[Xuyên Không] Ngược Xuôi (Back and Forth)
|
|
Chương 6
Sáng hôm đó cũng như mọi ngày khác, mọi chuyện đều bình thường, nhưng đến trưa thì Ngô Từ tiên sinh cùng một người phụ nữ mặt mũi tái mét, không nói không rằng gì gõ của nhà Ngô Sĩ Liên. Chị dâu ra mở cửa, Ngô Từ tiên sinh xin gặp mặt Ngô Sĩ Liên, rồi dắt phu nhân bước vào, người hầu đợi ở ngoài. Tôi không tiện ngồi ngoài, trốn vào trong bếp luyện chữ tiếp, đang tính đợi lúc nào chị dâu ra đồng thì tôi đi theo. Không ngờ mãi chả thấy chị dâu đâu không vào bếp, mà tôi lại được triệu lên nhà.
Vừa lấm lét bước vào phòng khách, chưa kịp lên tiếng chào thì vị phu nhân đã thốt lên: “Xuân ơi! Con đã về với mẹ rồi!” Nói rồi ôm chầm lấy tôi vào lòng, tôi to mắt ngỡ ngàng nghe bà nói tiếp: “Mẹ không tin là con đã chết mà, con biết không, mẹ tìm con mãi, mẹ và em Dao không tin con đã mất đâu, con về nhà với mẹ với em con nhé?”
Ngô Sĩ Liên nói: “Đây là phu nhân của Ngô Từ tiên sinh”. Tôi vẫn đang trong giai đoạn không biết nói gì, sao từ con gái Trần Nguyên Hãn lại ra con gái Ngô Từ thế này? Tôi nhất thời bị làm cho quýnh quáng, không còn biết mình là ai nữa. Ngô Từ đi đến gỡ tay bà vợ ra khỏi người tôi, nói với bà: “Bà nhìn thấy con rồi thì yên tâm chưa? Để cho nó ở đây với Ngô tiên sinh dưỡng bệnh mấy năm, lúc nào nó khỏi rồi thì tôi đưa nó về ở với bà với con Dao, được chưa?”
Bà quay lại nói với Ngô Sĩ Liên: “Thầy giúp tôi chữa trị cho nó an toàn với, cứ hàng tháng tôi sẽ đến thăm nó, nhìn nó thế này tôi chỉ muốn mang nó về Thanh Hóa ngay thôi, khi nào nó khỏi bệnh ngài nhớ báo tôi ngay nhé! Tiền bạc dù có bán cả nhà tôi cũng sẽ lo đủ cho ngài!” Nói rồi lịm đi. Tôi thật ngạc nhiên, từ nãy đến giờ vẫn chưa nói gì. Ngô Tiên sinh ra lệnh cho bọn tôi tớ ra đỡ phu nhân về xe, còn mình thì ở lại nói với tôi: “Thân cháu mồ côi, còn gia đình ta đây lại bị mất đi đứa con gái trạc tuổi cháu, nhìn rất giống cháu. Phu nhân ta từ khi con gái bị mất đi đến giờ đã là ba tháng trời, có lần còn muốn tự tử theo con. Trời cho ta gặp cháu là do duyên số để cứu lấy bà ấy. Cháu có đồng ý làm con gái nhà ta không? Ta sẽ chăm lo cho cháu đầy đủ. Ngô Sĩ Liên anh họ cháu đây cùng họ với ta, mà cháu là em họ anh ta, nên ta nghĩ đây cũng là do trời sắp đặt…”
Ta yên lặng nhìn người đàn ông này, từ lúc gặp ông đến giờ đã gần tháng, vậy sao mà nhìn ông tiều tụy thế kia. Phu nhân ắt hẵn rất thương con mà bệnh, còn ông thì chắc rất yêu vợ mà sầu. Tôi nhìn lại Ngô Sĩ Liên thăm dò, nhưng hình như ông ta lần này để tôi quyết định. Tôi ở đây cũng lâu rồi, không nỡ xa hai người này để đi đâu hết, nên đang tìm ý thoái thác: “Cháu, cháu chỉ còn hai anh chị đây là người thân, thật không nỡ rời xa họ.” Ngô Từ liền nói: “Không cần phải rời xa, chỉ cần cháu muốn, ta, phu nhân và em Dao chỉ thi thoảng đến thăm cho đỡ nguôi nỗi nhớ, cũng để vợ ta an tâm tinh thần. Cháu không cần phải lao tâm khỗ tứ, tiền nuôi cháu đây ta sẽ đóng góp một it gọi là…”
Ngô Sĩ Liên đang muốn nói gì, nhưng Ngô Từ vẫn tiếp tục cầu xin: “Cháu đã thấy phu nhân ta như thế rồi, từ giờ cứ coi chúng ta như người trong nhà, là cha mẹ cháu, ta thật xin cháu cứu lấy phu nhân nhà ta…” Cả nhà như thật sự thương cảm cho Ngô Từ đại nhân. Tôi nhìn ông mà chỉ khẽ gật đầu. Ông thấy vậy, nở một nụ cười cám ơn thật to rồi xiết mạnh tay tôi thật ấm áp. Vậy là giờ đây tôi đã có thêm một thân phận mới: Ngô thị Ngọc Xuân. Cái tên gián tiếp khiến cho nhiều chuyện xảy ra khiến cả cuộc đời tôi thay đổi như khi người ta dùng cần đổi đường tàu. Mà đây lại là một đường rất quanh co.
Chương 7
Mới đó mà hai ba năm đã qua đi, chuyện nhà Ngô Sĩ Liên giờ đã là một chuỗi thường nhật. Nhưng cũng có một chút thay đổi trong mấy năm qua. Vì các học trò của Ngô tiên sinh này có vẻ không thông minh bằng tôi cho lắm, nên sau năm đầu, tôi đã được phụ đạo riêng vào buỗi tối, rồi sáng vẫn ra đồng như thường ngày. Bởi tôi là con gái, nên nhiều khi có cảm giác Ngô Sĩ Liên có phần thiên vị mấy vị học trò nam của ông hơn, ít ra thì ông cũng dạy họ nhiều hơn về chính trị, cũng như trí làm người được tàng ẩn trong từ câu từng chữ của Tứ Thư Ngũ Kinh. Vậy nên lâu lâu tôi vẫn đứng nghe lóm lúc rỗi rãi. Mà về thời cổ đại lâu như vậy rồi, dần dần tôi cũng bị nhiễm mấy sách xưa, tự xưng mình là ta, rồi người đối diện là ngươi trong ý nghĩ, thật là coi thường người khác mà!
Chữ Hán chỉ là bắt đầu, chữ Nôm mới là chữ tôi thật sự thích thú. Chỉ tiếc là cách sử dụng chữ Nôm chưa bao giờ được thống nhất, mà chỉ học xong chữ Hán may ra mới hiểu được chữ Nôm, khiến cho loại chữ này thật sự lâm vào vị trí rất bất lợi so với chữ Quốc Ngữ vào thế kỉ mười chín, hai mươi. Tuy tôi đã rất cố gắng, nhưng chữ Hán thời này không thể nói là dễ. Mà thêm vào đó, đã học chữ Hán tự của Nhật vốn đã có một phần giản thể rồi, nhiều lúc một số chữ tôi lại còn viết sai chính tả, khiến cho Ngô Sĩ Liên cũng không mấy vừa lòng. Thế là chỉ có luyện thêm thôi.
Từ khi làm con gái nuôi của Ngô Từ, cuộc sống có vẻ khá lên một chút. Đằng nào thì Ngô Từ cũng được Lê Lợi nuôi lớn lên, có công trong cuộc chiến, bây giờ lại làm Thái Bảo trong triều. Gia đình Ngô Từ – Duyên Ý Dụ Vương cũng sống tận tâm với gia tộc Lê Lợi mấy đời liền, nên Đại nhân rất được trọng vọng, còn được ban cho cả quốc tính. Cứ hai ba tháng khi Ngô đại nhân và Phu nhân Đinh thị Ngọc Kế đến thăm tôi, đối xử tôi như con gái ruột, gia đình Ngô Sĩ Liên luôn nhận được giúp đỡ về mặt nào đó. Ngô phu nhân dạo gần đây thấy có vẻ khỏe lên, trông kĩ lại thì bà chắc cũng đã rất đẹp thời son trẻ.
Gia đình Ngô Sĩ Liên sắp có một thành viên mới. Nhìn chị dâu bụng dần to lên, tôi cũng có phần háo hức. Tuy nhiên, vì chị bụng to, nhiều việc bếp núc tôi đành phải gánh. Con gái nông thôn tám chín tuổi đã có thể lo chuyện cơm nước đàng hoàng, nhưng mà một người hậu đậu như tôi thì chị khá lo, luôn nhìn tôi nấu mà như ngồi trên đống lửa. Tôi thật buồn cười mỗi khi nhìn mặt chị như vậy, nhiều lúc còn có cảm giác muốn chọc thêm đùa chị. Tuy vậy mà sau mấy ngày từ khi đảm trách trách nhiệm chợ búa bếp núc, tôi mới biết được chuyện này cũng khá khó khăn. Bị lừa ngoài chợ thì không vì chị đã dặn dò cẩn thận ai nên mua, ai không nên, nhưng mà gánh hai cái đòn gánh này đi suốt buổi, tôi thật đau không thề nói nổi. Vậy nên tôi tức mình, đan làn đi chợ bằng lá cọ khô, xách tay cho nó tiện. Thật cũng cảm ơn mấy lớp công nghệ thời cấp hai quá chừng.
Tính lại dựa theo lịch sử, đây đã là năm Thuận Thiên thứ 4 (1431). Thăng Long đã bị đổi tên thành Đông Đô rồi Đông Kinh, còn Tây Kinh nằm ở Thanh Hóa là nguyên quán của vua. Ở đây lâu một chút, tôi mới nghe ra rằng thời này có hai phe cánh về người nối nghiệp vua, một bên ủng hộ con trưởng là Quốc Vương Lê Tư Tề, vốn đã có công cùng cha cứu nước, bên còn lại ủng hộ Hoàng Thái Tử Lê Nguyên Long, vốn có mẹ đã tự nguyện quyên sinh cho thần để giúp vua đánh tan giặc Minh, rốt cục vẫn khiến cho huynh đệ tương tàn. Nhiều người có liên quan cũng bị liên lụy trong vòng xoáy này.
Ở đây lâu như vậy rồi, tôi thật nhớ tiếng nhạc. Những giai điệu thật đẹp ở thế kỉ hai mốt luôn theo từng bước chân tôi nhờ chiếc máy mp3 giờ đã không còn. Nhiều lúc tôi thấy thời này thật tẻ ngắt. Nhân lúc Ngô Từ đến thăm, tôi vòi ông một nhạc cụ rất đỗi bình thường, một cây sáo. Chọn sáo bởi nó tương đối dễ thổi, mà theo các chuyện kiếm hiệp xưa tôi luyện, mấy vị anh hùng giang hồ thường hay chơi nhạc cụ thổi như tiêu hay sáo, tỏ rõ khí thế ung dung ngao du sơn thủy. Hôm nay ông và vợ đến thăm, có mang cho tôi cây sáo bằng ống tre. Nhìn thấy tôi mặt háo hức, ông cũng cười xoa đầu tôi, nói tôi ra ngoài sân chơi với mẹ nuôi, còn ông thì vào nói chuyện với Ngô Sĩ Liên.
Trước tôi có chơi một loại sáo Recorder hồi cấp một mà người Tàu dịch ra là trực địch[1]. Lần này dùng sáo, chắc có khả năng đoán nốt rồi thổi cái gì đó. Tôi thổi tu tu cho Ngô phu nhân nghe, thật là chói tai lúc đầu, nhưng mà Ngô phu nhân có vẻ vui lắm. Bà hỏi thăm tôi sức khỏe thế nào, tôi vẫn đáp vẫn còn một chút khó thở, chỉ cần chạy nhiều một chút là bệnh cũ lại tái phát. Điều này là do Ngô Từ dạy, để bà đừng quá mong chờ tôi về nhà. Nhưng hôm nay bà lại khác, bà ôm tôi vào lòng, thì thầm: “Con dạo này đã lớn lên nhiều rồi! Chỉ cần hai ba năm nữa là có thể gả chồng rồi đấy.” Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng thủ thỉ với bà rằng: “Con chưa lớn mà, mà lớn vẫn muốn mãi làm con gái nhỏ, không muốn lấy chồng đâu!” Bà cười, ôm lấy tôi chặt hơn, nhưng mặt hơi có chút bận tâm một chút, lại nói: “Ừ, con còn nhỏ quá, lại còn ốm yếu nữa…”
Chỉ mới nói tới vậy thôi, Ngô Từ ra nhìn hai mẹ con, lại hỏi: “Hai người thủ thỉ gỉ ở đây?” Tôi lí lắc trả lời: “Bí mật, không nói thầy nghe đâu!” Ngô Từ nhìn tôi đang trong lòng phu nhân, cúi xuống hỏi: “Con có muốn về Tây Kinh ở với mẹ và em không?” Tôi tròn mắt ngạc nhiên, cách mấy năm liên không đả động đến chuyện này, nay lại nhắc lại… Ngô Từ lại nói: “Ngô phu nhân đang mang thai, cũng khá nặng nề rồi, con ở đây còn thêm nhiễu đến hai người nữa. Thầy sẽ cho một người hầu đến đây giúp đỡ phu nhân, còn con đi về nhà ở được không? Thầy cũng đã hỏi ý kiến Ngô Sĩ Liên rồi.” Tôi nhìn ông: “Anh ấy đồng ý sao?” Ngô Từ trả lời: “Còn tùy ý con nữa, sức khỏe của con…” Tôi quay lại nhìn Ngô phu nhân, lại thấy ánh mắt da diết của bà, lòng chợt động. Tôi trả lời: “Để em bé sinh xong đã con sẽ trả lời, còn người hầu thầy cứ đưa đến đây càng sớm càng tốt.” Ngô Từ nhìn tôi gật đầu, nói: “Phu nhân, cũng đã đến lúc ta cần phải về rồi. Bà chào con đi.”Phu nhân nựng tôi một chút rồi thả cho xuống, hai người cha mẹ nuôi đi ra xe.
Sau chuyện này tôi có hỏi lại Ngô Sĩ Liên, nhưng anh ta khuyên tôi không nên đến nhà Ngô Từ mà ở. Bởi chuyện xuất thân của tôi là con cháu đời trước mà bị phát hiện, không những gia đình ông ta bị liên lụy, mà còn có nhiều người khác nữa. Nhưng ngày càng tôi càng để ý, thật ra đúng là tôi rất phiền cho chị dâu. Từ khi có một người giúp việc nữ đến ở chung nhà, rõ là công việc đồng áng tốt hơn hẳn. Cô gái này tay chân nhanh nhẹn, cơ bắp chắc chắn, chẳng những chợ búa bếp núc nhanh gọn nhẹ, tưới nước gánh phân cho ruộng cũng tốt hơn đứa trẻ mười một mười hai như tôi nhiều. Tối cô ngủ với tôi, rất thích được tôi kể chuyện cổ tích cho nghe. Lời nói thì gọi Ngô Sĩ Liên là lão gia, chị dâu là phu nhân, còn tôi là tiểu thư cứ như là phim tàu chính gốc vậy. Hồi đầu cả nhà còn cười, nhưng nghe dần dần cũng quen, không sửa cho chị ta gọi ông, bà, cô nữa.
Chị dâu sinh được bé gái đầu lòng, tôi rất thích, nhưng có lẽ ông anh họ không thích lắm. Nhưng nghĩ lại cũng là tôi nghĩ cho anh ta không thích mà nói thế. Thời này tình cảm không được biểu hiện dồi dào lắm. Ngay cả đến đầu thế kỉ hai mươi, trong các gia đình nho giáo cũng vậy mà. Em bé sinh ra rồi, tôi lại nhớ đến dì và em gái tôi. Tuy rằng chỉ gặp nhau trong một ngày, nhưng Trần thị Lan đây vẫn phải có một trách nhiệm nào đó với gia đình chứ.
Một buổi tối đương buỗi luyện chữ, tôi hỏi anh họ về tin tức gia đình tôi, nhưng Ngô Sĩ Liên thật không biết gì nhiều. Cũng chỉ nghe ngóng biết Nguyễn Trãi tuy đã được thả nhưng bị giáng chức, tước quốc tính, gia đình ở Đông Kinh cũng khá khó khăn. Lại nghĩ gia đình Ngô Từ đã có công giúp đỡ Lê Lợi mấy đời, tôi ở nơi đó tuy là chỗ nguy hiểm, nhưng lại là chỗ khó tìm, lại có khả năng hỏi thăm tin tức rất nhiều. Cuối cùng ra quyết định sẽ theo Ngô Từ. Tôi báo chuyện này cho Ngô Sĩ Liên nghe, tuy lúc đầu ngài không thích, nhưng nghe tôi giải thích cặn kẽ là phải tìm cách cứu dì và em, anh tôi cũng phải gật đầu. Chuyện thân thế của tôi, ngoài trừ anh và tôi đây, không ai biết hết, nên chỉ cần hai người giữ bí mật là có thể an tâm rồi.
Vậy là tháng sau, khi Ngô Từ đến, tôi sắp xếp hành lí, đi cùng hai vợ chồng về Thanh Hóa. Ngô Sĩ Liên có tặng tôi một quyển sách, dặn phải luyện chữ thường xuyên, lâu lâu viết thư về nhà. Quyển sách này mấy đêm liền được Ngô Sĩ Liên giảng cấp tốc, còn tôi thì dùng than mài nhọn thành ngòi, cuốn giấy quanh làm bút chì, bí mật tốc kí ghi lại cách phát âm, tóm tắt bài học bằng quốc ngữ, định sẽ dùng trong năm tới.
[1] Sáo thẳng
|
Chương 8
Cũng nhờ làm con gái của Thái Bảo mà tôi được sống như cậu ấm cô chiêu một phần nào đó trong phủ của Ngô Từ. Lúc tôi mới đến đây, kinh ngạc vì sự đồ sộ của tòa nhà gạch so với nhà đất của Ngô Sĩ Liên một trời một vực nên mãi mới ngậm được miệng. Vẫn biết lúc này còn có nhiều giặc cỏ quấy nhiễu, đất nước còn nghèo sau chiến tranh, nhưng phủ của Ngô Từ cũng cho tôi biết được sự hậu đãi của Lê Lợi đối với gia đình này ra sao. Nhưng trước hết, tôi con đối mặt với một thử thách hơn nữa, cô em gái nuôi Ngô thị Ngọc Dao.
Tuy xa nhau đã hơn ba năm, nhưng Ngọc Dao và Ngọc Xuân trước vẫn là chị em tốt có nhau. Ngọc Xuân bị bệnh nặng, có khả năng lây nhiễm nên bị tách biệt từ đó. Đến khi Ngọc Xuân chết đi, vì để con đỡ đau buồn, Ngô Từ cũng không nói với Ngọc Dao mà chỉ nói với phu nhân. Phu nhân phát điên lên vì cho rằng Ngô Từ lừa bà không cho gặp con, Ngọc Dao được giao cho người hầu thân cận trông nom cho tới khi tôi được nhận làm con tại nhà Ngô Sĩ Liên.
Lúc trước khi đến đây, Ngô Từ có đưa thư kể chi tiết tình cảm của hai chị em để tôi biết trước. Ông cũng cho tôi biết một chút về mười mấy anh em trong nhà, nhưng phần lớn đã đi làm quan, lấy chồng hoặc ở tại phủ ông ở kinh đô. Nhưng chuyện kể chỉ là chuyện ông biết, sao biết được hai chị em có bí mật gì? Tôi vốn biết qua mặt nàng này rất khó. Nên lúc đến hơi có cảm giác căng thẳng. Ngọc Dao cũng nhận ra ngay sự khác biệt. Cô bé bằng tuổi này nhận ra ngay tôi thiếu một cái gì đó. Nhưng nói gì thì nói, tuổi thật của tôi cũng đã ngoài hai mươi trước khi bước vào cuộc đời này. Và cái sự mọt sách của tôi trước đây đã có một chút hữu ích, tôi biết rất nhiều chuyện. Trước đây có lần tôi làm tín đồ của Anderson, bất kể chuyện của ông không phải đơn thuần cho một cô nữ sinh cấp hai đọc. Từ cấp một tôi đã đọc truyện của anh em nhà Grim và ngàn lẻ một đêm, còn chưa kể các chuyện cổ tích Việt từ tấm cám đến sự tích dưa hấu. Đêm tôi vào ngủ chung với Ngọc Dao, rả rích kể chuyện cho cô bé nghe. Dần dần cô cũng quen với con người Ngọc Xuân mới này, cũng có chút thân thiết hơn với tôi.
Trong phủ của Ngô Từ ở đây chỉ có phu nhân và hai bọn tôi, Ngô Từ thường xuyên vào cung vì chuyện chính sự. Ngoài vị phu nhân này, ông còn có thêm một bà vợ hai, chính là cháu gái của phu nhân, con cháu đầy nhà, tôi cũng chưa được biết rõ chi tiết. Vì gia đình Ngô Từ cũng từ tầng lớp lao động mà ra, ngoài chuyện nô tỳ và người hầu nói chuyện cư xử theo cung cách người tàu (lại đại nhân, phu nhân, tiểu thư), tôi cũng thường được ra ngoài chơi. Tuy nhiên, tính hiếu học sau mấy ngày ỳ thân đã được phát huy, tôi lại lấy sách ra luyện chữ. Lúc chán thì lại lấy sáo ra thổi. Lúc buồn thì cùng Ngọc Dao và nô tỳ ra phố chợ mua bánh ngắm người. Cuộc sống nói chung là khá giống với quý cô đài các.
Thổi sáo chán chê mà chỉ được mấy nốt tàm tạm, tôi năn nỉ phu nhân cho đi học âm luật. Vậy là có thầy được mời đến nhà, Ngọc Dao cũng được hưởng sái học chung với tôi. Nhưng cái chính là ông ta không dạy cho tôi thổi sáo mà lại dạy gảy đàn sắt (một thứ đàn cổ của tàu). Thật ra thì tôi cũng khá thích loại đàn này vì nó có khả năng đánh được nhiều nốt hơn sáo, nhưng cái chính là người đánh hay thích đánh một vèo mấy nốt liền khiến cho cả bản nhạc hơi nhão thời nay. Loại nhạc dân gian thì thật tôi nghe nhiều cái không hiểu. Nghe loại nhạc đã được thương mại hóa như nhạc Mỹ, nhạc Hàn, hoặc loại nhạc khác người như nhạc Anh, nhạc Nhật rồi thì làm sao thấu hiểu cho hết được từng tình cảm trong từ nốt chứ? Thời này tên các nốt nhạc cũng khác và bản nhạc cũng khác khiến tôi hơi đau đầu lúc đầu, nhưng rồi cũng quen.
Vậy là ngày ngày tôi đành phải từ bỏ sáo lại rồi học đàn tranh. Từ từ cũng có kết quả. Lúc không có nhiều người để ý, tôi vẫn thường đánh thử giai điệu một số bản nhạc mà tôi thích thời hiện đại. Không biết ở thời hiện đại, âm nhạc có biết bao nhiêu thay đổi, không biết nhóm nhạc tôi yêu thích còn hay không nữa. Nhiều lúc lại nhớ nhà, vậy nên tôi đàn cho vơi đi nỗi nhớ. Biết được nguyên tắc đàn rồi, tôi hỏi đến đàn bầu, nhớ tiếng đàn này làm rung động lòng người như nghe tiếng nước rơi giữa hồ vậy. Và thật ra có nhiều bản nhạc dân gian như “Bèo dạt mây trôi” rất thích hợp để dùng đàn bầu. Được thầy dậy cũng khá, tôi cũng mau chóng bắt được âm luật và cách đàn.
Học được luật rồi, thì tôi phát hiện mình bị tiếng đàn bầu làm cho bị trầm cảm, ăn không ngon, ngủ không yên. Tiếng đàn não nề nhất vào ngày mưa, phu nhân cũng lo lắng cho tôi, luôn luôn kề bên. Ngô đại nhân về, không biết phu nhân thủ thỉ gì mà cuối cùng lí do tôi học nhạc cuối cùng cũng được giải quyết: Ngô đại nhân cũng tìm ra một chú lính trong đội quản lí lương thực của ông để dạy cho tôi mấy khúc sáo. Thật là hay tuyệt!
Nhưng chú lính này nhìn tôi, lướt lên xuống một hồi, rồi bảo tôi là người quá gầy yếu, ngày đêm không tập luyện cho đủ sức, nên khi thổi sáo sẽ mau mệt và nốt không ra khỏi. Vậy là bài tập nhập môn là sáng dậy đi bộ lên núi rồi xuống, rồi các bài thở bụng. Ngày đầu thức dậy lúc canh 3 sáng, tôi thấy thật mệt mỏi, đi về nhà, mồ hôi nhớp nháp, thở không ra hơi. Đến phong cảnh vùng núi Thanh Hóa vốn đẹp nên thơ trong cái thời không khách du lịch này tôi cũng không để ý lắm, chỉ mau chóng đi theo chú lính kia.
Cứ đi bộ như vậy hơn tháng liền, chú mới bắt đầu dạy tôi cách đặt môi vào thổi cho đúng, và đó là lần đầu tiên tôi đứng trên đỉnh núi nhìn xuống vùng đất bao la, thổi một nốt sáo nghe vang vọng cả vùng. Tâm hồn tôi như bị chấn động, như đang muốn phá vỡ cơ thể này đi vào thế giới xung quanh, thật xa, thật xa về nơi nào đó. Dần dần chú lính không đi chung với tôi nữa, và tôi cũng đã học được các nốt căn bản, cũng đã có thể thổi những bài đơn giản. Tôi thật thích cái cảm giác vào mùa đông giá lạnh, thổi một bản nhạc ấm áp cho chính mình nghe mà không sợ phiền người khác, với tiếng sáo vang vọng như cho cả môi trường xung quanh cùng nghe. Cái cảm giác như tôi có cả thiên hạ trong tay, khác hẳn với khi tập luyện thổi sáo ở nhà, lúc nào cũng nghe lời than phiền của con em gái. Mặc dù tôi rất muốn đánh đổi điều này để về nghe lời than phiền ấy.
Chương 9
Ờ đây thắm thoắt mà đã qua hai năm, giờ là năm Thuận Thiên thứ 6 (1433). Nhiều lần Dụ Vương (Ngô Từ) về, tôi có gợi chuyện hỏi ông về các trận chiến thời xưa, nhất là chuyện của Trần Nguyên Hãn tướng quân, cũng biết được dì và em tôi chắc đã bị xếp vào làm nô tỳ cho một trong những vị quan nào đó, còn ông cũng không biết gì thêm. Khi được hỏi vì sao tôi quan tâm quá, tôi cũng chỉ trả lời qua loa là có chút tò mò. Bởi có lần tôi buột miệng than thương cho họ, Ngô Từ đã nói thẳng với tôi: “Con không được phát biểu lung tung, nhất là trước mặt bất kì ai khác. Hoàng Thượng là đấng cửu đỉnh, nhà ta tuy được hưởng phúc phần bây giờ, nhưng cũng có thể vì một lời nói nhỏ nào đó mà gây họa, tốt nhất là nên biết im lặng và biết ơn vua.” Tôi gật đầu, nhưng trong bụng đầy đau khổ, đã sớm thấy cái xã hội này thật bất công, được hưởng phúc đấy, nhưng ai cũng nơm nớp lo sợ cho gia đình mình biết đâu ngày nào cũng phải vạ?
Vì cái sự này mà tôi ngày càng chú tâm hơn vào học hành và nhạc cụ, thật chán ghét các sự việc khác, nói năng cũng ít hơn. Mấy năm gần đây tôi cũng có gửi thư hỏi thăm gia đình Ngô Sĩ Liên, lúc nào nhận được thư phản hồi, tôi cũng có sách để học thêm. Mỗi lần được thư của họ, tôi cũng mừng thay cho gia đình họ chưa bước vào cái thế giới quan liêu này. Bởi tôi có cảm giác quyền lực là một cái lưới được treo lên cao, các con cá mắc vào đây vùng vẫy, tìm cách đánh lẫn nhau để tìm cơ hội vượt qua ngưỡng lưới, để có thể rớt xuống biển, để lại được tự do. Nhưng biết đâu được, rớt ra khỏi ngưỡng lưới lại rơi xuống đất? Lại chết một cách thảm hại? Sáo và đàn tôi cũng đã thông thuộc hơn, còn có thể thổi các bản nhạc hiện đại. Đương nhiên là chỉ đánh lúc một mình, mong muốn không có ai nhớ mấy bản này kẻo không lại có sự thay đổi về sau.
Tháng tám tôi, nhà vua có ghé qua Tây Kinh thăm lăng tẩm. Tôi vốn không có diễm phúc được diện kiến thánh giá, nhưng cũng không lấy đó làm phiền. Chẳng phải ông là người đã giết thầy tôi sao? Tuy chỉ có một ngày làm cha, nhưng tôi cũng đã thấy được chí khí của ông. Nhìn thấy người hoàng thượng đó, liệu tôi có kìm hãm được cái sự buồn phiền của việc thấy cha chết, mẹ và em bị bắt ra khỏi lồng ngực không? Tuy ông cũng thấy có lỗi, đã ra chiếu không cho sự dụng bọn nịnh thần dâng cáo hại cha tôi nữa, nhưng lòng tôi không khỏi thấy bất công, bọn họ chẵng phải vẫn còn sống sao? Những ngày ông đến, niềm oán tức của tôi muốn lên đến tận điểm, phát bệnh nằm nhà.
Lê Thái Tổ về kinh rồi, hạ bệ Lê Tư Tề xuống làm Quận Vương, cho Lê Nguyên Long lên cai quản việc nước. Chiếu thư chủ yếu nói: “Trẫm đây tài mọn, đức mỏng, kính vâng mạng trời, ở ngôi đến nay đã được sáu năm. Bây giờ đã đến lúc mệt mỏi, không siêng chăm được chính sự. Hoàng thái tử, tuổi tuy thơ ấu, nhưng tính nhân từ hiếu thảo bấy lâu đã thấy tỏ lộ ra ngoài, được mọi người hòa thuận tin theo, đáng hưởng ngôi báu. Vậy có tể trao cho kiếm và ấn để thay trẫm coi quản việc nước”[1].Tôi thật không biết ông nghĩ gì, nhưng một người con trai mới mười một tuổi, ở thế giới của tôi vẫn còn đang học lớp 5, làm sao có thể lên điều khiển cả một đất nước trong thời kì này? Nghĩ vậy, nhiều lúc tôi thấy thật nực cười, lại thấy nhớ nhà da diết.
Tháng sau, Lê Thái Tổ mất, ông được an táng tại Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, Tây Kinh. Và cuộc đời tôi lại một lần nữa thay đổi vì một cuộc gặp gỡ định mệnh, khiến tôi ở thế tiến thoái lưỡng nan, tâm thần bất ổn trong mấy năm liền.
[1] Trích Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quyển 15
|
Chương 10
Mấy ngày này trời mưa thật to, những cơn mưa mùa đông thật ảm đạm. Tháng nhà vua mất, cũng có cơn mưa dài dăng dẳng thêm nữa, có phải là khóc cho vị vua cứu nước chăng? Từ đó đến nay cũng ít mưa, vậy mà dạo này mưa lại quay lại. Mấy ngày này, do trời mưa và lạnh nên tôi không có dịp lên núi thổi sáo nữa. Trời mưa tầm tã rất có thể làm đất sạt lở trên núi, phu nhân không an tâm cho tôi đi. Vậy là tôi ở nhà luyện chữ, và đánh đàn. Ngày mưa này, chợt nhớ đến bài hát của F.T Island mà hồi xưa tôi rất thích: “Meeting”, lại tự hỏi không biết người ngày ấy có khỏe không? Liệu bây giờ ra sao rồi? Lúc bồi hồi, tôi ngâm nhẹ theo bản nhạc trong đầu, rồi từ đấy tập tành dò nốt đánh đàn sắt.
Ngọc Dao tò mò nhìn tôi đánh bản đàn, rồi tìm giấy viết lại nốt đã dò được, lúc đánh thuộc rồi lại đốt bản nhạc đi. Nó hỏi tôi: “Đã soạn ra được bản nhạc hay vậy rồi, sao lại đốt đi, hay chị không muốn cho em học?”. Tôi nhìn nó cười, chỉ bảo: “Đây là bí mật của chị, còn em muốn học cũng được, chỉ là phải hứa với chị không được dạy cho ai, lúc đánh chỉ nên đánh cho chị nghe hoặc người nào em thấy tin tưởng, tuyệt đối đừng để cho ai dò ra bản nhạc. Khi chị dạy cho em rồi, đây sẽ là bản nhạc bí mật của hai chúng ta.” Ngọc Dao mấy ngày mưa này cũng buồn, nghe vậy cười hì hì đáp: “Chuyện bí mật như thế này, em hứa chắc chắn sẽ giữ bí mật cho chị, chị dạy em đi.”
Tôi cười, rồi chỉ cho cô em gái này từng nốt nhạc. Bản nhạc được tấu lên, nghe thật êm ái. Tuy Ngọc Dao thông minh lanh lợi, nhưng bản nhạc vốn cho ghita và piano này khi chuyển âm vào đàn sắt cũng dùng nhiều ngón tay một lúc, lúc soạn ra, tôi cũng không ngờ nó phức tạp như thế, vậy là mất ba ngày, tôi mới dạy xong cho nó. Dạy xong, tôi còn vắt óc ra soạn bản song tấu cho hai đàn, thấy dễ hơn nhiều, liền dạy cho Ngọc Dao, vậy là hai chị em cùng song tấu. Đương nhiên, bản này cũng phải hủy đi. Nhân dịp mấy ngày mưa ngớt, mọi người lo tấp nập chuyện vua băng hà đang được chuyển đến Lam Sơn an táng, tôi xé bản nhạc ra làm mấy mảnh, xếp làm máy bay, tính lên đỉnh núi thường thổi sáo thả cho vui.
Tính rủ Ngọc Dao đi, nhưng nó lại bệnh cảm, phu nhân chắc sẽ lo lắng, tôi quyết định thôi. Vậy là một tay cầm tay nải nhỏ có sáo và bản nhạc này, tôi bước đi lộ trình quen thuộc. Leo trên con đường vẫn còn ẩm ướt vì mưa, hít thở không khí trong lành, tôi cảm thấy cơ thể như được thanh tẩy. Lâu lâu còn có một cơn gió nhẹ lướt qua khuôn mặt, tôi nhắm mắt lại để có thể cảm nhận được một thiên nhiên tươi đẹp bao quanh. Lên đến đỉnh, tôi mới phát hiện giày và quần áo có chút lấm lem vì đất, hôm nay trốn mẹ vội đi nên tôi không kịp thay đồ thường đi bộ. Thôi kệ, mặc đồ như thế này có ai ở trên núi ngắm đâu mà lo, về chắc chỉ bị phu nhân quở trách mấy câu thôi, mọi người cũng đâu có quan tâm đến tôi lắm trong ngày hôm nay đâu, tôi nghĩ. Lấy giấy đã gấp ra, tôi phóng những chiếc máy bay nhỏ, nhìn chúng phóng thật xa vế các hướng, cảm giác như là một cô bé đang trốn mẹ đi chơi, thật là vui vẻ lúc này.
Ném hết rồi tôi mới lấy sáo ra, đứng nhìn vùng đất phía dưới rồi thổi. Mấy ngày liền đánh cùng một bản nhạc, giai điệu của tôi không hiểu sao cũng thành giai điệu bản nhạc ấy. Nốt nhạc cứ ra khỏi ống, bay bay vào không gian xung quanh. Đỉnh núi thoai thoải, gió đưa nhè nhẹ, bản nhạc như hòa vào trong không khí, thật là một cảm giác thú vị chưa từng có. Đây cũng là lần đâu tiên tôi thổi không sai nốt nào trong lần đầu tiên thổi một bản mới, chắc có lẽ bản nhạc này đã thấm sâu vào trí óc tôi. Đang thổi say xưa, tôi bỗng nghe tiếng xột xoạt đằng sau. Giật mình, tôi dừng thổi, quay phắt lại, nhanh quá mà mất đà, loạng quạng muốn rớt xuống núi.
Đằng sau là một nhóm con trai choai choai. Đứng đầu là một cậu nhóc khoảng mười một, mười hai tuổi, mặc áo gấm dài màu xanh ngọc nhạt, tóc búi cao trên đỉnh đầu bằng một chiếc trâm cùng mũ nhỏ, trông như mấy cậu anh em trai nhà tôi lúc thăm nhà, chắc cũng là con nhà quí tộc. Sau cậu này là một nhóm bốn năm các cậu khác, lớn hơn cậu đến mấy tuổi, cũng mặc đồ khá giả nhưng xếp thành hàng ngũ rất chỉnh tề, như thể là quân lính bảo vệ.
Tôi đang muốn ngã ngửa ra, cậu nhoài người đưa tay ra nắm lấy cây sáo của tôi kéo vào, khiến tôi lại loạng choạng muốn va vào người cậu, nhưng chân trước đã theo phản xạ đặt lên trước, giúp tôi giữ thăng bằng. Nhìn kĩ lại, các cậu đứng sau, người thì đang chuẩn bị giữ lấy cậu này phòng khi bị ngã, người thì đã sẵn sàng tuốt đao kiếm bên hông. Cũng thật hên cho tôi vốn có tính ghét chạm vào người khác, nếu không không biết biến thành mấy khúc rồi.
“Cô có sao không?” là điều mà cậu nhóc hỏi tôi. Đây là lần đầu tiên một người con trai không trong gia đình nói chuyện với tôi, giọng nói trong trẻo đặc trưng của một đứa con trai lớp sáu hay bảy. Bỗng nhiên tôi lại nhớ về người ấy khi lần đầu cậu tôi được sắp xếp ngồi cạnh tôi, người tôi cứng đờ vì ngạc nhiên. Tôi nhìn cậu kĩ càng, khuôn mặt thanh tú trông thật quá chín chắn cho người bằng tuổi cậu mà tôi chưa hề nhìn qua bất kì khuôn mặt tương tự nào suốt mấy năm qua ở đây. Đã năm năm rồi ờ cái thế giới này tôi không nói chuyện nhiều với con trai cùng lứa nên nhất thời có chút lúng túng. Nhìn cậu ta chằm chằm một hồi cho đến khi một trong mấy cậu đứng sau tiến lên nói: “Ơ kìa, cô này câm rồi hay sao mà không trả lời câu hỏi của bạn ta?”, tôi mới giật mình nhận ra mình có phần hơi kì quặc. “Không sao!” Tôi trả lời, mắt cụp xuống nhìn xuống tay, mới thấy cây sáo đang được cả tôi và cậu kia nắm mỗi người một đầu.
Mặt tôi đang nóng ran như con gái bị người ta chọc, và tôi có thể cảm nhận được rất nhiều cặp mắt đang nhìn tôi chăm chăm. “Trời ơi, mình đang ngượng vì nhìn con trai hay sao?” Đột nhiên tôi lại nhớ về những năm tháng học trung học đến khi lên đại học, tôi vẫn thích chơi với các cậu con trai, tính cách rất phóng khoáng và khó chịu những cô nàng đỏng đảnh đỏm dáng ‘ngựa’ trong lớp. Kí ức trỗi dậy khiến tôi lấy lại tinh thần: “Chỉ là mấy thằng nhóc con!” tôi nghĩ. Ngẩng đầu lên sau mấy giây, tôi đã không còn cảm giác nóng mặt, nhoẻn miệng cười nói: “Xin cậu làm ơn thả tay ra!”
Lần này đến lượt cậu nhóc kia sững sờ một vài dây, rồi vội thả tay ra khỏi đầu kia của cây sáo như mới phát hiện tôi muốn nói gì, miệng thở ra: “À…”. “Cô kia, bạn tôi mới cứu cô kia mà, sao lúc đầu cô giả câm rồi bây giờ lại muốn đẩy ra thế?” Có tiếng nhạo hơi cười cợt của một trong mấy anh tùy tùng vang lên. “Muốn chọc ta chắc!” tôi lại nghĩ, “chưa đến tuổi đâu nhóc ạ!”. Vẫn giữ thái độ vui vẻ, tôi lại cười mỉm: “À vâng, là tôi thất lễ, xin cảm ơn cậu đã giúp tôi!”. Ánh mắt tôi nhìn thẳng vào cậu vẫn đối diện tôi một cái nhìn thân thiện. “Nếu được, xin chào các anh, tôi xin phép về nhà!”. Cậu nhóc nhìn tôi ngạc nhiên, chắc vì bị ánh mắt tôi trấn áp, lại có một tiếng đùa từ phía sau: “Cô gì ơi, đang thổi sáo hay chưa hết khúc mà, cô thổi tiếp cho bọn này nghe với!”
“Bọn ranh kia, đành rằng bọn bay không biết ta là con gái của Dụ Vương, nhưng ngọn núi này vốn chỉ có ta lai vãng tới, ít ra hôm nay ta đến sớm hơn, núi đã sớm là của ta. Vậy mà bọn nhóc này lại ngang nhiên tới làm ta hết hồn, giờ còn yêu cầu vớ vẩn nữa chứ?” tôi thoáng tức nghĩ, nhưng mà lại bình tĩnh ngay, hơi đâu gây chuyện với bọn nhóc con này làm gì. Tôi lại hòa nhã, mắt quét qua tất cả năm người con trai trước mặt để xác định ai nói câu này, rồi làm ra vẻ chân thành nói: “Khúc nhạc bình dân không được nhã nhặn cho lắm, để cho các anh nghe thấy được tôi thật thấy thất lễ, không dám làm phiền thêm. Còn gia đình tôi chắc cũng đang chờ, nên tôi xin phép về nhà trước.”. “Làm gì có, cô nói quá rồi, cô thồi nghe hay lắm, hay thổi thêm cho bọn này nghe với! Như là trả ơn cậu bạn ta cứu cô đi!”. Trong đầu tôi lại xẹt qua lại các luồng suy nghĩ chớp nhoáng làm sao chạy thoát khỏi bọn này, cứ dây dưa mỗi người một câu có khi lại khiến tôi tức mình đâu không…
Tôi đang im lặng suy nghĩ thì có tiếng gọi từ xa “Ngọc Xuân tiểu thư” như báo hiệu thuyền cứu hộ đã đến. Các cậu kia hơi hoang mang nhìn nhau khi có người đến tìm tôi, là chú lính làm sư phụ dạy tôi học sáo. Tôi như reo lên: “Chú Năm, chú sao lại lên đây?”. “Hôm nay là ngày quan trọng, nhiều người đến nhà mà tìm không ra cô nên vương gia và phu nhân kêu tôi đi tìm.” Chú lính vửa nói vừa nhìn năm cậu con trai lạ, hơi nheo mắt như đang suy đoán xem có phải tôi đang bị bắt nạt hay không. Cậu nhóc đứng đầu chắc cũng biết thế các cậu đứng như đang muốn chèn tôi ra khỏi sườn núi, liền ra hiệu cho cả nhóm lùi, tách ra khỏi tôi xa một chút ngay lập tức. Tôi lựa thế chạy ngay tới chỗ chú, quay lại nói với các cậu nhanh chóng: “Xin lỗi, xem ra tôi phải về nhanh rồi!”, rồi cười với chú Năm như phân bua không có chuyện gì to tát xảy ra cả, tôi chạy theo chú về nhà.
|
Chương 11
Trong lúc về, tôi có nói chung chung cho chú là bọn họ không có ác ý, chỉ là giúp tôi một chút. Chú không nói gì nhiều, mặc tôi phân bua, xong củng dặn tôi chưa nên nói với phu nhân vội để người lo lắng kẻo không lại không cho tôi lên núi nữa. Tôi cũng biết phu nhân lo lắng cho tôi như con ruột, lại thêm phần lo lắng vì sức khỏe của Ngọc Xuân nên cũng đành gật đầu. Về đến nhà, phu nhân nhăn mặt nhìn quần áo lem luốc của tôi, rồi đốc thúc tôi mau tắm rửa thay đồ. Mấy ngày nay, linh cữu Thái Tổ đã được mang về Lam Sơn, chỉ chờ ngày tốt là sẽ làm lễ an táng. Gia đình tôi cũng đã tụ tập khá đầy đủ với các anh chị em cùng vợ hai Ngô Từ về thăm nhà. Đằng nào thì Dụ Vương cũng như là người nhà của vua, chắc chắn khi Thái Tông vua mới đến an táng vua cha cũng tám chín phần sẽ ghé qua thăm.
Từ lúc Thái Tông mất, Ngô Từ cũng bận rộn trong triều rồi ngoài Tây Kinh này. Chuẩn bị cho lễ an táng của nhà vua mất rất nhiều thời gian, mọi chuyện đếu khá chi tiết không đơn giản. Dù sao thì ông cũng là chủ tướng của khởi nghĩa Lam Sơn, người đã mang cho đất nước một nền độc lập mới. Lại còn Hoàng thái tử mới lên tiếp chức vị, với Lê Sát làm Đại tư đồ, cũng cần một chút thời gian để sắp xếp mọi việc. Tôi không biết cái quá trình ướp xác như thế nào, nhưng mà hơn hai tháng trời sau khi chết đi vẫn chưa được an táng, tôi cũng thấy tội nghiệp cho vị vua trước này. Ngày kia là lễ an táng của vua, nhiều người đã chuẩn bị đến Tây Kinh, nhà tôi cũng có nhiều người, tôi cũng dần làm quen với các anh chị của tôi, cùng Ngọc Dao chơi búp bê gỗ trong phòng vì bệnh của nó. Trời đã dừng những cơn mưa dai dẳng này, bất chợt tôi thấy trời đông như lại thấy lạnh thêm.
Các anh lớn của tôi cũng đã có chức quyền, chỉ chào tôi lấy lệ rồi tụ tập nói chuyện với Dụ Vương phần nhiều. Còn các chị lớn hơn tôi cũng đã sớm lấy chồng, mấy em thì vẫn còn bé, thật ra chỉ có tôi và Ngọc Dao là gần tuổi thân nhau nhất, thân thiết với nhau nhất. Cái cảnh đông người đến ngẹt thở trong dịp này khiến tôi nhớ lại thành phố trong kì lễ Giáng Sinh, thật là nhộn nhịp. Về nhà, tắm rửa xong tôi nhận được một lá thư do một người hầu đưa. Mở ra mới biết là thư của Ngô Sĩ Liên. Ngày an táng Thái Tổ, mọi người có liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn đều đến, sao tôi lại không nghĩ đến ông anh họ này cũng đến chứ? Trong thư Ngô Sĩ Liên nói đã đến nơi, đã gặp được Nguyễn Trãi, gọi tôi lúc nào tìm được lúc ra ngoài gặp anh cùng ông bác, nhớ mang theo lá thư làm bằng. Tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi quyết định ngày an táng Thái Tổ sẽ lỉnh ra khỏi nhà sớm để gặp hai người, bèn viết thư rồi gửi cô hầu mang đi đến nhà trọ cho Ngô Sĩ Liên.
Ngày an táng Thái Tổ, Ngô Từ cùng các con trai đều đi đến Vĩnh Lăng từ sớm cùng các vị quan khác. Hai phu nhân thì ở nhà chuẩn bị cơm nước. Tôi nhét gối vào chăn như vẫn đang ngủ, mặc quần áo con trai nhà bình thường lách ra ngoài ngay khi cha anh vừa đi mà mọi người cũng ra tiễn đưa. Chạy nhanh về phía nhà trọ, tôi vửa chạy vừa lấm lét nhìn quanh chỉ sợ mẹ phát hiện lại cấm cửa thì khổ. Đến quán trọ, trời mới chỉ rạng đông, chủ quán đang mở cửa, có bóng một người bước ra. Đúng là Ngô Sĩ Liên rồi, tôi mới từ ngách trốn ra chào. Dưới cái nón lá to che mặt, Ngô Sĩ Liên cũng không nhận ra tôi ngay. Tôi bỏ nón ra nháy mắt, anh ta mới choàng tỉnh chào: “Con bé này, mới có mấy năm không gặp, đã lớn thật rồi.”
Cũng đúng, tôi giờ đã cao gần bằng ông anh họ này, chỉ thấp hơn nửa cái đầu. Tuy cơ thể vẫn là của một cô bé mười ba tuổi ngực phẳng như màn hình tivi, nhưng độ cao đã phát triển đáng kể. Tôi cười rồi cùng theo anh ta bước vào quán trọ. Vào phòng rồi tôi mới nhìn ra có sẵn một ông tuổi khoảng ngũ tuần đã ngồi trên bàn uống trà. Căn phòng cũng sạch sẽ, trên bàn còn có mấy cái bánh bao bốc khói. Thấy người vào, ông quay lại. Người ông ta trung bình, không gầy lắm, tóc cũng chưa bạc trắng nhiều, chỉ điểm hoa râm. Mặt ông có chút nếp nhăn, râu cũng dài nhưng có đôi mắt rất sáng, nhìn tôi một cách dò xét. Ông không cười, chỉ lẳng lặng nhìn tôi. Cái cảm giác bị vây quanh bởi ánh mắt dò xét của người khác thật không dễ chịu gi. Bướng bỉnh, tôi cũng nhìn lại ông chăm chăm. Ngô Sĩ Liên đóng cửa quay lại phá đi bầu không khí im lặng: “Thưa đại nhân, đây là cháu gái họ ông, Trần thị Lan” rồi quay lại tôi: “Cô làm gì mà sao không chào bác đi!”. Tôi như đứa trẻ mới lên năm răm rắp nghe lời, khoanh tay chào một câu: “Cháu chào bác ạ!” Giờ mới thấy Nguyễn Trãi mở miệng: “Cháu qua lại đây!”, tiếng nói trầm trầm ấm áp.
Tôi bước tới chỗ ông ngồi, Nguyễn Trãi mặc một chiếc áo dài quan phục màu đen, nhìn như có phần nào rất nghiêm chính. Tôi rút trong người ra lá thư đã hoen màu, bất chợt nhớ đến ngày cha chết mẹ lìa, run run đưa ông . Nguyễn Trãi cầm lấy, mở ra đọc, ánh mắt buồn rầu phức tạp liếc qua tôi. Tôi biết ông trong triều cũng không phải là vị quan được trọng dụng quá nhiều. Lần này Thái Tổ chết đi, ông cũng không ở trong danh sách những người phụ giúp Thái Tông, chỉ e chính Thái Tổ cũng có lòng e dè ông. Tin tức của tôi tuy có hạn nhưng cũng biết nhà ông không hề khá giả như gia đình Ngô Từ, chỉ không biết gia đình ông khổ đến đâu. Đọc xong lá thư, ông quay lại nhìn tôi một cách kĩ càng, tay xoa đầu tôi nhẹ nhàng. Một lúc sau, ông mới phát ngôn: “Lúc ngươi cần giúp đỡ, ta cũng thật không có cách gì cứu ngươi. Thật may mắn ngươi được Ngô Sĩ Liên giúp đỡ, lại được Ngô Từ nhận nuôi. Việc mấy năm nay thế nào, ngươi nói bác nghe.”
Tôi thủ thỉ chuyện ở nhà Ngô Từ, được đối xử như là một người con gái ruột, nhưng dù có cố gắng hỏi tin tức dì và em gái cũng không thể biết gì nhiều. Nguyễn Trãi cũng thật không biết gì nhiều bời lúc đó ông cũng bị giam giữ, nhưng cũng hứa với tôi sẽ tìm hiểu việc này. Nói chuyện khoảng nữa giờ thì cũng đã sáng rõ, Nguyễn Trãi cũng phái đi lễ an táng Thái Tổ. Ngô Sĩ Liên đã sớm ra ngoài cho hai bác cháu hàn huyên, lại bước vào đưa tôi ra ngoài. Hỏi thăm mấy câu, anh ta đưa cho tôi cái bánh bao rồi dặn về nhà ngay. Tôi cũng đội lại cái nón lá rồi chạy về. Ở nhà mọi người cũng đã dậy, tôi lựa lúc vắng người chuồn vào phòng mình, may là chưa bị phát hiện. Thay quần áo lại thành một tiểu thư, tôi cũng chạy ra ngoài tìm Ngọc Dao chơi.
Hai chị em chơi đánh đu ngoài vườn cho đã rồi cũng đã gần trưa, phu nhân gọi Ngọc Dao vào vì mới ốm dậy, tôi quay lại phòng tập viết tiếp. Trưa đến, tôi ngồi ăn cùng hai bà và các chị em. Cả nhà không biết rõ tôi không phải thật là Ngọc Xuân bởi Ngô Từ giấu biến tin tức Ngọc Xuân chết sớm, nhưng ngoại trừ phu nhân và Ngọc Dao, thật tôi cũng không thân thiết với các chị em khác lắm. Hai bà ăn uống cũng có nói ít chuyện. Mỗi bà một nhà, tuy là cô cháu nhưng cũng có khi thế là tốt. Bà hai thật trẻ hơn mẹ nuôi tôi, vẫn còn giữ được nhiều nét son sắc. Ngô Từ có tất cả chín người con trai cùng tám người con gái, ngoài trừ anh cả đã sớm mất, mấy anh chị lớn giờ cũng có con đàn, nhưng em trai bé nhất mới chỉ bi bô được mấy tiếng.
Tuy rất có tình cảm với Ngô Từ, chính ra ông cũng là một người cha tốt, rất đáng khâm phục, nhưng khi tôi biết được ngoài phu nhân còn có bà hai, tôi cũng có phần nào thất vọng. Sự thật này khiến tôi có cảm giác bất bình khi quay về quá khứ. Rõ ràng phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” vậy mà hơn nghìn năm lại phải chịu cái sự chung chồng, chung quy cũng vì cái đạo phong kiến nhập từ Tàu mà ra. Đã đọc những chuyện xuyên việt của các tác giả Trung Quốc, phần lớn mấy cô quay về quá khứ đều phải tranh giành vua chúa với các bà khác, thật đúng là chuyện người biết thì không sao, nhưng nếu chuyện này xảy ra với tôi, thật không biết thế nào? Trong đầu tôi cũng luôn cầu mong thân làm quận quân con gái vương hầu cũng có khả năng kiếm được một ông chồng nào chung thủy, không cần người phụ nữ khác nếu cứ bị chôn vùi trong cái thời gian này.
Chiều Dụ Vương cùng các anh trai về, thông báo cho mọi người biết một tin đáng mừng, sau tang lễ, Thái Tông sẽ đến thăm nhà trước khi quay về kinh ngày mai. Tiếng ông nghe thật vui mừng, các phu nhân cũng nở nụ cười, thật khen cho Thái Tông thật nể mặt đến thăm. Người hầu ngay lập tức được sai khiến quét dọn nhà cửa, lập thực đơn chuẩn bị cho ngày mai hoàng đế đến thăm. Những tưởng sự ồn ào sẽ sớm lắng xuống, ai ngờ trong gia đình còn thêm chuyện, mọi người nhao nhao rầm rì, tôi thật ngao ngán, nói mẹ nhức đầu vào phòng luyện chữ sau khi ăn tối.
Đêm hôm cả nhà cùng phát đèn dọn dẹp, tiếng mọi người cười nói càng khiến tôi thêm nhức đầu, cuộn tròn trong chăn đặt gối lên tai. Chắc sau này có sống, tôi quyết phải kiếm rừng núi nào thật sâu để tránh mới được. Bởi là con gái Trần Nguyên Hãn, và hình như trong lịch sử, vị vua này cũng có ít công lao nhưng lại hại chết Nguyễn Trãi, tôi thật muốn cách vị thiên tử này càng xa càng tốt. Tôi muốn một cuộc đời ẩn sĩ, chu du thiên hạ, tung hoành ngang dọc cho bõ công quay về quá khứ. Mỉm cười về ý nghĩ đắc ý của mình, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng sớm ra đã bị Ngọc Dao vào màn chọc cho dậy, tôi mắt mở mắt nhắm ngồi dậy, không biết có chuyện gì đã xảy ra. Mắt mở hoàn toàn mới biết không chỉ có Ngọc Dao, mà các chị Ngọc Điệp, Ngọc Đức cũng muốn tôi dậy sớm thay quần áo và trang điểm. Chị Ngọc Liên và Ngọc Phúc đã bày sẵn áo quần cho bọn tôi thử. Hai chị ngồi nhìn bọn tôi thừ từng bộ, nói cho bọn tôi biết cái váy nào nên đi với cái áo nào. Trời đông lạnh, còn có áo trong áo ngoài, tôi vốn cũng đã tiếp xúc với mấy loại áo quần hiện đại, việc áo này quần kia cũng đã có chủ kiến từ tối hôm trước. Rồi thì mặc kệ bọn họ rí rách với nhau, tôi bước ra ngoài súc miệng rửa mặt, tập thể dục trước khi bị hành hạ tiếp.
Thừ qua ba bộ thì tôi được qua, hiếm có dịp chị em toàn ở chung với nhau thế này, tôi cũng thấy vui vui. Quần áo xong là đến trang sức. Cái trâm này đẹp, cái vòng kia xinh, bọn tôi tốn cả giờ để chọn. Các chị làm tóc cho tôi thật nhẹ nhàng, tết nhiều bím nhỏ rồi búi lại trên đầu, đính trâm cố định, còn phần lớn tóc để xõa chứ không như tôi hay cột lên cao. Chị Ngọc Liên nói với tôi: “Cô rất thích hợp với mấy kiểu đơn giản thế này, thật là đẹp.” Xong là đến khâu phấn son. Bởi tôi và Ngọc Dao còn bé, chưa bao giờ động đến phấn son, lần này mới thấy mấy cái đồ làm đẹp cỗ này, tôi thật ngạc nhiên. Phấn trắng toát, xoa một lớp lên như thể ma xuất hiện, sau đó mới điểm chút phấn hồng, rồi thì dùng than của một cây thảo mộc nào đó vẽ mắt. Tôi nhìn vào gương như thể đang ngắm một con búp bê trong tủ kiếng chứ không phải mình nữa, trông thật ngây thơ. Các chị cười tôi ngơ ngẩn, rồi kêu tôi phụ cho Ngọc Dao. Làm cho Ngọc Dao xong cũng đã đến lúc ra ngoài cho mọi người ngắm nhìn. Dụ Vương cùng hai phu nhân nhìn chúng tôi ngạc nhiên, nhưng rốt cục vẫn cười tươi. Mới ra khoe cha mẹ một chút, đã có tiếng hô “Hoàng Thượng giá lâm!”
Một loạt binh sỹ chạy vào nhà sau khi cỗng đã mở, còn nhà tôi nhân lúc chạy ra sân sắp mấy hàng sẵn sàng. Tôi cùng Ngọc Dao nằm trong hàng thứ ba cho mấy chị em nhỏ tuổi nhất, sau đó đến các gia nhân hàng đầu. Binh sỹ sắp hai hàng dài cho Thái Tông bước vào. Mọi người theo Dụ Vương quỳ xuống hô: “Hoàng Thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!” Chỉ nghe được câu nói lảnh lót “Bình thân” rất nhẹ nhàng, mọi người đều đứng lên. Tôi cúi gầm mặt theo lời dặn của phu nhân lúc nãy, thật cũng không thích lén nhìn dung nhan Hoàng Thượng như mấy vị nữ hầu hàng sau. Lòng tôi ngang dọc, chỉ mong sao vị Hoàng đế này thăm càng nhanh càng tốt.
Nghĩ thật cũng buồn cười, rốt cục Hoàng Thượng cũng chỉ thăm hỏi qua loa gia đình, chúng tôi cũng chỉ làm cái lễ này rồi cũng lần lượt về phòng riêng cho nữ giới nói chuyện rồi ăn cơm, tôi cũng không có cơ hội nào “bị” Hoàng Thượng hỏi thăm mà khó chịu cả. Thật ra cũng không được có mặt tại phòng khách chính, tất cả mấy chị em tôi cùng nói chuyện ngâm thơ, đối đáp trong một phòng rộng khác, không khí thân mật thật lạ lùng. Lần đầu tiên tôi thấy được mấy câu nói đùa của tôi có hiệu lực khiến cho họ thêm phần hứng thú. Ăn trưa cũng vậy, cũng chỉ có bọn tôi với mấy người nữ hầu. Ăn được một lúc thì Hoàng Thượng đi, bọn tôi lại ra xếp cái hàng ngay ngắn tiễn đưa. Một số anh chị cũng chuẩn bị đi về nhà. Vậy là ngày hôm ấy đã qua, một ngày cũng không đến nỗi tệ.
Nhưng ngày hôm sau là một ngày thật tệ. Thánh chỉ đến, Dụ Vương cùng cả nhà ra tiếp, ông Thái giám cất cao cái giọng thánh thót, cố gắng thốt ra những lời ông cho là đắc ý nhất. Tôi cũng gật gà gật gù những từ ngữ như: “Phụng thiên thừa vận, Hoàng Đế chiếu viết…” nhưng sững lại khi nghe thấy những âm thanh: “Con gái Dụ vương”…“Ngọc Viện[1] quận quân”… “người đẹp nết tốt”… “cùng trẫm xứng lứa vừa đôi”… “Nay bán chiếu này”… “hẹn tháng sau nhập cung”… Mỗi lời trong trẻo của ngài như tiếng từng cốc thủy tinh vỡ ngay bên tai tôi, càng nghe trái tim càng đau nhói. Từ ngỡ ngàng, tôi trở nên sốc nặng rồi đau đớn: “Rốt cục ta không thoát được kiếp này sao? Rốt cục số mệnh ta vẫn như thời xưa, đang bị đùa bỡn sao? Ta đã làm gì sai? Ta đã cố gắng hết sức để quyết định cho số mệnh ta chưa?” Những tiếng tạ ơn Hoàng đế như những lời chế nhạo đang quăng thẵng vào đầu tôi, từng tiếng như nhát dao đâm vào da thịt tôi.
[1] Hiệu của Ngô Thị Ngọc Xuân
|
Chương 12
“Con nhất quyết không thể vào cung!” Tôi nhẫn nại nói thêm một lần nữa với Dụ Vương. Ngô Từ quay lại nhìn tôi một cái nhìn không hề có sự thông cảm nào. Phu nhân mắt đỏ hoe chứng kiến sự xung đột đầu tiên giữa tôi và Dụ Vương Ngô Từ, không dám nói thêm câu nào. Tôi cố gắng phân trần: “Hoàng thượng nào có nhìn thấy con bao giờ? Không thể có chuyện này được! Hay có sự sơ sót nào đó mà ghi nhầm tên con?”. “Hoàng Thượng chưa nhìn thấy ngươi? Ngươi có phải là người đâu mà dám nói! Có sơ sót, ghi nhầm? Dù có sơ sót, ghi nhầm tên nhưng thánh chỉ đã ra, ngươi hiện đang là người có phúc, lại muốn kháng chỉ để gia đình trở thành kẻ có tội sao?” Ngô Từ nhìn tôi đau đáu, tôi chắc mẩm trong đó chắc chắn có nhiều nghi ngờ sao người con gái ông hàng ngày ưa thích lại có thể cứng đầu đến thế. “Con, con,…” Tôi thật không biết muốn giải thích thế nào cho ông, nói là số ông vua này sẽ yểu, tôi không muốn làm góa phụ sớm, nói sự thật tôi là con gái Trần Nguyên Hãn làm sao có thể lấy con của kẻ giết cha mẹ tôi, hay chỉ đơn giản là tôi muốn làm chủ cuộc đời mình?
“Không có con con gì cả, từ này ngươi ở nhà học tập quy cách của cung nhân tốt rồi tháng sau vào cung!” Ngô Từ lạnh nhạt. Tôi nắm chặt hai tay, cố gắng kìm cơn thịnh nộ. Từng cơn, từng cơn đau đến từ cánh tay, chạy đến lồng ngực một cảm giác nhói đau tê tái. Chạy vào bếp từ thư phòng của Ngô Từ, rót một chút nước vào cốc, tôi quay mặt vào tường, uống thứ chất lỏng âm ấm như cho nó cuốn đi khối đá nặng trịch trước ngực này từ từ xuống bụng, rồi lan tỏa ra toàn thân. Đầu óc tôi bắt đầu tỉnh táo lại, mồ hôi tôi bắt đầu túa ra, chân cẳng tứ chi mỏi nhừ, tê lâm râm khi tôi ngồi xuống cái ghế gỗ tồi tàn. Thật không ngờ, để kìm chế bản thân trước một cảm xúc dâng trào lại có thể mang lại nỗi đau thể xác như thế này. Từng giọt nước mắt bây giờ mới rơi xuống, tôi khóc, khóc thật lòng tự ái cho thân phận của mình.
Khóc một đêm dài, ngày hôm sau mắt sưng tấy lại, muốn mở cũng không ra. Phu nhân lấy khăn chườm nước lạnh đắp mắt cho tôi. Bà ngồi trên giường, tay khẽ vuốt ve từng lọn tóc của tôi. Bà cũng không nói gì, cả phòng hai người im lặng, tôi thì đang buồn cho số phận mình, còn bà thì không biết nghĩ gì đây? Bà không nói gì cũng lâu lâu thay khăn đắp mắt cho tôi. Đầu tôi liên miên nhiều ý nghĩ, hay là tôi bỏ trốn? Nhưng nếu tôi chỉ là tên hầu vô danh tiểu tốt bị chủ mắng mấy câu mà bỏ trốn thì cũng không sao. Đằng này tôi đang là một quận quân được thánh chỉ triệu vào cung, đang chờ ngày xuất giá, chạy có đến đằng trời. Nếu đến nhà Ngô Sĩ Liên hay Nguyễn Trãi chỉ sợ gây thêm loạn. Tại sao lúc đó tôi lại ngu ngốc nhận lời Ngô Từ đến nhà này nhỉ? Rõ là ông không thương yêu gì tôi, nếu Ngọc Dao là người được triệu thay tôi, liệu ông có gay gắt thế này không nếu nó phản đối?
Đầu nghĩ ngợi, tôi lại không ngừng phát ra những tiếng thở dài, phu nhân mới mở miệng: “Con đừng buồn quá, lúc mẹ được nhà thầy con dạm cho thầy con cũng có một ít không hài lòng.” Tôi mở khăn đắp mắt ra nhìn bà, bà lại nói tiếp: “Nhưng lúc đó mẹ lớn hơn thầy con sáu tuổi, người ta lấy mẹ về chủ yếu là giúp làm việc đồng áng, thầy con mới còn là trẻ con, vẫn còn chưa biết gì lắm. Nhà mẹ cũng không đến nỗi khó khăn, trong thời loạn bị gả đi như vậy mẹ cũng không muốn an phận. Huống hồ…, mẹ cũng có đế mắt đến một anh người ở trong nhà.” Tôi tròn mắt nhìn bà, quá bất ngờ về tin này, bà tiếp tục: “Nhưng mẹ biết, mẹ thích anh ta vì anh ấy coi mẹ là trẻ con, chiều mẹ từ bé, nhờ anh ta mà mẹ cũng có nhiều hồi ức tuổi thơ tốt đẹp. Nhưng anh ta lại có ý với cô bán bánh đúc ở chợ, mẹ biết thế. Ngày mẹ đi lấy chồng, sính lễ cũng đủ giúp gia đình. Anh ta… cũng được giúp một ít để lấy vợ, đó là điều kiện của mẹ.” Tôi sững người, thì ra phu nhân cũng có nhiều điều khó nói…
Bà ngừng một hồi rồi hỏi: “Còn con? Có để mắt đến ai mà không chịu chấp nhận chăng?” Tôi nhìn bà, chẳng lẽ bà lại nghĩ như thế? Tôi ngày ngày ở nhà thì biết gặp ai mà thích? Lại nhớ đến người xưa, lòng lại nhói đau, thật muốn có cơ hội xin lỗi người, nhưng tôi có khi cả đời này bị giam cầm ở đây, làm sao quay về hiện tại mà xin lỗi hắn, có quay về được biết đi đâu tìm. Tôi không trả lời bà, lại lấy khăn đắp mắt, một chút đã thiếp đi. Tôi mơ bước đi trên hành lang của trường cấp ba cũ, nhìn thấy hắn và tôi trong lớp nắm tay nhau cười, như mặc kệ tất cả mọi người vậy, tôi lại thấy cảnh tôi vì điểm rớt, lo cho việc thi đại học mà nói lời chia tay phũ phàng, chạy thật xa mà không để hắn bắt được. Hắn đau lòng không hề nói chuyện với tôi trong một năm trời, tôi đau lòng vì làm đau lòng hắn. Chuyện này cũng đã theo tôi hơn năm năm trời trong đại học, có khi bị điểm khá cũng là quả báo chăng? Rồi lại thấy tôi quay về hiện tại, đi trên đường gặp hắn mà hắn quay đi, chạy thật xa không cho tôi nói lời xin lỗi, đến khi bắt người kia quay lại lại không phải là hắn.
Tôi tỉnh dậy, trời đã đêm tối, tôi cảm thấy đói, cà ngày đã tuyệt thực để nói lên sự ức chế của tôi, nhưng giờ đã cảm thấy mệt mỏi. Khoác áo ngoài, tôi mở cửa bước ra sân, ngồi trên cái ghế đu nhìn sao, đầu suy nghĩ. Tôi còn mong chờ gì ở đây? Người ở đây liệu có cho tôi một cuộc sống thoải mái chăng? Lại mong chờ giúp đỡ ở người khác chăng? Vốn không thể! Tôi biết cuộc đời này ngoài gia đình không ai còn muốn tốt cho tôi, giờ gia đình không bên cạnh, tôi đang đơn thân độc mã đi con đường của chính tôi, bất kể ở đâu. Bây giờ tôi đã hiểu, gia đình là số một, tôi sẽ sống, sống đến ngày tìm được cách trở về. Nuốt nước mắt, tôi đã tìm ra lẽ sống trong cuộc đời này, tôi sẽ tiếp tục bước tiếp.
Từ ngày thánh chỉ tới, sau cơn bệnh tự phát, tôi lại học các quy củ trong cung do nữ sư được phái tới giúp. Quần áo của tôi cũng được may đo cho hợp với qui chế. Tôi chán ngán cho mấy thứ như hoàng hậu, tam phi, cửu tần, cùng các cấp cung giai và nữ quan, người nào đứng trước, người nào đứng sau. Khi gặp ai phải chào, khi gặp ai phải đợi người ta chào. Cách đi đứng cho đúng, quần áo phải tránh mặc màu gì cho hợp với thời và chức vụ. Bởi tôi chưa được phong chức nên thân làm quận quân phải chào một số người như phi và tần cùng cung giai, sau đó phải đợi sắc phong mới được chính thức làm vợ vua. Lúc này trong cung chưa có Hoàng Hậu, chỉ có Nguyên Phi Lê thị Ngọc Dao, con gái Tư Đồ Lê Sát là cao nhất, ngoài ra còn có chiêu nghi Lê thị Nhật Lệ, con của Đâi Đô Đốc Lê Ngân là hai người đang có thế lực. Tôi nghĩ, chính trị rối ren còn vào trong cả hậu cung, chả cần sắc phong cũng được, miến sao hắn sớm quên tôi đi cho tôi được rảnh nợ.
Học hành cũng được chút ít thì cũng đả đến ngày tốt để nhập cung. Trước ngày nhập cung, lễ vật cưới xin cũng đã được vua ban cho nhà Dụ Vương. Ngô Từ làm một bữa tiệc đãi ít người bạn, từ ngày hôm đó tôi cũng ít nói chuyện với ông. Phu nhân giúp tôi sắp xếp ít đồ, tôi mang theo cây đàn và sáo, mắt đỏ hoe nhìn phu nhân. Bà cũng không giấu được nước mắt, đột nhiên lấy ít vật dụng ra cho vào tấm vải, cột vào làm tay nải, chọn cho tôi một bộ quần áo bình dân tôi vẫn hay dùng khi trốn ra ngoài rồi dúi vào tay tôi. Tôi cầm bộ quần áo trong tay mà sững sờ. Bà quay lại bảo tôi: “Đã uất ức thế này thì con hãy cứ chạy đi, để mẹ ở đây tìm cách đối phó thầy con. Ở ngay ngoài có chiếc xe của nhà ta, mẹ sẽ dặn người đánh xe chở con đến nhà dì của mẹ, có thư nhờ của mẹ đây, từ đó con có thể lấy thêm tiền mà đi tiếp vào nam.”
Thay đồ rồi tôi được mẹ dắt ra ngoài đặt lên xe, nhưng khi lén lách lối vắng, tôi có thể nghe thấy được những tiếng vui mừng của cả nhà cho ngày tôi vào cung. Người hầu kẻ hạ vui đùa rả ríc cùng tiếng cười lanh lảnh của các cô người ở. Tôi như có cảm giác họ rất nhiệt tình chúc mừng cho số phận của tôi, và mong chờ cho tôi có thể làm rạng danh tổ tông khi bước lên chức vị cao. Mấy ngày trước tôi đã chán ngán khi nghe họ rầm rì tranh cãi xem tôi thích hợp vào vị trí nào trong cái hậu cung kia, cho rằng họ thật lắm chuyện. Nhưng giờ khi lén xem những vẻ mặt này, tôi có thể thấy được niềm tự hào của họ khi đã được nhìn thấy mặt tôi, thật là một vinh dự.
Khi đã yên vị trên xe, tôi nhìn lại bà mẹ này của tôi, người có khi còn không biết tôi không phải là con gái bảo bối của bà. Một giọt nước mắt nóng hổi trào ra, trong ánh đuốc mập mờ, tôi dường như cũng cảm thấy được đôi mắt kia đang kìm nén biết bao nhiêu nước mắt. Đột nhiên tôi lại thấy nôn nao khó tả như đã nhìn thấy đôi mắt này từ đâu đó rồi. Hôn nhẹ lên má tôi qua cửa sổ xe, bà cho người đánh xe đi. Ngoái lại, giờ tôi mới thấy đôi mắt ấy dàn dụa lệ rơi, tim tôi nhói đau, đây cũng là đôi mắt người mẹ ruột đã từ biệt tôi từ khi tôi mới quay về đây. Từ đó đến giờ đã năm năm rồi, chẳng lẽ giờ đây tôi cũng nhìn người mẹ này lần cuối sao?
Lại nhớ đến cảnh cha chết, mẹ bị bắt ngay trước mặt mình. Lúc đó bỡ ngỡ, tôi cũng biết mình là người bị hại. Nhưng giờ nếu tôi chạy đi thì chính tôi sẽ là người hại chính gia đình cưu mang tôi, kháng chỉ, tội chu di tam tộc, nếu giờ tôi chạy đi sẽ mãi mãi là tội nhân với phu nhân. Không! Không được! Tôi sẽ có cách khác mà! Tôi hô lên: “Dừng lại!”Người đánh xe nói: “Tiều thư, phu nhân dặn phải đi nhanh cho gấp, không nên dừng lại ở đây!” “Ngươi không dừng lại ta sẽ nhảy xuống đó! Nhanh lên, dừng lại cho ta!” Hắn vẫn không nghe theo, tôi phóng ra xe bất ngờ, ngựa sợ hãi hí lên, hắn phải cầm cương lại. Tôi nhảy xuống ngay lập tức, chạy hộc tốc về phía nhà Dụ Vương.
Phu nhân vẫn đứng đó khóc, tôi chạy tới ôm chặt lấy bà. “Sao con lại trở về, chạy ngay đi kẻo thầy con phát hiện thì nguy to!” bà đẩy tôi ra nhưng tôi vẫn nhất quyết ôm lại bà, dụi vào người bà: “Con không đi nữa, con sẽ vào cung, mẹ cứ yên tâm, con sẽ tìm cách về thăm mẹ!”. Ít ra trong cuộc đời này tôi cũng có người mẹ thương yêu tôi như phu nhân, tuy cũng chỉ có mấy năm ngắn ngủi, nhưng kể cũng thật hạnh phúc. Tôi hít lấy hương từ người phụ nữ này, đây là hương gì, hương thơm của người mẹ, thật nhẹ nhàng và thanh thoát, đây là cảm giác gì, cảm giác khi ôm mẹ, thật mềm mại ấm áp. Bà dặn dò, nghẹn ngào: “Vào cung cấm đầy rẫy cạm bẫy, bạn thì ít mà thù thì nhiều, con nhớ giữ gìn sức khỏe, nhất quyết phải bảo vệ mình.” Nước mắt chảy dài, tôi khẽ gật đầu.
Ngày hôm sau, trời còn tinh mơ, tôi cúi lạy cha mẹ rồi lên xe ngựa đi vào cung. Đường đi gập ghềnh, lại được Ngự quân bảo vệ, mãi đến tối mịt mới đến nơi. Vốn biết cung điện của Đông Kinh giờ đã không còn do chiến tranh, nhưng trời cũng đã tối, tôi cũng không biết chỗ nào mà nhìn, chỉ thấy cung đình rộng rãi, vòng ngoài đi xe vào nhưng đến địa phận cấm cung phải bước ra đi bộ. Giữa các cung điện có lối rải bằng đá sỏi, điện to thắp sáng bừng bằng đèn lồng mỗi điện một màu tỏa ra nhìn rất lung linh. Bởi vì tôi đến quá muộn, không ai ra tiếp. Tôi được đưa vào một cung điện khá to để cung nữ tắm rừa, thay quần áo cho, rồi một bà nữ quan đến khám xét cơ thể. Tôi ngượng ngùng khi người khác chạm vào người, nhưng cũng không làm sao được, cứ coi như là khám phụ khoa đi.
Bị hành xác bởi các qui luật một hồi tôi được đưa đến cung của mình, một điện có sáu phòng, có hai cung nữ ra hầu hạ tôi ngủ. Mỏi mệt, tôi thiếp đi ngay. Ngày hôm sau, sáng sớm đã bị gọi dậy, mặc quần áo thướt tha đến bái kiến hai vị Thần Phi và Huệ Phi của Thái Tổ. Đến nơi cũng đã có mấy vị Phi Tần của Thái Tông đến rồi, đang hầu nói chuyện. Hai vị nhìn tôi cũng lạnh nhạt, nói chuyện hỏi han qua loa cho có. Tôi cũng không có ý lấy lòng lắm, hỏi đâu đáp đó, không dám nhiều lời. Các vị phi tần của Thái Tông cũng còn rất trẻ, đều là con cái trong gia đình danh giá. Vị Nguyên Phi Lê Thị Ngọc Dao nhìn rất đẹp, chị ta khoảng mười bảy mười tám tuổi, nhưng mặt giá băng, cũng không tỏ ra điều ý ưa thích gì tôi. Lê chiêu nghi Lê Thị Nhật Lệ lại khác, chị ta cũng chỉ khoảng mười bốn mười lăm, mặt tươi cười, nhỉn tôi rất ấm áp. Ngoài ra còn một vị dung hoa họ Đỗ và một vị tài nhân họ Phạm, hai người đều khoảng mười sáu tuổi. Tôi ngạc nhiên vì Thái Tông cũng chỉ có mười một tuỗi, vậy mà đã có đến bốn người vợ rồi thêm tôi vào là năm. Trong đám vợ lóc nhóc này, tôi là nhỏ tuổi nhất, chẳng trách các bà các cô đều chán ngán.
|