Phiên ngoại 3: Bạch y giang hồ
Truyền thuyết thiên nhân thọ số sắp tận, sẽ có ngũ suy, ở nơi cực lạc đã quen, sẽ lưu luyến không nỡ, khởi sân tâm. Trong “Lục Hợp tâm pháp” nói, một khi “thiên nhân” ăn uống khói lửa nhân gian, sẽ hiện suy tướng, râu tóc bạc hết, mà khí dần nhược, mà thể dần suy, phồn hoa không còn, gần đất xa trời.
Diệp Bạch Y trước mắt đã cảm giác được loại tình huống này, tóc y càng ngày càng bạc hơn, như thể có người cầm lược chải dần từng chút ở nơi không nhìn thấy, tùy tay nắm là rơi từng mảng, có lúc người sẽ hồ đồ, sẽ quên mất mình vừa mới ở nơi nào, lại muốn đi nơi nào. Tinh thần cũng kém, có khi đêm không ngủ được, có khi ngủ rồi, hôm sau mãi khi mặt trời lên ba sào cũng khó mở mắt ra.
Nhưng y cảm thấy mình rất khoái lạc, tự do tự tại, chẳng có mảy may sân tâm, cho nên những gì trong “Lục Hợp tâm pháp” đã nói, hoàn toàn là vớ vẩn thôi.
Nghiên cứu nguyên nhân, đại khái là y chưa bao giờ coi mình là thiên nhân, y chỉ cảm thấy mình là một hoạt tử nhân.
Xuống Trường Minh sơn, với y mà nói, đó là hoạt tử nhân mở mắt sống lại, cho dù chỉ là vài năm ngắn ngủi, cho dù y sẽ một lần nữa bước lên con đường sinh lão bệnh tử của phàm nhân.
Y mỗi ngày ăn rất nhiều, có lúc chạy một quãng đường rất xa, chỉ vì nếm một miếng quà vặt tuyệt nhất trong truyền thuyết ở nơi nào đó. Cổ nhân nói, thực sắc tính dã, Diệp Bạch Y đã già đến mức chẳng còn tâm tình mà sắc nữa, liền một lòng một dạ đổ vào thực. Y không xoi mói, cái gì cũng ăn, cái gì cũng hưởng thụ, dù là một bát đậu hũ bà chủ tửu quán nhỏ ven đường tùy tiện làm, cũng có thể để y cẩn thận thưởng thức rất lâu.
Đối với một người đã ăn lạnh uống tuyết hàng trăm năm mà nói, những chua ngọt đắng cay trên đời này, tất cả đều quý giá như vậy.
Diệp Bạch Y điều tra những người biết chuyện ba mươi năm trước, đi khắp tất cả các con đường có thể, cuối cùng tìm được mộ Dung Huyền và Long Phượng Nhi hai người không hề gây chú ý, lấy lại Cổ Nhẫn Long Bối bụi phủ, lại hợp thi cốt cả hai vào một chỗ, thiêu vào hũ, nhờ người đưa về Trường Minh sơn.
Y vốn muốn ngăn cản những người tranh đến cướp đi ấy mở võ khố, nhưng về sau chứng kiến một trò hề, lại cảm thấy mệt mỏi… sự chết sống của những người này có liên quan gì đến mình đâu?
Y nghĩ mình chỉ là một lão đầu tử sắp xuống lỗ rồi, đời này chẳng có chuyện gì phải bận lòng nữa, thế là cả ngày vô công rồi nghề, lấy đi khắp đại giang nam bắc, ăn khắp thiên hạ làm nhiệm vụ, biết đâu cho đến một ngày kia y không đi nổi nữa, vậy thì chết đâu hay đó.
Đúng rồi, thỉnh thoảng còn hoài niệm Dung Trường Thanh một chút.
Dung Trường Thanh, là bằng hữu duy nhất của Diệp Bạch Y trên đời này, đã chết ba mươi năm.
Nhưng Diệp Bạch Y vẫn có thể hồi ức dáng điệu của y năm đó không sai mảy may, dáng điệu thanh xuân đắc ý, dáng điệu thiếu niên khinh cuồng, thậm chí dáng điệu học bước của y.
Diệp Bạch Y kiêu ngạo một đời, không muốn nhớ những người không quan trọng, ký ức rõ nét duy nhất từ lúc chào đời đến nay chính là về người kia.
Dung Trường Thanh từ nhỏ cùng y lớn lên, không giống với Diệp Bạch Y vừa ra khỏi miệng là tìm đòn, y là một nam nhân rất được ưa thích, ở chung khiến người ta cảm thấy như gội trong gió mát. Thích mỹ tửu, danh kiếm, mỹ nhân, thậm chí thi thư. Cho y một chén rượu thì người thiên hạ đều có thể là bằng hữu, đáng tiếc bằng hữu chân chính của y chỉ có một – Diệp Bạch Y trừ luyện công thì chỉ biết tổn người.
“Quỷ Thủ” Dung Trường Thanh thành danh, chính là nhờ Đại Hoang kiếm, khi đó Dung Trường Thanh chỉ là một người trẻ tuổi chưa có tiếng tăm, không hề để ý tùy tay đem danh kiếm về sau được xưng là “kiếm trung tướng quân” này đưa cho một lão khất cái lang thang, lão khất cái cho y một bầu rượu khỉ và một quyển bí tịch.
Rượu khỉ được y cầm về chia với Diệp Bạch Y, bí tịch chính là tàn quyển của “Lục Hợp tâm pháp” trong truyền thuyết đời sau.
Về sau Diệp Bạch Y nghe nói, cơ duyên xảo hợp, chuôi Đại Hoang lưu lạc giang hồ này rơi xuống tay đứa trẻ mồ côi Trương gia, bỗng nhiên cảm thấy có chút hoang đường, giống như bọn họ những người này, những việc này, thấp thoáng liền thành một vòng luẩn quẩn, kẻ chết, kẻ già, thành một bộ chua xót nói không hết, lại chẳng ai có kết cục gì tốt.
Dung Trường Thanh xét cho cùng là một người trẻ tuổi, thiên hạ mấy người tập võ có thể ngăn cản ma lực thiên nhân hợp nhất này? Nhưng y không đủ tư chất – có lúc Diệp Bạch Y hồi tưởng, cảm thấy thứ đó kỳ thật chính là một bộ yêu thư, bên trong có đủ loại cạm bẫy, dụ người ta từng bước một đi xuống, cho đến khi vạn kiếp bất phục, hoặc là trong vạn vạn người có một người như vậy, bị nó lựa chọn thành kẻ kế nhiệm mới, liền biến thành dáng dấp dở người dở quỷ.
Dung Trường Thanh kỳ tài ngút trời, bằng sức bản thân mưu toan bổ toàn Lục Hợp tâm pháp, cuối cùng tẩu hỏa nhập ma.
Khi đó Diệp Bạch Y ra ngoài du lịch, đang vừa ý Trường Minh sơn, cảm thấy dấu chân hiếm đến, hết sức thích hợp cho y thỉnh thoảng bế quan, danh “Cổ tăng” thôn dân dưới chân núi nghe nhầm đồn bậy vừa mới ra.
Dung phu nhân lúc ấy còn là một nữ hài tử chưa xuất giá, không tiếc danh phận, từng bước một cõng Dung Trường Thanh lên núi, cầu Diệp Bạch Y cứu y.
Hai người nghĩ hết mọi biện pháp mà không hề khởi sắc. Sau chót Diệp Bạch Y rơi vào đường cùng, quyết định lấy mạng đổi mạng, muốn đem một thân công lực của Dung Trường Thanh truyền lên người mình, ai ngờ đến chỗ y, cơ duyên xảo hợp, lại thật sự khiến y hiểu thấu Lục Hợp tâm pháp vô cùng kỳ diệu kia.
Nhiều người kẻ trước tiếp bước kẻ sau cầu mà không được như vậy, cái “bánh” bằng trời này, thoảng mùi cứt chó, lại cứ thế rơi lên đầu một người ôm suy nghĩ tất chết.
Dung Trường Thanh là người chí tình chí nghĩa, y quyết định báo đáp hai ân nhân – cưới Dung phu nhân, cùng với ở trên Trường Minh sơn bầu bạn Diệp Bạch Y một đời.
Y là kẻ ngốc, không biết Dung phu nhân chẳng hề muốn ở nơi quỷ quái lạnh băng thế này với một nam nhân lạnh băng khác cả đời, cũng không biết, Diệp Bạch Y… chẳng hề muốn y cưới Dung phu nhân.
Y là kẻ ngốc, dùng danh kiếm đổi yêu thư là một việc ngốc, trầm mê yêu thư kia là việc ngốc thứ hai, nhưng kỳ thật hai việc trước gộp lại cũng chẳng ngốc bằng việc thứ ba.
Trên đời còn có chuyện hoang đường hơn đây sao?
Có, chuyện hoang đường hơn đây, chính là Dung Huyền con trai Dung Trường Thanh, là một hài tử ngốc như cha y, lại là một võ si kiên định như sư phụ Diệp Bạch Y. Y đã kết hợp khuyết điểm của mọi người, cho nên đời này định trước là một bi kịch.
Y không minh bạch thứ người tập võ cả đời sở cầu nọ, ở ngay trên tay sư phụ và phụ thân, vì sao hai người kia đều cực kiêng kỵ, nghe họ nói, đó là thứ cực nguy hiểm, nhưng cái nhìn của người trẻ tuổi với nguy hiểm không hề giống bậc cha chú.
Mỗi một người khi tuổi trẻ, đều cho rằng mình không giống người khác, người khác không làm được, mình có thể làm được, người khác sẽ chết, mình sẽ không chết.
Dung Huyền vác Cổ Nhẫn Long Bối Diệp Bạch Y tự tay truyền cho trốn đi, Dung Trường Thanh và Dung phu nhân ầm ĩ một trận, nữ tử tài tình và mỹ mạo cùng tồn tại, tâm chí kiên định trung trinh không đổi ngày xưa kia, trong mấy chục năm băng tuyết tịch mịch, đã biến thành một phụ nhân già nua mà tuyệt vọng, nàng bất đồng với họ, nàng là một đóa hoa, cần náo nhiệt, cần ánh dương và hơi người.
Gió tanh mưa máu ba mươi năm, như số mệnh đi ra bước đầu tiên – có lẽ bắt đầu từ Dung Huyền, có lẽ bắt đầu từ Dung Trường Thanh, có lẽ sớm hơn, bắt đầu từ lão khất cái lang thang kia, bắt đầu từ khi chuôi “tướng quân Đại Hoang” điệu thấp này xuất thế.
Có lẽ nó chỉ là một cái vòng luẩn quẩn, một mà hai hai mà ba lặp đi lặp lại trong lòng người, nhiều đời truyền thừa.
Ba mươi năm sau, bị Ôn Khách Hành bắt được một chút manh mối rồi ra tay, liền náo loạn long trời lở đất.
Nhưng đấy đều là chuyện quá khứ rồi… Một buổi chiều ngày nào đó, Diệp Bạch Y trong một tửu quán nhỏ húp hết một hơi mì nước cuối cùng trong lòng bỗng nhiên hờ hững nghĩ, người còn sống, cùng người đã chết, đấy đều là chuyện quá khứ.
Những người thân ở trong cục đều tự bi ai ấy, tỷ như y, tỷ như Dung phu nhân, tỷ như Ôn Khách Hành, tỷ như Chu Tử Thư, tỷ như Triệu Kính, thậm chí Cố Tương Tào Úy Ninh, bọn họ đều ý đồ “nhảy ra”.
Diệp Bạch Y muốn nhảy ra khỏi nguyền rủa thiên nhân hợp nhất kia; Dung phu nhân muốn nhảy ra khỏi Trường Minh sơn băng thiên tuyết địa nọ; Ôn Khách Hành muốn nhảy ra khỏi quỷ vực, trở về nhân gian; Chu Tử Thư muốn nhảy ra khỏi Thiên Song, tự do tự tại; Triệu Kính muốn nhảy ra khỏi quy tắc của cả giang hồ, trên cao nhìn xuống, tay nắm càn khôn; Cố Tương và Tào Úy Ninh muốn nhảy ra khỏi thành kiến thâm căn cố đế của thế gian, di thế độc lập mà bên nhau.
Bọn họ đấu đá, tranh đoạt, cơ quan tính hết, bỏ sinh quên tử.
Giống như là một cái vực sâu, có người nhảy qua, liền ra ngoài, có người không qua được, liền ngã chết.
Mà vực sâu ấy, có một cái tên, gọi là – giang hồ.
|