Khác (DHTCC)
|
|
- Vâng, tôi xin phép được thay đồng chí Tuấn tiếp tục trao đổi với phó giáo sư Châu về vấn đề này ạ! Nhưng đầu tiên, ngoài lề một chút, tôi muốn hỏi làm sao mà bà phó giáo sư lại biết đến tên của đồng chí Tuấn ? – người đàn bà nghe xong câu hỏi ấy thì như hóa đá lại, khuôn mặt trắng bệch ra rồi nhanh chóng tím đen lại. Còn nó phải cố lắm mới giữ được mình chỉ giật lên một tiếng cười trong cổ họng. Hai năm trước trong kỳ thi Olympic Luật học, nó đã trả lời rành rọt, và hơn thế, còn chỉ ra điểm bất hợp lý trong câu hỏi của vị giám khảo giữa một hội trường gần hai nghìn người. Và vị giám khảo ấy không ai khác chính là người đang đứng trên bục diễn giả vào lúc này. Thế nên nếu cái tên Nguyễn Anh Tuấn là những gì cuối cùng hiện lên trong đầu trước khi bà nhắm mắt qua đời thì cũng không phải là chuyện gì quá lạ. Sau một nụ cười mỉm đầy ranh mãnh, Hoàng tiếp tục – Trở lại với cuộc thảo luận, tôi thấy rằng ý kiến của phó giáo sư đưa ra có thể tóm gọn lại là: những người đồng tính chỉ là thiểu số trong xã hội, và họ bị những người bảo thủ có số lượng lớn hơn nhiều phản đối, nên những người đồng tính phải chấp nhận thua thiệt. Tôi hiểu thế không sai chứ ạ ? Thiểu số phục tùng đa số. Không ai chối cãi nguyên tắc đó. Nhưng có phải ước mơ được sống bình đẳng như những người khác, được tự do thể hiện bản thân mình, được tự do yêu đương, tự do mưu cầu hạnh phúc của thiểu số những người đồng tính là chống lại đa số còn lại của xã hội ? Một xã hội lấy sức mạnh của số đông để chà đạp lên những con người ít ỏi khác biệt có phải là một xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang hướng tới ? Và ngoài ra còn một điều cần phải xem xét nữa là: đâu mới là đa số, và đâu mới là thiểu số, giữa một bên là những con người cũ kỹ muốn giữ lấy những nề nếp xã hội cổ hủ, lạc hậu, với một bên là những người đồng tính và những người thấu hiểu, cảm thông với họ ? Tôi luôn giữ cho mình một cái nhìn lạc quan đầy màu hồng. Đó có thể là một hạn chế do kinh nghiệm và tuổi tác còn non dại. Nhưng nó giúp tôi luôn tin rằng xã hội này thật tốt đẹp, và những con người hiểu biết, tiến bộ luôn luôn là đa số; nó giúp tôi có một niềm tin sâu sắc rằng nếu quy định này được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp thì đa số đông đảo mọi người sẽ chấp nhận và ủng hộ nó.
|
- Niềm tin cảm quan của cậu đâu phải là căn cứ…
- Đủ rồi đấy bà Châu ! – giáo sư Duy Minh, vẫn lặng yên trong chỗ ngồi ở góc phòng từ đầu cuộc họp, đã đứng dậy và lên tiếng cắt đứt đợt phản kháng yếu ớt của bà phó giáo sư – Tôi nghĩ trong vấn đề này mọi chuyện đã được giải quyết xong. Nên đồng tình hay không nên đồng tình với việc sửa đổi Điều 63 này, chắc chắn mọi thành viên trong Ban đã có được câu trả lời rõ ràng cho riêng mình. Chúng ta dừng ở đây được rồi !
- Nhưng mọi người không nhận thấy hai đứa thanh niên như thế cùng ăn hiếp một bà già như tôi sao ? - bà đã không thể giữ được bình tĩnh nữa từ sau cú khiêu khích của Hoàng. Nhưng chợt trong đôi mắt bà lóe lên một ánh sáng - Hai đứa chúng nó…
- Phải ! Chúng tôi đồng tính. Và chúng tôi yêu nhau !
Chap 19. ( Phần 1 )
- Hai đứa có nhận thức được việc mà mình vừa làm không ?
- … ơ – ấp úng – sao hả bác ?
- Ta cũng không rõ lắm. Nếu như những gì hai đứa đề nghị thực sự được Quốc hội đồng ý thông qua trong bản Hiến pháp mới, thì hai đứa là những người dũng cảm nhất mà ta từng biết. Còn nếu như đề nghị này thất bại, ta chắc chắn hai đứa sẽ là những kẻ ngốc nghếch và đáng thương nhất mà ta từng gặp.
- Thế có nghĩa là…
- Là hai đứa đã tự đặt cược chính cuộc sống tương lai của mình vào lời đề nghị hôm nay.
- …
- Ta cũng muốn hai đứa biết rằng cuộc sống trước đây đã kết thúc rồi. Ít nhất là từ giờ đến ngày Điều 63 sửa đổi được Quốc hội thông qua, những lời xầm xì, sự xa lánh, thậm chí là cả sự khinh ghét nữa sẽ luôn bám theo cả hai. Hai đứa có thể vượt qua được không ?
- Cháu nghĩ là được, chỉ cần hai chúng cháu luôn ở bên nhau, phải không Tuấn ?
- … - ngập ngừng - Để tôi nói chuyện riêng với bác Minh được không Hoàng ?
Gật đầu và bước ra khỏi phòng.
- Có chuyện gì hả Tuấn ?
- … Thực sự cháu không biết cái ngày mà chúng ta trông đợi ấy bao giờ mới trở thành hiện thực. Cháu sợ rằng nó sẽ là quá xa xôi…
Ông nhìn kỹ vào mắt nó. Vẫn cái nhìn từ đôi mắt màu nâu sẫm ấy, của con người cao gầy, mái tóc pha hai màu đen – bạc hơi dài, ôm lấy khuôn mặt nhỏ nhắn ấy, nhưng sao nó thấy ấm áp đến lạ lùng ?
- Không được sợ và không việc gì phải sợ, Tuấn ạ ! Cháu không đơn độc đâu ! Giờ cháu đã có Hoàng ở bên cạnh, và rồi cháu sẽ có sự ủng hộ từ tất cả những người đồng tính, cũng như từ tất cả những người cảm thông và chấp nhận đồng tính. Cháu phải tiếp tục, vì con đường mà cháu và Hoàng hôm nay đã lựa chọn không chỉ là lựa chọn của hai đứa, nó đã và sẽ là ước mơ của tất cả những ai khao khát công bằng và bình đẳng trong cái xã hội này…
Nó bật khóc. Đúng, nó phải tiếp tục ! Nó đâu còn có một sự lựa chọn nào khác. Số mệnh đã đưa đẩy nó vào trường Luật, đã giúp cho nó gặp được Hoàng trong cái chiều mùa hè của năm thứ nhất ấy; rồi một lần nữa cũng chính số mệnh đã đưa đẩy cho bộ hồ sơ của nó vào tay bác Minh, để nó và Hoàng lại có thể gặp lại nhau một lần nữa. Số mệnh ! Nó chưa bao giờ tin vào số mệnh. Nhưng liệu có phải chính số mệnh đã run rủi mà đặt lên vai nó và Hoàng cái trách nhiệm này ? Hay là không có số mệnh nhỉ ? Hay là nếu không phải nó và Hoàng thì cũng sẽ phải có một ai đó đứng lên làm cái công việc này nhỉ ? Bác Minh nói đúng, đây không phải là công việc của một người, của nó hay của Hoàng, đây là công việc của tất cả mọi người – của tất cả những người đồng tính, của tất cả những ai khát khao được sống thật với chính bản thân mình, của tất cả những ai yêu chuộng lẽ phải, yêu chuộng công lý và công bằng.
. Giải phóng con người đâu phải ở nơi nào đó quá xa xôi, nó ở chính trong từng cử chỉ, từng lời nói, từng việc làm của mỗi cá nhân con người. Có xiềng xích và gông cùm nào vững chắc hơn những xiềng xích và gông cùm do chính mình làm ra và tự mình giam hãm mình trong đó ? Xã hội có thể kỳ thị những sự khác biệt, chính vì những sự khác biệt ấy cũng chấp nhận mình là khác biệt. Sự khác biệt ấy cần phải lên tiếng. Cần phải có một tiếng nói. Tiếng nói ấy không cần phải là một tiếng thét, bởi vì nó là chân lý, mà chân lý thì chỉ cần những lời thì thầm cũng là đủ để vang vọng mãi: KHÔNG HỀ CÓ MỘT SỰ KHÁC BIỆT NÀO GIỮA NGƯỜI VÀ NGƯỜI.
. - Bác sẽ luôn ở bên chúng cháu chứ ? Chúng cháu luôn cần một người dẫn đường như bác…
Im lặng.
- Sáng nay ta đã nộp đơn xin nghỉ khỏi Ban rồi, đó chính là lý do cuộc họp phải hoãn đến buổi chiều. Từ khi gặp cháu ta đã nhận ra rằng, những công việc ta chưa làm được cho xã hội này giờ đã có lớp trẻ như cháu, như Hoàng tiếp tục, và ta cần phải có thời gian cho chính bản thân mình. Ta sẽ trở lại Tây Nguyên để tìm Duy Thanh. Ta đã để ông ấy đợi chờ quá lâu rồi…
|
Chap 19. ( Phần 2)
- Sao lúc ấy cậu dám nói trước mọi người như thế ?
- Không biết !
- Còn đùa được nữa ?
- Chẳng phải cậu cũng thích nghe câu ấy còn gì ?
- Ai thèm chứ ?
- Bảo không thèm sao ôm người ta chặt thế ?
- Thế tại ai biết trời còn có hơn 10 độ thôi mà còn cứ chạy xe như điên thế ?
- Vì hôm nay có người ngồi sau nên adrenaline tiết ra nhiều hơn đấy chứ… Mà này, rét à ?… Thế đi ăn kem nhé !
Không đợi câu trả lời, chiếc xe đã nhanh chóng quay đầu và lao về phía đường Thanh Niên.
. - Kem về rồi đây !
Dừng xe lại cạnh chiếc ghế đá giữa vườn hoa mà nó đang ngồi chờ, đưa cho nó chiếc kem cốm – vị mà nó thích nhất, rồi Hoàng cũng ngồi xuống bên cạnh và từ từ cắn chiếc kem sô-cô-la. Không ai nói một câu nào nữa. Kể cả khi hai chiếc kem đã biến mất hoàn toàn vào dạ dày của hai đứa, thì im lặng vẫn là thứ bao trùm lên khoảng không đang nhá nhem tối dần ấy. Nó đưa mắt nhìn ra mặt hồ, sương lên mờ mờ ảo ảo, ngọn tháp ở chùa Trấn Quốc chỉ còn là một vệt nhòe không rõ hình dáng…
- Cậu đang nghĩ gì thế ?
- Mọi chuyện… rồi sẽ thực sự qua đi chứ ?
Lại im lặng.
- Cậu có biết vườn hoa này ngày xưa tên là gì không Hoàng ?
- …
- Thời Thuộc Pháp nó tên là Square Eckert, đặt theo tên của viên đốc lý tàn ác nhất của Hà Nội thời đó. Nhưng giờ hãy nhìn xung quanh xem, cậu có còn thấy dấu vết gì của một thời đen tối ấy không ?
Hoàng lặng đi. Và lần đầu tiên trong đôi mắt trước mặt ấy, nó nhìn thấy đầy ăm ắp nước. Không thể ngăn nổi mình, nó ôm lấy Hoàng vào lòng. Chưa từng bao giờ nó có được một thứ quý giá, một thứ mà nó nâng niu trân trọng, một thứ mà nó sẽ không bao giờ đánh đổi hay trao cho người khác, như người con trai đang ở trong vòng tay của nó bây giờ…
Bầu trời sập tối. Một trận gió giật lên, cuốn lá xanh trút xuống ào ào trước khi những hạt mưa lạnh buốt buông rơi… Tự nhiên đang nổi giận, có phải thế không, khi hai đứa con trai của Người đang dám chống lại những quy luật khắc nghiệt từ muôn đời nay do chính Người đặt ra ? Nhưng Người sẽ phải thất bại thôi – nó mỉm cười. Chỉ cần có Hoàng ở trong vòng tay như thế này, không có điều gì là nó không dám làm, không có khó khăn nào là nó không dám vượt qua. Tất cả, tất cả chỉ để có Hoàng trong vòng tay nó như thế này mãi mà thôi…
. - Tuấn…
- Sao ?
- Cho tôi… hôn cậu nhé !
|
Chap 20 ( Phần 1)
Đường Thụy Khuê,
Ngôi nhà có giàn hoa tigôn trải dài từ tầng thượng tới sân trước,
Một người phụ nữ đẫy đà có nước da trắng sáng và mái tóc xoăn thành từng lọn dài mở cánh cổng sắt ra:
- Tuấn đấy à ? Chào cháu ! - bà gật đầu đáp lễ sau câu chào của cậu thanh niên đi cùng đứa con trai út của mình – Hai đứa ăn tối chưa ? Vào nhà đi !
- Mẹ, đây là Hoàng, còn đây là mẹ tôi.
- Con cứ dẫn bạn vào nhà đi, mẹ khóa cổng lại đã.
- Cứ để cổng đi mẹ ! Anh Hưng sắp đến bây giờ đấy. Con vừa gọi cho anh ấy rồi.
Khuôn mặt người phụ nữ hơi cứng lại trong giây phút, ánh mắt bà thoáng đôi chút lo âu, nhưng bà vẫn kịp chấn tĩnh để dẫn hai người thanh niên vào trong nhà.
- Bố đâu rồi mẹ ?
- Bố đang tắm. Cũng chỉ vừa mới về đến nhà thôi ! Nghe nói hôm nay bên công trường đổ móng mà. Hai đứa cứ ở đây để mẹ lên gọi ông ấy cho.
.
Hai đứa ngồi yên lặng cạnh nhau trên chiếc tràng kỷ bằng gỗ đen bóng. Trước mặt chúng là một bức tường, không phải là một bức tường trống trơn, cũng không phải là bức tường được trang trí bằng những khung tranh, khung ảnh. Trên bức tường ấy là dầy đặc những tấm giấy khen, bằng khen của hai anh em Tuấn. Trên bức tường ấy, nó thấy lại đầy đủ hai mươi tư tấm giấy khen của mười hai năm học phổ thông, thấy lại từ tấm bằng khen vẽ tranh lúc học mẫu giáo đến tấm bằng khen giải nhất Olympic Luật học hai năm về trước. Một cái gì đó cứ nghèn nghẹn lại ở cổ họng nó…
.
” Đừng lo, Tuấn ạ ! Tôi ở ngay đây thôi ! “
Thấy được những lời ấy qua đôi mắt của người ngồi cạnh, nó thở một hơi dài, rồi quay ra nhìn vào bố mẹ và anh trai đang ngồi trước mặt:
- Cả nhà, con… đồng tính !
Im lặng.
Một tiếng khóc bật lên. Người phụ nữ tựa đầu lên vai chồng mình. Cả thân bà run lên. Nức nở và sụt sùi.
Chưa bao giờ nó làm mẹ khóc, và chưa bao giờ nó thấy sự hụt hẫng đến nhường ấy trên nét mặt của bố. Tim nó giật lên, và thực sự thấy khó thở. Ngước mắt lên nhìn bức tường sau lưng ông bà dày kín những tấm bằng khen, sao nó thấy như có ngàn vạn những nết vứt trên những khung kính ấy. Giá như trong hai mươi ba năm qua nó không cố tỏ ra chăm ngoan như thế; giá như trong hai mươi ba năm qua nó cũng nghịch ngợm và lêu lổng, để vài lần ông bà đánh mắng nó, thất vọng về nó giống như những đứa trẻ khác; giá như ông bà không đặt quá nhiều kỳ vọng vào nó như thế; giá như nó bình thường như những con người khác, thì có lẽ sự thật này không làm bố mẹ thất vọng đến thế… Nó là một đứa con chẳng ra gì. Nó là một thằng con bất hiếu.
” Mẹ… con xin lỗi “ – nó thì thầm những lời ấy nhưng thực sự không thể cất nổi ra thành tiếng. Nuốt nước bọt một cách khó nhọc, những nỗi niềm từ trong lòng cứ ứ nghẹn lại nơi cổ họng…
Anh Hưng có lẽ là người còn giữ được bình tĩnh hơn cả.
- Hai đứa, đi theo anh…
Nó không muốn để lại bố mẹ như thế. Nhưng nó cũng biết nếu cố ở lại trong phòng thì cũng không thể làm được gì. Nặng nề và uể oải, nó nhấc mình khỏi ghế. Hoàng cũng đứng dậy đi theo nó, và trên khuôn mặt cũng không giấu nổi vẻ căng thẳng. Nhưng khi bắt gặp ánh mắt nhìn của nó, Hoàng vẫn cố nở một nụ cười.
Khi ra đến ngoài sân, anh Hưng nắm lấy hai vai nó, nhìn thẳng và hỏi:
- Em đã suy nghĩ kĩ trước khi đến đây chưa ?
Nó gật đầu. Anh Hưng buông tay, thở dài:
- Anh cũng biết được chuyện này được vài năm nay rồi…
- Làm… sao… anh…
- Anh em với nhau từ bé, sao mà không nhận ra được chứ ?
- Anh… không sợ hay ghét em sao ?
|
- Ban đầu thì cũng khó hiểu, nhưng sau thì cũng nhận ra, mày vẫn là thằng em suốt ngày chí chóe đòi ăn và tranh tivi với anh mà, phải không ?
- Anh…
Như hiểu ý ngập ngừng trong lòng nó, anh chủ động ôm nó vào lòng. Chưa bao giờ nó thấy người anh trầm tính và ít nói của nó vĩ đại hơn thế. Giờ là lúc nó cần nhất những con người thấu hiểu và cảm thông.
- Lúc đó anh đã hy vọng mày chỉ bị vài vấn đề về tâm lý thôi, nhưng hôm nay, nếu đã suy nghĩ kỹ trước khi đến đây, anh tin mày đã chắc chắn hiểu rõ được bản thân… Anh cũng đã nói chuyện này với bố mẹ hai năm trước rồi…
Nhìn ngỡ ngàng.
- Lúc đầu thì… bố mẹ cũng… khó chấp nhận lắm. Nhưng sau anh và chị Trang thuyết phục mãi thì cũng xuôi xuôi. Cũng vì thế nên anh chị mới sinh những ba đứa, cốt để cho ông bà vui đấy chứ…
- Anh…
- Thôi, không ôm nữa ! Nhầu hết cái sơmi của anh ! ( ặc ặc )
.
- Thế đây là…
- Em tên Hoàng !
- Chắc là… - cười.
- Bạn của em anh ạ !
- Fiance anh ạ !
- Thế là hôm nay định đến ra mắt bố mẹ luôn chứ gì ?
- …
- Thế vào nhà đi, chắc bố mẹ đã bình tĩnh lại rồi đấy !
- Nhưng, anh Hưng ! Nếu bố mẹ đã biết trước, sao hôm nay… ?
- Thì nghe khẳng định trực tiếp thì vẫn sốc chứ sao ? Yên tâm đi, có gì anh sẽ đỡ lời cho. Vào nhà đi !
.
- Cậu thấy sao ? – Sau một lúc khá lâu yên lặng ngồi ở yên sau, nó mới lên tiếng hỏi.
- Cũng may bố mẹ đã biết trước rồi nên không phản ứng mạnh lắm. Nói thật chứ lúc cậu bảo về nhà nói chuyện với bố mẹ, tôi run đến gần chết ngất được. Thật không biết nói gì về những việc mà anh Hưng đã làm cho hai đứa mình ! – rồi khe khẽ trong cổ họng -Giá như anh Hải nhà tôi cũng được như thế…
- …
- Mà cậu nghĩ bố mẹ có chấp nhận thằng son-in-law là tôi không ? Ông bà tra hỏi tôi đủ thứ, may mà lúc ấy anh Hưng bảo phải về để cho thằng cu út đi ngủ thì mình mới có cớ để trốn ra đấy…
- À đây, nhắc mới nhớ ! Vụ fiance là thế nào hả ?
- Chả phải chúng mình sắp cưới à ?
- Bao giờ ?… - ngập ngừng - Ít nhất… đã có ai hỏi và… đã có ai đồng ý đâu cơ chứ ?
Phanh gấp. Nó ngã chúi vào lưng Hoàng.
- Thế bây giờ tôi… cầu hôn cậu nhé !
- Không !
- … Sao ?
Lém lỉnh.
- Để tôi nói cơ ! Bị cầu hôn thì… cứ như là con gái ấy…
- Không được, thế tôi càng phải nói !
- Không ! Tôi !
- Không !
…
- Hay là oản tù tì nhé ?
|