[Xuyên Không] Ngược Xuôi (Back and Forth)
|
|
Chương 13
Vậy là đã từ giã cuộc sống tươi sáng của tuổi thơ! Tôi ý thức được điều này trong lúc nghe các quý bà nghị luận chuyện nhà. Hiện tại không có Hoàng Hậu, Lê Nguyên Phi là người có chức vụ cao nhất, nhưng đương nhiên vẫn đứng sau hai vị phi tử của Thái Tổ. Tôi không hiểu chuyện nhà thì các bà cai quản như thế nào bởi nhà cửa to lớn như thế này và còn nhiều người hầu với các chức khác nhau luôn mau chóng nhìn mặt đoán sự trước nữa. Tôi mới đến, còn chưa được cất nhắc phong chức tước gì, mọi thứ thật lạ lẫm. Một sự lạ lẫm khó chịu. Vẫn luôn nghĩ mình có thể tự chủ sống một cuộc sống bình dị với chồng con trong một thế giới công bình, tôi mới chợt hiểu lại rằng cuộc sống này khó có khả năng sẽ xảy ra. Tôi đã luôn sống trong một giấc mơ, một giấc mơ thật xa vời, kể từ khi tôi nhảy vào thế giới này.
Về đến điện hôm qua ngủ lại, tôi được thái giám đến thông báo Hoàng Thượng sẽ đến thăm vào buổi tối, tiện thể dùng cơm luôn. Thị nữ lại bắt đầu giai đoạn hóa trang, nhìn gương mặt trong gương, tôi chưa từng thấy nó như không phải của mình như thế này bao giờ. Ngay cả khi nhiều lần lạ lẫm nhìn gương mặt mới của mình dưới giếng trong năm đầu khi mới đến đây, tôi cũng chỉ thấy nó khá trắng trẻo bé con, nhìn vui vẻ ngây thơ, vẫn có chút ý thức nó là của mình. Giờ đây, gương mặt này đã lạnh lùng như con búp bê trong tủ kính, thật xinh đẹp, thật kiêu sa, nhưng không hề có trái tim để nở nụ cười.
Tôi thẫn thờ nhỉn ra sân khi được đặt trên ghế rộng mềm mại, chắc là ở dưới có ủ than ấm. Là một ngày đông ảm đạm, trái tim tôi như đông cứng lại vì giá rét vậy. Từng giọt nước mắt nhớ nhà như đang thấm vào lồng ngực, tôi đang chờ đợi gì đây? Buổi chiều giá băng, trên trời như có nhiều đám mây đen u ám, chắc là sắp mưa. Trong đầu tôi đang dạo một bản “Dạ khúc” của Châu Kiệt Luân, tâm trạng cũng như bản nhạc đều đều chán đời. Trời bắt đầu mưa, những giọt nước lúc đầu thì nhẹ nhàng li ti, sau dần dần mạnh mẽ dập trên mái ngói nghe lộp độp. Mùi đất xông lên ngày càng mạnh, các cung nữ thái giám chạy lăng xăng tìm chỗ trú. Trời mưa rồi, tôi nhìn những giọt nước mưa thấm ướt sân gạch mau chóng hơn. Đứng lên, tôi đi về hướng cửa bất thình lình, cũng chưa định thức lại, đã ra sân. Thị nữ bên cạnh giật mình, vội chạy theo lấy tay che đầu tôi.
Tôi gạt tay họ ra, bảo: “Để ta một mình.” Hóa ra tôi vẫn chưa qui phục cái kết cục này, trời vẫn đang khóc cho tôi đấy thôi. Tôi phải ra đón tiếp lấy những giọt nước mắt này mới gọi là phải đạo chứ? Những giọt nước mạnh mẽ lạnh giá đâm vào người tôi, chẳng mấy chốc mà thấm ướt mấy làn váy áo vào da thịt. Tôi ngước lên, những giọt nước mắt dài lẫn vào những giọt mưa đang chảy xuống khóe miệng, rớt xuống cằm. Tôi đang làm gì? Vì sao? Tôi không quan tâm. Nhưng từng giọt từng giọt mưa dội xuống đầu đang khiến tôi tỉnh táo lại, người tôi không muốn gặp nhất lúc này, chính là vị Hoàng Thượng kia. Tôi đang hứng chí tắm mưa, và tôi sẽ bị bệnh để không cần phải gặp hắn nữa!
Một cái ô to được chắn ngay trên đầu tôi từ đằng sau. Tôi quay ngoắt lại, một phụ nữ già, da nhăn nheo thấy sợ, đang nghiêm khắc nhìn tôi. Cái ô là do một anh thái giám cố gắng đẩy lên cao che cho hai người bọn tôi. Bọn cung nữ cũng đang ướt đẫm nhìn hai chúng tôi sợ sệt. Bà hừ thành tiếng, kéo tay tôi thật mạnh lôi vào trong nhà. “Các ngươi còn đợi gì, không hầu hạ quận quân tắm rửa thay quần áo đi, người mà bị bệnh thì các ngươi thật có lỗi lắm!”. Bọn thị nữ run run kéo tôi vào phòng trong thay quần áo, lấy nước nóng tắm rửa. Tôi không muốn, bọn họ thân người ướt át khóc lóc: “Quận quân tha tội, người mà cứ như vậy chắc bọn tôi khó sống.” Thật không ngờ có nhiều cái oái oăm thay, tôi không muốn gặp vị Hoàng Thượng kia, giờ thành tội mất đầu của họ. Thôi đành vậy, tôi vâng lời.
Thay quần áo xong, tôi được đặt ngồi vào trong ghế, hai cô thị nữ ở cạnh bên trong khi hai cô kia đi thay đồ. Bà lão kia đã ngồi sẵn bên cạnh bàn. Bà nhìn tôi chăm chăm, hỏi: “Người cung nữ nào đã giáo huấn cho quận quân trong tháng qua thế? Người chẳng thấy có lòng từ bi cho người hầu chúng tôi gì cả.” Tôi nhìn bà lãnh đạm hỏi: “Vậy bà là ai?” Bà nhìn tôi nói: “Tôi là nữ quan đến giáo huấn cho quận quân, sắp đến sẽ làm cánh tay phải của người trong việc điều hành cung điện mà người được giao sau này. Tên tôi là Đinh thị Hoa. Quận quân cứ gọi Đinh lão là được rồi. Tôi đã là thị hầu từ những năm bằng tuổi người ở thời vua trước, được vời vào cung làm giáo huấn cho cung nữ. Nay được điều đến tùy ý quận quân sử dụng.”
Không biết sao lại phải điều bà quản gia già khọm này đến đây, chắc tôi đang bị vướng vào âm mưu thù địch của ai đây. Người chợt rùng mình, tôi hắt xì một cái. Bà ngay lập tức bảo: “Các ngươi vô lễ, để quận quân bệnh, Hoàng Thượng sắp đến, thấy các ngươi săn sóc kiểu này không biết tội tình các ngươi sẽ được xử sao?” Bọn người hầu sợ quá quì xuống xin tha tội. Tôi xua tay: “Không phải lỗi bọn họ, là ta thích nghịch mưa, đã được thay đồ, chắc không sao đâu, bà đừng phạt họ!” Bà nhìn ta nghiêm khắc: “Đã biết như thế, sao người còn nghịch mưa làm gì? Người bệnh là lỗi của người, nhưng nếu lây cho Hoàng Thượng bệnh thì sẽ ra sao? Ai lãnh tội đây? Bọn bay, mỗi đứa tự tát hai mươi bạt tai, sau đó đi thông báo cho Hoàng Thượng quận quân nhiễm cảm, lúc nào khỏi bệ hạ mới đến được.”
Tôi đờ người, đúng là đã được như ý nguyện, nhưng sao cách giải quyết của Đinh lão này như chĩa mũi dùi vào tôi, khiến không những chuyện bé xé ra to, người hầu ghét thầm tôi, còn như có ý không cho gặp Hoàng Thượng thì phải. Càng nghĩ càng thấy như tôi đang bị cuốn vào một âm mưu nào đó. Tôi nhìn bà, mặt nghiêm nghị: “ Cung này tuy chưa phải của ta, nhưng người hầu đang dưới lệnh của ta, bà có đến cũng chỉ có thể giáo huấn ta, ta đã nghe ra, còn người hầu của ta là do ta phạt, họ đã nghe lệnh ta chứ có làm gì sai? Theo lý bà chỉ có thể cho lởi khuyên thôi! Các ngươi cứ đi thông báo cho Hoàng Thượng, còn hình phạt thì thôi.” Bà ta hơi ngạc nhiên nhìn tôi, chắc hơi bất ngở về việc này, nhưng vẫn khăng khăng: “Nước có phép nước, gia có gia quy, nay luật nhà hiện đang nhẹ mà còn du di trốn thoát, thì sau này có mà loạn mất. Quận quân mới đến, tuy đã vào cung, nhưng chưa có sắc phong, người vẫn đang đứng sau ta về cấp bậc trong cung. Ta ra lệnh phạt thì bọn họ giờ phải tuân theo, người cũng cần phải học hỏi lại quy luật đi.”
Tôi thật bó tay với bà này, già thì già mà mắng người sung sức thế? Thôi thì bây giờ thân thể cũng cảm thấy mệt mỏi phần nào, đành im miệng vậy. Tôi mệt mỏi nói: “Thôi vậy, không cãi nổi bà, nhưng giờ ta đang mệt, bà cứ để các qui củ mai hãy học vậy.” Tôi vẫn chua ngoa muốn đá thêm câu: “chứ nếu không cứ bệnh suốt thế này, chẳng bao giờ gặp được Bệ hạ mà có được cái sắc phong mà dám lớn tiếng với bà!”, nhưng rồi lại thôi. Rồi hai người cung nữ đỡ tôi vào nằm, người thật mệt mỏi, tôi thiếp đi ngay. Trong giấc ngủ miên man, cả người tôi đau nhức khắp mình, người cảm thấy rất lạnh như lúc lúc lại thấy cung nữ thái giám chạy tới lui mang nước và khăn đắp cho tôi, hình như còn có ngự y vào nữa. Miên man một hồi thì tôi mới tỉnh dậy, cổ họng khô rát, muốn uống nước mà chưa kịp nói đã có người mang đến, Đinh lão nhìn tôi một cái nhìn khó tả khi đưa tôi bát nước rồi cúi chào đi ra. Tôi còn chưa biết có chuyện gì thì đã có tiếng thái giám hô lên: “Thánh thượng giá đáo”
Vật vờ được đỡ ra ngoài giường, khoác vội thêm chiếc áo ngoài trong lúc thị nữ nhanh chóng chải lại mái tóc, tôi lại thầm rủa thằng nhóc hoàng đế này, cứ làm cho ta đứng ngồi không yên. Thấy hai hàng thị vệ đến sắp ngoài sân, ta cùng các người hầu quì xuống cùng tâu lên khi nhìn thấy tấm áo vàng lấp lánh: “Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế!”. Đôi tay nhỏ nhắn trắng trẻo đỡ tôi lên, cùng một giọng nói nghe như bao nhiêu thằng con trai nhỏ tuổi khác: “Bình thân!” Tôi ngẩng đầu nhìn hình dáng vẫn còn thấp hơn tôi một cái đầu trong lúc đứng lên rồi trố mắt: “Người là… Hoàng thượng sao?”
Chương 14
Nhìn người trước mặt tôi, dáng người nhỏ nhắn, làn da trắng trẻo, thật vẫn là một đứa trẻ con. Vị Hoàng đế này không ai khác chính là người hù tôi trên đỉnh núi thân quen nọ, cũng chính là người cứu tôi bằng một cách không thể ngờ. Người này chính là cậu quí tộc nọ sao? Tuy rằng khuôn mặt điển trai của cậu không thể dễ gặp, nhưng đầu óc của tôi trong tháng qua bị vùi lấp bởi những suy nghĩ bất hạnh đã khiến cho cái dáng vẻ kia trở nên mờ nhạt, vị này có phải người đó không, giờ tôi lại băn khoăn ngay sau khi khẵng định. Lại nói, người đứng trước mặt tôi đây không thấy có dáng điệu ngượng ngùng như của cậu trai kia, mà bao quanh mình một phong thái uy nghi hiếm có cùa một đấng quân vương, không hề non nớt, tuy có sự già dặn quá đáng đối với tuổi của mình.
Tôi tròn mắt nhìn Hoàng Thượng, quan sát thật kĩ xem đây là loại người gì, trong đầu có biết bao nhiêu điều đang được kết nối. Cậu ta nhìn tôi lại, cũng rất nghiêm túc, mãi cho đến lúc Đinh lão phía sau giật vạt áo mấy lần tôi mới choàng tỉnh, cụp mắt xuống, sau lại nhanh chóng liếc vội cậu. Đây là lần đầu tiên tôi mới biết được ánh mắt cười là gì. Khuôn mặt này cực kì nghiêm nghị, đôi môi mím nhẹ, hơi nhếch lên cùng ánh mắt trong sáng kia lấp lánh ánh sao nhìn tôi một cách khá thân tình. Hoàng Thượng ra lệnh, tiếng nói thanh thoát: “Các ngươi ra ngoài đợi đi!” Mọi người cấp tốc ra ngoài, không khỏi lén nhìn tôi.
Cậu ta vẫn đứng đó, nhún chân một cái, hỏi: “Không muốn mời trẫm ngồi sao?” Ta giật mình mới phát hiện hai người cứ đối mặt nhau vậy cũng đã lâu, cố gắng tạo nụ cười nhẹ thanh thoát, tôi nói, phát hiện cổ họng mới đó uống nước mà đã nhanh chóng khô lại: “Kính mời người ngồi!” Cậu ta đi đến ghế, ngồi xuống, lại thêm: “Cũng ngồi đi!” Như cỗ máy, tôi cũng ngồi xuống đối diện, lòng thật tức sao cái cung này phòng khách mà cũng chỉ có được hai cái ghế cách nhau có một cái bàn nhỏ. Vẫn lén nhìn Hoàng Thượng này một cách dò xét, tôi im lặng. Phá vỡ bầu im lặng được tôi luyện trong mấy phút, cậu ta thản nhiên hỏi: “Quận quân thấy hoàng cung thế nào?” Tôi cụp mắt trả lời: “Cung điện to lớn, thần từ trước chưa thấy một khối kiến trúc nào lộng lẫy hơn!” Vẫn lại tiếp tục yên lặng, tôi ngước nhìn lên, mới thấy cậu ta nhìn tôi ánh mắt như càng xoáy vào lòng khi bắt gặp mắt tôi. Tôi vô thức cũng nhìn sâu lại, trong lòng đang dự đoán xem người này đang muốn tìm gì ở mình, ánh mắt cậu ta long lanh sâu thẳm như đại dương, không trách được làm Hoàng đế.
Hoàng đế, cái số đế vương này muốn gì được nấy, giờ tôi vào đây chịu khổ cũng vì hắn đây. Như kìm hãm được chính mình sau khi nhớ lại, tôi ngước mặt ra phía cửa, nói: “Thần có cái không hiểu, sao Bệ hạ lại cho triệu thần vào cung?” “Ngươi không thích cung đình sao?” Hắn hỏi. Tôi quay lại nhìn thẳng vào mắt hắn: “Thưa, không!” Mặt hắn thoáng có sự ngạc nhiên nhưng rồi lại mỉm cười: “Vì ngươi là người có một không hai, mặt khác trẫm phải nhanh chóng lấy được ngươi!” Lần này đến lượt tôi ngạc nhiên: “Có một không hai?” Hắn nhìn lại, nói: “Chỉ riêng khoản hỏi thẳng này cũng đã chứng minh ngươi là người hiếm có rồi, hơn nữa có ngươi làm bạn trong cung đình này cũng sẽ giúp trẫm rất nhiều. Trẫm cũng không cần vòng vo nữa, thật ra khi trẫm về chỗ Thái Bảo, đã có ý định lấy một trong mấy người con gái trong phủ về làm vợ, một là giúp trung hòa thế lực Lê Nguyên Phi cùng Lê Chiêu Nghi, hai là người trẫm có thể tin tưởng đối phó với hai vị Phi tử của Thái tổ.” Tôi choáng ngợp: “Sao lại chọn thần, một người tuổi vẫn còn nhỏ dại. Bệ hạ có thể chọn một trong hai người chị gái của thần, vốn đã trưởng thành hơn trong việc đối nhân xử thế mà?” “Chính vì ngươi vẻ mặt vẫn còn trẻ con mà sẽ không bị nghi ngờ, trẫm sẽ đảm bảo an toàn cho ngươi nếu ngươi giúp trẫm đối phó hậu cung, để trẫm còn an tâm đối phó triều chính!”
Tôi thêm sững sờ, giờ đây bị kéo vào cuộc chiến là do thân phận sao? Cũng đúng, gia đình Thái Bảo hai đời trung thành hết mực, đã được coi như con em trong nhà, mà Thái Bảo trong triều cũng không giúp được Hoàng Thượng đối phó Đại tư đồ Lê Sát, vậy chỉ còn cách cử người như tôi giúp việc trong hậu cung, làm gián điệp ẩn mình rồi từ đó lúc thuận tiện đánh ra triều. Càng thêm sững sờ nhìn hắn, một cậu nhóc mới có mười một mười hai tuổi thôi mà một mình phải tính đường đi nước bước thế này, đối phó chính người giúp đỡ mình, bất chợt tôi thấy thế giới hiện đại còn tươi sáng gấp trăm lần. Ở tuổi này đã phải tự thân vận động, làm mọi cách để giữ chức đế vương. Bật cười, tôi nhìn lại hắn: “Nếu thần bất tài, làm ăn không ra gì thì sao? Một con nhóc con không biết gì, thần có thể tỏ ra ngây thơ vô tội, nhưng nổi lên làm cái chạc thứ ba trong hậu cung, một mặt đối phó các người vợ khác của người, một mặt đối phó hậu cung thâm niên hai vị tiền triều phi tử. Ngay cả thần cũng không thể tưởng tượng ra cảnh kiến tuyên chiến với hai con voi cùng một lúc như thế này!” “Thật ra trẫm đã vạch sẵn kế hoạch, chỉ cần ngươi nhất nhất trung thành với trẫm, theo chỉ thị của trẫm, thì trẫm sẽ bảo đảm an toàn cho ngươi. Vinh hoa phú quý, ngươi muốn gì có nấy!”
Tôi thêm buồn cười với vẻ trẻ con muốn làm người lớn này, nói thêm: “Thật ra thần không muốn vinh hoa phú quý gì nhiều, chỉ xin người lúc giúp đỡ thần ba điều yêu cầu là được.” Hắn tròn mắt nhìn tôi: “Ngươi muốn gì thêm sao?” Tôi giải thích: “Bệ hạ yên tâm, ba điều này của thần, chắc chắn người sẽ làm được mà không tốn kém công sức của người nhiều quá đâu, chỉ cần người làm được, có gì mà người ngôi cửu đỉnh như Bệ hạ không toại nguyện được cho phận nữ nhi này?”Trong lòng tôi đang lo lắng cho dì và em gái, ba điều này sẽ là cứu tôi khỏi kiếp làm vợ của hắn, cứu họ ra khỏi cảnh nô tài bị đày đọa, có khi còn cho chúng tôi có thể sống những chuỗi ngày yên ổn. Hắn nhìn tôi, hỏi: “Ba điều đó là gì?”
Tôi cười, nói ngay: “Điều thứ nhất chính là, thần có thể làm bề tôi của người, làm bạn trung thành của người, làm tri kỷ của người, nhưng chắc chắn sẽ không làm vợ của người.” Hắn đập bàn đứng dậy: “Như vậy chẵng lẽ ngươi không đồng ý với trẫm? Giỏi cho một thân quận quân của ngươi, vẫn biết ngươi sẽ được nuông chiều trong phủ thái bảo, không ngờ hắn có thể dung túng ngươi như thế này, đến trẫm mà cũng có thể từ chối kiểu này.” Tôi cũng vội đứng lên giải thích: “Bệ hạ bớt giận, thật ra tôi đã chấp nhận giúp đỡ người, điều này chẳng qua là tôi có thể làm vợ ngài qua danh nhưng thiết nghĩ, ngài muốn trunh thanh tuyệt đối trong vụ này chỉ nên tin tưởng bạn hữu, không nên tin tưởng phi tử.” Hắn tròn mắt nhìn tôi, ngồi xuống dò xét từng cử chỉ: “Ngươi nói vậy là sao?” Tôi điền đạm ngồi xuống, nói tiếp: “Ngài không biết, vợ chồng bên nhau, đầu ấp tay kề vốn không thể nghi ngờ nhau, nay người muốn tôi làm vợ người lại đi đấu với những người vợ khác của người, chứng tỏ bệ hạ luôn dè chừng họ, vậy còn gì cái tình nghĩa vợ chồng? Hơn nữa, biết đâu bây giờ người muốn giải quyết dung hòa thế lực của họ, nhưng sau này lại phát sinh tình cảm mà lại đối phó thần, thế này nghĩ cho thần cũng không an toàn. Cái thứ hai nữa là chỉ có bạn hữu mới nói thẳng, bề tôi trung thành mới can gián, nhưng vợ thì luôn phải ủng hộ chồng. Nếu người làm sai thì thần thân vợ sao dám cản? Vậy là nếu chúng ta thật làm thân chủ tớ hay bằng hữu thì sẽ có lợi hai đằng, đảm bảo tính bền vững. Danh làm vợ người thì mọi người ai cũng đã biết khi thần vào cung, nhưng phận làm vợ người thì thần cũng xin chỉ hữu danh vô thực.”
Hắn nhìn tôi lại thêm một lần nữa như thể nghe hùng biện lần này là lần đầu, cũng có khi là lần đầu thật. Nhưng như cũng ngẫm ra được điều gì, hắn suy nghĩ rồi đáp: “Được, nhưng chỉ trong thời gian ngươi và trẫm hành sự vụ này thôi! Còn điều thứ hai là gi?” Tôi định nói: “Xong được vụ này, người cho phép tôi xuất cung đi!” nhưng vì câu trước của hắn mang ý nghĩa sâu xa, tôi lại nói: “Điều thứ hai, nếu người có điều gì trách phạt, xin chỉ xử tội một mình thần thôi, không được hại người nhà thần hay bất kì ai khác!” Hắn tròn mắt thêm nhìn tôi: “Ta công tư phân minh, tự có cách của mình” “Nếu đã công tư phân minh, việc ai làm nấy chịu, người có giết thần cũng được, chỉ xin không nên đánh đồng, hại người thân thần, đó mới là vua hiền!” Tôi nói. Hắn đáp sau một hồi suy nghĩ: “Chỉ cần là tội của mình ngươi, ngươi sẽ chịu một mình, còn nếu là tội của ai đó dính líu, trẫm cũng sẽ xử tội họ ” Tôi đành gật đầu. Hắn hỏi tiếp: “Điều thứ ba thể nào?” Tôi nói: “Tìm hộ thần hai người!” “Ai?” “Thần sẽ nói cho bệ hạ khi cần thiết!” Hắn đáp: “Được!” Tôi hỏi lại: “Nhất ngôn cửu đỉnh nhé?” Rồi đưa ngòn tay út ra, ý chỉ hắn nghéo tay. Hắn tròn mắt nhìn: “Gì thế?” Tôi hẫng: “Bệ hạ không biết nghéo tay hứa sao?”Hắn cười, ngoắc ngón út vào tay tôi: “Đồng ý!”.
Tôi cười, nhưng nhớ ra tuy hắn là bậc quân vương, làm sao có thể nhớ hết được những việc này. Lại nói, làm bạn với vua như chơi với cọp, hắn muốn đổi lúc nào cũng được mà. Tôi đành bạo gan nói: “Thần sẽ lập một bản tấu chương, xin bệ hạ kí tên đóng dấu vào để làm chứng!” Hắn nói: “Ngươi không tin trẫm sao?” Tôi nhìn hắn, trả lời: “Nói có sách, mách có chứng, mua bán trao đổi cần có văn thư, như vậy mới theo phép nước, người chắc cũng biết!” Hắn cười nói: “Đã làm vua, trẫm sẽ tuân theo, ngươi cứ thảo tấu chương và thánh chỉ đưa trẫm, sẽ được đóng dấu, trẫm sẽ giữ bản tấu, còn sẽ đưa ngươi bản thánh chỉ!” Ai chà, xem ra vị hoàng đế này cũng biết luật hợp đồng, mỗi bên một bản đây. Vậy là tôi thảo một bản tấu chương kí tên đưa hắn, nhìn hắn đọc và đồng ý, còn tôi nhận một bản thánh chỉ để đọc và đồng ý. Vậy là hợp đồng đã được viết xong.
|
Chương 15
Gặp được người quen, những năm tháng đầu trong cung cũng không phải là địa ngục như tôi đã từng nghĩ. Nhớ lại ngày biết được tin chiếu phải vào đây, tôi đã đau lòng biết bao khi viết thư báo tin cho ông bác và người anh họ nuôi của mình, từng chữ là từng dòng uất ức đến tận tâm gan, cuộc đời tưởng như đã chấm dứt tại đây. Những lá thư được bí mật nhận được cũng không an ủi tôi được là bao khi lời nhắn nhủ của hai ông lại là gữi mình và phục vụ đức vua cho tận tụy. Tuy nhiên tôi cũng được Nguyễn Trãi cho một danh sách những người cần phải cảnh giác cao độ, trong đó đầu bảng chính là Lê Nguyên Phi và vị đứng đầu cửu tần Lê Chiêu Nghi. Lý do thì rất mập mờ, cũng chính là không chơi với loại ‘cha nào con nấy,’ xem ra Lê Sát và Lê Ngân năm qua thật sự đã lộng hành hay có thái độ tự cao rồi.
Biết thì biết vậy, nhưng tôi cũng phải tốn khá nhiều thời gian để gầy dựng lòng tin từ người vị hoàng thượng trẻ con này mới biết được nguyên do. Những gì cậu ta làm đều khá khác thường trong mắt tôi, tuy rằng tôi cũng biết trong đó đều có dụ ý cả. Sắc phong cho tôi là Hoa Dung công chúa ngay trong tháng đầu là chuyện khá lạ đời. Xưa nay có ai làm vợ vua mà có chức công chúa bao giờ, hậu cung vợ vua có Hoàng hậu, tam Phi, cửu Tần, sáu chức cung giai và sáu cấp nữ quan, làm gì có công chúa. Nhưng tôi đã hiểu ra đó chính là thực hiện lời hứa thứ nhất trong bản cam kết: tôi là thần tử, là bè cánh của vua, là thân nhân của vua chứ không phải vợ. Chuyện này đương nhiên chỉ có tôi và cậu ta biết, trong ngày sắc phong, tôi được mặc hỷ phục màu đỏ thắm thêu hoa mai bằng chỉ vàng, bước lên trên chính điện, quỳ xuống nhận chiếu chỉ và cầm tay hoàng thượng như sắc phong Hoàng Hậu và các Hoàng Phi. Ngày đó cũng là một trong những ngày sớm nhất của năm Thiệu Bình thứ nhất. Và cuộc chiến bắt đầu, bởi bây giờ tôi đã ngang hàng với các nàng.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng!” là câu tôi đã dùng để thuyết phục vị hoàng đế này khi muốn biết tất tần tật về các nàng trong hậu cung ngay sau khi được sắc phong. Tròn mắt nhìn tôi, cậu ta cũng đồng ý, cho mang các thông tin về gia đình và các hoạt động tình báo mấy năm gần đây cho tôi. “Nàng cũng cần phải về cung của mình đi! Trẫm đã làm cho nàng một cung mới! Trẫm sẽ dắt nàng đi bây giờ!” “Cung của thần ư?” Trước đây tôi cũng chỉ ở một cái cung nhỏ, chỉ có được sắc phong mới được ở trong các cung riêng biệt. “Lập cung cho thần thật có thể gây ra quá nhiều hiềm khích ngay bây giờ, Hoàng thượng không lo sao?” “Nàng an tâm, cái cung này chỉ có nàng mới thích thôi, các nàng khác không ghen đâu!” Hoàng thượng cho khởi hành. Ngày xuân se lạnh, cây cối cũng chưa đâm chồi quá nhiều, mặc bộ lễ phục như người tàu này tuy rườm rà nhưng cũng đủ ấm cho tôi. Hoàng thượng đi song song với tôi, trong bộ hoàng phục vàng chói lọi này, khuôn mặt cậu ta mờ ảo một vẻ như thiên thần, khiến tôi không khỏi liếc mắt thường xuyên.
Đi bộ khá xa mới đến ‘cung điện’ này, nhà chính là một cái nhà sàn làm bằng tre hay nứa ngay bên một hồ nước, tòa nhà này rất đẹp, lóng lánh trong ánh sáng mùa xuân. Tuy rằng không to lớn, nhưng ngôi nhà hội đủ năm gian cùng cửa sổ rộng và mái ngói tinh xảo, cùng hiên trước to rộng có thể ngắm cảnh từ trên cao. Tuy rằng không dát vàng bạc như các cung điện khác trong cung, nhưng ánh nước trong suốt phản chiếu lên khiến ngôi nhà như có dát ngọc lục bảo, cùng ánh nắng lung linh kia được phản chiếu vào mắt người ngắm cũng chả khác gì ánh vàng chói lóa. Sau nhà chính còn có thêm ba nhà phụ cũng bằng tre nhưng nhỏ hơn cho người hầu ở, được nối với nhau bằng hành lang cũng bằng tre, đúng là rất đẹp và thanh nhã. Bao quanh khu nhà này còn có thêm cây hoa mai và trúc được trồng hai bên, trúc thì bên trái cách nhà một cái hồ nước, còn mai thì bên phải trước nhà. Những bước thềm chắc chắn làm bằng các đốt tre dài đều tăm tắp dẫn vào hiên trước nhà. Từ đây ngước lên trên có thể thấy một bảng hiệu: “Thanh Quân Cung” ghi bằng tiếng Hán.
Người hầu sớm đã vào trong thu xếp đồ đạc của tôi, ngoài sân cũng được chỉ thị để tôi và hoàng thượng một mình. Cậu ta vẫn vậy, ngoài trừ một số thân cận luôn trong tầm 10 mét quanh mình, người khác đều là người ngoài. Bóng hình kia trong ánh nắng xuân dịu dàng cũng không thể che dấu hết được một chút cô đơn đọng lại trên người cậu. Hồi xưa đọc sự cô độc của bậc đế vương trong các truyện thanh xuyên nhưng chưa tưởng tượng ra được, cái bóng dáng này lần đầu tôi mới phát hiện ra. Cả người dường như phát ra ánh hào quang, khuôn mặt trẻ con nghiêm nghị mặc dù đang ngắm cảnh, lòng cậu ta chắc chắn đang phiêu du nơi nào rồi. Cũng vì thế mà ai cũng e ngại không dám đến gần, kết quả là thành ra cô độc. Gương mặt kia đột nhiên quay lại hỏi tôi: “Nàng sao thế? Có thích nơi này không?” “Thưa, có!” Tôi trả lời, nhân dịp cụp ngay mắt xuống, bụng suy nghĩ: “Tỉnh lại đi mày ơi, mày đang là trẻ con, hắn cũng vẫn còn là trẻ con, không tình cảm gì sất!”
“Trẫm vẫn luôn muốn có một ngôi nhà như thế này, chẳng qua là không muốn tự nhiên xây dựng, nhân dịp nàng vào cung, trẫm mới có dịp thực hiện ý muốn của mình. Chỉ có nàng may ra mới thích cảnh vật thiên nhiên kiểu này. Chỗ này nằm sâu trong cung, không hề gần trục đường chính, rất ít người qua lại.” “Như vậy có tốn công bệ hạ lắm không?” “Nàng cứ yên tâm, vật liệu cũng rẻ tiền, công sức không tốn quá nhiều, cũng không bị chê trách là lãng phí!” “Tạ ơn ân điển Hoàng Thượng!” Tôi nhẹ nhàng nói. Đúng thật là nơi này tuyệt diệu, theo đúng cảnh người luyện kiếm sống trong rừng trúc, có hồ ao, sân vườn, rất tĩnh mịch. Một cơn gió thoảng qua, những bông mai run rẩy nhẹ nhàng bên nhau. Tôi hít vào thứ không khí trong lành mà làn gió xuân mang đến, thật mát lạnh làm sao. Nhắm mắt lại, giữ làn khí đó trong lồng ngực, tôi có cảm giác nó đang thấm sâu vào cơ thể, từ từ thở ra, lại thêm cảm giác hòa quyện với thiên nhiên, đúng là rất tuyệt. Mở mắt ra, Hoàng Thượng đang nhìn tôi. Hơi giật mình, tôi cười gượng, cúi mắt xuống, mặt không biết có đỏ lên không? “Hình như họ đã xong, thỉnh Hoàng Thượng vào trong nhà.”
Vào trong nhà, gian giữa là phòng khách cùng bộ tràng kỷ dài đối xứng qua bàn, đều làm bằng tre. Trong nhà cũng chưa có gì, vẫn còn vắng nhiều thứ. Nền cũng được làm bẳng tre, phủ lên một lớp thảm dệt xuyên suốt khiến cho dù đi chân đất cũng vẫn thấy được cái mát lạnh của tre trong bước chân êm. Hoàng thượng ngồi xuống, ra ý cho tôi tự đi coi lấy. Tôi qua buồng bên trái, lại chạy qua buồng bên phải, y như một đứa con nít. Một gian bên phải ngay cạnh dùng để trang điểm thay quần áo, kế đến là một phòng ngủ to với giường rộng. Hai gian bên trái, một gian làm phòng ăn, gian còn lại thì chưa có gì nhiều, tôi đang muốn dùng làm thư phòng sau này tha hồ mà luyện chữ, rồi còn đánh đàn ca hát gì đó nữa chứ. Chợt nhớ đến cái lưng ở nhà Dụ Vương được đặc biệt nằm gường phản rất ổn mà vào đây cả tháng phải nằm nệm cổ đại đau cả lưng, tôi lại nảy ra ý tưởng đóng giường hay chõng tre mà nằm luôn trong thư phòng lúc mệt. Chạy lại phòng khách, tôi nhờ luôn Hoàng Thượng cho mình cái chõng tre đơn giản. Không biết vì sao tôi luôn rất tin tưởng cậu ta sẽ chiều tôi, ngay từ buổi đầu gặp mặt. Và đương nhiên cái chõng tre đã được mang đến ngay ngày sau, cùng thêm một bộ bàn ghế gỗ nâu nhạt để viết chữ nữa chứ.
Nhà có nhiều cửa, ba gian giữa đều có cửa đôi thông vào song song cùng cửa sổ đối diện nhìn ra hậu viên, hai gian ngoài cùng thì có mỗi bên có hai cửa sổ cùng một cửa hậu thông ra các nhà sau hai bên cho đầy tớ bằng hành lang tre để tiện bề phục vụ. Các gian đều thông nhau qua một hệ thống cửa đơn thẳng ngang qua nhà để tránh phải ra ngoài khi trời lạnh. Hai nhà sau đều là nhà ba gian đối xứng cho người ở, ở giữa là một cái sân có nhiều cây cảnh có thể đi xuống từ rất cầu thang bắc lên hành lang. Một căn nhà nhỏ ba gian cuối sân không nằm trong hệ thống hành lang kia chắc là để nấu nướng. Thật không ngờ tôi là chủ của một căn nhà như thế này. Thật quá đã!
|
Chương 16
Đã hơn một tuần từ khi tôi được sắc phong, sống ở trong căn nhà tre đẹp đẽ này thật là vui. Nhất là lúc có thể vịn ơn Hoàng Thượng mà liên tiếp chèn ép bà Đinh lão đầy qui cách. Tuy Hoàng Thượng mấy ngày cũng có ghé qua mấy phút xem xét tình hình của tôi, nhưng công việc của cậu ta xem ra rất bận rộn, sáng ra phải đi dự triều, chiều về phải học cùng với các thầy và bạn, tối phải xét qua thêm một lần các tấu chương mà Lê Sát đã duyệt. Xem ra làm một ông vua thật là vất vả, vả lại cậu ta vẫn còn là một đứa trẻ, so với tôi thật là không công bằng.
Nói như thế nhưng không có ý là tôi tự thấy mình rảnh rang. Đương nhiên là với một chút ít chèn ép của tôi cộng vào, Đinh lão luôn chắc chắc tôi bận tối mắt tối mũi với các qui thức trong cung. Nhìn bà ta lúc dạy tôi, thật kiên nhẫn làm sao, tôi chắc cũng biết được thời trẻ chắc bà đã yêu thích chốn này như thế nào. Đối với bà, các cung nhân không được chảy nhảy, chơi đùa như các cô bé dân thường, họ phải có qui tắc, có giáo dục, và phải có lễ nghĩa. Dáng đi của họ phải nhẹ nhàng thanh thoát, thể hiện được vị trí cao quí của họ. Giọng nói của họ phải nhẹ nhàng, thể hiện sự rõ ràng của từng quyết định của họ. Cách đối nhân xử thế của họ phải theo tôn ti trật tự, để làm vui lòng người trên và làm gương cho kẻ dưới.
Học qui cách không thôi, tôi còn phải học cầm, kì, thi, họa, đủ thứ để làm tài nữ, để sau này không làm xấu mặt Hoàng Thượng. Nếu để không thì chắc tôi sẽ học cho ra hồn, nhưng mà thêm mấy câu ỏng eo bóng gió của Đinh lão này vào thì đương nhiên tôi cũng sẽ trả bài cho “ra hồn”. Kéo đàn nhị thì tôi kéo dài dọt cho ra mấy tiếng í í thật chói tai khiến cho cung nữ thái giám nhăn mặt, học đàn nguyệt thì tôi làm tưng tưng đứt mất mấy dây đàn, tuy tay cũng có đau nhưng mà nhìn vẻ mặt ép cũng không được này của Đinh lão, bụng tôi cũng đã hả hê được mấy phần. Đương nhiên là khi tôi học đàn sắt thì bà ta rất lấy làm hài lòng, cũng bởi vì tôi đã học trước rồi, mà cây đàn thì chứa biết bao nhiêu kỉ niệm, nên có thầy giỏi dạy, tôi nào lấy cái thói ranh mãnh mà chọc bà ta làm gì cho thiệt.
Cờ thì tôi cũng không lấy làm thích thú lắm. Thầy dạy cứ suốt ngày nói tôi nên để ý chữ “Nhẫn”, nhẫn nại mà để chờ thời cơ, còn mấy quân trắng đen cờ vây này thì chơi một ván thật là lâu, nhìn thấy hoa mắt, tôi thà lấy nó chơi othelo hay caro còn hơn. Cờ tướng thì được hơn một chút, tôi cũng đã chơi từ hồi cấp một, đương nhiên lúc đầu thì địch không lại thầy, nhưng sau khi đã lấy lại căn bản, thầy cũng đã chịu thua. Không biết có phải ông nhường hay không nhưng khi ông nói với tôi chơi giỏi như là người trong nhà nòi tướng quân ra, cũng khiến tôi phập phồng một chút.
Thơ văn thì cũng tàm tạm, tôi vốn là người không thích thơ cho lắm, hồi còn là học sinh chỉ đọc tiểu thuyết, từ tâm lý tình cảm cho đến kiếm hiệp, trinh thám cho đến viễn tưởng, chứ trả bài thơ thì chỉ có ít điểm. Không biết vì sao mà tôi không thích thơ, tuy rằng tôi biết thơ chính là cái cảnh giới cao nhất của mọi thứ tiếng, khi mà từng từ ngữ có thể thật sự kết nối với nhau trong một bài, gieo vào trong lòng người một cảm giác mãnh liệt, để mà nó có thể tồn tại mãi mãi theo kiểu này. Về nơi này, các bài văn thì ít mà thơ thẩn thì nhiều, tôi cũng đành học, vì chỉ có như vậy mới dễ nhớ mặt chữ. Tập làm thơ thì tôi có cảm giác mình đang chơi xếp chữ, chữ này vần với chữ nào, xếp theo thứ tự ra sao, thật ra chưa hề có cảm giác được như thi sĩ, xuất khẩu thành thơ.
Họa thì khá tốt, chỉ cần theo một khuôn mẫu là có thể học, trúc thì vẽ thế này, hoa thì vẽ thế kia, tôi lại có tài quan sát, chỉ chút là có thể học xong cách vẽ, lại còn “sáng tác” ra mấy kiểu tranh dễ thương khiến mấy cô hầu tấm tắc khen. Thứ duy nhất có vấn đề với tôi chính là khuôn mặt người, không biết vì sao tôi lại không thể vẽ được họ. Nếu muốn vẽ được nét mặt của con người, phải hiểu họ đang có cảm giác gì. Có khi vì con người đối với tôi thật là khó hiểu, và trong lòng tôi, với tư tưởng của người hiện đại “mạnh ai nấy lo” thì hiểu tính cách một con người đã khó, huống hồ cảm giác của một người ngay khi được vẽ. Điều này được cải thiện hơn khi tôi nhớ về phu nhân và bắt đầu vẽ về bà. Lúc bà cười, lúc bà lo lắng, lúc bà tức giận, tôi đều có vẽ qua, nhưng chưa bao giờ thật sự hài lòng. Thầy dạy chỉ tôi một chút ít đường tắt, ông luôn nói tôi nghĩ quá nhiều, tôi chỉ cần là một người vô hình trong bức tranh, vẽ người như là cảnh tĩnh, khuôn mặt thế này, đôi mắt ra sao, đôi má thế nào, cái miệng ở đâu là được. Nếu đã vẽ tả thực, thì tôi cũng không cần biết họ đang nghĩ gì, chỉ cần tôi tả thực thì tâm trạng của họ sẽ nằm trong bức tranh.
Những thứ này tuy một cô bé như tôi chắc hẳn chưa hiểu được, nhưng đương nhiên nó còn tốt hơn rất nhiều so với việc học nhảy múa. Múa là thứ tôi ghét nhất, tuy nó trông thật thướt tha đẹp mắt, nhưng cái người học nó mà để biểu diễn thì cứ như cực hình. Người tôi cứ như cây tre, bất khuất không thể cong vẹo được, làm sao có thể yểu điệu như liễu? Có một lần Hoàng Thượng vô tình đến sớm vào buổi chiều mà không báo trước, đúng lúc tôi đang phải chịu cái cự hình này, mặt nhăn nhó như khỉ trong bộ váy áo vướng víu. Cậu ta tròn mắt rất ngạc nhiên rồi phá ra cười, lại phán thêm câu: “Lần đầu tiên trẫm thấy khỉ học nhái theo vịt, nàng tốt nhất đừng để ai trông thấy để khỏi ngượng.” Vậy là tôi đã có cớ để thoái thác Đinh lão khỏi cái vớ vẩn này.
Đương nhiên Hoàng thượng còn nhỏ thế này thì làm sao mọi người quan tâm việc ai có được “sủng” hay không? Và cái cuộc tranh cãi vì một ông chồng trẻ con bận rộn này thật ra không (hay chưa) đến nỗi gay gắt trong hậu cung như sách sử tả cho lắm. Chủ yếu là các nàng bắt nạt nhau hay chơi với nhau như hồi cấp hai là chính. Còn tôi thì cũng do Đinh lão sợ mất mặt, ngoại trừ thăm hỏi Thái Phi cho có chuyện thì cứ giữ rịt ở nhà nên không nằm trong phe cánh của ai, nên cũng không ai đếm xỉa đến tôi cho lắm. Để vậy một phần cũng là do Hoàng Thượng ân điển, mãi sau này có nhiều thời gian suy nghĩ, tôi mới biết cậu ta đã sắp đặt mọi chuyện rất đâu đó rồi. Tôi có rất nhiều thời gian đánh bóng chính mình với các kĩ năng như tài nữ trong yên ổn để sau này có thể phản công giúp trấn an hậu cung giúp cậu ta.
Việc đầu tiên Hoàng Thượng bắt đầu ra tay là sau khi tôi vào cung được khoảng ba tháng. Đó là một ngày hiếm hoi cậu ta không phải dự triều, đến chỗ tôi trước khi chúng tôi cùng đi thăm hỏi hai vị Thái Phi. Vì Hoàng Thượng hay thích đến chỗ tôi bất ngờ mà cả mọi người đều không chuẩn bị gì trước, tôi còn chưa được trang điểm trước khi cậu bước vào. Hoàng thượng khoát tay chỉ không cần phải đa lể mà cứ an tâm trang điểm, trong lúc đó cậu ngồi nhìn. Tôi được thị nữ bôi phấn lên mặt cho trắng toát rồi lại dùng thêm phấn hồng chỉnh đốn lại gò má. Dùng rễ cây thuốc mới đốt cháy để làm chì vẽ mắt và lông mày, rồi dùng một loại giấy đỏ làm son. Hoàng thượng nhìn tôi một hồi rồi hỏi: “Trẫm co một chuyện thắc mắc!” Tôi quay sang nói: “Bệ hạ cứ nói.” Cậu ta tinh nghịch hỏi: “Có phải da của nàng trắng lóng lánh tự nhiên? Trẫm thấy các phi tử khác cũng dùng phấn mà không thấy người nào phát ra những tia long lanh khi bị ánh nắng phản chiếu như nàng.” Tôi cười, đưa cho Hoàng Thượng cục phấn trắng tinh nhẹ tênh: “Bệ hạ thử nhìn vào đây xem.”
Cậu ta cầm lấy cục phấn xem dưới ánh sáng từ cửa sổ chiếu vào: “Nó cũng lóng lánh.” Tôi giải thích thêm: “Phấn của thần có chứa chút phần bên trong của vỏ sò được nghiền mịn với cao lanh trắng khi làm phấn, tuy nghiền mịn vỏ sò tốn nhiều thời gian hơn, nhưng sẽ tạo hiệu ứng lấp lánh khi ánh mặt trời chiếu vào, giúp tránh nắng được một ít.” Cậu ta tròn mắt, còn tôi thì biết mấy chuyện này vì trước có tìm hiểu về mỹ phẩm thiên nhiên cho một bài luận trong mấy năm đại học. Vậy là ngay lúc chúng tôi đến thăm Thái Phi, Hoàng Thượng đã gợi ý cho tôi đứng ra quản khu làm mỹ phẩm trong cung. Thật ra đứng ra làm quản lý cũng rất bận rộn, nhưng đó là việc của quản lý thật, còn người như tôi cũng chỉ hữu danh vô thực có cái chức để người khác đến bẩm báo thôi. Thái Phi cũng không có gì quá đáng để từ chối, vậy là tôi đã có việc phải làm.
Đương nhiên quản cái nhà máy nhỏ làm mỹ phẩm này thì cũng không tốn quá nhiều thời gian vì sau khi hậu cung ổn định cũng đã bảy tám năm rồi. Nhưng nhờ đó mà tôi biết được sở thích của các vị Phi tử khi dùng mỹ phẩm. Tôi cũng không dương mắt ra mà làm chức hữu danh vô thực này cho lắm. Tôi hỏi thăm các vị thái y, học thêm về sách thuốc, chuẩn bị cho nhiều kế hoạch sau này. Tôi cũng cho ra các phương thức mỹ phẩm mới, hỏi thăm các vị thái y về độ an toàn khi sử dụng, có cơ hội làm một kĩ sư hóa mỹ phẩm một cách thực thụ. Tôi cho hái hoa bưởi, hoa lài, hoa hồng, tẩm vào phấn cho có mùi dễ chịu, phơi khô để dự trữ cho mùa đông hay chưng cất để cho ra nước hoa cùng tinh dầu. Tôi vẽ chi tiết các bộ phận của hệ thống chưng cất, rồi cho thợ làm bằng sứ tráng men để thử.
Đương nhiên là với mấy điều này, tuy có lúc được lúc không nhưng không những tôi làm bọn người làm mỹ phẩm tròn mắt mà cũng khiến hai vị Thái phi khá hài lòng. Nhờ vậy mà Hoàng Thượng có dịp khen tôi khiến các nàng khác tuy không nói nhưng cũng tức giận. Tôi thì không biết tại sao cậu ta lại làm thế và cũng cảm thấy khó chịu lúc đầu. Nhưng lúc sau còn có nhiều chuyện hơn đến mức tôi không thể để ý được nữa.
|
Chương 17
Vì việc làm mỹ phầm cũng chỉ tồn tại khoảng suốt giữa mùa xuân đến mùa thu thôi, các cung nữ thái giám làm cho bộ phận này thường được điều đến theo thời vụ hoặc từ các cung khác trong lúc bận rộn. Đa số những người làm trong bộ phận này đều có tính khá nhẫn nại, chịu khó và cẫn thận. Cả đội ngũ có khoảng hai mươi người nên tôi đã sớm thân quen lắm rồi. Một số là phụ nữ có chồng con rồi, nhưng nhà nghèo phải vào cung giúp đỡ kiếm miếng ăn trước khi mùa đông đến. Họ là những người rất kín miệng, rất được tin tường, không thể nào cho công thức mỹ phẩm trong cung ra ngoài, và thường là cung nữ đời trước sau chiến tranh làm lại trong cung. Số khác là cung nữ mới đến, được điều vào làm trong bộ phận này trong khi học thêm qui thức trong cung.
Vì vóc dáng vẫn còn trẻ con của tôi, các bà mẹ rất thích tuy cũng rất cung kính. Vì sáng kiến của tôi, các cung nữ rất ganh tỵ tuy khá nể phục. Vì sự nhiệt tình của tôi, hầu hết mọi người đều tỏ ra thích khi tôi làm quản lý khu này, ngay cả vị thái giám già đứng ra quản lý tiền bạc cũng rất vui mỗi khi tôi đến thăm ông. Đinh lão luôn nhăn mặt khi tôi tỏ ra thân thiện với họ, nói tôi cư xử không như một tiểu thư có lễ độ gì cả. Tôi cũng chỉ cười mà bảo: “Ai cũng là người, tiểu thư có lễ độ cũng nên cư xử lễ độ đối với một nông dân có lễ độ, đằng này ai cũng như bà, đã qua biết bao nhiêu rèn luyện trong cung, làm sao mà không có lễ độ?”
Đương nhiên là tôi cũng có động cơ khi thể hiện thân thiện đối với họ. Với các bà mẹ, tôi lắng nghe câu chuyện của họ về chồng con, niềm thương nhớ của họ khi phải xa nhà cả nửa năm, sự tự hào của họ khi nói về đứa con thông minh bất ngờ của mình. Lúc đầu tôi nghe là vì muốn họ tin tưởng, giúp tôi một mạng lưới bên ngoài, nhưng dần tôi cũng thấy được phu nhân trong họ, những bà mẹ vì chồng vì con. Với các cô gái trẻ, tôi lắng nghe ước mơ của họ, về một tương lai tươi sáng hơn, khi họ tưởng tượng ra sẽ về quê gặp lại bố mẹ, về người chồng tương lai của mình. Tôi nghe họ là vì muốn tìm hiểu con người họ sẽ có ích cho tôi thế nào để tạo một mạng lưới bên trong, nhưng chính tôi lại thấy tủi cho mình khi lậi một lần nữa nhận ra tôi sẽ bị cấm cung suốt cuộc đời này, không bao giờ có thể như một con chim chờ đợi sổng lồng, tha hồ bay lượn được như họ.
Một mũi tên bắn hai con chim, tôi gợi ý cho tồng quản nơi này để Đinh lão dạy lễ nghĩa cho các cung nữ mới nhập cung. Với sự nghiêm khắc của Đinh lão, những gì tôi muốn họ giữ bí mật, họ chắc chắn không nên mở miệng, vì tiếp theo chỉ là một chuỗi phiền hà. Nhưng với qui củ và danh tiếng của bà ta, những cung nữ này sau khóa học có cơ hội cao vào hầu các cung phi hơn là phải vào chỗ tồi tàn giặt đồ cho mọi người.Thứ hai nữa là khi bà ta bận rộn, tôi cũng có thể được xả hơi một chút mà luyện chữ thư thả.
Việc tạo một đội trinh thám nội ngoại cung cấm là rất khó, tôi cần phải biết được người nào tin tưởng được, người nào không. Chặng một của việc tuyển người chính là ấn tượng đầu tiên. Hầu hết nửa số người tôi đều có ấn tượng khá tốt. Sau đó là đến gia thế, những người nào trong gia đình có học thức một chút mà sau chiến tranh trở nên sa sút, những người gia đình mang tội chính trị mà bị điều vào cung như chính gia đình tôi, tôi luôn có cảm thông với họ. Đương nhiên năm đầu tiên thì tôi chưa hề đưa ra bất kì ý định nào cả. Tôi trốn trong lớp bọc cao thượng, luôn giúp đỡ tất cả mọi người lúc có thể, khi thì ít đồng cho đứa trẻ bị ốm ở nhà được đưa đến tận tay người chồng, khi thì ít gạo nấu cháo cho người mẹ già còm cõi, mà không hề thiên vị ai, không hề yêu cầu điều gì ngược lại cả.
Một ngày tôi được thông báo, Hoàng Thượng đã mời một vị Lễ nghi học sĩ họ Nguyễn, tên Lộ vào cung để dạy chúng tôi lễ nghĩa. Tôi và các vị phi tử của vua đều phải một tuần ba ngày đến nghe bà giảng việc lễ nghi. Lại nghe thêm từ các cô hầu tám chuyện, vị Lễ nghi học sĩ này xuất thân là con gái một vị thầy thuốc, được giáo dục từ nhỏ, nhưng vì hoàn cảnh sau khi cha mất, phải đi bán chiếu, sau được Nguyễn Trãi lấy làm thiếp. Mọi chiếu thư của Nguyễn đại nhân đều phải do bà đọc qua một lần, thật là tài nữ. Thì ra là bác dâu của tôi, tôi mỉm cười, vậy là đã có cách để liên lạc với bên ngoài rồi.
Ngày đầu tiên tôi đến lớp của bà, một câu “tam tòng tứ đức” được viết trên bản giấy to bên cạnh bàn ghế ngồi của bà, đối diện với mấy bộ bàn ghế nhỏ hơn của chúng tôi. Chúng tôi tốn thời gian chào hỏi nhau trước khi vào lớp, rồi ngồi vào chỗ theo chức vị của mình. Vì tôi được phong công chúa, trong theo chức vị trong hậu cung, tôi nhanh chóng phát hiện mình ngồi cùng phía với hai vị hoàng nữ, công chúa chị em gái và họ hàng của Hoàng Thượng. Họ vẫn còn chưa được gả cho ai, tính ra cũng hơn kém tôi chỉ một vài tuổi.
Phía bên kia là một dãy bàn cho các phi tử chính thức của Hoàng thượng, Lê Nguyên Phi đến chuẩn bị ngồi vào bàn đầu tiên. Đã chào hỏi những người tới trước, nhưng Nguyên Phi chức cao nhất hậu cung đến, mọi người bên đó đều cung kính chào. Tôi cùng hai vị công chúa kia cũng phải đồng thanh nói lời chào trước, nhưng cô ta cũng chỉ lạnh lẽo gật đầu. Gặp cô ta bao nhiêu lần đều thế, tôi không tỏ thái độ gì, nhưng hai vị công chúa kia sắc mặt không được tốt lắm. Các cô đều có vai vế chị trong gia đình của vua, tuy không hay xuất hiện, nhưng nay đến vợ của vua cũng chẳng cho ra gì, xem ra đã có mồi lửa nhen nhóm.
Bây giờ Lê Chiêu Nghi mới hớt hải đến. Cô ta nhìn trông có vẻ khá tội nghiệp, mắt nhìn thấy Nguyên Phi đến trước đã thoáng một chút sợ hãi. Nói cho cùng thì cô ta là người đến trễ nhất, lại là người chức vụ cao nhất cửu tần, ngồi ngay sau Nguyên Phi, xem ra có chút không khí khó chịu. Nhưng cô ta ngay lập tức lấy vẻ mặt tươi tỉnh ra, cười đáp lại với những lời chào của các nàng ngồi sau cũng như tôi. Đến bên cạnh Nguyên Phi vẫn ngồi yên, cô lập tức nghiêm mặt nói: “Kính chào Nguyên Phi, em đến rồi. Xin lỗi sáng nay em có chút chuyện nên đến chậm…” “Lễ nghi học sĩ còn chưa đến, cô chưa phải nói là đến chậm, sao không ngồi đi?”
Giọng nói của Nguyên Phi vẫn bình thường, chẳng có gì là giận dỗi cả. Lê Chiêu Nghi nén tiếng thở phào, lom com về chỗ, khiến cho các phi tử khác phải nén cười. Lê Chiêu Nghi là như thế, tính tình rất dễ thương, lại hiền từ, được rất nhiều người ngưỡng mộ. Phải nói có chuyện gì xảy ra, cách thể hiện của cô ta như nói lên rằng cô ta là người cuối cùng có khả năng bị nghi ngờ. Trái hẳn với Nguyên Phi, người ít nói, mặt lạnh, phát ngôn chỉ cần thiết, coi mọi người chẳng ra gì. Nói thật tôi có nhiều phần thiện cảm với Nguyên Phi hơn, cũng vì cái định nghĩa tính cách “cool” của những năm hiện đại. Bước vào trong cái cung điện này, mấy nàng dễ thương như Lê Chiêu Nghi lại là những người dễ dàng “back stabbing” miệng nam mô, bụng một bồ dao găm nhất.
Đang chìm trong suy nghĩ, Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ bước vào. Chúng tôi đều cúi đầu chào thầy. Ngước lên, tôi trông thấy được bà, một gương mặt rất thanh tú, nhã nhặn, và đẹp. Cái đẹp của bà chính là sự quyến rũ của những phụ nữ tuổi ba mươi, đoan trang và có một bầu không khí tự tin lạ lẫm vây quanh. Đối với chúng tôi, ngay lập tức ấn tượng đầu tiên là sự ngưỡng mộ, một thần tượng được xuất hiện, chỉ hy vọng sau này có thể trở thành nữ sĩ như bà ta. Bà ngồi xuống, bắt đầu xướng giọng, giảng bài. Giọng nói trầm bổng, nhẹ nhàng như lời các bà mẹ dạy dỗ con. Khiến cho những qui tắc khinh thường phụ nữ, những lề thói trói buộc phụ nữ đều trở nên bảo vệ phụ nữ một cách nhẹ nhàng như vậy, chỉ có thể là bà nói.
Trầm ngâm ngồi, tôi chăm chú quan sát bà, tiếng nói bên tai như thoảng qua. Tôi gần như ngồi cuối lớp sau hai vị công chúa kia, chắc người ngồi trên như bà không thể quá để ý. Nghe đồn Hàn Lâm Học Sĩ Nguyễn Trãi cũng rất hào hoa, có đến năm bà vợ, bà thì lại không con, thì ra bất kể vẻ bề ngoài, bà cũng chỉ là một người chia sẻ chồng mình với người khác. Ít ra thì tình hình của bà chắc cũng không thể nào phức tạp được như ở trong cung, chỉ có một đống đàn bà con gái, đến nỗi mẹ chồng con dâu cũng cần phải đề phòng lẫn nhau chứ chẳng ra mặt ganh ghét cho bõ tức. Ít ra thì bà còn có thể đi bộ ra chợ, kiếm con cá miếng thịt tự tay làm đồ cho chồng ăn, nhìn thấy ông ta hàng ngày chứ chẳng phải lấp ló hỏi thăm, chờ đợi mỏi mòn mới thấy được mặt chồng mình.
Mọi người nghe giảng gật gù, không hiểu sao lại mỉm cười đoan trang e thẹn. Ngay cả Nguyên Phi mặt lạnh cũng có chút đỏ hồng. Từ nãy đến giờ phiêu diêu xứ sở thần tiên, tôi lại bất thần quay về hiện tại. “Hoa Dung công chúa, ý kiến người thế nào?” Tiếng nói vang lên, tuy không to lớn, nhưng sao tôi lại có thể nghe được rõ ràng mồn một? Cứ như có cảm giác của một đứa học trò không học bài bị cô kêu lên bảng, tôi mất mấy giây định thần mới bắt đầu hỏi: “Ý kiến về gì ạ?”
Câu nói khiến cả lớp quay lại nhìn tôi kì lạ, nhưng cô giáo vẫn niềm nở: “Ý kiến về công dung ngôn hạnh, công chúa thấy cái gì quan trọng nhất trong đó?” Tôi nhìn lại cô ta, nói theo kiểu rất chính trị: “Trong bốn đức tính cần có của người phụ nữ, cái nào cũng có tầm quan trọng của nó, nhưng hợp lại, một con người cũng cần cả bốn đức như vậy mới có thể trưởng thành được.” “Vậy theo công chúa, bất kể nết nào cũng có tầm quan trọng như nhau?” “Đúng vậy!” “Vậy công chúa hay cho tôi và cả lớp biết thêm chi tiết, như ví dụ chẳng hạn?” “Lễ nghi học sĩ muốn ví dụ?” “Đúng thế!”
Tôi như muốn nhếch mép, chắc bà này lại thấy mình vô ý nên mới có ý hỏi dồn để mình giấu đầu hở đuôi đây. Đúng là người chín trực, công tư nghiêm minh, không tha cả cho cháu họ! Tôi như muốn nhếch mép cười đểu cái, nhưng đang trong lúc suy nghĩ bình luận về vấn đề làm người sao cho tốt, kể ra thì mất hình tượng quá đi thôi. Nuốt nước miếng, tôi nói: “Thứ nhất trong tứ đức là công. Công là biết cách làm việc trong ngoài, cái này thì bất cứ con người có trách nhiệm nào cũng cần phải thực hiện. Việc nhà biếng nhác thì người chịu hậu quả chính là mình, sông trong môi trường không sạch sẽ, vừa không thoải mái, vừa dễ nhiễm các mầm mống bệnh tật, nếu nhẹ thì mình làm mình chịu, nhưng nếu nặng có thể ảnh hưởng đến người khác trong nhà. Việc ngoài thì cũng cần siêng năng chăm chỉ trong công việc, vì nếu không, nếu việc đổ bể, cuộc sống khó khăn, con người không thể ngồi chơi chờ đến ngày lên trời được. Với lại, tôi nghĩ có việc gì làm sẽ khiến người ta yêu đời hơn, có mục đích sống thiết thực và có chí tiến thủ cùng lao động sáng tạo hơn.”
Cả lớp sững người nhìn tôi chằm chằm, tôi mới chợt mình suy nghĩ, chết thật, lại không hòa mình với thời đại mà nói năng lung tung rồi. Mấy năm trời tôi phải giấu mình sau một lớp vỏ con gái nhà gia giáo thời xưa, đến suy nghĩ cũng phải suy nghĩ theo người xưa chứ nếu không đã luôn cười như man dại với cái cách người khác xử sự rồi. Nay tự nhiên có người khơi trúng mào, đương nhiên cái vụ vừa suy nghĩ vừa nói thế này rất nguy hiểm rồi. “Công chúa, người có một lối suy nghĩ rất độc đáo. Vậy xin người cho ý kiến về dung trong tứ đức như thế nào?”
“Xin lỗi Lễ nghi học sĩ và mọi người, nhưng tôi thiết nghĩ ‘Dung’ trong dung mạo có một định nghĩa rất tương đối. Một con người có dung mạo đẹp hay không tùy theo hai thứ: bản thân họ và định nghĩa đẹp của xã hội họ đang sống trong đó. Xã hội định nghĩa vẻ đẹp theo cái nhìn của số đông, và cái nhìn này thay đổi theo thời gian, dù cho có chậm chạp hay nhanh chóng đi nữa, nó chắc chắn sẽ thay đổi, thường thì theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Có thế xã hội mới phát triển được. Còn con người là chủ thể của dung mạo, chính họ phải biết được vẻ đẹp của mình để ăn mặc, trang điểm cho thích hợp với xã hội, tránh lôi thôi luộm thuộm gây phản cảm cho người xung quanh, cũng là không coi thường bản thân họ và người khác. Một con người dù xấu xí như thế nào đi nữa, tôi nghĩ nếu họ yêu đời, biết cách ăn mặc sạch sẽ, tôn trọng người khác, cũng có thể trở thành một người có ‘dung’ trong mắt người khác.”
“Được, công chúa, vậy người nói xem, ngôn thì quan trọng như thế nào?” Cuộc nói chuyện trong lớp giờ như đang là cuộc đối thoại giữa hai chúng tôi. “Ngôn là lời nói, mà lời nói có thể đáng giá ngàn vàng, cũng có thể không mất tiến mua, chủ yếu là việc lựa lời mà nói thôi. Lời nói thể hiện giá trị của bản thân, còn là một trong những cách thông dụng nhất biểu lộ ý nghĩ va mục đích của con người, đương nhiên nó là một phần rất quan trọng trong cuộc sống và con người. Còn về ‘hạnh’ thì…”
“Xin người tiếp tục.” “Tôi nghĩ hạnh kiểm, chính là cách sống của con người. Bao gồm cả phẩm chất, đạo đức, lối sống, nó giường như là cốt lõi của con người. Phải nói nó có thể là phần quan trọng nhất. Con người có thể bị tàn tật không kham nổi công, bị biến dạng không có được dung, bị câm điếc không thổ lộ được ngôn, nhưng luôn có hạnh nêu lên cho mọi người thấy họ sống một cuộc sống chính đáng của họ. Chỉ là, cái hạnh này không thể biểu hiện hết ngay lần đầu gặp mặt một cách rõ rệt, nên tuy là thứ đáng quý nhất, nhưng các ‘đức’ khác cũng có tầm quan trọng nhất định lúc đầu…”
“Công chúa, hôm nay thần mới nghe được những suy nghĩ thâm sâu như vậy từ một con người tuổi trẻ tài cao như người. Thật đáng khâm phục.” “Không dám, chỉ là những lời nói từ suy nghĩ ngây thơ, tôi đây mới là người ngưỡng mộ tài cao của Nguyễn Lễ Nghi Học Sĩ.” Sau đó là chuyển hướng đến người khác, tôi thở phào, nhưng lại nhìn lấy ánh mắt kì lạ từ Lê Nguyên Phi. Tự nhủ: “Nói năng thật lung tung, chỉ muốn khẳng định mình, thế này chỉ có nước bị nghi ngờ sớm, mình vẫn còn quá trẻ con.” Rồi lại chìm trong ý nghĩ làm sao có thể thay đổi ánh mắt nghi ngờ này của mấy vị phi tử này một cách tự nhiên nhất, tôi ngồi cho tới tận cuối giờ học, lơ đãng.
|
Chương 18
“Lễ nghi học sĩ nói gì về thần cơ?” Tôi hỏi Hoàng thượng thêm một lần nữa, ngạc nhiên hết sức khi cậu ta nửa cười nửa nghiêm nghị thuật lại: “Tâu hoàng thượng, thần thấy Hoa Dung công chúa, tuy không thật sự để ý trong lớp học cho lắm, nhưng cũng là một vị có cách nhìn riêng của mình, phải nói là khác người, cần bổi dưỡng thêm… Vậy đã được chưa?” Cậu ta không nhịn được nữa, phá ra cười.
Tôi thừ người, cái gì mà cần bổi dưỡng thêm? Cứ như thế này tôi đến bị tẫy não mất. Tôi méo cả miệng, không biết nói gì thêm. Cười cho đã rồi, cậu ta nhìn tôi: “Xem ra nàng thật không để ý đến lớp học này cho lắm thì phải?” Tôi nói: “Hoàng thượng, sao người lại nghĩ ra chuyện cho vợ của Hàn Lâm học sĩ đến làm Lễ nghi học sĩ giảng dạy cho bọn thần?” Nhún vai, hắn nói: “Lễ nghi học sĩ vốn chuyên dạy dỗ người trong cung, để mấy ông đại thần hay dạy thì có mà ngủ mất, còn phải rèm cửa mất công, nên trẫm nghĩ để một người phụ nữ xuất sắc như Nguyễn phu nhân là chuyện vẹn cả đôi đường. Hơn nữa, bà ta rất đặc biệt… nàng không thấy sao?” Tôi nhìn cậu: “Thấy gì ạ? Rất đẹp? Rất quyến rũ, rất đáng ngưỡng mộ?”
“Một người phụ nữ có được sự tự tin như thế rất hiếm, trẫm đã nói chuyện qua, bà ấy là người đáng tin tưởng.” Tôi gật gù: “Ra thế! Hoàng thượng nhìn người thật sâu xa!” Cậu ta quay lại, thay đổi chủ đề: “Nàng cũng chẳng phải đang lập một đội người sao? Thế nào rồi?” Tôi đáp: “Vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu người, cho đến khi thần nghĩ ra được giải pháp thu thập thông tin an toàn cho tất cả mọi người, cần phải cẩn thận mới được.” “Nàng có quá đa nghi không đấy? Trẫm thấy những người ở chỗ nàng ai cũng rất tin tưởng nàng, ngưỡng mộ hết sức, ngay cả người hầu của trẫm cũng nghe tiếng nàng.” “Haiz, xem ra họ nói quá rồi. Hoàng thượng đừng tin quá làm gì.” Tôi xua tay.
“Nói thật đi! Đừng lảng nữa. Làm sao một người có trí tập trung cao độ, luôn luyện chữ khó như nàng mà có thể lơ đãng trong lớp như mấy vị khác nói chứ?”Lại quay vể chủ đề cũ rồi: “Mấy vị khác? Nói gì ạ?” Tôi hỏi. “Nàng đừng đánh trống lảng, cả Phạm Tài Nhân và Đỗ Hoa Dung đều nói thế.” “Họ nói với người lúc nao thế?” “Khi trẫm đi đến thăm Thái Phi có gặp họ ở đó.” “Không phải thần đã cho ví dụ xuất sắc sao?” “Nàng tưởng mình cho ví dụ như thế mà xong sao? Ý kiến của nàng, cái nào cái nấy nghe có vẻ chọi với ý trong lớp chan chát, bộ nàng không biết sao?”
“Không phải là thần không thích Lễ nghi học sĩ, chẳng qua là cái chủ đề…” Tôi nhỏ nhẹ, mắt nhìn xuống chân. “Chủ đề sao? Tam tòng tứ đức là chủ đề chán chường đến thế cơ à? Hay nàng đã được dạy rồi nên thấy chán?” Tôi lén nhìn cậu, rồi lại cụp mắt xuống ngay, suy nghĩ không biết có nên nói thật “Chuyện là, thần không mấy ủng hộ tam tòng, còn tứ đức thì thần thấy cả nam lẫn nữ đều nên có.” Hay là… “Sao thế? Không tiện nói à?” “Thần thấy đây chỉ là sở thích cá nhân, những lớp sau có thể an toàn học hành nếu chủ đề thần thích.” “Trẫm nghĩ, nàng vẫn là nên có lớp phụ đạo đi, ngay cả hai vị Thái phi đã nghe thấy điều này, xem ra từ nay về sau, trẫm sẽ ra lệnh cho Nguyễn Lễ nghi học sĩ ở lại dạy thêm cho nàng.” “Vâng ạ, tạ ơn hoàng thượng!” Tôi đành phải quỳ xuống chịu ơn mặc dù chẳng thích thú gì cái việc này.
Mấy ngày hôm sau đến lớp nghe giảng, rút kinh nghiệm, tôi đành phải tỏ ý nghe chăm chú ngay từ đầu. Hên mà bài giảng hôm nay về đạo hiếu, nên tôi cũng có cảm giác đỡ buồn chán cho cái số phận phụ nữ đi được một chút. Hết giờ, cả lớp chuẩn bị về, tôi cũng chuẩn bị đứng lến thì bị Nguyễn phu nhân gọi lại. Cả lớp ra về ai cũng nhìn tôi một cách kì lạ, tôi thì không biết nên biểu lộ tình cảm gì, nên cũng đành làm lơ các vẻ mặt khác nhau của họ. Tất cả đi hết rồi, tôi đành phải tiến lên bàn trên ngồi đối diện với Nguyễn Học Sĩ, nhưng không nhìn thẳng bà mà hướng mắt xuống bàn.
“Công chúa, có vẻ người còn cảm thấy ngại về chuyện phụ đạo này?” Tiếng nói của bà gần tai nghe thật lạ lùng. Tôi ngước lên, nhìn thấy người phụ nữ đẹp lộng lẫy này cận cảnh, lấy làm lạ là sao Nguyên Phi ngồi gần như thế mà vẫn có thể giữ được vẻ lạnh lùng của mình, trong khi máu nóng đang dẩn bốc lên mặt tôi. “Cũng có một chút, thưa Lễ Nghi Học Sĩ, chỉ là tôi có ít cảm giác như là một học sinh kém trong lớp thôi.” “Công chúa, người đừng nên hiểu lầm, chuyện này không thể gọi là giúp học sinh kém. Phu quân của thần cũng đã nói cho thần biết liên hệ của hai người, đây là thư của ngài cho công chúa.” Tiếng nói của bà ngày càng như thì thầm, tay bà giở sách ra đến một trang, lấy lá thư kẹp trong trang giấy ra kẹp vào sách trước mặt tôi.
Mắt tôi mở to nhìn bà, Nguyễn Học Sĩ cười, lại tiếp tục hỏi tôi như đang dạy học: “Người thấy sao nếu chúng ta trao đổi thêm một chút kiến thức về đạo hiếu?” “À, vâng…” Tôi trả lời ngập ngừng, vừa nói vừa nghĩ, ứng phó tương đối với các câu hỏi của bà. Sau nửa tiếng đồng hồ, tôi được thả ra khỏi lớp với cuốn sách cầm chặt trong tay, Nguyễn phu nhân cũng không quên cho tôi một chồng tựa đề các sách cần đọc thêm. Trời, bây giờ học hành như thế này mà cũng cần luyện học sinh giỏi sao? Đi về đến Thanh Quân Cung, tôi ngồi trong thư phòng, đuổi hết mọi người ra lấy cớ phải học bài, rồi mở lá thư của bác ra xem. Thư rằng:
“Cháu Lan,
Tuy rằng hàng ngày bác đây đều vào cung giảng dạy việc học cho hoàng thượng, nhưng liên hệ giữa chúng ta không thể nào lộ diện, nên khó có thể gửi tin được cho cháu. Nay vợ bác làm Lễ Nghi Học Sĩ, lại trực tiếp giảng dạy cho cháu, cháu lại là một người có tư tưởng khác lạ, nên mới có cớ gặp mặt riêng trao đổi với nhau.
Đã gần ba mùa không tin tức giữa bác cháu ta, nhưng dạo gần đây vẫn nghe tin thường xuyên từ bác dâu, bác biết tình hình của cháu vẫn tốt. Thân phận làm công chúa tuy khác lạ, nhưng với tư cách là con gái Dụ Vương, sắc phong công chúa cũng rất xứng đáng, bác mừng cho cháu. Cháu nhớ giữ gìn sức khỏe, tự bảo vệ mình và giữ kín thân phận. Nhà bác vẫn bình thường, cháu cứ an tâm.
Bác Nguyễn.”
Tôi nhìn lá thư mỉm cười, thật sự là có cơ hội gửi thư ra ngoài cho nhà bác một cách an toàn rồi. Lấy giấy mực ra, tôi viết một lá thư ngắn có đại ý như sau:
“Thưa bác,
Nhận được thư của bác, cháu rất vui mừng. Chuyện ở trong cung cháu cũng đã có nhiều quen biết, nhưng người bên cạnh thì rất lo lắng không biết ai đáng tin, ai đáng ngờ. Dạo gần đây cháu cũng đang quản chuyện của bên pha chế mỹ phẩm trong cung, nhưng sắp xong vụ thu hoạch năm nay nên sẽ rảnh rỗi vào mùa đông.
Bác đã điều tra ra được tin tức của dì và em gái cháu chưa ạ? Nếu đã lần ra, xin bác báo cho cháu biết một tiếng. Cháu cảm ơn hai người đã giúp đỡ rất nhiều.
Lan”
Gập lá thư lại cho vào phong thư, tôi kẹp vào quyển sách mấy hôm nữa sẽ học. Còn lá thư của bác thì dấu vào trong một quyển sách khác đặt sâu vào trong giá trước khi Đinh lão mang sách tôi yêu cầu từ thư viện về.
Chương 19
Đương nhiên là từ đó về sau, tôi đã có được dường dây chuyển thư đến ông bác họ, thậm chí lâu lâu còn có thể gửi một lá hỏi thăm đến gia đình Ngô Sĩ Liên. Nói chuyện với bác dâu một lúc thì tôi cũng đã có được chút ít cảm giác an toàn. Lâu lâu chúng tôi còn bàn bạc việc làm sao có thể tin người với mấy kế của bác dâu nữa. Phi vụ đầu tiên là tôi nhờ một người phụ nữ trong xưởng gửi một lá thư đến tay Nguyễn Học Sĩ khi bà ra ngoài. Thư từ thì tôi đã chuẩn bị bằng cách đọc chéo từ phải sang trái thay vì từ trái sang phải như thời buổi này, viết trước các từ thành điều tôi muốn nhắn rồi mới bắt đầu điền vào chỗ trống sao cho nghe như một bài thơ hỏi thăm bình thường.
Lá thư đầu tiên thông qua trót lọt, bà nhận được và gửi lại phản hồi với cách nhắn tương tự. Đương nhiên tôi có dặn người phụ nữ đó phải kín miệng, và sau khi quan sát bà ta sau, tôi mới có thể tin tưởng được là không có gì từ miệng bà ta rơi ra cả. Sau đó mới đến các bà khác.
Từ lời khuyên của cô giáo, tôi mới bắt đầu nghĩ ra được hệ thống truyền thư mật cho phía dưới. Mạng lưới tôi phác thảo ra như nhánh cây, với lời truyền đạt từ nguồn là tôi cho các nhánh chính theo đường xéo từ phía trái sang phải, rồi thì nguồn chính liên hệ với nhau qua hàng ngang thứ ba của lá thư và cho cấp dưới là hàng ngang thứ tư. Đương nhiên là cấp dưới có thề gửi thư cho cấp cao hơn dùng tín hiệu như họ được dạy, nhưng phải thêm mật mã để cấp trên biết mà đọc cho dễ. Vậy là tôi dạy họ các chữ số ấn độ cùng dấu mũi tên để họ có thể viết váo góc thư cho người đọc hiểu nội dung thư là từ ai đến ai.
Nhưng sau khi đã có hệ thống viết rồi, điều tiếp theo là tìm các nhánh chính cho hệ thống của tôi, cái sự khiến tôi đau đầu. Đương nhiên, ông bác đã có ý giúp đỡ thì tôi cũng đỡ đi phần nào. Một thời gian ngắn sau, một hoạn quan tên Đinh Thắng được điều đến chỗ tôi. Quan hệ giữa bọn họ sâu sắc đến mức nào thì tôi không biết, nhưng anh Đinh Thắng này trông có vẻ khoảng hai mươi tuổi, cũng đã già dặn hơn nhiều người, biết khá nhiều chữ viết. Anh đặc biệt ít nói, nghe lời Đinh lão răm rắp nên cũng lấy lòng được bà đáng kể. Có anh bên cạnh, tôi cũng đã lựa ra được hai người đáng tin tưởng khác: một tiểu thái giám Nguyễn Thành và cung nữ Ngọc Lan. Hai người tuổi còn khá trẻ, Nguyễn Thành thì mười bảy con Ngọc Lan mới mười hai tuổi. Nguyễn Thành vì gia đình nghèo mà phải bán mình vào cung, còn Ngọc Lan, vốn mẹ cũng là một cung nữ tin tưởng làm việc theo mùa ở chỗ tôi, vì cái nghèo mà giúp mẹ và gia đình thêm cái ăn mà phải vào đây. Hai người này, dưới sự dẫn dắt của Đinh Thắng, ngày ngày đều cố gắng rèn luyện thân thể cùng chữ viết.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là Hoàng Thượng cũng ban cho tôi một nàng hầu nữa, tên là Quỳnh Dao. Cậu ta bảo với tôi, Quỳnh Dao đã mười sáu, giỏi giang văn chương, tinh thông võ nghệ, là người có thể bảo vệ tôi nếu có trường hợp hy hữu bị ám sát. Quỳnh Dao vốn là con gái của một nhà theo nghiệp quan binh, đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, được dạy dỗ từ nhỏ. Nàng ta ở trong đội cung nữ thân cận của hoàng thượng, nay cậu ta thấy chỗ tôi cần người tin tưởng nên ban cho. Thật ra tôi không hiểu vì sao cậu ta lại có thể biết tôi đang cần người đáng tin, nhưng như vậy cũng được. Nếu cậu ta đã nói là đáng tin, và tôi đang tính mở đội làm việc trinh thám cho cậu ta, thì đương nhiên tôi cũng sẽ tin tưởng Quỳnh Dao như cậu ta đã muốn. Trái với Ngọc Lan ngây thơ hay cười đùa với tôi, Quỳnh Dao khá lạnh lùng như Đinh Thắng. Đúng là hai người có kinh nghiệm trong cung có khác, làm tôi cũng ý thức được nghĩa vụ của mình đang làm vài phần.
Mới đó mà đã đến Trung Thu. Lần này là cái tết Trung Thu đầu tiên trong cung tôi được tham dự, thật là háo hức. Thật ra các tiết Đoan Ngọ hay Tết ở đây cũng rất bày biện khác thường rồi, nhưng lúc Tết thì tôi không thấy có gì đặc sắc quá lắm, chỉ gật gà gật gù xem múa Lân, hát bội, chỉ mong được đổi lấy ít tiết mục gặp nhau cuối năm của VTV thôi. Thanh Minh thì đến lăng vua thăm nom, đi cả đoàn người đến tận gần nhà mà không gặp được mẹ, tôi cũng buồn. Tết Đoan Ngọ thì quá nhiều thức ăn, nhưng với các món bánh trái, Đinh lão cũng không cho tôi thả cửa một phen, làm hết cả vui. Lần này Trung Thu đến, đội ngũ làm mỹ phẩm của chúng tôi lại được tận dụng luôn làm đồ trang trí. Nào là làm đồ chơi, đan đèn dán giấy, thật là náo nhiệt.
Tôi vốn rất ghét mất vệ sinh thực phẩm, nên lúc làm keo dán bằng cơm có cho đan nhiều lồng bàn úp chống ruồi muỗi. Đèn lồng tôi cũng cho gấp các loại khác biệt để đưa đến các cung khác nhau cho đẹp, tùy theo ý các chủ nhân muốn thế nào. Tết Trung Thu vốn có nguồn gốc Việt nên tôi càng thêm thích thú hơn nữa. Hoàng thượng đến có nói qua, Trung Thu này các con em hoàng tộc lứa tuổi thiếu nhi cũng sẽ được vào cung xem múa lân khiến tôi rất trông đợi. Năm nay mùa màng có vẻ khá tốt, xem ra lại có thể thêm một đêm trung thu tươi đẹp.
Nhưng mọi việc dường như chỉ dừng ở đó, vì tối Trung Thu có mưa. Tôi buồn thiu ngồi trước hiên đối diện vườn sau. Ánh trăng lờ mờ không thể nào thoát khỏi những đám mây mù đang dày đặc trên trời. Đương nhiên với một đêm như thế này, chỉ có cỗ là có thể phá, chứ trăng thì chẳng thể chiêm ngưỡng gì được. Đã không có trăng như vậy, tôi quyết định xin khiếu cỗ mà ở nhà nhìn ra vườn, từ từ thưởng thức vị bánh nướng ngọt với nước trà nóng.
“Công chúa, trời mưa thế này mà người cứ ngồi đây, cẩn thận bị cảm đấy ạ!” Đinh Thắng ở một bên nói. Tôi quay lại: “Không sao đâu…, mà Đinh lão đâu mà để ngươi đứng hầu ta thế này?” “Dạ bẩm công chúa, Đinh lão trong người khó chịu đã đi nằm nghỉ rồi ạ!” Tôi thở dài, đúng là người già rồi có khác, trời mới có trái gió một chút là đã bị bệnh rồi. Đang tính đứng lên vào nhà, bỗng Nguyễn Thành đã lật đật chạy vào, thở hổn hển nói: “Công chúa, có chuyện rồi… Cung của Phạm tài nhân, đang bị cháy! Mọi người đều đang chữa lửa, Hoàng thượng có lệnh cho triệu người gấp!”
“Trời đang mưa thế này mà sao cung của Phạm tài nhân cháy được là sao? Được, vậy chúng ta đi!” Mới nói xong, tôi bước đi ra ngoài cung. Đinh Thắng sai người lấy lộng sẵn, ra đến bên ngoài là ngay lập tức dựng lên che cho tôi, Nguyễn Thành mang ô đi trước, sau là Quỳnh Dao đi theo sau. Đến hậu điện, nơi mọi người đang tụ tập, chúng tôi được thông báo cho vào. Phần lớn các họ hàng đã cáo từ ra về khi nghe tin có cháy, chỉ còn lại gia đình hoàng thượng ở điện này. Vào trong tôi đã thấy mọi người ngồi yên vị, đang rầm rì chuyện gì, nhìn tôi như không ưng ý lắm. Quỳ xuống hành lễ với các vị Thái Phi và Hoàng thượng xong, tôi đứng lên xem xét xung quanh rồi tính nép vào một góc bên cạnh, nhưng đã bị hỏi ngay bởi Phạm Thái Phi: “Hoa Dung, ngươi làm đèn như thế nào mà có thể gây cháy được thế?”
Đã được thông báo trước là vụ cháy ở cung Phạm tài nhân chỉ là do chùm đèn trung thu ba màu bốc cháy tại thư phòng, cháy lan ra là do trong phòng có nhiều giấy. Thiết nghĩ cháy thì bao giờ chẳng có thể xảy ra, nhưng mà bị hỏi tội vì mình làm đèn gây cháy thì tôi thật không ngờ đến. Tôi cúi xuống, đành xin lỗi: “Thưa thái phi, Hoa Dung làm đèn trung thu theo ý thích của Phạm tài nhân, thật không may gây cháy, đó là điều đáng trách, đó là điều đáng xin lỗi. Nhưng mà đèn trung thu làm bằng giấy, vốn dễ bắt lửa, mục đích chính là để treo bên ngoài, chứ không phải trong thư phòng, nơi có nhiều giấy dễ gây cháy. Xin nương nương giảm tội.”
“Hay cho cái miệng của nhà ngươi, việc làm không ra hồn rồi còn đổ lỗi cho người khác nữa sao?” Phạm thái phi bỗng lớn giọng. Trình thái phi bên cạnh muốn can: “Hoa Dung còn nhỏ, trung thu này giao việc đèn cho nó đảm nhận vốn đã là nhiều. Mà đèn ở tất cả mọi nơi khác đều bình thường, chỉ có ở chỗ Phạm tài nhân là có chuyện, sao có thể đổ lỗi hết cho con bé? Em yêu cháu mình, em lo là đúng. Nhưng con bé ở cung của mình cũng không có việc gì đấy thôi? Trung thu là tết của gia đình, chị thấy nên nương tay một chút cho Hoa Dung đi!” Không chịu nghe lời khuyên, Phạm thái phi vẫn cứng nhắc: “Có tội thì vẫn nên phạt. Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Nay Hoa Dung còn bé, phải trị cho nghiêm khắc mới được cái tốt về sau. Ta ra lệnh cho Hoa Dung công chúa, chịu trách nhiệm làm đèn kém chất lượng mà phạt quỳ hai canh giờ bên ngoài. Thi hành ngay lập tức!”
Bỗng nhiên có tiếng hô của quân lính, sau đó Đinh lão lật đật chạy vào, dập đầu quì lạy: “Thưa Hoàng thượng cùng hai vị thái phi, lỗi này không phải của công chúa. Lúc công chúa làm có chia rõ phần nào của người nào chịu trách nhiệm. Đèn lồng của Phạm tài nhân là do nô tỳ chịu trách nhiệm giám sát, công chúa vì tin tưởng thần nên cũng không kiểm tra lại. Nếu có phạt, xin cứ phạt nô tỳ đây ạ!” Hoàng thượng từ nãy vẫn yên lặng nhưng ngồi nhấp nhỏm không yên, nay thấy cơ hội đã đến, vội vàng nói: “Nếu đã vậy, chuyển hình phạt của Hoa Dung sang cho Đinh thị Hoa chịu thay đi. Trẫm cũng đã mệt rồi, về cung đi nghỉ thôi!”
Tôi đứng ở đó, thật không hiểu có chuyện gì mới xảy ra. Hoàng Thượng đi rồi, hai vị Thái phi cũng đành đi sau khi Đinh lão bị lôi ra ngoài thực thi lệnh. Hậu điện mau chóng trở nên trống vắng. Tôi bước ra ngoài, nhìn bóng hình bà lão tôi không mấy ưa thích đang chịu thay hình phạt cho tôi. Trời vẫn đang mưa rả rích, bà đang quỳ ở trên thềm đá ngay ngoài hiên của điện. “Ra ngoài kia che dù cho Đinh lão nhanh lên!” Tôi sai Nguyễn Thành. Anh nhanh chóng chạy ra nhưng cũng chạy đến chỗ tôi lại: “Đinh lão ra lệnh không được làm thế, để người tự chịu. Công chúa, Đinh lão cũng khuyên người tự mình về đi, đừng quan tâm đến bà ấy nữa.”
|