Họa Quốc Tập 1
|
|
Tên truyện : Họa quốc
Tác giả: Thập Tứ Khuyết
Dịch giả: Lục Bích
Thể loại: Ngôn tình cổ đại, tranh giành quyền lực, nữ đế, HE
Độ dài: 2 tập
Tình trạng : đã xuất bản
----------------------------------
Văn án :
Tứ quốc Yên, Bích, Nghi,Trình tứ phân thiên hạ, mỗi nước làm chủ một phương.
Tiểu nữ Trầm Ngư của hữu tướng Bích quốc nghi dung đoan trang, hiền thục ôn hòa, đem lòng ngưỡng mộ công tử Cơ Anh của Cơ thị – một trong tứ đại thế gia của Bích quốc. Hai nhà Khương – Cơ chuẩn bị có mối liên hôn, nhưng lại bị quân vương Chiêu Doãn ngáng chân chặt đứt, một đạo thánh chỉ, ngày tốt nhập cung.
Khương Trầm Ngư vì lợi ích của gia tộc, lãnh chỉ tiến cung. Nhưng nàng lại không cam tâm trở thành phi tử của đế vương, không cam lòng cứ như vậy chết già trong cung cấm, cho nên nàng đã tình nguyện thỉnh cầu được trở thành mưu sĩ của Chiêu Doãn.
Chiêu Doãn phái nàng đi sứ Trình quốc, trên danh nghĩa là chúc thọ Trình vương, nhưng thực chất là đảm đương trọng trách làm tình báo. Không thể ngờ rằng bắt đầu từ đây chính Khương Trầm Ngư nàng đã viết ra những trang sử mới cho tứ quốc… Con tạo bắt đầu xoay vần: Từ một thiếu nữ đa tình ngây thơ thuần khiết trở thành hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ; từ một nữ tử liễu yếu đào tơ chịu theo sự sắp đặt của người khác trở thành nữ vương một triều hô phong hoán vũ…
Họa quốc khuynh thiên hạ là đây.
Tác giả
Thập Tứ Khuyết
Thập Tứ Khuyết, nickname “14 nào đó”, cũng giống như những người thuộc cung Song Tử tính cách rất rõ ràng.
Rất rất thích chó!
Rất rất rất thích những thiếu niên đẹp!
Nhân vật hoạt hình yêu thích nhất nhất là Sesshomaru trong phim “Inu Yasha”, chính bởí vì đó là sự kết hợp giữa một thiếu niên tuấn mỹ và chú chó đáng yêu…
Các tác phẩm đã được xuất bản tại Việt Nam: Rừng Hổ Phách, Nghìn Năm, Thất Dạ Đàm…
|
Nhớ năm nào rạng rỡ vẻ vang
Biết bao thanh niên tài đức
Hào hoa tuyệt thế
Đến cuối cùng
Lại đều chỉ vì tác thành
Tác thành quân vương trị vì thiên hạ
Tác thành công huân vô song
Tác thành truyền kỳ Phượng hoàng Niết bàn của ta.
Khương Trầm Ngư
Tập 1
Bộ thứ nhất: Tiến cung
Vận mệnh rốt cuộc có chuyển ngoặt không?
Hay cái chúng ta tưởng là chuyển biến lớn, chẳng qua là kết quả của các loại nhân duyên nước chảy tất thành mương.
Nước mắt tồn tại vì điều gì?
Có phải không khóc, là có thể thoát khỏi bi thương chăng?
Ngàn thu tịch liêu, tàn một giấc mộng…
|
Hồi thứ nhất: Trầm Ngư
Gió đông gào thét, sắc trời mịt mù. Tuyết đông đêm qua chưa tan, trời lạnh buốt. Nhìn ra ngoài từ phía sau rèm kiệu, chỉ cảm thấy hết thảy đều âm u, giữa thành lũy san sát, canh gác nghiêm ngặt, mấy thân tùng bách trải qua đông giá vẫn không tàn lụi có vẻ ảm đạm rõ rệt. Ban ngày mà vẫn thắp đèn trên hành lang, từ xa nhìn lại giống như một dải màu đỏ liên miên uốn lượn, dường như không có điểm cuối. Hai bên là những tòa nhà tường đỏ, móng đá màu xanh trắng, ngói lưu ly màu vàng, được trang trí bằng những bức tranh màu rực rỡ, hình vẽ phần lớn là rồng phượng, tuy rằng hoành tráng, nhưng lại thiếu vẻ tinh tế. Khương Trầm Ngư nghĩ, chung quy nàng vẫn không thích hoàng cung. Nếu năm đó, một đạo thánh chỉ ban xuống, người được chọn không phải tỉ tỉ mà là nàng, thực không biết phải làm thế nào để trải qua cuộc đời dài đằng đẵng trong thâm cung nội viện… May mà tỉ tỉ khôn khéo hiểu đời, mới có thể thuận lợi được thánh quyến ân sủng. Đương nghĩ đến đây, kiệu chợt dừng lại, phía trước truyền tới một giọng nói: “Trong kiệu có phải Khương gia tỉ tỉ không?”. Nàng vén rèm kiệu lên, liền nhìn thấy một gương mặt tươi cười tiến đến trước mặt: “A ha! Quả nhiên là Khương gia tỉ tỉ! Hôm nay tỉ đến thăm Khương quý nhân sao? Sao không nói trước với ta một tiếng? Nếu không phải vừa khéo gặp nhau ở đây, ta còn không biết tỉ đến nữa…” Thiếu nữ đó nói liến thoắng, nhả chữ như ngọc, ước chừng mười ba, mười bốn tuổi, thân hình còn chưa phát triển hết, dung mạo bình bình, nhưng thần thái hồn nhiên rạng rỡ, lộ rõ vẻ được nuông chiều. Người này không phải ai khác, chính là đương kim hoàng muội, công chúa Chiêu Loan. Khương Trầm Ngư vội vàng xuống kiệu, cúi mình định khấu đầu, Chiêu Loan liền kéo tay nàng, cười nói: “Giữa tỉ và ta, sao còn đa lễ. Vừa khéo gặp nhau, ta cùng tỉ đi thăm Khương quý nhân nhé”. Nàng sao dám chối từ, nhưng thấy sau lưng công chúa chỉ có hai cung nữ theo hầu, không ngồi xe, bụng nghĩ kiệu của mình chắc không thể ngồi tiếp, bèn dứt khoát bỏ kiệu mà đi cùng công chúa. Dọc đường vừa đi vừa chuyện trò, cung nhân hai bên đường đều khấu đầu hành lễ. “Sao công chúa lại tới đây?”. “Ta vừa yết kiến thái hậu xong, đang định đến tiền điện gặp hoàng huynh thì gặp tỉ. Đúng rồi, nghe nói tháng trước tỉ tỉ làm lễ cập kê[1],đáng tiếc ta lại không thể đến xem lễ. Chúng ta dễ chừng nửa năm chưa gặp, tỉ còn đẹp hơn so với ấn tượng của ta”. Chiêu Loan nói đến đây, không kìm được cảm khái, “Thế gian này, quả nhiên chỉ có đệ nhất mỹ nhân của Bích quốc là tỉ mới xứng với cái tên ‘Trầm Ngư[2]”. [1] Theo phong tục của người Trung Quốc, con trai mười ba tuổi làm lễ đội mũ, con gái mười lăm tuổi làm lễ cài trâm (cập kê), đánh dấu là người trưởng thành, đến tuổi dựng vợ gả chồng (ND). [2]“Trầm Ngư, Lạc Nhạn, Bế Hoa, Tu Nguyệt” là những từ thường dùng để miêu tả dung mạo của người con gái, ý chỉ dung mạo xinh đẹp khiến cá phải lặn, chim phải sa, hoa phải cụp cánh, trăng phải thẹn. Trong văn hóa Trung Quốc, từ “trầm ngư” thường được chỉ người đẹp Tây Thi thời Chiến Quốc. Trong giây lát, mặt Khương Trầm Ngư đỏ bừng lên, nàng khẽ nói: “Lời của công chúa làm ta thật xấu hổ, không nói đâu xa, chỉ trong cung này, Tiết hoàng hậu cao quý, Cơ quý tần tài hoa phong nhã, ta đều không bì kịp, huống hồ… còn có Hy Hòa phu nhân đó, nàng mới là đệ nhất mỹ nhân được cả bốn nước công nhận”. Mặt Chiêu Loan bỗng lộ vẻ chán ghét, “hừ” một tiếng, nói: “Yêu phi đó ư? Tỉ không nhắc đến ả thì thôi, nhắc đến ta liền thấy bực, ả đúng là chỉ lo thiên hạ không loạn, một ngày cũng không yên. Tỉ có biết vì sao ta phải tới tiền điện tìm hoàng huynh không? Cũng chính vì ả gây cơn sóng gió đó!”. Khương Trầm Ngư hơi ngẩn ra, vẫn còn mù mờ, Chiêu Loan đã kéo tay nàng đi qua Ngọc Hoa môn, từ xa chỉ về phía Cảnh Dương điện, nói: “Đó, tỉ xem!”. Phóng tầm mắt nhìn ra xa, xuyên qua những hàng cột khảm ngọc, chỉ thấy một nữ tử đang quỳ trước bậc thềm ngoài điện. Vì sắc trời mờ tối, cảnh vật xung quanh đều ảm đạm, ánh lên sắc xanh tối u ám, chỉ có nàng ta khoác một chiếc áo lông chồn trắng, giữa cảnh trí như vậy, trắng đến nhức mắt, trắng đến trêu ngươi, trắng đến kinh động hồn phách. Tuy rằng khoảng cách xa xôi, dung mạo mơ hồ, nhưng chỉ dựa vào bóng dáng khí thế áp đảo ấy, Khương Trầm Ngư đã đoán được đó chắc chắn là Hy Hòa phu nhân. “Tại sao phu nhân lại quỳ trước điện?”. Chiêu Loan nhếch môi, khinh miệt nói: “Khổ nhục kế thôi. Ả bị ấm ức, muốn đòi lại công bằng”. Khương Trầm Ngư không kìm được lại đờ đẫn, thầm nghĩ: Dưới gầm trời này lại có người dám bắt nạt người con gái này sao? Quả thực nàng đã nghe rất nhiều, biết rất nhiều về Hy Hòa phu nhân, nguyên nhân là vì tỉ tỉ nàng coi nữ tử này là kẻ địch lớn nhất, hận đến xương tủy, đến cả trên dưới Khương gia đều coi Hy Hòa phu nhân là hồng thủy mãnh thú, lúc nào cũng lo lắng, suy nghĩ làm thế nào mới có thể trừ bỏ tảng đá ngáng chân này. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn không có thời cơ hạ thủ, hiện giờ Hy Hòa phu nhân đang được ân sủng, có khí thế “vứt bỏ ba nghìn, chỉ sủng một người”. Thậm chí, chỉ vì phu nhân thích ngọc lưu ly, hoàng đế bèn cho người dựng một tòa Lưu Ly cung, từ ngói đến tường, từ cửa sổ đến cửa ra vào, còn có lan can, sàn nhà, đâu đâu cũng làm bằng lưu ly, ngũ sắc lóng lánh, cực kỳ chói lòa. Xa xỉ như thế, thối nát như thế, khiến cho quần thần bất mãn, nghị luận không dứt, nhưng nữ tử bị bàn tán đó vẫn phô trương đắc ý, không hề giữ ý. “Hừ, ả càn rỡ như thế, sớm muộn gì cũng có báo ứng thôi. Đến lúc nào đó, hoàng thượng hết hứng thú với ả, không sủng ái ả nữa, hôm nay ả có được phúc phận thế nào, thì sẽ phải trả giá thế ấy”. Vẻ mặt cắn răng nghiến lợi khi đó của tỉ tỉ, giờ nàng vẫn còn nhớ rất rõ. Mà nay, nhìn nữ tử này đang quỳ trước thềm giữa gió rét lạnh run như thế, không hiểu vì sao, trong lòng thầm nảy sinh một cảm giác bi ai – hoàng cung này, quả nhiên là chốn thị phi. “Nhưng, lần này e rằng là không đòi được, quỳ cũng uổng công”. Chiêu Loan ở bên cạnh vui vẻ trước nỗi đau khổ của người khác, cũng không biết Hy Hòa phu nhân đã đắc tội gì với nàng, mà lại khiến nàng căm ghét như thế. Khương Trầm Ngư quay mình nói: “Chúng ta đi thôi”. “Ấy? Cứ thế mà đi sao? Ta còn chưa xem đã, hiếm khi yêu phi này mới gặp xui xẻo thế…”. Chiêu Loan vừa bất mãn lầu bầu, vừa vẫn bước theo, tiếp tục nói: “Tỉ biết không? Người mà ả đắc tội lần này chính là hoàng hậu đấy”. Khương Trầm Ngư kinh ngạc. Sao cơ? Tiết hoàng hậu xuất thân cực kỳ cao quý, lại là con gái của trưởng công chúa tiền triều, là biểu muội của đương kim thiên tử, phụ thân Tiết Hoài nửa đời chinh chiến, nam đến Giang Lý, bắc đến Yển Sơn, mở rộng gấp đôi bản đồ của Bích quốc, tiên đế đích thân ban tặng danh hiệu “Hộ quốc thần tướng”. Tiết hoàng hậu bản tính hiền hòa, dịu dàng khoan dung, đối với các phi tử đều hết mực khoan hòa, hơn nữa một lòng hướng Phật, ít quan tâm đến chuyện trong hậu cung, cho nên những chuyện tranh giành ghen tuông xưa nay không dính dáng đến nàng, sao lần này Hy Hòa phu nhân lại đắc tội với hoàng hậu được? Không đợi nàng hỏi, Chiêu Loan đã kể cặn kẽ. Hóa ra hoàng hậu lễ Phật quay về, không hiểu vì sao lại đối đầu với xe của Hy Hòa phu nhân trên cầu Động Đạt, đáng nhẽ là phi tử phải nhường đường cho hoàng hậu, nhưng Hy Hòa phu nhân không nhường, hai bên cứ giằng co như thế. Với tính cách của hoàng hậu hẳn sẽ không gây khó khăn cho phu nhân làm gì, nhưng vừa hay không may có đứa cháu mới lên bảy của hoàng hậu, được mệnh danh là đệ nhất thần đồng Bích quốc – Tiết Thái ở trên xe. Thấy cô cô chịu nhục, hắn lạnh lùng cười, ra khỏi xe quát lớn: “Chim sẻ xấu xa, sao dám cản phượng giá?”. Dứt lời đoạt lấy roi ngựa trong tay phu xe, vụt thẳng một cái vào ngựa của Hy Hòa phu nhân, con ngựa bị đau lập tức khua vó nhảy lên, kết quả Hy Hòa phu nhân cả người lẫn xe đều rơi xuống dưới hồ… Chiêu Loan cười khúc khích nói: “Đúng là không ngờ, yêu phi đó cũng có ngày này! Ai da, tiểu Tiết Thái thật đáng yêu, khiến người ta yêu chết đi được!”. Khương Trầm Ngư không kìm được mím môi khẽ cười, phong tư của Tiết Thái, hai năm trước nàng đã từng lĩnh giáo. Đứa trẻ đó từ khi ra đời đã chấn động đế kinh, bảy năm nay, càng lớn, sự việc chấn động càng kỳ diệu. Ba tuổi biết làm văn, bốn tuổi biết làm thơ, năm tuổi trước mặt hoàng thượng giương cung bắn hổ, sáu tuổi trở thành sứ thần Bích quốc đi sứ Yên quốc, Yên vương nhìn mà cười: “Bích quốc hết người hay sao mà sai trẻ con đi sứ?”. Tiết Thái đáp rằng: “Yên là ngọc giữa các nước, ta là Bích giữa loài người, cả hai tương hợp, có gì không thỏa đáng?”. Yên vương mừng rỡ, ban tặng cổ bích ngàn năm có tên là “Băng Ly” cho Tiết Thái, than rằng: “Chỉ có ngọc bích thiên hạ vô song như thế này, mới xứng với thiên tài thiên hạ vô song như thế”. Từ đó về sau, danh hiệu “Băng Ly công tử” bay xa, vang danh bốn nước. Bây giờ, hắn lại vì hoàng hậu mà xuất đầu lộ diện, làm ngựa của Hy Hòa phu nhân kinh sợ, hại nàng phải nhảy xuống hồ làm trò cười cho mọi người, với tính khí của nàng, chắc chắn là sẽ không cam lòng cho qua. “Sợ gì chứ?”. Chiêu Loan không thèm để ý, nói: “Tiểu Tiết Thái là tâm can bảo bối của thái hậu, đến hoàng huynh cũng không dám làm gì nó”. Trong khi trò chuyện, hai người đã đến Gia Ninh cung. Đương kim thánh thượng vẫn còn rất trẻ trung, đăng cơ chưa lâu, phi tử trong hậu cung chưa tới trăm người. Dưới hoàng hậu, có đặt ra tam phu nhân gồm quý tần, phu nhân, quý nhân, lần lượt ở Đoan Trắc cung, Bảo Hoa cung và Gia Ninh cung. Dưới nữa lại có cửu tần, mỹ nhân và tài nhân, nhưng đại đa số đều là hư danh, chưa được phong thực sự. Mà tỉ tỉ của nàng Khương Họa Nguyệt đã được phong làm quý nhân, sống ở nơi này. So với Bảo Hoa cung – tòa cung điện lưu ly chấn động thế tục, Gia Ninh cung rõ ràng đoan trang, thanh nhã hơn nhiều, trước cửa có trồng ba cây mai vàng, những cánh hoa vàng nhạt âm thầm xòe nở. Cung nữ trước hành lang đã sớm ra nghênh đón, vừa khấu đầu vừa đón áo khoác: “Quý nhân đang nói sao vẫn chưa thấy tiểu thư tới”. “Bệnh của tỉ tỉ có đỡ hơn không?”. “Đỡ hơn nhiều rồi, chỉ là vẫn còn hơi yếu, ngại cử động. Mời tiểu thư mau vào”. Cung nữ vừa nói vừa vén rèm cửa, đưa hai người vào trong. Bước vào trong phòng, thấy một nữ tử khoác chăn, đương uống thuốc trong tay cung nữ, mi thanh mục tú, làn da trắng như mỡ đông, cực kỳ mỹ lệ. Chiêu Loan hít hà, ngạc nhiên hỏi: “Thuốc này làm bằng gì đó? Sao thơm thế! Đưa ta nếm xem nào!”. Khương Họa Nguyệt cười nhạt: “Công chúa lại làm bừa rồi, thuốc này sao có thể uống bừa?”. Chiêu Loan bước tới lắc lắc tay nàng, nũng nịu nói: “Muội nói này, bình thường quý nhân thơm thế, chắc chắn nhờ uống thứ thuốc này. Quý nhân hẳn muốn giấu làm của riêng, không chịu san sẻ cho muội”. Khương Họa Nguyệt dở khóc dở cười, quay đầu sang nói với muội muội: “Sao muội lại dẫn nàng hề này đến thế?”. Khương Trầm Ngư chỉ mím môi cười, không nói gì, trong lòng lại nghĩ, không hổ là tỉ tỉ, đến công chúa cũng thân thiết như thế, so ra thì Hy Hòa phu nhân kia quả không biết cư xử. Lại nghe Chiêu Loan đắc ý kể lại chuyện Hy Hòa phu nhân rơi xuống hồ một lượt nữa, gương mặt tỉ tỉ quả nhiên tỏ ra kinh ngạc: “Hy Hòa phu nhân đến quỳ trước điện?”. “Hứ, bây giờ chắc vẫn còn quỳ ở đó đấy”. Vừa nói tới đây, một nữ quan vội vã cầu kiến, khi vào trong liền cúi xuống thì thầm mấy câu vào tai Chiêu Loan, Chiêu Loan lập tức biến sắc: “Gì cơ? Ngươi nói thật chứ?”. Khương Họa Nguyệt không kìm được hỏi: “Có chuyện gì thế?”. Chiêu Loan giậm chân nói: “Hỏng rồi hỏng rồi, muội đã bảo yêu phi kia chuyện gì cũng dám làm, cứ tưởng lần này ả gặp họa, ai ngờ ả còn giấu một chiêu, lần này gay go rồi”. Ánh mắt Khương Họa Nguyệt và Khương Trầm Ngư giao nhau, Khương Họa Nguyệt dịu dàng nói: “Công chúa đừng lo, trước tiên nói rõ đã, rốt cuộc là chuyện gì?”. “Hóa ra hôm nay Hy Hòa phu nhân lĩnh thánh chỉ xuất cung hành sự”. Lời vừa thốt ra, không chỉ nàng, đến Khương Họa Nguyệt cũng lập tức đổi sắc mặt: “Gì cơ? Thánh chỉ?”. “Đúng thế, hoàng huynh có ý mời Suy Ông Ngôn làm thầy, mà Ngôn Duệ lại là sư phụ của phụ thân yêu phi, khi còn sống, cho nên yêu phi đó bèn lĩnh thánh chỉ đích thân sách phong, không ngờ là đụng độ hoàng hậu trên cầu Động Đạt, hơn nữa còn bị tiểu Tiết Thái một roi vung lên hất ngã xuống hồ…”. Khương Họa Nguyệt khẽ thở dài: “Chuyện này nếu là bình thường cũng không có gì, ngặt nỗi thánh chỉ trong tay, thay mặt cho hoàng thượng, dám kinh động thiên uy, tức là mắc tội chết”. “Haizz, giờ phải làm thế nào? Muội còn đang nghĩ sao ả cứ quỳ mãi trước điện, nếu là ngày thường, hoàng huynh đã sớm đau lòng, đích thân ra dìu ả dậy, lúc này e rằng đến hoàng huynh cũng không biết nên làm thế nào, chỉ có thể vờ như không thấy thôi. Không được, chuyện này muội quyết không thể khoanh tay đứng nhìn, muội phải đi tìm hoàng tẩu, xem xem rốt cuộc nên giải quyết thế nào”. Chiêu Loan vừa nói, vừa vội vàng rời đi. Khương Họa Nguyệt đột nhiên kéo tay muội muội, cũng đứng dậy, nói: “Đi, chúng ta đi xem sao”. Khương Trầm Ngư cuống quýt níu nàng lại, khẽ giọng nói: “Tỉ tỉ, thị phi thế này, hay là tránh đi vẫn hơn?”.
|
Khương Họa Nguyệt cười nhạt, dí ngón tay vào trán nàng: “Muội hiểu gì chứ? Chính lúc thị phi thế này mới là thời cơ đó”. Lại hạ lệnh người hầu thay áo, chải đầu đơn giản rồi cùng Khương Trầm Ngư đi đến Ân Bái cung của hoàng hậu, chẳng ngờ đi đến nửa đường lại nghe hoàng hậu đã đến Cảnh Dương điện, bèn rẽ sang đi Cảnh Dương điện. Vừa qua Ngọc Hoa môn là thấy một đám người đứng trước điện, hóa ra là phần lớn phi tử của các cung đều đến cả, đám cung nữ dìu hoàng hậu mặt mày trắng bệch, Chiêu Loan đứng cạnh nàng, nhìn Hy Hòa phu nhân đang quỳ dưới đất với ánh mắt vô cùng phẫn nộ. Khương Trầm Ngư lại nhìn kỹ lần nữa, không hề thấy Cơ quý tần tài năng đệ nhất thiên hạ đó, trong lòng có chút thất vọng. Chỉ nhìn thấy thái giám tổng quản La công công khom mình đứng trước Hy Hòa phu nhân, nhẹ nhàng khuyên nhủ: “… Phu nhân, người ngọc thể ngàn vàng, trời lạnh thế này chẳng may nhiễm lạnh sẽ không tốt đâu, hay là đứng dậy đi…”. Khương Trầm Ngư cùng tỉ tỉ lặng lẽ bước tới, gương mặt Hy Hòa phu nhân từ mơ hồ chuyển thành rõ rệt, giống như một bức họa, dần dần phác họa đường nét, tô thêm màu sắc, cuối cùng thành cảnh tượng sắc nét, tươi đẹp: Dùng dãy núi xa xa trong làn sương mờ ngưng tụ thành hàng mi dài, dùng đôi cánh linh động đan vào nhau thành đôi mắt, dùng làn mưa liên miên vẽ thành xương cốt, dùng cánh hoa còn long lanh sương sớm để tô hồng bờ môi… cứ thế thoắt đã hiện ra trước mặt. Phút giây trước, còn trắng tinh đơn điệu, phút giây sau, đã tươi thắm sắc màu khiến người ta hoa mắt. Trong khoảnh khắc này, dường như có một bàn tay vô hình đang khua khua trước mặt nàng, trần thế vẩn đục đột nhiên trong trẻo, nhân gian đen trắng phút giây đó rực rỡ xán lạn, phong lưu ý nhị vô cùng, diễm lệ tuyệt sắc khôn xiết, hết thảy đều vì phong thái dung mạo của người con gái này mà bị lung lay chao đảo. Khương Trầm Ngư toàn thân chấn động, cơ hồ không biết mình đang ở đâu. Từ nhỏ tới lớn, từ nàng nghe nhiều nhất chính là “đẹp”. Bất cứ người nào gặp nàng đều kinh ngạc không ngớt, thốt lên: “Con gái út của Khương gia đúng là đẹp quá!”, “Ai da, đây là Trầm Ngư ư, cái tên này vừa cao ngạo, lại vừa tương xứng. Một người đẹp như tranh thế này, không biết phải tu mấy kiếp mới có được phúc phận này”. Trước đó, Chiêu Loan còn tán tụng vẻ đẹp của nàng, khen nàng là đệ nhất mỹ nhân của Bích quốc. Tuy khi đó nàng lập tức khiêm tốn phủ nhận, nhưng trong lòng không khỏi có phần đắc ý. Nhưng giờ này phút này, lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy nghi dung của Hy Hòa phu nhân, tựa như có một chậu nước lạnh tạt xuống, làm nàng lạnh toát từ đầu đến chân. Người con gái này, người con gái này… xinh đẹp sống động như thế, phong nhã tuyệt thế như thế, mỹ mạo bức người như thế! Làm sao nàng có thể sánh được? Nàng bỗng thấy tự xấu hổ. Bên tai nghe thấy La công công nói: “Phu nhân, cơ thể người xưa nay yếu đuối, quỳ lâu như thế, sau này mắc bệnh thì làm thế nào? Xin người hãy thương xót lão nô đứng hầu nửa ngày nay, người mà không đứng dậy, hoàng thượng sẽ không cho lão nô trở về đâu…” Sau đó, Hy Hòa cuối cùng cũng cất tiếng: “Thần thiếp kém cỏi, đến thánh chỉ cũng không giữ được, khiến thiên nhan hổ thẹn, tự thấy vạn chết khó từ, khẩn thiết xin hoàng thượng trách tội”. Giọng nói của nàng cũng rất đặc biệt, mang theo sự cương quyết cứng cỏi, sự mềm mại lười biếng, âm cuối mỗi từ vừa dứt khoát lại vừa níu kéo. “Ai da, phu nhân của tôi ơi, hoàng thượng sao nỡ trách tội người? Đến quỳ còn không nỡ bắt người quỳ, nếu không còn dặn dò lão nô ra đón người vào làm gì? Người mau đứng dậy đi…”. “Hoàng thượng nếu không trách tội, thần thiếp sẽ không đứng dậy”. Lời lẽ hờ hững nhưng lại khiến người ta cảm thấy một sự kiên trì khó tả. Hy Hòa nhìn thẳng phía trước, nhưng lại không nhìn vào ai, khóe môi khẽ nhếch, nhoẻn một nụ cười cố chấp – uể oải – tà mị vô song. Đến đây thì La công công cũng hết cách. Thái độ này của nàng cho thấy nếu không có một kết quả thì quyết không thôi. Nói là trách tội nàng, kỳ thực đối tượng nhằm vào chẳng phải là Tiết Thái sao? Mà nhằm vào Tiết Thái tức là nhằm vào chính hoàng hậu? Thế nhưng, thánh chỉ rơi xuống nước đã thực sự khiến nàng tóm được thời cơ tốt nhất. Lại nhìn hoàng hậu, sắc mặt nàng trông càng trắng bệch, cuối cùng mỉm cười khổ não, cũng quỳ phục xuống. Nữ xung quanh lũ lượt kinh sợ kêu lên, Chiêu Loan vội đưa tay đỡ, cuống quýt nói: “Hoàng tẩu, tẩu làm gì thế?”. Tiết hoàng hậu nhìn Hy Hòa chằm chằm, trầm giọng nói: “Cháu ta ngang bướng, mạo phạm thánh chỉ, là do thần thiếp quản giáo không nghiêm. Hoàng thượng nếu có trách phạt, xin hãy trách phạt thần thiếp, Tiểu Thái còn nhỏ…”. Nói đến đây, đã gần nghẹn ngào, ba chữ “chưa biết gì”, không sao nói tiếp được nữa. Chiêu Loan nghe thấy càng giận hơn, căm hận nhìn Hy Hòa trừng trừng, mà Hy Hòa vẫn nhìn thẳng về phía trước, gương mặt tuyệt sắc đó đầy vẻ châm biếm, ngay cả hoàng hậu cũng không coi ra gì. Khương Trầm Ngư trong lòng kinh ngạc, không kìm được nghĩ, cái gì khiến nàng ta càn rỡ đến thế? Nghe nói, Hy Hòa phu nhân xuất thân từ phố chợ, phụ thân Diệp Nhiễm là tú tài thi trăm lần mà không đỗ, mẫu thân Phương thị bán mì kiếm ăn, vì làm mì rất ngon, nên nức tiếng gần xa. Suy Ông Ngôn Duệ vì nghiện món mì của bà, nên đã thu nhận một học sinh học mãi không thành tài như Diệp Nhiễm. Sau này, Diệp Nhiễm không biết vì sao đã trở thành môn khách của Kỳ Úc hầu, nhưng vẫn tầm thường vô dụng, cuối cùng ham ngủ nát rượu, mẫu thân nàng không chịu được, đã tự vẫn mà chết. Diệp Nhiễm không những không vì thế mà ngừng phóng túng, ngược lại càng “nát” hơn, để trả tiền rượu, còn đem bán con gái. Hy Hòa đã bị bán vào trong cung như thế. Từ sau khi nàng vào cung, Diệp Nhiễm nốc rượu càng nhiều hơn nữa, cuối cùng ngã xuống nước mà chết. Cứ thế đến nay, nàng đã trở thành vô thân vô thích. Một người con gái không có thân phận, không có chỗ dựa như thế, tuy dựa vào dung mạo tuyệt sắc hơn người mà được sủng ái nhất thời, nhưng sự sủng ái của đấng quân vương xưa nay chẳng dài lâu, sao nàng dám càn rỡ phóng túng, ép người quá đáng như thế? Sao không chừa lại đường lui cho mình? Trong con mắt của một người từ nhỏ đã được giáo dục phải nhã đức khiêm cung, tiến lui hợp lẽ[3] như Khương Trầm Ngư, đây hẳn là một chuyện không thể tin nổi. Lúc này, nàng nhìn nữ tử cách hơn mười bước kia, chỉ cảm thấy trái tim đập thình thịch, kinh ngạc lạ thường. [3] Nhã đức khiêm cung, tiến lui hợp lẽ: Các đức tính cần có của một tiểu thư khuê các là Nhã (tao nhã), Đức (đức hạnh), Khiêm (khiêm nhường), Cung (cung kính), tiến lui hợp lẽ là hành xử mọi việc đều phải theo lẽ/ cứ vào hoàn cảnh sao cho thỏa đáng (ND). Trong Cảnh Dương điện, vẫn trang nghiêm, im ắng không tiếng động. Ngoài Cảnh Dương điện, mỗi người một vẻ mặt khác nhau. Sắc trời càng lúc càng âm u, nặng nề, trong gió buốt lất phất tuyết trắng, không biết là nữ quan nào hô lên: “A, tuyết rơi rồi!”. Khương Trầm Ngư ngẩng đầu lên nhìn, thấy hoa tuyết lả tả bay bay. Giữa thời tiết thế này, đến đứng còn thấy khó chịu, lạnh cóng chân tay, chứ đừng nói là quỳ. Nhưng vị Hy Hòa phu nhân đó, trên tóc đã kết băng vụn, nói không chừng là từ dưới hồ lên đã đến thẳng đây, đến tóc ướt còn chưa lau khô? La công công quay người dặn dò một câu, lập tức có một tiểu thái giám cầm một chiếc ô tới, La công công xòe ô, che trên đầu Hy Hòa, van nài nói: “Phu nhân, người nhìn xem, tuyết đã bắt đầu rơi rồi, hơn nữa trời đã sập tối, người đã quỳ một canh giờ rồi, dù là chân sắt cũng không chịu nổi, lão nô cầu xin người, người hãy đứng dậy đi!”. Hy Hòa không nhúc nhích. Bên này, Chiêu Loan cũng khuyên hoàng hậu: “Hoàng tẩu, việc này căn bản không phải là lỗi của tẩu, tẩu quỳ làm gì? Khi ấy đã có thánh chỉ trong tay, người ta sao không nói sớm? Kẻ không biết không có tội, huống hồ chiếu theo luật lệ của triều ta, phi tử phải nhường đường hoàng hậu, hoàng tẩu, tẩu và Tiết Thái đều không sai!”. Tiết hoàng hậu cười khổ một tiếng, cũng không chịu đứng dậy. Cứ như thế, biến thành cục diện hai bên giằng co. Hoàng đế lại chần chừ không tỏ thái độ, nhìn sự việc không có hồi kết, một giọng nói từ xa truyền tới: “Tiết Thái mạo phạm thánh uy, xin tới nhận tội”. Tất cả ngẩng đầu, chỉ thấy một đứa bé bảy tuổi điên cuồng chạy tới, đến trước điện, lạnh lùng, khinh miệt nhìn Hy Hòa một cái, rồi quỳ phịch xuống đất, và còn quỳ cạnh nàng, ngang vai với nàng. Lúc này, tình thế càng loạn. Chiêu Loan vội vàng lên kéo hắn: “Tiểu Tiết Thái, ngươi làm gì vậy? Mau đứng dậy đi”. Tiết Thái lắc đầu, khuôn mặt trắng trẻo hồng hào đầy vẻ kiên trì, đôi mắt đen lay láy như hạt châu nhìn về cửa điện, cao giọng nói: “Ai làm người đó chịu. Ngựa là do thần đánh, người là do thần hại, không liên quan đến cô cô! Cúi xin hoàng thượng niệm tình cả nhà Tiết thị không có công lao cũng có khổ lao mà không truy cứu người xung quanh, chỉ phạt một mình thần, Tiết Thái tạ ân!”. Dứt lời, dập đầu rất mạnh xuống đất. Thềm đá bạch ngọc, lạnh đến thấu xương, mà đứa trẻ đó dập đầu hết lần này đến lần khác, da trán xây xước, máu từ từ chảy xuống, làm nhạt nhòa cả gương mặt tuấn mỹ thanh tú, đúng là đáng thương không tả xiết. Tiết Thái vốn được mọi người yêu mến, nay lại phải chịu tội như thế, thực khiến người ta thấy mà đau lòng, vì thế lại càng oán hận Hy Hòa hơn, tại sao một đứa trẻ như thế cũng không chịu buông tha. Còn Hy Hòa quỳ sát bên hắn, nhìn hắn dập đầu, ánh mắt sáng lấp lánh, có vẻ rất thích thú, cuối cùng lại nhếch môi cười nhạt như châm biếm, như vui sướng, càng giống như không liên quan đến mình. Tiết Thái nghe thấy tiếng cười của nàng, ánh mắt đột ngột biến đổi, quay đầu nhìn nàng với thần sắc vô cùng phức tạp, sau đó đứng dậy, chậm rãi nói: “Tiết Thái hiểu rồi. Tiết Thái nguyện lấy cái chết để trả lại sự thanh bạch cho gia môn”. Nói xong liền đập đầu vào lan can bên cạnh. Tiếng thét thất thanh đột nhiên vang lên. May là La công công bên cạnh tuy niên kỷ đã cao, nhưng thân thủ vẫn còn nhanh nhẹn, từ phía sau ôm lấy bắn, vì e Tiết Thái tuy đập đầu vào đá, nhưng chỉ bị ngất đi. Sau cơn kinh hoảng, Tiết hoàng hậu hình như suýt ngất đi, đám nữ quan bên cạnh lũ lượt khuyên can. Theo lý mà nói, ầm ĩ như thế, hoàng đế sao có thể khoanh tay đứng nhìn, nhưng trong diện vẫn lặng như tờ, không có động tĩnh. Tại sao lại như thế? Khương Trầm Ngư không khỏi có vài phần nghi hoặc. Lúc này một cung nhân cuống quýt chạy tới bậc thỏm đá, cao giọng gọi: “Khởi bẩm thánh thượng, Kỳ Úc hầu đã đến, giờ đang ở ngoài cửa chính chờ yết kiến”. Từ trong điện vọng ra một giọng nói: “Tuyên”. Âm thanh hoa lệ vô hạn, uyển chuyển như cát bạc chảy trên tơ lụa, đê mê hút hồn. Tất cả lúc này mới hiểu ra, hóa ra hoàng thượng chần chừ không tỏ thái độ là vì đợi công tử. Mà chỉ cần công tử đến, trong thiên hạ này, không có chuyện gì là chàng không giải quyết nổi. Mọi người không kìm được lộ vẻ vui mừng, đặc biệt là Khương Trầm Ngư, nhất thời tim đập thình thịch, luống cuống chẳng biết làm gì.
|
Hồi thứ hai: Khởi chiến
Sau khi Khương Trầm Ngư về phủ, vì trước đó đã bẩm báo với Khương phu nhân, nên hữu tướng Khương Trọng về nhà cũng chỉ ca cẩm vài câu chứ không trách mắng nhiều. Nhưng Chiêu Loan công chúa lại xui xẻo hơn nhiều, bị dẫn đến ngự thư phòng đứng suốt một canh giờ, Chiêu Doãn vẫn miệt mài phê tấu chương, chẳng buồn nhìn nàng lấy một cái. Chiêu Loan giậm giậm chân trái lên chân phải, lại giậm giậm chân phải lên chân trái, cứ thế mười mấy lần, cuối cùng không nhịn được kêu lên thảm thiết: “Hoàng huynh…” Trước ngự án, Chiêu Doãn vờ như không nghe thấy, vẫn vùi đầu trong đống tấu chương. Chiêu Loan nghiến răng, lại kêu: “Hoàng huynh ơi…”. “Muội biết sai rồi chứ?”. Giọng nói của Chiêu Doãn không lạnh không nóng, từ trước bàn truyền tới. Chiêu Loan cuống quýt gật đầu, ấm ức nói: “A Loan biết sai rồi, đứng lâu như thế hai chân sắp hóa đá rồi, hoàng huynh tha cho muội đi!”. Chiêu Doãn mắt phượng khẽ nheo, liếc nàng một cái, thong thả nói: “Vậy nói xem, sai ở đâu?”. Chiêu Loan cúi đầu, thành thật đáp: “Thần muội không nên ham chơi, tự mình xuất cung”. “Còn gì nữa?”. “Vẫn còn?”. Chiêu Loan lại nghĩ hồi lâu, “không nên không bẩm báo trước cho hoàng huynh”. Chiêu Doãn khẽ “Hừ” một tiếng: “Trẫm bận trăm công ngàn việc, làm gì có thời gian quản muội có ra khỏi cung hay không”. Chiêu Loan nhìn trong mắt y thấp thoáng nét cười, biết mình bị trêu chọc, lập tức to gan hẳn lên, cười nói: “Vâng, vâng, vâng, hoàng huynh cần chính yêu dân, vốn không nên bỏ tâm sức vào những việc vặt vãnh như thần muội, vậy thì tha cho muội đi!”. “Muội ấy… Chiêu Doãn đặt bút xuống, nhìn muội muội duy nhất của mình, lắc đầu: “Cơ thể thái hậu đã không khỏe, muội không ở bên giường hầu hạ, trái lại chỉ ham chơi, tức là bất hiếu, đó là tội thứ nhất; muội là công chúa cao quý, thân phận quan trọng chừng nào, ra ngoài phải mang thị vệ đi cùng, sao có thể đi một mình, đó là tội thứ hai; muội tự mình rong chơi thì thôi, còn lôi kéo người khác đi cùng, làm bại hoại thanh danh khuê nữ, đó là tội thứ ba…”. Chiêu Loan kêu lên: “Đợi đã! Hoàng huynh, muội nào có làm bại hoại thanh danh người ta? Muội chỉ dẫn Khương gia tỉ đi ăn mì, nhân tiện nghe kể chuyện thôi, sao có thể bại họai thanh danh được?”. “Thiên kim tướng phủ, nữ đóng giả nam, đi vào phố chợ còn không phải bại hoại thanh danh?”. Chiêu Loan tự biết mình sai, đành cúi đầu, nhưng rốt cuộc vẫn không cam lòng, lại khẽ lầm rầm: “Phố chợ thì sao nào, chẳng phải phi tử nào đó của huynh cũng từ đó sinh ra sao, sao huynh không nói người ta không có thanh danh?”. Chiêu Doãn nhíu mày: “Muội nói gì?”. “Không có gì. Muội có thể nói gì sao?”. “Được rồi, muội lui ra đi. Chuyện hôm nay tạm thời thế thôi, không được tái diễn”. Chiêu Loan mừng rỡ, vội vàng bái tạ: “Chỉ có hoàng huynh là thương muội nhất, hoàng huynh vạn tuế!”. Đương tung tăng định đi, Chiêu Doãn bỗng hỏi: “Khương Trầm Ngư là người như thế nào?”. Mắt Chiêu Loan sáng lên, quay người lại vui vẻ trả lời: “Khương gia tỉ tỉ là một đại mỹ nhân! Tỉ ấy còn đẹp hơn Tây Hòa, Đông Hòa[1] gì đó nhiều, vừa dịu dàng vừa lương thiện, còn rất tài hoa nữa, chơi đàn cực hay. [1] Hy Hòa trong tiếng Trung phát âm là “Xi He”, đồng âm với Tây Hòa, Chiêu Loan nói móc Hy Hòa phu nhân (ND). Chiêu Doãn khóe mắt cong cong, nửa cười nửa không: “Nói thế tức là vừa có tài của Cơ Hốt, lại vừa có sắc của Hy Hòa?”. Chiêu Loan “À” một tiếng: “Đúng! Chính là hình dung như thế! Quá chuẩn xác, không sai, tỉ ấy là một cô nương tốt như thế đấy!”. “Được rồi biết rồi, muội về đi!”. “Dạ!”. Chiêu Loan quay người bước ra ngoài. Nụ cười trên gương mặt Chiêu Doãn nhạt dần, y cúi đầu nhìn xuống thư án, giữa đống tấu chương là một bức mật báo, phía trên chỉ viết một câu: “Hữu tướng có ý gả tiểu nữ Trầm Ngư cho Kỳ Úc hầu”. Y chăm chú nhìn hàng chữ đó, trầm ngâm hồi lâu, rồi chợt gọi: “Điền Cửu”. Điền Cửu xuất hiện trong thư phòng hệt như một bóng ma. “Gần đây hoàng hậu có động tĩnh gì không?”. “Bẩm hoàng thượng, mỗi ngày hoàng hậu chỉ quan tâm chăm sóc Tiết Thái, không làm gì khác, cũng không có thư từ qua lại với phụ thân”. “Vậy còn Tiết Túc thì sao?”. “Trung lang tướng cả ngày chỉ uống rượu làm vui với tướng lĩnh, cũng không có gì lạ, có điều giờ Hợi một khắc đêm hôm qua, thị trung lang Điền Vinh, con rể của tả tướng đến phủ ông ta, hai người nói chuyện riêng một lúc, ngồi không đến thời gian một chén trà đã đi, còn nói chuyện gì, vẫn chưa biết được”. Chiêu Doãn im lặng, cuối cùng đứng dậy nói: “Bãi giá, trẫm muốn đến Bảo Hoa cung”. Điền Cửu khom mình lui ra, đổi lại là đại thái giám La Hoành đến hầu hạ, một hàng người chậm rãi ra khỏi Ca Dương điện, đi tới Bảo Hoa cung. Trời đã vào đêm, cung đăng đều được thắp sáng, chiếu lên lưu ly, ngũ sắc lấp lánh. Bảo Hoa cung xa xỉ hào nhoáng, trong đêm tối lại càng xán lạn, nhưng không thấy một bóng người. Thấy tình cảnh này, trong lòng Chiêu Doãn đã rõ mấy phần, bèn vẫy tay bảo đám tùy tùng phía sau lui xuống, một mình bước vào cửa. Đi xuyên qua hành lang dài hun hút, Bích trì hiện ra trước mắt, bên mặt nước có bậc thang, bậc thang uốn hình vòng cung cong cong, đáy hồ sâu ba thước đầy những mảnh sứ vỡ. Bên cạnh hồ có một người đang ngồi. Người đó xõa tung mái tóc dài, mặc chiếc váy lụa trắng muốt, phần dưới chiếc váy lụa vén cao, để lộ ra cặp đùi trắng muốt, mịn màng như ngọc tạc, đang ngâm trong làn nước. Trên mảnh đất trống cạnh nàng, chén rượu la liệt. Chén rượu mỏng tang, sắc hoa trong suốt, chạm vào mịn như ngọc, được làm từ “Bích Tư” nổi tiếng ở Bích quốc. Còn nàng lại tùy ý ném một chén rượu trong đó xuống hồ. “Choang”, chiếc chén rơi xuống nước, chạm phải lưu ly, phát ra âm thanh giòn tan, khó mà tả thành lời. Nàng nhướn mày, lại cầm một chiếc lên, lại ném xuống hồ. Nhất thời, giữa đại điện chỉ nghe thấy từng tiếng từng tiếng nước dập dềnh, rõ ràng dứt khoát quyết liệt, nhưng lại thê lương ai oán. Nàng nghe thấy âm thanh đó, nhìn những mảnh sứ xanh từ từ chất đống lên ở đáy hồ, gương mặt trắng muốt như y phục ấy trước sau luôn hiện lên một vẻ chán ghét. Mà cảnh tượng ấy lọt vào trong mắt Chiêu Doãn, trong phút chốc, trên gương mặt y xuất hiện chút xúc động ý loạn tình mê. Y bước tới, một tay kéo tay nàng, sau đó ôm nàng vào trong lòng, gọi khe khẽ: “Hy Hòa…”. Hai tiếng thốt lên, âm thanh trầm trầm, ma mị, lại quyến luyến không tả xiết. Hy Hòa không quay đầu lại, vẫn hướng ánh nhìn về phía những mảnh vỡ dưới đáy hồ, nhạt nhòa mà lạnh lẽo. Chiêu Doãn vùi đầu vào hõm cổ nàng, khẽ than: “Nàng lại trút giận lên những vật chết này rồi…”. Khóe miệng Hy Hòa nhếch lên, uể oải nói: “Chẳng phải rất tốt sao? Xưa có Hỷ Muội xé lụa, nay có Hy Hòa ném chén; xưa có Đát Kỷ lấy rượu làm ao, treo thịt làm rừng, nay có Hy Hòa lấy gốm làm ao, lưu ly làm cung. Duy chỉ có như thế, mới có thể xứng với hai chữ ‘yêu phi’, chẳng phải vậy sao?”. Chiêu Doãn xoay người nàng lại, nhìn thẳng vào nàng, mỉm cười: “Nàng tự so mình với Hỷ Muội, Đát Kỷ, lẽ nào nàng muốn trẫm làm Hạ Kiệt, Thương Trụ?”. Hy Hòa trấn tĩnh nhìn trả y, rất lâu sau mới quay mặt sang chỗ khác, hờ hững nói: “Hoàng thượng nếu muốn làm Hạ Kiệt, Thương Trụ, cũng phải có bản lĩnh đó mới được, nay người tay không thực quyền, đâu đâu cũng bị quyền thần khống chế, nào có uy phong của Hạ Kiệt, Thương Trụ?”. Bị nàng chế nhạo như thế, Chiêu Doãn không không giận, ngược lại bật cười, ôm nàng chặt nàng thêm mấy phần: “Hy Hòa ơi Hy Hòa, thế nhân chỉ biết trẫm yêu dung mạo của nàng mà không biết, thứ trẫm thực sự thích là tính cách cay độc tuyệt tình của nàng, không để cho người khác đường lùi, cũng không cho mình đường lui. Những lời này nếu truyền ra ngoài, e rằng có đến mười cái đầu cũng phải mất”. Trên mặt Hy Hòa vẫn không chút biểu cảm như cũ: “Mất thì mất đi, dù sao cũng đâu phải lần đầu tiên hoàng thượng hy sinh thần thiếp”. Chiêu Doãn khẽ than: “Hy Hòa, thời cơ chưa tới. Trẫm đảm bảo với nàng, rất mau thôi, rất mau sẽ có thể giúp nàng giải được mối hận bị rơi xuống nước”. Hy Hòa nghe xong, bỗng nhiên tươi cười, dung nhan nàng vốn xinh đẹp tuyệt trần, nhưng hễ mỉm cười liền biến thành một vẻ yêu kiều tà mị không thể tả thành lời, giữa mày mắt lộ phong tư tuyệt trác, thần sắc uể oải, khiến người ta nhìn mà hồn xiêu phách lạc. “Hoàng thượng thật là giỏi tính toán, lại đem chuyện này đổ lên đầu thiếp, đến lúc đó nếu Tiết gia bị diệt tộc, trăm họ nhắc đến, chắc chắn sẽ nói là do thiếp hại, xem ra cái danh yêu phi của thần thiếp, thực sự là không làm không được”.
|