Bến Đỗ Cuộc Đời
|
|
Bến Đỗ Cuộc Đời CuongLongSG
D ò n g s ô n g k ỷ n i ệ m
…Khoa lớn lên ở một vùng quê êm đềm của một huyện ngoại thành Sài gòn. Nơi đó, một nhánh nhỏ của con sông Vàm Cỏ lờ lững trôi qua làm tăng thêm vẻ thơ mộng và xinh đẹp của ngôi làng. Bên kia sông, những rặng cây mù u xanh thẳm kéo ngút mắt hòa với màu xanh ngát của vườn tược tốt tươi.
Khoa là đứa con duy nhất trong gia đình. Ba Khoa qua đời sau một cơn bạo bịnh lúc Khoa chỉ mới lên năm tuổi. Ba Khoa làm nghề thợ hồ, ông bị một cơn cảm nặng và đã không qua khỏi trên đường cấp cứu chở về Sài gòn. Mẹ của Khoa, một người phụ nữ dịu dàng, bình dị bươn bả kiếm sống để nuôi đứa con nhỏ và người mẹ già yếu. Bà Ngoại của Khoa bị chứng đau lưng từ ngày còn trẻ, bà chỉ làm việc vặt nhẹ nhàng trong nhà.
Khoa là một đứa trẻ sớm biết hoàn cảnh của mình. Khoa giúp mẹ làm mọi việc trong nhà, từ dọn dẹp, nấu cơm cho đến phụ bà chăm sóc vườn rau luôn xanh tươi.
Năm Khoa lên mười, qua những chuyến buôn bán hàng tạp hóa từ Sài gòn về làng, mẹ của Khoa quen với một người bạn hàng, ông ta có một cửa hàng nhỏ ở trên thành phố, và rồi bà đã rẽ bước tái giá với người đàn ông hiền lành và phúc hậu đó.
Dượng của Khoa có ý muốn đem cả gia đình Khoa lên thành phố để dễ bề chăm sóc và hơn nữa, vợ mình, sẽ có điều kiện chăm sóc đứa con riêng. Nhưng bà ngoại Khoa lại muốn ở lại làng quê, bà muốn sống bên cạnh cây rau, ngọn cỏ với những làn gió mát mẻ từ con sông mỗi chiều mang mùi thơm nhẹ nhàng của những vườn bưởi đang trổ bông.
Khoa rất thương mẹ, nhưng Khoa cũng xin mẹ cho Khoa ở lại để chăm sóc bà và giúp bà chăm sóc nhà cửa. Mẹ Khoa cũng đắn đo vì bà muốn Khoa lên Sài gòn ăn học, nhưng rồi thấy hai bà cháu quyến luyến quá, cuối cùng bà cũng quyết định đồng ý để hai bà cháu ở lại cùng ngôi nhà. Mẹ Khoa theo chồng về thành phố, thỉnh thoảng gởi tiền về cho bà cháu sinh sống, cứ vài tháng, bà lại về thăm nhà thăm quê.
Từ lúc mẹ Khoa đi, Khoa đương nhiên trở thành người trụ cột của gia đình, dù còn là một đứa trẻ, Khoa đã biết phụ bà chăm sóc trồng tỉa vườn rau theo mùa luôn xanh ngắt, thỉnh thoảng lại quảy đem ra chợ bán. Khoa thật sự là một đứa trẻ siêng năng, chăm chỉ và khéo léo, ngoài việc trồng rau, Khoa lúc nào cũng nuôi thêm mấy bầy gà rất dễ thương. Trong xóm, ai cũng quí cũng mến Khoa cả, ai cũng đùa, nếu có con gái, thì gả cho Khoa là yên tâm nhất.
Làng quê ngày càng có nhiều người từ thành phố về sinh sống lập nghiệp, chợ làng bây giờ đã biến thành một khu phố tấp nập mua bán, nhà cửa đã nhiều lên, ruộng vườn hẹp lại. Mọi người đều quen gọi khu chợ làng năm xưa bây giờ là "Phố chợ", có cả một tiệm vàng gắn bảng hiệu Kim Nguyên to đùng, mà từ xa, chưa vào chợ đã có thể nhìn thấy.
Một ngôi trường cấp ba cũng vừa được xây mới, học sinh cấp ba bây giờ không phải đi xa gần mười lăm cây số để về thị trấn học nữa.
|
Khoa bây giờ đã học lên lớp mười hai rồi, cậu bé siêng năng chăm chỉ ngày nào bây giờ đã là một chàng trai tuấn tú, vạm vỡ. Khoa ít nói, lặng lẽ và sống có vẻ nội tâm, có lẽ, do cuộc sống đã sớm thiếu vắng sự chăm sóc gần gũi của những người thân yêu nhất.
Trong xóm và cả lớp của Khoa, ai cũng phải công nhận Khoa là một người có vóc dáng đẹp và đầy nam tính, với những ngày tháng miệt mài lao động, và là người yêu thích bơi lội vẫy vùng bên dòng sông nhỏ đã tạo cho Khoa một dáng vóc mạnh khoẻ, săn chắc, đều đặn cân đối chứ không vai u thịt bắp như những thanh niên chuyên tập thể lực.
Khuôn mặt Khoa vuông vuông hơi có vẻ cương nghị khắc khổ, nhất là những lúc đăm chiêu suy nghĩ, đôi mắt to sáng với sống mũi cao và nụ cười tươi tắn quyến rũ. Cái tương phản giữa nụ cười và gương mặt làm cho Khoa có một cái gì đó thật ưa nhìn, điều này đã làm cho cánh con gái trong lớp ai cũng thích Khoa, thích cái ánh mắt sáng rỡ thoáng chút mơ màng và nụ cười cứ như là của riêng ai đó, nhưng chẳng thuộc về ai.
Thật sự, Khoa là một người sống rất tình cảm, Khoa rất thương yêu bà ngoại, Khoa chăm sóc và để ý mọi điều cho bà, thời gian gần đây, chăm sóc vườn rau là đều do Khoa làm, Khoa không muốn bà làm nhiều việc nặng nhọc.
Đi học về, Khoa trước tiên là xem bà ngoại ở đâu, thường thì ngoại hay qua nhà dì Ba bên cạnh để giúp dì làm chuyện vặt và tán chuyện gẫu. Khi an tâm biết bà ở đâu rồi, là Khoa xem cơm nước, nếu bà chưa nấu, Khoa sẽ đi nấu. Xong việc bếp rồi, là đến việc mà Khoa yêu thích, chăm sóc tỉa tót vườn rau.
Những liếp rau Khoa trồng thật mát tay, cứ xanh um um, có lúc là cải bẹ, cải xanh, có khi là rau ngót, rau dền, xu hào. Khoa cũng trồng mấy giàn bầu và mướp nữa, hai cây ổi lúc trĩu quả thì ai nhìn cũng thấy thích.
Mấy cây dừa nghiêng nghiêng phía sàn nước sau nhà thì lập lờ mấy quài thật sai, còn bên giếng, Khoa trồng vài cây bưởi, đến mùa, hương hoa bay thơm ngát cả vườn.
Khoa thích mặc quần sọt và ở trần khi ra làm vườn. Thật là đẹp, hai cánh tay săn chắc gân nổi đều đặn, bộ ngực vun cao vuông vức với cái eo bụng thon thon và nhất là đôi chân, Khoa có đôi chân không thể chê vào đâu, gọn gàng, cân đối, bắp vế nở nang, bắp đùi chắc nịch và dáng đi vững chãi.
Chả vậy mà mấy cô gái trong xóm, kể cả mấy cô bạn học trong lớp, hay kiếm cớ này, cớ nọ gặp Khoa vào những lúc Khoa làm vườn để mà được ngắm nhìn vóc người tuyệt đẹp của Khoa, và nhất là cặp giò thật là đàn ông. Các cô mà thấy bóng Khoa thấp thoáng ngoài vườn, thì hay vào hỏi mượn cái này cái kia, khi thì cuốn sách, quyển truyện, khi thì nhờ chỉ cái này cái khác, chỉ là cái cớ mà thôi.
Khoa thì hiền lành, dễ thương, miệt mài làm việc, các cô cũng thỉnh thoảng tỉa lá, bắt sâu, đôi khi tụm lại nói gì đó rồi phá lên cười. Khoa thì chẳng biết gì, cũng cười theo, nụ cười đẹp quá, làm các cô gái mới lớn chẳng thể không xao xuyến bồi hồi.
* * *
Chiều nay, cũng như thường lệ, Khoa vừa đi học về, Khoa đứng bên chái nhà vọng qua nhà dì Ba kêu bà í ới, thấy con Tí, con út của dì Ba chạy ra nói ngoại của anh Khoa đang ăn trầu và nói chuyện với má nó, Khoa lại quay vào dọn dẹp lặt vặt rồi ra giếng quảy nước vào lu. Kéo vài chập, lu nước cũng đầy, chợt nhớ rằng hôm nay Khoa phải sửa lại giàn mướp đắng, mấy cây mướp đắng mới ươm bây giờ đã lác đác bông vàng. Khoa vội vã lấy kìm và cuộn kẽm ra sửa sang lại giàn mướp. Nghe tiếng lục đục trong bếp, Khoa đoán chắc ngoại đã về.
Trong bếp, bà ngoại Khoa đang chuẩn bị cơm chiều, bà có hũ mắm tép của một người quen ở Gò Công lên cho bà, món này thằng Khoa thích lắm đây, bà đăm ớt tỏi vào mắm, luộc ít thịt đùi ngon mới nhờ dì Ba mua hồi trưa, làm một dĩa rau ghém thật ngon. Bắc nồi canh bí lên bếp hâm lại cho nóng, bà ra chái nhà gọi Khoa vào ăn cơm. Thấy Khoa thấp thoáng bên giàn mướp, bà kêu vọng ra:
"Khoa ơi! vào rửa tay ăn cơm con, tối rồi đó!"
|
"Dạ, con vào liền ngoại." Khoa vừa phủi tay, vừa trả lời. Khoa nghĩ, phải mất một buổi nữa mới xong đây.
Những tia nắng chiều dọi vào đôi vai trần của Khoa làm bật lên những đường nét mạnh khoẻ trẻ trung, bà ngoại Khoa buột miệng thầm tự hào, rồi đây, cu Khoa cháu bà sẽ là một chàng trai đẹp nhất làng này. Nhưng rồi bà thấy mình lẩm cẩm, gì mà sẽ, bây giờ nó chẳng là đẹp nhất đó sao, chiều nào cũng mấy đứa con gái lấp ló hỏi han. Bà chợt nhớ, sao hôm nay không thấy ai vậy hà!
Khoa băng qua mấy liếp rau để ra giếng. Khoa quay lên một thùng nước để rửa tay chân, khoát làn nước trong veo mát lạnh lên rửa mặt, rồi anh khoan khoái xối cả thùng vào đôi chân rắn rỏi.
"Anh Khoa, anh vừa chăm vườn hả?" – giọng một cô gái vang lên làm Khoa hơi giật mình.
Khoa ngẩng lên nhìn, thì ra là bé Lan. Khoa lúng búng: "Ừa, anh mới sửa giàn cho mấy cây khổ qua."
Bé Lan là con gái của chú Thìn, chú Thìn lúc trước cùng làm thợ hồ chung với ba của Khoa. Sau này khi ba Khoa mất, chú cũng thỉnh thoảng qua nhà Khoa để giúp đỡ mấy việc lặt vặt đàn ông và chỉ bảo cho Khoa nhiều việc. Khoa cũng đến nhà chú Thìn thường xuyên, và mẹ của Lan, vợ chú, cũng rất mến Khoa. Nhà nấu cái gì ngon, cũng sai Lan đem đến cho bà cháu Khoa.
Còn Lan thì nhỏ hơn Khoa một tuổi, Lan rất kính trọng và quí Khoa. Mỗi lần mẹ Khoa từ thành phố về, có quà gì cho Khoa, Khoa đều để dành một ít cho Lan, khi thì cái kẹo, khi thì thỏi súc cù là, có khi là một con thú nhựa. Lan thì chẳng ham gì con thú nhựa, nhưng là vì của anh Khoa cho, Lan cất rất kỹ và quí nó.
Lan dựa chiếc xe đạp mi-ni vào cây ổi rồi đi đến bờ giếng, Lan khựng lại trước một bụi hoa sao nhái, cúi xuống nâng niu ngắm nhìn với vẻ thích thú. Trong ánh chiều, hình bóng cô gái dịu dàng với bờ tóc dài buông rơi bên bụi hoa sao nhái vàng cam rực rỡ làm Khoa thấy thật đẹp, Khoa buột miệng:
"Lan, hôm nay anh thấy em dễ thương quá!"
Lan quay lại nhìn Khoa, một vẻ bối rối hơi thẹn thùng. Khoa đẹp quá, anh đang quay một thùng nước từ giếng, cánh tay hằn những đường gân mạnh khoẻ, đôi vai chắc lay động theo nhịp quay của cánh tay, thả thùng nước xuống đất, Khoa quay người lại, bộ ngực thật đẹp, vuông vức, lóng lánh những giọt nước đang lăn dài xuống.
Lan chợt thấy trong lòng cảm xúc dâng trào trước một hình tượng quá đẹp đẽ, những tia nắng như tham lam đủ để liếm láp đôi tay khoẻ mạnh và bờ vai rắn rỏi của Khoa, nhưng không đủ để làm lộ nét ửng hồng xao xuyến đầy mơ mộng trên gò má của Lan. Lan nói:
"Anh Khoa, em đem trả anh mấy cuốn sách em mượn anh tuần trước đó, với lại mẹ em hỏi, sao mấy bữa rày hổng thấy anh sang chơi!"
"Mấy hôm nay anh học quân sự, rồi chuẩn bị làm liếp phía sau để trồng su hào, anh bận quá, mai anh ghé nghen."
"Dạ."
Khoa vồn vã mời Lan:
"Tối rồi, ở đây ăn cơm với bà cháu anh nhé, vào nhà đi, bà đang dọn cơm đó, để anh vào thay đồ đã."
Khoa nói xong, quầy quả bươn tới trước để vào nhà. Lan theo sau, cô nhìn anh với ao ước được anh ghì chặt trong khuôn ngực rộng và chắc đó của anh, cô lại thêm thẹn thùng bối rối trước suy nghĩ của mình. Lan cố quên cái ý nghĩ đó, cô bước vội vào nhà, vừa vào đã nghe giọng ngoại từ bếp:
"Lan đó hả con, hôm nay ngoại có mắm tép thịt luộc, ở lại ăn với thằng Khoa đi con."
|
"Dạ!"
Lan vào bưng mâm cơm mà ngoại đã chuẩn bị xong, mùi mắm tép sực lên thơm nức mũi. Khoa cũng đã thay đồ xong, trông anh gọn gàng đáng yêu trong chiếc áo thun tròng cổ màu trắng và chiếc quần sọt ka-ki xanh dương. Lan nhìn anh với ánh mắt đắm đuối ngọt ngào, Khoa thì không để ý, nhưng không thể qua nổi cái nhìn của ngoại, bà chợt thấy vui vui trong bụng, ước gì tụi nó…
Khoa trèo lên ngồi xếp bằng trên phản, Lan ngồi xuống bên mép phản nhấp nhấp nước cho vài cái bánh tráng rồi đưa cho ngoại và Khoa. Cô cứ nhìn Khoa không chán, Khoa ngồi xếp bằng trên phản, cặp đùi căng phồng trong chiếc quần ka-ki, có vẻ hơi chật, chiếc áo thun trắng bó sát cánh tay thật khoẻ mạnh, lòng bàn chân thẳng băng, với ngón chân thon dài, Lan bỗng thấy muốn được cầm lấy những ngón chân đó. Dù quanh quẩn vườn tược, Khoa lúc nào cũng chân tay gọn gàng sạch sẽ, đó là điều Lan ưa thích.
Khoa đang cắm cúi thưởng thức món mắm tép chợt có cảm giác Lan đang nhìn mình, Khoa ngừng ăn:
"Ăn đi chứ! Sao nhìn anh hoài vậy, anh ăn hết bây giờ."
"Nhìn anh Khoa ăn ngon quá, Lan nhìn anh ăn mà cũng no rồi." Lan mỉm cười ngượng ngập.
"Nhìn người khác ăn mà no, thì về đây bà nuôi, khỏi tốn cơm mà", ngoại đùa.
Lan chợt nhìn mông lung ra ngoài cửa, ngoài kia, trời đã tối, ánh đèn trong xóm lác đác, bên kia sông, rặng cây mù u giăng lên nền trời màu đen thẳm. Khoa nhìn theo ánh mắt xa xăm của Lan mà lòng thắc mắc, ‘hôm nay cô bé này sao vậy hả! Nhìn gì ngoài kia, chỉ có một vài vì sao lấp lánh…’
Tuần lễ học quân sự đã xong, hôm nay là bắt đầu học văn hóa, lớp của Khoa đã vào hết trong lớp sau giờ chơi để chuẩn bị giờ giáo viên chủ nhiệm. Những cô cậu học sinh quần áo tề chỉnh háo hức năm học cuối cấp. Một ngôi trường vùng ven đô, dù đã tiếp thu những đổi mới của nét sống nhộn nhịp từ thành phố, nhưng vẫn giữ lại được những nét riêng tư đáng yêu của một ngôi trường làng quê.
Các học sinh, phần lớn là từ những gia đình bình dị, mộc mạc bươn chải với cuộc sống, một số là những người vừa từ thành phố về lập nghiệp tại một nơi ít ồn ào, phức tạp, thường thì những người này có cuộc sống khá hơn và họ thường sống ở khu phố chợ.
Năm học cuối cấp, thật nhiều bồi hồi, họ sẽ sắp sửa rời xa mái trường đầy thương yêu, có người sẽ vào thành phố học lên nữa, có người dừng lại về giúp gia đình, có những người cũng chưa biết mình sẽ đi về đâu. Ai cũng cố gắng học để ít nhất vượt qua kỳ thi cuối cấp, tuy vậy họ vẫn có thì giờ dành cho những chuyện của tuổi học trò.
Những cuốn lưu bút đã sớm lấp ló, những trò tinh nghịch tuổi học trò vẫn tiếp tục, nhìn vào hộc bàn các cô gái, thập thò trái cóc quả ổi. Đám con trai vẫn tụ tập lập đội banh, đội bóng, vẫn bàn tán cách phá đám con gái, vẫn bình luận đứa con gái nào đẹp, đứa nào khó ưa nhất. Những mảnh giấy vo tròn bay tới tấp, nhiều khi chỉ là một lời tán tỉnh dễ thương, một buổi hẹn hò giữa giờ chơi hay một câu thơ bâng quơ vụng trộm.
Khoa liếc nhìn bên cạnh, chỗ ngồi của thằng Đức vẫn còn trống, sao nó chưa vào vậy! Cuối tuần rồi nó về thành phố chơi, hay là vui quá quên cả học hành? À, cô giáo chủ nhiệm vừa bước vào, sau vài phút ổn định lớp, cô thông báo với lớp những điều cần cho tuần lễ, chủ yếu là việc ôn tập để làm bài kiểm tra chất lượng đầu năm. Khoa vẫn lan man câu hỏi về Đức, tại sao nó vẫn chưa đến lớp! Giọng ngọt ngào của cô giáo đều đều, cô cho biết:
"Bạn Đức sẽ không còn học ở lớp ta nữa, gia đình đã thông báo sẽ chuyển trường cho bạn Đức về trường Nguyễn Du trên thành phố."
Khoa chưng hửng, quay ánh mắt lại tìm Hưng ngồi cuối lớp, thấy nó cũng ngạc nhiên không kém. Khoa với Đức và Hưng là nhóm bạn chơi thân từ hồi lớp mười, tại sao Đức chuyển trường mà nó không nói gì với Khoa và Hưng vậy!
|
Khoa thấy buồn, anh liếc nhìn Long ngồi ở đầu bàn bên kia, thấy ánh mắt có vẻ buồn của Long đưa lại, tự nhiên hai đứa xích lại giữa một chút, hai đứa nhìn nhau cười buồn buồn.
Đến cuối giờ học, Khoa chậm rãi thu dọn cặp sách ra về, trong lớp ồn như cái chợ, Linh, cô nữ sinh được xem là hoa hậu của lớp và cũng là lớp trưởng tiến lại Khoa:
"Khoa nè, tụi này cuối tuần tổ chức bữa họp mặt đầu năm, tụi này mời Khoa nhé!" Linh vừa nói vừa đưa Khoa một cái thiệp tự làm, trông cũng xinh xinh.
"Ê, mình mời thì nói mình mời đi, sao lại nói tụi này." Một giọng nữ châm chọc.
"Ừ, thì đây mời đó, đi nghen Khoa." Linh quay lại cô bạn liếc một cái sắc rụi.
Khoa ngần ngừ, "Mời cả lớp hay nhóm thôi?"
Linh đáp: "Tổ một thôi, vui lắm đó, đi nhé!"
"Ừ, thì đi." Khoa ậm ừ, anh còn đang nghĩ về Đức.
Khoa rời lớp đi ra, thấy Hưng như có ý chờ mình bên cột cờ, Khoa đi đến Hưng. Vừa thấy Khoa, Hưng đã nhanh nhẩu bô ba:
"Bạn tui có phước quá, con gái bu tùm lum, tui đây, vô phước, không có con ma nào để ý hết."
Khoa nhún vai: "Thích thì mày nhảy vô đi, mà có con gái nào theo tao đâu, sao mày xạo vậy!"
Hưng bỉu môi: "Chảnh quá, con Linh nó khoái mày ra mặt, con trai làm cao giá quá vậy, thôi, đừng để người ta buồn nữa."
Khoa lắc đầu: "Mầy sao dám bà Tám quá, à mà, sao thằng Đức chuyển trường, mày biết không?"
Hưng đáp: "Không, nó đi về Sài gòn cuối tuần trước, hồi nảy tao gặp con Hạnh em nó, nó nói anh hai nó lên chú nó trên sài gòn, rồi giử nó lại, nói chú sẽ sắp xếp cho anh hai nó học ở trển luôn, vì thứ hai này vào học luôn, nên không về đây nữa."
Khoa buồn bã: "Hèn gì mà nó không kịp báo với tụi mình, thôi mình về."
Khoa khoác vai Hưng rời khỏi trường. Ánh nắng chiều nhảy múa trên những ngọn cây, trên những dậu dâm bụt, xa xa, con sông loáng nhoáng lấp lánh. Khoa và Hưng cảm thấy buồn vì thiếu vắng đi một người bạn…
* * *
Cô giáo chủ nhiệm đang bước vào với chồng sổ khệ nệ trên tay, cô nói với lớp, cô sẽ thông báo vài việc quan trọng, sau đó cho lớp tự quản, vì cô có rất nhiều sổ sách cần làm. Cô nói:
"Hôm nay 12A4 của chúng ta sẽ nhận một bạn mới vừa chuyển trường về. Cô mong các em sẽ giúp đỡ bạn mới để bạn mau chóng hoà nhập vào việc học. Bạn mới tên là Đăng, một hồi nữa ban giám hiệu sẽ dẫn bạn Đăng đến lớp."
Cả lớp nhao nhao như bầy ong vỡ tổ. Thằng Sinh từ bàn dưới chồm lên nói với Khoa:
"Không biết tay này ra sao hả mậy, nó có cạnh tranh quản lý chị em với tụi mình không hả?"
Long quay ra: "Mong cho tên này biết đá banh, còn thiếu tay hậu vệ đây!"
"Tên này có bảnh trai không hả tụi bay, tao hôm qua coi bói, nói tao sẽ kiếm được người thương từ phương bắc đó!" – giọng nhỏ Cúc.
"Xì, lỡ ra ông này lé hói méo miệng thì sao?"
"Sao đâu, trái tim nhân hậu là được mà!"
"Tao dạo này ế quá, thôi, tụi mày ưu tiên cho tao trước đi."
"Cho mày xài trước hả, đồ quỉ!"
|