, hiện tại thứ cho hạ quan không thể tòng mệnh.” Âm điệu của Tĩnh tây vương thản nhiên không nghe ra ý tức giận: “Nga? Vì sao?” Chu Kỳ cúi đầu: “Phẩm trà có ba phải, cam tuyền, khiết cụ và tân trà. Nơi đây hoang mạc cằn cỗi, tất nhiên không có cam tuyền. Lũng Tây nằm phía Tây bắc, cách xa sản trà Giang Nam, Hoài Nam và cả Lĩnh Nam, dù có ra roi thúc ngựa vận chuyển đến cũng không còn là tân trà nữa. Thứ ba, Lũng Tây gió lớn cát cuồng, trà cụ sớm đã nhiễm bụi, từ lâu đã chẳng còn khiết. Mặc dù hạ quan không muốn trái ý Vương gia, nhưng cũng càng không thể qua loa có lệ, hạ quan bất đắc dĩ, mong Vương gia lượng thứ.” Tĩnh tây vương cười nhạt: “Có câu này Bản vương muốn hỏi ngươi, ngươi có nhất thiết phải chọc giận Bản vương hết lần này tới lần khác như vậy không?” Chu Kỳ không lấy làm sợ hãi trả lời: “Hạ quan không dám.” “Nếu vậy thì, ngươi về trướng ngủ sớm đi, nhớ, mỗi ngày canh năm đến đây sao chép.” Nhanh chóng trở về trướng, khép lớp lều vải xuống, Chu Kỳ ngã ngồi bệt lên lớp mao chiên, chí giác như cả lưng đã lạnh cóng bởi mồ hôi. Chỉ cần nghĩ tới chuyện sáng sớm mai bắt đầu phải hầu người kia là đã thấy con đường phía trước thật mụt mùng bất trắc. Tâm tư đảo loạn, suy tính phập phồng, trằn trọc tới canh hai vẫn không thấy cơn buồn ngủ. Đang vật lộn giữa trăn trở thì đột nhiên Chu Kỳ khựng lại. Ngoài trường bão cát gào thét pha lẫn tiếng sót tru thấp thoáng, có âm thanh ai thiết chợt vọng về, trầm bổng uyển chuyển, hòa với tiếng sói càng thêm thê lương ai cảm, cái thê lương ấy đánh thẳng vào can tỳ. Viền mắt chợt nóng, lệ bi chợt trượt dài. Từ khi đặt chân tới Bắc Cương, bao nỗi nhớ tận lực áp chế, bao hoài niệm vùng Trung Nguyên chưa dám hồi tưởng đều dâng lên trong tâm khảm, ngưng thần nghe nhạc điệu, Chu Kỳ dần nhận ra nhạc cụ người kia chơi là Hồ già[3]. Hồ già thập bát phách[4], nhất phách ám tiêu hồn, nhị phách đoạn nhân tràng, tam phách giã tâm can… Cùng đường vương lệ, chừng như người này cũng giống y, tâm tư tích tụ, không thể yên giấc, mới lấy âm nhạc ra trải nỗi lòng. Chu Kỳ ngồi dậy, rút bội kiếm, nhẹ nhàng gõ lên thân kiếm thay cho phách nhịp, trầm giọng cất tiếng ngâm. “Thiên vô nhai hề địa vô biên, lòng ta sầu hề khắc khoải cùng bên. Đời người bỗng chốc hề như bạch câu phi nước đại, nỗi sầu hề đeo bám dẳng dai theo năm tháng.[5]“ … Có lẽ vì nghe thấy tiếng ca đầy bi ai của y mà người thổi Hồ già kia như được tiếp thêm nội lực, tiếng Hồ già thoáng chốc vút cao lên mấy lần, như muốn vượt trời cao, xuyên gió ngàn mà lên. Chu Kỳ không khỏi mỉm cười, y đứng dậy, cất tiếng bi ca, “Khói lửa thành đầu chưa từng tắt, chiến trường chinh chiến lúc nào ngưng? Sát khí trùng trùng gõ cửa ải, Hồ phong đêm đêm cuốn trăng tàn. Cố hương cách trở hề âm trần đoạn tuyệt, tiếng khóc vô thanh hề ngậm nuốt vào trong[6].” Hai người như tri âm hỉ phùng, tri âm tri kỷ, đồng thời cũng là những sĩ binh mang nỗi lòng trăn trở. Những con người nơi đây có ai không phải rời xa gia hương, xa cách phụ mẫu thê tử, có thể có một hai người xuất thân từ gia đình quan lại vì công danh lợi lộc mà tòng quân, nhưng phần lớn những người còn lại, hoặc xuất thân phủ quân, hoặc bị điều đi phục dịch, tất cả họ đều là những người xuất thân nghèo khó, tòng quân chỉ vì lẽ bất đắc dĩ mà thôi. Nghe tiếng Hồ già hùng hồn mà bi thương kia, nhớ về cảnh ngộ bản thân, những nỗi chua xót, khổ sở cứ thể nhen nhúm lên, có người âm thầm nức nở, cũng có người lớn tiếng khóc than, nhất thời, từ các doanh trướng đồng loạt dậy tiếng ai than vọng vang bốn phía, nhưng lại vì e sợ quân quyền mà cả vùng hoang dã càng thêm nặng nề tiếng thê lương bị đè nén đến tột độ. Sau đó, tiếng Hồ già đột nhiên im bặt, dư âm không dứt, Chu Kỳ cũng thôi ngâm, tâm trạng thả lỏng, đẩy màn bước ra. Đêm mười sáu, trăng tròn treo cao. Trên đình thai lầu các, trăng chỉ được xem như một thứ để thưởng ngoạn. Còn ở thảo nguyên, ánh trăng bao la gói trọn thiên địa, không còn đăng hoa sặc sỡ, lần đầu tiên Chu Kỳ nhận ra, ánh trăng ảm đạm trong ấn tượng lại có thể rực rỡ và chói lòa đến thế, vời vợi vô tưởng, không thể tỏ tường. Chu Kỳ khẽ cười, nương theo ấn tượng mà vọng về phương hướng người thổi Hồ già: “Chi bằng chiên trướng hạ, cộng ẩm lưỡng tam bôi?” Trời đất mênh mang, chỉ còn bão cát. ___________ 1. Khanh bản giai nhân, nại hà tòng tặc: Khanh vốn là giai nhân, tại sao lại theo giặc. 2. Sa bàn: Bàn cát – hình đồ căn cứ địa, một mô hình thu nhỏ về một đối tượng chủ thể nào đó nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu. 3. Hồ già: Là một loại sáo có ba lỗ lưu truyền trong dân gian Mông Cổ, được mục dân ưa thích. Năm 1985, có một học giả Tân Cương tên A Lạc Thái tới vùng quê Mông Cổ đã phát hiện ra loại sáo này và đặt tên nó là “A Lạc Thái Hồ già.” Thân sáo bằng gỗ, dài 58.5cm, đường kính 1.8cm, phần dưới có đục 3 lỗ làm lỗ âm, đầu trên ống có gắn mảnh lưỡi gà. 4. Hồ già thập bát phách: (Mười tám điệu phách của kèn Hồ Già) là một thiên trong kiệt tác Bi phẫn thi (悲憤詩, Thơ bi phẫn) của nữ sĩ Thái Văn Cơ (tức Thái Diễm, 177–?) thời Kiến An. Bài Hồ già thập bát phách sáng tác theo thể ‘Tao’ (tức Li Tao do Khuất Nguyên sáng lập). Thái Diễm là con của ông Thái Ung (132-192), một nhà văn, nhà sử học và làm quan cuối thời Đông Hán. Ông cũng là người thông thạo âm luật. Thời Hán mạt, nàng Văn Cơ bị quân của Đổng Trác bắt đi lưu đài ở đất Hung Nô (sử Trung Quốc thường gọi là rợ Hồ) kết hôn với vua Tả Hiền Vương và có hai con. Bà sống ở đó 20 năm. Sau nhờ Tào Tháo, vì thương xót bà nên cho sứ giả đem vàng ngọc tới chuộc về nhưng hai con bà bị giữ lại. Trong sự mâu thuẫn giữ niềm vui hồi hương và bị nỗi đau chia ly cốt nhục, bà đã sáng tác Bi Phẫn Thi nói trên. Trước khi đến Hung Nô bà đã có chồng là Vệ Trọng Đạo, nhưng ông này bị bệnh mất sớm nên không có con với bà. Sau khi hồi hương bà tái giá với người cùng quận là Đổng Tự. Có thể coi đây là khúc bi ai nhất trong Thập đại tuyệt tác cổ cầm Trung Hoa. 5. Trích phách thứ 9 trong “Hồ già thập bát phách” – chỉ mối sầu vô biên, hỏi trời cao mà không thấy trả lời. “Thiên vô nhai hề địa vô biên, ngã tâm sầu hề diệc phục nhiên. Nhân sinh thúc hốt hề như bạch câu chi quá khích, nhiên bất đắc hoan nhạc hề đương ngã chi thịnh niên. Oán hề dục vấn thiên, thiên thương thương hề thượng vô duyên. Cử đầu ngưỡng vọng hề không vân yên, cửu phách hoài tình hề thùy vi truyền.” Lược dịch (aka chém by Miss) “Thiên vô nhai hề địa vô biên, lòng ta sầu hề khắc khoải cùng bên. Đời người bỗng chốc hề như bạch câu phi nước đại, nỗi sầu hề đeo bám dẳng dai cùng năm tháng. Oán hận hề vấn trời cao, trời xanh xanh hề vô duyên tới. Ngẩng đầu ngưỡng vọng hề mây mù kín lối, cửu phách hoài tình hề truyền vì ai.” 6. Trích phách thứ 10 trong “Hồ già thập bát phách” – chỉ nỗi oán hận chiến tranh không ngừng. “Thành đầu phong hỏa bất tằng diệt, cương tràng chinh triến hà thì hiết? Sát khí triêu triêu trùng tắc môn, hồ phong dạ dạ xuy biên nguyệt. Cố hương cách hề âm trần tuyệt, khốc vô thành hề khí tương yết. Nhất sinh tân khổ hề duyến biệt ly, thập phách bi Thẩm hề lệ thành huyết.” Lược dịch (aka chém by Miss) “Khói lửa thành đầu chưa từng tắt, chiến trường chinh chiến lúc nào ngưng? Sát khí trùng trùng gõ cửa ải, Hồ phong đêm đêm cuốn trăng tàn. Cố hương cách trở hề âm trần đoạn tuyệt, tiếng khóc vô thanh hề ngậm nuốt vào trong. Khổ cực một đời hề duyến ly biệt, thập phách bi thâm hề lệ hóa huyết dài.” Đăng bởi: admin
|
Chương 7 CHƯƠNG 6 – TÂM NGHI CHƯA TÍN. Mồng bốn, tháng năm, Vĩnh Gia năm thứ ba, Chu lục sự nhậm chức, chính thức tòng thị Tĩnh tây vương. Thời điểm trở về Lương Châu, vì có công sự cần xử lý mà Tĩnh tây vương không cưỡi ngựa, Chu Kỳ cũng vì chức vụ mà được hưởng vinh hạnh được ngồi cùng Vương gia, mặc dù bản thân y rất chi là không muốn. Sau khi sao chép xong công văn của thứ sử các Châu, Chu Kỳ lặng lẽ xoa bóp sống lưng mỏi nhừ, thoáng nhìn qua sa liêm rũ bên ô cửa, bên ngoài vẫn mịt mù cát kim. “Chu Kỳ, cầm ngọc ấn tới đây.” – Tĩnh tây vương không buồn ngoái đầu, ra lệnh. Chu Kỳ kề cà nhỏm dậy, lựa chọn từ trong chiếc tráp lớn: “Cái nào?” Tĩnh tây vương tức giận: “Cái lớn nhất.” Chu Kỳ một tay nhấc ấn ra, nhưng do đánh giá thấp trọng lượng của ngọc ấn mà nhất thời hẫng tay, thấy ngọc ấn sắp rớt ra bên ngoài, cả người y túa mồ hôi lạnh. Tĩnh tây vương đột nhiên nhảy lên, nhanh chóng bắt được ngọc ấn giữa không trung, bản thân gã thì ngã sõng soài trong xe ngựa. Bên ngoài xe chỉ nghe thấy một tiếng “Uỳnh” vọng ra, xa phu tức tốc kéo cương dừng ngựa, sắc mặt trắng bệch, lo lắng chuyến này tiểu mệnh khó giữ. Trương Khuê cũng hung hăng trừng mắt với xa phu, sau thì vội vã thúc ngựa tới gần mã xa: “Vương gia?” Giọng điệu Tĩnh tây vương như bị ngăn bởi một tầng vải dày: “Không có gì.” Trương Khuê lo lắng hỏi lại: “Hay để thuộc hạ vào…” Tĩnh tây vương bực dọc quát: “Cút!” Mã xa lại chậm rãi thúc ngựa lên đường. Chu Kỳ quỳ gối trên thảm cầm ngọc ấn, bên kia là Tĩnh tây vương với sắc mặt xám ngắt. Chu Kỳ giật giật môi, lời đã chấm đầu môi lại nuốt trở vào bụng, cúi đầu, tỉ mỉ xem xét ngọc ấn trong tay, mặt trên ấn có khắc chữ triện đỏ: “Tĩnh vương Phù ấn.” Ra là Hiên Viên Phù, Chu Kỳ âm thầm niệm một lần trong đầu, cũng khá thuận miệng. Không biết bị thương ở đâu mà sau tròn một nén nhang Hiên Viên Phù mới chậm chạp ngồi xuống, Chu Kỳ để ý thấy tay trái gã bám vào thành xe, tay phải thì buông thõng bên người. “Vương gia,” – Chu Kỳ dè dặt hỏi: “Tay ngài?” Hiên Viên Phù tức giận lườm y: “Chắc gãy rồi.” Chu Kỳ cả kinh: “Vậy phải làm sao?” Hiên Viên Phù dùng tay trái vén mành xe, nhìn lướt ra bên ngoài: “Hơn mười dặm nữa là tới Tần Châu[1], đến đó tính sau.” – đoạn gã cắn răng dùng tay trái nâng tay phải, miễn cưỡng thả lên mặt sàn. Chu Kỳ trầm mặc, cho tới khi Hiên Viên Phù ngồi trở lại chỗ cũ như chưa từng có gì xảy ra, y mới se sẽ: “Xin lỗi.” * Khi sắc trời nhuốm sắc tím sậm, đoàn người cũng tới hành quán Tần Châu. Hiên Viên Phù xuống xe, dáng điệu vẫn thoăn thoắt như cũ, uy nghiêm vô thượng. Chu Kỳ cúi đầu theo sau gã, thái độ kính cẩn khác xa dĩ vãng. Dầu rằng Tần Châu không phải đất phong của Tĩnh tây vương, nhưng bởi Lũng Tây toàn dân giai binh, trù trừ đi quân phòng thủ tại một số ít địa phương thì hầu như tất cả đều đặt dưới sự chỉ huy của Tĩnh tây vương, tại Lũng Tây, địa vị của Tĩnh tây vương có thể coi là cao nhất, hành quán trong các Châu cũng đều có quy chế tương đồng với Vương phủ. Trước khi vào phòng trong, gã ném lại một câu: “Xuống nghỉ ngơi cả đi,” – ước chừng như do dự một chốc một lát mới nói thêm: “Chu Kỳ lưu lại.” Bao ánh mắt quái dị đổ về làm Chu Kỳ thoáng khó chịu, máy móc theo gã vào trong. Vừa vào phòng, tấm lưng cương trực của Hiên Viên Phù đột nhiên sụp xuống, Chu Kỳ tiến lên mấy bước muốn đỡ lại bị gã hất ra, đứng gần mới phát hiện, trán gã đã nổi cộm từng hàng mồ hôi hột. Đại để cũng vì xuất phát từ chột dạ mà Chu Kỳ nhẹ giọng hỏi han: “Có cần hạ quan tìm một lang trung cho Vương gia không?” Hiên Viên Phù nhịn đau nói: “Đừng kinh động người khác, ngươi đi kiếm một tấm ván gỗ với ít vải bố lại đây, ta chỉ ngươi làm.” Tuy rằng mang cả bụng nghi hoặc, song Chu Kỳ vẫn án theo lời gã, nhất nhất làm theo. Vừa vén ống tay áo thùng thình của Hiên Viên Phù lên, Chu Kỳ không khỏi sững người, cổ tay gã sưng đỏ cả mảng, còn lẫn cả tấy tím xanh. Vô thức ấn nhẹ, Hiên Viên Phù lập tức hít mạnh, cả giận quát: “Còn ngây ra đó làm gì! Ngu rồi à?” May mắn rằng Chu Kỳ tuy là thư sinh văn nhược nhưng tứ chi cũng không tới mức chưa từng dính qua nhân gian khói lửa, lóng ngóng một lúc cũng cố định được cổ tay bị trật khớp của Hiên Viên Phù, vậy nhưng cũng vì y thuật vụng về mà người bị thương sớm đã nhễ nhại mồ hôi lạnh. Chu Kỳ nhìn nút vải được thắt gọn gàng, có chút tự đắc nhìn sang Hiên Viên Phù. Người kia lại chỉ lạnh lùng nhả ra hai chữ: “Vô dụng.” * Vần qua vần lại cũng tới nửa đêm, ngồi trong phòng, Chu Kỳ tự châm một chén trà cho mình, bắt đầu trầm tư. Biểu hiện hôm nay của Hiên Viên Phù khiến y không khỏi lấy làm kỳ lạ, Chu Kỳ chắc chắn, nếu y không có mặt đúng lúc gã bị thương, nhất định gã cũng sẽ giấu diếm y. Chẳng qua gã là chủ tướng, thương tích là chuyện thường xuyên khó tránh, lý ra nên dẫn theo y quan chăm sóc, đằng này, gã lại cứ cố chấp gánh vác một mình. Ngay cả hôm đầu tiên y tới Lũng Tây cũng bắt gặp phó tướng đang băng bó cho gã, hành sự lén lút thế vậy thật trái lẽ thường. Hay gã sính cường sĩ diện? – ngay cả Chu Kỳ cũng thấy phỏng đoản của mình thật nực cười, Hiên Viên Phù kiêu hùng một đời chứ có phải hài đồng ba tuổi tùy hứng đâu. Đứng dậy đi lại, bỗng nhiên Chu Kỳ dừng lại, mỉm cười. Đặt y vào hoàn cảnh của gã, nếu y nhiễm bệnh tại Lũng Tây, có lẽ cũng không muốn thái y trong Vương phủ tới khám bệnh cho đi? Hiên Viên Phù kiêng dè người ngoài, nguyên nhân e là cũng giống y cả. Có lẽ, ngay cả trong Tĩnh vương phủ, trong số người đi theo gã, có một, hoặc thậm chí là một số người không hề được gã tín nhiệm, gã phòng bị họ còn hơn cả phòng bị một người ngoài như y. Có lẽ, Tĩnh tây vương Hiên Viên Phù cũng không độc bá Lũng Tây, một tay che trời như y tưởng tượng? – cuộc phát kiến này làm tâm trạng vốn ủ dột của Chu Kỳ bỗng chốc phấn chấn lên hẳn. Y mỉm cười với thủ vệ, tận lực ngáp một cái thật to, đóng chặt cửa nẻo, lên giường, hạ màn. Nín thinh nghiêng tai nghe ngóng, sau khi đã xác định ngoài cửa không có âm thanh dị thường nào, y mới móc ra một viên minh châu cỡ nắm tay, ánh quang đủ để chiếu sáng. Mài mực đề bút, dùng cỡ chữ nhỏ nhất viết nhanh lên trang giấy, sau đó cẩn thận cuốn nó thành một cuộn nhỏ, nạy phần đế của chiếc Tiêu vĩ cầm[2] mang theo đến Bắc cương, thả cuộn giấy vào bên trong, bấy giờ, cả người Chu Kỳ đã mướt lớp mồ hôi mỏng, tâm như trống dồn. Dàn xếp ổn thỏa, hài lòng nhìn Tiêu vĩ cầm đã trở về dáng vẻ cổ xưa y nguyên như lúc ban đầu, Chu Kỳ mới trầm ngủ. Trong mộng, là pháo hoa tháng ba rực rỡ Giang Nam. ____________ 1. Tần Châu: Tên gọi khác của tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc. 2. Tiêu vĩ cầm: Một trong tứ đại danh cầm cổ của Trung Hoa. Tiêu vĩ cầm còn được xưng là “Thiêu tào tỳ bà”, hay sau này được biết với những tên như “Tiêu vĩ cầm, tiêu vĩ, tiêu đồng hay tiêu cầm.” Chuyện rằng, Linh đế không nhìn nhận nhân tài khiến Thái Ung nghèo túng tha hương, ở ẩn tại Lật Dương, Tô Châu một thời gian. Tại đây, một hôm Thái Ung đang ngồi trong phòng đàn thở dài, nữ chủ cho thuê nhà nhóm lửa nấu cơm bên vách, nàng đem củi gỗ nhét vào trong bếp, lửa cháy, thanh gỗ phát ra những tiếng “lét két” vang. Thái Ung ngồi cách vách nghe thấy một âm thanh thanh thúy reo lên thì lòng cả kinh, ngẩng đầu dỏng tai nghe trong giây lát, sau tiếp ông hô to một tiếng rồi chạy xộc về gian bếp. Tới trước lò lửa, Thái Ung bất chấp thế lửa cuồng dã mà thò tay vào lôi miếng gỗ ngô đồng đang cháy kia ra. Khi lôi ra, hai tay ông đều bị bỏng, vậy mà Thái Ung lại chả thiết đau đớn, ông kinh hỉ mà vuốt ve tấm gỗ. Cũng may, cứu ra kịp lúc, thân gỗ ngô đồng vẫn còn đầy đặn, Thái Ung mua nó từ nữ chủ. Sau đó ông bào lớp vỏ cây, ấn cung thương, điều âm luật, tinh điêu tế khắc, cẩn thận tỉ mỉ, cuối cùng, sau bao tâm huyết cũng biến khối gỗ ngô đồng cháy dở thành một thanh cầm. Cầm tấu lên, âm sắc như tuyệt âm thiên địa, động tâm trí cực. Sau đó cầm lưu truyền đến ngày nay, là trân bảo hiếm có của thế gian, bởi phần đuôi bị cháy mà được đặt tên là “Tiêu vĩ cầm” – tức cầm có phần đuôi bị cháy. Thái Ung(132-192) tự là Bá Giai, người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam) đời Đông Hán. Đời Hán Hiến Đế, ông làm Tả trung lang tướng nên còn thường được gọi là Thái Lang Trung. Ông là người bác học đa tài, giỏi từ phú, tản văn, thư pháp, tinh thông âm nhạc, thuật số, thiên văn,… Cũng là người đã tạo nên hai loại nhạc khí lưu truyền hậu thế là “Kha đình địch” và “Tiêu vĩ cầm” Đăng bởi: admin
|
Chương 8 CHƯƠNG 7 – LỜI KHI SAY. Lương Châu có khu thanh lâu, tuy không lớn lắm nhưng từ thực tài trà tửu đến đầu bếp ca kỹ đều được vận chuyển từ Trung Nguyên tới, gia cụ văn sức không gì không tinh mỹ, ngày nào cũng tấp nập những quan lại sĩ tử Lũng Tây không tiếc tiền bạc tới thưởng hoa ghẹo nguyệt, vì thế mà chẳng mấy chốc khu này càng ngày càng trở nên đắt đỏ xa hoa. Chu Kỳ ngồi trong Việt Khê lâu, phẩm là trà Tước Thiệt thượng hạng Tây Hồ được mang tới từ Dư Hàng[1], trên bàn là hàng loạt những món ăn điểm tâm Trung Nguyên chính hiệu, bên trái có một nữ tử Tây Thục[2] cặm cụi chia thức ăn rót rượu, bên phải có một mỹ nhân Ngô Trung[3]đang nhẹ nhàng ngâm khúc tiểu ca. Chu Kỳ dựa vào bờ vai mềm mại của mỹ nhân, ẩm mai tửu thuần thanh từ gia hương, khóe miệng ngậm ý cười, song trong sâu thẳm đôi mắt hoa đào lại ảm đạm u tối, ngay cả một nếp nhăn khi cười nơi đuôi mắt cũng chẳng có. Ngô nữ dịu dàng rằng: “Từ lúc tới đến giờ vẫn thấy mặt mày công tử ủ chau, có gì phiền lòng hay chăng? Nếu công tử không ngại chia sẻ, biết đâu chúng em có thể phân ưu cùng công tử.” Đầu ngón tay Chu Kỳ lướt trên khuôn trăng trắng hồng của nàng, như cười như không: “Nét cười tựa hoa, gặp chi mà quên sầu, ta ưu sầu vào đâu?” Ngô nữ cười mắng: “Công tử lại không đứng đắn rồi.” Chu Kỳ đặt chén rượu lên bàn, một tay ôm nàng vào lòng, hít hà hương thơm trên thân mỹ nhân, ngâm nga bằng chất giọng Tô Châu: “Thanh lâu nhi nữ độ trăng tròn, lược ngọc tóc vấn mây ngàn thướt tha. Ngàn vàng học vũ bái ca, mới được dạy khúc ca từ Lương Châu[4].” Ngô nữ che miệng khẽ cười, đón lời: “Thiếu niên yên gấm lỡ hoa câu, say mang trâm ngọc ước cầu thảo hương. Tây phong lầu, nhạn vấn vương, vũ y tan tác hoa dường đảo điên.” – nàng duỗi ngón tay ngọc ngà thon dài, đặt lên trán Chu Kỳ, giọng mềm như lan mà rằng: “Không ngờ công tử cũng biết ca khúc thanh lâu chúng em. Ly hương ngàn dặm có thể gặp được công tử, xem như hữu duyên, chi bằng để em đàn tặng công tử một khúc được chăng?” Chu Kỳ mơ màng mông lung ngắm nhìn nàng Ngô nữ gảy, búng, câu, tì[5], nghe khúc Hán cung thu nguyệt[6], tựa chừng như ngất ngây. Một khúc vừa dừng, Chu Kỳ bỗng cất tiếng: “Muốn thỉnh cô nương tấu một khúc Hồ già thập bát phách, được hay không?” Ngô nữ sửng sốt, gật đầu đáp ứng: “Tất nhiên là được.” Tiếng đàn réo rắt uyển chuyển, song lại mất hùng hồn. Chu Kỳ nhíu mày, phất tay ngang chừng: “Âm sắc này không đúng.” Ngô nữ có chút giận hờn: “Thứ cho em tài nghệ không tinh vấy bẩn tai công tử. Nếu công tử không muốn nghe thì em không đàn nữa.” Chu Kỳ nhỏm dậy, khẽ phân phó với Tố Huyền đứng bên, Tố Huyền dùng dằng mãi mới không cam nguyện đi ra ngoài. “Cô nương đàn rất khá, là cầm này không tốt.” – Chu Kỳ bình thản giải thích, vừa nhấp một ngụm rượu, gắp một chút thức ăn. Một lát sau, Tố Huyền ôm theo một bao vải ì ạch bước vào. Chu Kỳ gật đầu, Tô Huyền hết mực cẩn thận mở bao vải ra, để lộ ra một cổ cầm toàn thân đen nhánh. Ngô nữ vừa lại gần nhìn, thấy phần đuôi cầm hãy còn vết cháy xém thì không nén nổi kinh ngạc mà hô lên: “Tiêu đồng?” Chu Kỳ túy ý gảy một dây cầm: “Thái Bá Giai thấy Ngô nữ đốt khúc gỗ ngô đồng làm củi bếp, nghe tiếng gỗ cháy mới vỡ nhẽ là gỗ tốt, làm nên một thân cầm này, cầm tấu lên thanh cao tao nhã, được thế nhân ca tụng là thiên hạ đệ nhất danh cầm, hậu thế xưng là tiêu vĩ cầm.” Ngô nữ cẩn thận vuốt nhẹ tay lên, trộm liếc Chu Kỳ, ánh mắt hàm ẩn hâm mộ xiết bao. Chu Kỳ có phần túy lúy, cười to: “Xưa có Tào Mạnh Đức tặng Quan Công ngựa Xích Thố[7], nay Chu Phượng Nghi ta lấy tiêu vĩ tặng mỹ nhân.” Tố Huyền vội vàng la lên: “Công tử!” Chu Kỳ ngậm lấy vành tai Ngô nữ, thấy mỹ nhân thẹn thùng liền thản nhiên: “Mỹ nhân cười, thắng thiên kim!” “Hay cho một câu mỹ nhân cười thắng thiên kim!” Ngoài cửa đột nhiên vang tiếng vỗ tay tán thưởng, Chu Kỳ nheo nheo cặp mắt đã ngà say nhìn sang, phát hiện hóa ra đó là người quen. Lô Ngang đứng trước cửa, quần áo xốc xếch, cả người sực mùi phấn son, nhìn là biết mới chui ra từ nơi ôn nhu hương lý nào rồi. Ngày thường Chu Kỳ cũng qua lại ít nhiều với hắn, thế nên mở miệng trêu hắn mấy câu: “Lô huynh thật phong lưu phóng khoáng, không sợ chị dâu ở nhà trách móc sao?” Lô Ngang loạng choạng đi vào: “Nữ có nữ tắc, chuyện của đàn ông, đến phiên đàn bà chen mồm vào sao?” Chu Kỳ thở dài, rót cho hắn một chén rượu. Lô Ngang liếc xéo mấy ca kỹ, nói: “Ta có việc muốn bàn với Chu đại nhân, các ngươi lui ra cả đi.” Mấy người nhìn nhau, ôm cầm bước ra. Chu Kỳ ngẩn ngơ nhìn rượu sóng sánh trong chén, rõ một vẻ uể oải ủ ê. Lô Ngang buồn bã kể lể: “Hồi ta mới đặt chân lên Bắc Cương, kỳ thật cũng chả khác ngươi bây giờ là mấy, ngày nào cũng ủ rũ chán chường.” Chu Kỳ cố ý vặn lại hắn: “Có thể phục dịch dưới trướng Vương gia là hạ quan may mắn, ủ rũ ở đâu nào.” Lô Ngang khẽ thở dài: “Rượu say nhả lời thật, đêm nay ta và ngươi tán gẫu cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi, sáng mai tỉnh lại chẳng ai nhớ rõ.” Đáp lại hắn cũng chỉ có lặng im, Chu Kỳ gục mặt xuống bàn, gà gật rã rời. Lô Ngang như hồi ức những năm tháng xưa cũ: “Đó là chuyện của hai mươi năm về trước, ngươi biết họa Nguyên hữu không?” Không đợi Chu Kỳ trả lời, hắn đã tự lẩm bẩm: “Sau họa Nguyên hữu, Cam Châu[8], Qua Châu[9]đều về tay Đột Quyết[10], Thổ Phiên[11] cũng lợi dụng thời cơ cuỗm lấy Sa Châu[12], Túc Châu[13] và Khuếch Châu[14]. Lũng Tây mang tiếng là tọa ủng mười tám Châu, thực tế chỉ có Lương Châu, Tần Châu[15], Vị Châu[16] và mười một Châu còn lại.” Chu Kỳ khẽ nhíu mày, chuyện này y biết, song không hiểu giờ phút này Lô Ngang đột nhiên nhắc tới là có dụng ý gì. Nốc một ngụm rượu lớn, Lô Ngang lại tiếp tục nói: “Tiên Tĩnh tây vương là ấu đệ của tiên đế khi đó, từ nhỏ đã được sủng ái vô cùng.” Chu Kỳ “A!” lên một tiếng, Lô Ngang cười khẩy đầy trào phúng: “Chắc chắn điều ngươi nghe được là ngài không được tiên đế coi trọng đúng không? Ta cho ngươi hay, nếu không phải đám sĩ tộc đương thời ủng hộ đương kim Thánh Thượng thì có lẽ ngôi vị Hoàng Đế này hiện thời đã là của Vương gia chúng ta rồi.” “Bị gièm pha hãm hại, tiên Vương không còn cách nào khác là mang Vương phi và ấu tử lang bạt từ Trường An trù phú, bôn ba ngàn dặm tới Lương Châu. Lương Châu khi đó cũng không đông đúc trù phú như bây giờ.” – thấy Chu Kỳ chăm chú lắng nghe, hắn giải thích: “Ngươi có nhớ cảnh tượng khi chúng ta đi ngang qua Tần Châu không? Lương Châu khi đó còn thua xa, cả thành trần ngập ngụa bão cát như thành hoang.” Giọng điệu Lô Ngang càng thêm bi phẫn: “Tiên Vương ý chí quật khởi, đại sự chỉnh đốn, không đến một tháng, tình hình Lương Châu đã khác trước rất nhiều. Sau đó, Tiên vương chiêu binh mãi mã với ý muốn thu hồi lại những mảnh đất bị mất. Ai ngờ, ai mà ngờ…” – hắn nức nở: “Chẳng biết là thứ ác tâm nào hãm hại, ko thấy tiên Vương vẫn dốc lòng vì dân vì nước đó sao…” Chu Kỳ mẫn cảm hỏi han: “Chẳng lẽ trong cái chết của tiên Tĩnh tây vương có điều gì mờ ám ư?” Lô Ngang căm phẫn hỏi ngược lại: “Ngươi đã gặp ai bệnh chết mà người be bét máu, chết không nhắm mắt chưa?” Hắn hít sâu mấy hơi, bình ổn tâm trạng, bi thương thều thào: “Vương phi không chịu nổi đả kích quá lớn mà chẳng mấy cũng đi theo tiên Vương, tiểu Vương gia phải đứng ra tiếp quản tước vị, thêm cả cục diện rối rắm khi đó. Lúc ấy, tiểu Vương gia mới có sáu tuổi mà!” Chu Kỳ âm thầm phác thảo lên hình ảnh Hiên Viên Phù sáu tuổi khi đó, tiếc rằng không có kết quả. “Chúng ta đều là cựu thần theo tiên Vương từ Trường An, phụ tá tiểu Vương gia trông coi mảnh đất hoang lạnh này, mười năm âm thầm náu mình để có được Lương Châu hiện tại, lại thêm chục năm chiêu binh mãi mã mới có được quân đội Lũng Tây hiện giờ. Hết thảy có liên can gì với Hiên Viên Giản vênh mặt hất cằm an tọa tại Lạc Kinh kia chứ?” Chu Kỳ thấy Lô Ngang càng nói càng quá đà thì lập tức cắt lời hắn: “Lô đại nhân, tuy đây là Lũng Tây, nhưng dẫu sao cũng tai vách mạch rừng, có mấy lời, bớt nói lung tung vẫn hơn.” Lô Ngang giương mắt nhìn y, bật cười: “Ngươi cũng đâu phải trung thần của Thánh Thượng, Chu gia các ngươi có tính toán của riêng mình mà.” – đoạn hắn vỗ vỗ mu bàn tay Chu Kỳ, “Điều ta biết, tất nhiên Vương gia cũng biết.” ______________ 1. Dư Hàng: thành phố của thỉnh Chiết Giang. 2. Tây Thục: thuộc vùng Tây Nam Trung Quốc, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Thông tin thêm: Thục Hán 3. Ngô Trung: là một quận thuộc thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. – Ngô nữ: ý chỉ nữ tử vùng Tô Châu. 4. Thanh Lâu khúc – Trâu Đăng Long Thanh lâu nhi nữ độ trăng tròn, Lược ngọc tóc vấn mây ngàn thướt tha. Ngàn vàng học vũ bái ca, Mới được dạy khúc ca từ Lương Châu. Thiếu niên yên gấm hoa câu, Say mang trâm ngọc ước cầu thảo hương. Tây Phong lầu, nhạn vấn vương, Vũ y tan tác hoa dường đảo điên. – Được biên soạn và hiệu đính bởi Miss & Miyukj – Hoa: ý chỉ nàng kỹ nữ – Lương Châu từ hay Lương Châu khúc là một điệu hát cổ của người Trung Hoa nói về chủ đề trận mạc, biên ải. 5. Gảy, búng, câu, tì: các kỹ năng đàn. 6. Hán cung thu nguyệt: Một trong thập đại tuyệt tác cổ cầm Trung Hoa. Khúc cầm kể lại tâm tình của cung nữ thời xưa thường bị áp bức, khóc lóc thê lương, gợi nên sự đồng cảm của mọi người. 7. Ngựa chiến Xích thố nổi tiếng của Quan Vũ vốn là ngựa của Đổng Trác. Trác mang tặng Lã Bố để mua chuộc Bố phản Đinh Nguyên về theo mình. Lã Bố bị giết, ngựa về chuồng của Tào Tháo(Tào Mạnh Đức). Tào Tháo muốn lấy lòng ông bèn tặng ngựa xích thố cho ông. Ngựa quý một ngày có thể đi ngàn dặm, sau này theo Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng và lập nhiều chiến tích khác. 8. Cam Châu: là một quận thuộc địa cấp thị Trương Dịch, tỉnh Cam Túc. 9. Qua Châu: là một huyện của địa cấp thị Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. 12. Sa Châu: ngày nay là Đôn Hoàng – một thị xã thuộc địa cấp thị Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. 13. Túc Châu: là một quận thuộc địa cấp thị Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Nó là một trong số 17 quận thuộc tỉnh Cam Túc. 14. Khuếch Châu: nay là bắc Tiêm Trát, Thanh Hải, giáp ranh tỉnh Cam Túc. 15. Tần Châu: là một quận thuộc địa cấp thị Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc. 16. Vị Châu (Vị Nguyên): là một huyện thuộc địa cấp thị Định Tây, tỉnh Cam Túc. 10. Đột Quyết: là tên một liên minh các dân tộc du mục thuộc các dân tộc Turk ở khu vực dãy núi Altai và cũng là tên gọi một hãn quốc hùng mạnh ở Trung Á trong giai đoạn từ thế kỷ 6 tới thế kỷ 7. 11. Thổ Phiên: Thổ Phồn hay Thổ Phiền, là tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc từng thống trị Tây Tạng, khống chế gần như toàn bộ con đường tơ lụa suốt từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 9. Đăng bởi: admin
|
Chương 9 CHƯƠNG 8 – LẦN ĐẦU DÒ XÉT. Đêm đó, Chu Kỳ cùng Lô Ngang đối ẩm tới tận sáng. Chu Kỳ tuyệt đối không tự tin đến mức cho rằng Lô Ngang đột nhiên xuất hiện chỉ để giãi bày tâm sự với y, mặc dù Chu Kỳ y có tuấn lãng thật đấy, nhưng cũng chưa đến mức người gặp người thích vậy đâu. Điều mà y quan tâm hơn cả, là sự xuất hiện của Lô Ngang do ai sai phái, lại với mục đích gì. Suy đoán của y chẳng kéo dài được lâu. Vẻn vẹn ba ngày sau, y đã bị triệu đến tẩm cung của Tĩnh vương, Diên Ninh điện. “Nghe nói mấy hôm trước, ngươi và Lô Ngang uống rượu cả đêm?” Chu Kỳ thẳng thắn thừa nhận: “Hồi bẩm Vương gia, tình cờ hạ quan bắt gặp Lô đại nhân tại Việt Khê lâu, cùng ngồi xuống uống mấy chén, sau đó thì hàn huyên hợp ý mà quên cả canh giờ.” – thấy vẻ mặt gã vẫn âm trầm như trước, y bổ sung thêm: “Hôm sau, chúng thần cũng không tới trễ.” Hiên Viên Phù chằm chằm nhìn y, mà Chu Kỳ cũng gần như không chịu nép vế mà nhìn ngược lại gã, hai người không nhúc nhích, như thể cứ thế mà giằng co cho tới thiên trường địa cửu. Ngay trong quãng thời gian đối diện tưởng như dài dằng dặc ấy, Chu Kỳ lại phát hiện ra một điều khá thú vị trên gương mặt gã. Gần như tức thời y quan tâm hỏi một câu không đúng lúc chút nào: “Vương gia, trên cằm ngài có sẹo ư?” Hiên Viên Phù vô thức giơ tay lên rờ cằm, tiếp đó mới nhận ra mình bị y giắt mũi, thẹn quá hóa giận mà gắt hỏi: “Thì làm sao?” Chu Kỳ chẳng kịp nghĩ ngợi đã buột miệng: “Cằm vuông mà góc cạnh, lại có vết sẹo, người này nhân duyên không thuận buồm xuôi gió, khó có con nối dõi.” – lời vừa dứt, Chu Kỳ hận không thể tát thẳng tay cho cái miệng mình một cái. Quả nhiên, Hiên Viên Phù giận tím mặt: “Chu Kỳ, xem ra ngươi thật sự muốn chôn thây ở Lũng Tây phải không!?” Chu Kỳ thầm thóa mạ cái miệng của mình, lời ra lại khác: “Vương gia chớ vội, tất nhiên vẫn có cách hóa giải mà.” Cơn tức của Hiên Viên Phù tức thì tiêu đi quá nửa, đọng lại chỉ còn cảm giác thoát lực khôn tả. “Nga? Mặc dù Bản vương không tin lời xằng lời xiên của ngươi, nhưng ngươi cứ nói đi xem nào.” Chu Kỳ kiên trì đơm đặt: “Chỉ cần Vương gia nạp một nữ tử đại phú đại quý, tài sinh quan vượng[1] làm phi, tất biến nguy thành an, đông con nhiều phúc.” Hiên Viên Phù khó chịu: “Không cần ngươi quan tâm.” Bị giắt mũi một trận khiến ý đồ triệu y tới đây cũng quên mất ba phần, Hiên Viên Phù rút bội kiếm bên hông ra chà lau, có vẻ như cánh tay phải bị thương của gã đã khá lên nhiều, nhìn không ra chút dị thường nào. Động tác tưởng như vô tình đó, trong mắt Chu Kỳ lại ẩn chứa luồng sát khí mập mờ, khiến cả người y không khỏi cứng lại, lòng phòng bị dâng cao. Sau cùng, Hiên Viên Phù như thuận miệng hỏi: “Đêm qua, trong lúc say, ngươi đã hời hợt tặng một tiêu vĩ cầm vô giá cho một ca kỹ thanh lâu, vừa hay lúc đó có thủ hạ của Bản vương cũng có mặt tại Việt Khê lâu, trông thấy, nên giúp ngươi lấy về đây.” Người Chu Kỳ khẽ run, đầu vội cúi, trong mắt Hiên Viên Phù thật rõ bộ dạng có tật giật mình. Gã gõ gõ tay trên mặt bàn, ngay lập tức có một hoạn quan quỳ lên phía trước, trên tay còn cầm theo một vật gì đó. Chu Kỳ không buồn liếc mắt nhìn lấy một lần, bởi y biết, chắc chắn đó là tiêu vĩ cầm của mình. Hiên Viên Phù gật đầu, viên thái giám dâng cầm lên. Ngón tay ngày thường vẫn múa đao xách thương quét lên dây cầm, tấu lên âm thanh tưng tưng lanh lảnh. Diên Ninh điện mờ tối, cho dù bên ngoài kia dương quang cao chiếu, trong điện lại vẫn dày đặc thứ không khí quỷ dị đặc thù. “Việt Khê lâu, nghe nói, ngay cả một viên gạch, một tấc ngói cũng được vận chuyển từ Giang Nam tới, nói chi tới những mỹ nhân chim sa cá lặn kia.” – hai tay Hiên Viên Phù từ tốn nhấc thân cầm lên, đón lấy tia sáng mỏng manh xiên từ song cửa phía bên mà tỉ mỉ ngắm nhìn. Chu Kỳ lạnh lùng nhìn gã, tâm trạng vừa mới lắng đọng bỗng chốc đã dậy sóng cuộn trào. “A, đây rồi.” – gã lật ngược thân cầm, ngón tay linh hoạt vuốt lên phần đế. Chu Kỳ bước vội lên: “Vương gia, đừng.” “Đừng?” – Hiên Viên Phù cố ý ngân dài, chất giọng khàn đặc đượm vẻ ái muội khác thường. Nhận ra bản thân bị đem ra bỡn cợt, Chu Kỳ nghiêm mặt, không nói không rằng. Hiên Viên Phù cạy mở phần đề cầm, rút ra một cuộn giấy con con. “Chà, quả nhiên là phần tử trí thức có khác, ngay cả giấy cũng được huân hương, thật là phong nhã.” – Hiên Viên Phù tùy ý ném cuộn giấy cho viên thái giám đứng bên, “Đọc.” Vẻ mặt Chu Kỳ vặn vẹo quét mắt nhìn đám hoạn quan thị nữ đứng chung quanh, lướt qua Trương Khuê phía sau lưng Hiên Viên Phù, và cả Lô Ngang đang tránh mình trong một góc tối, y thấp giọng cầu khẩn: “Vương gia, hay là thôi đi?” Hiên Viên Phù lắc đầu thật chậm, gương mặt lãnh ngạnh toát ra ý mỉa mai lờn lợt. Tiểu thái giám mở cuộn giấy, vẻ mặt sững sờ, nhăn nhó nhìn về phía Hiên Viên Phù: “Vương gia, đọc thật ạ?” Hiên Viên Phù mất kiên nhẫn: “Đọc!” Cả cung thất chỉ độc mỗi âm thanh run rẩy của tiểu thái giám: “Phù dung thất sắc diễm lệ rồi, liên hoa cũng rớt lớp điểm trang. Đem hai thứ ấy ra sánh thử, lại cùng thơm tựa hương má hồng.[2].” Diên Ninh điện im phăng phắc, đám nô tì vất vả nín cười, mấy người Trương Khuê đầy vẻ giận dữ, Lô Ngang thì kinh ngạc sững sờ. Mà Hiên Viên Phù, âm tình khó đoán. Chu Kỳ bất đắc dĩ: “Vương gia, hôm nay hạ quan mất mặt, sau này không còn mặt mũi nào dốc sức dưới trướng Vương gia nữa.” Sau một lúc lâu, Hiên Viên Phù đột nhiên bật cười: “Triều đình cấm quan viên phiêu kỹ, Chu Kỳ ngươi quên rồi sao?” – chẳng chờ Chu Kỳ kịp phân bua, gã đã tự quyết định: “Chuyện lần này cứ vậy đi, *** từ diễm khúc này, Bản vương coi như chưa từng nghe thấy. Còn cầm, coi như trừng phạt, Bản vương giữ lại.” Gã đã có một lối thoát, Chu Kỳ cũng chả do dự mà bắt lấy, khom người tạ ơn: “Vương gia khoan hồng độ lượng, hạ quan cảm kích khôn cùng. Cầm này cũng được xem như danh cầm đương thời, tặng cho nữ tử thanh lâu quả thật là uổng phí, lấy ra hiếu kính Vương gia mới là vật tầm đúng chủ.” Hiên Viên Phù ha ha cười: “Được rồi, việc này cứ thế đi. Chu Kỳ, công văn lần trước cho ngươi sao chép đã xong chưa?” Chu Kỳ xấu hổ thưa: “Mấy ngày trước hạ quan bỏ bê buông thả, vẫn chưa…” Hiên Viên Phù khoát khoát tay: “Vậy đi viết đi.” Chu Kỳ khúm núm cáo lui, lại thấy Hiên Viên Phù gọi lại: “Chậm đã.” Gã nhìn Chu Kỳ, ánh mắt ôn hòa đến quái dị: “Ngươi tới đã lâu mà ngay cả tên tự của ngươi Bản vương cũng chưa biết. Một người ngọc thụ như lan hẳn phải có tên tự phong nhã lắm nhỉ?” Chu Kỳ giật nảy mình, không tình không nguyện trả lời: “Tên tự của hạ quan là Phượng Nghi, để Vương gia chê cười rồi.” Gần như y chạy biến về phòng mình giữa tiếng cười như pháo rang của cả Diên Ninh điện. Đóng cửa nẻo, Chu Kỳ lộ một mạt cười khẩy như có như không, bình thản châm một chén trà. Lô Ngang quả là một con cáo già, mặc dù biết y vùi đầu công sự nhưng vẫn ngẫu nhiên bớt ít thời giờ ghé tới thanh lâu, theo lẽ thường thì nó rất hiển nhiên. Song, Việt Khê lâu đến từ Giang Tô, mà Chu Kỳ lại mà người Giang Nam, thường xuyên qua lại ắt phải có mưu đồ. Mỗi lần y đến đó đều cảm thấy có người giám thị, lần này, khi y lấy cầm tặng cho Ngô nữ thì rốt cuộc Lô Ngang cũng không nhịn nổi phải nhảy ra. Tiếc rằng, Lô Ngang vẫn còn tự mãn lắm. Hắn ta biết cầm có vấn đề, cũng đắc ý vì phát hiện ra có cơ quan mật, song lại chẳng dám tra xét trước Tĩnh tây vương. Hắn không biết, vấn đề thực sự, không nằm ở cầm, mà ở bao đựng cầm trên tay Tố Huyền kia. Đêm đó, quả thật Chu Kỳ đã viết những điều y phát hiện lên giấy. Chẳng qua là y không thả nó vào đế cầm, mà nhét vào kẽ may của bao cầm. Chu Kỳ tự đắc mà vui vẻ phẩm trà, thỉnh thoảng ngẫm lại vẻ mặt kinh ngạc của Hiên Viên Phù là tâm trạng lại thoải mái bội phần. Mặc dù không phải nữ tử, nhưng các người chưa từng nghe danh hàng thêu Tô Châu tinh tuyệt khắp thiên hạ sao? Chu Kỳ khẽ ư ử tiểu khúc, đắc ý dương dương. _____________ 1. Tài sinh quan vượng: ý chỉ gia đình giàu có, của cải sinh sôi, quan lộ thịnh vượng. 2. Trích từ bài *** thư “Thập hương từ” tả mười mùi hương trên cơ thể phụ nữ với thứ tự: tóc, ngực, má, cổ, lưỡi, miệng, tay, chân, âm bộ, toàn thân. Thủ thơ trên là thủ thứ ba, tức hương thơm hai má. Chuyện rằng, Liêu Đạo Tông là vị hoàng đế thứ tám của nhà Liêu trong lịch sử Trung Quốc. Đạo Tông trọng dụng một đại thần gian nịnh là bắc viện xu mật sử Ngụy vương Da Luật Ất Tân, còn bản thân ông thì không trực tiếp sửa trị công việc triều chính, mọi việc đều nghe theo lời sàm tấu của Ất Tân. Ất Tân ganh ghét, muốn hãm hại Tiêu Ý hoàng hậu vì bà nhiều lần đứng ra can gián việc triều chính. Ất Tân nhờ người làm một bài thơ, gọi là “Thập hương từ”, rồi sai người vào cung Hoàng hậu nhờ bà chép lại. Tiêu Ý Hoàng hậu là người văn hay chữ tốt, bà bị lừa rằng bài thơ là của hoàng hậu bên nước Tống làm ra, được bà viết cho thì sẽ thành ra một vật báu để lại đời sau. Tiêu Ý hoàng hậu tưởng thật, đọc qua bài thơ cũng thấy hay, bèn biên ra một bức, chữ thiệt đẹp. Cuối bức, còn đề một bài thơ tứ tuyệt của bà làm ra. Sau đó Ất Tân lấy bài thơ đưa lên cho Đạo Tông và vu khống rằng bà có thông gian với linh quan (quan coi giữ nhạc trong cung) Triệu Duy Nhất, nên Đạo Tông đã sai giết chết hoàng hậu vào tháng 11 năm Đại Khang thứ 1, sử gọi đây là “Thập hương từ oan án”. Đăng bởi: admin
|