Họa Quốc Tập 1
|
|
Trên mặt Tiết Thái chợt hiện lên vẻ cổ quái, nhưng ánh mắt càng sáng bừng, cuối cùng gật gật đầu: “Không có”. “Được”. Cùng với tiếng “được”, chỉ thấy ống tay áo Cơ Anh vung lên, chúng nhân vẫn chưa nhìn rõ chuyện gì vừa xảy ra đã nghe thấy một tiếng “phập”, rào rào, tất cả bóng nước đã vỡ toạc, nước bên trong ào ra. Mà trong vòng tròn bóng nước đang trào xối xả đó, Cơ Anh tóc đen áo trắng, nụ cười nhàn nhạt, nhìn Tiết Thái, nói: “Ta làm xong rồi”. Chàng giơ tay phải lên, mũi tên kẹp giữa ngón tay sáng lấp lánh dưới ánh đèn. Khương Trầm Ngư nhớ lại, đúng rồi, khi đó, Cơ Anh đã thắng như thế… Chàng không dùng phương pháp ghê gớm gì, cũng không có kỳ kế đặc biệt gì, chàng chỉ tùy tiện bước vào trong vòng tròn, không dùng cung tên, chỉ lấy một mũi tên, sau đó cầm tên xoay tròn một vòng, đầu mũi tên đâm tới đâu, bóng nước vỡ sạch tới đó… Một phương pháp đơn giản biết bao. Nhưng lúc đó, ngoài chàng ra, không ai nghĩ tới. Tiết Thái chỉ nói phải đứng trong vòng tròn, phải dùng một mũi tên làm vỡ tất cả bóng nước, nhưng hắn không nói mũi tên đó phải bắn từ cung tên. Cơ Anh nắm được kẽ hở duy nhất đó, chiến thắng cửa này. Bởi vì đề thi ngày đó là tỉ thí tiễn pháp, lại thêm hai đề trước quả thực đều là dùng cung bắn tên, vì thế tạo thành ám thị tâm lý cho mọi người rằng đề thứ ba cũng là bắn tên, mà quên mất rằng không dùng cung, chỉ cần dùng tay giữ tên cũng có thể làm được. Đến giờ nàng vẫn không quên vẻ mặt Tiết Thái khi đó, bởi vì bản thân nàng khi đó cũng có biểu cảm giống như vậy. Sau chấn động, bái phục, có chút đố kỵ, là ngưỡng mộ khó nói nên lời. Kỳ Úc hầu, Cơ Anh. Bạch Trạch công tử, Cơ Anh. Chàng hóa ra là người như thế… Hết thảy ánh đèn trong thọ yến đều tối đi, chỉ có chàng đứng giữa sân, thu hết ánh sáng và tinh hoa của đất trời, tỏa sáng chói lọi, rực rỡ lay động lòng người. Đó là lần đầu tiên nàng thấy Cơ Anh. Có lúc, tình cảm kỳ lạ như thế, chưa từng hội ngộ thì thôi, nhưng một khi đã hội ngộ, khi nghe người khác kể những sự tích về chàng, tâm trạng đã hoàn toàn biến đổi. Sau thọ yến hôm đó, lúc tẩu tẩu chỉ huy đám người hầu trong phủ thu dọn, tẩu tẩu hỏi: “Sao muội biết cuộc tỉ thí đó chung cuộc sẽ hòa?”. Nàng đáp: “Muội nghĩ thế này: Sở dĩ hầu gia đứng ra ôm việc này vào người là để giải vây cho cha, nhưng cũng không thể vì thế mà đắc tội với Tiết gia, cho nên, nếu là muội, chắc chắn sẽ đánh hòa, như thế mình không mất thể diện, đối thủ cũng đẹp mặt. Nhưng không ngờ Tiết Thái lại chen chân, đề ra lại khó như thế, có lẽ lúc đó hầu gia cũng đau đầu lắm. Nhưng ngài thông minh như thế, đề bài của Tiết Thái làm khó được Tiết Hoằng Phi, nhưng không làm khó được ngài. Cho nên, cuối cùng vẫn theo kế sách ban đầu của ngài, viên mãn tàn cuộc. Đêm nay… nếu không có hầu gia, thật không biết sự tình sẽ biến thành thế nào nữa…”. Lý thị thở đài, gật đầu nói: “Đúng thế. Haizz, lão gia cái gì cũng tốt, nhưng vì quá tốt, nên việc gì cũng nhường nhịn, dẫn đến đối phương càng ngày càng không coi chúng ta ra gì, cứ thế này thì khó sống lắm. May mà từ khi Họa Nguyệt vào cung luôn được sủng ái, nhà ta đều nhờ hết vào muội ấy…”. Nhớ đến tỉ tỉ tiến cung năm ngoái, trong lòng Trầm Ngư lại nhói đau, thế là, cảnh tượng xoay vòng, khi dừng lại, trước mặt là một cảnh tượng xa hoa lộng lẫy, đèn đuốc sáng trưng, không có gì thay đổi, cũng là tiệc mừng thọ như thế, cũng tân khách tụ hội như mây, đến thứ tự chỗ ngồi dường như cũng không thay đổi, nhưng vị trí của Cơ Anh lại trống huơ trống hoác. Rõ ràng nàng đứng ở trung tâm hội trường, nhưng tất cả mọi người đều không thấy nàng, họ thì thầm bàn tán, những lời nói rì rầm xen kẽ, nặng nề lọt vào tai nàng “Nghe nói đêm nay Kỳ Úc hầu không đến đâu. Hầu gia bệnh rồi!”. “Ta cũng nghe nói, bệnh hình như nặng lắm, đã hơn nửa tháng không lên triều rồi”. “Có nghe nói là bệnh gì không?”. “Không rõ, chỉ nói là nhiễm phong hàn, giờ mới tháng tư, đương lúc xuân quang rực rỡ, sao lại nhiễm phong hàn được?”. “Nghe nói là vì mẫu thân bệnh nặng qua đời, thương tâm quá đỗi, cho nên mới bị bệnh”. “Vậy thì đúng rồi, Kỳ Úc hầu từ lâu đã có tiếng là hiếu tử…”. Hóa ra là thế, giờ là năm Đồ Bích thứ ba, mừng thọ lần thứ năm mươi mốt của phụ thân, nàng nhớ mình dậy từ sớm tỉ mỉ trang điểm, biết rằng nữ quyến không được nhập tiệc, người đó kỳ thực không nhìn thấy nàng, nhưng nàng vẫn mặc chiếc áo đẹp nhất, chải kiểu tóc đẹp nhất, thẹn thùng trốn sau cửa sổ giống như năm trước, ngóng trông người đó đến. Thế nhưng, vị trí của chàng luôn để trống. Bởi vì chàng bệnh rồi, mọi người đều nói chàng không đến được. Nàng thất vọng vô cùng. Nhưng đám nữ quyến lại bàn tán một chuyện khác: “Này, muội có nghe nói chuyện về đại mỹ nhân đó không?”. “Hả? Tỉ nói có phải là… đại mỹ nhân đó?”. “Mỹ nhân gì?”. Có người tò mò. Tẩu tẩu thở dài: “Thì chuyện hoàng thượng thích một cung nữ, không những sủng hạnh thị, mà ngay ngày hôm sau còn phong làm phu nhân”. “Cái gì? Phong luôn làm phu nhân? Đó chẳng phải là cung hàm còn cao hơn quý nhân nhà chúng ta sao?”. Tẩu tẩu lo lắng nói: “Đúng thế, từ trước tới nay chưa từng có lệ phong vượt liền mười cấp như thế, khiến Họa Nguyệt tức tới tái mặt. Nhưng làm thế nào được, hoàng thượng kiên quyết muốn thế, các đại thần khuyên cũng chẳng được, nghe nói Tiết gia vốn cũng không đồng ý, cực lực phản đối, kết quả, trung lang tướng vừa nhìn thấy mặt phu nhân đó, hồn phách điên đảo luôn, không nói nổi nửa chữ… Có thể thấy dung nhan cung nữ đó họa thủy đến mức nào!”. “Muội còn nghe nói, bây giờ trong cung đang chuẩn bị vật liệu, chuẩn bị xây Lưu Ly cung cho vị phu nhân mới đó nữa”. Đám nữ quyến nhất loạt thở dài. Quả thực, Bích quốc từ khi dựng nước tới nay, chưa từng có hoàng phi nào được sủng ái đến mức đó. “Vật cực tất phản, vinh hoa chẳng dài lâu”. Tẩu tẩu kết luận như thế. Nàng nghe thấy những lời thị phi đó, trong lòng lơ đãng đang lúc mơ màng, phía dưới lại xôn xao ồn ào, không biết ai đó hét lên: “A! Kỳ Úc hầu đến rồi!”. Nàng lập tức bay xuống từ cửa sổ, cơ thể nhẹ bẫng, nhưng tốc độ cực nhanh, chớp mắt đã đến trước mặt Cơ Anh. Cơ Anh đang được người hầu trong phủ dẫn đường, đi vào hội trường. Còn nàng đứng cách chàng một thước, chàng tiến một bước, nàng lùi một bước, nhìn chàng không hề rời mắt. Đây là lần thứ hai nàng gặp Cơ Anh, cách lần thứ nhất vừa tròn một năm. Dáng vẻ mày mắt chàng vẫn chưa hề phai nhạt trong tâm trí nàng, nhưng chàng đã khác rồi… Cơ Anh khi ấy phong thái hào sảng, nhàn nhã vô ưu, nụ cười ấm áp, khiến người ta cảm thấy bất cứ lúc nào nhìn thấy một người như thế cười cũng là một chuyện vô cùng vui vẻ. Mà nay, ngũ quan vẫn là ngũ quan khi xưa, nhưng khí chất đã hoàn toàn khác biệt, hai mắt hõm sâu, tròng mắt vằn máu, không có thần thái, cũng không có sức sống, vô cùng tiều tụy. Nàng còn đang hoảng hốt kinh ngạc, phụ thân đã nhanh chân nghênh đón: “Hầu gia bệnh mà vẫn đến, thật là ưu ái lão phu, mời hầu gia ngồi!”. Cơ Anh cười cười, đưa quà mừng, lễ số tuy chu toàn, nhưng vẫn có một cảm giác xa cách, tâm tư để ở tận đâu đâu, đến khi an tọa, cảm giác này càng rõ rệt, có người lên chúc rượu, chàng đón lấy uống cạn, người khác cười, chàng cũng cười theo. Khương Trầm Ngư nhìn mãi nhìn mãi, nước mắt bỗng dưng ứa ra. Nàng nghĩ nàng đúng là ngu độn, sự tình rõ ràng như thế, nhưng năm đó nàng lại hoàn toàn không nhìn ra – Người ngồi uống rượu ở đó rõ ràng là một linh hồn đau khổ đến cùng cực, đang giằng xé và nghẹn ngào trong im lặng. Cơ Anh uống hết chén này đến chén khác, nàng thấy rượu sánh ra ướt đẫm áo chàng, nàng còn nhìn thấy một bàn tay chàng giấu dưới bàn đang run run, nàng nhìn thấy cuối cùng chàng gạt người hầu ra, tự đứng dậy, loạng choạng bước vào hậu hoa viên. Nàng vội vàng đi theo, rồi nhìn thấy chàng ôm hòn giả sơn nôn thốc nôn tháo, nôn mãi nôn mãi, bỗng dưng bắt đầu cười khẽ, cười mãi cười mãi, rồi dừng lại, ngẩng đầu lên, ngước nhìn vầng trăng sáng trên bầu trời, im lặng thẫn thờ. Nam tử tên Chu Long đứng bên cạnh, đưa cho chàng một chiếc khăn ướt, nói: “Hầu gia, chúng ta về thôi”. “Về…”, ánh mắt Cơ Anh trở nên thảng thốt, bỗng nói: “Không, ta còn phải thi bắn tên với Tiết Thái…”. “Hầu gia”, trong giọng nói của Chu Long chất chứa vài phần đau khổ, “Tiết tiểu công tử đi Yên quốc, ngài quên rồi”. “Vậy sao?”. Cơ Anh có vẻ rất ngạc nhiên, lẩm bẩm, “Đi Yên quốc rồi à, thảo nào năm nay không thấy… đi Yên quốc rồi… đi Yên quốc rồi”. “Hầu gia, chúng ta về thôi”. Chu Long đưa tay dìu chàng, Cơ Anh lại như nhìn thấy một thứ gì rất đáng sợ, hất tay y ra, sau đó lùi lại mấy bước, đến khi đứng vững, mới nhận ra mình thất thố, ánh mắt tối sầm, thấp giọng nói: “Nhưng… ta không muốn về. Chu Long, ta không muốn về…”. “Hầu gia…”. “Ta muốn ở đây thêm một lúc nữa, một lúc nữa thôi…”. Giọng chàng càng lúc càng nhỏ, ánh mắt càng lúc càng thê lương, chàng lấy một chiếc túi gấm từ trong tay áo ra, mở ra, trong đó là chiếc bản chỉ chàng đã đeo trong lúc thi bắn tên năm ngoái. Ánh trăng như nước. Màu sắc của chiếc bản chỉ đã nhạt đi rất nhiều, loáng thoáng ánh lên màu đỏ sẫm như sắc máu. Cơ Anh chăm chú nhìn chiếc bản chỉ đó, ánh mắt lay động, từ nhạt chuyển sang đậm, lại từ đậm biến thành nhạt, cuối cùng khẽ cười: “Bỏ đi, bỏ đi, bỏ đi…”, chàng nói liền ba tiếng “bỏ đi” rồi giơ tay lên như muốn vứt đi, nhưng tay vung đến nửa chừng lại dừng lại, như hóa đá giữa không trung, vẻ bi thương hiện lên trên khuôn mặt. Chu Long đứng bên thở dài, nói: “Hầu gia, người… hà tất phải…”. “Vứt, không, được, Chu Long, ta vứt không được… Đến phút này, ta vẫn, không nỡ vứt… Ha ha, ha ha ha ha… haizz.”. Thanh âm ngưng bặt, cánh tay mềm nhũn buông xuống, chàng nắm chiếc bản chỉ đó, cúi đầu lặng yên. Tiếng gió ù ù, mấy đám mây trôi che khuất vầng trăng tròn. Cơ Anh đứng giữa bóng tối, vẻ ảm đạm bao trùm lấy chàng. Khương Trầm Ngư đứng cách chàng khoảng ba trượng, nàng nghĩ nam tử này tại sao lại ưu sầu đến thế. Chàng rõ ràng thông minh đa tài như thế, bất cứ câu đố nào cũng không làm khó được chàng mới phải; chàng luôn tươi cười ôn hòa, nhã nhặn, luôn có thể dùng nụ cười che giấu nội tâm… Nhưng, đêm nay, nam tử đứng bên hòn giả sơn nôn thốc nôn tháo rồi lại cúi đầu im lặng này, tuy không có phong tư hào sảng, cao quý tao nhã khó tả bằng lời như trước, nhưng lại khiến nàng thực sự cảm thấy đau lòng. Nàng nhìn dáng vẻ này của chàng, trái tim đau nhói. Rất muốn chạy tới ôm lấy chàng, dùng giọng nói dịu dàng nhất, nói với chàng, đừng buồn nữa; Rất muốn làm cho chàng điều gì đó, để chàng lấy lại vẻ vinh quang và rạng rỡ khi trước; Rất nhiều lời muốn nói, rất nhiều việc muốn làm… Nhưng mà, nàng không cất bước nổi, chỉ có thể im lặng chăm chú nhìn chàng, cứ thế nhìn mãi nhìn mãi. Công tử, chàng biết không, thực ra, trước khi Khương thị quyết định liên hôn với chàng, ta đã dõi theo chàng từ lâu từ rất lâu rồi… Từng thấy ngọc trắng nhuộm vết nhơ. Ngày qua tháng lại mà chẳng thấy. Trái tim đột nhiên như bị bóp chặt, đau đến mức không thở nổi, nàng không kìm được giãy giụa, hai mắt mở ra, bừng tỉnh thoát khỏi giấc mộng.
|
Hồi thứ chín : Chuỗi Châu
Nước trên mái ngói men theo rãnh chảy thành dòng, nhỏ giọt tí tách. Đường phố được cơn mưa rửa sạch như lau như ly, mấy cửa hiệu lúc trước đóng cửa giờ lần lượt mở cửa bán hàng trở lại, người đi đường cũng đông dần lên. Khương Trầm Ngư cụp ô, đi vào khu chợ. Khu chợ nằm ở góc Đông Bắc Lô Loan này là khu buôn bán nổi tiếng, thương nhân đến từ bốn nước đã biến nơi này trở nên phồn hoa náo nhiệt, ngoài phố Hoa Tân thuộc về Hách Dịch nàng đi qua lúc nãy, còn có ba con phố song song chạy theo hướng Nam Bắc, mà trong đó con phố nằm ngoài cùng về hướng Đông chính là phố Vân Tường. So với Hoa Tân có đủ loại hàng hóa, sầm uất nhộn nhịp, phố Vân Tường lại nổi danh nhờ sự phong nhã, đắt đỏ, hàng hóa bán ra đa phần là đồ cổ thư pháp, châu báu dược phẩm… Vì thế, cho dù trong bốn phố, nó vắng vẻ nhất, nhưng trên đường toàn là hương xa bảo mã, các khách nhân đều ăn mặc sang trọng. “Đến hiệu Sái gia trên phố Vân Tường, mua ba cân Mê Điệt hương”. Đây là lời phụ thân dặn nàng trong lá thư mật. Cũng có nghĩa là hiệu Sái gia tọa lạc trên con phố này là một quân cờ ngầm mà Khương Trọng cài vào Trình quốc. Khương Trầm Ngư nhìn khu phố trước mặt, không kìm được khâm phục sự suy tính sâu xa, chu toàn trong thuật gián điệp của phụ thân. Ai cũng biết, nơi ẩn náu tốt nhất chính là phố chợ, nơi nhiều người qua lại cũng là nơi tin tức nhanh nhạy nhất, vì thế, khi thiết lập điểm tập hợp tin tình báo, người ta thường đặt địa điểm ở chợ. Nhưng, người ta lại quên mất một điều rất quan trọng – tin tức dân gian là tin tức thiếu chuẩn xác nhất. Đúng như cái gọi là những lời đồn đại, tam sao thất bản, một sự việc truyền qua miệng nhiều người, ắt sẽ bị thêm mắm dặm muối, thậm chí hoàn toàn ngược lại với ý nghĩa ban đầu, cho nên, tin tức có được từ trà quán tửu lâu quá ư hỗn độn, cũng quá chậm trễ. Nhưng hiệu Sái gia thì khác, giá cả hàng hóa ở đây đắt đỏ, chuyên phục vụ các nhà hào phú, hàng hóa bán ra lại là phấn son hương liệu, trang sức châu ngọc mà nữ quyến quý tộc không thể thiếu được. Quần thể thích buôn chuyện thị phi của người khác, có quan hệ mật thiết với đương sự nhưng lại đứng ngoài sự việc này là nguồn tin đáng tin cậy, an toàn nhất trong việc thu thập tin tức của cửa hiệu. Mà điều quan trọng nhất là nơi đây mới là nơi nàng – một sứ thần đến từ Bích quốc đến cũng không khiến ai nghi ngờ. Khương Trầm Ngư cất bước đi về phía hiệu Sái gia cách đó hơn mười trượng. Cửa hiệu mở rộng, bên chiếc quầy cao hơn nửa người, một người có vẻ là chưởng quầy đang nói chuyện cùng một bà lão. Trong tay bà lão còn bế một đứa bé, đứa bé khóc oa oa, bà lão vội vàng vừa đung đưa vừa dỗ cháu. Trước một giá hàng trong góc, hai người bán hàng đang chào mời một quý phu nhân xem đồ trang sức, quý phu nhân đó lấy từng chiếc vòng trong hộp ra, đeo lên cổ tay, rồi lại lắc đầu, bỏ xuống, lại đeo chiếc khác lên. Khương Trầm Ngư càng lúc càng lại gần, có thể nhìn rõ hoa văn trên những chiếc vòng kia, còn chục bước nữa, chín bước, tám bước… Quý phu nhân cầm một chiếc vòng Bạch Ngọc Thanh Điền lên, từ từ đeo vào tay, chất ngọc trong suốt khiến cổ tay nàng ta trông càng thêm thon thả mềm mại. Còn cách bảy bước, sáu bước, năm bước… Bà lão vừa dỗ đứa trẻ, vừa quay đầu sang nói với chưởng quầy: “Không hiểu vì sao hai ngày nay cháu tôi cứ quấy khóc suốt”. Chưởng quầy an ủi: “Trẻ con ấy mà, khóc một tí mới tốt”. Còn cách bốn bước. Người bán hàng nói: “Phu nhân, mua chiếc vòng này nhé, chiếc này rẻ…”. Còn cách ba bước. Cửa hiệu đã gần trong gang tấc, Khương Trầm Ngư đột nhiên xoay người, bước vào cửa hiệu bên cạnh. Lập tức có người bán hàng chạy tới chào hỏi: “Cô nương muốn mua đàn ạ? Mời qua bên này…”. Bên cạnh cửa hiệu Sái gia là một hiệu bán đàn. Khương Trầm Ngư đến trước một cây Lôi Ngã cầm, trầm ngâm không nói. Người bán hàng liến thoắng: “Cô nương đúng là có con mắt tinh tường, chiếc đàn này là bảo bối trấn điếm[1] của tiệm chúng tôi, do đại sư chế tác đàn Lôi Văn làm ra lúc sinh thời, cô nương xem thân đàn được làm bằng loại gỗ thông thượng hạng nhất…”. [1] Bảo bối trấn điếm (trấn điếm chi bảo) tức là món đồ quan trọng nhất của cửa tiệm, nếu không có nó tình hình cửa tiệm sẽ không ổn. Thường được người bán hàng chỉ món đồ có giá trị nhất, đặc sắc nhất cửa hiệu. Những lời của hắn cứ lao xao bên tai biến thành phông nền, mà phía trên phông nền ấy thứ nổi bật nhất lại là – Không ổn, hiệu Sái gia có gì đó không ổn! Là bà, lại không biết cháu mình bị rớt một chiếc giày; Là một quý phu nhân, lại có một đôi tay có vết chai; Là một người bán hàng, lại hoàn toàn không có kỹ năng chào mời… Tất cả, tất cả đều không ổn. Những chi tiết không hợp logic này ngầm cho thấy một điềm báo nào đó, vì thế, trong giây phút cuối cùng, nàng quay đầu, bước vào một cửa hiệu khác. “Không phải tự khen chứ âm sắc của cây đàn này dù không hải là tuyệt thế vô song, cũng có thể xếp hàng thứ hai…”. Gã bán hàng của hiệu đàn vẫn đang thao thao bất tuyệt. Khương Trầm Ngư đột ngột quay đầu nói: “Ta muốn thử đàn”. Gã bán hàng sững người rồi vội vàng nói: “Được được, không vấn đề gì, cô nương, mời ngồi bên này”. Khương Trầm Ngư ngồi xuống trước một chiếc bàn bằng ngọc, từ góc nhìn của nàng, vừa hay có thể quan sát tình hình phía bên kia đường: Bên ngoài mấy cửa hiệu bán chữ, tranh, có mấy người bán kẹo rong; cách vài bước, còn có hai tên ăn mày đang lười biếng tựa tường sưởi nắng. Nàng càng lúc càng khẳng định suy đoán của mình. Khách nhân trên con phố này ai lại đi mua loại kẹo rẻ tiền đó? Sao lại để cho ăn mày sưởi nắng ở đây? Hơn nữa, vừa tạnh mưa xong, đường vẫn còn ướt, ăn mày chỉ là những người nghèo túng, chứ không phải là đồ ngốc, sao hoàn toàn không bận tâm đến chuyện đường ướt mà thản nhiên ngồi đó? Mọi điều trên chỉ dẫn đến một kết luận: Cửa hiệu Sái gia có chuyện rồi. Vì thế, cứ điểm ban đầu nay đã trở thành cái bẫy. Vậy thì, người đối phương muốn bắt là một mình nàng hay là tất cả gian tế nước địch ẩn náu ở Trình quốc? Cho dù là thế nào, vừa nãy chỉ cần nàng bước vào cửa thì chắc chắn sẽ bị tóm gọn. Còn như có bắt nhầm người hay không, phải trải qua dùng hình thẩm vấn mới có thể phán đoán được. Nghĩ đến khả năng này, sống lưng nàng bất giác ớn lạnh Lúc này gã bán hàng lấy đàn ra, đặt lên bàn, ân cần nói: “Dây đàn đã được bôi dầu, cũng đã cân chỉnh, cô nương cứ an tâm thử đàn nhé”. Khương Trầm Ngư nghĩ một lát, giơ tay, tiếng nhạc đột ngột nổi lên, nàng đàn khúc “Hoạch lân”[2]. [2] “Hoạch lân” hay còn gọi là “Hoạch Lân Thao”: Nội dung căn cứ vào một câu chuyện trong “Xuân Thu tả truyện”: Thời Lỗ Ai công, có người bắt được một con lân, nhưng làm nó bị thương. Khổng Tử sau khi đến xem, cảm thấy bi thương, cho rằng loài động vật mang điềm lành này xuất hiện không gặp thời nên bị hại. Thực ra đó chính là tâm sự Khổng Tử liên hệ đến bản thân không được trọng dụng khi đó. Cầm phổ của “Hoạch Lân” xuất hiện sớm nhất trong phổ tập “Thần kỳ thần phổ”, (Chu Quyền biên soạn năm 1425), căn cứ vào phổ pháp và kết cấu nhạc khúc, có thể thấy rõ sự khác biệt với cầm khúc đời sau, nên có thể coi đây là một cầm khúc tương đối cổ. Lân hề lân hề, hợp nhân trọng nghĩa, xuất hiện đúng thời. Bước đi đúng mực, xoay mình đúng mực, tiếng tựa nhạc khí. Nó đi tới đâu phải chọn rõ ràng rồi mới đến, nhân đức là ở chỗ cỏ tươi chẳng xéo, côn trùng sống chẳng giẫm. Ở chẳng cùng bầy, đi không cùng bạn. Chẳng lọt cạm bẫy, lưới thưa lồng lộng mà không vướng vào. Lân hề một sừng năm móng, khi nó kêu lên, hội tụ càn khôn. Nay xuất hiện không đúng thời, ăn sắt sinh vàng, uổng thay cho sự phi thường của nó… Tiếng đàn tao nhã uyển chuyển, giữa âm điệu du dương, trầm bổng đan xen, nỗi bi phẫn như sóng vỗ ào ào, nỗi thê lương tựa tiếng thở dài khe khẽ, nhịp nhịp thương tâm, tiếng tiếng khắc cốt, nhưng từ đầu đến cuối lại tràn đầy hàm ý từ bi. Tương truyền vào thời Lỗ Ai công, có người bắt được một con kỳ lân, nhưng làm nó bị thương. Sau khi Khổng Tử nhìn thấy, cảm thấy đau lòng, không kìm được lệ ướt vạt áo. Khúc nhạc này chia làm sáu đoạn, Khương Trầm Ngư chỉ đàn đoạn đầu tiên “Thương thời Lân hề”, nhưng cũng đủ khiến người trong hiệu chú ý, người đi đường dừng chân. Khi nàng dừng tay, một tràng vỗ tay từ hậu sảnh vang lên. Nàng quay đầu lại, chỉ thấy rèm gấm tầng tầng, không thấy người sau rèm. Tiếng vỗ tay ngừng, một tiểu đồng vén rèm đi ra, tuổi chừng mười ba, mười bốn, gương mặt tròn trĩnh, không cười mà như cười, nhìn giống như một con búp bê đất, cực kỳ dễ thương. Chỉ thấy hắn bước nhanh đến trước bàn, dừng lại nói: “Công tử nhà ta nói cô nương chơi đàn rất hay, cái gì mà ‘vời vợi chừ, như Hoa Sơn’…”. Sau rèm có người ho, còn có một giọng nói rít lên: “Thái Sơn! Là Thái Sơn ấy! Đồ đầu heo!”. Tiểu đồng vội vàng sửa: “Đúng rồi, là ‘Vời vợi chừ như Thái Sơn’, cái gì ‘Mênh mông chừ như… như… như…”. Giọng nói the thé đó lại kêu lên: “Giang Hà[3]!”. [3] Tức Trương Giang và Hoàng Hà. “A đúng rồi, mênh mông chừ như Giang Hà, tóm lại là hay nhất trên trời dưới đất… Cho nên, để cảm tạ khúc nhạc này của cô nương, công tử nhà ta xin cô nương nhất định phải nhận cây đàn này!”. Khương Trầm Ngư ngạc nhiên, đăm đăm nhìn tấm rèm buông rủ đó, hỏi: “Công tử nhà ngươi là ai?”. “Cái này… cô nương cứ nhận là được, danh tính không cần bận tâm”. Tiểu đồng nói với gã bán hàng: “Bọc cây đàn này lại, rồi sai người mang đến nhà cô nương này”. Khương Trầm Ngư vội vã đứng dậy nói: “Đợi đã, bèo nước gặp nhau, không dám nhận món quà quý giá như thế này”. Cây đàn này ít nhất cũng phải nghìn lượng bạc, không biết thân phận của người tặng đàn, sao nàng dám nhận bừa? Nhưng tiểu đồng đó vẫn lắc đầu nói: “Công tử nhà ta nói ngài tặng cô nương đàn chỉ là muốn cảm tạ khúc nhạc nàng vừa đàn ban nãy, hơn nữa, cũng chỉ người có cầm nghệ xuất chúng như cô nương mới xứng với cây đàn này”. Khương Trầm Ngư vẫn định chối từ, sau rèm chợt có tiếng động, tiếng bước chân xa dần, dường như đối phương đã rời khỏi đó. Tiểu đồng nhe răng cười, nói: “Công tử nhà ta đi rồi, ta cũng phải đi đây. Cô nương đừng từ chối nữa, tuy nói là cái gì nước gặp nhau, nhưng có duyên tất sẽ gặp lại. Cáo từ”. Nói đoạn, quay người nhảy chân sáo chạy đi. Khương Trầm Ngư nhìn thấy một cỗ xe ngựa có nóc xe màu xanh sậm nhanh chóng rẽ ngoặt ở góc phố rồi biến mất. Gã bán hàng bên cạnh nói: “Vậy để tiểu nhân bọc đàn lại cho cô nương, không biết phủ đệ của cô nương ở đâu? Tiểu nhân sai người đem đàn tới”. Khương Trầm Ngư hỏi: “Ngươi có biết người tặng đàn là ai không?”. “Chỉ biết là một công tử nhà giàu, đến sớm hơn cô nương một chút, đang ngồi xem đàn trong hậu sảnh, không ngờ chẳng mua gì cho mình nhưng lại mua đàn tặng cho cô nương”. Gã bán hàng vừa nói vừa cười ám muội, “Nhưng, cầm nghệ của cô nương đúng là tuyệt thế vô song, vị công tử đó tặng đàn cảm tạ tri âm, cũng coi là một câu chuyện đẹp”. Khương Trầm Ngư nhất thời im lặng. Nàng đàn khúc này vốn chỉ muốn thăm dò cửa hiệu sát vách có phản ứng thế nào, xem xem những quân cờ ngầm của phụ thân bị quét sạch một mẻ, hay là vẫn còn cá lọt lướt, có lẽ sau khi nghe tiếng đàn của nàng, họ sẽ đoán được nàng đã đến, sẽ nghĩ cách truyền tin. Mà nay, chưa do thám được động tĩnh của láng giềng, ngược lại tự dưng lại nhận được cây đàn này, đúng là “cố ý trồng hoa hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu liễu xanh um”.
|
Lại nhìn cửa hiệu Sái gia vẫn không có động tĩnh, xem ra hôm nay sẽ chẳng thăm dò được gì, nàng cũng không thể ở đây quá lâu để tránh để lộ thân phận, nàng bèn cho gã bán hàng địa chỉ của dịch trạm, còn mình đi bộ về. Không ngờ vừa về đến dịch trạm, đã nhìn thấy cỗ xe ngựa có mái xe màu xanh sẫm trước sân. Nàng vội hỏi: “Đây là xe ngựa của ai?”. Lý Khánh đáp: “A, cô nương ra ngoài hai ngày nên không biết, đây là xe ngựa của sứ thần Yên quốc”. “Sứ thần Yên quốc đến rồi sao? Là ai vậy?”. “Nói ra thật khó tin, Yên vương đích thân đến”. Khương Trầm Ngư khựng lại, kinh ngạc hỏi: “Cái gì? Yên vương?”. “Đúng thế, ai mà ngờ được chứ. Lần này, Trình vương quả là hãnh diện, Nghi vương và Yên vương đã đến cả…”. Lý Khánh than. Khương Trầm Ngư chăm chú nhìn cỗ xe ngựa nhìn có vẻ bình thường đó, trong lòng cảm thấy vừa căng thẳng vừa bất an – Trong các quân chủ của bốn nước hiện nay, Chiêu Doãn tuổi trẻ nhất, thời gian lên ngôi cũng ngắn nhất, bên ngoài bình luận y, phần lớn là lông cánh chưa đủ, bị thần tử khống chế, năm nay y đột nhiên trừ sạch Tiết gia, đích thân nắm quyền, bình luận chuyển thành kiên nhẫn cố chấp, lòng dạ sâu xa; bình luận về Nghi vương là tốt nhất, phóng khoáng thân dân, hài hước phong nhã, đã chấp chính sáu năm, trong nước không có chuyện lớn phát sinh, cũng không có điều gì thất đức; Minh Cung tuổi tác cao nhất, khi còn tráng niên ít lời vô sỉ, lật lọng là chuyện cơm bữa, hơn nữa hiếu chiến ham công, bị các nước xung quanh coi thường, nhưng con dân Trình quốc lại có một sự sùng bái thâm căn cố đế, thậm chí có thể nói là mù quáng điên cuồng đối với lão, tóm lại, Minh Cung là một quốc quân tương đối phức tạp… Thế nhưng, nếu nói đến người thực sự có phong độ đế vương thì đó chính là Yên vương Chương Hoa. Cả đời Chương Hoa có thể nói là xuôi chèo mát mái, do quốc mẫu chính thống sinh ra[4], vừa ra đời đã được thụ phong thái tử, bình an đến lúc mười bảy tuổi, lão Yên vương đột nhiên nhìn thấu hồng trần, xuất gia làm hòa thượng, vì thế thuận lợi truyền ngôi cho con trai duy nhất. Mà Yên vương lại có một vị hảo thừa tướng một lòng trung thành, phò tá y đến năm hai mươi tuổi, mọi việc thành thục, trong nước không ẩn họa ngầm, bên ngoài chẳng mối âu lo, lão thừa tướng mới từ quan cáo lão, vân du thiên hạ. Mà con người Chương Hoa cũng đúng như lời y tự thuật: “Duy có Hách Dịch rực rỡ sáng chói, rạng rỡ như vũ trụ nhật nguyệt, mới có thể sánh với ta”. [4] Tức Chương Hoa là con đích của hoàng hậu. Yên quốc được y thống trị, binh túc mã cường, nước giàu dân mạnh, sức mạnh tổng hợp có thể coi là đứng đầu bốn nước, y chấp chính sáu năm, cất nhắc người tài không thiên vị đảng phái, cho gánh vác nghiệp lớn, để họ dốc hết kỳ tài. Nghe theo lẽ phải, tế thế an dân, công tích hiển hách. Nếu muốn nói y có uy vọng thế nào, có một việc có thể chứng minh. Tội tử hình của Yên quốc phải qua ba lần tấu, thẩm, phê mới có thể thi hành. Vào năm Hoa Trinh thứ tư, trong cả nước người bị khép vào tội chết tổng cộng có bốn mươi chín người. Vừa hay trùng dịp năm mới, Chương Hoa hạ lệnh cho bốn mươi chín người này về nhà đón Tết cùng gia đình, qua mùa thu năm sau trở về thụ hình, kết quả tất cả bốn mươi chín người đều trở về đúng ngày, không ai bỏ trốn. Việc này truyền đến ba nước còn lại, ai cũng kinh ngạc. Sau Tết, Chiêu Doãn lập tức phái Tiết Thái đi sứ Yên quốc, cũng vì thế dệt nên giai thoại Chương Hoa tặng tuyệt thế mỹ ngọc “Băng Ly” cho Tiết Thái. Còn nay, vị đế vương nổi danh này cũng đến Trình quốc? Hơn nữa, vừa nãy còn tặng nàng một cây đàn. Cho dù Khương Trầm Ngư có trầm ổn, trấn tĩnh thế nào đi nữa, trái tim vẫn không chịu nghe lời mà đập điên cuồng, khi cất tiếng, giọng nói gấp gáp hẳn lên: “Yên vương bây giờ ở đâu?”. “Yên vương cũng ở đây, nhưng vừa nãy trong cung có người mời ngài đi rồi”. Lời vừa dứt, một người từ trong nhà chạy ra, bù lu bù loa kêu lên: “Làm cái gì thế, ta mới chợp mắt một lúc, tất cả đều bỏ ta mà đi hết cả? Ta…”. Đang gào dở chừng, ngẩng đầu thấy Khương Trầm Ngư, kinh ngạc lắp bắp: “A, cô nương… đánh đàn”. Người này không phải ai khác mà chính là tiểu đồng vừa tặng đàn cho nàng. Khương Trầm Ngư cũng sững sờ nhìn hắn, cảm thấy miệng hắn mấp máy, dường như lại nói gì đó, nhưng âm thanh bỗng trở nên mơ hồ, người hắn cũng từ một mà hóa thành mấy người, trời đất bắt đầu quay cuồng, tầm nhìn tối sầm lại – Nàng chỉ kịp nói một tiếng “ta” liền ngất lịm đi. Trời đất tối đen. Cơ thể giống như đang bị thiêu đốt trên ngọn lửa cháy rừng rực, xương cốt và tứ chi đều đau nhức khôn tả, rõ ràng trước mắt tối sầm, nhưng có thể loáng thoáng nghe thấy những giọng nói đứt quãng: “Ôi con gái thứ ba của hữu tướng Khương Trọng, phúc thừa Hoa tộc, lễ vượt nữ sư… vậy nên mệnh cho ngươi làm Thục phi, chọn ngày tiến cung…”. “Khi còn nhỏ Trầm Ngư rất sợ đau… bây giờ, xin công tử hãy xỏ lỗ tai cho ta, coi như là quà mừng Trầm Ngư xin công tử…”. “Trẫm muốn nàng, cùng Phan Phương, Giang Vãn Y đi Trình quốc…”. “Đừng cho rằng làm nũng là ta có thể tha thứ cho muội…”. “Ngu thị, hãy liên thủ với ta”. “Trẫm là đế vương…”. Rất nhiều giọng nói đan xen với nhau, hỗn loạn, lặp lại không ngừng, giống như một sợi dây thừng quấn lấy nàng, sau đó từ từ thít chặt, rất đau, đau đến mức nàng không nói được, thậm chí không thở được. “Tiểu thư của Khương gia?”. Một giọng nói mềm mại như nước, nhẹ nhàng như gió đã vang lên như thế. “Sắc trời không còn sớm, Anh đưa tiểu thư về phủ”. “Tiểu thư hẹn Anh đến đây, ắt là có chuyện, đã có chuyện, là ai hẹn có can hệ gì sao?”. “Là Anh hành sự đường đột, vội vã truyền tin, hy vọng không quấy rầy chính sự của tiểu thư”. “Tiểu thư…”. “Tiểu thư…”. “Tiểu thư…”. Đừng, đừng, nàng không muốn nghe tiếp, đừng gọi nữa… “Ngu thị…”. “Tiểu Ngu…”. Hai giọng nói khác xen vào, Khương Trầm Ngư điên cuồng giãy giụa, bỗng nàng run lẩy bẩy, mở choàng mắt. Thoạt đầu trước mắt vẫn tối đen, sau dần dần sáng tỏ, đập vào mắt nàng là một gương mặt mi thanh mục tú mang thần sắc thương xót âu lo, quen thuộc mà ấm áp. Thế nên, một tiếng gọi tự nhiên bật ra: “Sư huynh…”. Giang Vãn Y mỉm cười với nàng, giọng nói ấm áp như ánh mặt trời: “A Ngu, muội tỉnh rồi?”. “Sư huynh, muội làm sao vậy?”. “Muội bị bệnh. Nhưng đừng sợ, sẽ mau khỏi thôi”. Gương mặt hắn rất dịu dàng, nụ cười vô cùng điềm tĩnh, tựa như chỉ cần có hắn ở đây, nàng không cần sợ hãi bất cứ nỗi đau nào. Khương Trầm Ngư có được lời đảm bảo, liền nhắm mắt thiếp đi, và lần này, cơn ác mộng đã biến mất. Khi nàng tỉnh lại lần nữa, ánh nắng ngập tràn, Giang Vãn Y đã không còn ở bên giường, chỉ có Hoài Cẩn mừng rỡ đặt chiếc hộp trong tay xuống, chạy qua hỏi: “Tiểu thư, tiểu thư tỉnh rồi? Tiểu thư thấy đỡ hơn chưa?”. Khương Trầm Ngư ôm chăn, từ từ ngồi dậy, “Đầu ta vẫn còn đau lắm”. “Tiểu thư mới hạ sốt, đầu vẫn còn hơi nặng, hầu gia đã kê đơn thuốc, bây giờ đang sắc, một lát nữa là xong”. Hoài Cẩn lấy gối kê sau lưng nàng. “Sư huynh đâu?”. “Tiểu thư bệnh liền ba ngày, mấy ngày nay hầu gia đều túc trực chăm sóc tiểu thư, không được nghỉ ngơi tử tế, vừa nãy trong cung có người đến gọi ngài đi rồi”. Khương Trầm Ngư áy náy, mình quả nhiên gây phiền phức rồi. Rõ ràng biết trách nhiệm mỗi người phải gánh vác đều không nhẹ nhàng, đặc biệt là Giang Vãn Y, là đại phu nên bận rộn, vất vả nhất, vậy mà nàng lại ngã bệnh đúng lúc này, gây thêm rắc rối cho hắn. Lúc đó nhảy xuống hồ chỉ vì cao hứng nhất thời, bây giờ hại mình không nói, còn liên lụy đến người khác. Hoài Cẩn thấy nàng không vui, cũng tự đoán được vài phần, vội chuyển chủ đề khác: “Nhưng tiểu thư thật là có thể diện, nghe nói tiểu thư bệnh, số lễ vật này giống như thóc đổ vào kho, không ngừng cuồn cuộn đổ tới!”. Khương Trầm Ngư ngẩng đầu, quả nhiên ở góc tường, trên bàn ghế bên ngoài chất đầy hộp quà. Hoài Cẩn cười nói: “Trong đó dĩ nhiên lễ vật của Nghi vương bệ hạ là nhiều nhất, hầu gia nói chỉ riêng số lễ vật Nghi vương tặng đã đủ mở một hiệu thuốc nhỏ rồi. Ba vị hoàng tử của Trình quốc cũng tặng toàn đồ bổ trân quý. Nhưng, kỳ lạ nhất là Yên vương cũng tặng lễ vật, nhưng lễ vật của ngài không giống người khác, tiểu thư xem xem?”. Nói đoạn lấy ra một chiếc hộp nhỏ, mở ra cho nàng xem. Trong chiếc hộp nhỏ có mấy tờ giấy. Khương Trầm Ngư cầm lên xem, hóa ra là một khúc phổ, trang đầu tiên viết ba chữ “Phổ Am Chú”, phía dưới còn viết một hàng chữ nhỏ: “Thuốc chữa được bệnh, nhạc chữa được tâm. Trong ngoài thấu triệt, tịnh không tì viết”. Nét chữ nguệch ngà nguệch ngoạc, tựa như người mới học viết, hơn nữa vết mực còn ướt, xem ra mới viết chưa lâu, chữ Tâm hơi nhòe, chữ “Vết” cũng viết nhầm thành chữ “Viết”. Khương Trầm Ngư bất giác nhoẻn cười: “Là tiểu đồng của Yên vương đưa tới đúng không?”. “Chính là cái người nói chuyện với tiểu thư lúc tiểu thư ngất xỉu, hắn tên là Như Ý. Bên cạnh Yên vương có hai tiểu công công, một là hắn, ngoài ra còn một người tên là Cát Tường”. Không cần nói, chữ trên khúc phổ này chắc chắn là do tên Như Ý học hành bát nháo đó viết. Vị Yên vương này thật thú vị, tặng đàn tặng khúc đều không tự mình lộ diện, chỉ sai một tên hề đứng ra làm mất thể hiện, thật không biết là cố ý hay là quá dung túng. Cười xong, Khương Trầm Ngư lại nhìn những chiếc hộp chất đầy căn phòng, hỏi: “Ngoài ra còn có ai tặng lễ vật nữa?”. “Thượng vàng hạ cám đều có cả, quan viên của Trình quốc, sứ thần cùng đến với chúng ta…”. “Em có mở ra xem từng món quà không?”. Hoài Cẩn lấy ra một cuốn sổ nhỏ, trình lên trước mặt nàng: “Em đã ghi danh sách lễ vật và tên người tặng ở hết trong này”. Khương Trầm Ngư không kìm được gật đầu hài lòng, ban đầu chọn mang theo Hoài Cẩn mà không phải Ác Du cũng chính vì Hoài Cẩn làm việc chu đáo cẩn thận, rất nhiều việc không cần nàng dặn dò, đều tự giác làm tốt. Nàng cầm lấy cuốn sổ, chậm rãi giở ra xem, ánh mắt lướt qua từng hàng tên tuổi, trong lòng trầm ngâm. Nghi vương tặng quà, nàng không bất ngờ, Di Phi tặng quà nàng cũng không bất ngờ, nhưng Hàm Kỳ tặng quà thì có hơi khiên cưỡng, nàng chẳng qua cũng chỉ là một sứ giả của Bích quốc, cho dù có chút địa vị, nhưng cũng không quan trọng đến mức khiến tất cả mọi người đều lũ lượt tặng lễ vật. Tại sao Hàm Kỳ lại tặng thuốc cho nàng? Là để cảm tạ nàng hôm ở bến cảng đã đi theo hắn mà không theo Di Phi? Nàng nghĩ không ra. Còn như Lân Tố thì lại càng khiên cưỡng, nàng và Hàm Kỳ còn có chút giao tiếp, nhưng nàng chẳng hề có quan hệ gì với vị đại hoàng tử này, tại sao y cũng tặng lễ vật cho nàng? Ngoài ra còn có một số quan viên của Trình quốc, họ thấy các vị điện hạ bệ hạ đều tặng, cho nên cũng bắt chước? Hay là còn có nguyên nhân nào khác? Khương Trầm Ngư vừa nghĩ vừa xem, ánh mắt bỗng dừng lại ở một cái tên. Nàng trầm ngâm giây lát, quay đầu hỏi: “Sư huynh có nói bệnh của ta bao giờ khỏi không?”. “À, hầu gia chỉ nói để tiểu thư tĩnh dưỡng cẩn thận, không nói gì khác. Tiểu thư có chỗ nào khó chịu sao?”. “Ừm”. Trầm Ngư gật đầu.
|
Hoài Cẩn ngẩn người: “Hả?”. Nhưng rõ ràng trông khí sắc tiểu thư đã tốt hơn rất nhiều mà… “Bệnh của ta không phải dăm bữa nửa tháng là khỏi được, nếu lại có lễ vật gửi tới thì cứ nhận hết”. Khương Trầm Ngư đọc cuốn sổ, thuận miệng hỏi: “Công chúa Trình quốc cũng tặng quà à…”. Hoài Cẩn che miệng cười, “Tiểu thư, tiểu thư không biết à?”. “Biết cái gì?”. “Lễ vật của Di Thù công chúa do công chúa đích thân đem đến đó. Không chỉ như thế, công chúa hiện đang ở đây, bây giờ đang nói chuyện với Phan tướng quân trong hậu hoa viên”. Bờ mi của Khương Trầm Ngư run run, nàng không hề ngạc nhiên vì Di Thù động lòng sau khi nghe câu chuyện của Phan Phương, chỉ có điều, nàng không ngờ vị công chúa này lại đến nhanh như thế, thẳng thắn như thế. Mà trong hậu hoa viên cách đó tầng tầng tường viện, Di Thù đang trò chuyện với Phan Phương dưới tán cây ngọc lan. “Nghe nói ta rất giống vong thê của tướng quân?”. Sự thực chứng minh, Di Thù còn thẳng thắn hơn Khương Trầm Ngư nghĩ, khi nàng ta hỏi câu này, trên gương mặt không hề có vẻ gì là thẹn thùng, hoa ngọc lan bừng nở sau lưng nàng ta, càng tôn lên vẻ đẹp diễm lệ say đắm lòng người. Phan Phương chăm chú nhìn Di Thù, ánh mắt hơi tối. Di Thù cười tươi như một đóa hoa: “Cho nên, trong bữa tiệc đêm đó, tướng quân mới rơi lệ trước mặt mọi người?”. Phan Phương lại nhìn nàng ta chằm chằm hồi lâu mới chậm rãi mở miệng, nói: “Phụ thân của A Tần và phụ thân ta là chiến hữu, nàng mồ côi mẹ từ nhỏ, phụ thân cũng không quá nghiêm khắc, khi còn nhỏ nàng rất nghịch ngợm, trèo cây nghịch nước, chơi đùa đánh nhau, không khác nam nhi là bao”. Di Thù ngưng cười, nghiêm túc lắng nghe. “Vì thế, làn da của nàng rám nắng, phía sau tai trái còn có một vết sẹo nhỏ do bị đá cứa, chỗ đó cũng không mọc được tóc”. Di Thù vô thức đưa tay sờ phía sau tai trái. “Phía dưới mắt trái của nàng có một nốt ruồi nhỏ. Hồi nhỏ thường bị chúng ta chê cười, nói là nốt ruồi lệ, nhưng trong ấn tượng của ta, nàng chưa bao giờ khóc. Cho dù khi Tần bá phụ chết nơi sa trường, cho dù năm ta mười ba tuổi đi tòng quân buộc phải rời xa nàng, cho dù người chồng trước của nàng bị bệnh qua đời, nàng cũng chưa từng nhỏ một giọt lệ nào”. Di Thù lộ vẻ áy náy, dường như cũng ý thức được rằng, so bì với một người đã chết, đặc biệt là so bì với người đã chết mà đối phương yêu sâu sắc, thì thật là không phải, liền lập tức ngại ngùng nói: “Xin lỗi, là Thù thất lễ”. Phan Phương vẫn không tỏ cảm xúc, chỉ có vẻ thâm trầm, một vẻ thâm trầm mà ai cũng không hiểu rõ được, lời nói cũng vẫn rất ôn hòa, “Ta kể với công chúa những điều này, không phải là muốn chứng minh hai người khác nhau thế nào”. Di Thù thoáng ngạc nhiên ngẩng đầu. Phan Phương nhìn nàng ta, nói tiếp: “Sự thực thì giây phút nhìn thấy công chúa, ta rất vui”. “Vui?”. “Đúng thế”, Phan Phương thu lại ánh nhìn, quay sang cây ngọc lan bên cạnh, sự thâm trầm không cảm xúc dần dần nhạt đi, biến thành một nụ cười như gió thoảng, “Bởi vì, tuy A Tần đã mất, nhưng thế gian này còn có một số thứ, một số thứ vô cùng tươi đẹp khiến ta nhớ đến nàng, khi nhìn những thứ đó, nàng dường như vẫn còn trên nhân thế, chưa hề đi xa, cũng chưa hề bị lãng quên, cho nên ta rất vui. Cho nên cảm ơn nàng, công chúa”. Biểu tình của Di Thù lại thay đổi, cuối cùng, nàng quay đầu cao giọng nói: “Người đâu, đem thương của ta qua đây”. Lập tức có thị vệ bưng một cây trường thương rất đẹp, toàn thân trắng toát, duy chỉ có đầu thương gắn một túm ngù đỏ, đỏ chói mắt đỏ rực rỡ, thân thương cao bằng hai người, mà Di Thù một tay nắm lấy, nhẹ nhàng vung lên múa một cách đẹp mắt, toàn bộ động tác như nước chảy mây trôi, dứt khoát mạnh mẽ. Khương Trầm Ngư được Hoài Cẩn dìu đến hậu hoa viên, đã nhìn thấy cảnh tượng như thế này: Chỉ nghe Di Thù nói: “Nước ta xưa nay sùng võ, từ lâu đã nghe nói tướng quân võ nghệ siêu quần, giỏi dùng trường thương, mười sáu tuổi đánh bại đại tướng quân Nghi quốc Nhan Hoài, mười chín tuổi thụ phong Khinh xa tướng quân, mà nay lại vừa đánh bại Đệ nhất danh tướng tứ quốc Tiết Hoài. Cho nên, Thù bất tài, muốn lĩnh giáo vài chiêu với tướng quân”. Phan Phương như định từ chối, Di Thù lại tiếp: “Tướng quân cũng là kẻ học võ, nên lấy võ đạo kính ta, không cần nói những lời như thân thể ngàn vàng, không dám mạo phạm”. Phan Phương lại im lặng. Khương Trầm Ngư đứng một bên, khép chặt áo khoác, trong lòng không rõ là vui hay buồn. Di Thù khiêu chiến Phan Phương, thắng nàng ta, Trình quốc mất thể diện, thua nàng ta, e là công chúa tâm cao khí ngạo này cũng không coi Phan Phương ra gì, nhưng để không thắng cũng không thua, thực sự rất khó. Đương nhiên Phan Phương võ nghệ cao thâm, nhưng nghe nói Di Thù cũng không yếu đuối, cho dù là Hàm Kỳ cũng chưa chắc là đối thủ của muội muội. Trận đấu này… không biết là họa hay là phúc đây… Đúng lúc này, một giọng nói đột ngột vang lên: “Ta cá công chúa thắng!”. Khương Trầm Ngư quay đầu nhìn, thấy hai thiếu niên từ xa bước tới, tướng mạo giống hệt nhau, một người mặc áo lam, một người mặc áo đỏ, trong đó một người là Như Ý, vậy người kia chính là Cát Tường. Hai thiếu niên nhìn thấy nàng, áo lam cười ngọt như mật: “Ngu cô nương bệnh đã đỡ chưa? Có thể ra ngoài rồi à? Hôm đó cô nương tự nhiên ngất xỉu, hại ta sợ gần chết”. Khương Trầm Ngư nhún mình bái tạ: “Thiếp thân thất lễ khiến công công kinh sợ. Đúng rồi, đa tạ khúc phổ của Yên vương bệ hạ, bao giờ khỏe hơn, ta sẽ đích thân tới tạ ơn”. Như Ý áo lam vội vàng xua tay: “Không cần đâu, công tử nói tặng cô nương đàn và bản nhạc đều chỉ là tặng những thứ đó cho chủ nhân thích hợp nhất của chúng mà thôi. Nếu như thực sự phải cảm tạ, thì hãy cảm tạ ông trời đã sinh ra cô nương như chung… cái gì mà tú ấy”. Cát Tường áo đỏ lộ vẻ xấu hổ, gắt lên: “Chung linh dục tú[5], đồ ngốc! Không biết thì đừng nói, đừng có dùng thành ngữ bốn chữ, ngươi không biết thế nào là giấu dốt à?”. [5] Chung linh dục tú: Đất thiêng hun đúc ra nhân tài. “Ngươi quản ta? Ta cứ thích nói thành ngữ đấy! Đến thánh thượng còn không quản ta…”. “Đó là do ngài tuyệt vọng với ngươi rồi, có biết không?”. Hai người cãi qua cãi lại, khiến Phan Phương và Di Thù đứng một bên cũng thấy bối rối, vốn là một cảnh tượng kích động khiến người ta căng thẳng nghiêm trang, lại bị quấy đảo không còn chút không khí căng thẳng nào nữa. Di Thù đành ho một tiếng, lại nâng trường thương lên nói: “Mong tướng quân thành toàn”. Phan Phương im lặng một hồi rồi mới đáp: “Đao kiếm không có mắt, công chúa cẩn thận. Có chỗ nào đắc tội, mong được lượng thứ”. Di Thù cả mừng, biết y nhận lời, vội vàng sai tùy tùng mang thương đến cho y. Hai thương đối đầu, sát khí bao trùm, đến Cát Tường Như Ý cũng ngừng đấu khẩu, cùng quay đầu lại. Như Ý bước lên, khẽ giật giật tay áo Khương Trầm Ngư nói: “Ngu cô nương chúng ta tránh ra phía sau một chút đi, cẩn thận kẻo bị thương”. Khương Trầm Ngư không ngờ hắn lại quan tâm nàng như thế, trong lòng ấm áp, vội vàng lùi về phía sau, những thị vệ khác cũng lần lượt lùi, chừa khoảng trống đủ cho hai người tỉ thí. Di Thù nói “Đắc tội rồi”, ngù đỏ như rắn nhảy lên đâm thẳng vào tim Phan Phương. Khương Trầm Ngư không hiểu võ công, vì thế chỉ cảm thấy trước mặt một màn hỗn loạn, thân thương trắng toát, tua ngù màu đỏ cùng với y phục Di Thù mặc kết thành ba dải màu, tầng tầng vây quanh Phan Phương, dần dần nuốt trọn. Bên cạnh, Như Ý nghênh ngang bình luận: “Ồ, thương pháp của công chúa Trình quốc quả nhiên xuất sắc, chiêu Linh Xà Xuất Động này rõ ràng là Trình vương đích thân truyền thụ, điêu luyện nhuần nhuyễn… A, thương này hiểm quá! Tuy nói thương pháp của Trình quốc nổi tiếng là nhanh, đánh vào chỗ không phòng bị, mấu chốt là giành được tiên cơ, nhưng hai quân giao tranh, thời cơ là then chốt nhất, chỉ tấn công nhanh thế này, ngược lại thành lỗ mãng… Nhìn kìa, tránh được rồi? Ầy, so với tốc độ của công chúa, Phan tướng quân thật là chậm, có điều lúc này lấy tĩnh chế động đúng là kế hay…”. Khương Trầm Ngư ngạc nhiên hỏi: “Tiểu công công biết võ?”. Như Ý còn chưa kịp trả lời, Cát Tường đã cười phì, nói: “Hắn đích thực biết võ công, đáng tiếc là chỉ biết nhìn rồi bình luận, chứ để hắn đích thân lên đài, tuyệt đối không làm ăn được gì đâu”. Như Ý mặt đỏ lựng, hừ một tiếng nói: “Thế thì đã làm sao? Ta thân thể cao quý, còn cần tự mình động thủ sao? Huống hồ, thực khách chỉ cần sành ăn là được rồi, đâu cần tự mình xuống bếp… A! Phan tướng quân nguy hiểm!”. Khi hắn la lên nguy hiểm, trường thương Di Thù linh động đâm vào hai mắt Phan Phương bằng một tốc độ cực kỳ nhanh, mà Phan Phương đang ở giữa không trung, không thể tránh, cũng không thể trốn, nhìn thương sắp đâm vào mắt, nhưng đúng giây cuối lại chệch đi, chỉ nghe một tiếng động khẽ, đầu thương đâm vào cánh tay trái của y. Đồng thời, y đáp xuống đất, lùi lại ba bước. Khương Trầm Ngư trong lòng lo lắng – thua rồi! Trên sân hai người bất động, ngoài sân im lặng như tờ. Như Ý trợn mắt, lộ vẻ không hiểu được. Còn Di Thù giữ nguyên động tác đâm, một lúc sau, cánh tay nhấc lên, thu hồi trường thương, nhưng thân thương và mũi thương gãy rời, đầu thương vẫn cắm trên tay Phan Phương. Nàng ta nhìn cây thương gãy của mình, tựa như si ngốc, cuối cùng ngẩng đầu nhìn Phan Phương, mãi không nói gì. Phan Phương cười nhạt: “Ta thua rồi”. Vẻ mặt Di Thù lại biến đổi, có vẻ vô cùng cổ quái, sau chót cúi đầu, thong thả nói: “Đã nhường…”, ngừng lại một lát, nói thêm một câu: “Đa tạ”, lại ngừng lại như nghĩ ngợi gì đó, ngẩng đầu lên nói: “Vết thương của tướng quân…”. Phan Phương không để tâm, đáp: “Vãn Y trở về sẽ tự biết xử lý”. Di Thù gật đầu, vứt cây thương cho thị vệ bên cạnh: “Chúng ta đi”. Cứ như vậy đi hết không còn một ai.
|
Hồi thứ mười : Bích Hợp
Sắc đêm sâu thẳm. Thân xe rung nhẹ, Cơ Anh nhìn nàng rất lâu, cuối cùng khẽ than một tiếng, lại gần đích thân lau nước mắt cho nàng. Khương Trầm Ngư không nhúc nhích. Khăn trắng thấm nước mắt, mau chóng sũng nước, Cơ Anh lau nước mắt cho nàng từng chút từng chút một, động tác nhẹ nhàng, thần tình chăm chú, giống như đang lau một thứ đồ gốm quý giá. Thế là nước mắt của nàng đã ngưng lại một cách thần kỳ. Cơ Anh mỉm cười với nàng. Khương Trầm Ngư khép chặt áo khoác, vì không thể chịu nổi mà cụp mắt nhìn xuống, lại vì không nỡ lỡ mất cơ hội được nhìn vào mắt chàng mà ép mình ngước mắt lên, cứ cúi xuống ngước lên như thế, lặp đi lặp lại, xuân thủy đã loạn, làm thế nào để bình ổn lại? May mà lúc đó, trong cơn hôn mê, Sư Tẩu vì đau đớn nên phát ra những tiếng rên rỉ mơ hồ. Khương Trầm Ngư nghiêm mặt, mọi thứ vốn đã biến mất bỗng trở lại trong ý thức của nàng, bấy giờ nàng mới nhớ ra mình đang ở đâu, đã xảy ra những chuyện gì. Nàng giơ tay vén rèm cửa sổ, phát hiện bên ngoài là một ngõ nhỏ rất vắng vẻ, hơn nữa càng đi càng hẹp, không biết thông tới nơi nào, không kìm được hỏi: “Bây giờ chúng ta đang đi đâu?”. Cơ Anh liếc về phía Sư Tẩu, “Đến nơi có thể cứu hắn”. Khương Trầm Ngư trong lòng an tâm, nỗi nghi hoặc lại nổi lên trong đầu: Tại sao công tử lại xuất hiện ở Trình quốc vào lúc này? Tại sao suốt dọc đường xe ngựa đều thông qua thuận lợi, không bị quân Trình ngăn cản? Một chuỗi sự việc xảy ra trong mấy ngày nay có liên quan đến chàng hay không, nếu có liên quan thì quan hệ lớn đến đâu? Rất muốn hỏi, nhưng… không hỏi được. Đối diện Cơ Anh, nàng biến thành một kẻ nhút nhát yếu đuối, có một số chuyện kỳ thực nàng đã lờ mờ biết được, nhưng không có dũng khí đối diện, chỉ có thể lừa mình dối người trốn tránh. Trên áo choàng còn sót lại mùi hương Phật thủ cam thoang thoảng, nàng nghĩ: Ta thật ngốc… ta là một kẻ ngốc. Bởi vì chỉ là ngồi cùng xe thế này, đã có thể khiến ta mãn nguyện đến mức bằng lòng từ bỏ tất cả – bao gồm cả chính bản thân ta. Xe ngựa chợt dừng lại, phu xe khẽ nói: “Công tử, đến rồi”. Cơ Anh “ừm” một tiếng, đưa tay mở cửa, bước ra ngoài, sau đó quay lại đỡ nàng. Khương Trầm Ngư mím môi, trong lòng không khỏi thất vọng, nàng nguyện từ bỏ tất cả, chỉ mong được ngồi cùng xe với chàng, nhưng cơ hội như thế cũng ngắn ngủi đến đáng thương. Nàng run run vịn vào tay Cơ Anh, bước xuống xe. Trước mắt là một cánh cửa màu đỏ nhỏ bé, có lẽ là cửa sau của một nhà nào đó. Phu xe lên trước gõ cửa, không lâu sau, cánh cửa cọt kẹt mở ra. Cơ Anh dẫn Khương Trầm Ngư đi vào trong, bấy giờ nàng mới phát hiện, phu xe thân thủ bất phàm kia hóa ra là Chu Long, còn người ra cửa đón thì nàng không biết. Theo người mở cửa không quen biết đó đi vòng vèo hết rẽ lại quặt một chặng đường rất dài, nàng bước vào một căn phòng nhỏ. Ánh sáng trong phòng rất tối, ánh đèn duy nhất tỏa ra từ một chiếc ghế đặt giữa nhà, trên ghế có đặt một ngọn đèn, ngoài ra không có thứ chiếu sáng nào khác. Hơn nữa, giữa lối vào và chiếc ghế còn đặt ba tấm bình phong hình chữ phẩm (品), có thể lờ mờ thấy có người sau hai tấm bình phong kia, nhưng trong cảnh tối tăm như thế, nàng không nhìn rõ là những ai. Cơ Anh dẫn Khương Trầm Ngư đến ngồi sau một tấm bình phong. Khương Trầm Ngư trải qua tôi luyện mấy tháng nay đã học được cách bình tĩnh đối mặt với biến cố, vì thế tuy lòng đầy nghi hoặc nhưng không hỏi nửa lời, im lặng ngồi trên ghế. Sau đó, đèn tắt phụt. Trong bóng tối, một giọng nói chậm rãi vang lên, mang theo ba phần trêu chọc, ba phần tùy ý, ba phần cười đùa: “Chi bằng chúng ta bốc thăm?”. Trong lòng Khương Trầm Ngư chấn động. A! Nàng nghe ra rồi, đó là giọng của Hách Dịch! Lại một giọng khác cười ha hả, nói: “Đã lâu không gặp, ngài vẫn du hí nhân gian như thế”. Giọng nói này rất lạ lẫm, hơi khàn, nhưng không khó nghe, còn mang theo vẻ quý phái bẩm sinh, xem ra là một người quen ra lệnh cho kẻ khác. Hách Dịch tiếp lời: “Sao bì được với ngài? Nếu thế nhân biết được mục đích thực sự khi tới Trình quốc lần này của ngài, e rằng đều hộc máu”. “Nói hay lắm, nói hay lắm. Nhiều nhất ta cũng chỉ là ham vui chút thôi, tuy không phải chuyện hay ho gì, nhưng so với người nào đó bị truy sát đến nỗi chỉ có thể ướt như chuột lột trốn lên thuyền địch, thì vẫn còn tốt hơn nhiều”. “Ai da, ta gặp nguy hiểm mà không hoảng loạn, hóa nguy thành an, vừa khéo chứng tỏ ta trí tuệ hơn người phúc lớn mệnh lớn, bách tính biết được sẽ càng yêu quý và kính trọng ta hơn. Nhưng người nào đó vứt bỏ con dân đi sang nước khác, mượn danh chúc thọ làm chuyện không thể cho ai biết, điều đó mới thực sự khiến bách tính thất vọng, thất vọng quá…”. Khương Trầm Ngư đã lờ mờ đoán được người kia có thể là Yên vương Chương Hoa, y và Hách Dịch đúng là kỳ phùng địch thủ, bình thường tán dương đối thủ, hễ gặp mặt là châm chọc gay gắt, đấu khẩu không thôi. Có điều, nhìn từ một góc độ khác, hai vị quân vương này có mối giao tình rất thân thiết, đến đối phương xảy ra chuyện gì đều biết rõ như lòng bàn tay còn có thể tùy ý trêu chọc vui đùa. So ra thì… Ánh mắt nàng không kìm được lướt qua Cơ Anh ngồi bên cạnh, ánh sáng lờ mờ phác họa hình bóng chàng, sống mũi chàng thẳng tắp, đường nét môi miệng rõ ràng, mày mắt tỏ tường như vẽ, chàng đẹp như thế… Nhưng lại cô đơn… như thế. Chàng có biết nói đùa với người khác không? Chàng có bị trêu chọc không? Chàng có bị đùa cợt không? Có lẽ đã từng có, vị tỉ tỉ từng đặt quân cờ vào bánh đậu xanh khiến chàng gãy hai chiếc răng, đáng tiếc năm năm trước đã xuất giá; và nữ tử tặng chàng chiếc bản chỉ khiến chàng quý trọng vô cùng, cũng đau khổ vô cùng đó, nhưng tất cả đều đã là quá khứ rồi… Công tử… công tử… công tử… của nàng… Mắt Khương Trầm Ngư lại rơm rớm, vội vàng quay mặt đi chớp mắt cho khô, không để mình thất thố lần nữa. Mà đúng lúc đó, Cơ Anh nói: “Chúng ta bàn việc chính đi”. Tiếng đấu khẩu bên ngoài lập tức dừng lại, sau một hồi im lặng, Hách Dịch cười nói: “Xem này, ta và ngài bận ôn chuyện xưa, để Kỳ Úc hầu lẻ loi, ngài ấy ghen rồi”. Đáp lại y là tiếng cười phóng khoáng, không chút kiêng dè của Chương Hoa. Khương Trầm Ngư cau mày, truyện cười này không buồn cười chút nào, rõ ràng cố ý châm chích Cơ Anh, Hách Dịch muốn làm gì? Nàng hơi giận dữ, không nhịn được quay đầu lo lắng nhìn sang Cơ Anh, nhưng sắc mặt Cơ Anh vẫn như lúc trước, không hề có vẻ giận dữ, vẫn rất bình tĩnh nói: “Trong vòng mười năm, năm cảng Quảng Độ, Hán Khẩu, Bân Dương, Hàn Cừ, La Châu đều mở hoàn toàn, cho phép Nghi quốc thiết lập Thị Bạc ti[1], tất cả thuế suất giao dịch đều giảm bảy phần”. [1] Thị Bạc ti là cơ quan chuyên quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu ở các hải cảng thời cổ ở Trung Quốc, tương đương với hải quan hiện nay. Tiếng cười của Hách Dịch biến mất. Sau đó, đến lượt Cơ Anh khẽ cười: “Điều kiện này có phù hợp với tâm tư của Nghi vương bệ hạ hơn điều kiện mỗi năm nhượng lãi ba nghìn vạn lượng mà Trình quốc tam hoàng tử đề ra hay không?”. Khương Trầm Ngư hơi kinh ngạc, Di Phi và Hách Dịch quả nhiên âm thầm giao thiệp, xem ra, Di Phi dùng món lời ba nghìn vạn lượng mỗi năm để đổi lấy sự ủng hộ của Nghi quốc, cho nên Lân Tố mới gấp rút phái quân phong tỏa phố Hoa Tân. Hách Dịch trầm ngâm rất lâu, mới lạnh nhạt đáp: “Tâm tư của ta thế nào, ngài làm sao đoán được?”. Khóe môi Cơ Anh khẽ nhếch lên, từ góc nhìn của Khương Trầm Ngư, có thể thấy ánh sáng rực rỡ trong đôi mắt chàng, đó là sự tự tin và ung dung khi nắm chắc phần thắng: “Ta không cần biết tâm tư của bệ hạ, chỉ là ra giá mà thôi”. “Từ lúc nào ngài không chỉ là dạ đế[2] của Bích quốc, mà đến Trình quốc này cũng có thể làm chủ vậy?”. [2] Dạ đế: Ông vua trong bóng tối, tức người thao túng thực sự chính trị của một nước. Khương Trầm Ngư lại cau mày lần nữa – Câu này quá là châm chọc! Nếu truyền ra ngoài, chưa nói thiên hạ chắc chắn sẽ đại loạn, Chiêu Doãn cũng tuyệt đối không bỏ qua. Tại sao Hách Dịch lại phải hại công tử như thế? Trong lòng vì thế lại thêm phần giận dữ. Cơ Anh đáp lại bằng giọng điệu lạnh nhạt hơn cả Hách Dịch: “Từ khi Trình vương trở thành khách của ta”. Lời vừa thốt ra, trong nhà vang lên tiếng thở hắt, còn Khương Trầm Ngư kinh ngạc đến mức suýt chút nữa đứng bật dậy – Minh Cung không phải bị Di Phi đưa đi rồi sao? Sao lại rơi vào tay công tử? Chẳng lẽ là… Chẳng lẽ là… Một đáp án từ từ trồi lên khỏi mặt nước.. . Chủ nhân thực sự của Giang Vãn Y không phải là Chiêu Doãn, mà là… Cơ Anh.
|