Anh Hùng Lĩnh Nam
|
|
Nhâm Diên vẫn chối:
– Ai đã báo tin thất thiệt cho Đào Hầu, xin cô nương cho bản chức được biết, để trị tội.
Thiều Hoa biết Nhâm Diên là loại người xảo quyệt. Nhưng nàng không phải là người cơ trí, chưa biết trả lời sao để lột mặt nạ y. Thình lình ba mũi tên xé gió bay đến, hai hướng ngực, đầâu Nghiêm Sơn. Một hướng cổ Thái Thú Nhâm Diên. Kình lực khá mạnh. Nghiêm Sơn rút đao gạt được cả hai. Còn Nhâm Diên, y là quan văn, nên không biết tránh. Nghiêm Sơn nhún mình vọt qua ngựa Nhâm Diên, đẩy y lăn xuống đất, còn tay chàng bắt mũi tên. Nhâm Diên thoát chết, y phát run:
– Đứa nào hỗn láo, giết… giết.
Y ra hiệu cho thiết kỵ tiến lên vây Thiều Hoa vào giữa.
Thiều Hoa cười:
– Nghiêm tướng quân, anh hùng vô địch Quế Lâm, mà dùng đại quân để đối phó với một cô gái Việt sao đây?
Nghiêm Sơn biết phía sau Thiều Hoa còn nhiều người mai phục, nên mới có tên bắn ra. Chàng không biết là bao nhiêu người. Bản tính quật cường, chàng vẫy quân lui lại, một mình tiến lên.
Nhâm Diên nói nhỏ với chàng:
– Xin tướng quân đừng chần chờ, giải quyết mau vì phủ Thái Thú đang lâm nguy.
Nghiêm Sơn là Lĩnh Nam công, uy quyền như một ông vua con, chàng không ưa bọn Thái Thú Nhâm Diên, Tích Quang. Bây giờ giữa trận tiền, nghe y thôi thúc, chàng cau mày bực mình, nhưng địa vị chàng là người lớn, nên không muốn quát mắng y ở chỗ đông người.
Nghiêm Sơn thản nhiên hỏi Thiều Hoa:
– Xin cô nương tránh đường cho tiểu tướng đi. Sau đây mấy ngày, tiểu tướng sẽ đến Đào trang bái kiến Đào lão tiên sinh và cô nương.
Bỗng có tiếng quát:
– Khoan!
Đào Kỳ từ bụi cây vọt người ra, nó nhảy nhót mấy cái đã tới trước ngựa Nghiêm Sơn:
– Nghiêm tướng quân, tam sư tỷ của tôi đây vốn kính phục những anh hùng nghĩa hiệp. Nhưng tiếc rằng chưa gặp người nào vượt qua được bảo kiếm của người. Vậy hôm nay tướng quân cũng nên cho dân Cửu Chân được biết qua về võ Trung Nguyên.
Câu nói này, Đào Kỳ vừa có ý khích Nghiêm Sơn, vừa ngụ ý: Sư tỷ tôi là tuyệt thế giai nhân, võ công cao, người chỉ khuất phục đấng anh hùng, võ công cái thế. Nếu tướng quân muốn lọt vào mắt xanh, thì phải thắng được sư tỷ của tôi đã.
|
Nghiêm Sơn hỏi:
– Chú em, phải chú em là Đào Kỳ không? Ta mới tới đây đã nghe danh chú. Một chiêu đánh ngã lữ trưởng Mã Dũng, hai chiêu đánh ngã lữ phó Triệu Thanh, thực tài không đợi tuổi.
Đào Kỳ chắp tay đáp lễ:
– Tiểu đệ không dám.
Nhâm Diên thấy ba mũi tên lửa màu tím bắn lên từ phủ Thái Thú. Đó là tín hiệu cầu cứu. Một lát lại thấy hai mũi tên bắn lên từ cảng Thủy quân, có lẽ cảng cũng nguy rồi. Lòng y như lửa đốt, nhưng Nghiêm Sơn cứ như ngây dại trước sắc đẹp Thiều Hoa. Nếu Nghiêm Sơn không là thượng cấp của y thì y đã nổi quạu rồi. Y nghĩ đến mẹ già, vợ, con, không biết những gì sẽ xảy ra nếu phủ Thái Thú bị Đào trang đánh chiếm. Y nói với Nghiêm Sơn:
– Đại tướng quân! Phủ Thái Thú và cảng Thủy quân nguy cấp. Xin đại tướng quân ra tay gấp cho.
Đào Kỳ biết rõ ý Nhâm Diên, xen vào chia rẽ:
– Nghiêm tướng quân! Tam sư tỷ tôi chưa bao giờ gặp được người anh tuấn, võ công cái thế như tướng quân, tôi tưởng hai vị nên nhân đêm thu đẹp như thế này, trao đổi câu thơ, luận kiếm, hơn là chém giết nhau. Tướng quân đường đường tước phong tới Lĩnh Nam công, sao lại để cho một tên Thái Thú dưới quyền, văn dốt, vũ rát thôi thúc?
Câu nói này đánh trúng tâm sự Nghiêm Sơn. Chàng khoan thai bước xuống ngựa hướng về Hoàng Thiều Hoa nghiêng mình hành lễ:
– Xin được cô nương dạy bảo.
Thiều Hoa rút kiếm tung lên không, rồi thu tay lại hành lễ. Đó là luật lệ của phái Cửu Chân. Nghiêm Sơn cũng vội đáp lễ. Thiều Hoa vọt người lên cao, ánh kiếm bạc tà tà đâm vào cổ Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn đưa tay bắt kiếm. Hoàng Thiều Hoa kinh hãi nghĩ:
– Thế kiếm của ta như vậy mà y dám dơ tay bắt, thì quả là gan cùng mình.
Chiêu kiếm đâm thẳng bỗng thu trở về rồi vòng lên đâm vào vai trái. Nghiêm Sơn nhảy lui lại phía sau hai bước. Thiều Hoa đã đáp xuống đất.
Nghiêm Sơn thấy Thiều Hoa vọt lên cao đánh mình hai chiêu, thân pháp đẹp không tưởng tượng được. Chàng đứng ngây người ra nhìn.
Nhâm Diên nhìn về phủ Thái Thú, thấy lửa bốc cháy ngụt trời, thì lòng nóng như lửa đốt.
Nhâm Diên vẫy tay xua quân xông vào.
Đào Kỳ vọt về phía Nhâm Diên, khi còn lơ lửng trên không, thuận tay nó rút kiếm, đánh liền ba chiêu hiểm ác.
Nghiêm Sơn đang biểu diễn kiếm với Hoàng Thiều Hoa, thấy Thái Thú Nhâm Diên lâm nguy, chàng vội lạng người đi đỡ kiếm của Đào Kỳ.
Choảng một tiếng, kiếm của Đào Kỳ bay mất, tay rách hổ khâu, máu chảy đầm đìa.
Đào Kỳ ôm tay nhăn mặt:
– Oái! Nghiêm đại ca, ngươi ỷ lớn bắt nạt nhỏ. Như vậy không phải là anh hùng.
Bản lĩnh kiếm thuật của Đào Kỳ đã luyện tới mức khá, nhưng sở dĩ y thất bại vì nguyên tắc võ thuật của Lĩnh Nam là dùng mau thắng chậm, dùng động chế tĩnh. Đây Đào Kỳ còn nhỏ tuổi, công lực chưa đủ, lại dùng sức mạnh đánh ra, gặp phải Nghiêm Sơn là người công lực thâm hậu, vì vậy nó bị bay mất kiếm.
Nghiêm Sơn cứu được Nhâm Diên, đánh rơi kiếm của Đào Kỳ nhưng y không vui. Vì Đào Kỳ vừa mồm năm miệng mười như cố ý nói rằng: Ngoài Sơn ra không ai xứng đáng làm anh rể nó. Thế mà chàng đánh rơi kiếm của nó, lại làm nó bị thương.
|
Nghiêm Sơn hơi hối hận:
– Tiểu sư đệ! Có sao không?
Đào Kỳ làm bộ ôm tay nhăn nhó:
– Mới rách tay, chảy máu, cả cánh tay tê liệt thôi, chứ chưa chết.
Nó nhìn về phía phủ Thái Thú, cảng thủy quân thấy lửa cháy rực trời, nó biết rằng bố với các sư huynh đã thành công. Nó quay lại Thiều Hoa gọi:
– Sư tỷ, chúng ta đi thôi, lúc khác sẽ có dịp luyện kiếm với Nghiêm tướng quân. Hôm nay nể Nghiêm tướng quân, chúng tôi mở đường cho Nhâm Diên đi.
Lực lượng Đào Kỳ chỉ có non 100 người, mà quân của Nhâm Diên tới hơn 1.000, rõ ràng nó đang lâm nguy, nhưng nó làm như nể Nghiêm Sơn, mở đường cho y đi. Kể ra Nghiêm Sơn chỉ cần phất tay, trong chốc lát là chị em Đào Kỳ lâm nguy. Một mặt chàng muốn về cứu phủ Thái Thú, một mặt chàng không muốn gây thù hận với Thiều Hoa. Chàng hướng vào Thiều Hoa hành lễ:
– Hoàng cô nương, hẹn ngày tái ngộ.
Đào Kỳ gọi lớn:
– Khoan!
Y nhảy lại bên Thiều Hoa, phát một chiêu trên mái tóc sư tỷ, rút lấy cành hoa đào bằng vàng. Nó nói với Nghiêm Sơn:
– Nghiêm đại ca, em tặng anh món này, bắt lấy.
Nó phóng cành hoa đào đến trước mặt Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn bắt lấy mà mặt nóng bừng lên, nhưng chàng không quên liếc Thiều Hoa một lần rồi mới đi.
Đội quân Hán đi rồi, Thiều Hoa dơ tay tát Đào Kỳ một cái. Đào Kỳ cười ha hả tránh khỏi:
– Ối! Trời ơi, đất ơi! Sư tỷ đánh ông mai à?
Thiều Hoa dậm chân nói:
– Sư đệ, ta mách với sư phụ đánh cho ngươi 100 roi về tội này.
Đào Kỳ nghiêm nét mặt lại:
– Sư tỷ, chị không hiểu được ý em ư?
– Hiểu gì?
– Thôi được rồi, đợi gặp bố, mẹ, đại sư ca em sẽ nói. Bây giờ chúng ta đến cảng Bắc để lên đường.
Đoàn người tiến ra phía bờ bể, men theo lên phía Bắc, nhưng tới cảng Bắc thì thấy xác quân Hán nằm la liệt, gươm đao, vũ khí rãi rác trên mặt đất, doanh trại cháy thành than đỏ rực. Thiều Hoa nhặt một thanh đao gẫy lên coi:
– Này tiểu sư đệ, đao này của Đinh gia.
– Như vậy bố, mẹ đã cứu được cậu rồi, chúng ta biết chắc bố, mẹ, cậu, đoàn thuyền đại sư ca, đoàn của anh cả, anh hai đều lên đường ra Bắc. Vậy chỉ còn đoàn của chúng ta mắc kẹt. Còn nhị sư ca hiện ra sao? Việc trước mắt là quan quân truy nã chúng ta rất gắt, chúng ta cần theo bờ biển đi về phía Bắc, để tìm thuyền lên đường.
Có tiếng rên từ trong bụi rậm vọng ra, Hoàng Thiều Hoa chạy lại xem. Nàng la lớn lên:
– Nhị sư ca! Nhị sư ca!
Đào Kỳ cùng mọi người chạy lại, thì thấy nhị sư ca Trịnh Quang mình đầy thương tích đang nằm đó rên.
Thiều Hoa xé vạt áo băng bó cho sư huynh. Trịnh Quang chỉ còn thoi thóp thở, không nói được gì, chân tay cũng không cử động được.
Đào Kỳ tự nghĩ:
– Chắc nhị sư huynh đón gia đình đi cùng với bố, mẹ trong cuộc chiến đấu bị thương, lạc tại rừng này.
Một nữ đệ tử ngoại đồ tên Nguyễn Tường Loan, lắc đầu, chau mày, tỏ ý nghi ngờ.
Đào Kỳ hỏi Tường Loan:
– Không biết sư tỷ có cao kiến gì?
Tường Loan kéo Kỳ ra một chỗ nói:
– Có nhiều điều hơi khác lạ. Võ công nhị sư huynh rất cao, nếu bị thương thì phải do vũ khí hoặc quyền, chưởng của cao thủ mới làm sư huynh mê man đến nằm ngất đi. Đây sư huynh không có những vết thương trí mạng bằng vũ khí, mà chỉ có những vết thương bằng quyền cước ngoài da, mà đến nỗi nói không ra lời, đó là điều lạ lùng. Nhị sư huynh về đón gia đình cùng đi với tên mã phu Nguyễn Ngọc Danh, vậy gia đình đâu? Danh đâu?
Đào Kỳ bảo Tường Loan:
– Đợi gặp sư phụ, sư mẫu rồi tính. Hoặc đợi vài ngày nhị sư huynh tỉnh dậy sẽ nói cho chúng ta biết. Bây giờ đi kiếm thuyền đã.
|
Một gia nhân nói:
– Vấn đề tìm thuyền cho 100 người cũng không khó, khó là gạo, nước, lương thực từ đây ra Bắc. Bây giờ đang mùa mưa Ngâu, sóng biển rất lớn, nhất là cửa Thần Phù dễ gì vượt qua nổi?
Đối với vấn đề địa lý thì Đào Kỳ mù tịt, nó không hiểu cửa Thần Phù là gì. Nó hỏi người gia nhân:
– Cửa Thần Phù là gì?
Người đó nói:
– Quê đệ ở cửa Thần Phù nên biết rõ. Ở đó có mấy con sông đổ qua, quanh năm gió thổi, nước xoáy thành tròn. Một con thuyền đinh to lớn, đi qua, xoáy cuốn một cái, thuyền quay tròn, bị lôi chìm xuống đáy. Bởi vậy có câu ca:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù, Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Câu này có nghĩa rằng qua cửa Thần Phù chỉ người nào phúc đức mới sống được mà thôi.
Nguyên Đào gia trang thu nhận đệ tử có hai loại: Bắt đầu tất cả đều là ngoại đồ, học võ, học văn giống nhau. Nhưng những người có năng khiếu, ngộ tính cao thì được thu nhận làm nội đồ. Ngoại đồ thì xếp hạng theo tuổi mà gọi nhau. Còn nội đồ thì xếp hạng ai nhập môn trước là sư huynh. Đào Hầu có ba con trai, không xếp theo thứ tự đệ tử, mà xếp tuổi. Bởi vậy Đào Kỳ luôn luôn là tiểu sư đệ. Còn gia nhân trong nhà, cũng đều được đối xử và xưng hô như đệ tử.
Đoàn người đi đến sáng thì tới một cửa sông nhỏ. Thuyền đánh cá đêm đã trở về đầy bến. Hoàng Thiều Hoa bàn:
– Bây giờ chúng ta lên bến kia mua thuyền, gạo, nước rồi lên đường.
Đào Kỳ ngửa tay:
– Sư tỷ cho tiền.
Luật lệ Đào gia trang không cho những đệ tử, con cái dưới 16 tuổi giữ tiền, nên trong người Đào Kỳ một đồng cũng không có. Bấy giờ tiền Cửu Chân sử dụng là tiền Hán, đúc bằng đồng, trên mỗi đồng tiền có niên hiệu của năm đúc. Những loại tiền thông dụng là Kiến Nguyên thông bảo, Chính Hoà thông bảo, Hồng Gia thông bảo, Nguyên Thủy thông bảo. Cứ một trăm đồng ăn một lượng bạc, và mười lượng bạc ăn một lượng vàng.
Ghi chú của thuật giả:
Kiến Nguyên thông bảo, tiền đúc vào niên hiệu Kiến Nguyên thời Hán Vũ đế (140 – 135 trước Tây lịch).
Chính Hoà thông bảo, tiền đúc vào niên hiệu Chính Hoà đời Hán Vũ đế (92 – 88 trước Tây lịch).
Hồng Gia thông bảo, tiền đúc vào niên hiệu vua Thành đế nhà Hán (20 – 16 trước Tây lịch).
Nguyên Thủy thông bảo, tiền được đúc vào niên hiệu vua Bình đế nhà Hán (1 – 6 sau Tây lịch).
Thiều Hoa điều khiển cuộc di chuyển của gia đình, tiền bạc nàng đều giao cho người khác giữ. Trong người chỉ có một nén vàng 10 lượng và mấy trăm đồng tiền. Nàng móc ra đưa cho Kỳ:
– Em đi mua thuyền đi.
Dầu sao Đào Kỳ chỉ là đứa nhỏ, không thông thế tục, nó dụt tay lại:
– Sư tỷ đi mua đi, em đi theo. Chứ em có biết mua đâu.
Trong đám đệ tử đi theo Hoàng Thiều Hoa hầu hết là gái, có nhiều người thông thạo chợ búa. Một người bảo Đào Kỳ:
– Tiểu sư đệ, chị đi với em.
Người đó là Tường Loan. Loan võ không giỏi, nhưng tuổi đã trên 20, nguyên xuất thân là con nhà buôn, nên thạo thế tục. Đào Kỳ bảo Thiều Hoa:
– Sư tỷ, chị dẫn anh em vào khu vườn hoang kia ẩn náu. Đợi chúng em mua xong sẽ ra.
Loan dẫn Kỳ đến xóm chài. Dân xóm chài thấy hai người mặc quần áo sạch sẽ, lưng đeo bảo kiếm, thì biết là người hào kiệt. Đào Kỳ thấy ông lão khoảng 70 đang ngồi nhìn trời, mắt như mơ màng một chuyện gì.
|
Y tiến tới chắp tay hành lễ:
– Cháu kính chào bác.
Ông lão nhìn Loan, Kỳ, đầu đầy nghi vấn hỏi:
– Hai cháu chắc từ xa đến?
Đào Kỳ đáp thực:
– Chúng cháu từ phương Nam tới đây.
Ông lão gật đầu, chỉ vào trong nhà:
– Hai cháu đói lắm rồi, vào nhà kiếm tí xôi ăn đi.
Đào Kỳ thấy ông lão hiện ra vẻ thiện cảm, không do dự nó đi theo sau.
Ông lão chỉ xuống bếp:
– Cháu nhìn xem có gì lạ không?
Đào Kỳ liếc mắt nhìn, thấy trong bếp có khoảng bảy, tám người đàn bà đang nấu bảy, tám nồi cơm lớn. Một số người đang chặt những con cá khô thành miếng nhỏ.
Tường Loan hỏi ông cụ:
– Thưa cụ, chắc nhà sắp có việc làm đồng, hoặc làm rẫy lớn, nên chuẩn bị nấu cơm, nướng cá khô?
Ông cụ lắc đầu. Thình lình cây gậy của ông đánh vụt vào đầu Tường Loan. Nàng nhảy lùi lại tránh, nhưng cây gậy của ông lượn theo đánh vào ống chân bên trái. Tường Loan lộn đi một vòng tránh khỏi. Nhưng nàng vừa nhảy xuống đất thì cây gậy lại dí vào cổ nàng. Nàng định tránh, nhưng đã đến chân tường. Đành đứng im la lớn:
– Tiểu sư đệ, phát chiêu đi.
Nhưng Đào Kỳ ngồi im trên phản bốc xôi ăn, miệng cười toe toét. Tường Loan giận quá la lớn:
– Tiểu sư đệ, cứu ta với!
Đào Kỳ bốc xôi, bóc chuối ăn:
– Cụ cho em ăn xôi, chuối, và giảo nghiệm võ công sư tỷ, tại sao em phải cứu sư tỷ?
Ông cụ cười, thu gậy lại:
– Cô là ngoại đồ của Đào gia phải không? Còn cậu bé kia chắc là con út của Đào tiên sinh.
Tường Loan chắp tay vái:
– Cháu có mắt như mù, không biết cụ là bậc tiền bối.
Ông cụ cười vẻ tha thứ:
– Cô không tránh được ba chiêu trượng pháp của ta, thì ta biết cô là ngoại đồ. Còn cậu bé này, thấy ta ra chiêu mà biết ngay là ta đùa cợt, nhận ra võ công bản môn. Thế thì cháu phải là con cháu Đào gia mới đúng.
Đào Kỳ chắp tay hành lễ:
– Chúng cháu khép nép kính cẩn nghe cụ dạy bảo.
Ông lão vuốt râu cười:
– Ta là Phạm Bách, ngoại đồ đời trước của Đào trang, so vai vế, ta là sư huynh của sư phụ cháu.
Tường Loan, Đào Kỳ lạy thụp xuống đất hành lễ:
– Chúng cháu ra mắt Phạm sư bá. Kính chúc sư bá vạn thọ.
Ông cụ thở dài:
– Đêm qua ta thấy lửa cháy ở phương Nam, có tiếng trống trận, tiếng ngựa hí, ta biết rằng Thái Thú đã ra tay. Mà Thái Thú ra tay, thì không thể diệt Đào gia, Đinh gia thì làm gì đây? Ta biết dù Đào, Đinh có tài vũ dũng đến đâu, nhân số cũng chưa tới nghìn người, làm sao địch lại một vạn rưỡi quân của huyện Cửu Chân, lại thêm kỵ binh Giao Chỉ trên năm nghìn người do Thái Thú Giao Chỉ tăng viện tháng trước cho Nhâm Diên? Bởi vậy ta liệu thế nào người Đào, Đinh trang cũng chạy qua đây, nên nấu cơm, nướng cá khô sẵn để tiếp tế. Cuộc chiến ra sao, các cháu nói cho ta nghe.
|