Fingersmith (Kẻ Móc Túi)
|
|
Rồi bà rời khỏi. Bà đi rất nhẹ nhàng, nhưng tại cửa bà dừng lại, để đưa tay đến xâu chìa khoá. Tôi thấy điều đó, lạnh cả người, vì trong thoáng chốc, trông bà hoàn toàn giống hệt một kẻ cai ngục. Tôi nói trước cả khi có thể tự dừng mình lại:
“Bà không định khoá tôi lại đấy chứ?”
“Khoá cô lại hả?” Bà cau mày. “Tại sao lại phải làm vậy?”
Tôi nói không biết. Bà nhìn tôi thật thận trọng, rụt cằm lại, rồi đóng cửa, để tôi lại một mình.
Tôi đưa ngón cái lên, và nghĩ, khỉ thật!
Rồi tôi ngồi lên giường. Nó cứng. Không biết liệu tấm trải và chăn có được thay chưa kể từ lúc cô hầu gái trước rời khỏi vì bệnh tinh hồng nhiệt. Quá tối để nhận biết. Bà Stiles đã mang đèn đi, tôi đặt cây nến của mình xuống phải một chỗ có gió lùa. Ngọn lửa phập phồng, tạo những cái bóng đen khổng lồ. Tôi tháo áo khoác, nhưng vẫn giữ nó choàng quanh vai. Tôi đau nhức bởi cái lạnh và chuyến đi. Chỗ thịt bằm tôi đã ăn là quá muộn – nó nằm yên trong bao tử tôi mà sưng sỉa. Đã mười giờ. Ở nhà, chúng tôi cười vào mặt những người đi ngủ trước nửa đêm.
Tôi nghĩ, có khi mình cũng đang ở trong ngục. Một cái ngục có khi còn sinh động hơn. Ở đây, chỉ có sự tĩnh lặng kinh hồn. Bạn lắng nghe, và điều đó khiến bạn nao núng. Khi đứng dậy đi đến cửa sổ để nhìn ra ngoài, bạn suýt ngất xỉu khi trông thấy mình đang ở cao đến thế nào, và sân, chuồng ngựa tối đến thế nào, vùng đất bên dưới yên lặng ra sao.
Tôi nhớ đến ánh nến lập loè mình đã trông thấy khi đi cùng William Inker. Không biết đó là ánh sáng phát ra từ căn phòng nào.
Tôi mở va li, nhìn tất cả các thứ mang theo cùng từ phố Lant – nhưng rồi, chẳng có thứ gì trong đó thực sự là của tôi cả. Chỉ có chỗ váy lót, áo lót mà Gentleman bắt tôi mang theo. Tôi cởi váy đầm, giữ trước mặt trong một giây. Chiếc đầm cũng chẳng phải của tôi. Nhưng tôi trông thấy những đường may của Dainty làm, bèn ngửi nó. Tôi nghĩ cây kim của con bé đã để lại mùi, mùi da chó của John Vroom.
Tôi nghĩ đến món súp bà Sucksby sẽ làm từ xương của chiếc đầu lợn đó. Và thật lạ lùng hết sức khi hình dung tất cả họ ngồi ăn món ấy, có lẽ vừa ăn vừa nghĩ đến tôi, hoặc nghĩ đến cái gì đó hoàn toàn khác.
Cứ tưởng tượng, nếu tôi là kiểu con gái hay khóc, thì lúc này tôi đã khóc mất rồi.
Nhưng tôi chưa bao giờ là cô gái mau nước mắt. Tôi thay vào chiếc đầm ngủ, khoác áo choàng trở lại bên trên đầm ngủ, đứng trong đôi vớ dài và giày đã cởi nút. Tôi nhìn cánh cửa đóng nơi đầu giường cùng lỗ khoá trên đó. Không biết Maud có chìa khoá để mở ở bên đó không. Tôi tự hỏi mình sẽ thấy gì, nếu đi đến và cúi xuống nhìn – có ai nghĩ đến một việc như vậy mà lại không làm? Nhưng khi rón rén trên đầu ngón chân để đi lại, cúi xuống ổ khoá, tôi trông thấy một ánh sáng lờ mờ, một chiếc bóng – không thấy được gì rõ hơn, không chút dấu hiệu của một cô gái – đang ngủ, đang thức hoặc bồn chồn, không gì hết.
Dù vậy, không biết có phải tôi đã nghe tiếng cô ấy thở hay không. Tôi đứng thẳng dậy, ghìm hơi thở, áp sát tai vào cánh cửa. Tôi nghe tiếng tim mình đập, tiếng máu mình kêu thét. Tôi nghe một âm thanh nhỏ, chắc, hẳn là tiếng bò trườn của một con sâu hoặc bọ bên trong lần gỗ.
Ngoài ra, chẳng còn gì – dù tôi đã lắng nghe suốt một phút, có lẽ đến hai phút. Rồi tôi bỏ cuộc. Tôi cởi giày, tất nịt, nằm lên giường. Các tấm trải lạnh ngắt, cảm giác hơi ẩm ướt như bột nhào. Tôi kéo áo khoác lên trên đồ ngủ – để có thêm chút hơi ấm, và cũng để có thể nhanh chóng tóm lấy, phòng khi có ai đến trong đêm và tôi muốn bỏ chạy. Ai mà biết được. Tôi để chiếc nến cháy. Nếu ông Way có than phiền rằng sáp dư ít đi một mẩu, thì đành chịu vậy. Cả một tay trộm cũng có điểm yếu chứ. Những chiếc bóng vẫn đang nhảy múa. Những tấm trải giường vẫn lạnh. Đồng hồ lớn báo mười giờ rưỡi. Rồi mười một giờ. Mười một rưỡi. Mười hai giờ. Tôi nằm run, lòng hoàn toàn tha thiết muốn có bà Sucksby… phố Lant… nhà.
Một vài ghi chú cho chương 2
eau-de-Cologne: một loại nước hoa nhẹ của Pháp. Đoạn Inker chở Sue đến Briar có chút không thống nhất trong xưng hô (edit bị sót). Đoạn Sue ở trên tàu lửa, con chim bạch yến nên bị nhốt trong "lồng", thay vì "chuồng" (edit bị sót). Đoạn áp chót: "chắc hẳn" thay vì "chắc, hẳn" (vẫn là edit bị sót).
|
lần một gã kề dao vào yết hầu ông Ibbs, càm ràm sự chậm trễ khi phá còng. Cho nên khi nghe Margaret gõ cửa lúc này, tôi ngồi dậy khỏi giường, kêu lớn, “Rồi! Chờ đó!” – Tôi có ý nói người kia chờ, dù người kia là ai thì tôi không biết, và hẳn Margaret cũng không biết. Cô ta ló mặt qua cánh cửa, thì thào, “Cô gọi đấy hả?” Cô ta mang cho tôi một bình nước ấm, đánh lửa trong lò, lấy cái bô tiểu đêm dưới giường, trút hết vào xô chất thải, chùi sạch bằng một miếng vải ướt mắc nơi tạp dề.
Ở nhà, tôi từng rửa các bô tiểu đêm. Bây giờ, trông thấy Margaret đổ nước tiểu của mình vào xô, tôi không chắc mình thích việc đó. Nhưng tôi nói, “Cảm ơn, Margaret,” rồi ước giá mình chưa nói vậy, vì khi nghe thấy, cô ta hất đầu, như thể muốn nói, rằng tôi nghĩ mình là ai mà cảm ơn?
Người giúp việc. Cô ta nói tôi nên nhận bữa sáng ở phòng bà Stiles. Rồi quay đi, để tôi lại – có nhìn sơ qua, tôi nghĩ vậy, về phía quần áo, giày cùng chiếc va li đang mở của tôi trên đường đi.
Tôi chờ ngọn lửa bén, mới đứng dậy mặc áo. Trời quá lạnh để lau rửa. Áo váy của tôi nhớp nháp. Khi kéo tấm màn cửa sổ, để ánh sáng ban ngày ùa vào, tôi thấy – thứ mà đêm trước tôi chưa thể thấy khi dùng nến – trần nhà vằn vện các dải ướt nâu, và gỗ ở các vách tường bị vấy những vệt bẩn trắng.
Từ căn phòng sát bên có tiếng người khe khẽ. Tôi nghe Margaret nói, “Vâng, thưa cô.” Rồi có tiếng đóng cửa.
Rồi yên lặng. Tôi xuống nhà nhận bữa sáng. Ban đầu thì lạc đường giữa các lối đi tối ở chân cầu thang dành cho người giúp việc, thấy mình đang đứng trong khoảnh sân có nhà xí. Cái nhà xí đó, giờ tôi mới thấy, được bao quanh bởi cây tầm ma, những viên gạch trong sân đã bị cỏ làm cho nứt vỡ. Các bức tường của ngôi nhà có dây thường xuân bám, vài khung cửa sổ cần phải có bệ. Rốt cuộc, Gentleman nói đúng, về việc ngôi nhà chẳng đáng để khoắng. Anh ta cũng đúng về những người giúp việc. Khi cuối cùng cũng tìm thấy phòng của bà Stiles, tôi gặp một người đàn ông ở đó, mặc quần ống túm và vớ lụa đen, đầu đội tóc giả có rắc phấn. Đó là ông Way. Ông ấy làm người phục dịch cho ngài Lilly đã bốn mươi lăm năm, ông ấy nói vậy, và trông giống như vậy thật. Khi một cô gái mang bữa sáng tới, ông ấy được phục vụ trước. Giăm bông, một quả trứng, cùng một cốc bia. Ở đây họ uống bia trong tất cả các bữa ăn. Có hẳn cả một phòng để ủ. Thế đấy, người ta cứ nói dân Luân Đôn mới nhậu nhẹt tuý luý!
Ngài Way gần như chẳng nói lời nào với tôi, nhưng trò chuyện với bà Stiles về công việc trong nhà. Ông hỏi thăm gia đình mà tôi vừa rời khỏi. Khi tôi kể với ông, về gia đình Dunraven, ở phố Whelk, Mayfair, ông gật đầu, tỏ vẻ hiểu biết, nói rằng có lẽ mình biết người đó. Điều đó cho thấy ông là một gã bịp bợm thế nào.
Lúc bảy giờ ông rời đi. Bà Stiles không rời bàn cho đến khi ông đứng dậy. Khi đứng dậy thì bà nói,
“Cô sẽ vui nếu được biết, cô Smith, rằng tối qua cô Maud ngủ ngon.”
Tôi không biết nói gì để đáp lại điều đó. Nhưng bà nói tiếp:
“Cô Maud dậy sớm. Cô ấy yêu cầu dẫn cô đến gặp. Cô có muốn rửa tay trước khi đi lên không? Cô Maud cũng giống bác cô ấy, rất tỉ mỉ.”
Tay tôi có vẻ đủ sạch đối với tôi, nhưng tôi vẫn rửa, trong một cái bồn đá bà có nơi góc phòng.
Tôi cảm nhận được chỗ bia mình đã uống, và ước rằng mình đã không uống. Tôi ước giá như mình đã dùng nhà xí khi đi ngang nó trong sân. Tôi dám chắc mình sẽ không bao giờ tìm đường đến đó được nữa.
Tôi cảm thấy lo.
Bà dẫn tôi đi. Như lúc trước, chúng tôi dùng cầu thang cho người giúp việc, nhưng rồi tiến vào lối đi xinh đẹp hơn dẫn đến một trong hai cánh cửa. Tại đây, bà gõ cửa. Tôi không nghe rõ câu trả lời vọng ra, nhưng đoán là bà nghe được. Bà đứng thẳng người, xoay nắm cửa bằng thép, dẫn tôi vào.
Căn phòng khá tối, tựa tất cả những căn phòng khác ở đây. Các bức tường đều được ốp một loại gỗ đen lâu năm, còn sàn – để trơn, ngoại trừ hai chiếc thảm Thổ Nhĩ Kỳ nhỏ mòn vẹt vài chỗ – cũng màu đen. Có vài chiếc bàn to nặng để rải rác, một hai ghế sô pha cứng. Có một bức vẽ một ngọn đồi màu nâu, một bình đầy lá khô cùng một con rắn chết trong cái chuồng thuỷ tinh – đang ngậm một quả trứng trắng trong miệng. Những ô cửa sổ cho thấy nền trời xám, những nhành cây trần trụi, ẩm ướt. Các bệ cửa sổ nhỏ, được dát chì, rung lách cách trong khung.
Có một chút lửa kêu lèo xèo trong vỉ lò cũ to tướng, và phía trước nó, đang đứng nhìn vào ngọn lửa yếu ớt cùng đám khói, nhưng xoay lại khi nghe tiếng chân của tôi, ngạc nhiên, chớp mắt – là cô Maud Lilly, cô chủ của ngôi nhà, nhân vật chính cho vở diễn được dàn xếp của chúng tôi.
Từ tất cả những gì Gentleman đã kể, tôi ngỡ cô ấy phải đẹp một cách khác thường. Nhưng cô ấy không phải như vậy – ít ra, tôi không nghĩ vậy khi quan sát cô ấy. Tôi cho là cô ấy trông khá thường. Cô ấy cao hơn tôi chừng một hay hai phân – có nghĩa là, chiều cao bình thường, vì tôi nhỏ con. Tóc cô ấy đẹp hơn tôi – nhưng không đẹp lắm. Còn mắt, màu nâu nhạt hơn. Môi, má cô ấy đầy đặn và mịn màng – điểm này thì ăn đứt tôi, phải thừa nhận như vậy. Tôi thì thích cắn môi, má có tàn nhang, còn đường nét trên mặt thường được cho là sắc sảo. Người ta cũng cho rằng tôi trông trẻ hơn tuổi, nhưng về mặt này – chà, tôi muốn những người nghĩ như vậy được săm soi cô Maud Lilly khi lúc này, cô ấy đang đứng trước mặt tôi. Vì nếu tôi trẻ, thì cô ấy chắc phải là đứa bé sơ sinh, một bé gà con, một chú bồ câu chẳng biết gì. Cô ấy thấy tôi đến, giật mình, như tôi đã kể, rồi bước một hai bước đến gần tôi, đôi má trắng trẻo ửng đỏ lên. Cô ấy ngừng lại, đặt tay ra phía trước, thật gọn gàng, trên chiếc váy. Chiếc váy – tôi chưa bao giờ thấy một thứ như vậy trước đây, trên người một cô gái lứa tuổi này – nó phồng, ngắn, để lộ mắt cá chân. Quanh eo cô ta – thon một cách đáng ngạc nhiên – có một dải khăn buộc. Tóc được túm trong chiếc mạng nhung. Chân mang giày đi trong nhà, màu đỏ mận. Tay đeo găng trắng sạch sẽ, cài nút chặt nơi cổ tay. Cô ta nói,
“Cô Smith. Cô là Susan Smith, đúng không? Cô từ Luân Đôn đến, để làm hầu gái cho tôi! Tôi gọi cô là Susan được chứ? Tôi hy vọng cô sẽ thích cuộc sống ở Briar, Susan, và hy vọng cô sẽ thích tôi. Nơi đây hay tôi thì cũng không có nhiều điều để thích. Tôi nghĩ cô sẽ làm được rất dễ dàng – thật sự, rất dễ dàng.”
Cô ấy nói bằng chất giọng nhẹ nhàng, ngọt ngào, ngập ngừng, hơi nghiêng đầu, dường chẳng nhìn sang tôi, má vẫn hơi đỏ. Tôi nói, “Tôi chắc chắn mình sẽ thích cô, thưa cô.” Rồi nhớ đến tất cả những việc đã học ở phố Lant, tôi cầm chặt váy, nhún người chào. Khi tôi vươn người dậy, cô ấy mỉm cười, tiến lại cầm tay tôi.
Cô ấy nhìn bà Stiles, người vẫn đứng phía sau tôi, nơi cửa.
“Bà không cần ở lại, bà Stiles,” cô ta dịu dàng nói. “Nhưng tôi biết, bà sẽ đối xử tốt với cô Smith.” Cô ta nhìn vào mắt tôi. “Có lẽ cô đã được nghe, rằng tôi mồ côi, Susan, giống như cô. Tôi đến Briar khi còn bé, rất nhỏ, chẳng hề có ai chăm sóc cho tôi. Tôi không thể nói hết với cô những gì bà Stiles đã làm từ dạo đó để tôi được biết đến tình yêu của một người mẹ.”
Cô ta mỉm cười, nghiêng đầu. Bà Stiles không nhìn vào mắt cô chủ, nhưng chút màu hồng vẫn xoay sở hiện lên trên má, mi mắt bà chớp chớp. Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ bà là kiểu người mang thiên hướng mẫu tử, nhưng những người giúp việc dần dà sẽ cảm những kẻ tai to mặt lớn mà họ phục dịch, giống như chó dần dà sẽ thích những kẻ hay ức hiếp. Bạn cứ tin tôi về việc này.
Dù sao, bà chớp mắt, ra vẻ nhã nhặn thêm một phút, rồi rời đi. Maud lại mỉm cười, dẫn tôi đến một chiếc ghế sô pha có lưng tựa, gần ngọn lửa. Cô ấy ngồi cạnh tôi, hỏi thăm về chuyến đi, “Chúng tôi ngỡ cô bị lạc!” Cô ấy nói, hỏi thăm căn phòng của tôi. Tôi có thích chiếc giường không? Có thích bữa sáng không?
“Và có thật là cô,” cô ấy nói, “đến từ Luân Đôn?” Đó là tất cả những gì người ta hỏi tôi, kể từ lúc tôi rời phố Lant – như thể tôi đến được từ nơi nào khác vậy! Nhưng, tôi nghĩ cô ấy hỏi theo một cách khác: không phải kiểu cách há hốc ngạc nhiên quê mùa, mà là phong thái chú tâm, khao khát – tựa hồ Luân Đôn là một nơi đặc biệt, và cô ấy mong mỏi được nghe về nó.
Tất nhiên, tôi nghĩ mình biết tại sao lại như vậy.
Tiếp theo, cô ấy nói với tôi tất cả các nhiệm vụ cần phải thực hiện, trong thời gian làm hầu gái cho cô ấy. Chính yếu cho việc này, như tôi cũng đã biết, là ngồi bầu bạn với cô ấy, cùng đi dạo quanh công viên, sắp xếp áo váy. Cô ấy hạ thấp ánh nhìn.
“Cô sẽ thấy rằng ở đây, Briar, chúng tôi khá lạc mốt,” cô ấy nói. “Tôi nghĩ, việc đó không phiền hà lắm, vì chúng tôi có rất ít khách viếng thăm. Bác của tôi chỉ thích trông thấy tôi gọn gàng. Nhưng cô, hẳn nhiên, chắc đã quen với các phong cách tuyệt vời của Luân Đôn.”
Tôi nghĩ đến tóc của Dainty, da chó của John. “Rất quen,” tôi nói.
“Cô chủ trước của cô,” cô ấy nói tiếp, “cô ấy có phải một quý cô thanh nhã không? Tôi đoán, nếu trông thấy tôi chắc cô ấy sẽ bật cười!”
Cô ấy càng đỏ mặt hơn khi nói điều đó, và lại nhìn tôi. Một lần nữa, tôi nghĩ, “Cô đúng là bồ câu!”
Nhưng điều tôi nói ra là, cô Alice – cô chủ mà Gentleman đã dựng lên cho tôi – quá tốt bụng để cười cợt bất kỳ ai, đồng thời cũng biết rằng quần là áo lượt chẳng có ý nghĩa gì, vì con người bên trong bộ áo đó mới đáng để xem xét. Xét cho kỹ, tôi nghĩ, đó là một phát biểu rất thông minh. Cô ấy có lẽ cũng nghĩ vậy, vì khi tôi nói, cô ấy nhìn tôi theo một cách khác, không đỏ mặt nữa. Rồi lại nắm tay tôi, nói,
“Tôi nghĩ, cô là một cô gái tốt, Susan.”
Tôi đáp, “Cô Alice luôn nói vậy, thưa cô.”
Rồi tôi nhớ đến nhân vật Gentleman đã vẽ cho mình, nghĩ đây chính là lúc để diễn nó. Tôi lấy lá thư từ trong túi đưa ra. Cô ấy đứng dậy, gỡ sáp niêm phong, đi đến bên cửa sổ để đưa tờ giấy đến chỗ sáng. Cô ấy đứng một lúc lâu, nhìn những dòng chữ cong cong, một lần khẽ liếc nhìn tôi. Lúc đó, tim tôi đập hơi nhanh khi nghĩ rằng có thể cô ấy đã để ý được điều gì đó khả nghi. Nhưng không phải vậy, vì cuối cùng tôi trông thấy bàn tay cầm lá thư của cô ấy run rẩy. Tôi đoán cô ấy cũng chẳng biết nhiều hơn tôi về việc một nhân vật đàng hoàng thì thế nào, và đang suy tính nên nói điều gì.
Tôi thiếu điều cho đó là một nỗi xấu hổ, cứ nghĩ đi, cô ấy đâu có mẹ.
“Chà,” cô ấy gấp lá thư lại rất nhỏ, đặt vào túi của mình, “Cô Alice quả thật nói rất tốt về cô. Hẳn cô phải rất tiếc khi rời ngôi nhà đó.”
“Rất tiếc, thưa cô,” tôi nói. “Nhưng cô thấy đấy, cô Alice sẽ đến Ấn Độ. Mặt trời ở đó chắc là rất khủng khiếp.”
Cô ấy mỉm cười. “Cô sẽ thích bầu trời xám của Briar hơn sao? Cô biết không, ở đây mặt trời không bao giờ chiếu sáng. Chú của tôi cấm việc đó. Ánh sáng mạnh, cô biết đấy, sẽ làm phai màu mực in.”
Cô ấy bật cười, để lộ những chiếc răng nhỏ rất trắng. Tôi cười, nhưng giữ môi mình khép chặt – vì răng của tôi, đã ố vàng, khiến tôi e ngại phải nói rằng chúng đã ngả màu. Trông thấy răng của cô ấy khiến tôi tưởng tượng răng mình càng vàng hơn.
|
Cô ấy nói, “Cô biết chú tôi là một học giả chứ, Susan?”
Tôi đáp, “Tôi đã được nghe nói, thưa cô.”
“Ông có một cái thư viện khổng lồ. Cái thư viện lớn nhất, trong số các thư viện cùng loại, trên toàn nước Anh. Tôi dám nói cô sẽ sớm được thấy nó.”
“Đó sẽ là một dịp thú vị, thưa cô, chắc chắn là vậy.”
Cô ấy lại mỉm cười. “Hẳn nhiên, chắc cô thích đọc?”
Tôi nuốt nước bọt. “Đọc sao, thưa cô?” Cô ấy gật đầu, chờ đợi. “Thích lắm,” cuối cùng tôi nói. “Đó là, tôi bảo đảm mình sẽ thích, nếu từng được động tới sách hoặc giấy tờ. Ý của tôi là” – tôi ho – “nếu tôi được cho xem.”
Cô ấy tròn mắt.
“Để học, ý tôi là vậy,” tôi nói.
Cô ấy lại càng tròn mắt hơn. Sau đó, là tiếng cười ngắn, kiểu như không tin. “Cô đang nói đùa,” cô ấy nói. “Không phải cô có ý, là cô không đọc được đấy chứ? Thật không vậy? Không đọc được chữ, không đọc được thư từ?” Nụ cười của cô ấy chuyển thành cái cau mày. Đằng sau cô ấy có một chiếc bàn nhỏ, bên trên có sách. Vẫn nửa cười, nửa nhíu mày, cô ấy cầm quyển sách lên, đưa cho tôi. “Nào,” cô ấy nói thật tử tế. “Tôi nghĩ cô đang khiêm tốn. Đọc cho tôi nghe một đoạn bất kỳ, vấp váp chút đỉnh cũng không sao.”
Tôi cầm quyển sách, không nói gì, nhưng bắt đầu toát mồ hôi. Tôi mở ra, nhìn vào một trang. Đầy rẫy các dòng in khin khít màu đen. Tôi thử một trang khác. Còn tệ hơn. Tôi cảm nhận được ánh nhìn chăm chú của Maud, chẳng khác gì lửa trên khuôn mặt nóng bừng của tôi. Tôi cảm nhận được sự yên lặng. Mặt tôi càng nóng hơn. Thử vận may đi thôi, tôi nghĩ.
“Cha của chúng ta,” tôi cố gắng, “nghệ thuật nào trên thiên đường–”
Nhưng rồi, tôi quên mất phần còn lại. Tôi đóng sách, cắn môi, nhìn xuống sàn. Tôi nghĩ, đầy cay đắng, “Hỡi ôi, tất cả kế hoạch của chúng ta thế là kết thúc ở đây. Cô ta sẽ không muốn có hầu gái không đọc được sách, không viết được những lá thư hoa hoè bằng nét chữ cong cong!” Tôi ngước nhìn cô ấy, nói,
“Xin hãy dạy cho tôi, thưa cô. Tôi rất tình nguyện. Tôi chắc chắn mình có thể học được, chỉ một loáng thôi–”
Nhưng cô ấy lắc đầu, biểu hiện trên mặt rất lạ.
“Dạy à?” Cô ấy đến gần, nhẹ nhàng lấy lại quyển sách. “Ôi, không! Không, không, tôi không thể cho phép. Không biết đọc! À, Susan, nếu cô sống trong căn nhà này, là cháu gái của chú tôi, thì cô sẽ biết điều đó nghĩa là gì. Thật đấy, cô sẽ biết!”
Cô ấy mỉm cười. Và trong lúc cô ấy vẫn nhìn vào mắt tôi, vẫn mỉm cười, có tiếng gõ chậm, nặng nề của chiếc chuông lớn, kêu tám lần. Nụ cười của cô ấy tan mất.
“Bây giờ,” cô ấy quay đi, “tôi phải đến chỗ ngài Lilly. Khi đồng hồ báo một giờ tôi sẽ lại được tự do.”
Cô ấy nói vậy – nghe có vẻ, tôi nghĩ, hệt như một cô gái trong truyện kể. Chẳng phải là có những câu chuyện với các cô gái có những ông bác có ma lực – pháp sư, quái vật, hầm-bà-lằng? Cô ấy nói,
“Hãy đến gặp tôi, Susan, tại buồng của bác tôi, lúc một giờ.”
“Vâng, thưa cô,” tôi nói.
Lúc này, cô ấy đang nhìn quanh, theo một cách khá lơ đãng. Có một cái gương bên trên lò lửa. Cô ấy đi lại đó, đưa đôi tay đeo găng lên mặt, rồi cổ áo. Tôi quan sát cô ấy nghiêng người. Chiếc đầm ngắn của cô ấy nhấc lên phía sau, để lộ hai bắp chân.
Cô ấy bắt gặp ánh mắt tôi trong gương. Tôi nhún người chào một cái nữa.
“Tôi có nên đi không, thưa cô?” Tôi nói.
Cô ấy bước lùi. “Ở lại đi,” cô ấy vẫy tay, “và sắp xếp các phòng của tôi, được chứ?”
Cô ấy đi ra cửa. Tuy nhiên, đến tay nắm cửa, thì dừng lại. Cô ấy nói,
“Tôi hy vọng cô sẽ hạnh phúc ở đây, Susan.” Giờ cô ấy lại đỏ mặt lần nữa. Má của tôi, khi tôi trông thấy điều đó, thì lại lạnh. “Tôi hy vọng dì của cô ở Luân Đôn sẽ không quá thương nhớ cô. Đó là một người dì, đúng không, như ngài Rivers đã nói?” Cô ấy hạ thấp ánh nhìn. “Tôi hy vọng khi cô gặp, thì ngài Rivers vẫn khoẻ?”
Cô ấy hạ giọng ở lời hỏi, như thể nó chẳng là gì cả. Tôi biết những gã lừa đảo làm điều tương tự, bỏ một đồng shi-ling tốt vào một đống tiền giả, để khiến tất cả chỗ đồng xu có vẻ trung thực. Như thể cô ấy thèm màng đến tôi và dì vậy!
Tôi nói, “Ngài ấy rất khoẻ, thưa cô. Ngài ấy gửi lời chúc đến cô.”
Lúc này cô ấy đã mở cửa, nửa người đã khuất phía sau. “Có thật ngài ấy làm vậy không?” Cô ấy hỏi.
“Thật, thưa cô.”
Cô ấy tựa nơi chân mày vào cánh cửa gỗ. “Tôi nghĩ ngài ấy thật tốt bụng,” giọng nói thật nhẹ nhàng.
Tôi nhớ lúc anh ta ngồi chồm chỗm ở một bên chiếc ghế trong căn bếp, bàn tay lần lên cao bên dưới những lần áo lót, miệng nói Con ả đáng yêu.
“Tôi chắc chắn là ngài ấy rất tốt bụng, thưa cô,” tôi nói.
Rồi, từ đâu đó trong căn nhà vọng đến tiếng lanh canh gấp gáp, cáu kỉnh từ một chiếc chuông cầm tay nhỏ, và, “Bác tôi đấy!” Cô ấy kêu lên, nhìn qua vai. Cô ấy quay người chạy, để mặc cánh cửa chỉ mới đóng phân nửa. Tôi nghe tiếng giày đi trong nhà của cô ấy vỗ xuống sàn, tiếng kẽo kẹt của thang khi cô ấy xuống.
Tôi chờ một giây, rồi bước đến cánh cửa, đặt chân lên, đá nó đóng lại. Tôi đi đến lò lửa, hơ tay. Tôi không nghĩ mình đã được thật ấm áp kể từ lúc rời phố Lant. Tôi ngẩng đầu, trông thấy tấm kính mà cô Maud đã nhìn vào, bèn vươn người, nhìn chăm chăm vào chính gương mặt mình – vào răng và chiếc má lấm tấm tàn nhang. Tôi đưa lưỡi mình ra. Rồi tôi xoa tay, cười khẩy. Cô ấy hệt như những gì Gentleman đã cam đoan, và rõ ràng là đã yêu anh ta chết mê chết mệt. Ba ngàn bảng kia xem như đã đếm xong, gói ghém, ghi tên tôi bên trên. Vị bác sĩ đã đứng sẵn sàng với một cái áo cho người điên tại cửa nhà thương điên.
Đó là những gì tôi nghĩ, sau khi gặp cô ấy.
Nhưng tôi nghĩ theo một cách bất mãn, và tiếng cười khẩy, phải thừa nhận, là khá miễn cưỡng. Tuy vậy, tôi không thể nói rõ vì sao. Tôi đoán hẳn do sự ảm đạm – bởi căn nhà có vẻ tối, tĩnh lặng hơn bao giờ hết, khi giờ đây cô ấy đã đi mất. Chỉ còn tiếng rơi của tro trong vỉ lò, tiếng va đập lạch cạch của những khung kính. Tôi đi đến cửa sổ. Trận gió lùa thật khủng khiếp. Có những bao cát đỏ nhỏ đặt bên trên ngưỡng cửa để ngăn gió, nhưng vẫn không hiệu quả. Tất cả chúng đã ướt, và bị mốc. Tôi đặt tay lên một bao, khi nhấc lên thì tay đã dính màu xanh lục. Tôi đứng run, nhìn quang cảnh – nếu có thể gọi đó là quang cảnh, chỉ rặt cỏ và cây. Vài con chim đen bắt sâu trên trảng cỏ. Không biết Luân Đôn ở hướng nào.
Tôi ao ước tột cùng được nghe tiếng khóc của một đứa trẻ, hoặc của cô em gái ông Ibbs. Tôi sẵn sàng mất năm bảng để có một gói đồ trộm được hoặc ít đồng xu xấu để làm bẩn đi.
Rồi tôi nghĩ đến điều khác. Sắp xếp các phòng của tôi, Maud đã nói vậy. Đây mới chỉ là một phòng, chắc là phòng khách. Vậy là ở đâu đó còn có phòng khác nữa, nơi cô ấy ngủ trên giường. Xem nào, các bức tường trong căn nhà thảy đều ốp gỗ sồi đen, nhìn rất u ám và rối rắm, vì các cửa được làm rất khít với khung, không thể nhận ra được. Nhưng tôi nhìn thật kỹ, và trên bức tường đối diện nơi đang đứng, tôi trông thấy một cái kẽ, rồi tay nắm. Hình dạng một cánh cửa hiện lên trước mắt tôi, rõ như ban ngày.
Đó là cửa đến phòng ngủ của cô ấy, đúng như tôi đoán. Và tất nhiên, bên trong căn phòng này có một cánh cửa khác nữa. Đó là cửa sang phòng của tôi, nơi đêm trước tôi đã đứng lắng nghe tiếng cô ấy thở. Bây giờ, điều đó có vẻ thật ngốc nghếch khi tôi đã trông thấy được các thứ phía bên này. Chỉ là một căn phòng thông thường của các quý cô – không khổng lồ, nhưng đủ lớn, thoảng một mùi hương nhẹ, một chiếc giường có bốn cột trụ cao với màn che và vòm bằng vải bố cũ. Tôi không dám chắc việc ngủ trên chiếc giường như thế có làm mình nhảy mũi hay không. Cứ nghĩ xem, tất cả những bụi bặm, ruồi chết lẫn nhện hẳn phải tụ tập phía trên vòm, như thể đã chín chục năm không được tháo xuống. Giường đã được dọn gọn gàng, nhưng một chiếc đầm ngủ nằm trên đó – tôi gấp nó lại, đặt dưới gối. Có một hay hai sợi tóc ở đó, tôi cầm lấy, mang đến lò sưởi. Làm hầu gái rõ mệt. Bên trên thân lò là chiếc gương soi to trông có vẻ cũ kỹ, có những đường vân như cẩm thạch, màu bạc và xám. Phía kia là một tủ đứng nhỏ, được chạm khắc đầy hoa, nho, khá đen màu véc ni, lác đác vài đường nứt. Tôi dám nói vào ngày thứ này được làm ra, các quý cô cũng chẳng mặc gì trên người ngoài lá cây, vì lúc này khi chỉ chứa sáu hay bảy chiếc đầm nhẹ đặt thờ ơ bên trên, mấy cái kệ đã rên ư ử. Có một ngăn để váy phồng, cánh cửa phía đó không thể khép chặt được. Thấy điều này, tôi lại nghĩ đến việc Maud không có mẹ, thật đáng hổ thẹn. Bà ấy chắc chắn sẽ đào thải những thứ đồ cổ thế này và tìm cho con gái thứ gì đó hợp thời, thanh nhã hơn.
Nhưng một điều mà việc kinh doanh của chúng tôi ở phố Lant sẽ dạy bạn, đó là cách quản lý đúng đắn những món hàng chất lượng. Tôi gom những chiếc đầm – đều kỳ quặc, ngắn, trẻ con như nhau – giũ chúng ra, rồi đặt lại tươm tất trên kệ. Rồi tôi chêm một chiếc giày vào cái váy phồng để giữ nó thẳng thớm. Sau đó, cánh cửa đóng lại, như nó phải thế. Tủ đứng được đặt ở một hốc tường. Ở góc khác là bàn trang điểm. Nó vương vãi đầy chai lọ và ghim – tôi dọn sạch cả chỗ này – và bên dưới có các ngăn kéo được trang trí. Tôi mở chúng ra. Chúng đựng – chà, thật thú vị. Đều là găng tay. Nhiều hơn cả của một người làm phục trang phụ nữ. Ngăn trên cùng, là găng trắng, găng lụa đen ở ngăn giữa, dưới cùng là găng hở ngón.
Mỗi chiếc trong số chúng đều được ký hiệu bên trong cổ tay bằng chỉ đỏ, tôi đoán là chữ cái viết tên của Maud. Tôi sẽ thích được xử lý chúng, với kéo và một cái ghim.
Hẳn nhiên, tôi không làm vậy, chỉ để nguyên chỗ găng tay nằm gọn gàng ở đó, đi quanh căn phòng một lần nữa đến khi đã chạm, săm soi tất cả. Không nhiều nhặn gì để quan sát, nhưng có một thứ lạ lùng nữa: một chiếc hộp gỗ nhỏ, khảm ngà, được đặt trên bàn cạnh giường cô ấy.
Chiếc hộp bị khoá, khi tôi cầm lên, nó phát ra tiếng loạt soạt tẻ nhạt. Chẳng có chiếc chìa nào sẵn đó, chắc là cô ấy giữ chìa đâu đó trên người, bằng một vòng dây chẳng hạn. Tuy nhiên, ổ khoá khá đơn giản, với ổ khoá kiểu này chỉ việc đưa miếng kim loại vào là chúng sẽ tự mở ra, hệt như đưa nước mặn cho con hàu. Tôi dùng một cái kẹp tóc của cô ấy.
Gỗ hoá ra được viền bằng vải nhung có lông dài. Bản lề làm bằng bạc, được bôi dầu để không phát lên tiếng rít. Tôi không chắc mình trông chờ tìm thấy cái gì trong đó – có lẽ, là thứ gì đó từ Gentleman, lời nhắn yêu đương tán tỉnh, hoặc thư từ gì đó. Nhưng thứ bên trong, chỉ là một bức chân dung thu nhỏ, khung bằng vàng được đính một chiếc nơ phai màu, ảnh một cô gái trắng trẻo, mái tóc thật đẹp. Đôi mắt hiền hoà. Cô gái mặc trang phục theo phong cách của hai mươi năm trước, và chiếc khung đã cũ. Cô gái trông không giống Maud lắm, nhưng tôi nghĩ có thể đoan chắc đó là mẹ của cô ấy. Nhưng, nếu đúng vậy, thì cũng thật kỳ khôi khi Maud giữ hình bà trong một cái hộp có khoá, thay vì mang theo trong người.
Tôi thắc mắc khá lâu về việc này, xoay bức ảnh, tìm các ký hiệu, khiến cái khung – vốn lạnh khi tôi cầm lên, giống mọi thứ khác ở đây – dần ấm lên. Nhưng rồi có tiếng động, từ đâu đó trong căn nhà. Tôi nghĩ đến việc sẽ thế nào, nếu Maud – hoặc Margaret, hoặc bà Stiles – vào phòng, bắt gặp tôi đứng cạnh chiếc hộp đã mở, bức ảnh cầm trong tay. Tôi nhanh chóng đặt nó trở vào chỗ, đóng chặt lại.
Chiếc kẹp tóc đã bị uốn cong để làm đồ nạy khoá, thì tôi giữ lấy. Tôi không muốn Maud tìm thấy nó và nghĩ rằng tôi là một tên trộm.
Sau những việc đó, tôi chẳng còn gì để làm. Tôi đứng bên cửa sổ thêm một lúc. Lúc mười một giờ, một cô hầu mang lên một chiếc khay. “Cô Maud không có ở đây,” tôi nói khi trông thấy ấm trà bằng bạc, nhưng trà là dành cho tôi. Tôi nhấp từng ngụm nhỏ, để uống được lâu hơn. Rồi tôi mang chiếc khay trở xuống, nghĩ đến việc tiết kiệm cho cô hầu một cuộc đi lại. Tuy nhiên, khi trông thấy tôi mang nó vào bếp, mấy cô gái ở đó trợn mắt, còn người đầu bếp nói,
“Chà, thật hết nói! Nếu cô nghĩ Margaret đến không đủ nhanh, thì phải báo với bà Stiles. Nhưng ta chắc chắn, cô Fee chưa bao giờ bảo ai ăn không ngồi rồi.”
Cô Fee là người hầu gái Ai-len đã mắc bệnh tinh hồng nhiệt. Thật ác khi bị cho là kiêu hãnh hơn cô ta, trong khi tôi chỉ cố gắng tử tế.
Nhưng tôi không nói gì. Tôi nghĩ, “Nếu các người không thích tôi, thì cũng đã có cô Maud!”
Cô ấy là người duy nhất, trong số tất cả bọn họ, dành cho tôi vài lời dễ nghe. Bỗng nhiên, tôi tha thiết mong thời gian trôi qua nhanh, chẳng phải vì ích lợi của bản thân nó, mà để nó tôi được trở lại với cô ấy.
Ít nhất, ở Briar bạn luôn luôn biết bây giờ là mấy giờ. Chuông báo mười hai giờ. Mười hai rưỡi. Tôi đi đến cầu thang hậu, loanh quanh ở đó đến khi một trong các cô hầu bàn đi ngang, chỉ đường cho tôi đến thư viện. Đó là một căn phòng trên tầng đầu tiên, tới được bằng cách đi qua phòng trưng bày bên trên một cầu thang gỗ lớn và một đại sảnh. Nhưng nó tối, mờ mịt, tồi tàn như mọi nơi khác trong căn nhà này – cứ nhìn xung quanh, bạn sẽ chẳng bao giờ nghĩ mình đang ở ngay trong nhà của một học giả dữ tợn. Cạnh cửa vào thư viện, trên một cái khiên gỗ, treo chiếc đầu của sinh vật gì đó với một con mắt thuỷ tinh. Tôi đứng đấy, đưa mấy ngón tay lên hàm răng nhỏ trắng của nó, chờ nghe tiếng chuông báo một giờ. Bên kia cánh cửa, giọng Maud vọng sang – rất khẽ, nhưng chậm, đều đặn, tựa hồ cô ấy đang đọc sách cho ông bác.
Rồi một giờ điểm, tôi đưa tay gõ cửa. Một giọng nam nhỏ nhẹ gọi ra, bảo tôi vào trong.
Tôi thấy Maud trước tiên. Cô ấy đang ngồi tại một chiếc bàn giấy, trước mặt có một quyển sách, hai tay đặt nơi bìa. Tay cô ấy để trần, đôi găng trắng nhỏ đặt gọn gàng cạnh bên. Cô ấy ngồi cạnh chiếc đèn có nắp chụp, nó ném tất cả ánh sáng lên những ngón tay cô, khiến chúng trông nhợt nhạt như tro bên trên trang giấy in. Phía trên cô ấy là một cửa sổ, mặt kính có hình vẽ màu vàng. Khắp xung quanh, khắp các bức tường của căn phòng, là kệ, chứa sách – chưa bao giờ thấy nhiều sách như vậy. Một lượng đáng sửng sốt. Một con người thì cần bao nhiêu sách truyện chứ? Tôi nhìn chúng, rùng mình. Maud đứng dậy, đóng quyển sách trước mặt. Cô ấy cầm lấy đôi găng trắng, đeo trở vào.
Rồi nhìn sang bên phải, đến cuối phòng, nơi mà vì cánh cửa mở nên tôi không thể thấy được. Một giọng gắt gỏng cất lên,
“Cái gì vậy?”
Tôi đẩy cửa mở rộng hơn, và trông thấy một cửa sổ được vẽ trang trí khác, nhiều kệ sách nữa, nhiều sách nữa, cùng với chiếc bàn lớn thứ hai. Chiếc bàn này đặt hàng đống giấy, cùng một chiếc đèn có nắp chụp khác. Ngài Lilly ngồi phía sau, ông bác già của Maud. Để miêu tả ông khi tôi trông thấy ông vào lúc này, thì phải kể ra mọi thứ.
Ông mặc áo choàng nhung, đội mũ nhung có nhúm lông đỏ nhô ra từ nơi trước kia hẳn đã là một quả tua. Trong tay ông cầm chiếc bút, được tránh hẳn khỏi giấy, bàn tay thì đen, trong khi tay Maud thì trắng – vì tay ông bị dây bẩn bởi mực Ấn Độ, như một người đàn ông bình thường bị bẩn bởi thuốc lá. Tuy nhiên, tóc của ông trắng. Cằm cạo nhẵn. Miệng nhỏ, chẳng có màu, nhưng lưỡi – cứng và nhọn – thì gần như đen ở nơi ông hẳn đã dùng để liếm ngón trỏ và ngón cái khi lật trang.
Mắt ông ẩm và mờ. Trước cặp mắt đó, ông đeo kính, một cặp ánh màu xanh lục. Ông trông thấy tôi, bèn nói,
“Cô là kẻ quái quỷ nào hả?”
Maud cài những chiếc nút nơi cổ tay.
“Đây là người hầu gái mới của con, thưa bác,” cô lẳng lặng nói. “Cô Smith.”
Đằng sau cặp kính xanh của ngài Lilly, tôi trông thấy mắt ông nheo rịt lại, trở nên ướt hơn.
“Cô Smith,” ông nhìn tôi, nhưng nói với cô cháu gái. “Có phải một đứa theo đạo Gia-tô như đứa trước không?”
“Con không biết,” Maud nói. “Con chưa hỏi cô ấy. Cô có theo đạo Gia-tô không, Susan?”
Tôi chẳng biết đó là cái gì. Nhưng vẫn nói, “Không, thưa cô. Tôi không nghĩ vậy.”
Ngài Lilly lập tức đưa tay lên bịt tai.
“Ta không ưa giọng nói của cô ta,” ông nói. “Cô ta không yên lặng được hả? Không dịu dàng được hả?”
Maud mỉm cười. “Cô ấy làm được, thưa bác,” cô nói.
“Vậy tại sao bây giờ nó lại ở đây, làm phiền ta?”
“Cô ấy đến đón con.”
“Đón con?” Ông nói. “Đồng hồ báo giờ rồi sao?”
Ông đưa tay tới cái dây đeo đồng hồ trên áo gi-lê, rút ra một cái đồng hồ báo giờ định kỳ, nghiêng đầu để nghe tiếng báo, rồi há miệng. Tôi nhìn Maud – cô đứng đó, vẫn đang loay hoay cài găng tay, bèn tiến một bước, định giúp cô ấy. Nhưng khi trông thấy tôi làm điều đó, lão già chồm lên hệt ông Punch trong vở kịch rối, rồi cái lưỡi đen xuất hiện.
“Ngón tay, cô kia!” Ông kêu lên. “Ngón tay! Ngón tay!”
Ông giơ ngón tay đen thui về phía tôi, lắc chiếc bút đến khi mực vung vãi. Về sau tôi trông thấy chỗ thảm bên dưới bàn của ông khá đen, đoán là ông lắc bút tương đối thường xuyên. Nhưng vào khoảnh khắc đó, ông trông rất lạ lùng, giọng thì the thé, tim tôi suýt nữa giật nảy lên. Tôi ngỡ ông ta sắp nổi cơn tam bành. Tôi bước thêm bước nữa, việc đó khiến lão già càng kêu the thé hơn – cuối cùng Maud đến chỗ tôi, chạm vào cánh tay tôi.
“Đừng sợ,” cô ấy dịu dàng. “Ông có ý nói thứ này, xem kìa.” Và cô ấy chỉ cho tôi, dưới chân tôi, được ốp vào ván sàn đen, ở khoảng trống giữa ngưỡng cửa và mép thảm, là hình bàn tay phẳng phiu với một ngón tay đang trỏ.
“Bác không muốn người giúp việc dòm ngó sách của mình,” cô nói, “vì sợ họ làm hỏng sách. Bác yêu cầu không người giúp việc nào được vào phòng vượt quá dấu hiệu này.”
Cô đặt mũi giày bên trên miếng đồng. Gương mặt cô ấy mịn như sáp, tiếng nói như nước chảy.
“Nó có thấy không vậy?” Bác của cô hỏi.
“Có ạ,” cô trả lời, rút mũi chân lại. “Cô ấy thấy rất rõ. Lần tới cô ấy sẽ biết – phải không, Susan?”
“Vâng, thưa cô,” tôi đáp – cũng chẳng biết nên nói gì, hay nên nhìn ai, nhìn thế nào. Điều này với tôi chắc chắn là mới mẻ, rằng nhìn vào một hàng chữ in cũng có thể làm hỏng nó. Nhưng tôi thì biết gì về việc đó chứ? Lại còn, lão già kỳ quái thật, khiến tôi bị một vố điếng cả người, hẳn là mọi thứ đều đúng rồi. “Vâng, thưa cô,” tôi nói, lần thứ hai. Và thêm, “Vâng, thưa ngài.”
Rồi tôi nhún mình. Ngài Lilly khịt mũi, nhìn chằm chằm vào tôi qua cặp kính xanh. Maud cài chặt găng tay, và chúng tôi quay đi, để ông ấy ở lại.
“Làm cho nó nhẹ nhàng hơn đi, Maud,” ông nói khi cô kéo cánh cửa phía sau.
“Vâng, thưa bác,” cô nói khẽ.
Bây giờ lối đi trông tối hơn bao giờ hết. Cô ấy dẫn tôi vòng qua phòng trưng bày, qua thang lên tầng hai, nơi có các phòng của cô ấy. Tại đó đã có bữa trưa bày sẵn, cà phê đựng trong một ấm bạc khác. Nhưng khi trông thấy các thứ Cook cho mang lên, cô ấy nhăn mặt.
“Trứng,” cô nói. “Nấu mềm, tựa như cách phải cư xử. Cô nghĩ gì về bác của tôi, Susan?”
Tôi nói, “Tôi dám chắc ngài rất thông minh, thưa cô.”
“Đúng vậy.”
“Và hình như, ngài đang viết một quyển từ điển?”
Cô ấy chớp mắt, rồi gật đầu. “Một quyển từ điển, đúng. Công sức lao động mệt nhọc trong suốt nhiều năm. Hiện tại chúng tôi đã đến vần F.”
Cô ấy nhìn vào mắt tôi, như để xem tôi nghĩ gì về điều đó.
“Thật đáng ngạc nhiên,” tôi nói.
Cô ấy lại chớp mắt, rồi đặt một chiếc muỗng ở cạnh quả trứng đầu tiên, lấy phần chóp ra. Cô nhìn vào mớ vàng – trắng bên trong, lại nhăn mặt, đẩy ra xa. “Cô phải ăn cái này cho tôi,” cô ấy nói. “Cô phải ăn tất cả chỗ này. Tôi sẽ ăn bánh mì bơ.”
Ở đó có ba quả trứng. Tôi không biết cô ấy thấy cái gì nơi chúng, mà lại kén cá chọn canh như vậy. Cô ấy đưa chúng cho tôi, và trong lúc tôi ăn, cô ấy vừa quan sát tôi, vừa cắn từng miếng bánh mì, nhấm nháp cà phê, và một lần chà xát suốt cả phút nơi một vết trên găng tay, nói, “Một giọt lòng đỏ trứng, xem này, nó rơi lên ngón tay tôi rồi. Chà, màu vàng với kinh khiếp làm sao, khi nằm cùng màu trắng!”
Rồi tôi thấy cô ấy cau mặt với vết bẩn, cho tới lúc bữa ăn hoàn tất. Khi Margaret đến để mang khay đi, cô ấy đứng dậy đi vào phòng ngủ. Khi trở lại, găng tay đã trắng tinh – cô ấy đến ngăn tủ thay một đôi khác. Đôi cũ, về sau tôi tìm thấy lúc cho than vào lò lửa trong phòng ngủ của cô ấy. Cô ấy để chúng ở đó, phía sau vỉ lò. Lửa đã làm chỗ da co lại, chúng trông như găng tay cho búp bê vậy.
Cô ấy chắc chắn thuộc kiểu người mà bạn gọi là lập dị. Nhưng liệu cô ấy có điên, hay chỉ nửa ngơ ngẩn, như Gentleman đã nói ở phố Lant? Tôi thì, không cho là vậy. Tôi nghĩ cô ấy chỉ quá cô đơn, quá sách vở và buồn chán – ai lại không như vậy, nếu phải sống trong căn nhà kiểu đó? Khi xong bữa trưa, cô ấy đi đến bên cửa sổ. Bầu trời màu xám, nhăm nhe đổ mưa, nhưng cô ấy nói có hứng thú ra ngoài đi dạo. Cô ấy nói, “Nào, tôi nên mặc gì đây?” Chúng tôi đứng trước cửa chiếc tủ áo nhỏ màu đen của cô ấy, nhìn qua những áo khoác, mũ bê-rê, giày bốt. Việc đó mất béng gần một giờ. Tôi nghĩ đó là lý do cô ấy làm điều này. Khi tôi còn đang lóng ngóng buộc giày, cô ấy đặt tay lên tay tôi, nói,
“Chậm lại đi. Tại sao chúng ta phải vội vàng chứ? Chẳng có ai chờ để phải vội vàng, đúng không?”
Cô ấy mỉm cười, nhưng đôi mắt buồn bã. Tôi nói,
“Vâng, thưa cô.”
Cuối cùng, cô ấy mặc một chiếc áo choàng xám nhạt, đeo găng hở ngón bên ngoài găng tay. Cô ấy đã có một chiếc túi da chuẩn bị sẵn sàng, bên trong có khăn tay, một chai nước, và kéo – cô ấy bắt tôi mang theo, không nói dùng để làm gì – tôi đoán cô ấy định cắt hoa. Cô ấy dẫn tôi xuống thang lớn, đến cửa. Ông Way nghe tiếng chúng tôi, bèn chạy đến kéo mở then cài. “Cô khoẻ không ạ, cô Maud?” Ông cúi người chào, rồi nói, “Còn cô, cô Smith?” Sảnh rất tối. Khi đi ra ngoài, chúng tôi đứng đó chớp mắt, tay che mắt khỏi bầu trời và mặt trời bạc thếch.
Căn nhà trông khá hung hiểm ở lần đầu tiên tôi trông thấy, vào ban đêm, trong sương mù. Phải nói rằng khi nhìn nó dưới ánh sáng ban ngày, nó trông có vẻ bớt hung hiểm hơn, nhưng dường như tồi tệ hơn. Tôi đoán một thời nó từng khá uy nghi, nhưng bây giờ các ống khói nghiêng ngả như say rượu, mái xanh rì bởi rêu cùng tổ chim. Nó bị phủ đầy bởi một thứ cây leo chết, hoặc những vết bẩn ở các nơi lúc xưa cây leo từng mọc. Khắp quanh chân tường là những gốc thường xuân đã bị chặt đứt. Cửa trước rất lớn, tách ra ở giữa, nhưng mưa đã làm gỗ trương lên, nên chỉ luôn mở được phân nửa. Maud phải ấn dẹt cái váy phồng, bước ngang, cuối cùng mới có thể rời khỏi nhà.
Thật kỳ cục khi trông thấy cô ấy bước ra khỏi nơi u ám đó, hệt viên ngọc trai rời khỏi con sò.
Và còn kỳ cục hơn khi nhìn cô ấy quay trở vào, trông thấy vỏ sò mở ra, rồi đóng lại sau lưng cô ấy.
Nhưng bên ngoài công viên, cũng chẳng có gì nhiều để nán lại. Một đại lộ trồng cây hai bên, dẫn tới ngôi nhà. Khu đất rải sỏi mà căn nhà toạ lạc. Có một nơi họ gọi là vườn thuốc, chủ yếu mọc toàn tầm ma. Cùng một khu rừng cực rậm với các con đường bị bít lối. Ở bìa rừng có một căn nhà bằng đá nhỏ, không cửa sổ, Maud nói đó là hầm nước đá. “Chúng ta cứ qua cửa, nhìn bên trong xem sao,” cô ấy nói, rồi đứng nhìn những khối băng đến khi run lên. Phía sau căn nhà chứa nước đá, có một đầu của con đường lầy lội, dẫn tới một cái nhà nguyện màu đỏ cũ kỹ đã đóng cửa, bị bao phủ bởi cây thuỷ tùng. Đây là nơi kỳ quặc nhất, tĩnh lặng nhất tôi từng thấy. Ở đó không hề nghe được tiếng một con chim hót. Tôi không thích đến đó, nhưng Maud đi vào chỗ đó khá thường xuyên. Bởi vì tại nhà nguyện có các mộ của cả dòng họ Lilly, những người đi trước cô ấy. Một trong số đó là nấm mộ đá giản dị, mộ của mẹ cô ấy.
Cô ấy có thể ngồi nhìn nó cả giờ liền, gần như không chớp mắt. Chiếc kéo, không phải được dùng để cắt hoa, mà để xén cỏ mọc xung quanh. Cô ấy chà xát chiếc khăn tay ướt lên chỗ khắc tên viết tắt của mẹ để chùi sạch những vệt bẩn.
Cô ấy chùi đến khi tay run lên, hơi thở gấp gáp. Không bao giờ để tôi giúp. Ngày đầu tiên đó, khi tôi cố gắng đề nghị, cô ấy nói,
“Nghĩa vụ của một đứa con gái, là phải coi sóc mộ của mẹ mình. Cô đi ra xa một chút, đừng nhìn tôi.”
Vậy là tôi để cô ấy lại, đi thơ thẩn giữa các nấm mồ. Đất cứng như thép, giày của tôi khiến nó kêu lộp cộp. Tôi bước đi, nghĩ đến mẹ của mình. Bà không có mộ. Người ta không xây mộ cho những kẻ sát nhân. Họ để thi thể của bà vào vôi sống.
Bạn đã bao giờ đổ muối lên lưng một con sên chưa? John Vroom từng làm vậy, rồi phá ra cười khi trông thấy con sên kêu xì xì. Nó từng nói với tôi,
“Mẹ của chị xì hơi thế đấy. Bà ta xì hơi, và cả chục người đàn ông chết vì ngửi cái mùi đó!”
Nó không bao giờ nói điều đó lần nữa. Tôi đã cầm một cặp kéo lớn làm bếp đưa lên cổ nó. Tôi nói, “Máu xấu được di truyền đó. Và nó sẽ thể hiện ra.” Vẻ mặt nó thật ấn tượng!
Không biết Maud sẽ trông ra sao, nếu cô ấy biết dòng máu xấu xa nào chảy trong người tôi.
Nhưng cô ấy chẳng bao giờ nghĩ đến để mà hỏi. Cô ấy chỉ ngồi, nhìn chằm chằm vào tên mẹ, trong lúc tôi đi lòng vòng, giậm chân. Rồi cuối cùng cô ấy thở dài, nhìn quanh, đưa tay lên mắt, và đội nón trùm lên.
“Đây là một nơi u sầu,” cô ấy nói. “Chúng ta vào sâu chút nữa.”
Cô ấy dẫn tôi khỏi vòng cây thuỷ tùng, trở lại lối đi giữa các bờ giậu, rồi ra khỏi rừng và hầm chứa nước đá, đến rìa công viên. Ở đây, nếu đi theo con đường chạy dọc một bức tường, bạn sẽ đến một cái cổng. Cô ấy có chìa để mở. Đường dẫn đến bờ sông. Từ căn nhà, không thể thấy con sông. Ở đó có một bến tàu cổ, đã mục nát hết phân nửa, cùng một cái thuyền đáy bằng bị úp ngược. Con sông khá hẹp, nước rất lặng, nhiều bùn, đầy cá lao vun vút. Dọc khắp con sông, là những cây bấc. Chúng mọc cao, dày. Maud bước chậm rãi cạnh chúng, nhìn một cách lo lắng vào bóng tối chúng tạo nên khi che xuống nước. Tôi đoán cô ấy sợ rắn. Rồi cô ấy bứt một cành sậy, bẻ ra, ngồi áp đầu ngọn sậy trên đôi môi đầy đặn.
Tôi ngồi cạnh cô ấy. Ngày hôm đó không gió, nhưng lạnh, và yên lặng đến nỗi đau cả tai. Không khí dường như loãng.
“Dòng nước đẹp quá,” tôi nói, vì phép lịch sự.
Một chiếc xà lan đi ngang. Người đàn ông nhìn thấy chúng tôi, bèn chạm tay lên mũ. Tôi vẫy tay.
“Đến Luân Đôn đấy,” Maud nói, nhìn theo họ.
“Luân Đôn?”
Cô ấy gật đầu. Lúc đó tôi không biết – vì, ai mà đoán ra chứ? – rằng dải nước tầm thường đó là sông Thames. Tôi ngỡ cô ấy muốn nói chiếc thuyền về sau sẽ đi vào một con sông lớn hơn. Tuy nhiên, cái ý nghĩ nó sẽ đến thành phố – có lẽ sẽ lướt dưới cầu Luân Đôn – khiến tôi thở dài. Tôi ngoái nhìn nó men theo một khúc rẽ của dòng nước, rồi rời khỏi tầm mắt. Tiếng động cơ nhạt dần, khói từ ống khói thuyền hoà vào màu xám của bầu trời, tan mất. Không khí lại loãng đi. Maud vẫn ngồi với đầu nhánh sậy gãy nơi môi, ánh nhìn rất mông lung. Tôi nhặt những hòn đá, bắt đầu ném xuống nước. Cô ấy nhìn tôi làm việc đó, chớp mắt trước mỗi tiếng bõm. Rồi cô ấy dẫn tôi trở về căn nhà.
Chúng tôi trở vào phòng cô ấy. Cô ấy lấy ra vài món đồ khâu – một thứ không màu, không rõ hình dạng, tôi cũng chẳng biết có phải nó được dùng làm khăn trải bàn hay cái gì khác. Tôi chưa bao giờ trông thấy cô ấy làm bất kỳ cái gì khác. Cô ấy khâu mà vẫn mang găng, rất tệ – tạo những mũi khâu vẹo vọ, rồi bứt đứt phân nửa. Điều đó khiến tôi lo lắng. Chúng tôi ngồi cùng nhau trước ngọn lửa cháy lèo xèo, trò chuyện một cách yếu ớt – tôi đã quên mất là nói về chuyện gì – rồi thì trời chuyển tối, một cô hầu gái mang đèn lên. Gió thổi mạnh hơn, các cánh cửa sổ bắt đầu rung cồm cộp tệ hơn bao giờ hết. Tôi nói với chính mình, “Lạy Chúa, xin cho Gentleman đến sớm! Con nghĩ một tuần thế này thì con chết mất.” Và tôi ngáp. Maud nhìn vào mắt tôi. Rồi cô ấy cũng ngáp. Việc đó làm tôi ngáp to hơn. Cuối cùng, cô ấy đặt đồ sang bên, xếp chân lên, ngả đầu xuống tay ghế sô pha, dường như thiếp ngủ.
Đó là tất cả những gì để làm ở đây, cho đến khi đồng hồ báo bảy giờ. Nghe thấy tiếng chuông, cô ấy ngáp một cái rõ dài, đưa tay lên mắt, đứng dậy. Bảy giờ là lúc cô ấy phải thay áo lần nữa – và thay găng tay, đeo một cặp bằng lụa – để dùng bữa tối với bác.
Cô ấy ở với ông hai giờ. Hẳn nhiên, là tôi chẳng thấy gì về việc đó, tôi đi nhận bữa tối ở nhà bếp cùng những người giúp việc khác. Họ nói với tôi, sau khi đã ăn xong, rằng ngài Lilly thích cháu gái ngồi đọc cho ông nghe trong phòng vẽ. Đó là ý tưởng để giải khuây của ông bác, tôi đoán vậy, vì họ nói ngài hiếm khi có khách, và nếu có thì cũng luôn là những quý ông ham sách vở, từ Oxford hoặc Luân Đôn. Những lúc đó, ngài rất thích thú khi có Maud đọc sách cho tất cả cùng nghe. “Cô gái đáng thương, cô ta chẳng làm gì khác ngoài đọc sao?” Tôi hỏi.
“Bác cô ấy không cho phép đâu,” một cô hầu bàn nói. “Ông chỉ đánh giá cô ấy như thế thôi. Khó lòng cho cô ấy ra ngoài – sợ rằng cô ấy sẽ bị vùi dập thảm hại. Chính ông ấy, cô biết không, bắt cô chủ luôn luôn phải đeo găng.”
“Đủ rồi!” Bà Stiles nói. “Cô Maud sẽ nói gì đây chứ?”
Thế là cô hầu bàn im lặng. Tôi ngồi đó nghĩ tới ông Lilly, với chiếc nón đỏ và cái đồng hồ nhắc giờ vàng, cặp mắt đeo kính xanh, chiếc lưỡi cùng ngón tay đen, rồi nghĩ tới Maud – cau mày vì món trứng, chà xát mộ của mẹ. Có vẻ như đó là một cách đánh giá kỳ quặc, khiến một cô gái như cô ấy, thành ra như thế.
Tôi ngỡ mình biết tất cả về cô ấy. Hẳn nhiên, là tôi chẳng biết gì cả. Tôi dùng bữa tối, nghe những người giúp việc trò chuyện, không nói gì nhiều. Rồi bà Stiles hỏi tôi, rằng có muốn đến nhận put-đing cùng bà và ông Way ở buồng của bà hay không? Tôi nghĩ cũng nên làm vậy. Tôi ngồi nhìn chằm chằm vào bức tranh được làm toàn bằng tóc. Ông Way đọc cho chúng tôi nghe vài đoạn từ báo Maidenhead, và ở mỗi câu chuyện – toàn bộ đều về việc bò phá vỡ rào chắn hoặc mục sư giảng những bài thuyết pháp tuyệt diệu ở nhà thờ – bà Stiles lại lắc đầu nói, “Chà, mọi người có từng nghe vụ nào giống vậy chưa?” Ông Way sẽ chỉ cười khẩy, “Cô sẽ thấy, cô Smith, rằng chúng tôi cũng ngang ngửa với Luân Đôn đấy, văn hoá thông tin mà!”
Bên trên giọng nói của ông, vọng đến tiếng cười và tiếng cạo ghế, đó là Cook cùng mấy cô hầu rửa bát đĩa và William Inker, cậu nhóc mài dao, đang giải khuây trong bếp.
Rồi đồng hồ lớn của căn nhà điểm giờ. Ngay tức thì sau đó là tiếng chuông dành cho người hầu, có nghĩa ngài Lilly đã sẵn sàng để được ông Way đưa vào giường. Cũng có nghĩa Maud đã sẵn sàng để được tôi đưa vào giường của cô ấy.
Trên đường quay trở lên, tôi lại suýt lạc đường. Nhưng dù có như vậy, thì khi gặp tôi, cô ấy nói,
“Cô đó à, Susan? Cô nhanh hơn Agnes đấy.” Cô ấy mỉm cười. “Tôi nghĩ cô cũng đẹp hơn nữa. Tôi không nghĩ một cô gái lại có thể đẹp với mái tóc đỏ, cô có nghĩ vậy không? Với tóc nhạt màu cũng vậy. Tôi thích tóc sẫm màu, Susan!”
Cho bữa tối, cô ấy uống rượu vang, còn tôi uống bia. Có thể nói cả hai chúng tôi, theo cách riêng, đều khá chuếnh choáng. Cô ấy đứng cạnh tôi tại tấm gương bạc lớn bên trên lò lửa, kéo đầu tôi về phía đầu cô ấy, để so sánh màu tóc. “Của cô sẫm hơn,” cô ấy nói.
Rồi cô ấy bước xa khỏi ngọn lửa, để tôi mặc áo ngủ cho.
Rốt cuộc, không giống mấy với việc cởi phục trang cho cái ghế trong căn bếp cũ của chúng tôi. Cô ấy đứng run, nói, “Nhanh lên! Tôi đông cứng mất! Ôi, lạy trời!” – vì phòng ngủ của cô ấy cũng đầy gió như mọi phòng khác, các ngón tay của tôi thì lạnh, khiến cô ấy giật mình thon thót. Nhưng sau một phút, chúng ấm lên. Cởi áo cho một quý cô là việc làm nặng nhọc. Áo nịt của cô ấy dài, có một gọng bằng thép. Eo của cô ấy, như tôi nghĩ đã nói rồi, thon thả: kiểu eo mà các bác sĩ sẽ phản đối, cho rằng chúng gây bệnh cho các cô. Váy phồng của cô ấy làm bằng những vòng lò xo. Tóc, bên trong chiếc lưới, được ghim bằng nửa pound ghim cùng một chiếc lược bạc. Áo đệm và áo lót làm bằng vải in hoa. Tuy nhiên, bên dưới tất cả những thứ đó, cô ấy mềm, mịn hệt như bơ. Tôi nghĩ, là quá mềm. Cứ thử hình dung cô ấy bị bầm xem. Tựa một con tôm hùm mất vỏ. Cô ấy đứng trong đôi vớ, chờ tôi đi lấy áo đầm ngủ, hai cánh tay phía trên đầu, mắt nhắm chặt. Trong một giây, tôi xoay người, nhìn cô ấy. Ánh nhìn đó chẳng là gì với cô ấy. Tôi thấy ngực, mông, lông của cô ấy, mọi thứ, và – ngoại trừ phần lông màu nâu như lông vịt – cô ấy trắng hệt một bức tượng trên cột trong công viên. Trắng đến nỗi, trông cô ấy như đang phát sáng.
Nhưng, đó là một kiểu trắng khiến người ta âu lo, và tôi rất mừng được che chắn cô ấy lại. Tôi đặt gọn váy của cô ấy trở vào tủ, đóng sập cửa tủ lại. Cô ấy vừa ngồi chờ, vừa ngáp, chờ tôi đến chải tóc cho.
Tóc cô ấy đẹp, được xoã ra rất dài. Tôi chải, cầm món tóc trong tay, nghĩ đến việc nó ấy sẽ đáng giá bao nhiêu.
“Cô đang nghĩ gì vậy?” Mắt cô ấy nhìn vào mắt tôi trong gương. “Về cô chủ cũ của cô à? Tóc cô ấy có đẹp hơn không?”
“Tóc cô ấy rất xấu,” tôi nói. Rồi lại cảm thấy tiếc cho cô Alice. “Nhưng cô ấy bước đi khá đẹp.”
“Tôi đi có đẹp không?”
“Có, thưa cô.”
Đích thực là vậy. Chân cô ấy nhỏ, cổ chân cũng mảnh dẻ như cổ tay. Cô ấy mỉm cười. Rồi cũng giống như đã làm với tóc, cô ấy bắt tôi đưa chân lại gần chân cô ấy, để so sánh.
“Chân cô cũng khá đẹp,” cô ấy nói một cách ôn hoà.
Cô ấy nằm vào giường, nói rằng không thích nằm trong bóng tối. Cô ấy có một cây nến lõi bấc đặt trong cái chụp đèn bằng thiếc cạnh bên gối, loại những kẻ già khọm keo kiệt dùng. Cô ấy nói tôi thắp nó từ lửa trên cây nến của tôi, không cho phép tôi phủ màn quanh giường, nhưng để tôi kéo chúng xuống một chút, để cô ấy có thể nhìn vào khoảng trống bên trên.
“Mà, cô sẽ không đóng chặt cửa chứ, phải không?” Cô ấy nói. “Agnes không bao giờ làm vậy. Tôi không thích để Margaret ngồi ở ghế, lúc cô chưa đến ấy. Tôi sợ mình sẽ mơ và phải gọi cô ta. Khi chạm vào, Margaret làm tôi đau. Tay của cô, Susan, cũng cứng giống tay cô ấy, nhưng chạm vào lại rất dịu dàng.”
Trong lúc nói điều đó, cô ấy vươn ngón tay đặt nhanh lên ngón tay tôi. Tôi hơi rùng mình, cảm giác làn da như em bé trên tay mình – cô ấy đã thay đôi găng lụa ra, chỉ để đeo vào một đôi khác màu trắng. Rồi cô ấy lấy tay ra, rúc vào bên dưới chăn. Tôi kéo chiếc chăn mịn hoàn hảo, hỏi,
“Đã ổn hết chưa, thưa cô?”
“Ừ, Susan,” cô ấy trả lời, di chuyển chiếc má trên gối. Cô ấy không thích bị tóc châm vào cổ, nên đã đặt hết ra sau. Nó nằm ngoằn ngoèo trong bóng tối, thẳng, đen, mảnh như một sợi dây thừng.
Khi tôi lấy chiếc nến đi, bóng đen trải ra hệt làn sóng trên người cô ấy. Căn phòng có đèn thắp sáng mờ, nhưng chiếc giường chìm trong màn tối. Tôi khép hờ cửa sang phòng mình, nghe tiếng cô ấy ngẩng đầu. “Mở rộng thêm chút nữa,” cô ấy gọi khẽ, thế là tôi mở cửa rộng thêm. Rồi đứng xoa mặt. Tôi chỉ mới ở Briar một ngày, nhưng đây là ngày dài nhất cuộc đời tôi. Hai tay đau nhức vì phải kéo các dây buộc. Khi nhắm mắt, tôi trông thấy những cái móc. Tự cởi đồ của mình chẳng có gì vui thú, khi giờ đây tôi đã cởi áo cho cô ấy.
|
Sau rốt, tôi ngồi xuống, thổi tắt nến. Có tiếng cô ấy cựa mình. Căn nhà chẳng có một âm thanh. Tôi nghe được cô ấy, rất rõ ràng, nhỏm khỏi gối, trằn trọc trên giường. Với tay lấy chìa khoá, tra vào chiếc hộp gỗ. Nghe tiếng click của ổ khoá, tôi ngồi dậy. Tôi nghĩ, “Chà, tôi có thể yên lặng, nếu cô không thể. Tôi nhẹ nhàng hơn cô lẫn ông bác cô biết đấy,” rồi đi đến khe hở nơi cửa, nhìn lỏm sang. Cô ấy đã nhoài người khỏi chiếc giường được buông màn, cầm bức ảnh quý cô xinh đẹp – mẹ cô ấy – trong tay. Trong khi tôi quan sát, thì cô ấy đưa bức ảnh lên miệng, hôn nó, nói những lời dịu dàng, buồn bã với nó. Rồi cô ấy đặt nó xuống, kèm một tiếng thở dài. Chiếc chìa được giữ trong một quyển sách cạnh giường. Tôi đã không nghĩ đến việc tìm ở đó. Chiếc hộp được khoá lại, đặt gọn gàng trên bàn – chạm vào một lần, hai lần – rồi cô ấy di chuyển trở vào sau tấm màn, nằm yên.
Tôi đã quá mệt để quan sát cô ấy, bèn cũng trở vào phòng mình. Tối om như mực. Tôi giơ tay, tìm thấy chiếc chăn và những tấm trải, kéo chúng xuống. Tôi trườn xuống, nằm trơ như khúc gỗ trong chiếc giường hẹp của một cô hầu gái.
Chẳng biết được tôi đã ngủ bao lâu. Khi tỉnh dậy, tôi không hề biết thứ âm thanh kinh khủng nào đã đánh thức mình. Trong một hai phút, tôi còn không biết mắt mình nhắm hay mở. Bóng tối quá dày đặc, chẳng có sự khác biệt nào cả. Chỉ khi nhìn đến cánh cửa vào phòng Maud, trông thấy ánh sáng mờ nhạt ở đó, tôi mới biết mình đã tỉnh, không phải đang mơ. Âm thanh đã nghe, tôi nghĩ, là tiếng va đập hay đổ vỡ gì đó, khá lớn, và sau đó có lẽ là một tiếng kêu. Bây giờ, vào khoảnh khắc tôi mở mắt, có một khoảng yên lặng. Nhưng khi tôi nghểnh đầu, cảm thấy tim đập dữ dội, thì tiếng kêu lại vọng đến. Là Maud, đang gọi bằng một giọng cao, hoảng sợ. Cô ấy đang gọi người hầu gái của mình: “Agnes! Ôi! Ôi! Agnes!”
Không biết tôi sẽ trông thấy gì khi vào phòng cô ấy – có lẽ là một ô cửa sổ bị cạy cùng một tên cướp đang kéo đầu cô ấy, cắt phăng mái tóc. Nhưng cửa sổ, dù vẫn đang rung lắc, khó lòng bị phá. Cũng chẳng có ai ở đó với cô ấy. Cô ấy đã nằm vào khoảng trống giữa giường, màn che với tất cả chăn mền bị kéo thành nùi dưới cằm, tóc xoã tung, che hết nửa khuôn mặt. Khuôn mặt cô ấy trắng nhợt, lạ lẫm. Mắt, tôi biết chỉ có màu nâu, trông như đen. Đen, như tóc của Polly Perkins, như hạt lê. Cô ấy lại gọi,
“Agnes!”
Tôi nói, “Là Sue, thưa cô.”
Cô ấy nói, “Agnes, cô nghe tiếng đó chứ? Cửa có đóng không?”
“Cửa ạ?” Cửa đã đóng. “Có ai ở đó à?”
“Một người đàn ông?” Cô ấy nói.
“Một người đàn ông? Một tên cướp?”
“Ở cửa ấy? Đừng đi, Agnes! Ông ta sẽ làm hại cô mất!”
Cô ấy đang sợ. Rất hoảng hốt, và bắt đầu làm tôi hoảng. Tôi nói, “Tôi không nghĩ là có ai đâu, thưa cô.” Rồi, “Để tôi thử thắp nến xem.”
Nhưng bạn có bao giờ thử thắp một cây nến lõi bấc trong đồ chụp bằng thiếc? Tôi không tài nào khiến cái bấc cháy được, còn cô ấy thì cứ thế, khóc lóc, gọi tôi là Agnes, đến khi tay tôi run lẩy bẩy không thể cầm cây nến được thăng bằng nữa.
Tôi nói, “Cô phải yên lặng, thưa cô. Không có ai hết. Nếu có, thì tôi sẽ gọi ông Way lên bắt người đó.”
Tôi cầm chiếc đèn lõi bấc. “Đừng lấy đèn đi!” Cô ấy lập tức kêu lên. “Tôi van cô, đừng!”
Tôi nói mình chỉ đem lại cửa thôi, để cô ấy thấy là ở đó chẳng có ai. Trong lúc cô ấy khóc, nắm lấy áo ngủ, tôi cầm đèn ra cửa vào phòng khách của cô ấy và – bằng tất cả sự nao núng ngại ngần – tôi kéo nó mở ra.
Căn phòng bên kia rất tối. Dăm ba món đồ nội thất lớn lù lù nằm đó, như những chiếc giỏ đựng đám trộm bên trong, trong vở kịch của Ali Baba. Tôi nghĩ đến việc mình đi bao dặm xa xôi từ Borough đến Briar, lại để bị giết bởi đám cướp, thế thì thảm lắm. Và nếu kẻ cướp nhỡ ra là một người tôi biết thì sao – một trong các cháu trai ông Ibbs chẳng hạn? Những chuyện kỳ khôi cũng vẫn xảy ra mà.
Vậy là tôi đứng nhìn một cách sợ hãi vào căn phòng tối, nghĩ ngợi đủ thứ, nửa muốn cất tiếng gọi – phòng khi có cướp ở đó thật – rằng họ nên nương tay, rằng tôi là người nhà. Nhưng hiển nhiên, là chẳng có ai. Yên lặng như tờ. Thấy vậy, tôi bèn đi nhanh đến cửa phòng khách, nhìn vào lối đi. Nó cũng tối om, tĩnh mịch. Chỉ có tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ nào đó, rất xa xôi, cùng những ô cửa sổ khác đang rung lắc. Nhưng xét cho cùng, cũng không thoải mái lắm khi phải đứng trong bộ đồ ngủ, tay cầm nến, trong một căn nhà to đùng yên lặng mà dù không có trộm, nhưng biết đâu có ma. Tôi lẹ làng đóng cửa, quay trở vào phòng của Maud, đóng cửa phòng ngủ, bước đến bên giường cô ấy, đặt chiếc đèn xuống.
Cô ấy nói, “Có thấy ông ta không? Ôi, Agnes, ông ta có ở đó không?”
Định trả lời, nhưng tôi lại thôi. Vì tôi đã nhìn về phía góc phòng, nơi có chiếc tủ đứng màu đen. Có cái gì lạ lùng ở đó. Cái gì đó dài, trắng, lấp lánh, đang chuyển động trên lớp gỗ… À, tôi đã nói rằng mình có trí tưởng tượng phong phú rồi đúng không? Tôi đoan chắc thứ đó là người mẹ đã chết của Maud, hồn ma của bà quay về để ám tôi. Tim tôi giật nảy lên đến tận họng, đến mức dường như tôi nếm được vị của nó. Tôi thét lên, Maud thét lên, níu lấy tôi khóc dữ hơn. “Đừng nhìn tôi!” Cô ấy khóc, rồi thì, “Đừng bỏ tôi! Đừng bỏ tôi!”
Rồi tôi trông thấy thứ màu trắng đó thật ra là gì, bèn nhảy cẫng lên, từ chân này sang chân kia, suýt bật cười.
Đó chỉ là cái khung chiếc váy phồng của cô ấy, bật ra từ chỗ tôi đã nhét vào ngăn cùng một chiếc giày. Cánh cửa tủ đã bật mở, đập vào tường – đó là tiếng ồn đã đánh thức chúng tôi. Chiếc váy phồng được treo trên móc, đang đung đưa. Những bước chân của tôi khiến các vòng lò xo bị nảy lên.
Trông thấy vậy, như đã nói, tôi suýt phá ra cười. Nhưng khi nhìn lại Maud – mắt vẫn rất đen, gương mặt trắng nhợt, níu chặt cứng lấy tôi – thì tôi nghĩ thật tàn nhẫn khi để cô ấy thấy mình cười. Tôi đưa tay lên miệng, hơi thở thoát ra giữa những ngón đang run lật bật, răng tôi bắt đầu va vào nhau. Tôi lạnh hơn bao giờ hết.
Tôi nói, “Chẳng có gì đâu, thưa cô. Xét cho cùng, chẳng có gì. Cô chỉ đang mơ thôi.”
“Mơ hả, Agnes?”
Cô ấy dụi đầu vào ngực tôi, run rẩy. Tôi vuốt tóc cô ấy ra khỏi má, ôm đến khi cô ấy trấn tĩnh lại.
“Đó,” rồi tôi nói, “Bây giờ cô nên ngủ lại đi. Để tôi đắp chăn xung quanh cho cô, xem nào.”
Nhưng khi tôi đặt cô ấy nằm xuống, cô ấy lại nắm lấy tôi chặt hơn. “Đừng bỏ tôi, Agnes!” Cô ấy lại nói thế.
Tôi nói, “Là Sue, thưa cô. Agnes bị tinh hồng nhiệt, đã quay trở về Cork rồi. Cô nhớ không? Bây giờ cô phải nằm xuống, không thì cái lạnh cũng sẽ làm cô bệnh đó.”
Rồi cô ấy nhìn tôi, ánh mắt cô ấy – vẫn rất tối – nhưng có vẻ minh mẫn hơn. “Đừng bỏ tôi, Sue!” Cô ấy thì thào. “Tôi sợ, tôi sợ các giấc mơ của mình!”
Hơi thở của cô ấy thật ngọt ngào. Bàn tay, cánh tay thì ấm. Gương mặt mịn màng như ngà hoặc thạch cao tuyết hoa. Trong vòng vài tuần, tôi nghĩ – nếu kịch bản của chúng tôi hiệu quả – thì cô ấy sẽ nằm trên giường một nhà thương điên. Lúc đó, ai sẽ ở bên chăm sóc cô ấy?
Vậy là tôi để cô ấy ra khỏi mình, nhưng chỉ trong một chốc. Tôi trèo qua cô ấy, chui xuống chăn nằm cạnh bên. Tôi vòng tay quanh cô ấy, cô ấy lập tức rúc vào người tôi. Dường như đó là điều tối thiểu tôi làm được. Tôi kéo cô ấy sát hơn. Mảnh mai vô cùng. Không giống bà Sucksby. Không hề giống bà Sucksby chút nào. Giống một đứa trẻ hơn. Vẫn còn run một chút. Khi cô ấy chớp mắt, tôi cảm thấy sự chuyển động của hàng lông mi cô ấy nơi cổ mình, hệt lông vũ. Tuy nhiên, cùng lúc, cơn run chấm dứt. Lông mi cô ấy lại quệt một cái nữa rồi yên. Cô ấy nặng dần, ấm áp.
“Ngoan lắm,” tôi nói, quá khẽ để có thể đánh thức cô ấy.
Sáng hôm sau tôi thức dậy trước cô ấy một phút. Cô ấy mở mắt, trông thấy tôi, cố gắng khoả lấp.
“Các giấc mơ có làm tôi thức dậy giữa đêm không?” Cô ấy hỏi, lảng tránh ánh mắt tôi. “Tôi có nói gì ngớ ngẩn không? Người ta bảo tôi nói những điều vô nghĩa trong lúc ngủ, giống như việc các cô gái khác ngáy thôi.” Cô ấy đỏ mặt, bật cười. “Nhưng cô thật tốt, khi đã đến nằm cạnh tôi!”
Tôi không nói với cô ấy về cái váy phồng. Lúc tám giờ, cô ấy đến chỗ ông bác, lúc một giờ thì tôi đến đón – lần này, chú ý đến ngón tay trỏ trên sàn. Rồi chúng tôi đi bộ vào công viên, nghĩa trang, con sông. Cô ấy khâu, ngủ, nghe chuông báo đi ăn tối. Tôi ngồi với bà Stiles đến chín giờ rưỡi – giờ để trở lên, đưa cô ấy vào giường. Lặp lại, hệt ngày đầu tiên. Cô ấy nói, “Chúc ngủ ngon,” rồi ngả đầu lên gối. Sau đó, tôi đứng trong phòng mình, nghe tiếng chiếc hộp nhỏ được mở ra, nhìn trộm qua cửa để xem cô ấy lấy bức chân dung ra, hôn nó, rồi cất đi.
Rồi thì, tôi tắt nến chưa được hai phút, giọng cô ấy đã khẽ gọi vọng sang: “Sue-!”
Cô ấy nói rằng không ngủ được. Rằng mình bị lạnh. Và lại muốn giữ tôi gần bên. Cô ấy nói Agnes không bao giờ phiền việc đó. “Chẳng lẽ cô chưa từng,” cô ấy nói, “ngủ với cô Alice, hồi ở Mayfair?”
Tôi có thể nói gì với cô ấy chứ? Với tất cả những gì tôi biết, thì đó có thể là một việc bình thường – việc cô chủ và người hầu gái ngủ cùng phòng.
Ban đầu, giữa Maud và tôi, điều đó là bình thường. Những giấc mơ của cô ấy không còn quấy rầy nữa. Chúng tôi ngủ, khá giống như chị em. Thật sự như vậy, chị em. Tôi luôn muốn một người chị em.
Rồi Gentleman đến.
|
ó là thằng bé mài dao) “Bà khoẻ không, bà Cakebread?” (đó là người đầu bếp, và đó là tên thật của bà, không phải đùa, chẳng ai cười về việc đó cả) Charles nhìn tôi như thể thẳng bé quá sợ đến không nói nổi, còn bà Cakebread trả lời theo kiểu khinh khỉnh, “Ồ, tôi dám chắc mình rất khoẻ, cảm ơn.”
Tôi ngỡ họ bực khi tôi ở gần, rằng tôi gợi họ nhớ đến tất cả sự hào nhoáng của Luân Đôn mà ở cái chốn tĩnh lặng khác người đó, họ sẽ không bao giờ được trông thấy. Rồi một ngày bà Stiles kéo tôi sang bên. Bà nói, “Tôi hy vọng cô không phiền, cô Smith, nếu tôi nói vài lời chứ? Tôi không nói được ở chỗ trước của cô thì căn nhà được quản lý thế nào–” Bà bắt đầu mọi điều bằng câu đó khi nói chuyện với tôi. “Tôi không nói được cô cư xử thế nào ở Luân Đôn, nhưng ở Briar này chúng tôi thích để tâm nhiều đến địa vị trong nhà.”
Hoá ra bà Cakebread đã cho rằng mình bị xúc phạm, vì tôi nói lời chào buổi sáng với cô phụ bếp trước khi nói với bà. Charles ngỡ tôi muốn trêu nó, khi chào đến cả nó. Toàn là những việc lặt vặt, tới mức một con mèo cũng sẽ cười lăn. Thế nhưng đó lại là chuyện sống chết đối với họ – tôi nghĩ, nó cũng sẽ là chuyện sống chết với bạn, nếu bạn phải nhìn tới tương lai bốn mươi năm làm công việc bưng khay, nướng bánh. Dù sao, tôi thấy là, nếu muốn hoà đồng với họ, thì phải thận trọng. Tôi cho Charles một chút sô cô la đã mang theo từ Borough và chưa hề ăn. Cho Margaret một mẩu xà phòng tẩm hương. Còn bà Cakebread, là một cặp tất đen mà Gentleman đã nói Phil lấy cho tôi từ cái nhà kho mờ ám.
Tôi nói rằng mình hy vọng đã không gây ra những cảm xúc khó chịu. Nếu gặp Charles ở cầu thang vào buổi sáng, tôi nhìn đi chỗ khác. Sau đó, tất cả họ đối xử với tôi tốt hơn nhiều.
Đúng là người hầu. Miệng nói, “Tất cả vì chủ nhân của tôi,” nhưng thật ra ý là, “Tất cả vì bản thân tôi.” Tôi không thể chịu được cái sự hai mặt đó. Ở Briar, tất cả họ đều có những mánh lới kiểu này hoặc kiểu khác, nhưng toàn về việc vụng trộm thó các thứ vặt vãnh đến nỗi sẽ khiến một tay trộm đích thực phải đỏ mặt. Chẳng hạn, giữ lại mỡ từ nước thịt của ngài Lilly để lẳng lặng bán cho thằng bé bán thịt – bà Cakebread làm vậy. Hoặc bứt các nút ngọc trai khỏi áo lót của Maud, giữ lấy chúng, bảo rằng chúng bị mất – tác giả là Margaret. Sau ba ngày quan sát, tôi nắm tẩy được họ hết. Nói cho cùng, có khi tôi là con gái thật của bà Sucksby không chừng. Giờ đến ông Way: ông ta có một cái vết trên mũi – ở Borough chúng tôi gọi nó là nụ-gin. Bạn nghĩ ông ta làm thế nào để có nó ở một nơi thế này? Ông ta có chìa khoá đến hầm rượu của ngài Lilly, xâu trên một sợi dây. Bạn sẽ không bao giờ thấy một cái chìa nào sáng đến vậy! Và rồi, khi chúng tôi đã dùng bữa xong tại buồng của bà Stiles, ông ấy sẽ vờ đi gom khay – tôi thấy mà, khi ông ta nghĩ không có ai nhìn, là liền trút bia từ đáy của tất cả các ly vào một tách lớn, nốc sạch.
Tôi thấy chứ – nhưng, tất nhiên chỉ giữ điều đó cho riêng mình. Tôi không ở đó để gây rắc rối. Nếu ông ta có nốc đến chết lăn quay ra, thì cũng chẳng can hệ gì đến tôi cả. Dù sao, hầu hết thời gian, tôi ở cạnh Maud. Tôi cũng quen với cô ấy. Cô ấy có kiểu cách cầu kỳ tỉ mỉ riêng. Nhưng chiều theo thì cũng chẳng mất gì. Tôi bắt đầu có một niềm vui thích khi được giữ váy áo của cô ấy, lược, cùng các thứ hộp. Tôi đã quen việc mặc áo cho mấy đứa trẻ. Dần dà tôi cũng quen với việc mặc áo cho cô ấy.
“Nâng tay lên, thưa cô,” tôi sẽ nói vậy. “Nâng chân lên ạ. Bước vào đây. Nào, ở đây.”
“Cảm ơn, Sue,” cô ấy luôn luôn nói khẽ. Đôi khi cô ấy nhắm mắt. “Cô biết tôi mới rõ làm sao,” cô ấy nói. “Tôi nghĩ cô biết tất cả các chuyển động tay chân của tôi.”
Dần dần, thì tôi biết thật. Tôi biết tất cả những gì cô ấy thích hoặc ghét. Tôi biết cô ấy sẽ ăn thức ăn nào, thứ gì sẽ bị chừa lại – chẳng hạn, khi Cook cứ cho mang trứng đến, tôi đi gặp và bảo bà ấy gửi súp thay vào đó.
“Súp loãng,” tôi nói. “Loãng hết mức bà có thể. Được chứ?” Bà ấy nhăn nhó. “Bà Stiles sẽ không thích đâu.”
“Bà Stiles không việc gì phải ăn món đó,” tôi trả lời. “Bà Stiles cũng không phải tớ gái của cô Maud. Mà là tôi.”
Thế là bà ấy cho mang súp đến thật. Maud ăn hết sạch. “Sao cô lại cười?” Cô ấy băn khoăn hỏi, khi đã ăn xong. Tôi nói mình không cười. Cô ấy đặt muỗng xuống. Rồi cau mày, như lúc trước, vì đôi găng. Chúng bị súp bắn lên.
“Chỉ là nước thôi,” tôi nói khi thấy nét mặt cô ấy. “Không sao đâu.” Cô ấy cắn môi. Ngồi thêm một phút với đôi tay đặt trên đùi, liếc trộm những ngón tay, càng lúc càng có vẻ bồn chồn hơn. Cuối cùng, cô ấy nói:
“Tôi nghĩ nước cũng chứa một ít chất béo…”
Vậy thì, thà tự tôi đi vào phòng cô ấy lấy một cặp găng sạch còn hơn là ngồi nhìn cô ấy bồn chồn. “Để tôi làm cho,” tôi tháo các nút ở cổ tay cô ấy. Mặc dù ban đầu cô ấy không để tôi chạm vào tay trần, về sau – vì tôi nói mình sẽ nhẹ nhàng – nên cô ấy cho phép. Khi móng tay cô ấy dài, tôi sẽ cắt bằng một cặp kéo bạc mà cô ấy có, hình dạng giống một chú chim đang bay. Móng tay cô ấy mềm, hoàn toàn sạch sẽ, mọc rất nhanh, hệt móng của em bé. Khi tôi cắt, cô ấy khá nao núng. Da tay cô ấy rất mịn – nhưng giống như phần còn lại trên cơ thể, nó mịn đến bất thường, tôi chưa bao giờ trông thấy mà lại không nghĩ tới những thứ thô ráp, sắc, có thể làm tổn thương hoặc để dấu trên làn da đó. Tôi vui khi được thấy cô ấy đeo găng trở vào. Chỗ móng vụn đã bị cắt thì tôi gom ra khỏi tà váy, ném vào lửa. Cô ấy sẽ đứng nhìn chúng chuyển sang màu đen. Cô ấy cũng làm vậy với chỗ tóc tôi lấy ra từ bàn chải, lược – cau mày khi chúng ngọ nguậy trên than như sâu, rồi loé lên, biến thành tro. Đôi khi tôi đứng nhìn cùng cô ấy.
Ở Briar, không có những thứ để nhắc rằng ở quê nhà cũng có những thứ tương tự. Thay vào đó, bạn thấy những thứ như: khói bay lên, mây trôi qua bầu trời. Mỗi ngày chúng tôi lại đi bộ ra sông, để xem nước lên hay xuống. “Vào mùa thu, nước ngập lên,” Maud nói, “và tất cả cây bấc đều bị chìm. Tôi không quan tâm chuyện đó. Vài đêm, sương trắng từ mặt nước lan lên, gần đến cả tường nhà của bác tôi…” Cô ấy run rẩy. Cô ấy luôn nói của bác tôi, chứ không phải của tôi. Nền đất khá giòn, và khi nó vỡ ra dưới gót giày chúng tôi, cô ấy nói: “Cỏ sao mà dễ gãy quá! Tôi nghĩ con sông sẽ đóng băng. Tôi nghĩ nó đang đóng băng rồi. Cô có thấy nó vùng vẫy không? Nó muốn chảy, nhưng cái lạnh sẽ làm nó đứng yên. Cô thấy không, Sue? Đây này, ở giữa mấy cây bấc ấy?”
Cô ấy chăm chú nhìn, cau mày. Tôi nhìn những biến đổi trên gương mặt cô ấy. Và tôi nói – giống như đã nói về món súp: “Chỉ là nước thôi, thưa cô.”
“Chỉ là nước thôi?”
“Nước màu nâu.”
Cô ấy chớp mắt.
“Cô lạnh rồi,” tôi bèn nói. “Trở về thôi, về căn nhà. Chúng ta ra ngoài lâu quá rồi.” Tôi choàng cánh tay cô ấy qua tay mình. Tôi làm thế mà chẳng nghĩ ngợi gì. Cánh tay cô ấy cứ cứng đơ. Nhưng rồi ngày hôm sau – hay có lẽ là hôm sau nữa – cô ấy lại khoác lấy tay tôi, không còn cứng đơ nữa. Sau đó nữa, thì tôi nghĩ chúng tôi khoác tay nhau một cách tự nhiên… Tôi không biết. Chỉ về sau tôi mới tự hỏi về việc đó, và cố gắng nhìn lại. Nhưng vào lúc đó tôi chỉ có thể thấy từng có khoảng thời gian chúng tôi bước đi riêng rẽ, rồi khoảng thời gian chúng tôi đi cùng nhau.
Nói cho cùng, dù được gọi là quý cô, cô ấy vẫn chỉ là một cô gái. Một cô gái chưa bao giờ được biết đến sự vui vẻ. Một ngày, khi đang dọn sạch ngăn kéo của cô ấy, tôi tìm thấy một cỗ bài. Cô ấy nói cô ấy nghĩ chúng hẳn thuộc về mẹ. Cô ấy biết tên bốn chất: cơ, rô, chuồn, bích, nhưng chỉ có vậy – cô ấy gọi quân Bồi là Kỵ sĩ! – vậy là tôi dạy cô ấy một hai trò chơi nhẹ nhàng ở Borough: All-fours, và Put. Ban đầu, chúng tôi chơi với các que diêm và đóm. Rồi trong một ngăn kéo khác, chúng tôi tìm thấy một hộp phỉnh, làm từ vỏ trai, có hình cá, kim cương, trăng lưỡi liềm. Sau đó, chúng tôi chơi với những thứ này. Vỏ trai tạo cảm giác rất mịn và mát rượi trên tay – tay tôi ấy mà, vì Maud thì tất nhiên vẫn đeo găng. Và khi đặt một lá bài xuống, cô ấy đặt xuống thật gọn gàng, các mép, góc khớp với lá bên dưới. Sau một thời gian, tôi cũng bắt đầu làm như vậy.
Trong khi chơi, chúng tôi nói chuyện. Cô ấy thích nghe tôi nói về Luân Đôn. “Có thật là nó rất lớn không?” Cô ấy hỏi. “Có rạp hát? Và cả thứ mà họ gọi là cửa hiệu thời trang?”
“Có cả nhà hàng. Đủ thứ loại xà phòng. Và công viên nữa, thưa cô.”
“Công viên, như công viên của bác tôi à?”
“Hơi giống,” tôi nói. “Nhưng tất nhiên là có đầy người. Bài của cô thấp hay cao, thưa cô?”
“Cao.” Cô ấy đặt một quân bài xuống. “-cô nói là đầy người?”
“Của tôi còn cao hơn. Này. Ba con cá, cô chỉ có hai.”
“Cô chơi giỏi quá! –Cô nói, là đầy người?”
“Tất nhiên. Nhưng tối lắm. Cô đào cỗ bài không?”
“Tối à? Cô chắc không? Tôi ngỡ người ta nói là Luân Đôn sáng lắm. Có những chiếc đèn lớn được thắp bằng – chắc hẳn là – bằng ga?”
“Đèn to lắm, kim cương cũng vậy!” Tôi nói. “Ở trong rạp hát và các hội trường. Cô có thể khiêu vũ ở đó, thưa cô, suốt cả đêm–”
“Khiêu vũ à, Sue?”
“Khiêu vũ, thưa cô.” Khuôn mặt cô ấy đã biến đổi. Tôi đặt các quân bài xuống. “Cô hẳn là thích khiêu vũ?”
“Tôi–” Cô ấy đỏ mặt, ánh mắt cúi gằm. “Tôi chưa bao giờ được dạy khiêu vũ. Cô có nghĩ,” cô ấy ngước nhìn, “ở Luân Đôn tôi sẽ là một quý cô – vậy ấy,” cô ấy vội nói thêm. “Nếu tôi có cơ hội được đến đó. Cô có nghĩ tôi sẽ là một quý cô ở Luân Đôn không, khi không khiêu vũ được?”
Cô ấy đưa tay qua môi, khá lo âu. Tôi nói, “Tôi nghĩ là được. Nhưng cô không muốn học sao? Cô có thể tìm được một vũ sư.”
“Thật à?” Cô ấy có vẻ nghi ngờ, rồi lắc đầu. “Tôi cũng không chắc…”
Tôi đoán điều cô ấy đang nghĩ. Cô ấy đang nghĩ đến Gentleman, điều anh ta sẽ nói khi phát hiện cô ấy không biết khiêu vũ. Cô ấy đang nghĩ, trong tất cả các cô gái anh ta gặp ở Luân Đôn, ai thì biết khiêu vũ.
Tôi nhìn cô ấy băn khoăn trong một hai phút. Rồi, “Cô xem này,” tôi đứng dậy. “Dễ thôi, xem này–”
Tôi cho cô ấy thấy vài bước, rồi vài điệu. Rồi tôi bắt cô ấy đứng dậy, cùng thử với tôi. Cô ấy đứng như khúc gỗ trong tay tôi, nhìn chằm chằm, theo kiểu sợ sệt, xuống chân. Đôi giày đi trong nhà của cô ấy vướng vào tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy nên tôi kéo tấm thảm đi, thế là cô ấy di chuyển dễ dàng hơn. Tôi chỉ cho cô ấy một điệu jig, rồi polka. Tôi nói, “Đó. Giờ thì chúng ta đang bay, đúng không?” Cô ấy nắm chặt váy tôi đến mức tôi nghĩ nó sắp rách tới nơi. “Thế này,” tôi nói. “Nào, thế này. Hãy nhớ tôi là người nam. Tất nhiên, sẽ tốt hơn nhiều nếu nhảy với một quý ông thực–”
Rồi cô ấy lại loạng choạng, chúng tôi bay vụt khỏi nhau, ngã xuống hai chiếc ghế. Cô ấy để tay ở hai bên, hơi thở hổn hển. Cô ấy chưa bao giờ đỏ đến như vậy. Má cô ấy ướt đẫm. Váy phồng ra hệt một cô bé Hà Lan trên bản in.
Bắt được ánh mắt tôi, cô ấy mỉm cười, dù trông vẫn có vẻ hoảng sợ.
“Tôi sẽ khiêu vũ,” cô ấy nói, “ở Luân Đôn. Phải không, Sue?”
“Phải rồi,” tôi nói. Và vào thời khắc ấy, tôi thật sự tin như vậy. Tôi bắt cô ấy đứng lên, khiêu vũ một lần nữa. Chỉ về sau, khi chúng tôi đã ngưng lại, cô ấy đã lạnh, đứng trước ngọn lửa để để sưởi ấm hai tay – tôi mới nhớ ra rằng, hiển nhiên, cô ấy sẽ chẳng bao giờ được như vậy.
Bởi vì, dù đã biết số phận cô ấy – biết rất rõ, tôi đang giúp thực hiện nó mà! – có lẽ tôi biết theo kiểu bạn biết được số phận của một nhân vật trong truyện hoặc một vở kịch. Thế giới của cô ấy thật kỳ quặc, rất tĩnh lặng, khép kín, khiến cho thế giới thực sự – thế giới thông thường, song phương, nơi tôi ngồi cúi xuống cái đầu lợn cho bữa khuya cùng một ly rượu pha trứng, trong lúc bà Sucksby và John Vroom cười ha hả khi nghĩ đến việc tôi sẽ làm gì với phần chia trong tài sản Gentleman đánh cắp được – nó khiến cho thế giới có vẻ khó khăn khôn cùng, nhưng lại rất viển vông, sự khó khăn chẳng có ý nghĩa gì cả. Ban đầu tôi tự nói với mình, “Khi Gentleman đến, mình sẽ làm việc đó,” hoặc, “Chừng nào anh ta đưa cô ta vào được nhà thương điên, mình sẽ làm việc đó.” Nhưng phải nói rằng khi nhìn cô ấy – đơn giản, ngoan ngoãn, thì ý nghĩ đó tan biến mất. Tôi sẽ lại chải tóc cho cô ấy, hoặc chỉnh cho thẳng khăn thắt lưng trên váy của cô ấy. Chẳng phải là tôi nuối tiếc – không nuối tiếc mấy đâu, không phải vào lúc đó. Chỉ là tôi nghĩ chúng tôi bị để cạnh nhau quá nhiều giờ cùng lúc. Dễ chịu hơn đáng kể khi đối xử tốt với cô ấy mà không phải nghĩ quá nhiều đến việc sắp xảy ra với cô ấy, thay vì cứ day dứt về điều đó và cảm thấy tệ hại.
Tất nhiên, với cô ấy thì khác. Cô ấy đang nhìn về phía trước. Cô ấy thích nói, nhưng lại thường thích yên lặng hơn, và suy nghĩ. Những lúc đó, tôi thấy nét mặt cô ấy thay đổi. Ban đêm tôi nằm cạnh cô ấy, cảm nhận những xoay chuyển, xoay chuyển trong suy nghĩ của cô ấy – cảm nhận cô ấy ấm dần, có lẽ là đỏ mặt trong bóng tối. Khi đó tôi biết cô ấy đang nghĩ đến Gentleman, nghĩ ngợi anh chàng sẽ đến như thế nào, tự thắc mắc anh ta có đang nghĩ tới cô không. Tôi có thể nói với cô ấy rằng anh ta có nghĩ đến cô. Nhưng cô ấy chẳng bao giờ nói về anh ta, chẳng bao giờ nói đến tên anh ta. Chỉ một hai lần, cô ấy hỏi thăm người dì già của tôi – người y tá cũ của anh ta. Giá như cô ấy không làm vậy, vì khi nói về người dì, tôi nghĩ đến bà Sucksby, điều đó khiến tôi nhớ nhà.
Và rồi một buổi sáng, chúng tôi được tin anh ta đang quay lại. Đó là một buổi sáng thông thường, ngoại trừ việc Maud đã thức dậy, xoa mặt, rồi rụt người. Có lẽ đó là điều người ta gọi là điềm báo. Nhưng phải về sau tôi mới nghĩ vậy. Bấy giờ, tôi thấy cô ấy miết lên má, bèn hỏi, “Có việc gì vậy?”
Cô ấy ngọ nguậy lưỡi. “Hình như là một cái răng của tôi,” cô ấy nói, “có mép sắc, nó châm vào nứu.”
“Để tôi xem,” tôi nói.
Tôi dẫn cô ấy đến cửa sổ, cô ấy đứng đó, khuôn mặt giữa hai tay tôi, để tôi sờ vào nứu. Tôi tìm thấy chiếc răng sắc gần như liền lập tức.
“Chà, nó còn sắc hơn–” Tôi nói.
“Hơn cả nanh rắn phải không, Sue?” Cô ấy xen vào.
“Hơn cả một cây kim, tôi định nói như vậy, thưa cô,” tôi trả lời. Tôi đến chỗ hộp đồ khâu của cô ấy, lấy ra một cái đê. Một cái đê bằng bạc, cùng bộ với cặp kéo hình chú chim đang bay.
Maud sờ quai hàm. “Cô có biết người nào từng bị rắn cắn chưa, Sue?” Cô ấy hỏi tôi.
Có thể nói gì đây? Tâm trí cô ấy nghĩ vẩn vơ đến cả những việc đó. Chắc đó là cuộc sống vùng quê. Tôi trả lời không. Cô ấy nhìn tôi, lại mở miệng ra. Tôi tròng cái đê lên ngón tay, miết vào chiếc răng sắc đến khi chỗ nhọn bị mòn đi. Tôi đã trông thấy bà Sucksby làm vậy nhiều lần, với bọn trẻ. Tất nhiên, bọn trẻ thì hay ngọ nguậy liên hồi. Maud đứng rất yên, đôi môi hồng mở ra, mặt ngửa về sau, đôi mắt ban đầu nhắm lại, sau đó mở ra và nhìn chăm chăm vào tôi, má ửng hồng. Họng cô ấy nâng lên, hạ xuống khi cô ấy nuốt nước bọt. Tay tôi trở nên ướt, vì hơi ẩm trong hơi thở của cô ấy. Tôi miết, rồi cảm giác bằng ngón cái. Cô ấy lại nuốt khan. Hàng mi chớp chớp, và cô ấy bắt gặp ánh mắt tôi.
Và, ngay lúc đó, có một tiếng gõ nơi cửa. Cả hai chúng tôi giật mình. Tôi bước đi. Đó là một trong số các cô hầu bàn. Cô ta có một lá thư đặt trên khay. “Gửi cho cô Maud,” cô ta nói, kèm theo một cái nhún người. Tôi nhìn nét chữ, biết ngay tức khắc đó phải là chữ của Gentleman. Tim tôi chùng xuống. Hẳn Maud cũng vậy.
“Đem nó lại đây, được không?” Cô ấy nói. Và thêm: “Cô đưa tôi cái khăn soan, được chứ?” Màu hồng trên gương mặt cô ấy đã biến mất, dù má vẫn còn đỏ ở chỗ tôi đã ấn vào. Khi đặt chiếc khăn qua vai cô ấy, tôi cảm giác được cô ấy đang run rẩy.
Tôi quan sát cô ấy, nhưng làm ra vẻ ngược lại, trong lúc di chuyển tới lui trong phòng, nhặt mấy quyển sách, đệm ngồi, cất cái đê đi, đóng chiếc hộp. Tôi thấy cô ấy lật lá thư, lóng ngóng – tất nhiên, cô ấy không thể xé giấy với đôi găng đang đeo. Thế là cô ấy liếc trộm tôi, hạ tay xuống, và – vẫn còn run, tuy làm ra vẻ thờ ơ, tỏ ý nó chẳng là gì đối với cô ấy, nhưng lại cho thấy nó là tất cả – cô ấy mở nút một bên găng, đặt ngón tay lên chỗ niêm phong, rút lá thư khỏi phong bì, cầm trên bàn tay trần và đọc.
Rồi cô ấy buông hơi thở thành tiếng thở dài rõ to. Tôi cầm một chiếc đệm ngồi lên, đập vào nó để giũ bụi.
“Tin tốt, phải không thưa cô?” Tôi hỏi, vì nghĩ mình nên làm như vậy.
Cô ấy do dự, rồi nói: “Rất tốt,” cô ấy trả lời, “đối với bác tôi, tôi cho là vậy. Thư của ngài Rivers, từ Luân Đôn, cô nghĩ sao?” Cô ấy mỉm cười. “Anh ta sẽ trở lại Briar, vào ngày mai!”
Nụ cười ở yên trên môi cô ấy suốt ngày, như được vẽ lên vậy. Vào buổi trưa, khi trở về từ chỗ bác, cô ấy không ngồi khâu hoặc đi dạo, thậm chí cũng không chơi bài, chỉ đi tới đi lui trong phòng, đôi khi đứng trước gương, vuốt chân mày, chạm vào đôi môi đầy đặn – gần như chẳng hề thấy hay nói gì với tôi.
Nhưng tôi vẫn lấy bộ bài ra, tự chơi một mình. Tôi nghĩ đến khi Gentleman đặt những quân Già, Đầm xuống trong căn bếp ở phố Lant trong lúc kể với chúng tôi toàn bộ kế hoạch. Rồi tôi nghĩ đến Dainty. Mẹ của con nhỏ này – cuối cùng bị chết đuối – biết bói toán bằng một bộ bài. Tôi đã trông thấy bà làm việc đó, nhiều lần.
Tôi nhìn Maud – đang đứng mơ màng nơi chiếc gương, và nói:
“Cô có muốn biết tương lai không, thưa cô? Cô có biết là có thể đọc được tương lai từ những lá bài rút ra không?”
Điều đó khiến cô ấy quay lại, thôi nhìn vào chính gương mặt mình, để nhìn tôi. Sau một lúc, cô ấy nói,
“Tôi tưởng chỉ các phụ nữ gipsy mới biết làm việc đó.”
“À, nhưng cô đừng nói với Margaret hay bà Stiles nhé,” tôi nói. “Bà ngoại của tôi, cô biết không, là một công chúa của người gipsy.”
Nói cho cùng, thì theo như tôi biết, bà ngoại tôi cũng có thể là một công chúa của người gipsy. Tôi sắp các quân bài lại, đưa cho cô ấy. Ngần ngừ, rồi cô ấy cũng đến ngồi cạnh tôi, trải phẳng chiếc váy, hỏi, “Tôi phải làm gì?”
Tôi nói cô ấy phải ngồi nhắm mắt trong một phút, nghĩ đến đối tượng mình yêu quý nhất. Cô ấy làm theo. Rồi tôi nói cô ấy phải cầm những quân bài, giữ chúng, đặt xuống bảy lá đầu tiên, đặt sấp – tôi nhớ mẹ của Dainty làm như vậy, có thể là chín quân bài cũng nên. Mà thôi, Maud đặt bảy quân xuống.
Tôi nhìn vào mắt cô ấy, “Nào, cô có thực sự muốn biết tương lai của mình không?”
Cô ấy đáp, “Sue, cô đang làm tôi sợ!”
Tôi lại nói, “Cô có thực sự muốn biết không? Những gì các quân bài chỉ bảo, thì cô phải tuân theo. Sẽ rất không may nếu cô nhờ các quân bài chỉ cho một con đường, rồi lại chọn con đường khác. Cô có hứa sẽ gắn với tương lai được tìm thấy ở đây không?”
“Có,” cô ấy lặng lẽ trả lời.
“Tốt,” tôi nói. “Đây là cuộc đời cô, đang nằm hết trước mắt chúng ta. Chúng ta hãy xem phần đầu tiên trước. Những lá này cho thấy quá khứ của cô.”
Tôi lật hai quân bài đầu tiên. Đầm cơ, tiếp theo là Ba bích. Tất nhiên tôi nhớ được là vì, trong lúc cô ấy ngồi nhắm chặt hai mắt, tôi đã sắp sẵn bộ bài. Tôi nghĩ ai trong trường hợp này cũng sẽ làm vậy thôi.
Tôi săm soi chúng rồi nói, “Hmm. Đây là những quân bài khá buồn. Nhìn này, đây là một quý cô xinh đẹp tốt bụng. Còn đây, sự chia ly, và khởi đầu của một xung đột.”
Cô ấy nhìn chằm chằm, đưa tay lên yết hầu. “Tiếp đi.” Gương mặt cô ấy lúc này đã trắng nhợt.
“Giờ chúng ta xem,” tôi nói, “đến ba quân bài tiếp theo. Chúng cho thấy hiện tại của cô.”
Tôi lật các quân bài thật điệu nghệ.
“Già rô,” tôi nói. “Một quý ông lớn tuổi nghiêm nghị. Quân năm bích: một cái miệng khô nẻ. Kỵ sĩ bích–”
Tôi nhẩn nha. Cô ấy nghiêng về phía tôi.
“Quân đó thì sao?” Cô ấy hỏi. “Quân Kỵ sĩ ấy?”
Tôi nói đó là một chàng trai trên lưng ngựa, có trái tim lương thiện. Cô ấy nhìn tôi với vẻ kinh ngạc, tin tưởng vô cùng, đến mức tôi gần như cảm thấy tội lỗi. Giọng cô ấy trầm xuống, “Giờ tôi sợ rồi đây! Đừng mở những quân bài tiếp theo!”
Tôi bèn đáp, “Thưa cô, tôi phải làm vậy. Nếu không thì mọi vận may sẽ rời bỏ cô. Xem này. Những quân này cho thấy tương lai.”
Tôi lật quân đầu tiên. Sáu bích.
“Một chuyến đi!” Tôi nói. “Một hành trình với ngài Lilly chăng? Cũng có thể, là cuộc hành trình của trái tim…”
Cô ấy không trả lời, chỉ ngồi nhìn không chớp mắt vào các quân bài tôi đã lật lên, rồi nói: “Cho tôi xem lá cuối cùng đi,” bằng giọng thì thào. Tôi lật lên. Cô ấy thấy quân bài trước.
“Đầm rô,” chân mày cô ấy bất chợt nhíu lại. “Cô ta là ai?”
Tôi không biết. Tôi dự tính chỗ này là quân hai cơ mới đúng, quân bài của tình yêu. Nhưng chắc tôi đã làm rối bộ bài mất rồi.
“Quân Đầm rô,” cuối cùng tôi đành nói. “Tôi nghĩ đó là một tài sản lớn.”
“Tài sản lớn?” Cô ấy nghiêng người ra xa tôi, nhìn quanh, về phía tấm thảm sờn màu và các bức tường gỗ sồi đen. Tôi gom các lá bài, xáo lên. Cô ấy phủi váy, đứng dậy. “Tôi không tin,” cô ấy nói, “rằng bà ngoại của cô thực sự là một người gipsy. Khuôn mặt cô quá trắng trẻo. Tôi không tin. Tôi cũng không thích những lời đoán của cô. Đó chỉ là một trò chơi cho những người hầu thôi.”
Cô ấy bước đi xa khỏi tôi, lại đứng phía trước gương. Dù tôi nghĩ cô ấy sẽ quay lại nói điều gì đó dễ nghe hơn, nhưng không. Khi bước đi, cô ấy dịch chuyển một chiếc ghế. Vào lúc đó, tôi trông thấy quân hai cơ. Nó đã rơi xuống sàn – cô ấy đã đặt giày đi trong nhà lên trên, làm hằn nơi các hình vẽ.
Vết hằn khá sâu. Suốt nhiều tuần sau lần đó, tôi luôn luôn nhận ra quân bài này trong các trò chơi cùng cô ấy.
Tuy nhiên, buổi trưa hôm đó cô ấy bắt tôi cất bộ bài đi, nói rằng trông thấy chúng khiến cô ấy khó chịu. Tối đó, cô ấy bồn chồn suốt. Cô ấy vào giường, nhưng nhờ tôi rót cho một cốc nước nhỏ. Trong lúc đứng cởi trang phục, tôi trông thấy cô ấy cầm lên một cái chai, nhỏ ba giọt từ đó vào cốc. Đó là thuốc ngủ. Lần đầu tiên tôi thấy cô ấy dùng đến. Nó khiến cô ấy ngáp. Nhưng khi tôi thức giấc vào sáng hôm sau, thì cô ấy đã dậy rồi, đang nằm đó với một lọn tóc nằm ngang miệng, nhìn đăm đăm lên trần chiếc giường.
“Chải tóc cho tôi thật kỹ,” cô ấy nói khi đứng để tôi vận trang phục. “Chải thật kỹ, làm nó sáng bóng lên. Ôi, má của tôi trắng nhợt thế này! Véo nó đi, Sue!” Cô ấy đặt những ngón tay tôi lên mặt, rồi ấn chúng vào, “Véo má tôi đi, có làm chúng bầm cũng đừng ngại. Tôi thà để má mình bị bầm tím còn hơn là trắng nhợt thế này!”
Đôi mắt cô ấy bị thâm, có lẽ vì những giọt thuốc ngủ. Chân mày nhàu nhĩ. Tôi cảm thấy phiền khi nghe cô ấy nói về các vết bầm, bèn nói,
“Hãy đứng yên, không thì tôi chẳng thể mặc áo cho cô được nữa đấy. Thế, tốt hơn rồi. Nào, giờ cô muốn mặc chiếc đầm nào?”
“Cái màu xám?”
“Cái màu xám nhìn yếu ớt quá. Cái màu xanh dương đi…”
Màu xanh làm nổi bật màu tóc nhạt của cô ấy. Cô ấy đứng trước chiếc gương, nhìn tôi cài chặt nút. Tôi càng cài đến các nút lên cao, gương mặt cô ấy càng giãn ra. Rồi cô ấy nhìn tôi. Nhìn chiếc đầm vải nâu, và nói,
“Váy của cô thường quá, Sue à, phải không? Tôi nghĩ cô nên thay đi.”
Tôi đáp, “Thay sao? Đây là cái duy nhất mà tôi có.”
“Cái duy nhất? Chao ôi. Tôi đã chán ngấy chiếc váy này rồi. Cô thường mặc gì khi hầu hạ cô Alice, cô gái tốt bụng ấy? Cô ta không bao giờ cho cô những chiếc váy cô ta dùng rồi sao?”
Tôi cảm thấy – và nghĩ rằng mình đúng khi cảm thấy như vậy – rằng Gentleman đã làm tôi thất vọng một chút khi gửi tôi đến Briar chỉ với duy nhất một chiếc đầm tốt. Tôi nói,
“Chà, thưa cô, sự thật là cô Alice tốt bụng chẳng khác một thiên thần, nhưng cũng rất chi li. Cô ấy giữ váy áo của tôi lại, để đem đến Ấn Độ cho cô hầu gái ở đó.”
Maud chớp đôi mắt thâm, tỏ vẻ cảm thông. Cô ấy nói,
“Đó là cách các quý cô đối xử với hầu gái ở Luân Đôn à?”
“Chỉ những người chi li thôi, thưa cô,” tôi trả lời.
Thế là cô ấy nói, “À, tôi thì chẳng có gì để chi li tính toán, đây này. Cô phải và sẽ có một chiếc đầm khác, để mặc vào buổi sáng. Và có lẽ là một chiếc khác nữa, để cô thay vào khi – à, như là khi có khách chẳng hạn?”
Cô ấy giấu mặt phía sau cánh cửa tủ, nói tiếp,
“Xem nào, tôi tin là chúng ta mặc cùng cỡ. Nhìn này, đây là hai hay ba chiếc váy, tôi chưa bao giờ mặc chúng, và không nên bỏ phí. Có thể thấy là cô thích váy dài. Bác tôi không ưa thấy tôi mặc váy dài, ông tin rằng váy dài không tốt. Nhưng tất nhiên ông ấy sẽ không bận tâm về cô. Cô chỉ cần hạ lai váy một chút ở đây. Cô có thể làm vậy chứ, phải không?”
Chà, tôi hẳn nhiên là quen với việc gỡ mối khâu. Tôi thậm chí có thể khâu tươm tất một vết thương nếu cần. Tôi nói, “Cảm ơn, thưa cô.” Cô ấy giơ một chiếc đầm ra trước mặt tôi. Một món đồ kỳ khôi bằng nhung màu cam, có diềm, phần tà khá rộng. Trông như thể nó đã bị một cơn gió mạnh thổi ập các mảnh vào nhau trong cửa hiệu trang phục quý bà. Cô ấy quan sát vẻ mặt tôi, rồi nói,
“Ôi, mặc thử đi nào, Susan! Này, tôi sẽ giúp cô.” Cô ấy đến gần, bắt đầu cởi áo váy cho tôi. “Thấy không, tôi cũng làm được, gần như thạo bằng cô luôn ấy. Giờ tôi là hầu gái của cô, cô là cô chủ!”
Cô ấy bật cười, hơi lo lắng, trong suốt lúc làm việc. “Đây, nhìn vào gương đi,” cuối cùng cô ấy nói. “Có khi chúng ta là chị em đấy!”
Cô ấy đã kéo chiếc váy cũ của tôi khỏi người, mặc chiếc đầm kỳ khôi màu cam vào người tôi, bắt tôi đứng trước tấm gương trong lúc cô ấy làm việc với các móc cài. “Hít vào,” cô ấy nói. “Hít mạnh vào! Chiếc váy đầm thít chặt đấy, nhưng sẽ tạo cho cô vóc dáng của một quý cô.”
Tất nhiên là cô ấy có eo thon hơn, và cũng cao hơn tôi một inch. Tóc tôi sẫm hơn. Chúng tôi trông không giống chị em, cả hai chỉ trông như quỷ dạ xoa. Chiếc váy để lộ hết cả mắt cá chân tôi. Nếu lúc này mà bị một cậu trai ở Borough trông thấy, chắc tôi sẽ lăn quay ra chết mất.
Nhưng chẳng có cậu trai Borough nào ở đó để trông thấy tôi. Cũng chẳng có cô gái Borough nào. Thứ vải nhung rất tốt. Tôi đứng bứt bứt chỗ diềm trên váy, trong lúc Maud chạy lại hộp nữ trang của mình để lấy một chiếc ghim cài, gắn vào ngực tôi, nghiêng đầu nhìn xem nó trông thế nào. Vừa lúc đó, có tiếng gõ nơi cửa phòng khách,
“Margaret đấy,” khuôn mặt cô ấy có màu hồng khá rõ. Cô ấy gọi, “Vào phòng phục sức đây này, Margaret!”
Margaret vào, nhún người chào, nhìn thẳng vào tôi. Cô ta nói,
“Tôi vừa đến dọn khay, thưa c– Ôi! Cô Smith! Chẳng phải là cô sao? Tôi bảo đảm, mình không tài nào phân biệt nổi cô với cô chủ!”
Cô ấy đỏ mặt, còn Maud – đang đứng trong bóng tối của rèm che giường – trông như một cô bé, đưa tay lên trước miệng. Cô ấy cười run cả lên, đôi mắt thâm dường sáng hẳn.
“Giả sử,” cô ấy nói khi Margaret đã rời khỏi, “giả sử ngài Rivers cũng như Margaret, bị nhầm cô là tôi thì sao nhỉ? Lúc đó chúng ta nên làm gì?”
Cô ấy lại cười và run. Tôi nhìn vào gương, mỉm cười. Chẳng phải bị nhầm với một quý cô là việc khá ấn tượng sao?
Đó là điều mẹ tôi sẽ muốn.
Nói gì thì sau rốt tôi vẫn sẽ được phần tất cả váy áo, trang sức của cô ấy mà. Tôi chỉ đang bắt đầu làm việc đó hơi sớm thôi. Tôi giữ chiếc váy đầm màu cam, và trong thời gian cô ấy ở chỗ bác, thì tôi ngồi hạ lai váy, nới phần eo. Tôi không định làm mình bị thương để có một cái eo mười sáu inch.
“Chà, chúng ta trông không đẹp sao chứ?” Maud nói khi tôi đến đón cô ấy. Đứng nhìn tôi một lượt, rồi cô ấy phủi váy của mình. “Nhưng có bụi này,” cô ấy kêu lên, “từ những chiếc kệ của bác tôi! Ôi chà! Đám sách đó, khủng khiếp quá đi!”
Cô ấy thiếu điều ứa nước mắt nữa mà thôi, vặn vẹo hai tay.
Tôi lấy chỗ bụi đi, ước giá như mình có thể nói cô ấy đang bồn chồn chẳng vì cái gì cả. Cô ấy mặc bao bố cũng được. Có khuôn mặt như dân khuân than cũng được. Miễn là trong nhà băng có mười lăm ngàn bảng cộp tên Cô Maud Lilly, thì Gentleman vẫn sẽ muốn cô ấy.
Thật kinh khủng khi ở cạnh cô ấy, biết những điều tôi biết, mà vẫn vờ vịt chẳng biết gì. Với một cô nào khác, thì chắc sẽ hài lắm. Tôi sẽ nói, “Cô khó ở à, thưa cô? Tôi mang cho cô thứ gì nhé? Tôi mang cho cô chiếc gương nhỏ để soi mặt nhé?” Cô ấy sẽ trả lời, “Khó ở hả? Tôi chỉ cảm thấy khá lạnh thôi, phải đi bộ cho ấm người.” Và, “Gương à, Sue? Sao tôi lại cần gương chứ?”
“Tôi nghĩ dạo này cô nhìn gương mặt mình nhiều hơn mọi khi, thưa cô.”
“Gương mặt của tôi! Tại sao tôi lại có hứng thú với việc đó chứ?”
“Tôi không biết, thưa cô, tôi chắc chắn đấy.”
Tôi biết chuyến tàu lửa của anh ta tới Marlow lúc bốn giờ. William Inker đã được phái đi đón, giống như từng làm với tôi. Lúc ba giờ, Maud nói cô ấy sẽ ngồi ở cửa sổ để khâu, chỗ đó nhiều ánh sáng. Tất nhiên, lúc đó thì nó gần như khá tối, nhưng tôi không nói gì. Có một chiếc ghế lót đệm cạnh khung cửa luôn rung lạch cạch, nơi lạnh nhất trong phòng, nhưng cô ấy ngồi suốt một tiếng rưỡi, khăn soan quàng quanh người, run rẩy, nheo mắt trước các mối khâu, ngấm ngầm ném những cái liếc trộm rất nhỏ về phía con đường dẫn vào nhà.
Tôi nghĩ, nếu đó không phải tình yêu, thì chẳng khác nào nói tôi là người Hà Lan. Còn nếu đó đúng là tình yêu, thì những kẻ tình nhân chẳng khác bồ câu hay ngỗng. Thật đáng mừng rằng tôi không ở trong số họ.
Cuối cùng, cô ấy đặt một tay lên nơi tim, bật ra một tiếng kêu ngạt thở. Cô ấy thấy ánh sáng đang đến gần, ánh sáng trên cỗ xe hai bánh của William Inker. Điều đó khiến cô ấy đứng dậy, rời khỏi cửa sổ đến đứng cạnh ngọn lửa, hai tay ấn chặt vào nhau. Rồi có tiếng ngựa trên nền đất sỏi. Tôi hỏi, “Có phải ngài Rivers không, thưa cô?” Cô ấy trả lời, “Ngài Rivers? Đã trễ vậy rồi sao? Chà, cũng có thể lắm. Bác tôi sẽ rất mừng đây!”
Bác cô ấy thấy anh ta trước. Cô ấy nói, “Có thể bác sẽ cho gọi tôi, để đến chào ngài Rivers. Váy của tôi có hợp không? Có thật không nên mặc chiếc màu xám không?”
Nhưng ngài Lilly không cho gọi cô ấy. Chúng tôi nghe tiếng nói chuyện, tiếng đóng cửa trong những căn phòng bên dưới, nhưng phải một giờ sau mới có cô hầu bàn đến, để báo tin rằng ngài Rivers đã tới.
“Ngài Rivers đã được sắp xếp chu đáo chứ, trong căn phòng cũ của anh ta?” Maud hỏi.
“Rồi, thưa cô.”
“Sau chuyến đi thì chắc ngài Rivers khá mệt rồi, phải không?”
Ngài Rivers gửi lời rằng mình tương đối mệt, trông chờ được gặp cô Lilly cùng bác vào bữa tối. Trước lúc đó, anh ta không muốn làm phiền cô Lilly.
“Tôi hiểu rồi,” cô ấy trả lời khi nghe báo lại. Rồi cắn môi, “Hãy nói với ngài Rivers rằng tôi không thấy phiền hà gì nếu ngài ấy đến thăm, tại phòng khách của tôi, trước giờ dùng bữa tối…”
Cô ấy cứ thế nói trong một phút rưỡi, lắp bắp, mặt đỏ lên. Cuối cùng, cô hầu bàn nhận xong lời nhắn, rời đi. Cô ta đi một tiếng rưỡi. Khi quay lại, cô ta có Gentleman đi cùng.
|