Anh Hùng Lĩnh Nam
|
|
Thì ra khi thấy tên quan binh to lớn muốn dùng roi để giật mình lên khỏi mặt đất, Đào Kỳ mượn thế nhảy theo; sức người, sức mình hợp làm một, bay về phía địch. Trong khi bay trên không, nó chuyển trượng giáng một đòn vào đầu đối thủ. Triệu Thanh ngã xuống, còn Đào Kỳ thì đáp trên lưng ngựa.
Nói thì chậm, nhưng diễn biến thì nhanh vô cùng, khiến tên Hán quan gầy gò chỉ còn biết há miệng ra quát tháo:
– Phản rồi! Phản rồi!
Y rút đao ở lưng ra, chân thúc ngựa tiến về phía Đào Kỳ. Đào Kỳ liếc mắt nhìn Đào Hầu, thấy ông ngồi trên tảng đá lơ đãng nhìn ra biển, như nghĩ ngợi xa xôi. Ông bảo con:
– Đã trót thì phải giải quyết cho xong đi chứ?
Đào Kỳ dạ một tiếng, đưa côn gạt đao của đối thủ, rồi nó lộn một vòng trên không đáp xuống đất cười hỏi:
– Ngươi là ai, xưng tên cho ta biết.
Người gầy quát:
– Ta là lữ trưởng kỵ binh Cửu Chân. Ngươi vừa đánh ngã lữ phó của ta. Ngươi mau nạp mình, để ta mang về xử tội.
Đào Kỳ cười:
– Đã là lữ trưởng, thì võ nghệ phải cao cường. Ngươi có giỏi xuống ngựa đấu với ta.
Hán quan thấy vừa rồi đứa trẻ chỉ ra một chiêu mà bạn y đã thảm bại. Y đưa mắt nhìn Đào Kỳ để định giá địch thủ. Y thấy đứa trẻ dường như không sợ hãi. Bởi thời bấy giờ quân Hán tác oai tác quái thế nào thì dân chúng cũng phải chịu. Trẻ con, người lớn hễ thấy quân Hán là chạy trốn. Đây Đào Kỳ đã không sợ, còn coi thường nữa. Y thấy cạnh Đào Kỳ còn người cha chưa ra tay, y cũng chột dạ. Nhưng bản tính hống hách đã quen của kẻ đi cai trị, y không thể lui được. Y rút đao nhảy xuống ngựa, đứng thủ thế. Bất thình lình y hét lên một tiếng lớn nhảy vào chém liên tiếp năm đao: Từ trái sang phải, từ phải sang trái, trên xuống dưới, từ dưới lên trên, quay một vòng, rồi đâm thẳng vào ngực Đào Kỳ. Đào Kỳ chỉ nhảy nhót tránh né, chứ không phản công, vì đây là lần đầu tiên giao chiến với địch nên nó thiếu kinh nghiệm.
Đào Hầu kêu lên:
– Ngũ hổ đoạn môn đao.
Nghe bố nhắc, nó tỉnh ngộ: Ngũ hổ đoạn môn đao là một thứ đao pháp vùng đất Thục. Đao pháp thiên về dương cương. Khi đánh thì để hở bộ vị dưới chân. Chờ tới khi đối thủ chém đao cuối cùng theo vòng tròn, Kỳ thụp người xuống quất một côn vào hạ bàn y. Viên quan hoảng hốt lộn người để tránh. Khi chân y vừa chạm đất, thì thế côn thứ nhì lại đâm vào hạ bộ. Y hoảng hồn lăn tròn người đi bốn vòng thoát nạn, bật người đứng dậy, thì một thế côn đã trúng đầu y đến bốp một cái. Y ngất xỉu.
|
Dầu sao Đào Kỳ cũng là một đứa trẻ, chưa kinh nghiệm chiến đấu, đánh địch thủ rồi không biết giải quyết ra sao? Nó hỏi bố:
– Bố ơi! Chúng nó ngất hết rồi.
Đào Hầu chỉ thanh kiếm cạnh mình:
– Cho mỗi đứa một kiếm vào cổ.
Tên béo mập đã tỉnh dậy, y bở vía, quỳ gối chắp tay lạy:
– Xin đại nhân làm ơn làm phúc tha cho tiểu nhân. Tiểu nhân trót mạo phạm. Từ nay tiểu nhân gặp đại nhân đâu sẽ xin cúi đầu làm lễ.
Đào Kỳ hỏi bố:
– Bố ơi, tha hay giết?
Đào Hầu bảo con:
– Con thắng chúng nó, chứ không phải bố thắng. Tha hay không là tuỳ con.
Đào Kỳ nhìn hai quan nhân người Hán, đang quỳ dưới đất, lòng nó bỗng thấy tội nghiệp, quát lên:
– Ta tha cho đấy. Về đi!
Hai người quan nhân Hán như đã xuống quỷ môn quan được trở về, vội thụp lạy Đào Kỳ rồi lên ngựa phóng thẳng.
Đào Hầu nhìn con đầy vẻ hân hoan:
– Con đã thắng được hai võ quan kỵ binh Cửu Chân. Qua cuộc đấu vừa rồi con thấy thế nào?
Đào Kỳ tưởng nhớ lại cuộc chiến đấu:
– Con thấy có điều rất lạ. Một là hai người đều có sức mạnh, đòn đánh ra như vũ bão, chứng tỏ ra đã nhiều năm luyện tập. Nhưng con thấy chúng để ra những sơ hở quá nhiều. Hai là những sơ hở đó lại hợp với những chiêu thức bố dạy con. Bố cho con biết tại sao đi!
– Những điều con nhận xét rất đúng. Có gì mà không hiểu. Nếu như bố luyện võ của Trung Nguyên từ bé, thì giờ phút này chưa chắc bố đã là đối thủ của họ. Còn con học võ Văn Lang, Âu Lạc, nên chỉ một hai chiêu hạ được họ là lẽ thường. Con nên biết rằng võ học nhà ta xuất phát từ đời An Dương Vương. Cửu Chân trượng pháp là của ông Nồi, ngài tên thực là Vũ Bảo Trung. Nguyên ba cha con ông Nồi xưa kia là tướng của An Dương Vương. Các ông đã nhân giao đấu với quân Tần, tìm ra tất cả những phá cách của võ học Trung Nguyên, rồi chế ra 36 lộ trượng pháp. Bởi vậy mỗi thế đánh của họ, để ra những sơ hở. Nếu như con giao chiến với người Lâm Ấp, thì chưa chắc con đã thắng họ dễ dàng như vậy. Con phải tìm hiểu lối đánh của họ, nhiên hậu mới thắng. Còn con đánh với người Hán, thì những thức, những chiêu con đánh ra đều khắc chế với họ cả, do vậy con thắng họ dễ dàng… Bây giờ con dùng Cửu Chân trượng pháp để tự vệ. Bố sẽ dùng những cành cây làm tên, bắn vào con.
|
Ghi chú của thuật giả:
Ông Nồi, tên thực là Vũ Bảo Trung tước phong Trung Tín Hầu, là khai quốc công thần của Thục An Dương Vương. Ngài quán tại Hương Canh, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú, Bắc Việt. Xuất thân là người làm nghề nặn đồ sành bán, nên dân chúng gọi là ông Nồi. Ngài là đệ tử của Vạn Tín Hầu Lý Thân. Ngài có hai người con trai, lớn là ông Đống tức Vũ Bảo Sơn tước phong Bảo Nghĩa Hầu, thứ là ông Vực tức Vũ Bảo Hà tước phong Bảo Tín Hầu. Khi Triệu Đà xâm lăng Thục, ba cha con ngài đều tuẫn quốc. Nơi cha con Ngài tuẫn quốc là vùng Chiêm Trạch, dân chúng gọi là gò Thánh Hoá. Ngày nay đền thờ của ba cha con Ngài còn tại Ngọc Chi và Vĩnh Thanh, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đào Kỳ tuân lệnh, múa côn như một chiếc cầu xanh bao phủ lấy thân. Đào Hầu dùng những cành tre nhỏ như những mũi tên phóng vào người con. Ông phóng một lúc năm mũi, thì Kỳ gạt được có hai, còn ba mũi ghim vào tấm áo giáp bằng cỏ. Đến đó Đào Hầu ngừng lại, hỏi con:
– Lúc nãy bố con ta đang nói đến tam bảo, con đoán được hai. Vậy vừa rồi là đệ tam bảo đó.
Đào Kỳ ngơ ngác không hiểu:
– Thế nghĩa là…
– Là kỹ thuật bắn cung tên của Âu Lạc.
Đào Kỳ đang hớn hở, bỗng buồn thiu lại:
– Con có nghe truyện này rồi. Mẹ kể cho nghe ngày xưa, vua An Dương xây thành Cổ Loa, cứ xây lại bị đổ. Sau được thần Kim Quy hiện lên bắt ma đi, vua mới xây được thành. Sau khi xây thành, thần cho vua cái móng rùa, làm nỏ thần. Mỗi phát bắn ra cả ngàn người chết.
– Không phải thế đâu con ơi! Không phải thần Kim Quy, mà là đại tướng Cao Nỗ. Ngài chế ra nỏ, có thể bắn một lúc cả trăm mũi tên. Có mũi nỏ như tên thường, có mũi to bằng bắp tay. Như ban nãy, bố giả làm tên bắn vào con, hai mũi thì con đỡ được, còn ba mũi thì con không đỡ được nữa. Nếu một tướng, dẫn đoàn quân xung trận, chỉ cần nẫy nỏ của Cao hầu bắn một phát, trăm mũi tên tung ra, thì ông tướng đó phải chết, phân nửa đoàn quân tê liệt. Nếu có mười nỏ hay trăm nỏ thì quân nào chịu cho nổi? Vì có nẫy nỏ đó, quân Âu Lạc thắng quân Tần. Triệu Đà nhiều lần đánh Âu Lạc đều bị bại vì thần nỏ.
Bây giờ Đào Kỳ mới hiểu:
– Thì ra Triệu Đà đánh Âu Lạc không được, mới cho Trọng Thủy sang làm rể, để phá tam bảo của An Dương Vương. Một là biết được đường xá, địa thế, tình hình. Hai là biết được võ học Âu Lạc, ba là biết được cách làm nỏ thần.
– Đúng đấy. Bấy giờ trong triều Âu Lạc các quan đều phản đối. Nhưng có một số nhận hối lộ của Trọng Thủy nên tán thành. Đại tướng quân Cao Nỗ buồn rầu, cùng em là Cao Tứ lui về vườn ở ẩn. Trọng Thủy ở rể Âu Lạc một thời gian đã mua chuộc được nhiều người, ngầm phá hại hết tất cả những xe chở nỏ, những dàn nỏ lớn đặt trên thành. Thủy nhân lúc vợ chồng tình nghĩa mặn nồng, hỏi về bí mật chế nỏ. Mỵ Châu nhẹ dạ, ăn cắp sơ đồ chế nỏ đưa cho chồng xem. Trọng Thủy ghi nhớ trong lòng, rồi đem trả lại vợ.
Sau khi biết được tam bảo của Âu Lạc, Trọng Thủy xin phép về thăm nhà. Khi trở về Nam Việt, y tính rằng sẽ mang quân đánh Âu Lạc, tam bảo bị mất Âu Lạc tất bại trận. Vua An Dương sẽ bỏ chạy, sau đó tụ tập quân phản công. Y nghĩ ra một kế tặng cho Mỵ Châu chiếc áo bằng lông ngỗng. Dặn vợ rằng: Nếu giặc tới, chạy đi đâu thì rắc lông ngỗng đến đó, y sẽ theo dấu lông ngỗng tìm vợ.
|
Đào Kỳ quát lên:
– Thực là độc địa!
Đào Hầu hỏi con:
– Con đoán được rồi à?
– Con đoán ra rồi. Trọng Thủy biết An Dương chạy đâu, thì mang Mỵ Châu theo. Cho nên Trọng Thủy mới tặng Mỵ Châu chiếc áo lông ngỗng, dặn nàng rắc lông để y biết mà tìm. Trọng Thủy chỉ việc theo dấu là bắt được An Dương Vương.
– Đúng! Trọng Thủy về triều, cho chế nỏ thần như Âu Lạc, rồi cùng cha là Triệu Đà cất quân đánh. Âu Lạc lâu nay hoà bình, không phòng bị. Khi quân Triệu Đà tới nơi, vội vàng mang nỏ thần ra bắn, thì mười cái hỏng cả mười. Thậm chí những dàn nỏ đặt trên thành cũng bị hỏng cả. Đại quân Âu Lạc tan vỡ mau chóng. An Dương Vương vội ôm Mỵ Châu lên ngựa chạy về phía Nam. Chạy được hai ngày thì gặp đoàn đệ tử của anh em Cao Nỗ.
Đào Hầu ngừng lại cho con theo kịp rồi tiếp:
– Nguyên khi về nghỉ ở thôn trang, đại tướng Cao Nỗ đã sáng chế ra một loại nỏ bắn mỗi lần cả ngàn mũi tên, tầm bắn xa gấp đôi. Vì vậy đoàn đệ tử của ngài ít người, nhưng bắn lui quân Triệu. Sau quân Triệu tới trùng trùng điệp điệp, mà đoàn đệ tử Cao gia chỉ có mấy trăm người, nên cuối cùng anh em ngài đều tuẫn quốc. Nhờ anh em Cao gia ra sức cản giặc, An Dương Vương mới chạy đến đất này.
Đào Hầu chỉ mỏm đá trước mặt:
– Đây là chỗ An Dương Vương giết Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển chết. Còn ngôi đền trên đỉnh núi kia là nơi tổ tiên ta xây để thờ An Dương Vương.
Kể đến đây Đào Hầu xuất thần ngơ ngẩn nhìn những lớp sóng biển trắng xoá, lớp nọ đè lên lớp kia xô nhau tiến vào bờ.
Hốt nhiên ông khoanh tay thành quyền, bước chéo sang phải một bước, phóng chưởng đánh vào một bụi cây. Chưởng phong vù vù xô tới, cây cỏ bật tung lên. Ông lại lùi một bước phóng chưởng thứ nhì, cát đá bay mịt mờ. Ông lùi bước thứ ba phóng chưởng nữa, trúng vào cây thông đến ầm một cái, cây thông gãy làm đôi đổ xuống.
|
Đào Kỳ reo lên:
– Bố ơi, bố sử dụng Cửu Chân chưởng, chiêu Hải triều lãng lãng phải không bố? Chưởng này có năm lớp, sao bố phóng có ba?
Đào Hầu xoa đầu con:
– Con đã học chưởng này rồi phải không? Khi Thục An Dương Vương chạy đến đây, ngài nghĩ lại lúc 20 tuổi thắng các anh hùng Tây Vu được tôn lên làm vua, rồi 25 tuổi đem quân đánh vua Hùng dựng nghiệp lớn. Năm 30 tuổi đánh quân Tần, giết Đồ Thư. Năm 35 tuổi xây thành Cổ Loa, và bây giờ tuổi tuy già, nhưng lực chưa tàn vì thiếu tinh tế, vì con gái dại dột mà mất nghiệp… Uất khí bốc lên, ngài sáng chế ra chiêu Hải triều lãng lãng gồm năm lớp. Mỗi lớp tượng trưng cho một thời kỳ của ngài. Lớp đầu mạnh 2, thì lớp thứ nhì mạnh 4, lớp thứ ba mạnh 8, lớp thứ tư mạnh 16, và lớp thứ năm mạnh 32. Ban nãy bố chỉ phát có ba lớp mà mạnh như vậy đó. Chưởng Cửu Chân nhà ta khác với các chưởng khác rất nhiều. Các chưởng khác thì người phải có một công lực cao ở mức độ nào đó mới tập được. Còn Cửu Chân chưởng thì công lực thấp mãnh liệt ít, công lực cao mãnh liệt như sóng bể tràn lan, không biết đâu mà lường.
Đào Kỳ đứng lên nhìn xuống biển, chỉ thấy biển rộng mênh mông, sóng vỗ trùng trùng điệp điệp.
Nó nhìn lên đền An Dương Vương hỏi:
– Con đã vào đền lễ nhiều lần cùng với mẹ và các anh. Mẹ chỉ cho con tượng người cầm gươm đứng giữa là An Dương Vương, người cầm nỏ đứng bên là Cao Nỗ, người cầm trượng là Vũ Bảo Trung. Trước mặt mấy thần tượng là tượng hai người quỳ gối, một là Triệu Đà, hai là Trọng Thủy. Nhưng bố ơi, tại sao không thờ Mỵ Châu?
– Không thờ! Người Việt không thờ những loại gái bán thân cho ngoại tộc, vì một người chồng ngoại tộc mà hại cả cha mẹ, tổ tiên, hại cả giang sơn, hại cả dân tộc. Nhưng sau này người Hán cai trị chúng ta, họ mới ra ngoài đảo Nghi Sơn xây đền thờ Mỵ Châu, để khuyến khích những người con gái Việt đi theo giặc, bán thân cho giặc, bán hết cả cho giặc như Mỵ Châu. Có điều sau khi Mỵ Châu chết rồi, tự nhiên những con trai ở vùng Cửu Chân có ngọc óng ánh như vết máu. Ngọc đó bị mờ, lấy nước giếng ở núi Biện Sơn rửa thì ngọc sáng ra. Còn Trọng Thủy sau khi đuổi tới đây, thấy Mỵ Châu chết, chôn cất tử tế, rồi về Cổ Loa nhảy xuống giếng tự tử chết. Ngọc trai ở đây bị mờ, lấy nước giếng Cổ Loa rửa còn sáng hơn nước giếng Biện Sơn.
Đào Kỳ lại thắc mắc:
– Tại sao bố lại đặt tên anh cả là Nghi Sơn, hai hai là Biện Sơn? Đó là nhân vì địa danh ở Ngọc Đường hay vì lý do vong quốc?
Đào Hầu thở dài:
– Tổ tiên con trước cũng là một tướng của An Dương vương, truyền đến bố là bảy đời. Mình mất nước tới nay là 184 năm rồi. Nếu mình muốn phục quốc, phải tìm cho được hai thứ: Một là bí quyết làm nỏ của đại tướng Cao Nỗ, hai là tất cả những bí quyết võ công thời An Dương vương. Bố đặt tên cho hai anh con, là muốn nhắc nhở đến cái hận vong quốc. Còn tên con, cha muốn con nhớ đến cái hận mất đất Lĩnh Nam. Bởi tổ tiên ta gốc ở núi Kỳ, phía Nam Ngũ Lĩnh.
|