Twin, Này Nhóc, Đứng Lại
|
|
- Cậu không ngủ mà đi đâu trời nắng thế này hở?
Tôi nheo mắt, lấy tay che cái nắng gay gắt trên đầu. Giờ đang là giữa trưa, mặt trời đứng bóng. Vậy mà cái tên con trai quoái gở kia lại xách ba lô lên vai định đi “thăm thú”.
- Chiều tôi về, có phải con nít đâu mà lo – Phong nhăn mặt.
- Nhưng tôi biết nói thế nào với má?
Nói với má thì tôi có hàng trăm cách ấy chứ, chỉ là không biết nói thế nào với lòng mình thôi.
- Bảo bác ấy là tôi qua nhà chị Quyên.
- Thật á? - tôi nhướn mày rồi kịp thêm – để lỡ má tôi sang bên ấy thì sao.
- Thật. Chuyện con trai ý mà.
Phong cười và nháy mắt trong khi ruột gan tôi bắt đầu sôi. Lại “có việc cần nhờ” với ông Dũng kia chứ gì.
- Về trước giờ cơm.
Tôi miễn cưỡng đi vào nhà vì việc này chẳng thể xía vào thêm nữa.
Thực trong lòng tôi đang sợ gì nhỉ? Sợ cậu ấy sẽ bỏ về một mình hay sao?
- Ôi Hoài Thư – tôi dùng tay đập liên hồi vào đầu – mày ngốc quá.
Thằng Thiên đứng bên cạnh tôi từ lúc nào cũng bắt chước đập tay lên trán:
- Ôi trời ạ, chị tôi ngốc quá!
- Mày!
Tôi trợn trừng nhìn thằng nhỏ. Mới lúc sáng nó còn tỏ ra biết lỗi mà bây giờ có thể hiên ngang chọc tôi được. Cả nhóc tì, cả Thanh Phong đều là kẻ vô ơn. Đáng lẽ ra tôi không nên tha thứ cho hai kẻ này nhanh như thế.
Cốc đầu nó một cái đau điếng, tôi làu bàu hết cái này đến cái kia. Cuối cùng nhìn thằng nhóc và phán:
- Đi về đi cho chị ngủ trưa.
- Gớm! Chị ngủ nhiều quá coi chừng mập lên mai mặc áo dài đứt hết nút bây giờ.
- Áo dài? – Tôi tròn mắt.
- Ừm – thằng Thiên chìa ra cho tôi một cái túi giấy. Tôi mở ra và không khép miệng lại được khi nhìn thấy một chiếc áo dài màu hồng có gắn hoa trang trí phía trước.
Thứ nhất: tôi không thích màu hồng. Thứ hai: tôi chúa ghét mặc áo dài. Thứ ba: tôi muốn cái gì càng đơn giản càng tốt, không hoa hòe trang trí gì. Thứ tư: hình như vải áo hơi bị mỏng. Thứ năm: thật kinh khủng khi phải đội cái khăn đống nặng trịch này lên đầu – thứ mà vừa rớt khỏi mớ áo lùng nhùng.
Tôi thực sự phải mặc “tập hợp” những thứ kinh khủng nào đây.
- Bình tĩnh - thằng Thiên vuốt lưng tôi an ủi – đây chưa phải cái kinh khủng nhất mà chị nhìn thấy đâu.
- Còn cái gì tồi tệ hơn nữa? – tôi hỏi mà gần như mếu.
- Mai chị khắc biết – thằng Thiên cười nham nhở.
Tôi thực muốn uýnh thằng nhóc này một trận ra trò. Thanh Phong thì đã đành rồi, nó là họ hàng của tôi mà hình như cũng về phe giặc. Cứ cái kiểu nói chuyện úp mở này có lẽ tôi thức cả đêm để đoán mò nữa.
- Mà em nghĩ chị nên thường xuyên mặc những thứ nữ tính như thế này. Ít nhất thì chẳng có ai mặc áo dài hồng mà vừa trợn mắt vừa cốc đầu em họ đâu.
Nói xong, nó lè lưỡi trêu tôi rồi chạy thẳng ra cổng.
** ** **
|
- Con đi học đây má.
Người phụ nữ ngồi ở phòng với mớ dụng cụ may lỉnh kỉnh ngước lên khỏi chồng vải khẽ gật đầu.
Bà trẻ hơn cái hình ảnh mà cậu thấy, nhưng những nét khắc khổ và sự u ám trong đôi mắt đã làm cho bà giống một phụ nữ lăn lộn ngoài cuộc sống hàng chục năm trời.
Thời ba cậu còn làm ăn phát đạt, má chỉ ở nhà lo cho anh em những bữa ăn ngon lành. Vốn xuất thân từ gia đình khá giả, cho đến khi lập gia đình, bà hầu như chưa phải nghĩ đến chuyện kiếm việc làm mặc dù có bằng cấp đầy đủ.
Vậy mà giờ đây, người phụ nữ ấy phải nai lưng sáng bỏ mối cho cửa hàng thú nhồi bông, về nhà tiếp tục mở hàng may và đến tối bà lại làm thêm ở một quán ăn. Bà đã hơn một lần nghĩ về một công việc đỡ vất vả hơn với bàn giấy nhưng chẳng công sở nào muốn thuê một kế toán gần bốn mươi và chẳng có lấy một năm kinh nghiệm.
Phục Hy thở dài. Ra tết cậu nhất định sẽ kiếm việc làm với số lương đủ để tự chăm lo cho mình và đứa em.
Nắng chiếu lấp lánh trên con đường hẻm rợp bóng cây hoa sữa. Những cánh trắng thả vào không gian một thứ mùi hương nhẹ nhàng đặc trưng. Chiếc khuyên bằng bạc của cậu chói lên trong nắng.
Đã hơn một lần cậu muốn bán chiếc khuyên bằng bạc có gắn đá ấy, ít ra cũng được thêm một số tiền không nhỏ. Vậy mà má cậu lại van vỉ, than khóc rằng đó là kỉ vật cuối cùng của bà với một người – người mà cậu chưa gặp, chưa hề được nghe nhắc đến nhưng có ý nghĩa không nhỏ trong cuộc sống của bà.
Vẩn vơ suy nghĩ, cậu chẳng để ý có người con gái mặc áo ba lỗ trắng và quần jean loang lổ đang tựa lưng vào gốc hoa sữa.. Cậu đi qua cô hệt như người vô tình, đôi mắt kia trở nên buồn man mác. Mãi đến khi cô nhẹ nhàng tiến lại và khoác tay, Phục Hy mới giật mình quay lại.
- Chị… ở đây từ khi nào?
- Tôi chờ cậu lâu rồi.
Anh Thư nhẹ nhàng. Cô rất muốn được ôm lấy cậu nhóc, tựa cằm lên đôi vai ấy nhưng chỉ dừng lại ở cái khoác tay cũng đã bị đẩy ra.
- Sao chị cứ làm phiền em hoài vậy? – giọng cậu chán nản.
- Ngày mai tôi lại trở về Vũng Tàu, muốn gặp cậu trước khi đi cũng không được sao?
Dù rất muốn trả lời chỉ một chữ “Không”, cậu lại không nỡ quá đáng như thế với Anh Thư.
- Em chẳng có gì để nói với chị đấy.
- Nhưng tôi thì có rất nhiều. Chẳng hạn, tôi… vẫn rất nhớ cậu.
Anh Thư lúng túng đến nỗi không dám nhìn thẳng vào mắt Phục Hy. Đây không phải là lần đầu tiên cô nói câu này, nhưng nó luôn bị từ chối đến nỗi cô cảm thấy mỗi khi nói ra nó lại biến bản thân cô trở thành đứa có những suy nghĩ đáng ghét.
Nhưng trái với mọi lần, Phục Hy lại mỉm cười.
- Em cũng nhớ chị, thật đấy.
Anh Thư ngước lên, đôi mắt ngạc nhiên.
- Mỗi khi nhìn thấy Hoài Thư, em lại thầm mong được nhìn thấy hai người cùng một lúc. Chắc chắn có rất nhiều điều thú vị.
- Cậu nhớ tôi… chỉ vì Hoài Thư – cô lắp bắp, cảm thấy sự thất vọng đang xâm chiến tâm hồn mình.
Phục Hy khẽ lắc đầu, tóc mái xéo của cậu bị gió làm cho lòa xòa trước trán.
- Chị đừng nghĩ như vậy. Em nhớ với tư cách là bạn bè, so sánh cũng giống như một thằng nhóc tò mò khi có một cặp song sinh làm bạn.
- Vẫn luôn thế - cô khẽ quay mặt đi.
- Nghe này – Phục Hy nắm hai vai cô – chị đừng đặt mình vào quá khứ nhiều như thế. Ai cũng dần quên đi, chỉ có cậu là tự giày vò lương tâm mình thôi. Tình cảm chị dành cho em chỉ là lòng biết ơn dành cho ân nhân, trước đây chị chẳng nói thế là gì?
- Nhưng giờ đã thay đổi – giọng Anh Thư run run.
- Chẳng có gì thay đổi. Những suy nghĩ đó đã ăn sâu vào chị mất rồi. Nếu thực sự chị không chịu tin điều này vậy thì em nói nhé: Em không thích chị.
Cảm giác nhói đau như có ai đâm thẳng vào cô vậy. Anh Thư cứ đứng yên như thế nhìn khuôn mặt của cậu nhóc hiền lành, nhưng lại nhẫn tâm nói những lời lạnh lùng như xé tan ruột gan cô.
- Còn… Hoài Thư thì sao?
- Cũng vậy! - cậu gần như sẵng giọng.
- Tôi thực sự đáng ghét vậy à? – cô hỏi, đôi mắt đờ đẫn.
- Chị sẽ thực sự đáng ghét nếu cứ giữ mãi suy nghĩ không có em thì chì là nguyên nhân gây ra cái chết của cô ấy, rồi sau đó lại biết ơn em đến mức quá đáng như vậy.
Không đúng! Phục Hy nói không hề đúng. Nhưng sao lòng cô lại như bị phơi bày ra.
- Tôi về đây.
Cô đẩy cậu ra – lần đầu tiên – để quay đầu bước về.
- Hãy suy nghĩ lại. Khi nào chị bỏ được điều đó, nhất định em sẽ là người đến gặp chị. Còn bây giờ thì không…
Lời cậu như từ nơi nào vọng vào tâm trí cô. Rời rạc, nhưng chắc chắn.
Phục Hy đứng lặng yên nhìn cái bóng nhỏ dần nơi cuối đường. Đôi mắt dõi theo từng cử động để biết rằng cô ấy vẫn ổn. Hôm nay cậu đành phải làm con người độc ác để đánh thức suy nghĩ đúng đắn đã bị vùi dập trong cảm xúc tội lỗi của Anh Thư. Sẽ chỉ lần này thôi, nếu cô ấy không thay đổi, có lẽ cậu sẽ lại phải trốn tránh vì cậu biết, mình cũng là một phần trong đau khổ ấy.
Gió khẽ mơn man tà áo trắng. Khoác cặp lên vai, cậu bước đi ngược chiều với cô gái.
|
Dạo này nhà tôi nhộn nhịp hẳn, y như kiểu mới nuôi thêm một “đứa trẻ con”. Chỉ riêng việc chuẩn bị cơm tối cũng có đủ thứ để cười rồi.
- Á Á!
- Há há!
- Cô thôi cười đi được không? – Thanh Phong liếc tôi.
- Ha ha – tôi ôm bụng – làm sao mà tôi thôi cười được. Cái này là gậy ông đập lưng ông đó.
- Cái khỉ! – Phong nghiến răng, nhìn cái chậu inox nhỏ trước mặt mình, tay dứ dứ cái chày.
- Thế có cần tôi nhắc lại cho nhớ không?
Phong nhìn tôi. Cậu ta bắt đầu biết quê rồi đấy.
** ** **
- Phong có về ăn cơm tối không hở con? – Má tôi hỏi khi cả hai má con đang ngồi vặt rau.
- Chắc là có đấy má. Con đã dặn rồi, cậu ta mà không về thì cho nhịn.
- Bạn bè mà nói thế à? Má thấy hai đứa thân nhau lắm mà.
- Dạ thân, trên mức bình thường một chút.
Má tròn mắt nhìn tôi, rồi sau đó lại cười. Bà hiểu sai ý con gái rồi. Trên mức bình thường là bởi vì cái quan hệ không hề được bình thường kiểu bạn bè thân thiết giúp đỡ nhau. Thêm nữa là Thanh Phong không hề “bình thường”, cậu ta biết tất cả bí mật mà tôi giấu mọi người, giấu cả má.
Nhưng tôi giải thích thế nào đây? Thôi thì cứ để má cười dù chẳng biết bà vui việc gì.
- Cháu chào bác! – Thanh Phong vui vẻ bước vào sân.
- Ừm – má tôi đáp khẽ.
Cậu ta nhanh chóng chạy vào nhà để cất ba lô và túi đồ lỉnh kỉnh trong khi tôi nheo mắt đoán mò trong cái túi đó có những gì.
Phong trở ra liền, cậu ta xắn tay áo với vẻ hăng hái.
- Bác có cần gì cháu giúp không?
Gớm, niềm nở quá nhỉ? Sao không dám nói “Cậu có cần gì tớ giúp không?”
Nghĩ xong tôi cũng khẽ rùng mình. Thanh Phong mà gọi như thế thì đúng là đầu óc có vấn đề. Kiểu như Danh Kíp chuyển sang xưng hô với tôi bằng “anh” - “em” ý. Không hiểu trong đầu anh ta có ý gì.
Tôi đứng dậy, mang rổ rau vào nhà để mặc Phong thích bày trò gì. Thế nhưng má tôi lại nói:
- Cũng chẳng có gì đâu. Hôm nay Hoài Thư trổ tài nấu ăn đấy, có gì cháu vào giúp nó.
Tôi cười nhe cả hàm khi thấy Phong liếc mắt về phía mình với vẻ “không mấy hài lòng”. Thế nhưng đã lỡ mang cái mác “tốt tính”, cậu ta phải lẽo đẽo theo tôi vào bếp.
Phen này cậu chết với tôi rồi.
Ngó quanh cái nhà bếp một lượt (có lẽ đánh giá mức độ sơ sài của nó), Phong nói với tôi lúc này đang rửa rau.
- Nấu cơm nhé! Tôi biết nấu cơm đấy.
- Tưởng con trai mình cậu biết nấu cơm đấy à? Thằng Thiên cũng nấu được kìa – tôi bĩu môi.
- Nhưng tôi chẳng biết làm gì xứng tầm với mình – Phong hất hàm, vẻ mặt thách thức tôi – chẳng lẽ cô nói tôi đi rửa rau rồi xào à?
- Không – tôi cười lưu manh – chẳng phải nấu nướng gì hết. Tôi có việc “đúng tầm” cậu đây.
Nói rồi rôi gảy nhẹ chân xịch cái chậu inox lại phía Phong.
- Hôm nay ăn canh cua, phiền cậu bóc mai giùm cái. Tôi chỉ nhờ có thế.
Tôi cười “độc ác” trong lòng còn Phong nhìn những con vật bò lúc nhúc trong cái chậu như thể lần đầu “gặp mặt” vậy.
- Để tôi nấu ăn cho – cậu ta cười hiền lành.
- Không đổi chác gì cả. Hay để tôi nói má làm vì cậu không làm được? Má ơi…
Phong chạy đến bịt miệng tôi lại, vừa nói vừa hằm hè:
- Tôi làm mà.
|
Sau một hồi nhìn chằm chằm vào cái nồi, cậu ta đưa ánh mắt cầu cứu tôi.
- Sao không luộc nó lên rồi bóc.
- Cậu điên à? – tôi vừa nói vừa thắng hành – bóc mai cua phải làm lúc nó còn kẹp người ta được chứ.
Một thoáng rùng mình trong mắt cậu ta. Lấy hết can đảm, Phong thò tay vào chậu và hét lên gần như ngay lập tức:
- Á!
- Làm gì mà ghê.
- Đây cô xem đi – Phong hất tay làm con cua bay dính vào áo tôi. Trong lúc gỡ nó ra, tôi cũng bị kẹp.
- Ây da!
- Ha ha, vậy mà cô làm tôi tưởng cô không sợ.
- Ai nói không sợ - tôi lừ mắt – vì sợ nên tôi mới để cậu làm.
- Nhưng tôi cũng sợ. Phải làm sao?
Cậu ta nhìn lên cái kệ đựng đồ làm bếp, mắt sáng rỡ.
- Tôi có ý này.
Phong tiến lại bếp, cầm cái chày lên. Cậu ta dùng đũa gắp một con cua ra thớt rồi đập, chỉ tiếc là tay không nhanh bằng mấy cái càng nên liên tục đập hụt.
Tôi nhìn chỉ biết ôm bụng mà cười.
** ** **
- Cô giữ còn tôi đập nhé – Phong quay sang tôi đang đậy nắp chảo khi con cua đầu tiên đã chạy đi đằng nào.
- Cậu Điên À – tôi nói như hét – dùng cái đấy thì nát con cua rồi, còn đâu phân biệt gạch với vỏ???
- Nhưng cứ thử xem – Phong nài nỉ, nháy mắt.
Hừ! Không vì cái nháy mắt dễ thương của cậu ta thì tôi đã chẳng bao giờ làm cái trò biết thừa là ngu ngốc này.
- Kẹp sát vào – cậu ta ra lệnh.
- Sát nữa sao được? Cậu thấy có ai cầm đũa sát đằng đầu không hả?
- Nữa đi.
Tôi bặm môi di chuyển tay xịch xuống dưới một chút, vừa cố giữ cho con cua không chạy.
- Tôi đập đây. Một…, hai…, ba…
Bộp.
- Á!!! Tôi nghe thấy chính mình hét. Cái đũa bị thả ngay ra lập tức rơi tung tóe xuống dưới nhà. Con cua bình yên vô sự vội lủi trong khi tay tôi bắt đầu đỏ lên.
- Có làm sao không? – Phong chạy lại xem xét khi thấy tôi ngồi thụp xuống ôm tay.
- Mắt cậu treo ngược chỗ nào mà không thấy tay tôi hả. Không ngờ cậu lại gây nhiều rắc rối hơn cả tôi.
- Nhiều hồi nào? – cậu ta cãi – có lần này chứ mấy.
- Còn hồi sáng thì sao?
Đúng lúc ấy má tôi bước vào. Bà nhìn mọi thứ với ánh mắt “không thể tin được”.
- Má nghe có tiếng hét.
- Dạ con ạ.
Cả hai đứa nhìn bà với ánh mắt xấu hổ.
- Cái này là gì thế? – bà chỉ cái chày và thớt trên kệ.
- Dạ, đó là ý tưởng của cháu.
Thật lạ là Phong không đổ hết lên đầu tôi.
- Hừm! – má tôi lắc đầu chán nản – hai đứa lớn từng này rồi mà không biết làm cua sao?
Nhưng rồi bà lại mỉm cười.
- Má có ý này.
Nói rồi bà tiến lại kệ bếp lấy ra hai thứ. Tôi với Phong đưa mắt nhìn nhau. Có thêm cái đó cũng có giảm đau được tí nào đâu.
|
Chap 21
Xin lỗi…
Cuối cùng, để trả giá cho sự lười biếng và không chịu khó của bản thân, tôi và Thanh Phong phải bóc cua trong sự im lặng bằng cách làm lâu và khó cịu nhất. Má tôi phụ trách phần nấu đồ ăn và những thứ còn lại. Chốc chốc bà lại quay xuống mỉm cười với vẻ mãn nguyện, không hay rằng tôi và Phong đang khóc ròng… trong lòng.
Cái mà má lấy xuống là hai đôi găng tay làm bếp và một cái kéo con. Bà phân công một đứa dùng kéo… cắt càng cua, đứa kia lo phần lột thịt và gạch (khổ nỗi những con cua ốm nhom đáng ghét này thì có gì để mà lột cơ chứ). Lúc đầu tôi và Phong thay phiên nhau làm, cuối cùng tôi tống hết đám cua còn nguyên càng cho cậu ta, một mình hỉ hả lột vỏ. Tôi nói là “hỉ hả” vì trong hoàn cảnh này, như thế là sung sướng lắm rồi.
Phong có vẻ chịu khó hơn là cam chịu. Cậu ta không hề ca thán cũng không đeo bộ mặt u ám. Có trời mới biết cậu ấy nghĩ gì trong đầu. Tôi cứ ngỡ đại ca Thanh Phong đã thay đổi tính nết, và lấy làm vui mừng chỉ trong vòng 20 phút. Sau khi má tôi đi ra và Phong để con cua kẹp lên chỗ cổ tôi, “niềm vui” hiếm hoi ấy đã biến mất.
- Cậu… - tôi muốn hét lên chửi Phong một trận nhưng má lại đi vào. Thế là phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
- Cô chịu đau đủ cho cảm giác của tôi bị số cua này kẹp đấy – cậu ta thanh minh.
Mãi đến 8h 30 mới xong bữa cơm. Canh cua hôm nay phải nói là tuyệt hảo, có lẽ vì bao “mồ hôi và nước mắt” đã đổ xuống để có được bát canh này. Má hôm nay ăn gì cũng ít, tôi nghĩ là do bệnh của bà lại tái phát nên khuyên má đi nghỉ sớm. Còn lại hai đứa, tôi và Phong giành nhau đến bát canh cuối cùng.
- Để đấy cho tôi! Cậu vừa múc còn gì – tôi nuốt vội để nói, tay cầm đôi đũa chỉ thẳng vào nồi canh.
- Ở đâu ra vụ đó. Ai nhanh tay nhanh miệng thì ăn được nhiều thôi.
Cậu ta đúng là cái thứ con trai ham ăn, ỷ mình có sức thì giành ăn được với Hoài Thư này sao?
Đặt cái bát xuống, tôi lấy cả hai tay để giữ cái muôi canh mà Phong đang cầm.
- Đến lượt tôi chứ!
- Ăn trong bát còn chưa hết mà ham hố - Phong hất đầu về phía chén cơm của tôi.
- ..ặc xác ..ôi! (mặc xác tôi) – tôi vừa nhai vừa nói.
- Ôi gớm – Phong nhăn mặt – cô nuốt rồi hẵng nói giùm tôi. Nghe cái từ mà chẳng muốn ăn nữa.
- Thế thì đưa hết đây – tôi hăm hở.
- Ai làm nhiều hơn, khó khăn hơn thì được ăn nhiều hơn chứ?
Cậu ta nghếch mặt lên, đậy nắp thật chặt rồi giật cái nồi từ tay tôi.
Khỉ thật, chẳng lẽ lại mất miếng ăn?
Tôi liền lao tới, thừa cơ Phong không để ý, đổ hết canh trong bát mình vào.
Ok! Giờ thì cho vàng cậu ta cũng chẳng muốn ăn nữa. Phong vừa đứng lên vừa lầm bẩm chửi còn tôi ngồi xếp bằng oai phong như kẻ thắng trận, chậm rãi “thủ tiêu” nồi canh.
Dọn mâm cơm, tôi “lạch bạch” mang đồ ra ngoài rửa (hậu quả của việc ăn quá no là bạn sẽ có dáng đi giống như vịt vậy) trong khi Phong ra ngoài cổng đứng hóng gió gọi vài cú điện thoại.
Chắc lại là Anh Thư. Cậu ấy ở đây lâu thế không nhớ chị ta mới lạ.
Hằm hằm đặt cái mâm xuống, tôi mạnh tay đến nỗi chồng chén suýt đổ. May mà chẳng có tiếng động gì xảy ra, không lại được phen muối mặt.
Tôi rửa xong cả núi bát chén mà vẫn chưa thấy Phong quay vào nhà, định bụng gọi cậu ta nhưng chợt nhớ còn có điều cần khám phá, tôi ngậm miệng cười đểu rồi tiến lại chỗ cái tủ đựng đồ mà cậu ta tống hết hành lí của mình vào.
Ái chà! Đi có mấy ngày mà cái ba lô của Phong to lên đáng kể, nhìn cứ như trộm ở đâu được một mớ về. Gạt đống dây nhợ cục sạc ra, tôi căng mắt tìm cái khóa kéo vì chỗ này khuất ánh sáng lại bị cánh tủ che mất nên tối om.
Hình như nó ở đâu đó tít lít bên dưới. Khổ! Túi gì mà to vật vã thế này. Tôi thọc tay vào sâu hơn, chạm tay vào một thứ mềm mềm ấm ấm. Chà, hình như phía dưới cái túi có bọc nhung hay lông vũ gì đó.
Tìm thấy được sợi dây dài dài ngay sau đó, tôi hí hửng kéo luôn (chắc khóa kiểu mới). Lạ lùng ở chỗ, khi đã kéo đến gần đỉnh, cái túi chẳng nhúc nhích hay có tiếng động gì, vậy mà cái khóa kéo cứ nặng, lại còn… cựa quậy.
Tôi nhấc hẳn tay lên, trừng mắt nhìn thứ trước mặt mình. Không phải khóa kéo. Cái tôi đang nắm là… đuôi con chuột!!!
Nó nhìn tôi trăn trối còn tôi trợn trừng thẳng vào hai mắt nó. Một giây kịp tỉnh táo đầu óc, tôi cảm thấy như mình sắp đau tim đến nơi.
- Á Á Á!!!
Con chuột bị ném thẳng vào góc tường, nảy xuống rồi lại chạy tiếp trong khi tôi nằm vật ra sàn, mắt không khép lại được.
Phong chạy vào ngay tức khắc. Cậu ta hốt hoảng nhìn rồi chạy lại đỡ tôi dậy.
- Có chuyện gì vậy?
- Con… con chuột! – tôi đờ đẫn đưa tay chỉ chỏ.
- Chuột nào? Ở đâu? – Phong vẫn chưa hiểu chuyện – Nó làm gì cô à?
- Tôi vừa cầm nó lên… từ trong tủ.
Nhìn theo hướng tay tôi, Phong đã hiểu ra chuyện. Cậu ta cười hết lớn.
- Cô biết trường hợp này người ta gọi là gì không? Gậy ông đập lưng ông đấy.
Hừ, lại nhái cái câu của tôi lúc nãy chứ gì. Cậu ta luôn biết tận dụng mọi cơ hội để trả miếng mà.
Hít một hơi lấy lại tinh thần, tôi định ngồi thẳng dậy thì Phong lại lên tiếng.
- Định xem trộm đồ của tôi hả? Đâu có dễ.
Nói rồi cậu ta đứng dậy đóng cánh cửa, thả phịch tôi nằm lại xuống sàn một cách phũ phàng. Chỉ kịp kêu lên một tiếng, cái lưng tôi đã đập xuống nền đau điếng, may là kịp nhấc đầu lên chứ không u một cục rồi.
- Nhà tôi tôi có quyền xem chứ - tôi lồm cồm bò dậy, gân cổ cãi.
- Xem gì thì xem, chứ lại thích đi xem đồ tôi à? Hay là… - Phong quay sang tôi, đôi mắt hấp háy nhìn đến là đểu – cô tìm quần đùi của tôi à?
- Cậu… – mặt tôi đỏ dần rồi chuyển sang trạng thái giận tím tái. Chẳng biết nói sao đành ngậm miệng quay lưng, kệ tên đáng ghét kia khoái chí. Từ giờ đến chết tôi thề không ngó vào cái ba lô của cậu ta nữa.
Bước vào phòng, tôi mới chợt nhớ ra tại sao lúc nãy hét to thế mà không thấy má la gì cả. Bình thường bà đều chạy ra xem xét tình hình. Hay là…
Chạy thục mạng vào Phòng má, tôi lướt qua Thanh Phong đang lén lút kiểm tra lại túi đồ mà không thèm liếc mắt một cái.
Phòng tối, chỉ có ánh đèn ngủ đầu giường dìu dịu. Má nằm trên giường, trán ướt rượt còn hơi thở yếu. Tôi lay nhẹ bà:
- Má! Má sao thế?
Chẳng có cử động nhẹ nào chứng tỏ bà có nghe tôi nói. Má ngất rồi ư?
- Phong! – tôi hét toáng lên – Giúp tôi với.
- Má – tôi khẽ cúi xuống, cảm thấy nước mắt sắp trào ra đến nơi. Bình thường má tôi đâu có đau nặng đến thế này – má có nghe con nói gì không?
Phong chạy vào ngay lập tức, cậu nhìn vẻ mặt hốt hoảng của tôi và chợt hiểu ra chuyện.
- Phải gọi chị Yên. Chị ấy là bác sĩ.
- Nhưng chạy qua rồi lại chạy về, lâu lắm. Đưa má cô sang đi.
- Làm sao mà được?
Cổ họng tôi ngẹn cứng, nước mắt bắt đầu chảy.
Phong tiến lại, nâng má tôi lên rồi quàng hai tay bà lên trước để cõng.
- Khoác áo cho cô ấy đi, tôi cõng sang.
Tôi lúng túng lấy chiếc áo trên móc khoác vào cho má rồi vội vàng khép cửa theo Phong qua nhà chị Yên. Bước chân tôi đã vội, nhưng cậu ấy còn vội hơn, cẩn thận hơn. Tôi bị vấp đến mấy lần trong khi Phong cố giảm thiểu những cơn xóc cho má.
Nước mắt nhạt nhòa khiến tôi cảm thấy con đường như mới sau cơn mưa.
** ** **
|