Đêm. Mưa
|
|
. Căn phòng trọ chưa đến mười mét vuông, chỉ vừa một cái giường đơn, một cái tủ vải và một góc bếp. Những tấm giấy dán tường nham nhở không che hết những mảng tường đã tróc vôi mà đâu đó đã được gia chủ lấp đi bằng những tấm poster. – Anh hâm mộ Jang Nara à? – Không hẳn. Thấy xinh xinh thì mua về dán tường. Cũng đẹp chứ hả? – Vâng – An cười. – Thôi làm gì thì làm đi nhé – Anh đi mua cái gì ăn sáng. – Anh không phải nấu cho em đâu – Nó vội vã đứng dậy – Lát nữa là em về. – Em không ăn thì anh cũng phải ăn. Nói rồi anh ta đi khuất. Tám giờ sáng, nó vừa ngủ dậy, một giấc ngủ yên lành không mộng mị. Kiên đã dậy trước nó một lúc, đang đánh răng ở ngoài. Nó bước chân ra khỏi cửa nhà, rồi lại đi vào. Về nhà, một buổi sáng thứ bảy khô hanh nặng nề. Nó sẽ lại leo lên phòng, đóng cửa, ngủ cho đến quá trưa, khi mọi người đều đã vì lý do này khác, không còn ở trong căn bếp, nó sẽ mò xuống, ăn một bữa, rồi lại đi ra tiệm. Nhưng … Nhiều cái nhưng khiến nó chép miệng, đi loanh quanh trong căn phòng trọ bé xíu. Những tấm giấy dán tường kẻ ca rô xanh lá cây, những tấm poster của Jang Nara, Twins, SHE, những người chỉ chung nhau có một điểm là xinh đẹp ưa nhìn còn chẳng hề nói lên một gu âm nhạc nào của chủ nhà. Những cái bát đĩa, xong chảo xếp ngăn nắp. Một người đàn ông ở một mình gọn gàng thế này cũng là ít thấy. Nó tò mò kéo khóa cái tủ vải. Những chiếc áo sơ mi rẻ tiền treo thẳng nếp, những cái quần, cái áo khác gấp vuông vắn. Anh ta có vẻ đã đi làm rồi, trong phòng không bày biện sách vở. Trong đầu nó nổ tung những suy nghĩ về anh ta. Một buổi ở đây sẽ ấm cúng đến nhường nào. Trong căn phòng trọ bé bỏng này. Nó có người để nói chuyện, được nhìn người ta sống một cuộc sống bình thường mà không thấy mình là ngứa mắt. Không. Nếu nó ở lại, hẳn nó sẽ làm anh ta ngứa mắt. Và nó còn là một đứa mặt dày đi ăn nhờ ở đậu nữa, mặc dù gần cả cuộc đời nó đã là một đứa ăn nhờ ở đậu. An đấm nhè nhẹ vào lòng bàn tay mình, vẫn đi loanh quanh, ngửa đầu, cúi đầu suy nghĩ. Thôi. Đi về. Nó nghĩ. Nó không thể để anh ta có ác cảm về nó thêm nữa. Nó là kẻ vô đạo đức, vô liêm sỉ trong mắt nhiều người, nó sẽ cố gắng một lần giữ một chút gì đó tự trọng trong mắt một người mà nó kính trọng. Nhưng nó vừa bước ra cửa thì anh ta về. – Vào trong, ăn sáng cái đã. An muốn nói gì đó, những thứ mà nó mới cân nhắc kĩ lưỡng trong mỗi bước đi, nhưng nó lại nuốt tất cả chúng đi, và quay đầu trở lại. – Anh. Để em nấu cho. – Ừ. Cảm ơn em. Thế để anh ra ngoài giặt mấy cái quần áo ngâm từ hôm qua. Nó mỉm cười, dễ chịu khi bật cái bếp ga du lịch, đun một nồi nước, cắt những gói mì, thái vài cây hành và sắp ra hai quả trứng trong cái túi nilon mới được anh ta mua về. Nó vui vẻ vì thấy anh mua hai gói mì, mua hai quả trứng, vui vẻ vì biết anh đã định bụng nấu cho cả hai người một bữa ăn sáng. Những nụ cười xuất hiện không ngừng trên gương mặt An, cả trong những cái nghiêng đầu nhìn lửa của bếp ga, cái ngoái đầu nhìn ra ngoài, ở cuối dãy phòng trọ, anh ta đang giặt quần áo bên cái vòi nước chung. Cảm thấy, một ngày mùa đông đầy nắng. Cái nắng vàng tươi, đành hanh, làm nứt môi, nứt da, nhưng vuốt lên mái đầu, một luồng mặt trời ấm áp. — Anh xa em Trăng cũng lẻ Mặt trời cũng lẻ Biển vẫn cậy mình dài rộng thế Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến Dù sóng đã làm anh Nghiêng ngả Vì em. (Thơ viết ở biển – Hữu Thỉnh) “Trong một buổi chiều như thế, khi buồn bã ưu tư muốn ngấm vào ánh mắt nhuốm màu hoàng hôn. Muốn được nương mình theo những giông vũ bất khả tri, muốn được nhắm mắt mà nghe những âm điệu vô thanh sắc. Làm sao thấu hiểu lòng mình. Làm sao khỏi hoài nghi lý trí. Trên những ngọn sóng ngoài kia có những câu hỏi mà chẳng ai muốn với tới để giải đáp. Mặc lòng. Mặc tình. Thôi hãy đi lên Ngọn núi thủy tinh. Cùng Barthelme chặt chân chim ưng, quẳng nàng công chúa cổ tích đi, và một mình thưởng thức cái cõi thiên đường tẻ ngắt vô vị bị nguyền rủa.”
|
An đã viết một đoạn vô nghĩa gì đó vào wordpad trên máy tính, tất nhiên là cái máy tính ngoài hàng net, và quên phứt nó đi. Chỉ một nút restart, tất cả bị xóa sạch, rơi vào một nơi mà hư vô còn là quá nhiều. Nhưng đột nhiên, khi đang đi trên đường về nhà, nó suy nghĩ. Nó đã viết gì nhỉ. Một câu cảm thán, một chút kí ức, hay một lời bộc bạch nào đó. Người xưa viết ra giấy rồi vò đi, đốt đi, chí ít cũng còn lại trên thế giới một chút tro tàn. Còn một phím restart, hay một phím delete, một cái close, đưa mọi thứ trở lại vị trí ban đầu, một cách sạch bách. Nó đã viết ra một cái gì đó, một thứ diễn tả những điều nó đang nghĩ, đang mường tượng, đang suy tư. Một thứ mông lung, giả định, vô lý, vô cùng. Một thứ mà thôi tốt nhất là đừng nhớ lại, tốt nhất là hãy tiêu diệt sự tồn tại của nó đi. An cũng sẽ quên hai đêm trong căn phòng nhỏ hẹp, một bữa ăn sáng nóng hổi trong một buổi sáng mùa đông nhiều nắng. Nó bị ốm nặng trong suốt một tuần, vì lý do gì chẳng rõ. Chỉ biết vì thế mà dượng nó nói, cấm đi khỏi nhà sau mười một giờ đêm. Đi đâu thì đi, ở đâu thì ở. Mười một giờ đêm trở đi, phải ở nhà. Lệnh cấm ấy xuất phát từ một ý tốt rõ rệt hiếm thấy của ông, đêm mùa đông, một người như nó tốt nhất là không nên ở ngoài đường. Hoặc nó sẽ ốm lăn, sẽ dù sao cũng khiến vợ ông lo lắng, khiến ông mất thêm tiền của. Mà thế thì nó nên ở nhà. Nó có thể biến đi từ năm giờ sáng đến mười một giờ đêm, không ai băn khoăn. Nhưng đừng để ông phải đi tìm nó sau mười một giờ đêm. Ông sẽ đánh nó, dù có bất cứ lý do gì biện hộ. Hãy nhớ. Và hãy thực hiện. Dượng nó đóng sầm cửa. Để nó ở lại phòng, úp mặt xuống gối, cười khẩy với lòng mình. Anh ta không bao giờ đến hàng net trước mười một giờ, vì anh làm kĩ thuật trong một khu công nghiệp, xe công ty đưa đi đón về. Về đến nhà, đã khá muộn, anh nấu ăn, sinh hoạt cá nhân, chỉ thư thả thời gian vào cuối tuần, và anh sẽ chỉ ra hàng net vào giờ ấy mà thôi. Có gì bất hợp lý đâu. Tính ra nó vẫn có đến mười bảy, mười tám tiếng ở ngoài đường trong ngày. Dượng nó chỉ cần nó có sáu, bảy tiếng một đêm ngủ ở nhà. Hai mươi tuổi rồi, đã trưởng thành rồi, đừng nổi loạn. Hãy hiểu rằng nó chưa từng làm một điều gì để trả cho họ mười bảy năm nuôi nấng nó. Dù ông ta có đánh nó tàn ác đến thế nào, nó chưa từng phải vào bệnh viện vì những trận đòn của ông. Nhưng nó đã tự sống theo ý thích của nó. Và tất cả những lần ốm đau của nó đều từ thuốc lá, từ chơi game quá nhiều, và, ở ngoài đường quá nhiều. Mà thôi, dài dòng làm gì. Chỉ là một người mà hai chữ tình cờ đã đưa đến cho cuộc đời nó. Và giờ hai chữ tất yếu sẽ đưa anh ta đi. Thế là đủ. Dù sao, nó cũng đâu phải gay. Một ngày nào đó nó sẽ định nghĩa rõ ràng tình cảm của nó dành cho anh ta, khi nó đã tỉnh táo hơn khỏi những bực bội với sự cấm cản của dượng nó. Nó sẽ chỉ ra cặn kẽ thứ cảm xúc lẫn lộn, kì lạ đó là gì. Thứ đã khiến nó rơi nước mắt, khiến nó nở nụ cười, và đi lang thang trong đêm, và cười khẩy, và sẽ quên anh ta đi, hoàn toàn triệt để. Như một nút Delete, cho 4 chap truyện kể rườm rà tẻ nhạt này. 5. An không ghét bất cứ dịp nào trong năm hơn dịp Tết. Ấy thế mà Tết cũng đã lại đến. Nó chẳng muốn nói gì hơn về tâm trạng của nó mỗi khi những ngày ấy đến, mà chắc ai cũng hiểu. Ừ vẫn biết vui như Tết. Nhưng Tết là bi kịch với những kẻ không gia đình. Khi nó còn nhỏ, dì thường lì xì cho nó vào đêm giao thừa, nhiều hơn hẳn hai đứa con của dì, và bảo nó cứ cầm số tiền ấy đi mua quà vặt, đi chơi. Hai đứa con của dì có lần phát ghen với nó. Chúng nó cũng muốn đi chơi, cũng muốn đem tiền đi mua bim bim, nước ngọt, đi chơi xèng, chơi PS2. Nó cũng vui vẻ với những dịp ấy, thấy mình như được đặc cách sau cả một năm đằng đẵng. Chỉ khi lớn hơn một chút, nó mới hiểu. Và từ ấy, nó chỉ thấy Tết chán chường. Chán chường chứ. Vì hóa ra món lì xì của dì chỉ để nó không tị nạnh khi cả nhà đi thăm họ hàng, họ nội, họ ngoại, để nó không phải ở nhà một mình khi họ đi chúc Tết, đi ăn hóa vàng nhà nọ, nhà kia. Để nó vì những vui thú trẻ con mà quên đi rằng, nó đâu có gia đình. Không bố, không mẹ, không biết nhà nội của mình là ai, không được nhà ngoại của mình đoái hoài. Nó chỉ nhớ duy nhất một lần nó về nhà ngoại, là khi bà ngoại nó mất. Những đấng bậc làm chú, làm bác của nó chửi rủa nó, đám trẻ con xa lánh nó. Quê ngoại nó ở cách đây hơn một trăm cây số, một nơi không chào đón nó, và nó cũng không muốn đặt chân về.
|
Dượng nó mua quất, mua đào. Năm nay ông làm ăn không phát mấy, nên ông không sắm lan, sắm mai như mọi khi. Phòng khách vẫn có thêm một bình thủy tiên, tuy không nhiều hoa bằng năm ngoái. Dì nó mua sắm bánh kẹo, thực phẩm, cho nó một cái áo khoác mới. Đêm giao thừa cậu con trai xông đất, cô con gái xúng xính theo sau. Hai đứa vừa đi xem pháo hoa về, mua mía lộc, bóng bay dù chẳng biết để làm gì. Cả nhà theo lệ ngồi chúc Tết nhau. Dì lì xì cho ba đứa, chúc cậu con trai nếu có yêu đương thì giới thiệu bạn gái về nhà, chúc cô con gái học tốt, chuẩn bị thi đại học và đến nó, chúc mạnh khỏe, biết chăm lo cho bản thân. Dượng nó thái độ rõ ràng hơn, bỏ qua hẳn nó. Rồi ông rót rượu vang, cả nhà nâng ly. Nó uống liền năm ly, chỉ vì nó ngồi gần chai rượu, và không thích phải nghe những lời thăm hỏi gia đình, những dự định chúc tết họ hàng. Rượu nhẹ nhưng cũng đủ làm nó thấy hơi lâng lâng, thấy mặt mình đã nóng lên. – Thôi cháu lên nhà ngủ – Nó nói. – Con cũng đi lên – Thủy, cô con gái, đứng dậy cùng nó – Chúc bố mẹ ngủ ngon. – Cảm ơn con – Dì nó nói – Chúc con ngủ ngon. Nó nghe rõ tiếng bước chân lên cầu thang của Thủy ngay sau lưng mình. Mười bảy năm, Thủy, cũng như thằng Vũ, thằng anh trai, chưa từng gọi nó như anh em. Lúc nào cũng chỉ An – tao, mày – tao, tử tế lắm thì anh – tôi. Khi còn nhỏ thì chia phe, giành đồ chơi, hít le, tẩy chay. Lớn lên thì mày – thằng ở nhờ, mày – đồ con hoang, mày – thằng mặt dày vô liêm sỉ, rặt giọng điệu của bố chúng. Thằng Vũ thì ít lời qua tiếng lại với nó hơn, tính có chút gì đó của dì, hơi trầm tĩnh. Còn con bé Thủy thì hết nhẽ. Trong khi Vũ chẳng mấy khi nhìn bố nó đánh An quá năm giây, thì cái Thủy luôn nhìn chăm chú, nhìn đầy thích chí. Nó còn tỏ rõ sự đắc ý mỗi khi bố nó thể hiện thái độ phân biệt giữa An và hai đứa con ruột. Con bé nhắn tin điện thoại, và trước khi vào phòng mình, ở tầng hai, nó cười cợt với An: – Nhớ lên thắp hương cho con đĩ mẹ mày nhé. Chẳng phải lần đầu con bé nói thế. Nó vẫn hay bắt chước những gì bố nó nói. Mà việc bố nó nói mẹ An là con đĩ đã trở nên hết sức bình thường. Nhưng An, không hiểu vì máu nóng từ rượu, hay từ một tâm lý sẵn ức chế nào đó, đang bước chân lên cầu thang tầng ba thì quay trở lại. Nó kéo con bé Thủy vừa mới đặt chân vào phòng ra ngoài hành lang và tát mạnh nó một cái. Cái tát mạnh đến mức con bé đập người vào bức tường bên cạnh và ngã phịch xuống. – Thằng chó! – Con bé ứa nước mắt, chửi lớn. An tát nó thêm một cái. Và còn đá vào bụng nó một cái nữa. Đến mức con bé òa khóc lên. Những tiếng bước chân rầm rập cầu thang. An lườm con bé rồi bỏ lên trên phòng. – An! Mở cửa ra! Dượng nó vặn tay đấm đã khóa, đập cửa. – An! Ra đây! – Ông ta quát tướng lên – Mở cửa cho tao! Ngay! Nó không trả lời. Nó ngồi bệt dưới đất, dựa vào thành giường, mở bật lửa, châm một điếu thuốc. – AN! – Ông ta đã quát to đến mức có lẽ nhà hàng xóm cũng nghe rõ tiếng – Đừng để tao nổi nóng! Vũ! Cái chìa khóa phụ phòng này đâu! – Mẹ cầm rồi. – Bình! Cô đem cho tôi! – Anh! Vừa mới giao thừa, nhịn đi, đừng đánh nó. – Cô không phải nói nhiều! Cô đem cho tôi. Ngay! An hơi giật mình khi khóa phòng nó bật cái tách và cái bóng to lớn của người đàn ông đổ ập lên người nó. Nhưng với những cái tát rát mặt, cú đấm đau điếng người. Mấy lần, đầu nó đập vào thành giường, cánh tay nó đưa lên che mặt như một phản xạ bị dẫm đè xuống, và ông ta cứ thế đạp, đá vào người, vào mặt nó. – Chết mày đi con! – Giọng con bé Thủy leo léo ở ngoài – Bố tao đánh chết mày! Cái thằng chó ăn bám! Nó còn nghe thấy tiếng chặc lưỡi của thằng Vũ và tiếng dì nó kéo con bé Thủy đi xuống tầng dưới. – Đồ chó đẻ! Thằng bố mày là chó! Con mẹ mày là chó! Giờ mày cũng là chó, biết chưa! Mấy mươi năm nay không có tao mày đã chết lăn chết lóc xó đường rồi! Sao con mẹ mày không ôm mày mà cùng lao vào đường tàu cho bọn chó đẻ chúng mày biến khỏi cái đời này! An nhẽ ra không khóc. Nó có thể chịu những cái đạp, cái đá suốt một lúc lâu nữa mà vẫn có thể chai lì im lặng, không kêu đau, không nhỏ nước mắt. Nhưng câu nói ấy khiến nó đau lòng một cách tự nhiên. Phải. Tại sao mẹ không ôm nó chết theo bà? Tại sao bà để mình chết, mà lại bắt nó sống một mình giữa cõi thế này. Nó bật khóc. Không co quắp lấy mình để tự vệ trước dượng nó mà buông thõng người, khóc đến nấc lên. – Mày còn khóc! Khóc như con mẹ mày bò lê dưới chân tao! Xin tao tiền à! Xin tao ân huệ à! Con đàn bà đã trâng tráo bắt tao kí đơn ly hôn. Mà còn xin lại làm vợ tao! Dù chỉ là một con vợ lẽ! Cái thứ vô sỉ đĩ thõa ấy! Là con mẹ mày! Là cái mặt của mày! Đ.t mẹ! Đẻ cái chó gì mà cả tiếng khóc cũng giống!
|
Dượng nó đạp nó một cái nữa rồi bỏ ra ngoài. Ông vẫn quát những câu đ.t mẹ ngoài hành lang, dù giọng đã nghẹn ắng cả đi. Nó còn nghe tiếng nắm đấm đập vào tường rầm một cái. An ôm miệng khóc, càng cố nén tiếng khóc, càng thấy nghẹn ngào. Nó vừa đi vừa bóp cái bụng đau quặn vì bị đánh đập, tức tưởi khóc. Khóc như một đứa trẻ con lên ba lạc mẹ, nhớ mẹ. Khóc như để ăn vạ, để vòi vĩnh, để đòi người lớn phải tới ôm ấp, dỗ dành. Nhưng nào có ai tới dỗ dành nó như thế. Bất kể nó có đòi mẹ đến đâu, chỉ có tiếng người ta quát mắng át tiếng nó khóc. – Mày có câm đi không! Mẹ mày chết tan xác rồi kìa! Tự đi mà tìm mẹ! Những kỉ niệm trẻ thơ dồn dập đổ về trí óc nó. Tất cả những tủi hổ, những mặc cảm, những lưỡi dao nhọn hoắt trong lòng mà nó những tưởng đã bị sự chai lì của nó bào mòn, giờ đều đâm, cứa, chọc vào tiếng khóc của nó. Nó ngồi xuống đường, nằm xuống đường, đau đớn đến mức không đi được. Càng đau, càng khóc. Càng khóc, càng đau. An thất thểu đi đến trước dãy nhà trọ, dù nó mười mươi biết anh ta chắc hẳn đã về quê ăn Tết cùng gia đình. Chỉ vì nó chẳng còn nơi nào để đi, chẳng còn ai mà nó còn muốn gặp. Nhưng, như thể lần đầu tiên, thiên trường địa cửu đã có người nghe thấy tiếng khóc của nó mà tặng cho nó một phép màu. Anh ta xuất hiện trước mặt nó, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên. Nó đổ vào người anh mà khóc. Khóc đến mức lạc giọng, khóc đến nỗi hai mắt đã đỏ ngầu, gương mặt đã lạnh đi vì nước mắt. Và lần đầu tiên trong cuộc đời, có người đã ôm lấy nó mà vỗ nhè nhẹ vào lưng nó. – Thôi được rồi. Ngoan. Anh thương. Nín đi … 6. Kiên càng vỗ về, nó càng khóc. Khóc không sao nín, khóc không sao ngưng. Càng khóc, càng muốn khóc. Càng không muốn khóc, tâm can càng rạn nứt muốn biến thành nước mắt. An không thể nói được một tiếng nào rõ nghĩa, nó chỉ biết lắc đầu khi Kiên hỏi “Có chuyện gì vậy em?”. Cuối cùng, anh đưa nó vào trong phòng, bảo nó ngồi xuống giường, ôm nó vào lòng và xoa xoa cái lưng của nó. – Được rồi. Anh thương. Anh thương mà … Những lời thương ấy vào tâm trí An ngay cả khi nó đã mệt và ngủ thiếp đi. Khi nó tỉnh dậy, mi mắt vẫn đọng nước, bên tai như vẫn thì thầm ấm áp giọng nói của Kiên. Cái chăn bông dày đắp kín cổ nó, sực mùi dầu gió. Chiếc đồng hồ để bàn nhỏ nhắn trong góc giường chậm rãi chỉ mười một giờ trưa. An không gượng được mình dậy, người nó đau rần. Cánh cửa phòng khép hờ, kẻ một vạch trắng sáng dịu. Nó nghe thấy bước chân và lề cửa két lên một tiếng. Kiên không nhìn nó, hoặc giả không biết nó đã dậy. Anh lại khép cánh cửa, để rổ rau củ mới rửa lên chạn bát và đặt nồi lên bếp. Anh xắt khoai tây, cà rốt, cà chua, gọn gàng, đều tay, rồi bật bếp, nấu một nồi canh. Anh đập trứng, đánh trứng, đảo nồi khoai. Cái góc bếp nhỏ tí ấm lên với người đàn ông quanh quẩn bếp núc ấy khiến An chỉ nhìn cũng thấy buồn bã trong lòng vơi đi. Khi nó đột nhiên thấy gai họng và ho lên một tiếng, Kiên lập tức quay lại nhìn nó. – Dậy rồi hả em? – Anh ta vặn nhỏ bếp, đến bên nó – Có mệt lắm không? – Em xin lỗi – Nó đã khóc nhiều đến nỗi giọng cũng khàn đặc đi, nói không tròn lời. – Có gì đâu em. Cứ nằm nghỉ đi. Chờ anh nấu cơm một lát. Hôm nay mùng một, chợ chẳng bán gì, anh không mua được cái gì ngon đãi em. Nước mắt lại trào ra khỏi khóe mắt An và một cơn sóng tình cảm ập xuống khiến nó nghèn nghẹn. – Xin anh đừng tốt với em thế này nữa … Nó thấy anh ngửa cổ lên thở dài một tiếng. – Hôm nay là mùng một, năm mới, mình nói cái gì vui vẻ thôi. Em sinh tuổi con gì?
|
An không trả lời được. Có cái gì vẫn chặn trong cổ nó mà một giấc ngủ chưa đủ để nó nguôi ngoai. Nên nó cố nén tiếng khóc, nằm cuộn trên giường và khẽ lau đi những giọt nước mắt. – Anh bảo nói cái gì vui vẻ kia mà. Thôi anh kể chuyện cười nhé. Ờm … Kiên im lặng suốt mấy phút, đến mức mắt An cũng đã cạn ráo và nó cứ ngóng đợi câu chuyện. – Anh xin lỗi. Anh thật chẳng có khiếu kể chuyện cười – Anh cười nhũn – Mới nhắc đến anh đã bí tịt rồi. Nó bật cười. Anh cũng cười. Chỉ thế thôi. Rồi anh huyên thuyên về việc anh đi mua thức ăn hôm giao thừa, mọi thứ đều đắt đỏ. – Anh chẳng mua được gì, mỗi ít củ quả với chục trứng để xong mấy ngày Tết. À mà anh có món này, không biết em thích ăn không? – Dạ? – Thịt đông. Anh làm mấy hôm trước. May mà trời không nắng, không thì nhà không có tủ lạnh, chắc chả ăn được. Thôi xong rồi đây. Để anh dọn hai anh em mình ăn bữa cơm mùng một. – Anh … có cần em ngồi dậy? – An hỏi vì lần trước hai người để khay cơm lên trên giường. – Thôi em. Nhà sạch, anh rải cái chiếu là ngồi được. Em cứ nằm đó. Người còn đau, đừng dậy vội. Quả thật là một bữa cơm mùng một không giống một ngày mùng một nào nó từng biết. Ở nhà, đây là một bữa thịnh soạn. Chí ít cũng có nem, có thịt gà, có một món xào công phu, một nồi canh măng nấu kĩ lưỡng. Rồi đủ những món cầu kì khác mà các bà nội trợ vẫn hay dày công chuẩn bị để cho gia đình có bữa cơm ngon đầu năm. Dẫu không được như thế, thậm chí là xoàng xĩnh, bữa cơm này cũng rất ngon. Xong bữa cơm, anh lôi ra bánh kẹo bảo nó ăn thêm, pha nước cam cho nó uống. An còn mệt, nó ăn uống qua loa rồi lại cuộn chăn ngủ. Kiên ngồi ở đầu giường, cạnh nó, vỗ vai cho nó ngủ yên. Chưa một ngày mùng một nào bình dị và an lành với An như thế. — Sau hơn một ngày nó mới thật sự tỉnh táo, những cảm xúc bình ổn trở lại và nó bắt đầu kể cho Kiên. Kể về cuộc đời nó, về mẹ nó, về dượng nó, về gia đình, những mặc cảm, hoài vọng. Kiên im lặng. Thỉnh thoảng khi nó nói tới những kỉ niệm mà với nó là vết thương, anh nắm nhẹ lấy bàn tay nó. – Thật ra – Kiên mỉm cười với nó – Việc em gặp anh đêm giao thừa chẳng phải một điều quá đỗi kì lạ. An nghe tiếng anh thở dài. Rồi anh tặc lưỡi. – Anh cũng là trẻ mồ côi. Nó sững sờ nhìn Kiên. – Không phải vì anh không về quê. Mà vì ngoài nơi này ra, anh không còn nơi nào khác là nhà. “Và cũng thật lạ. Sao người đời chẳng bao giờ ghép hai tiếng mồ côi với một tiếng khác. Mãi mãi, cho dù anh có là một ông già trăm tuổi, người ta vẫn sẽ ghi anh là một đứa trẻ mồ côi.” – Anh có biết bố mẹ mình không? – Nó hỏi. – Không – Anh lắc đầu – Anh bị bỏ rơi ở bệnh viện khi mới lọt lòng. – Vậy ai nuôi anh? – Anh ở làng trẻ. Birla ấy, em biết không? – Trên chỗ Mai Dịch phải không? – Ừ. Anh cũng không có người nhận nuôi. Mà anh thấy thế lại hay. Tự anh quyết định cuộc đời của anh. – Anh có được đi học không? – An tròn mắt. Anh ta gõ đầu nó một cái, cười nói: – Em rơi từ đâu xuống đấy? Tất nhiên. Anh chẳng thiếu gì cả. Cấp hai anh học trường điểm. Cấp ba học trường chuyên. Anh là dân Bách Khoa ra đấy. – A! Kiên cúi đầu cười trước gương mặt đần ra của An. – Em đừng nghĩ bọn trẻ con trong làng trẻ thua kém những đứa khác. – Em không định nói thế. – Thôi. Anh biết chứ. Người đời nhìn bọn anh thế nào, nói bọn anh thế nào, anh còn lạ lẫm gì. Nhưng đúng thế đấy, hễ em thi được vào trường nào, các mẹ đều giúp em đi học được. Em học giỏi, các mẹ còn tự hào, giúp đỡ không tiếc đâu. – Anh có vất vả lắm không? – Có chứ. Vất vả nhiều chứ. Nhưng quen rồi thì lại thấy bình thường. Hơn nữa, các mẹ quý anh lắm. Từ lâu rồi anh không cảm thấy mình cần phải thay đổi điều gì đó trong đường đời. Anh cảm thấy, thế là ổn, là tốt đẹp lắm rồi. – Em … – Em bất hạnh hơn anh – Kiên xoa đầu nó – Vì em phải thay mẹ em đối diện với cuộc đời này. – Em … Giá em không phải biết mẹ mình là ai. Giá người đời không phải biết em là con của ai … – Cũng không thể nói thế được. Em có thể thấy như anh hóa ra lại hay hơn. Xã hội chỉ thương bọn anh. Còn em thì không những không được thương, mà còn phải chịu cái căm hận của người ta. Nhưng, không biết cội nguồn cũng khổ tâm lắm đấy em ạ. An hiểu. Vì nó cũng không có bố. Có những lúc nó tựa hồ chạm tới cái điều mà Kiên vừa nói, là một người sống mà không biết gốc rễ, có khác nào thấy dòng máu của mình cũng là điều xa lạ, cũng là điều vô nghĩa. Nhưng ít ra nó cũng biết mẹ nó là ai. Biết nó thừa hưởng của mẹ gương mặt, nước da, hầu hết đặc điểm hình thể. Còn tính cách, ngoài vô sỉ, đĩ thõa, chẳng ai nói cho nó biết gì về bà. Nhưng nó biết, mẹ nó chắc chắn là một người mẹ dịu dàng. Còn một người như Kiên, nó nhìn xuống gương mặt anh, và đây hóa ra là lần đầu nó nhìn kĩ anh. Gò má hơi xương xương, cái mũi cao, đôi mắt hiền hòa, cương nghị. Có lẽ bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng sẽ thấy tự hào với một người con trai như thế. Nhưng anh lại là một đứa trẻ mồ côi, mãi mãi gắn liền với thân phận ấy. Chẳng bao giờ biết nét mặt mình là của ai, dáng người mình là của ai. Dòng máu mình, bộ gien của mình chỉ là những chuỗi kết hợp không có liên hệ. Một người sinh ra đã lẻ loi. An thấy buồn. Buồn cho cả mình, cả Kiên. Dẫu nó mơ hồ hiểu, vì sao anh lại tới gần và quan tâm nó. Có lẽ, bằng một thứ linh cảm tình thương nào đó của những đứa trẻ côi cút bất hạnh trên đời này, cái số phận in hằn cả trong ánh mắt.
|