Chương 1: Lời tựa Lời tựa "Nhất thế nham thạch xuất, hóa tác anh hùng chủng, tình ý vô khả thôi. Nhị thế bàn thạch phá, bài độ nhân duyên kiều, uyên ương lưỡng song phi. Tam thế ngọc thạch phần, thệ thủ kim ngọc minh, sinh tử vĩnh tương tùy.*" Tạm dịch: "Một kiếp đá nham sinh, hóa thành anh hùng mộ, tình ý chẳng chia phôi. Hai kiếp xẻ đá tảng, bắc nhịp cầu duyên phận, uyên ương sải cánh cùng. Ba kiếp nung đá ngọc, thề giữ hẹn sắt son, sống chết không chia tách"... Hoa bỉ ngạn nở suốt dọc đường, đỏ rực tựa màu máu. Dòng Vong Xuyên lặng lẽ buông mình, ba nghìn năm chảy về hướng đông, ba nghìn năm chảy về hướng tây. Những cô hồn tới rồi lại lui, họ đặt chân trên đường Hoàng Tuyền dài dằng dặc, bước qua Nại Hà, uống cạn một bát Hoàng Thang**, tất cả mọi chuyện trong kiếp trước sẽ theo đó mà tiêu biến. Bên đá Tam Sinh chúng sinh đến rồi đi, lại chẳng một ai đưa mắt nhìn nơi ấy một lần, đủ thấy luân hồi chẳng qua cũng chỉ là một bầy ngây ngô, vô tri vô giác. **Canh Mạnh Bà, khi uống vào sẽ quên mọi chuyện trong tiền kiếp. Bên cạnh đá Tam Sinh, có một người đang ngồi. Đó là một nam nhân, bước lại gần nhìn thì thấy y nhiều lắm cũng chỉ hai mươi, ba mươi tuổi, áo dài xanh, tay áo rộng, một cây sáo trúc đục đẽo thô kệch gài bên hông. Mái đầu y phủ đầu tóc trắng nhưng không buộc lại mà để xõa xuống. Nam nhân quay lưng với những linh hồn đang lảng vảng trên đường Hoàng Tuyền, mặt hướng về phiến đá Tam Sinh trơ trọi. Y chỉ lẳng lặng ngồi đó, hai mắt nhắm nghiềm, không biết đã ngủ hay vẫn còn đang thức, dường như hoàn toàn không phát giác ra có người đã nhìn mình thật lâu. Hồ Già là quỷ sai mới nhậm chức, lui tới chốn Hoàng Tuyền này mới chỉ hơn bốn mươi năm. Từ khi gã chú ý đến nam nhân tóc trắng này tới nay, vẫn thấy y ngồi đó mãi, không hề nhúc nhích. Hồ Già sau khi báo cáo nhiệm vụ chuyến công cán tại nhân gian xong đều muốn đứng đây đăm đăm nhìn bóng lưng của nam nhân kia một chốc. Âm ty là thế giới của quỷ ma, thế nhưng ở chốn dương gian luôn ngập tràn ánh nắng, số lượng quỷ ma cũng chẳng hề kém cạnh, có những khi tâm trạng phiền muộn quá, Hồ Già sẽ chăm chú nhìn bóng lưng bất động như núi của nam nhân kia, chỉ thoáng lúc sau là bình tâm trở lại, kể cũng thật lạ kỳ! Đột nhiên, một cánh tay trắng nhợt đặt lên vai Hồ Già. Mặc dù thân là quỷ sai nhưng gã vẫn thấy một luồng hơi lạnh lẽo men theo cánh tay kia ùa tới, khiến gã giật thót mình. Hồ Già quay đầu thì thấy gương mặt hệt phiến giấy hồ của Bạch Vô Thường lù lù trước mắt, gã vỗ ngực, quay người lại, vội vàng hành lễ: "Câu Hồn Sứ'' *Sứ giả câu hồn. Bạch Vô Thường mơ hồ gật nhẹ, môi không động, song thanh âm lại nghe rất rõ ràng: "Ngươi tới gọi y một tiếng, nói là thời gian đã tới, mời y lên đường". "Tôi ư?", Hồ Già giật nảy, gã nhìn về phía nam nhân ngồi yên như pho tượng, rồi lại đưa mắt trông Bạch Vô Thường, "Chuyện này...tiểu nhân..." "Ngươi cứ đi đi", Bạch Vô Thường hờ hững nói, "Năm ấy ta câu nhầm hồn phách của một người, hại y lâm vào cảnh tử biệt sinh ly, suốt mấy kiếp tình si cầu mà không được, mấy trăm năm chẳng thể sống yên ổn, chắc rằng...y không muốn nói chuyện với ta đâu". "Dạ", sứ giả câu hồn đã có lời, Hồ Già không dám cãi lại. Gã chần chừ trong chốc lát, lại hỏi rằng: "Nên...nên xưng hô với người đó thế nào?" Dường như Bạch Vô Thường đã ngẩn người, chốc lát sau mới thấp giọng trả lời: "Ngươi cứ gọi y một tiếng Thất gia đi, ai cũng gọi vậy cả, y sẽ đáp thôi". Hồ Già không tiện do dự nữa, liền bước về phía nam nhân nọ. Lúc gã vẫn còn là người ở thế gian, lúc nhỏ có nghe một vị tiên sinh ở trường tư thục kể rằng: Thời cổ có một người rất giỏi thuật đan thanh*, có một ngày tiện tay vẽ tháu một con rồng lên bức tường, hiềm nỗi lại không có mắt, người đi ngang qua thấy vậy, lấy làm khó hiểu mà hỏi ông ta, người đó liền trả lời, chỉ sợ vẽ mắt vào rồi, nó sẽ hóa thành rồng thật mà bay đi mất. Người ngoài nhất định không tin, họa sĩ chẳng có cách nào, chỉ đành điểm mắt lên cho, con rồng ấy quả nhiên sống dậy, ngân một tiếng trong trẻo, bay vút lên mây, chính là chuyện "vẽ rồng thêm mắt" mà người đời vẫn truyền tai. Vào giây phút ấy, chẳng hiểu vì sao Hồ Già lại cảm thấy rằng, nam nhân tóc trắng ngồi yên đó giống như một con rồng thần chưa vẽ mắt, dường như chỉ cần gọi y thức tỉnh, thì mảnh đất nhỏ nhoi bên phiến đá Tam Sinh sẽ không còn níu được chân y nữa. Gã bước lại gần, song nam nhân kia lại chẳng hề hay biết, y vẫn ngồi nghiêm, mặt hướng về phiến đá, hai mắt nhắm nghiền. Hồ Già liền hắng giọng, lấy hết dũng khí vươn tay vỗ nhẹ bờ vai nam nhân tóc trắng: "Thất gia, Câu Hồn Sứ có lời nhờ tiểu nhân nhắn hộ, ngài ấy nói rằng thời gian đã tới rồi, mời Thất gia lên đường!". Nam nhân không nhúc nhích, hệt như không nghe thấy. Hồ Già nuốt nước miếng, sau đó cao giọng hơn, tiến gần tới bên tai người kia: "Thất gia, Câu Hồn Sứ..." "Nghe thấy rồi, ta có điếc đâu." Hồ Già tức thì sững người ra đó, không ngờ nam nhân trơ ra như vật chết kia lại mở miệng nói chuyện, mà lại nói với gã nữa chứ! Thanh âm của vị Thất gia này rất trầm rất khẽ, nghe hao hao một cơn gió nhẹ thoảng, dìu dịu lướt qua đáy lòng. Tiếp đó, y cử động, thân thể dường như vì đã ngủ quá lâu mà rệu rã, nhúc nhích bả vai một lúc, rồi mở mắt ra thật chậm, liếc nhìn Hồ Già - đôi mắt ấy rất trong, rất sáng, khóe mắt rộng, viền mắt rõ ràng. Lông mày khẽ nhướn lên, dường như bên trong chất chứa ý cười bâng quơ, và ẩn hiện những tia sáng, thế nhưng chỉ trong chớp mắt, tất cả bỗng biến mất. Hồ Già ngẩn người, trong lòng thầm nhủ: Không ngờ vị Thất gia này lại có bộ dạng ưa nhìn đến vậy. Nam tử tóc trắng thăm dò gã một lúc, mới thoáng chút đăm chiêu mà nói: "Hình như ta chưa bao giờ gặp ngươi thì phải...". "Tiểu nhân Hồ Già, là quỷ sai dưới địa phủ này, mới nhậm chức được bốn mươi năm." Nam tử giật mình, bấm ngón tay tính toán, sau đó lắc đầu cười rằng: "Ta vừa chợp mắt liền ngủ lâu đến thế ư?". Y thong thả vịn phiến đá Tam Sinh mà đứng dậy, phủi đi bụi đất vốn không hề tồn tại trên người, ống tay áo rộng thùng thình quét qua, hoa bỉ ngạn dường như cũng theo động tác của y mà khe khẽ cúi đầu. Quay người lại, thấy Bạch Vô Thường đứng cách đó không xa, y cũng không lấy làm sửng sốt, chỉ chỉnh lại ống tay áo, vái chào qua loa: "Câu Hồn Sứ đại nhân, cũng phải hơn sáu mươi năm rồi ngài và ta chưa gặp mặt nhỉ?". Bạch Vô Thường sững sờ, tuy bộ dạng hắn vẫn khô khan cứng ngắc như cũ, song Hồ Già cảm thấy hình như hắn vừa thoáng ngẩn người. Bạch Vô Thường nói: "Tiểu nhân ngày ngày bước qua cầu Nại Hà, không ngày nào là không trông thấy Thất gia. Chỉ là suốt sáu mươi ba năm qua, Thất gia chưa một lần quay đầu liếc mắt nhìn tiểu nhân mà thôi". Nam tử chớp mắt, rồi đột nhiên cười rộ lên: "Sao trong câu nói của Câu Hồn Sứ ta nghe có vụ oán hờn thế nhỉ?". Bạch Vô Thường cúi thấp đầu, đáp: "Tiểu nhân không dám". Nam tử nghe mà ngẩn người: "Giọng điệu này của ngươi, như thể ta từng đắc tội gì với ngươi ấy". "Tiểu nhân không dám", Bạch Vô Thường vẫn giữ giọng điệu cứng nhắc còn hơn cỗ quan tài, nói: "Hôm nay thời gian đã tới, mời Thất gia cùng tiểu nhân đi lối này". "Hử, thời gian gì?", nam tử chớp mắt, "Đi đâu?". "Mời Thất gia cùng tiểu nhân tới luân hồi, nếu để lỡ thời giờ sẽ không hay, giờ đã là kiếp thứ bảy rồi." Bạch Vô Thường dừng lại một chốc, "Chỉ cần vượt qua kiếp này, duyên phận giữa ngài và Hách Liên Dực sẽ hết, từ đó về sau cát bụi lại trở về cát bụi, không cần tiếp tục quấn quýt dây dưa nữa". Hồ Già vừa nghe thấy Bạch Vô Thường thốt ra ba tiếng Hách Liên Dực liền sửng sốt vô cùng, cái tên này gã đã từng nghe. Khi Hồ Già vẫn còn là người, thuở nhỏ cũng từng học trường tư, lão tiên sinh khi giảng về lịch sử, từng đặc biệt nhắc tới vị hoàng đế Trung Hưng của tiền triều, hiếm khi thấy ông già bảo thủ ấy lộ ra vẻ tán thưởng không che giấu, chỉ nói người này sinh ra giữa thời đại loạn trong giặc ngoài, thánh minh nhân hậu, bằng sức của bản thân mình đã cứu vãn được cả một triều đại sắp ngả nghiêng, cúc cung tận tụy, là vị thánh minh quân chủ bậc nhất suốt ngàn đời. Gã liền ngoái đầu lại, trông vị Thất gia kia, chỉ thấy cặp mắt tuyệt đẹp của y đang đăm chiêu nhìn về hướng dòng Vong Xuyên, không nói năng gì. Hồ Già ở bên cạnh, thấy trong mắt y như đang ẩn chứa một tầng sương mờ, khiến người ta nhìn vào mà cảm thấy mơ hồ, rồi lại hiển lộ vào phần mông lung sầu thảm. Nhìn vào gương mặt bợt bạt của Bạch Vô Thường đứng một bên cũng không đoán được điều gì, song chẳng hiểu vì sao Hồ Già lại cảm nhận được rất rõ ràng, lúc này vị Câu Hồn Sứ đại nhân kia đang ngập tràn những nỗi xót xa. "Năm ấy ta câu nhầm hồn phách của một người, hại y lâm vào cảnh tử biệt sinh ly, suốt mấy kiếp tình si lại cầu mà không được, mấy trăm năm nay chẳng thể sống yên, có lẽ y không muốn nói chuyện với ta đâu." Bỗng nhiên, gã thấy nam tử tóc trắng kia như đã hoàn hồn lại, y chớp mắt, có phần hoang mang, quay đầu lại hỏi Bạch Vô Thường: "Hách Liên Dực là vị nào ấy nhỉ?". Bạch Vô Thường bị câu nói của y làm cho nghẹn họng. Nam tử tóc trắng tập trung tư tưởng nghĩ ngợi, hồi lâu mới nhẹ nhàng tự cốc mình một cái, bừng tỉnh mà đáp rằng: "À, ngươi nói hắn à...Ta nhớ lại một chút rồi, trời ạ, ký ức về hắn vẫn còn chưa dứt sao?". Khuôn mặt Hồ Già bỗng như xuất hiện mấy vết rạn - mấy kiếp tình si cầu mà không được? Tình si? Trí nhớ của cái vị tình si này hình như không được tốt lắm thì phải. Nam tử tóc trắng liếc nhìn Hồ Già, dường như hiểu rõ trong lòng gã đang nghĩ cái gì, y duỗi cái lưng ê ẩm của mình, thong thả nói: "Con người bước vào lục đạo luân hồi, tính ra cũng đã qua mấy trăm năm, chẳng biết hắn đã đầu thai được bao nhiêu kiếp rồi, nam nữ, trẻ già, tên tuổi, thân phận luôn luôn thay đổi, ai mà nhớ hết được? Huống chi ta đây đã mấy trăm năm chưa được làm người...". Mấy tiếng cuối cùng của y vang lên rất thấp, sau cùng hóa thành một ý cười bâng quơ treo trên khóe môi mỏng, y khép ống tay áo dài lại, nhìn Bạch Vô Thường: "Không nhắc thì ta cũng quên khuấy mất, năm đó vốn dĩ ta đã tính hết mọi đường, ai ngờ ngươi lại câu nhầm hồn phách của Thanh Loan, khiến nàng ta chết uổng, thế mới hại ta và Hách Liên Dực trở mặt thành thù đúng không? Chẳng trách ban nãy ngươi không dám nói chuyện với ta". Bạch Vô Thường tránh ánh nhìn của y, cúi đầu thấp xuống. Nam tử tóc trắng lắc đầu, tiến lên phía trước, làm như tùy ý vỗ vai Bạch Vô Thường: "Chuyện từ đời thuở nào rồi, ngươi vẫn còn để tâm nhớ kỹ, quả nhiên là tiểu bạch kiểm*, bụng dạ cũng chẳng rộng rãi được đi đâu". *Nguyên văn: 小白脸: Ý chỉ những người đàn ông có vẻ ngoài cực kỳ thanh tú, khôi ngô, đối lập với những người có vẻ ngoài thô lỗ, mạnh mẽ. Không mang nghĩa xấu, chỉ mang tính cường điệu vẻ đẹp tướng mạo của họ. Còn một ý khác là chỉ những người đàn ông sống nhờ vào bạn gái hoặc vợ. Chân Hồ Già trượt một cái, suýt chút nữa thì lao đầu xuống dòng Vong Xuyên. Người kia liền cất giọng cười vang. Một lối Hoàng Tuyền, u hồn mười vạn, dường như cả cõi Âm ty đều đang vang vọng điệu cười không gì ràng buộc của y, bóng lưng cao gầy kia phảng phất khí thế hào sảng khó tả, dường như đến cả Thập Điện Diêm Vương** trong mắt y cũng chẳng là gì. **Là mười vị vua dưới Âm ty, chuyên phán xét những tội trạng khác nhau của con người sau khi chết. Bao gồm: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Thiên Tử, Biện Thành Vương, Thái Sơn Vương, Đô Thị Vương, Bình Đẳng Vương, Chuyển Luân Vương. Hồ Già giữ khoảng cách theo sau y, chỉ nghe thấy tiếng Bạch Vô Thường vang lên nhẹ bẫng: "Đó vốn là một đoạn tình duyên kéo dài bảy kiếp, bởi vì tội lỗi của ta năm ấy, cứ thế thay đổi số mệnh của hai người bọn họ, vốn dĩ là một đôi tình nhân bạc đầu giai lão, lại bị ta ép trở mặt thành thù". Hồ Già ngẩn người ra: "Tình duyên? Y là..." "Ngươi có từng nghe qua cái tên Nam Ninh Vương?" Hồ Già không khỏi "Ồ" lên một tiếng: "Y là...Y là...". Chẳng trách Câu Hồn Sứ lại tự xưng là tiểu nhân với nam tử kia, thì ra y chính là Nam Ninh Vương gia của tiền triều. Bạch Vô Thường lắc đầu: "Kiếp đầu tiên, y cùng lắm mới ba mươi hai tuổi, lo nghĩ quá nhiều, đến lúc rời nhân gian thì đã kín đầu tóc trắng, sau khi chết đi vẫn cuồng dại si tình, không chịu uống dù chỉ là một ngụm nước Vong Tình, đứng bên cầu Nại Hà khổ sở chờ đợi mười năm, chờ kẻ kia cùng tiến vào vòng luân hồi...". Hồ Già hỏi: "Không uống canh Mạnh Bà? Làm vậy chẳng phải kiếp sau y sẽ không được làm người sao?" Bạch Vô Thường gật đầu: "Thế nên kiếp thứ hai y đã hóa thành loài côn trùng có cánh, bay đến dưới ngọn đèn người đó đốt ban khuya, chỉ đáng tiếc, người kia tỉnh tỉnh mê mê, thân phàm mắt thịt, lại bắt lấy y, bóp chết trong tay". Hồ Già nghe mà không biết phải nói gì. "Y đợi người kia đến kiếp thứ ba", Bạch Vô Thường bước sóng vai cùng với Hồ Già, xa xa theo sau vị Thất gia kia, tiếng Câu Hồn Sứ nhỏ như tiếng muỗi, lí nhí trong cổ họng, rất trầm, rồi từng từ từng từ lại thốt ra đặc biệt rõ ràng: "Kiếp thứ ba y hóa thành một con chó mực, được người kia chăm từ lúc nhỏ, thế nhưng về sau người đó cảnh nhà sa sút, phải giết chó lấy thịt ăn. Kiếp thứ tư, y là một chậu hoa nhài đặt trên bệ cử, do cô nương người kia cảm mến tặng cho, người kia chăm sóc tưới tắm, dốc sức dốc lòng, có điều về sau cô nương trong lòng người kia gả cho kẻ khác, người kia bởi đau lòng cũng chuyển nhà đi, bỏ lại chậu hoa nhài trong nhà hoang, héo tàn mà chết. Kiếp thứ năm, y hóa thành cáo tuyết, bị người kia bắt được, nuôi trong nhà, làm trò vui cho người, lại bởi thê thiếp của người kia yêu lớp da ngoài, phải chịu nỗi khổ rút gân lột da...". "Sao lại đến nông nỗi ấy?", Hồ Già trợn trừng hai mắt, "Vạn sự trên thế gian đều có nhân có quả, y nào có gieo quả ác, hà cớ gì...". Bạch Vô Thường đảo mắt nhìn gã, lắc đầu: "Cái gọi là nhân quả, không phải thứ mà chúng ta có thể tỏ tường". "Thế về sau..." "Về sau...Sau khi y trở lại, liền ở bên cầu Nại Hà uống liền ba bát canh Mạnh Bà, Bạch Vô Thường cười gượng một tiếng: "Thế nhưng chẳng hiểu vì sao, canh Mạnh Bà có thể xóa sạch ký ức của người đời lại vô dụng đối với y. Lúc muốn nhớ thì ký ức cứ trôi đi mất, lúc muốn quên thì lại nhớ tường tận. Y tự giễu mấy trăm năm qua quả thực dài đằng đẵng, có đôi khi chẳng nhớ được tên bản thân thuở ban đầu. Thế nhưng hết lần này tới lần khác phải khắc ghi những việc cũ trong quá khứ, vì chuyện bảy kiếp này mà y tự xưng mình là Cảnh Thất. Đợi đến khi Hách Liên Dực qua kiếp thứ sáu, thì tổng cộng đã là sáu mươi ba năm, y không muốn trở lại hồng trần, cứ ngồi quay mặt vào đá Tam Sinh đợi chờ sáu mươi ba năm. Tính ra những dây dưa đã định phải kéo dài bảy kiếp của Thất gia và Hách Liên Dực chỉ còn lại một lần này. Lần này y không thể tránh nữa, phải nhập vào cõi trần, trải qua một kiếp cuối cùng này, cho tròn cái thứ nhân quả không biết lúc nào dừng, chẳng hay khi nào kết thúc ấy, là xem như xong chuyện". Hồ Già bừng tỉnh: "Chẳng trách". Gã ngẩng đầu trông theo người đang khoan thai đi lại ở đằng xa, cảm giác vị tình si có một không hai mà Bạch Vô Thường miêu tả với nam tử phóng khoáng tiêu sái kia chẳng phải một người, thế nhưng nhìn mái đầu trắng phơ như tuyết, buông xõa sau lưng nam nhân kia, Hồ Già lại thấy đó chính là thứ màu bi ai u sầu nhất thế gian này. Cảnh Thất đứng thẳng bên đầm Chuyển Sinh, chờ hai người kia trong chốc lát. Đợi đến khi Bạch Vô Thường và Hồ Già bước lại gần, y mới buông giọng bỡn cợt: "Lần này ta có phải người không?". Bạch Vô Thường nói: "Là một quý nhân". Cảnh Thất trộm liếc Bạch Vô Thường một cái, bĩu môi rằng: "Quý nhân thì không cần, tốt nhất là cơm áo không lo, mọi việc chẳng nhọc lòng, dù sao cứ để ta nhàn hạ thảnh thơi, ăn no chờ chết là được". Bạch Vô Thường không nói thêm gì nữa chỉ vươn tay: "Mời". Cảnh Thất lấy lệ ôm quyền làm lễ với hai người, nở nụ cười, sau đó nhấc chân bước xuống ao. Mắt thấy y sắp trầm mình vào trong ao Chuyển Sinh, Bạch Vô Thường lại đột nhiên cắn vỡ đầu ngón tay mình, gập tay làm phép, một giọt đỏ hồng ứa ra từ ngón tay trắng nhợt của hắn, rơi vào trong ao Chuyển Sinh, chẳng ngờ lại khiến nước ao ánh thành sắc máu, Hồ Già kinh hãi, hoảng hốt kêu lên: "Câu Hồn Sứ, ngài làm gì vậy?". Bạch Vô Thường không để ý tới gã, miệng lẩm bẩm niệm chú, đột nhiên vươn ngón tay dính máu ra, điểm giữa hai chân mày Cảnh Thất. Cảnh Thất đang ở trong ao, không tránh đi đâu được. Bấy giờ y sửng sốt, ngước mắt nhìn lên, gương mặt vị Câu Hồn Sứ kia vẫn vô hồn như cũ, đôi đồng tử vẫn đờ đẫn nhìn thẳng vào trong mắt y. Cảnh Thất chỉ cảm thấy như bị ai xô mạnh, thân thể thoáng chốc chìm xuống dưới, bên tai có tiếng người khẽ vọng: "Vì lỗi của ta mà mệnh ngươi không trọn, khiến ngươi vô duyên vô cớ phải ngăn trở thế gian, trăm bề khổ sở, nay chẳng có gì bù đắp, liền dốc hết tu hành, đổi cho ngươi một đời tóc đen...". Hồ Già ngơ ngác nhìn thân thể Cảnh Thất chìm xuống trong nháy mắt. Khoảnh khắc ấy, ao Chuyển Sinh đỏ hồng, thay đổi dị thường. Gã còn chưa kịp kêu lên một tiếng kinh hoàng, đã thấy nước ao trong veo trở lại, yên ả không một làn sóng gợn, hệt như chưa hề có kẻ đến người đi. Hồ Già chậm rãi quay đầu lại, Bạch Vô Thường đã chẳng thấy bóng đâu, chỉ để lại một tờ giấy trắng hình người, phất phơ rơi xuống một bên. Cạnh người vang lên tiếng "tách tách", một bóng đen đột ngột hiện ra, cúi người nhặt tờ giấy trắng rơi trên mặt đất lên. Hồ Già ngẩn người, sau đó vội vàng hành lễ: "Phán quan...". Hắc y nam nhân xua tay: "Miễn đi". Chỉ thấy tờ giấy kia thình lình bốc cháy trong lòng bàn tay y, thoáng sau đã thành tro xám. Phán Quan mở rộng bàn tay, một làn khói xanh dường như mang linh khí, cũng tiến vào trong ao Chuyển Sinh. Phán Quan thấy Hồ Già ngơ ngơ ngác ngác, liền bảo rằng: "Bạch Vô Thường mới nãy không phải là người địa phủ, chẳng qua cũng chỉ mượn thân xác Bạch Vô Thường đợi người trong số mệnh của hắn mà thôi, hôm nay cũng nên đi rồi". Bờ môi của Hồ Già mấp máy, phảng phất như hiểu ra điều gì, rồi lại giống như mù mờ mọi chuyện. Phán Quan thở dài một tiếng, lần thứ hai thình lình biến mất vào bóng tối, hệt như khi xuất hiện.
|
Chương 2: Chẳng bằng về đi Chẳng bằng về đi
*Nguyên văn: Bất như quy khứ. Thế nhân tương truyền Vọng dế Đỗ Vũ của nhà Thục cổ sau khi mất nước chết đi, hồn phách hóa thành "chim đỗ quyên". Tuy đã chết rồi nhưng hồn phách Vọng đế vẫn quyến luyến không quên quốc thổ, mỗi đêm khuya sẽ ở trong núi kêu than, tiếng kêu bi thiết, nghe như tiếng người than thở "Bất như quy khứ". Từ đó về sau cổ nhân thường dùng câu này để giục giã người ta trở lại gia đình, trở lại quê hương. Trong bài thơ Chim quyên của nhà thơ Mai Nghiêu Thuần đời Tống có câu: "Hồn thục đế năm nào, nghìn xuân hóa đỗ quyên, câu chẳng bằng trở lại, truyền lưu tới tận giờ". Cảnh Thất chỉ cảm thấy đất trời chao đảo, trong cơn hỗn độn ấy hình như mọi thứ đều rõ rệt, rồi lại phảng phất như bị ngăn cách bởi một tầng lụa mỏng, mờ mờ nhạt nhạt, thân thể rã rời, tựa hồ chỉ một thoáng lơ đễnh là có thể ngủ thiếp đi. Y nhớ lại gương mặt của Bạch Vô Thường mà mình nhìn thấy phút sau cùng, lạnh nhạt, cứng đờ, giống như bị một lớp vỏ chụp lên, khiến người ta không nhìn rõ được, song ngón tay chạm vào giữa trán y lại khiến y cảm nhận được một thứ hơi ấm lạ kỳ. Xưa nay vẫn nghe người ta nói, lối Hoàng Tuyền, Quỷ Môn quan đều là những chốn cực âm, lúc người già sắp nhắm mắt xuôi tay, đều phải chuẩn bị cho bản thân một cái chăn bông, Cảnh Thất biết là vì quỷ sai lui tới đều lạnh tựa khối băng, tới gần ba thước đã đủ cảm thấy rùng mình. Cảnh Thất không rõ Bạch Vô Thường đã làm gì, thế nhưng giờ này nghĩ lại, hơi ấm cuối cùng mà Câu Hồn Sử trao cho y, cùng với thứ ngôn ngữ trầm khẽ ấy, đều mơ hồ phảng phất một thứ cảm giác đoạn tuyệt. Trong cơn mơ màng, y nghĩ: Tội gì phải thế? Ý thức của y lại một lần nữa trở nên mờ mịt, cố thế nào vẫn không mở được mắt ra, chẳng biết qua bao lâu y mới có cảm giác của tứ chi. Tính ra, cũng đã hơn sáu mươi năm y chưa hề trải nghiệm cảm giác có một thân thể thực sự, thình lình tỉnh lại, chỉ cảm thấy nặng trĩu không thôi, đầu đau như bị kim châm vậy. Bên cạnh y từ lúc nào có tiếng người qua kẻ lại, thanh âm lúc thì gần lúc lại ra xa, còn có người tách miệng y ra, rót thuốc vào, cũng chẳng biết là tên lỗ mãng nào làm chuyện ấy, bón thuốc gì mà như tắm cho ngựa, cứ cố sống cố chết nhồi vào miệng y thế này. Vị giác vừa khôi phục lại, vị đắng đã xông lên tận óc, y nhất thời không đề phòng, bị sặc bởi dòng nước thuốc cuồn cuộn chảy vào trong cổ họng, bắt đầu ho khù khụ, kế đó lại thấy dậy lên những thanh âm hoang mang hỗn tạp. Ầm ĩ một phen như thế, lại khiến y có chút sức lực, miễn cưỡng mở mắt ra. Tầm mắt mơ mơ hồ hồ, y cố sức chớp mắt mấy cái mới bắt đầu trông rõ, thấy mình đang bị một thiếu niên ôm vào lòng, bón thuốc cho. Thiếu niên kia thấy y vừa ho vừa mở mắt ra liền vội vàng bưng bát thuốc, vừa vỗ lưng y vừa la lớn: "Mau mời thái y tới đây, tiểu vương gia tỉnh lại rồi". Ban nãy vừa mới ho khù khụ một hồi, lại bị thiếu niên thô lỗ vỗ cho mấy cái, Cảnh Thất oán giận mà nghĩ: Có phải tên tiểu tử này được kẻ thù phái tới hành hạ ta không? Chỉ thấy thiếu niên kia khịt mũi một cái rõ to, cúi đầu nói với y rằng: "Chủ tử, lão vương gia đã đi rồi, nếu đến cậu cũng có chuyện gì bất trắc nữa thì chúng nô tài phải trông cậy vào ai đây?" Bấy giờ Cảnh Thất mới trông rõ gương mặt của thiếu niên kia, vừa nhìn liền ngây ngẩn cả người. Đó là Bình An...Là Bình An được phụ vương y mua về từ năm sáu tuổi, đã theo y suốt cả một đời từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt. Vành mắt thiếu niên đỏ hoe lên, giờ này hắn cũng chỉ là một đứa trẻ còn chưa lớn hẳn mà thôi. Bình An cố gắng kiềm chế không để lệ trào ra, trong nháy mắt phảng phất một tầng sương mờ, y phục cũng như đã to ra một cỡ. "Bình...", Cảnh Thất há miệng ra, nhưng cuống họng khô khốc, khó chịu vô cùng, chẳng thốt ra được một câu hoàn chỉnh. Y cứ nghĩ vài trăm năm đã trôi qua, bản thân đã sớm quên hết thảy mọi chuyện, nhưng bắt đầu từ giây phút trông thấy thiếu niên này, dòng hồi ức đã mờ nhạt liền dâng trào mãnh liệt, hệt như thủy triều dâng vậy. Cuối cùng y cũng nhớ ra tên của bản thân mình, Nam Ninh vương Cảnh Bắc Uyên, có muôn vàn bộ mặt trong miệng lưỡi người đời, Cảnh Bắc Uyên đã từng cả đời chỉ sống vì một người duy nhất mà y đã chôn vùi thân xác dưới tay người đó vào cái năm y bước sang tuổi ba mươi hai, trong lòng u ám tựa tro tàn. Y đột nhiên hiểu ra câu nói "Trả lại cho ngươi một đời tóc đen" của Câu Hồn Sử có ý nghĩa gì. Trước hành vi "nhiều chuyện" này của hắn, Cảnh Thất y quả thật không biết mình nên cười hay nên khóc bây giờ. Bình An thấy y cứ ngơ ngác vậy, chỉ nghĩ y đã bệnh đến mức hồ đồ. Hắn sợ hãi không thôi, lay người y thật lực: "Chủ tử, chủ tử, cậu đừng dọa nô tài, thế này là lẽ làm sao? Sao giờ này thái y còn chưa tới, thái y", Cảnh Thất cố sức nâng tay lên, thân thể này cứ như nặng gấp mấy trăm lần khi còn làm du hồn vậy, sau đó y đè bàn tay khua khoắng loạn xạ của Bình An xuống, không nói nên lời, chỉ khép hờ đôi mắt lại, khẽ lắc đầu. Bình An cũng coi như có chút nhãn lực, thấy vậy liền mau chóng đứng lên, đi rót một chén nước, cẩn thận hầu hạ y uống hết. Bấy giờ Cảnh Thất mới khàn giọng nói được mấy câu: "Giờ là lúc nào rồi?". Vừa mở miệng, đến cả bản thân y cũng thấy giật mình, thanh âm kia tuy khản đặc, thế nhưng không khó nghe ra âm điệu ngây thơ của trẻ nhỏ chưa vỡ giọng, còn vương hơi sữa. Y cúi đầu trông bàn tay của chính mình, vừa nhỏ lại vừa gầy, mang theo sắc da xanh pha vàng vọt của người còn đang bệnh, khí huyết thiếu hụt. "Đã là giờ Thân rồi ạ, chủ tử, từ khi cậu bị ngất ở linh đường tới giờ đã sốt cao suốt hai ngày, có gọi thế nào cậu cũng không tỉnh", Bình An mím môi, cúi đầu khẽ lau đi lệ trào bên khóe mắt, "Vương phi sớm rời xa nhân thế, lão vương gia...lão vương gia cũng quá nhẫn tâm, cứ thế mà đi. Hiện giờ cậu chính là trụ cột của chúng nô tài, của cả nhà này, vạn nhất cậu có chuyện gì, vậy thì để nô tài lên đường cùng cậu luôn cho xong". Thì ra...là cái năm y mười tuổi, khi phụ vương mới qua đời. Cảnh Thất lại nhìn vào tay mình, tuy rằng thân thể rã rời, nặng nề khôn kể, thế nhưng y lại cảm thấy thật là mới lạ. Sau khi trải qua biết bao lượt luân hồi, y lại trở về điểm khởi đầu lần nữa, đúng là...khiến người ta cảm xúc ngổn ngang, tơ giăng trăm mối. Thế nhưng kế đó y lại nhớ tới Bạch Vô Thường, chút ít hiếu kỳ trong lòng cũng nhạt dần đi. Đảo ngược thời gian và không gian - dù y không hiểu rõ nội tình, nhưng cũng ít nhiều hiểu được, Câu Hồn Sử kia chắc chắn phải trả một cái giá cực lớn. Hắn làm vậy là để bồi thường cho y? Vì muốn y một lần sống lại kiếp người mà thứ nghiệt duyên kia nảy mầm bắt rễ? Cảnh Thất mặc cho An Bình vừa dông dài lải nhải, vừa lóng ngóng đỡ y nằm ngay ngắn, trong lòng thầm thở dài một tiếng, nghĩ chẳng trách vị đại nhân Câu Hồn Sử kia mặt mày cứ lạnh băng như thế, chẳng sẵn lòng nói mấy câu, thì ra là trí thông minh có vấn đề - sống lại một lần thì chuyện từng xảy ra có thể giống như bụi bặm trên mặt bàn, chỉ cần một miếng giẻ rách là có thể lau sạch sao? Lòng người nào phải là từ đá, đâu phải phủ bụi rồi dùng nước trong gột rửa là có thể sạch sẽ như xưa. Chẳng bao lâu sau thái y đã tới, lão bắt mạch, kiểm tra từ đầu đến chân một lượt, phô diễn một tràng y thuật chứng tỏ trình độ bản thân rất đáng tin cậy, kế đó lại nói cả đống những câu thừa thãi như "Người hiền tự khắc có trời giúp cho", đại ý là người không có bệnh tật gì cả, chỉ cần điều dưỡng là sẽ khỏe thôi. Cảnh Thất đã ngồi liền sáu bảy mươi năm bên đá Tam Sinh, một chút kiên nhẫn ấy đương nhiên phải có. Y chẳng buồn bực cũng không cáu bẳn, mặc đám người hành sự một lượt cho tròn thông lệ, đợi đến khi bón hết thuốc, giày vò xong xuôi thì đã là nửa đêm về sáng. Bình An điều hết những người không liên quan ra ngoài, bản thân đặt Cảnh Thất nằm cho ngay ngắn. Bấy giờ Cảnh Thất mới lên tiếng, lời ra chỉ như thuận miệng hỏi thăm: "Ban nãy ngươi nói ta đã hôn mê hai ngày, vậy Đầu Thất* của phụ vương chính là ngày mai nhỉ?". *Theo truyền thống xưa, những nghi thức cúng bái sau khi một người qua đời có rất nhiều điều cần chú ý. Lúc người chết gọi là Tố Thất, sau đó cứ cách bảy ngày cúng một lần, là Đầu Thất, Nhị Thất, Tam Thất, Tứ Thất, Ngũ Thất, Lục Thất và Đoạn Thất. Sau đó thì là Trăm Ngày, Tròn Năm, Ba Năm, Mười Năm... Bình An sửng sốt, hắn cứ nghĩ là y lo lắng, liền đáp: "Chủ tử cứ yên tâm, việc hậu sự của vương gia do hoàng thượng đích thân sai người lo liệu, tối muộn hôm qua hoàng thượng còn đích thân tới đây thăm cậu, dặn dò cậu phải nghỉ ngơi cho tốt, những chuyện khác không cần hao tâm". Cảnh Thất gật đầu, nhìn lên đỉnh màn ngẩn người một lúc lâu, ngay vào lúc Bình An chuẩn bị tắt đèn, y thình lình quay đầu bảo: "Từ từ đã". Bàn tay của Bình An khựng lại quay đầu nhìn Cảnh Thất có phần nghi hoặc. Còn Cảnh Thất gắng sức dùng cánh tay hao gầy như thân lúa mạch của mình chống người ngồi dậy, tựa vào một bên, dùng ánh mắt tham lam nhìn khắp căn phòng, nhìn cả Bình An. Tính ra lúc này Bình An đã sắp sang mười bốn, dáng người trông thì phổng phao lên, nhưng gương mặt vẫn tròn xoe, non nớt như xưa, cánh mũi bạnh ra còn đôi mắt căng tròn, bộ dạng thật thà chất phác. Tiểu tử này cứ như từ lúc sinh ra đã thiếu một dây gân, dài chân dài tay mà chẳng bao giờ ăn khớp được với nhau, sống cả một đời vẫn chẳng lanh lợi ra chút nào. Song, Cảnh Thất nghĩ, thiếu niên ngốc nghếch này lại là một trong số ít những người từng thật lòng đối đãi với mình. Giọng nói Bình An lúc nào cũng vương ít nhiều âm mũi khi nói chuyện, hồi còn nhỏ hắn hay khóc lắm, hệt như một đứa mít ướt, gương mặt nho nhỏ tròn tròn lúc nào cũng phảng phất vẻ hờn tủi. Thế nhưng vào năm ấy, cái lúc sắp bị ép phải chung vai gánh vác Nam Ninh vương phủ, hắn, cứ như đã trưởng thành chỉ trong vẻn vẹn một đêm, vươn vai lớn bổng. Qua ngày Đầu Thất của lão vương gia, hoàng thượng liền đón Cảnh Thất vào cung nuôi dưỡng, lão quản gia tuổi cũng đã cao, những chuyện lớn nhỏ, trong ngoài của vương phủ đều do một tay Bình An quán xuyến. Cảnh Thất nhìn thiếu niên kia, thầm nghĩ: Quả thực Bình An đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho mái nhà vốn chẳng có mấy người này không đổ sụp, khó khăn là vậy, cuối cùng lại khiến bản thân thảm hại và tiều tụy đến vậy. Bình An thấy y nhìn mình mà thất thần, nghĩ rằng y bệnh nặng mới khỏi, tinh lực còn chưa hồi phục, liền nhỏ giọng rằng: "Chủ tử, thắp đèn mà ngủ không tốt đâu ạ, cậu không cần sợ tối, nô tài ở ngay gian ngoài, có việc gì cứ gọi nô tài dậy là được". "Có thể gọi lợn chết sống dậy ư, ta đào đâu ra bản lĩnh lớn như thế?" Bình An ngẩn người một chốc, bấy giờ mới nhận ra bản thân bị giễu cợt, gương mặt đỏ bừng lên, lúng búng nói: "Tốt xấu gì nô tài cũng biết thở mà...". Nhìn hắn lộ ý cười, Cảnh Thất lặng im không nói. Mặt mày y giãn ra, đầu tiên là đôi mắt cong cong, sau đó khóe miệng mới thong thả nhếch lên, đôi mắt long lanh ánh nước, thế nhưng nhìn kỹ lại chẳng thấy gì. Bình An cảm thấy cái bộ dạng nhìn mình rồi cười nhẹ bẫng ấy của y sao mà hao hao lão quản gia đã ở cái tuổi biết rõ mệnh trời - tuy ánh nhìn dõi về phía bản thân, tinh thần lại thoáng có phần lơ đãng, giống như trong một khoảnh khắc đã nhớ lại vô vàn sự việc, hơi bất đắc dĩ, rồi lại có chút vui mừng. Đây mà là nụ cười của trẻ thơ ư? Bình An sợ lắm, hắn cho rằng chủ tử nhà mình đã sốt đến mức hồ đồ rồi, liền vươn tay sờ trán Cảnh Thất: "Chủ tử, có phải cậu khó chịu chỗ nào không? Hay là...lại gọi thái y tới xem lần nữa?". Cảnh Thất lắc đầu, cụp mắt xuống như muốn giấu biến dòng suy nghĩ để Bình An đỡ mình nằm xuống. Bình An chỉnh lại chăn cho y xong, đang định đứng dậy, nhưng bị một đôi tay nhỏ nhắn nắm lại. Chỉ thấy tiểu vương gia nhà hắn nằm ở trên giường, mặt ngẩng lên, đôi mắt nhẹ nhàng khép vào, cất tiếng nhẹ tênh: "Bình An, không sao đâu, có ta mà". Thanh âm của y rất nhỏ, rất nhẹ, cũng rất mềm. Y nói bằng chất giọng trẻ con, hệt như làm nũng, song nhìn vẻ mặt của y, Bình An lại không khỏi thấy sống mũi cay xè. Cảnh Thất cười, xoay người lại: "Đi nghỉ sớm đi". Ngọn đèn phụt tắt, mọi thứ lặng thinh. Chẳng biết có phải vì đã mê man quá lâu không, Cảnh Thất lẳng lặng nằm mãi mà không ngủ được. Y nương theo tia sáng yếu ớt len lỏi vào từ ngoài cửa sổ, ngẩn người nhìn đỉnh màn giường, chưa đầy một khắc sau đã nghe thấy tiếng ngáy như lợn con của Bình An vọng vào. Cảnh Thất không nhịn được mà cười rộ lên. Luân hồi đã bảy kiếp đủ để y nghĩ thông suốt rất nhiều, rất nhiều chuyện, ví như Hách Liên Dực, ví như Bình An, ví như Nam Ninh vương phủ bề thế huy hoàng rồi lại thê lương vắng lặng. Vì cớ gì khi đó y lại chấp nhất với Hách Liên Dực đến thế? Vấn đề ấy y đã nghĩ không thông nhiều năm rồi, thế nhưng vào khoảnh khắc mở mắt ra ban nãy, y lại bỗng dưng hiểu được. Lão vương gia tên Liễu Vũ tự là Minh Triết kia cũng là một lão hồ đồ, tính nết của y lại giống lão quỷ già chết giẫm đó như đúc, có mắt như mù, cái nên thấu suốt thì lại nhìn không ra, cái không nên thấu suốt thì lại muốn phải biết cho rõ rành rành. Cả lão vương gia lẫn y, suốt kiếp chỉ để ý đến một người, chẳng màng đến bất kỳ điều gì khác, mặc cho con tim buốt giá. Người đời đều bảo lão vương gia si tình, từ sau khi vương phi đi rồi ngài giống như đã mất cả hồn phách, may nhờ hoàng thượng cảm thương cho vị huynh đệ khác họ, mới đón thế tử Cảnh Bắc Uyên vào cung, nuôi nấng cùng các hoàng tử khác. Cuối cùng vào năm y mười tuổi, lão già cả ngày cứ trưng ra bộ dạng lười không muốn sống ấy cũng được thỏa nguyện, hai chân duỗi thẳng mà đi, bỏ mặc hài nhi mới mười tuổi cùng tòa vương phủ trống trải cô liêu lại thế gian. Đất trời rộng lớn, lại chẳng có nơi nào gọi là nhà. Ngoại trừ Hách Liên Dực - ba trăm năm trước y vẫn luôn cho rằng trên cõi đời này chỉ có Hách Liên Dực là nỗi nhớ nhung duy nhất của y, như khúc gỗ trôi đối với người chết đuối, nhất định phải bắt cho bằng được - sống đã vậy, chết cũng cùng theo. Độ cố chấp so với Cảnh Liễu Vũ không khác một ly, mức ngây ngô so với Bạch Vô Thường như "trăm sông đổ về biển". Y chỉ để mắt tới một người như thế, hoàn toàn chưa một phút lưu tâm đến những kẻ khác, cả bằng hữu, lẫn Bình An. Cảnh Thất lắng nghe tiếng ngáy đều đều của Bình An, đột nhiên cảm thấy thì ra bản thân chính là kẻ vô tình vô nghĩa bậc nhất trong thiên hạ, vậy thì những nỗi khổ đau phải nếm trải trong mấy kiếp kia đều là báo ứng cả sao? Cứ như thế, cũng chẳng biết nghĩ ngợi lung tung bao nhiêu lâu, Cảnh Thất mới mơ màng ngủ thêm lần nữa. Y ngủ một lúc thì lại tỉnh, cảm thấy thân thể bắt đầu khó chịu, giống như đang bị ai gác lên bếp lò mà nướng. Y biết mình lại sốt, có điều cũng đã thấu hiểu từ trước nên chỉ cần nhẫn nại qua đêm nay thì chẳng mấy chốc mà lành bệnh. Y cũng lười gọi Bình An dậy, bèn rúc người vào trong chăn, chịu đựng cơn sốt cùng mồ hôi túa khắp người. Trong cơn mông lung y nghe thấy tiếng gì vang lên giòn giã, hình như ai lại làm vỡ thứ gì rồi. Cảnh Thất bị giật mình, bừng tỉnh khỏi trạng thái hỗn độn, biếng nhác không mở mắt ra. Y biết, tiểu tử Bình An lóng ngóng kia ngày nào mà không làm đổ vỡ cái gì là không sống yên ổn được. Mà đúng vào lúc ấy, một bàn tay lành lạnh phủ lên trán y, thoải mái cực kỳ, sau đó y nghe thấy tiếng một người vang lên, mang theo giận dữ: "Sốt đến mức này rồi, ngươi hầu hạ kiểu gì vậy hả? Còn không đi gọi thái y". Cảnh Thất lập tức nghĩ rằng, cứ để y sốt thành tro bụi đi thôi...
|