Giới Hạn Anh Em
|
|
Một người điên cuồng yêu một người. Một người khinh mạt một người. Người này mù quáng vì người kia. Người kia hờ hững với người này Nhưng...hắn thương cậu, thương như một thói quen, vô thức quan tâm như một người thân cận nhất. Cả hai quấn quít, tưởng gần nhưng lại xa, tưởng xa thực ra xa đến không thấy khoảng cách. Đến lúc nhận ra đối phương, cũng là lúc đau thương đã chồng chéo, và muộn màng, và đau đớn không nói thành lời, nhưng...
Truyện: Giới Hạn Anh Em Tác giả: Thư Sinh Hắc Ám
Chương 1 Mẹ tôi nói rằng cha tôi mất từ khi tôi mới thôi nôi. Tôi không tin, mà mặc nhiên tôi cũng xem như ông không hề tồn tại trên cõi đời. Nhìn thấy những đứa trẻ có cha, tôi âm ấp trong lòng cái cảm giác khao khát dữ dội, nhưng tôi không phải là một thằng con trai tình cảm như bạn đang tưởng, thực ra tôi ao ước có một người cha, nhưng người cha đó không phải chỉ là một người đàn ông bình thường. Tôi muốn...nếu tôi thực sự có cha, tốt nhất ông ta nên là một nhà tài phiệt. Nhiều người cho rằng tôi bị chứng hoang tưởng khi cứ mở miệng là nói cha mình đang là một nhà tài phiệt lừng lẫy ở nước ngoài, sắp về đón hai mẹ con. Tôi không để tâm người ta chế giễu mình, tôi linh cảm và tự đinh ninh rằng đó là sự thật, chỉ là thời cơ chưa tới nên mẹ tôi chưa nói ra sự thật và ông già cũng chưa về đây nhận mặt. Nhà tôi nghèo, nghèo đến “mồng tơi cũng không có mà rớt”, mẹ tôi quanh năm làm lụng vất vả, nuôi tôi đến lúc tám tuổi thì bà mắc bạo bệnh rồi qua đời. Cuối đời, bà cũng không hé môi nửa lời về “thân thế thật sự” của tôi. Năm đó một người hàng xóm giúp tôi tổ chức ma chay cho mẹ, đến lúc chôn cất bà ngay cả nửa giọt nước mắt tôi cũng không có. Tôi không hiểu sao mình lại vô ơn đến như vậy, tôi thương bà, nhưng tôi lại không khóc được. Hàng xóm ai cũng không ưa thích đứa con trai thiếu giáo dục và cộc cằng như tôi, người ta từ chối nhận nuôi tôi, rồi đẩy tôi vào trại mồ côi. Cũng chính năm đó, năm tôi tám tuổi, giấc mơ của tôi trở thành sự thật – tôi trở thành con trai của nhà tài phiệt họ Lam. Mà trước khi nói về chuyện vào nhà họ Lam, khi tôi còn ở trại mồ côi, có nhiều chuyện đã phát sinh. Ở đó có rất nhiều trẻ em, nhưng chúng lại không thích chơi cùng với tôi, chúng ghét thói khinh khỉnh và mồm mép của tôi duy chỉ có Thanh Phong là không cố tình xa lánh. Tôi và cậu ta làm bạn với nhau trong suốt thời gian 3 tháng, cho đến khi nhà họ Lam đến nhận con nuôi. Hôm đó là buổi chiều, lũ trẻ ăn cơm xong thì ra sân cùng nhau chơi bóng đá. Tôi ngồi một mình một góc nhìn lũ kiến đen dưới chân đang tha mồi về tổ, nhấc chân lên và dẫm xuống, chà sát mạnh khiến cả lũ tan tác, nhìn đám kiến chết dưới chân tôi hả hê cười. Cùng lúc đó, một cái bóng trùm xuống mình, tôi ngẩn nhìn thì thấy Thanh Phong cầm hai que kẹo ngọt, cười. - Cho Huy. Cậu ta chìa một cây cho tôi rồi ngồi ịch xuống bên cạnh. Tôi nhận lấy một que, đút mau vào miệng mình. - Nghe chị Xuyến nói ngày mai có người đến nhận con nuôi nữa đó. - Ừ. Tôi không có thói quen trả lời theo kiểu hứng thú khi ai đó nói chuyện với mình, vẫn đáp cộc lóc như vậy. - Lần này hi vọng người ta chọn mình, ha! Tôi nhìn vào đôi mắt tràn ngập hi vọng của cậu ta, cau mày, nói: - Chắc người ta chỉ chọn một đứa thôi. - Tôi muốn được họ nhận nuôi, tôi muốn có một gia đình thật sự. Mà nếu người ta chọn cậu, tôi cũng sẽ mừng cho cậu. Thanh Phong nhìn tôi và ấm áp cười. Tôi không nói cho cậu ta biết, nhưng thật ra lúc đó, cái khao khát được rời khỏi viện mồ côi nhàm chán này đối với tôi là tất cả. Thậm chí tôi nghĩ mình có thể gian xảo một chút để có thể đạt được mục đích. Và hôm sau đó, tôi tình cờ nghe thấy người quản lý trại trẻ mồ côi nói với chị Xuyến rằng người đến tìm con nuôi có một yêu cầu duy nhất là họ cần một đứa con trai, có một vết bớt trên má. Lúc đó, tôi không hiểu vì sao họ lại ra yêu cầu như vậy và cũng ngay thời điểm đó tôi vô thức đưa tay sờ lên vết bớt đen trông vô cùng xấu xí ngay trên má phải, miệng nhếch lên tạo thành một nụ cười gian xảo và thầm nghĩ rằng trời cao đã phù hộ cho một đứa trẻ đáng ghét này. Thế nhưng tôi lại chợt nhận ra, đứa trẻ có vết bớt bên má không chỉ có một mình tôi. Thanh Phong cũng có một cái y hệt, có điều bớt của nó là bớt son, màu đỏ không xấu như cái của tôi. Nhà họ Lam đến. Bà Lam là một người phụ nữ rất trẻ đẹp, vóc dáng thanh mảnh, cử chỉ sang quý điệu như cái khuôn khổ vốn có của bất kỳ kẻ danh môn vọng tộc nào. Bà ta mang theo một đứa con trai tầm hơn tôi vài tuổi – hắn là Lam Khiết An – một tên tiểu công tử yếu ớt bệnh hoạn, gương mặt trắn nõn hồng hồng như đứa bé gái, nhưng ánh nhìn thì lúc nào cũng đanh lạnh, hờ hững đáng sợ. Hắn bắt gặp khi tôi cố nhốt Thanh Phong vào kho chứa đồ bỏ ở phía sau nhà ăn. Khiết An nhìn thấy sự tạp nhạp xấu xa trong đôi mắt của tôi, hắn khinh nhạt đến nỗi lười thể hiện thái độ chán ghét. Ánh mắt đen tuyền, lạnh thấu buốt lướt qua mặt tôi, để lại những trận gió làm toàn thân tôi run rẩy. Hắn không nói với ai chuyện mình vừa bắt gặp, hắn im lặng trong suốt cuộc trò chuyện giữa mẹ hắn và người quản lý trại trẻ. Hôm đó, người ta không tìm được Thanh Phong, nên...tôi là người duy nhất có cái bớt ở trên má.
|
Chương 2 Khiết An bị bệnh tim bẩm sinh. Tuy đã phẫu thuật thành công nhưng hình như sức khỏe của hắn không khá lên được, phải uống thuốc trường kỳ. Hắn là con cháu độc tôn nên cả nhà họ Lam đều lo lắng ráo riết, nhất là bà Thoa – mẹ hắn. Một ngày nọ, người phụ nữ kia nằm mơ và thấy con trai mình bị rơi xuống dưới dòng nước xoáy dữ dội, nhưng may mắn thay được người ta cứu giúp. Và người đó là một đứa trẻ - đứa trẻ có cái bớt xấu xí trên mặt. Tôi bước vào nhà họ Lam với tư cách là một đứa con nuôi, nhưng thực chất chỉ là một thứ cúng tế, thứ mà bà Thoa đặt niềm tin khi đã vô vọng. Hiểu điều đó hơn ai hết, nên tôi không bận tâm khi họ đối xử với tôi như một con ma-nơ-canh không có suy nghĩ hay tình cảm riêng. - Tên gì? – Ông Lam Hòa ngồi trên sofa xem báo, không nhìn tôi mà hỏi. - Huy. - Từ nay tên Lam Gia Huy. Gọi tôi là ba, rõ chưa? - Ừ. Ông ta không hài lòng giây phút đầu tiên của cuộc nói chuyện, vùng mày cau có, ánh mắt lăm lăm nhìn tôi. - Người lớn nói chuyện, đáp lại phải dạ thưa đàng hoàng. Ở đâu ra cái kiểu cộc lốc đó hả? Vú Thẫm sau này nhớ dạy phép tắc cho nó, đừng để người ngoài trông vào mà cười cho. Người phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi có gương mặt phúc hậu chực đằng sau đi tới, khoanh tay cúi đầu lễ phép nói: - Dạ, tôi biết rồi ông chủ. - Dẫn nó vào phòng tắm rửa. Gọi quản gia Kiên ra cho tôi. - Dạ ông chủ. Vú Thẫm dẫn tôi lên lầu, trên mặt thảm lót cầu thang lưu lại vết bùn đất từ đôi chân trần dơ dáy, tôi nhìn lên người đàn bà nhưng không định nói gì, sau đó thì dáo dác đánh giá sự trang hoàng xa xỉ của ngôi biệt thự cao lớn như một tòa lâu đài này một lượt. Quả nhiên là “có tiền mua tiên cũng được”. - Cậu Gia Huy từ nay ở cùng phòng với cậu Khiết An nha. Vú Thẫm nhìn tôi, cười. - Ừ. Tôi trả lời với cái kiểu như không mấy quan tâm. Vú Thẫm lại xoa đầu tôi, nói tiếp: - Sau này cậu phải ở bên cạnh trông chừng cậu An, sức khỏe cậu An không tốt, không thể chịu tiếng ồn lớn, không chịu được kích động, đừng chơi trò ú tim với cậu. Còn nữa, cậu ấy thích ở một mình thì cũng đừng làm phiền, đồ đạc của cậu An thì cũng đừng đụng vào, cậu ấy khó chịu đấy. - Biết. Vú Thẫm ngập ngừng rồi lại lẫm bẫm một hồi, không tìm ra thứ để dặn dọ thêm nữa nên bà dẫn tôi đi thẳng tới căn phòng phía trước. Nói là ở cùng phòng, nhưng thực chất giường ngủ của tôi so với Lam Khiết An nhìn chung giống như một cái tổ chó và một cái giường King Size bự. Sinh hoạt sau này giữa tôi và hắn cách nhau một mảng tường, chỗ của tôi gọn – sạch, khiêm tốn ngay cuối căn phòng hoành tráng. Tôi thầm cười trộm trong lòng, nói tôi và hắn là chủ và chó cũng không ngoa. - Bà chủ sắp xếp cho cậu Huy ở cùng phòng với cậu Khiết An cũng là có lý do. Thầy bói hôm trước nói cậu Huy sau này sẽ là “người chiếu mệnh” cho cậu An, cậu lúc nào cũng phải ở bên cạnh cậu An, biết không? Tôi không trả lời bà, chầm chậm đi tới tham quan cái “ổ chó” của mình. Nhưng cũng không tệ, giường ngủ có đệm gối sạch sẽ gọn gàng, một bộ bàn ghế, một kệ sách và một giá treo đủ quần áo sang trọng cho một đứa trẻ tám tuổi. Tôi lướt nhẹ tay trên những quyển sách giáo khoa. - Sau này cậu cũng sẽ như cậu An được đến trường. - Vú Thẫm ở phía sau tiếp tục nói. Tôi quay lại nhìn bà. - Trường học vui không? - Đương nhiên là vui, ở đó có rất nhiều bạn bè, cậu cũng được thầy cô dạy chữ nè. Lúc trước Vú cũng có một đứa con trai, mỗi khi đến trường nó đều mặc bộ đồng phục trông rất dễ thương. Không biết bây giờ nó còn mặc bộ đồng phục đó nữa hay không... Tôi nhìn người phụ nữ đang miên man cười như đang nhớ lại thứ tốt đẹp nhất trong cuộc đời bà. Lúc này tôi vẫn còn quá nhỏ, quá nhỏ để hiểu được những đau đớn và mất mát là thế nào. Nên tôi không đồng cảm được với Vú Thẫm khi nghe bà kể lại chuyện chồng bà mang theo con trai bỏ đi với nhân tình, tôi chỉ thấy đột nhiên thương sự dịu dàng của bà, thấy bà có nét nào đó hao hao với người mẹ quá cố. Vú Thẫm tắm rửa cho tôi, dẫn tôi đi thăm quan xung quanh, kể cho tôi nghe một số chuyện và cả những húy kỵ trong gia đình họ Lam. Tận đến chiều tối sau ăn món súp ngọt lịm do bà nấu, tôi trở về phòng, loay hoay phá phách những món đồ chơi đắc tiền của Lam Khiết An. Hắn mở cửa phòng và nhìn tôi bằng đôi mắt đen nhánh như không mong manh chút suy nghĩ nào, sau đó hắn đi về bàn học của mình, ngồi xuống. Tôi thừ người, trên tay vẫn còn ôm siết chiếc xe tăng số hiệu 103. Cuối cùng, dù không đành nhưng tôi cũng phải bỏ tất cả xuống. Tôi mặc nhiên khen mình từ lúc nhỏ đã rất thông minh, biết người nào có thể đối đầu và người nào là không thể. Phải, cả đời này tôi không bao giờ được phép đối đầu hay giở thói ương ngạnh đối với Khiết An, hắn là thần thánh, hắn là vua và tôi chỉ là một tên đầy tớ. Tôi bỏ về vị trí vốn dĩ của mình, cùng lúc nghe hắn nói: - Hết chỗ đó, của cậu.
|
|
Chương 3 Lúc nhỏ, trông Khiết An rất mỏng manh. Hắn lúc nào cũng mặc những bộ đồ màu nhạt thùng thình để che cả cơ thể gầy gò của mình, và trên người hắn thường xuyên phảng phất mùi thuốc nhạt. Hắn đẹp trai, ngay từ nhỏ hắn đã có một gương mặt trời phú. Một đôi mắt lạnh lùng, chiếc mũi cao thẳng tắp và làn môi mỏng nghiêm nghị thỉnh thoảng hay mím lại hoặc bất chợt nhếch lên kiểu thần bí. Hắn không thích cười, nếu như hắn thực sự cười sâu đó chính là lúc hắn cực kì...tức giận. Ngoài cái tính cách khó chịu kia thì phải nói Khiết An là một người tốt, một kẻ chính trực và cũng rất độc lập. Hắn là quân tử, còn tôi là tiểu nhân. Tôi tiểu nhân tới mức nào, ngay từ lần gặp đầu tiên Lam Khiết An cũng đã thấy. Mấy năm sau đó, có lần tôi hỏi Khiết An vì sao lúc đó không vạch trần tôi, không nói cho đám người kia biết rằng tôi đã nhốt Thanh Phong vào nhà kho? Hắn tanh lạnh nhìn tôi, nói: “Cậu hay tên kia đối với tôi không khác biệt gì. Vốn dĩ tôi không tin vào chuyện “người chiếu mệnh” vớ vẩn đó, tôi chỉ chiều ý mẹ. Nói chính xác hơn thì tôi xem cậu là không khí, không hơn, không kém.” Mặc dù nói vậy, nhưng ít nhất Khiết An tôn trọng quyền làm con người của tôi hơn bất kì ai trong ngôi nhà này. Không giống như Vú Thẫm nói, bà Thoại Thoa không để tôi đến trường, mà chỉ thuê một người đến nhà để dạy tôi đọc và viết chữ. Suốt ngày tôi quanh quẩn trong căn nhà to lớn, Khiết An học bài, đọc sách, chơi game, tôi đều phải ở bên cạnh nhìn hắn. Thỉnh thoảng hắn sẽ cho tôi chơi cùng, và sau đó còn cho tôi cả bộ đồ chơi đó. Dần dần, tôi bắt đầu thích hắn, như tôi thích Vú Thẫm. Bảy năm thoáng qua như một cơn gió, khi tôi dần phát hiện ra mình không có cảm giác với con gái, tôi cũng chợt giật mình nhận ra không biết kể từ lúc nào tình cảm mà tôi dành cho “anh trai” của mình đã biến chất trầm trọng. Mười lăm tuổi, tôi đã trở thành một cậu thiếu niên biết thế nào là “tình yêu chớm nở”. Tôi thích chơi với bạn xấu, mỗi đêm đều lén ra khỏi nhà lêu lỏng với đám bạn đến tận khuya, sau đó trở về nhà như một con chuột nhỏ lén lút. Vú Thẫm sẽ ra mở cửa cho tôi, có khi bà sẽ trách tôi, cũng có khi sẽ không nói gì ngoài một tiếng thở dài. Sau khi vào được phía trong, tôi leo thang dây phía ngoài để lên phòng. Qua lối cửa sổ, tôi có thể thấy người con trai kia đang ngủ say. Khiết An mười bảy tuổi, hắn chơi những môn thể thao nhẹ, cả cơ thể không còn vẻ yếu ớt bệnh tật của năm nào nữa, và cả gương mặt cũng dần trở trên cứng cáp, điển trai như ông Lam Hòa. Tôi đứng bên giường nhìn hắn, đèn ngủ nhàn nhạt hắt lên sườn mặt nam tính. Trong lồng ngực tôi nhộn nhịp như mở hội, cùng lúc, hắn mở mắt. - Dạo này tôi thấy cậu rất biến thái, biết không? Tôi cười tục tằng, nói: - Anh hai, anh nỡ lòng nào nói vậy với em chứ! Nếu có biến thái thì em chỉ vì anh mà biến thái thôi. - Đừng nói mấy lời gớm ghiếc đó. Mau đi tắm đi, người cậu có mùi như nước cống vậy. - Vậy sao... Tôi kéo áo lên khịt khịt sau đó ghé xuống hắn, ngửi ngửi. - Còn anh hai thì có mùi thật thơm... Hắn gầm gừ qua kẽ răng: - Cậu ngứa mình phải không? - Haha. Tôi đi vào phòng tắm, xối nước qua loa sau đó quấn khăn đi ra. Lúc này Khiết An đã bật đèn ngoài, hắn nằm trên giường và uống một viên thuốc màu trắng, thấy tôi đi tới, hắn cũng chẳng buồn để ý mà nằm xuống kéo chăn lên nửa ngực, nói: - Tắt đèn. - Hôm nay sao uống thuốc trễ vậy? Lúc tôi tưởng Khiết An đã ngủ, hắn đột nhiên lên tiếng: - Từ nay không uống nữa. - Sao? Sao lại không uống thuốc nữa? - Hết bệnh rồi thì còn uống làm gì nữa? Tôi cau mày, ngồi bên giường nhìn hắn đang thanh thản nhắm mắt. - Đừng có chủ quan, sao anh biết hết hoàn toàn được? - Bệnh của tôi, đương nhiên tôi biết. Cậu rộn chuyện quá, về giường ngủ đi. Tôi thở dài, muốn nói với Khiết An rằng tôi chẳng phải loại người hay rãnh rang đi quan tâm người khác đâu. Nhưng đối với tôi, hắn là một ngoại lệ đặc biệt. Tôi có xấu xa, có ích kỷ, có tùy tiện và nham hiểm đến mức nào thì trước mặt hắn, tôi vẫn chỉ là một con cún nhỏ xấu xí nhưng trung thành. - Khiết An... Hắn không trả lời. - Khiết An...anh ngủ rồi à? Vẫn không trả lời. Tôi nhìn gương mặt kia, có thứ gì đang thôi thúc trong lòng ngực khiến tôi đột nhiên muốn gần gũi với hắn. Tôi ghé sát mặt, đặt một nụ hôn bên thái dương hắn, âm thầm nói: - Anh hai, ngủ ngon!
|
Chương 4 Lam Thiên Triều là anh họ của Khiết An. Sau Tết Trung Thu năm tôi mười lăm tuổi, anh ta dọn vào ở chung với gia đình ông Lam Hòa, tiện cho việc học tại một trường đại học gần đó. Tên mọt sách mang kính cận ấy không hề có thiện cảm với cái tính cách điên khùng và tự tiện của tôi, mà tôi cũng vậy, chẳng có chút thích thú gì với kẻ chỉ biết xu nịnh người khác. Mỗi lần ở cùng một không gian với nhau, hai chúng tôi hiếm khi nói chuyện mà hễ nói chuyện là có cớ để loạn gà bay chó sủa. Bữa cơm hôm đó nhà họ Lam có khách. Ông Lam Hòa mời một người bạn lâu năm và gia đình bên đó qua dùng cơm tối. Khi tôi chuẩn bị theo Khiết An xuống nhà ăn thì đột ngột thấy Vú Thẫm dè dặt đi tới, thủ thỉ vào bên tai: - Cậu Huy...Hôm nay nhà có khách, bà chủ kêu tôi lên nói với cậu...nếu cậu không thích người lạ thì có thể ở trên phòng, tôi mang thức ăn lên cho cậu... Khiết An có lẽ đã nghe thấy, nhưng hắn không có thái độ gì, chậm rãi đi xuống cầu thang. Tôi nhìn Vú Thẫm sau đó cười khách một tiếng. Cái ý tứ này chẳng lẽ tôi ngu ngốc đến mức không nhận ra? Không phải bà Thoại Thoa lo lắng gì cho tôi, mà bà chỉ sợ mấy vị khách kia khi nhìn thấy gương mặt quỷ quái của tôi thì không khỏi lật tung bàn ăn mà tháo chạy. Đùa thôi, bà ta chỉ sợ tôi làm cả nhà mất mặt. Lam Thiên Triều cùng lúc mở cửa phòng đi ra, anh ta đẩy gọng kính rồi cười cười gian manh nói: - Mau giấu cái mặt đáng sợ của mày đi đi, đừng dọa khách của bác Hòa phải ngất xỉu. Tôi thản nhiên nhìn anh ta và cười lại, nửa chữ cũng không nói ra, nhưng sau đó thay vì trở về phòng, tôi đi thẳng xuống nhà ăn. Vú Thẫm khó xử gọi tôi vài tiếng, thấy bà luống cuống tôi cũng không đành nên bỏ lại một câu: - Nhà có khách đông vui như vậy, sao vắng mặt con được? Như trong suy nghĩ, khi tôi xuất hiện thì đồng loạt cả đám người kia đều chưng hững. Tôi liếc nhìn sơ qua, đánh giá từng gương mặt. Mặt của ông Lam Hòa là khó coi nhất, sau đó đến bà Thoa. Còn xét về mức độ hốt hoảng thì bên nhà khách ai nấy như nhau. So độ điềm tĩnh, Khiết An lại “win”, cứ như hắn đã biết sớm muộn gì tôi cũng bày trò phá hoại. - Chậc, nhà có khách thật đông vui. Tôi thản nhiên đi tới rồi ngồi vào bàn ăn, mặc cho đôi mắt lạnh cóng của ông Lam Hòa. Không thấy ai động đũa, tôi trở thành người tiên phong nếm thử thức ăn, gật gù đầu rồi xua xua đũa nói với bên nhà khách ba mặt đang đực ra. - Ăn đi, ăn đi, cứ tự nhiên. Sao mọi người lại nhìn tôi như vậy, mặt có dính gì à? - Mày... Lam Thiên Triều giận dữ nhưng sau khi dò xét thái độ đáng sợ của ông Lam Hòa thì không dám nói thêm lời nào. - Lam Gia Huy! - Dạ? Mẹ gọi con? Tôi đưa đôi mắt thơ ngây nhìn bà Thoại Thoa. - Con... Người đàn ông trung niên bên nhà khách đoán chừng là bạn thân của ông Lam Hòa lúc này mới cất tiếng hỏi: - Cậu đây là... - Anh Hải, thật ngại quá...nó là con nuôi của chúng tôi. Tính cách khó bảo. - Anh chị nhận cả con nuôi à? Bấy lâu nay tôi lại không biết. - Thật xin lỗi anh, trẻ con không hiểu chuyện. Ở trên bàn ăn lại thất thố thế này... - Không sao, con nít mà, từ từ dạy dỗ không muộn. Người đàn ông vừa nói, tầm mắt vẫn đăm đăm nhìn vết bớt mấy năm qua đã dần lan rộng che gần nửa khuôn mặt của tôi. Sau đó, tiếng của ông Lam Hòa trầm lạnh vang lên mới khiến ông ta giật mình thu lại ánh mắt. - Anh Hải, lúc nãy chúng ta nói tới đâu rồi? - À...à...là chuyện đưa thằng nhóc An nhà anh với con bé Khánh nhà tôi qua nước ngoài du học. Tôi thấy Khiết An nhà anh rất có tố chất, nó lại thông minh nữa, không nên chôn hãm tài năng của nó. Ở nước ngoài điều kiện, cái gì cũng tốt hết... Bà Thoại Thoa thở dài, nói: - Chuyện đó không phải chúng tôi không có nghĩ, mà là...anh Hải thấy đó, sức khỏe của nó...Mặc dù mấy năm nay không có tái phát nhưng tôi còn lo lắm. Để nó đi một nơi xa như vậy mà không có ai trông nôm, thật tình tôi không an tâm. Suốt buổi ăn, cả hai nhà nói rất nhiều chuyện. Nhưng chung quy tôi chỉ để ý tới chuyện Khiết An sẽ đi nước ngoài học. Thỉnh thoảng tôi nhìn lên, chỉ thấy hắn thản nhiên ăn, không nói xen chuyện cũng chẳng tỏ thái độ đồng tình hay không. Mà nói chung, Khiết An xưa nay vẫn vậy, hắn không thích bị áp đặt nhưng nếu chuyện đó hắn nghĩ là tốt cho mình, hắn sẽ không phản đối, sẽ không nhiều lời. Quan trọng hơn, điều tôi nghĩ tới đó chính là liệu bà Thoại Thoa có để tôi đi cùng với hắn hay không. Bệnh tình của Khiết An giờ đã ổn, nên có lẽ... Sau khi nhà khách đã về, ông Lam Hòa gọi tôi vào phòng. Và cũng như bao lần trước, một bạt tai bất thình lình giáng xuống, mặt tôi lệch đi, dưới môi bật ra chút máu đỏ. - Mày nghĩ mày đang chống đối ai, hả? Tôi không đáp ông ta, mà ngay lúc đó hỏi ngược lại: - Khiết An đi nước ngoài sao? Vậy có cho tôi đi cùng không? - Mày lấy tư cách gì đi cùng nó? Đừng tưởng tao tin cái gì gọi là “chiếu mệnh” vớ vẩn đó. Mày có tin ngay lúc này tao tống cổ mày ra khỏi căn nhà này? - Mẹ không đồng ý cho ba làm vậy đâu. Mặc kệ ba có tin hay không, nhưng với mẹ thì tôi vẫn là phương thuốc cứu sống anh Khiết An! – Tôi cười nhạt, thản nhiên như không mà đối mắt đáp lại ông. Lam Hòa thở phì phì, với tay nắm lấy chậu sứ gần đó và ném thẳng vào đầu tôi. “Xoảnggg” “Rào...” Tôi nghe thấy tiếng nước chảy, hình như Khiết An đang tắm. Tôi mở cửa đi vào trong, nhìn hắn đang đứng dưới vòi sen. Xung quanh dâng lên lớp không khí mờ mịt, mùi hương xà phòng xộc vào mũi tôi thanh mát. - Để em chà lưng cho anh. Hắn không đáp và cũng không từ chối. Tay tôi chủ động chạm trên từng tấc da mịn, nước theo mái tóc đen nhánh chảy thành dòng xuống tâm lưng trần khỏe mạnh. Bấy giờ mới chợt nhận thấy, thì ra Khiết An đã sắp trưởng thành, hắn đã sắp trở thành một người đàn ông khỏe mạnh mà tôi chưa từng thử tưởng. Hắn thậm chí còn cao hơn tôi hơn một cái đầu, mỗi lần nhìn lên thấy nước chảy trên sườn mặt sắc gọn, tim tôi trong lồng ngực lại nhảy nhót biểu tình. - Nghe nói sau khi học xong phổ thông, anh hai sẽ đi nước ngoài hả? Giọng nói của tôi lạc lõng trong căn phòng mờ mịt hơi nước, và bên cạnh tiếng “rào rào” từ vòi sen đang cố lấn áp. Khiết An im lặng. - Mang em theo cùng được không? Thời gian chậm chạp trôi qua, hắn với tay tắt vòi sen, vuốt nước trên mặt sau đó thì quay đầu lại. Giây phút nhìn vào tôi, hắn đột ngột cau mày. - Trán bị làm sao? - Ba ném bình sứ. - Còn không đi băng lại? Khiết An quấn gọn khăn che đi nửa dưới, sau đó lôi tôi ra ngoài. Lúc hắn tỉ mỉ sát trùng vết thương rồi lại cẩn thận băng bó, tôi chỉ việc ngồi im đó, lẳng lặng quan sát cả gương mặt đang toát lên sự nghiêm túc khó cưỡng. Tôi chưa từng tưởng tượng việc mình sẽ ra sao nếu như bị bắt rời khỏi hắn, thật khó nói nhưng hình như tôi bị nghiện con người này mất rồi, như khi đã chuốc vào người loại bạch phiến tàn ác dần ăn mòn cơ thể. Và tôi cũng có thể cảm nhận, tận trong thâm tâm, tôi mục ruỗng từ lâu lắm rồi. Tôi gục vào ngực Khiết An, thì thào nói: - Em là thuốc của anh, anh không thể đi mà bỏ em lại được... Phải. Tôi là thuốc, là liều thuốc duy nhất của hắn.
|