Anh Hùng Lĩnh Nam
|
|
Đào Hầu biết có nghe thêm nữa cũng vô ích. Ông lẩn ra phía sau doanh trại, vọt qua hàng rào, dùng khinh công chạy thẳng về Đào trang. Vừa vào tới trang, ông cho gọi các con và đệ tử đến sảnh đường. Đào phu nhân họ Đinh, xuất thân là người đồng môn với Đào Hầu. Võ công của bà không thua gì chồng. Bà kết hôn với Đào Hầu đã 24 năm, vợ chồng tâm hợp ý đồng, lấy việc dạy học trò, quy tụ dân chúng, mở mang ruộng vườn làm mục đích cho cuộc sống. Trong thời gian dài chung sống, bà biết rằng dù gặp chông gai bão táp đến đâu, ông cũng bình tĩnh giải quyết. Nay thấy ông trầm tư, rồi tập họp con cái, học trò khẩn cấp, bà biết đại biến cố đã đến.
Sáng hôm nay, Đào Hầu nói với bà rằng ông dẫn đứa con út là Đào Kỳ dạo chơi bãi biển, xem dân chúng đánh cá. Thế rồi buổi trưa không thấy chồng con về ăn cơm, linh tính báo cho bà biết có sự không may sẽ xảy ra. Chiều mới thấy Đào Kỳ trở về nói với bà rằng Đào Hầu và nó bị bắt. Đào Hầu ở lại dọ thám. Nghe con thuật, Đào phu nhân tỏ vẻ bực tức, vì thời bấy giờ tuy bị người Hán cai trị, nhưng chồng bà là một Lạc Hầu, chỉ Thái Thú mới có quyền bắt giữ. Thế mà nay một võ quan cấp Lữ, bắt giam ông. Bây giờ thấy chồng trở về, mặt đầy vẻ nghiêm trọng, bà không kiên nhẫn được nữa, hỏi:
– Có tai vạ lớn rồi ư?
Đào Hầu gật đầu:
– Hơn thế nữa!
Ông gọi đại đệ tử là Trần Dương Đức bảo:
– Con xuống tầu, chuẩn bị hai con ngựa, mang theo kiếm chờ sư phụ ở sân để cùng đi Đinh trang.
Ông bảo con cả là Nghi Sơn:
– Con điều khiển tráng đinh, đệ tử phòng vệ, tuần tiễu trong trang thực nghiêm mật. Chỉ cho người vào mà không cho người ra. Ai không tuân, giết tại chỗ, kể cả đệ tử trong nhà.
Ông bảo con thứ là Biện Sơn:
– Con đánh trống tập họp đệ tự ở đại sảnh đường, xong vào báo cho bố biết.
Ông tường thuật sơ lược mọi chuyện cho phu nhân nghe rồi kết luận:
– Ta quyết định bỏ đất này chạy ra Giao Chỉ. Cách đây năm năm, dự đoán tình thế khó yên, ta đã cho em là Đào Thế Hùng mang gia đình ra Cổ Loa lập nghiệp trước, nay chúng ta ra đó thì đã có cơ sở rồi. Vậy phu nhân cho tỳ nữ chuẩn bị những thứ gì tối cần thiết hãy mang theo. Chúng ta phải đi ngay đêm nay mới kịp.
|
Biện Sơn vào thưa:
– Thưa bố, các đệ tử đã tề tựu đông đủ.
Đào Hầu theo con vào đại sảnh đường. Các đệ tử chắp tay hành lễ. Ông ra hiệu miễn lễ rồi nói:
– Tổ tiên ta xây dựng cơ nghiệp này đã được bảy đời, cộng 184 năm. Ngày nay Đào trang gặp tai biến. Thái Thú Nhâm Diên tập trung 15000 quân để đánh hai trang Đào, Đinh vào ngày mai. Đệ tử Cửu Chân chúng ta không hèn, nhưng Đào trang chúng ta chưa tới 600 người mà phải địch với 7500 người có tổ chức thì chỉ là một cuộc tự tử vô ích. Bởi vậy ta quyết định đi lánh nạn. Ta gọi các con lên đây, để cho các con được lựa chọn: Ở lại hay theo ta, tuỳ các con.
Tam đệ tử là Hoàng Thiều Hoa nói:
– Chúng con nguyện theo sư phụ tới cùng. Nhưng…
Đào Thế Kiệt vốn sủng ái cô nữ đệ tử này, ông hỏi:
– Con muốn nói nhưng gì?
Hoàng Thiều Hoa tỏ ý chí cương quyết:
– Mình không phạm pháp, sư phụ lại là một Lạc Hầu, tự nhiên Thái Thú Nhâm Diên đem quân đánh phá trang ấp mình, không lẽ mình chịu nhục như vậy sao?
Các đệ tử cùng nhao nhao lên:
– Chúng con cương quyết không chịu nhục.
Đào Hầu hỏi các đệ tử:
– Ý các con muốn thế nào?
Hoàng Thiều Hoa cương quyết:
– Con nghĩ, trước khi rút lui khỏi đất này, chúng ta phải đánh cho Nhâm Diên một trận kinh thiên động địa để chúng ghê mặt anh hùng Lĩnh Nam.
Đào phu nhân nuôi Thiều Hoa từ nhỏ, bà không có con gái, nên rất cưng chiều cô nữ đệ tử này. Bây giờ trước cảnh trang ấp sắp gặp nguy nan, nàng tỏ chí khí hùng tráng, bà thấy đẹp lòng, tát yêu nàng:
– Được, chúng ta phải làm như thế.
Bà nói vơí Hầu:
– Tôi thấy Thiều Hoa có lý. Ta đánh một trận, rồi hãy bỏ đi.
|
Đào Hầu gật đầu ra lệnh:
– Các đệ tử hãy dồn tất cả đàn bà, trẻ con, người già không biết võ đến đây ngay. Nội một giờ phải xong.
Ông ra lệnh cho tam đệ tử Hoàng Thiều Hoa:
– Con theo sư mẫu, bảo vệ đoàn xe cho đàn bà, trẻ con xuống bến chài, chạy ra đảo Nghi Sơn, chờ sư phụ ở đó.
Ông ra lệnh cho con trưởng:
– Con dẫn 100 tráng đinh ra phục trên đường dẫn tới bờ biển. Chờ cho xe cho đàn bà, trẻ con xuống thuyền, ra khơi rồi, con cùng Thiều Hoa bảo vệ đoàn thuyền đến đảo Nghi Sơn ngay.
Ông không thấy nhị đệ tử Trịnh Quang đâu, hỏi:
– Nhị sư huynh đâu?
Đào Kỳ đáp:
– Nhị sư huynh về đón gia đình rồi.
Ông ra lệnh cho con thứ là Biện Sơn:
– Con dẫn 50 sư huynh đệ thuộc ngoại đồ, cùng 200 tráng đinh, chia làm hai đội, men theo bờ biển đến cảng Bắc, phục đấy. Đợi khi thấy lửa cháy ở phủ Thái Thú thì đánh cướp chiến thuyền. Tại cảng Bắc có năm chiến thuyền, con cho ba chiếc chạy ra đảo Nghi Sơn đón người của Đào, Đinh trang ở đó. Vì tất cả đã đến bằng thuyền đánh cá. Thuyền đánh cá nhỏ quá, không thể ra xa. Muốn vượt biển, phải dùng chiến thuyền. Con giữ hai chiếc cho ta với anh Nghi Sơn. Nếu giặc đến tiếp cứu đông quá, chống không nổi, thì con cứ ra khơi trước. Chúng ta sẽ tìm đường khác rút lui.
Biện Sơn hỏi:
– Trường hợp phải đi trước, thì hẹn nhau tại đâu?
Đào Hầu ghé tai con dặn nhỏ mấy câu, rồi vẫy tay, ra hiệu coi như hết.
Đào Kỳ không thấy bố sai phái, nó hỏi:
– Con sẽ phải làm gì?
Đào Hầu nói:
– Con còn nhỏ tuổi, nhưng võ công cũng như kiến thức không tầm thường, con đi với tam sư tỷ, nhưng mọi sự phải nghe tam sư tỷ.
Ông đứng lên nói lớn:
– Thi hành lệnh ngay.
Ông ra sân, cùng đại đệ tử Trần Dương Đức lên ngựa, ra roi lao vào đêm tối, mịt mờ. Hai người vốn quen đường, nên dù đêm tối cũng không sợ lạc. Đào trang, Đinh trang không xa cho lắm, nên chỉ lát sau hai thầy trò đã tới nơi. Tráng đinh mở cổng, đánh ba tiếng trống báo có khách. Trang chủ Đinh Đại ra đón khách, thấy anh rể thì mừng lắm, kêu lên:
– Tỷ phu, anh tới có việc gì khẩn mà đi đêm như vậy?
Đào Hầu ngoắc tay ngụ ý bảo im lặng, rồi tiến vào sảnh đường. Ông ngồi xuống ghế tường thuật tỉ mỉ những điều đã nghe thấy ở trong dinh kỵ binh Giao Chỉ cho Đinh Đại nghe.
|
Đinh Đại trầm ngâm một lúc rồi hỏi:
– Anh nghĩ coi, có cách nào khác không? Hàng cũng chết, mà chạy thì chạy đi đâu bây giờ?
Đào Hầu nói:
– Hiện giữa Thái Thú Giao Chỉ là Tích Quang và Thái Thú Cửu Chân là Nhâm Diên đang có hiềm khích, chúng ta chạy ra ngoài Giao Chỉ ẩn thân vậy, chứ người hai trang của chúng ta không thể nào địch lại với mười lăm nghìn quân Hán. Ta đã biết kế hoạch của Thái Thú, thì tương kế tựu kế, có sợ gì? Hiện lực lượng trong trang của đệ có bao nhiêu người?
Đinh Đại nói:
– Vợ em không biết võ. Em chỉ có một đại đệ tử là Quách Lãng, bản lãnh cũng vào loại khá, có thể dùng được. Hai đứa con gái là Bạch Nương, Tĩnh Nương, đứa lớn 20 tuổi, đứa nhỏ 18 tuổi, văn võ kiêm toàn. Đệ tử ngoại đồ 97 người, tráng đinh 400, đàn bà biết võ 150.
Đào Thế Kiệt suy nghĩ một lúc rồi quyết định:
– Giặc vốn chỉ muốn hại hai chúng ta, rồi đưa người khác lên làm Lạc Hầu. Vậy chúng ta mang hết người đi, thì dù chúng có chiếm được Đào, Đinh trang, thì chỉ chiếm được hai trang trại hoang vu.
Đinh Đại vừa là em vợ, vừa là sư đệ của Đào Thế Kiệt, ông phục tùng Đào Hầu đã quen. Ông nói:
– Tất cả đều do anh quyết định.
– Được, em tập trung đệ tử lại đi.
Đinh Đại ra lệnh đánh trống tập họp đệ tử vào đại sảnh. Ông cùng Đào Hầu bước vào. Các đệ tử đứng dậy chắp tay hành lễ:
– Đệ tử tham kiến sư bá và sư phụ.
Đinh-hầu ra lệnh cho miễn lễ, rồi nói:
– Lần đầu tiên sư phụ họp các con khẩn cấp như thế này bởi Đinh trang sắp có tai vạ lớn. Ta nghĩ: Thầy trò thì sống chết có nhau, nên dù biến cố nào chăng nữa, ta cũng mang các con đi theo. Ta nói cho các con biết, Thái Thú Nhâm Diên tập trung 15000 quân để tiêu diệt Đào, Đinh trang trong ngày mai. Nếu chúng ta chống lại chúng thì chết hết vô ích. Vì vậy ta quyết định bỏ chạy. Vậy những ai muốn theo ta, những ai muốn ở lại?
Tất cả các đệ tử đồng hô lớn:
– Chúng con xin theo sư phụ.
Đào Hầu nói:
– Chúng ta phải giữ cơ mật mới được. Những ai chưa có vợ con thì ở lại đây. Còn ai có vợ con rồi, thì trở về đón vợ con đến đây ngay, nội một giờ phải xong. Chỉ cần mang theo vũ khí, áo quần là đủ. Đồ tế nhuyễn, nhất thiết không cần mang theo.
Ông quay lại ra lệnh cho Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương:
– Hai cháu cho chuẩn bị xe ngựa sẵn, đợi các đệ tử tập trung đàn bà, trẻ con, thì cho lên xe ra biển. Tất cả xuống thuyền, chạy ra đảo Nghi Sơn. Ở đó lên chiến thuyền, rồi đi tỵ nạn.
|
Ông dặn Quách Lãng:
– Cháu chỉ huy tráng đinh đi vòng quanh trang tuần tiễu, gặp người lạ mặt, bắt vào giao cho sư phụ cháu.
Ông dặn với Đinh Đại:
– Bây giờ giặc còn đang ngủ, nếu được tin báo chúng ta tháo chạy, muốn tập hợp quân lính cũng không kịp. Tuy vậy sư đệ dẫn một số tráng đinh phục trên đường ra biển, để phòng địch đánh bất ngờ.
Đào Hầu truyền lệnh xong, cùng đại đệ tử lên ngựa phi trở về Đào trang. Hai người vừa đi được một quãng thì gặp bốn kỵ mã, lưng đeo vũ khí đứng chặn mất lối đi. Ông nhìn kỹ thấy có hai người mặc theo lối quân Hán, còn hai người mặc theo lối người Việt. Biết đây là bọn Tế Tác dò thám, ông bảo Trần Dương Đức:
– Giết chúng nó, đoạt ngựa, quần áo.
Dương Đức phi ngựa tới trước. Hai Hán quân quát lớn:
– Dừng ngựa!
Miệng nói tay múa đao chém về phía trước. Dương Đức rút kiếm khoa ngang, hai thanh đao của chúng bay tung lên trời. Chúng còn đang ngơ ngác thì đầu đã rơi xuống đất. Hai tên Việt đứng cạnh sợ quá há hốc mồm ra, chưa kịp trở tay, đã bị Đào Hầu đánh hai chưởng văng xuống đất dãy mấy cái, rồi nằm im.
Hai thầy trò lột quần áo của hai tên Hán, khám trong người thấy có thẻ bài chứng nhận chúng làm việc tại phủ Tế Tác cấp bậc là ngũ trưởng.
Hai người hướng phủ Thái Thú phi như bay.
Tại Đào trang, khi Đào Hầu với Trần Dương Đức đi khỏi, thì gia đình của đám đệ tử đã lên xe, đồ đạc lênh kênh một đoàn hướng bờ biển tiến phát.
Đào Kỳ tìm không thấy nhị sư huynh, nói với Thiều Hoa:
– Sư tỷ đi trước, em với 20 tráng đinh ở lại đợi nhị sư huynh.
Thiều Hoa chia cho Đào Kỳ 20 tráng đinh rồi lên đường. Đào Kỳ thấy bố mẹ, sư huynh, sư tỷ đã đi hết, tự nhiên nó cảm thấy mình là người lớn nhất, dẫn đám gia đinh canh cửa trang.
Nhưng nó chờ đến canh ba, mà vẫn không thấy nhị sư huynh đâu. Lòng đầy lo sợ, nó tự nghĩ:
– Dù gì ta cũng phải chờ nhị sư huynh và gia đình để cùng đi.
|