Twin, Này Nhóc, Đứng Lại
|
|
Tôi lia mắt về phía cửa nhà, nơi cái bím tóc của nhóc Quyên vừa mất hút.
Tức thật, lại bị con nhỏ này chơi xỏ rồi. Làm gì có chuyện Anh Thư chiều nào cũng tưới cây cho ba. Giang hồ nghe nó cười rớt hết hàm trên.
- Ba ướt hết đồ rồi kìa – Tôi nhìn ba rồi cúi xuống phủi cho văng mấy giọt nước còn đọng lại trên chiếc áo vest.
- Không sao, vào thay đồ luôn. Con cũng ướt rồi kìa, vào nhà thay đồ đi.
Chỉ chờ có thế là tôi ba chân bốn cẳng vào nhà.
- Sao mấy chậu ở đây lại có cá chết? Làm sao mà cá lại nhảy ra tít đây.
Tôi ngoái lại thấy ba đang nhìn mấy chậu cây cạnh hồ nước, lầm bầm. Chết thật. Chắc lúc nãy múc nước không để ý múc luôn cá vào quá. Chạy!!!
- Quyên! Ra đây chị bảo.
Con nhỏ đang vặt rau trong nhà bếp. Nghe giọng tôi chẳng hiền lành gì, nó nhìn bà An cầu cứu. Nhưng tất cả nhóc con nhận được chỉ là cái phẩy tay:
- Ra xem chị gọi gì kìa.
Cái mặt phụng phịu kia chẳng đáng yêu tí nào đâu nhóc.
- Chị có chuyện gì? – nó nhăn nhó cúi mặt chẳng thèm ngó tôi lấy một cái.
- Sao em cứ hay bày trò với chị thế hả?
- Chị lạ lắm – Con nhỏ mắt sáng rực.
- Lạ là lạ thế nào? – Tôi nheo mắt – Không là Anh Thư thì ai? Có điều dạo này học thi nên đầu chị… hơi có vấn đề tí.
- Học thi á?
Đâu ra cái kiểu ranh ma cứ mình nói một câu thì nó hỏi lại một câu nhỉ.
- Ừ, học thi. Vậy nên em liệu hồn đừng có bày trò này nọ. Ăn nói lễ phép một chút…
- Học thi kì một á.
- Ừ, và đừng có….
Chết tiệt, hố rồi. Học kì một cái gì giữa tháng 10 này.
- Học thi cái khác bên ngoài, không phải trên trường đâu. Em đừng có mà bà cụ non nữa. Mà nói ra, cái bí mật mà em biết là gì.
- Gì đâu.
Quyên ngó lơ ra chỗ khác, chân di di trên sàn nhà. Rõ là nói láo mà.
- Xì, tưởng chị sợ chắc. Chị đây có bí mật nào cho em uy hiếp chứ?
- Có – con nhỏ quay ngoắt lại – em sẽ méc chuyện chị đi đánh nhau để lại cái vết sẹo ở đuôi mày trái.
Á! Tôi khác Anh Thư mỗi điểm này mà nó cũng nhận ra. Con nhỏ này ghê thiệt. Nhưng đánh nhau đâu ra chứ? “Tôi” hiền lành thế này cơ mà.
- Chị mà đánh nhau á? Cái này là tai nạn khi sơ xuất thôi.
- Làm như em không biết.
Nó biết cái gì nhỉ? Mình có nên cảnh giác…
Tôi chưa kịp nói gì thêm thì bà An đã gọi nó vào sắp cơm. Thì tha cho lần này đấy. Phải hỏi Thanh Phong thêm về con nhỏ giúp việc này mới được. Liệu nó có biết hết bí mật của Anh Thư không nhỉ.
Bữa cơm chiều diễn ra suôn sẻ hơn bởi tôi đã biết rút kinh nghiệm. Nhưng mà nhà gì toàn thích ăn hải sản. Chiều nay có món tôm nướng, tôm hấp, canh nấu tôm… Chắc trong nhà chẳng ai biết, Hoài Thư bị dị ứng với món tôm này đâu nhỉ. Thấy tôi cứ chọc chọc cái đũa vào chén cơm, bà An nhắc:
- Ơ kìa, ăn đi cháu. Toàn món cháu thích mà.
- Dạ, cháu không chắc… Ý cháu là hôm nay bụng hơi lạ, ăn mấy món này vào không tốt lắm.
Tôi cười rồi chuyển đũa sang dĩa thịt kho, nào ngờ cái con bé Quyên này lại gây trò.
- Bụng không tốt thì không nên ăn đồ khó tiêu đâu. Tốt nhất chị nên ăn nhiều rau vào.
Nói rồi nó cứ thế làm mấy gắp lang xào cho tới khi cái bát của tôi đầy ứ ự một màu xanh xanh xanh, chấm thêm màu vàng vàng (của tỏi ý mà). Ăn rau thì cũng có điều độ thôi chứ, đằng này nó làm một bát to tướng thì tôi ăn rau trừ cơm à.
Tôi liếc xéo Quyên một cái. Con nhỏ nhún vai rồi cười hỉ hả. Mình sơ hở thật, để nó trả đũa cái vụ hồi trưa.
- Thế con đã… - Ba tôi giọng chậm rãi. Chưa kịp nghe ông nói hết câu thì Quyên đã lật đật buông đũa, giơ tay che miệng tôi lại và hét lên:
- Khoan đã bác, chị ý mới và một đống cơm…
- Một đống cơm thì sao… - tôi cố nuốt hết thức ăn trong miệng rồi hạnh họe nó. Cái con nhỏ chết tiệt.
- Chị mà phun ra nữa thì ai dọn đây?
Bà An đưa tay lên miệng để lén cười còn ba tôi biết ý, tiếp tục cầm đũa ăn cơm.
- Thôi, thế con cứ suy nghĩ nhé.
Ba tôi định mỗi bữa cơm bỏ bom con gái một lần hay sao thế. Đây là nội bộ gia đình còn vậy, chẳng may có khách thì làm thế nào. Mà suy nghĩ gì lắm thế, tôi suy nghĩ cả rồi.
- Ba à, dù ba có nói thế nào, con cũng nhất định không chịu.
- Nhưng con chưa gặp người ta mà.
Thế mới nói. Mặt còn chưa thấy nữa mà bảo tôi cưới. Có vô lí không cơ chứ.
- Chính vì chưa gặp mặt nên con không thể - tôi cố rút ngắn cuộc trò chuyện. Nhanh nhanh chứ không con nhỏ Quyên nó gắp mất miếng sườn cuối cùng. Thôi… tiêu rồi!
- Vậy cuối tuần con đi xem mắt nhé.
Ba tôi như người chết đuối vớ được phao, không tìm mọi cách để tôi đồng ý. Nhìn ánh mắt “tha thiết” của ông mà tôi chẳng biết nói sao cho phải. Đúng lúc đó thì nhỏ Quyên dẫm vào bàn chân tôi một cái đau điếng.
- Ah!
- Con bảo sao? Con đồng ý à?
Ai nói là tôi đồng ý? Đó là tiếng kêu thảm thiết ấy chứ. Khổ nỗi trong lúc tôi mải lườm Quyên, ba đã rút điện thoại ra và đứng lên.
- Con gái tôi đồng ý rồi. Cuối tuần này cho hai đứa nó gặp mặt nhá.
- Con đồng ý hồi nào cơ chứ? BA!
Tôi hét lên nhưng chẳng kịp. Ba tôi mải vui với cuộc điện thoại nên chẳng thèm để ý gì đến xung quanh. Bên cạnh, cái Quyên lại hí hửng:
- Có chứ sao không. Chị nghe ba nói rồi trả lời liền mà. Ha ha.
Grừ. Phải bóp cổ nó mới hả dạ.
|
- Bác nghĩ con cũng nên đi một lần – bà An lên tiếng làm tôi khựng lại – Chỉ xem mặt thôi mà, nếu không được thì thôi. Chứ con cứ làm thế ba con buồn lắm. “Làm thế” là phải nói Anh Thư ấy chứ. Tôi mới chân ướt chân ráo vào cái nàh này, biết gì đâu mà. Trời ạ, không có Anh Thư ở nhà mà mình tự tiện “bị bắt đồng ý” thế này khi về chị ta có giết mình không ta? Ah Ah Ah!
Cố nuốt vài miếng rau, tôi ôm bụng đói rồi lên lầu. Ngồi nữa cũng chẳng ăn được cái gì ngon lành hơn, không khéo lại bị lôi vào vụ cưới xin nữa thì mệt lắm.
Haiz! Đi tắm cái nào.
Tôi vào phòng lấy đồ ra, định bụng mượn tạm Anh Thư cái gì mặc rồi mai ghé về nhà lấy đồ. Nhưng cái tủ to vật vã là vậy… trống trơn.
Anh Thư!! Chị làm gì thế này? Đi chơi mà vét cái tủ sạch sành sanh không còn tí gì. Thế này có chết không cơ chứ? Chẳng lẽ tôi nay phải mặc lại đồ cũ? Không! Không thể.
Tôi mò hết ngăn kéo này đến ngăn kéo kia, tìm khắp cùng các ngõ ngách, kể cả.. hộc bàn lẫn gầm giường nhưng tuyệt nhiên chẳng có bóng dáng của một cái áo thun hay quần đùi. Chết thật ấy chứ.
Lấy chiếc điện thoại trên bàn, tay tôi lần đến số của Thanh Phong, nhưng rồi dừng lại đúng lúc. Gọi cho hắn làm gì cơ chứ? Chẳng lẽ hắn lại giữ đồ của Hoài Thư ở nhà. Bảo hắn xách xe qua chở mình về lấy đồ thì thật là lạm dụng. Chi bằng tự đi cho rồi.
Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải rón rén xuống nhà lúc ba đang xem TV và bà An đang lúi húi dọn bàn ăn. Chà, cái con nhỏ rắc rối kia đâu rồi he. Tránh nó mới là chuyện quan trọng.
- Hù…!
- A á á! Mày làm chị hết hồn.
- Người ta nói có tật giật mình chị chưa nghe hả? – Con nhỏ thì thầm như ma vào tai tôi mới ớn chứ, cứ nhột nhột thế nào.
- Ai có tật giật mình – tôi tranh thủ lúc nó không để ý mà cốc một cái lên đầu – đang chỗ bóng tối mà tự dưng nhảy xổ ra hù thì ai không giật mình cơ chứ.
- Hm, thế á?
Sao mà tôi ghét cái ánh mắt nửa tin nửa ngờ của nó thế kia cơ chứ. Mà nếu người khác nhìn vào bộ dạng tôi chắc cũng nghi ngờ thiệt: quần ống cao ống thấp, tay ôm áo khoác, tay cầm ví tiền, dép lê kẹp nách. Hic, có giống dân chạy nạn không cơ chứ.
- Xê ra – tôi quát nó. Đã lỡ bị bắt quả tang cái bộ dạng lén lút này thì tôi phải cho nó thấy mình đường đường chính chính mới được. Thế là tôi vào phòng khách, cười vui vẻ với ba.
- Ba! Cho con qua nhà bạn lấy đồ tí nha. Con để quên.
- Ừ - ba tôi dành đúng 2s rời màn hình TV để liếc nhìn con gái yêu – ai chở con đi.
- Dạ chắc đi bộ - tôi thản nhiên nhưng nhỏ Quyên lại nhìn tôi sắp lòi con mắt. Bộ mình nói gì sai?
- Sao không bắt taxi mà đi hả con?
Con cũng muốn lắm chứ. Nhưng mà taxi chưa có dịch vụ trả tiền bằng thẻ ATM ba ơi.
- Dạ thôi khỏi…
Nhìn cái bộ dạng mếu máo của tôi, chắc ba cũng thương tình. Ông đứng dậy tiến về cái áo khoác của mình, chắc lại cho tiền mình đi taxi chứ gì. Hê hê.
- Lấy mà đi này – ông ném về phía tôi cái gì đó. Nếu là tiền thì sao lại ném xa thế nhỉ.
- Ba, cái này là cái gì? – tôi giơ lên chiếc chìa khóa có chữ SYM.
- Thì lấy mà đi.
- Nhưng con không biết… - Á! Suýt hố lần nữa. Anh Thư mà không biết đi xe máy thì thật là lạ - ý con là chân con bị đau không đi xe được.
- Đâu? – Nhỏ Quyên ngó lom lom cái chân tôi vẻ quan tâm. Hừ, có tìm cả năm cũng không thấy vết thương đâu cưng – mà chân đau thì sao lúc nãy chị đòi đi bộ.
Tôi cứng họng luôn. Hết nhìn nó rồi lại nhìn chiếc chìa khóa. Hay mình liều nhỉ? Chắc lái xe máy cũng giống… xe đạp.
- Thôi con không thích thì cầm tiền đi taxi. Nhiêu đây… đủ chứ?
Khỏi phải nói tôi mừng cỡ nào, bay ngay lại chỗ ba lấy mấy tờ polyme xinh xắn. Lúc ra khỏi phòng, tôi thề là nhỏ Quyên vẫn lẩm bẩm:
- Lạ thật. Anh Thư mà đi xin tiền.
Xin tiền cũng mặc kệ. Miễn sao giờ đây tôi đã yên vị trên chiếc taxi trắng 4 chỗ. Để khỏi gây sự chú ý trong khu phố, tôi quyết định dừng xe ở đầu ngõ và đi bộ vào. Đường không đèn nhưng trăng hôm nay đủ sáng để tôi vừa đi vừa ngếch mắt lên ngắm… mấy quả xoài.
Mới có mười mấy tiếng không về nhà mà tôi cảm thấy như cả năm rồi. Con Xù còn không nhận ra chủ, sủa toáng lên. Bên nhà Chùm ruột đèn sáng. Con bé chạy ra ngoài đầu tiên.
- A! Chị Thư.
Nhỏ Chùm Ruột bấu lấy ống tay áo tôi. Tôi mỉm cười rồi vuốt má nó.
- Sao không ở trong nhà? Ra đây chi?
- Em với mẹ chuẩn bị ra ngoài – con bé nói rồi nhìn tôi khắp lượt – bộ chị mới đi đâu về hở.
- Ừm, hôm nay chị qua nhà bạn ngủ. Giờ về lấy chút đồ.
- Chùm ruột! Nhanh lên con.
Má Chùm ruột kêu trong lúc khóa cửa nhà. Chị ta chẳng thèm nhìn tôi lấy một cái.
- Em phải đi rồi – Chùm ruột cầm tay tôi lắc lắc rồi nó ra hiệu tôi cúi xuống – có người chờ chị…
- Ra nhanh nào.
Mẹ Chùm ruột hối nó, nhìn hai đứa tôi khó chịu. Con bé đành vẫy tay tạm biệt tôi rồi đi mất, còn chưa kịp nghe rõ đầu đuôi nó định nói gì?
- Ai chờ mình nhỉ?
Tôi lẩm bẩm mở cửa vào nhà. Mải đoán già đoán non, tôi chẳng để ý hôm nay có vật chắn ở cửa. Trong lúc nhá nhem tối, tôi vấp ngay cái vật chắn ấy, ngã dúi dụi trước sân. Lồm cồm bò dậy, chưa kịp xuýt xoa cái đầu gối thì tôi đã tắc cổ họng khi phát hiện thư vừa làm mình té là đôi chân của một cậu thanh niên mặc đồng phục đi học quen quen với cái đầu… bê bế máu trên trán.
- Phục Hy! Hoàng Phục Hy! Cậu làm sao thế này?
|
- Chị…
Nhóc Hy nhìn tôi rồi mỉm cười, sau đó nó gục đầu sang một bên… ngất xỉu. Chẳng biết làm sao, tôi tát vào má nó hai cái liền mà vẫn không thấy động tĩnh gì. Máu bắt đầu dính cả lên tay khiến tôi hoảng hồn, xem nữa thì hét lên.
Phải làm sao bây giờ? Chẳng lẽ tôi cứ để nó nằm trước cửa nhà mình? Thằng nhóc này cũng biết chọn chỗ ấy chứ. Nếu tối nay tôi không về thì nó nằm đây cả đêm rồi làm sao?
Sau một hồi suy xét, quyết định sáng suốt nhất là mang Phục Hy đến bệnh viện, mặc nó có muốn hay không. Cứu người là quan trọng mà.
Tôi xốc một vai của Phục Hy lên. Dù là hơi ốm so với con trai, nhưng tôi cũng là “con gái chân yếu tay mềm”, nhấc được “bé trai” lớp 10 này là cả một vấn đề. Lúc tôi xốc nách còn lại, cậu nhóc nhăn mặt kêu khẽ:
- Chị… tay bên đó của em… gẫy rồi.
- Té ra vẫn còn nói được cơ à? – Chẳng biết nước mắt tèm lem trên mặt tôi lúc nào. Tôi không thương gì nó đâu, nhưng thằng nhỏ bị ai đánh mà tới nông nỗi này. Lúc sáng nó còn đòi gặp mình…
Thôi đúng rồi, có phải do chuyện của Anh Thư sáng ngày không? Nhóc Hy đã đến tận lớp nhờ mà mình chẳng giúp được gì. Thấy cái bộ dạng mất ngủ khác thường của nó, mình phải ngờ ngợ điều gì đó chứ. Đằng này… còn để nó “tự giải quyết”. Phục Hy mà có nông nỗi gì đều là do mình cả.
Cố nén nước mắt, tôi dùng hết sức mình để vác Phục Hy trên vai. Rồi chẳng thèm khóa cổng, tôi cõng nó ra ngoài đường lớn. Ít nhất phải ra ngoài đấy mới có taxi.
- Chị… chị cõng em đấy à?
Tiếng Phục Hy thều thào bên tai sao nghe thương thế, làm nước mắt tôi lại chảy lòng ròng.
- Đồ ngốc, đau thế thì lo mà im lặng đi, còn nói này nọ làm gì. Sau cú này cậu lo mà giảm cân, còn lần nữa chắc tôi cõng không nổi.
Phục Hy không nói gì nữa, khẽ ngả đầu sang một bên vai tôi. Làm ơn đừng có ngất, tôi sợ lắm.
Đoạn đường hẻm sao hôm nay dài thế? Do bước chân tôi đi xiêu vẹo hay vì ruột đang quặn thắt lại từng hồi thế này. Tôi chưa bao giờ bị đặt trong tình cảnh éo le như thế này. Lần đầu tiên tôi cứu người… có khi nào là lần cuối tôi gặp người ấy không nhỉ.
Cầu trời cho Phục Hy không sao.
- Chị lẩm bẩm gì thế?
- Im lặng đi! Đừng làm tôi mất tập trung.
Tôi quát thế, vì sợ nó nói nhiều sẽ mất sức. Áo tôi đang thấm dần mồ hôi và cả chất lỏng màu đỏ ấy nữa. Chắc máu lại ra nhiều. Sợ đến được bệnh viện Phục Hy mất nhiều máu thì càng khổ.
Mà có ai nghe tôi tự bạch rằng mình bị say máu bẩm sinh chưa nhỉ? Cái đầu tôi bắt đầu chếch choáng như người say rồi. Nhưng sức nặng trên lưng nhắc tôi không được quên nhiệm vụ. Có muốn xỉu cũng phải nhìn được cái taxi.
Lúc tôi cảm thấy chân tay rã rời, mắt hoa lên đến nơi thì cái đèn đường lớn cũng đã hiện ra. Tôi vừa chạy ra khỏi con hẻm liền trở thành tâm điểm chú ý của những chiếc xe trên đường và những người xung quanh. May thay trong số đó có một chiếc taxi nhanh mắt chạy tới.
Vội vàng mở cửa, tôi đỡ Phục Hy vào với sự giúp đỡ của bác tài xế. Ông ấy dành cho tôi cái nhìn thông cảm.
- Bị sao thế này?
- Bị đánh – tôi cộc lốc, mà thật sự là nói không ra hơi – cho cháu đến bệnh viện gấp.
- Chú biết rồi.
Chiếc xe chạy nhanh hết mức có thể. Tôi ước gì trên xe có thêm cái đèn cứu thương để dẹp bớt đám xe cộ tràn lan trên đường sang một bên. Những chỗ đèn xanh đèn đỏ, dù có vượt “rào” thì cũng không thể chạy nhanh hơn tí nào.
Tôi nhìn Phục Hy trán bết mồ hôi và máu. Chẳng biết làm thế nào. Cái áo sơ mi trắng đồng phục (từ sáng giờ chưa có dịp thay ra) của tôi cũng đỏ lòe cả lưng rồi. Nhưng sợ mất máu nhiều ảnh hưởng tới cái đầu, tôi cắn răng xé tay áo Phục Hy, quấn quanh đầu cho nó. Nhìn đến thảm. Ước gì bữa hoạt động ngoại khóa cứu thương hôm trước tôi ngừng tám với cái Ngân mà chú ý một chút thì bây giờ đâu đến nỗi.
- Nhanh lên được không chú.
- Cháu thông cảm, nhưng thế này là nhanh nhất rồi.
- Nhưng mà phải nhanh lên mới được. Càng ngày càng mất nhiều máu.
Lời nói của tôi không có sức thuyết phục hay sao mà giọng bác tài vẫn bình thản.
- Cháu đừng cuống quá lên thế. Trường hợp này chú cũng gặp rồi. Vào viện mấy ngày là khỏe ấy mà.
- Nhưng mà…
Ai biết là nó bị gãy tay thôi hay còn gãy cái gì nữa? Còn cái đầu kia liệu có còn lành lặn. Không phải người nhà của chú ấy nên họ không lo là phải.
Nhưng Phục Hy cũng có phải là họ hàng anh em gì với tôi đâu? Vậy mà có chuyện gì rắc rối là y như rằng liên quan đến cái thân khốn khổ này. Trời khéo xui khiến thế nào.
Trong lúc luống cuống, tôi chợt nhận ra mình chẳng biết tí tí gì về bệnh viện, phải đưa Phục Hy vào khoa nào, làm thủ tục ra sao. Gọi điện về nhà nó thì cũng không biết số, gọi về nhà thì chẳng biết giải thích với ba ra sao. Cuối cùng cũng chỉ có một người có thể nhờ vả được.
- A lô.
|
Nghe tiếng Thanh Phong trong điện thoại mà tôi mừng như bắt được vàng. Cậu ta bắt máy chỉ sau có một hồi chuông. Thế này có phải là trong cái rủi có cái may không nhỉ.
- Phong, cậu… - chưa chi mà tôi đã nức nở.
- Có chuyện gì? – Giọng Thanh Phong lộ vẻ sốt ruột. Chắc cậu ta đoán tôi lại gây ra rắc rối rồi.
- Hu hu… Cậu đến ngay đây đi, bệnh viện…
** ** **
Cuối cùng cũng tới cổng bệnh viện. Xe vừa vào đến sảnh, không cần tôi hét lên cũng có cáng ra chực sẵn. May ghê!
- Cẩn thận, nó bị gãy một cái tay – tôi nhắc các y tá đang đưa Phục Hy ra khỏi băng ghế sau, một tay thọc vào túi lấy tiền trả cho bác tài.
- Bị lâu chưa cháu.
- Dạ… - thực tình tôi cũng không biết, chẳng lẽ nói khi nhìn thấy Phục Hy là cái bộ dạng nó đã bê bết thế này rồi.
- Em vào đây làm thủ tục nhập viện cho người nhà – Một chị y tá nắm tay tôi nhưng cái giường nằm bắt đầu được đẩy đi nên tôi giật tay ra để chạy theo. Cứu người mới là quan trọng chứ. Chẳng lẽ tôi không làm thủ tục nhập viện thì họ đuổi hai đứa ra.
- Báo với người nhà bênh nhân chưa? – Bác sĩ nữ đeo kính hỏi tôi.
- Dạ chưa, nhưng đừng gọi vội ạ. Có cháu ở đây.
Tôi nghĩ nói thế là ổn nhất. Chẳng biết Phục Hy có muốn để cho người nhà biết chuyện này không. Nó vào trong đây là an tâm. Khi nào nó tỉnh rồi… chúng tôi tính tiếp.
- Gọi bác sĩ Thái đến đây – tiếng một người kêu lên.
Cầu trời ông bác sĩ Thái này là người giỏi.
Tôi chạy theo chiếc giường đẩy đến phòng cấp cứu thì một người đàn ông trung niên mái tóc hoa râm mặc áo blouse trắng bước ra với dụng cụ đo huyết áp trên tay và dụng cụ nghe tim trên cổ. Nhìn thấy bộ dạng hớt hơ hớt hải của tôi, vị bác sĩ mỉm cười:
- Cháu đánh nó ra nông nỗi này à?
Tôi trừng mắt thay cho câu trả lời. Bác sĩ nào lại hỏi như thế? Mà có đứa nào hâm lại đi vác xác thằng mình mới đánh xong tới bệnh viện rồi bảo người ta cứu nó không.
- À, ta nói đùa cho vui đấy mà. Cháu ngồi đây cho đỡ mệt.
Ông bác sĩ chỉ cho tôi băng ghế chờ bên hành lang rồi mất hút. Chiếc giường được đẩy vào phòng cấp cứu là cánh cửa đóng kín lại. Tôi ngồi xuống theo phản xạ, cảm thấy mỏi rã rời như vừa chạy việt dã đường dài.
Phù! Thế giờ mình phải làm sao đây? Chờ cho đến khi nó tỉnh rồi mới yên tâm về được chứ?
- Em là gì của cậu bé để chị viết vào đây?
Ơ, có ai đã nói gì đâu mà chị y tá che miệng cười thế kia.
- Em là bạn gái hả? Chắc khó nói với gia đình.
- Không! – tôi hốt hoảng – tôi là… chị gái cậu ấy.
- Ừm.
Lúc này chị ta mới hết cười. Khổ thiệt. Nghĩ hai đứa tôi là cái kiểu yêu đương lén lút không dám báo với gia đình đấy à? Bà y tá này cũng lắm trò thiệt.
- Chị lấy tạm áo bệnh nhân cho em thay nhé?
Chị y tá nhìn chiếc áo trắng của tôi ái ngại rồi lên tiếng đề nghị. Tôi nhìn lại bộ dạng của mình rồi khẽ lắc đầu.
- Dạ thôi khỏi.
Tôi đang mong gì đây? Mong Thanh Phong đến với một cái áo trên tay ư? Thật tình lúc này tôi chỉ muốn nằm một chỗ mà nhắm mắt, tưởng tượng cảnh mình về nhà lấy đồ an toàn.
Đang gục mặt xuống hai tay thì tôi nghe tiếng giày nện vội vã trên sàn. Một thanh niên hớt hải chạy vào, chộp lấy ngay y tá đầu tiên mà cậu ta tìm được.
- Có bệnh nhân nữ nào tên Phạm Hoài Thư mới được chuyển vào đây không?
Tôi định lên tiếng gọi nhưng nghe cậu ta nói thế, không tài nào mở miệng ra được. Mình thành bệnh nhân từ khi nào mà cả bản thân cũng không biết thế này?
Lia ánh mắt rời chị y tá, cuối cùng Thanh Phong cũng nhìn thấy tôi đang “chết ngồi” trên ghế, miệng há còn đôi mắt vô hồn. Cậu ta vội chạy lại.
- Sao? Cô có làm sao không? Máu me đâu ra thế này?
- Tôi…
- Cô bị đứa nào chặn đánh? Hay bị đâm? Sao không vào phòng cấp cứu.
- Tôi…
- Chờ đấy tôi đi gọi bác sĩ.
Cái tên chết tiệt này.
- Này! Cậu khùng hả, tôi không có sao. Người bị sao là cái thằng nhóc Hoàng Phục Hy kia kìa.
Đang mệt mà tôi phải vận hết “nội công” để hét mới mong hắn nghe được. Thanh Phong ngoái lại kiểm định lời nói của tôi. Cuối cùng cậu ta tiến lại xem xét vết máu không phải do vết thương trên áo tôi rồi thở phào nhẹ nhõm.
|
- Trời! Sao cô không nói sớm.
- Cậu có cho tôi lấy một giây mở miệng đâu…
- Làm người ta sợ muốn chết. Nói trong điện thoại tôi nghe chữ được chữ mất, cứ tưởng cô bị gì rồi.
Nói rồi hắn đồ phịch xuống chiếc ghế bên cạnh. Lúc này tôi mới để ý thấy mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt Thanh Phong. Hắn vội vàng gì cơ chứ? Nếu có hiểu nhầm tôi bị thương thì đầng nào cũng an tâm vì tôi biết mò đến bệnh viện chứ. Thanh Phong… thật sự lo lắng cho tôi sao?
- Anh Thư còn lâu mới về. Cô mà đổ bệnh ra thì khốn.
Hừ! Vậy mà mình còn định khen hắn.
- Phục Hy sao rồi?
- Không biết – tôi thở dài, cuối cùng cũng có người lo lắng cùng. Hai vẫn đỡ hơn một.
- Vậy cô làm thủ tục nhập viện cho nó.
- Ớ…
Tôi há miệng rồi gãi tai, bộ dạng vừa ngu ngốc vừa ngờ nghệch. Cuối cùng Thanh Phong đành đứng lên:
- Ngồi đây chờ tôi.
Tôi mỉm cười.
Thanh Phong là dân giang hồ chắc gặp trường hợp này rồi nên chỉ vài phút sau đã quay lại, trên tay là một lon nước chanh dành cho tôi.
- Cảm ơn – tôi đỡ lấy lon nước nhưng kì thực chẳng còn tâm trạng nào mà uống. Thanh Phong lại rút điện thoại ra. Từ lúc đi làm thủ tục nhập viện đến giờ, tôi để ý thấy hắn ta nghe phải hơn chục cú rồi.
Cất điện thoại vào túi, nhìn tôi ngồi chờ như con mèo đói khiến Phong suýt sặc cười.
- Có nên báo cho gia đình Phục Hy không? – tôi đề nghị.
- Không cần, để cậu nhóc tỉnh lại rồi tự quyết. Vụ này không nặng bằng vụ năm ngoái của nó đâu. Cô cứ yên tâm.
Trời ạ. Cậu ta nói thế mà bảo tôi yên tâm. Cái vụ năm ngoái nó ghê gớm cỡ nào tôi không biết, chỉ biết có thằng nhỏ bị đánh gãy tay chảy máu đầu ở trong kia. Giờ nó còn chưa tỉnh để mà hỏi chuyện. Nhất định khi Phục Hy tỉnh dậy, câu đầu tiên tôi sẽ hỏi nó là “Nhóc làm sao trèo vào nhà chị với cái thân hình thương tích cỡ này mà không bị con Xù cắn cho rách quần”
- Đang nghĩ cái gì thế? Nhìn cô lôi thôi quá, để tôi chở về.
Ừm thì cũng có chút thôi: cái áo sơ mi nhàu nát, dính vệt máu đẫm sau lưng (thế này thì làm sao mà mặc được chứ, đúng là đã nghèo còn vấp cái ao… ý lộn mắc cái eo), quần vẫn ống cao ống thấp. Thế ra lúc nãy quên kéo xuống à.
- Tôi phải về nhà lấy đồ. Cũng tại cậu làm gì cũng theo ý mình, bắt tôi về bên ấy mà chẳng nói trước để chuẩn bị.
- Phải hỏi Anh Thư mới đúng. Làm gì cũng để đến phút cuối mới gọi điện.
Hừ, quanh đi quẩn lại vẫn là Anh Thư bà già. Không biết vụ Phục Hy bị đánh te tua vầy có liên quan đến chị ta không? Ở đâu thì cũng mau mà về chăm sóc “tình yêu đơn phương” đi chứ.
- Vậy đi thôi.
Cuối cùng tôi cũng nhấc mông ra khỏi cái ghế sau một cú vươn vai. Thanh Phong nhìn tôi rồi cởi chiếc áo khoác da màu nâu ra.
- Mặc cái này vào che bớt đi.
Tôi ngại ngần chẳng muốn cầm. Cái áo đó chắc cũng là hàng hiệu.
- Thôi khỏi. Tôi mặc vào dính hết… áo cậu.
- Đã bảo mặc đi mà cứ…
Thanh Phong ném thẳng cái áo khoác vào… mặt tôi rồi bỏ đi một mạch. Làm gì mà ghê thế. Mặc thì mặc.
Mà cũng lạ, trải nghiệm lần đầu tiên khoác áo con trai không giống như mình nghĩ. Ít ra thì áo tên này còn mềm và ngon lành gấp mấy lần cái áo khoác tôi hay mặc.
|