Bất Du, Không Thay Đổi
|
|
Chương 5
Trần Mật Cam đi công tác về, tay xách nách mang quà cáp cho Cảnh Doãn với Khang Sùng, bánh khoai ba màu bọc phô mai. Tách đôi lớp vỏ bọc đường bột trắng mịn là cốt bánh bông mềm như đám mây, ở giữa giấu miếng phô mai nho nhỏ nửa tan chảy, cắn một miếng, vị bánh hòa quyện vừa ngọt vừa ngậy, nhưng không ngấy. Cô nàng nói lúc trước khi lên máy bay đứng xếp hàng tận nửa giờ ở một cửa hàng nào đó nổi tiếng trên mạng mới mua được. Vội cuống cả lên, thế là giật chộp cái hộp được gói kỹ từ tay ông chủ rồi phi thẳng đến sân bay luôn, bất chấp mặt mũi đang đi đôi cao gót lần trước bị trẹo chân làm một cuộc chạy nước rút lúc cách cổng kiểm soát an ninh còn một trăm mét, cực kỳ vinh quang phá vỡ kỷ lục chạy nhanh từ hồi tiểu học. Cuộc sống đúng là khiến con người ta chạy như bay. “Vất vả rồi, vất vả rồi.” Cảnh Doãn trịnh trọng nói: “Để báo đáp em, tôi nhất định sẽ chuyển hết đống nhiệt lượng này vào cơ thịt.” Y lấy cái bánh mì khoai, vừa định đưa lên miệng, Khang Sùng đã kịp ngoạm một miếng to, khoét tận nửa cái bánh. Hỏi gã sao không tự lấy mà ăn, rằng: “Cướp được trong tay người ta trăm phần trăm ăn ngon hơn của mình.” Chân Cảnh Doãn dưới bàn nhấc lên định đạp tên nọ một cái, gã cầm chén trà quýt vừa uống vừa trốn, bàn ghế bắt đầu va chạm lộp cộp, cốc chén trên bàn cũng chao đảo. Đợi đến khi quần nhau xong, Cảnh Doãn đút nốt miếng bánh còn lại cho gã, cong đốt ngón tay xoa xoa vụn bánh bên môi. Cứ tự nhiên thế, như thể phản xạ có điều kiện. Trần Mật Cam nhón miếng bánh, nhìn đôi trúc mã đầy thờ ơ lạnh nhạt, hừ một cái đầy khinh thường: “Đám trẻ trâu.” Trà quýt hơi đăng đắng, dư vị chan chát, giống quả mùa chưa chín tới, Khang Sùng nhíu mày vì chua quá. Gã vươn cánh tay gác lên đỉnh tựa sô pha, bẻ đường nhìn về quỹ đạo, buộc mình lướt thẳng qua cái gáy lởm chởm tóc của Cảnh Doãn, không miệt mài đeo đuổi theo nét mặt và cái tai hồng hồng của y nữa, với lời gọi phục vụ nam trong nhà hàng kiểu Hồng Kông đang đứng xa xa: “Làm phiền mang thêm một lồng sủi cảo tôm lấp miệng cô nàng này với.” Phục vụ cầm thực đơn nhịn cười quay đi. Trước khi bị chặn miệng, Trần Mật Cam tận dụng cơ hội hỏi gã: “Ê ông anh, ông có biết vì sao Tiểu Doãn “cạo đầu đi tu” không?” Cảnh Doãn nghe hỏi bao lần mặt vẫn như “Nước đổ lá khoai”, quơ quơ tay chẳng nói nên lời, ý bảo chuyện đã tới nước này rồi, đừng nhắc lại thì hơn. Khang Sùng thì lại thở dài, cười nhạt lấy lệ, không muốn giải thích nhiều, dứt khoát đổ hết sai lên đầu mình: “Miệng anh tiện.” “Anh nói gì cơ?” “Anh bảo là… Thôi.” Gã nữa muốn cất lời nửa không: “Dù sao cũng là anh sai.” Sủi cảo tôm tới, một lồng bốn cái. Nhà hàng này không chỉ có khẩu vị chính tông, mà bày biện cũng tinh tế, mỗi nếp gấp bánh đều rất đều đẹp. Đèn trong đây giống như được bố trí có chủ ý, phô ra hết cái hoàn mỹ của món ăn. Nữ sĩ Trần Mật Cam không nhịn nổi chụp mấy cái ảnh chung làm kỷ niệm, may thế cuối cùng nội dung trên vòng bạn bè hôm nay không phải bán thảm nữa rồi! Ăn miếng đầu tiên, cô cắn nghiền lớp vỏ mỏng trắng đục của sủi cảo tôm, hút nước súp trong nhân, nóng mà thơm nồng, nhân thịt đã được khử hết mùi tanh, còn nếm được vị ngọt nhẹ. Thêm miếng thứ hai, nhấm nháp liền tù tì một hơi xong, mới suýt xoa không thôi: “Anh ngừng nói đê, Tiểu Doãn nhà chúng ta cắt tóc xong man hẳn ra, so với tóc dài hồi trước càng có thêm hương vị.” Cảnh Doãn cuối cùng cũng chịu đáp lời: “Hương vị gì cơ?” “Khó nói.” Cô liếm liếm đôi môi còn dính mỡ, bỏ phăng đũa đi, tay không cầm bánh bao kim sa, ăn uống vô độ không hề cố kỵ hình tượng cá nhân trước hai vị anh trai chơi từ bé ngồi trước mặt, rung đùi, chửi thề, búng tay một cái rõ vang, cái tay rảnh kia còn muốn “Chỉ điểm giang sơn”: “Cảm giác anh mang đến cho em chính là, bản chất khác hẳn mấy thằng vô tổ chức chạy la liệt ngoài đường cái, anh —— “ Cô nàng dừng lại ợ một tiếng. “Trông anh cứ khang khác bọn họ thế nào ấy.” Cảnh Doãn mãi không nói chuyện. Qua thật lâu, lâu đến mức Khang Sùng định cứu cánh, y mới chậm rãi uống ngụm trà, thong thả nói: “Anh cứ tưởng cắt ngắn đi rồi mới giống bọn họ chứ.” Cho đến tận hôm nay, Khang Sùng vẫn luôn có chút kháng cự mỗi khi hồi tưởng lại chuyện đã xảy ra ngày đó. Gã có lựa chọn, chọn sự quên lãng gián đoạn, an tâm và phục tùng lâu dài theo quán tính chung sống với nhau từ đó đến giờ, cùng với ảo tưởng rằng mối quan hệ của bọn họ vẫn thuần khiết như trước. Sau đó trong một vài khoảnh khắc hàm súc thâm ý, khi gã không hề phòng bị mà nhớ về, lại khó lòng đối mặt với đủ loại chi tiết lệch lạc. Quá trình này cứ tuần hoàn lặp lại, hại gã hãm vào cái vòng luẩn quẩn, không cách nào buông được, cũng chẳng lấy ra nổi đáp án nào đủ mạnh mẽ thuyết phục bản thân mình nữa. Gã quên sao được. Ngày cuối cùng của tháng năm ấy, Cảnh Doãn vừa khỏi bệnh vặt ngủ trưa dậy, dáng vẻ thân thể trần nhộng ngồi trên giường quờ quạng tìm quần áo. Cái eo thon nhỏ, dáng cổ cao cao; vì phát sốt nên nóng hực, thế là cởi hết quần áo, quấn cái chăn mỏng quanh người. Làn da trơn nhẵn như phát sáng, trắng đến dọa người, mái tóc dài quá vai cột lại tùy ý, vắt qua vai bên trái. Y không đeo kính, mắt hãy còn lim dim, ngáp một cái mệt mỏi, lúc này mới như tỉnh ngủ hắn, phát hiện trong phòng có người ngoài, hoặc căn bản cũng chẳng phải —— Khang Sùng không phải người ngoài. Y nói, cậu đến rồi à. Khang Sùng đáp, ừ, tôi đưa cậu đi bệnh viện. Hết sốt rồi mà. Vẫn cần uống thuốc chứ. Được rồi. Nghe lời tôi. Y ngoan ngoãn, gật đầu lia lịa, lau khóe mắt rớm nước, vươn tay ra trước ngực gãi gãi, chỗ móng tay sạt qua để lại hai vệt hồng hồng. Y không để ý rằng sắc mặt Khang Sùng biến đổi, vất vả lắm mới rời tầm mắt đi được, xoay người đưa lưng về phía y, mở rèm cửa, lại về bên giường, nửa ngồi xổm xuống, ngẩng đầu hỏi y, tôi chờ cậu bên ngoài nhé? Bắp chân y chạm vào vạt áo sơ mi Khang Sùng, lập lờ sau cái cúc áo không cài là lồng ngực đang nhịp nhàng dao động. Ngón chân y cuộn chặt lại, như chính ai kia cũng chợt ghìm chặt hàm dưới. Ánh nắng mặt trời chảy trên sống lưng, khoảnh khắc ấy như dài hơn cả bất tận. Từng chút từng chút, trong tiếng ve kêu càng rộn rã, cả hai con người đều cảm nhận rõ ràng thấy sự biến chuyển bất ngờ, thế nhưng, chẳng còn cách nào khác.
|
Chương 6
Về chuyện Cảnh Doãn nhận ra mình “không giống lắm” mấy thằng con trai khác lúc nào, y cũng chẳng nhớ nữa. Mười mấy năm trước nghe tiếng tim rung động, đến thì cứ đến thôi, cũng không rạch ròi ra là thấy vui mừng hay sầu lo gì, cảm xúc khá nhạt nhẽo, thế nên gộp chung vào đống chuyện vụn vặt không đáng nhắc đến luôn. Đóng gói lại, trong thời dậy thì ngọt ngào ngơ ngẩn như siro của y, chỉ đáng một câu “bình thường”, chẳng đến nỗi khắc cốt ghi tâm. Y không cảm thấy “đặc biệt”, cũng chưa từng băn khoăn lưỡng lự, chỉ an ổn chuyển giao, hết thảy cứ vậy mà thành. Với y mà nói, năm tháng nào đó có lỡ phải lòng ai, thì giới tính, lý do, giống như nắng, râm, mưa, tuyết bốn mùa luân chuyển vậy, đều là quy luật tự nhiên, thế gian có thì thuận, tồn tại tức hợp lí, không tất phải miệt mài đeo đuổi vì sao. Cho nên y không tự hỏi, cũng không thắc mắc với Khang Sùng. Giữa tháng sáu, Thành Táp vào giai đoạn nhiệt độ cao nhất trong năm, ánh nắng mặt trời như thể thanh đao hiếu chiến, đâm thẳng đến khiến mi mắt không tài nào mở nổi. Trời lam biếc, cây xanh mượt, sắc màu đậm đà mãnh liệt, kiêu ngạo khoe mẽ. Mây chạy đi đâu chẳng còn sót tí nào, nước mưa cũng chỉ keo kiệt vài giọt, thỉnh thoảng bố thí xuống thì chốc lát đã bị mặt đường hầm hập như cái bàn ủi làm bốc hơi cho bằng hết. Sáng dậy, Cảnh Doãn ngồi với Cảnh Việt Đông vừa ăn hoành thánh vừa xem dự báo thời tiết, nghe người dẫn chương trình nói tuần tới ngày nào nhiệt độ cũng trên ba lăm. Hai bố con “trăm miệng một lời” cùng thở dài, truyền lọ giấm cho nhau, thỉnh thoảng khuấy khuấy thìa, thổi thổi nước dùng nóng hổi có trứng, rong biển cùng với dầu vừng. Nguyễn Nghiên tự nặn hoành thánh, thành thử viên nặn không giống ngoài hàng cho lắm. Kích cỡ nhỏ hơn, một ngụm vừa miệng, nhân được gói đến là đầy, trên mặt lớp vỏ mỏng mượt còn nhìn được thịt nạc nghiền nhỏ với nấm hương, bên trong có con tôm tươi, gia vị nêm nếm thiên chút ngọt, hợp với khẩu vị cả nhà. Nước dùng được hầm từ xương gà bốn tiếng đồng hồ, gạn kỹ lớp váng mỡ nên màu nước càng trong và ngon mắt, mùi thơm đậm đà tấn công cái mũi, làm thế thì thời tiết này có uống canh vã mồ hôi cũng không thấy khó chịu. Cách giờ đi làm còn mười phút nữa, y như thường lệ súc miệng sau khi ăn xong, rửa mặt, chỉnh trang dung mạo. Ngày ngày nhìn cũng quen dần bộ dạng mình hiện tại trong gương, dù sao có vài thứ đã phai nhạt từ trước rồi. Di động trong túi quần rung rung, y lấy ra nhìn, là đầu đề tin tức mới được gợi ý. “Cảnh báo nhiệt độ cao! Nhiệt độ trung bình toàn quốc so với năm vừa rồi lại xác lập thêm một kỷ lục mới!” Không phải Khang Sùng. Y đến đơn vị. Trời nóng, người mệt nhọc, làm việc gì cũng không có hứng, cả phòng cứ ỉu xìu xìu. Lúc hơn hai giờ chiều đang ngồi rà lỗi, Cảnh Doãn gà gật buồn ngủ, gục trán xuống bàn làm việc, bị đồng nghiệp qua hóng gió điều hòa vỗ một phát bừng tỉnh. Y hơi ngượng, đi nhà vệ sinh rửa mặt nước lạnh, nhỏ hai giọt thuốc mắt rồi xuống máy bán hàng tự động dưới lầu mua chai trà lạnh với bao vỏ quýt sấy, cầm di động trốn ra hàng lang thông gió mát mẻ làm biếng. Tin nhắn của Khang Sùng đến từ nửa tiếng trước, chỉ có một từ: “Ê.” Lúc ấy không kịp trả lời, tên kia cũng chẳng nói gì thêm. Hiển nhiên không phải việc gấp. Xé nhỏ miếng vỏ quýt sấy bỏ vào miệng, nước bọt nhanh chóng ào ra, Cảnh Doãn híp mắt, liếm sạch đầu ngón tay dính lớp áo đường, đại não trì trệ dần khôi phục ý thức. Y gửi lại một chữ: “Ờ.” Lần này Khang Sùng hồi âm đến là nhanh, “Cậu làm gì đấy?” “Vừa mới tỉnh ngủ.” “Làm biếng ghê.” ( 消极怠工 xiāo jí dài gong: Thành ngữ chỉ người lười biếng, không làm việc nghiêm túc.) “Trời nóng quá.” “Ừ há.” Hai người câu được câu không, đều tỏ vẻ không muốn tán chuyện, lại cố tình đào cho bằng được lời để nói tiếp. “Cậu có chuyện gì?” “Gì đâu.” “Thế muốn như nào?” “Không thật.” “Thế giờ bịa bừa một cái đi.” “Giỏi rồi ha, Cảnh Doãn?” “Tôi kệ đó.” “Thế đây bịa ha.” “…” “Đề cử mấy quyển sách cậu đang đọc gần đây đi.” “‘Triều Tao’, ‘Hùng Trấn’, ‘Hạ và Siberia’.” “Rồi tan làm đưa tôi đi mua nhá.” “?” Y áp sống lưng lên vách tường, cố hấp hết cái mát ít ỏi, đưa chai trà thảo dược lạnh bắt đầu tụ nước lên trán hạ nhiệt, nhắm mắt lại một chốc, sau đó đứng thẳng dậy, đá đá chân, về văn phòng. Vỏ quýt sấy còn non nửa bao, y tiếp tục soát tài liệu, soát xong cũng vừa lúc ăn hết, ném miếng cuối cùng vào miệng, tan làm. Hẹn Khang Sùng gặp ở thư viện thành phố, y ngồi tàu điện ngầm qua, không xa lắm, năm sáu trạm gì đấy. Qua trạm soát vé, y nhắn Nguyễn Nghiên về muộn chút, chưa đợi được hồi âm của mẹ đã bị sóng người giờ tan tầm cao điểm ùn ùn xô vào toa xe, chật cứng đến mức chẳng động nổi bả vai. Ra ngoài nhà ga, cảm thấy nhiệt độ xung quanh đã thoải mái hơn nhiều so với buổi trưa. Cái bầu oi nồng bủa vây cả ban ngày cuối cùng cũng có dấu hiệu hạ dần khi chiều xế bóng; vòm trời vẫn trong đến kỳ lạ, ráng nắng tản mạn sắc hồng nhợt nhạt. Y đeo tai nghe lên, ngăn cách hết thảy ồn ã và tạp niệm, cất bước theo nhịp trống, trong lòng vui vẻ lạ lùng. Khang Sùng mới đến được mấy phút, ngồi phía trên bậc thềm đá chờ người, hai chân duỗi thẳng. Cũng chẳng mấy chốc, thân ảnh quen thuộc đã tiến vào khuông nhìn của gã. Áo sơ mi thuần một màu trắng, quần bò đã cũ, kiểu tóc một lời khó nói, dây tai nghe lung liêng trên cổ, một tay khoác túi đeo chéo, gương mặt thanh thuần lại chẳng hề nhàm chán tẹo nào, vẫn quẩn quanh đâu đó chút màu ngây ngô vụng về của học sinh. Khuôn mặt này gã đã ngắm chẳng biết bao nhiêu năm rồi, thời thơ ấu, thiếu niên, rồi thanh niên. Vui vẻ, tự tại, xấu hổ, chán nản. Mọi thời kỳ, mọi biểu cảm, không để lỡ bất cứ gì, không đánh mất chút nào hết. Gã chẳng thấy khuôn mặt này gánh nặng đâu cả, tủm tỉm cười, an yên vậy kia mà. “Sao không vào đi.” Cảnh Doãn bước lên bậc thang, vài sải chân đã đến cạnh gã, phẩy gió quạt quạt áo ướt mồ hôi dính vào người, long long mái tóc dính nắng chiều, để lộ đôi mắt đen đặc, mặt mày trắng đến tưởng như phản chiếu ánh sáng: “Bên trong mát mà.” Hai người cùng vào trong, đẩy cánh cửa thủy tinh nặng nề của thư viện, khí lạnh điều hòa cùng mùi giấy mực sách in tựa như nước biển ập đến vây lấy hai người từ đầu đến chân. Lỗ chân lông chợt co rút, thoải mái đến mức rùng mình một cái. “Chiết tiệt cậu không biết đâu, trong này toàn trẻ con.” Khang Sùng đè thấp giọng: “Tôi lớn tướng thế này mà chen chúc trong đấy trông có khác nào tên ngốc không.” “Nghỉ hè mà, cũng chẳng còn cách nào khác.” Bên trong thư viện dán biểu ngữ “Giữ yên lặng”, “Chú ý âm lượng”, hai người có muốn nói gì là phải dán sát vào nhau, vành tai tóc mai cận kề. Cảnh Doãn ngẩng đầu ghé vào trên hõm vai và sườn mặt Khang Sùng nói chuyện, nhiệt độ cơ thể vấn vương, trong miệng hãy còn vị ngòn ngọt cam quýt khi nãy, đôi mắt buông xuống bỗng nhiên ngước tròn, nhìn đến tim Khang Sùng quắn cả lên. Đồng tử gã run run, quay đầu qua bên kia, nuốt hầu kết, nhấc chân lội qua đám nhóc con đang làm tổ một đống, lúc cất tiếng lên lần nữa ngữ điệu đã khôi phục bình thường: “Các mầm non tổ quốc ới… Cẩn thận giày chú giẫm phải mấy đứa nha.” Sách hai người muốn tìm ở khu văn học nước ngoài, được phân thành bảy tám giá, chỉ còn cách đi loanh quanh lần dò, cưỡi ngựa xem hoa gặp quyển nào hứng thú thì nán lại một chút, lật xem qua, muốn mua thì cầm trên tay luôn. Cảnh Doãn học khoa Văn, Khang Sùng là sinh viên Khoa học tự nhiên nên lĩnh vực quan tâm hoàn toàn khác nhau, có khi tự tách ra, đi qua đi lại một hồi tự nhiên lại chẳng thấy người đâu, cũng không vội chi, đi dọc hành lang, là tìm được thôi mà. Cảnh Doãn đứng trước tủ trưng bày chọn sách báo mới xuất bản và bán chạy gần đây, y xem qua cuốn đọc thử đã gỡ bọc, theo như con mắt chuyên nghiệp và nghề biên tập rèn dũa hằng ngày của mình, y dự cảm là loại mình thích liền lấy một cuốn bọc đẹp đẽ xuống, ôm đống nặng trĩu ấy vào ngực, đi tìm Khang Sùng. Y ra đến chỗ rẽ thì phát hiện trúc mã nhà mình, kiêm người đàn ông y thầm mến, đang nghiêng người dựa giá sách đọc một tập thơ bìa trắng tuyết, cổ hơi khom xuống, ngón tay nâng gáy sách. Trái tim y bỗng nhiên rơi đầy bụi bặm.
|
Chương 7
Y bước đến chỗ Khang Sùng, đặt chân vào cái bóng hẹp dài được ánh chiều tà cắt hình, cúi đầu, nhìn hai đôi chân lồng vào nhau của hai người, trước kia là giày chơi bóng màu trắng, giờ thì giày da nâu. Khang Sùng ngồi dựa xuống bệ cửa sổ, bỗng trông thấp hơn Cảnh Doãn đến tận hai cái đầu, hai chân duỗi dài bất cần, mũi chân thả mở sang hai bên, gần như bao trọn gót giày người ta, rụt thêm chút nữa là chạm rồi, thế nhưng cứ mãi chưng hửng ở đấy thôi. Dường như gã hiểu tường tận lắm, cái cách làm sao để luôn giữ được khoảng cách đúng mực ấy. Cảnh Doãn hỏi: “Tìm thấy sách chưa?” Gã nhún vai: “Còn thiếu quyển nữa.” Trên tầng thứ tư của giá sách “Văn học Nhật Bản” có xếp mấy phiên bản cũ của “Triều Tao”, độ dày, thiết kễ mỹ thuật, cách sắp chữ, giá cả đều khác nhau. Cảnh Doãn lật qua từng quyển, cuối cùng chọn bản bìa mềm khổ nhỏ. “Có tri thức gì à?” Khung Sùng cầm cuốn bìa da cứng lên so. “Phiên dịch.” Cảnh Doãn dùng ngón cái và ngón giữa giữ sách, nghiêng gáy sách qua, chỉ chỉ hàng chữ nhỏ tí dọc gáy sách, phía sau tên sách và tên tác giả, là “Dịch giả”: “Thầy ấy phiên dịch hay, kể cả tìm từ và cách hành văn. Phiên dịch rất quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến sự thoải mái khi đọc đó.” “Gián tiếp ảnh hưởng là cách sắp chữ, khoảng cách giữa các dòng và cách xếp đoạn.” Y vuốt phẳng “Triều Tao”, chồng lên “Hùng Trấn” và “Hạ cùng Siberia”, búp ngón tay sượt nhẹ tay Khang Sùng, “Để mà so, thì bản này được hơn chút.” Khang Sùng cười cười: “Cậu hiểu rõ ghê.” “Thì suy cho cùng nghề của tôi mà.” Quầy thu ngân ở phía cửa vào, bọn họ đi đường cũ ra. Thấm thoắt đám học sinh trong thư viện đã về gần nửa, cảm giác không gian thoáng đãng hơn nhiều. Khang Sùng nhìn đồng hồ, đúng là thời gian không sớm nữa rồi, thuận miệng hỏi Cảnh Doãn một câu: “Cơm tối muốn ăn gì?” Cảnh Doãn không đáp. Y từ từ thả chậm cước bộ, hơi nghiêng nghiêng đầu nhìn chằm chằm một chỗ phía trước như xa như gần hai người. Khang Sùng nhìn xung quanh theo tầm mắt y một hồi, nhìn mãi chẳng thấy chi, người đối diện bỗng nhiên vẫy tay dồn dập với bọn họ. “Úi…!” Là bạn học cấp một lẫn cấp hai của hai đứa. “Má nó, Khang Sùng! Cũng phải mười năm không gặp ấy nhở? Nhìn mãi mới nhận ra!” Tên đàn ông mặc quần cộc áo ngắn tay đang đi trên hành lang quẹo qua, thân thiện chào hỏi, cố ép giọng thật thấp, nhưng vì cảm xúc quá hưng phấn nên nghe ra vẫn hơi chói. Bận tâm đây là nơi công cộng, thế là đành giảm tiếng thành nói thầm: “Này, đây là… Cảnh Doãn?!” Cảnh Doãn đoán trước được đối phương sẽ phản ứng thế này, ung dung nói: “Cắt tóc rồi, không còn cái mà kéo đâu.” “Ơ… Này…” Bạn học trừng trừng hai mắt trước, tiếp sau hơi lộ vẻ xấu hổ, không ngờ y sẽ nói thẳng mặt chuyện cũ từ lâu lẩu lầu lâu như vậy, thẹn đỏ: “Đều là chuyện từ lâu lắm rồi… Cậu đừng nhắc nữa, tôi bị ‘chỉnh’ đến giờ vẫn nhớ lắm!” Cảnh Doãn cười cười, không nói gì nữa. Ba người cùng đi ra quầy thu ngân, Khang Sùng rất tự giác gánh vác nhiệm vụ chuyện trò, tránh cho bầu không khí nhạt nhẽo. Gã đối nhân xử thế chu toàn, giỏi quản lý quan hệ giao tiếp, đương nhiên ứng phó tình hình thế này rất thành thạo. Còn Cảnh Doãn quen thói giả chết kia, biết y lười nói, gã đành mặc bé con thích làm “không khí” vậy. Cảnh Doãn thấy hơi nực cười. Đều là chuyện từ lâu lắm rồi. Thật ra lúc mới vừa lên cấp hai ấy, tên bạn học này “giao lưu thân thiết” với y lắm —— ngày nào cũng ngồi sau giật tóc y. Cậu ta chơi không đủ, còn kéo mấy nam sinh lớp bên nhập bọn, kéo không biết mệt là gì. Hôm nay nổi bật trong trường, hay là được hoa khôi giảng đường nhìn thêm một cái, chẳng hạn gặp mặt không chào hỏi, đều trở thành lý do mấy tên đó tan học chặn người. Mười bốn mười lăm tuổi, cái độ không biết chừng mực lẫn không biết phân biệt rõ thế nào là “vui đùa”, nhìn như tất cả lỗi lầm đều lấy “trẻ con” ra giải thích được. Song, thương tổn mà người “được ban ơn” phải chịu, là thực chất. Đạo lý này Cảnh Doãn hiểu rõ, Khang Sùng cũng vậy. Cho nên sau khi thăm dò được quy luật hành động của đám chết tiệt kia, gã hẹn với Cảnh Doãn, một hôm nào đó cắm chốt trên đường tan trường, đánh cho đã vị bạn học cầm đầu đi bắt nạt này, đánh nó ba ngày không dám đến trường, còn cần cha mẹ đưa đi đón về tận một tháng, có khi tạo cả bóng ma tâm lý luôn không chừng. Nháy mắt mười năm đã qua, người đánh và người bị đánh đều đang đi phía trước y tán gẫu ôn chuyện như chưa hề có gì xảy ra, lại còn trông giống một đôi bạn cũ thân thiết ấy chứ! ^^ Đúng là chuyện lạ trên đời. “Lần sau cùng đi uống rượu chứ hả? Hẹn trước thế nhá!” Tên bạn học này nghiễm nhiên đã quên tiệt ân oán tình cừu mười mấy năm trước, chỉ nhớ ăn không nhớ đánh: “Tôi bắt xe ở đây, hai cậu đi đứng thế nào?” “Bọn tôi tìm chỗ ăn tối.” Ra bên ngoài, Khang Sùng lấy thuốc lá giắt trên tai xuống ngậm, híp mắt giương cằm: “Vẫn chưa biết được, đi đến đâu nói đến đấy vậy.” “Đi đây.” Tên bạn học cười khoái chí, vỗ vai Cảnh Doãn một cái, động tác bình thường mà thân thiết giữa hai người đàn ông: “Thật hâm mộ hai cậu, đến giờ mà quan hệ vẫn tốt thế, sang năm mới có họp lớp tôi sẽ báo các cậu!” “Không dám, không dám.” “Vậy tôi…” Lúc bàn tay thô của đối phương tự nhiên như ruồi vươn tới đầu Cảnh Doãn, ý muốn tiến thêm bước tỏ vẻ hữu hảo nữa, Khang Sùng không chút nghĩ ngợi duỗi thẳng cánh tay, vươn qua bả vai Cảnh Doãn, một tay đánh bật tay tên nọ. Bốp. Chắc chắn không phải vô ý. Tiếng đánh vang rõ, nổ đốp phát bên tai Cảnh Doãn; không chỉ mình y giật mình, mà người qua đường cũng quay đầu qua nhìn. Mặt tên bạn học cứng đờ trong nháy mắt. Khang Sùng vẫn hờ hững, dừng cái tay đang nghịch bật lửa, châm thuốc, hút một hơi, xong mới bình thản lên tiếng, khách khách khí khí xin lỗi. “Ngại quá.” Gã nói: “Phản xạ có điều kiện.”
|
Chương 8
Tên bạn học không muốn ở lại thêm một phút nào nữa, vội vàng vẫy xe taxi, mở cửa khom người, thoắt cái đã hòa vào dòng xe cộ nhập nhoạng ánh đèn tín hiệu chìm ngập cả thành. Cảnh Doãn vẫy vẫy tay với cửa sổ xe, chẳng quan tâm hắn ta không nhìn thấy, bỏ lỡ mất thời cơ đáp lại ý tốt. Chắc là ý tốt nhỉ, y nghĩ. Cầu hòa, nhượng bộ, cành ô liu xua tan hết hiềm khích lúc trước, mọi sự đều như thế. Y chẳng nghĩ nữa, cào loạn tóc, nói Khang Sùng: “Ăn mì lạnh nhé?” Khang Sùng vui vẻ đồng ý: “Đi nào.” Hơn sáu giờ, sắc trời còn sáng, mây mỏng như nhung tơ, gió nóng thổi qua người, hong khô mồ hôi, sót lại cảm giác chẳng ướt nị cũng không sảng khoái lắm, sờ vào cứ dinh dính tay. Hai người ven theo lối đi bộ qua ngã tư đường mờ tối đượm màu cổ xưa. Đường hẹp, quanh co, phải vừa đi vừa chú ý xem có chó xích hay xe đạp đi qua không. Nhà hai bên đều là kiểu lầu thấp, cao nhất không quá ba tầng, tọa bắc hướng nam, loại hình nhà giống nhau, tường ngoài sơn sắc nâu trầm, nồng đậm dư vị thời đại. Xuyên qua ban công bán mở bao ngoài là thấy phòng khách, một người đàn ông trung niên cởi trần đang ngồi trên băng ghế nhỏ hơn người chả biết bao nhiêu lần xem ti vi, phe phẩy quạt lá cọ, trên bàn bày đĩa dưa hấu mới bổ. Trong sân trồng vài cây bạch dương cao ngất thướt tha, năm này qua năm khác đổ bóng râm che mát cuộc sống sinh hoạt bình đạm trong nhà. ( 坐北朝南 Tọa bắc hướng nam: Cửa nhà hướng về phía nam, lưng nhà hướng về phía bắc.) Phía trước hơi dốc xuống, sườn dốc nghiêng độ cung thoai thoải, gió nổi lớn, hai người không hẹn mà cùng thở phào một cái. Ra khỏi khu dân cư này là tới quán mì lạnh quen của bọn họ. Quán mở được gần mười năm rồi, cũng không tu bổ thêm gì, chẳng rộng là bao, nhiều khách quen. Bà chủ là người Triều Tiên, dáng người thon thả, quần áo chỉnh tề trang điểm già dặn. Rõ ràng là mở quán cơm mà trên người chẳng có tí khói dầu mỡ nào, thật khiến lòng người sinh hảo cảm. Khẩu âm lại còn vừa thuần vừa chuẩn tiếng phổ thông, nhà có một cô con gái nhỏ hơn hai người mấy tuổi, học đại học ở thành phố khác. Bà chủ nhận ra hai người, vội ra khỏi phòng bếp, chà qua hai tay lên quần, cười tươi rào đón: “Lâu lắm không gặp à!” Bà hơi phát tướng, da dẻ vẫn đẹp lắm, cười rộ lên híp cả mắt, tóc nhuộm đen, uốn xoăn, trông trẻ trung biết bao, ôm chầm lấy cả Khang Sùng Cảnh Doãn đầy thương mến, như khi hai đứa vẫn còn trẻ con vậy. Trí nhớ bà cũng tốt thật, không đụng thấy đuôi tóc dài dài mềm mềm sau lưng Cảnh Doãn liền cực kỳ ngạc nhiên: “Sao lại mất rồi?” Cảnh Doãn cười ngại ngùng. Ba năm trung học, Cảnh Doãn Khang Sùng với Trần Mật Cam thường chạy ra ngoài ăn cơm trước giờ tự học buổi tối, có đoạn thời gian còn chờ bạn gái cũ của Khang Sùng đi. Chỉ nhớ tính cách cô bé đó khác hoàn toàn Trần Mật Cam, trầm tĩnh, ăn nói nhỏ nhẹ, học giỏi lại xinh xắn, có chút khảnh ăn. Cô còn tưởng nhầm Cảnh Doãn với Trần Mật Cam là một đôi, cuối cùng yêu đương với tên kia được một học kỳ đã chia tay. Sau đó Khang Sùng xốc nổi quen thêm không ít cô bạn gái, cơ mà chỉ được thời gian ngắn, cứ như thể cưỡi ngựa xem hoa, mối nào cũng không dài lâu. Cảnh Doãn hiếm khi can thiệp chuyện tình cảm của gã, không hỏi han gì. Nói là không hỏi, chẳng qua cố tình muốn lảng tránh thôi. “Cô bé kia không đi với hai cậu à?” Bà chủ bưng một phần cơm khai vị cùng kim chi dưa góp miễn phí đến. Kim chi cà rốt củ cải được bày trên đĩa tròn to, cắt thành từng dải dài, quyện trong tương ớt đỏ au. Ba vị cay, ngọt, mặn được cân bằng hoàn hảo, vị nào vị nấy đều tuyệt vời. Dưa bà muối ngon lắm, còn đóng thành túi bán, không ít người “chọn mặt gửi vàng” đâu. “Cô bé nào cơ? À Trần Mật Cam.” Khang Sùng gắp một miếng, đặt đãu xuống khoa tay múa chân: “Chắc là cô nàng này ấy hả? Tóc nấm, đeo kính, chỗ này có nốt ruồi, lúc nào cũng nói liếng thoắng.” Bà chủ chợt ngộ ra: “Ái! Cô bé đó không phỉa bạn gái cậu.” “Cũng không phải của cậu ấy.” Dì chậc chậc lắc đầu: “Thế thì hai đứa kém quá.” Khang Sùng lật qua lật lại thực đơn: “Chúng con gọi món nhé dì.” Cảnh Doãn cười bò ra bàn, hai vai rung bần bật, cười mãi không thôi. Hai người gọi hai bát mì lạnh, hai lon nước có ga, bánh gạo xào thịt ba chỉ, korokke và kimbap. Lúc chờ thức ăn, bốn thiếu niên mặc quần áo thời thượng bàn bên cạnh bắt đầu tám chuyện, là người Hàn Quốc, nói tiếng hàn. Cảnh Doãn vô ý nghe lọt bên tai, hiểu được đúng một từ. Y cầm cốc lên uống trà lạnh. Từ nãy Khang Sùng đã đang trả lời weixin, trên mặt rành rành nôn nóng và không kiên nhẫn. Hỏi gã là ai thế, bèn thu cảm xúc lại, rồi ôn tồn dịu dàng đáp: “Mẹ tôi, bảo tôi cuối tuần đi xem mắt.” Cảnh Doãn gật gật đầu: “Cũng đến lúc rồi.” “Ừ, mẹ chúng ta có hối cậu không? Tôi thấy chắc không đâu nhỉ, mẹ tôn trọng ý muốn của cậu mà.” “Không đâu, lần đầu tôi bảo không thích, sau cũng chẳng thấy mẹ nói lại đề tài này.” “Thích thật ấy. Tôi muốn sang nhà cậu quá chừng.” “Vậy cậu gả qua đây đi.” “Xem cậu nói kìa, tôi không ở rể được à?” Cảnh Doãn cười nhạt dần, y cúi đầu giấu tiệt khuôn miệng cong cong dần ỉu xuống; không thể ủ rũ quá rõ ràng được, lên tinh thần thôi, để người ta không nhìn ra đầu mối sơ hở của mày. Mì lạnh lên trước, mì được chan trong bát inox, vừa mộc mạc vừa sảng khoái. Mì sợi óng mềm tuyệt hảo trụng qua nước lạnh, thêm chút cà chua, dưa chuột thái sợi, miếng thịt hun khói, cùng nửa miếng trứng luộc chậm trong suối nước nóng, tất cả ngâm mình trong nước dùng chua ngọt, trên mặt còn rắc thêm chút hạt mè trắng. Cơ mà món ăn có trông đẹp ra sao thì vẫn sẽ vào lấp bụng thôi. Bánh gạo xào thịt ba chỉ lên bàn ngay tiếp sau, đây là “chiêu bài” của tiệm, khách đến ăn không gọi là lỗ to. Thịt ba chỉ nạc mỡ vừa đủ, trong lúc xào đảo qua đảo lại với bánh gạo nên mùi vị ngấm quyện. Trước khi ăn dùng đũa gắp một miếng chấm đẫm nước sốt, một thịt một bánh vào miệng, nhai nhai vừa mềm vừa dai, thật dễ thỏa mãn biết bao~ Korokke “lên sàn”, cái nào cái nấy căng đầy núc ních, Khang Sùng dùng dao ăn cắt đường chữ thập thành bốn miếng, để trào khoai tây nghiền bơ bên trong, đồng thời nhỏ giọng ám chỉ với Cảnh Doãn: “Bên cạnh nói chuyện high ghê, cậu nghe hiểu không.” Cảnh Doãn uống một ngụm canh mì lạnh: “Tôi chỉ nghe hiểu được một từ ‘Anh’ ” Khang Sùng cắn miếng kimbap, vụn giòn rơi xuống: “Bọn họ là anh em à?” “Không phải đâu.” Cảnh Doãn nói: “Tôi nhớ là người bên ấy… Ngay cả khi không có quan hệ huyết thống, anh em thể hiện sự thân thiết và quan hệ tốt cũng gọi đối phương là ‘Anh’, như kiểu tri kỉ, bạn thân, hay là loại quan hệ… kề cận lắm ấy” Quạt quay thổi gió dội từ đỉnh đầu, mồ hôi sau lưng vẫn lờ nhờ chưa khô hết, nhoáng một cái mát lạnh. Đèn sợi đốt sáng rọi, sự trầm lặng ngắn ngủi tựa giây tấc hơi thở, chân Cảnh Doãn dưới bàn đụng tới đầu gối Khang Sùng, y không động, chẳng tài nào thả nhẹ lòng rồi dựa hẳn vào, cũng rụt lại không nổi nữa. “Hyung.” Y đột nhiên mở miệng, giọng lơ lớ. “Đừng đi xem mắt được không.”
|
Chương 9
Lời nói hạ xuống, lâu thật lâu vẫn không ai lượm lên, Cảnh Doãn rũ đầu, không nhìn mặt Khang Sùng nữa. Cổ họng y như nghẹt lại, rồi đột nhiên vươn tay lấy cái ly, làm một hơi hết sạch trà mát lạnh, uống vội uống vàng, suýt nữa sặc. Bỏ ly không xuống, Khang Sùng nhanh tay rót đầy cho y. Giả dụ y có quan sát kĩ tí nữa, chắc hẳn sẽ thấy tay gã cầm lon nước hơi run run. Hai người im lặng nhìn nhau. Trong quán bật TV, phát thời sự, quảng cáo, phim truyền hình tám giờ. Bà chủ không thích xem, thế là liên tục đổi qua mấy kênh khác. Tận đến khi bát trên mặt bàn bị gió thổi khô cả đi, mặt ngoài phô mai lẫn tương ớt đều đông lại, lòng bàn chân Khang Sùng mới mài mài nền đất, hỏi: “Cuối tuần cậu có việc không?” Y lắc lắc, lại gật gật. Khoảng thời gian giữa cái lắc và cái gật mới thật ngắn ngủi, vậy mà trong động tác biên độ không lớn ấy tưởng chừng cất giấu cả một khoang đầy ứ những lời yên lặng y chưa từng thổ lộ mảy may. Khang Sùng nâng cằm nhìn y, đôi mày nhăn tịt một chỗ, mãi mới dãn ra, phảng phất như trong lòng ngộ được điều gì. Cảnh Doãn nói: “Cậu cứ coi như tôi có đi.” Y buông tiếng thở dài, chất chứa mà dung túng. Mấy thiếu niên đầy hơi thở thanh xuân bàn bên ăn cơm xong rồi, đang tụm lại trước quầy tính tiền, cười nói vui vẻ, náo nhiệt gọi qua ới lại, còn rất lễ phép cúi người chào bà chủ từng tiếng từng tiếng, nói lời tạm biệt. Bà nhiệt tình tiễn đám trẻ ra cửa, quay lại quầy thấy hai người cũng ra tính tiền, ý cười trên mặt vẫn rộ lắm: “Ăn no chưa?” “Rồi ạ.” “Sau này qua thường xuyên nhé.” “Vâng ạ.” Khang Sùng quét mã trả tiền, cất di động, móc bao thuốc lá ra, vừa ngậm thuốc lên miệng đã bị bà chủ tay mắt lanh lẹ vỗ bộp một cái. “Cái thằng nhỏ này, thật là!” Bà phút chốc giận tái mặt, nạt gã: “Lớn rồi mà chẳng biết quý trọng thân thể gì cả! Hút ít thôi!” Miệng răn dạy, tay vừa đưa xuống quầy lần dò, tiếng túi ni lông loạt xoạt một lúc, bà lấy hai quả quýt hồng ra, tròn vo, óng vàng, đưa hai đứa, mỗi thằng một quả, không cho phân bua gì hết. Quả của Cảnh Doãn hãy còn cuống lá xanh mượt, y áng chừng, cảm giác vừa đầy cả lòng bàn tay. Lớp vỏ sần sần được bao ngoài thêm lớp sáp nhẵn thin, niết niết mấy cái dường như cảm nhận được cả thịt quả căng mọng núc ních bên trong. Đưa lên mũi ngửi ngửi, mát lành, chua ngọt; nom mới hái từ cây chưa được bao lâu, vẫn phảng phất sinh khí vườn quả nông thôn lẫn mùi đất nhạt nhòa. “Cho này, cầm trên đường mà tráng miệng sau ăn. Ngọt lắm.” Bà cam kết đảm bảo trăm phần trăm đáng tin: “Có cái này rồi không thèm khói nữa đâu.” Hai người cầm quýt về nhà, cả đường chỉ nắm trong tay. Sau khi tắm xong, tóc còn hơi âm ẩm, Cảnh Doãn đọc sách như thường lệ. Y bật đèn bàn học lên, mở toang cửa sổ phòng ngủ, mó tay bóc vỏ quýt, cẩn thận nhặt xơ quýt trắng trắng ra, đặt quả trên lớp vỏ được bóc nom xòe như đóa hoa, thêm tách trà, hộp giấy ăn, cùng bày ra xa khỏi chỗ để sách vở. Không giống với nhịp sinh hoạt tất bật xốc nổi của phần lớn người trẻ, bàn học của y được sắp xếp cực kỳ sạch sẽ, nhìn một loáng là thấy hết, chỉ có mấy đồ nho nhỏ, sách, lọ bút, chậu cây bé xanh xanh. Thậm chí chẳng có cả máy tính, bởi vì bàn học dùng để đọc sách, một mục đích duy nhất đến gần như thuần túy, thế nên y không để thêm bất cứ đồ “Không liên qua đến hoạt động trên bàn” nào, từ nhỏ đã dưỡng thói quen vậy rồi. Y còn thích viết thư, trích dẫn, sưu tầm đĩa nhạc và tem, chẳng khác nào mấy sở thích của người thế kỷ trước. Nhớ lại hồi sinh nhật mười tám tuổi, Khang Sùng dành chút tiền đi làm thêm hai tháng hè mua tặng y một đĩa than nhạc jazz làm quà, tặng xong mới phát hiện ra còn phải mua cả máy hát đĩa nữa, thế là xém tí phát hỏa luôn tại chỗ. Cảnh Doãn dở khóc dở cười, đáp lễ tên kia một đôi giày chơi bóng bản giới hạn. Đôi giày ấy gã đi đến khi cũ mèm vẫn không vứt, giữ gìn mãi đến tận giờ, cả hộp giầy cũng để dưới gầm giường. Mà đĩa nhạc kia Cảnh Doãn vẫn chưa bỏ đi, cứ bọc cẩn thận bằng giấy báo đặt trên giá sách, chẳng quản chuyện đã nghe hết từ đời nảo đời nào. Hôm nay bạn nhỏ lầu trên không luyện đàn piano, y chìm vào giấc ngủ sớm hơn thường ngày, một đêm an bình, tận đến rạng sáng bốn giờ bị mộng bừng tỉnh, lăn qua lộn lại mãi vẫn không buồn ngủ được nên dậy thay quần áo ẩm mồ hôi, uống cốc nước sôi để nguội rồi ra ban công đứng tần ngần. Gió lành lạnh ngậm hơi nước, phe phẩy qua mặt y. Tời âm u như muốn mưa, mây trĩu nước nặng nề tụ đầy trời, sương mù xam xám gờn gợn bao quanh cả nửa thành Táp, cảnh vật gần xa như mờ như tỏ. Y nhoài người trên lan can chốc lát, nghĩ muốn hút điếu thuốc giết thời gian, lại nhận ra mình cũng có biết hút đâu. Hôm nay là thứ bảy, sáng sớm Khang Sùng đã vượt mưa đến công ty tăng ca, ý muốn mượn danh nghĩa công việc trốn tránh đời sống tình cảm cá nhân bi thảm bị can thiệp trăm bề của mình. Thế mà vẫn không thoát được, mẹ đại nhân trực tiếp gọi gã một cuộc đoạt mệnh, hạ tối hậu thư —— con gái nhà người ta đã ở nhà hàng kiểu Âu gần công ty mày chờ rồi, kệ mày có chuyện gì, không ra là không được đâu đấy. Đằng gái đến trước rồi mà còn bùng nữa thì đúng là không hợp lễ nghĩa, Khang Sùng nghĩ, vào nhà vệ sinh công ty vuốt qua vuốt lại đầu tóc tượng trưng tí, rửa mặt, kiểm tra qua loa cổ áo, cổ tay áo sạch sẽ chưa, tháo cà vạt xuống đút vào túi, bên túi áo sơ mi trước ngực gài cái bút máy, cất bước đến là cà lơ phất phơ. “Xin lỗi.” Gã đến nơi mở lời trước: “Để tôi thanh toán.” Cô gái ngồi đoan trang uống cà phê từng ngụm nhỏ, ngước mắt quan sát gã một chặp, thẳng thắn đáp lời: “Gọi anh đến không phả vì để anh trả tiền cho tôi.” Gã nằm không cũng trúng một câu nạt nộ, ngồi xuống bàn đôi, gọi phục vụ đến đặt một phần thịt bò hầm cà chua với bánh mì Pháp nướng làm bữa trưa, hỏi cô gái: “Hình như cô không mặn mà gì chuyện đi gặp tôi thì phải?” Gã cứ thế xem vụ gặp mặt này thành đi ăn cơm trưa, ăn xong lại về làm việc, về phần lúc ăn có người ngồi đối diện hay không, gã chẳng quan tâm. Dù sao cũng không phải Cảnh Doãn. “Cũng tạm được.” Ngoại hình cô nàng không tầm thường, tục xưng khí chất cao cấp, mặc bộ váy liền thân đen tuyền, da trắng lạnh, đeo trang sức thuần bạc, túi đeo đặt bên người. Cô nàng gọi phần đồ ngọt, không hề gì đáp lại: “Anh trổ mã trông cũng đẹp, bô giai hơn mấy người trước kia tôi xem mắt nhiều, dựa vào điểm này thì khá đáng để gặp.” “Thế anh thì sao? Có muốn đi gặp tôi không?” “Khó mà nói.” Gã nhún nhún vai, cười nửa thật nửa giả: “Khả năng là tôi càng thích đi xem mắt đàn ông hơn.”
|