Khác (DHTCC)
|
|
Chap 6.
Số 37 Hùng Vương – hay gọi tên chính xác hơn là Văn phòng Quốc hội hiện ra là một tòa nhà xấu xí và thô kệch. Bố nó vừa là kiến trúc sư, vừa là kỹ sư xây dựng, nên nó cũng biết không ít các công trình xây dựng khác nhau, vả lại chính nó cũng có chút ít khiếu hội họa từ bé, nên dĩ nhiên một tòa nhà hình hộp vuông vức trong mắt nó rõ ràng là chả có tí thẩm mĩ nào.
Nó xuống xe đứng đợi trước cổng trong khi Hoàng đi gửi xe.
Gần mười lăm phút rồi vẫn không thấy Hoàng quay lại. Chắc là tiếc tiền nên vào gửi xe trong bãi xe ở Bảo tàng Hồ Chí Minh rồi, ở đấy thì cứ gọi là đông chặt người luôn. Hơn tám giờ rồi, cứ chần chừ mãi thì nó cũng muộn mất. Nó đành liều đi vào trong.
- Này nhóc, đi đâu đấy ?
Nó quay ra phía tiếng nói. Đó là một anh chàng bảo vệ, à không, phải nói đúng là một anh chàng an ninh còn khá trẻ, quân hàm vẫn chưa có sao hay vạch, chắc cũng chỉ tầm như Khánh. Không được, nó lại nghĩ đến Khánh rồi.
- Tôi… đến làm việc.
- Làm việc ? – anh chàng cười to – Nhóc học lớp mấy rồi ?
Ôi, khỉ thật ! Lúc này thì nó ghét cái dáng vẻ trẻ con quá mức của nó lắm rồi ! Đúng là nó chả có giấy giới thiệu hay quyết định công tác gì cả. Thầy Hải bảo nó đến thì nó đến thôi, chứ cũng quên toi mất chuyện vào các khu văn phòng nhà nước thế này đâu phải chuyện đơn giản. Nó ấp úng không biết phân bua kiểu gì…
- Chúng tôi là người mới ở Ban 17. Đồng chí có thể xem lại danh sách, chắc chắn có ảnh của chúng tôi – Hoàng xuất hiện sau lưng nó từ lúc nào không biết nữa.
Anh chàng an ninh không nói gì mà chỉ hơi quay đầu về phía phòng trực và hất cằm với một người khác đang ngồi bên trong. Chưa đến một phút sau người này cũng đi ra, tay cầm hai chiếc thẻ màu vàng chanh nhạt đưa cho nó và Hoàng.
- Nguyễn Anh Tuấn – giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội, và Lê Huy Hoàng – cán bộ Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia -Câu nói này có lẽ là để xác minh cho người đồng đội của anh ta chứ không phải cho hai con người được nhắc tới, rồi anh ta mới quay ra nói với hai đứa – Hai đồng chí giữ lấy cái thẻ này, từ giờ ra hay vào khu Văn phòng chỉ cần xuất trình thẻ là được. Nhưng giữ gìn nó cẩn thận nhé, mất là phiền lắm đấy !
Đến lúc này thì cánh cổng sắt mới trượt sang bên một khoảng nhỏ vừa đủ để hai đứa đi qua. Sau khi trèo hết bậc tam cấp và vào bên trong tòa nhà, nó mới thở phào. Thế mà lúc nãy nó lo quá, may mà có Hoàng. Sao Hoàng có thể điềm tĩnh đến thế nhỉ, nó thì lúc ấy cứ cuống hết lên, muộn giờ rồi mà không biết làm sao xin vào được. Nhìn bóng hai đứa đang trải dài trên nền đá lát sáng bóng, tự nhiên nó thấy cái dáng áo trắng của nó thật nhỏ bé khi ở bên cạnh Hoàng…
. Theo như hướng dẫn từ bản sơ đồ tòa nhà, hai đứa sẽ làm việc ở tầng 7, hành lang phía bắc – một vị trí rất đẹp vì có thể nhìn thấy toàn cảnh quảng trường Ba Đình. Lúc hai đứa đến được phòng họp thì cũng đã gần tám rưỡi, và chúng là hai người đến sau cùng của cuộc họp.
Căn phòng chỉ có tầm hai mươi người. Trừ nó và Hoàng thì tất cả đều ít nhiều có những mảng màu bạc trên mái tóc. Điều đó không có gì lạ, và chuyện đa số người trong phòng đều là nam giới cũng thế. Chỉ có ba người có mái tóc dài. À và cả nó nữa chứ nhỉ, không phải nam cũng không phải nữ, nó là một thằng đồng tính.
|
Nó nhận ra thầy Hải đang ngồi ở dãy bàn thứ hai, nhưng đã bắt đầu vào cuộc họp, nên nó không dám đi lên chào thầy, cuối cùng nó vẫn ngồi cạnh Hoàng ở dãy ghế dưới cùng.
Hoàng huých nhẹ tay nó, thì thầm:
- Viện phó của tôi đấy – giáo sư, tiến sĩ Đặng Duy Minh…
Nó nhìn về phía bục diễn giả. Một người đàn ông tầm trên dưới sáu mươi đang đứng ở đó – một thân hình cao gầy, mái tóc pha hai màu đen – bạc hơi dài, ôm lấy khuôn mặt nhỏ nhắn có cái sống mũi cao và đôi mắt màu đen nhạt – sau này khi tiếp xúc nhiều hơn với giáo sư, nó mới biết đó thực ra là màu nâu sẫm. Nó dám chắc rằng khi còn trẻ, giáo sư phải rất đẹp trai.
Theo đúng những thủ tục của một cuộc họp thông thường, đầu tiên luôn là màn giới thiệu đại biểu. Trước khi Quốc hội muốn thông qua một đạo luật nào đó, một ban soạn thảo luật sẽ được thành lập, và thông thường thì một ủy viên của Ủy ban pháp luật sẽ là trưởng ban. Nhưng riêng với Hiến pháp thì khác. Ban soạn thảo Hiến pháp mới sẽ có trưởng ban là đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội, một phó ban là Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, và một phó ban khác là một đồng chí bên Trung ương Đảng. Dĩ nhiên thì cả ba người này chỉ làm công tác quản lý và góp ý thôi, còn việc biên soạn chính vẫn phải giao cho những nhà chuyên môn, do đó mới sinh ra cái chức danh Chủ nhiệm, và giáo sư Duy Minh là người giữ chức danh này. Thế nên, trong thời gian còn làm việc ở đây, giáo sư mới thực sự là “sếp” của nó – nó thầm nghĩ trong đầu như vậy.
Với sự giới thiệu của giáo sư, nó biết trong ban, trường nó có 3 người, là nó, thầy Hải trưởng khoa, và cô Dung – hiệu phó; bên Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia có 5 người, riêng Viện Nhà nước và Pháp luật đã có giáo sư Duy Minh, Hoàng và giáo sư Khiêm – một nhà nghiên cứu cũng rất nổi tiếng mà nó chắc chắn rằng chưa một cuốn sách nào của ông mà nó chưa đọc; ngoài ra thì bên Bộ Tư pháp có 3 người, khoa Luật Đại học Quốc gia có 3 người, trường Luật thành phố Hồ Chí Minh có 2 người, và Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, mỗi nơi có 2 người nữa, tổng cộng cả Ban 17 có 25 người.
Rồi đến khi phân công công việc, lúc trên đường đi hai đứa cũng đã chí chóe đoán già đoán non xem ai sẽ được phân công tham gia viết phần nào. Nhưng đến khi giáo sư tuyên bố chính thức thì một lần nữa nó lại thấy thực sự bất ngờ, vì chương quan trọng nhất của bản Hiến pháp – “Chế độ chính trị”, lại chỉ do 2 người viết, một là chính giáo sư, và người thứ hai kia là nó – Nguyễn Anh Tuấn…
Chap 7.
- Ơ… này… Cứ đờ ra như mất hồn thế ?
- À… à… ừ, sao thế ?
- Họp xong rồi thì về phòng làm việc đi chứ ! Cậu cứ “phiêu” như thế từ lúc phân công công việc đến giờ cũng gần một tiếng rồi đấy !
- Đâu mà… - nó cố chữa thẹn – Thế cậu được phân viết đoạn nào ?
- Chà đoạn nào cả ! Tôi trong tổ đọc thẩm định. Cậu phải thừa biết rằng tôi chỉ biết Hiến pháp là Constitution, ngoài ra chả biết cái mô tê gì cả !
Nó phì cười trước cái vẻ mặt thộn ra như thật của Hoàng. Chuyên môn của Hoàng là luật quốc tế, nhưng bảo chả biết gì về luật quốc gia thì đúng là nói quá ! Từ năm thứ hai, sau khi bỏ hết đám bạn gái, Hoàng chí thú vào chuyện học hành hơn hẳn. Và cũng từ đấy, tổng kết kỳ nào trong khoa trong lớp cũng là nhất nó, nhì Hoàng, và thỉnh thoảng cũng có lần nhất Hoàng, nhì nó… Nhưng dù sao thì nó cũng chắc chắn rằng số lần nó hơn điểm vẫn nhiều hơn…
- Cậu làm ở phòng này, 727. Còn tôi ở phòng 730. Mà… – Hoàng ghé sát vào tai nó nói nhỏ – tôi mới về Viện nên cũng không rõ, nhưng nghe mọi người kháo nhau là cái ông Duy Minh này khó ưa lắm, tài nhưng mà kiêu, lại hay đột xuất có những trò quái gở nữa…
Nó đẩy Hoàng ra, cười:
- Thì quái gở như việc cho tôi với cậu vào Ban là cùng chứ gì ?
- Tôi cứ nói trước để có gì cậu còn chuẩn bị tinh thần !
- Cậu cứ đi lo việc của mình đi. Rắc rối quá !
Nó đẩy Hoàng đi tiếp rồi bước vào phòng. Nói cứng thế thôi chứ thật ra thì trong lòng nó cũng hơi lo. Cái việc biên soạn này nhanh thì cũng phải dăm ba tháng, lâu có khi đến cả năm. Nếu đúng là cái lão “sếp” này khó ưa quá thì cũng mệt đấy. Nó biết tính nó nhiều lúc cam chịu đến lạ, nhưng cũng nhiều lúc “nổi hứng bất tử” lắm, lỡ vì một lần như thế mà bị kiếm cớ để đẩy khỏi Ban thì đúng là xấu hổ cho cái danh “tuổi trẻ tài cao” của nó lắm !
Nó nhìn quanh phòng, lão “sếp” – í nhầm, phải gọi là giáo sư chứ,… giáo sư chưa vào. Căn phòng có một bàn uống nước, và chỉ độc một bàn làm việc. Thế thì hai con người, nó và giáo sư, sẽ ngồi làm việc kiểu gì đây ? Giáo sư chắc chắn sẽ ngồi ở bàn làm việc rồi, vậy chả nhẽ suốt mấy tháng trời nó sẽ phải lom khom, lúi húi đọc đọc, chép chép ở cái bàn nước thấp lè tè này à ? Nó nhăn mặt. Ở trường tuy không có bàn làm việc riêng, nhưng ít nhất nó cũng không phải ngồi viết ở bàn uống nước. Mà thôi kệ đi, chuyện đó tính sau. Giờ theo đúng phép tắc ở một cơ quan nhà nước, nó phải đi pha trà để chuẩn bị cho chút nữa “sếp” vào đã…
Cánh cửa hé mở, giáo sư bước vào. Nó đứng dậy đưa tay ra định bắt tay giáo sư, nhưng ông thản nhiên như không nhìn thấy, bước thẳng vào phía trong và đặt chiếc cặp lên bàn làm việc.
” Lão này đúng là kiêu thật ! Không thèm bắt tay mình… “ – nó thầm nghĩ trong đầu như thế, nhưng vẫn cố niềm nở bước tới chào hỏi:
- Chào giáo sư ạ ! Cháu là…
- Ta phải biết rõ cháu là ai trước khi chọn cháu vào đây chứ ! – Ông nhìn nó, nhưng cái nhìn ấy không ẩn chứa mỉa mai, cũng không phải ghét bỏ, nó chỉ lạnh lùng và vô cảm như ngữ điệu mà ông đang dùng vậy. Nó thấy sởn lạnh. Người đàn ông đang đứng trước mặt nó không giống với bất kỳ ai mà nó đã từng gặp. Thông thường người ta sẽ xã giao mà chào hỏi lại nó, còn nếu như người ta khinh ghét nó thì ánh mắt nhìn nó đã phải khác, chứ không như đôi mắt sắc lạnh đang nhìn nó bây giờ – cái nhìn thẳng nhưng lại như không hề quan tâm là đang nhìn cái gì, và cái nhìn như không quan tâm ấy lại như đang xuyên thấu hết tâm can người đối diện.
- Làm việc thôi ! – câu nói của giáo sư làm nó giật mình thoát khỏi sự mê hoặc từ đôi mắt ấy.
Nó bước một bước lại phía chiếc bàn làm việc, nhưng rồi đứng lại. Như hiểu nguyên nhân, giáo sư chỉ tay về chiếc ghế ở sát góc phòng:
- Cháu kéo cái ghế ra đây. Ta với cháu dùng chung bàn. Ở đây cũng không còn phòng nào nữa nên đành phải cố gắng vậy. Mà phần “Chế độ chính trị” này công việc cũng nhẹ nhàng, nên chắc không cần phải ở trong văn phòng này nhiều đâu.
|
Chap 8.
” How ? ”
” What’s how ? ”
” Can you stand the professor ?”
” Still alive, not dead “
” That sound’s good ! See ya at 5 p.m “
Nó mỉm cười. Đúng là ngốc, không đợi Hoàng về thì nó đi bộ về nhà chắc, thế mà cũng phải nhắc. Chợt nó bắt gặp cái nhìn của giáo sư – vẫn cái nhìn lúc sáng. Nó lại lạnh người. Đúng là trong giờ làm việc mà cứ dán mắt vào cái điện thoại để nhắn tin thì bị sếp lườm là phải.
- Cháu… xin lỗi – Nói xong rồi nó mới nhận ra rằng yên lặng trong trường hợp này mới thực sự là vàng, nó càng bối rối hơn.
- Đấy là Hoàng, đúng không ? Sáng ta thấy hai đứa đi cùng nhau…
- Dạ, tại bọn cháu học cùng… – nó dừng lại khi nhớ ra rằng chắc giáo sư đã biết chuyện đó rồi. Nó liếc sang chỗ ông. Ông vẫn nhìn nó với đôi mắt làm nó cảm thấy sợ ấy. Liệu nó có thể bảo giáo sư đừng nhìn nó nữa được không nhỉ ?
- Thôi, cũng muộn rồi ! Hôm nay nghỉ sớm đi, ngày đầu tiên mà – Giáo sư kết thúc cuộc-nói-chuyện-khó-khăn rồi nhanh chóng đứng dậy xếp tài liệu vào cặp và ra về. Sự vội vã ấy càng làm tăng sự tò mò trong tâm trí nó về ông.
. - Đợi tôi lâu chưa ?
- Hơn một tiếng rồi ! Giáo sư cho tôi về từ lúc bốn giờ !
- Ông Duy Minh này cũng không khó tính lắm nhỉ ?
- …
- Thế cậu làm gì từ lúc đó đến giờ ?
- Đi vòng quanh khu Quảng trường !
- …
- Gì mà nhìn tôi như thế chứ ? Chứ tôi phải làm gì cho hết thời gian đây ?
- Thế giờ…
- Sao ?
- Ra Quảng trường với tôi lần nữa nhé !
. - Avenue Brière de I’ Isle
- Gì cơ ?
- Tên cũ của đường Hùng Vương này đấy, Avenue Brière de I’ Isle.
Nó liếc nhìn Hoàng, chỉ thoáng qua và chưa đến một giây thôi. Hoàng chưa bao giờ làm nó hết ngạc nhiên thì phải.
- Tôi không thích cái tên ấy.
- À… ừ… tôi cũng không thích, chỉ là… biết thôi…
- Cậu yêu Hà Nội lắm phải không ?
- …
- Tôi cũng thế ! – Nó dừng lại, nhưng Hoàng vẫn im lặng. Nó lại kể tiếp – Bắt đầu từ năm lớp mười hai, khi tôi được biết thế nào là yêu. Và đó đúng vào mùa thu, mùa thu của hoa sữa trên con đường mà hai đứa chúng tôi đi học. Tự nhiên từ đấy yêu hoa sữa, yêu mùa thu và yêu Hà Nội kinh khủng !
- Giờ cậu vẫn yêu người ấy chứ ?
Yêu Khánh ư ? Phải, sau từng ấy năm nó vẫn yêu Khánh. Và giờ nó có còn hy vọng gì vào tình yêu ấy nữa không ? Nhạt nhòa hết cả rồi ! Khánh mãi mãi là một bóng mờ mà khi nó cố gắng để đuổi kịp thì cũng sẽ tan biến ngay đi chỉ sau một cái chạm nhẹ… Tình cảm Khánh dành cho nó giờ chính nó cũng không còn chắc chắn nữa. Đã lâu rồi Khánh lảng tránh nói lời yêu với nó. Tại sao ? Ừ, tại sao nhỉ ? Vì Mai Hương sao ? Vì Khánh đã yêu Mai Hương rồi sao ? Thật nực cười ! Khánh đã từng thề thốt với nó rằng Khánh nhận lời với Mai Hương chỉ vì không muốn để cô buồn, và cũng để che giấu đi mối quan hệ mà chắc chắn cha mẹ và xã hội sẽ không bao giờ chấp nhận giữa Khánh và nó. Thế mà giờ chuyện giả đã thành chuyện thật, và phở đã được dùng để ăn chính thay cơm rồi đấy ! Mà không đúng, với Khánh, nó mới chính là món tráng miệng để ăn kèm, khi đói thì người ta ăn nhiều, còn lúc đã no người ta chỉ dùng tí chút, có khi còn bỏ qua không động tới… Ôi, không ! Không ! Không ! Nó không muốn suy nghĩ tiếp nữa ! Khánh không thể là một con người như thế !…
. - Cậu mệt à ?
- À… tôi đói rồi. Chúng ta về đi ! Gió lạnh rồi !
Trời đã ngả sang tối. Đường phố đã lên đèn. Đến lúc ấy nó mới nhận ra nó và Hoàng đã rẽ sang đi trên đường Hoàng Diệu từ bao giờ rồi. Quay trở lại đường Bắc Sơn, hai đứa đi giữa những tia sáng lung linh màu ngọc bích của ánh đèn đường chiếu rọi qua tán lá, và thấy phía xa xa Quảng trường Ba Đình đang lấp lánh ngàn vạn những giọt sương trải dài tới chân Lăng Bác uy nghiêm… Bao suy nghĩ trong lòng nó dịu hẳn lại. Hình như mùa thu Hà Nội còn điều gì khác nữa chứ không phải chỉ có riêng mình hoa sữa ?
|
Chap 9.
Đúng như giáo sư Duy Minh đã từng nói, công việc của ông và của nó cũng nhẹ nhàng thật. Về cơ bản thì nội dung của chương này vẫn giữ nguyên so với bản Hiến pháp trước, nhưng cũng có nhiều điểm nó và giáo sư đã phải tranh luận với nhau khá gay gắt, khi thì dẫn ra không biết bao nhiêu tác phẩm kinh điển hay văn kiện Đảng, cũng nhiều khi lại đưa ra những quan điểm mới mẻ của riêng mình. Và lần này cũng là một lần như vậy…
. - Tôi cần mượn sách !
- …
- Ơ, này ! Có định giúp tôi không đấy ?
- Có chứ ! Sao lại phải hỏi thế ?
- Cậu không hỏi tôi cần sách gì thì về nhờ mẹ mượn cho kiểu gì ?
- Cậu nhờ thẳng mẹ tôi ấy !
- Gì ? - mắt nó trợn tròn. Mẹ Hoàng làm ở Viện Nghiên cứu các tác phẩm kinh điển thuộc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia, nên hồi còn học trong trường, hai đứa có cả một kho sách khổng lồ để mượn, bao gồm cả những bản dịch viết tay, chưa từng được biên tập và xuất bản. Nhưng tất cả những lần ấy nó đều nhờ Hoàng mượn hộ, chứ cũng chưa từng một lần gặp mặt mẹ Hoàng.
- Về nhà tôi ăn cơm tối nhé ! Hôm nay cả bố cả anh tôi đều phải trực đêm, nhà còn có hai mẹ con thôi.
- Nhưng…
- Nhưng gì chứ ? Cậu về thì cũng ăn cơm một mình mà ! - Thấy nó có vẻ cũng đã xiêu xiêu, Hoàng tiếp -Thế giờ tôi đưa cậu đi chợ, cậu mua sắm rồi về nấu nướng nhé !
- Mơ à ? Mới làm có mấy tuần, đã nhận lương đâu ?
- Thế người nào muốn nhờ mượn sách ấy nhỉ ? - cười ranh mãnh.
. Những tô cơm với năm màu trắng, đen, đỏ, vàng, xanh xếp xen kẽ được đặt lên trên bàn.
- Cháu khéo tay thật đấy ! Bác có con gái thì cũng chưa chắc nó đã nấu đưọc như thế !
- Bác cứ khen quá ! Cũng vì công việc của cha mẹ cháu bận rộn nên hai anh em nhà cháu cũng đều biết nấu nướng từ bé.
|
- Thì cũng như nhà bác thôi, nhưng như thằng Hoàng đây này, có biết làm gì đâu, việc gì cũng tới tay bác cả !
- Mẹ này, cứ nói xấu con mãi thôi ! Ít nhất thì ăn xong con cũng biết rửa bát mà ! Mà ăn cơm thôi chứ nhỉ ? Món này gọi là gì hả Tuấn ?
- Cơm rang ngũ sắc, tôi tự sáng chế đấy – cười.
- Đây là món chay phải không cháu ?
- Dạ ! Cũng vì cháu không biết sở thích của bác thế nào nên mới nấu món này. Mát và cũng dễ ăn lắm ạ ! - nó lại cười. Đây là món sở trường yêu thích nhất của nó mà. Món này thực chất là năm món cơm rang khác nhau, lần lượt là đậu phụ, mộc nhĩ – nấm hương, cà chua – bí ngô, trứng và khổ qua – bí đao, tất cả được thái nhuyễn và rang với cơm. Nó sáng chế ra món này sau tiết Ngũ hành và Y thuật phương Đông của môn Lịch sử Văn minh thế giới. Nó đã nấu món này rất nhiều lần nhưng lại chưa từng dám nói nguồn gốc này cho ai, vì đây quả là một sáng tạo to lớn đưa lý thuyết vào thực tiễn đời sống ( ặc ặc ặc )…
. … - Ôi tội nghiệp cái ông Duy Minh, ngạo nghễ cả đời để rồi vẫn thua tài lớp trẻ ! Và cháu dám nói thẳng ngay rằng ông ấy đã sai ?
- Vâng. Cháu chắc chắn vì đã được đọc nguyên tác bằng tiếng Pháp, chứ không như giáo sư, phải đọc lại từ bản dịch tiếng Anh.
- Vậy là cháu cần bản dịch chính xác của nó chứ gì ?
- Dạ !
- Thế để bác tìm đã, rồi một hai hôm nữa sẽ bảo Hoàng gửi cho cháu.
- Dạ ! Cám ơn bác ạ !
- Thế là những việc chính của tối nay đã xong rồi nhé ! Cơm đã ăn và mượn sách đã nhờ rồi nhé ! Giờ mẹ ở nhà để con đưa Tuấn về !
- Còn sớm mà ! Để Tuấn ở lại chơi thêm lát nữa !
- Thôi bác ạ, cháu cũng xin phép, làm việc cả ngày rồi, quần áo cũng chưa thay giặt được gì…
Lúc nó đứng ngắm những giò phong lan treo trên hàng rào ngoài sân để đợi Hoàng dắt xe ra, một chiếc mũ bảo hiểm được đặt lên đầu nó, và thoảng bên tai nó là lời thì thầm của Hoàng:
- Đúng là làm việc cả ngày rồi, nhưng cậu vẫn thơm như… mứt vậy !
Chap 10.
Nó yên lặng ngồi sau xe Hoàng. Và Hoàng cũng chỉ chăm chú nhìn con đường phía trước mặt. Sự yên lặng cứ tiếp diễn mãi cho đến tận khi chiếc xe dừng lại trước tòa nhà chung cư, và cũng chỉ bị phá vỡ bởi mấy lời xã giao ngắn ngủn:
- Cảm ơn nhé ! Chào !
- Ừ, tôi về đây. Chào !
. Nó đi dọc hành lang và bước vào trong thang máy. Tám giờ tối của một ngày cuối tuần, chỉ có một mình nó. Lạnh. Hai tuần rồi kể từ sau cái tin nhắn chúc mừng muộn màng đến mấy ngày, Khánh chưa liên lạc gì với nó. Mai là thứ bảy, Khánh có về không nhỉ ?
Cánh cửa thép của thang máy hé mở, làm nó thấy trong hành lang, trước cửa phòng nó, một bóng áo quân phục xanh…
- Đến lâu chưa ? Sao tuần này được nghỉ sớm thế ?
- Cậu vừa đi với ai về vậy ? Đó không phải anh Hưng cũng không phải bố cậu !
- À, một người bạn thôi. Học cùng nhau, giờ lại làm cùng trên Ban, mà nhà lại cũng gần nữa, nên ngày nào cũng đưa đón tôi đi làm. Bao giờ rảnh tôi sẽ sắp xếp giới thiệu hai người với nhau, nhé !
- Không cần đâu ! Từ mai cậu làm vé tháng xe buýt đi nhé !
- Tại sao ? - nhíu mày.
- Tôi không muốn thấy cậu đi cùng hắn ta nữa !
Khánh đang ghen ư ? Người nó nóng ran lên. Khánh đang ghen vì nó ư ? Vậy là trong Khánh nó vẫn có một ý nghĩa nhất định. Trái tim nó như muốn vỡ tan ra vì vui sướng, khiến nó toan nhận lời. Nhưng lý trí của nó – lý trí của một nhà luật học đã ngăn nó lại: tại sao nó phải nghe theo lời Khánh ?
Nó cố phân trần cho Khánh hiểu:
- Cậu ấy chỉ là bạn thôi mà. Tôi tưởng cậu phải hiểu rằng tôi luôn chỉ có…
- Không ! Tôi không cần biết ! – Khánh thô bạo đè chặt nó vào tường, và nhìn nó bằng một đôi mắt giận dữ làm nó khiếp sợ – Tôi không muốn thấy cậu gần gũi với bất kỳ một người đàn ông nào khác !
Rõ ràng là Khánh đang ghen vì nó. Nhưng nó không cảm thấy hạnh phúc. Nièm vui sướng nhen nhóm lên lúc trước đã tan biến hoàn toàn. Giờ cơn ghen của Khánh chỉ làm nó thấy lợm giọng. Khánh lấy quyền gì để cấm đoán nó. Trong khi chính Khánh đã bỏ rơi nó bao nhiêu lần để đến với Mai Hương ? Bị một cánh tay ghì chặt lên ngực và với một cái đầu đang lấp đầy bởi những giận dữ, nó cảm thấy khó thở. Nó cố đầy Khánh ra. Nhưng nó đâu có được rèn luyện võ thuật như Khánh. Nó chi có thể ú ớ:
- Khánh… đau tôi…
Những âm thanh tuy yếu ớt ấy nhưng cũng đủ làm Khánh giật mình và buông tay ra. Nó gục xuống sàn, nước mắt bắt đầu hoen ra trên mi…
Yên lặng.
- Tôi… tôi về đây… – giọng nói đôi chút ái ngại, nhưng Khánh vẫn quay người đi.
- Khánh…
Đã bước vào trong thang máy, và thoáng quay đầu lại.
- Tôi có thể không đi cùng cậu ta nữa, nhưng… cậu có dám nói yêu tôi không ?
Yên lặng. Cánh cửa bằng thép đóng sập lại nặng nề, như một đôi môi nín chặt. Nó bắt đầu khóc, trên tấm thảm hành lang màu đen thẫm…
|