Đêm. Mưa
|
|
Anh ôm nó vào lòng, xoa đầu nó, chẳng nói gì. Gió mùa đông bắc vẫn rít ngoài cửa sổ. Cái lạnh của thời tiết, hơi ấm của vòng tay che chở cho nó, cái yên tĩnh của một ngày Tết trong xóm trọ, và cả tiếng trái tim đập trong lồng ngực, tất cả khiến suy nghĩ của An chìm vào diệu vợi. Nó không muốn về nhà, chẳng bao giờ muốn nữa. Nó chỉ muốn được ở cạnh anh, được chia sẻ nỗi bất hạnh này và hơn, được nghĩ đến một tương lai khác. 7. Hôm đó là mùng ba Tết. Suốt mấy ngày, An chỉ nằm bẹp trên giường, nhận những chăm sóc ân cần của Kiên. Phòng không tivi, không máy tính, cả khu nhà trọ không còn ai. Cái tịch mịch của không gian được khỏa lấp bởi những câu chuyện, những tâm sự. Kiên không nói nhiều về anh, anh nghe nhiều hơn. Nghe rồi đồng cảm, chia sẻ. – Cái đêm ấy – Nó nói – Em hạ mình như thế vì em đã chịu quen rồi. Chẳng ai muốn bênh vực, bảo vệ em. Lần đầu xảy ra chuyện đó, một tay lôi em vào nhà vệ sinh, rồi bắt em làm. Anh trông quán biết, cãi cọ, suýt nữa đánh nhau. Nhưng là vì cái việc ấy phản cảm, là không tôn trọng những khách khác, chứ không phải để giúp cho em. Từ lần sau, tránh ồn ào, anh ta chẳng nói gì nữa. Kiên thở dài. Rồi vỗ tay cái bộp, anh đứng dậy, xoa đầu nó, nói hôm nay có chợ rồi. Anh sẽ đi mua gì đó làm bữa cải thiện. Lúc sau Kiên đi chợ về, dẫn theo một cô gái. Giọng cô đã lanh lảnh từ khi cánh cửa ngõ của khu trọ chưa mở ra. – Hôm qua anh không về, mẹ hỏi thăm anh suốt. Mà anh lại mới đổi số hay sao, em chẳng gọi được cho anh. – Ừ, anh mất điện thoại từ tháng trước. Để mai anh qua chỗ mẹ. Cô gái bước vào phòng trước. Cô nhìn nó, ngạc nhiên: – Ủa em có nhầm phòng không? Ai đây? – Bạn anh – Kiên đi ngay sau, nói – Cậu ấy cũng như anh em mình. – À thế. Cô gái trắng trẻo, gương mặt hơi sắc, tươi tắn, nhìn chằm chằm vào An khiến nó hơi ngượng và quay đi. – Thôi ngồi đó đi. Anh đi rửa ít hoa quả ăn tạm nhé. – Anh để em cho – Cô gái cầm lấy rổ và túi hoa quả. – Thế để anh pha nước. An rút người lại một phía giường để Kiên bày khay. Cô gái ngồi ở phía còn lại còn Kiên ngồi dưới. – Em ở làng trẻ nào? – Cô hỏi nó. – Em ở với dì dượng. – À bố mẹ nuôi à? – Không. Là chồng cũ của mẹ. – Thế em biết bố mẹ hả? – Không. Em không biết bố. Mẹ thì mất sớm. – À. Chị với anh Kiên đây thì chẳng biết ai đẻ ra mình cả. Nói rồi chị ta quay sang Kiên. Anh, hai người ở cái phòng này bé quá. – Chắc sắp tới anh chuyển đi chỗ khác – Anh nói. – Phòng cũng im ắng quá, thế này chán lắm. – Để anh mua ti vi. – Nằm giường đơn thế này thì nhỏ quá. – Ừ tất nhiên phải sắm cái giường to. – Khiếp! – Cô cười – Không biết hai anh em thế nào mà anh chăm lo cho cậu ấy thế. An sượng sùng cúi đầu xuống. – Có gì đâu – Kiên cười – Mình sống đùm bọc nhau thì tốt chứ sao. – Anh đúng là, cứ hiền lành như đất ấy. Thế công việc anh thế nào rồi? – Vẫn tốt. Còn em chưa chịu lấy chồng đi à? – Mẹ Hải khó lắm. Em bảo em muốn lấy Tùng nhưng mẹ nói không được, vì Tùng mất bố rồi, con em sẽ không biết được ông nội chăm bẵm là thế nào. Mẹ lại cứ muốn phải lấy ai còn đủ cả song thân cơ.
|
Anh ôm nó vào lòng, xoa đầu nó, chẳng nói gì. Gió mùa đông bắc vẫn rít ngoài cửa sổ. Cái lạnh của thời tiết, hơi ấm của vòng tay che chở cho nó, cái yên tĩnh của một ngày Tết trong xóm trọ, và cả tiếng trái tim đập trong lồng ngực, tất cả khiến suy nghĩ của An chìm vào diệu vợi. Nó không muốn về nhà, chẳng bao giờ muốn nữa. Nó chỉ muốn được ở cạnh anh, được chia sẻ nỗi bất hạnh này và hơn, được nghĩ đến một tương lai khác. 7. Hôm đó là mùng ba Tết. Suốt mấy ngày, An chỉ nằm bẹp trên giường, nhận những chăm sóc ân cần của Kiên. Phòng không tivi, không máy tính, cả khu nhà trọ không còn ai. Cái tịch mịch của không gian được khỏa lấp bởi những câu chuyện, những tâm sự. Kiên không nói nhiều về anh, anh nghe nhiều hơn. Nghe rồi đồng cảm, chia sẻ. – Cái đêm ấy – Nó nói – Em hạ mình như thế vì em đã chịu quen rồi. Chẳng ai muốn bênh vực, bảo vệ em. Lần đầu xảy ra chuyện đó, một tay lôi em vào nhà vệ sinh, rồi bắt em làm. Anh trông quán biết, cãi cọ, suýt nữa đánh nhau. Nhưng là vì cái việc ấy phản cảm, là không tôn trọng những khách khác, chứ không phải để giúp cho em. Từ lần sau, tránh ồn ào, anh ta chẳng nói gì nữa. Kiên thở dài. Rồi vỗ tay cái bộp, anh đứng dậy, xoa đầu nó, nói hôm nay có chợ rồi. Anh sẽ đi mua gì đó làm bữa cải thiện. Lúc sau Kiên đi chợ về, dẫn theo một cô gái. Giọng cô đã lanh lảnh từ khi cánh cửa ngõ của khu trọ chưa mở ra. – Hôm qua anh không về, mẹ hỏi thăm anh suốt. Mà anh lại mới đổi số hay sao, em chẳng gọi được cho anh. – Ừ, anh mất điện thoại từ tháng trước. Để mai anh qua chỗ mẹ. Cô gái bước vào phòng trước. Cô nhìn nó, ngạc nhiên: – Ủa em có nhầm phòng không? Ai đây? – Bạn anh – Kiên đi ngay sau, nói – Cậu ấy cũng như anh em mình. – À thế. Cô gái trắng trẻo, gương mặt hơi sắc, tươi tắn, nhìn chằm chằm vào An khiến nó hơi ngượng và quay đi. – Thôi ngồi đó đi. Anh đi rửa ít hoa quả ăn tạm nhé. – Anh để em cho – Cô gái cầm lấy rổ và túi hoa quả. – Thế để anh pha nước. An rút người lại một phía giường để Kiên bày khay. Cô gái ngồi ở phía còn lại còn Kiên ngồi dưới. – Em ở làng trẻ nào? – Cô hỏi nó. – Em ở với dì dượng. – À bố mẹ nuôi à? – Không. Là chồng cũ của mẹ. – Thế em biết bố mẹ hả? – Không. Em không biết bố. Mẹ thì mất sớm. – À. Chị với anh Kiên đây thì chẳng biết ai đẻ ra mình cả. Nói rồi chị ta quay sang Kiên. Anh, hai người ở cái phòng này bé quá. – Chắc sắp tới anh chuyển đi chỗ khác – Anh nói. – Phòng cũng im ắng quá, thế này chán lắm. – Để anh mua ti vi. – Nằm giường đơn thế này thì nhỏ quá. – Ừ tất nhiên phải sắm cái giường to. – Khiếp! – Cô cười – Không biết hai anh em thế nào mà anh chăm lo cho cậu ấy thế. An sượng sùng cúi đầu xuống. – Có gì đâu – Kiên cười – Mình sống đùm bọc nhau thì tốt chứ sao. – Anh đúng là, cứ hiền lành như đất ấy. Thế công việc anh thế nào rồi? – Vẫn tốt. Còn em chưa chịu lấy chồng đi à? – Mẹ Hải khó lắm. Em bảo em muốn lấy Tùng nhưng mẹ nói không được, vì Tùng mất bố rồi, con em sẽ không biết được ông nội chăm bẵm là thế nào. Mẹ lại cứ muốn phải lấy ai còn đủ cả song thân cơ.
|
– Mẹ nói thế thôi. Chứ em lấy ai mà chẳng được. Chỉ cần không phải người cô thân như mình. – Con người ta có số. Cô thân cô thế cũng là cái số. Thôi em chẳng cần biết. Em sẽ thuyết phục mẹ Hải cho em lấy Tùng bằng được. – Cô em vẫn ương như ngày nào. Cô gái cười vui vẻ. Rồi cô lại hỏi. – Mà anh với em Quyên trong Sài Gòn thế nào rồi? – Bọn anh vẫn trò chuyện suốt. Ra Tết em ấy ra ngoài này, anh sẽ gọi cho em. – Đấy! Đúng là nhất anh. Ít nữa anh tậu nhà, lấy vợ ngon lành không biết các mẹ còn khen nức khen nở thế nào nữa. Suốt ngày lải nhải với đám trẻ con một anh Kiên, hai anh Kiên, cái gì cũng phải đấy, nhìn anh Kiên xem. Kiên gãi đầu cười còn cô gái đã ngồi xuống dưới chiếu, bá vai bá cổ anh mà nũng nịu: – Ứ. Em không chịu. Anh Kiên lấy em đi. – Cái con bé này. Vớ vẩn quá. Mẹ Hải mà nghe thấy lại mắng vốn cho một trận bây giờ. – Kệ mẹ Hải. Kệ các mẹ. Không có ông bà nội ông bà ngoại cũng được. Con em có bố Kiên là được rồi. — – Con bé này. Lúc nào cũng ồn ào như thế – Kiên vừa dọn dẹp khay bánh kẹo, hoa quả vừa cười với nó. Mấy người bọn anh lớn lên cùng nhau nên cũng thân thiết như anh em ruột vậy. Kiên ngoái lại nhìn An khi không thấy nó nói gì. Nó ngồi co gối, thần thừ nhìn vào tường. – Sao thế em? – Có phải … – Nó nói – Anh sắp lập gia đình không? – Anh cũng chưa nói chắc được. Khoản tiền anh gom bấy lâu có lẽ chỉ đủ mua một căn hộ nho nhỏ. Mà lập gia đình thì sẽ cần nhiều cái khác nữa. – Quyên … Cô gái ấy thế nào với anh? – Anh quen Quyên hồi đi học đại học. Bố mẹ Quyên ly dị khi Quyên mười tuổi. Mẹ thì lấy chồng ở đây, bố thì vào trong Nam. Mấy năm nay sức khỏe bố Quyên không tốt nên cô ấy vào đấy làm việc, cũng để chăm sóc cho bố. – Chị ấy … tốt quá nhỉ? – Ừ. Quyên trông vậy nhưng tốt tính lắm. Hồi bọn anh mới quen nhau, anh bảo anh là trẻ mồ côi, cô ấy chỉ ôm anh mà khóc thôi. Hình như những người như mình dễ đồng cảm với nhau. Mà bố mẹ Quyên cũng tốt, chẳng hiểu sao lại không chịu ở với nhau. Kiên cười, như tưởng An cũng sẽ cười theo anh. Nhưng mắt nó lại nhòe ướt. – Có phải … Rồi anh cũng sẽ lập gia đình, và bỏ em lại không? Kiên tròn mắt nhìn nó như chưa hiểu ý của nó là gì. – Sau này, anh có vợ, có con, thì em còn là gì với anh nữa? Sao anh còn phải bố thí chút thương hại này cho em? – Nó nhíu mày, nước mắt rơi thành giọt – Mà cũng phải thôi. Em với anh chỉ là những người dưng. Em chẳng thể là một cái gì có nghĩa trong cuộc đời anh. – Kìa An. – Sao em lại có thể có những ý nghĩ hồ đồ đến thế? Ngây thơ đến thế? Sao em lại nghĩ rằng mình có thể nương tựa vào một chút tình thương của một người khác. Nó đứng dậy, chùi nước mắt, lấy cái áo khoác rồi đi khỏi căn phòng. – An! – Kiên kéo tay nó lại – Em đang nghĩ cái gì đấy! – Em không cần anh nữa! Nó giằng ra, gương mặt méo xệch cố ngăn tiếng khóc. Nếu anh đã không thể ở cạnh em, sao anh còn cưu mang em làm gì? Em đâu phải em trai anh, em đâu phải người yêu anh. Em chỉ là một đứa bị cả cuộc đời này bỏ mặc! – Em nói gì lạ thế! Tất nhiên anh coi em như một người em trai. – Nhưng em không chung máu mủ với anh! – Nó gằn lên – Em không lớn lên cùng anh! Anh đừng cố chia sẻ cái cuộc sống mong manh của mình chỉ vì chút thương hại. Anh chỉ khiến người khác thất vọng vì những ảo tưởng. Mãi mãi là thế! Vô nghĩa lý! An bỏ về, để mặc sau lưng gương mặt hiền lành đang ngỡ ngàng đến tội nghiệp. Nó biết mình không phải thứ gì duy nhất. Với bất cứ ai như nó, Kiên cũng đều cư xử như thế, chăm lo ân cần như thế. Lòng tốt ấy của anh chỉ khiến nó cảm thấy mắc nợ khi nhận ra mình không thể trả lại cho anh một điều gì. Mà món nợ tình cảm, vốn dĩ là món nợ khó quên nhất. Nên An đã khóc khi đi, và lại khóc khi về. Nhưng tới trước cửa nhà, nó lau mặt đi, thật khô. Để mình lại trở về với chính mình, lại chai lì, lại chịu đựng. Nó biết sau cánh cửa này, có dượng của nó, người sẽ tiếp tục cười khẩy với mặc định, “không bao giờ đi được quá bốn ngày”, người sẽ tiếp tục đánh đập nó như một thói quen. Nhưng, đánh đập còn hơn. Thà cứ lấy nỗi đau thể xác trả cho những món nợ tinh thần, còn hơn là phải dằn vặt vì những yêu sách tình cảm vô lý của mình. 8. Hàng net có đến gần 200 máy. Hai tầng nhà. Một khu vip. Một cái nhà vệ sinh. Một cái gác xép vừa chỗ cho ba người ngủ. Giá cả phải chăng, chỉ có điều bừa bộn, bẩn, và không có dịch vụ. Mua một cái thẻ, lập một cái tài khoản, ngồi đến khi nào hết tiền thì thôi. Muốn uống nước, thanh toán rồi tự lấy. Muốn ăn mì, thanh toán rồi tự làm. Hiển nhiên đó không phải một hàng net dịch vụ như nhiều người vẫn biết. Đấy là một hàng game, thuần túy là game. Game onl, game off kín cả một cái màn hình 19 inch. Cửa hàng mở suốt ngày đêm, bất cứ thời điểm nào cũng thoải mái khách. Ban ngày thì chật cứng, ban đêm thì lắm vấn đề. Thỉnh thoảng công an lại càn qua một trận, lùa tất cả người chơi ra đồn, bắt trình chứng minh thư, nhốt một đêm. Cửa hàng hầu như không có con gái, chỉ từ bảy giờ tối trở đi mới có vài cô gái đến, họ có thể ngồi đó qua đêm, nếu như bất chợt không có người đến đứng ở ngoài, nháy máy gọi. Cũng thành lệ. Họ có thể chỉ ngồi đó chưa đến một tiếng đồng hồ, mất không đến ba nghìn đồng, nhưng nếu ai đó đến đón họ đi và hỏi người trông hàng, tốn bao nhiêu tiền net, ít nhất cũng 50 nghìn, không thì 100, thậm chí 200. Sáng hôm sau, các cô trở lại, tay trông hàng giữ một ít, còn lại đưa cho các cô. Đích thực là một chốn lắm tệ nạn. Nhưng đám chơi game chẳng quan tâm đến những điều ấy mấy. Họ cần một cái máy cấu hình mạnh, mạng mạnh để có thể chơi game ngon lành mà không giật, không lag, có thể cắm càng nhiều account auto càng tốt. Và lại còn giá rẻ, và lại còn đông anh em bạn bè chơi cùng, thì chẳng còn gì bằng.
|
Nhưng một khi đã nghiện, thì chẳng cứ là game, nghiện cái gì cũng khổ. Ngày nào chẳng có mấy thằng bé con hoặc choai choai đi lần qua các máy vừa có người đứng lên, vơ lấy mấy cái giấy ghi tài khoản, mót vài phút thừa. Cũng có khi có người đãng trí, để lại cả những cái thẻ vài tiếng đồng hồ, thế thì là một món kếch sù với chúng. Những người chơi tài khoản lại càng cần cẩn thận. Chỉ một phút đăng nhập lơ là, đám trẻ con có thể nhìn thấy pass như chơi, rồi chúng đăng nhập, chơi cạn tài khoản lúc nào chẳng biết. Chưa nói đến tài khoản game, những account đáng giá tiền triệu, chục triệu, cũng có thể bay biến không ai hay. Thế nên, đám chơi tài khoản thường nghĩ ra nhiều kiểu pass đầy tính đánh đố, mà có lẽ nếu họ chỉ ba ngày không gõ, họ cũng chẳng nhớ ra nổi. Nào là đánh kiểu V xuôi, V ngược, B, N, M, L lung tung các kiểu, nào là chèn số, nào là shift, alt, chẳng sao liệt kê hết. Rồi lại còn đói. Tiền chơi game bỏ đi không tiếc, nhưng tiền ăn thì có khi chẳng còn. Mì gói nhiều khi còn là xa xỉ. Có những người chỉ mua được cho mình một vài cái bánh rán ăn cho cả ngày, đói cồn đói cào cũng bấm bụng cho qua. Còn nước. Nhiều người cũng đi qua những cái máy vừa vắng khách, uống tạm những cốc, chai nước vị khách trước bỏ lại. Chẳng cảnh túng thiếu nào mà trong một hàng game như thế không có. Chỗ ngủ nữa chứ. Một gác xép ba người, lúc nào trong ngày cũng có người ngủ. Họ phải nhờ người trông quán cất hộ ví, điện thoại, hay những cái đáng giá vào cái ngăn kéo có khóa để tiền rồi mới yên tâm ngủ. Dù mệt thế nào cũng khó có được một giấc ngủ say trong cái chỗ chung đụng bẩn thỉu và hôi hám từ ngày này qua ngày khác ấy. Nhưng cũng hơn là phải ngủ ngồi, ngủ đứng. Ban đêm, ít khách hơn, xin một cái ghế để ngủ còn được. Chứ ban ngày không có tài khoản thì cũng không có ghế, nếu quá mệt cũng chỉ biết đứng dựa mình vào đâu đó và lim dim một chút. Vậy mà An đã sống liền gần hai tháng ở đó, kể từ sau Tết. Nó bỏ học, không thiết tha những thứ ấy nữa. Nó bỏ nhà vì chịu đựng thế đã là đủ. Nó chơi game vì không sao quên đi những tình cảm tàn khốc trong mình. Nó đến một hàng game xa nhà để không ai có thể biết và tìm thấy nó. Nó vẫn chơi game kiếm tiền, rồi lại lấy tiền nuôi game. Nó cày tiền ảo trong game, quy ra tiền thật. Nhưng, tính một cách đơn giản và dễ hiểu nhất, một ngày cắm game, săn đồ, bán đồ, nếu dưới hai mươi tiếng chẳng thể đem lại hiệu quả. Và dù có khả quan đến thế nào, số tiền lãi mà nó có, tức là đã phải trừ đi tiền net, giỏi lắm cũng chỉ được đến năm mươi nghìn một ngày, không bao giờ đủ cho một chỗ ăn ở tử tế. Đói, khát, mệt mỏi đến kiệt sức. Rất lâu rồi nó chưa tắm gội, nghĩa là giờ nó cực kỉ bẩn thỉu. Nó cũng chẳng quan tâm đến điều ấy. Nó chẳng muốn gặp ai, và cũng chẳng ai muốn gặp nó. Nhiều khi, tỉnh dậy vào một buổi sáng, khi người trông hàng vỗ vai bảo nó nhường ghế cho khách, nó choáng váng khi đứng lên. Thấy người mình hầm hập như muốn lên cơn sốt, thấy ngực nặng trĩu, bước chân đi cũng không còn vững. Cả người mỏi nhừ, cái bụng thì đói meo. Nhưng trong túi chỉ còn vài nghìn đồng. Nạp khoảng hai mươi phút tài khoản, bán tống, bán tháo, bán rẻ những món đồ ảo của mình, công sức của hàng trăm tiếng ngồi cày, chỉ để lấy vài trăm nghìn, vài chục nghìn, để có tiền nạp tiếp vào net, vào game, chứ không phải vào cái ăn, cái uống. Nước, xả một cốc nước lã cũng được. Thức ăn, mua một ít xôi ăn cầm chừng cũng được. Cứ thế sống qua ngày. Thế mà, nhiều khi, ngồi một mình trước màn hình máy tính, ban đêm hay ban ngày, nó vẫn ở trong một góc ít ánh sáng, nó lại thấy hình ảnh mình phản chiếu. Lại thấy gương mặt mình, hốc hác thảm đạm, ánh mắt mình, tê dại thê lương. Lại thấy trái tim mình bị bóp nghẹt, lại thấy tâm trí mình bị dày vò. Lại muốn khóc, lại muốn rơi nước mắt. Lại dốc đi chút tiền ít ỏi chỉ để mua một bao thuốc. Để khói thuốc chặn lại sống mũi cay xè, át đi nhịp đập thổn thức và làm mờ đi tâm trí. – Tao bảo mày về đi cơ mà! An quay sang lờ đờ nhìn về phía cách mình chừng năm máy, cùng dãy. Một bà mẹ to béo đang bạt tai thằng con còn mặc đồng phục trường cấp hai. – Mẹ cứ để con một lúc nữa xem nào! Đang dở trận! – Mày! Bố láo! Bà tiếp tục tát vào đầu nó một cái. – Con tức mẹ quá! Nó gắt lên. Đúng hai phút nữa! Mẹ nhìn đồng hồ đi! Bà ta quay mặt nhìn cái đồng hồ treo trên tường, và nhìn thấy An. Lúc sau, khi cậu con trai hậm hực thoát ván Dota dang dở, bà chỉ An cho nó nhìn thấy.
|
– Mày thấy thằng kia chưa! Chơi game cho lắm! Người chẳng ra người ngợm chẳng ra ngợm. – Mẹ nói lắm quá! Team con thua rồi kia kìa! Thằng bé còn bị mẹ nó bạt tai một cái nữa, trước khi khoác cái ba lô đi theo bà ra ngoài. An thở dài. Mỗi ngày có tới mấy bà mẹ, ông bố đến đây gọi con về. Có những người lôi con đi mà còn quay sang mắng nhiếc mấy người trông hàng. “Chúng mày quản lý hàng thế à! Để con bà vào chơi cả tuần thế mà không biết đường bảo chúng nó về à! Có biết bố mẹ chúng nó ở nhà lo lắng thế nào không! Chúng mày ăn ở thất đức thế mà chịu được à!”, vân vân. Sắc thái đang từ giận con mà quay sang bênh con. Suy cho cùng bố mẹ nào chẳng thế. Có những người vừa ra đến hàng đã tát, đã đánh con một chặp, rồi vẫn ôm nó, vẫn vỗ về nó, hỏi han nó ăn uống chưa, có nợ nần gì không. Dù đứa trẻ hỗn hào đến đâu, sai trái đến đâu, lời mắng chửi của họ vẫn đầy lo lắng, đầy yêu thương. “Sao mày ngu thế! Không khôn ra! Không biết nghĩ cho bố mẹ mày!”, đại ý thế. Còn nó, nó chẳng biết dượng có còn nghĩ tới nó hay không. Hai tháng nay. Đói, mệt, có khi ốm lả, nó cũng muốn về nhà. Ít ra cũng được nằm ấm, có cơm ăn no. Rồi nó lại nghĩ. Với họ, nó sống chết mặc bay. Dượng nó hận mẹ nó, hận cả nó. Vậy mà ông phải nuôi nó mười mấy năm nay. Dẫu ông có đánh chết nó, chưa chắc những ấm ức của ông đã hết. Việc gì ông phải lo cho nó. Dì nó cũng thế. Bà những muốn nó đủ sức tách mình ra sống riêng, sống tự lập. Kinh tế gia đình không phải san xẻ, và bà cũng không phải chứng kiến một gương mặt khác của chồng mình. Ông càng hận, càng đánh nó bao nhiêu, đồng nghĩa, hình ảnh mẹ nó còn sâu nặng trong ông bấy nhiêu. Ông càng tàn ác với nó, chỉ càng chứng tỏ, ông từng yêu mẹ nó đến thế nào. Nó sinh ra đã là nghiệp chướng. Nó tồn tại đã là một sai lầm. Nhẽ ra nó chỉ nên làm hòn đá cuội bên đường, để người thấy vướng chân cũng có thể hất lăn đi mà nó không thấy đau, không làm người ta bề bộn suy nghĩ. Gần hai tháng, nó đã sống như thế. Đã tiến sát tới bất cần, đã tiến sát tới tuyệt vọng. Có lẽ chỉ cần một bước nữa là nó có thể sang sông, đi đến cõi chết. Một ngày mùa xuân mưa phùn ẩm ướt. Không khí ngột ngạt. Cửa hàng đông khách như mọi khi. An tỉnh dậy trên bàn phím của mình, cảm giác có gì đó hụt hẫng. Nó hết tiền, vì thế hôm nay nó sẽ lại rao bán tiền ảo. Nhưng khi nó log vào game, màn hình báo lỗi đăng nhập. Vài lần vẫn vậy, nó linh cảm đến một điều tệ hại. Và cái điều ấy thật sự xảy đến. Nó bị hack. 9. Bị hack trong thế giới ảo, nghĩa là không còn gì cả. Khi nó tạo một char khác log vào game, nó thấy account của mình đang online rực rỡ, và đang rao bán tất cả những gì nó có trên người. Số item ấy sẽ được quy hết thành tiền trong game, theo đúng kịch bản thông thường, chuyển qua một account khác. Sau một số lần chuyển account nhất định, GM sẽ không thể lần ra nguồn gốc. Và cuối cùng, số tiền ảo ấy sẽ được bán ra tiền thật, sạch sẽ, gọn gàng, không để lại dấu tích, mặc xác chủ nhân đầu tiên của nó là ai. Với một số nhà phát hành có trách nhiệm, họ có thể vớt vát lại một phần cho khách hàng, còn lại đa số các vụ hack tài khoản hiện nay khó có thể hoàn lại nguyên trạng, nếu không muốn nói là người chơi phải chấp nhận việc mất trắng. Vì cũng có lý do của nó, nếu bạn không bị mắc các thủ đoạn lừa acc kinh điển, như truy cập link bẩn, không bị keylog, không bị ai đó trong game gạ mượn nick …, những điều mà mọi forum game đều lưu ý, bạn đã không bị hack acc. An chơi game đã nhiều năm. Nó đã rành hết những mánh hack acc. Nó tỉnh táo với mọi loại link và quảng cáo xuất hiện, tỉnh táo với mọi giao dịch trong game. Việc nó bị ai đó đá pass cũng bị loại trừ vì nó vẫn cẩn thận trong đăng nhập tài khoản. Khả năng duy nhất là vào vài ngày trước, khi nó bán một ít tiền ảo lấy ba trăm nghìn, nó tới một hàng game ở mãi khu Ao Sen, gần trường Kiến Trúc. Thường thì nó không đi, nhưng vì hôm đó quá bí tiền, người kia nói bị gãy chân không đi được, nói sẽ trả tiền xe ôm cho nó đi lại. Một thủ đoạn hết sức tầm thường mà chỉ cần nó chu đáo hơn một chút, là chuyển trước tiền sang một acc phụ, đăng nhập acc đó ở hàng net kia, đổi lại pass khi trở về, nó sẽ chẳng hề hấn gì. Nhưng, vì sao nó sơ suất đến thế? Vì nó đã sống không ra gì suốt hai tháng nay, đã mụ mị cả người, đã kiệt quệ cả sức khỏe lẫn lý trí. Nó bật cười thành tiếng, cười khan, cười khặc. Mất tất cả. Cái thứ cuối cùng để mưu sinh đã mất. Tiền đã hết. Quá mệt mỏi rồi. Quá tuyệt vọng rồi. Nó biết mười mươi là nó dính keylog ở hàng net kia, cũng khá chắc về người lấy acc của nó, nhưng một tiếng thở than nó cũng còn không đủ sức để nói. Và lại, cô thân, cô thế, nó làm gì được anh ta. Lỗi là ở nó kia mà, chỉ một lần bất cẩn.
|