Anh Hùng Lĩnh Nam
|
|
******* Anh Hùng Lĩnh Nam******* Thể Loại: Truyện Kiếm Hiệp Sử Việt ¤¤¤Thời Bắc Thuộc Lần I
Trời nắng thu, gió heo may rít lên từng cơn, những cây thông bên bờ biển vi vu như tiếng ai oán của dân Việt mất nước. Trên bãi biển Ngọc Đường, một người đàn ông tuổi khoảng 50, lưng đeo bảo kiếm, tay dắt đứa trẻ, thả bước ngắm cảnh. Dân chài đang tụ tập làm việc, người thì vá lưới, kẻ thì giặt lưới. Họ thấy cha con người đàn ông thì lễ phép đứng dậy chào hỏi. Mỗi lần như vậy, cha con phải ngừng lại đáp lễ. Một lão già đang vá lưới, đứng dậy chắp tay hỏi:
– Đào Hầu hôm nay thư thả, ra đây ngắm cảnh?
Người đàn ông chậm rãi trả lời:
– Khi trong lòng đau dớn, thì còn cảnh nào đẹp nữa? Khi nước đã mất thì còn lòng dạ nào mà dạo chơi?
Đứa trẻ đi cạnh ngước mắt nhìn cha hỏi:
– Bố ơi, nước mình đã mất đâu? Bố con ta chả đang sống trên đất nước mình đây sao?
Đào Hầu không trả lời, dắt con đi ngược lên đồi thông. Tới một mỏm đá nhìn ra biển, ông kéo con ngồi xuống, chỉ ra hòn đảo cách bờ không xa hỏi:
– Con có biết hòn đảo kia tên gì không?
Đứa trẻ trả lời:
– Đại sư huynh bảo đó là hòn đảo Nghi Sơn. Trên đảo có núi Biện Sơn. Đảo dài 4 dậm, rộng 2 dậm. Từ đây ra đảo khoảng 150 trượng. Trên đảo có đền thờ Mỵ Châu. Bãi biển Nghi Sơn có nhiều ngọc trai. Phía tây núi Biện Sơn có một giếng nước tên là Ngọc-tỉnh, nghĩa là giếng ngọc. Đem nước giếng ấy rửa ngọc trai, thì ngọc sáng và đẹp lắm.
Đào Hầu ngạc nhiên hỏi:
– Ai đã dẫn con đi chơi đảo Nghi Sơn?
Đứa trẻ cười nắc nẻ, giật tay cha:
– Thưa bố, anh Nghi Sơn.
Đào Hầu gật đầu, trầm tư nhìn những lớp sóng từ biển cuốn vào bờ, thở dài.
Đào Hầu tên thực là Đào Thế Kiệt. Ông có ba con trai, con lớn là Đào Nghi Sơn, con thứ là Đào Biện Sơn, đều đã trưởng thành. Con thứ ba là Đào Kỳ, tức đứa trẻ này, mới 13 tuổi. Ông thấy Kỳ còn nhỏ, nên chưa cho biết những điều hệ trọng của đất nước, vì vậy trên bãi biển, nghe con đặt câu hỏi có liên quan đến đại vận dân tộc, ông không trả lời.
Ông hiện là một trong chín Lạc Hầu ở vùng Cửu Chân. Tổ tiên ông nguyên là tướng của Thục An Dương Vương. Khi An Dương Vương bị Triệu Đà cất quân sang đánh, bị thua trận, chạy đến đây thì khám phá ra con gái là Mỵ Châu vì ngây thơ dại dột trong tình yêu mà làm mất nước.
Ngài giết con gái để tạ tội với thiên hạ rồi nói với các tướng sĩ rằng:
– Ta vì sinh con, không biết dạy, đến nổi làm hư việc nước. Ta không còn mặt mũi nào nhìn các quan, nhìn quốc dân nữa. Ta nguyện lấy cái chết để tự xử mình. Sau khi ta chết rồi, các người hãy chịu nhục, ẩn nhẫn theo gương Câu Tiễn nằm gai nếm mật, giúp người già, dạy trẻ thơ, để mai này khôi phục lại giang sơn.
Nói rồi An Dương Vương nhảy xuống biển tự tử. Trong các tướng hồi đó có tổ tiên của Đào Hầu. Ông cùng binh sĩ khai phá đất hoang, đốt rừng làm rẫy, lập ra Đào trang, đến nay đã bảy đời.
|
Trước khi tổ tiên ông tới đây thì vùng này dân chúng phiêu bạt, sống rải rác khắp nơi. Tổ tiên của ông cùng tám vị tướng khác chia nhau mỗi người một vùng, tụ tập dân chúng lại, dạy cho họ trồng cây, chăn nuôi. Lại giúp họ cất nhà, đóng thuyền, làm lưới đánh cá. Dân chúng cảm phục tôn chín người thành chín vị Lạc Hầu.
Thời bây giờ, người Hán tuy cai trị đất Việt, nhưng vẫn dùng chế độ phong kiến, mỗi vùng để nguyên một vị Lạc Hầu hay Lạc Tướng cai trị. Dân trong ấp dưới quyền điều động của Lạc Hầu, Lạc Tướng. Còn Thái Thú, Huyện Lệnh, Huyện Úy thì chỉ việc kiểm soát các Lạc Hầu, Lạc Tướng mà thôi.
Quận Cửu Chân, có một Thái Thú cai trị. Dưới Thái Thú có một Đô Úy coi về quân sự, có một Đô Sát coi về an ninh giống như ngày nay là cảnh sát, công an. Quận Cửu Chân chia làm bốn huyện, mỗi huyện có một Huyện Lệnh người Hán và một Huyện Úy khi thì người Việt, khi thì người Hán coi về quân sự. Mỗi huyện cũng có một Giám Sở Tế Tác coi về an ninh.
Sau gần 100 năm thì các Lạc Hầu họp nhau lại, lập ra phái võ Cửu Chân, thành ra bây giờ ở Cửu Chân chỉ có một phái võ, nhưng có tới chín trang ấp khác nhau. Từ khi phái võ Cửu Chân được thành lập đến giờ trải gần 100 năm. Võ phái Cửu Chân lấy việc phản Hán phục Việt làm lẽ chính để hoạt động. Các tôn sư của phái trọng nghĩa khinh tài, nên được các anh hùng khắp vùng Lĩnh Nam như Nam Hải, Quế Lâm, Giao Chỉ, Nhật Nam, Tượng Quận kính phục.
Tuy bên trong phái Cửu Chân có ý đồ lớn như vậy, nhưng vẫn giữ được bí mật. Nên khi Đào Hầu thấy Đào Kỳ biết tường tận về đảo Nghi Sơn, ông tưởng mưu đồ bí mật đó con đã biết, nên mới vặn hỏi. Không ngờ, Đào Kỳ không biết gì hơn về thắng cảnh địa phương.
Nguyên hai hòn núi ngoài bờ biển, trước đây không có tên, một lần Đào Hầu cùng phu nhân đi ngoạn sơn hứng gió, trở về đẻ ra người con thứ nhất, ông đặt tên là Nghi Sơn, và đặt tên hòn núi đó là Nghi Sơn luôn. Hai năm sau ông bà du ngoạn hòn núi thứ nhì, về thụ thai đẻ ra người con thứ nhì, ông đặt tên là Biện Sơn, và cũng đặt núi đó là Biện Sơn.
Ghi chú của thuật giả:
Đảo Nghi Sơn ngày nay nằm cách thị xã Thanh Hoá 55 km tại xã Ngọc Đường. Đảo dài khoảng 6 km, rộng 2 km, cách bờ biển khoảng 300-500 m. Trên đảo Nghi Sơn có núi Biện Sơn. Đền thờ Mỵ Châu hiện nay vẫn còn. Giếng Tẩy Ngọc cũng còn. Trên đảo có một thành, xây từ đời Tây Sơn đặt 12 khẩu đại bác.
Thấy Đào Kỳ tuy mới 13 tuổi, nhưng đã khôn ngoan, ông muốn cho con biết những điều hệ trọng. Trước khi cho biết, ông gây sự tò mò của con, hơn là nói thẳng ra. Ông hỏi Kỳ:
– Con đã học được bao nhiêu cuốn sách rồi?
Đào Kỳ chìa bản tay ra tính:
– Đại Học này, Trung Dung này, Luận Ngữ này, Mạnh Tử này. Tứ Thư con học hết rồi. Ngũ Kinh thì con đã học kinh Thi, Thư, Xuân Thu, còn kinh Dịch thì đang học. Thầy con bảo tháng sau con sẽ được học Hàn Phi Tử.
Đào Hầu hướng mặt nhìn ra xa:
– Cuộc thế xoay vần, nhà Chu phong cho 800 chư hầu, nay chỉ còn lại một đất Trung Nguyên, những dân xung quanh đều trở thành Hán. Người Hán coi các dân tộc khác như thú vật, như man mọi. Họ gọi chúng ta là rợ Việt, là Nam Man, là rợ Giao Chỉ. Chúng ta có quốc tổ Hùng Vương, mà không được thờ, phải thờ Hoàng Đế, thờ Chu Công, Văn Vương, lại còn phải thờ cái gã nhà quê Lưu Bang tức Cao Tổ nhà Tây Hán . Người ta nhân danh là Hán, có quyền coi chúng ta như trâu, như chó, muốn giết thì giết, muốn bỏ tù thì bỏ. Tại sao chúng ta lại phải cúi đầu chịu nhục như vậy?
Đào Kỳ như thức tỉnh, nhìn vào chân trời xa xa:
– Vì người Hán có gươm, có đao, có sức mạnh. Vì người Hán đông, người Việt ít.
Đào Hầu gật đầu:
– Chúng ta cũng có gươm, có đao, có sức mạnh. Nhưng chúng ta thiếu hai thứ: một là sự hợp quần, hai là lòng can đảm. Nếu chúng ta được hai thứ đó thì có thể đuổi người Hán ra khỏi đất nước này. Bởi vậy hôm nay bố đưa con lên đây, để dạy con mấy bài học.
|
Đứa trẻ mở to mắt reo lên:
– Bố ơi, con đã học xong bộ Cửu Chân trượng pháp rồi. Hôm nay bố dạy con Cửu Chân chưởng pháp đi bố.
Đào Hầu lắc đầu:
– Võ thì lúc nào học chẳng được. Con đã 13 tuổi rồi, bố phải dạy con bài học quan trọng hơn. Nếu không có bài học này thì dù con có đọc hàng nghìn cuốn sách, có học hết các võ công trong thiên hạ cũng vô ích mà thôi. Đó là bài học để biết sử dụng những kiến thức trong sách vở, những chiêu thức võ học của thiên hạ.
Đào Kỳ hỏi lại:
– Bố ơi, con biết sử dụng Cửu Chân trượng pháp, Cửu Chân cầm nã thủ và Cửu Chân kiếm pháp rồi. Có khó gì đâu?
Đào Kỳ nói xong, nó rút kiếm bên cạnh cha ra, làm lễ rồi múa như mây bay, như gió cuốn. Hết bài, nó làm lễ với cha rồi tra kiếm vào vỏ, ngồi xuống.
Đào Hầu vẫn mơ màng nhìn ra biển:
– Con biết sử dụng kiếm, nhưng dùng nó để làm gì? Giúp ích cho ai?
Đào Kỳ suy nghĩ một lúc, rồi chau mày, miệng muốn nói gì, rồi lại lắc đầu lộ vẻ không hiểu.
Đào Hầu vuốt tóc con:
– Bố có ba con trai, thì con có ngộ tính cao nhất, hy vọng con sẽ là người thực hiện được cái chí của bố. Cho nên hôm nay bố đưa con lên đây để dạy cho con bài học quan trọng, đó là chỉ cho con biết sử dụng những gì con học được.
Ngừng một lát Đào Hầu tiếp:
– Chúng ta thuộc dòng giống Bách Việt ở phía Nam núi Ngũ Lĩnh. Tổ tiên của chúng ta là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy tổ mẫu là Âu Cơ, tương truyền sinh được một trăm người con. Lạc Long Quân phong cho mỗi con cai trị một vùng, do đó chúng ta có dòng giống Bách Việt. Người con cả của Lạc Long Quân lên làm vua, lập ra họ Hồng Bàng, nước gọi là Văn Lang.
Đào Kỳ gật gật đầu, tỏ ý hiểu biết.
– Trải qua mấy ngàn năm đất nước của người Việt vẫn riêng một phương trời Nam. Sau vua Hùng thứ 88 vì mải mê rượu chè, bỏ bê chính sự, một trong các vua giống Bách Việt là Thục Phán đánh lấy nước Văn Lang lập ra nhà Thục. Vua Thục đặt tên nước là Âu Lạc.
|
Ghi chú của thuật giả:
Theo cổ sử, thì họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời. Nhưng chúng tôi căn cứ vào một thư tịch khác thì không phải 18 mà 88. Con số 88 hợp lý hơn, nên trong suốt tất cả các tác phẩm của tôi, tôi dùng con số này. Xin đọc sang Anh Hùng Lĩnh Nam quyển 4.
Đào Kỳ reo lên:
– Con biết rồi bố ơi! Có một lần thầy đồ dạy con học, khi nói đến nước Âu Lạc thì người ngưng bặt, và thở dài. Con hỏi nước Âu Lạc là gì thì thầy lắc đầu. Tại sao thế hở bố?
Người cha thở dài:
– Đất nước có tên mà không dám nói tới. Người sống có khác gì chết không? Thầy con nhắc tới quốc hiệu Âu Lạc mà không dám giảng cho con nghe, vì nước chúng ta bị người Hán đô hộ, họ cấm nói đến những gì về lịch sử của chúng ta.
Đào Kỳ như đã hiểu được cha nó muốn nói gì:
– Bố ơi, thế nước Âu Lạc chúng ta làm sao mà bị mất, và mất tự bao giờ?
– Chúng ta mất nước tính đến nay là 184 năm rồi. Khi An Dương Vương dựng nước, thì bên Trung Nguyên, Tần Thủy Hoàng thôn tính hết các chư hầu, dựng thành Trung Nguyên. Tần Thủy Hoàng muốn đất Âu Lạc thành quận huyện cai trị như Trung Nguyên. Thục An Dương Vương cương quyết không để mất nước, chống lại. Thủy Hoàng sai tướng là Đồ Thư mang nửa triệu quân sang đánh. Người Việt ta, do đại tướng quân Cao Nỗ chỉ huy, ẩn vào rừng đêm ra đánh nhau với quân Tần. Cuối cùng giết được Đồ Thư, và bảo toàn được độc lập. Trong cuộc chiến này, đất nước chúng ta quá rộng, mà người ít, phải rút về phương Nam. Quân Tần lấy mất một số đất đai phía Nam núi Ngũ Lĩnh đặt ra ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận, giao cho một viên quan cai trị, đó là Triệu Đà.
Ghi chú của thuật giả:
Tư Mã Thiên, Sử-ký quyển 112, chép: “Bấy giờ Thủy Hoàng phía Bắc thì mắc họa với rợ Hồ. Phía Nam thì khốn khổ với người Việt. Đóng binh ở chỗ đất hiểm, tiến không được, mà thoái thì cũng không xong. Suốt 10 năm, đàn ông phải mặc áo giáp, đàn bà phải xung làm lao dịch chuyên chở, khổ sở không chịu nổi. Người người thắt cổ trên cây dọc đường, người chết trông nhau”.
Nghe cha nói, mặt Đào Kỳ hiện ra những nét ưu tư như người lớn. Đào Hầu tiếp:
– Sau nhân Tần Thủy Hoàng tàn ác, dân chúng nổi loạn khắp nơi, Triệu Đà cũng không thần phục nhà Tần, xưng là Triệu Võ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung. Đà là người khôn ngoan, có chí lớn, muốn lập một quốc gia lâu dài. Nhưng mở rộng về phương Bắc thì vướng nhà Hán hùng mạnh, nên tìm cách Nam tiến. Triệu Đà thấy trước đây Đồ Thư, đem quân Tần đánh nước Âu Lạc mà bị giết, vì Âu Lạc có ba bảo vật. Đà tìm cách phá ba thứ đó. Y bèn hỏi công chúa Mỵ Châu của An Dương Vương cho con trai đầu lòng là Trọng Thủy, và khôn ngoan hơn, cho Trọng Thủy ở rể. Kỳ con, con thấy Triệu Đà có khôn không?
Đào Kỳ, tuy mới 13 tuổi, nhưng được cha dạy võ, thầy dạy văn, cha con luôn cạnh nhau, nên đã trưởng thành, biết suy nghĩ như người lớn. Nó cau mặt:
– Chắc là Thục An Dương Vương không chịu gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy.
Đào Hầu lắc đầu:
– Con lầm rồi! An Dương Vương chịu gả mới khổ chứ! Tại sao con cho rằng An Dương Vương không chịu?
– Con nghĩ An Dương Vương là người có tài, có chí lớn, thì mới thắng được Hùng Vương. Sau khi thắng Hùng Vương lại một lần kinh nghiệm nữa, không lẽ không biết được ý đồ của Triệu Đà? Mà dù vương có lầm lẫn thì tướng sĩ của ngài sẽ ngăn cản. Ngài dại gì gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy.
Đào Hầu thấy con có nhận xét tinh tế, ông mừng lắm. Ông nghĩ thầm: Nếu cứ đà này, thì năm 20 tuổi, Đào Kỳ sẽ là người lỗi lạc, có thể nối chí ông mưu đồ phục quốc được.
|
– Con đã biết nhìn xa rồi đó. Quân Tần mạnh mẽ biết chừng nào, gồm thâu các nước Trung Nguyên, thế như thác đổ. Vua Tần dùng đến nửa triệu quân đánh Âu Lạc nhưng vẫn bị bại. An Dương Vương vì tự hào đó mà mất nước. Ngài quên rằng Âu Lạc có tam bảo mới thắng được Tần. Con biết tam bảo là gì không?
Đào Kỳ ngơ ngác nhìn cha, suy nghĩ một lúc rồi gãi đầu, bứt rứt trả lời:
– Con tìm ra rồi, Tam bảo là ba thứ quí. Thứ nhất là võ công của Âu Lạc, Văn Lang hơn Tần. Thứ nhì là địa thế Âu Lạc hiểm trở, khiến quân Tần tiến không được lui cũng không xong. Còn bảo vật thứ ba là gì thì con nghĩ không ra.
– Được, bố sẽ cho con biết nó là gì. Con hãy làm đừng hỏi vặt, đợi xong rồi sẽ biết.
Ông lấy cỏ bện thành một cái bùi nhùi dài, rồi quấn quanh người con như cái áo giáp. Ông lại lấy kiếm chặt tre, đẽo thành một cây côn đưa cho Đào Kỳ, dặn:
– Con đã học Cửu Chân trượng pháp, con đánh cho bố coi.
Đào Kỳ cầm côn, bái tổ rồi đi thứ tự từng lộ một. Khi nó đi đến lộ thứ nhì thì có tiếng ngựa hí. Hai con tuấn mã, trên lưng chở hai người Hán, ăn mặc theo lối quan binh tiến lại gần. Biết có người lạ nhưng nó không dám ngừng lại, vì Đào Hầu dạy con rất nghiêm. Khi luyện tập võ nghệ, dù có biến cố gì chăng nữa cũng không được phân tâm. Nên hai con ngựa tiến lại bên cạnh, mà Đào Kỳ vẫn tiếp tục đi hết 36 lộ, mới ngừng.
Hai người mặc theo lối quan binh Hán, thì một người to lớn da trắng, một người gầy, cao da đen. Người to lớn quát:
– Cái bọn Nam Man này trốn lên đây tập võ. Quân này to gan thực, không coi phép tắc của quan Thái Thú ra gì cả!
Dứt lời y lấy roi ngựa quất vào đầu Đào Kỳ, tiếng roi xé gió kêu rít lên vi vu, đủ tỏ kình lực của nó không tầm thường. Cây roi của y là một thứ vũ khí ít thấy, bởi nó bằng da mềm mà dài. Cây roi quấn ngang lưng Đào Kỳ đến ba vòng. Viên quan Hán quát lên một tiếng, rồi giật mạnh roi. Người Đào Kỳ vọt lên cao khỏi mặt đất, bay về phía ngựa viên Hán quan. Viên Hán quan gầy đứng ngoài thấy thế cười ha hả:
– Triệu Thanh, xé xác thằng Nam Man con ra làm đôi đi.
Y vừa nói hết câu, thì một tiếng bốp vang lên, người bạn y to lớn mập mạp đã ngã lăn xuống đất. Còn Đào Kỳ thì ngồi chễm chệ trên lưng ngựa.
Thì ra khi thấy tên quan binh to lớn muốn dùng roi để giật mình lên khỏi mặt đất, Đào Kỳ mượn thế nhảy theo; sức người, sức mình hợp làm một, bay về phía địch. Trong khi bay trên không, nó chuyển trượng giáng một đòn vào đầu đối thủ. Triệu Thanh ngã xuống, còn Đào Kỳ thì đáp trên lưng ngựa.
|