“Ta không sao. Chỉ là, đây là tấm bản đồ mà cách đây mười tám năm về trước, vợ ta – một người đàn bà Phú Lang Sa đã tẩn mẩn vẽ lại. Bà ấy bảo, nơi đây mới chính là thiên đàng ở trần gian” Ông ôm tấm bản đồ vào lồng ngực, như để tìm lại hơi ấm của người “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”
“Bà ấy không ở đây nữa hả ông?” Chúng tôi thắc mắc khi quanh quẩn điền trang rộng lớn này chỉ thấy bóng dáng ông và tốp thợ làm công buổi sáng. Không hề thấy dấu ấn của một người đàn bà ngoại quốc nào như lời kể của ông.
“Ta với bà ấy có với nhau được đứa con trai. Thằng nhỏ kháu khỉnh lắm. Bà ấy bảo thằng bé ấy là kết tinh của tình yêu. Bà ấy có mái tóc vàng, ta thì tóc đen. Còn thằng bé lại có tóc màu nâu của hạt cà phê rang thiếu lửa” Mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc sau những dòng hồi tưởng về người vợ ngoại quốc và đứa con trai.
“Sinh nhật lên bốn của thằng bé con ta, đúng mùa hoa cà phê nở, chúng ta đã dắt nó lên vườn địa đàng này. Ta với bà ấy sơ ý để thằng bé chạy đi đâu mất. Cả hai chạy đi tìm, cố gào lên hòng mong thằng nhỏ nghe thấy nhưng vẫn bặt tăm. Suốt hai năm trời hỏi han tìm kiếm, vợ ta tuyệt vọng. Bà ấy bảo sẽ trở lại quê hương. Ở lại chỉ làm bà ấy thêm đau lòng mỗi lần nhìn thấy những nhánh cà phê đơm bông tang chế” Giọng ông nghẹn lại, tay với lấy một nhánh hoa đã trổ trắng cành.
“Vậy đường hầm này cũng là do ông bà xây ạ?” Tôi thắc mắc nhìn vào tấm bản đồ có vẽ hình mười hai ngôi mộ
“À, không. Đường hầm này là do bố ta xây. Ngày xưa bố ta là điền chủ vùng này, tuy giàu có nhưng ông nhân từ lắm. Ai thiếu thốn gì cũng giúp, ai cần gì cũng cho. Những năm loạn lạc, bom đạn mù trời, ông cho tốp thợ ngày đêm đào căn hầm này để tiện đường hoạt động bí mật. Ban ngày ông tiếp các chính khách ngoại quốc, đêm xuống liền trở về căn hầm hoạt động như một phần tử chống ngoại xâm. Sau này bố ta kể lại, có lần trong một trận tử chiến, cả Tây lẫn Ta đều trọng thương. Chính đường hầm này trở thành dưỡng đường chữa lành vết thương cho họ”
“Thế còn những ngôi mộ, rồi những tấm phù điêu khắc dọc hai bên tường là sao hở ông?” Thằng Tâm tò mò hỏi
“Đó là mười hai sứ đồ của Chúa, tượng trưng cho mười hai đức tính khác nhau. Những người không hiểu sẽ bảo đó là ảnh linh của ma quỷ, nhưng thật ra đó là ý đồ của bố ta khi cho điêu khắc những tấm phù điêu này” Ông khẽ cười trước sự ngô nghê của cả ba chúng tôi
Gió đêm bắt đầu thổi những cơn lạnh buốt. Cả bốn người ngược hướng địa đàng trở về điền trang. Chúng tôi trao lại tấm bản đồ cho ông như một vật kỷ niệm. Đêm hôm ấy, tôi đã ngủ thật say, tôi thấy mình trở lại địa đàng. Theo dấu chân tôi là thằng bé con tóc màu nâu nhạt. Nó lẽo đẽo phía sau, luôn miệng nói: “Tớ muốn về nhà”
Ngày hôm sau như đã hẹn, chúng tôi và cả người chủ nhà lần theo mật đạo trở về phía địa đàng. Thằng Tâm giúp ông đóng lại những cột tre bắt đầu xiu vẹo. Tôi và Thằng Toàn đi quét lá khô trên các bậc thang rồi tỉa bớt những ngọn cỏ lau đã cao quá nửa thân người. Ông kể cho chúng tôi nghe về giống hoa pensée mà bà nhà đem tận bên Pháp về, bà ấy yêu hoa pensée, lúc nào cũng vậy. Cho nên vườn địa đàng ông bà chỉ trồng toàn loài hoa có vẻ ngoài rập rờn như cánh bướm.
Có người còn gọi hoa này bằng cái tên Tử La Lan hay hoa thương nhớ. Thuở xa xưa có chàng trai thầm yêu một cô gái đẹp. Không đến được với nàng, chàng trăn trối: “Ngày nào xa em anh gửi lại, trao cho em một nhành hoa, hoa pensée là loài hoa yêu thương”. Từ đó trên nấm mộ người thanh niên si tình kia mọc lên những bụi hoa thấp nhỏ, người ta gọi chúng là pensée, nghĩa là thương nhớ. Sau này những người đang yêu nhau thường dùng hoa này để bộc bạch nỗi lòng với nhau. Ông khuyên chúng tôi không được hái hoa khi trên cánh còn đọng giọt sương, bởi vì có thể dẫn đến cái chết của người yêu và thật nhiều nước mắt của điềm tang tóc.
Ông khép lại cuộc trò chuyện bằng hai câu thơ. Chạm nhẹ ngón tay trên những cánh pensée mỏng mảnh, chúng tôi không khỏi cảm thán trước tình yêu sâu đậm của ông dành cho mối tình đầu.
“Đem pensée ta ép vào trong ngực Tưởng nhớ tình em đến cực cùng”
Trời tím dần trên cả đồi hoa. Một đôi chim quấn quýt bay ngược về phương Nam tránh rét. Tôi đứng dang tay cảm nhận nỗi nhớ nhung xoay vần trong lồng ngực. Trời nổi gió, những cánh bướm thực vật dưới chân như muốn thoát thai bay thẳng lên trời.
“Coi chừng cảm lạnh bây giờ”
Tôi nín thở lắng nghe tiếng chân đang chầm chậm bước. Chưa kịp xoay người thì cổ đã được giữ lại bởi vật gì âm ấm tựa chiếc khăn len. Đôi tay gân guốc lần xuống ôm lấy hông tôi, anh thủ thỉ: “Anh nhớ em, Hải à”
Tôi chắc mẩm là anh không thể nào đoán được cảm xúc của tôi lúc này. Bất ngờ, biết ơn và hạnh phúc.
“Sao anh biết em ở đây?” Tôi ngờ ngợ đoán được câu trả lời nhưng giả đò hỏi thử “Ờ, thì anh đi theo hướng con tim mách bảo mà” Sơn dúi cằm lên vai tôi. Anh với tay cố đan vào năm ngón tay tôi thật chặt. “Xạo xạo không, là tụi thằng Tâm nói chứ gì” Tôi biết tỏng hai thằng đệ của anh không phải dạng vừa. Thể nào tụi nó cũng ghi lại nhật ký giám sát tôi rồi kể anh nghe vào buổi tối. “Ừm, hì hì. Ở đây mát quá ha” Anh làm bộ cười ngây ngốc “Tất nhiên rồi, ở trên cao mà. Sao anh lên đây chi vậy. Ngày mai em về rồi mà”
“Thôi anh nhớ em lắm, anh không muốn đợi thêm ngày nào nữa đâu” Anh xoay người tôi lại, nhìn sâu vào trong mắt tôi anh hỏi: “Có nhớ anh không?”. Tôi lúng túng không biết đáp lại như thế nào vì lần đầu thấy anh nghiêm túc như vậy. Tôi ậm ừ gật xuống nhưng không dám ngước lên đối diện với anh.
“Hải à, em nhắm mắt lại đi” Anh tìm đến chạm lấy môi tôi. Giữ ở đó thật lâu cho đến khi tiếng gọi của hai tên phá đám vọng đến.
“Đại ca, đi nhà thờ xem hang đá không” Thằng Tâm lớn tiếng gọi. Tôi luống cuống lùi lại phía sau, ngượng ngùng đối diện với hai tên đang há hốc mồm ở ngay triền dốc cách đó độ chừng mươi thước. Anh ho khan vài tiếng, tụi nó ôm bụng cười rồi chạy mất hút về phía triền dốc bên kia.
Trong tay anh, chúng tôi bước những sải chân hài hòa đăng đối đến tận cửa giáo đường. Thánh lễ vừa kết thúc, mọi người túa ra các góc sân rôm rả chuyện trò. Vài đứa trẻ tinh nghịch thò đầu vào hang đá, cố chạm cho bằng được đức Chúa mới sinh. Sơn bảo ngày xưa anh cũng vậy. Mỗi lần bị phát hiện là y như rằng anh cùng mấy đứa trong xóm chạy trối chết.
“Hình như lúc đó cũng có em nữa” Tôi nhìn anh cười “Ừm, đúng rồi có em nữa. Anh nhớ lúc đó em chạy phía sau anh. Em còn bảo lỡ mà người ta bắt được thế nào về cũng bị phạt đòn. Anh sợ quá cuống cuồng chạy, vấp phải cục đá trầy hết cái chân. Về má anh la quá trời” Sơn hóm hỉnh kể “Tại em sợ nên mới nói vậy chứ bộ. Em đâu có ý hù anh đâu” “Ừ, ha ha, có lạnh không” Anh vươn tay giúp tôi thắt lại chiếc khăn len trên cổ “Cũng hơi lạnh lạnh. Còn mấy ngày nữa là Giáng Sinh rồi đó” Tôi lấy trong túi hộp quà nho nhỏ, định là khi về thành phố sẽ bất ngờ tặng anh
Anh chà sát hai bàn tay cho nóng rồi lụi cụi áp vào má tôi. Anh làm bộ thở dài não nuột: “Ừm, vậy mà…Chúa chưa xuống trần anh đã nhớ người yêu”
|