Mắt Híp Và Môi Cuốn Lô
|
|
Không có những buổi hẹn hò lãng mạn. Không có những ước nguyện trọn đời. Không cả những khoảnh khắc tình yêu ngọt ngào, đằm thắm. "Mắt híp và môi cuốn lô” là tập truyện đưa chúng ta vào với thế giới tình yêu giản dị, chân thành. Mỗi câu chuyện là quá trình đi kiếm tìm hạnh phúc của các nhân vật sau những mối tình mong manh mà ám ảnh. Họ bắt đầu xuất hiện trên trang truyện với cuộc sống tẻ nhạt tuần tự, những tháng ngày gắng gượng, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được:
Những chênh vênh trong tình yêu
Những cơn mộng mị cũ rích và ướt mèm
Những mong ước bình yên là điều có thật…
Và cuối cùng, bình yên đúng là điều có thật!
Điều gì đã vực dậy những tâm hồn vấp ngã? Điều gì khiến những trái tim thương tổn lại sống, lại yêu, lại tin và lại vui vẻ đối mặt?
Mỗi câu chuyện đều đánh thức những cảm xúc dễ dàng bị lãng quên trong mỗi chúng ta: Khi chán nản, thất vọng, chúng ta vẫn thường rơi vào trạng thái thụ động đợi chờ.
Mọi chờ đợi đều chênh vênh...
Rồi chúng ta biết, mình phải kiếm tìm sự chắc chắn. Rồi chúng ta biết, đôi khi không nên cố chấp để lựa chọn sự cô đơn. Mở lòng. Đổi thay. Hy vọng. Chúng ta rồi cũng sẽ mang lại ý nghĩa mới cho cuộc sống của mình.
"Mắt híp và môi cuốn lô” đã cho chúng ta thấy, chính trong lúc đau khổ buồn bã nhất, chúng ta đều có nhiều cơ hội hơn để cảm nhận hạnh phúc vẫn đủ đầy. Cuộc sống có nhiều lúc đưa đẩy ta vào lối mòn của của sự hụt hẫng vô định, nhưng chỉ cần có khoảnh khắc nhìn thấy cầu vồng sau mưa, những khi nửa đêm nhấm nháp tách café ấm nóng, những lúc tĩnh lặng để con tim tự thôi thúc điều nó đang kiếm tìm… Và cũng chẳng quá khó để nhận ra: Ở đâu đó, ta vẫn được yêu thương rất nhiều.
Giọng văn nhẹ nhàng, ý văn sâu sắc, câu chuyện kể với nhiều tình tiết khéo léo đan cài, các nhân vật trầm tĩnh nhưng vẫn tiềm ẩn nét cá tính riêng,"Mắt híp và môi cuốn lô” đã mang đến cho độc giả cái nhìn lạc quan mới mẻ về cuộc sống và tình yêu - thứ tình yêu không màu mè tô vẽ nhưng lại có sức lay động lạ lùng.
Sau “Gái già xì tin”, tôi chờ đợi ở Nguyễn Thu Thủy một tiểu thuyết kịch tính, mạnh mẽ như cô từng hứa hẹn, nhưng đến sớm hơn lại là “Mắt híp và Môi cuốn lô”, một tập truyện đem lại cho tôi sự bâng khuâng nhung nhớ không ngờ. Và tôi nhận ra mình vô cùng, vô cùng thích nó.
Rất có thể nhiều người sẽ tưởng lầm như tôi rằng “Mắt híp và Môi cuốn lô” là một cuốn truyện dành cho tuổi Teen, nhưng thật ra không phải thế. Bởi lẽ, thanh xuân là cột mốc mà ai trong đời cũng từng đi tới, cũng từng bước qua, và cũng từng muốn ngoái đầu nhìn lại!
Tập truyện này cho bạn nếm trải lại những cảm giác đó với một văn phong giản dị, như thể tâm tình, như thể sẻ chia, nhưng trên hết là sự quyến rũ đến ngọt ngào, sự lãng mạn đến tan chảy…
Hoàng Minh
|
1. Cứ mãi thế sao
Ngày dài một cách không ngờ.
Lướt qua con đường Thanh Niên rợp bóng, Lam phóng xe nhanh hơn về đường Nghi Tàm. Có lẽ phủ Tây Hồ sẽ là nơi dừng chân của buổi chiều nay. Buổi chiều không phải của ngày Rằm, cũng chẳng phải của ngày mùng Một. Cũng có nghĩa là không đông người và không có quá nhiều lời cầu khấn.
Lam ngồi bên mép hồ. Gió thổi. Tóc bay. Mắt nhắm lại, có lẽ Lam quá mỏi vì không thấy một bóng chim, và cũng vì qua một mùa hè mất rồi, mùi sen xa xăm không còn vương vấn. Trong nhà, vọng lại tiếng gõ mõ. Một vài tiếng rì rầm. Tiếng người đàn bà rửa chân.
Tay giơ lên, qua kẽ tay, những mảng màu trời xanh thẫm vẫn trôi, Lam nhìn đăm đăm ngón tay dài, mỏng, và trơn vắng. Đã rất lâu rồi phải không, những ngón tay này chưa đan cài vào ngón tay khác? Và chẳng biết đến bao giờ, các kẽ tay ấy mới lại đan cài cùng bàn tay khác?
Vào gian chính, Lam quỳ gối, cầu lòng bình yên, cầu an lành cho mọi người giờ này chắc không nhớ tới mình. Rồi đứng dậy, Lam sực nhớ ra mình thậm chí đã không đốt lấy một nén hương. Lặng lẽ, Lam rút tờ mười nghìn cho vào hòm công đức.
Múc một thìa lớn ớt vào bát bún ốc, Lam chậm rãi ăn, rồi tự dỗ mình, những giọt lệ chẳng qua chỉ vì quá cay, chứ không phải bởi một ai đó, ngày hôm nay, đã đeo nhẫn vào một bàn tay khác.
Mãi rồi trời cũng chiều.
Mãi rồi trời cũng đêm.
Lam ngồi trong khu nhà trọ, nhìn lên trần nhà, lẩm nhẩm hát một mình. Những câu hát rời rạc vô nghĩa. Tiếng chuông điện thoại bất chợt vang lên khiến Lam hoảng hốt.
Lam tần ngần mở máy. Một số lạ. Cô cầm máy lên nghe. Không thấy tiếng ở đầu dây bên kia. Lam kiên nhẫn “A lô” đến lần thứ ba, mới có tiếng thì thầm.
“…Lam ơi.”
Lam sững người.
“…Lam ơi…”
Đến lượt Lam lặng ngắt.
“…Lam ơi.”
Lam ngắt máy. Giờ anh gọi thì có nghĩa gì? Tuấn ơi!
Tuấn đến công ty, nhẫn trên tay lấp lánh. Anh tránh nhìn vào mắt Lam. Lam nhẹ mỉm cười với bản thân, nhận ra hình ảnh mình đang chao đi trên desktop, rồi cứ thế nhòe dần.
Mọi người trong công ty xôn xao hỏi Tuấn về tuần trăng mặt, về món quà cưới, và về cả đêm tân hôn. Lam ngồi lặng, lắng nghe, khuôn mặt như được tạc bằng sáp, cứng đờ đến mức thậm chí cũng không nhận ra thỉnh thoảng Tuấn vẫn nhìn về phía mình, không nhận ra rằng cô đã cầm con chuột quá lâu mà không hề di chuyển.
Bốn năm yêu nhau, và một ngày, người đàn ông của Lam đi lấy một cô gái khác. Không có cơ may nào cho lam, cho sự oán hận hay níu kéo. Tuấn nói đơn giản: “Anh đã yêu em biết bao, Lam, anh không quên điều đó… nhưng… Đừng tha thứ cho anh, Lam ạ!”
Lam vụt chạy vào toilet, vốc nước lên mặt rồi bụm miệng khóc.
Cô nghĩ đến việc nghỉ làm. Nhưng rồi, Lam không làm được. Hằng ngày cô đến công ty, nhìn Tuấn. Nó như cái thú đau thương của con người nhìn vết thương mình mỗi lúc một thêm trống hoác.
Sau đám cưới, Tuấn và Lam chưa từng có lần nói chuyện một cách riêng tư. Hằng ngày, cô chuyển qua cho Tuấn những công văn, đi giao dịch cùng anh, và cả những buổi nhậu nhẹt mỗi ngày với khách hàng cũng như với người trong công ty. Và chỉ có thế. Lam gồng mình với những nụ cười, gồng mình khi thấy vợ Tuấn đưa xe đến đón chồng với khuôn mặt tinh sạch niềm hạnh phúc mỗi buổi chiều. Rồi Lam rũ ra với mình trước chiếc gương trong phòng trọ, kiệt sức và đáng thương.
Đến một ngày, Tuấn nói với Lam:
“Anh tìm được cho em một công việc rồi. Lương cũng khá, chế độ đãi ngộ tốt.”
Lam im lặng, sững sờ.
“Anh không muốn nhìn thấy em mòn đi thế này, Lam ạ!”
Lam không nói một lời, quay bước. Tiếng Tuấn với theo sau.
“Lam…”
Nhưng Lam vẫn cắm đầu chạy miết. Cô biết, đến lúc mình phải bước ra, phải dứt khỏi cái con người đáng thương của mình, bước xa khỏi Tuấn.
Lam lẳng lặng xin việc làm khác, không màng đến việc mà Tuấn tìm kiến. Cô đã vào công ty đó vì nó có anh, thì cũng ra đi bởi nó có anh, nên cô không muốn tạo thêm sự ràng buộc nào hết. Công ty mới của Lam là một công ty truyền thông mới mở. Thời buổi này, những công ty truyền thông mọc lên như nấm sau mưa. Lam cũng không hy vọng gì tìm được một nơi làm việc có thể đem đến niềm hứng khởi cho mình. Giám đốc của cô là Hải, người đàn ông tưng tửng, từng phỏng vấn lúc cô xin việc.
“Cô nghĩ, mình có đẹp không?”
Câu hỏi lạc đề khiến Lam ngẩn ngơ.
Cô buột miệng: “Tôi đẹp trong mắt người biết yêu tôi!”.
“Ô, thế là tôi yêu cô chắc?!”
Lam ngớ người, rồi cố chanh chua.
|
“Nếu ý anh muốn khen tôi đẹp thì xin cảm ơn!”
Hải nở nụ cười rộng ngoác, bắt tay cô, nói, “Chào mừng cô về với cái đống lộn xộn này…”.
“Đống lộn xộn” là một mớ những thứ gọi là hợp đồng, giấy tờ, thuế má, những chiếc card để lung tung, điện thoại, băng keo rối mù. Giấy ghi chú dán trên bàn chi chít. Lam đã phát hoảng lên trong lần đầu tiên đến đây, nhưng hiểu rằng, với ngần ấy thứ phải xoay xở, thì thời giờ để cô nhớ một người sẽ không phải là nhiều.
Cuối mỗi buổi làm, nhìn những cốc cà phê xếp thành hàng của mình trên bàn, cô tự hỏi, sao mình vẫn có thể ngủ được?
Hải đứng vịn vào bàn.
“Này… Sao Lam uống nhiều cà phê thế mà không mọc mụn nhỉ?”
“Nếu những cái mụn có thể mọc trên mặt tôi thì nó đã trả lời giúp tôi rồi.”
Thỉnh thoảng Hải thường rủ cô đi ăn trưa. Hải bao giờ cũng chọc ghẹo.
“Này… Anh chúa ghét những cô gái người như cái đũa cả. Ăn nhiều vào.”
Lam mỉm cười, nhỏ nhẹ ăn, đầu óc lơ mơ nhớ lại những buổi trưa cô và Tuấn đi cùng nhau. Khi đó, cô vừa về công ty với anh. Hai người đã e ngại rồi giao ước giấu giếm mối quan hệ của họ. Về sau, Tuấn càng quyết liệt giấu kín, Lam chưa một lần đặt câu hỏi, chỉ nghĩ rằng có một bí mật nhỏ với đồng sự cũng là điều hay. Cho nên, những bữa trưa ngày ấy của cô và anh hiếm hoi đến chừng nào.
“Này, ăn cơm với sếp, lại là sếp đẹp trai như anh mà cứ thở dài là sao hả?”
Lam giật mình ngước lên, vẫn ngơ ngơ ngác ngác.
Hải chép miệng: “Quái, sao những cô gái thất tình trông lại cứ hay hay thế nhỉ?”.
Lam phì cười vì không thể không cười, nhưng vẫn có nỗi chua xót nào len vào nhè nhẹ.
Buổi chiều, tan làm sớm, Lam lòng vòng rồi lại ra phủ Tây Hồ ngồi một mình. Lẩn mẩn nhớ về ngày đầu Tuấn đưa cô đến đây, hai người ngồi ăn bún ốc xì xụp. Chuỗi ngày trong trẻo biết bao. Tình yêu ngây dại, vô tư. Và những khẩn cầu cũng tha thiết biết chừng nào: “Xin cho con và anh Tuấn ra trường sẽ được lấy nhau”.
Giờ thì, Lam biết, phủ Tây Hồ không linh với nguyện ước của cô. Nhưng, cô vẫn thường ra đây, những buổi chiều, những khi lòng không bận rộn và những khi cô thực sự muốn biết trái tim mình còn đau đến đâu. Chiều nay… Lam biết, vết thương vẫn còn trống hoác.
Về đến nhà, Lam thấy dáng Tuấn đứng ở đầu đường. Cô trừng mắt nhìn, không tin, không tin đến mức sững sờ chẳng dám bước tiếp. Tuấn lại gần cô, nhẹ giọng.
“Bỗng dưng anh lo, không biết em ra sao?”
Lam im lặng, không nói gì.
Tuấn ấp úng: “Anh đến chỉ để… biết em vẫn ổn là được rồi”.
Lam nhìn anh, trong bóng tối, khuôn mặt với những đường nét thân thuộc giờ là của cô gái khác, người mà khi nhìn vào mắt cô ta, Lam biết cô ta thực sự cũng rất yêu anh.
“Anh về đi, Tuấn ạ! Em sẽ ổn. Em đã quen rồi mà! Em đã dứt bỏ được rồi, anh đừng ngoảnh lại nhìn em nữa!”
Lam bước vào nhà, phải rất lâu sau, cô mới nghe tiếng xe máy nổ, rú lên trong đêm, như một con thú bị thương, lao đi tìm chỗ trú ẩn.
Lam lại tiếp tục đi làn, lại tiếp tục những tháng ngày bận rộn với đám giấy ghi chú, băng keo, thuế má và các cuộc điện thoại. Hôm nay, đang mải gõ bàn phím, thấy mắt mình vương vướng đám tóc mái đã chạm đến mắt, Lam bèn hất tóc lên, bỗng gặp Hải đứng chống nạnh bên cạnh.
Lam ngước lên nhìn ngơ ngác.
“Này… Lam có thấy anh đẹp không?”
Lam ngớ người, lại tiếp tục buột miệng như ngày phỏng vấn.
“Anh đẹp trong mắt người biết yêu anh.”
Hải chép miệng chán nản, quay đi.
“Thế là em không yêu anh. Chán thật. Trong mắt em, anh chỉ là một cục đen đen xấu òm.”
Chẳng là, hôm nay Hải mặc áo đen.
Lam bỗng thấy mình ngơ ngẩn. Cô hỏi một câu đến là hồn nhiên.
“Này… Anh thích em à?”
Hải quay phắt lại, nhìn Lam trân trối, rồi phá lên cười.
“Ừ… Anh thích em, Lam ạ. Ôi, đời còn những cô gái như thế này sao?”
Hải vẫn cười gập bụng. Lạ kỳ, Lam không thấy xấu hổ. Cô hỉnh mũi.
“Thế là anh không thích em. Thật mừng!”
Ánh mắt Hải còn gấp nhiều lần trân trối.
|
Noc bar. Buổi tối. Những cô gái lắc bụng đầy khiêu khích. Lam nhìn mê mẩn. Cô trầm trồ khen eo đẹp và rốn đẹp. Hải ngồi cạnh, bật cười, “Này, em có vấn đề về giới tính không đấy?”. Lam vẫn chẳng thèm chấp, say sưa xem, tay gõ nhịp. Khi chương trình Vũ điệu phương Đông khép lại, chỉ còn tiếng nhạc Ấn du dương, Lam nhìn qua thành gương trong suốt. Thành phố dưới mười chín tầng lầu, lung linh ánh điện. Những con đường nườm nượp người, hối hả, vội vã. Thế mà, giữa dòng người ấy, có những người vẫn tìm thấy nhau, yên ấm. Còn cô, ngớ ngẩn để không biết mình bị lạc lúc nào.
“Anh chàng của em thế nào nhỉ?”
Câu hỏi của Hải làm Lam giật mình quay lại.
“Gì cơ?”
“À… Anh muốn biết đối thủ của mình mày ngang mũi dọc ra làm sao…”
Lam ngẩn người, rồi lập tức hiểu. Cô cười hi hi, “Này, định tán tỉnh em đấy à?”.
Hải nhún vai: “Em lảng tránh giỏi lắm. Em luôn tránh các vấn đề bằng cách đập thẳng mặt vào vấn đề và thế là mắt em tối sầm, chẳng thấy gì nữa. Còn đối thủ thì lăn ra ngất rồi”.
Lam bật cười: “Anh có ngất đâu???”.
Đêm về. Gió lạnh. Hai người chậm rãi bước dọc con đường Liễu Giai vắng vẻ.
Hải quay sang, nghiêng đầu, vẻ dịu dàng và nghiêm túc.
“Này… Anh mượn tay em được không. Tự dưng thích cảm giác nắm tay một cô gái!”
Lam xòe tay không ngại ngần. Hai người nắm tay, đi trên phố, cảm giác được một bàn tay siết lấy, nắm chặt, hóa ra, yên ấm đến ngần ấy!
Buổi tối, trước cổng nhà trọ, Lam giơ các ngón tay mảnh gầy lên, nhìn thật kỹ. Qua những ngón tay trơn vắng, từng mảng trời trôi qua đen thẫm, và lấp lánh ánh sao.
Lam nhận ra, tim mình vẫn nhói lên, nhớ một người đeo nhẫn…
Những buổi sáng vẫn tiếp nối nhau trong căn phòng nhỏ. Bận rộn và quay mòng mòng với mớ giấy tờ, những cuộc đàm phán, những hợp đồng ký kết, và những câu đùa hài hước của Hải… Lam chỉ dành sáng Chủ nhật để ra phủ Tây Hồ, gửi mười nghìn vào hòm công đức, ăn bát bún ốc đến cay xè, rồi lại bắt đầu ngày mới với tách cà phê trên bàn làm việc.
Tuấn không còn những cuộc gọi im lặng nghẹn lời, không một lần đến chờ cô nơi căn phòng trọ nữa. Thời gian là liều thuốc tốt, nó làm nhòa đi những đớn đau mà tưởng chừng như người ta không thể vượt qua, Lam yên lòng, nghĩ, có lẽ Tuấn đã thảnh thơi, dù đôi lần, nhìn những ngón tay trơn vắng của mình, cô vẫn nghe lòng nhoi nhói.
Hai mươi sáu tuổi, cái tuổi lỡ cỡ đến phát điên, chẳng còn thiếu nữ, chẳng ra muộn mằn, chỉ là cái tuổi mà người ta phải hối hả lấy chồng ngay khi có thể. Đôi khi cuộc sống thật u hoài, buồn bã, như những lúc lặng lẽ một mình trong thang máy, kết thúc một ngày làm việc lặng lẽ và mệt nhoài, như những lúc cảm nhận ánh mắt thân thuộc của Hải và thản nhiên quay đi vờ như không biết. Và cứ thế, cứ thế, như những bánh xe lăn tròn trên con đường. Đôi khi cuộc sống là vậy, đơn giản, tuần tự, nhẹ nhõm, nhưng quá ít sắc màu…
Như tối nay, một tin nhắn đi lạc của Hải, “Này Lam, em cứ mãi thế sao?”
Cứ mãi thế sao? Lam ơi, khi ta bước ở giữa đường, đã quá xa người thứ nhất mà vẫn chưa thể tới người thứ hai, nên cứ một mình, một mình, đơn lẻ…
Đọc tiếp : Mắt Híp Và Môi Cuốn Lô - Chương 2
|
2. Những cung đường của gió
1. Trước ngày bảo vệ đề tài một tuần, đột nhiên, mấy thằng bạn đại học rủ Giang đi phượt một chuyến, thư giãn gân cốt, cũng là lấy tinh thần sảng khoái, bảo vệ cho ngon nghẻ. Giang ngẫm nghĩ, xem lại lịch trình, thấy không vấn đề gì. Thầy hướng dẫn đã nhất trí, luận văn đã nộp, các loại giấy tờ đã hoàn tất. Và tiền, cũng chẳng đến nỗi thiếu thốn. Anh OK một tiếng với lũ bạn, bảo đăng ký một xe độc hành, rồi lập tức đưa em Min-khờ, người anh em thân thiết mấy năm qua của mình ra cửa hàng sửa xe quen thuộc, nhờ tút lại một lượt cho an tâm. Đi đường trường, xe pháo không ổn thì mệt. Dù đoàn phượt của Giang lúc nào cũng có bộ đồ nghề sửa chữa rất chuyên nghiệp, tay sửa của anh cũng không đến nỗi tồi, nhưng đã thành thói quen, mỗi khi lên đường, Giang đều chuẩn bị cho em ngựa chiến thật sung sức.
Cung đường lần này là Hà Giang, cũng không phải mới mẻ gì. Đến nay, Giang vòng đi vòng lại nơi ấy cũng mấy lần rồi. Lần đầu tiên, Giang đi với Hải, ông chú ruột chỉ hơn anh sáu tuổi. Ông chú nói dối mẹ Giang, bảo cơ quan đi nghỉ mát, rồi chở Giang lang thang trên đó suốt một tuần trời. Nhưng, chuyến đi đó đã khiến anh mê mẩn vùng đất này. Và, để cho Giang thấy như mắc nợ nơi này chính là trong ngày sinh nhật tròn hai mươi tư tuổi, chú anh đã một mình lặng lẽ chạy xe tới đây, rồi không bao giờ trở về nữa.
Giang vẫn nhớ năm ấy, anh vừa lên lớp mười hai, nghe tin dữ báo về mà không sao tin nổi. Hải vốn là một người chú, một người anh, một người bạn đặc biệt của Giang, người đã gắn bó với anh suốt thời trẻ ranh đến khi mới lớn. Đám tang của Hải, trời mưa tầm tã, bạn bè đến viếng rất đông. Trong đó, rất nhiều người là anh em chiến hữu, từng gắn bó với Hải trên những cung đường. Có một cô gái, tóc dài, ở giữa sân nhà anh, khóc như điên dại. Còn anh, ngồi im trong phòng, không một giọt nước mắt.
Sau cái chết của chú, mẹ Giang cấm tiệt chuyện đi phượt. Giang gật đầu để đấy. Anh chăm chỉ học hành, đỗ đại học, cùi cụi làm thêm. Đến cuối năm thứ hai đại học, tiền làm thêm chắt bóp của Giang dồn lại mua được em Dream Thái cũ. Việc đầu tiên anh làm khi khai trương con xe mới là nhét hai bộ quần áo vào ba lô rồi lên đường. Một mình, lang thang trở lại Hà Giang. Tới đèo Mã Pí Lèng, nơi chú anh nằm lại, Giang dựng xe, ngồi ở đó suốt một buổi chiều, rót cho chú anh chén rượu rồi lặng lẽ quay về.
Từ đó đến nay, Giang đã kịp thay em Dream Thái sang em Min-khờ, chạy đường núi rất ổn. Mỗi mùa hoa tam giác mạch, Giang luôn lấy cớ để trở lại Hà Giang, một hai lần. Nơi này hoang sơ, thiên nhiên phóng khoáng và hiểm nguy rình rập, cùng với sự bình yên sâu thẳm, Giang bỗng cảm thấy ngoài nơi mình sinh ra, đây là nơi anh vô cùng gắn bó.
2. Huy, leader của cung đường này đã bảo cả nhóm off một chuyến trước khi đi, để sắp xếp xe và cũng để mọi người làm quen với nhau. Xế thì quen cả rồi vì đều trong đám bạn anh cả, nhưng mấy em ôm thì mới tinh, thấy bảo trẻ trung, chân dài mãn nhãn lắm. Giang nghe xong, càng cương quyết không đi off. Anh có chút bực mình, tưởng là mấy thằng đực rựa đi với nhau, la cà bỗ bã thế nào cũng được, giờ lại mọc thêm mấy em mắt xanh mỏ đỏ, chắc lôi ra từ mấy trang mạng xã hội. Anh nhắn với Huy, anh một xe độc hành. Đến giờ xuất phát sẽ có mặt.
Buổi sáng hôm đó, trước cổng trường Ngoại Ngữ, năm con xe xếp hàng sẵn sàng. Giang đang chằng buộc lại ba lô ở yên sau, thì đột nhiên, Huy vẻ mặt khó xử, tiến lên.
“Giang. Có vụ này. Mày chở một em được không? Mẹ nó, thằng Sự ấy, sáng nay nó mới gọi điện thoại cancel với tao. Lộn ruột quá. Nó mới yêu đương với con nở nào đấy, sợ con bé ấy biết nó chở gái lạ, nên ngồi nhà rồi. Giờ em ôm kia đến, tao đếch biết làm sao!”
Rồi nó thở ra thêm một câu: “Em ấy lung linh con chim xinh lắm. Đứng góc kia kìa”.
Giang không thèm nhìn sang, giọng lạnh như tiền: “Bảo em đó nghỉ đi. Tao chỉ thích độc hành thôi”.
Bản tính thẳng và cộc, Giang có chút xẵng giọng. Trước giờ trong mọi chuyến đi, anh luôn độc hành. Vì một chuyện ấu trĩ là bị một cô nàng lao tới hôn đến đờ cả người từ thời cấp hai, Giang đâm ra xa cách đám con gái, dù yểu điệu thục nữ hay ngổ ngáo dữ dằn. Đặc biệt trong những cuộc đi phượt thế này, lúc được trở lại là chính mình nhất, anh càng không có nhu cầu xuất hiện thêm một giọng léo nhéo bên tai, chỉ đạo hay đề nghị chuyện chạy nhanh chạy chậm, càng không có nhu cầu làm phó nháy cho mấy em khám phá thì ít mà chụp chọt ảnh ót thì nhiều. Và tất nhiên, anh càng không thích một cô nàng xa lạ, ôm chặt cứng mình suốt hành trình dài.
Nếu có người nào đó ôm anh, thì chỉ có thể là… người đó. Người từng có mái tóc thật dài, thật dài, giờ đây đã cắt sát sạt da đầu, và không bao giờ tham gia một chuyến đi nào nữa.
Suy nghĩ thoáng qua khiến Giang thừ người. Chẳng buồn quan tâm đến vẻ mặt năn nỉ của thằng bạn, Giang vẫn cương quyết từ chối. Anh buộc cờ đỏ sao vàng cẩn thận lên phần đầu xe, mặc xong áo phản quang, vẫn thấy mặt Huy nhăn nhó, luẩn quẩn bên cạnh.
“Nhưng ai… làm thế. Giờ có mỗi xe mày độc hành. Các xe kia chốt hết cả rồi. Xế ôm sẵn sàng cả rồi. Nhìn con bé ấy… tội lắm.”
Giang chưa kịp phản ứng thì tiếng con gái đã vang lên sau lưng, trong thanh âm còn lẫn tiếng cười.
“Eo, không đến nỗi tội lắm đâu. Em nghe nói anh là anh Giang ạ? Vì xế của em có việc đột xuất, anh chở em được không? Em thích cung này. Em sẽ cố gắng để ít làm phiền anh hết mức có thể.”
Giang ngẩng lên. Trước mặt anh là cô gái dong dỏng, đầu đội sẵn mũ bảo hiểm, vai đeo ba lô màu cam nổi bật, giày tất rất gọn gàng. Khuôn mặt không son phấn, dáng vẻ cũng không quá õng ẹo, ánh mắt sáng có chút tự tin, và nụ cười để lộ hai chiếc răng cửa to cộ, vô cùng ngộ nghĩnh. Giang nhìn lướt một hồi, rồi lạnh lùng buông một tiếng.
“Không! Tôi không thích.”
Trong khi cô gái hoàn toàn bình thản, thì Huy mặt như ngắn tũn lại, bức xúc.
“Mày có là đàn ông không thế?”
Giang cũng bắt đầu cộc lên.
“Okay… Tao dừng cung này cũng không sao hết. Bọn mày cứ đi đi.”
Mấy thằng bạn thấy Huy và Giang căng thẳng cũng bắt đầu đổ xô vào hỏi han, làm hòa, nhưng vì Giang khăng khăng không chở, còn các đôi khác thì đã sắp xếp đâu vào đó cả rồi, nên mọi người không biết phải làm sao. Ngạc nhiên nhất là, cái cô gái đáng ra phải tự ái dồn cục, hoặc tủi thân bỏ về kia vẫn đứng đó, bình thản nhìn mọi người rối tinh bàn bạc và thuyết phục Giang. Cuối cùng, thấy Giang vẫn khăng khăng không chịu, cô nhẹ bước đến bên cạnh Giang, mỉm cười.
“Em nói với anh cái này một phút thôi, được không? Sau đó anh quyết định cũng được.”
Giang lừng khừng đi chỗ khác cùng cô gái. Huy và đám bạn nhìn theo, âu lo thấp thỏm. Một lúc sau, Giang quay lại, vẻ mặt bần thần nhưng vẫn chưa hết khó chịu, cuối cùng buông thõng một câu.
“Được, tao chở.”
Cả đám hú lên, bàn tán nhặng xị cô em gái có bí quyết gì mà trèo lên con xe… ghẻ của Giang. Cô em gái – tên Văn, không nói gì, chỉ nhìn Giang đang loay hoay buộc nốt chiếc ba lô màu cam rực rỡ của cô ra sau xe, hai chiếc răng cửa lộ ra sau khóe miệng đang nhướn lên, lặng lẽ mỉm cười.
Đội ngũ đã đâu vào đó. Mọi người đứng lại chụp một kiểu ảnh để xuất phát. Trong khi mặt mũi ai nấy đều hớn hở phấn khích, các cặp đều ôm vai bá cổ thân thiết, thì cặp của Giang hoàn toàn trái ngược. Văn đứng cách anh một sải tay, vịn vào con Min-khờ. Còn Giang, đứng khoanh tay, tách hẳn ra khỏi đoàn, mặt lạnh lùng, nói như lời phát hiểu của Huy khi xem ảnh, thì, Giang chẳng khác nào người bị táo bón từ kiếp trước.
3. Chuyến đi này khó khăn hơn rất nhiều chuyến đi trước đó vì thời tiết. Trời mưa liên tục. Đường lầy lội, sạt lở đất đá nên cả đoàn đi chậm hơn. Năm ngày rong ruổi, qua hết Bắc Mê, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Xín Màn, Giang dần bớt “dị ứng” với người đồng hành của mình hơn. Hai người làm nhiệm vụ chốt đoàn, cầm theo cả đồ nghề sửa xe, cho nên chỗ ngồi cũng không thoải mái, phải sát sạt với nhau. Đường núi, lại đi cuối, thường xuyên là cảm giác của người cuối cùng đi giữa đồng không mông quạnh, Giang thì đã quen, nhưng anh biết Văn là lần đầu. Đáng ngạc nhiên là Văn có vẻ rất bình tĩnh. Ngay cả lúc đi qua những đoạn đường lầy, đất đá lổn nhổn. Văn cũng không ngần ngại đẩy xe cho anh, mệt bở hơi tai vẫn chẳng quên nở nụ cười với hai chiếc răng bàn cuốc. Chỉ những lúc đến đoạn hiểm trở, cô mới căng thẳng rướn lên phía trước, vô thức nhích sát gần anh hơn, tiếng thở lan đi một nỗi sợ mơ hồ.
|