Bất Du, Không Thay Đổi
|
|
Chương 20
Y mở cánh cửa trước mắt này ra, đồng nghĩa với nó không bao giờ còn có thể ngăn cản y, vây khốn y được nữa. Cái nóng mùa hạ không thể, đêm đen không thể, tóc dài không thể, đi xem mắt không thể, tài xế taxi kia càng không thể. Những thứ từng có lúc ràng buộc gò bó y, giờ phút này quẳng hết chúng nó đi, y cảm nhận sự tỉnh tảo mà trước nay chưa bao giờ biết đến, khoan khoái, không chút gánh nặng. Có người đang chờ y, mở rộng đôi tay, một thân phong trần, trèo đèo lội suối đến trước mặt y. Giữa biển người mênh mang gặp qua biết bao thứ lấp lánh phồn hoa, lại vẫn khát vọng trở về. Y bước lên vầng sáng, hướng tới địa đàng nơi anh. “… Làm gì mà trông giống người mới lao lực bên ngoài về như tôi thế.” Hai đứa tụm một chỗ cười, cảm nhận sự khác biệt của cái ôm chầm lần này so với ngày trước, lực khủy tay bao quanh, nơi bàn tay đặt vào, thân thể kề cận, biểu đạt nhu cầu chiếm hữu. Mỗi hành động đều quấn theo cảm giác bất đồng với khi trước, lại thật khó mà giải thích và miêu tả. Rời nhau ra, Cảnh Doãn vỗ vỗ lưng Khang Sùng, nói: “Về cất hành lý đi rồi ra ngoài ha.” “Đến cửa nhà em không đúng lúc, đột nhiên trong lòng có hơi gấp gáp. À đúng rồi, mang quà về cho em này.” Khang Sùng lấy cái túi giấy đeo trên tay cầm vali qua: “Khách sạn tôi ở gần chợ sách, thuận tiện mua mấy quyển.” Cảnh Doãn chớp chớp mắt, mở cái túi bị đè gấp nếp ra, ngược lại ba quyển sách bên trong gói ghém cẩn thận, được nâng niu vẹn nguyên: “Hội hè miên man” của Emest Hemingway, “Đồi Thỏ” của Richard Adams và “Chỉ là những đứa trẻ” của Patti Smith. Bản gốc tiếng Anh, thiết kế mộc mạc, trọng lượng giấy thiên mỏng, sờ sờ cạnh trang sách còn cảm nhận được cả đường cắt giấy, xúc cảm mới lạ mê ly. Y cứ vuốt ve chúng nó mãi, ụp trên mũi ngửi mùi mực in, chỉ lộ đôi mắt đang ngước lên, yên lặng vui vẻ: “Cảm ơn.” Y mang sách vào nhà, qua nhà Khang Sùng cất hành lý, hai người ra ngoài lần hai, vừa nói chuyện vừa lướt Đại chúng điểm bình, chấm một nhà hàng đồ Đông Nam Á, phản hồi toàn lời khen, địa chỉ ở trung tâm thành phố, ngồi tàu điện ngầm sáu trạm rồi đi bộ thêm mấy trăm mét, tìm được nhà hàng tên “Thiên Thai”. (天台 thiên thai: sân thượng) Mở trong một tòa lầu hai tầng, mặt tiền không hút mắt lắm, buông rèm noren màu xanh thẫm, phía trước có cái ao nhỏ, không phun nước cũng không nuôi cá, chỉ thuần một màu nước trong không gợn sóng, phản chiếu ánh đèn mờ ảo. Khang Sùng bước từng bước lên, nhớ đến Trần Mật Cam không hay biết gì, làm bộ làm tịch tự nói: “Xin lỗi em gái tôi, các anh đi hẹn hò không gọi em được.” Cảnh Doãn cười cười, nhìn nhân viên tiếp đón, đưa ngón trỏ và ngón giữa ra: “Hai người.” “À…” Cô nhân viên quay đầu nhìn một vòng, nói xin lỗi: “Tầng một hết chỗ trống mất rồi, tầng hai đều là bàn lớn, chỉ trên tầng thượng còn một bàn thôi, nếu hai vị không ngại, có thể thử chút xem? Buổi tối ngồi đó rất mát mẻ! Trên đấy còn có thể ngắm cảnh đêm nữa.” Cảnh Doãn nhìn Khang Sùng: “Ngại không? Ok.” Cô nhân viên tiếp đón đưa bọn họ lên lầu, cầu thang hình xoắn ốc, treo lơ lửng, giữa các bậc thang còn nhìn thấy được khách hàng đi tới đi lui phía dưới, nhìn lâu hơi hoa mắt. Khang Sùng đi trước, vươn một bàn tay ra phía sau để Cảnh Doãn nắm lấy. Lên đến tầng thượng, tầm nhìn mở ra rộng rãi thông thoáng hơn. Sân thượng trên nóc nhà thoáng cả bốn phía, lát gạch giả đá, quanh hàng rào bảo vệ quấn một vòng bóng đèn và dây điện, chính giữa bày một cái bàn duy nhất, Khang Sùng kéo ghế dựa ra ngồi xuống, bảo: “Cũng không tồi.” Cô nhân viên bật xong đèn trên bàn liền mất dạng. Chốt lát sau, tiếng cầu thang lại vang lên, một cậu phục vụ mặc áo cộc tay xám quấn tạp dề đen đi lên. Làn da ngăm đen, mày rậm mắt to, dưới tay áo trống hơ là cánh tay xăm kín hình, gầy gầy, lúc cười lộ hàm răng trắng, đưa quyển thực đơn dày dày lên trước mặt hai người, rót hai cốc nước lạnh, dùng tiếng phổ thông không tiêu chuẩn cho lắm, nhanh nhẹn nói: “Xin mời gọi món!” Khang Sùng ngạc nhiên: “Là người Malay thật này…” “Giả thế nào được!” Hai đứ gọi hai phần bún Laksa, gà chiên trứng muối, sườn cừu nướng lá hương thảo, parfait yến mạch kem cheese, hai ly nước bạc hà sủi ga. Cậu phục vụ như thể quen thân lắm mà khuyên Cảnh Doãn: “Anh gầy ghê, ăn nhiều thịt vào.” Bị đương sự từ chối cũng không tự ái, đọc lại đơn gọi món một lần rồi hoạt bát đi xuống, lúc lên còn hỏi: “Hai anh là người yêu à? Có muốn thắp nến không? Tạo chút không khí.” (Parfait là một món tráng miệng, có xuất xứ từ những năm 1894 ở nước Pháp và có ý nghĩa là “hoàn hảo”. Không giống với các loại bánh tráng miệng khác, Parfait không có công thức chế biến nhất định mà ngược lại, nó có rất nhiều phiên bản biến tấu khác nhau rất hấp dẫn tùy thuộc vào từng khu vực đất nước, vùng miền.) Khang Sùng nhịn cười: “Cảm ơn ha không cần đâu.” “Âm nhạc thì sao?” “Đừng…” “Thế anh nhớ dỗ anh ấy ăn nhiều thịt tí nhá!” “Xin ngài không cần lo chuyện này đâu, để dành cho tôi ha!” Cảnh Doãn lấy hai tay che mặt, may ghê trên này không có người khác. Trời đêm thanh trong, còn nhìn rõ được vệt mây uốn lượn, sao xa lác đác, đỉnh cây ngô đồng, giáo đường cách hai con phố, xa hơn nữa là cao ốc văn phòng, công viên giải trí, ánh đèn neon giao hòa, gió thổi, vuốt phẳng nếp uốn trong lòng. Nước có ga cùng sườn cừu lên trước, đổi thành một người bưng bê khác. Vị hương thảo dễ chịu, thịt róc xương, dưới lớp sốt ấm lên bề mặt, chờ nguội hơn chút, Khang Sùng mới đeo bao tay dùng một lần, gỡ hai miếng sườn bỏ vào trong đĩa Cảnh Doãn. Lặc sa được viết trên thực đơn là “Laksa”, tiếng Malay, là một loại bún, món ăn đại biểu của Malaysia và Singapore. Các bước nấu nước dùng rườm rà, yêu cầu tính kiến nhẫn, mà dùng tương Laksa chuyên biệt thì đơn giản đi nhiều. Thêm tương, tôm tươi, bánh cá, nghêu sò, đậu phụ chiên, giá đỗ xanh cùng mì sợi trắng dai ngậy. Vị nước dùng muôn màu muôn vẻ, hơi cay mà dư vị lại ngọt, trải nghiệm đáng giá. Đã tới đây là phải gọi gà chiên trứng muối, vị trí vững chắc này có đầy đủ lý do để không thể bị suy chuyển, dùng lượng dầu chiên ít nhất mà thịt không bị khô, sốt chấm tuyệt đối là gia truyền độc nhất, còn thêm cả hương thơm mộc mạc của lá cây. Sắp ăn xong món chính, tráng miệng ngọt sau cơm mới lên bàn. Lần này là một cậu phục vụ tinh thần sôi nổi nhiệt tình, rót thêm hay cốc nước lạnh đầy, dọn đĩa không, nháy mắt ra hiệu một phát: “Thiên Thai, không người quấy rấy! Tôi không lên nữa đâu, hai người các anh một chỗ vui vẻ hen.” Lần này Cảnh Doãn bắt kịp, nói với người ta: “Cảm ơn cậu.” Cậu trai là người nước ngoài, chắc nghe hiểu được hàm ý trong đó, hoặc có lẽ cho là một câu khách sáo, nhưng cậu vẫn rất vui: “Không cần khách sáo!” Sau khi cậu trai đi xuống, hai người chọn góc ngắm cảnh đẹp nhất, dọn ghế ra cạnh nhau. Dù sao trên này cũng chỉ có hai đứa, Khang Sùng châm điếu thuốc, thích ý hút một hơi, khoác cánh tay lên tựa ghế sau lưng Cảnh Doãn. Cảnh Doãn cầm parfait yến mạch kem cheese của y, nâng đĩa trên lòng bàn tay, cầm thìa bạc múc một muỗng, ngửi thấy mùi thuốc lá, bèn hỏi: “Khói có vị thế nào hả?” Thế là Khang Sùng quay đầu, trong miệng hãy đượm mùi khói, hôn lên đôi môi hé mở của y, nhẹ nhưng không qua loa tẹo nào, chụt một tiếng. Hầu kết y trượt xuống, như thể nuốt cái gì: “Đắng thế.” Y ăn một thìa parfait, để kem tan từ từ trong miệng, Khang Sùng hỏi y: “Thế cái này lại là vị gì đây?” Y cũng hôn Khang Sùng, trúc trắc mà đầy trân trọng. Khang Sùng cọ cọ đầu môi y, bảo: “Ngọt ghê.”
|
Chương 21
Sau cái hôn chuồn chuồn lướt nước, người hút thuốc tiếp tục hút, người ăn tráng miệng thì cứ thế mà ăn, gió đêm hè trườn qua khoảng cách chả đến một centimet giữa hai người, thổi tan hết thảy âm thanh phiền nhiễu, chỉ còn tiếng thìa bạc lanh canh chạm đĩa. Chốc lát, chẳng biết ai khẽ cười trước, hoặc chăng là đồng thời, mỗi đứa quay đầu một hướng, chống đỡ sự ngượng ngùng vụng về tới muộn. Khang Sùng còn ngỡ ngàng hơn Cảnh Doãn, phút chốc hoài nghi sự tin tưởng mù quáng vào đống kinh nghiệm yêu đương tích góp nhiều năm của gã, chẳng biết phải làm sao: “Đúng thật là chưa quen cho lắm.” “Ừ.” Cảnh Doãn thản nhiên: “Tốc độ chuyển biến tâm thái theo hơi chậm, nên là… Xấu hổ ghê.” “Nhưng mà,” Khang Sùng nhấn nhá rành mạch, cười nhìn y: “Tôi ngắm em thế này lại cảm thấy được ghê.” Cảnh Doãn không giấu nổi biểu cảm nữa: “Anh đủ rồi đấy.” Y đút miếng parfait cuối cùng cho Khang Sùng, đặt đĩa không lên bàn, uống ngụm nước. Khang Sùng ve vuốt xoáy tóc y: “Tập từ từ là quen, đừng vội.” “Mỗi ngày làm một hai chuyện, củng cố nhận thức, cứ theo tuần tự mà tiến. Em thấy đường đột hay suồng sã, nhớ nói với tôi. Tôi cũng vậy. Bất kể là kiểu quan hệ nào, đều cần để ý đến cảm nhận, đúng không?” “Nói không sai,” Cảnh Doãn dừng giây lát, nói: “Hai chúng ta vẫn có chút khác biệt.” “Sao lại thấy thế?” “Tóc cắt rồi,” giọng điệu y bình tĩnh: “Nhưng anh tưởng tượng ra được bộ dáng khi em trần như nhộng không.” Khang Sùng ngây người, sau vài giây bàng hoàng hốt hoảng, gã đưa tay hãy kẹp thuốc lá lên che mặt, một bộ muốn sụp đổ đến nơi: “Chao ôi… Giữa chốn đông người em còn… Ai mà chịu nổi hả, giữ lại lên giường hãy thảo luận được không? Còn mệt tôi nghĩ em không thoải mái, tự kiểm điểm lúc ở sân bay xem mình có nóng máu quá không…” “Hiểu rồi, hiểu rồi ha.” Cảnh Doãn cười ra tiếng, không truy hỏi thêm nữa, nắm tay gã, mười ngón quấn quit. “Chuyện không am hiểu, cùng học làm là được.” Chín rưỡi, cả hai ra khỏi “Thiên Thai”, theo chân bóng đêm đi dạo quanh thành phố đã sống cùng nhau hơn hai mươi năm trời như thể chưa từng đặt chân tới lần nào. Quên hết ký ức, ôm ấp sự tò mò mới toanh, chen chúc qua đường này phố nọ, cầu vượt, đường hầm, hẻm nhỏ, công viên. Ngang qua một quán bar trông hợp mắt, chợt nổi ý muốn ghé vào, gọi sáu ly rượu đổi qua lại uống với nhau. Nghe được nửa bài hát, có ai đó tỏ tình trước quần chúng, tặng người ta chín mươi chín bông hồng, thế nào lại bị cô nàng tiễn hết vào thùng rác. Vô tình gặp chú mèo hoang, đom đóm này kia, thanh niên đi lân la thành tốp, đôi người yêu cao giọng cãi nhau, cậu bé mặc đồ linh vật bằng nhung ngồi một mình ôm phần KFC ngồi ăn bên bồn hoa, cả gương mặt nhòe nhoẹt nước, chẳng biết là mồ hôi hay nước mắt. Cuối cùng chạy vội bắt kịp chuyến tàu điện ngầm cuối cùng. Hiếm thấy Cảnh Doãn bất cẩn, suýt té ngã xuống sân ga, thế là được Khang Sùng kéo lại ôm, ba bước gộp làm hai, chạy ào vào toa xe không bóng người lúc tiếng đếm ngược đóng cửa vang lên. Dựa sát bên nhau trên dải ghế cứng, say sưa đàm luận mấy chuyện vặt vãnh trời nam biển bắc, tự nhiên hôn môi, nhiều thật nhiều, như để luyện tập, lại như lấp cho đầy quãng hồi ức đã lãng phí chảy trôi. Dưới ánh đèn sáng trong, Cảnh Doãn vẫn một mực giữ dáng ngồi nghiêm chỉnh, thẳng lưng, khép hai chân, đặt tay trên đầu gối, móng tay cắt ngay ngắn, làm gì cũng có chừng mực. Đêm nay khuôn mặt em chưa từng hồng rõ lên như giờ phút này, ngắm kĩ chút nữa, lông mi tinh tế, bên mí mắt, xương gò má, làn môi, thậm chí cả vành tai đều thấm một màu đỏ ửng. Em bảo không xong rồi, chắc em say thật, ôi, ngày mài còn phải đi làm. Em hỏi Khang Sùng, chúng ta đang trên đường về nhà hả? Khang Sùng nói không, bọn mình đi cục dân chính đăng lý kết hôn. Em ấy tin kìa, lúc trạng thái bình thường tuyệt đối không bao giờ bộc trực rõ ngạc nhiên ra ngoài thế đâu. Thường sau khi gặp chuyện không tưởng tượng nổi mà nghi hoặc thì rất là có lý, chứ bây giờ hả? Mười giờ bốn mưới rồi, cục Dân chính chắc tan tầm từ đời? Khang Sùng cũng nhăn mày, tỏ vẻ nghiêm túc chẳng kém gì người ta, thế à? Vậy làm sao giờ, hôm nay không kết được, ngày mai em đổi ý, tôi tìm ai nói lý đây? Mới nhanh thế… Đã muốn kết hôn à? Em không đồng ý hả? Không phải, không phải… Vội quá, em còn chưa chuẩn bị tốt. Anh có muốn suy nghĩ thêm nữa không? Suy xét gì nữa, sắp tháng tám rồi. Còn không yêu đương là mùa hè sắp qua luôn kìa. Em muốn bỏ lỡ thêm một năm nữa à? Tôi không chờ nổi nữa. Giờ đã thấy tiếc rồi. Haizz, cũng không đúng lắm. Tính tình tôi bây giờ tốt hơn ngày trước nhiều, khác xa lúc mười mấy tuổi ấy, tìm đối tượng mà cứ như đi kiếm trò vui, chẳng kiên nhẫn cũng chẳng đối tốt với người ta, đều vì mục đích cá nhân, cãi nhau một cái là chia tay, khốn nạn thật. Tôi nghĩ đi nghĩ lại, bỏ nhiều thời gian lắm, hơn nữa còn là trên người em. Em không phải những người khác, không cùng một loại với họ, không thể đặt cùng một chỗ mà so được, tầm quan trọng với tôi cũng không giống, hiểu ý tôi không? Cho nên tôi mới nói suy xét đủ lâu rồi. Em thấy sao, tôi có tốt hơn chút nào không? Đương nhiên là… Có á, em nhìn ra mà. Anh của hiện tại… Thành thục hơn nhiều. Nhưng đối với em mà nói, anh chính là anh. Tất cả những… Mãi giũa, lột xác, tùy ý, em đều tiếp nhận được, em nguyện ý tiếp nhận. Vô cùng nguyện ý. Lỡ em không giữ lời thì sao? Em sẽ không đâu. Em ấy căng cứng cả người, lắp bắp bảo, em không thất hứa, không đổi ý. Em ấy vẫn say, càng say càng trông như tỉnh táo, sóng mắt lung liêng, ngữ khí trịnh trọng, đến khớp hàm cũng hơi căng lại. Khang Sùng nhìn em, tim mềm oặt, không cẩn thận sắp thất thủ mất. Về chuyện rơi vào hố xong sẽ như nào, gã nghĩ, có sao đâu, gã chẳng sợ. Nguyễn Nghiên sâu sắc cảm thấy đại sự không ổn. Bà cúp cú điện thoại thứ tám không ai nhấc máy, tiếng chuông cửa nhà vang lên, vừa chạy ra cửa đã thấy Cảnh Doãn uống say được Khang Sùng cõng về. Mặc dù khó tin, bà xác nhận đây là anh con trai ruột nhà mình, không hút thuốc, không chè chén, không túng dục, mọi mặt đều biết chừng mực, giờ đang nằm trên vai Khang Sùng, cái đầu ngoẹo qua một bên, vài sợi tóc thấm ướt mồ hôi dán trên trán, mặt đỏ bừng, môi còn hơi sưng, hơi thở nóng rực, ngủ đến là say. Bà muốn hỏi, lại chẳng hỏi ra được, Khang Sùng dùng khẩu hình miệng chào hỏi bà với Cảnh Việt Đông, giẫm tuột giày vào nhà. Cõng Cảnh Doãn vào phòng ngủ, khép hờ cửa phòng, nán lại bên trong một hồi, tầm ba năm phút gì đấy. Trong phòng không bật đèn, mờ mờ tôi tối, chả nhìn rõ cái gì, thỉnh thoảng truyền ra tiếng ván giường quá tải, tiếng vải vóc ma xát, sau tiếng rì rầm vụn vặt, tất thảy quay về yên lặng. Chưa bao lâu, Khang Sùng đã mở cửa ra ngoài, gã để son dưỡng lại bên gối Cảnh Doãn, lấy ngón áp úp dính chút son dưỡng quệt loạn lên môi, mân qua mân lại, cẩn thận đóng cửa. Giờ Nguyễn Nghiên mới lên tiếng nói chuyện, bà rót ly nước sôi để nguội cho Khang Sùng, sầu lo hỏi: “Không có chuyện gì chứ hả?” Khang Sùng cảm ơn, uống một hơi nửa ly xong mới khoát tay, thừa cơ chiều cao ôm trọn bờ vai nhỏ của bà, trấn an: “Không sao đâu dì ơi, để một ly nước mật ong trên đầu giường cho em ấy là được ạ, nửa đêm tỉnh lại sẽ khát, ngủ một giấc là ổn thôi, thật sự không có việc gì đâu, không thất tình cũng không gây gổ với ai hết, chỉ trách rượu kia tác dụng vừa chậm vừa sâu, con cũng hơi váng rồi.” “Thật là, hai đứa này.” Gã theo Nguyễn Nghiên vào bếp, nhìn bà lấy lọ chanh muối mật ong đầy từ tủ lạnh, múc hai thìa dưới đáy lọ, gõ gõ đổ vào cốc nước ấm, dùng thìa cán dài khuấy khuấy, ngoài miệng xả giận, giữa mày vẫn chưa chịu dãn ra: “Dì bảo nó, từ khi cắt tóc cứ là lạ thế nào. Sùng Sùng con có phát hiện không?” Khang Sùng uống nốt nửa ly nước còn lại, nghe vậy suýt sặc lên yết hầu, trông giống nghẹn cười, giọng khàn khàn: “Dạ… Vậy hả dì?”
|
Chương 22
Uống nhiều rượu quá, khó tránh xả lũ ban đêm, tầm hơn ba giờ Cảnh Doãn tỉnh dậy, quần áo các thứ hãy còn bít cả người, nghẹt đến hít thở cũng khó. Đầu váng mắt hoa, y bò xuống giường đỡ tường đi nhà vệ sinh, lướt qua phòng bố mẹ nghe tiếng ngáy nhẹ đứt quãng quấy rung bầu yên tĩnh. Y khẽ khàng bật đèn nhà vệ sinh, sợ sáng híp mắt lại, khép hờ cửa. Giải quyết hết áp lực bàng quang, y mơ mơ màng màng mò mẫm về, tu cốc nước mật ong giải nhiệt, qua nửa đêm lắng lại, đáy cốc ngọt sắt. Y nằm thẳng lên lần nữa, liếm liếm ngoài môi, hình như liếm thấy mùi sáp, lớp dưỡng mỏng tán trên môi là mùi bạc hà y dùng, man mát giảm nhiệt. Cuối xuân đầu hạ thời kỳ giao mùa, môi y toàn bị nứt, Trần Mật Cam cứ tha thiết đề cử mua loại son dưỡng này, đúng thật đồ đẹp giá mềm, sử dụng thấy hiệu quả không tồi, chỉ có tí khuyết điểm là son đựng trong hộp đóng mở nắp, không phải dạng thỏi nên cần ngón tay giúp để tán cho đều. Là Khang Sùng bôi hộ đấy nhỉ. Y nghĩ. Tưởng tượng cứ không tự giác bay bổng quá đà, đụng chạm suồng sã, chân tay không kìm được râm ran rấm rứt, rễ luồn càng sâu suy nghĩ càng tác quái, mặt nóng như thiêu đốt, vùi vào gối đầu, thở hắt một hơi nóng rực. Tỉnh lại lần nữa trời đã sáng choang. Tối qua quên kéo rèm, ánh nắng không gặp vật cản tản mạn chạy vào phòng, chiếu cho người ta chẳng còn chỗ nào trốn. Tiếng ve sầu từng làn dội lên ngày một cao không chịu dừng, y chẳng muốn mở mắt tẹo nào, mà đến lúc mắt mở ra rồi lại trợn trừng triệt để —— Có một người đàn ông ngồi bên giường. Khang Sùng thấy người ta hoảng hốt thế, vội đưa tay vuốt vuốt vỗ về từ mày cong đến sau gáy, thấp giọng cười: “Tôi đây, là tôi mà.” Gã đổi chính trang thành áo tay lỡ, quần dài tới mắt cá chân, màu trầm, cổ tay đeo đồng hồ bạc, ăn mặc thoải mái tùy ý. Hôm nay được nghỉ, không phải đi làm. Cảnh Doãn nằm bất động, đầu tóc rối bù, ánh mắt sáng loang, chẳng biết để đâu, hơn nửa vòng eo lộ ra ngoài chọc người chú ý, vạt áo lúc ngủ cuộn lên tận ngực, giờ muốn vuốt xuống cũng không ổn, chỉ đành kéo cái chăn theo thói quen kẹp giữa hai chân lên che kín đầu. Trước mặt bạn trai chính thức, đúng là chả biết làm gì mới phải. Lúc trước chẳng để ý mấy thứ nhỏ nhặt, giờ đột nhiên phóng đại hết cỡ không xem nhẹ nổi. Y ngập ngừng nói: “… Sao anh qua đây.” Khang Sùng vẫn cứ cười khanh khách, trông tâm tình tốt lắm, duỗi tay ra đóng chặt cửa. “Mẹ chúng mình gọi tôi qua ăn sáng.” “Thế anh…” Khang Sùng đào vào chăn, chộp được người ta giữa đống chăn bùng nhùng mềm ấm, hàng phục, môi hôn cổ người ta, lồng ngực, xương sườn, rốn, ngậm mút vành tai vừa mềm vừa nóng. “Khai vị trước đã.” Nguyễn Nghiên gói hoành thánh, làm hai loại dầu ớt đỏ và sốt đậu phộng cho cả nhà chọn. Làm tương là sở trường của bà, công đoạn cũng không khó, chẳng qua phí thời gian. Bà lớn tuổi, ngủ không nhiều, thường sáng sớm sáu giờ đã tỉnh, ra ngoài thể dục một lúc, trên đường về tiện ghé chợ sáng mua rau dưa tươi. Về đến nhà là Cảnh Việt Động dậy, vợ chồng già tám chuyện vài câu, mở TV, bên xem chương trình dưỡng sinh hoặc phim bộ chiếu lại gì đấy, bên gói hoành thánh, một công đôi việc cực kỳ lão luyện. “Hôm nay đến trường à?” Bà hỏi Cảnh Việt Đông, tãi lớp vỏ ra lòng bàn tay, thêm chút thịt bằm, gấp hai góc đối diện trên dưới làm một, chập hai góc trái phải lên nhau, nhấm nước, nhấn chặt, từng cái từng cái gói nhanh như bay. Cảnh Việt Đông vệ sinh cá nhân xong, đứng trước gương đeo caravat, mái tóc ngắn muối tiêu, đôi mắt sáng trong có thần, cạo râu, gấp khăn tay, cẩn thận tỉ mỉ: “Ừ, hai tư sáu còn gì, chiều tôi ngồi xe đưa đón về.” Ông là một trong những giáo sư khoa Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc có lai lịch nhất thành Táp, đến tuổi về hưu được mời ở lại trường tiếp tục dạy học, mỗi tuần chỉ ba tiết. Học sinh đều yêu quý, không nỡ xa ông, ông cũng thích giao lưu với lớp trẻ; không màng chút tiền lương cỏn con, quan trọng là thích thú. “Thế tôi làm cơm chiều cho ông nhé.” “Ừ, ừ.” Sáng nay thằng nhỏ nhà ông Khang đến cọ cơm, Nguyễn Nghiên chuẩn bị phong phú hơn chút, làm thêm súp chua cay, rau trộn tam ti, đều là rau mát giải ngấy. Hoành thánh sắp chín, bà cao giọng gọi: “Hai đứa đừng có lề mề nữa! Cảnh Doãn dậy tắm rửa đi! Xong còn ăn sáng! Mau lên!” Lời vừa dứt, Cảnh Doãn đã ầm một tiếng mở cửa phòng, trông chả khác gì bị người đuổi, đầu cúi thấp, thở dốc hồng hộc, cuống quit kéo áo xuống, cởi thắt lưng, lộ mép quần lót, điệu bộ bộp chộp chả giống bình thường tí nào, chẳng nói chẳng rằng đã lao đầu vọt vào phòng tắm khóa trái cửa, chưa kịp để Cảnh Việt Đông nhìn rõ vệt loang lổ nhoáng qua trước ngực rốt cục là gì. Trong phòng tắm vang lên tiếng nước chảy. Không đợi ông bố kịp sắp xếp lại suy nghĩ, Khang Sùng đã ung dung thoải mái đi ra, thần thanh khí sảng bảo: “Dì ơi, dì có quần áo muốn giặt không? Chút nữa con đưa Cảnh Doãn đến chỗ làm, sau đó rẽ qua ngân hàng giải quyết chút việc rồi đi tiệm giặt là lấy tây trang, nếu có đưa con mang hộ cho.” “Có có có, tốt quá rồi.” Gã dọn cơm giúp Nguyễn Nghiên, múc canh, tự nhiên như ở nhà mình, theo bà lấy hai cái áo khoác, lại qua phòng ngủ Cảnh Doãn tháo vỏ ga gối có hơi rượu, cất hết vào túi xách tay rồi để vào chỗ dễ thấy trên ghế salon, để lúc đi đỡ quên. Bấy giờ cửa phòng tắm mới mở, thân ảnh Cảnh Doãn ăn mặc chỉnh tề xuất hiện, dựa bồn rửa đánh răng, lấy máy sấy hong khô tóc, xịt kem chống nắng. Chải truốt đâu ra đấy mới ra bàn ăn ngồi xuống, một thân quẩn quanh mùi thanh sạch thuần khiết, na ná cây trúc hay họ xương rồng gì đó. Hợp em ấy lắm. Y múc một thìa tương vừng rưới lên hoành thánh, lột trứng luộc nước trà bỏ vào bát Khang Sùng, móng tay cái mong mỏng, hồng nhạt khỏe mạnh. Khóe mắt cũng phiêm phiếm, ấn hồng đậm hơn còn nằm dưới lớp áo che dấu kìa, rải rác trước ngực và lõm thượng vị, khom lưng sợ là lộ mất. Lần đầu tiên lúc ăn cơm mà cả hai không biết nói chuyện thế nào. Vì có Khang Sùng đưa nên hôm nay Cảnh Doãn rời nhà muộn hơn thường ngày chút, đường chẳng phải xa, lái xe lâu nhất mười phút là đến. Tới ngoài cửa lớn nhà xuất bản, Khang Sùng dừng xe bên đường, hỏi: “Tối muốn tôi đến đón em không?” “Khồng cần đâu, phiền anh lắm.” Cảnh Doãn cởi dây an toàn, “Anh xong việc thì về nhà nghỉ ngơi đi, chiều ngủ một giấc, hút thuốc ít thôi. Chú dì chắc cũng sắp về rồi.” Khang Sùng nhất thời không lên tiếng, mãi mới bảo: “Ừ, giữa trưa mười hai giờ hạ cánh, sáng gọi tôi rồi.” “Ừ.” Cảnh Doãn mở cửa xe, chống một chân xuống đất, gió nóng quấn đến, y nói: “Em đi đây.” Chân kia của y cũng chạm đất, mà thân trên vẫn không di chuyển, ngoẹo người dựa vào ghế, hình như còn lời muốn nói, hoặc chăng là đợi Khang Sùng níu, lưng hơi cong xuống, mặt trời phả luồng nhiệt nóng rực lên thái dương y, y cúi đầu thật sâu, sờ sờ gáy. Khang Sùng nhìn khuôn mặt người ta từ gương chiếu hậu, lặt lèo mãi cuối cùng mắt cũng chạm mắt, ngữ khí ôn hòa kiên định. “Nếu đã là bạn trai rồi, phiền tôi chút cũng có sao đâu.”
|
Chương 23
Chạng vạng tan tầm, Cảnh Doãn nghe lời chờ Khang Sùng đến đón, đứng bên đừng ngoài cửa lớn, ôm quyển sách trong ngực, là “Sưu thần ký”của Phùng Đường. Trong sách có kẹp phong thư, viết bằng giấy thuần trắng, đặt trong phong gói bằng giấy nâu, chỗ người nhận lẫn lạc khoản đều viết đến là trang trọng, đợi chút nữa sẽ đưa Khang Sùng. Hai người đi ăn gỏi vịt nướng, sườn xào chua ngọt với đậu hũ hạnh nhân. Ăn xong mỗi người một chai Bắc Băng Dương, nghe nghệ nhân nghệ thuật truyền thống nhà hàng mời đến xướng Đơn huyền và kịch Bắc Kinh, đến tám giờ, ai về nhà nấy. (单弦儿 Đơn huyền: loại khúc nghệ đệm đàn một dây và trống bát giác, phổ biến ở Bắc Kinh, Hoa Bắc, Trung Quốc. ( https://www.bilibili.com/video/av48979036/) 京韵大鼓 Kịch Bắc Kinh: một loại kịch được hình thành ở Bắc Kinh, lưu hành ở miền bắc của Trung Quốc. ( https://www.youtube.com/watch?v=bmymiXyUz34)) Về đến nhà, Khang Sùng lật sách, trang thứ mười bảy, đề chương là “Anh của những năm hai mươi tuổi”, có viết một câu như vầy: “Em còn muốn làm chút chuyện xác thịt với anh.” Gã huýt sáo, giác ngộ: Này là thư tình à nha. Mãi đến đầu tháng tám, hai người mới đi với nhau được hai lần, một là đi xem bộ điện ảnh trong nước Cảnh Doãn chờ mong từ đầu năm, nói về tình thân, vợ chồng, tình cha con, thế hệ trước và thế hệ sau, tụ tán, ly hợp, an ủi, tử vong, phim nhiều cảnh quay dài, những lời gửi gắm vô thanh, phối nhạc gió biển trầm lắng. Em xem rồi khóc, nhẫn không được, hết phim liền trốn vào hành lang gấp khúc tối như mực rơi nước mắt. Ánh xanh đèn hiệu lờ mờ phản chiếu giọt lệ em long lanh, trông có chút mất tự nhiên, vì chẳng đến mức phải thế này, lại không biết nên làm sao mới tốt. Khang Sùng ôm em trốn ở góc tường, kề tai thấp giọng dỗ dành, cười bất đắc dĩ. Một lần khác là đi xem triển lãm chụp hình. Một nhiếp ảnh gia thường xuyên hợp tác với nhà xuất bản bọn y tặng hai vé, bảo “Mang bạn gái đi.”, vì “Chủ đề khá là lãng mạn.” Cảnh Doãn không có bạn gái, đành mang bạn trai theo. Bạn trai dạo xong bổ một cái cảm nhận “Xin lỗi ông đây thật sự ngắm không hiểu.” Sau đó hai người đi dạo cửa hàng đĩa nhạc, mua đồ uống lạnh, ăn cua thịt hầm. Về chuyện bồi đắp yêu đương, cả hai không qua quýt chút nào, nội dung luyện tập sắp tới là mỗi ngày một cái hôn —— bất kể hôm nay có hẹn hay nhàn rỗi, được ở riêng với nhau bao lâu, vội thế nào, mệt thế nào, cũng phải bớt thời gian gặp mặt, hôn một cái, ôm chun chút. Là sáng sớm trước khi đi làm hay đêm khuya sau khi tăng ca về, ra ngoài đổ rác hoặc xuống nhà hút điếu thuốc. Cho dù cuộc sống người lớn nhạt nhẽo buồn tẻ chả có chuyện gì thú vị, thế nhưng tán gẫu, gọi điện, nhắn tin, ảnh chụp, video đều không thể thiếu. Chỉ có chuyện duy nhất này tuyệt không qua loa, tuyệt không tạm bợ. Tối hôm ấy sắp mười hai giờ, Khang Sùng tăng ca xong ra ngoài công ty, lướt vòng bạn bè thấy Trần Mật Cam cũng vừa tan làm. Trễ thế này đã hết tàu điện ngầm rồi, gọi xe sợ nguy hiểm, em mình dù có hào sảng thế nào cũng vẫn là một cô gái, bảo người ta yên lòng sao được, thế là thuận đường đánh xe qua, bếch cô nàng cùng về. “Anh ruột anh tốt, lúc nào phát tiền thưởng sẽ hiếu kính anh~” Lên xe một cái, Trần Mật Cam cởi phăng giày cao gót, ba hoa chích chòe vỗ mông ngựa: “Êy đẹp zai, dạo này lại trông ngon hơn rồi. Mau khai thật cho em, có phải được dinh dưỡng của tình yêu bồi bổ không?” (靓仔: Đẹp trai trong tiếng Quảng Đông) “Ờ không sai.” Khang Sùng không định giấu diếm: “Tôi với anh nhỏ cô thành rồi.” Động tác mát xa mắt cá chân của Trần Mật Cam ngưng lại. Bóng người trên đường lác đác, gió càn quét khắp các ngã tư đường, lờ mờ chút lạnh cuối hạ. Gã kéo hết cửa xe xuống, Trần Mật Cam cũng thế. Hai anh em hóng gió, gió thanh tịnh, quang đãng, lòng không oán thán. Trần Mật Cam sững sờ hồi lâu. Khang Sùng nhún vai, hãm phanh chờ đèn đỏ, “Không có ý gì khác đâu, chỉ là báo cho cô một tiếng thôi, cô đừng có nghĩ lửa gần rơm lâu ngày cũng bén nữa, hết cơ hội rồi.” Cô nàng cười toe, bụm mặt rú lên, hai cái cẳng đi tất chân quẫy loạn, khóe miệng đuôi mắt cong vút, như kiểu khao khát thò đầu ra ngoài cửa hét lắm, miễn bàn đến đang vui sướng bao nhiêu. Đối diện đường cái còn một tiệm cháo đang buôn bán, bảng hiệu màu đỏ chói mắt, “Không đóng cửa bất chấp thời tiết.” “Trâu bò, không hổ là anh lớn của em.” Cô nàng hỏi: “Gạo nấu thành cơm chưa thế?” “Chưa đến bước kia đâu.” Khang Sùng đánh nửa vòng vô lăng, “Lúc mới đầu… Hai đứa còn hơi không tự nhiên? Xấu hổ? Dù sao thì, hình thức ở chung lúc làm bạn không hợp nữa rồi, cho nên hẹn nhau cứ từ từ mà tới, không cập rập vội vàng làm gì.” “Chuẩn.” Cô nàng phụ họa, “Anh nghĩ mà xem, bạn tốt ấy mà, cãi nhau ẫm ĩ hihihaha, tóm lại đổi sang người yêu rồi thì khác. Có mấy việc giữa bạn bè với nhau không so đo, làm bạn trai lại không được, xung đột một cái là phải truy ra lý do. Ầy, giả sử, em giả sử thôi, nhỡ đâu hai anh chia tay, còn làm bạn được nữa không?” “Xem tình hình đã. Nếu thật sự không khớp nhau, chia tay, vậy cũng coi như chia tay trong hòa bình, lúc chạm mặt không đến nỗi xấu hổ; hoặc nếu xích mích dồn thành mâu thuẫn, cũng không sao. Được ở bên em ấy, tôi không hối hận. Nhưng mà tôi có lòng tin, gặp vấn đề hai đứa có thể bình tĩnh hòa nhã ngồi xuống cùng trao đổi, không nổi đóa, không giận dỗi, nhất định sẽ giải quyết xong, không có gì không qua được hết.” “Thế em rào trước luôn này, đừng có bắt nạt anh nhỏ của em. Tính tình anh ấy tốt, biết chăm sóc người khác, nhớ lại từ lúc đi học đã xếp nhất, chưa yêu đương bao giờ, như tờ giấy trắng. Ầy, thật là tiện nghi cho anh quá rồi…” “Từ từ, từ từ đã. Sao cô chưa gì đã chỉ đích danh tôi sẽ bắt nạt em ấy…” “Nói thừa ghê. Soi gương đi Tiểu Khang, trông bộ dạng anh đúng chuẩn dùng sắc giết người lam nhan họa thủy, không có cô nào không muốn chấm mút. Lúc nãy đồng nghiệp em thấy anh đi đón còn nhắn weixin hỏi, “Này, bạn trai em à? Đẹp đến mức hơi không chân thật ha, đừng trách chị nói chuyện khó nghe, loại người thế này đều đào hoa lắm.” “…” “Em phủ nhận, phủ nhận mà! Em làm chứng! Khang Sùng anh em vừa anh tuấn vừa chung thủy! Cũng không thay đổi một sớm một chiều! Tuy là bạn gái chưa từng ngừng cơ mà đối xử với mỗi người đều ok! Chia đều ân sủng!” “Cô im ngay, ngậm miệng vào, được không? Tay tôi bận lái xe, tự điểm huyệt câm đi, cảm ơn.” “Em không đấy, em cứ nói. Ài đột nhiên em nghĩ đến, tìm một cô gái như mình cũng không tồi. Khá là có tiếng nói chung, không khác biệt, còn dùng chung đồ trang điểm, váy, băng vệ sinh được, mẹ nó, son môi với nước hoa của em sẽ không phải chịu số phận quá hạn nữa.” “Ai bảo cô mua nhiều thế.” “Đàn ông các anh thì biết cái gì!” “Tôi biết một việc: chỉ muốn hợp nhau sống qua ngày thì thế nào chả được. Không đề cập đến mấy chuyện kết hôn hay không, phụ trách hay không này, tốt nhất vẫn nên tìm người mình thích. Đừng bảo tôi ‘Thích không thể làm ra cơm ăn được.’, không thích người ta mà cả ngày phải nhìn mặt thì ăn sao cho ngon. Còn không có cơm ăn là vì nghèo.” “Giờ anh nói chuyện càng ngày càng giống điệu bộ anh nhỏ.” “Phu xướng phu tùy.” “Mặt dày ghê nhở.” “Vui còn không kịp.” Hai người cùng im lặng, lại đồng loạt cười. Trần Mật Cam cười càng to, càng thoải mái, như thể còn vui sướng hơn cả anh cô nàng, có một mảnh hạnh phúc thuộc về riêng mình. Cô thò ra ngoài cửa hét, lộng đầy một miệng gió: “Tôi yêu người!” Lời gửi gẳm của cô tung bay xa thật xa. “Người có yêu tôi không!?” Thành Táp đêm muộn, không lời hồi đáp. Cô nàng lấy di động Khang Sùng gửi ngữ âm cho Cảnh Doãn: “Anh! Khang Sùng yêu anh!” Hai đứa đến nhà rồi, ra bãi đỗ xe, lân la đến dưới lầu nhà Cảnh Doãn, đêm khuya không tiếng người, ngọn đèn sáng phía trong ban công tắt ngúm. Cảnh Doãn gửi tin lại, giọng khàn khàn uể oải, xúc cảm tựa giấy cói, ram ráp mà ấm áp. “Anh cũng thương người ta.”
|
Chương 24
Giữa tháng 8, cuối cùng nhà xuất bản đã phê duyệt mã ISBN, người ai cũng nhẹ nhõm cả đi. Sau khi thuận lợi đưa sách đi in, tổng biên tập tự xuất hầu bao khao ban biên tập bọn Cảnh Doãn và vài vị đồng nghiệp nữa đi ăn Haidilao sau hai tuần vất vả làm việc ngày đêm. (ISBN: viết tắt của International Standard Book Number, Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách, là mã số tiêu chuẩn quốc tế có tính chất thương mại duy nhất để xác định một quyển sách. https://vi.wikipedia.org/wiki/ISBN) Chỗ liên hoan vừa hay ở gần công ty Khang Sùng, cách có một con phố. Đường kia ngợp những tòa cao ốc cao lớn bễ nghễ, đầy cảm giác bén nhọn của thời đại, người ra kẻ vào ăn vận tươm tất, khung cảnh vội vã đến chào hỏi cũng chẳng có lấy một câu. Cả phố trải đường bê tông, san sát khách sạn, các tiệm ăn nhà trệt trang hoàng rực rỡ vui mắt. Hai bên đường trồng cây hợp hoan, trên lối đi bộ lác đác vài người đàn bà xách giỏ trúc trải vải bố ngồi bày quán dưới đất bán dưa lưới và nho đương mùa, vời người qua đường nếm mua. Đến dưới Haidilao, Cảnh Doãn chợt bảo đồng nghiệp: “Mọi người lên trước gọi đồ đi, tôi… Tự nhiên nhớ ra có chút chuyện, tẹo nữa qua tìm mọi người sau.” Thấy mặt các đồng nghiệp đều lộ vẻ thắc mắc, y nhất thời không biết sắp xếp lời nói ra sao. Có những xưng hô chẳng hề lạ lẫm, ngày ngày đều treo bên miệng, hai chữ bình thường đến không thể bình thường hơn, tập đi tập lại vô số lần, mà lần nào cũng như lăn qua dầu sôi, cứ nói là miệng nóng rẫy. Bởi vì đâu dễ có được, bởi vì tơ tưởng đã lâu. “Người yêu tôi ở bên kia… Đang làm việc trên tòa đằng đó.” Y vươn cánh tay chỉ cái cao ốc đồ sộ đứng sau một tòa nhà nhỏ đối diện đường cái: “Tối nay phải tăng ca, tôi sợ người ta đói… Nên đi đưa chút đồ ăn.” “À ——” Các tiền bối đều tỏ vẻ hiểu cho, đến tầm tuổi này rồi có giai đoạn nào chưa trải qua, đám cùng vai phải lứa thì ca thán, sôi nổi tỏ vẻ: “Ối giời đưa cơm giả dối thôi, có mà đi ngọt ngấy với nhau ấy, chắc đang thời kỳ tình yêu cuồng nhiệt rồi, một ngày không gặp nhức nhối cả người.”, “Tiểu Cảnh yêu vào đúng là đầu óc mở mang hẳn nha.”, “Ôi tôi chua quá, muốn nhấn cái đầu chó của bạn trai xuống dạy hắn học thế nào mới là săn sóc ghê.”, lại có người đề nghị: “Hay là gọi cô ấy qua cùng ăn? Ngượng hả? Lẩu thôi mà, phiền gì đâu, thêm một bộ bát đũa là xong.” Cảnh Doãn muốn lắc đầu, lại không nỡ từ chối ý tốt, làm mọi người cụt hứng, đành phải uyển chuyển nói: “Tôi thay mặt người ấy cảm ơn mọi người trước, đợi chút nữa qua hỏi người ta có vội không thì sẽ dẫn qua đây… Mọi người không cần chờ tôi đâu, cứ lên món trước đi, đến lúc đó tôi gọi thêm chút đồ ăn là được rồi.” “Được rồi, được rồi, đi đi đi đi, không vội nhớ qua ha!” Cảnh Doãn lùi vài bước, khoát tay với cả hội: “Tôi đi nhanh rồi về.” Di động “Đinh” một tiếng, Khang Sùng rep weixin: “Em ở đâu?” Cảnh Doãn đi dạo quanh phố một vòng, vừa đi vừa ngừng, cuối cùng chọn một tiệm đồ nguội kiểu Tây, đẩy cửa vào rồi gửi một đoạn ngữ âm: “Hai mươi phút nữa xuống dưới công ty đợi em.” “Hả?” Y không rep nữa, đút điện thoại vào túi, ngẩng đầu nhìn ảnh minh họa các món ăn phía trên quầy, gọi món rồi bảo chủ quán: “Đóng gói mang đi.” Đúng lúc trên người có tiền mặt, y đưa tiền, lấy tiền thối lại và hóa đơn, ra khu chờ, ngồi ghế gỗ dài ngẩn người. Chưa được bao lâu, phục vụ đã gọi y lấy món. Mấy món đơn giản quả là nhanh, không có hơi nóng thức ăn mặn nên nhiệt lượng có vẻ thấp, chẳng biết hương vị ra sao. Y để riêng đồ ăn với nước uống, giấy ăn ống hút cắm bên cạnh, túi thì nhỏ mà đựng mấy gói rõ to. Tay trái cầm chắc, y lẻn người vào giữa màn đêm đang lặng yên buông xuống. Tay kia hơi trông trống, nhìn trông chẳng cân bằng tí nào, thế là y qua cửa hàng hoa cách vách mua năm bông hướng dương, đóa hoa tươi rực, màu vàng rạng rỡ, dùng giấy gói xanh đậm bó lại, thắt ruy băng, ôm trên tay phải, đi tìm nỗi vương lòng của y. Khang Sùng nói xong một tràng liên tiếp “Nhường chút.” thế là đùn vào đủ chuyến thang máy. Vừa xuống đến nơi đã thấy Cảnh Doãn: mặc chiếc T shirt màu baby blue, hình như lớn hơn một cỡ; quần cotton màu kem vân nghiêng rộng rãi, càng tôn lên màu da trắng nõn, thanh tú, trông nhỏ hơn tuổi thật, vẫn đầy cảm giác thiếu niên ngây ngô ngày ấy; khủy tay ôm bó hướng dương rạng ngời, cười lên thật ôn nhuận phát sáng biết bao. Thời khắc ấy Khang Sùng chẳng phân rõ được, rốt cục em là hoa, hay là thái dương. Y bảo: “Em đi cùng đồng nghiệp, tiện qua bên này.” Khang Sùng ngoảnh mặt làm ngơ: “Hình như em chẳng nhớ nhung gì tôi nhỉ?” “Em biết là gửi weixin nhắc anh kiểu gì anh cũng nói ‘Biết rồi’ xong quên tiệt luôn, chín giờ hơn bụng đói phát đau dạ dày mới ăn bừa cái gì. Gần đây anh còn hay bực bội.” Y không để ý, tự nói hết. “Hôm nay em chưa hôn tôi.” Khang Sùng nói. Y đưa cả hoa lẫn bữa tối cho người ta, “Trên đường về nhà anh có chán thì gọi điện cho em, em ngủ cũng tiếp.” Khang Sùng bắt lấy tay em đang muốn rút ra. “Em có đồng ý dọn ra ngoài, ở chung với tôi không?” Cảnh Doãn lại chẳng tìm được gì để nói, chẳng còn đạo lí chi mà giảng, lực nắm tay kia mạnh hơn chút khiến y mất thăng bằng, cam tâm tình nguyện. Bên tai ù ù, y sa vào cái ôm ấp ủ, câu hỏi của Khang Sùng như thể tẩm thêm ma pháp gì, thoảng chốc ném y ngã vào bể bong bóng xà phòng dịu dàng mộng ảo. Hai đứa ở chung, tự có nhà của riêng mình, dùng thân phận người yêu, không phải bạn bè chí cốt, chẳng là trúc mã; cùng ngủ một chiếc giường, làm tình rồi nhập mộng, đêm khuya mở đèn tâm tình, đeo một đôi nhẫn cặp. Y nguyện ý mỗi sáng dậy sớm mấy phút, dành Khang Sùng ngủ nhiều hơn xíu. Y nấu cơm, Khang Sùng rửa bát, hay là mua luôn máy rửa cũng được, tiết kiệm bớt sức lực, cơ mà chẳng sạch bằng rửa tay. Quần áo thì thôi, hôm nào nghỉ giặt một thể, còn mặc của nhau được nhỉ. Trong tủ lạnh để mấy lon nước có ga và rượu, kem và cổ vịt. Tủ thường phòng sẵn đồ ăn vặt, lúc xem phim hay hoạt hình sẽ ăn. Cuối tuần đi siêu thị, công viên, bể bơi, phòng tập thể thao, nghỉ dài ngày thì ra ngoài du lịch, đi đảo này bờ biển nọ; mùa đông lạnh cóng, thành Táp năm nào cũng có tuyết rơi, gió buốt qua mặt đau chết, lười ra cửa thì làm ổ trong nhà; cùng nhau đón thật nhiều cái lễ, qua nhiều thật là nhiều năm. Y nhớ đến trong hôn lễ khi ấy chị họ vừa khóc vừa nói: Chị chỉ muốn được đi hết quãng đời còn lại cùng người mình thích. Không nhất thiết phải cần hôn nhân. “Một ngày hai mươi tư giờ, đi làm tám tiếng ngủ cũng tám tiếng, trừ đi chỉ còn tám tiếng thôi. Tám tiếng này chia cho ăn cơm tắm giặt đi đường xã giao chỗ này chỗ kia bớt thành có ba tiếng. Thế ba tiếng này mỗi giây mỗi phút tôi đều muốn bên cạnh em, muốn vươn tay một cái là bắt được em, chẳng làm gì cũng không sao. Là tôi tham lam à, yêu cầu này có quá đáng không?” Từng ngọn đèn đường lần lượt sáng lên, Cảnh Doãn nâng tay Khang Sùng lên, dùng bó hoa chắn ánh sáng, nương nhờ bóng cây che rợp, em hôn môi Khang Sùng, khẽ ngâm: “Không tham tẹo nào… Không quá đáng gì hết.” “Thế cứ định vậy ha. Cuối tuần đi xem nhà?” “Ừ. Em nói trước với trong nhà đã.” “Em sẵn sàng chưa?” “Ừ.” Em bảo gì, thì chính là đó. Khang Sùng lại hôn rồi hôn em, hô hấp mềm dịu quấn quýt trên môi em, tay vắt qua thắt lưng, đụng đến mặt ngoài áo vải bông của em, bông gì mà nhuyễn cả tim gã. Dưới nữa là hõm lưng, gã không kìm nổi mạnh tay chun chút, em bị nhấn run run cả người, thế là chèn khủy tay lên, rùng mình một cái, tựa như đang cắn lưỡi, nói: “Em em em phải đi rồi, đồng nghiệp vẫn đang đợi.” “Ừ.” Khang Sùng chà chà bụng ngón tay cái bên hai má em đang dần ấm lên: “Tối tôi gọi cho em.” Em càng lúc càng xa, vẫn cứ quay đầu lại nhìn, gió thổi đôi mắt em tường tỏ. Khang Sùng cất giọng: “Chưa nghĩ ra nên nói với trong nhà ra sao thì giữ lại để tôi. Đừng sợ, tôi đủ tiền cho hai ta bỏ trốn.” Cảnh Doãn vừa bực vừa vui, đáp lời: “Ngậm miệng quạ đen của anh lại mau.” Bóng hình em khuất sau góc phố, thời gian trôi mới thật nhanh làm sao.
|