Câu Chuyện Thứ Hai
|
|
Câu chuyện thứ hai – Chương 16
– Trên đời này không ai cho không ai cái gì hết, rồi bả sẽ tính món nợ này với thằng Tú, dùng tiền để trói buộc nó vào cuộc đời bả… Nhưng trong lúc này mình đang khó khăn nên cứ tạm chấp nhận, coi như không biết vậy. Từ từ rồi tụi mình tìm cách trả lại, mắc nợ ai chứ mắc nợ bà này là khổ cả đời. Dù sao cũng phải cảm ơn bả đã giúp tụi mình trong lúc thắt ngặt này… Bây giờ em cứ đưa bác về, có chuyện gì thì điện cho anh, chuyện trong này để anh và thằng Tú giải quyết.
– Vậy có chuyện gì anh cũng điện cho em hay nhe.
Thằng Tuấn đưa ba nó về rồi tôi và thằng Tú cũng quay về công ty trả lại tiền cho bác tôi. Tranh thủ giải quyết công việc xong, tôi qua công ty anh Hoàng để nộp hồ sơ, sẵn trao đổi với ảnh một số vấn đề mà tôi chưa hiểu.
Buổi trưa tôi trở lại công ty rủ thằng Tú đi ăn cơm rồi kể cho nó biết chuyện bà Liên trả tiền viện phí làm nó thất thần rớt luôn cái muỗng. Tôi phải trấn an nó vài câu rồi kêu nó nay mai hẹn bả ở đâu đó để giải quyết chuyện này. Thằng Tú hỏi tôi định giải quyết ra sao thì tôi nói gặp bả rồi tính, chứ chưa biết bả nói như thế nào thì tính cái gì. Rồi nó móc điện thoại điện cho bà Liên, chắc là bả vui lắm khi thằng Tú hẹn gặp. Không biết bả nói gì mà mặt nó nhăn nhó như khỉ ăn ớt, chỉ ừ ừ hử hử, nhưng cuối cùng bả hẹn nó chiều mai gặp nhau.
Chiều hôm sau tụi tôi đến chỗ hẹn nhưng không thấy bà Liên đâu, ngồi chờ gần một tiếng tụi tôi định về thì bả đến.
– Xin lỗi cưng nhe, tại kẹt xe nên Liên đến trễ… cưng chờ Liên có lâu không – bả xáp lại thằng Tú như không có mặt tôi ở đó vậy – Nghe cưng hẹn gặp là Liên gác hết mọi công việc qua một bên để đến đây với cưng nè, thấy Liên dễ thương hôn… Sao, chắc cưng suy nghĩ lại rồi ha, về với Liên là cưng sẽ có tất cả, muốn gì được nấy. Liên sẽ lo cho gia đình của cưng được sung sướng, đầy đủ mọi thứ như người ta…
– Thôi được rồi, tui cảm ơn chị đã để mắt đến… nhưng hôm nay tui hẹn chị ra đây không phải vì chuyện đó. Có chuyện này tui muốn hỏi chị, có phải chị là người đã thanh toán tiền viện phí cho ba tui phải không?
– Thì ra cưng vì chuyện này mới chịu gặp Liên hả… phải thì sao, không phải thì sao?
– Nếu không phải là chị thì tui không còn gì để nói, còn nếu phải thì… Tui cảm ơn chị đã giúp đỡ gia đình tui trong lúc khó khăn, nhưng không phải vì vậy mà tui sẽ đáp ứng yêu cầu của chị và sẽ không bao giờ có chuyện đó. Rồi tui sẽ tìm cách trả lại hết số tiền đó cho chị trong thời gian sớm nhất.
– Sao cưng tuyệt tình với Liên quá vậy… Cưng đã biết thì Liên cũng không giấu, nhưng Liên không cần cưng phải trả lại số tiền đó, đối với Liên bao nhiêu đó chẳng có nghĩa lý gì hết. Đó là tấm lòng của Liên đối với cưng và gia đình, cưng không hiểu sao. Cái Liên cần là tình cảm của cưng giành cho Liên kìa… Rồi Liên sẽ cho cưng gấp trăm, gấp ngàn lần như vậy, cưng sẽ có tất cả, chỉ cần…
– Nhưng tui không cần tiền bạc của chị, tui nghèo thiệt nhưng chỉ muốn xài những đồng tiền do mình làm ra. Còn tình cảm thì… xin lỗi chị tôi không thể. Tôi đã có tình yêu của mình rồi và sẽ sống chết với người mình yêu, không gì chia cắt tụi tui được đâu. Mong chị hiểu cho và từ nay đừng quấy rầy tụi tui nữa, một lần nữa tui cảm ơn chị.
– Tú… cưng vì cái tình yêu bệnh hoạn, vì cái thằng biến thái này mà từ chối Liên sao. Cưng có nghĩ đến tương lai của mình sau này không, chẳng lẽ cưng cứ sống như vầy tới già không thấy chán sao?
– Chuyện của tui như thế nào chị đừng quan tâm, tui làm thì tui chịu, chuyện sau này để sau này hẳn hay. Còn bây giờ tui chỉ biết người tui yêu thôi, chị làm ơn đừng làm phiền tụi tui nữa, nếu không tui không khách sáo với chị nữa đâu.
– Hahaha… cưng làm gì Liên cứ thử cho Liên coi nào. Trước giờ chỉ có Liên này ra tay với người khác thôi chứ chưa ai dám đụng đến con này đâu nhe… Được rồi, ngày mốt Liên có công chuyện làm ăn phải đi nước ngoài một tháng, trong thời gian này cưng hãy suy nghĩ thật kỹ rồi trả lời cho Liên biết, nhưng đây là lần cuối cùng. Hy vọng rằng cưng sẽ nghĩ lại, Liên không muốn phải ra tay với người mình yêu bao giờ… Những gì Liên này muốn mà không có được thì cũng đừng hòng ai chiếm lấy. Bây giờ Liên có việc phải đi trước, cưng về suy nghĩ kỹ đi ha… Chủ quán, tính tiền…
Bà ta khẽ liếc xéo tôi rồi bỏ đi, tôi cảm thấy ớn lạnh trước ánh mắt của bả và linh cảm có điều gì đó không tốt sắp xảy ra với mình.
Công việc chuẩn bị cho đám cưới thằng Nguyên diễn ra thật suông sẻ, cũng nhờ mấy anh chị ở cơ quan ba tôi mỗi người phụ một tay. Tôi cũng phải chạy tới chạy lui thay ba mẹ đi mời bà con, bạn bè tại SG. Tôi rất muốn rủ thằng Tú về dự nhưng sợ ba không đồng ý, vậy là tôi đem chuyện này nói với mẹ và thằng Nguyên. Mẹ tôi bảo cứ kêu nó về, ba tôi tuy nói cứng vậy chứ chắc cũng nguôi nguôi rồi. Còn thằng Nguyên nói có gì cứ nói là nó mời, cái thằng sắp làm cha rồi nên có khác.
Rồi đám cưới của thằng Nguyên cũng đến. Bà con dòng họ nội ngoại, bạn bè đồng nghiệp của ba mẹ, rồi của thằng Nguyên kéo đến chúc mừng đông nghẹt, cả một khu vườn và cả cái sân rộng chật kín bàn ghế. Khỏi phải nói là ba mẹ tôi mừng đến cỡ nào, lần đầu tiên làm sui mà, nhưng không chừng cũng là lần cuối. Nhìn thằng Nguyên chững chạc, rạng ngời trong bộ đồ chú rể mà tôi ước gì mình và thằng Tú cũng được như vậy cùng sánh bước bên nhau. Nhưng tôi biết rằng điều đó mãi mãi là không thể.
Khách khứa ra vô tấp nập nên ba tôi hầu như không biết sự có mặt của thằng Tú, mà như vậy cũng tốt. Chiều hôm ấy sau khi tiệc tan, tụi tôi liền trở lên SG để khỏi mắc công khó xử.
Suốt hai tuần sau đó tôi cắm đầu ôn luyện để chuẩn bị thi tuyển vào công ty kiểm toán. Cứ hai, ba ngày là anh Hoàng kêu tôi đến để kiểm tra, rồi ảnh giả làm giám khảo bắt tôi trả lời những câu hỏi tình huống, rồi góp ý, chỉnh sửa… Nhờ sự hướng dẫn tận tình của ảnh mà tôi đã vượt qua kỳ thi tuyển một cách hoàn hảo, được đích thân Chủ tịch HĐQT của công ty tuyên bố tuyển dụng ngay sau buổi sát hạch cùng với hai người khác. Vậy là tuần sau tôi đã chính thức trở thành đồng nghiệp của anh Hoàng rồi.
Chiều hôm ấy ba mẹ tôi từ BD đích thân xuống SG mở tiệc mừng tôi đã có việc làm và cũng để cảm ơn vợ chồng anh Hoàng đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua. Ba mẹ cũng mời bác Hai đến dự, nhân tiện xin phép cho tôi được nghỉ việc tại công ty của bác. Có lẽ đã đoán trước việc này rồi cũng sẽ đến nên bác cũng vui vẻ đồng ý, chỉ nhờ tôi lâu lâu ghé qua công ty kiểm tra sổ sách giùm bác. Buổi tiệc càng vui khi vợ chồng thằng Nguyên từ Thủ Đức cũng vào chúc mừng anh hai nó có việc làm, để nó có thêm nhà tài trợ mà nuôi con. Và niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội khi con Thủy cho hay là ba mẹ tôi sắp sửa có hai đứa cháu nội trai. Tất nhiên là ba mẹ vui mừng biết chừng nào, còn tôi cũng thấy nhẹ nhõm trong lòng.
Bất chợt thằng Nguyên lên tiếng hỏi “Ủa, ông Tú đâu sao không đến…”, thằng này hiểu ý anh nó ghê, tôi cũng muốn kêu thằng Tú đến nhưng không dám. Nghe thằng Nguyên nói vậy làm vẻ mặt ba tôi hơi sượng, nhưng khi anh Hoàng lên tiếng “Ờ… sao không thấy Tú… Đăng, em điện kêu Tú tới chơi, trong nhà không mà…” thì ba mới lên tiếng biểu tôi gọi thằng Tú đến. Có lẽ anh Hoàng đã phần nào đoán biết mối quan hệ của tụi tôi nên có ý giải vây đây mà… Nhưng thằng Tú đã không đến, chắc nó sợ làm ba tôi mất vui, thôi vậy cũng tốt.
Đêm đó thằng Tú chúc mừng tôi bằng một bó hồng thật lớn, không biết nó học đâu ra cái cách lãng mạn như vậy. Và tụi tôi lại có một đêm ái ân thật nồng cháy và càng ý nghĩa hơn khi thằng Tú làm bot cho tôi cả đêm, tôi như lấy lại bản lĩnh của chàng top ngày nào.
Tôi đã đi làm được một tuần, tuy là lính mới nhưng do đã từng thực tập tại công ty nên tôi nhanh chóng làm quen với đồng nghiệp. Do được đánh giá cao qua đợt thi tuyển nên tôi được giao làm trưởng nhóm của 20 nhân viên vừa mới được tuyển vào một đợt với mình. Tụi tôi phải trải qua một tháng tập huấn nghiệp vụ trước khi được giao nhiệm vụ chính thức.
|
Sau khóa tập huấn, cả nhóm được chia làm 5 tổ, tất cả trở thành kiểm toán viên tập sự, mỗi tổ do một kiểm toán viên chính làm tổ trưởng. Từ kiểm toán viên tập sự lên kiểm toán viên chính phải có thâm niên ít nhất một năm, phải có thành tích xuất sắc và quan trọng là phải vượt qua đợt sát hạch thật gắt gao về nhiều kỹ năng. Và sau này tôi đã làm được điều đó…
Mãi mê với công việc mới nên tôi cũng quên mất chuyện của bà Liên, cho đến buổi chiều hôm đó… Vừa đi làm về tới tôi đã thấy xe bà Liên đậu trước cửa, cách xa xa có hai thằng đi môtô mà tôi đã từng gặp mặt chờ sẵn. Thấy tôi về tới, bà Liên liền mở cửa xe bước xuống.
– Cậu kia, tôi muốn nói chuyện với cậu một chút.
– Tôi với cô có chuyện gì để mà nói.
– Có chứ… bởi vì cậu mà Tú nhất định từ chối tôi, cậu giỏi lắm… Nhưng tôi đã nói rồi, cái gì mà Liên này muốn mà không có được thì bất cứ ai cũng đừng hòng chiếm lấy. Nghĩ tình ba mẹ cậu với tôi cũng một thời là bạn bè với nhau nên tôi cho cậu một cơ hội. Tôi muốn cậu nên chủ động rời xa Tú, mà tốt nhất cậu nên khuyên Tú về với tôi để sống cuộc đời sung sướng…
– Cô… tôi nghĩ cô là người lớn nên mới nói chuyện đàng hoàng, không ngờ cô lại trơ trẽn đến như vậy. Cô có nghĩ rằng chính sự trơ trẽn đó mà Tú ngày càng ghê sợ, xa lánh cô không. Cô lấy quyền gì mà bắt tôi phải rời xa người yêu mình hả… dù tôi có chết cũng không bao giờ có chuyện đó.
– Cậu… mày… mày nói ai trơ trẽn hả thằng biến thái… Quyền gì hả, tao sẽ cho mày biết quyền gì nè… – tôi chưa kịp phản ứng thì đã lãnh nguyên một cái tát vào mặt, đúng lúc đó thì…
– Bà kia, tui đã cảnh cáo bà rồi mà bà còn dám đánh anh Đăng hả, để coi bà biết đau không nè… – thằng Tú vung tay tát thật mạnh vào mặt bà Liên làm bả lảo đảo sém té, hai thằng đàn em của bả sau giây phút ngỡ ngàng vội vàng chạy đến.
– Chị… chị có sao không… thằng kia, mày dám đánh chị Liên hả, tao cho mày mềm xương bữa nay…
– Dừng tay, tụi bây lui ra… Tú, cậu vì cái hạng người này mà ra tay đánh tôi hả, cậu đối với người ơn của mình vậy sao. Trước giờ chỉ có Liên này đánh người ta chứ chưa ai dám đụng đến tôi, vậy mà cậu… Haha… giỏi… giỏi lắm… Cậu đã cạn tình thì tôi cũng cạn nghĩa… Cậu phải trả giá đắt cho cái tát này, tôi sẽ cho cậu biết sống trong đau khổ là như thế nào… cậu chờ đó… Hahaha…
Mọi chuyện xảy ra thật bất ngờ làm tôi không sao ngăn cản được thằng Tú, bởi tôi biết bà Liên là người không đơn giản, động đến bả là sẽ xảy ra chuyện lớn nên tôi đã cố gắng nhẫn nhịn trong suốt thời gian qua. Vậy mà thằng Tú đã không dằn được mà chọc vào ổ kiến lửa.
– Tú, sao em tát bả chi vậy… rồi bả sẽ có cớ mà làm lớn chuyện, bả không dễ dàng bỏ qua chuyện này đâu.
– Ai kêu bả đánh anh làm chi, dạy cho bả một bài học để cho bả chừa cái thói côn đồ, ỷ lớn hiếp nhỏ.
– Nhưng bả là người dữ tợn lắm em biết không, động đến bả là không yên đâu… Em nghe bả nói gì không, từ nay ra đường phải cẩn thận đó.
– Bả dám làm gì em, giết em là cùng chứ gì… Nói chứ bả không dám đâu, trước giờ bả hăm he hoài mà có thấy gì đâu, anh không thấy sao.
– Ờ… nhưng lần này em đánh bả trước mặt đàn em, coi chừng bả ôm hận trong lòng rồi trả thù thì sao. Thôi, cẩn thận vẫn hơn…
Suốt hai, ba tháng sau bà Liên không có động tĩnh gì và cũng không còn làm phiền nữa. Tụi tôi cứ nghĩ bả chỉ hăm dọa như mọi lần nên không còn đề phòng như lúc đầu, có ngờ đâu…
Chiều tối hôm đó tụi tôi đi ăn ở bên ngoài, rồi đi siêu thị mua một ít đồ để chuẩn bị về nhà thằng Tú. Bởi tuần sau là Noel nên tụi tôi tính nghỉ hai ngày để đi chơi và cũng để kỷ niệm hai năm yêu nhau. Khi về tới nhà cũng đã hơn 9g, con hẻm lớn đã vắng người qua lại. Thằng Tú vừa dừng xe để xuống mở cổng, tôi vẫn còn ngồi trên xe ôm bọc đồ, thì có tiếng gầm rú của một chiếc xe su sport lao đến. Bất chợt thằng Tú la lớn “Anh Đăng… coi chừng…”, tôi chưa hiểu chuyện gì thì nó đã lao đến xô tôi ngã xuống đất. Đồng thời, một tiếng “Á…” thất thanh vang lên giữa đêm vắng.
Tôi lòm còm ngồi dậy xem chuyện gì vừa xảy ra thì thấy chiếc xe chở hai thằng đã chạy xa, nhưng tôi vẫn thoáng thấy ánh lóe sáng của thanh kiếm hay mã tấu gì đó và… thằng Tú đang từ từ quỵ xuống. Linh cảm có chuyện chẳng lành tôi vội lao đến đỡ lấy nó thì… người tôi lập tức thấm ướt một màu đỏ. Thằng Tú đang đưa tay bịt chặt cổ nhưng máu vẫn tuôn xối xả thành dòng, một lằn đứt dài, sâu chéo ngang cổ nó xuống tới ngực. Tôi vội cởi áo bịt chặt vết thương ngay cổ rồi la lớn cầu cứu.
Suốt đoạn đường tới bệnh viện máu vẫn tuôn không ngừng, trên tay tôi thằng Tú đang lả dần, lả dần. Tôi vẫn ôm chặt nó và cố nói trong nước mắt “Tú ơi… ráng lên em… sắp tới bệnh viện rồi… ráng lên em…”. Hình như nó có nói gì đó nhưng trong lúc bấn loạn tôi không nghe rõ, chỉ nghe được vài tiếng “Anh Đăng… em… em lạnh quá…”. Vậy mà chỉ vài phút sau khi đến bệnh viện thì nó đã hôn mê.
Thằng Tú nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu, tôi còn nghe bác sỹ dặn y tá chuẩn bị tiếp máu ngay. Suốt một tiếng đồng hồ đứng bên ngoài lòng tôi như lửa đốt, không biết phải làm gì, tôi cứ lầm bầm khấn vái trời phật cho người tôi yêu tai qua nạn khỏi. Thấy bác sỹ, y tá chạy tới chạy lui với nét mặt căng thẳng tôi càng sợ hơn, nhưng tôi không dám nghĩ đến điều xấu nhất sẽ đến.
Lúc này tôi chợt thấy lạnh bởi từ lúc đó tới giờ tôi vẫn đang ở trần, cái áo dính đầy máu của tôi không biết ở nơi nào nữa. Chợt nhớ ra điều gì tôi vội móc điện thoại ra nhưng cũng không biết nên điện cho ai lúc này, đã gần 11g đêm không biết có ai còn thức không. Cuối cùng tôi quyết định điện cho thằng Nam và thằng Nguyên nói vắn tắt tình hình rồi kêu tụi nó vào ngay với tôi.
10 phút sau thì thằng Nam vào tới, còn thằng Nguyên sau đó 20 phút. Tôi chưa kịp nói gì với thằng Nguyên thì cửa phòng cấp cứu bất chợt mở ra, cô y tá cho hay là thằng Tú mất máu quá nhiều đang rất nguy kịch mà bệnh viện đã hết nhóm máu O nên kêu tôi điện kêu người nhà vào cho máu. Chợt nhớ mình có cùng nhóm máu với nó nên tôi định nói với y tá là tôi sẽ tiếp máu. Thế nhưng đúng lúc đó cửa phòng lại bật mở… vị bác sỹ trán vẫn còn lấm tấm mồ hôi run run hỏi.
– Ai là người nhà của bệnh nhân?
– Thưa bác sỹ… là tụi em…
– Xin lỗi các anh… – tôi muốn ngã quỵ khi nghe những câu này nhưng vẫn cố gượng – bệnh nhân do bị đứt động mạch cảnh nên mất máu quá nhiều… chúng tôi đã cố gắng hết sức… nhưng anh ấy đã đi rồi…
Nghe đến đây tôi chỉ la lên “Tú ơi…” rồi ngã quỵ không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong một căn phòng, chắc là vẫn còn trong bệnh viện. Thằng Nam đang ngồi ngủ gục kế bên… Sau vài giây định thần lại thì thực tại ùa đến và tôi ước gì đây chỉ là một giấc mơ. Nhưng những giọt nước mắt cứ đua nhau tuôn tràn thì tôi biết một sự thật khủng khiếp đã ập xuống đời mình. Vậy là tôi đã mất em vĩnh viễn, mình đã hứa sẽ sống bên nhau trọn đời mà Tú ơi. Rồi đây anh sẽ sống ra sao khi không còn em bên cạnh, sao định mệnh lại bắt tôi và em lại xa nhau như vầy chứ. Bên tai tôi như vẫn còn nghe văng vẳng tiếng em “Anh Đăng… em… em lạnh quá…”… Bao dòng suy nghĩ làm đau đớn, nhức nhối con tim bật ra thành tiếng khóc rấm rứt rồi vỡ òa thống thiết “Tú ơi… Tú ơi…”.
– Anh Đăng, anh tỉnh rồi hả… dù sao Tú nó cũng đi rồi, anh đừng quá đau buồn mà ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Tú đâu rồi… nó nằm ở đâu… đưa anh đi gặp nó.
– Tú đang nằm ở phòng bên, có công an đang khám nghiệm pháp y gì đó. Họ nói khi nào anh tỉnh thì cho họ gặp để lấy lời khai, anh thấy thế nào rồi?
– Anh không sao… đưa anh đi gặp họ…
Em nằm đó phủ lên mình tấm vải trắng, khuôn mặt xanh xao như đang ngủ. Tỉnh dậy đi Tú ơi, mình đã vượt qua nhiều trở ngại để được ở bên nhau, sao em lại bỏ anh mà đi vậy. Tôi ôm lấy nó mà nức nở… Khó khăn lắm tôi mới trả lời hết những câu hỏi của các anh công an, không nhớ lúc đó mình đã nói gì, nhưng tôi biết rằng người bọn chúng nhắm vào là tôi. Và em đã vì tôi mà lãnh trọn nhát dao oan nghiệt để rồi ra đi mãi mãi, không kịp trăn trối một lời.
Đến sáng thì mọi người trong công ty giày biết tin kéo đến chật kín bệnh viện. Ba đưa mẹ xuống nhưng ở ngoài xe không vào, chắc ông không muốn chứng kiến cảnh con trai mình vì một thằng con trai khác mà đang đau khổ, vật vã đến chết đi sống lại. Và chắc không nhiều người biết tôi là gì của nạn nhân mà đau đớn đến như vậy.
Không biết ai cho hay mà trong buổi sáng hôm đó thằng Tuấn, bé Tư và bé Năm cũng vô tới. Tiếng gào thét đau đớn của hai đứa em gái làm những người có mặt ở đó không sao ngăn được dòng lệ thương cảm. Và có lẽ không ai biết rằng có một con người cay độc cũng đang nép mình theo dõi mọi chuyện, chứng kiến cảnh tang tóc này cũng phải lăn dài những dòng lệ bi thương.
|
Thằng Tuấn có lẽ là người bình tĩnh nhất, nó hết đến bên tôi an ủi, động viên hai đứa em rồi lại tất bật lo hậu sự cho em trai mình. Mọi thủ tục diễn ra thật suông sẻ đến bất ngờ, đến trưa thì anh em tôi, thằng Nam và anh em nó cùng đưa thằng Tú về Hàm Tân. Và có một sự thật mà sau đám tang thằng Tuấn mới cho tôi biết.
Tin dữ được báo về từ sớm nên mọi việc ở nhà đã được bạn bè thằng Tú, bà con hàng xóm chuẩn bị sẵn. Tiếng khóc thương bi phẫn vang lên nức nở khi chiếc xe chở quan tài về đến, đến lúc này tôi mới thấy thằng Tuấn gào lên đau đớn trước cái chết oan ức của em mình.
Suốt hai ngày tang lễ tôi cứ như cái xác không hồn lặng lẽ ngồi một góc bên quan tài thằng Tú, cứ nghĩ đến chuyện mình đã mất nó mãi mãi là nước mắt tôi lại lăn dài. Tôi cũng không còn tâm trí mà để ý đến những người đến viếng tang, mọi chuyện đã có thằng Tuấn, Nguyên và Nam đứng ra lo liệu. Nhưng có một việc hơi bất thường là trước giờ đưa thằng Tú về với đất mẹ thì xuất hiện một dàn kèn tây thật lớn từ SG ra, họ nói là bạn bè thằng Tú ở SG phúng viếng và đưa tiễn nó về nơi an nghỉ cuối cùng. Bạn bè nào mà chơi sộp dữ vậy bởi chi phí không phải là ít, mà bạn bè nào tại sao tôi không biết. Nhưng rồi cũng chỉ là những suy nghĩ thoáng qua, nhường chỗ cho nỗi đau đớn đang giằng xé hồn tôi bởi giây phút xa nhau vĩnh viễn đang gần kề.
Niềm an ủi lớn nhất với tôi là ba mẹ đã ra đây để đưa tiễn thằng Tú, nhìn cái cảnh ba bắt tay chia buồn với ba thằng Tú mà tôi cảm thấy ấm lòng.
Rồi giây phút đưa em về với đất mẹ cũng đến. Thật lạ, lúc đó mắt tôi ráo hoảnh, có lẽ nước mắt đã cạn khô trong những ngày qua. Chỉ có nỗi đau quặn thắt tràn ngập tâm hồn, tim tôi đang dần khép lại theo từng mảnh đất đang dần bao phủ lấy em. Nhưng tôi biết, hình ảnh của em sẽ mãi mãi trong tim tôi.
Tôi nhờ anh Hoàng xin phép cho tôi nghỉ một tháng không ăn lương để ở lại với em. Suốt một tuần lễ sau đó tôi cứ quanh quẩn bên mộ em từ sáng sớm đến chiều tối, những kỷ niệm khi còn bên nhau cứ ùa về làm mắt tôi nhòa lệ. Những ngày đầu ba thằng Tú cũng tìm ra khuyên tôi nên về SG vì dù sao con ổng cũng đã chết rồi, nhưng tôi cứ im lặng không trả lời.
Chắc có lẽ ổng cũng lờ mờ đoán được mối quan hệ không bình thường của tôi với con trai ổng. Riết rồi ổng cũng ở ngoài đó nói chuyện với tôi cho đỡ buồn. Còn đám bạn thằng Tú ngày nào cũng ghé qua hai ba bận tâm sự vài câu cho tôi đỡ cô đơn. Tôi biết tụi nó cũng thắc mắc tại sao tôi lại nặng tình với thằng Tú đến như vậy, nhưng tôi mặc kệ. Tụi nó còn che tạm cho tôi cái chồi để che mưa che nắng. Thằng Tuấn cũng bỏ cả công ăn chuyện làm mà quanh quẩn bên tôi, chắc nó sợ tôi nghĩ quẫn rồi đi theo thằng em nó.
Sang tuần sau thì thằng Tuấn kêu thợ xây mộ cho thằng Tú, vậy là tôi lại có cớ sớm hôm gần kề bên em. Lúc đầu tôi không để ý người ta xây như thế nào, đến khi gần hoàn thành thì tôi mới giật mình tự hỏi tiền ở đâu mà thằng Tuấn xây mộ cho em nó to và đẹp đến như vậy. Tôi hỏi mấy ông thợ xây cái mộ như vầy tốn khoảng bao nhiêu thì mới biết chắc hơn 10 triệu. Sau bữa cơm chiều tôi kéo thằng Tuấn ra quán café.
– Em nói đi, tiền ở đâu mà em xây mộ cho thằng Tú lớn quá vậy?
– Dạ… mấy ngày nay em cũng định nói chuyện này với anh, nhưng thấy anh vẫn chưa nguôi ngoai nên em chưa tiện nói.
– Tuy rằng anh đang rất buồn, nhưng anh vẫn đủ tỉnh táo để biết chuyện gì đang xảy ra mà. Em nói đi, tiền ở đâu em có?
– Đó là tiền phúng điếu thằng ba đó anh.
– Nhưng cũng đâu có nhiều như vậy… anh em, bạn bè ở công ty, bà con dòng họ ngoài này, bạn bè của thằng Tú hoàn cảnh như thế nào anh không biết sao. Em nói thiệt đi, em đang giấu anh chuyện gì phải không?
– Dạ không… anh còn nhớ dàn kèn tây từ SG ra không. Hôm đó sau khi họ thổi mấy bài phúng viếng thằng ba, lúc họ quay ra thì em thấy trên bàn thờ có một bao thơ lớn, cứ nghĩ là của bạn bè thằng ba ở SG gởi ra phúng điếu. Lúc đó lu bu quá nên em kêu vợ em cất đi, mấy ngày sau rồi cũng quên mất. Mấy ngày trước chợt nhớ em mới mở ra coi thì anh biết trong đó là gì không… 100 triệu đồng.
Trong đó còn có một lá thư dặn rằng phải xây mộ cho thằng ba thật đẹp, thật lớn, còn lại thì lo thuốc thang cho ông già. Bạn bè gì mà tốt quá vậy anh… Còn chuyện này nữa anh Đăng, cái hôm đưa thằng ba về đó, lúc em đi làm thủ tục thì không hiểu sao mọi chuyện đã có ai đó đứng ra lo hết, cả chuyện tiền bạc, xe cộ. Lúc đó em cũng có thắc mắc nhưng ông tài xế cứ hối thúc quá nên em lại thôi, cứ nghĩ là chắc có nhà hảo tâm nào đó giúp đỡ… hả…
– Nhà hảo tâm… – cả tôi và thằng Tuấn thốt lên ngạc nhiên như chợt nhớ ra điều gì.
– Thôi anh hiểu rồi, trong chuyện này chắc có sự nhúng tay của bà Liên rồi. Anh tin rằng bà Liên có liên quan đến chuyện này nên định dùng tiền khỏa lấp đây mà. Ngày mốt anh sẽ về SG để gặp bên công an làm rõ mọi chuyện, rõ ràng người bọn chúng định ra tay là anh, nhưng không ngờ thằng Tú thấy được nên nó… – nhớ đến em tôi lại nghẹn ngào không nói nên lời.
– Anh Đăng, dù sao thằng ba cũng đi rồi, anh cũng đừng đau buồn nữa… Chắc duyên số của anh với nó không còn nên trời bắt nó chịu như vậy.
– Trời nào, chính bà ta vì hận thằng Tú nên sai người ra tay với anh, không ngờ…
– Vậy số tiền đó mình tính sao anh?
– Tính gì, em cữ giữ đó mà chi xài, coi như bả biết tội mà bồi thường trước đi. Nhưng có điều, không nên quá tốn kém vào chuyện xây mộ cho thằng Tú nữa. Dù sao nó cũng chết rồi, người sống không lo mà lo cho người chết cái nỗi gì, chắc Tú nó cũng hiểu mà. Cái nào cần làm tiếp thì cứ tiếp tục, cái nào không cần thiết thì ngưng lại. Em phải để dành tiền mà lo cho bác và mấy đứa em ăn học. Thằng Tú nó đi rồi, gánh nặng gia đình đang đè lên vai em đó.
– Em hiểu mà, em nghe lời anh.
…
Về tới SG tôi liền đến cơ quan công an tìm hiểu xem họ đã điều tra sự việc đến đâu rồi và cung cấp những nghi ngờ của tôi về sự liên can của bà Liên. Và chỉ 3 ngày sau, họ thông báo cho tôi kết quả điều tra sơ bộ là… bà ta không liên quan. Điều kinh khủng nhất là họ cho rằng cái chết của thằng Tú có thể là sự thanh toán nhầm giữa các băng nhóm giang hồ.
Quá thất vọng, tôi đành cầu cứu ba và anh Hoàng nhờ giúp đỡ tìm ra hung thủ. Hai người nhanh chóng đồng ý bởi nếu người chết không phải là thằng Tú thì sẽ là tôi. Do tác động từ nhiều phía, vụ án được tiếp tục điều tra mở rộng; một vài luật sư cũng được mời tham gia. Trong khi chờ đợi và cũng để khuây khỏa nỗi buồn, tôi về nhà để ba mẹ yên tâm. Thế nhưng những khi đêm về tôi cũng không sao ngăn được nỗi nhớ thương em đến quay quắt, đau xé tâm can. Trong giấc ngủ mơ màng hình bóng em cứ chập chờn trước mặt với tiếng nói văng vẳng “Anh Đăng… em lạnh quá…”, càng thôi thúc tôi tìm ra kẻ đã sát hại em.
Bao hy vọng bỗng chốc tan vỡ bởi tuần sau ba tôi cho biết là bà Liên, nghi can lớn nhất đã biến mất khỏi SG. Bả đã chuyển nhượng hết cổ phần đang nắm giữ cho người thân và mất tích không để lại dấu vết. Không ai biết bả đi đâu, còn ở Việt Nam hay đã ra nước ngoài. Vậy là mọi chuyện lại rơi vào bế tắc.
Chỉ còn 3 ngày nữa là đúng một tháng, tôi tranh thủ về lại Hàm Tân thăm mộ em rồi quày quả trở lại SG chuẩn bị đi làm trở lại. Dù đau buồn đến cùng cực nhưng tôi phải ráng sống, sống để báo hiếu ba mẹ, sống để có ngày nhìn thấy hung thủ đền tội và để có người vẫn luôn nhớ đến em trong suốt cuộc đời này Tú ơi.
Một năm sau…
Nhờ sự động viên, an ủi của anh Hoàng nên tôi dần lấy lại thăng bằng. Tôi lao vào làm việc, học tập thật hăng say để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và cũng để quên đi những đau buồn. Tôi vẫn ở lại căn phòng cũ bởi nơi đây đầy ắp những kỷ niệm của tôi và em, để mỗi đêm về tôi vẫn cảm thấy đâu đó hình bóng, hơi ấm của em quanh quẩn bên mình. Nhưng trái tim tôi đã hoàn toàn khép lại, chỉ còn duy nhất hình ảnh em trong đó.
Khi rảnh rỗi, tôi lại về Hàm Tân thăm mộ em, tâm sự với em những nỗi nhớ không nguôi trong những tháng ngày qua.
Cũng trong năm đó, ba em vì quá đau buồn trước sự ra đi đột ngột của con trai nên bệnh trở nặng rồi qua đời sáu tháng sau đó. Và một số tiền rất lớn, lên đến 500 triệu đồng được gởi đến phúng viếng một cách bí mật. Tôi và thằng Tuấn đều hiểu số tiền đó xuất phát từ đâu nhưng không thể nào tìm ra tung tích của bà ta. Thôi thì cứ xem đó là sự bồi thường hay là sự sám hối cũng nên.
|
Hai năm sau…
Hai ngày sau đám cúng giáp năm của ba thằng Tuấn thì nó điện cho tôi báo một tin bất ngờ. Thì ra một thằng bạn của thằng Tú đi Đà Lạt chơi khi đến viếng một ngôi chùa thì thấy ảnh của thằng Tú được thờ trong đó. Thấy lạ, nó liền hỏi thăm thì biết do một ni cô đang thờ cúng. Tôi và thằng Tuấn liền xin địa chỉ rồi bay ngay lên đó.
Đó là một ngôi cổ tự cách trung tâm thành phố Đà Lạt khá xa, ẩn mình trong rừng thông vắng cạnh con suối nhỏ. Hình của em được thờ trang trọng ở một góc riêng sau hậu điện. Tụi tôi còn đang loay hoay tìm kiếm người để hỏi thăm thì nghe tiếng “Mô Phật” vang lên từ phía sau. Dù đã khoác lên mình tấm áo lam nhà Phật, vẻ mặt đượm nét ưu buồn, khắc khổ nhưng vẫn toát lên vẻ quý phái ngày nào… ni cô đang đứng trước mặt tụi tôi chính là bà Liên. Bà ta mời tụi tôi ra sau hậu liêu nói chuyện.
– Tôi biết trước sau cậu cũng tìm đến đây nên đã chờ đợi đến ngày ngày này lâu lắm rồi… âu đó cũng là một sự giải thoát.
– Tại sao bà lại sát hại em tôi… bà yêu nó mà lại ra tay nhẫn tâm với nó vậy sao.
– Có phải người bà định ra tay là tôi không… bà nói đi… nói đi…
– Mô phật, tôi đã gây ra nghiệp nên phải gánh lấy quả báo ngày hôm nay… muốn chém muốn giết gì thì tùy mấy cậu. Tôi gắng gượng sống là để hoàn thành một vài tâm nguyện. Nay mọi chuyện gần như hoàn thành, rồi tôi cũng sẽ xuống dưới đó mà tạ tội với cậu ấy.
– Nhưng mà bà nói đi, tại sao bà làm như vậy hả… Bà có biết hai năm qua tôi đau khổ thế nào khi mất người mình yêu không.
– Vậy cậu có hiểu được nỗi đau khổ khi yêu mà không được đáp lại không, lại còn bị hạ nhục trước bao người nữa. Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ bị nhục nhã như vậy.
– Nhưng điều đó là do bà tự chuốt lấy, bà đã biết Tú không yêu bà sao còn cưỡng cầu.
– Phải, cũng chính vì vậy tôi càng hận cậu, bởi người Tú chọn để yêu thương là cậu. Nếu không có cậu, chắc Tú đã không từ chối tình tôi…
– Vì vậy bà mới cho người xuống tay với tôi đó sao?
– Tôi… tôi không có ý sát hại cậu, tôi chỉ định hù dọa cho cậu sợ mà rời xa Tú, không ngờ tụi nó lỡ tay nên mới gây ra hậu quả thảm khốc như vậy. Chứ làm sao tôi nỡ xuống tay với người mình yêu tha thiết… Khi biết tin tôi gần như gục ngã, không còn thiết sống nữa và hối hận vô cùng. Nhưng tôi vẫn gắng gượng mà lo hậu sự cho Tú và thay cậu ấy lo cho gia đình. Tôi biết tiền bạc không thể làm cậu ấy sống lại, không thể xua tan nỗi đau mất mát của gia đình, cũng như không thể xóa hết tội lỗi mà tôi đã gây ra… Kể từ ngày hôm đó không đêm nào tôi được yên giấc, cứ nhắm mắt lại là thấy cậu ấy hiện về đòi mạng mình.
Vì vậy tôi phát nguyện làm ni cô và hàng ngày tụng niệm cầu siêu cho cậu ấy trong 3 năm, mong rằng linh hồn cậu ấy sớm được siêu thoát, kiếp sau tôi nguyện làm trâu ngựa để đền tội. Tụi đàn em chỉ làm theo những gì tôi sai biểu, mọi tội lỗi tôi xin gánh lấy, cậu hãy bỏ qua cho tụi nó. Những gì tôi làm, hai cậu hãy xem như sự chuộc lỗi hay sự sám hối cũng được. Tôi không dám mong hai cậu tha thứ, nhưng hãy hiểu cho là tôi hối hận lắm rồi… Mô Phật…
Người ta vẫn thường nói “Buông dao đồ tể ắt thành Phật”, trước những lời sám hối chân thành, tụi tôi chỉ biết tha thứ cho kẻ đã lỡ bước sai lầm.
Sau này thằng Tuấn quay trở lại thì mới biết sau đó một năm bà ta đã ôm di ảnh của thằng Tú rồi tự thiêu, chấm dứt một kiếp người tội lỗi.
Kể từ ngày em ra đi, năm nào tôi cũng về Hàm Tân thăm mộ em không biết bao lần, để nhớ về những kỷ niệm sẽ mãi theo tôi suốt cuộc đời này. Ba mẹ cứ thúc giục tôi cưới vợ sanh con, muốn tôi trở lại cuộc sống bình thường như bao người nhưng tôi đã nguyện sống thật với con người mình. Tôi đã nhận hai thằng con của thằng Nguyên làm con nuôi và lấy đó làm lẽ sống của cuộc đời mình sau này.
Trừ khi đi công tác xa, hàng ngày sau khi tan sở tôi lại về căn phòng kỷ niệm mà nhớ về em, bởi hình bóng em dường như vẫn còn đâu đó. Thằng Nam thường xuyên đến chơi hơn, đôi khi còn ngủ lại nhưng tôi mãi mãi vẫn xem nó là một đứa em, một người bạn thân thiết. Tôi biết tình cảm của nó giành cho mình vẫn không thay đổi, nhưng hình ảnh của em đã ngự trị trong tim tôi mất rồi và mãi mãi như thế…
Tôi cứ ngỡ trái tim mình sẽ khép lại theo hình bóng của em, cho đến một ngày tôi gặp anh… Nhưng đó là câu chuyện của 3 năm sau và vẫn còn tiếp tục cho đến nay. Mọi người đón xem trong “Câu chuyện thứ ba” nhe./.
The End.
|
câ chuyện thứ 3chung nao có
|