Chờ Em Mười Tám
|
|
Anh cứ tự nhiên mà cầm lấy bàn chân tôi, bàn chân mà cách đây không lâu còn được quấn bằng một lớp thạch cao và băng gạc xấu xí. Ngón tay anh nhẹ nhàng vuốt ve những vết đỏ do trong thời gian bó bột tôi không chịu nổi ngứa ngáy đã lấy đũa chọc vào. Khi ấy, anh thường rất bất đắc dĩ nhìn tôi, anh bảo sau này chân thành sẹo rồi không chàng nào thèm yêu tôi nữa. Sao anh không thể hiểu rằng trái tim tôi chỉ có thể hướng về một người luôn bao dung tôi, đó chính là anh.
Chúng tôi gọi hai cốc nước dừa ở một quán ven bờ biển. anh hỏi tôi có muốn ăn mực tươi không, nhưng tôi không còn bụng nào mà nhét được nữa. Có lẽ ít khi anh thấy tôi lại ngồi yên lặng như vậy.
Anh hỏi: “Em thích đi dạo biển vào buổi tối à?”
“Sao anh biết?”
“Nhìn cái ánh mắt mãn nguyện của em lúc này thì biết chứ sao.” Anh lại cười, nụ cười của anh như khiến cả không gian xung quanh sáng bừng lên bất chấp màn đêm của biển và trời, dường như mọi thứ đều chỉ làm nền cho anh. “Em có biết vì sao biển luôn tiếp thêm sức mạnh cho con người ta không?”
“Vì sao? Vì nó bao la. Vì nó có mùi muối mặn của cuộc đời sao?”
“Không phải, ,mà vì nó sở hữu những con sóng, những con sóng không bao giờ ngủ. Còn con người cho dù có mạnh mẽ cỡ nào cũng có khi ngủ gục. Chính vì thế, biển sẽ đánh thức sức mạnh trong mỗi chúng ta.”
Câu nói đó của anh đã xuyên qua trái tim, ăn sâu vào tận tiềm thức của tôi. Nó thể hiện sức mạnh và nghị lực của một con người.
Chúng tôi lại sóng bước bên nhau cùng quay về khách sạn. Đang đi, tôi thấy anh nhét một vật gì đó vào tay tôi.
Đó là một chiếc điện thoại di động. Tôi còn đang chưa hiểu gì thì anh nói: “Tặng em!”
“Nhưng còn chưa có điểm thi mà, hơn nữa, em đã nói không cần quà!”
“Yên tâm!” Anh phì cười. “Những gì đã hứa với em, anh nhất định sẽ thực hiện. Món quà này không liên quan gì đến điểm môn Vật Lý của em cả. Chỉ là, anh muốn tặng nó cho em thôi. Hộp đựng sạc và phụ kiện còn ở phòng anh, lát về anh lấy cho. Anh lưu số của anh vào cho em rồi đấy.”
“Nhưng em không thể nhận món quà đắt tiền như thế này. Hơn nữa, bố mẹ em cũng chưa cho phép em dùng điện thoại di động đâu!”
“Anh sẽ nói với bố mẹ em cho. Có những cái không phải là đủ tuổi hay không đủ tuổi, mà là có cần thiết hay không cần thiết. Em hãy nghĩ rằng điện thoại di động không phải là cái để thể hiện mức độ sành điệu của bản thân, mà nó chỉ đơn giản là một phương tiện liên lạc khi cần thiết. Giống như lần trước em bị tai nạn, khi đó nếu em có điện thoại di động thì mọi chuyện sẽ được giải quyết nhanh hơn. Anh chỉ hy vọng khi em ra đường, người thân có thể yên tâm hơn về em. Bản chất của điện thoại di động không phải là xấu. Bố mẹ không cho phép em dùng chỉ vì sợ em sẽ dùng nó sai mục đích mà thôi.”
Thế là tôi đã có món quà đầu tiên do anh tặng. Một chiếc smartphone không phải quá đắt tiền nhưng với tôi, cho dù bao nhiêu năm nữa, chỉ cần nó chưa hỏng, tôi vẫn sẽ dùng, mà cho dù có hỏng, tôi cũng sẽ không bao giờ vứt đi.
Chúng tôi về đến khách sạn, có vẻ như mọi người đi chơi còn chưa về. Từ lúc sáng khi mới đến đây, tôi đã bị cây đàn piano đối diện quầy lễ tân thu hút rồi. Piano là một giấc mơ, một giấc mơ đã bị tôi cố chôn vùi tận sâu trong lòng bấy lâu nay. Cảm giác buồn man mác khi nhìn một thứ thân quen nhưng lại không dám chạm vào nó chính là điều tôi đang trải qua lúc này đây.
Có lẽ Hiếu cũng nhận ra được sự khác lạ trong đôi mắt tôi. Anh đến bên cây đàn, mở mắp lên rồi ngồi xuống, nhẹ nhàng vuốt ve từng phím đàn. Nhìn ngón tay anh thon dài như vậy, sao tôi lại không đoán ra là anh biết chơi đàn nhỉ! Tôi nên đoán ra từ sớm mới đúng.
Anh quay sang nhìn tôi mỉm cười, nhẹ nhàng hỏi: “Em thích nghe bài gì?”
Tôi không hề do dự liền nói ra một cái tên quen thuộc: “Fur Elise, please!”
Anh nhướng mày, khẽ gật đầu, rồi ngón tay anh bắt đầu lướt trên những phím đàn, tay trái kết hợp nhuần nhuyễn với tay phải.
Mỗi người khi ngồi chơi đàn sẽ có những sắc thái biểu cảm khác nhau. Có người hay ngẩng đầu lên và nhắm mắt lại, thả hồn vào những nốt nhạc của mình. Cũng có người như Hiếu, luôn tập trung, chuyên chú, anh mắt không rời những phím đen trắng của cây dương cầm.
Tôi của khi ấy mới chỉ là một cô bé mười lăm tuổi, như bông hoa chớm nở giữa cuộc đời. Tôi không biết các cô gái khi được chàng trai mình thích chơi đàn cho nghe sẽ có cảm giác như thế nào. Còn tôi chỉ biết chăm chú nhìn, chăm chú lắng nghe. Tôi sợ rằng chỉ một tích tắc không tập trung thôi, tôi sẽ bỏ lỡ giai điệu mà Hiếu dành cho mình.
Cho tới ngày nay, chưa một tài liệu nào xác định được người con gái tên Elise trong bản nhạc của Beethoven này là ai, cũng không biết liệu có một cô gái như vậy thật sự tồn tại hay không. Nhưng tôi tin rằng, chỉ cần khúc nhạc ấy được người đàn ông trong tim bạn tấu lên cho riêng bạn nghe, thì bất cứ cô gái nào cũng có thể hóa thân thành Elise. Nhất là khi bản nhạc ấy được biểu diễn theo tiết tấu chậm rãi, bạn sẽ cảm nhận được không khí lãng mạn và dịu dàng của nó. Nhưng hai câu cuối của bản nhạc lại là những nốt nhạc dồn dập giống như một lời chất vấn, một nỗi day dứt, để rồi lại quay trở về những giai điệu êm dịu như ban đầu.
Tất cả những người có mặt tại sảnh khách sạn lúc này đều lặng đi theo tiếng đàn của Hiếu. Anh say sưa, nhập tâm với Fur Elise đến quên cả thế giới. Tôi vội mang điện thoại anh vừa mới tặng ra để chụp lại hình ảnh này. Anh có biết, sau này, điện thoại của tôi, máy tính của tôi, hình nền đều chỉ là bức ảnh này của anh?
Anh của khoảnh khắc ấy đã đem tất cả những giai điệu tuyệt vời nhất hòa âm cùng tiếng sóng biển đêm vỗ về tâm hồn tôi.
|
Chương 6
Chuyến đi biển mùa hè lần này để lại trong tôi quá nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Trở lại với Hà Nội vội vã và ồn ã, tôi lại thấy có chút hụt hẫng.
Gạt đi gạt lại danh bạ trong điện thoại, nhìn quanh chỉ có số của bố mẹ, anh trai, số nhà Lan, số của Tuấn và đương nhiên, số của anh. Lúc anh lưu số vào điện thoại cho tôi chỉ để cái tên vô cùng tầm thường: Anh Hiếu. Nhưng tôi lại không muốn để tên anh bình thường như thế. Nghĩ mãi vẫn không biết nên đặt là gì, “My love” thì quá phổ biến. dường như chẳng có từ ngữ nào đủ để miêu tả vị trí đặc biệt của anh trong trái tim tôi. Cuối cùng, tôi xóa bỏ chữ “Hiếu” đi, chỉ để lại một chữ “Anh”. Đúng vậy, đối với tôi, anh mãi mãi là anh, là một điều gì đó không thể thay thế được!
Tôi cứ đờ đẫn ngồi nhìn chữ “Anh” cùng dãy số quen thuộc ấy cho tới khi Lan phi thẳng vào phòng, khi ấy tôi mới tỉnh người lại. Con bé này, chưa thấy mặt đã thấy tiếng, cô ấy vừa chạy vừa hét lên: “Có điểm rồi, Ly ơi, có điểm rồi!”
Trong khi Lan còn đang run rẩy vì được trọn vẹn mười điểm môn tiếng Anh, thì trái tim tôi lại đập thình thịch bởi sáu điểm môn Vật Lý của mình. Tôi lập tức nhắn tin cho anh.
Thời gian đó, tôi không hay gọi mà chỉ toàn nhắn tin cho anh, còn người gọi lại thường là anh. Nguyên nhân rất đơn giản, tuy bố mẹ đồng ý cho tôi sử dụng điện thoại di động, nhưng chỉ giới hạn nạp thẻ năm mươi ngàn một tháng, điện thoại sử dụng đúng mục đích liên lạc khi cần thiết chứ không phải để lên mạng hay tán gẫu với bạn bè. Nhưng tin nhắn cũng có cái hay của nó, ta có thể dễ dàng nói ra những điều mà mình khó mở lời khi gặp mặt trực tiếp. Anh làm thiết kế đồ họa, lúc tập trung làm việc thường sẽ không đọc tin nhắn, nhưng bất cứ khi nào đọc được, anh sẽ nhắn lại cho tôi, dù cho đôi lúc, nội dung tin nhắn chỉ có một câu: “Thế à!”
Hôm nay cũng vậy, tôi nhắn tin cho anh nhưng một lúc sau vẫn không thấy động tĩnh gì. Tôi lại nghĩ đến lời hứa với Tuấn trước kia, nhớ đến ước hẹn giữa Lan và Tuấn. tôi rất muốn gọi cho Tuấn để nói cho cậu ấy biết cả tôi và Lan đều đã được vào trường mà mình mong muốn, nói cho cậu ấy biết Lan đã được mười điểm môn tiếng Anh, cũng để hỏi xem cậu ấy thế nào, có được mười điểm như đã hứa với Lan hay không. Nhưng tôi lại do dự.
Sau khi cân nhắc cẩn thận, tôi chạy sang nhà Lan, đưa cho cô ấy số điện thoại của Tuấn, thậm chí còn đưa cả điện thoại của mình để cô ấy gọi. Nhưng Lan không chịu. Mặc dù ngoài miệng cô ấy cứ nói rằng ai mà thèm nhớ cái lời hẹn nhảm nhí đó, nhưng tôi biết, cô ấy rất quan tâm, rất để ý. Có lẽ Lan sợ, còn cụ thể sợ điều gì thì tôi không biết. Tôi đành đặt tờ giấy mà Tuấn ghi lại số điện thoại đặt lên mặt bàn của Lan rồi ra về.
Tối hôm đó Hiếu mới liên lạc lại với tôi. Lần này anh không nhắn tin mà trực tiếp gọi điện: “Cô bé, nói đi, anh nghe đây!”
Tôi ngơ ngẩn cả người, một phần vì giọng nói trầm ấm mà dịu dàng của anh, một phần vì không biết anh muốn nghe mình nói điều gì.
“Em đã nhắn tin rõ ràng cho anh rồi còn gì! Em được tổng điểm là năm mươi hai nhé, mười điểm Toán, chín điểm Văn đấy! Quan trọng là môn Vật Lý em được sáu điểm cơ, anh còn muốn nghe gì nữa...”
“Nói việc mà em muốn anh làm ấy!” Có lẽ anh cảm thấy tôi nhí nhéo rất nhức đầu, nên mới hỏi thẳng thắn như vậy.
“Có thật là việc gì anh cũng đồng ý không?”
“Tất nhiên, anh đã hứa rồi mà!”
“Thế là được rồi, bây giờ em vẫn chưa nghĩ ra. Khi nào em nghĩ ra sẽ nhất định nói với anh”, thực ra việc mà tôi muốn anh làm rất đơn giản nhưng cũng rất khó khăn, có điều, bây giờ chưa phải lúc.
“Em phiền phức thật đấy! Anh cứ có cảm giác như mình là người mang nợ vậy.”
“Đúng thế, anh nợ em! Thế nên anh không được rời khỏi tầm mắt của em, nếu không, em sẽ thuê xã hội đen chuyên đòi nợ thuê đến dằn mặt đập phá nhà anh!”
“Cô bé ngốc, anh đã muốn trốn nợ chẳng lẽ còn ở nhà chờ em thuê người đến đập sao?”
Tối hôm đó, tôi nghe tiếng anh cười qua điện thoại, cười thật thoải mái, vui vẻ. Tiếng cười của anh êm đềm vang mãi bên tai, ru tôi vào giấc ngủ.
Tuy chân tôi đã hoàn toàn bình phục, có thể tự đi xe buýt, nhưng nỗi ám ảnh của vụ tai nạn khiến tôi không còn dũng khí để bước lên cái phương tiện giao thông công cộng được xã hội khuyến khích ấy nữa. Ngày nhập học, Hiếu đến đón tôi. Một ngôi trường hoàn toàn xa lạ, những gương mặt hoàn toàn xa lạ, những kiến thức hoàn toàn xa lạ. Cấp ba, quãng thời gian mà ai cũng mơ ước, ai cũng hoài niệm, ai cũng luyến lưu.
Tôi đã từng tưởng tượng hình ảnh của mình trong chiếc áo dài trắng, tưởng tượng ra những cậu bạn mặc sơ mi trắng dưới những chùm phượng vĩ đỏ chót cùng sức sống mãnh liệt của tuổi thanh xuân.
Thật không ngờ, những năm tháng cấp ba của tôi quả thật rất đáng nhớ, nhưng có lẽ đau khổ nhiều hơn niềm vui.
Lúc đến cấp ba, tình hình học môn Vật Lý và Hóa của tôi vẫn cứ tồi tệ như vậy, thi thoảng có thời gian rảnh, Hiếu vẫn tới kèm thêm cho tôi. Khi nào anh bận thì chúng tôi liên lạc qua điện thoại, tin nhắn. cũng có đôi lúc đi chơi, nhưng chỉ là tôi “bám càng” theo anh trai, mục đích chính là để gặp Hiếu. Thi thoảng, tôi cũng rất muốn chủ động rủ anh đi chơi, chỉ hai chúng tôi thôi, tiếc rằng, tôi vẫn chưa đủ dũng khí để làm điều đó.
Tôi nhận được điện thoại của Tuấn, cậu ấy nói là Hiếu đưa số của tôi cho cậu ấy. Tuấn cũng vào được trường mà cậu ấy đăng ký. Cậu ấy cũng được mười điểm môn tiếng Anh. Quả là hai con người thần thánh! Tôi đoán, có lẽ Lan không gọi cho Tuần, bèn thông báo tình hình của tôi và Lan cho cậu ấy biết. Tôi nhận thấy rõ ràng sự kích động trong câu “Thật à?!” của Tuấn.
Vào được cấp ba, phần thưởng của tôi và Lan là hai chiếc xe đạp điện. Thế là tôi có thể thoát khỏi bóng ma của chiếc xe buýt kia.
Khi tôi và Lan vừa đến cổng trường thì đã thấy Tuấn đứng ở đó. Cậu ấy đi chiếc xe địa hình trông thật cân xứng với vóc dáng to cao và khỏe khoắn. Tuấn chỉ gật đầu chào tôi, rồi đi đến trước mặt Lan.không đợi cô ấy mở miệng, cậu ấy đã nói: “Tôi biết cậu được mười điểm, tôi cũng biết cậu đã biết tôi cũng được mười điểm. Cậu đang muốn trốn tránh tôi. Nhưng không sao, tôi không vội. Tôi sẽ đợi cậu, bởi vì tôi tin Lan không phải là một người nuốt lời.”
Nói xong, Tuấn lên xe và phóng đi rất nhanh. Tôi đang lo lắng không biết cậu ấy có bị muộn học không thì thấy Lan đã quay xe và đuổi theo cậu ấy. Nhưng tôi vừa cất xe xong, đang định đi lên lớp thì đã thấy cô ấy quay lại. Nhìn vẻ mặt Lan, có lẽ là không đuổi kịp Tuấn rồi. Tôi vỗ vai cô ấy xem như an ủi, rồi nói:”Hãy chủ động gọi điện cho cậu ấy đi!”
Thế hệ học sinh bây giờ, vào đến cấp ba là muốn người khác coi mình như người lớn, nhưng lại vẫn chưa đủ lớn để nhìn thấy những mảng tối của cuộc đời. Trong mắt chúng tôi, cuộc sống toàn những sắc màu rực rỡ, y như những khát khao và mơ ước của chúng tôi đối với cuộc đời. Trong con mắt của những cô cậu học trò, “người lớn” là phải được quyền tự chủ, quyền tự do quyết định, đặc biệt là quyền được yêu, thứ tình yêu nam nữ điển hình trong xã hội, nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy những lo toan, những gánh nặng, những trách nhiệm mà một người trưởng thành phải gánh vác. Chính vì thế, những rung động đầu đời mới nên thơ, mới đẹp đẽ làm sao! Những rung động ấy theo thời gian có thể sẽ phát triển thành tình yêu, cũng có thể mãi mãi chỉ dừng lại là những rung động của thuở ban đầu mới biết lưu luyến ấy, nhưng chúng luôn đi cùng với khao khát trưởng thành của mỗi cô cậu học trò ở tuổi ấy. Đôi lúc tôi tự hỏi, tình cảm mà tôi dành cho Hiếu phải chăng cũng chỉ là những rung động thoáng qua như thế? Nhưng tôi nhận thấy rõ rệt rằng nó ngày một mãnh liệt hơn.
Có lẽ tôi có thể hiểu được phần nào tâm trạng của Tuấn. Ở lứa tuổi như chúng tôi bây giờ, để có cảm xúc rung động mãnh liệt như vậy không phải khó gặp, khó ở chỗ là làm sao để mọi người có thể tin tưởng và tôn trọng những cảm xúc ấy. Cũng chính vì thế, tôi lại càng cảm thấy trân trọng và cảm phục Tuấn hơn. Sự nhẫn nại, tình cảm cố chấp mà cậu ấy dành cho Lan khiến tôi ngưỡng mộ. Tôi không dám chắc, đối với Hiếu, mình có thể kiên trì và mạnh mẽ được như Tuấn hay không.
Chiều hôm ấy về nhà, Hiếu đến chơi nên tôi đã kể cho anh mọi chuyện. Tôi thấy anh lắng nghe một cách hứng thú, thi thoảng còn gật gù ra vẻ rất tán thưởng. Tôi bảo anh đoán xem liệu Lan có gọi điện cho Tuấn hay không, anh chỉ cười. Không biết có phải tôi lại ảo giác không, nhưng tôi cảm thấy, khoảnh khắc ấy, dường như anh đang nhớ về một chuyện thú vị nào đó, rồi nói một câu chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của tôi: “Anh rất hiểu tâm trạng của Tuấn lúc đó!”
Trong lòng tôi liền có cảm giác hụt hẫng. Anh cũng từng tỏ tình trực tiếp với ai đó hay sao?
Tôi dè dặt hỏi: “Anh có kinh nghiệm à? Thế người ta có nhận lời anh không?”
Lần này thì anh cười thành tiếng một cách sảng khoái, tiếng cười đặc biệt chỉ thuộc về riêng anh, mới có thể khiến tôi chăm chú lắng nghe đến thế.
Sau đó, anh lại véo mũi tôi rồi lảng ngay sang chủ đề khác: “Bài vở của em thế nào rồi? Quậy gì thì quậy, đừng có quên học là được. Không đến lúc thi đại học mà hỏng kiến thức thì không thể lấp bù cấp tốc như cấp hai được đâu.”
Anh biết không, anh đúng là một ông già làu bàu chính hiệu, một ông già thích làu bàu nhưng cũng rất đổi ngọt ngào!
|
Chương 7
Học kỳ một năm lớp mười trôi qua nhanh như một cơn lốc, nhưng lại mang đến cho tôi cảm giác khổ sở vô cùng. Tôi, vốn là học sinh giỏi xuất sắc trong chín năm liền, nay lần đầu tiên bị tụt hạng. Nhưng nếu chỉ tụt một bậc thì còn có thể chấp nhận được, đằng này, tôi rất vinh dự được đứng trong hàng ngũ năm học sinh xếp cuối lớp, cùng với danh hiệu học sinh trung bình “vinh quang chói lọi”. Tuy điểm trung bình các môn của tôi đều khá, nhưng môn Hóa lại chưa đủ năm phẩy.
Đây là một cú sốc không chỉ riêng đối với tôi mà còn cả với mẹ tôi, một người luôn kỳ vọng quá cao vào con cái. Mẹ tôi là một người không giỏi kiềm chế lời ăn tiếng nói, một khi đã bực mình thì bà có thể nói ra bất cứ điều gì. “Nhục nhã chưa con? Người ta ai cũng khen con cái nhà này học giỏi, ngoan ngoãn. Bây giờ thì có dám nhìn mặt ai nữa?! Mẹ đã dặn dò con như thế nào? Học thì phải học đều cho các môn. Các môn khác điểm cao mà một môn dưới năm phẩy thì còn nói làm gì? Mẹ thật không ngờ, con gái mẹ mà lại bị học sinh trung bình. Mẹ cho con ăn học, lo cho con đầy đủ thế mà con báo đáp thế này à?”
Đây là nội dung mà tôi phải nghe nguyên một tuần sau khi có điểm tổng kết học kỳ một. Hầu như ngày nào mẹ cũng nói những lời đó, mà mỗi ngày không phải chỉ nói một lần. Có thể nói là hễ nhìn thấy mặt tôi là mẹ sẽ tuôn ra một tràng như vậy.
Tôi đã từng không muốn về nhà. Tôi không cãi lại mẹ dù từng lời bà nói đều như những nhát dao cứa sâu vào lòng tôi. Tôi biết là tôi sai, đều là lỗi của tôi. Nhưng tôi không cho rằng thành tích học tập không cao lại khiến bản thân mình trở nên hèn kém như lời mẹ nói.
Tết đang đến gần mà tâm trạng của tôi lại chẳng thể vui như Tết nữa rổi!
Tôi lấy điện thoại nhắn tin cho Hiếu: “Em bị học sinh trung bình rồi!”
Cứ nghĩ rằng anh sẽ hỏi vì sao lại như vậy, nhưng anh lại gọi điện cho tôi, chưa đợi tôi nói: “A lô”, anh đã hỏi: “Em đang ở đâu?”
Khác với mọi lần, lần này là tôi đến đón Hiếu bằng chiếc xe đạp điện của mình, bởi vì hôm nay anh đi gặp khách hàng nhưng lại đi bằng xe buýt.
Từ khi nhận được kết quả, rồi những ngày nghe mẹ tôi mắng, tôi cũng chưa từng khóc, nhưng vừa nhìn thấy anh, tôi thấy tủi thân vô cùng, khóe mắt đã bắt đầu cay cay.
Hình ảnh của tôi và anh lúc này có lẽ giống như một bức tranh. Anh cao lớn, trên vai còn đeo túi đựng laptop, lái chiếc xe đạp điện màu hồng nhỏ xinh, tôi đeo ba lô, ngồi đằng sau, ôm lấy anh, áp mặt vào lưng anh, nước mắt thấm ướt cả áo của anh. Anh yên lặng, không hỏi gì tôi cả, chỉ chăm chú lái xe. Con phố mùa đông giữa trưa yên tĩnh mà nên thơ. Tấm lưng rộng lớn của anh đã mang lại chút bình yên cho tâm hồn tôi.
Anh đưa tôi lên con đường ven hồ Tây giữa một buổi trưa mùa đông rét buốt. Gió lồng lộng thổi bay hết những bức bách trong lòng tôi. Anh hỏi tôi có sợ lạnh không, tôi nói rằng bởi vì có anh chắn ở đằng trước, nên tôi không lạnh. Bỗng nhiên anh dừng xe. Thế là chúng tôi cùng nhau ngồi bên hồ. Anh ngồi đó, lặng lẽ nghe tôi kể mọi chuyện. Gần đây, mấy đầm sen đã chẳng còn xanh mướt tỏa hương ngào ngạt như mùa hè nữa rồi.
“Em rất giận mẹ em sao?”
“không, em biết, mẹ em mắng không có gì là oan!”
“Vậy em cảm thấy tổn thương vì những lời nói đó?”
“Một chút, em cảm thấy mẹ nói có hơi nặng nề. Em biết, kết quả học tập sa sút là lỗi của em. Nhưng nếu mẹ có thể để ý một chút đến tâm trạng của em, đừng làm cho nó nặng nề thêm như vậy thì tốt biết bao!”
“Thực ra, đối với một người phụ nữ, họ luôn muốn được tự hào, ngẩng cao đầu trước mọi người xung quanh. Khi còn trẻ thì thích tự hào về người đàn ông của mình, khi có con rồi thì chỉ luôn muốn con cái mang lại cho mình vinh dự, để mình được tự hào.”
“Anh có vẻ rất hiểu phụ nữ nhỉ?”
“Anh nhìn thấy điều đó từ mẹ anh, từ mẹ em, và một vài bà mẹ khác nữa. Anh cũng cảm thấy mẹ em nói như vậy có hơi nặng nề, tạo áp lực cho em. Nhưng đó là cách mà mẹ em thể hiện tình yêu thương đối với em. Mẹ em luôn mong muốn con đường em đi thật bằng phẳng, thật nhẹ nhàng. Mẹ nói nhiều như vậy là bởi vì lần nào mẹ nói em cũng chỉ im lặng, nên có lẽ mẹ em cảm thấy lời nói của mình không có trọng lượng gì đối với em. Hãy nói chuyện thẳng thắn với mẹ một lần, một cách điềm đạm, bình tĩnh, đừng gây xung đột, anh nghĩ mẹ sẽ hiểu em. Chẳng có cha mẹ nào có thể trách cứ con cái mãi được. Anh tin là thực ra mẹ đã tha thứ cho lỗi lầm lần này của em từ lâu rồi.”
Giữa trời đông mây xám mịt mù, nụ cười của anh như tỏa ra hơi ấm len lỏi vào từng tế bào trong cơ thể tôi, tiếp thêm năng lượng, sức sống cho chúng. Anh vẫn cưng chiều mà xoa đầu tôi, véo mũi tôi, rồi bỗng nhiên anh hỏi: “Cô bé, khóc nhiều vậy có đói không? Không định cho anh ăn trưa à?”
“Anh không nói em cũng quên mất, em cũng chưa ăn gì đây này. Để cảm ơn anh đã an ủi tâm hồn mỏng manh dễ vỡ của em, bữa hôm nay em sẽ mời anh.”
“Được thôi, ai có tiền người ấy là đại gia. Em cho anh ăn gì nào?”
“Đại gia trưa nay đãi anh ăn bánh mỳ sốt vang nhé!”
“Gớm quá nhỉ! Thế anh có được gọi thêm bánh mỳ không?”
“Gọi thêm sốt vang còn được nữa là gọi thêm bánh mỳ! Riêng tương ớt với xì dầu cho anh gọi thoái mái. Hôm nay gia bao tất!”
Cứ như vậy, nhẹ nhàng mà sâu lắng, anh đã truyền được nụ cười trên môi anh sang cho tôi, sưởi ấm trái tim tôi.
Bữa trưa hôm đó, tôi ăn ngon lành, anh cũng ăn rất sảng khoái. Chỉ có điều, đến khi thanh toán, tôi mới phát hiện ra một điều vô cùng tồi tệ, mình quên không mang ví tiền. anh lại là người trả tiền, nhưng anh chỉ trêu tôi: “Gia lại nợ tại hạ một bữa nhé! Dù sao thì tại hạ vẫn có một việc nợ gia, coi như huề nhau, được không?”
Tôi vội vàng chồm lên. “Không được, không được, coi như em thiếu anh một bữa đi, việc kia nhất định anh phải làm cho em!”
Anh lại dùng ngón trỏ chọc chọc vào trán của tôi, một hành động quá quen thuộc, khiến tôi dần nghiện mất rồi. “Anh chỉ đùa thôi, làm gì mà cứ sồn sồn lên thế!”
Ở bên anh luôn có cảm giác nhẹ nhàng như vậy. Cảm xúc nhẹ nhàng này còn nguy hiểm hơn cả thuốc phiện, một khi đã trở thành thói quen, nó sẽ ngấm thật sâu vào máu thịt ta, không thể nào cai được, mà nếu có cai, chắc cũng quá mức chật vật, quá mức khổ đau.
Anh để tôi tự đi xe về, còn mình thì bắt xe buýt về nhà. Tôi vốn định đưa anh về, tiện thể biết nhà anh. Quen anh bấy lâu nhưng tôi vẫn chưa một lần đến nhà anh chơi. Anh chỉ lắc đầu bảo tôi nên về nhà ngay không mẹ lại lo lắng. Nghe lời anh không biết từ lúc nào cũng trở thành một thói quen của tôi.
Khi tôi về đến nhà thì mẹ đang ngồi vắt chân ngay ở phòng khách, còn có cả bố tôi nữa. Có lẽ chính vì sự xuất hiện của bố như một bức tường thành vững chãi, mẹ tôi mới có thể điềm tĩnh đến như vậy. Hai người đều như đang đợi câu trả lời của tôi. Khong khí không chỉ âm u như mùa đông mà còn rất nặng nề. Tôi dắt xe vào sân, cất giày dép đàng hoàng sau đó mới ngồi xuống.
“Hôm nay tâm trạng không tốt, nên con đi hóng gió một chút. Con ăn bánh mỳ rồi. Con xin lỗi vì đã không gọi điện về nhà xin phép bố mẹ!”
“Được rồi, thế vì sao tâm trạng con lại không tốt?” khi mẹ tôi còn chưa kịp nói thì bố đã nhanh nhẹn cất lời trước.
“Bởi vì thành tích học tập của con sa sút trầm trọng. Mẹ mắng con suốt ngày hôm nay. Con đã suy nghĩ rất kỹ, đó đúng là lỗi của con. Con xin lỗi bố mẹ! Con xin hứa học kỳ sau sẽ không như vậy nữa. Học kỳ sau, con nhất định sẽ đạt được thành tích cao hơn!”
“Được! Bố ghi nhớ lời nói ngày hôm nay của con. Chuyện học hành là chuyện của con, không phải cho bố mẹ. Bố nghĩ lời hứa này, con nên hứa với chính bản thân mình. Đó mới là cách tự chịu trách nhiệm. Sau này khi con trưởng thành, mỗi một sai lầm của con sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai và cuộc sống của con, chứ không phải là của bố mẹ. Tuy nhiên, con là do bố mẹ sinh ra. Cuộc sống hiện nay của con, bố mẹ phải có trách nhiệm. Chính vì thế mẹ mới mắng con. Nhưng xuất điểm cũng chỉ vì mẹ muốn tốt cho con. Nếu trong lòng con không vui, con bất mãn, con có thể trực tiếp trao đổi với bố mẹ, chứ không phải bỏ đi không về ăn trưa như ngày hôm nay. Như vậy bố mẹ sẽ càng thêm buồn, càng thêm lo lắng. Nếu không phải là Hiếu gọi điện về báo thì giờ này bố mẹ cũng đâu có thể yên tâm mà ngồi đây chờ con. Bố mẹ sẽ nghĩ rằng con có thể gặp phải chuyện gì đó ở ngoài đường. Con có tưởng tượng được hậu quả của nó không? Chuyện này đến đây chấm dứt. Cả con, thậm chí cả mẹ con, cũng tự mình suy nghĩ đi!”
Bố tôi luôn như vậy. Ông không mấy khi xen vào chuyện nhỏ nhặt trong nhà, nhưng mỗi lần ông nói đều thấm thía, đều có uy nghiêm nhất định. Không biết Hiếu đã tranh thủ gọi điện cho bố mẹ tôi từ lúc nào. Anh luôn chu đáo với tất cả mọi người như vậy sao? Hay tôi là một người đặc biệt?
|
Lên đến phòng, tôi liền nhắn cho anh ba chữ “Cám ơn anh!”, nhưng lần này không thấy anh trả lời. Tôi đoán, khi đọc tin nhắn này, anh sẽ lại cười, nụ cười đặc biệt của riêng anh.
Sau vụ học sinh trung bình, tôi có cảm giác mẹ vẫn còn giận, thái độ và nét mặt bà vẫn chưa vui vẻ như bình thường. Mấy ngày sau, tôi cũng không chịu nổi không khí căng thẳng căng thẳng như thế nữa. Tôi chủ đỗng bắt chuyện, ôm ấp, nịnh nọt, rốt cuộc mẹ tôi cũng chịu hạ cái mặt nạ giận hờn kia xuống bằng một câu không mặn không nhạt: “Tôi tưởng là cô không thích nghe tôi lải nhải!”
Mẹ tôi là như vậy đấy, nóng tính thì nóng tính thật, thích sĩ diện thật, áp đặt thì cũng áp đặt thật, nhưng suy cho cùng, trên đời này, ai có thể thương tôi hơn bà cơ chứ? Bởi vì tôi là một phần máu thịt rơi xuống từ người bà, bà đã phải chịu bao đau đớn mới có thể đem tôi tới cuộc đời này.
Cuộc sống cấp ba của tôi phong phú hơn rất nhiều khi bỗng dưng cậu bạn tên Quang trong lớp lại nổi hứng muốn theo đuổi tôi. Theo như tin tình báo mà mấy nhỏ bạn cùng lớp thu lượm được thì cậu ta đã thầm mến tôi lâu lắm rồi, nhưng bây giờ mới bắt đầu công khai theo đuổi.
Cậu bạn Quang này cũng thuộc diện công tử, học hành tạm được, ngoại hình tạm được, tính cách thì cũng tạm được, có điều chơi bóng rổ lại quá mức nhà nghề. Có lẽ, sau khi ngắm cậu ấy chơi bóng rổ, các cô gái từ trong lớp đến ngoài lớp đều sẽ chuyển sang hâm mộ cậu ta. Nhìn cậu ấy mặc bộ đồ thể thao màu trắng, mũ hiphop cũng màu trắng, chơi bóng rổ trong sân trường, hình tượng này cứ như bước ra từ mấy cuốn tiểu thuyết ngôn tình vậy. Tiếc rằng tôi lại không mấy yêu thích thể thao, nên cũng chẳng mấy khi để ý tới Quang.
Valentine là ngày gì bạn biết không? Đối với những đôi tình nhân, Valentine là ngày lễ ngọt ngào và lãng mạn nhất. Còn đối với lứa tuổi học trò, Valentine là ngày để thể hiện tính ham hư vinh của các cô gái. Cô bạn nào càng có nhiều quà, càng chứng tỏ cô bé ấy có nhiều người thích, càng thỏa mãn lòng ham hư vinh của phái đẹp. Đối với cá nhân tôi, Valentine, nếu không có Hiếu, nó là một ngày bình thường, bình thường như bao ngày khác.
Cứ lấy ví dụ trong lớp tôi thì biết. Những bạn nào xinh xắn đễ thương một chút thì có rất nhiều quà, còn một số bạn bình lặng hơn, ít nổi trội hơn thì chỉ có một hoặc hai món, cũng có bạn còn không có. Nhưng những món quà ấy có tượng trưng cho tình cảm đích thực hay không thì cũng không thể khẳng định được.
Lớp tôi có một cô bạn hoa khôi, tên Linh, hoa, quà, chocolate đến tay cô ấy không ngớt. Nhưng tôi phát hiện ánh mắt chờ mong của cô ấy luôn nhìn về thanh chocolate trong ngăn bàn của Quang. Trực giác của con gái luôn rất nhạy bén và chính xác. Có lẽ, Linh rất thích Quang. Đây chính là đặc trưng của cái mà người ta gọi là tình yêu tuổi học trò. Nhưng theo tôi, nó chưa thể gọi là tình yêu. Đó mới chỉ là sự rung động, một sự rung động nhẹ nhàng nên rất nhanh có thể lấy lại trạng thái cân bằng, sẵn sàng chào đón một sự rung động khác.
Còn tôi, tôi không chờ bất cứ một món quà nào, chỉ muốn chờ trái tim của người ấy. Tôi biết, mình không có tư cách nào để đòi hỏi một ngày Valentine đáng nhớ từ Hiếu, bởi một lý do rất đơn giản, anh không phải là người yêu tôi, chỉ là người tôi yêu. Nhưng tôi nghĩ, trong cuộc đời này, con người ta không nên quá tham lam. Chỉ cần cảm nhận được những gì anh đã mang đến cho mình, với tôi, như vậy là quá mãn nguyện, quá hạnh phúc rồi!
Cuối buổi học ngày hôm ấy, tôi thấy Quang cầm chocolate và tiến về phía mình. Cậu ấy chỉ cười với tôi và nói: “Chúc mừng Ly, Valentine vui vẻ!”
Tôi nói với cậu ấy rằng tôi không có lý do gì để nhận món quà này, nhưng cậu ấy lại bảo nếu như có ai đó tặng quà cho tôi, àm tôi lại không nhận, như vậy sẽ làm tổn thương đến tấm lòng của người ta, vậy nên tôi đành gượng gạo cầm lấy thanh chocolate đó. Thực ra, thanh chocolate ấy không thể nói lên điều gì. Chỉ có điều, ánh mắt của Linh cùng sắc mặt cô ấy đã thay đổi ngay lập tức khi nhìn thấy cảnh tượng này. Tiếc rằng khi đó tôi cũng không mấy bận tam về điều này.
Tan học, tôi gặp Tuấn ở cổng trường. Cậu ấy ôm một bó hồng rất to, nổi bật giữa đám đông, khỏi hỏi cũng biết là đang đứng chờ Lan rồi. Tôi liền chạy tới chào hỏi cậu ấy: “Cậu đứng chờ Lan à?”
“Ừ, mình đến đón cô ấy.”
“Oa, hoa hồng đẹp thế! Thế này chắc chắn là Lan sẽ cảm động lắm đây!”
“Hy vọng thế!”, Tuấn có chút ngượng ngùng gãi đầu. “Cậu dạo này thế nào? Lan bảo lâu lắm rồi không đi chung với cậu, hình như cậu rất bận à?”
“Ừ, dạo này đúng là ít đi chung với nhau thật, nhưng người bận hình như là hai cậu, không phải mình. Mình chỉ có nhiệm vụ chơi bời, học hành thôi, hai cậu còn có thêm nhiệm vụ hẹn hò nữa.”
Chúng tôi cười rất vui vẻ. Lan từ sau khi chính thức trở thành bạn gái của Tuấn thì đã ít hẳn thời gian dành cho tôi. Nhưng tôi cũng không trách cô ấy, hai người thích nhau, luôn vui vẻ hạnh phúc là điều tuyệt vời nhất trên đời, ai lại nỡ phá vỡ bầu không khí ấy cơ chứ! Chỉ có tôi, Valentine tuy rằng cũng có quà, nhưng lại không thấy vui, cũng chẳng thấy hạnh phúc.
Tối hôm đó về nhà, tôi nhắn tin cho Hiếu, chỉ một câu ngắn gọn: “Happy Valentine!”
Một lát sau, tôi thấy anh nhắn lại, một tin nhắn không bao giờ tôi xóa đi, nó cứ nằm mãi trong hộp thư của tôi. “At this moment, I’m truly happy!”
Đêm đó, tôi ngủ một giấc không mộng mị, khóe môi vẫn đọng lại nụ cười ngọt ngào.
|
Chương 8
Lại một ngày cuối xuân chuẩn bị vào hạ. Ngày này một năm trước, tôi gặp Hiếu lần đầu tiên. Mới đó mà đã một năm trôi qua!
Một buổi sáng, trời mưa phùn, ẩm ướt, âm u, Hiếu gọi điện nói tôi chờ anh sang đưa tôi đi học. Một chút bất ngờ, rất nhiều niềm vui, cùng với ngàn hạnh phúc, tôi vừa ngâm nga hát vừa chuẩn bị sách vở.
Khi chở tôi đến cổng trường, anh chỉ nhẹ nhàng cười, nói tan học sẽ đến đón tôi rồi lái xe đi. Xe anh vừa khuất bóng, mấy cô bạn cùng lớp đã hùng hổ lao đến.
“Khai mau, cậu cặp với đại gia từ bao giờ thế hả? Cậu cũng định học mấy đứa con gái hư hỏng đấy à?”
“Đại gia cái gì? Con gái hư hỏng cái gì? Các cậu bị làm sao thế?”
“Còn không phải đại gia! Thế cậu vừa mới cưỡi cái gì đến đấy thế?”
“À thì ô tô chứ cái gì...”
“Ô tô, nó là ô tô bình thường sao? Cậu có biết nó là hãng gì không?”
“Ờ, hình như mình thấy cái logo của nó có mấy cái vòng tròn xoáy xoáy vào nhau thì phải!”
“Ôi mẹ ơi, cái gì mà xoáy xoáy vào nhau. Đấy là Audi, Audi đấy tiểu thư của tôi ạ!”
“Audi?”, mắt tôi tròn xoe, “Audi mà mọi người vẫn hay gọi là siêu xe hàng hiệu gì gì đấy á?”
“Cậu vừa cưỡi nó đến đây mà không biết à?”
“Không, mà mình có biết lái xe đâu, để ý hãng xe làm gì?”
“Thành thật khai báo mau! Anh ấy là ai? Cái anh vừa lái Audi chở cậu đi học ấy. Đừng hòng giả ngố với bọn mình!”
“À thì...” Tôi biết giới thiệu anh là gì đây? Nếu được, tôi muốn nói rằng, anh là Anh, thế thôi!” Anh ấy là... anh trai mình.”
“Anh trai? Không đúng! Hôm trước anh trai cậu đến trường đưa sách vở cho cậu, bọn mình nhìn thấy rồi, không phải anh vừa nãy.”
“Anh ấy cũng là anh trai mình. Mình có hai người anh trai, được chưa?” Vừa nói tôi vừa cảm thấy lòng mình trĩu nặng.
Dạo này, cứ mỗi lần đến lớp, tôi lại có chút áp lực, không phải vì bài vở, mà vì cậu bạn Quang kia. Cậu ấy hết mua đồ ăn, rồi lại nhét thư tình vào trong ngăn bàn. Tôi bắt đầu thấy thông cảm với Lan trong những ngày bị Tuấn công khai theo đuổi. Nhưng tôi lại không thể cảm động vì những hành động của Quang như trước đây từng cảm động với Tuấn. Tôi chỉ cảm thấy nặng nề. Không biết bao nhiêu lần tôi đã khéo léo uyển chuyển mà tỏ rõ quan điểm của mình với cậu ấy, nhưng cậu ấy vẫn cứ kiên trì như vậy.
Ánh mắt mang đầy sự thù địch của Linh đối với tôi càng ngày càng trở nên rõ rệt. Tôi không muốn gây thù chuốc oán với bất cứ ai, nhất là khi còn đang là học sinh. Tất cả đều là bạn bè, không bị tiền bạc hay danh lợi chi phối, cớ gì phải mâu thuẫn với nhau? Sao lại không hòa bình vu vẻ mà hưởng thụ những tháng ngày tươi trẻ như thế này? Đây là cái tuổi cần phải vô tư, cần phải hết mình mà sống bên nhau, không phải sao?
Song, cuộc đời đúng là đôi khi cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Bạn không gây hấn với ai, không có nghĩa là sẽ không ai đụng chạm gì tới bạn.
Lúc tan học, Linh và nhóm bạn của cô ấy chặn đường tôi ở sân trường. Hôm nay, mấy cô bạn hay chơi cùng tôi đều có việc phải đi trước, vì thế chỉ còn một mình tôi lững thững đi ra cổng, chờ Hiếu đến đón. Không ngờ nhóm của Linh lại lợi dụng đúng lúc này mà gây gổ với tôi.
Thú thực, trong đầu tôi lúc đó rất oán giận Quang, tuy rằng cậu ấy cứ luôn miệng nói thích tôi, nhưng những phiền phức như thế này lại do cậu ấy mang tới. Vậy mà khi tôi gặp phiền phức thì cậu ấy ở đâu? Sao không ra đây để che chở cho tôi?
Dù sao đó cũng chỉ là những suy nghĩ thoáng qua trong đầu, tôi cũng không muốn được cậu ấy bảo vệ. Chỉ có điều tôi không thể ngờ, Linh cùng những cô bạn tự cho là xinh đẹp, cao quý của cô ấy lại khác xa với hình tượng thục nữ thường ngày. Không đợi mấy cô ấy mở lời, tôi đã hỏi trước: “Các cậu muốn làm gì?”
“Chẳng muốn làm gì cả”, Linh cong cớn nói. “Chỉ muốn nhìn kĩ mặt mũi đứa hồ ly tinh nào thích giả nai quyến rũ hết anh này đến anh khác một chút thôi!”
“Ý gì?” Thực ra thì tôi cũng không phải người dễ chọc. Tốt nhất là đừng có ai chọc gì đến tôi.
“Còn ý gì nữa! Ở lớp thì liếc mắt đưa tình, quyến rũ Quang, nhưng sau lưng cậu ấy lại cặp với hết thằng này đến thằng khác. Hôm nay còn ngồi xe Audi mà đi học cơ đấy!”
Nhìn xem, đây là lời lẽ mà một nữ sinh có thể nói ra hay sao? Chẳng khác nào giọng điệu của mấy bà vợ già đi đánh ghen, dằn mặt bồ nhí của mấy ông bụng phệ trong phim truyền hình. Lúc này đây, tôi có hơi băn khoăn, phim ảnh và báo chí có phải đã làm lệch lạc phong cách sống của những học sinh tuổi vị thành niên như chúng tôi hay không?
“À, thì ra là có người không ăn được nên muốn đạp đổ đây mà! Thiếu thốn đàn ông lắm sao? Đúng như lời cậu nói, tôi lẳng lơ đấy, nên xung quanh tôi có rất nhiều đàn ông, thừa thãi nhiều lắm. Nếu cậu giống loài nào đó thích ăn thừa của người khác, tôi sẵn sàng chừa lại cho cậu một chút!”
“Mày nói cái gì?”
Linh vừa nói vừa vung tay lên, đích đến của bàn tay ấy không cần nghĩ cũng biết chính là gò má của tôi. Nhưng có một bàn tay khác đã kịp thời ngăn cản hướng đi của tay Linh, khiến cho nó phải khựng giữa không trung.
Tôi quay sang, chợt nhìn thấy Hiếu của tôi đứng ở đó từ lúc nào. Khi ấy, tôi chỉ có một thắc mắc, tại sao, tại sao anh luôn xuất hiện kịp thời bên tôi, vào những lúc tôi yếu đuối, vào những lúc tôi cô độc, vào những lúc tôi cần được che chở?
Anh nhìn Linh, nhẹ nhàng nói: “Anh không biết giữa bọn em có chuyện gì, nhưng không nên động tay động chân như vậy. Dùng lời nói giải quyết với nhau là được rồi. Mà nếu muốn giải quyết thì cũng để hai bên cùng bình tĩnh lại đã, bây giờ thì nên giải tán đi. Ly, về thôi!”
Anh xoay người nắm lấy tay tôi, kéo tôi bước ra xe trong ánh mắt vô cùng phẫn nộ và ganh ghét của nhóm Linh.
Ngay lúc này, tôi mới cảm nhận được sâu sắc cái gọi là lòng ham hư vinh của phụ nữ. Vì sao mà phụ nữ thích khoe khoang người đàn ông của mình đến như vậy?
Đây là lần thứ hai tôi được nắm tay anh, mà lại là anh chủ động làm điều đó. Bàn tay anh giống như có một dòng điện, mang đến cho tôi cảm giác rõ rệt, cảm giác rung động mạnh mẽ dấy lên từ tận đáy con tim.
Tuy nhiên khi ngồi trên xe anh rồi, tôi mới nhớ ra một điều khiến tôi không dám ngẩng mặt lên mà nhìn anh nữa. Những lời tôi vừa nói với Linh, phải chăng là anh cũng nghe thấy?
“Sao tự nhiên lại trở nên yên ắng thế? Vừa này không phải còn rất hùng hổ sao?”
“Anh... anh... anh nghe thấy hết rồi à?”
“Ừm!” Anh vẫn cứ cười thản nhiên như thế. “Xung quanh em có rất nhiều đàn ông sao?”
“Nhiều chứ, đương nhiên là nhiều. Có bố em, anh trai em, còn có anh nữa. Không phải là rất nhiều rồi sao?” Tôi cười méo xệch, giọng nói cũng gượng gạo.
“Ồ, thế à? Thế em định nhường ai cho cô bạn đó? Bố em, anh trai em, hay là anh? Em còn nhấn mạnh là đồ thừa nữa!” Nét mặt anh vẫn thản nhiên như thế, ngữ điệu cũng thật nhẹ nhàng, nhưng mà tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó nặng nề... chính là ở từ ngữ mà anh dùng. Có lẽ những lời nói đó của tôi làm cho anh giận thật rồi.
“Anh... giận sao?”
“Em nghĩ sao? Đó là những lời nói mà một cô bé lớp mười nên nói sao?”
“Em xin lỗi!”
Đây là lân thứ hai tôi thấy anh tức giận kể từ khi hai chúng tôi quen nhau. Lần trước là vì lo lắng, còn lần này là vì cái gì? Là một người anh trai tức giận khi thấy em gái mình nói những lời lẽ không nên nói hay sao?
“Tại cô ấy xúc phạm e trước, em bực mình quá, không kiềm chế được, nên mới nói như thế. Anh biết mà, em đâu phải người như vậy.”
“Haizz!!” Anh khẽ thở dài. “Em như vậy là dễ bị kích động. Bây giờ còn là học sinh thì không có ảnh hưởng gì lớn. Nhưng sau này khi em bước ra xã hội, mọi chuyện không đơn giản như em nghĩ đâu. Có đôi khi người ta chỉ cần cố ý khích bác vài câu, em liền lộ ra ngay sơ hở để cho họ nắm bắt được, như vậy thì không hay chút nào. Chúng ta cần phải học cách nhẫn nhịn, em hiểu không?”
“Nhưng chẳng lẽ cứ để mặc cho người ta xúc phạm, để mặc cho người ta bắt nạt mình hay sao?”
“Như vậy, em nói lại người ta, rồi người ta lại càng nói em tệ hơn, sau đó em cũng tiếp chiêu. Cứ đôi co như thế, em nghĩ xem bao giờ mới có thể kết thúc được? Em không thấy làm như vậy là lãng phí thời gian và sức lực hay sao? Cuộc sống này, thời gian và sức lực là hai thứ đáng quý nhất, em có hiểu không? Có những người, họ sống mà chỉ tiếc vì sao ông trời không cho họ thêm một chút thời gian và sức lực để làm những điều họ muốn mà còn không được, trong khi em lại đang lãng phí nó đấy, em có biết không?”
Chưa bao giờ tôi nhìn thấy Hiếu kích động đến như vậy. Ánh mắt anh nặng nề mà ai oán, cứ nhìn chằm chằm vào tôi. Thực ra tôi vẫn cho rằng đối với anh, chuyện ngày hôm nay cũng chẳng có gì quá to tát, đến mức anh phải kích động như vậy. Nhưng tôi có thể cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của những điều anh nói. Những gì anh nói với tôi, luôn là những lời nói khiến tôi có thể khắc sâu tận đáy lòng.
“Anh, anh đừng như thế mà! Em biết em sai rồi! Sau này em sẽ không chấp nhặt, không đôi co mấy chuyện thị phi vớ vẩn như vậy nữa, được không?”
Tôi biết, kiểu mềm mỏng làm nũng này của tôi lúc nào cũng có thể khiến Hiếu bỏ qua mọi chuyện. Lần này cũng không ngoại lệ. Anh vươn tay sang chọc chọc vào trán tôi, sau đó lại véo mũi tôi một cái, rồi anh mới nở nụ cười dịu dàng như thường ngày. Lúc này, tôi mới được thở phào nhẹ nhõm, lại nghe anh hỏi: “Mấy cô bạn đó là ai?”
“À, cô bạn định đánh em chính là hoa khôi của lớp tên là Linh mà em từng kể với anh đấy. Mà sao anh không hỏi vì sao bọn em lại cãi nhau?”
“Mấy chuyện tầm phào của con gái bọn em anh nghe làm gì?”
“Xì, ai bảo anh là tầm phào! Cô bạn Linh đó thích một cậu ở lớp em, tiếc là cậu ấy lại thích em, nên mới cố ý gây sự với em đó.” Giọng nói của tôi nghe ra chẳng có vẻ gì là hiền hòa.
“Ồ, thảo nào mà em chanh chua như vậy, người ta xinh đẹp thế cơ mà!”
“Đàn ông bọn anh ai cũng như nhau, chỉ ưa cái vẻ bề ngoài thôi!” Bây giờ thì người chuẩn bị bốc hỏa là tôi đây này.
“Này”, anh lại cười, sao anh có thể cứ cười mãi như vậy nhỉ? “Sáng nay em ăn gì thế?”
“Phở, làm sao?”
“Có cho ớt không?”
“Có. Có liên quan gì đến anh không?”
“Thảo nào, ớt này có vẻ cay đấy!” Anh còn gật gù ra điểu rất thưởng thức. Trên xe, anh cứ thế cười bí hiểm, còn tôi thì cứ thế mà đỏ mặt ngượng ngùng.
Có câu ca dao: “Ớt nào mà ớt chẳng cay...”(*)
(*)Câu ca dao đầy đủ là: “Ớt nào mà ớt chẳng cay. Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng.”
Anh càng ngày càng đáng yêu quá đấy, Hiếu ạ!
|