[Xuyên Không] Ngược Xuôi (Back and Forth)
|
|
Ngược về quá khứ, xuôi theo thời gian…
Đây chính là lý do tên của cuốn truyện được đặt ra.
Một cô gái trẻ, tính tình cầu toàn, vì không được điểm thi như ý mà lơ đãng bị xe tông, hồn bay khỏi xác, đi ngược về kiếp trước. Sống một cuộc sống với thân thế phức tạp, thân phận thay đổi khúc khuỷu như dòng nước suối nhỏ lách rách chảy xuôi sông, cô một lần nữa được dịp sống. Chỉ là, giữa cái xã hội này, liệu cô có thể tự mình định nghĩa cuộc sống tươi đẹp như thế nào hay không.
Một người con trai nhỏ tuổi, lúc chưa biết gì đã chứng kiến người mẹ thân yêu của mình bị hiến cho thần sông, với tâm nguyện chỉ cầu cho cậu có được ngai vàng sau này. Vì vậy, để không phụ sự hy sinh của mẹ, cậu phải cố gắng làm một vị vua tốt. Nhưng lúc đó cậu còn quá nhỏ, cậu bị tất cả bọn họ, ngoài mặt thì vâng dạ ra đạo quân thần, nhưng bên trong luôn cấu kết chèn ép. Cậu rốt cuộc, chỉ có một mình. Làm vua, thật phải có quá nhiều hi sinh như vậy sao.
Con đường đời của hai người này, như dòng nước nhập dòng, không biết vô tình hay hữu ý nhập vào nhau. Trở lên mạnh mẽ hơn, họ bắt đầu có thể vững dòng chảy, cuốn phăng đi nhiều chướng ngại vật trên đường đi. Với cô, tất cả mọi thứ đều có thể làm, để cứu bản thân một con đường tự do. Với cậu, tất cả đều có thể dự đoán trước, trừ lòng cô.
Cuối cùng, dòng nước của họ, đã cuốn vào một con người vô can. Chỉ là, số mệnh trêu ngươi, từ người vô can, chỉ muốn sống cuộc sống bình an để tìm một người đặc biệt, anh đã trở thành điểm ngoặt, khiến dòng nước to lớn kia, một lúc chia hai ngã rẽ, không thể nào nhập lại được nữa.
|
Chương 1 - 2
Chương 1 Trời xanh, mây trắng bồng bềnh trôi thanh thản. Tôi lặng lẽ rải bước, bước chân nhanh chóng dập dìu giữa biển người trong một ngày hạ tươi sáng. Trong ngày hạ xanh này, trong đầu tôi, một bản tình ca buồn ngày mưa đang được nghĩ đến. Hôm nay, điểm thi của tôi đã được biết. Bao nhiêu năm ăn học của tôi đã kết thúc. Kết quả cũng như bao năm trước, “xếp loại: Khá”. Cuộc đời luôn chuẩn bị được thay đổi của tôi lại tiếp tục quỹ đạo cũ của nó, thật là đau đớn. Những hạt nắng đầy nhiệt huyết đang chơi đùa trên mái tóc rối bù của tôi. Ngày tôi được nhận vào Bách Khoa lại ập về, cái ngày tôi nhận ra được sự vui mừng trong mắt mẹ tôi, niềm tự hào trên khuôn mặt đượm vết nhăn của ba tôi, cái ngày chỉ một mảnh giấy có thể khiến mọi người vui vẻ. Giờ đây cũng là một mảnh giấy, nhưng lại khiến khung cảnh xung quanh tôi trở nên xám xịt trong một ngày đẹp trời như thế này. Những đứa bạn nhìn tôi đầy vẻ cảm thông: “Vui lên đi mày ơi!”. “Vui lên ư?”, sao mà tôi có thể vui lên được chứ? Bao nhiêu công sức của ba mẹ tôi, những ngày mẹ tôi vất vả đi công tác trong những ruộng cây chang chang trong nắng, những giây phút chờ đợi của ba tôi ngoài cổng trường từ khi tôi còn đi mẫu giáo cho đến khi tôi có chiếc xe đạp đầu tiên. Giờ đây kết quả chỉ là một chữ “Khá”. Sao tôi có thể để ra nông nỗi này? Sao lại không địch lại được bạn được bè? Sao lại thế? Có khi tôi đã không mong ước đủ mạnh, phải có mong ước mới có thể có đủ quyết tâm và nghị lực đi đến kết quả tốt, kết quả tôi luôn mong muốn “Giỏi”. Giỏi như tôi vẫn làm được từ khi học lớp 1 đến lớp 12. Hạng 1 như tôi vẫn làm nhu được thầy cô luôn mong đợi. Giỏi như khi ngày nào cô bé con tôi thủ thỉ với mẹ: “Con học giỏi chỉ vì mẹ thôi!”. Ai chả biết cái gì cũng có kết thúc, nhưng sao kết thúc lại ra nông nỗi này? Sao tôi có thể để nó ra nông nỗi này? Thật không cam tâm mà. Khung cảnh xung quanh đang dần mờ nhạt trong làn nước mắt, không được khóc, chưa được khóc. Tôi muốn khóc quá, khóc cho thật đã, khóc cho vơi đi nỗi xót xa này. Nhưng tôi đang ở ngoài đường, và đó là lí do vì sao tôi đang đi như chạy, tôi muốn đến một nơi nào thật yên tĩnh, một mình khóc. Đèn vàng đang nhấp nháy từ đèn đỏ. Phải vượt đường, tôi chạy thục mạng qua khi bất chợt nghe tiếng kèn ô tô vang vọng thình lình. Đứng lại, tôi không biết làm gì hơn khi đang giương to mắt nhìn một chiếc Toyota lao tới, thật nhanh, thật nhanh… Bất chợt khung cánh đột nhiên thay đổi, giật như màn hình tivi lúc trời giông bão rồi chợt thật rõ. Bầu trời vẫn trong xanh, nhưng khung cảnh thật khác thường, mọi người xung quanh tôi thật to lớn và hung dữ, những người xa xa trông thật thảm hại đang nhìn trừng trừng tôi. Tất cả trừ một người phụ nữ đang một tay ôm em bé vốn đang oe oe khóc, một tay nắm chặt lấy tôi, kéo tôi nhanh chóng đi những bước quá dài so với đôi chân của tôi. Sao nó lại cũn cỡn như thế này? Cánh tay tôi đang bị kéo thật là đau, khiến tôi phải hét lên, nước mắt nước mũi giàn dụa. Chiếc Toyota vẫn đang nhanh chóng đến gần, tôi hét vì sợ hãi trước khi bị nó đụng tung lên bay lơ lửng. Trong khung cảnh kia, bất chợt tôi nghe tiếng gào “khônggg” thảm thiết của người phụ nữ đang nắm tay tôi trước khi cảm nhận được sự đau buốt chạy dọc từ đầu đến sống lưng. Rồi sau đó tôi ngất đi, không biết gì nữa. Chương 2 Khăn lạnh được lau trên mặt khiến tôi bất chợt tỉnh lại. Nước lạnh thấu xương thấu óc giúp tôi giảm được cái đau sau đầu chút ít, nhưng rồi cảm giác đau đớn đó lại buốt lên. Mắt tôi xót xa chắc vì khóc quá nhiều. Tôi đang nằm trên cái gì đó khá mềm mại. Một hồi định thần lại tôi mới biết bây giờ đã là đêm, và tôi đang ở ngoài trời. Cái lạnh ban đêm khiến tôi rùng mình khi nó bất chợt gửi lời chào hỏi. Tôi cố gắng đứng dậy, một người đàn ông nhận ra tôi đã tỉnh lại, nhanh chóng đỡ tôi dậy. Tay ông vẫn cầm mảnh vải ướt, nhìn tôi thật lo lắng. “Con nó tỉnh lại rồi, bà ơi!”. Giọng của ông nhỏ nhẹ, tay ông lay chiếc áo sau tôi. Tôi ngạc nhiên tròn mắt nhìn ông, quay lại mới thấy mình vừa nằm trên mình người phụ nữ trong khung cảnh vừa rồi. Bà vẫn đang ôm em bé, giờ đang thiu thiu ngủ, vừa nhìn tôi thật thương tâm: “Lan, con có sao không? Con khóc nhiều quá khiến mọi người chú ý nên mới bị đánh ngất đi. Giờ còn đau không?” Tôi đưa tay lên đầu, cục u thật to đang nằm sau ót lại nhói đau. Người đàn ông bế tôi vào lòng, tay xoa xoa đầu tôi thật nhẹ nhàng. Tôi càng thêm ngạc nhiên khi thấy mình thật bé nhỏ, lọt thỏm vào lòng ông. Người ông thật rắn chắn. Nhờ có ành lửa bập bùng, giờ tôi nhận ra mọi người ở đây đều mặc đồ thật khác biệt, như khiểu đồ trong các tuồng cải lương tôi thường hay xem hồi còn học tiểu học, phụ nữ mặc váy dài, tay áo cũng dài, đàn ông mặc quần và áo dài, tay áo ngắn hơn cùng thắt lưng ngang bụng. quần áo của tôi được may bằng gấm không có hoa văn nào với hai ba lớp áo chống lạnh. Trong cùng hình như là một cái áo yếm trắng. Tay chân tôi nhỏ nhắn chỉ bắng nửa tay người đàn ông là cùng. Mọi thứ về cái kết quả chết tiệt đã nhanh chóng qua đi, tôi đang hoang mang: “Tôi đang ở đâu đây?” Tôi im lặng không nói gì, nhưng trong đầu là một chuỗi những câu hỏi xẹt qua lại như điện giật: “Mình đang ở đâu đây? Mình về quá khứ sao? Mình về thời gian nào? Hay mình bị xe đụng bay vào phim trường của người ta? Không không, sao tay chân mình lại bé thế này? Mình đền thế giới khổng lồ sao? Hay là mình mơ sao?”. Chắc là mơ rồi, vì làm sao có chuyện đi về quá khứ, một người chuyên Lí như tôi, lại chuẩn bị lấy một tấm bằng cử nhân Kỹ Thuật Hóa Học từ đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh làm sao có thể tin vào chuyện này? “Tuy là mình đọc nhiều mấy cuốn truyện tàu đi về quá khứ, nhưng mà đó chỉ là mấy chuyện vớ vẩn không có nguyên lí khoa học. Muốn về quá khứ phải, phải..Hay là …mơ thật rồi?” Tôi tự nhiên bật cười, lấy tay phải nhéo tay trái một cái. Á, Đau! Chết thật, không phải mơ sao? Hai người kia nhìn tôi lo lắng! Người phụ nữ nói: “Lan, con có sao không? Sao lại cười rồi lại tự nhéo mình như thế?”. Tôi hoang mang hỏi lại: “ Tôi là ai? Sao tôi lại ở đây? Đây là đâu? Đây là lúc nào? Hai người là ai?”. Người đàn ông nhìn tôi: “Lan, con đừng đùa, ngay cà thầy dì con mà con cũng không nhận ra sao? Con ngạc nhiên và tức giận vì nhà ta bị bắt đi về kinh, nhưng bầm và mợ con cùng các anh con đã được đưa đi trốn trước nên con làm trò dọa thầy và dì con phải không?” “Cái gì mà “Thầy, bầm, mợ, dì[1]” tùm lum vậy? Thầy là ba thì mình biết, nhưng bầm là mẹ, vậy người phụ nữ dì này sao lại như mẹ mình thế này?”. Tôi thật càng thêm rối rắm, thôi đành phải giả vở giả vịt một chút vậy: “Con thật không nhớ gì cả, hai người có thể nói cho con nghe không?”. Hai người kia nhìn nhau đau đớn, vẫn tiếp tục hỏi đi hỏi lại có thật là tôi không nhớ gì không? Vẩn ngây thơ, tôi nói thật là mình không nhớ gì, và nhận được câu trả lời từ người đàn ông: “Có khi đây là ý trời rồi, bà ạ! Tốt nhất là đừng để nó biết gì nhiều.” “Cái gì? Trời ơi? Ý ông là sao đây? Ông cho tôi đến đây để rồi hai người tự xưng là thầy dì tôi không muốn cho tôi biết gì nhiều là sao? Sao cái số tôi nó khổ thế này hả trời?” Tôi nỉ non thêm một chút nhưng người đàn ông nghiêm mặt ra hiệu cho người phụ nữ câm bặt không nói thêm nhiều lời. Tôi cũng đành bó tay, nằm xuống đất ngủ. Nhưng rồi tự nhiên trong cái lạnh ban đêm bất thường này, tôi chắc chắn đây không phải là thành phố nhiệt đới yêu dấu tôi biết hai mươi hai năm trời rôi. Cái lạnh dần dần thấu xương, tôi co ro cuộn người lại trong mấy lớp áo. Người đàn ông sắc mặt đau khổ, đưa tay ra nhấc tôi lại vào lòng vì trong lúc tra khảo tôi ông đã nhấc tôi ra trước mặt để tiện đối chấp. Bỗng nhiên tôi nhớ ba mình vô kể, từ hồi còn bé đến năm lớp hai, tôi vẫn ngủ chung với ba. Giờ bỗng nhớ cái cảm giác ôm cánh tay rắn chắc của ông mà ngủ tột cùng. Hình như tôi lại bé lại, thật là yếu ớt. Tôi lặng im nhắm mắt lại, nhớ ba mẹ quá đi, chẳng lẽ ở hiện tại tôi đã chết rôi? Không biết ông bà ra sao? Có đau lòng lắm không? Tôi muốn về nhà, bất kể có được khá hay không, tôi muốn được gặp lại anh trai em gái, bất kể họ có chế giễu tôi như thế nào. Mới có mấy tiếng đồng hồ tại đây mà tôi đã nhớ họ rồi, làm sao tôi lại có thể làm họ đau lòng như vậy? Một giọt nước mắt ấm lăn dài trên má tôi, trong cái khí hậu này, nó như nóng hổi, vẫn tiếp tục lăn bất kể sự chống chọi của đôi mắt non nớt sưng húp này. “Dậy đi con, dậy đi nào!” Tiếng người lay tôi bần bật. Tôi thật mong ước tôi lại được ba gọi dậy đi học như thủa nào. Nhưng không, đây vẫn là chỗ khỉ ho cò gáy ấy. Lúc tôi tỉnh dậy trời mới lờ mờ sáng, chắc khoảng 3-4 giờ sáng. Có ánh sáng tôi mới thấy được thật sự bốn người chúng tôi đang ở trong một vòng vây quân lính thời xưa thật to, chắc khoảng mấy chục người. Hình như người đàn ông này cũng rất được nể trọng, họ tuy vây ông và gia đình như thê nhưng cũng khá tôn trọng sự riêng tư của gia đình ông. Thế nên hôm qua tôi mới không nhận ra luôn có người khác ở xa nghe ngóng chúng tôi nói chuyện. Ông đỡ tôi lên, phủi bụi trên quần áo tôi, cùng lúc khẽ nói với tôi: “Lúc qua bến Sơn Đông, thầy sẽ nhảy xuống. Con và dì nhân dịp bế em chạy đi. Chạy đi rồi kiếm một người tên là Nguyễn Trãi, đưa cho ông ta bức thư này, nhờ ông ấy an bài cho ba mẹ con trốn đi. Ông ấy là bác họ của con, nhớ lấy nhé!”. Nói rồi nhét cho tôi một lá thư vào áo trong, dùng thắt lưng thít chặt lại cho khít. Đầu tôi quay mòng mòng: “Danh nhân Nguyễn Trãi là bác họ mình? Vậy là mình về quá khứ thật rồi. Vậy ông ta là ai?”. Nắm chặt lấy tay ông, người phụ nữ nước mắt lã chã: “Tướng quân, ngài đừng làm điều gì dại dột, ngài vì con và tôi mà sống, tôi nghĩ hoàng thượng hiểu lầm nên mới có chuyện này thôi.”. Người đàn ông khẽ gắt: “Bà đừng bù lu bù loa lên, hoàng thượng nghe lời gièm pha tôi xây thành tích lũy, có mưu đồ tạo phản, lại là con cháu đời vua Trần trước đây, làm sao mà có thể thoát. Tôi thà rằng chết vinh còn hơn sống nhục. Ít ra còn có ít thời gian cho bà và con chạy đi. Tôi thật xin lỗi không đưa bà đi trốn kịp.” Người phụ nữ thút thít, đưa đứa bé cho tôi: “Lan ơi, đây là em gái con, nhỡ dì có chuyện gì, nhớ bảo vệ cho em nhé!” rồi quay lại người đàn ông: “Tướng quân mà có chuyện gì, tôi nguyện tuẫn tiết cùng ngài.” Nói rồi lại khóc. Người đàn ông khuyên nhủ: “Bà làm sao vậy? Cái Lan nó mới có tám tuổi, bà mà đi cùng tôi, làm sao nó lo toan cho mình với đứa em chưa đầy năm?” Rồi ông lại lấy em bé từ tay tôi: “Nó còn bé quá, vì sinh nó mà bà chạy trốn sớm không được nên mới bị bắt thế này, thôi thì đặt tên cho nó là Vi[2] vậy. Mong bà và con có thể chạy trốn an toàn.” Trong lúc hai người nói chuyện, tôi đang lắp ráp mấy cái kiến thức lịch sử mai một thời trung học: “Thầy tôi là em họ của Nguyễn Trãi, lại là con cháu vua Trần, vì vua hiện tại hiểu lầm hay toan tính mà bắt ông và vợ con về kinh chịu tội. Vợ ông một tướng quân, hai tướng quân, ông chắc cũng phải làm tướng to trong cung đình hiện nay. Sau nhà Trần là nhà Hồ, sau đó bị quân Minh đánh phá. Nguyễn Trãi vẫn còn, mà hiện giờ hình như là thái bình, vậy là đang nhà Hậu Lê sao? Thế kỉ 15 sao? Vậy đây là, là…” Đầu óc tôi choáng váng như mình đang làm nhân vật chính trong “Ai là triệu phú” vậy. Tất cả các chứng cứ đang ráp lại trong cái đầu óc chỉ dựa vào trí nhớ tạm thời là chính của tôi. Tên tên ông này là ai ta? Sao đột nhiên mình lại không nhớ gì vậy ta? “Trần tướng quân, ông và phu nhân cùng hai tiểu thư phải đi rồi!” Một người lính trông bộ hiện lành đến báo. Anh nheo mắt nhìn tôi: “Tiểu thư, lần này phải đi hơi xa một chút, chúng tôi sẽ thuê xe ngựa sau bến Sơn Đông cho người đi, đừng khóc như hôm qua nữa nhé!”. Tôi hơi mỉm cười, cám ơn anh đã chắc chắn cho tôi một chữ để biết được tên họ mình: Trần Lan, nghe không quá tệ đấy chứ! Nhưng với cái số làm con của kẻ tạo phản, không biết tôi còn sống được bao lâu đây. Đưa con lại cho người phụ nữ, Trần tướng quân cầm tay tôi dắt đi theo anh lính. Đi theo là phu nhân và đứa bé. Đường đi dài qua nhiều cánh đồng xám xịt, thời tiết lạnh càng chứng minh cho tôi thấy đây là mùa đông của bắc bộ, một mùa đông mà tôi chưa từng trải qua, chỉ nghe chữ rét qua miệng ba mẹ tôi lúc nào đó đã nhắc đến. Đường đất bập bềnh nhưng cũng khá phẳng, chúng tôi vẫn đang băng băng đi. Các lũy tre xào xạc trong gió đông như đưa tiễn chúng tôi vậy. Từ sáng chưa được an gì mà đã bắt đi bộ tiên tục, cơ thể bé nhỏ của tôi đang dần dần mệt mỏi. Đi mãi, đi mãi mới đến được một bến sông. Người trưởng đoàn lính mới cho nghỉ chở thuyền. Người lính hiền nọ thấy tôi thở hổn hển, mặt không tốt đưa cho tôi chút nước trong ống tre và tấm bánh đúc gói trong lá chuối, nói với Trần tướng quân: “Tướng quân, tôi thấy tiểu thư từ tối qua chưa ăn gì, chắc đói lắm rồi, ông cho tiểu thư nhận ít lòng thành của tôi.” Trần tướng quân nhìn anh cảm động rồi gật đầu cho phép tôi nhận bánh. Tôi chưa bao giờ thấy miếng bánh đúc nào ngon đến thế. Thật là ẩm thực Việt Nam muôn năm. Nhưng mới ăn được hai miếng, miệng tôi đắng ngắt khi nghĩ đến cũng tấm bánh đúc mẹ tôi thường mua sáng sớm khi đi chợ về, mà tôi thì cứ ngúng nguẩy không chịu ăn uống đàng hoàng, kêu nó là thứ vô vị. Nước mắt chưa gì đã rơi lã chã lần nữa. Trần tướng quân bên cạnh kéo tôi đứng trước mặt mắng: “Ngươi thân là con gái Trần Nguyên Hãn, chịu biết bao nhiêu khổ cực thời chiến tranh, giết được bao nhiêu giặc Minh, phần nào giúp được đất nước yên bình. Một thân thầy ngươi làm tướng đánh Tân Bình, Thuận Hoa, thắng tại Đông Bộ Đầu, hạ thanh Xương Giang, lại được Bệ Hạ phong đến chức Tả Tướng Quốc cùng Khu Mật Đại Sứ. Tuy ta đã xin về vườn, nhưng danh tiếng vẫn còn đó, ngươi không được chịu khổ một chút là đã khóc, làm nhơ danh tiếng của nhà ta.” Tôi khẽ gật đầu, mở to mắt để tránh những giọt nước mắt tuôn thêm, nhìn ông trân trối. Người đàn ông nhìn thoáng qua như đã tứ tuần, sau nhiều gian truân như vậy mà sắp phải vào cõi chết. Phải đây chính là Trần Nguyên Hãn chăng? Cái người được tạc tượng tướng quân trên ngựa, một tay cầm yên, một tay nhận chim bồ câu ở cái ngã ba đối diện ngay chợ Bến Thành đây sao? Tượng này lần nào cũng khiến tôi ngước mắt lên nhìn mỗi khi ngồi sau xe ba chở đi đến các trung tâm học thêm thời cấp hai, giờ đây đối diện người thật, tôi không khỏi không thêm phần khâm phục. Thuyền đến nơi, chúng tôi bước vào chiếc thuyền gỗ, đi tiếp qua sông. Tôi đưa chiếc bánh an dở cho người phụ nữ kia: “Dì ơi, dì còn phải nuôi em, nên ăn chút gì đi!”. Người phụ nữ ngạc nhiên, nhưng nhìn ánh mắt chân thành của tôi, bà khẽ nở nụ cười âu yếm: “Lan nhi của ta, con cũng lớn rồi!” rồi nhận lấy chiếc bánh, bẻ nửa đưa cho tướng quân: “Đây là chiếc bánh nhà ta cùng chia sẻ, ngài chắc cũng đói rồi!”. Tướng quân cười rồi cùng bà thong thả ăn bánh. Chiếc bánh nhỏ nhoi vậy mà lại được dùng để đưa tiễn ngài, tôi chua xót nghĩ. Ít ra vậy ngài cũng không làm ma đói, không xóa nhơ thanh danh của ngài tích lũy bấy lâu nay. Em bé rất ngoan, thường ngủ nhiều. Tôi nhận ra bé rất xinh khi ôm bé trong lòng lúc phu nhân ăn bánh cùng chồng. Tã lót cũng được phu nhân trong lúc tôi không để ý, thay đổi từ lúc nào. Phu nhân mang theo một bọc vải, tôi đoán là đồ dùng cho em bé. Cả nhà bị bắt đi như thế này, không có một gia nhân nào theo, thật là khổ. Thật không ngờ, tôi còn làm được con gái Trần Nguyên Hãn. Suy nghĩ mộ hồi, thuyền đã cập bến. Anh lính hiền dắt tôi lên bờ, sau đó là phu nhân và em bé. Nhân lúc mọi người không để ý, Trần Nguyên Hán tướng quân đẩy hai anh lính ra, hét lên với trời: “Tôi với Hoàng Thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng Thượng nghe lơi gièm mà hại tôi. Hoàng Thượng có biết không?” Nói rồi chạy ra khỏi vòng lính, dầm mình xuống sông mà tự tử. Nhân dịp loạn sau vụ việc, phu nhân lén dắt tôi chạy ra dấu ở một bụi tre, đưa cho tôi cái bọc, nói tôi nằm im, rồi bà bế em chạy đi hướng khác. Binh lính phát hiện phu nhân mất tích tỏa đi tìm, một lúc đã bắt lại phu nhân cùng em bé. Tôi muốn chạy ra nhưng nhìn thấy mắt bà giàn dụa khẽ lắc đầu, lại phải nén nước mắt mà thôi. [1] Thầy chỉ cha, bầm chỉ mẹ ở địa phương, mợ và dì cũng chỉ mẹ ở các địa phương, ở đây dùng là có ý nghĩa là cấp bậc của các bà trong nhà ông như mẹ cả, mẹ hai, mẹ ba,… (không biết thời đó có dùng những từ địa phương này không nữa) [2] Trốn, dấu, ẩn tàng như trong tinh vi
|
Chương 3
Thật là thảm, mới đến đây được một ngày, mà người xưng thầy đã chết, người làm dì cũng bị bắt lại với em gái, tôi có một cái gì đó thương cảm cho chính cơ thể cô bé này. Không biết tôi làm sao mà chiếm được thân thể này, nhưng có khi đây là kiếp trước của tôi. Cũng may là mình thần kinh đã được hai mươi hai tuổi, chứ người chưa nhìn thấy người bị chết như tôi chắc lúc tám chín tuổi đã ngất đi rồi. Nghĩ một hồi mới nhớ làm sao phải tìm cho ra Nguyễn Trãi, chắc ông giờ đang ở Hà Nội thời xưa, thành Thăng Long. Nếu tìm ra ông, có khi tôi sẽ cứu được phu nhân. Quân lính truy tìm tôi đã thưa dần, tôi nhìn vào trong bọc, tìm ra được một bộ quần áo nâu sồng của con trai khá vừa vặn, chắc là để dùng cho tôi lúc chuẩn bị trốn trước đây, cùng một ít cục kim loại nhỏ như bạc vụn và tiền đồng. Nhìn thấy chữ mới vỡ lẽ là thời này làm gì có chữ quốc ngữ, chữ hán thì tôi lập bập biết được từ 1 đến 10 cùng mấy chữ đơn giản, suy cho cùng cũng là mù chữ. Một đứa nhóc tám tuổi đầu, đường đường là con gái tướng quân mà lại mù chữ? Việc này đối với một người vốn là trí thức non như tôi thật là khó chấp nhận.
Thay đồ vào rồi giấu đồ đẹp vào lại trong bọc, tôi bắt đầu đi. Lúc đầu còn tỏ ra bình thường chậm rãi, sau là chạy thục mạng. Gặp một cái chợ con tôi vào mua một ít bánh trái ăn cho đỡ mỏi mệt rồi hỏi thăm đường đến thành Thăng Long. Mọi người nhìn đứa bé nhỏ nhắn, đều buồn cười. Nhưng khi tôi nói là đi tìm quan giải oan cho cha, mọi người đều ngạc nhiên chỉ đường. Cũng may có người chủ chiếc xe ngựa chở gà giúp tôi đi được một đoạn đến khoảng ngoại thành. Nghe đâu đấy là ở Chương Đức.
Lúc đến nơi trời đã tối mịt, tôi thật không biết đi đâu, lang thang khắp nơi chỉ sợ chó sủa vì tưởng trộm. Người đánh xe trên đường có hỏi chuyện, tôi cũng chỉ nói dối qua loa, như là bịa ra chuyện thầy tôi đi bán gạo trên kinh thành bị người ta vu oan bắt lại, bầm tôi lên kinh kêu oan nhưng mãi chưa về, tôi bị cô chú bắt nạt, quyết chí lên kinh thành kêu oan cho cha. Nghe chuyện, người đánh xe có vẻ khâm phục lắm. Tôi không nói gì nhiều thêm, chỉ đối đáp cho qua chuyện. Ông lái xe cũng không nói nhiều, chắc tưởng tôi lần đầu đi xa nhà nên sợ.
Thật ra đường đi đến Hà Nội tôi đã một mình đi qua từ năm ngoái. Nhưng không phải là bằng xe ngựa, mà là ô tô. Tôi mệt mỏi nhìn cảnh quan hoang vu đầy ruộng lúa lúc trời đông mà không phải nhà cao tầng cùng công viên. Đường đất xóc một cách thảm hại khiến tôi trên xe bị dìm lên xuống thật đau, nhưng nhớ lời tướng quân, vẫn không tủi thân mà khóc. Ngược lại vì quá mỏi mệt nên ngủ quên mất.
Lúc tỉnh lại trời đã tối tự lúc nào. Người đánh xe không biết tôi muốn đến chỗ nào của Thăng Long nên cũng không nỡ kêu dậy. Đi suốt từ trưa đến tối mịt, tôi thật không biết kiếm đâu ra chỗ ngủ nhờ. Người lái xe thấy tôi ngơ ngơ ngác ngác, có chút thông cảm, nói với tôi: “Ở thành lớn, muốn lên quan kiện giải oan cho thầy ngươi thì cần có người giúp viết đơn trước. Ở đây có thầy học giỏi, trước nghe đâu đã làm thư kí cho quân khởi nghĩa của Hoàng Thượng, ta dắt ngươi vào xin mấy chữ. Nhưng mà xin được hay không là tùy ở ngươi. Mai đi kiếm xe đi nhờ vào thành mà tìm thầy ngươi.”
Thôi thì đành phải nói dối tiếp vậy, tôi chậc lưỡi nghĩ. Phát hiện mình thật sự ghét cái sự dối trá này. Nhưng người này trước ở nghĩa quân, không biết có gặp qua Trần Nguyên Hãn cùng gia đình chưa? Không biết có giúp đỡ mình được gì không? Có khi lại nhờ ông này mà gặp được Nguyễn Trãi không biết chừng. Các câu hỏi cứ quay mòng mòng trong đầu. Trời ơi, tôi mới có căm ghét người một chút vì cái kết quả tốt nghiệp hơi thảm hại mà người hại tôi thế này hả trời?
Trời tối, tôi vừa suy nghĩ vừa đi theo người lái xe ngựa tới một cái cổng gỗ sau bức tường đất dài trên con đường làng. Ông gõ cửa, chó sủa ầm ĩ cả lên. Một người phụ nữ tóc rối bời bước ra, chứng tỏ đang êm giấc nồng. Người lái xe quýnh quáng: “Thưa bà, cho tôi được gặp Ngô tiên sinh xin mấy chữ giúp cho cậu bé này kêu oan cho cha!”. Người phụ nữ nhìn hai người chúng tôi hơi ngạc nhiên, đang định nói gì đó thì có tiếng một người đàn ông vọng ra: “Có chuyện gì thế?”. Bà quay lại nói vào: “Có người đến xin viết đơn kêu oan!”. Lại thêm giọng nam nói: “ Cho vào đi!”
Vậy là hai người chúng tôi bước vào. Trời tối om om không ánh đèn nên tôi cũng không biết quang cảnh cái nhà này ra sao, đột nhiên xa xa có ánh lửa le lói, chúng tôi cứ hướng đó mà được đưa đi vào nhà. Trong nhà có đôi ghế dài và cái bàn như bộ trường kỉ bằng tre. Người đàn ông nhìn còn khá trẻ, chắc cùng lắm là khoảng ba mươi, đang ngồi trên ghế. Người phụ nữ vội lui ra sau nhà. Người lái xe dắt tay tôi đứng ở cửa: “Xin lỗi phiền giấc ngủ của tiên sinh, trên đường đi tôi có gặp đứa bé này, nói là trên đường đến kinh kêu oan cho cha. Tôi lấy lòng thương xót, cho nó đi cùng. Nhưng thiết nghĩ nó còn bé, cha mẹ lại không có ở bên cạnh, một mình tìm lên quan lớn thì làm sao mà giải bày cho họ nghe. Nên đến ông xin viết một lá đơn kêu oan cho nó ở nhờ một đêm mai lên kinh sớm.”
Người đàn ông cười, vội nói: “Bác nói cứ như chúng ta là chỗ không quen biết, nhà tôi vẫn mua gà chỗ bác thường. Mười mấy năm chiến tranh, tôi còn trẻ dại đi theo quân khởi nghĩa, vẫn nhớ bác đã cho mẹ già mua chịu mấy con gà lúc khó khăn, nhờ đó mà nhà tôi mới sống qua được ít ngày. Nay mẹ tôi đã mất, bác nhờ có ít chuyện mà chẳng lẽ tôi lại bỏ qua sao? Mời bác và cháu ngồi!”. Giờ tôi mới ngỡ ra sao người lái xe này lại có thể trời khuya mà đường đột gõ cửa nhà này.
Nhưng người lái xe lại từ chối khéo: “Thôi tiên sinh cứ hỏi han cậu bé này rồi đi nghỉ sớm, tôi còn phải đi về quán trọ nghỉ ngơi rồi mai đi bắt gà sớm.”. Nói rồi chờ người phụ nữ được kêu ra đưa ra ngoài cửa. Người phụ nữ đóng cửa cài then xong đi về lại phòng khách. Tôi hơi lo sợ, vẫn đứng ngoài cửa phòng từ lúc nãy đến giờ, trong đầu suy nghĩ cẩn thận nên nói những gì. Rốt cục vẫn cần phải thăm dò người đàn ông này một chút.
“Cậu bé kia, vào đây, ngồi xuống đi.” Người đàn ông thân thiện yêu cầu. Người phụ nữ thấy tôi hơi sợ, nhẹ nhàng dắt tôi bước vào, đặt ngồi lên trường kỉ đối diện ông, sau đó bắt đầu rót trà mời hai người nói chuyện rồi đi vào trong buồng bên. Tôi được ông mời, bất giác cầm lấy cốc nước uống một ngụm nhỏ. Là nước chè xanh, thật lâu rồi tôi chưa được uống vị đắng nhẹ này. Người đàn ông nhìn tôi dò xét, hỏi thăm nhẹ nhàng: “Nhà cậu ở đâu? Tôi trông cậu mặt mũi sáng sủa, trông không có vẻ gì là con nhà lao động. Cha mẹ cậu làm sao mà phải một mình lên kinh kêu oan thế này?”
Tôi lấm lét nhìn ông qua ánh đèn dầu leo lắt. Mặt ông trông khá thông minh lanh lợi, muốn qua mặt có khi khá khó khăn đây, tôi nuốt nước miếng khan, hỏi thăm ông một chút: “Xin hỏi, cao danh quý tính của tiên sinh là gì ạ?”. Hỏi xong lại nghĩ thật mắc cười, không biết có thể dùng từ ngữ kiếm hiệp tàu cộng thêm lễ phép việt nam hiện đại vào thời điểm này không? Nhưng người đàn ông không tỏ ra gì khác thường lắm, chỉ nói: “Có khi cậu có ít nghi ngờ, tôi họ Ngô, tên Sĩ Liên, vốn đi theo nghĩa quân làm chân thư kí từ khi mười sáu. Các loại văn thư đã từng viết qua, chắc có thể giúp cậu được ít nhiều trong việc viết giấy kêu oan.”
Tôi trân mắt nhìn ông, người này là Ngô Sĩ Liên? Sáng sớm được biết thân phụ là Trần Nguyên Hãn, bá phụ là Nguyễn Trãi, giờ tối khuya lại đích thân gặp mặt nhà sử học tiến sĩ Ngô Sĩ Liên lừng danh mà tôi đã từng phải tu đi tu lại trước mấy kì thi sử thật là một cú sốc lớn. Cái con bé Trần thị Lan này là ai mà hên thế? Tôi há mồm nhìn kĩ ông thêm một chút nữa, chắc là vì sốc nước chè nặng quá. Ông ngạc nhiên nhìn tôi, rồi bật cười: “Có chuyện gì mà cậu ngạc nhiên thế? Tuy là tôi có đi lính một thời gian, nhưng giờ về quê cũng lại tiếp tục làm nông dạy học, cũng không có gì to tát.”
“Không, không.” Tôi bất giác xua tay sau khi vội ngậm mồm nuốt nước miếng định thần: “Chỉ là tiên sinh không biết, danh tiếng ngài đồn xa cháu đã nghe qua, thật là rất hâm mộ từ lâu. Bây giờ được gặp mặt thật là, thật là… vinh hạnh cho cháu!”. Tôi quýnh quáng nói năng loạn xạ, không biết ngôn từ của mình có khác lạ gì không. Ngô Sĩ Liên tiên sinh nhìn tôi cười, nhìn kĩ cũng thấy ông khá đẹp trai. Đầu óc tôi lờ mờ đi một lúc, không biết nói gì nữa, hai bên im lặng. Rồi đột nhiên ông hỏi: “Việc của cậu…” , cùng lúc tôi cũng cất lời: “Xin tiên sinh…”. Hai người lại nhìn nhau cười. Ông nói: “Cậu cứ nói trước đi.”
Tôi nghĩ, một người tài như Ngô Sĩ Liên, chắc chắn sẽ biết thân phụ của mình, à không của Trần thị Lan này, hay ít ra cũng phải biết quan văn như bác Nguyễn Trãi. Thôi thì đành nói thật vậy, tôi nhìn thẳng vào mắt ông hỏi: “ Xin tiên sinh giúp đỡ cháu tìm một người trong kinh thành, chỉ có người này mới giúp đỡ được cháu!”. Tự nhiên nhìn thấy một cậu bé, lúc nãy mặt còn đỏ ngay vì ngượng ngùng, giờ đây nhìn mình rất như muốn dò hỏi một ân huệ rất lớn, Ngô Sĩ Liên chắc cũng thêm ngạc nhiên. Ông hỏi: “Là ai thế? Chẳng lẽ ta không giúp đỡ được cậu?”. Tôi nhìn ông thẳng thừng nói: “Nguyễn Trãi!”. Chắc không ngờ một cậu nhóc mấy tuổi đầu vắt mũi chưa sạch, mắt còn mọng nước lại nói trắng ra cái tên húy của vị Hàn lâm học sĩ lừng danh soạn thảo ra bản Bình Ngô Đại Cáo, một trong những tuyên ngôn độc lập của Đại Việt lúc bấy giờ, Ngô Sĩ Liên tròn mắt. Nhưng lại nghĩ cậu bé nói đùa hay nghe nói ông hay văn chữ muốn nhờ ông viết hộ oán cáo thay vì mình nên Ngô Sĩ Liên vẫn nói nửa thật nửa đùa: “Cậu là ai mà lại muốn gặp Hàn Lâm Học Sĩ lừng danh như vậy? Ông ấy rất bận, nếu không phải là người quan trọng, thì chắc không gặp được đâu.”
“Cháu là cháu họ của bác ấy, gia đình cháu gặp họa, thầy cháu có dặn đến chỗ bác ấy nhờ giúp đỡ, còn có lá thư này…” Tôi lo sợ Ngô Sĩ Liên không tin mình, rút ra lá thư của Trần Nguyên Hãn, nhưng chưa kịp đưa lại định thần rụt lại. Bây giờ là lúc cận chết, chỉ một nước đi sai cũng đủ bị bắt, biết đâu còn bị bán làm nô tỳ cho người ta thì sao? Nội dung lá thư ra sao tôi còn không biết, lỡ đâu đưa cho ông ta xem lại đem mình ra lãnh thưởng thì nguy. Không biết có tin tưởng được Ngô Sĩ Liên này hay không? Thấy tôi lại ngập ngừng, Ngô Sĩ Liên vẫn khá kiên trì: “Có gì không tiện cháu cứ giải thích, ta tuyệt đối sẽ không lừa dối cháu đâu.”
“Tiên sinh phải hứa sẽ giữ bí mật cho thân thế của cháu, nhất quyết không được nói với ai! Việc cháu nói với người đánh xe là dối trá để bác ấy giúp cháu đến kinh thành, cháu thật ra, thật ra,… không muốn kêu oan, mà là muốn nhờ bác Nguyễn Trãi giúp cứu dì cháu!”. Tôi ngập ngừng, các hình ảnh gia đình, người nhảy xuống sông, người bị lôi đi lại lần lượt hiện lên. Nước mắt lại trào lên thật cay mặc cho tôi cố gắng dìm nó xuống. Tôi lại cố mở to đôi mắt, chỉ vì tôi biết rằng, chỉ cần một cái chớp mắt là những giọt lệ kia sẽ tuôn trào. Hướng mắt về phía Ngô Sĩ Liên, tôi chưa thể đọc ra được cái nhìn phức tạp của ông.
Một quãng im lặng, Ngô Sĩ Liên uống một ngụm trà rồi nói: “Xem ra ta đã đoán ra được phần nào thân thế của cháu, cháu cứ nói đi, ta hứa sẽ giữ bí mật cho.” Tôi thở phào, đoạn đưa lá thư cho Ngô Sĩ Liên, vừa nói: “Tiên sinh cứ đọc lá thư này trước, cháu thật không hay chữ, cũng không biết được thầy cháu đã viết gì, chỉ biết thầy dặn là phải đưa cho bác Nguyễn Trãi tại kinh thành, giúp đỡ dì cháu và em bé trốn thoát an toàn. Còn thân phụ thì đã, đã… trầm mình ở bến Sơn Đông, không biết sống chết thế nào? Dì cháu và em lại bị bắt, không biết đưa đi đâu.”. Thật khó mà không nháy mắt lần nào trong khoảng thời gian dài lúc nói chuyện, nước mắt ngắn dài lại đua nhau rơi ra. Tôi thật nhớ nhà quá đi thôi.
Ngô Sĩ Liên nhìn tôi, rồi mở lá thư ra đọc. Sắc mặt ông lúc trắng lúc đen, thay đổi liên miên. Đọc xong lá thư, ông đưa tay lên vuốt miệng, rồi lại nắm chặt nắm tay lại, không biết là cảm thông hay suy nghĩ vấn đề gì. Lại một lúc sau, ông mới lên tiếng: “Theo thư này, Tả tướng quốc có dặn Nguyễn đại nhân giúp đỡ cho tam phu nhân và hai tiểu thư, vậy cháu là ai? Cháu có phải vô tình nhặt được lá thư hay nghe trộm được ở đâu đó mà lừa ta không?” Tôi tròn mắt, thật ra tôi đa nghi chưa bằng ông này đa nghi, lâu rồi mới gặp được kì phùng địch thủ. Tôi phân trần: “Cháu là con của Trần Nguyên Hãn tướng quân thật, chỉ vì trong lúc trốn chạy, dì có đưa cháu quần áo con trai, nhờ vậy mới trốn thoát được đám quân lính. Còn nếu cháu trộm được bức thư này, thì đi gặp ngài nhiều hại hơi lợi, làm sao cháu có thể một mình mạo danh đường xá xa xôi đi đến đây làm gì?”
Nghe tôi nói năng rạch ròi, Ngô Sĩ Liên gấp lá thư lại đưa cho tôi: “Cháu nói vậy có vẻ thật, tuy nhiên chỉ cần gặp Nguyễn đại nhân là có thể ba mặt một lời, cháu đừng hòng lừa dối được ai. Nể tình trước có từng gặp qua Tả tướng quốc, sáng sớm mai ta sẽ đưa cháu đi gặp Nguyễn Đại Nhân. Cháu đi theo ta sang buồng bên mà ngủ.” Nói rồi dắt ra qua căn phòng phía bên phải, đặt tôi đứng ngoài cửa, một mình vào lấy một tấm phản xuống, phủi bụi rồi đặt chiếc chiếu đơn lên, mở tủ lấy một chiếc chăn bông cũ trong đấy, đưa cho tôi rồi ra hiệu nằm lên phản mà ngủ. Tôi lẳng lặng nằm xuống, đặt cái bọc vải làm gối. Mệt mỏi sau một ngày chạy trốn, nhớ ba mẹ, bất an vì tình cảnh của mình, tôi thiếp đi ngay.
|
Chương 4
Gà gáy ò ó o khiến tôi giật mình tỉnh dậy. Trời vẫn đang tờ mờ sáng nhưng chắc là lượng adrenalin luôn chuẩn bị cho tôi sức để chạy trong bất kì tình huống nào. Tôi lò dò ra khỏi giường, gấp lại chăn màn rồi để lên phản vì tôi chưa đủ cao để với tới cái ngăn tủ chỗ hôm qua Ngô tiên sinh lấy nó ra. Ra khỏi phòng, tôi thấy người phụ nữ hôm qua đang lau dọn bàn. Nhìn cô tôi thoáng nghĩ, đây là phụ nữ Đại Việt sao? Chiếc áo tứ thân thắt gọn ở lưng khiến cho chiếc lưng ong lộ rõ, nhìn thật tần tảo cần cù. Màu nâu sồng đơn giản của áo váy không thể che dấu cho họ được dáng yểu điệu của phụ nữ Việt. Lau bàn xong, cô chợt quay lại, trông thật xinh xắn, nhìn thấy tôi cười nói: “Cậu dậy sớm thế? Cậu nhà tôi cũng mới dậy, nói hôm nay ông đưa cậu đi lên kinh kêu oan sớm, tôi có làm ít nắm xôi cho hai người đây. Cậu đi rửa mặt vệ sinh đằng này”, nói rồi chỉ tôi ra khu giếng nước cánh phải, còn chỉ cho tôi biết nhà vệ sinh ở đâu nữa.
Cái nhà ngoài này thật là đáng sợ, sàn thật cao vì phía dưới là hầm cầu. Tro được rắc vào để hút nước và giúp phân hủy để làm phân bón. Thật ra cái kiểu này là một phương pháp giữ gìn tài nguyên tốt, nhưng mùi thì thật khó chịu, đối với người thành phố hiện đại như tôi thì thật là như hành hình. Nhưng mà tôi còn phải đi gặp Nguyễn Trãi hôm nay, giúp đỡ được tam phu nhân của Trần Nguyên Hãn xong rồi mới lo được chuyện đi về của mình nữa chứ. Thăm nhà ngoài xong, tôi rửa mặt gần giếng nước rồi bước vào nhà.
Ngô Sĩ Liên đã thay quần áo xong, ông mặc chiếc áo dài, thắt thắt lưng, nhìn trông rõ dáng thư sinh. Tuy quần áo cũng đã cũ phần nào, nhưng sáng ra trông người thư sinh này càng đẹp trai hơn. Vợ ông đang giúp ông mặc đồ, trông thật đẹp đôi. Tôi chép miệng trong lòng, đúng là trai tài gái sắc mà. Chuẩn bị xong xuôi, tôi ăn một bát cơm hấp hại từ hôm qua với ít muối vừng và cà muối, thật là ngon miệng. Hai người sau đó từ biệt Ngô phu nhân rồi xuất phát ra chợ.
Thời này cũng có nhiều xe ngựa đưa người vào kinh thành buôn bán, chúng tôi được nhét vào chiếc xe khá đông các ông bà đi tới Thăng Long cùng với hàng hóa của họ. Xe cứ băng băng chạy, chúng tôi không ai nói chuyện với ai, mãi đến trưa mới đến được thành. Chúng tôi trả tiền rồi bước đi bộ, vẫn chưa có chuyện gì để nói. Lâu lâu chúng tôi hỏi người đi đường tới phủ đệ của Hàn Lâm Học Sĩ Nguyễn Trãi. Tới nơi thấy quan binh đã đến trước phong tỏa toàn nhà, tôi giật mình nghĩ: “Không biết Nguyễn Trãi đại nhân này có làm sao không? Mình nhớ không lầm thì ông này mãi đến lúc Lê Thái Tông chết bất thình lình ở Lệ Chi Viên mới bị vu oan mà chết mà.” Xong lại rùng mình vì cái chết bí ẩn của vị vua kia và cái nỗi oan khuất của gia đình này sau này.
Ngô Sĩ Liên dắt tay tôi hỏi thăm một ông lính có vẻ là nhóm trưởng thì mới biết, Nguyễn Trãi có nghi ngờ tạo phản với Trần Nguyên Hãn, lại là anh em họ hàng, nên bị giam để tra khảo. Tôi lặng cứng người, vậy là hy vọng cuối cùng để cưu người mẹ và em này đã tắt sao? Giờ tôi đi đâu, về đâu đây? Nghĩ lại cũng thấy tức mình cho hai vị đại quan này, cứ như bị dùng xong rồi diệt đi vì không được tin tưởng bởi Hoàng Thượng này.
Dắt tay tôi ra khỏi đám người nhốn nháo, Ngô Sĩ Liên đưa tôi đến một quan nước gần đó, kêu hai bát nước chè rồi đưa nắm xôi cho tôi ăn. Tôi chỉ lặng thinh nhìn ông, cầm lấy nắm xôi mếu máo đưa vào miệng. Không biết sao tôi lại có nhiều tình cảm thế này, cái gì cũng muốn khóc. Chẳng bằng mầy năm làm đồ án nhóm trước, xì trét quá đến mức mấy năm gần đây muốn khóc cũng không được, chỉ có thể cười hì hì vô vị. Nghĩ đến chuyện khác khiến tôi đỡ buồn hơn. Ngô Sĩ Liên cũng nói với tôi: “Xem ra nhờ vả Nguyễn Đại nhân có vẻ hơi khó, thôi thì để ta hỏi thăm tin tức cho cậu vậy. Cậu cứ ăn uống trước đi rồi chúng ta đi.”
Dò hỏi tin tức ở kinh thành này mà muốn yên ẩn chỉ có cách đi hỏi thăm mấy quán rượu. Ngô Sĩ Liên dắt tôi đi vòng quanh mấy khu nhà tù, thấy mấy quán nào có quân phục là vào xin ly rượu, lăm le hỏi thăm các chú cai. Tin tức thu thập được như thế này: Trần Nguyên Hãn trầm mình tự tử, hai phu nhân đầu và con thì trốn thoát, còn tam phu nhân cùng hài tử thì bị bắt quản thúc, vẫn đang yên ổn, không hề có tin tức gì về tôi cả. Ngô Sĩ Liên cho rằng vì không kiếm được tôi, nên bọn lính nhém luôn chuyện có tôi trong nhà bắt được. Vậy là tôi thoát nạn.
Sau khi đã thu thập được mấy tin tức quan trọng này. Ngô Sĩ Liên mang tôi ra chợ, mua cho một bộ quần áo gái trẻ con thường dân, kiếm chỗ cho tôi thay rồi nói: “Lần này về nhà, ta sẽ nói là ngươi là em họ xa của ta, cha mẹ chết sớm nên mới gửi đến nhà ta nuôi, tên là Lan. Ngươi nhất quyết không được nói năng gì với bất cứ ai về thân thế của mình, ngay cả thê tử của ta kẻo không cả nhà ta và ngươi có khi lại bị hại thì khốn. Ở nhà ta, ngươi như người nhà, phải giúp đỡ vợ ta việc nhà. Nếu nuôi ngươi đến khi lớn được thì ta sẽ cố gắng kiếm cho ngươi chỗ nương tựa an toàn đến hết đời. Cái này cũng như là trọn nghĩa với công ơn của Tả tướng quốc cho dân cho nước.” Tôi đành phải gật đầu, tuy trong bụng lại nghĩ: “Cái gì mà chỗ nương tựa? Người giúp ta, ta cảm ơn. Nhưng phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay chẳng phải mới là chỗ nương tựa cho đàn ông sao? Ai mà chả biết câu: “Của Chồng Công Vợ”, cái lí lẽ của người Tàu này sao lại khắc sâu vào trong đầu mấy anh thư sinh gàn này thê không biết!”
Vừa bán lại xong đồ con trai của tôi để làm mất tông tích, Ngô Sĩ Liên lại gặp phải một người đang là ngà gọi lại, thì ra là đồng đội trong nghĩa quân thời xưa. Hai người nói chuyện một hồi tôi mới vỡ lẽ người này là Thái bảo Ngô Từ trong triều, đi theo Lê Lợi từ nhỏ. Không biết ông này có chuyện gì u khuất trong lòng mà phải ra đây mươn rượu giải sầu thế này. Tôi núp sau vạt áo của Ngô Sĩ Liên một hồi thì Ngô Từ mới phát hiện ra ta. Ông nhìn ta kinh ngạc, còn tôi thì sợ ông này quen biết thân phụ, đã từng nhìn thấy mặt mình nên có phần hơn tái xanh. Ngô Sĩ Liên giải thích cho ông tôi là em họ, cha mẹ mất sớm nên mới đưa về nuôi. Ngô Từ vẫy tay nói tôi ra trước mặt ông.
Tôi đành phải ra trước mặt để ông nhìn, ông nhìn tôi một hồi lâu, chậm chạp nhắc đi nhắc lại: “Giống quá, thật giống!”, nói rồi lại hỏi:”Cháu năm nay bao nhiêu tuổi rôi?”. Tôi nhìn cái gật đầu của Ngô Sĩ Liên mà trả lời: “Dạ, năm nay cháu tám tuổi ạ.”
Nhìn tôi hồi lâu, Ngô Từ quay lại nhìn Ngô Sĩ Liên, mắt đầy hi vọng. Ông gọi bà chủ quán, nói tôi ra bàn bên cạnh ăn bún, còn mình thì đối đáp với Ngô Sĩ Liên. Làm bộ như đang rất hưởng thụ bát bún măng, tai tôi vẫn đang căng ra xem thử họ đang bàn bạc gì. Họ nói rất nhỏ, rì rầm như ong bay khiến tôi nhức cả đầu, chuyện gì mà phải bí mật thế? Nói chuyện hồi lâu, Ngô Sĩ Liên đứng lên, trả tiền cho bán bún của tôi, cáo từ Ngô Từ rồi lấy cớ phải đón xe về nhà, dắt tôi đi một mạch.
Lúc về cũng như lúc đi, rất im lặng. Cả hai người chúng tôi đều suy nghĩ mông lung. Không biết Ngô tiên sinh nay nghĩ gì, nhưng tôi thì nghĩ nhiều lắm. Tôi đột nhiên thấy tương lai của mình sáng lên được một chút. Nhưng nghĩ lại thì tôi lại nhớ ba mẹ tôi da diết. Xa nhà mới có hai ba ngày mà như hai ba năm rồi, nỗi nhớ như ngậm vào từng tế bào não của tôi. Chỉ cần không quan tâm đến cái sống chết một chút là lại nhớ gia đình mình. Bất giác một tiếng thở dài phát ra, Ngô Sĩ Liên nhìn tôi tròn mắt, không biết lại ngạc nhiên cái gì nữa đây.
Về đến nhà Ngô Sĩ Liên, ông lại giới thiệu tôi là em họ với vợ. Ngô phu nhân nhìn tôi ngờ ngợ, nhưng vẫn không nói gì mà chuẩn bị chỗ cho tôi ngủ, vẫn là cái buồng hôm trước. Tôi lặng lẽ đưa cho hai người ít bạc vụn và tiền trong bọc, nói: “Thầy bầm mất đi, thân là nữ nhi chỉ còn cái này được gia đình lưu cho, nếu tiên sinh và phu nhân có cần gì, xin cứ dùng chỗ này, chỉ xin hai người đừng bỏ rơi tôi. Ơn tình này của hai người, nhất quyết tôi không quên.” Phu nhân nhìn chồng rồi đến tôi, Ngô Sĩ Liên nhìn tôi trân trối. Xong tôi nhìn căn nhà ba gian đơn sơ này cùng bếp và giếng ở bên phải, một gian dạy học ở bên trái là biết hai người này chắc cũng không khá giả gì. Chỉ một cái lướt mắt là cả nhà, bất cứ đồ dùng gì cũng có thể sơ lược qua một lần là nắm được hết, thế thì làm sao nuôi dưỡng thêm một đứa bé như tôi?
Ba người nhìn nhau không nói gì, không khí thật nặng nề. Ngô Sĩ Liên nhận lấy tiền từ tay tôi, đưa cho vợ cất đi, rồi đưa tôi ra giếng lau mặt mũi để đi ngủ. Vợ đi rồi, ông nói: “Cô đừng sợ, tôi đã hứa với cô thì sẽ chăm lo cho cô chu đáo. Cô cứ an tâm.” Rồi kêu tôi đi ngủ. Nằm trên phản cứng này, cả ngày lang thang khiến tôi díp mắt lại, ngủ một giấc an toàn.
|
Chương 5
Tiếng gà gáy lại làm tôi thức giấc thêm lần nữa. Cứ mỗi lần thức dậy tôi lại cầu mong mình đang ở nhà, chỉ cần đi xuống lầu là có thể thấy ba tôi đang tận hưởng cốc cà phê sáng và mẹ tôi đang trong bếp nấu bát phở cho tôi và em gái ăn sáng. Tất cả chỉ là một cơn mơ. Nhưng đây vẫn là một sự thực không thể chối cãi, tôi vẫn đang ngồi trên tấm phản cứng ngắc. Ánh sáng mặt trời sớm luồn qua khe thông gió trên cánh cửa gỗ nói cho tôi biết đã đến giờ phải dậy.
Tôi ở đây đã được một tuần, cũng đã quen được ít nhiều tập quán sinh hoạt của cặp vợ chồng son này. Sáng sớm phu nhân luôn là người dậy đầu tiên, cô xách nước nấu cơm, chuẩn bị cho ngày mới. Lúc tôi dậy thì xuống bếp phụ cô. Ngô tiên sinh dậy thay quần áo, ăn uống cùng chúng tôi rồi học sinh bắt đầu vào lớp. Bọn học trò cũng khoảng bằng tuổi tôi hay ít hơn. Lúc đầu tôi còn tránh, theo chị dâu đi chợ, nhưng rồi cái việc ra chợ nghe các bà các chị lời qua tiếng lại so với việc học lóm như kiểu Mạc Đĩnh Chi thời xưa chẳng bằng một góc. Cái tính mọt sách của tôi lại nổi lên. Ít ra tôi đã phát hiện ra việc làm em họ hờ của một ông Nho sĩ thời này có lợi đến nhường nào.
Cái việc học lóm này cũng khá gian nan, bọn nam sinh thì có giấy có bút có bàn, còn tôi thì sao? Chỉ có than có củi có sàn đất. Lúc đầu là giả vờ lảng vảng đi chơi, sau đó lại ngồi ngoái góc, lén nhìn vảo xem chữ viết như thế nào. Bọn nhóc này hình như đang học Kinh Thi, cứ như mấy kiểu phim Trung Quốc thời xưa, tiếng thầy vang vảng trước, tiếng trò bập bè theo:
“Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu”
Nghe thì đơn giản, nhưng mỗi ngày chỉ học mười sáu chữ này rất khó. Nghĩ cho kĩ lại, vốn trước kia tôi rất thích chữ Nho chữ Nôm, tự hào nó phức tạp mới rèn luyện được cho con người trí nhớ tốt. Nhưng giờ mới biết, người ngoài chỉ thấy được vẻ hào hoa mà không thể biết được cái đau xót của kẻ bên trong học hành mấy cái chữ này. Thời cấp 1, 2, 3, thời gian nhiều nhất tôi dành cho các môn khoa học, tính toán, tích phân, vi phân, hình học, phương trình đụng đến là nhiều. Sách ngữ văn thì hết lớp 3 đã đọc trôi chảy, viết chính tả cũng không có nhiều sai sót nhờ hệ thống chữ viết logic. Thời gian còn lại học tiếng Anh tiếng Nhật. Giờ đây ngồi ngoài sân học lóm. Anh họ hờ vừa viết gì là phải tập trung nhớ từng nét, lúc học thì dùng que kẻ trên đất, lúc có người phát hiện quệt chân mấy cái là phi tang xong. Cũng may là ở đây trong thân hình cô bé này, tôi mắt sáng, nhìn đâu thấy đó, chứ nếu mắt mà cận thì cái trò này chắc phải bỏ sớm. May hơn nữa là tôi trước cũng bập bẹ được hai ba lớp tiếng Nhật nên nhớ nét rất nhanh. Tối chị dâu về có thể luyện lại một lần nữa lúc chơi trong bếp.
Cả tuần đã khiến tôi có thêm chút gì đó đỡ xa lạ với cặp vợ chồng này. Tuy nhiên có một chuyện nữa tôi sắp phải đối đầu với. Đó là sắp đến đợt gieo lúa mới, chị dâu có nói cho tôi biết là có khi nhà cần tôi ra đồng giúp anh chị. “Trời ơi, một con nhóc tám tuổi này từ bé chắc gì đã được cho ra ngoài nghịch đất mà bây giờ đã chuẩn bị công cuộc học tập làm nông dân! Thôi thì tôi cũng gốc từ bần cố nông ra cả, quay trở về cội như lá rụng có sao đâu, chỉ là mới học có mấy bài thơ thôi, học thì khó thật đấy nhưng tôi vẫn chưa thấy học chán mà!” Tôi quay ra hỏi thăm chị thời gian gieo thóc và công cuộc làm nhà nông như thế nào, rồi suy tính làm sao để mình thuyết phục được bà chị này cho mình nghỉ buổi sáng nghe trộm ông anh họ giảng bài.
Thấy tôi trầm ngâm, chị cười: “Cô cứ yên tâm đi, sáng ra cô ra trễ một chút không sao đâu, nhưng cứ đi với tôi trước để cho anh cô khỏi nghi ngờ trước đã.” Nhìn bà chị dâu thật tinh ý này, tôi thật muốn nhảy cẫng lên ôm chị quá. Oh yeah, vậy là từ nay mình đã có một thời khóa biểu chính thức rồi. Sáng tôi ra đồng gần nhà với chị một chút trước, rồi quay về học lóm viết trộm bài học lên một mảng tường bằng than. “Chữ nhỏ là nghề của bà đây mà!”. Tôi cười trong bụng. Thầm nghĩ cái này là để sau khi đi làm về rồi sẽ đọc lại và viết lại thêm một lần nữa, cũng có cái để ôn lại bài hôm qua cho nó từ từ thấm vào trí nhớ dài hạn. Sau đó tôi chạy ngay ra ngoài giúp chị làm đồng. Tay tôi bé, chân tôi ngắn hay chỉ là không quen việc nên lúc đầu nghe chị chỉ dạy rồi mà vẫn quýnh quáng. Nhưng rồi từ từ tôi cũng nhanh việc lên, tuy không giúp được là bao. Trưa về chị nấu cơm, tôi vừa giúp vừa nhìn vách tường lẩm nhẩm bài học. Ăn trưa xong, anh họ tôi chiều không có lớp cũng đi chung với hai chị em ra đồng. Thế này tuy làm nhiều chuyện cùng một lúc nhưng nhờ thế mà tôi biết được thêm nhiều thứ. Cứ như lời mẹ tôi nói mỗi khi tôi ở kí túc xá luyện thi nhớ nhà: “Chú tâm vào chuyện học thì sẽ quên được nỗi nhớ!”
Lúc đầu tôi rất tự tin về cái học lỏm của mình, chắc mẩm không ai biết. Nhưng không ngờ có nhiều ngày Ngô tiên sinh này lại thích chí dạy mấy bài chữ quá khó. Viết nhỏ thì làm sao viết được đủ nét, sau làm sao mà ôn bài được? Thế là chữ tôi to dần ra, cộng thêm mấy lần tôi suýt để lộ dấu vết, cho đến một ngày, ngài Ngô tiên sinh này đột nhiên bước vào trong bếp đúng lúc tôi đang hí hoáy viết mấy chữ bằng than mà chị dâu thì không có ở đó che cho tôi mới chết chứ! Chắc ngài tưởng tôi đang vẽ cái gì đó nên mới lại xem, ai ngờ đâu tôi đang vẽ mấy chữ chính ngài mấy giờ trước vừa mới dạy…
Vậy là có chuyện! Tôi thật sự lo sợ không biết trong đầu con người đầy tư tưởng Nho học Khổng giáo này đang nghĩ gì. Nhưng tôi biết với tiêu chí chủ nghĩa cá nhân bình đẳng mà tôi đã được nuôi lớn lên trong cái xã hội văn minh kia, tôi chưa làm gì sai. Lúc chị dâu về, hai chúng tôi đang nhìn nhau trong gian phòng khách. Nói thật ra là Ngô tiên sinh ngồi trên trường kỉ không nói gì, chỉ đưa mắt quan sát tôi, còn tôi thì cúi mặt đứng trước người anh họ hờ này. Lâu lâu có nhìn lên đôi chút, nhưng mà nhóc con tám tuổi làm sao đọ mắt được với người gần ba mươi?
Bà chị dâu về thấy ngay có chuyện không lành, cũng im lặng đứng bên cạnh tôi. Lâu mới có tiếng của anh họ: “Cô trước học được đến đâu rôi?” Tôi nuốt nước bọt nói: “Em trước cũng biết mấy số từ một đến mười và mấy chữ Nho đơn giản như chỉ người, hướng đông tây nam bắc, còn không biết gì thêm nữa.” Lại thêm câu hỏi “Cô học lỏm tôi được bao lâu rồi?” Tôi ấp úng: “Thật ra em không cố ý, lúc đầu chỉ là nghe mấy bài hay hay, đọc mấy lần thì đã thuộc nên em mới nhìn, sau đó mới biết còn học thêm viết chữ cho vui nữa, sau đó, sau đó…” “Tôi hỏi cô học được bao lâu chứ có hỏi học làm sao đâu?” Tôi chột dạ, biết mình không vòng vo được: “ Dạ khoảng mươi ngày”
“Viết ra đây bốn câu đầu cuả bài Lục Nga,” nói rồi đưa ra một tập giấy và một cây viết cùng nghiên mực đã được mài sẵn. Tôi đang định cầm viết, nhưng lại nhìn thấy tay mình lấm lem than củi, từ lúc bị bắt quả tang tới giờ vẫn chưa rửa tay, liền nói với ông: “Tiên sinh chờ một chút,” rôi chạy thẳng ra ngoài giếng múc nước rửa tay, lại lau cho sạch. Sau lại lật đật chạy vào, tay cầm cây bút lông, tôi biết lắm là chữ thể nào cũng xấu. Bởi thủa trước đón năm mới cũng đã từng được cô giáo đưa bút cho khai bút đầu xuân, chữ lúc đó không ngờ lại xấu như ma, nên tôi biết muốn viết cho đẹp bằng bút lông là rất khó. Cây bút lại khá to cho tay tôi, không tiện đổi bút, tôi vẫn hiên ngang, đứng thẳng người, chấm ít mực vào đầu cây bút bắt đầu viết, cố gắng dùng chỉ chút ít đầu bút thôi để cho chữ nhỏ vừa đủ:
“Lục lục giả nga
Phi nga y cao
Ai ai phụ mẫu
Sinh ngã cù lao[1]”
Bài thơ này đối với người xa nhà như tôi lại thêm da diết, từng chữ từng chữ viết cứng ngắc vì phải dụng lực, nhưng không chỉ có tay dụng lực, mà mắt tôi cũng phải dụng lực để kìm chế những giọt nước mắt tủi thân cho chính mình đang chực trào ra. Trong lúc viết, sự ngứa ngáy vì cái nhìn của Ngô Sĩ Liên đối với tôi dần dần bị khuất dần bởi nỗi nhớ ba mẹ: “Ba mẹ ơi, con thật phụ công hai người.”
Nhìn bài thơ một lúc, ông anh họ hờ này thở dài, rồi nói tiếp: “Chúng ta đi ăn cơm thôi!”
Vậy là xong chuyện lần này. Không biết ông anh lại nghĩ gì, chứ tôi thì vẫn quyết chí thế nào cũng vẫn học lóm tiếp. Nhưng không ngờ sau buổi hôm ấy, lúc chiều tôi đi làm đồng vể đã nhận được một xấp giấy, một nghiên mực cùng cục mài và một cây bút con vừa tay đặt sẵn trên phản. Lần này lại muốn ôm ông anh này quá đi.
Lại thêm được dăm bữa nửa tháng nữa, đời tôi lại thêm một lần thay đồi khi Ngô Từ đại nhân và phu nhân đến thăm gia đình Ngô Sĩ Liên.
[1] Xanh tốt rau nga, Nga hóa ra cao, Thương thương cha mẹ, Sinh ta cù lao (Nga là loại rau tốt, cao là một loại cỏ xấu, ý rằng cha mẹ nuôi con khôn lớn nhưng con lại không báo đáp được ân tình ấy)
|