Twin, Này Nhóc, Đứng Lại
|
|
Quay vào trong nhà, tôi cố làm bộ mặt thân thiện méo mó nhất có thể. Giờ thì đúng là “đơn thương độc mã”.
- Chị vào nhà đi chứ? Đứng ngoài hiên làm gì? – Cô bé lúc nãy nhắc tôi. Thậm chí chính chủ còn không biết cô nhóc này tên gì.
- Ờ, em mang cặp lên phòng trước cho chị được không?
Tôi nhờ vả cũng có ý cả đấy. Nhà to oạch thế này, biết phòng “mình” nó nằm chỗ nào?
- Cái cặp nhẹ thế này mà chị nói em mang lên á?
- Quyên! Không được hỗn với chị.
Nhỏ nũng nịu tí rồi cũng chịu xách cặp cho tôi. Tôi tự hỏi mình là chủ hay còn nhỏ kia nhỉ? Đành rằng yêu cầu của tôi hơi quá, nhưng nó đâu có quyền nhiễu sự thế kia. Hơn nữa tôi là ai? Là Anh Thư Tỉ Tỉ, kẻ có thể “điều đàn em khiển giang hồ”, nổi tiếng khắp nơi, đi đâu ai cũng phải bái phục…
Quên mất, nhà chứ không phải chỗ tụ tập du côn.
Đi hết hai cái cầu thang, qua hai căn phòng lầu ba – một phòng TV, một phòng sách – mới đến cái phòng tôi. Tất cả đồ nội thất trong nhà này, nếu có thể đều được làm từ gỗ khiến cho kẻ lạ lẫm như tôi cảm giác như đang bước vào hang ổ của lâm tặc.
Con bé mở cánh cửa cuối lầu ba, bước vào ném phịch cái cặp tôi lên chiếc bàn gỗ to gấp bốn cái bàn học ở nhà. Trước khi ra ngoài, nó còn nhòm vào cú chót dò xét khiến tôi hết hồn.
- Chị mới đổi cặp à?
- Ừ, sao em?
- Tuần trước chị mới mua cái đẹp lắm. Mà em chưa thấy có cái cặp nào của chị quê mùa thế này cả.
Hả??
Cánh cửa đóng sập lại. Tôi thực tình chỉ muốn lấy cái ghế mà choảng vào cửa cho hả giận. Đâu ra lại có kiểu xét đoán người khác như thế? Lại còn dám bảo là quê mùa. Cái cặp này tôi xài 3 năm rồi có thấy ai nói gì đâu?
Ngồi trên giường, tôi ngắm căn phòng sơn màu xanh dương. Thật may là Anh Thư không mắc bệnh công chúa lắm. Nếu chị ta sơn căn phòng này màu hồng thì chắc tôi ôm chăn ra ngoài ngủ mất. Tôi cũng thích màu xanh, nhưng là xanh lá cơ. Nếu được như vậy thì…
Hoài Thư? Mày đang nghĩ gì vậy? Đây là nhà ai mà đòi hỏi?
Tôi nằm lăn ra giường, ngắm nhìn mọi thứ trong căn phòng hào nhoáng này từ chiếc tủ gỗ bóng loáng có hẳn 4 phần với nhiều ngăn riêng biệt, chiếc bàn toàn những sách và dụng cụ mắc tiền, con gấu bông to ụ phía trên đầu, bức tranh trang trí, tấm rèm bằng lụa tinh xảo… Bất chợt nghĩ tới ngôi nhà tồi tàn mà mới sáng ngày còn phải cẩn thận khóa cửa sợ có tí đồ rẻ tiền cũng bị trộm, tôi không ngăn nổi dòng nước mắt chảy dài.
Tại sao tôi lại có cuộc sống nghèo khổ trong khi người chị song sinh sung sướng trong mớ của cải dư thừa? Tại sao ba tôi giàu có lại để má con tôi đói khổ? Và… tại sao họ lại ly hôn?
Chẳng biết đã nằm như thế bao lâu suy nghĩ về cuộc đời, sự giàu nghèo oái oăm, tôi tỉnh dậy khi phát hiện có gì đó lạ trong phòng.
Tôi mở mí và… bốn mắt nhìn nhau.
- Oái!
Cú bật dậy đột ngột khiến tôi cụng trán cái “bốp” vào người đối diện.
Huhu. Hình như đêm nay trời không mây, toàn sao là sao bay toán loạn.
Chưa kịp định hình tại sao lại có cuộc “chạm mặt” kì lạ thế này. Người đàn ông trung niên trước mặt đã chạy lại xoa trán tôi.
- Có sao không hả Anh Thư?
- Không, không sao – tôi xua tay, nhưng ba đã về đấy à?
Giật mình nhớ ra vị trí lúc này, tôi cố trấn tĩnh mình và mở mắt nhìn cho rõ người đối diện.
|
Ba… không khác mấy với tấm hình mà tôi thấy trên bàn mẹ. Có điều khi tôi hỏi người trong hình là ai, má chỉ nói là một người bạn mà bà không thể quên. Hóa ra trước giờ tôi đều nhìn ba qua khung hình bé tí mà chẳng hay biết.
Người đàn ông trong hình ốm nhom, lọt thỏm trong bộ vest trắng đã của màu. Khuôn mặt lúc cười để lộ hai má hóp và những nét kẻ sâu nơi khóe mắt. Nụ cười khắc khổ nhưng hạnh phúc. Còn người ba mà tôi nhìn thấy bằng xương bằng thịt bây giờ tuy vẫn dong dỏng cao nhưng mập mạp hơn, hồng hào hơn. Trên khuôn mặt không còn nét khắc khổ năm nào, trừ nụ cười vẫn không thay đổi…
Và, cái trán hói kia nữa. Mười mấy năm vẫn thế.
À thật ra thì cũng không hói lắm, chỉ “hơi cao” thôi. Nhưng giờ thì tôi biết mình di truyền từ ai rồi. Hèn chi nãy cụng đầu đau thế.
Nhưng trên hết lúc này vẫn là cảm giác xa lạ quá…
Tôi gạt tay ông đang để trên trán mình, rồi chợt nhớ ra Anh Thư chắc chẳng làm thế với ba, tôi nói để chữa ngượng:
- Ba về lúc nào thế? Ba đi… có mệt không?
- Trông con còn mệt hơn ba ấy chứ - ông ấy cười, đặt một tay lên vai tôi – tưởng con lại làm ba bất ngờ như lần trước, ai ngờ lên phòng đã thấy con ngủ khoèo từ lúc nào rồi.
- Con á? Bất ngờ?
Anh Thư thực sự đã làm gì cho ba sao? Vậy mà thái độ của chị ta cứ như ba là người mà chị ta ghét nhất vậy. Tôi đang phân vân có nên hỏi “mình đã làm gì lần trước” thì ba đứng dậy, xách chiếc cặp làm việc để trên bàn học tôi.
- Nào, xuống ăn cơm đi con. Ba đói rồi.
- Á chết con chưa nấu cơm.
Tôi hốt hoảng định lao xuống. Ba nhìn tôi lạ lẫm.
- Con định nấu cơm á?
Nấu cơm cho ba ăn. Ừ nhỉ, tôi chưa nấu cơm cho ba lần nào cả.
- Thôi – ba đập nhẹ lên đầu tôi – có bà An với Quyên nấu cũng được. Hôm nào thích con trổ tài cho ba ăn sau. Chắc lại học thêm được mấy món mới hả? Ba dành sẵn ngày thứ 7 để thử nghiệm luôn.
Nghe cứ như Anh Thư là một đầu bếp kinh khủng vậy. Chắc trước đây chị ta đã từng nấu cho cả nhà ăn, và ai cũng sợ xanh mặt chứ gì. Phen này tôi sẽ gỡ gạc lại cho chút vốn liếng.
Có vẻ ba tôi không sợ lắm cái vụ ăn đồ do chính tay con gái nấu lắm. Lúc đi xuống cầu thang, ông còn vui vẻ thông báo với mọi người.
- Cuối tuần này đừng nấu cơm nữa nhé, Anh Thư lại trổ tài rồi.
- Ơ – tôi lên tiếng chữa lại – con nấu thì cũng phải nấu cơm chứ, chẳng lẽ ăn đồ ăn không?
- Chẳng thế thì sao? Hôm chị nấu món Pháp, hôm nấu món Nhật, có hôm nào nấu cơm nhà đâu. Cơm cuộn mà cũng kiểu cách nữa là – Quyên nhanh nhảu.
Bà An nhìn đứa con vẻ không phật ý, còn tôi chẳng biết nên cảm ơn hay đá mông nó một cái đây. Anh Thư mà nấu ăn giỏi thế sao? Ngoài mấy món cá kho-ăn-được-cả-tuần với rau-dưa-muối-ăn-cả-tháng thì tôi còn biết gì nữa? cuộc sống nghèo khổ nó nhiễm vào người rồi.
- Cuối tuần này con định làm món gì để bác còn chuẩn bị?
Bà An hỏi khi đang xếp những món ăn ra chiếc bàn gỗ rộng “thênh thang” giữa bếp. Tôi nhìn lác mắt, miệng lẩm bẩm đếm quên cả trả lời. Một món, hai món,… bảy món. Trời ạ, có 4 con người mà ăn hết từng này đồ ăn sao? Bằng cả tháng tằn tiện của tôi rồi. Mà không. Đã ba năm nay rồi mình có biết đến con mực con sò hình dạng nó thế nào đâu mà so sánh? Mà râu mực to khủng bố thế này cơ á?
Tôi cầm một cái râu mực lên “ngắm nghía” .Món râu mực xào này phải trên trăm ngàn chứ chẳng chơi.
- Chị đang làm gì thế? – Nhỏ Quyên nhăn mặt nhìn tôi.
- Xem chứ làm gì? – tôi cũng chẳng vừa, nhưng sau đó lại phải vội vàng đặt cái râu mực xuống khi nhận ra hai người lớn cũng đang nhìn mình tò mò. Chết tiệt, làm sao chữa quê đây?
- Hơ hơ, con kiểm tra xem mực có tươi không ý mà.
- Ừm, con có đôi mắt tinh đời nhỉ - ba tôi mỉm cười kéo ghế ra.
- Tươi chắc đấy con. Bác đặt hàng người ta mang đến từ sáng luôn.
Cái này mà cũng phải đặt hàng á? Làm phách vừa thôi chớ, ra chợ mua cả năm thiếu gì.
Đấy là trong đầu tôi nói thế thôi. Còn sự thật thì… thánh bảo cũng chẳng dám lộ cái quê mùa ra.
- Thế con tính mua những món gì để bác còn chuẩn bị? – Bà An vẫn chưa tha cho tôi.
- Chắc để đến khi đó rồi tính ạ.
Tôi nói rồi kéo cái ghế ở góc, xa nhất trong tất cả 6 cái ghế.
- Này chỗ chị ở trên kia kìa – Quyên giật cái tay cầm ghế khỏi tay tôi, lại thêm một cái nhìn dị dạng. Con bé này, nếu không phải tôi mới quen thì đã cho nó một trận.
Tôi lại cái ghế mà Quyên chỉ. Lúc nhận ra mình ngồi đối diện với cái trán hói, ý lộn, với ba; tôi xém giật mình rớt xuống ghế.
- Nào ăn đi con – Ba tôi lên tiếng “khai mạc” bữa cơm.
- Dạ mời ba, mời bác,.. mời em.
Nghĩ lại vẫn thấy hố. Sao mình phải mời con nhóc khó ưa đó nhỉ. Chỉ tại không biết Anh Thư có làm như thế bao giờ không.
- Chị chẳng bao giờ mời em – Nó lại ngó lom lom tôi, chẳng thèm động đến cái đũa.
- Hì hì – tôi cười trừ với mọi người – hôm nay chị hiền mà.
|
Rôi không để nó kịp nói thêm câu nào, tôi gắp đầy thức ăn vào bát của nhỏ Quyên, không quên tống một cái râu mực thiệt bự vào miệng nó và nói gằn từng từ.
- Ăn-đi-em.
Tất nhiên trước con mắt của ba và bác An, tôi là người cực kì dễ thương và biết quan tâm đến mọi người ấy chứ.
Nhỏ Quyên nhìn tôi trợn tròn mắt nhưng chẳng thể nói nổi câu nào. Ít ra thì nó cũng biết sợ rồi.
- Chà, về nhà thấy con thế này, ba cảm thấy rất vui.
Nói rồi ông gắp cho tôi một miếng sườn kho. Cảm giác cơm ngon hơn hay vì ăn cùng ba thế nhỉ. Đúng rồi, mình cũng phải gắp lại cho ba chứ.
- Ba, ăn cái này đi – tôi gắp miếng râu mực vào bát ông.
- Ơ…
Ba tôi hơi khựng lại. Bà An vội vàng gắp miếng râu mực ấy sang bát mình. Lần này thì đến lượt tôi ngạc nhiên. Bà ấy chỉ là người giúp việc, sao dám gạt bỏ tình cảm tôi giành cho ba như thế.
- Ba con không thích ăn mực mà.
- Nhưng con rất thích…
Tôi định nói là cha con thường có sở thích giống nhau nhưng đã kịp dừng lại kịp thời. Con gái mà không biết ba mình kiêng món gì thì thật là…
- Ừ, con thích nên ăn nhiều vào. Món này làm cho con mà – ba tôi cười hiền lành. Có thế chứ. Nếu không thì tôi chẳng biết gỡ nguy cú này sao.
Tôi cười rồi tiếp tục cầm đũa. Bên cạnh, nhỏ Quyên mới nuốt xong miếng râu mực, lại ngó tôi.
Hừ, được lắm. Chị chỉ cần ở đây 2 ngày thôi là xử lí nhóc được rồi.
Phần còn lại của bữa cơm diễn ra suôn sẻ hơn nhiều. Ít ra thì tôi im lặng ăn cơm và chẳng hớ thêm cú nào nữa.
Ba vừa đặt đũa xuống, tôi lăng xăng lấy đồ tráng miệng trên kệ đặt trên bàn. Ba nhìn tôi rồi nói:
- Chà, con suy nghĩ lại chuyện đó rồi chứ Anh Thư?
- Chuyện gì hở ba? – Tôi ngồi xuống rồi tiếp tục cầm đũa lên và một miếng cơm to tướng. Thật tình giả bộ làm le vậy thôi chứ đang bữa cơm mà đứng dậy ăn mất cả ngon.
- Thì cuối năm sau, con học xong cấp ba rồi… cưới.
Phụt!
- Ba nói cưới là sao?
Ôi god! Mình vừa làm gì thế này?
Câu hỏi vừa rồi thật là ngu ngốc. Hỏi lúc này thì làm sao ba tôi trả lời được. Ba đang mắc kẹt với đống cơm tôi vừa phun vương vãi khắp phần bàn trước mặt (ngồi đối diện mà), trên áo và cả trên miếng đông xương ông đang cầm trên tay chưa kịp đưa lên miệng.
Có cái gì cong cong trên má có phải là râu mực không nhỉ.
- Ghê quá đi.
Quyên là đứa lên tiếng đầu tiên, nó nhìn tôi đắc thắng, nhe hàm trên ra. Bà An vẫn bất ngờ chưa nói được câu nào. Tôi vội đứng dậy.
- Con… con xin lỗi. Để con đi lấy khăn cho ba.
- Thôi khỏi – Ba tôi giơ tay lên rồi đứng dậy – con cứ ăn và… suy nghĩ cho kĩ đi. Cái này ba tự xử lí cũng được.
Sau đó ba đi vào phòng tắm ngay phía sau nhà bếp còn tôi ngồi như ghim mông vào cái ghế, hai tay úp lên mặt chẳng ăn thêm được miếng nào.
Ôi! Bữa cơm ấm cúng bị mình biến thành cái gì thế này?
Nhưng cũng tại ba cả. Ông ấy nói cưới là sao?
Tôi đứng bật dậy. Cái Quyên lại thêm cú giật mình. Muốn đi giờ cũng khó, phải dọn cái đống hổ lốn mình vừa gây ra này sao?
Chắc thấy tôi nhăn nhó nhìn cái bàn “tanh bành” nên bà An cuối cùng cũng “tìm thấy tiếng nói” của mình.
- Cháu cứ lên nghỉ trước đi. Bác rửa chén. Còn cái đó… con dọn nhá Quyên.
- Sao lại là con? – Con nhỏ ré lên trong khi tôi cười khoái chí, không quên tặng cho nó một nụ cười trước khi biến lên lầu.
** ***
Điện thoại! Điện thoại! Điện thoại!
Cuối cùng cũng tìm thấy cái điện thoại trong cặp đi học. Tôi vội vàng bấm số gọi cho Anh Thư. Phải tìm hiểu cái vụ “học xong cấp ba rồi cưới” này là sao.
Đáp lại cơn nóng lòng của tôi là những tiếng tút dài vô vọng. Hừ. Từ cú điện thoại lè nhè hôm bữa, tôi vẫn không liên lạc được cho Anh Thư. Chị ta làm cái quoái gì mà cắt luôn liên lạc thế này?
Biết làm sao đây? Chẳng lẽ gọi Thanh Phong?
Không được, thế thì kì lắm. Chuyện cưới xin của chị em tôi, à, của Anh Thư mà lại đi hỏi một tên con trai.
Nhưng không hỏi hắn thì còn hỏi ai? Cứ im im thế rồi mỗi bữa cơm tôi lại phun một cú thì sao?
Sau một hồi đắn đo suy xét các khả năng rủi ro, tôi quyết định đánh liều gọi cho hắn một phen thử xem. Nếu có chuyện gì thì viện cớ lo lắng cho Anh Thư, chắc hắn chẳng làm gì.
Sao hai giây âm hiệu nó lâu bằng cả tiếng vầy nè?
- A lô?
Giọng con trai ngái ngủ ở đầu dây bên kia. Tôi liếc mắt lên cái đồng hồ treo tường. Mới có 11h30 trưa mà hắn đã đi ngủ rồi á?
- Thanh Phong! Tôi có chuyện muốn hỏi cậu.
- Thanh Phong gì ở đây?
Cái này là sao? Tôi nhìn lại màn hình để chắc chắn mình không gọi lầm số. Cái tên “Trinh deu deu” rành rành đây cơ mà. Thế thì tên này giỡn mặt mình chắc.
- Trịnh Thanh Phong, tôi có chuyện muốn nói với cậu. Cậu mà không tỉnh ngủ ngay coi chừng tôi cho một trận.
|
Nói xong tôi bịt ống nghe luôn. Cho hắn một trận thế quoái nào nhỉ - chỉ phòng khi hắn thách thiệt thôi. Mình lại quen thói to miệng rồi.
Tôi áp tai vào loa. Không có tiếng con trai phản đối gì cả. Nhưng sao lại có tiếng cười sặc sụa rồi tiếng va chạm bình bịch của cái gì đó giống như gối thế nhỉ.
- Đưa điện thoại đây – tiếng hét ở đầu dây bên kia. Ôi má ơi, đây mới là tiếng Thanh Phong thật sự.
- Ha ha, ai mướn để điện thoại đầu giường người ta chi – giờ thì tôi biết tiếng cười phát ra từ cái tên “ngái ngủ” kia rồi.
- Mày không đưa tao đấm một phát bây giờ.
Oái!
Biết không phải dành cho mình nhưng rôi nghe hắn gầm cũng hết hồn suýt rơi điện thoại. Thì Thanh Phong vẫn được mệnh danh là sát thủ tay không mà.
- A lô.
Đúng người rồi. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
- Phong phải không? – Hỏi cho chắc ý mà.
- Hừ, đúng.
- Thế tên quoái nào nghe điện thoại cậu lúc nãy – tôi cáu.
- À… thằng em tôi.
Hừ. Hắn có em trai cơ đấy. Vậy sao mình đến nhà không thấy nhỉ? Em trai Thanh Phong… không biết có đẹp trai giống hắn không…
- Tôi hỏi cô gọi có chuyện gì mà sao không trả lời.
- À… - không biết trong lúc mải suy nghĩ, tôi có bỏ lỡ câu nào của hắn không nhỉ.
- Mà cô vẫn “an toàn” chứ? Đã gây ra chuyện gì chưa?
Tôi cảm giác như hắn đang cười đểu, khóe miệng hơi nhếch lên giễu cợt.
- Gây ra chuyện là thế nào. Mọi việc đều suôn sẻ…
Trừ cú phun cơm. Nhưng ngu gì nói.
- Cậu… có biết chuyện cưới xin gì của Anh Thư không? - Sặc… - tiếng hắn hơi bất ngờ - cô nghe rồi à? Tôi quên nói, vì chuyện này mà Anh Thư đang giận ông già.
Giận á? Vậy mà lúc nãy tôi toàn đóng con ngoan. Nhưng nói thiệt, người ba mình chưa tiếp xúc bao nhiêu thì giận thế quoái nào được.
- Ông già bắt Anh Thư cuối năm sau cưới một người đã chọn sẵn – Thanh Phong nhẹ nhàng giải thích cái tin vốn chẳng hề nhẹ này.
- Thời buổi nào mà còn chuyện cưới vớ vẩn thế?
- Hỏi ông già ấy.
Có lẽ tôi cũng hùa theo gọi ba là ông già thiệt. Sao lại có thể làm như thế với con gái yêu của mình.
- Nhưng có cô xuất hiện thì chắc mọi thứ lại khác.
Giọng hắn có vẻ hớn hở khi tìm ra được người thay thế Anh Thư nhỉ. Mình thì có liên quan gì đến chuyện trăm năm của chị ta? Cái hợp đồng đấy đâu bao gồm đến cuối đời. Chẳng lẽ Anh Thư vui vẻ bên người yêu trong khi tôi mặc váy trắng đóng giả chị ta làm cô dâu trong ngày cưới???
- Còn Lâu!
Tôi hét thật to rồi cúp máy. Cậu ta nghĩ tôi là ai chứ? Lấy một người mình còn chưa nghe đến cái tên. Thật hoang đường.
Càng thế càng không được để lộ cho ba tôi biết là Hoài Thư đã xuất hiện trong cuộc sống của ông.
|
Chap 6
Chiều ngủ một giấc dậy thật là đã quá đi. Không hiểu do tôi được nằm nệm êm hay ngủ quên cả làm thêm. Tối phải gọi điện “Xin lỗi tình yêu” với bà Dương mới được.
Vươn vai, tôi khoan khoái bước xuống nhà, mắt nhắm mắt mở.
Má ơi, gì thế này? Cái sàn nhà nó biết chạy.
Oạch!
Đau thấu xương, nhưng tôi vẫn nhận ra đôi mắt lạ lùng cố hữu của nhóc Quyên. Con nhỏ ghé sát khuôn mặt lại dòm tôi.
- Chị đi đứng không cẩn thận gì hết. Em đang lau nhà.
Nó phán như việc tôi bị ngã là vô cùng ngu ngốc vì không biết nó đang lau nhà. Tôi là chủ hay con nhóc này là chủ.
Mặt sưng mày sỉa, tôi ngồi thẳng dậy, vỗ vỗ tay vào cái lưng khốn khổ.
- Lau nhà gì giờ này?
- Ngủ nướng gì giờ này – nó đốp lại.
- Thích thì ngủ. Ai cấm – tôi lừ mắt với nó.
Con nhỏ tiếp tục lau nhà mà chẳng thèm ngẩng lên, nó thản nhiên:
- Bình thường 4h chị đã lăng xăng đi tưới cây cho ông chủ mà.
“Tôi” có như thế á? Chu cha, Anh Thư Tỉ Tỉ ở nhà siêng ngoan dữ vậy sao? Mình kiếm cớ đang giận ba cái vụ kia mà đánh bài chuồn cú này được không nhỉ?
Nhìn đồng hồ treo tường (nhà này được cái đồng hồ treo khắp nơi), tôi suýt hét lên. 5h kém 15 phút rồi. Nghĩa là ba tôi sắp về. Thế là phải làm việc ngay bây giờ à?
Lọ mọ đứng dậy, tôi vừa đấm lưng vừa đi xuống nhà thì nghe Quyên lên tiếng.
- Chị hôm nay lạ lắm.
- Lạ là lạ thế nào? – Tôi quay lại nhìn con nhỏ.
- Em biết chị có một bí mật.
Con nhỏ cười ranh mãnh rồi xách xô đi vào toilet. Tôi thì đứng như hóa đá, tỉnh cả ngủ. Nó nói là biết bí mật của mình, chẳng lẽ nó biết mình không phải Anh Thư? Má ơi.
Kêu má thì được ích gì. Vấn đề bây giờ là kêu ai giúp tôi cái vụ cây cảnh này với. Một “sân” to đùng toàn những câu cốt-xì-nái thế này thì tưới đời nào mới xong? Tôi không tin Anh Thư lại là đứa con chăm ngoan như thế.
Hay chỉ có mình tôi là đứa lười thôi nhỉ.
Chẳng biết bắt đầu từ đâu, tôi phóng lại chỗ cái hồ cá nho nhỏ khi nhác thấy cái gàu dừa đặt cạnh đấy.
Oa! Những con cá này mới đẹp làm sao. Cá chỉ to bằng nửa ngón tay út của tôi nhưng đủ màu sắc, dễ đến cả mấy trăm con chứ không ít. Tôi chỉ thấy được một phần thôi, còn biết bao con xinh đẹp nấp phía trong những hốc đá non bộ kia nữa. Úi chà! Có con sắp đẻ kìa. Ơ, con kia cá đực hay sao mà màu xanh…
- Chị đang làm gì thế?
Lại con nhỏ đáng ghét. Sao nó cứ thích phá đám mình.
- Chuẩn bị tưới cây chứ làm gì nữa – tôi nói rồi tiếp tục chúi đầu xuống hồ cá. Sao mình cứ bị con nhỏ này xét nét.
- Vòi nước ở góc vườn kia kìa. Chị nhanh chứ không…
- Không thì sao? – tôi quay lại hằm hè, phải cho nó biết thế nào là lễ độ chứ.
- Ơ, chả sao… - Con nhỏ nói rồi chuồn thẳng.
Tức quá đi.
Tôi khệnh khạng định tiến về góc vườn. Nhưng khoan đã… nước trong hồ này chẳng phải cũng được việc sao? Tưới mấy cái cây gần gần này đã. Hí hửng lấy cái gàu dừa, tôi múc nước vào mấy chậu mai bên cạnh, vừa làm vừa tự khen “cao kế”. Đỡ cả đoạn đường đi đến… cuối vườn ấy chứ.
Tin Tin.
Tôi đang hăng hái “tưới cây” thì cái ô tô màu đen đến đỗ trước cổng và bắt đầu bấm còi. Chắc chắn là xe đi làm của ba tôi rồi. Xịn thế.
Bà An nhanh chóng ra mở cửa. Chiếc xe rẽ vào ga ra êm ru. Cửa kính bắt đầu hạ xuống. Tá hỏa, tôi hất cái gàu dừa rơi tõm xuống bể cá.
Chết! Tưới cây mà làm gì thế này.
Bay ngay về phía góc vườn, tôi vội vội vàng vàng mở vòi nước. Chẳng hiểu cái vòi kẹt thế nào mở mãi không ra.
- Làm gì thế con?
Ba bắt đầu bước lên bậc cầu thang lên vườn trên. Tôi đã rối nay càng rối hơn.
- Ớ, con đang… mở vòi…
Xịt!
Chưa nói hết câu mà một dòng nước đã bắt thẳng lên tố cáo tôi. Cái vòi chết tiệt bị hư hay so mà nước bắn tung tóe. Càng ngày càng mạnh. Tay tôi bị nước làm cho cứng đơ mất hết cả cảm giác. Mình đang mò cái gì thế này?
Ah! Ướt hết đồ tôi rồi.
- Trời ạ, sao phải mở vòi nước.
Ba chạy lại kéo tôi ra rồi nhanh tay vặn vòi nước lại. Bộ đồ tây trên người ba ướt cũng không kém gì tôi.
- Con… con chỉ định tưới cây.
- Sao hôm nay con siêng thế? – Ba nhìn tôi lạ lẫm rồi mỉm cười – Chà, Anh Thư càng ngày càng siêng thế này. Trước giờ con có thèm ngó ngàng vườn cây của ba đâu.
Hả. Không phải “tôi” mỗi ngày đều tưới cây cho ba sao? Hay là…
|