Anh Hùng Lĩnh Nam
|
|
Đào Kỳ khẳng khái:
– Võ công của người xưa chế ra, tại sao mình không thể chế ra?
Đào Hầu dắt con trở về, cha con đủng đỉnh xuống núi:
– Đã đành mình có thể chế, nhưng người xưa mất bao nhiêu tâm huyết mới tìm ra những chiêu thức bí hiểm. Nếu con học võ của tổ tiên rồi từ chiêu thức đó, biến chế thành võ học mới, sẽ đỡ tốn công hơn. Bố nghe nói, khi Vạn Tín Hầu Lý Thân tự vận, có ghi chú tất cả võ công vào 200 thẻ bằng đồng. Nhưng không hiểu nay ai giữ? Còn trước khi Cao Nỗ đánh trận cuối cùng rồi tuẫn quốc, cũng có ghi chép, vẽ đồ hình nỏ thần để lại cho đời sau, nhưng nay không hiểu ở đâu?
Hai cha con đang đắm mình trong những biến cố gần 200 năm trước, thì có tiếng quát:
– Khôn hồn đứng im, nếu động đậy, ta ra lệnh buông tên.
Hai cha con giật mình nhìn xung quanh, gần 30 binh Hán, tên đặt lên cung, chỉ chờ lệnh là buông. Người chỉ huy là tên béo mập thả ban nãy. Đào Hầu sợ Đào Kỳ sử dụng võ, bảo con:
– Không được chống trả.
Tên béo mập ra lệnh:
– Quăng vũ khí ra xa.
Đào Hầu tháo thanh kiếm trên lưng, quăng ra xa. Tên béo mập cười ha hả:
– Phen này tụi bây có đến trăm cái đầu cũng phải rụng hết.
Triệu Thanh ra lệnh cho lính trói Đào Hầu và Đào Kỳ lại rồi bắt hai cha con đi về phía một doanh trại. Đào Hầu chú ý nhìn thấy đây là một doanh trại kỵ binh mới cất lên không lâu. Ông thắc mắc:
– Quân kỵ ở đâu đông thế này? Họ đến vùng này làm gì mà ta không biết?
Ông nhìn lên cột cờ ở sân thấy thêu con gấu đen thì giật mình:
– Thì ra kỵ binh ở Giao Chỉ. Vậy có biến cố gì đây?
Thời bấy giờ Thái Thú Cửu Chân là Nhâm Diên, bất hoà với Thái Thú Giao Chỉ là Tích Quang. Cho nên những người bị Tích Quang truy nã thì chạy vào Cửu Chân ẩn náu, và những người bị Nhâm Diên truy nã thì chạy ra Giao Chỉ tỵ nạn. Mỗi Thái Thú có một quân trực thuộc toàn người Hán tổng cộng 12.500 người. Mỗi quận gồm 4 sư bộ và một sư kỵ. Mỗi huyện thì có một sư hỗn hợp, cứ một người Hán lại có một người Việt.
|
Đào Hầu thấy kỳ hiệu của thiết kỵ Giao Chỉ tiến vào Cửu Chân, làm ông nảy ra không biết bao nhiêu nghi vấn:
– Một là hai Thái Thú bất hoà với nhau, đem quân đánh nhau. Hai là có cuộc khởi binh của một trong chín Lạc Hầu, lực lượng Hán ở Cửu Chân chống không nổi phải viện thêm lực lượng Giao Chỉ.
Nhưng ông thấy điều này không đúng, vì đất Cửu Chân có chín Lạc Hầu thì năm vị đã thoả hiệp với Thái Thú, hai vị thì sống xa vời với chuyện phục quốc. Chỉ còn Đào trang nhà ông với Đinh trang của em vợ ông là còn giữ nguyên chí nguyện của tổ tiên. Ông với em vợ Đinh Đại hiện chưa có động tĩnh gì đến nỗi Thái Thú Cửu Chân phải viện quân từ Giao Chỉ vào.
Đúng như quan chế hồi đó, thì Lạc Hầu còn ở địa vị cao hơn sư trưởng, nhưng thực tế thì bọn Hán quan thường dùng sức mạnh, bắt giam các Lạc Hầu, Lạc Tướng là thường. Đấy là nói quân Hán ở Cửu Chân. Huống hồ đây lại là quân Hán của Giao Chỉ gửi vào.
Triệu Thanh đưa cha con Đào Hầu vào doanh trại giao cho mấy tên lính và dặn:
– Chúng bay hãy giam hai con chó Nam Man này lại, đợi ta phát lạc sau.
Mấy tên quân dẫn cha con Đào Kỳ vào một căn lều kín, bỏ đó, đóng cửa đi ra. Đào Hầu bảo con:
– Có cách thoát thân rồi, con thử nghĩ xem có giống như ý bố không?
Đào Kỳ thì thầm vào tai bố:nói:
– Đợi đến đêm, bố cắn dây cởi trói cho con. Rồi con cởi trói cho bố. Bố con mình thư thả đi về.
Đào Hầu nói:
– Bố đưa con ra khỏi doanh trại, con về báo cho mẹ biết, kẻo mẹ lo sợ. Còn bố thì bố trở lại dọ thám xem quân kỵ Giao Chỉ vào Cửu Chân làm gì?
Đào Kỳ nói:
– Bố nghi là phải. Con nghĩ binh lính ở Cửu Chân dư sức đánh dẹp bất cứ trang ấp nào của ta, hà cớ Thái Thú phải viện kỵ binh Giao Chỉ? Có khi y muốn tiêu diệt chín nhà chúng ta cũng nên.
Trời đã trở về chiều. Mặt trời ngả bóng, vẫn không thấy Triệu Thanh trở lại để trả thù như ước tính. Đào Hầu ghé răng cắn dây cởi trói cho con.
Sau đó Đào Kỳ cởi trói cho cha. Hai người chưa kịp đứng dậy thì có tiếng chân người đi tới, rồi tiếng một tên quân Hán nói:
– Ta mang cơm cho hai con chó Việt ăn đây.
Cánh cửa mở, hai tên quân Hán bước vào. Đào Hầu hô:
– Phát chưởng!
Đào Kỳ ra chiêu Loa Thành nguyệt hạ, Đào Hầu ra chiêu Tây Vu xuất binh. Hai tên Hán bị ngã chết giấc tức thì. Đào Hầu cởi quần áo của tên to lớn mặc vào. Đào Kỳ bắt chước cha, cởi quần áo của tên nhỏ bé mặc vào, nhưng vẫn còn rộng thùng thình. Hai cha con dùng dây trói hai tên quân Hán lại rồi mở cửa lều ra ngoài. Đào Hầu dẫn con hướng về phía góc doanh trại vắng người, chỉ ra ngoài nói:
– Con theo hướng này băng qua đồi thì về trang của mình được.
Đợi Đào Kỳ đi rồi, ông mới nhắm hướng đại doanh đi tới. Đại doanh là một căn lều khá lớn, bên trong có đèn nến sáng choang. Ông nép mình dưới cửa sổ nhìn vào: Bên trong có hơn mười người ngồi quanh một cái bàn, dường như đang hội họp. Ông nhận được mặt các quan chức người Hán ở Cửu Chân: Thái thú Nhâm Diên, Đô Úy Dương Hiển, Đô Sát Chu Khải và một số võ quan ông không nhận ra.
|
Đô Sát Chu Khải chỉ lên tấm bản đồ:
– Từ Đào trang đến Đinh trang xa khoảng 10 dậm. Trang chủ Đào trang là Đào Thế Kiệt 50 tuổi, văn võ kiêm toàn. Vợ là Đinh Xuân Hoa 40 tuổi, võ công không thua chồng là bao. Đệ tử chân truyền có ba người là Trần Dương Đức, Trịnh Quang, Hoàng Thiều Hoa, cả ba đều văn võ kiêm toàn. Thiều Hoa năm nay 18 tuổi, có vẻ đẹp quốc sắc thiên hương, khắp vùng đều biết tiếng. Thế Kiệt có ba con trai là Nghi Sơn, Biện Sơn, và Kỳ. Hai người lớn thì võ công tuyệt thế, đứa nhỏ mới 13 tuổi, nhưng văn võ đều thông. Đệ tử ngoại đồ 88 người, tráng đinh 500, phụ nữ biết võ 200. Dân chúng trong trang gồm 1200 nóc gia, tổng cộng 6300 người. Lương thực, lừa ngựa đầy đủ. Người trong trang được tổ chức thành đội ngũ chỉnh tề.
Thái Thú Nhâm Diên hướng vào một võ quan trẻ nói:
– Từ khi thuộc hạ về đây trấn nhậm nhận thấy một điều khó khăn nhất là tất cả dân chúng đều quy tụ vào chín Lạc Hầu. Mà chín Lạc Hầu đều là con cháu của đám di thần Âu Lạc. Đám này nhận di ngôn của Thục Phán ẩn náu chờ thời, phản Hán phục Việt, cho nên mối nguy nổi loạn không biết sẽ nổ ra lúc nào.
Ngừng một lúc y nói tiếp:
– Mấy năm trước đây bên Trung Nguyên chúng ta xảy ra vụ Vương Mãng cướp ngôi, thiên hạ tao loạn, phân năm xẻ bảy. Thuộc hạ không quy phục Vương Mãng. Vương Mãng mấy lần định mang quân sang hỏi tội. Bọn Lạc Hầu, Lạc Tướng thấy vậy rục rịch định nổi loạn. Ty chức biết trước vội vàng ban hành pháp lệnh năm điều để làm tan thế đoàn kết của bọn chúng.
Đô Úy Chu Khải hỏi:
– Chúng ta là người Hán, đi cai trị bọn Nam Man. Nếu chúng nó nổi loạn thì mang quân đi dẹp, há sợ gì? Tại sao đại nhân phải ban hành pháp lệnh làm gì cho mệt.
Nhâm Diên nói:
– Đô Úy biết một mà không biết hai. Dân chúng Cửu Chân đều quy tụ vào chín nhà, nếu chúng ta dẹp hết chín nhà, thì Cửu Chân chỉ còn là bãi đất hoang. Cho nên bản nhân mới theo Tôn-tử binh pháp: “Dụng binh chi đạo, toàn quân vi thượng, phá quân thứ chi”
Nghĩa là: Đạo dùng binh cần bảo vệ lấy quân hơn là tổn hại quân sĩ. Cho nên thuộc hạ chỉ dùng có một tờ giấy, viết năm điều pháp lệnh, mở rộng cho người Hán, người Việt được bình đẳng, được kết hôn với nhau, lại cho người Việt làm quan chức, dạy chữ thánh hiền, lễ nghĩa cho chúng…
Một võ quan dáng người uy nghi, còn trẻ ngồi ghế chủ toạ nói:
– Tuyệt! Chúng ta là con cháu Văn Vương, Chu Công, Khổng-tử. Nhà Đại Hán coi thần dân như con đỏ. Thái Thú ban pháp lệnh cho người Việt được như người Hán, cho người về Trung Nguyên mượn những nho gia khoa bảng thất thời sang đây dạy dỗ họ, đúng như Khổng-tử nói “Giáo bất biệt hoại”, nghĩa là khi dạy học thì không phân biệt giống người. Làm như vậy vừa được âm đức vừa làm sáng nghĩa của Khổng Mạnh.
Đào Thế Kiệt cố moi óc xem võ tướng trẻ tuổi này là ai, nhưng ông đoán không ra. Cứ thấy dáng điệu đường bệ của y và cung cách lễ phép của Nhâm Diên, ông cũng đoán sơ rằng viên võ quan này có địa vị không nhỏ.
Nhâm Diên nói:
– Thuộc-hạ không thực tâm như vậy, chẳng qua là muốn tâm chiến giai đoạn mà thôi. Thuộc hạ còn ký lệnh phong cho năm Lạc Hầu làm Huyện Úy. Thế là từ đấy, quan binh Hán cứ ngồi chơi, người Việt gây loạn thì dùng huyện úy người Việt mang bản bộ quân mã cũng là người Việt đi đánh. Cho nên pháp lệnh ban ra mấy năm, đi đâu cũng chỉ nghe bàn đến Tam Hoàng, Ngũ Đế, Chu Công, Văn Vương, Khổng-tử mà không hề nghe nói đến Hùng Vương. Lúc trà dư tửu hậu người ta chỉ nói trận Cai Hạ, Hạng Võ bị thua, tự tử ở Ô Giang, mà không nghe thấy nói đến Hùng Vương đại chiến An Dương Vương. Trẻ con học về trận chiến giữa Hoàng Đế với Suy Vưu mà không học về trận chiến giữa An Dương Vương với Đồ Thư. Dân chúng chỉ biết cái nhục bị Tần Thủy Hoàng cai trị, mà quên mất cái hận Cổ Loa bị Triệu Đà phá. Nam nữ thanh niên chỉ còn biết đến diễm tình của Tiêu Sử với Lộng Ngọc mà quên chuyện Trương Chi Mỵ Nương.
|
Ngừng lại một lúc y nói:
– Chín Lạc Hầu, không cần đánh, mà năm người trở thành đầy tớ của ta. Thuộc hạ lại tìm cách nay khen ngợi, mai ban thưởng, khiến cho hai Lạc Hầu mãi mê với việc phát triển văn hoá Trung Nguyên, mà xa lìa cái gọi là phản Hán phục Việt. Rút cục chỉ có Đào trang và Đinh trang là còn giữ nguyên. Cho nên thuộc hạ cần phải ra tay tiêu diệt.
Viên võ quan trẻ lại hỏi:
– Nhâm Thái Thú đã từng nêu cao nhân nghĩa bấy lâu, thì nay cũng phải truyền một hịch để kể tội Đào, Đinh, thì ta ra quân mới được dân chúng tôn phục. Vậy Nhâm Thái Thú đã tìm ra tội trạng gì của hai trang chưa? Tôi nghĩ rằng ra quân đánh người vô lý, thứ nhất là ác độc, dã man vô nhân đạo, thứ nhì là thất nhân tâm.
Đô Úy Cửu Chân Dương Hiển nói:
– Lĩnh Nam công xuất thân là người nghĩa hiệp nên mới đưa ra ý kiến đó. Nhưng ý của Thái Thú đại nhân là đánh Đào, Đinh trang, sẽ khiến cho các trang kia sợ hãi không dám trở lại phản Hán phục Việt nữa.
Đào Hầu nghe bọn Hán quan bàn luận đánh trang ấp của mình, bất giác ông rùng mình nghĩ:
– Thì ra tên tướng trẻ này là Nghiêm Sơn, tước phong Lĩnh Nam công, lĩnh chức Bình Nam đại tướng quân. Y là người đã xả thân đánh nhau với võ sĩ Vương Mãng 20 trận, bị thương 15 lần, cứu Quang Vũ, cùng Quang Vũ phất cờ dựng lại nhà Hán. Y được Quang Vũ giao cho toàn quyền sáu quận Lĩnh Nam là Nam Hải, Tượng Quận, Quế Lâm, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Thì ra Nhâm Diên nhờ Lĩnh Nam công mang quân vào diệt trang ấp của mình với Đinh sư đệ. May mà mình biết trước.
Thái Thú Nhâm Diên tiếp:
– Thuộc hạ mới trình văn lên Bình Nam đại tướng quân, để làm sao đánh một trận, diệt được hai trang. Do vậy hôm nay Lĩnh Nam công đại nhân mới mang thiết kỵ từ Giao Chỉ vào trợ chiến. Thuộc hạ định kế sách như thế này:
Thứ nhất , Đô Úy Cửu Chân Dương tướng quân chỉ huy đánh Đinh trang.
Thứ nhì , thuộc hạ chỉ huy đánh Đào trang.
Thứ ba , Đô sát Cửu Chân Chu tướng quân chặn đường rút lui của giặc về phía Nhật Nam.
Ngày mai thuộc hạ sẽ đạt thư mời Đào Thế Kiệt, Đinh Đại đến phủ Thái Thú ăn tiệc, rồi tìm cách giữ lại cho đến chiều. Trong khi đó thì sáng sớm Dương Đô Úy cho bao vây Đinh trang: Sư số 1 mặt Đông, Tây, sư số 2 phục ở đèo phía Nam. Sư kỵ thì tấn công vào phía Bắc. Giặc thấy trống mặt Nam tất chạy qua đèo Đôn Dương, sư số 2 dùng cung tên tiêu diệt. Cùng lúc đó thì chính thuộc hạ đánh Đào trang. Sư số 3 bao vây mặt Tây, Nam không cho chúng liên lạc với Đinh trang. Sư số 4 bao vây mặt Đông. Sư kỵ Giao Chỉ tấn công mặt Bắc. Trong lúc thuộc hạ giữ Đào Thế Kiệt, Đinh Đại ở phủ thì các vị bao vây hai trang. Thuộc hạ sẽ ép hai tên Đào, Đinh đầu hàng, giải tán trang của chúng. Nếu chúng biết điều quy phục, thì chúng ta chỉ việc tiến quân vào trong trang cử người thay chúng làm Lạc Hầu. Còn chúng không chịu đầu hàng thì thuộc hạ sẽ đốt pháo lệnh, các vị cho tấn công.
|
Đô Sát Cửu Chân Chu Khải hỏi:
– Trường hợp chúng đầu hàng thì giải quyết gia đình chúng ra sao?
Nhâm Diên tủm tỉm cười:
– Cho mỗi gia đình một cái thuyền lớn, nội ngày phải ra đảo Nghi Sơn ở. Thuyền tôi đã cho cắt đai, đục lỗ sẵn, khi ra khơi bị sóng đánh chìm ngay.
Nghiêm Sơn không đồng ý:
– Người ta đã đầu hàng, mà còn giết tuyệt như vậy, đâu có đạo nghĩa gì?
Nhâm Diên liếc ngang mắt, không dám hỏi gì.
Nghiêm Sơn nói:
– Nếu họ đầu hàng thì ta vẫn để cho họ làm Lạc Hầu. Được một hào kiệt đầu hàng còn hơn được một trăm tên xu phụ.
|