Đi
qua, đi lại hằng chục lần mà Hương Lan vẫn chưa có đủ can đảm để bước
vô cái cửa hiệu mang tên Hoàng Huy làm bằng chữ nổi to đùng chạy dài gần
hết cả mặt tiền.
Không phải cô sợ mà là cảm giác e ngại đang
chế ngự. Gần một tháng trời nay, với bộ hồ sơ xin việc cô đã phải xông
xáo đến nhiều nơi hòng mong kiếm được một chỗ làm ổn định. Nhưng niềm hy
vọng trong cô đang dần dần tắt lịm vì chẳng có nơi nào chịu nhận. Toan
nghĩ đến chuyện trở về quê lấy chồng, chiều qua Hương Lan đã ra ga đặt
vé song khoảng thời gian chờ đợi, cô mua một tờ báo đọc đỡ buồn và phát
hiện ra nơi đang cần người, đó là cơ sở Hoàng Huy mà cô đã qua lại lúc
nãy giờ. Hiện tại Hương Lan không mong đợi việc làm phù hợp với mình, cô
chỉ hy vọng kiếm được đồng lương đủ sống, để không phải trở về quê nhận
cuộc hôn nhân đặt để của mẹ cha. Cô có yêu thương gì kẻ ấy đâu. Thà làm
đứa con bất hiếu còn hơn là phải giam hãm đời mình vào cuộc sống gia
đình gượng ép. Với ý nghĩ đó, Hương Lan đã rời bỏ người thân trốn đến
thành phố hoa lệ này để tự tìm cuộc sống mới. Một tháng trời lang thang,
rong rủi số nữ trang mang theo đã chi tiêu hết nhẵn. Nếu một vài ngày
nữa không kiếm được việc làm cô chẳng biết phải sinh sống ra sao? Mãi
nghĩ vẩn vơ, đến khi giật mình ngẩng đầu lên, Hương Lan mới biết mình đã
đứng trước cửa hiệu: - Xin lỗi, tôi muốn gặp ông chủ...
Bên trong cửa hiệu rộng lớn chẳng có ai ngoài một người đàn ông trạc
tuổi trung niên nhưng dáng vẻ bề ngoài rất trẻ và lịch lãm. Ông ta đang
hí hoáy gì đó nơi chiếc bàn làm việc kê mãi tận bên trong nên hình như
không nghe được câu nói của Hương Lan. Cô phải lặp lại bằng âm điệu lớn
hơn: - Thưa ông, tôi muốn xin việc làm. Lúc này người đàn ông mới ngẩng đầu lên, cặp chân mày chau nhẹ: - Cô vừa nói cái gì? Hương Lan bối rối không dám nhìn thẳng vào tia mắt người đàn ông: - Dạ, có phải nơi đây đang cần người giúp việc không ạ? Người đàn ông đáp chậm rãi: - Phải cô đến đúng nơi rồi. Vừa nghe qua Hương Lan khấp khởi mừng bước nhanh tới đặt bộ hồ sơ lên trên bàn: - Thưa ông, đây là đơn xin việc của tôi. Người đàn ông quan sát Hương Lan rồi phẩy tay: - Không cần thủ tục rườm rà đâu. Tôi chỉ muốn thuê một người giúp việc cần mẫn và trung thành. Hương Lan nói vội vã: - Nếu chỉ có thế thì tôi đủ điều kiện. Người đàn ông nhếch mép: - Sao cô không hỏi công việc của mình sẽ làm gì? Hương Lan chớp mắt để lộ nét ngây ngô của một cô gái nhà quê: - Tôi nghĩ việc gì mình cũng có thể làm được, nếu như bản thân cố gắng. Người đàn ông gật gù: - Biết thế thì tốt lắm! Tôi nhận cô vào làm ngay hôm nay. Hương Lan nghệch mặt ra vì mừng rỡ: - Ông nói thật đấy chứ? Giọng người đàn ông khá lạnh lùng: - Cô nghĩ tôi đang đùa ư? - Ồ, không. Tôi chỉ sợ mình nghe lầm. - Cô cần việc làm đến thế sao? - Vâng. Bởi vì tôi cần phải sống, ở thành phố này tôi không có người thân để nhờ vả lúc khó khăn. - Cô từ đâu đến đây? - Quê tôi ở miền Trung. Tôi rời bỏ gia đình vì một lý do riêng.
Ngỡ mình sẽ bị truy cứu tới nơi về lai lịch bản thân, nhưng người đàn
ông tỏ ra không quan tâm mà đi thẳng vào vấn đề chính của sự việc: -
Cửa tiệm của tôi không phải là nơi kinh doanh buôn bán mà là chỗ trưng
bày tác phẩm nghệ thuật cho những người có tâm hồn chiêm ngưỡng. Công
việc của cô là trông coi và lau bụi cho các pho tượng ở đây. Một lần nữa Hương Lan lại mừng rơn vì công việc được giao quá nhẹ nhàng. Cô thầm cám ơn Trời đã thương tình giúp đỡ. - Thế nào? Cô có kham nổi hay không? Hương Lan gật đầu lia khi nghe hỏi: - Thưa, nổi ạ.
- Vậy thì cô hãy thu xếp để đến đây vào ngày mai. Thời gian làm việc
của cô từ bảy giờ sáng đến năm giờ chiều. Tôi cũng nói trước điều cấm kỵ
ở đây là không nên tò mò vượt quá phạm vi công việc. Có được một chỗ làm đối với Hương Lan là tất cả nên cô chấp nhận mọi điều kiện: - Thưa, tôi hiểu ạ. Người đàn ông nói tiếp: - Hãy gọi tôi là Hoàng Huy. Còn cô…? - Dạ, tôi tên là Hương Lan. - Nghe cũng thu hút đấy. Hương Lan bẽn lẽn bẻ ngón tay: - Tôi chỉ là một cô gái nhà quê thôi, không dám nhận lời khen đâu ạ. Ánh mắt người đàn ông lộ rõ sự đắm đuối:
- Tôi không tán dương theo kiểu nịnh bợ đâu, mà là nói theo nhận xét ai
dám bảo hoa đồng nội không hương sắc bằng hoa trong vườn. Đôi má
Hương Lan hây hây đỏ bởi lời khen tặng của ông chủ cửa hiệu. Tự nhiên cô
thấy có thiện cảm với ông ta dù tuổi tác khá chênh lệch nhau. Cô buột
miệng: - Thưa, gia đình ông đông người không? Người đàn ông ngó chăm chú vào cô: - Mới ngày đầu cô đã vi phạm nội quy rồi. Nhưng thôi, để tôi nói cho cô biết bản thân tôi hiện giờ là một kẻ độc thân. Mặc dù đã bị cảnh cáo nhưng bản tính tò mò của phụ nữ trong Hương Lan vẫn chưa chịu dừng lại. Cô tiếp tục: - Ông chưa từng lấy vợ ư? Sắc mặt người đàn ông đanh lại kèm theo sự co giật trên làn da. Ông ta rít nhẹ qua kẽ răng: - Sao cô nghĩ rằng tôi chưa từng lấy vợ? Hừ, mà đàn bà là cái thá gì chứ. Chỉ là một lũ bạc nghĩa, bạc tình giống nhau thôi!
Bỗng dưng bị mắng lây, Hương Lan tính cãi lại nhưng nghĩ đến thân phận
người giúp việc của mình, cô đành phải ngậm miệng hứng chịu sự giận dữ
đột xuất của ông chủ cửa hiệu, nhưng suy ra cho cùng thì cũng do lỗi của
cô. Hương Lan vội nghĩ đến phương pháp xoa dịu: - Thưa ông chủ, tôi xin lỗi.
Định tuôn ra hàng loạt những lời nặng nề nữa song thấy Hương Lan khép
nép cúi đầu, ông Hoàng Huy bèn thu hồi cơn bộc phát trong lòng lại. Tuy
nhiên, sự khó chịu vẫn còn để lộ ra bên ngoài: - Tôi mong rằng cô đừng làm cho tôi bực bội thêm lần nữa. - Tôi biết rồi, thưa ông chủ. - Không cần phải lễ nghĩa như thế! Cứ gọi tôi bằng tên là được rồi. Bây giờ cô có thể ra về.