Chờ Em Mười Tám
|
|
Chờ Em Mười Tám Tác giả: Celia Nguyễn
Năm mười lăm tuổi, tôi giới thiệu với bạn bè mình:
“Anh ấy là bạn của anh trai tớ”.
Năm mười bảy tuổi, tôi giới thiệu với bạn bè mình: “Anh ấy là anh trai của tớ. Đúng vậy, tớ có hai người anh trai.”
Năm hai mươi tuổi, tôi đã có thể hét to lên với cả thế giới rằng: “Anh ấy chính là bạn trai của tôi.”
Một số review:
- Lê Bảo Trâm đến từ Hải Phòng nhận xét rằng : Cốt truyện không quá mới mẻ nhưng vẫn rất hay và lôi cuốn. Câu chuyện của Hiếu và Ly tạo ra một cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp đến động lòng người. Từ khi Ly rung động trước Hiếu khi còn là một cô bé lớp 9 tới khi Ly trưởng thành đã có rất nhiều chuyện xảy ra. Nhưng cuối cùng họ vẫn đến được với nhau và yêu hết mình.
- Ngọc Anh đến từ Hà Nội nhận xét rằng: Câu chuyện không có xung đột, ngược tâm nên mình rất thích. Đọc không bị hại não, mệt mỏi và rất thấm. Tình yêu nhẹ nhàng nhưng không kém phần cảm động mà chị Celia viết khiến mình nghĩ nhiều đến những chuyện tình mình gặp ngoài đời thật. Bao nhiêu người cũng đã có 1 mối tình dài lâu như vậy. Được biết câu chuyện này chị Celia chắp bút từ một sự việc có thật ngoài đời, nhưng rất buồn, nên khi đọc có những chỗ cảm động, làm mình cứ nghĩ mãi đến câu chuyện ngoài đời chị đã từng chia sẻ. Cảm ơn chị Celia vì 1 câu chuyện rất ý nghĩa.
|
Chương 1
Bạn đã bao giờ cảm nhận được sự rung động mãnh liệt giống như tôi chưa? Nó xảy ra mỗi lần tôi gặp bạn thân của anh trai. Cũng giống như bao thiếu nữ trẻ, tôi từng đọc rất nhiều tiểu thuyết tình yêu viết về những cô công chúa sống trong sự bao bọc của cha mẹ và anh trai (giống như tôi vậy), họ dành tình cảm nồng nhiệt cho bạn thân của anh trai mình nhưng lúc nào cũng phải vào vai nữ thứ, một kẻ thứ ba đáng ghét cứ phải tranh giành cho bằng được thứ tình yêu không thuộc về mình. Nhưng thật đáng tiếc, câu chuyện của tôi và anh không giống như vậy, bởi vì giữa chúng tôi không hề có một nữ chính nào, nhưng chính anh lại là người luôn dựng lên một tấm bình phong ngăn cách đôi bên. Qua tấm bình phong ấy, tôi thấy hình ảnh anh mờ nhạt nhưng ấm áp, vì anh luôn đứng ở đó, mỉm cười với tôi.
Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, khi ấy tôi bắt đầu vào học kỳ hai của lớp chín. Thời gian cưới cấp bận rộn nhưng khí trời mùa xuân thật ấm áp, dễ chịu hệt như ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp anh. Vào một buổi chiều thứ Bảy, nắng vàng nhè nhẹ, anh trai đưa bạn thân về nhà để làm gia sư môn vật lý cho tôi. Thời ấy, khi chúng tôi thi tốt nghiệp cấp hai chỉ phải thi có bốn môn, trong đó có ba môn cố định là Văn, Toán, Anh, còn một môn ngẫu nhiên do Bộ Giáo dục lựa chọn, năm tôi thi là môn vật lý. Nói về nhận thức của tôi đối với môn học này, đại khái có thể miêu tả như sau: Nó quen biết tôi nhưng tôi thì không biết nó. Nào là điện, nào là cơ, tôi thực sự không biết. Cả lớp tôi điều biết rõ một điều: Cán sự môn Văn chính là Tiểu Thư Mù Lý.
Mẹ tôi vẫn thắc mắc: “Anh con học giỏi Toán, Lý, Hóa thế, sao con không nhờ anh kèm cho, tìm gia sư làm gì cho tốn tiền?” Có điều mẹ tôi không hiểu được rằng, nếu như mỗi buổi học đều phải nghe người hướng dẫn cho mình hỏi câu: “Tại sao tôi với cô ngồi chung một mâm cơm, ăn cùng một loại thức ăn mà cô lại dốt thế hả?” thì áp lực đó sao có thể khiến đầu óc hoạt động tốt nổi. Anh trai luôn thiếu kiên nhẫn với như vậy đấy. Nếu anh ấy có thể dùng mộ nửa sự nhẫn nại thể hiện khi ở bên người yêu để dành cho tôi thì chắc môn Lý của tôi đã có tiến triển từ lâu rồi, chứ không phải đợi tới lúc gần thi tốt nghiệp đến nơi mới cuống cuồng tìm gia sư để mong vớt vác được năm điểm như thế này.
Quay lại với vuổi chiều thứ bảy ngày hôm ấy, anh trai tôi dẫn một anh bạn sáng sủa đẹp trai về để làm gia sư môn Vật Lý cho tôi. Cũng thật lạ, anh ấy giới thiệu là bạn rất thân nhưng tôi lại chưa từng gặp bao giờ. Anh bạn này chưa đến nhà tôi lần nào. Trong trí nhớ của tôi, anh là một biểu tượng sống của sự ôn hòa, đúng, chính là ôn hòa, bởi vì từ lúc anh bước vào nhà, ngoài lời chào dành cho mẹ và tôi ra, ảnh chỉ cười, cười đến xán lạn. Nghe nói anh bằng tuổi anh trai tôi, tức là cũng hơn tôi tám tuổi, một khoảng cách đủ xa để khi ấy, ánh mắt anh nhìn tôi giống như nhìn một đứa trẻ. Nhưng chỉ có tôi là biết rõ nhất, ánh mắt tôi nhìn anh khi đó, chính là sự ngưỡng mộ.
Tôi nhìn thấy sự thông thái và hiểu biết toát ra từ khuôn mặt và tác phong của anh. Ngày hôm đó, anh mặc một chiếc sơ mi màu xám, bên ngoài là chiếc áo len đen mỏng viền màu trắng, trên cổ quàng khăn len dệt kẻ ca rô, nhã nhặn, thanh lịch và chín chắn. từ trang phục của anh, tôi đoán nhà anh cũng thuộc diện khá giả, nhưng không hiểu sao anh tôi lại nói anh đi xe buýt tới. Có lẽ tôi đã tò mò và võ đoán hơi thái quá rồi!
Buổi học diễn ra trên phòng riêng của tôi, căn phòng của một cô bé học sinh với toàn những gấu bông và đồ vật ngộ nghĩnh. Tôi thấy anh hơi nhíu mày khi vừa bước vào nên tưởng anh cảm thấy khó chịu với màu sắc lòe loẹt của căn phòng, nhưng không ngờ câu đầu tiên anh nói lại là: “Em nên mở cửa sổ ra để không khí vào phòng cho khoáng. Mùa này cũng không lạnh lắm, phòng bí như thế này không tốt cho sức khỏe.
Thấy không, đây chính là sự khác biệt rõ rệt nhất giữa anh và anh trai tôi. Hễ đặt chân vào căn phòng công chúa của tôi là ông anh trai lại càu nhàu: “Vào đến phòng cô là nhức mắt nhức đầu, treo với dán cái của nợ này làm gì mà lắm thế!”, còn anh gia sư này chỉ nhẹ nhàng nhíu mày, rồi nói một câu đầy quan tâm tôi như thế.
Anh chậm rãi đi tới bên bàn học của tôi, đặt túi đựng laptop xuống rồi mới giới thiệu: “Anh tên là Hiếu, bạn đại học của anh trai em. Anh se kèm thêm cho em môn Vật Lý. Mà em tên là gì nhỉ?”
Khi ấy tôi nhìn thấy rõ ràng sự hờ hững trong anh. Không hiểu sao tôi lại không muốn giới thiệu tên mình cho anh biết, mặc dù không nói thì anh cũng có thể hỏi anh trai tôi, nhưng tính khí trẻ con của tôi lại nổi lên, mà cũng đúng thôi, khi ấy tôi vốn dĩ vẫn còn là một đứa trẻ.
Tôi chu môi lên, nói: “ở nhà mọi người toàn gọi em là Bé, anh em cũng gọi thế, anh cũng gọi như thế là được rồi.”
Tôi để ý thấy anh khi đó có hơi nhướng mày lên rồi nhìn tôi bằng một ánh mắt khá thích thú. Nhưng anh không nói gì nữa, chỉ nhẹ nhàng cười. Có lẽ anh không hề biết rằng, nụ cười của anh giống như một loại thuốc phiện, đẹp, nhưng khiến người ta phải trầm luân.
Buổi học hôm đó, sau khi biết kiến thức môn Vật Lý của tôi bị hổng nặng, anh không hề nổi giận, cũng không chán nản. Tôi thấy anh đi về phía giá sách, rút quyển sách giáo khoa Vật Lý của tôi xuống, rồi quay sang tôi cười cười. “Đúng như anh đoán, sách của em còn mới nguyên.”
Tôi cảm thấy thật xấu hổ, phải nói là hổ thẹn vô cùng. Tôi chỉ biết ngồi im, cúi mặt và cắn bút. Anh kéo thêm một chiệc ghế ở góc phòng tới, ngồi bên bàn học, nhẹ nhàng xoa đầu tôi, một hành động quát thân thiết cho lần đầu gặp mặt, nhưng tôi biết, khi đó anh chỉ coi tôi như một đứa trẻ.
Anh vừa cười vừa nói: “Không phải xấu hổ. Điều đó có nghĩa là từ trước tới nay em chưa từng học môn này, chứ không phải là em không có khả năng học giỏi nó.”
Bạn biết không, đó chính là sự khích lệ ấm áp đầu tiên mà tôi nhận được trong cuộc đời này. Không giống như mọi người luôn gây áp lực cho tôi, luôn đặt mục tiêu cho tôi, anh cứ nhẹ nhàng như thế, cho tôi một nguồn động lực. Khi đó, tôi đã ước rằng buổi học này không cần phải học môn Vật Lý nữa, mà anh hãy kể thêm một chút về con người anh, về cuộc sống của anh cho tôi nghe. Nhưng anh đã khích lệ tôi như vậy, đã đến tận nhà để dạy kèm cho tôi, phải chăng tôi cũng nên nổ lực một chút, chuyên chú một chút, để những điều anh làm trở nên có giá trị?
Chúng tôi cùng ngồi học những bài Vật Lý đầu tiên trên chiếc bàn học bên cửa sổ phòng tôi. Những tia nắng yếu ớt cuối ngày xuyên qua lớp cửa kính phản chiếu lên khuôn mặt anh, khuôn mặt ấy đã khắc sâu vào tâm trí tôi, cả một đời.
|
Hôm ấy, ngay sau khi anh ra về, tôi liền lao ngay vào phòng anh trai để tiến hành tra hỏi. Sau một chuỗi câu hỏi, ví dụ như tên đầy đủ của anh là gì, nhà ở đâu, anh đã đi làm chưa, nếu có thì làm gì, ở đâu, tất nhiên là phải kể đến câu hỏi quan trọng nhất: anh đã có người yêu chưa, vậy mà ông anh trai chỉ quăng cho tôi một nụ cười khẩy thật chướng mắt. Đấy, lại là một sự khác biệt to lớn biết bao nhiêu. Nụ cười của Hiếu rạng rỡ nhường nào thì nụ cười của ông anh trai tôi chướng mắt nhường đó. Cả bữa ăn hôm đó, tôi đã phải ân cần chăm sóc, gắp thức ăn, rồi xới cơm dâng lên tận miệng cho đại ca nhà tôi, thậm chí ngay cả bố mẹ tôi cũng cảm thấy ghen tị, ông anh tôi mới chịu mở miệng vàng. Từ đó, cái tên “Hiếu” đã trở thành định mệnh của cuộc đời tôi, một định mệnh đang sống cách tôi chỉ chừng năm cây số. Anh là con một, nhưng có một điều tôi dường như không thể tin, anh chưa có người yêu. Một người như anh: đẹp trai, nhà giàu có, học giỏi vậy mà chưa có người yêu. Có lẽ câu nói này của tôi về anh thật quá thô tục.
Hồi đó, tôi mới là học sinh cấp hai nên chưa được dùng điện thoại di động. Tôi chỉ có thể xin địa chỉ email để liên lạc với anh, lý do để hỏi bài là một cái cớ quá hợp lý. Vì đã gần tới kỳ thi tốt nghiệp nên một tuần anh sẽ đến dạy tôi ba buổi, nhưng với trình độ của tôi, ba buổi vẫn còn là quá ít. Ngày nào cũng học còn chưa chắc đã thi được năm điểm. Chưa kể khi đó tôi còn phải dành thời gian học cả ba môn còn lại, các dàn ý, các tác phẩm văn học, rồi làm đề cương Toán, làm đề tiếng Anh... Nhưng kỳ lạ, học sinh chúng tôi thuở ấy vẫn còn dư rất nhiều thời giờ và tinh lực cho những việc khác như viết lưu bút, làm đồng phục lớp, chụp ảnh kỷ niệm. Cá nhân tôi còn có một việc quan trọng hơn nữa, đó là nhớ về anh, ngồi trước máy tính hàng giờ, gõ gõ rồi lại xóa xóa, chỉ để soạn ra một bức email gửi cho anh.
Anh làm công việc thiết kế đồ họa, thường xuyên phải dùng máy tính nên luôn trả lời đầy đủ tất cả những bức email mà tôi đã gửi. Ban đầu chỉ đơn thuần là những email hỏi bài của tôi, nhưng sau đó nội dung của chúng phong phú hơn rất nhiều, đủ mọi việc trên trời dưới bể. ở lớp hay ở nhà, tôi đều có thể trao đổi cùng anh. Tôi tin rằng anh đã rất kiên nhẫn đối với tôi, kiên nhẫn ngồi đọc những email khi thì kể lể khi thì than thở của tôi. Anh đọc hết và viết thư trả lời cặn kẽ đến mức tôi có thể chắc chắn là anh đã đọc rất cẩn thận và chăm chú những email tôi gửi.
Bạn biết không, động lực là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng, vô cùng quan trọng khi ta quyết tâm làm việc gì, đặc biệt, khi nó lại là điều ta không muốn làm nhưng vẫn phải làm. Không biết từ bao giờ, anh đã trở thành động lực để tôi học môn Vật Lý. Hết tháng dạy kèm đầu tiên, tôi đã có thể làm những bài tập đơn giản và biết những công thức đơn giản. Mẹ tôi rất hài lòng về sự tiến bộ này. Sau buổi học, mẹ giữ anh ở lại ăn cơm tối, rồi tiện thể gửi anh học phí luôn. Không ngờ, anh lại từ chối. Anh nói với mẹ tôi rằng: “Bác đừng làm vậy, cháu với Linh thì không cần tính toán gì đâu ạ. Em gái Linh cũng như là em gái cháu. Cháu giúp em là việc nên làm bác ạ. Thi thoảng, bác cho cháu ăn chực bữa cơm như hôm nay là cháu đã cảm ơn bác lắm rồi!” Anh đã nói vậy đó. Và cứ như thế, tôi có thêm một ông anh trai bất đắc dĩ. Tôi có nói rằng mình sẽ làm em gái anh sao?
Từ sau hôm đó, càng ngày anh càng trở nên thân thiết với gia đình tôi. Bố mẹ tôi cũng coi anh như con cái trong nhà. Mỗi khi đến nhà tôi, anh cũng thoải mái hơn, không còn quá khách sáo như lúc ban đầu nữa. Khi tôi làm đúng một bài tập, anh sẽ ngồi trên bàn học, dùng ngón trỏ chọc chọc vào trán tôi rồi nói: “Chỉ cần em được năm điểm, muốn quà gì anh cũng cho.”
Thật không biết là anh vì nghĩ cho tôi hay nghĩ cho cái danh dự làm thầy giáo của mình nữa. Nhưng dù sao, tôi củng rất vui, trong đầu thầm ấp ủ một ý niệm.
“Được, là anh nói đấy nhé! Đến lúc đấy, cho dù em có yêu cầu gì thì anh cũng phải chấp nhận đó.”
“Anh nó là quà, đâu có nói là yêu cầu.”
Em không cần quà, em chỉ cần anh làm cho em một việc thôi.”
“Ok, em nói xem là việc gì?”
“Bây giờ em chưa nghĩ ra, lúc nào em nghĩ ra sẽ nói cho anh biết, đến lúc đó anh đừng nuốt lời là được.”
“Cô bé này, em đi theo anh Linh nhà em xem nhiều phim Kim Dung quá rồi hay sao? Còn học đòi Triệu Mẫn thế hả? Tưởng anh ngốc như Trương Vô Kỵ sao?”
“Rốt cuộc là anh có đồng ý không?”
“Ok, được thôi. Chỉ cần là những việc không trái với đạo lý giang hồ và anh có thể làm được, anh nhất định sẽ làm!” Anh dí dỏm bắt chước lời thề của Trương Vô Kỵ. “Nhưng trước tiên em phải đạt được năm điểm thi tốt nghiệp cái đã!”
Tôi nhớ rằng đó là lần đầu tiên tôi nghe anh gọi mình: “Cô bé”. Tôi nghĩ, cả cuộc đời này, cách gọi đó chỉ có thể là của riêng anh.
|
Chương 2
Tôi phát hiện ra điểm giống nhau đầu tiên của tôi và anh, chính là chúng tôi có chung một loại phương tiện đi lại: Xe buýt.
Trường của tôi ngay gần nhà, nên tôi thường đi bộ đi học, nhưng mỗi khi đi học thêm tại các trung tâm thì phải đi xe buýt. Ban đầu cảm giác say xe dường như khiến tôi không thể trụ nổi, ấy thế mà dần dần cũng thành quen. Tôi có thể quên đi việc say xe mỗi lần bước lên xe buýt cũng là nhờ Lan, cô bạn thân từ bé. Lan ghét cái tên của mình vô cùng. Tôi cảm thấy đó là một cái tên rất nữ tính, hoa lan là loài hoa vô cùng cao quý, vô cùng quyến rũ. Nhưng Lan thì ghét lý do đơn giản là cô ấy cảm thấy tên đó quá tầm thường. Có lẽ vì trong cuốn sách giáo khoa chúng tôi học từ khi còn nhỏ cho tới lớn, hễ lấy ví dụ về vấn đề gì đó là lại có câu: Nhà Lan thế này, bạn Lan thế nọ...” nên cô ấy cảm thấy tên của mình quá mức tầm thường.
Tôi và Lan học cùng từ cấp một cho tới cấp hai, hai nhà sát nhau, sống gần nhau lâu ngày đến nỗi nhìn hai đứa cũng có điểm giống nhau, mọi người đều tưởng chúng tôi là hai chị em gái. Điều khác nhau duy nhất là tôi thì kém môn Lý, còn Lan thì không học được môn Văn.
Ký ức hai đứa dắt tay nhau cùng đi bộ về nhà thuở cấp một, bây giờ được thay bằng hình ảnh hai cô gái nhỏ cùng chen lấn trên xe buýt vào giờ cao điểm để đi đến trung tâm học thêm tiếng Anh. Vì cả hai đều có một trong số bốn môn thi không thể lấy được điểm cao, nên gánh nặng đặc biệt dồn lên cho hai môn còn lại, là Toán và tiếng Anh. Riêng môn tiếng Anh này, Lan học khá hơn tôi rất nhiều. Từ vựng, ngữ pháp, hay phát âm, cô ấy đều giỏi hơn tôi. Đi học thêm cùng Lan, tôi tiến bộ trông thấy. Sách bài tập của thầy Vĩnh Bá, ngay cả học sinh cấp ba đang ôn thi đại học cũng thấy khó, vậy mà Lan có thể làm vèo vèo. Tôi thật sự rất ngưỡng mộ cô ấy!
Nhưng đối với Lan, mỗi buổi học tiếng Anh lại chẳng khác nào đi đày. Nếu hôm nào tôi không đi, Lan cũng sẽ nhất quyết nghỉ. Bởi vì ở lớp tiếng Anh mà chúng tôi học có một cậu học sinh đang theo đuổi Lan một cách cuồng nhiệt. Tôi phải dùng từ “cuồng nhiệt” mới có thể hình dung được cách mà cậu ấy theo đuổi Lan. Nhưng cũng may, nhờ có cậu ấy luôn đến sớm giữ chỗ, hai đứa chúng tôi hôm nào cũng có chỗ ngồi tốt mà không cần phải chen lấn.
Sự mãnh liệt của cậu ấy, tôi cảm thấy đó là tấm lòng chân thành thật đáng quý, nhưng có lẽ với Lan, đó lại là sự phiền phức, một sự phiền phức tẻ nhạt. Ở lứa tuổi của chúng tôi khi đó, tình yêu là một trò chơi thật xa vời, nhưng đứa nào cũng muốn vươn tới. Hồi đó, chúng tôi liều mạng thi bằng được vào cấp ba, bởi vì văn thơ thường hay miêu tả về tình yêu thuở học trò của các anh chị ở tuổi ấy, thế nên trong tiềm thức, đứa nào cũng cho rằng mình đang học lớp chín, sắp vào cấp ba rồi, mình chuẩn bị được yêu rồi!
Nếu ở thời điểm đó, các cô cậu học trò biết được tình yêu và sự trưởng thành sẽ mang đến cho con người ta cảm giác mệt mỏi và nặng nề đến nhường nào, thì có lẽ họ sẽ nguyện được sống ở cái tuổi hồn nhiên ấy mãi mãi, để được tự do mơ ước và khát khao, được tự do trao cho nhau tất cả những gì trong sáng và tươi đẹp nhất, như một nét đẹp khỏe mạnh không tì vết của cuộc sống.
Tuấn đã rung động với Lan ngay từ buổi học đầu tiên của khóa học, tính đến bây giờ cũng gần một năm rồi. Chỉ còn hai tháng nữa là khóa học này sẽ kết thúc. Nhiều lần, Lan kéo tay tôi chạy qua bao nhiêu bến mới lên xe buýt, rồi đổi hẳn mấy tuyến liền, chỉ để cho cậu Tuấn kia không thể biết được nhà chúng tôi ở đâu, kết quả là đến tận chín giờ tối, chúng tôi mới về đến nhà, sau đó bị hai bà mẹ ca thán cho một trận; hay có lần Tuấn ngốc nghếch tặng hai vé xem phim cho Lan, hẹn cô ấy cùng đi xem, kết quả, Lan lại rủ tôi cùng vào xem, Tuấn cứ đứng chờ ngoài cổng rạp. Khi đó tôi đã nghĩ, trên đời này chắc chẳng có ai ngốc hơn cậu ấy. Vài năm nữa, khi trở thành một chàng trai thực thụ, chắc cậu ấy sẽ hiểu được rằng, mời bạn gái đi xem phim là mình phải mua vé, đến đón cô ấy rồi hai người cùng nhau vào rạp, chứ không phải mua xong rồi đưa luôn vé cho người ta thế này. Tôi tin rằng đến lúc đó, cậu ấy sẽ cười tủm tỉm mỗi khi nhớ đến Lan, nhớ đến lần mua vé xem phim này, nhớ đến lần đầu tiên trái tim cậu ấy rung động.
Hôm nay, vẫn như mọi lần, Tuấn giữ chỗ ngồi cho chúng tôi. Lần nào mà chẳng thế, Lan lại đẩy tôi vào ngồi giữa. Cảm giác khi phải ngồi giữa và chịu đựng hai luồng ánh mắt nóng rực từ hai phía khiến tôi rất khó mà tập trung học được. Cảm giác này lại bất giác khiến tôi nhớ đến anh. Mỗi khi anh đến dạy, tôi cứ nhìn anh chằm chằm như vậy, có phải anh cũng cảm thấy không được tự nhiên như tôi lúc này?
Đúng lúc đấy, Lan ghé tai tôi nói: “Thấy chưa, cho dù cậu có thích anh Hiếu bao nhiêu đi nữa, cũng đừng có dùng ánh mắt giống như Tuấn đang nhìn tớ để nhìn anh ấy. Anh ấy sẽ thấy cậu rất phiền phức!”
Lan là như vậy, luôn ủng hộ và giúp đỡ tôi vô điều kiện, dù trong mắt cô ấy. Hiếu quá “già” so với quy định, nhưng cô ấy vẫn ủng hộ và tôn trọng tình cảm của tôi. Chính vì thế mà tôi đối với Lan cũng vậy. Cũng có lúc tôi thấy thương cảm, muốn cô ấy đừng dùng thái độ không thiện cảm như vậy đối xử với Tuấn, nhưng tôi lại không biết nên mở miệng thế nào. Tôi biết, Lan luôn ghét những gì nhập nhằng không rõ ràng. Đối với cô ấy, đã không thích, không có thiện cảm thì không dây dưa, dù là chỉ làm bạn bè cũng không. Thế nên tuy người Tuấn thích là Lan, nhưng trên danh nghĩa, Tuấn lại chỉ là bạn của tôi chứ không liên quan gì đến cô ấy. Cho dù Tuấn có hay giữ chỗ cho, hay trò chuyện cùng thì cũng chỉ bởi vì Tuấn là bạn của tôi, chỉ như vậy thôi.
Nhà Tuấn chắc cũng thuộc diện có điều kiện, bố mẹ cũng chiều cậu ấy. Tuy mới học cấp hai nhưng di động, laptop, thứ gì cậu ấy cũng có đầy đủ. Cuối buổi, Tuấn giữ tôi lại rồi nói: “Ly, hôm nay là buổi học cuối cùng của mình. Mình sẽ không học lớp này nữa.”
Tôi biết thời gian tạm biệt cũng sắp đến rồi, nhưng không nghĩ là nó lại đến nhanh như vậy. Tôi cứ tưởng còn hai tháng nữa mới thi tốt nghiệp, còn hai tháng nữa để Tuấn và Lan cho đối phương một cơ hội, nhưng tự cậu ấy đã bỏ cuộc. Cũng phải thôi, sắp thi cử đến nơi rồi, nên tập trung vào học hành. Rung động đầu đời tuy đẹp thật đấy, nhưng nếu so với việc học hành, thi cử thì nó không thể quan trọng bằng. Mọi thứ đã qua chỉ có thể là hồi ức, là kỷ niệm của một thời học trò ngây dại mà thôi.
Tôi hỏi: “Thế cậu không định ôn thi môn này nữa sao?”
“Ừ, tớ tự ôn ở nhà cũng được, có gì không hiểu thì hỏi thêm anh họ tớ, anh ấy giỏi lắm!”
“Vậy còn Lan, cậu không định chào tạm biệt cậu ấy một tiếng sao? Không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau.”
“Tớ nghĩ, cậu ấy cũng không muốn nói chuyện với tớ. Mấy buổi cuối này rất quan trọng, tớ không muốn làm phiền cậu ấy, để cậu ấy tập trung ôn thi.”
“Ừm... Tuấn này, cám ơn cậu nhé! Cám ơn cậu đã luôn giữ chỗ ngồi cho bọn tớ!”
“Không có gì đâu! Từ buổi sau, nhớ đến sớm chút nhé, tầm năm giờ mười lăm phút có mặt là được. Muôn hơn là không còn chỗ đâu. Còn nữa, Lan rất hayq uên tẩy, cậu nhớ nhắc cậu ấy nhé! Thi tiếng Anh mà không có tẩy thì thật là nguy hiểm. Nhất là hôm đi thi, cậu nhớ nhắc cậu ấy đấy!”
“Ừm! Tớ nhớ rồi! Tuấn này, chúc cậu thi tốt, vào được trường mà cậu mong muốn nhé!”
“Hai cậu cũng vậy!” Vừa nói, Tuấn vừa lấy ra một mẩu giấy rồi vội vàng viết lên đó vài con số. “Đây là số điện thoại của mình. Khi nào có điểm. Cậu hãy gọi cho mình thông báo kết quả của cả hai cậu nhé! Mình đảm bảo trước khi nhận được điện thoại của cậu sẽ không bao giờ đổi số. Mấy năm mình cũng chờ.”
Khi nghe những lời này của Tuấn, tôi thấy mắt mình ươn ướt, cay cay, nước mắt đã chực trào ra. Tuy cậu ấy muốn nhận được điện thoại của tôi nhưng thực chất là để biết tình hình của Lan, và cũng không biết là lời đảm bảo của cậu ấy sẽ duy trì được bao lâu, nhưng tôi thật sự trân trọng nó. Tôi gật đầu nhận lời với cậu ấy, sau đó cẩn thận cất số điện thoại của cậu ấy vào trong túi.
Tôi ra đến cửa lớp thì thấy Lan đang đứng tựa vào cửa, mắt đỏ hoe. Tôi còn đang chưa biết nên nói gì thì cô ấy lại chạy ngược vào lớp. Tuấn lúc đó đang thu dọn sách vở cũng bất ngờ ngẩng đầu lên. Lan nhìn thẳng vào mắt cậu ấy, nước mắt tuôn rơi. “ Cậu nhất định phải được mười điểm môn tiếng Anh. Nếu như cả hai chúng ta đều được mười điểm tiếng Anh, tôi sẽ nhận lời cậu. Tôi sẽ làm bạn gái của cậu!”
Nước mắt đã sớm làm nhòe hai mắt tôi, nhưng tôi nhơ, mình đã mỉm cười. Con bé Lan này thật ngốc nghếch! Điểm số và tình cảm có liên quan gì đến nhau chứ? Nhưng cô ấy lại đưa ra lời ước hẹn ấy, mười điểm, một con số trọn vẹn, một ước hẹn với yêu cầu cho một kết quả hoàn mỹ. Lúc đó, Tuấn đã bật cười rồi gật đầu với Lan.
Buổi tối hôm ấy, tôi và Lan không bắt xe buýt về nhà mà lại dắt tay nhau đi bộ như hồi hai đứa học cập một. Chúng tôi vẫn cười nói thật vui vẻ. Con đường này tuy không có hai hàng cây xà cừ xanh mướt như trước kia, mà thay vào đó là xe cộ qua lại tấp nập ồn ào, tiếng còi xe không ngớt, nhưng bù lại, mỗi khi băng qua những chiếc cầu vượt dành cho người đi bộ và nhìn xuống, chúng tôi có thể thấy những điểm sáng màu vàng chạy dài thành từng hàng ngay ngắn, tỏa sáng lung linh rực rỡ. Không khí buổi tối mùa xuân se se lạnh, nhưng đã không còn cái buốt giá của mùa đông. Hai chúng tôi nắm tay nhau đi trên đường, nghênh đón một mùa hè, mùa hè của chia ly.
|
Chương 3
“Đây, anh vẽ cái sơ đồ như thế này cho em dễ nhìn, em đã hiểu thế nào là đấu song song chưa? Này...”
“Sao anh lại cốc đầu em? Đau thế!”
“Em lại xuất hồn đi đâu thế? Nãy giờ anh nói, em có nghe được gì không đấy?”
“Thì em vẫn đang nghe mà. Chỉ suy tư chút thôi!”
“Suy tư cái gì? Đừng bảo là em yêu rồi đấy nhé!”
Anh sẽ không biết được rằng câu đùa vu vơ ấy của anh lại khiến cho trái tim tôi đập mạnh đến nhường nào. Tôi nghĩ đến Tuấn, nghĩ đến những nỗ lực bày tỏ tình cảm của cậu ấy. Không biết lời ước hẹn của Lan có thể trở thành sự thật hay không, nhưng tôi thấy được những nỗ lực Tuấn bỏ ra đã có chút kết quả. Nếu không trực tiếp bày tỏ, phải chăng sau này mình sẽ phải hối hận?
Trong một khắc, khi những suy nghĩ ấy lóe lên trong đầu, tôi đã liều lĩnh mà thổ lộ với anh lần đầu tiên: “Anh Hiếu, em thích anh!”
Cây bút trên tay anh khựng lại một giây. Anh ngẩng đầu lên nhìn tôi chăm chú, rồi bỗng nhiên lại bật cười. “Cô bé, em có hiểu yêu là gì không? Khi nào em hiểu được tình yêu là như thế nào, em sẽ biết, câu nói đó rất khó để nói ra. Em vẫn còn nhỏ, đừng gượng ép bản thân phải trở thành người lớn. bởi vì khi thực sự trưởng thành em mới thấy tiếc nuối quãng thời gian đã qua.”
Đó là lần đầu tiên anh cùng tôi nói những chuyện không liên quan gì đến bài học. Đó cũng là lần đầu tiên anh nói với tôi nhiều như thế. Tôi biết, khoảng cách tám năm nghe thì bình thường, nhưng nó gần như là hai thế hệ. Khi tôi vẫn chỉ là một cô bé học sinh ngu ngơ, anh đã là một người trưởng thành có việc làm, kiếm ra tiền. những gì tôi đang trải qua, anh đã sớm bước qua nó, sớm trải nghiệm nó từ rất lâu rồi. Tôi biết, nếu muốn ở bên anh, con đường tôi phải đi còn rất dài. Ít nhất, tôi cần phải bước qua giai đọan ngu ngơ khờ dại này, là một cô gái trưởng thành thực sự, khi đó mới có thể nói yêu anh. Nhưng tôi chỉ muốn thổ lộ, không phải để mong anh chấp nhận mà xin anh hãy bước chậm một chút, để tôi có thể đuổi kịp anh, có thể sóng bước bên anh.
Thấy nét mặt anh nghiêm trọng hơn mức bình thường, tôi lại buồn cười. Tôi đưa tay thử nhéo mũi anh, giống như thi thoảng anh vẫn làm với tôi mỗi khi bị tôi trêu chọc, cảm giác đúng là rất tuyệt!
“Anh có biết một bài thơ như thế này không? “Khi xưa Bé nói yêu anh. Anh chê Bé nhỏ, Bé chưa biết gì. Đến nay Bé đã dậy thì. Anh khen Bé đẹp, Bé chê anh già!” Sau này anh mà có ế vợ cũng đừng đến đây khóc lóc với em đấy nhé!”
Anh nhìn tôi rồi cười, cưới đến rạng rỡ. Thứ “vũ khí” ấy của anh bất cứ lúc nào cũng có thể giày vò trái tim tôi. Thậm chí đôi khi, tôi từng có suy nghĩ ích kỷ rằng anh chỉ có thể cười cho riêng mình tôi xem thôi, đừng để cho bất cứ người con gái nào vì nụ cười ấy mà rung động nữa.
Hôm nay là sinh nhật ông anh trai yêu quý của tôi. Kết thúc buổi học này, anh tôi sẽ lấy xe của bố chở cả tôi và Hiếu tới quán karaoke mà anh ấy đã đặt phòng trước để tổ chức sinh nhật. Ba chúng tôi qua nhà người yêu của anh trai để đón chị ấy, sau đó mới ra quán. Rõ ràng là không thuận đường, nhưng đành chấp nhận thôi, vì tình yêu mà. Trước khi đi, ông anh trai đã véo tai tôi tuyên bố rõ ràng, mặc gì thì mặc, không được xinh đẹp hơn người yêu của anh ấy, không được nổi bật hơn người yêu của anh ấy. Vì thế tôi chỉ đành chọn cho mình quần jean kết hợp với áo kiểu đơn giản. Nhưng nhìn này, hôm nay Hiếu của tôi cũng mặc quần jean đấy nhé! Tôi muốn trông mình thật hào hợp mỗi khi đi bên cạnh anh.
Anh trai tôi đã lấy bằng xe ô tô được một năm, nhưng cứ mỗi lần ngồi xe do anh ấy lái, tôi đều căng thẳng, tập trung tới nỗi quên cả say xe. Tôi không mấy tin tưởng vào chất lượng đào tạo xe của nước nhà. Hễ anh trai tôi quay đầu xe là phải nổ máy đến vài lần. mỗi lần như thế, Hiếu chỉ cười, nụ cười của anh khiến tôi thấy bớt căng thẳng, lo lắng. Như thể cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, anh vẫn luôn ngồi cạnh tôi như thế, cười với tôi, cùng tôi vượt qua tất cả.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được quán karaoke mà anh tôi đặt trước. Anh trai và người yêu anh ấy bước vào trước, tôi và Hiếu đi đằng sau. Người yêu của anh trai tôi hôm nay trông như nữ hoàng xuất hiện trong các buổi yến tiệc dạ hội. Chị ăn mặc cầu kỳ, diêm dúa, trang điểm lộng lẫy, xức nước hoa nồng nặc tới nỗi Hiếu của tôi phải nhíu mày tới vài lần khi ngồi chung xe với chị. Chị nổi bật giữa đám đông với chiếc váy dài màu đỏ, mặc dù hôm nay anh trai tôi mới là nhân vật chính, nhưng tôi cảm thấy anh ấy giống như anh chàng vệ sĩ đi cùng với chủ nhân của mình hơn.
Mọi người cụng ly, cắt bánh chúc mừng, quậy cho không khí buổi tiệc nóng lên, thậm chí còn tranh giành mic của nhau. Tôi thấy Hiếu ngồi ngay sát cửa, mỉm cười ôn hòa. Anh chỉ lặng lẽ ngồi đó, không đụng tới một giọt rượu, giọt bia nào, chỉ uống Lavie. Tôi đã từng nghĩ rằng đàn ông con trai phải gắn liền với bia rượu. Hai thứ ấy thể hiện sức mạnh của họ, giống như bố tôi, tửu lượng của ông cũng hùng vĩ như hình tượng của ông trong lòng tôi. Nhưng tôi lại không hề nhìn thấy sự yếu đuối hay thiếu chất đàn ông từ hình ảnh Hiếu ngồi uống Lavie. Phải chăng tôi đã thích anh quá rồi, thích đến mê muội? Anh trai tôi dù có chuốc rượu ai cũng không hề ép Hiếu đụng đến rượu bia. Bây giờ thì tôi tin, họ thật sự là bạn thân, thân tới mức có thể thấu hiểu nhau, có thể thông cảm cho nhau.
Trông thấy một cây guitar đặt trong góc phòng, đột nhiên, tôi rất muốn nghe giọng hát của Hiếu, muốn song ca cùng anh, muốn thử xem giọng hát của hai chúng tôi sẽ hòa quyện được đến mức nào. Nhớ đến khả năng chơi guitar của anh trai nhà mình sau một thời gian miệt mài theo học hết thầy này tới thầy nọ, tôi đánh liều chọn một ca khúc song ca nhờ anh ấy đệm giúp, rồi tiến tới đưa một cái mic cho Hiếu với ánh mắt nài nỉ. Qua một thời gian quen biết, tôi phát hiện, chỉ cần tôi dùng ánh mắt đó nhìn anh, anh nhất định sẽ nhân nhượng, sẽ thỏa hiệp.
Nhạc dạo đã vang lên, tôi bước lên bục sân khấu, nhưng Hiếu vẫn ngồi nguyên ở đó. Ánh đèn mờ nhạt của căn phòng không chiếu rọi được tới nơi anh ngồi, tôi không nhìn rõ biểu cảm trên gương mặt anh. Nhưng tôi vẫn cứ hát, tôi muốn bày tỏ những điều thầm kín mà chỉ có thể dùng tiếng hát để gửi tới cho anh.
“When the rain is lowing in your face,
And the whole word is on your case
I could offer you a warn embrace
To make you fell my love”(*)
(*)Ca khúc Make yoy fell my love
Tôi vừa hát, vừa nhìn về phía anh ngồi. Tôi cũng không rõ ánh mắt mình nhìn anh khi đó như thế nào, có chờ mong, có tha thiết, có lẽ là thêm một chút xót xa. Khi tôi đang chuẩn bị tự mình hát tiếp thì một giọng nam trầm ấm, hay hơn tôi tưởng tượng rất nhiều từ từ cất lên, tiến gần về phía tôi. Giọng hát của anh truyền cảm như một ca sĩ thực thụ. Lần đầu tiên anh hát cho tôi nghe, lại là song ca cùng với tôi, sự đãi ngộ này đối với tôi mà nói không khác gì một giấc mộng quá mức xa vời. Tôi xúc động cho dù biết rằng những lời anh hát chưa chắc đã là tiếng lòng của anh.
“When the evening shadows and the stars appear
And there is no one there to dry your tears
I could hold you for a milion years
To make you feel my love”
|