Vũ Hải Đăng, Lương Danh Ngọc
|
|
– Bác sĩ, sức khoẻ bà lão nhà tôi thế nào rồi ạ? – Không sao cả, bác cứ yên tâm đi. Bệnh nhân chỉ bị sốc bất ngờ nên ngất đi thôi. Nhưng chúng tôi thấy sức khỏe của bệnh nhân không được tốt nên gia đình cần chú ý tuyệt đối không được làm bệnh nhân căng thẳng. – Dạ vâng, vậy là tôi yên tâm rồi. Cảm ơn bác sĩ!
Đợi cho vị bác sĩ đi qua, bác trai quay sang quát Danh Ngọc:
– Mày thấy chưa? Mẹ mày như vậy tất cả là do hành vi hiếu thuận của mày gây lên đấy! Mày hài lòng chưa? Con với cái! – Con…con biết lỗi rồi mà. Nhìn mẹ con như thế, con cũng đau lòng lắm bố ơi!
Danh Ngọc lại khóc. Cậu thương mẹ cậu đến tột cùng. Bình thường sức khỏe mẹ cậu đã yếu, cậu đủ biết điều ấy, vậy mà cậu lại lỡ nói ra những lời làm mẹ cậu đau lòng như vậy. Cậu đúng là một đứa con bất hiếu. Nếu mẹ cậu mà có chuyện gì, chắc cậu cũng khó lòng mà sống nổi.
– Mày hành hạ mẹ mày như thế mà giờ còn đứng đây mà khóc hả? Đi về! – Bố! Con…con muốn ở đây với mẹ! – Mày không nghe bác sĩ vừa nói gì sao? Mày vào trong đó, mẹ mày thấy cái bộ mặt bất hiếu của mày thì mẹ mày liệu có chịu đựng nổi nữa không? Đi về! – Vậy…vậy bố ở lại chăm sóc mẹ con nhá! Con về.
Không nói gì thêm, bác trai nhìn Danh Ngọc bước ra ngoài cổng bệnh viện với dáng vẻ đầy đau khổ thì ông cũng nhăn mặt đớn đau. Trên ánh mắt đã hằn rõ những vết chân chim, những giọt nước mắt trong như sương sớm trào ra, chảy long lanh xuống má.
***************************************
– Bố ơi, bác sĩ nói là mẹ con không sao, vậy mà tại sao đã ba ngày rồi mà mẹ con không được xuất viện vậy hả bố? – Mẹ mày đã tỉnh nhưng có ăn uống đi lại được gì đâu. Lúc nào bà ấy cũng nghĩ đến mày, cũng khóc. Mày khiến mẹ mày ra nông nỗi ấy, mày hài lòng chưa hả thằng đốn mạt kia?
Giọng bác trai giận dữ hơn bao giờ hết. Danh Ngọc nghẹn ngào:
– Con…con muốn được vào thăm mẹ. Chắc mẹ nhớ con lắm. Nếu con vào, con nói chuyện với mẹ, biết đâu… – Biết đâu bà ấy sẽ lăn đùng ra chết cho mày hài lòng hả? – Bố ơi, con bất hiếu mà. Nhưng con xin bố, xin bố đừng nặng lời với con như vậy được không? Con đau khổ lắm bố ơi! Bố hãy tha thứ cho con mà bố!
Không thèm nói gì, bác trai lặng lẽ bước vào phòng riêng của Danh Ngọc. Một lát sau ông trở ra, trên tay là một túi ni lông to quần áo. Ông thẳng thừng đáp túi quần áo đó xuống nền nhà, trước mặt Danh Ngọc và nói:
– Mày hãy đi đi! Đừng bao giờ trở về ngôi nhà này nữa.
Danh Ngọc nhìn túi quấn áo trên nền nhà rồi lại nhìn bố, bàng hoàng:
– Bố…bố muốn đuổi con đi?
Bác trai không nói gì. ông quay lưng nhìn ra phía vườn, một hành động như để chứng tỏ cho Danh Ngọc thấy ông không có gì lưu luyến trước một đứa con bất hiếu.
Danh Ngọc vội vã quỳ xuống. Cậu lê gối về phía cha mình, kéo áo van xin thống thiết:
– Bố ơi, con xin bố! Con xin bố đừng đuổi con đi mà! Con dù hay dù dở cũng là con trai bố mẹ, con xin bố đừng đuổi con đi ! – Không. Mày không phải là con trai tao. Danh Ngọc, đứa con trai đầy hiếu thuận của tao đã bị mày giết chết trong ba hôm trước rồi. Bây giờ, người đang quỳ gối trước mặt tao chỉ là một thằng súc sinh, một thằng cầm thú. Mày không phải là con trai tao. Tao không có đứa con đốn mạt như mày! – Bố! Bố ơi! Bố cứ chửi con đi! Bố cứ đánh mắng con đi! Thế nào con cũng cam. Nhưng con xin bố đừng đuổi con đi mà. Con muốn phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi già. Bố đuổi con đi, sau này ai sẽ là người chăm nom bố mẹ? – Ba anh trai mày chẳng lẽ không phụng dưỡng được tao? Mày đi đi! Tao không nuối tiếc gì mày hết! Tao chỉ hận là không thể tự tay cầm dao chém chết mày ngay lập tức! – Bố ơi! Con xin bố mà! Bố đừng đuổi con đi mà bố! Tội nghiệp con trai bố lắm bố ơi! Bố đuổi con đi, con biết đi đâu về đâu bây giờ hả bố? – Mày muốn đi đâu thì đi, muốn về đâu thì về. Mà mày hãy đi tìm cái thằng tình nhân khốn nạn của mày ấy! Không thì mày hãy đâm đầu xuống biển chết ngay lập tức cho đỡ khuất mắt tao! – Đừng! Đừng mà bố! Con van bố! Con lạy bố! Xin bố đừng đuổi con đi mà! Con xin bố! – Đi đi! Mày đã lớn tao không muốn cầm roi đánh đuổi mày. Mày hãy đi đi! – Không! Bố ơi! Xin bố đừng tàn nhẫn với con như vậy mà bố! Con không muốn xa bố mẹ đâu! Con không muốn!
Danh Ngọc vẫn quỳ gối, vẫn kéo lấy lưng áo ông cụ mà than, mà khóc. Nước mắt cậu rớt xuống nền nhà ướt đẫm một khoảng lớn. Toàn thân cậu run lên, tội nghiệp đến não lòng.
Thấy Danh Ngọc cứ mãi quỳ gối sau lưng mình, kéo áo mà khóc, mà van xin trong cơn nức nở thì bác trai càng thương con vô hạn. Nhưng niềm thương con dù có nặng đến bao nhiêu thì cũng không thể giúp ông nguôi ngoai cơn giận dữ trong lòng. Ông cố nuốt cơn đau đớn vào tim, quay lại, giơ chân đạp mạnh vào ngực Danh Ngọc, hất cậu ngã lăn ra nền nhà.
– Mày cút ngay ra khỏi nhà tao! – Ông chỉ thẳng tay vào mặt cậu, quát lớn.
Danh Ngọc càng nước mắt lưng tròng mà nhìn bố, lắc đầu đau khổ. Thế rồi, thấy Danh Ngọc vẫn cứ mãi nhìn mình mà khóc, mà van lơn, ông vớ lấy con dao gọt hoa quả trên bàn, tự kề vào cổ mình và quát:
– Nếu mày còn không đi, tao sẽ chết ngay lập tức!
Lưỡi dao sắc nhọn kề vào cổ ông cụ làm sứt một vệt da nhỏ, rướm máu. Nhìn lưỡi dao, nhìn sắc mặt cương nghị, giận dữ đến tột cùng của bố mình, Danh Ngọc hiểu dù mình có van xin đến thế nào thì cũng không còn con đường nào khác, đó là sự ra đi.
– Vâng! Con đi! Bố đã đuổi thì con đi! Con đi này bố! Trời ơi, sao số kiếp con lại khốn khổ thế này hả bố? Con đi, con đi cho bố hài lòng!
Danh Ngọc vừa nức nở vừa đứng dậy. Cậu đờ đẫn bước ra khỏi nhà. Cảnh vật trước mặt cậu nhạt nhòa trong nước mắt. Cậu sẽ đi, sẽ mãi mãi không bao giờ được trở về ngôi nhà này nữa, ngôi nhà thân thương, ngôi nhà ấm cúng đã chở che, bảo vệ cậu suốt hơn hai mươi năm trời.
Nhìn Danh Ngọc bước ra khỏi nhà, bác trai đau đớn buông lưỡi dao khỏi cổ mình rồi ngồi phịch xuống ghế, ôm mặt khóc òa lên đau khổ. Cả một tuổi trẻ đã từng xông pha trên chiến trường, phải đối mặt với biết bao máu me và bom đạn, ông chưa từng biết khóc. Duy chỉ có hôm nay, bây giờ, ông mới khóc, khóc vì con, khóc vì cái tạo hóa trớ trêu và oan nghiệt.
|
Như một cái xác vô hồn, Danh Ngọc từng bước thơ thẩn, thơ thẩn ra bãi biển. Từ trước đến nay, mỗi khi có chuyện vui hay chuyện buồn, cậu đều tìm ra nơi đây, ngắm nhìn đại dương bao la xanh ngắt một màu. Khi ấy, nếu trong lòng không vui, đại dương sẽ giúp cậu chút đi được phần nào niềm buồn tủi để cậu được nhẹ lòng hơn. Còn nếu có chuyện vui thì sự trong xanh của đại dương, những con sóng ào ạt xô dài trên bãi cát, những đàn chim hải âu tung tăng chao lượn… sẽ khiến cậu càng cảm nhận được thêm cái cuộc đời này sao mà tươi đẹp. Thế nhưng hôm nay, vẫn là nơi ấy, vẫn là đại dương trong xanh và yên bình ấy, nhưng sao Danh Ngọc lại cảm thấy nó đáng sợ đến lạnh người. Đứng trước đại dương mà cậu cảm thấy mình thật nhỏ bé, thật bơ vơ và lạc lõng. Cuộc đời của một con người cũng chỉ nhỏ bé, chỉ mong manh như một bọt nước giữa biển cả bao la; yên bình, hạnh phúc thì chẳng thấy đâu chỉ đầy rẫy những oan nghiệt và đắng cay trong muôn trùng sóng dữ.
” Mày muốn đi đâu thì đi, muốn về đâu thì về! Mà mày hãy đi tìm cái thằng tình nhân khốn nạn của mày ấy! Không thì mày hãy đâm đầu xuống biển chết ngay lập tức cho đỡ khuất mắt tao! ”
Lời mắng chửi cay nghiệt của bố cậu lại oang oang vang lên bên tai. Nước mắt cậu lại trào ra, đắng cay và mặn chát. Nhưng cậu không lau mà cứ để nó tự tuôn trào rồi chảy ròng ròng xuống cằm, xuống cổ. Cả đại dương bao la dường như không còn hiện hữu trước mặt Danh ngọc nữa mà nó cứ như một ảo ảnh nhạt nhòa mờ ảo.
Danh Ngọc cứ lặng lẽ như một cái xác vô hồn mà đi dần về phía biển. Từng lớp sóng xô dần vào chân cậu rồi chẳng mấy chốc nước đã ngập quá đầu gối, quá đùi, dâng lên thắt lưng rồi dâng dần lên cổ. Cậu vẫn cứ nhắm mắt mà dần tiến ra xa.
Nhưng đột nhiên:
– Danh Ngọc! Đừng bỏ anh!
Tiếng Hải Đăng thét lên cháy ruột. Danh Ngọc giật mình mở mắt quay mặt về bờ. Trên bờ, Hải Đăng đang quỳ gối, hai tay chống lên cát nhìn cậu mà thét gào đau đớn.
– Hải Đăng! – Danh Ngọc khẽ nhấp môi. Thế rồi, như có một sức mạnh vô hình điều khiển, Danh Ngọc vội vã quay người lại, kiên cường chống chọi với sóng nước, cố sức, cố sức quay lại bờ.
– Anh Đăng, đợi em với! Em đến đây!
Danh Ngọc đã chạy lên đến bãi cát. Nhưng đến khi cậu ngã xuống nơi mà Hải Đăng đang quỳ thì hình bóng Hải Đăng đột nhiên biến mất.
– Ảo giác, tất cả chỉ là ảo giác! Anh Đăng không cho mình chết. Mình phải sống. Mình phải sống để cùng anh ấy chống chọi với khổ đau và bất hạnh.
Hai mắt Danh Ngọc nhắm lại. Dường như quá mệt mỏi, cậu thiếp đi từ lúc nào không biết. Trong giấc mơ chập chờn vô định, hình bóng và giọng nói của Hải Đăng lại hiên ra, thân thiện và ấm áp.
Mặt trời đã vượt qua đỉnh đầu. Hai mắt Danh Ngọc hé mở. Cậu đứng dậy, điệu bộ vẫn đầy mệt mỏi. Nhìn về phía con đường trước mắt, cậu định bước đi. Nhưng đi đâu bây giờ? Mái gia đình đầy đầm ấm bây giờ đã không còn là nơi cậu có thể về nữa. Cậu biết về đâu đây? Danh Ngọc dừng lại trước một cửa hàng. Cậu định vào đó xin gọi nhờ điện thoại cho Hải Đăng vì chiếc điện thoại cậu vẫn để ở nhà. Nhưng cậu lại chần chừ do dự. Cậu không biết có nên làm như vậy hay không, và làm như vậy để làm gì nữa. Nhưng nếu không gọi cho Hải Đăng thì cậu biết chia sẻ hoàn cảnh đau khổ này với ai bây giờ? Chỉ có Hải Đăng. Chỉ có Hải Đăng mới có thể là niềm an ủi, động viên, là nghị lực để cậu đứng dậy và bước tiếp.
– A lô, anh Đăng à! – Giọng Danh Ngọc nghẹn ngào. – Uả, Ngọc! Có chuyện gì thế em? Em sao thế? – Chuyện…chuyện của chúng mình, không thành…không thành rồi anh ơi! – Bình tĩnh đi Ngọc, đừng khóc nữa. Có gì nói cho anh nghe! – Em…em đã nói tình cảm của em và anh cho bố mẹ em biết. Không ngờ…không ngờ mẹ em ngất xỉu ngay tại chỗ. Bà nằm viện đã ba ngày rồi anh ạ! Còn em, em…em đã bị bố đuổi ra khỏi nhà. Bây giờ…bây giờ…em…em không biết đi đâu hết! Em khổ lắm! Khổ lắm anh ơi!
Trái tim Hải Đăng như thắt chặt lại đau xót. Cậu nhăn mặt, những giọt nước mắt cũng trào ra theo từng lời nghẹn ngào, từng cơn nức không ngừng rung lên trong cổ Danh Ngọc.
– Trời ơi, em trai tôi! – Em khổ lắm anh ơi! Em muốn chết! Thiếu chút nữa em đã vùi xác dưới đáy biển rồi. Nhưng… nhưng em lại không thể chết. Em còn phải cần anh. Em không thể chết được anh Đăng ơi! – Em trai anh ngốc lắm! Em mà chết thì anh cũng còn có thể sống nổi nữa hay không? Bình tĩnh lại đi em! Em đã bảo vì hạnh phúc của chúng ta, em sẽ sống thật kiên cường đúng không? Mọi sóng gió mới chỉ bắt đầu mà thôi, rồi sẽ còn nhiều phức tạp và đau khổ nữa. Nhưng anh em ta sẽ chống chọi với nó, sẽ đẩy lùi được nó về phía sau. Anh em mình rồi sẽ sống tốt. Ngọc của anh! Cố lên nha em! Đừng khóc nữa!
Danh Ngọc sụt sịt, đưa tay gạt nước mắt:
– Vâng, em sẽ cố gắng. Em có mềm yếu quá không anh? – Không, Ngọc của anh cứng rắn lắm không mềm yếu một chút nào đâu. Nào, bây giờ thì hãy lau khô nước mắt rồi bắt xe đến với anh nha! – Đến với anh? – Nếu không Ngọc sẽ đi đâu? Từ cái đêm hôm nọ anh và Ngọc đã là của nhau. Nhà anh bây giờ đã là nhà của Ngọc, tất nhiên Ngọc phải trở về nhà của mình rồi! – Có được không anh? Nhưng em sợ… – Lại sợ rồi. Anh đã nói dù có sợ thì anh em mình cũng phải can đảm mà em. Gắng lên em! Anh chờ em nha Ngọc! – Vâng. Anh chờ em nhá! Em sẽ đến với anh!
Danh Ngọc và Hải Đăng cùng buông máy. Trên ánh mắt ướt đẫm của cả hai bỗng ánh lên một niềm hạnh phúc mong manh.
|
Ngày rằm nên trăng thật tròn và sáng. Ánh sáng vàng rực lung linh của nó dát vàng cả chiếc sân nhỏ, soi rõ hình ảnh hai chàng trai ngồi sát nhau thật hạnh phúc và ấm áp. Danh Ngọc khẽ ngả đầu lên vai Hải Đăng, thủ thỉ:
– Anh có thấy em bất hiếu quá không? Biết mẹ đã bệnh nặng như vậy thế mà em lại lỡ nói ra những lời làm mẹ đau lòng. Nếu mẹ mà có chuyện gì chắc cả đời này em không thể tha thứ cho mình được mất. – Anh nghĩ mẹ bất ngờ nên bị sốc vậy thôi chứ trong lòng mẹ nhất định sẽ thương em và tha thứ rồi chấp nhận em Ngọc à! – Em cũng hi vọng là vậy. Uả, mà anh gọi mẹ em là gì? Là mẹ? – Anh đã có con trai của mẹ chẳng lẽ anh không là con của mẹ sao? – Là anh nói đó nhá! Mai này khi gặp mẹ em mà không gọi mẹ em là mẹ thì chết với em đấy! – Nhưng không hiểu sao anh vẫn chưa thấy em gọi bố anh là bố nè? – Ai lại gọi thế? Kì chết! – Mấy hôm nữa khi mọi chuyện đã qua, anh và Ngọc sẽ làm lễ kết nghĩa anh em. Hai anh em kết nghĩa sống chung với nhau người ta sẽ bớt dèm pha và khi ấy Ngọc có thể dễ dàng gọi bố anh là bố rồi. – Vâng. Anh nói cũng đúng. – Ngọc này, mai anh em mình đến bệnh viện thăm mẹ đi. Biết đâu khi gặp và nói chuyện với em thì sức khỏe của mẹ sẽ khá hơn? – Em cũng muốn vậy nhưng em sợ anh sẽ bị bố em gây khó dễ. – Không đâu Ngọc à. Chúng ta có tội ắt phải chịu sự trừng phạt của đấng sinh thành là đúng rồi. Huống hồ trước sau gì mình cũng phải đối mặt với chuyện này phải không em? – Vâng, vậy mai mình đi anh nhé!
Hé nhẹ cánh cửa phòng bệnh đang khép hờ, Danh Ngọc ngó vào bên trong. Trên giường bệnh, mẹ cậu đang nằm ngủ, chai nước truyền đặt bên giường nhỏ từng giọt thật chậm, thật chậm. Danh Ngọc nhìn Hải Đăng, gật đầu ra hiệu rồi cả hai cùng bước vào.
Dường như giấc ngủ của bác gái không được sâu nên mặc dù Danh Ngọc và Hải Đăng đã bước rất nhẹ nhàng nhưng khi chợt thấy một bóng tối che lên lớp ánh sáng trước mắt mình, bác gái đã mở mắt. Nhận ra Danh Ngọc, bà nở nụ cười vui mừng:
– Uả, Ngọc hả con? – Sao mẹ không ngủ tiếp đi ạ? – Mẹ nào có ngủ được gì, chỉ nhắm mắt để đấy thôi. Sao ba ngày nay không đến thăm mẹ vậy hả? – Con… con cũng muốn đến thăm mẹ nhưng bố con không cho. Bố con sợ mẹ nhìn thấy con sẽ… – Ông già này lẩm cẩm mất rồi. Con là con trai của mẹ, sao mẹ lại…
Nước mắt Danh Ngọc ứa ra:
– Mẹ, là con không tốt! Là con bất hiếu đã khiến mẹ đau lòng đến thế này!
Nhìn Danh Ngọc khóc, bác gái khẽ đưa bàn tay khô gầy lên lau những giọt nước mắt cho con trai rồi mỉm cười:
– Đừng khóc mà con. Con dù hay dù dở cũng là con trai mẹ. Mẹ đâu có thể giận con chứ? – Nếu mẹ không giận con thì mẹ hãy gắng ăn uống thật nhiều rồi mau chóng xuất viện nha mẹ! Con thương mẹ lắm! – Con trai ngốc! Mẹ cũng khỏe hơn nhiều rồi. Bác sĩ nói chỉ mai hoặc ngày kia mẹ sẽ được ra viện. – Vậy hả mẹ? Thế thì con mừng lắm. Uả, mà bố con và câc anh con đâu? Sao không ai ở lại chăm sóc mẹ thế? – Các anh con còn bận công việc không đến được còn bố con thì vừa ra ngoài mua cho mẹ ít sữa. Chắc ông ấy cũng sắp vào rồi đấy.
Chợt bà nhìn sang phía Hải Đăng, ngạc nhiên:
– Uả, đây là ai hả Ngọc? – Dạ con xin lỗi, mải nói chuyện với mẹ mà con quên không giới thiệu. Đây là anh Đăng, người mà con… – Dạ, cháu chào bác!
Bác gái đưa đôi mắt mệt mỏi và buồn thiu nhìn vào Hải Đăng. Ánh mắt của bà làm Hải Đăng bối rối không biết nên nói lời nào. Danh Ngọc cũng nhìn vào mắt mẹ mà hồi hộp hơn bao giờ hết.
– Cháu…cháu có thật lòng thương thằng Ngọc không Đăng? – Dạ thưa bác, cháu…cháu thương Ngọc nhiều lắm. – Nhưng cháu và Ngọc đều là con trai. Chuyện này bác e là…
Danh Ngọc và Hải Đăng đưa ánh mắt lo âu nhìn nhau. Danh Ngọc rụt rè nói:
– Con…con cũng rất thương anh Đăng. Mẹ ơi,nếu mẹ thương con thì mẹ ủng hộ chúng con nha mẹ!
Bác gái nhìn Danh Ngọc, mỉm cười:
– Chỉ cần hai đứa thật sự có tình cảm với nhau. Chỉ cần hai đứa sống hạnh phúc thì mẹ không phản đối. Nhưng mẹ rất lo tình cảm của hai đứa không bền. Biết đâu mai này…
Hải Đăng lễ phép:
– Dạ không đâu thưa bác! Tình cảm của cháu và Ngọc có đất trời chứng giám. Cháu xin bác ủng hộ!
Bác gái mỉm cười:
– Vậy thì bác đồng ý!
Danh Ngọc và Hải Đăng đưa mắt nhìn nhau, mỉm cười hạnh phúc. Khẽ cầm lấy đôi bàn tay khô gầy của mẹ, Danh Ngọc nghẹn ngào:
– Con cám ơn mẹ đã hiểu con! Chúng con hứa với mẹ sẽ sống tốt, sẽ không để mẹ phải phiền lòng gì về chúng con nữa.
Cánh cửa phòng bệnh hé mở rồi bố và anh trai Danh Ngọc bước vào. Thấy Danh Ngọc đang ngồi trên giường bệnh, bác trai không lấy gì làm ngạc nhiên bởi ông hiểu dù có ngăn cấm đến thế nào thì đứa con trai út của ông vẫn luôn luôn là một đứa con hiếu thảo. Ông lên tiếng:
– Tao tưởng mày đã biến mất từ hôm qua rồi chứ? Vẫn còn đến đây làm mẹ mày phiền lòng nữa à?
Nghe bác trai nói vậy, bác gái lên tiếng:
– Kìa ông, sao ông lại nói vậy? Con mình dù thế nào thì nó vẫn là con mình. Ông không nên nói như thế. – Bà không biết đâu, sáng hôm qua tôi đã đuổi nó ra khỏi nhà. Tôi không muốn chấp nhận một đứa con đốn mạt như nó. – Cái gì? Ông?…
Túc thì bác gái ho lên một hồi nặng nhọc. Danh Ngọc vội vã xoa xoa ngực cho mẹ, không dám nói gì.
Anh trai Danh Ngọc lên tiếng:
– Sao bố lại làm thế? Bình thường con thấy bố thương yêu chú Ngọc nhất mà. Chú ấy có thế nào thì bố cũng không nên đánh đuổi chú ấy. Huống hồ chuyện tình cảm… con thấy… – Mày thấy sao? – Con thấy nó không có tội bố à!
Danh Ngọc khẽ ngoảnh mặt lại nhìn anh trai. Ngay lập tức anh trai cũng kịp thời nháy mắt với cậu như có ý ra hiệu cậu cứ yên tâm. Danh Ngọc cảm thấy như nhẹ người. Bình thường anh trai cậu vẫn luôn là người cưng chiều và ủng hộ cậu nhiều nhất.
Bác trai nói:
– Nhưng đó là tình cảm đồng giới. Không được phép!
Sau cơn ho vừa rồi, giọng bác gái như khàn hẳn đi. Bác lên tiếng:
– Đồng giới hay khác giới cũng là tình cảm xuất phát từ trong trái tim cả mà ông. Ngày xưa tôi với ông yêu nhau đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ mọi phía nên hơn ai hết chắc ông rất hiểu nỗi đau khổ khi trái tim mình thật lòng có nhau mà lại luôn bị người khác ngăn cản chia rẽ. Bởi vậy bây giờ chúng ta đừng làm con trai chúng ta đau khổ được không ông? – Bà nghĩ làm sao mà lại nói như vậy? Bà có biết nếu như thằng Ngọc đem lòng yêu cái thằng đó thì cả cái làng này sẽ chửi vào mặt tôi, chửi vào mặt bà, bà có biết không hả? Họ chửi mình sinh con ra mà không biết dạy để nó làm một thằng pê-đê. Nhục nhã! Nhục nhã lắm bà có biết không?
Bác trai lớn tiếng với tất cả sự u uất trong người khiến anh trai Danh Ngọc cũng phải chột dạ. Anh vội vàng lay tay bác:
– Kìa bố, nhỏ tiếng một chút thôi, đây là bệnh viện. – Đó là còn chưa kể đến việc thằng Ngọc sẽ không bao giờ có thể có con. Trong ba tội bất hiếu, bà có biết tội gì nặng nhất không hả? Chính là tội không sinh không đẻ để dòng họ tuyệt tử tuyệt tôn. – Nhưng…nhưng chẳng phải ba anh trai của nó đã… – Bộ bà nghĩ có anh trai là thằng Ngọc có thể thoái thác trách nhiệm duy trì nòi giống hả? Huống chi, cứ nghĩ đến cảnh con trai mình đứt ruột đẻ ra thường xuyên ăn nằm với một thằng con trai khác là tôi đã thấy ghê tởm đến bội phần. Không! Không bao giờ tôi cho phép chuyện này xảy ra. Một là nó quay về nhà, lấy vợ, sinh con đẻ cháu cho tôi, hai là nó cút ra khỏi cái nhà này muốn làm một thằng pê-đê thì tôi sẽ từ mặt nó!
Nhìn sự cau có giận dữ trên sắc mặt bác trai, trái tim Danh Ngọc và Hải Đăng vừa lo sợ lại vừ đau đớn đến tột cùng. Tay run run, Danh Ngọc kéo Hải Đăng quỳ xuống.
– Bố! Xin bố hãy tha thứ và chấp nhận chúng con!
Bác trai nhìn Hải Đăng ngạc nhiên. Nãy giờ ông cứ tưởng chàng thanh niên này là bạn thân của Danh Ngọc.
– Cậu… cậu là… – Dạ thưa bác – Giọng Hải Đăng đầy run rẩy – Cháu là Đăng, Vũ Hải Đăng… Là…là người thật lòng yêu thương và quý mến Danh Ngọc. Cháu… cháu chào bác!
Hải Đăng run đến nỗi không dám nhìn thẳng vào mặt bác trai. Cầm tay Hải Đăng mà Danh Ngọc thấy bàn tay ấy nóng bừng bừng và run lẩy bẩy.
Bác trai quát lên:
– Thì ra là cậu? Thì ra chính cậu là thằng biến con trai tôi trở nên như thế! Hôm nay còn dám vác bộ mặt nhơ bẩn của cậu đến đây à? Đồ biến thái! Cút ngay ra khỏi đây! – Bác ơi, cháu xin bác! Cháu với Ngọc thật lòng yêu thương nhau. Cháu xin bác chấp thuận! – Thật lòng yêu thương nhau? Ghê tởm! Cậu hãy cút ngay ra khỏi đây cho tôi! Đồ biến thái đầy bẩn thỉu! Cút đi! – Bố ơi…con xin bố! Con xin bố đừng nặng lời với anh ấy như vậy mà! Bố ơi, con xin bố! – Bác à, cháu… – Tôi nói là cậu hãy cút ngay ra khỏi đây cho đỡ tởm mắt tôi! Gớm giếc!
Nhìn sắc mặt bố quá đỗi là giận dữ, anh trai Danh Ngọc hiểu nếu Hải Đăng cứ mãi ở lại đây thì chẳng biết chuyện gì tồi tệ sẽ xảy ra. Anh đến gần Hải Đăng, nhỏ nhẹ:
– Hải Đăng, em tạm thời ra ngoài đi. Chuyện này anh sẽ giúp!
Hải Đăng sụt sùi đứng dậy. Cậu cúi đầu lễ phép:
– Thôi, cháu chào hai bác! Em chào anh! – Anh Đăng! Anh đừng đi! – Đứng lại! Để cho nó ra khỏi đây! Còn mày…nếu mày không muốn nhìn mặt tao nữa thì mày cứ chạy theo nó đi! – Bố! Con…con xin bố mà! – Không van xin gì hết! Mau vào với mẹ mày! – Không! Không bố ơi! Con yêu anh Đăng, con cần anh ấy!
Danh Ngọc kêu lên rồi lao ra khỏi cửa. Bác trai sê sẩm mặt mày ngã phịch xuống ghế.
– Anh Đăng, đừng đi! Đợi em với!
Hải Đăng quay lại nhìn Danh Ngọc, buồn bã:
– Ngọc đuổi theo anh làm gì? Vào với bố mẹ đi! – Nhưng…nhưng em yêu anh! Em cần anh! Anh Đăng! – Ngọc à, anh xin lỗi! Anh cũng yêu Ngọc nhiều, nhiều lắm. Nhưng…nhưng chắc là chúng mình phải chia tay thôi. Anh đã quá hồ đồ nên mới kì vọng vào một kết thúc tốt đẹp của tình yêu chúng ta. Bây giờ là lúc anh em mình cần phải tỉnh ngộ để nhận ra tình yêu của chúng ta là vô nghĩa Ngọc à! – Không, anh Đăng ơi! Em cần anh! Em không thể sống nếu thiếu anh được! – Nhưng Ngọc cũng phải cần gia đình, cần cha mẹ của mình. Ngọc có thể không có anh nhưng không thể xem như không có cha mẹ được. Ngọc, nghe lời anh, hãy trở vào và xin lỗi bố mẹ đi! – Anh, em xin anh! Anh đừng rời bỏ em mà! – Ngọc ngốc của anh, sao anh có thể rời bỏ Ngọc được? Trong trái tim anh lúc nào cũng có hình bóng của Ngọc mà. Ngọc, nghe anh, vào với bố mẹ đi! Dĩ nhiên tình yêu của chúng ta đâu dễ gì trong một hai ngày là có thể khiến bố mẹ chấp nhận ngay được? Chúng ta cần phải có thời gian. Ngọc, hãy ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ đi! Rồi dần dần chúng ta sẽ chứng minh tình yêu của chúng ta cho bố mẹ thấy rồi chúng ta sẽ thuyết phục được bố mẹ Ngọc à! – Vâng. Vậy em nghe anh. Nhưng anh phải hứa với em không được buồn đâu đó. Còn nữa, những lời vừa nãy của bố em… – Không sao đâu Ngọc à! Anh hiểu tất cả cũng chỉ là bác muốn tốt cho Ngọc! – Nhưng anh Đăng, liệu chúng ta có thuyết phục được bố em không? Em sợ lắm! – Có chứ Ngọc! Chúng ta cùng cố gắng thì ông trời cũng phải động lòng mà, nói gì đến người sinh thành ra em và thương yêu em hết mực? – Vâng. Em cũng hi vọng là thế. Vậy em vào trong anh nhá. Nhớ không được buồn đâu đấy. Có gì điện thoại cho em nha!
Hải Đăng mỉm cười gật đầu. Danh Ngọc tiếp:
– Hay là nát nữa em tiễn anh ra bến xe? – Thôi không cần đâu. Điều Ngọc phải làm lúc này là phải phụng dưỡng mẹ thật tốt, có như vậy tình yêu của anh em mình mới có hi vọng. – Vâng em hiểu rồi. Em vào trong đây.
Nhìn Danh Ngọc quay lưng bước vào trong mà lòng Hải Đăng nặng trĩu. Danh Ngọc bước đi mà Hải Đăng cứ ngỡ Danh Ngọc đang bước đi xa dần, xa dần cuộc đời cậu. Thuyết phục ư? Hy vọng ư? Xa vời lắm Ngọc ơi! Tình yêu của anh em mình chắc chắn đó chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thật đẹp, thật buồn và cũng thật xa vời mờ ảo.
***************************************************
|
” Vẫn biết yêu em là lỗi lầm, vẫn biết yêu em là thất vọng, vẫn biết yêu em là tìm không ra cho ta lối thoát…”
– A lô, anh nghe rồi, Danh Ngọc! – Anh Đăng à, em nhớ anh quá! – Anh…anh cũng nhớ Ngọc lắm. Anh buồn, buồn vô hạn. – Em cũng vậy. Em biết phải làm sao đây anh? – Ngọc à, sức khỏe của mẹ thế nào rồi? – Mẹ em xuất viện rồi. Sức khỏe cũng đang tốt dần lên. Nhưng bố em thì.. – Bố em sao? – Bố em càng lúc càng nghiêm nghị với em hơn. Trong ánh mắt ông cụ em nhận thấy không còn sự trìu mến thân thương như ngày nào nữa mà thay vào đó là một cái gì đó rất đáng sợ. Nhiều lúc ánh mắt ông cụ nhìn em như không phải đang nhìn đứa con ruột của mình mà cứ như nhìn một thứ gì đó đầy tởm lợm. Em…em đau lòng lắm anh ơi! – Ngọc, anh xin lỗi! Tất cả là tại anh mà em vướng phải bi kịch đau lòng này. Là anh không tốt! – Anh đừng nói vậy mà. Anh Đăng ơi, em nghĩ chuyện của chúng ta chắc chẳng có hi vọng gì đâu. Mới đầu nghe anh nói em còn tự tin chút chút nhưng bây giờ thì… Anh Đăng ơi, em phải làm sao bây giờ? Em không thể sống thiếu anh nhưng cũng không thể đến bên anh được. Em buồn, em nhớ anh, em đau lòng đến phát điên lên mất thôi. Nhiều lúc em muốn gọi cho anh để thỏa nỗi nhớ mong nhưng ngay cả niềm vui ấy cũng bị bố em cấm đoán. Em đang phải trốn ông cụ để gọi cho anh đây này. Cứ sống kiểu này chắc em gục ngã mất thôi. Thôi chết!
” Tút…tút…tút…! ”
– A lô, Ngọc à! – Danh Ngọc, mày gọi điện cho ai thế? – Dạ…đâu có! Đâu có ai đâu mà bố! – Tao đã cấm mày bao nhiêu lần rồi, tuyệt đối không được liên lạc với thằng ôn dịch đó. Mày muốn làm tao tức chết phải không? – Con…con xin lỗi bố! Nhưng bố ơi, con… – Cấm! Tao cấm mày nói tiếp! Giờ thì đưa máy cho tao!
Không còn cách nào khác, Danh Ngọc đành phải run run đưa chiếc điện thoại cho ông cụ. Sắc mặt tối sầm giận dữ, ông nhấn nút gọi lại.
– A lô, Danh Ngọc à, sao tự nhiên lại tắt máy vậy em? – Thằng biến thái! Tôi cấm cậu không được gọi cho con trai tôi nữa, cậu nghe rõ chưa? Cậu hãy để cho nó yên! Tôi nghiêm cấm cậu không được dụ dỗ con trai tôi dưới bất kì hình thức nào! Bằng không cậu không yên với tôi đâu! – Bác ơi, cháu… – Bộ bố mẹ cậu sinh cậu ra mà không biết dạy dỗ cậu hả, mà để cậu trở thành một thằng biến thái chuyên đi dụ dỗ con trai nhà lành như thế? Tôi cấm cậu! Tôi cấm cậu qua lại với con trai tôi nữa! Hiểu chưa? – Bác ơi, cháu…
” Tút…tút…tút…! ”
– Bố ơi, sao bố lại cay nghiệt với anh ấy như vậy? Anh ấy đâu có tội gì đâu mà bố? – Bộ nó đi dụ dỗ con trai tao không phải là tội hả? Không hiểu cha mẹ nó dạy dỗ nó kiểu gì mà để nó trở thành một thằng đốn mạt đến như vậy. – Bố! Bố mắng con cũng được, bố mắng anh ấy cũng được nhưng bố không được phép nặng lời với bố mẹ anh ấy như thế. – Sao? Mày còn bênh vực cái gia đình đó hả? Cái gia đình sinh con ra mà không biết dạy thì không đáng để tao tôn trọng một chút nào. Ngay sáng ngày mai tao sẽ đến quê hương thằng đó để nói thẳng vào mặt cha mẹ nó cái tội không biết dạy con! – Bố! Bố đừng làm vậy mà. Mẹ anh ấy mất rồi, bố anh ấy cũng ốm nặng như mẹ con vậy. Hoàn cảnh anh ấy hết sức thương tâm. Bố ơi, con xin bố! – Đừng có khóc lóc, kể lể gì ở đây! Mong tao thương hại ư? Đừng có mơ! Còn nữa, từ giờ trở đi không có điện thoại gì hết. Tao cấm! Tao cấm triệt!
Nói rồi ông cụ nổi giận bước vào nhà, chỉ còn Danh Ngọc là đứng chết lặng trong đầm đìa nước mắt.
****************************
– Chú Ngọc! Cơm canh nguội hết cả rồi kìa, vào ăn một chút đi! – Em đau khổ lắm anh ơi! Em không nuốt được! – Nghe anh, vào ăn cơm đi kẻo làm bố giận thêm. Huống hồ sức khỏe của mẹ mới khá lên, chú không muốn mẹ lại lo cho chú mà đổ bệnh chứ? – Anh ơi, anh nói là sẽ giúp em mà! Anh giúp em đi chứ! Em xin anh đấy! Từ sáng qua đến tối nay em chưa gọi điện cho anh ấy, không biết anh ấy thế nào rồi nữa. Em nhớ anh ấy quá anh ơi! – Ngọc à, chuyện này khó lắm. Hay là…hay là em cố quên Đăng đi có được không em? Biết đâu như vậy sẽ tốt cho em, tốt cả cho Đăng nữa. – Anh nói dễ vậy sao? Trước kia anh yêu chị dâu nhưng bị gia đình chị dâu phản đối, khi đó anh có quên được chị dâu không? Và chắc anh còn rất hiểu cái cảm giác bị phản đối, ngăn cấm nó như thế nào. Vậy mà anh bảo em cố quên một cách đơn giản như vậy, anh bảo em có làm được không? – Anh xin lỗi, em trai của anh! Nhìn em đau khổ như vậy anh cũng rất đau lòng. Nhưng quả thật anh không có cách gì khuyên bố giúp em được. Em biết đấy, mỗi lần anh định ho he đến chuyện của em là bố lại nhìn anh như muốn ăn tươi nuốt sống. Mà trong gia đình chắc em biết người bố yêu thương nhất chính là em, anh đâu có địa vị gì trong mắt bố? – Sáng nay bố đi Phi Liệt rồi anh ạ! Bố muốn tìm người thân của anh Đăng để nói cho mọi lẽ. Em sợ lắm! Không biết nếu như bố quá nóng giận thì gia đình và bản thân anh Đăng sẽ ra sao đây? Em lo lắm! – Bình tĩnh đi Ngọc! Biết đâu mọi chuyện không phức tạp như vậy đâu. Bố là người nóng tính thật nhưng vẫn biết ứng xử với mọi người một cách lịch sự nhất trong mọi hoàn cảnh. Em đừng lo lắng quá! – Anh ơi, nếu như bố mà to tiếng với anh Đăng và gia đình anh ấy, khiến anh ấy bị dồn vào bước đường cùng mà làm điều gì dại dột thì chắc em cũng đâm đầu xuống biển mà chết luôn mất thôi. Lần trước cũng vì em mà anh ấy thiếu chút nữa đã tự tử. Em sợ! Em sợ lắm! – Ngọc à, bình tĩnh đi. Sẽ không có chuyện đó đâu. Em đừng lo lắng quá!
|
Bác trai ngồi xuống chiếc ghế băng với sắc mặt buồn rười rượi. Khẽ rót một ly trà nóng, bác gái đặt xuống trước mặt bác trai và hỏi:
– Thế nào ông? Ông đi Phi Liệt nói chuyện với gia đình cậu ấy, kết quả ra sao?
Khẽ nhấc chén trà đưa lên miệng ngụm một ngụm nhỏ, bác trai đặt xuống rồi buồn rầu:
– Bà còn nhớ anh Thăng không? Người mà tôi luôn kể với bà đó. – Ừ. Tôi còn nhớ. Anh Thăng là người đã cứu sống ông trong kháng chiến chống Mỹ. Ông nói nếu không có anh ấy thì ông cũng đã mất mạng từ lâu rồi. Mà sao ông lại nhắc tới anh Thăng? – Đã hơn bốn chục năm nay tôi luôn cố gắng đi tìm anh ấy để nói tiếng tạ ơn nhưng đều bặt vô âm tín. Hôm nay đi Phi Liệt tôi đã tìm được anh ấy rồi. – Vậy sao? Anh ấy thế nào? Có khỏe không? – Anh ấy yếu lắm. Bệnh liệt giường đã hơn bốn năm nay rồi. Chẳng còn nhận biết ai được hết. – Vậy à? Buồn quá ông nhỉ? Thế vợ con của anh ấy thế nào? – Bà lão ấy mất rồi. Mất sau một trận cảm đột ngột. Bây giờ chỉ có cậu con trai út phụng dưỡng anh ấy thôi. – Nếu nói vậy thì hoàn cảnh gia đình anh ấy cũng đâu có khác gì gia đình mình ông nhỉ? Đời sao mà buồn quá vậy? – Đúng là Tạo hóa trêu ngươi bà ơi! Bà đâu có thể ngờ được rằng anh Thăng lại là bố đẻ của Hải Đăng. Và cái người con út luôn phụng dưỡng anh ấy lại chính là người đem lòng yêu thằng Ngọc nhà mình. Phát hiện ra sự thật này mà tôi sê sẩm hết cả mặt mày. Thành ra…cứ nghĩ đi Phi Liệt là để nói lên sự bực bội trong lòng mình với gia đình người ta. Kết quả là tôi chỉ ngậm ngùi trong đắng cay mà rơi nước mắt. – Đúng là Tạo hóa trêu ngươi! Thế ông có gặp thằng Đăng không? Ông nói gì với nó và anh chị nó? – Thằng Đăng đi làm có ở nhà đâu. Tôi nói chuyện với chị gái nó nhưng cũng chỉ là chuyện ân tình giữa tôi và bố nó thôi. Bà bảo trong hoàn cảnh ấy tôi sao có thể nói gì về chuyện của thằng Đăng với thằng Ngọc ra được? – Vậy ông có biết thằng Đăng là người như thế nào không? – Sau khi nói chuyện với chị gái nó, tôi ghé vào quán nước bên nhà hàng xóm. Hỏi thăm về nó thì ai cũng nói nó là một thằng con trai ngoan hiền, không những có hiếu mà lại rất tốt bụng với mọi người. Ai cũng thương số phận nó vất vả vì vừa phải đi làm vừa phải phụng dưỡng anh Thăng. – Họ có nói gì về bệnh nó mê trai không? – Không. Có lẽ họ không biết. Họ chỉ bảo nó nhát nên chẳng bao giờ dám dẫn bạn gái về nhà chơi. – Chắc họ nói thật ông ạ! Nhìn thằng Đăng tôi thấy nó đúng là một đứa ngoan hiền và lễ phép.
Bất chợt bác trai mỉm cười chua chát:
– Có phải tôi đã quá ghê tởm vì nó chăng? Chẳng hiểu sao khi gặp lại anh Thăng, nhìn hoàn cảnh của anh ấy và được mọi người nói tốt về thằng Đăng thì mọi sự khinh miệt nó trong tôi như chẳng còn nữa. Tôi không hiểu đây là cảm giác gì, liệu có phải vì người ta là ân nhân của mình nên tôi yếu lòng đi chăng? Thay vào đó tôi lại thấy thương số phận thằng Đăng. Đúng là rõ khổ! Hoàn cảnh gia đình đã vất vả lại còn vướng phải căn bệnh khác người đó nữa. Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp cho thằng nhỏ. Tôi đúng là không thể hiểu nổi mình nữa rồi bà ơi! – Không chỉ có thế tôi còn đoán chắc ông đang hối hận vì những lời lẽ nặng nề với thằng Đăng hôm trước? – Bà nói đúng. Thằng nhỏ bị như vậy, bản thân nó chắc cũng chẳng muốn thế và cũng đau khổ rất nhiều. Thế mà tôi lại lấy nỗi đau của nó rạch thêm lên những nhát dao tàn nhẫn. Tôi đúng là già rồi nên ích kỉ và nhỏ nhen quá. – Mà ông có hỏi chị gái nó tâm trạng mấy hôm nay của nó như thế nào không? – Chị gái nó bảo từ buổi sáng theo thằng Ngọc về Đồ Sơn thăm bệnh tình bác gái, nó trở về nhà mà mặt mày lúc nào cũng buồn rười rượi. Ánh mắt nó đỏ hoe và giọng nói thì khàn hẳn. Chị gái nó biết nó gặp chuyện buồn nhưng gạn hỏi thế nào nó cũng không nói.
Bác gái thở dài:
– Thằng Ngọc nhà mình mà chẳng thế hả ông? Ông nhìn nó đấy, lúc nào cũng thơ thẩn như một cái xác không hồn. Mới có hai ngày mà tôi cảm thấy nó gầy rộc đi trông thấy. Nhìn nó mà tôi đau lòng quá ông ơi! – Mà nó đâu rôi? – Chắc là ra biển rồi. Suốt từ sáng cho đến trưa rồi từ trưa cho đến tối nó cứ ngồi thơ thẩn trên bãi biển, chỉ khi anh trai nó gọi nó về ăn cơm thì nó mới chịu về, còn không, chắc… – Chuyện như vậy bà tính thế nào? – Ai mà biết nữa ông? Phải chi nó thất tình vì một người con gái thì mọi chuyện còn dễ giải quyết. Đằng này… – Vậy cứ kệ nó đi! Khoảng năm, ba bữa nữa, hai chúng nó không gặp nhau chắc cũng sẽ nguôi ngoai nỗi nhớ. – Ông có chắc không? Nhìn thằng Ngọc như vậy và nghe ông kể về thằng Đăng như thế tôi biết tình cảm của chúng nó không dễ gì phai nhạt được đâu. Có khi càng tách chúng nó ra thì chúng nó càng nhớ, càng yêu nhau hơn. Rồi nhỡ đâu chúng nó yêu nhau quá mà quá đau khổ rồi làm chuyện gì dại dột thì chết ông à. Nhà mình không thể mất thằng Ngọc cũng như anh Thăng không thể thiếu thằng Đăng được. Ông thử nghĩ xem nếu thằng Đăng có mệnh hệ gì thì anh Thăng biết lấy ai mà sai bảo đây? – Vậy ý bà là sao? – Hay là…hay là mình để tùy ý bon trẻ đi! – Nhưng như thế là loạn luân, là biến thái! – Ông à, con trai mình dù hay dù dở cũng là con trai mình, mình phải biết chấp nhận thôi. Chúng ta cứ để mặc kệ bọn trẻ đi. Thú thật với ông tôi chẳng hề quan tâm gì đến chuyện người ngoài sẽ nói gì và bàn tán gì về gia đình chúng ta, tôi chỉ mong thằng Ngọc được vui vẻ thì tôi cũng hạnh phúc. Huống hồ chúng nó yêu nhau chứ có làm chuyện gì đáng phải hổ thẹn đâu. Người ta sinh con ra mà không biết dạy, để con nghiện ngập, trộm cắp, cướp của, giết người, đó mới là điều đáng hổ thẹn ông ạ! – Vậy bà không muốn có một nàng dâu út hay sao? Bà không muốn có thêm một hai đứa cháu nội nữa? – Muốn chứ ông! Tôi muốn lắm chứ! Nhưng trên đời đâu phải mình muốn chuyện gì cũng được? Mấy hôm nay nhìn thằng Ngọc cứ thơ thẩn như một cái xác không hồn, tôi như chết từng khúc ruột. Bây giờ tôi chỉ muốn thấy nó sống vui vẻ trở lại thôi, đó là điều mà tôi mong ước lớn nhất. Những chuyện khác tôi không dám mơ đến nữa ông à!
Nhìn sang phía bàn ăn, thấy cơm canh đã nguội sạch mà vẫn được đậy lồng bàn kín mít, bác trai hỏi:
– Bà và thằng Ngọc vẫn chưa ăn cơm sao? – Chắc nó vẫn ngồi ở biển. Thằng Ngọc không ăn cơm, ông bảo tôi còn có tâm trạng nuốt nổi nữa hay không? – Con với chả cái! Để tôi ra gọi nó về. Haizz!
Bác trai thở dài một tiếng rồi đứng dậy khỏi ghế. Trên khóe mắt đỏ hoe của bác gái, một dòng nước mắt trong như sương sớm trào ra.
– Ngọc! Hơn bảy giờ tối rồi đó, sao cứ ngồi mãi ở đây? Gió biển lạnh lắm đó. Mau về nhà ăn cơm đi. Mẹ con đang chờ kìa. – Dạ vâng! Danh Ngọc gật đầu rồi đứng dậy bước đi. Bác trai nhìn cậu, thở dài một cái rồi lên tiếng: – Ngọc này! – Dạ! – Điện thoại đây, con gọi cho thằng Đăng, bảo nó sáng mai đến đây, gia đình mình có chuyện muốn nói với nó.
Đón chiếc điện thoại trong tay, Danh Ngọc nhìn bố, ấp úng:
– Bố! Có chuyện gì không ạ? – Con cứ gọi nó đi. Chuyện khác không phải hỏi gì hết.
Nhìn bác trai bước đi, lòng Danh Ngọc không khỏi mơ hồ khó hiểu. Hôm nay ông cụ đi Phi Liệt, chuyện gì đã xảy ra? Tại sao khi trở về ông cụ lại nói chuyện nhẹ nhàng với cậu như thế? Sáng mai ông cụ sẽ nói gì với Hải Đăng? Cậu và Hải Đăng chẳng lẽ có một chút cơ hội rồi sao? Ôi, ước gì chuyện đó là sự thật.
– A lô, Danh Ngọc hả? Có chuyện gì rồi em? Sao hai hôm nay không gọi cho anh thế? – Anh Đăng, bố em cầm điện thoại của em nên em không gọi cho anh được. Em nhớ anh quá à. Anh có sao không? – Anh không sao, chỉ buồn và nhớ Ngọc thôi. Mà sao Ngọc lại gọi cho anh? Không sợ bố phát hiện ra à? – Lạ lắm anh ạ! Hôm nay bố em đi Phi Liệt là để nói chuyện của chúng ta với gia đình anh đấy. Không hiểu có chuyện gì mà khi trở về, thay vì thái độ giận dữ như mọi hôm thì bố em lại buồn bã và nhẹ nhàng với em rất nhiều. Ông cụ đưa điện thoại cho em và bảo em gọi cho anh. Ông cụ bảo là mai anh đến Đồ Sơn, gia đình em có chuyện gì đó muốn nói với anh. Em không biết nữa. Em hồi hộp và lo lắng quá anh Đăng à! Liệu có phải chuyện của chúng mình có một chút hy vọng rồi không anh? – Anh không biết nhưng theo như lời em nói thì cũng có thể là như vậy đó. Được, mai anh sẽ đến nhà em. – Anh Đăng, em sợ lắm. Nếu như… – Chắc không có chuyện gì đâu Ngọc à. Dù sao gia đình em muốn nói chuyện với anh thì chúng ta cũng có một chút cơ hội rồi đó. Ngọc đợi anh nha, mai anh sẽ đến. – Dạ vâng, em đợi anh.
|