Thám Tử Kỳ Duyên
|
|
Chương 48 (1) Ghi chép của Khôi Nguyên. Tôi đã tìm đến nhà những người quen biết ông Trịnh Vỹ, để điều tra về quan hệ tình cảm của hai cha con ông ấy. Tôi muốn biết cảm nhận của họ, để xem thử giữa họ có cùng một đánh giá và nhận xét hay không. Người đầu tiên là ông Ca Lạy. - Thưa bác, chơi với ông Trịnh Vỹ đã lâu. Bác nhận xét thế nào về quan hệ tình cảm của hai cha con họ? - Thì như lúc trước bác đã nói, ông Trịnh Vỹ rất yêu thương cô Hoàng Lan, sau cái chết của bà Thanh Mai. Nhưng, theo bác tình yêu đó hơi quá! Cụ thể là lần bác chứng kiến ông ấy bắt được lá thư tình, có người gửi cho Hoàng Lan. - Chỉ lần đó thôi sao ạ? Còn về phía cô Hoàng Lan, bác có thấy cô ấy có khoảng cách với cha mình hay không? - Không có, Hoàng Lan rất lễ phép và nghe lời ông Vỹ. - Ý cháu là về mặt cảm xúc, cách quan tâm của ông Trịnh Vỹ với Hoàng Lan có gì khác biệt không bác? Ông Ca Lạy cố nhớ lại. Ông gật đầu, đáp: - Hình như có đấy Khôi Nguyên. Bác nhớ có một lần đến nhà ông Vỹ chơi, bác đứng ngoài định gõ cửa thì nghe thấy tiếng khóc, bác dừng lại, do tò mò nên đã nhìn qua khe cửa. Bác đã thấy hai cha con họ ôm nhau. Hoàng Lan áp mặt vào ngực ông Vỹ thút thít, còn ông Vỹ thì xoa đầu con gái dỗ dành. Bác thấy hơi kỳ lạ với sự thân thiết đó, cậu cũng biết người Việt Nam còn gì, đâu giống người nước ngoài. Nhưng, lúc đó bác nghĩ mình lạc hậu, trình độ mình còn thấp, chưa tiếp cận được văn minh. - Nhưng, chẳng phải tuổi ấu thơ của Hoàng Lan từng chịu sự ghẻ lạnh của người cha đó sao? - Chắc hồi đó Hoàng Lan còn nhỏ quá! Với lại ông Trịnh Vỹ đã hối hận rồi. Cùng máu mủ ruột rà cả, cha con thì làm sao mà bỏ nhau được. Cô ấy mất mẹ rồi, chỉ còn ông Vỹ là người thân duy nhất thôi. - Có lần nào trong lúc uống rượu với bác, ông Trịnh Vỹ nói về con gái mình không ạ? - Tất nhiên là có rồi Khôi Nguyên. Lần nào ông ấy cũng khen con gái của mình xinh đẹp giống mẹ. Ông ấy tâm sự, mỗi lần nhìn thấy Hoàng Lan là giống như nhìn thấy Thanh Mai. Rồi ông ấy khóc, trông ông ấy đau đớn, dằn vặt lắm! Những lần như thế bác thường an ủi động viên ông Vỹ, hình ảnh ông Vỹ lấy tay dụi mắt đã hằn sâu trong trí nhớ của bác. Ông ấy đau khổ lắm đấy Khôi Nguyên à! Có lẽ ông ấy dằn vặt chuyện cũ, vì ông mà bà Thanh Mai mới mất sớm, khiến Hoàng Lan phải mồ côi mẹ. Sau cuộc nói chuyện với ông Ca Lạy, tôi lại đến nhà cô Thúy cùng với mục đích điều tra về mối quan hệ của hai cha con ông Trịnh Vỹ. Kết quả, cô Thúy cũng có nhận xét tương đối giống ông Ca Lạy. Tức là, tình yêu thương của ông Trịnh Vỹ dành cho Hoàng Lan đối lập hoàn toàn với khoảng thời gian, khi bà Thanh Mai còn sống. Sau khi, bà ấy qua đời, ông Trịnh Vỹ bỗng thay đổi tính nết, trở nên yêu thương con gái khác thường, cô Thúy cũng cho rằng, ông Trịnh Vỹ “kiểm soát” con gái hơi quá. Điều đáng nói là bà Hiền, người từng sống chung một nhà với hai cha con họ lại nhận xét khác. Theo như bà Hiền, tình yêu thương của ông Trịnh Vỹ dành cho Hoàng Lan không có gì khác lạ. Cũng không có cái gọi là “kiểm soát” thái quá như nhận xét của cô Thúy. Chỉ trừ có lần, ông Trịnh Vỹ đã đánh con gái của mình chỉ vì cô ấy có quan hệ tình cảm với một cậu con trai. Ông Trịnh Vỹ cũng đánh cả Thế Anh – người đã từng cứu cô Hoàng Lan thoát khỏi nanh vuốt của mụ Thùy Dung. Phản ứng của ông ấy khi đó, theo bà Hiền là trái ngược hoàn toàn tính cách của ông. Cũng vì chuyện đó mà ông luôn dằn vặt, hối hận rồi đau khổ. Điều khiến tôi băn khoăn là thái độ của cô Hoàng Lan khi nói về cha mình. Cô ấy đã gọi cha mình là “ác thú”. Có điều gì ẩn khuất đằng sau đó? Tại sao cô ấy lại gọi cha mình như vậy? Do tức giận ư? Tôi lại không nghĩ như vậy. Tiếng nói bên trong tôi không ngừng nói: “Dòng nhật ký đó có vấn đề.” Chắc chắn là như vậy. Tôi lại tập trung suy nghĩ, dường như nằm bất động trên ghế sofa. Suốt bốn tiếng đồng hồ từ 1h đến 5h chiều, tôi dành đầu óc cho việc suy nghĩ, khi quá căng thẳng, mệt mỏi, lại hút điếu thuốc lá cho tỉnh táo. Khói thuốc đang giết dần tế bào phổi của tôi, nhưng, không có thuốc chắc tôi không làm việc được. Thật là bất hạnh, nên, tôi khuyên bạn đừng tập hút thuốc, đừng như tôi, vướng vào rồi thì không dứt ra được. Đóng quyển sổ tay lại, tôi đi tắm, ra ngoài ăn tối. Sau đó, đến võ đường của Văn Phú. Tôi không đến phòng tập gần một tuần lễ rồi. Lần này, tôi đến là để mời Văn Phú đi uống một ly. Như kế hoạch, đã đến lúc tôi tiến sâu hơn với ý định tiếp cận Văn Phú. Nhằm khai thác những thông tin liên quan đến người đàn ông bí ẩn đã hẹn hò với Kiều Oanh trước khi chết. Văn Phú có vẻ biết nhiều về Kiều Oanh. Tại sao tôi lại mất nhiều thời gian đầu tư vào anh ta? Bởi anh ta là gã si tình, khi đã si tình một ai, thì sẽ biết rõ về người đó nhất. Tính cách của họ, sở thích của họ, tình địch… nói chung là tất cả những gì có liên quan đến người mà ta đã si. Chỉ cần một chút ít manh mối, là tôi có thể tự tin mà nói rằng, tôi sẽ tìm ra kẻ giấu mặt đó. Để trả lời câu hỏi: “Hoàng Lan có phải là con của ông Trịnh Vỹ?” Tôi đã phải hạ quyết tâm để thực hiện một việc mà tôi chẳng muốn làm chút nào. Đó là, dùng phương pháp AND để kiếm chứng. Tôi lại nhờ đến Quốc Việt, những phu mộ, và chuyên gia trong lĩnh vực giám định AND vào cuộc. Đúng vậy. Chúng tôi cho khai quật phần mộ của cha con họ để lấy mẫu kiểm tra. Tôi cũng nói Quốc Việt giấu Ngọc Diệp chuyện này, tôi không muốn cô ấy bị sốc. Không có cách nào khác, để giải được nỗi oan cho cô Hoàng Lan, việc gì lương tâm cho phép là tôi sẽ làm, miễn là đạt được mục đích. Tôi đến nhà bà Hiền để tìm thêm những thông tin tôi cần để củng cố cho lập luận của mình. Tôi đã không thất vọng, câu chuyện bà Hiền kể lại cho tôi nghe không nằm ngoài phán đoán của tôi. Đến giờ phút này tôi đã nắm trong tay chìa khóa của vụ án. Tôi đã có kết luận cho nguyên nhân cái chết và nỗi oan của cô Hoàng Lan. Nhưng, suy luận cũng chỉ là suy luận. Cần có chứng cớ xác thực để phá án. Và tôi đã hình dung trong đầu một chuyến đi tìm con ác chủ bài. Trước tiên, tôi phải thu xếp cho Ngọc Diệp. Tôi gọi cho Quốc Việt, muốn cậu ấy bằng mọi giá phải đưa được Ngọc Diệp về căn nhà ở đầu đèo. Tôi có nói với cậu ấy sẽ đi khoảng bốn năm ngày, không nói rõ cụ thể là đi đâu. Như kế hoạch, trước khi đi, tôi đến chia tay Ngọc Diệp. Cầu xin trời đất che chở, phù hộ cho cô ấy. Hãy tin vào số phận... hãy tin vào Chúa. Phương tiện di chuyển của tôi là chiếc cào cào. Chiếc xe chở tôi qua những con đường ngoằn ngoèo, lên dốc, xuống đồi. Theo hướng đã định, tôi phải đi hơn hai trăm cây số ra khỏi thành phố sương mù. Tôi rút kinh nghiệm từ lần bị theo đuôi khi chở Ngọc Diệp đến thung lũng vàng. Lần này, tôi quan sát kỹ hơn. Phải chắc chắn rằng mình không bị theo dõi, nếu không thì mọi việc hỏng bét. Thế nhưng, tôi lại tiếp tục mắc sai lầm. Tôi đã không tính đến một cuộc truy sát giữa ban ngày ban mặt, và vô cùng manh động của một băng đảng xã hội đen. Chiếc cào cào chở tôi đi được một phần ba đèo lung linh, tôi phát hiện sau lưng mình có một nhóm người đi mô tô, trên tay cầm theo đủ loại hung khí: Súng điện, kiếm nhật, rựa phát, rìu, mã tấu... Ước chừng hơn hai mười tên xã hội đen. Tôi thừa nhạy cảm để biết nhóm người đó đang định làm gì. Tôi bất ngờ tăng tốc vụt đi. “Rùn... rùn... rùn...” Những chiếc mô tô tăng hết mã lực phóng theo tôi. Cuộc truy sát diễn ra theo đường đèo lung linh (con đèo với những vực thẳm sâu hun hút) Đuổi theo một tay đua như tôi, săn được tôi thiết nghĩ cũng chua lắm. Chỉ một vài kỹ thuật chặt chẻ cơ bản tôi đã đẩy hơn năm chiếc mô tô chở theo mười tên sát thủ lao xuống vực. “Vèo... vèo... vèo” Mười chiếc còn lại bám sát đuôi xe của tôi. “Keng... keng... keng...” Tiếng kiếm nhật chém vào đuôi xe chiếc cào cào. Những cú chặt cua ôm sát, chân chóng xe đánh xoèn xoẹt dưới mặt đường nảy lửa. Chiếc xe du lịch đi ngược chiều đang tiến lại, tôi dìu cho những kẻ sát thủ bám theo gần hơn nữa, bất ngờ tôi vặn hết tốc lực vượt lên chiếc toyota bảy chỗ đi cùng chiều, chặt tay lái, “xỏ chỉ” qua khe hở giữa chiếc xe du lịch giường nằm và chiếc toyota... mặc dù kĩ thuật của tôi rất cứng, nhưng người tính không bằng trời tính; cú chặt thứ hai để lách chiếc toyota đang chạy cùng chiều với tốc độ cao, khiến cả người lẫn xe tôi bị mất lái lao thẳng xuống vực thẳm. Các bạn có tin được không? Tôi đã thoát chết trong trường hợp rất hi hữu. Tôi bay ra khỏi xe, vướng vào một cành cây chìa ra chỗ mép vực, theo phản xạ tôi bám lấy, treo cả người lủng lẳng trên cao, bên dưới là vực sâu hun hút. Chật vật lắm tôi mới lấy lại được thăng bằng, bấu víu vào nơi an toàn trước khi cành cây khô bị trọng lượng của tôi làm gãy, nếu rơi xuống dưới đáy vực sẽ tan xương nát thịt. Khi về tôi sẽ kể lại chuyện này cho Ngọc Diệp nghe. Thế đấy, gầy cũng có lợi đấy chứ. Nếu tôi mập hơn vài ký thôi, thì đã toi mạng rồi. Tôi thoát chết. Còn bọn sát thủ thì khỏi phải nói, kết cục của chúng rất bi thảm. Không thể trách tôi được, nếu bọn chúng không chết thì tôi sẽ chết. Có những lúc chúng ta phải quyết đoán. Chỉ cần chúng ta do dự một chút thôi, chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Tạm biệt chiếc cào cào yêu dấu, mày đã hy sinh anh dũng trong trận chiến sinh tồn. Thoát khỏi cuộc truy sát của những tên sát thủ. Tôi bắt chuyến xe đi hết đèo Lung Linh đến Bến Lội, để dò tìm tung tích của hai mẹ con bà Thủy Tiên. Theo như những gì bà Hiền biết, lúc hai mẹ con rời khỏi căn nhà trên đồi trà, ông Trịnh Vỹ đã sắp xếp cho họ một chỗ ở yên ổn. Bến Lội (tên gọi một cụm dân cư) nằm ở ngoại vi thành phố. Cảnh đẹp nên thơ, sông nước hữu tình. Bến Lội không đông đúc như ở thành thị, nhưng không phải vì đó mà việc dò tìm nơi ở của hai mẹ con bà Thủy Tiên bớt khó khăn hơn. Tôi lân la dò hỏi nhiều người nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Dò tìm mãi... 1 ngày, 2 ngày, rồi 3 ngày... thời gian cứ thế trôi qua. Tôi có không muốn sốt ruột cũng phải sốt ruột, vấn đề nằm ở chỗ Ngọc Diệp, linh tính khiến tôi bồn chồn lo lắng. Nó nói cho tôi biết Ngọc Diệp có thể gặp phải nguy hiểm khi tôi rời đi. Thời gian được tính từng ngày, chỉ cần tìm được bà Thủy Tiên mọi việc sẽ sáng tỏ. Tôi dồn hết sức lực vào tìm kiếm tung tích của hai mẹ con họ. Lần này, cũng nhờ may mắn. Sang ngày thứ bảy, đầu giờ chiều, dừng chân ở bến xe ôm, tôi gặp được anh chàng rất mê đánh cờ tướng, tôi đánh với anh ta một ván, làm quen, sau đó hỏi thăm: - Anh biết bà Thủy Tiên không? - Cậu muốn hỏi bà Thủy Tiên nào? Ở đây, tôi biết đến hai bà Thủy Tiên. - Bà Thủy Tiên có cậu con trai là Thế Anh. - À, bà Tiên “hot girl”. - Bà ấy đã có tuổi rồi mà. - Biệt danh tôi đặt cho bà Tiên. Nhớ hồi mới chuyển về đây sống, ai cũng trầm trồ trước sắc đẹp của bà. - Anh hãy chở tôi đến nhà bà ấy. - Vậy là anh không biết. Bà Thủy Tiên đã qua đời rất lâu rồi. - Anh nói sao? Đã qua đời ư? Vậy còn con trai bà, cậu Thế Anh… - Thế Anh vẫn ở căn nhà đó để thờ phụng cho mẹ. Anh ấy là người con chí hiếu, ai ai cũng kính nể. Chỉ có điều sắc khí của anh ấy trầm mặc, u sầu quá! Ngay từ ngày đầu tiên dọn về đây anh ấy đã như vậy. - Ồ, anh có vẻ biết nhiều về hai mẹ con họ nhỉ? - Thì tôi ở sát vách nhà họ mà. - Thật trùng hợp. - Chắc đã lâu rồi anh chưa gặp lại mẹ con họ? - Tôi tìm hai mẹ con họ là có việc. Bà Thủy Tiên là bạn cũ của bà tôi. - À, tôi hiểu rồi. Anh tiện đường ghé qua thăm người quen chứ gì. - Đúng như anh nói đấy. Lâu lâu mới có dịp như vậy, bình thường tôi rất bận rộn. - Anh đến không đúng lúc rồi. - Sao vậy? - Thế Anh đã đi từ sáng sớm. - Đi rồi ư? Anh có biết là đi đâu không? - Chịu thôi. Tôi không khỏi thất vọng khi biết được tin bà Thủy Tiên đã qua đời. Đến nước đường cùng rồi mà không thuận buồm xuôi gió. Bà Thủy Tiên mất đi rồi thì ít ra cũng phải gặp được Thế Anh, nay Thế Anh cũng đã đi. Thế Anh đã đi đâu? Và làm gì? Mẹ con họ chính là con ác chủ bài của tôi, nếu không có họ tôi không thể phá vụ án này được. - Bình thường Thế Anh vẫn vắng nhà kiểu vậy sao? - Ngày thường thì không có đâu, sau khi làm việc về anh ấy ở lì trong nhà. Tôi để ý suốt hai mươi năm nay, vào khoảng tháng 8, Thế Anh lại vắng nhà, (năm nay là 26 tháng 8) anh ấy đi đâu, làm gì? tôi cũng không biết. Khởi hành từ lúc sáng sớm, hơn mười ngày sau mới trở về. Nói chuyện với anh xe ôm thêm một lát nữa, tôi nhờ anh ấy chở tôi đến nhà hai mẹ con bà Thủy Tiên. Từ bến xe ôm đi chưa đầy mười lăm phút thì đến nơi. Căn nhà, nơi hai mẹ con họ ở có diện tích vừa phải. Nhà có sân vườn, có cổng ra vào, đập vào mắt tôi là giàn thiên lí đơm bông, nắng chiều quạnh quẽ tìm về... Căn nhà mái ngói chữ A, màu gạch đỏ, tường phủ rêu phong. Vắng vẻ, cô đơn trống trải. Nhìn căn nhà có thể đoán được tính cách của gia chủ, u sầu, buồn thảm. - Nhà này hai mẹ con họ thuê lại sao? - Không. Nhà của họ luôn đấy. - Nhưng lúc mới chuyển về họ chỉ thuê thôi chứ. - Bà ấy đã mua nó trước đó rồi. Chẳng giấu gì anh, hồi trước căn nhà này là của cậu hai tôi. Cậu ấy bị mất do tai nạn giao thông, cậu lại không có con cái gì, nên căn nhà thuộc về cậu ba. Cậu ba nghiện lô đề, đổ nợ, bán nhà... Một ông đại gia, hình như làm bên ngành xây dựng, đến mua lại căn nhà. Ông ấy chắc anh biết, cái ông tóc muối tiêu, đeo kính cận ấy... - À, thì ra là vậy. Cám ơn anh đã đưa tôi đến đây. Sau này trở lại tôi còn biết đường mà đến thăm. - Có gì đâu anh. Nếu có thời gian hãy đến tìm tôi uống cà phê, đánh cờ. - Vâng. Khi trở lại tôi sẽ đến tìm anh. - Anh tính về luôn sao? - Chắc phải vậy thôi. Đến gặp hai mẹ con họ mà lại không đúng lúc, cũng chẳng thắp được cho bà Thủy Tiên một nén nhan. - Không còn dịp này thì còn dịp khác mà. - Bà của tôi rất muốn nghe về tình hình của cố nhân. Không biết về lại tôi sẽ nói gì với bà đây. Anh ở gần nhà họ anh thấy cuộc sống của hai mẹ con họ thế nào? Có gì đặc biệt không? - U uất lắm! Thế Anh không gia đình, không bạn bè, không người yêu, không danh tiếng, không tiền bạc... cái gì anh ấy cũng không cả. Chỉ được cái tình. Anh ấy rất thương người và căm ghét cái ác. Đi đường gặp phải cục đá, anh ấy cũng dừng lại nhặt bỏ qua bên đường để người khác đi xe không bị tai nạn. Từ con chim sẻ, đến con cua, con cá... anh ấy đều yêu thương, chỉ trừ loài chó dữ là Thế Anh ghét nhất. Có một đặc điểm là anh ấy rất thích chơi với bông hoàng lan, có dạo nhà anh ấy trải khắp những đóa hoàng lan, hình như, Thế Anh bị nghiện hương hoàng lan. Nói ra chuyện này, anh đừng nói lại với Thế Anh nhé! Phải tội, tôi thấy kiếp người của anh ấy khổ quá. Không bao giờ tôi thấy anh ấy có nụ cười trên môi, lúc nào cũng một sắc diện u sầu, nhiều đêm tôi nghe được tiếng khóc của anh ấy, anh ấy khóc dữ lắm. Không biết tuổi trẻ của anh ấy đã gặp phải sự cố gì, tôi cảm thấy con người anh ấy có một nỗi oan khuất ghê gớm lắm. Nhưng anh ấy không thể nói điều đó ra với ai. Anh ấy là người cô đơn, rất cô đơn. - Còn bà Thủy Tiên, chẳng lẽ anh em bà con không đến thăm bà ấy? - Về sống tại căn nhà này chưa được một năm thì bà đã mất rồi. Đúng là hồng nhan bạc mệnh, bà bị mắc bệnh tim. Chắc do cái lần cãi cọ đó. - Cãi cọ? - Thì cũng là cái ông đại gia đó. Tôi nhớ như in buổi chiều mưa ngày hôm đó, ông đại gia lái một chiếc xe con xuống với hai mẹ con họ. Sau một hồi nói chuyện thì sinh ra to tiếng giữa hai người, ông đại gia và Thế Anh. Đến nay, tôi vẫn thấy kì lạ, chỉ một lần duy nhất tôi nghe được anh Thế Anh nặng lời với người khác, bình thường anh rất từ tốn, dịu dàng. Nhưng, lần đó anh tức giận thật sự. Anh còn nói: “Tôi hận ông, tôi hận ông.” Rồi anh ấy chạy ra khỏi nhà như một người điên. Ông đại gia lấy xe đuổi theo. Kể từ đó, không thấy ông đại gia quay trở lại nữa. - Cám ơn anh, ít ra cũng có cái để tôi về nói lại với bà. Để chứng minh cho bà thấy là tôi đã đến nơi tìm gặp hai mẹ con họ. Chia tay anh bạn lái xe ôm, tôi khẩn trương bắt chuyến xe quay trở lại thành phố sương mù. Tôi không thể mất thêm thời gian nào nữa, tôi cần về gặp Ngọc Diệp. Tôi thấy nhớ cô ấy. Tôi sợ và lo lắng cho cô ấy. Nhưng ngoài mặt tôi vẫn phải lạnh lùng. Tôi không thích sự vồn vã, với tôi đàn ông con trai phải mạnh mẽ; hơn nữa, tôi rất dị ứng với những lời tỏ tình. Quan điểm tình yêu của tôi là yêu bằng hành động chứ không phải lời nói. Lời nói gây ra sự phiền toái nhiều hơn là mang lại ích lợi. Khi trở về, theo lẽ, người đầu tiên tôi cần gặp phải là Quốc Việt, chắc cậu ấy lo lắng cho tôi lắm vì không liên lạc được với tôi. Chiếc điện thoại nokia của tôi đã rơi tỏm xuống vực thẳm. Hơn nữa, tôi cần gặp cậu ấy để biết về tình hình của Ngọc Diệp, và kết quả tái tạo khuôn mặt từ những cái hộp sọ mà chúng tôi tìm được dưới tầng hầm. Nhưng, tạm thời hãy khoan gặp họ, tôi âm thầm dõi theo họ, không cho họ biết rằng tôi đã trở về. Trong vòng 3 ngày, tôi phải gặp được người đó. Về chuyện tôi bị truy sát, tôi đã đến nói chuyện riêng với Anh Bằng. Anh ta đã khẳng định với tôi rất chắc chắc, không phải do đại ca Phong làm. Anh ấy sẵn sàng lấy đầu ra đảm bảo. Tôi đã đặt ra giả thiết. Những bộ hài cốt tìm được trong tầng hầm là của những người bị mất tích. Điều đáng nói là, không biết còn bao nhiêu bộ hài cốt trong tầng hầm đó. Có thể những xác chết khác được giấu ở những chỗ khác. Lần này trở về, tôi sẽ cùng với Quốc Việt và những chuyên gia trong ngành, rà soát lại xem còn xót bộ hài cốt nào không? Nếu có kết quả được gửi về từ nước ngoài thì càng tốt, đỡ phải mất thời gian. Chi tiết đáng chú ý hơn cả là những vết xước trên những bộ hài cốt được phát hiện. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, không có dấu vết chứng tỏ trước khi chết, những nạn nhân bị đánh đập bằng vật cứng, bị bắn. Không có tổn thương phần cứng nào trên hộp sọ, và trên những bộ phận xương khác. Đặt ra một câu hỏi: “Những nạn nhân đã chết như thế nào?” Chìa khóa chắc chắn nằm ở những vết xước, đó những dấu hiệu khác thường, ẩn chứa bản chất không tầm thường. Chính là những vết xước...
|
Chương 49 Thư Ngọc Diệp gửi sơ Bình --- Con chạy vào buồng, phi lên giường, kéo chăn đắp kín người. Nỗi sợ hãi dâng lên mắt. Những anh chị phòng bên chạy qua xem thử có chuyện gì xảy ra. Nghe tiếng gọi của họ, con định đứng dậy ra mở cửa; nhưng kịp nhận ra mình chưa mặc gì trên người, bọt xà phòng còn dính trên da thịt mình chưa gột rửa hết. Con khẩn trương khoác lên mình chiếc áo măng tô dài đến gối. Chạy ra mở cửa. Những người cùng chung dãy trọ đã giúp con khắc phục sự cố. Chẳng là, lúc con đang tắm, có một con rắn lục đuôi đỏ theo đường ống thoát nước chui vào. Quýnh quá, con mới tháo chạy, lúc đó chẳng ai nghĩ đến chuyện mặc đồ nữa; lo bảo toàn tính mạng mình trước. Những anh thanh niên trong dãy trọ vào phòng tắm tìm đuổi con rắn, nhưng nó đã chạy mất. Sự cố đó khiến con vô cùng bất an. Con rắn đang lẩn trốn ở ngóc ngách nào đó, nó có thể bất ngờ tấn công con. Mọi người khuyên con đừng quá lo lắng, vì theo họ, con rắn đã chui ra lại theo lối mà nó chui vào. Kể từ lúc gặp rắn, con không được yên lòng. Tắm cũng sợ, nấu nướng cũng sợ, mặc đồ cũng sợ, làm gì cũng sợ. Con lại bị ám ảnh với những suy nghĩ tâm linh, điều đó như một điềm báo chẳng lành. Người ta nói, rắn vào nhà báo trước gia chủ sẽ gặp hiểm họa. Đó có thể là bệnh tật, tai nạn… vân vân và vân vân, đủ thứ tai ương trên đời để con tưởng tượng. Khi mọi người đã về hết, mới là điều cực hình đối với con. Con buộc phải vào phòng tắm mở nước ấm, để cọ rửa cho hết sự rít rát trên người. --- Con nằm thao thức, thật là khủng khiếp sơ Bình à! Con không thể ngủ, nói cách khác là con không dám ngủ. Đầu óc con đã suy nghĩ quá nhiều những chuyện gây ra nổi ám ảnh kinh hồn đã ăn sâu bám rễ. Tinh thần con đang rơi vào trạng thái suy sụp. Lúc này, con nghĩ về Khôi Nguyên; giá như có anh ấy bên mình thì hay biết mấy. Con đã nghĩ rất kỹ rồi, con yêu anh ấy, và, chẳng có lý do gì để con phải có khoảng cách với anh ấy. Nếu anh ấy muốn chiếm đoạt thể xác của con, con cũng chấp nhận; vì con yêu anh ấy mà. Anh ấy muốn làm gì con cũng được, hôn con, ôm con, hay hơn nữa… chỉ cần anh ấy luôn ở bên con, quan tâm con, che chở cho con, con chỉ cần vậy thôi sơ Bình ơi! Tiếng chim heo cắt ngang nền trời, làm con lạnh điếng người. “Tai họa! Đúng là điềm báo tai họa. Không thể có nhiều sự trùng hợp như vậy được.” - Con lẩm bẩm trong miệng. Nằm vật vờ khổ sở, chẳng biết con đã thiếp đi từ lúc nào. Chỉ biết lúc con giật mình tỉnh giấc, mồ hôi lấm tấm trên trán, hơi thở nặng nhọc; nhìn đồng hồ đúng 3 h sáng. Con lại gặp ác mộng. Lần này, con nằm mơ thấy mụ phù thủy đó. Mụ ta đến bên giường ngủ của con, bàn tay nhỏ xíu của mụ bóp chặt lấy cổ Ngọc Diệp. Sức mạnh của mụ thật khủng khiếp! Con cố vùng vẫy la hét nhưng vô ích, giọng nói của con như bị chìm dưới vực sâu thăm thẳm. Mụ ta vừa bóp cổ con, vừa cười he he. Trên tay của mụ cầm một mảnh chai bén ngót, mụ muốn làm gì? Khi mụ vừa đặt miếng mảnh chai lên cổ con, thì con la hét vùng vẫy. Kể từ đó, con không thể ngủ lại được nữa, con thức đến sáng, cơ thể mệt nhoài, con đã kiệt sức rồi. Không phải chỉ một đêm như vậy, mà đã rất nhiều đêm rồi con bị mất ngủ. Con sợ sệt, e rằng, với đà này sức khỏe vốn đã yếu ớt của mình, sẽ không thể chóng chọi được. Trong lúc nguy khốn, con nhớ tới lời Khôi Nguyên từng nói: “Dù đứng trước bất kì đối thủ nào, cô cũng không được run sợ, vì khi run sợ cô sẽ bị đánh bại.” Con dùng hết tất cả ý chí và nghị lực còn lại để tiếp tục chiến đấu. Con phải ngủ, phải ngủ cho bằng được; có gặp ác mộng đi nữa con cũng phải ngủ. Sau khi vệ sinh cá nhân xong, con tìm thứ gì đó để cho vào bụng. “Mày phải duy trì sự sống bằng mọi giá Ngọc Diệp, mày nhất quyết không được đầu hàng, bỏ cuộc”. Con quyết định, đã không ngủ được vào buổi đêm, thì con sẽ ngủ vào buối sáng. Thế là, con lên giường nhắm mắt lại thư giãn, từ từ đi vào giấc. --- 2 h chiều. 2 h chiều. Tuy còn mệt mỏi, hai mắt còn cay xè; nhưng dù sao cũng còn tốt hơn trạng thái hồi sáng. Con ngáp dài, muốn nhắm mắt lại làm thêm một giấc nữa nhưng đành chịu. Cũng đúng lúc có điện thoại của anh Quốc Việt gọi đến hỏi thăm tình hình. Ảnh nói, muốn được gặp con. Con mừng quýnh, bảo ảnh đến phòng trọ chỗ con ngay. - Em bảo sao? Có rắn vào nhà ư? - Dạ, em sợ chết khiếp được. - Không được rồi, em hãy về nhà anh mà ở. Khôi Nguyên trước khi đi đã dặn dò anh phải chăm sóc cho em đó. Nghe anh Quốc Việt nói vậy, lòng con vui sướng, con rất cảm động. Thì ra, Khôi Nguyên vẫn quan tâm đến con, chẳng qua là anh ấy không thể hiện ra mặt thôi. - Anh Nguyên bảo với anh vậy ạ? - Ừm, từ lúc em dọn đi, cậu ấy lúc nào cũng dõi theo em. - Anh ấy đã luôn ở sau để bảo vệ cho em sao? - Còn phải hỏi, cậu ấy xem em như viên trân châu, bảo ngọc của cậu ấy. Lần đầu tiên anh thấy bạn mình như vậy đó, không nói rõ thì em cũng biết rồi còn gì. Em cũng vậy đúng không? - Em...em... - Con ấp úng. - Thôi, đừng nghĩ ngợi nhiều nữa. Ngay hôm nay, hãy thu dọn hành lý về với anh luôn. Lỡ em ở đây có bị chuyện gì, thì anh không biết phải ăn nói làm sao với Khôi Nguyên. Thật lòng con đã không muốn ở trong căn phòng này thêm giờ phút nào nữa. Nên khi anh Quốc Việt đề nghị như vậy thì con đi ngay lập tức. Lúc trước, Quốc Việt có nói về căn nhà ở đầu đèo Mimosa. Về đến đó, mới thấy mình đã ngu ngốc như thế nào khi không chịu theo Khôi Nguyên về đây. Căn nhà đẹp, ấm áp, tạo cho người ta một cảm giác an toàn. Sau khi, đã cất xong hành lý. Anh Quốc Việt “bàn giao” căn nhà lại cho con. Ảnh nói con cứ tự nhiên như nhà của mình, bởi ảnh thường hay vắng nhà, có khi không về nhà được phải ở tại cơ quan, nên con chỉ hơi buồn khi ở nhà một mình. Đợi đến khi Khôi Nguyên về, mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa. - Khôi Nguyên chưa đến đây luôn hả anh Việt? - Chưa em. Cậu ấy vẫn ở lại căn nhà ma quái đó. - Anh ấy gan vậy sao anh? - Em không biết đó thôi, xưa giờ cậu ấy nổi tiếng là một kẻ liều lĩnh. - Nhưng em không hiểu sao anh ấy không chịu rời đi, mà còn ở lại đó làm gì? - Cậu ấy đang tìm kiếm manh mối đấy. - Manh mối gì ạ? Anh Nguyên có cho anh Việt biết không? - Không Ngọc Diệp ơi. Tính cách cậu ấy là vậy, thích làm việc độc lập; đó là lý do mà cậu ấy không bao giờ chịu thi vào ngành an ninh. Cậu ấy giống như một nghệ sĩ hơn, thích tự do bay nhảy và không muốn chịu sự chi phối của người khác. - Ảnh bướng bỉnh thật đấy anh Việt. - Khà khà khà...em cũng thấy a. - Dạ, người ta nói đúng chớ bộ, “có tật có tài”, em thấy ảnh có cả một đống tật xấu đấy! - Khà khà, cậu ấy đúng là con ngựa chứng thật. - À, phải rồi. Anh Nguyên có tìm đến anh Quốc Việt nhờ anh điều tra gì nữa không? - Có, cậu ấy có nhờ anh liên hệ với bên giám định pháp y. - Pháp y? - Cậu ấy muốn tìm gặp một chuyên gia, người đã từng khám nghiệm tử thi cô Hoàng Lan. - Anh ấy định làm gì làm vậy nhỉ? - Anh cũng chịu, những gì cậu ấy làm đều mang yếu tố bất ngờ cả, rồi em sẽ thấy ngạc nhiên thôi, anh bị nhiều lần rồi. - Còn ông Bính Lù thì sao rồi anh? - Tụi anh thả ông ấy ra rồi. Ông ta chỉ phạm vào tội đánh bạc và đánh người gây thương tích, nhưng chưa đến mức phải truy tố trách nhiệm hình sự. Chỉ phạt hành chính thôi. - Dạ. Cũng mong cho mọi việc suông sẻ. - Khôi Nguyên thì không thích vậy. Vụ án càng hóc búa chừng nào càng kích thích cậu ấy chừng đó. Không chỉ cậu ấy, mà cả nhóm cậu ấy đều như vậy, đúng là một tổ phượng hoàng. - À, phải rồi anh Quốc Việt. Có chuyện này em muốn hỏi anh... - Em muốn hỏi chuyện gì? - Mà thôi... - Em cứ nói đi, đừng ngại. - Em... – Con ngập ngừng. - Nói đi Ngọc Diệp. Con dồn hết can đảm hỏi anh Quốc Việt: - Anh có biết quan hệ giữa Khôi Nguyên và Ngọc Trinh không? Em thấy tình cảm của họ không... không bình thường. - Ây dà... tưởng chuyện gì chứ. Sao em không hỏi anh sớm hơn, anh tưởng Khôi Nguyên đã nói với em rồi. - Không, anh ấy có đã nói gì với em đâu. - Quan hệ của họ là anh em. - Em ruột sao anh? Nhưng, hình như gia đình Khôi Nguyên không còn ai cả. Nét mặt anh Quốc Việt đằm xuống. - Năm 15 tuổi, cậu ấy mất cha mẹ và em gái trong một tai nạn máy bay. Người thân không còn một ai cả. Vì sợ bị đưa vào trại mồ côi, nên cậu ấy đã nhập băng với bọn trẻ cơ nhỡ ở xóm chợ. Cậu ấy làm đủ việc để kiếm sống, từ đánh giày, bán báo, bán vé số đến cả việc ăn xin cũng làm. Vì cậu ấy lớn tuổi nhất trong bọn nên được bầu làm anh cả, vừa làm việc để nuôi thân vừa dẫn dắt em út, thời gian đó Khôi Nguyên rất cực khổ. - Thế mà anh ấy không bao giờ kể với em chuyện đó. Anh ấy kín đáo quá! - Trong số những anh em bụi đời của Khôi Nguyên, có một cô bé rất xinh đẹp, có biệt danh là lọ lem hè phố. Cô bé ngày ấy là Ngọc Trinh bây giờ. Hai anh em họ rất yêu thương nhau, đặc biệt là Khôi Nguyên, cậu ấy thương người em kết nghĩa của mình còn hơn cả bản thân mình. Có thời gian bọn trẻ bụi đời ở xóm chợ bị bắt đưa vào trại mồ côi. Cả Ngọc Trinh cũng bị bắt đưa đi. Khôi Nguyên ngay từ nhỏ đã có máu phiêu lưu, một lần, cậu ấy đột nhập vào trại mồ côi, cứu Ngọc Trinh mang đi trước khi cô bé rơi vào tay một tên đại gia khét tiếng ở Sài Thành. Sau khi lẩn trốn một thời gian, hai anh em họ bắt đầu kiếm sống bằng nghề đàn ca tài tử. Ngọc Trinh đi hát từ hồi còn rất bé, cô ấy hát rất hay, nhưng lại không theo nghiệp ca sĩ. Cũng giống như Khôi Nguyên, đàn rất cừ, nhưng không theo nghiệp văn nghệ. Họ đi hát một phần là đam mê, một phần là chén cơm manh áo. Niềm đam mê thật sự của họ là trinh thám. Anh em họ dành dụm được số vốn nho nhỏ sau những ngày tháng bôn ba đàn ca xướng hát, thuê lại một mặt bằng ở phố hàng đào, mở văn phòng thám tử tư. Kể từ đó đến nay chính thức cũng hơn mười năm rồi. Mặc dù, trước đó, hồi còn ở với gia đình và trở thành đứa trẻ mồ côi; Khôi Nguyên đã nhận điều tra và phá được rất nhiều vụ án lớn, nhỏ. - Thì ra, họ là cặp thanh mai trúc mã. - Mặc dù họ không máu mủ gì nhưng quan hệ của họ thì còn hơn thế nữa. Đến thời điểm này mà họ vẫn giữ thói quen thời thơ ấu. Đó là, Khôi Nguyên vẫn thường đút cơm cho cô em gái của mình ăn đấy! - Dụ này thì em tận mắt chứng kiến rồi. - Nhưng họ chỉ là anh em thôi. Ngọc Trinh sắp lấy chồng rồi. - Sắp lấy chồng ư? Không thể nào... làm sao mà... - Tiếc quá đúng không? Một cô gái son trẻ, tuyệt sắc như vậy mà lại sắp sửa “theo chồng bỏ cuộc chơi”. - Ngọc Trinh sẽ lấy ai vậy anh? - Lấy cậu Vũ (cũng là đồng nghiệp của cô ấy). Cậu Vũ cũng là em kết nghĩa của Khôi Nguyên hồi còn ở xóm chợ. - Ra là vậy. (...) Con và anh Quốc Việt ngồi nói chuyện với nhau cả buổi. Tranh thủ cơ hội, con muốn điều tra thêm một số thông tin vô cùng quan trọng, không phải là về vụ án mà về “người ấy”, người con đã yêu say đắm. Con không thể lý giải được con bắt đầu yêu ảnh từ khi nào. Chỉ biết kể từ khi vắng anh, con thấy nhung nhớ không nguôi. Con nghĩ đến ảnh ngày đầu tiên gặp gỡ, thái độ cao ngạo lạnh lùng của ảnh, những câu nói hài hước của ảnh; lúc ảnh hôn con lần đầu tiên, ảnh chở con đi trên chiếc cào cào màu xanh lá cây-chiếc xe chỉ có duy nhất một chiếc ở Việt Nam. Nhớ ảnh lúc nhìn con ăn cà ri, khi ảnh bị té cây mận, những cái nắm tay ấm áp, áp mặt vào lưng Khôi Nguyên để ảnh cõng về. Đi công viên thả diều, thi giải câu đố, lúc ảnh trang điểm, chải tóc cho con. Đêm trăng rằm thay đồ mới, chèo xuồng ra giữa hồ, ngắm trăng, ngâm thơ. Chạm tráng với đám giang hồ, bị bộ lạc ăn thịt người vây bắt. Những nụ hôn, những nổi hờn ghen... Và... không thể tránh khỏi ấn tượng của buổi tối hôm đó, buổi tối đã gây ra mâu thuẫn, để con và anh ấy đến nước, mỗi người một nơi, khổ sở đau đớn. Đôi môi mỏng gợi tình của ảnh, men rượu nồng nàn phả vào mặt khi ảnh hôn con cuồng nhiệt; ảnh đã chẳng e ngại để tiến xa hơn, để được thỏa mãn trọn vẹn hơn... nhưng tất cả những khát khao đó đổ vỡ nhanh chóng, bởi tâm lý khó hiểu của một cô gái chưa có kinh nghiệm tình trường. --- Vậy là, sự chờ đợi khắc khoải bắt đầu từ ngày hôm đó. Từng ngày... từng giờ... từng phút.. từng giây... Con ngóng chờ tin tức của Khôi Nguyên. Ảnh đã đi đâu? Ảnh đang làm gì? Nhiều lúc con muốn phát điên với kiểu cách làm việc của ảnh. Anh Quốc Việt đã nói đúng. Khôi Nguyên rất mê Sherlock Holmes, tính cách của ảnh cũng khá giống Holmes. Chỉ khác Holmes ở những điểm: anh ấy là người thật, anh ấy đẹp trai hơn Holmes, anh ấy lãng mạn hơn Holmes, và độ lì của anh ấy thì hình như nhỉnh hơn Holmes một chút. Điều khiến con cảm thấy bất an nhất là những cơn ác mộng. Con cứ tưởng chuyển nơi ở thì những cơn ác mộng cứ theo đó mà biến mất. Nhưng không phải vậy. Càng ngày còn càng gặp nhiều ác mộng hơn. Lúc thì thấy cô Hoàng Lan, lúc thì mụ Thùy Dung, khi lại là những con mèo đen, và bóng ma áo trắng tóc dài đen, mặt đỏ, vất vưởng trên đồi trà. Cơ thể con gầy rạp đi một cách thảm hại. Anh Quốc Việt cũng đâm ra lo sợ. Con cũng không giấu ảnh rằng mình thường xuyên bị mất ngủ do gặp ác mộng. Ban đầu, con khắc phục bằng cách dùng thuốc ngủ và thuốc an thần, nhưng càng về sau những thứ đó hình như đang mất dần tác dụng. Anh Quốc Việt muốn đưa con đi khám bác sĩ nhưng con không đồng ý. Con thừa biết căn bệnh của mình không phải bình thường như người ta, có chữa cũng vô ích. Chỉ có một cách duy nhất để chấm dứt tình trạng khổ sở đó, là phải phá được vụ án, giải được nỗi oan cho cô Hoàng Lan. Nhưng thời gian ngày một cấp bách, tình hình của con ngày một trở nên trầm trọng. Sức khỏe suy sụp quá nhanh, đến mức con phải chua xót nghĩ đến cái chết. “Có thật là con sẽ chết hay không? Con sẽ không qua nỗi hay sao vậy sơ Bình? Bây giờ con mới hiểu được cảm giác của Kiều Oanh khi phải sống khổ sở như vậy, rất có khả năng cô ấy chết là do đã không thể chịu đựng nỗi những cú sốc về mặt tâm lý, kéo dài nặng nề và day dẳng bởi những cơn ác mộng. Phải rồi, đó chính là động cơ đưa đến việc cô ấy phải tự tử. Nếu đúng như vậy, Kiều Oanh chết không phải bởi thất tình mà do bị ma ám, dẫn đến bế tắc. “Không... không thể...” con nhớ lại lời nói của Khôi Nguyên: “Ma cũng có ma tốt, ma xấu; cô Hoàng Lan không phải người xấu, chắc chắn vậy.” Thế thì, nguyên nhân do đâu, những cơn ác mộng đó ẩn giấu điều gì? Có khi nào.... --- Đã một tuần trôi qua, không có tin tức gì của Khôi Nguyên. Con lo lắng hỏi anh Quốc Việt: - Anh Nguyên có gọi điện thoại hay nhắn tin cho anh không? - Không, Ngọc Diệp ơi! Anh có gọi cho cậu ấy nhưng thuê bao không liên lạc được. - Có khi nào... xảy ra chuyện gì rồi không anh? - Em đừng nghĩ ngợi quá! Cậu ấy nhất định không gặp chuyện gì đâu. Quốc Việt nói để trấn an con thôi, chứ con biết anh ấy cũng đang rất sợ Khôi Nguyên gặp phải chuyện không hay. - Anh Quốc Việt, anh đừng giấu em nữa. Anh đã biết chuyện gì rồi phải không? Những bộ hài cốt đó có liên quan đến một tổ chức bí mật, chẳng phải anh đã từng nói vậy sao? Khôi Nguyên đi điều tra những kẻ đã gây ra tội ác, anh ấy đang gặp nguy hiểm, anh Quốc Việt ơi! Chúng ta không thể bị động ngồi chờ như vậy được.... không... phải đi tìm anh ấy thôi... - Con đã không còn giữ được bình tĩnh nữa. - Ngọc Diệp à! Hãy tin anh đi mà, sẽ chẳng có gì xảy đến với cậu ấy đâu. Được rồi, để em yên tâm, nếu ngày hôm nay nữa mà cậu ấy không trở về thì anh sẽ đi tìm. Yên tâm nhé Ngọc Diệp. - Anh Quốc Việt đặt tay lên vai con để động viên tinh thần. Bỗng dưng tim con nghẹn lại, cảm thấy khó thở, cổ họng nghèn nghẹt khó chịu, “khộc” con ho một tiếng. Có cục đờm trôi ra từ cổ họng, khiến con không thể nói chuyện tiếp. - Em bị làm sao vậy Ngọc Diệp? - Ưm... - Con chạy thẳng ra ngoài, nhổ cục đờm. Anh Quốc Việt cũng chạy theo con. - Trời ơi! Máu sao? - Anh Quốc Việt thốt lên. Con nhìn xuống đất thấy một cục máu đặc lẫn trong đờm, người tái đi, rơi vào trạng thái hoang mang. - Đi! Đi với anh! Nhanh lên! – Anh Quốc Việt hối thúc. - Đi đâu hả anh? Vô ích thôi! – Con tuyệt vọng, muốn buông xuôi mọi thứ. - Đi bệnh viện chứ con đi đâu nữa. Em hãy vào nhà lấy áo ấm mặc vào, anh chở đi, lẹ lên em! - Cứ để mặc đi anh, em không sao đâu mà. - Con cố chấp, lì lợm không chịu nghe lời. - Đừng có bướng!- Anh Quốc Việt mắng con, - nhỡ em có bề gì Khôi Nguyên sẽ ra sao hả? Em không nghĩ cho bản thân mình thì cũng nghĩ cho cậu ấy chứ! Trước khi đi, Khôi Nguyên đã căn dặn anh rất kỹ, phải chăm sóc cho em; bây giờ em lại không chịu nghe lời anh, anh phải ăn nói sao với cậu ấy đây? Không nói nhiều nữa, đi với anh ngay! - Đó là mệnh lệnh của một chỉ huy cao cấp, con buộc phải tuân theo. --- Vào phòng khám, được bác sĩ cho làm xét nghiệm. Mọi thứ xong xuôi con mới thở phào nhẹ nhỏm. Theo như lời của bác sĩ, nguyên nhân khiến con ho ra máu là do lao tâm, lao lực quá sức mà sinh ra. Bác sĩ khuyên con nên tịnh dưỡng, hạn chế suy nghĩ nhiều và ăn uống điều độ sẽ tốt cho sức khỏe. Nhưng bác sĩ đâu có biết rằng, con đang bị ma ám; con có muốn hạn chế suy nghĩ để tốt cho sức khỏe cũng không được, điều này nằm ngoài khả năng của con. Thế nhưng, con tuyệt đối không được buông xuôi, con phải chiến đấu đến cùng để sinh tồn. Không gì có thể thui chột ý chí và lòng ham sống của con được. Con có chết thì cũng phải chết cho oanh liệt như lời Tâm Đan đã từng nói. Con còn anh hai, còn Tâm Đan, còn sơ Bình và... phải rồi... còn “anh ấy” nữa. Con phải sống để được kết tóc se duyên cùng anh ấy, để tận hưởng giây phút đó cùng ảnh, con còn rất trẻ, rất xinh đẹp; không thể cứ chôn vùi thân xác mơn mởn này dưới lòng đất để dòi bọ đục khoét, không... không bao giờ. Con trở nên lạc quan khác thường, điều đó làm cho anh Quốc Việt càng tỏ ra không yên tâm hơn về con. - Em đừng làm gì cả, muốn ăn gì thì cứ nói với anh, phải nghe lời bác sĩ thì bệnh mới chóng khỏi. - Em không sao đâu mà, - Con cười rất tươi - Hôm nay, để hôm nay em đi chợ nấu cho anh một bữa ăn ra trò; Khôi Nguyên rất thích những món ăn do em nấu đấy! Không ai có được diễm phúc như các anh đâu. - Để khi nào em khỏe lại, có cả Khôi Nguyên nữa, anh em mình cùng ngồi lại ăn với nhau sẽ vui hơn. Lòng anh Quốc Việt trổi lên cảm xúc gì đó làm con khó hiểu, chỉ thấy mắt ảnh rưng rưng; hình như ảnh đang thương cảm cho con. Những ngày sống bên con, ảnh là người quan sát con được rõ nhất, những biểu hiện xuống cấp về mặt sức khỏe rất trầm trọng; cơ thể gầy gò xanh xao, mắt thâm quầng, môi khô khốc nức nẻ, da mặt bợt bạt... toàn là những giấu hiệu của người sắp chết. Tình hình của con đã kíp lắm rồi, mà Khôi Nguyên thì vẫn biệt vô âm tín. Chắc chắn trong lòng Quốc Việt đã kết luận chín mươi phần trăm Khôi Nguyên gặp chuyện rồi. Nhưng anh Quốc Việt vẫn phải đóng kịch để che giấu đi nỗi bất an trong lòng. Ảnh tưởng con là một con ngốc có thể dễ dàng qua mặt hay sao? Ảnh đã lầm rồi! Con biết, biết hết... Cũng tốt thôi, nếu Khôi Nguyên đã không còn trên đời này nữa, thì con về dưới âm tào địa phủ để gặp ảnh cũng có đôi có cặp vậy. Con nghĩ thật bậy bạ phải không sơ Bình? Con hư lắm! Không được nghĩ như vậy, anh Nguyên của con, chàng thám tử đẹp trai, tài giỏi của con không thể dễ dàng bị đánh bại như vậy được, không... Anh Quốc Việt dậy đi từ rất sớm, ảnh đi mua đồ ăn sáng về cho con. Tội nghiệp ảnh, mấy ngày nay phải bỏ bê rất nhiều việc để chăm sóc cho con. Lúc này, ảnh phải đến cơ quan để tiếp tục làm việc; trước khi đi anh dặn dò con rất kỹ lưỡng; chủ yếu là về chuyện sức khỏe của con. - Buổi tối anh sẽ về, nhớ lời anh dặn đó; ở trong nhà, không được ra ngoài lạnh nghe không. - Dạ! - Anh đi nha! Bye em! - À, anh Quốc Việt ơi... - Tôi biết rồi, khổ quá đi cô nương, tôi sẽ mang về cho cô tin tức tốt lành. Anh Quốc Việt đã biết con muốn nói với ảnh chuyện gì, đó là; chuyện điều tra về tin tức của Khôi Nguyên. Anh ấy đi rồi, con mới vào nhà. Con quyết định sẽ ra ngoài, đi chợ mua đồ về nấu cho ảnh một bữa tối ngon lành! Trước khi đi con lục tìm một thứ rất cần thiết, nhưng tìm hoài chẳng thấy đâu cả. “Quái lạ! Nó đâu rồi nhỉ?” Con tiếp tục lục lọi, bới tung cả hành lý, áo quần lên! Nhưng không thấy thứ đó đâu cả. - “Ôi, hỏng rồi, nhất định là mình đã bỏ quên ở đó.”
|
Chương 49 (1) Ghi chép của Khôi Nguyên --- Gần hai mươi năm, đến hẹn lại lên, tháng tám, là Thế Anh vắng nhà, hơn mười ngày sau mới trở về. Thế Anh đã đi đâu và làm gì? Đó mới là điều tôi quan tâm. Thông tin người xe ôm cung cấp xem vậy mà rất đắc giá. Trên đường về lại thành phố, tôi không ngừng suy nghĩ. Nói về ngày tháng liên quan đến vụ án cũng có nhiều sự trùng hợp. Thí dụ: Hai cha con ông Trịnh Vỹ mất cùng ngày, và rơi đúng tháng tám. Những nạn nhân mất tích trong vụ án cũng vào tháng tám. Kiều Oanh mất vào tháng tám. Nói riêng về số hài cốt tìm thấy trong tầng hầm cũng là số tám. Trong trường hợp này, số tám có bí ẩn gì không? Chắc chắn là có, tôi vẫn trung thành với câu nói: “sự khác thường luôn chứa đựng bản chất không tầm thường” Nhiệm vụ của tôi là tìm ra điều không tầm thường đó. Thế Anh có liên quan đến cái chết của ông Trịnh Vỹ và Hoàng Lan không? Những xác chết dưới tầng hầm và những vụ mất tích, hung thủ là kẻ nào? Động cơ của hắn là gì? Tôi lập tức gọi điện cho bà Hiền, để hỏi bà về ngày mất của hai cha con ông Trịnh Vỹ. Sau đây là nội dung cuộc điện thoại: - Alo, cháu Khôi Nguyên đây ạ. - Chào cháu Khôi Nguyên. - Bà vẫn khỏe chứ? - Mấy hôm nay thời tiết mưa nắng thất thường, nên căn bệnh đau nhức nó quấy cháu à. - Cũng khổ bà nhỉ! - Riết rồi cũng quen, bà lờn luôn rồi. Khôi Nguyên gọi cho bà chắc muốn hỏi bà điều gì phải không? Bà không làm mất thời gian của cháu đâu, cứ đi thẳng vào vấn đề đi cháu. - Dạ, cháu muốn hỏi bà về ngày mất của cô Hoàng Lan. - Cô ấy mất ngày mười bốn tháng bảy. - Dạ, cám ơn bà. Cháu cần biết vậy thôi. Cháu không làm phiền bà nữa, cháu cúp máy đây ạ, chúc bà sức khỏe. - Ừm, chào cháu, bà chúc hai đứa thành công. Khi nào rảnh lại đi cùng Ngọc Diệp đến nhà bà chơi. - Dạ. Tôi thất vọng, chào bà Hiền. Rồi tắt máy điện thoại. --- Như vậy, suy đoán của tôi trật lất. Tôi lục lại hồ sơ những vụ mất tích, theo ghi chép những vụ mất tích xảy ra vào tháng tám và ngày rất gần nhau; đó là điều bất thường. Hung thủ đã có toan tính sắp đặt từ trước. Có một quy tắc nào đó giữa những con số, đâu là chìa khóa của bài toán. Phải giải được phương trình đó thì mới mong tìm được Thế Anh. Tôi tiếp tục suy nghĩ và suy nghĩ… đầu óc tôi vận hành hết công suất. Vò đầu, bóp trán, căng thẳng đến cao độ suốt mấy tiếng đồng hồ. Tôi đứng lên, ngồi xuống… hút thuốc như điên, đi qua đi lại trong phòng trong bộ dạng như rất bồn chồn, nóng ruột. Đầu tôi đến ngưỡng rối như tơ vò, các tình tiết vụ án đang xen như mê cung, tôi chỉ muốn bứt hết tóc trên đầu mình. Đến mức thần kinh của tôi rơi vào trạng thái cứng, nặng như chì, rơi vào bế tắc, tôi ngã người xuống ghế sofa, cổ họng vừa nóng rát vừa đắng nghét như người đang bị cảm cúm. Tôi bị mắc chứng bệnh, suy nghĩ quá nhiều là khó thở (căn bệnh là một trở ngại đối với nghề nghiệp của tôi, nếu không bị bệnh khó thở, chắc sự nghiệp của tôi đã thành công hơn nhiều rồi; đôi lúc tôi ghen với Holmes, tôi ước gì mình có được sức khỏe như ông ấy.) Bệnh khó thở đã đành, mỗi lần như vậy lại kéo theo chảy máu cam. Nhiều lúc chán nản với sức khỏe của mình, đâm ra tôi buông thả, bỏ mặc, đến đâu thì đến. Nhiều khi máu chảy ròng ròng tôi cũng chẳng thèm quan tâm. Tôi muốn hủy hoại mình, tôi là vậy. Nhưng, bây giờ thì khác rồi, vì tôi đã có Ngọc Diệp, cô ấy muốn tôi khỏe, nếu thấy bộ dạng của tôi như bây giờ chắc cô ấy buồn lắm. Tôi phải nằm xuống cầm máu, tắm rửa, nghỉ ngơi, rồi đi ăn uống bồi bổ. Tôi phải có sức khỏe tốt thì mới làm việc được. --- Sau khi tắm rửa xong, tôi lên phòng ngồi với ánh đèn mờ và chai rượu vodka. Tôi rót rượu vào chiếc cốc chuyên dùng, ngồi nhâm nhi. Uống rượu mà không suy tư về cuộc đời thì uổng lắm. Tôi ngồi nghĩ về đời mình, về ba mẹ, về em gái; những người thân đã cùng lúc rời bỏ tôi mà đi. Ngọc Trinh sẽ về nhà chồng một ngày không xa, Vũ và muội ấy đã quyết định sẽ chuyển nghề vì lý do mưu sinh, để xây dựng gia đình. Đường nào rồi cũng về La Mã, con đường mà mỗi người đã chọn cho riêng mình liệu có đi cùng họ đến suốt cuộc đời. Đam mê cũng có ngày tàn phai, ngọn lửa nhiệt huyết cũng có ngày tàn lụi. Một ngày nào đó người ta nhận ra, mình đã sai lầm khi lựa chọn, họ làm lại và tiếp tục nhận ra sai lầm, cho đến ngày gần đất xa trời họ thấy quyết định đầu tiên là đúng nhất, nhưng họ đã đánh mất nó chỉ vì công cuộc mưu sinh, áp lực và ngộ nhận. Tôi không muốn theo lối mòn của họ, tôi đã hiểu được mình, thấy được tố chất của mình, đam mê của mình; tôi sống để đốt cháy mình trong đam mê với công việc, tôi yêu nghề và sẽ không bao giờ từ bỏ nghề dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi là một kẻ cô đơn? Chính phải. Không ai cô đơn như tôi. Cô đơn hàng đêm khi phải đối diện với bóng tối, sự trống trải. Cô đơn khi bên đời có rất nhiều người nhưng vẫn thấy hiu quạnh. Tôi không thể mở lòng với bất kỳ ai ngoài bản thân tôi. Tôi sợ những khoảng trống vắng, những thời gian ngồi với sự lặng lẽ, đơn điệu. Một ngày không có gì ý nghĩa để làm, không có vụ án nào căng não để suy nghĩ, không có sự sáng tạo… ngày đó, với tôi như sống mà đã chết. Nhưng, tôi đã quen rồi. Cảm xúc đã chai sạn, đã lìm lợm kể từ ngày người thân của tôi mất đi. Nỗi đắng cay của đời người, bị phản bội, bị chà đạp, bị đánh đập, bị coi thường, bệnh tật, đau khổ… tôi đã bị đóng đinh quá nhiều lần, đến mức tôi coi thường cả sự bình lặng, êm ấm. Tôi giống một con bệnh tự kỷ, thích những đòn roi bầm da thối thịt, hơn là, những dịu hiền ngọt ngào. Bác sĩ Trung nói rất phải: “Ở trên đời này, người điên nhiều hơn người tỉnh” Tôi là một thí dụ. Tôi điên, và thừa nhận cái điên của mình. Rượu là nguồn cảm hứng bất tận dành cho những nghệ sĩ, tôi tự xem mình là một nghệ sĩ. Tôi không cần ai phong tặng, mà chính tôi phong tặng cho mình danh hiệu cao quý đó. Tôi đến với rượu như một người bạn, một người anh em có thủy có chung, có nghĩa có tình. Dù đôi lúc rượu làm tôi trào máu họng. Nói tôi uống ít rượu lại thì còn nghe được, chứ bảo tôi bỏ rượu thì còn khuya. Tôi coi trọng rượu như vậy đó, thế mà, rượu lại phản bội tôi. Rượu ăn mòn những tế bào sự sống của tôi đã đành, rượu còn gián tiếp gây ra mâu thuẫn giữa tôi và Ngọc Diệp. Mà, cô ấy cũng thật là… Chuyện nhỏ như con thỏ, lại thích xé ra to. Nói đến lỗi phải tại ai lúc này còn có ích gì. Cũng tôi gây ra một phần, nếu tôi đặt mình vào hoàn cảnh của cô ấy thì tôi đã không hành động như vậy. Nếu là chuyện tình cảm thì không nói làm gì, cô ấy giận một thời gian rồi lại thôi, tôi sẽ có cách chủ động làm lành với cô ấy. Nhưng, lần này liên quan đến chuyện sống chết. Tôi không thể hàng ngày túc trực bên cạnh để bảo vệ cho cô ấy. Cái gã Đình Văn kia, rõ ràng, chỉ là kẻ ăn chơi, nhà giàu, khoe của. Cô ấy đi với gã, tôi không an tâm chút nào. Không phải tôi đang ghen đâu, tôi nhận xét rất khách quan. Trực giác mách bảo tôi như vậy. Thế mà, Ngọc Diệp không nhận ra, cô ấy còn bênh vực cho gã. Cũng may là Quốc Việt đã đưa Ngọc Diệp về nhà, có cậu ấy cũng an tâm phần nào. --- Ngọc Diệp trước khi đi, có để lại cây đàn guitar. Tôi nâng đàn chơi một vài bản Classic của Tarrega, hát đôi bản nhạc Trịnh để tâm hồn mình lắng đọng, như hạt cát thả vào bể nước trong. Âm nhạc là người tình chung thủy của tôi, người tình ấy làm tôi vui, cho tôi buồn, nâng tôi lên vườn địa đàng, hạ tôi xuống vực sâu thăm thẳm; người tình lãng mạng ấy đáp ứng mọi yêu cầu của tôi, và quan trọng nhất người tình ấy không bao giờ phụ rẫy tôi. Âm nhạc không như con người, âm nhạc rất dễ chịu… Tôi thả mình trong giai điệu du dương nhẹ nhàng, dâng trào cảm xúc, tôi hát: “Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi. Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời. Tình yêu như biển, biển rộng hai vai… biển rộng hai vai. Tình yêu như biển, biển hẹp tay người… biển hẹp tay người, lạc lối… (…) Làm sao ru được tình vơi… À… ơi… nỗi đau này người… Tình yêu vô tội, để lại cho ai Buồn như giọt máu, lặng lẽ nơi này Trời cao đất rộng, một mình tôi đi… một mình tôi đi… Đời như vô tận, một mình tôi về… một mình tôi về… với tôi.” --- Sau giấc ngủ, tôi tỉnh dậy với tinh thần sảng khoái. Tôi tự tay xuống bếp chuẩn bị bữa ăn sáng. Trong lúc dùng bữa điểm tâm, một ý tưởng bất ngờ lóe lên trong đầu… tôi vui sướng trong bụng. Vội lục tìm hồ sơ, ghi lại ngày tháng cụ thể xảy ra những vụ mất tích. Rời khỏi nhà, khẩn trương vào việc.
|
Chương 50 Hồi ký của Ngọc Diệp --- --- Tôi muốn nấu cho anh Quốc Việt một bữa ăn, nhưng tiền mặt đã sài hết. Tìm cái thẻ ATM thì không thấy đâu. Lục mãi, mới nhớ mình bỏ quên cái thẻ ngân hàng và lá bùa ở căn nhà trên đồi trà. Dù rất cần tiền nhưng tôi cũng không dám liều lĩnh quay trở lại đó. Tại sao vậy? Nguyên nhân là gần đây tôi thường xuyên gặp ác mộng. Căn nhà và đồi trà heo hút hiện về cùng bóng ma cô Hoàng Lan. Thời gian sau này, tôi thấy được rõ mặt cô ấy hơn. Cô ấy, đã cảnh báo tôi hãy coi chừng! hãy coi chừng! Tôi không thể coi thường, nhất quyết không về lại đó. Tôi rầu rĩ, buồn chán, ngồi đợi thời gian qua đi. Tôi khắc khoải chờ tin anh Quốc Việt, để được biết tình hình Khôi Nguyên. Tôi rất lo lắng cho anh ấy, “chàng lãng tử của tôi sẽ không có chuyện gì.” Tôi tự trấn an mình. “Khụ… khụ… khụ…” Tôi ho, ho dữ dội. “Mẹ kiếp!” Và tôi chửi. Bệnh với chả hoạn, tôi bực cả mình. Cứ thế buông xuôi cả đi. Khôi Nguyên đã không còn nữa thì cuộc đời trở nên buồn thảm chưa từng thấy. Phải chi anh ấy đừng đến, đừng xuất hiện, đừng khiến tôi yêu anh, thì tôi đâu có nhận ra ý nghĩa cuộc đời, đến khi tôi biết đâu mới là lý tưởng sống của mình, thì cũng là ngày lý tưởng đó rời bỏ tôi. Số phận ư? Hay là duyên nghiệp? Tôi dính vào một mớ bòng bong không biết cách để tháo gỡ. Tôi không thể xóa hình ảnh của anh ra khỏi trí óc, không thể thôi yêu anh. Tình yêu đã mơ hồ như vậy, lại thêm đủ chuyện rắc rối có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, bệnh hoạn mệt mỏi, làm tôi ho sù sụ. Đến quá ngưỡng chịu đựng rồi lại muốn buông xuôi. Giá như có Khôi Nguyên bên cạnh thì tốt quá! Chỉ cần có anh bên đời thôi, chẳng cần anh phải nói với tôi một câu nào. Anh hãy ôm tôi, hãy vuốt ve âu yếm tôi, hãy yêu tôi. Yêu tôi quá khó đến vậy sao? Hay vì anh xem tôi là kẻ qua đường. Không phải vậy. Anh không thể mở lòng được. Tính cách của anh là vậy. Chẳng phải người ta hay nói: “Tình từ tim còn ngôn ngữ từ môi ư!” Tại sao tôi lại chấp vào những câu nói, những lời tỏ tình thật quá cần thiết vậy? Sao tôi không chịu mở trái tim ra mà cảm nhận tình yêu anh dành cho tôi? Tôi sống với những quan điểm lạc hậu cổ hủ. Tôi đòi hỏi ở người yêu những thứ quá nhỏ bé tầm thường, người ta không đáp ứng, thì tôi xem đó là sự thiếu tôn trọng. Cuối cùng, là tôi yêu chính bản thân mình, tôi cũng ích kỉ chẳng kém ai. Tôi phóng đại sự việc lên, tôi phủi bỏ mọi thứ với bản tính cố chấp, lì lợm. Tôi luôn nói: “Sao anh ấy không đặt mình vào hoàn cảnh của tôi. Trong khi, chẳng bao giờ tôi đặt mình vào hoàn cảnh của anh ấy.” Vậy đó, tất cả chúng ta đều yêu chính bản thân mình, tất cả chúng ta đều ích kỉ như nhau. “Khụ… khụ… khụ” Tiếng ho đặc sánh lại, tôi thấy tức ngực, cảm giác hai lá phổi xồm xộp như tổ ong bị nhúng nước. “Khạc” Tôi chạy ra ngoài nhà nhổ đờm. Tôi lạnh người khi trông thấy một cục máu nhỏ dính trên lá cỏ. Bệnh tình của tôi phát triển theo chiều hướng xấu đi. Tôi ho suốt buổi chiều hôm đó, toàn thân ớn lạnh, phát sốt, người nóng hầm, cổ họng khô rát. Soi mình trong gương, thấy sao quá tiều tụy, mới hôm nào đó mà giờ đây tôi hốc hác thấy rõ. Nước da tái xanh, cơ thể ốm yếu gầy rạp… cân nặng mỗi ngày lại tụt xuống… những cơn ác mộng làm tôi mất ngủ, hai mắt thâm quầng. Tôi không khác gì bệnh nhân lao đang ở giai đoạn nặng. Tôi khiếp đảm khi nghĩ đến cái chết. Dấu hiệu của tôi giống hệt cô Hoàng Lan và Kiều Oanh, cả hai người đó đã chết, còn tôi, tôi sẽ có cùng một kết quả bi thảm như họ ư? Không đời nào. Tôi không thể bị ma ám được, không thể. Không… không… không. Tôi… tôi quá bàng hoàng. Không muốn chấp nhận thực tế. --- Anh Quốc Việt về nhà là 5 h 20’ chiều. Anh ấy mỉm cười nói với tôi: - Chào công chúa Ngọc Diệp. Anh đã về rồi đây. - Dạ, chào anh Quốc Việt. Sao rồi anh? Có tin tức gì của Khôi Nguyên chưa? - Tình hình cũng khả quan lắm Ngọc Diệp, em đừng lo lắng quá. Anh Quốc Việt nói là để xoa dịu nỗi bất an trong tôi, anh ấy né tránh câu hỏi của tôi, đã không trả lời cụ thể. Vậy là, vẫn chưa có tin tức của Khôi Nguyên. Trời ơi! Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì với anh ấy rồi? Tôi phải biết tính sao đây? - Anh Quốc Việt, anh đừng nói an ủi em nữa. Khôi Nguyên nhất định có chuyện rồi. Nếu không anh ấy đã gọi cho anh, ít ra anh ấy cũng phải hỏi thăm tình hình của em chứ. Anh ấy gặp chuyện rồi anh Quốc Việt ơi! Khôi Nguyên, làm sao đây anh. – Tôi mất bình tĩnh. Anh Quốc Việt lặng thinh không nói. Anh ấy biết có nói gì cũng vậy, tốt nhất hãy chuẩn bị tâm lý. Nhìn khí sắc bệnh hoạn của tôi, anh ấy quan tâm: - Em thấy khó chịu trong người sao Ngọc Diệp? Lòng tôi tê tái, đáp: - Em… em không có gì khó chịu hết. - Không được rồi, phải đi bệnh viện thôi. - Chẳng phải chúng ta đã đi khám rồi sao? Bác sĩ nói do lao tâm, lao lực quá còn gì. - Có lao gì cũng phải đi. Để anh đưa em đi Sài Thành khám, bệnh viện tuyến tỉnh không yên tâm đâu. Đôi khi không có bệnh lại khám ra có bệnh, bệnh nhẹ lại khám ra bệnh nặng, bệnh nặng lại nói không có gì, đôi lúc, bệnh này lại nói bệnh khác. Chẩn đoán mơ hồ, trình độ bác sĩ chuyên môn kém, máy móc thiếu thốn, tham nhũng, hạch sách... tràn lan những tệ nạn... tốt nhất là đi bệnh viện trung ương, khó khăn một chút nhưng còn yên tâm hơn em à! - Không sao đâu mà anh. - Không nói nữa, anh gọi điện đặt xe ngay, anh đưa em đi. - Còn công việc của anh thì sao? - Anh nghỉ phép một ngày, giao lại công việc cho đồng đội. Việc quan trọng trước mắt là sức khỏe của em, anh xem khí sắc của em không được rồi. Tôi không biết nói gì nữa, đành phải nghe lời anh ấy thôi. Tôi còn trẻ, tôi muốn sống tiếp, không muốn chết... tôi phải đến bệnh viện có uy tín để kiểm tra, tôi không muốn tin mình bị ma ám. Không tin đâu. Bác sĩ đã chẩn đoán đúng, tôi do lao tâm lao lực mới có triệu chứng ho ra máu. Đi Sài Thành kiểm tra lại, sẽ biết ngay thôi. Tôi phải tiếp tục chóng chọi với bệnh tật, cho đến ngày gặp lại Khôi Nguyên. Hay chăng, tôi cứ bệnh đi, cũng tốt thôi... Để Khôi Nguyên trở về sẽ thấy, sẽ hối hận vì đã bỏ rơi tôi. Sẽ nói với tôi những lời yêu thương, sẽ ôm tôi vào lòng. Cái chết cũng không đáng sợ và đau khổ bằng gai tình, tình yêu mới khiến con người ta dằn xé, đau đớn hơn bất kỳ nổi đau nào. Chịu đựng cả hai thứ một lúc như vậy, làm sao tôi gánh nổi? Mày hãy mạnh mẽ lên nào Ngọc Diệp, không gì có thể đánh bại mày. Mày đã từng trải qua rất nhiều thử thách, rất nhiều gian khổ và sự mất mát rồi. Đây chỉ là một chuyện cỏn con với mày thôi, mày sẽ chiến thắng bóng tối, sự chia ly và chết chóc... mày còn có Phật, có Chúa, có anh hai, có sơ Bình, có Quốc Việt và Khôi Nguyên. Nếu mất tất cả đi nữa, thì ít ra cũng còn mày... ý chí của mày chịu dễ dàng buông xuôi như vậy ư. Mày làm được mà. Mày sẽ vượt qua. Cố lên! --- Phòng khám chuyên khoa hô hấp, bệnh viện Sài Thành. Phòng khám chuyên khoa hô hấp, bệnh viện Sài Thành. Vị bác sĩ tóc bạc trắng, kiểu đầu bốn sáu, chải chuốt gọn gàng, sạch sẽ. Ông ấy có khuôn mặt tròn trịa, nước da hồng hào tươi nhuận. Mũi cao với hai hàm răng trắng tinh, đều đặn. Ông ấy cười hồn hậu, nói: - Cô bị viêm phổi, cần phải được uống thuốc và nghỉ ngơi hợp lý. Nét mặt tôi giãn ra, tôi vui sướng, hỏi lại ông ấy: - Như vậy là không có gì nghiêm trọng ạ? - Không. Chỉ cần cô nghe lời, uống thuốc như chỉ dẫn, chịu khó ở nhà, giữ ấm cho cơ thể, và bớt suy nghĩ lại thì ổn thôi. - Vậy tôi không phải nằm viện sao? - Chưa đến mức đó. Cô cứ yên tâm đi! - Dạ. Vậy đó, bệnh của tôi không đến mức nghiệm trọng, nhưng tôi cứ phóng đại lên. Căn bệnh tôi mắc thật sự là tâm bệnh, tôi bị rối loạn lo âu, mất ngủ. Tôi đặt hết niềm tin vào chẩn đoán của bác sĩ, tôi bấu víu, bám trụ một nơi chốn giúp xoa dịu nỗi bất an trong tôi. Tôi tự thuyết phục mình, bát bỏ những lập luận cho tôi bị ma ám. Tôi là người khỏe mạnh, tôi phải tin mình không có vấn đề gì. Bởi vì, trong cuộc sống, nếu bạn mất đi niềm tin, bạn sẽ mất tất cả. Nếu bạn gieo hạt niềm tin bạn sẽ gặt hái phép màu. Vì vậy bạn hãy tin rằng bạn khỏe mạnh dù bạn đang đau ốm. Chỉ hai chữ niềm tin thôi cũng đủ cho hoàn cảnh của bạn rồi. Chúng tôi gấp rút đặt vé xe lên lại thành phố Sương Mù. Không chỉ tôi vội, mà anh Quốc Việt cũng vội. Nói đúng hơi là nôn nóng. Chúng tôi ngày đêm hóng tin của Khôi Nguyên, tôi cũng như anh Quốc Việt đều lo lắng, chúng tôi nghĩ đến những điều tiêu cực. Nhưng sau mọi căng thẳng, chúng tôi cầu nguyện, và tin tưởng vào người đàn ông đó. Anh ấy rất bản lĩnh, dường như, anh ấy sinh ra là để chiến thắng chứ không phải để thất bại. Tôi sẽ chờ anh, chờ đến khi nào anh trở lại, tôi sẽ ôm anh ấy thật chặt, tôi sẽ giữ lấy anh không buông ra nữa. --- Ghi chép của Khôi Nguyên. Ghi chép của Khôi Nguyên. Vì đã lỡ hứa với ông cụ (ông lão chụp ảnh đã nhắc đến ở những chương trước) nên tôi phải chịu khó viết lại tình tiết của vụ án. Những lần trước, tôi viết khi đã kết thúc sự vụ, nhưng lần này tôi sẽ viết trong thời gian điều tra phá án. Một là, để bớt đi sự buồn chán; hai là, tận dụng trong lúc viết để sắp xếp lại dữ kiện liên quan; ba là, tôi phát hiện thấy viết cũng là cách xả stress rất thú vị. Tôi sẽ không mất thời gian nữa, chúng ta tiếp tục theo dõi vụ “bóng ma trên đồi trà.” Như lần ghi chép trước, tôi đã viết. Tôi ra khỏi nhà sau khi tỉnh giấc. Tôi đi đâu và làm gì? Tôi đã đến một quán internet để tra cứu ngày tháng. Những vụ mất tích rơi vào tháng tám được tôi đối chiếu lại, tôi cũng đã gọi cho bà Hiền để xác nhận lại suy đoán của mình. Và lần này tôi đã không phải thất vọng nữa. Mọi thứ trùng khớp với những gì tôi tìm thấy, những mảnh ghép được tôi sắp xếp đúng như trình tự vốn dĩ là như vậy. Bức tranh về vụ án đã hiện ra tương đối rõ ràng. Cuối cùng, tôi đến nơi đó, chờ đợi sự xuất hiện của một người (người này là con ác chủ bài của trò chơi, là biến số quyết định thành bại của vụ án) Lời kể của Quốc Việt. Lời kể của Quốc Việt. --- --- Tôi đang ở cơ quan, một đống công việc đang chờ tôi giải quyết. Thời gian này, tôi vừa phải dò tìm tin tức của Khôi Nguyên, vừa phải chăm sóc cho Ngọc Diệp; lại nói đến vụ mà Khôi Nguyên đang điều tra, vụ này cũng làm tôi suy nghĩ không ít; như tôi đã từng nói, đó là một vụ trọng án, và trách nhiệm của tôi là phải làm mọi thứ có thể để giúp Khôi Nguyên lật tẩy mọi âm mưu. Lúc tôi đang nghĩ đến những tình tiết trong vụ “căn nhà ma quái” mà Khôi Nguyên đang theo đuổi, Thành Trung, một đồng nghiệp dưới quyền tôi đến báo: - Anh Quốc Việt ơi! Có người muốn gặp anh. - Ai vậy? - Anh ta đang ở trước cổng cơ quan. - Người đó có xưng danh tính không em? - Dạ có. Anh ta tự nhận mình là thám tử Sherlock Nguyễn. - Sao! Sherlock… ? - Tôi thốt lên, hối hả chạy ra ngoài. --- Khôi Nguyên đang đứng đợi tôi, cậu ấy mặc trên mình chiếc áo choàng màu tím, mang mũ fedora cùng màu; cậu ấy đứng chéo chân, tựa lưng vào bức tường đá; một tay đút túi quần, tay kia kẹp điếu xì gà. Tôi vui sướng tột cùng khi gặp lại Khôi Nguyên, tôi nói có sai đâu, Khôi Nguyên không thể bị đánh bại, cậu ấy đang hiện diện trước mắt tôi đây; một Khôi Nguyên lãng tử, đậm chất điện ảnh. - Cậu biến đi đâu mà biệt tăm vậy hả? Điện thoại cũng không liên lạc được. Cậu có biết đã làm bao nhiêu người lo sốt vó lên vì cậu không? - Tôi mắng cho Khôi Nguyên một trận. - Xin lỗi Quốc Việt! Vì hoàn cảnh không cho phép tớ. - Cái gì mà hoàn cảnh không cho phép, bây giờ cậu hãy nói cho tớ biết, cậu đã đi đâu và làm gì? - Xém chút nữa là tớ lao xuống vực rồi. Hôm nay, còn gặp cậu và nói chuyện, là tớ đã tu ba mươi kiếp đấy. - Cậu đừng dài dòng nữa, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? - Đừng nôn nóng chứ! - Cậu bảo tớ không nôn được sao, cậu làm tớ và Ngọc Diệp muốn phát điên lên vì cậu. - Cô ấy cũng phát điên lên vì tớ ư? - Nét mặt Khôi Nguyên lạnh lùng, không tỏ chút quan tâm, lo lắng. - Cậu đừng vô tình vậy chứ! – Tôi thất vọng khi thấy biểu hiện thờ ơ của Khôi Nguyên. - Cậu đã nhận được kết quả cuối cùng chưa? Tớ đang rất cần những dữ liệu để kết thúc vụ án. - Kết thúc vụ án? - Chuyến đi vừa rồi, tớ đã kéo được bức màn, còn một mảnh ghép nữa, nó đang nằm ở kết quả mà chúng ta chờ đợi. Khôi Nguyên cứ nói, còn tôi thì cứ lơ đễnh, tôi đang nghĩ đến Ngọc Diệp, cô ấy thật đáng thương; tôi đã lầm, rõ là Khôi Nguyên không có tình cảm với cô ấy. Con người của Khôi Nguyên sắt đá đến vậy ư? Hay bởi một nguyên nhân nào khác, khiến cậu ấy phải giữ khoảng cách với Ngọc Diệp? - Nãy giờ cậu có nghe tớ nói không đấy? - Khôi Nguyên thúc vào cánh tay tôi. - Khôi Nguyên, cậu hãy nói đi. Giữa cậu và Ngọc Diệp... Khôi Nguyên ngắt lời tôi: - Tại sao cậu lại đề cập đến những chuyện đó? Vấn đề bây giờ là vụ án, vụ án mới là điều đáng quan tâm. - Án... án…án… lại án. Chẳng lẽ với cậu chỉ có công việc thôi sao. Ngọc Diệp... Tình hình của cô ấy… - Tôi ấp úng, không muốn cho Khôi Nguyên biết thêm về bệnh tình của Ngọc Diệp. - Có chuyện gì rồi sao? – Sắc mặt cậu ấy vẫn lạnh như băng. - Chỉ bị mất ngủ nhiều do những cơn ác mộng thôi. - Tôi cố giảm bớt mức độ nghiêm trọng về tình trạng xuống cấp của Ngọc Diệp. - Sắp kết thúc rồi, cô ấy sẽ ổn thôi! - Kết quả kiểm tra có thể hôm nay sẽ gửi về. Tớ cũng đang chờ đợi. - Ồ! Hôm nay sao? - Rõ ràng là cậu ấy quan tâm đến công việc hơn là Ngọc Diệp. - Đã xác định được giới tính của tám bộ hài cốt đó, năm bộ là đàn ông, ba bộ còn lại là đàn bà. Những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khám nghiệm đã kết luận cả tám bộ hài cốt đều có điểm chung. - Có cùng điểm chung? - Đúng vậy đó Khôi Nguyên, trước khi chết họ đã bị mổ lấy nội tạng. - Đó là suy luận của cậu? - Điều này thì đã quá rõ ràng ngay từ đầu rồi còn gì? Tầng hầm đó, nói cho đúng là một nơi bí mật, để tổ chức vô nhân tín kia, thực hiện tội ác của bọn chúng. Những người Hoa ở tại căn nhà đó và ông Trịnh Vỹ có quan hệ khăn khít với nhau, ông Trịnh Vỹ cũng nằm trong tổ chức của bọn chúng. Ông ta thuê lại đồi trà, xây nhà cho bà Thùy Dung ở… tất cả đều nằm trong kế hoạch đã được tính toán rất kỹ lưỡng của ông ấy và đồng bọn. - Không. Không thể có chuyện như vậy được. Chẳng lẽ phán đoán của tớ đã đi chệch hướng hay sao? Đó là một trong những tật xấu của Khôi Nguyên. Đối với cậu ấy, chỉ có thực tế sai chứ cậu ấy không bao giờ sai, nếu thực tế đúng thì Khôi Nguyên sẽ thay đổi thực tế, chứ không bao giờ chịu uốn mình theo thực tế. - Khôi Nguyên à! Cậu cũng nên chấp nhận sự thật thôi! Kết quả giám định thì tuyệt đối không đi trật đường. Ngay bây giờ, tớ sẽ báo cáo vụ việc với cấp trên và xin lệnh cho phép điều tra mà máy sản xuất trà Quảng Châu, chúng ta phải truy tìm cho được những tên người Hoa đó. Khôi Nguyên rất bình tĩnh, cậu ấy nhanh chóng sắp xếp lại tình tiết của vụ án. Trong khi cậu ấy đang tập trung suy nghĩ, Thành Trung chạy từ bên trong cơ quan ra. - Anh Quốc Việt ơi! Có rồi, có rồi… - Sao? - Tôi hỏi lại. - Có kết quả cuối cùng bên đó gửi về rồi. - Đến đúng lúc lắm! - Khôi Nguyên nói. - Đi nào Khôi Nguyên.- Tôi gọi cậu ấy vào cơ quan của tôi để xem kết quả. Kết quả được gửi về bằng đường truyền internet tốc độ cao. Chúng tôi không mất nhiều thời gian lắm để truy cập vào xem. - Đây rồi. - Cả bọn chúng tôi chúi đầu vào màn hình máy vi tính. - Ồ - Khôi Nguyên chau mày. - Sao vậy Khôi Nguyên? Đó chỉ là hình nền một con mèo đen thôi mà.
|
Chương 51 Hồi ký của Ngọc Diệp. Sau khi uống thuốc, tôi lên giường nằm nghỉ. Cơ thể tôi mệt mỏi, rả rời; đã gần nửa tháng nay, tôi phải chịu đựng sự đánh đập tàn nhẫn của bệnh tật. Hơi thở giống như dòng sông bị tắc nghẽn ở một chỗ nào đó, không khơi thông được nên rất bức bối, khó chịu. Phần thì những cơn sốt hành hạ; phần thì khó thở, mỏi nhừ. Phần thì uể oải, chán chường mỗi khi nghĩ đến hoàn cảnh không may của mình. Cuộc sống đang yên, đang lành lại vấp phải tai bay, vạ gió. Tôi ngao ngán thở dài… “Khụ… khụ.. khụ…” Những cơn ho đau rát như muốn xé cả buồng phổi. Tôi thở khò khè, mũi nghẹt cứng lại, tôi gồng mình hít một hơi thật sâu, nhưng không khí chưa đến được đáy phổi thì đã bị chặn lại; như thế tôi thở rất nông, thở rất nặng nhọc. Bực mình! Tôi dùng tay day mũi, tôi còn đánh liên tục lên chiếc gối bông. Cứ như thể giận cá chém thớt vậy. Tôi điên tiết! Nghiến răng rủa thầm: “Hừ, số phận, được lắm! Mày có giỏi thì giết tao đi. Mày đừng tưởng tao sợ mày, tao không đầu hàng mày đâu, mày sẽ nằm đo ván dưới tay tao, mày sẽ chết chứ không phải tao.” Và rồi, tôi tuyệt vọng. Tôi nghi ngờ, tôi mất niềm tin; thứ niềm tin chỉ mới đây thôi, tôi còn đề cao, còn xem như một tín điều. Con người là vậy, là nô lệ của bản năng, là kẻ thất bại bởi chính mình. Có một hố sâu quá lớn, quá đen đúa, quá nghiệt ngã làm con người mệt mỏi, chán nản, buông xuôi… Vậy mà, con người vẫn phải sống, vẫn phải đấu tranh để dành dựt từng giây phút tồn tại. Tôi cũng không ngoại lệ, tôi như con ngựa đã mỏi gối, chồn chân. Tôi còn ước mơ gì nữa? Nhiều lắm! Bởi tuổi trẻ không làm tôi phớt lờ sự sống và cái chết. Tuổi trẻ với nhiều hoài bão và tham vọng riêng tư khiến tôi day dứt với thực tế phũ phàng, một ngày nào đó tôi phải bỏ lại mọi thứ để đến một nơi mà tôi không bao giờ hiểu hay thấy được, là một nơi nào đó chỉ có trong giấc mơ hay đức tin thuần túy. Lúc này tôi mới thấy được sự khờ khạo của bản thân tôi, tôi ném tuổi trẻ của mình vào những định kiến ngu ngốc, như ném bông hoa quý vào lò than đang cháy. Tôi giết đời mình trên bàn chông của những ghen tuông, đố kỵ. Tôi tự chuốc lấy ưu phiền, tự làm khô héo thân tôi. Mất thời gian quý báu cho cuộc đời ngắn ngủi, vào những thứ tầm thường vô vị, những suy nghĩ u mê… tôi tự khoát lên mình bộ giáp phục của đấu sĩ, tự đẩy mình ra đấu trường, chiến đấu và nằm xuống trong nỗi uất ức mà không phải là một nụ cười. Và lần nào cũng vậy, tôi lại nghĩ về anh. Anh đến với tôi như một câu chuyện cổ tích. Anh là chàng hiệp sĩ, là hoàng tử tài ba của lòng tôi. Tôi yêu anh và thương anh vô hạn, đến mức độ tôi không ý thức được mình đã si mê anh đến cuồng điên. Si mê đến mức tôi sẵn sàng giết đời mình chỉ để chứng minh cho anh thấy tôi không cần anh, chỉ để khiến anh biết đau dù chỉ một chút. Tình yêu của tôi là lưỡi kiếm, là gai hồng. Vì tình yêu đó ôm ấp khát vọng cào cấu, làm tổn thương người khác. Và, chính anh… chính anh hiện thân cho thứ tình yêu đó. Tôi mãi là cô học trò nhỏ của anh, còn lâu tôi mới có thể làm đau người khác tàn nhẫn được như anh. Nói đi là anh đi, nói ở là anh ở. Chẳng phải đó là tính cách hơn người của anh sao? Anh làm tôi thấy ghét thứ mà tôi từng yêu, anh dạy cho tôi mặt trái của sự quyết đoán, đó là lạnh lùng, tàn khốc. Tình cảm con người dễ phai nhạt vậy ư? Bao nhiêu kỉ niệm đơn giản đến mỉa mai bằng tiếng cười xòa chấm dứt tất cả, đường ai nấy đi. Con người nhớ thì khó mà quên thì dễ, đặc biệt với những kẻ yêu hờ, yêu dối, yêu cái xác mà không phải tâm hồn; anh là loại gì? Không yêu tôi sao anh lại ôm tôi, hôn tôi, còn muốn làm chuyện đó với tôi. Đàn ông các anh giống nhau đến vậy cơ đấy! Yêu bằng cái nhìn, bằng ánh lửa ham muốn và kết thúc bằng sự phũ phàng. “Hừ, tôi mệt mỏi lắm rồi. Tôi không muốn gặp lại anh nữa… không muốn nữa… hức hức…” Tôi khóc, úp mặt vào gối khóc. Nước mắt hòa với cõi lòng tan nát, tuyệt vọng… càng nghĩ tôi càng ức, càng hận. Kết quả là tôi bất cần, tôi hướng mình vào cái chết, vào sự giải thoát triệt để như một cách trả thù anh. “Khụ… khụ… khụ…” tôi ho, mi mắt khép lại… xung quanh là bóng đêm rã rời… tôi thiếp vào giấc ngủ nặng nề. L ời kể của Quốc Việt. L ời kể của Quốc Việt. --- --- - Theo như kết quả đã nhận được thì…- Tôi bỏ lửng câu nói để chờ Khôi Nguyên tiếp lời. - Thì những nạn nhân không tử vong cùng thời điểm. Năm người đàn ông… trong khi ba người phụ nữ lại chết cách nhau… vậy thì…- Khôi Nguyên hối thúc - Nhanh! Nhanh lên, mở file hình ảnh đi! Tôi mở thư mục hình ảnh, trong đó; chuyên gia đã tái tạo lại khuôn mặt của những nạn nhân theo mô hình hộp sọ. Tôi giật mình, thốt lên: - Cái gì thế này? - Hừ, không còn nghi ngờ gì nữa. Ba bộ hài cốt trong đó là của ba người phụ nữ đã mất tích. --- Ghi chép của Khôi Nguyên. Ghi chép của Khôi Nguyên. Chúng tôi về lại nhà Quốc Việt. Ban đầu, tôi chỉ muốn dùng kết quả kiểm tra, để khẳng định thêm tính đúng đắn của bài toán mà tôi đã có đáp án. Bức tranh đã hiện nguyên hình, đường nét rất rõ ràng. Vào thời điểm đó lại xuất hiện thêm một đường nét kỳ lạ. Đường nét đó chính là con mèo đen làm hình nền máy vi tính. Tại sao khi nhìn thấy con mèo đen đó tôi phải cau mày? Con mèo, những cây nắp ấm, giàn móng cọp… nói lên điều gì? Về đến nơi, không thấy Ngọc Diệp đâu. Lại phát hiện một lá thư trên bàn. Nét chữ trong thư nguệch ngoạc, nội dung lá thư như sau: “Chào sếp Việt! Người nhà của sếp đang nằm trong tay chúng tôi. Nếu sếp muốn cô nàng còn nguyên vẹn thì hãy chuẩn bị trước một tỷ đồng; đúng 5 h chiều ngày mai, sẽ có người liên lạc với sếp để hẹn thời gian địa điểm. Đem theo tiền mặt, sau đó chúng tôi sẽ thả người. Đừng mất công tìm cách giải cứu con tin, vì chỉ cần các người “rục rịch” chúng tôi sẽ cắt cổ cô nàng ngay lập tức. Sếp không có quyền mặc cả hay đặt điều kiện… Không làm mất thời gian của sếp nữa, hãy chuẩn bị tiền và thái độ hợp tác.” “Chào sếp Việt! Người nhà của sếp đang nằm trong tay chúng tôi. Nếu sếp muốn cô nàng còn nguyên vẹn thì hãy chuẩn bị trước một tỷ đồng; đúng 5 h chiều ngày mai, sẽ có người liên lạc với sếp để hẹn thời gian địa điểm. Đem theo tiền mặt, sau đó chúng tôi sẽ thả người. Đừng mất công tìm cách giải cứu con tin, vì chỉ cần các người “rục rịch” chúng tôi sẽ cắt cổ cô nàng ngay lập tức. Sếp không có quyền mặc cả hay đặt điều kiện… Không làm mất thời gian của sếp nữa, hãy chuẩn bị tiền và thái độ hợp tác.” Quốc Việt điên tiết, đấm “rầm” xuống bàn, nghiến răng, nói: - Bọn khốn! Dám dỡn mặt cả với công an viên cao cấp sao? Tao sẽ khiến tụi bay phải ho ra máu. Hừ… hừ… Thấy cậu ấy căng thẳng quá, tôi mới xoa dịu: - Bình tĩnh nào anh bạn. Chúng ta sẽ thộp cổ con chồn hôi đó. Không lâu nữa đâu. Quốc Việt gắt lên: - Cậu bảo tớ bình tĩnh được sao? Cái bọn mất dạy đó coi thường kỷ cương phép nước đến thế là cùng. Chúng có thể đe dọa ai cũng được, nhưng tớ thì khác, ít nhiều gì tớ cũng là công an viên cao cấp, là tổ trưởng tổ trọng án… hừ… hừ… có lý nào lại vậy… - Tớ thấy trong chuyện này có điều khác thường. – Tôi bấm chóp mũi. - Khác thường? – Quốc Việt nét mặt khó hiểu. - Hành vi của những kẻ giấu mặt này khiến người ta phải đặt câu hỏi. “Rốt cuộc chúng muốn gì? Động cơ của chúng có thật là bắt người tống tiền?” - Hừ, quá rõ rồi. Chúng muốn thách thức lực lượng an ninh quốc gia. Chúng muốn so găng với chúng ta đấy Khôi Nguyên. Dù có thế lực nào chống lưng cho chúng đi nữa, tớ cũng không để bọn này được phách lối đâu. --- Thư của Ngọc Diệp. Thư của Ngọc Diệp. - He he he. Bé con của mẹ đã tỉnh rồi sao. Con từ từ mở mắt, hình dung mờ mờ bắt đầu hiện rõ nhân dạng là con quái vật. Mụ ta, con ma búp bê, mụ Thùy Dung bị mắc bệnh tâm thần. “Ngao… ngao” Những con mèo đen mặt mập vây quanh mụ. Con kinh hãi, theo bản năng vùng dậy để chạy. Nhưng không được, con nhận ra mình đang bị trói hai tay hai chân vào bốn góc giường, ở giữa bụng là một sợi dây thừng buột rất chặt. Bằng cách nào mà con lại rơi vào tay mụ? Con hoang mang. Con nhớ mình đang ở nhà anh Quốc Việt mà, mụ yêu tinh… mụ phù thủy… tại sao con lại nằm trong tay mụ? Con đang mơ… không phải là sự thật… không… “Á… á…” Con hét toáng lên, vùng vằng cố thoát khỏi lưới nhện. Nhìn thấy mụ con tái người, mồ hôi lạnh lấm tấm vầng trán. - Con đã vào đây rồi thì sao có thể thoát khỏi tay mẹ. He he he. – Giọng điệu của mụ đích thị là yêu tinh, phù thủy. Mụ nhe hàm răng đen đúa gớm ghiếc, mụ cầm trên tay con dao mổ bén ngót, tay kia là ống kim tiêm bằng i nốc (loại ống tiêm gia súc.) Mụ đâm kim vào đầu lọ thủy tinh, hút hết thuốc bên trong, sau đó, đặt cái ống xuống khay đựng dụng cụ. - Bà… bà…định… định làm gì hả? - Con giống như con chuột đang bị con mèo ép vào chân tường. - Con ngoan, sẽ không đau lắm đâu. He he he. - Á…cứu tôi…có ai không, cứu tôi…cứu… - Con cố hét thật to, hét đến mức khản cổ. Mụ bỗng thay đổi trạng thái, từ “dịu dàng” trở nên hung tợn. - Mày cứ hét đi con, để xem thử ai cứu được mày ở cái xứ sở hẻo lánh này. Tao sẽ làm thịt mày, tao thích nhất là mổ xẻ mày khi mày đang còn sống. Tao sẽ móc tim mày ra mày chứng kiến, he he he… trước tiên tao sẽ chít thuốc tê vào vú của mày… tao sẽ cắt từng miếng, từng miếng… he he he… - Á…Khôi Nguyên, anh ở đâu…anh ở đâu? Cứu em với…iii! - Mày ra mặt được rồi đó Rott yêu của tao. - Nói xong, bà ta huýt sáo gọi con chó. Con Rott đen ngòm từ dưới gầm giường bò ra, nó tuy không lớn như trong giấc mơ, nhưng vô cùng đáng sợ, miệng nó chảy đầy nước dãi, cổ họng gầm gừ; chỉ cần mụ ta xịt một tiếng, là nó sẽ xé xác con mồi ngay lập tức. - Đừng nóng, đợi tao ăn xong, sẽ để phần cho mày. Cả lũ chúng mày nữa. – Mụ quay sang nói chuyện với những con mèo. Mụ vuốt đầu con chó, cầm ống tiêm lên… bắt đầu thực hiện những gì mụ đã nói với con, mụ muốn ăn thịt con… mụ điên mất rồi…điên mất rồi… Mụ tiến lại gần con, ngồi xuống giường; những ngón tay ngắn ngủn, béo núc của mụ lần mò trên khuôn mặt con… đi xuống đến cổ… đến ngực… mụ luồn tay vào bên trong áo ngực của con…con gồng người vùng vẫy khi mụ chuẩn bị dí mũi kim tiêm vào… - Á… “Rầm” Cánh cửa bật tung trước một cú đá mạnh kinh hồn. Một người đàn ông xuất hiện trước ngưỡng cửa. “Gừ…gừ…gừ…” - Con Rott chuẩn bị tư thế chồm tới anh ta. - Xịt! Cắn nó đi Rott! - Mụ ra lệnh cho con chó tấn công người đàn ông. --- Lời kể của Quốc Việt. Lời kể của Quốc Việt. Khôi Nguyên có vẻ rất căng thẳng, cậu ấy đang tập trung suy nghĩ cao độ. Rất hiếm khi tôi thấy cậu ấy rơi vào hoàn cảnh như vậy. Phải những vụ án vô cùng phức tạp, những tình huống thật nguy cấp… cũng chưa chắc khiến cậu ấy đánh mất đức tính điềm tĩnh của mình. Ban đầu, Khôi Nguyên còn khuyên nhủ tôi bình tĩnh lại. Nhưng về sau, tôi thấy cậu ấy còn mất bình tĩnh hơn tôi. Cậu ấy đang lo lắng Ngọc Diệp sẽ gặp nguy hiểm. Theo cậu ấy, động cơ của những kẻ bắt cóc không hề đơn giản là đòi tiền chuộc. Bọn chúng còn có ý đồ khác. Cậu ấy vò đầu, bức tóc; đi qua đi lại trong phòng với tốc độ chóng mặt. Biểu hiện gấp gáp của cậu ấy khiến tôi băn khoăn, tôi nghĩ mình nên hỏi xem cậu ấy đang muốn tìm kiếm điều gì. Nghĩ vậy, tôi mở lời: - Này, Khôi Nguyên cậu đang nghĩ gì vậy? Chẳng phải nội dung lá thư đã ghi rõ rồi sao? Đến 5 h chiều chúng sẽ liên lạc lại với chúng ta. Hay là cậu muốn tìm ra nơi chúng đang giữ Ngọc Diệp trước 5 h? Khôi Nguyên đứng lại một chặp, rồi mới nói với tôi: - Mọi việc không đơn giản như vậy đâu Quốc Việt. Tớ thấy trong chuyện này có vấn đề… nhất định là có vấn đề… tớ phải tìm ra động cơ thật sự… chắc chắn đây không phải là vụ bắt cóc tống tiền… - Tớ hiểu mà, cậu cũng bực mình không kém gì tớ. Chúng khiêu khích cả tớ lẫn cậu, chúng biết về chúng ta, trong khi chúng ta mù tịt về chúng. Càng ngày bọn này càng làm tớ điên tiết đấy Khôi Nguyên à! - Cậu nghĩ chúng có gan vậy sao? Chúng rãnh hơi để làm trò hề này ư? Trừ phi… Tôi thấy Khôi Nguyên cau mày. Tôi tò mò muốn biết cậu ấy đã nhìn thấy được điều gì, cậu ấy luôn như vậy. Mỗi khi cậu ấy cau mày tức là cậu ấy phát hiện ra một manh mối đắc giá. - Trừ phi gì cơ? Mắt Khôi Nguyên sáng lên. Môi cậu ấy hơi nhếch, Khôi Nguyên trả lời tôi: - Hừ, tư duy bệnh hoạn thì không thể giống với người bình thường được. Lời cậu ấy nói, làm tôi như người trên cung trăng. Tôi chẳng hiểu ra ý cậu ấy. Tôi còn tưởng Khôi Nguyên suy nghĩ căng thẳng quá nên đầu óc “lú lẫn” luôn rồi. T hư của Ngọc Diệp. T hư của Ngọc Diệp. --- --- Người đàn ông đang vật lộn với con Rott, anh ta vày đầu nó xuống sàn nhà, đấm liên hồi… con chó cũng lì lợm không phải dạng vừa, nó cắn vào bắp tay, vào đùi, vào vai… của anh. Một đòn tấn công chí mạng của nó nhằm vào cổ họng của anh, kịp lúc anh bóp được cổ nó đẩy ra, rồi lao chồm lên người nó trong tư thế đè nó ngã ngửa. Anh nện liên hoàn những cú đấm búa vào bụng nó, bất chấp đau đớn anh vày siết lấy nó… con Rott vùng vẫy, lăn lộn… “ẳng… ẳng… ẳng…” Nó chui tọt xuống gần giường, bất ngờ mụ lao vào, đâm lên vai anh mũi kim tiêm. Người đàn ông dùng tay gạt vào chân mụ, khiến mụ ngã nhào xuống. “Gào… gào…” Những con mèo mặt mập lao vào tấn công anh. Anh chụp cổ một con ném vào tường, trong chốc lát đàn mèo rụt lui lại, đứng sau lưng mụ. “Ngao… ngao… ngao…” Chúng nhe nanh múa vuốt. Người đàn ông đứng thẳng dậy. Mặt mày trầy xước, máu me đầm đìa. Anh chỉ ngón trỏ vào mặt mụ, nói chắc từng tiếng: - Tôi đã nói với bà, nếu còn động đến một sợi tóc của Hoàng Lan thì… Ánh mắt của anh sắt lạnh khủng khiếp. Mụ Thùy Dung sợ sệt bước lùi về phía sau. Miệng nói lẩm bẩm: - Là cậu… là cậu thật sao? Người đàn ông tiến lại chỗ mụ, bất ngờ bị hoa mắt chóng mặt, một cánh tay cứng đờ, rụi xuống. Thuốc tê đang phát huy tác dụng. Mụ trông thấy, mau chóng lấy lại bình tĩnh. Mụ cười điên loạn, trên tay vẫn cầm con dao mổ. - He he he… Đúng là ý trời, đúng là ý trời…tao sẽ làm thịt cả hai đứa chúng bay. He he he he… Vừa dứt lời, mụ lao vào tấn công vị ân nhân cứu mạng con. Mụ la hét điên cuồng, vày lấy tóc anh, vật anh ngã xuống sàn nhà, tay kia mụ cầm con dao mỗ chủ tâm khứa vào cổ anh. Thế Anh gồng người, vận hết sức lực nắm chặt cổ tay mụ đẩy ra xa, không để cho mụ đạt được ý đồ hung ác. - Gừ… gừ… chết đi… - Giọng mụ như ré lên. Thế Anh nghiến răng, trừng mắt, tay anh vẫn giữ chặt tay mụ. Thế Anh đáp lại mụ: - Con quỷ kia! Để xem mày làm gì được tao. Mụ vận hết sức lực để cố sát. Những con mèo đen mặt mập ùa vào cào cấu lên mặt Thế Anh. “Gào… gào… gào…” - He he he… chết nhé…. – Lưỡi dao mổ dí sát lại cổ Thế Anh. - Á…áá... – Con la hét inh ỏi.
|