Làm Dâu Nhà Phú Ông
|
|
#66
-"Thật ạ?" Thằng bé mắt sáng long lanh hỏi lại, thèm nhỏ dãi ra nhưng vẫn xin mợ đừng nói gì với cậu. Mợ thấy nó vô tư thì lòng nhẹ nhõm hẳn, chậm rãi thưởng thức canh ngon, hại cu cậu há hốc. -"Mợ bảo cho con cơ mà? Bà lớn gì mà nói lời không giữ lời." Có đứa lủng bủng chạy ra mở cửa, có người e hèm hỏi chuyện. -"Tại mi đó, có bát canh mà làm như cháy nhà tới nơi, làm mợ tưởng có độc." -"Chả cháy thì thôi à? Huyết yến được thưởng nấu lên tổng cộng có năm bát, chỉ dành riêng cho các vị máu mặt, cậu hai lại sai con đổi bát của cậu đưa mợ, nhỡ bị phát hiện thì có mà ăn cám, cả con và cậu cùng nhừ đòn thôi. Gớm cậu khoẻ cậu sợ gì, có con nè, mợ xem cái thân nhỏ nhắn này xơi ba trượng khéo liệt giường." Thằng nhỏ ấm ức kể khổ. Mợ hiểu mà, nhà trên bao nhiêu quan khách, đồ quý hiếm như vậy cậu không dùng sẽ đến lượt người khác chứ mợ phận đàn bà, bao giờ cho có phần? Cậu hai liều quá, mợ mà biết chuyện từ đầu chắc nửa thìa mợ cũng chẳng dám nuốt. -"Tui thật có phúc!" Mợ cảm thán, nó gật đầu đồng tình. Mợ giúp nó sửa lại mái tóc lởm chởm, nó ngồi bệt dưới đất kể mợ nghe chuyện linh tinh. -"Con tên Húng, mồ côi từ nhỏ, mùa đông năm kia đi núi về bị cảm lạnh, ngất ngay cạnh cổng trường cậu, được cậu cứu, khi tỉnh dậy liền bán thân cho cậu đền ơn. Thực ra ban đầu cậu không chịu đâu, nhưng con sống chết đòi theo, với tại con giúp cậu đuổi khéo mấy cô bám cậu mà." -"Hử? Cô nào? Tưởng trường toàn nam chứ?" -"Là thế, nhưng mấy nhà gần trường thì thi thoảng hàng tháng người thân vẫn qua thăm. Từ đợt cậu đậu thi Hội mấy tên học cùng đã gạ nhận em rể. Con cứ ôm cậu phát các cô chạy mất dép, khổ nỗi có một vị tiểu thư vẫn bám dai lắm, cô ấy thề kiếp này không gả cho cậu thì sẽ lên núi đi tu đó, nghe chừng rất cương quyết." Chẳng riêng tiểu thư đài các, cậu mới về chưa tròn một ngày mà phải tới chục nhà dắt con gái sang tìm mợ. Có nhà chỉ ngỏ lời khéo mong mợ nhận làm chị em kết nghĩa, cho nó ở cùng mợ, thơm lây cái phúc của mợ. Có nhà lại đi thẳng vấn đề luôn, rằng gả cho cậu, giúp mợ chăm sóc cậu, san sẻ gánh lo cùng mợ. Lại có nhà, mười đời bán nước mắm tiếng tăm lừng lẫy cả thôn, trước nom thấy cậu mợ tránh như tránh hủi, thế nào nay cũng ẵm đứa nhỏ còn chưa mọc răng sữa chạy qua thương lượng. -"Mợ xem đáng yêu chưa nè, cái môi chúm chím đúng dáng bà hai của ông Trạng rồi còn gì nữa? Mợ về kêu Trạng rằm tháng sau qua rước em nhé, thầy bu em đãi nhà mợ ăn nước mắm cả đời luôn." -"Ôi chao ôi quý hoá...quý hoá quá, khỏi khí không phải em đây sinh tháng chạp thím nhể?" -"Vâng, đúng mợ ạ, đúng tháng chạp." -"Thôi chết, tháng chạp thì khắc với bát tự của cậu rồi, chán thế chứ nị, đành hẹn thím khi khác vậy!" Mợ ra điều tiếc nuối, đích thân xuống bếp gói ít xôi thịt tình cảm đưa thím, đon đả sai cu Húng tiễn khách. Đoạn, mợ quay lại giật bình rượu từ tay con Thuận, bảo nhường cái chức rót rượu cho mợ. Nó la oai oái, kêu mợ giờ là mợ lớn rồi, ai lại hành xử như thế, còn đâu quy củ phép tắc nữa? Nhưng mợ chả thèm quan tâm, mợ thay bộ váy yếm nâu sẫm giả dạng người làm rồi lén lút đi lên nhà trên, đằng nào cái mâm của cậu cũng toàn mấy quan lớn và bạn học cùng trường mới về chơi ban chiều, có ai biết mặt mợ đâu? Mợ chọn chỗ đứng gần cậu nhất, lúc tiếp rượu cũng chủ ý rót cho cậu vơi vơi, tay cậu thường đón cả chiếc chén lẫn tay mợ. Chỉ chạm chút xíu thôi, cậu còn chẳng nhìn mợ, vậy mà lòng mợ bồi hồi khó tả. Thi thoảng mợ lén cấu eo cậu rồi khẽ nhích người ra chỗ xa xa. Cậu chắc bực mợ lắm, nhưng chẳng trả đũa được. Mợ cười thầm trong bụng, mỗi tội chẳng được bao lâu, tụi bạn của cậu bắt đầu để ý tới mợ, gái quê có cái đẹp của gái quê nhé, nở nang đầy đặn nom sướng hết cả con mắt. Những cái liếc trộm mợ ngày một nhiều, cậu Nguyễn Minh, trưởng nam nhà Thái phó trong men say ngà ngà mở lời. -"Cậu chấm em rồi đấy, ngày mai theo cậu hồi phủ làm bà năm, khỏi cần cảm tạ." -"Tui có chồng rồi, tui chỉ thương mình chồng tui thôi." Mợ cố tình nói to để chồng mợ bớt giận, cơ mà nịnh nọt không ăn thua. Cậu lừ mắt rồi, mợ biết ý cun cút chạy một mạch về phòng. Là phòng thầy Kim bố trí cho mợ, cao ráo thoáng mát, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu. Có ba đứa người làm đợi để hầu mợ tắm gội. Mợ ngượng nên chỉ nhờ tụi nó chuẩn bị nước thôi. Tại khổ quen rồi ý, sướng chịu đâu có nổi. Cả ngày mệt nhoài nên vừa lau tóc xong mợ đã buồn ngủ ríu mắt. Nếu cậu ở đây chắc cậu sẽ mắng đó, tóc chưa hong xong cậu chẳng cho đi nằm đâu. Kệ đi, cậu còn bận tiếp khách mà. Đợt trước có lần đang ăn cỗ nhà con Trang cậu bỏ về cùng mợ đấy, nhưng đã là chuyện khi xưa rồi, lúc ấy cậu chỉ là cậu hai thôi, còn giờ, bao nhiêu cặp mắt nom vào, quan lớn quan nhỏ đều ngồi đó, sao hành động tuỳ tiện được nữa? Cậu cũng có phòng riêng nên chắc đêm nay chả qua chỗ mợ đâu. Với lại mấy cái bọn công tử ấy chắc còn bắt cậu hầu rượu tới khuya, muốn trốn e hơi khó. Mợ nghĩ xong gà gật lúc nào không hay, mãi tới khi kẻng đánh canh tư, bị chuột trêu mới mơ màng càu nhàu. Gớm, tưởng nhà cao cửa rộng thì phải hơn túp lều rách chứ, thế nào mà chuột vẫn hoạt động ầm ầm mới tài. Chuột dưới kia mợ meo meo mấy câu là im re, chuột trên này láo nháo dễ sợ, mợ đạp vài chưởng rồi mà nó vẫn chứ chọt vào lòng bàn chân mợ. Xong còn bò qua váy mợ, lần theo bắp chân mợ, cứ thế nhích dần nhích dần, miết một đường từ eo tới bả vai, tới lúc mợ phát hiện ra mợ vừa chửi oan con chuột thì cả người đã bị đè đến mức không nhúc nhích nổi. Sống mũi ai kia chạm ngay sống mũi mợ, trán cụng trán, hơi thở quen thuộc dồn dập đan xen. Lồng ngực mợ căng cứng, mấp máy môi nhưng lại chẳng thốt ra được chữ nào, chỉ biết vòng tay qua ôm người đó chặt thật chặt. Là chồng mợ, cậu của mợ. Là ba cái Tết mợ đợi, mợ chờ. Là nỗi nhớ khắc khoải đằng đẵng từng ngày, là những đêm ôm gối khóc tức tưởi, là những chiều chạy mải miết theo con đê làng hóng tin tức. Tất cả, gói gọn ngay trong vòng tay mợ, sự thực mà ngỡ như đang mơ? Cổ áo bị nới lỏng, có bàn tay luồn qua lưng mợ, trìu mến vỗ về. Những chiếc hôn nhẹ nhàng quanh xương quai xanh, quyến luyến trên bả vai mềm mại rồi mơn man dọc theo cần cổ trắng ngần, da dẻ mợ tê rần một màu mận chín. Tay mợ bất giác mềm oặt, vô thức buông thõng, ai đó bắt lấy đôi bàn tay lạnh toát ấy, đặt cẩn thận lên vùng bụng nhỏ nhắn, đoạn lại dùng sức ép cả người sát vào với mợ, má áp nhẹ lên chiếc yếm đào, tay vân vê dây yếm mảnh dẻ, ánh mắt trìu mến ngắm nhìn những lọn tóc bồng bềnh, giọng thủ thỉ khàn khàn. -"Nhớ mợ đến kiệt quệ!"
|
#67
Khoảnh khắc gặp lại cậu, tình huống như thế nào, đối diện ra sao, nói với nhau những câu gì, đêm đêm mợ đều nghĩ đến. Cậu đi một lèo mấy năm liền, mặc cho mợ bao biện thi thoảng cậu ghé qua nhà lúc tối muộn, dân làng vẫn đồn đại đủ thứ, có người bảo hôm bữa đi công chuyện dọc đường thấy vụ chết đuối, nom giống cậu hai lắm, có kẻ lại khẳng định cậu lấy vợ mới, trốn quê định cư luôn huyện bên đó. Dẫu biết toàn tin gà tin vịt, nhưng tâm trạng người ở nhà đợi người đi xa nó bồn chồn, nó sốt sắng ghê lắm, mỗi lần nghe lại một lần thót tim. Lo chứ, lo cậu ở nơi mới lạ nước lạ cái không quen, lo cậu ốm, lo cậu bị thầy phạt, ép luyện tập cực khổ, lo trăm lo vạn thứ, lo nhất là cậu quên mất mợ. Nhỡ mợ già quá, cậu nhận không ra thì sao? Hoặc nếu có nhận ra, sợ cậu chê gái quê một cục, không xứng với cậu nữa. Mợ tính trời tính đất cũng chưa bao giờ tính tới việc sẽ bị kéo vào đám đông như hồi chiều, rồi ngay lúc này đây, người ta còn đang nằm lim dim trên người mợ. Nhớ mợ đến kiệt quệ...chỉ vài từ thôi cũng đủ xoa dịu những cô đơn, tủi nhục của mợ mấy năm qua. Kiệt quệ? Thực ra mợ cũng sắp kiệt quệ rồi, chìm trong hũ mật, ngọt đến kiệt quệ! Mợ xót chồng cả ngày vất vả nên cố nằm ngoan không cực quậy. Một canh giờ trôi qua, mợ nghe giọng thằng Húng thì thụt vọng vào. -"Mợ hai...mợ hai...cậu hai có trong đó không...mợ mau gọi cậu dậy đi, theo lệ thì sáng nay phải đi phát quà cho mấy hộ nghèo, phú ông đang đợi cậu ở nhà lớn rồi, trưởng thôn cũng sắp sang đó." -"Không có, ơ hay cậu đi đâu được nhỉ? Mi chạy loanh quanh tìm xem!" Mợ muốn cậu được chợp mắt thêm lát nữa lấy lại sức nên tỉnh bơ đáp, thằng nhỏ tin liền, cun cút vâng lệnh. Mợ nào có biết cậu cũng chỉ nằm chứ không ngủ, mợ vừa dứt lời thì vành tai đã bị nhá nhá, cậu kêu phạt mợ tội gian dối. Là phạt á? Phạt kiểu gì không phạt, phạt kiểu này thì...chết mợ mất thôi! -"Tui còn nói xạo nhiều chuyện lắm ý." Mợ bạo gan khiêu khích, cậu bấu eo mợ đau điếng, mợ còn chưa kịp la thì cánh môi đã bị bao phủ. Là cậu chủ động hôn mợ, hơi thở nồng ấm còn thoảng chút vị rượu hoa quế khiến mợ dường như cũng chao đảo theo men say, mợ ngây ngô đáp lại, đầu lưỡi nhỏ tinh nghịch chạm vào đầu lưỡi cậu. Ghẹo cậu chút thôi mà bị trả đũa dồn dập, mãnh liệt đến mức đầu óc mợ chuếnh choáng, có những lúc mợ tưởng như mình không thể thở nổi, cả người ngột ngạt tê dại. Cậu vội nằm sang bên cạnh, ban nãy thấy mợ cậu chẳng nghĩ được nhiều, chỉ khát khao muốn gần mợ, chạm vào mợ, quên mất rằng mợ rất nhỏ, còn cậu, đâu hề nhẹ. Bị đè lâu như vậy, chắc đau lắm, nhưng lại cứ lặng thinh, cậu đi lâu là thế, ở nhà bươn chải nhất định rất cực, vậy mà vẫn lo cho bu cậu, vẫn một lòng đợi cậu, ngốc quá! Mợ nghiêng người quay sang ôm cậu cười cười, gò má tròn đầy phúc hậu ghê lắm. Một hồi quấn quít khiến dây yếm của mợ hơi lỏng, mảnh vải đỏ tươi quây hờ hững quanh cổ áo tứ thân vô tình để lộ thanh xuân rực rỡ, những ngón tay ram ráp chạm tới nụ hồng e ấp, khẽ mân mê cọ cọ. Má mợ ửng hồng, lòng bàn tay rộng lớn chậm rãi bao bọc nơi ấy, nhè nhẹ vỗ về như xoa dịu trái tim đang run rẩy của mợ. Cậu nhìn mợ rất lâu, rất chăm chú, ánh mắt cậu, có chút gì đó trìu mến, chút gì đó ấm áp, ngọt ngào không sao diễn tả nổi. -"Mợ hai, con tìm khắp nơi không thấy cậu đâu cả, con biết thừa mợ nói điêu rồi nhá, thôi có gì để tối làm tiếp, nhanh nhanh mợ ơi kêu cậu ra kẻo phú ông tẩn con nhừ đòn giờ!" Tiếng đập cửa rầm rầm, tiếng kêu than oai oái hại mợ ngại chín người, vội vàng chỉnh lại váy yếm, búi tóc tai gọn gàng chạy ra mở cửa. Thằng Húng cười hề hề, bên cạnh nó là ba đứa người làm đang đứng trực, đứa cầm khăn đứa bê chậu nước đứa đem áo quần mới chuẩn bị phục vụ cậu. Gớm em nào cũng váy áo xúng xính, son phấn rõ dày, thôi đi ạ, chồng mợ, mợ hầu, khỏi mượn ai. Mợ đuổi hết, một mình khệ nệ bê đồ vào trong, cậu nom cái dáng lúi húi của mợ, chợt tủm tỉm cười. Mợ được cái tháo vát, làm đâu gọn đấy, mỗi tội so với đàn bà cùng thôn thì tính hơi ích kỷ thôi, máu ghen cũng kinh lắm, vừa giúp cậu cài khuy áo vừa truyền tin vịt. -"Nghe đồn mấy đứa đó năm ngoái bị ghẻ đó, cậu đừng để nó động vào người, cẩn thận không lây thì toi." -"Thì chọn đứa nào không ghẻ." Cậu trêu, mợ nhanh nhảu báo cáo. -"Ôi dào, dịch ấy mà, đứa nào cũng bị hết, cả cái thôn này mỗi tui là không dính thôi, tại tui đi gặt thuê ở xa mà." Eo chồng mợ gật gù liền kìa, mang tiếng Võ Trạng Nguyên mà trẻ người non dạ ghê. Mợ sương sướng, tung tăng theo cậu lên nhà lớn, bà cả mặt còn xanh xao nhưng đã dậy sớm ngồi vào mâm rồi, từ giờ trở đi cậu mợ cùng bà hai cũng có tư cách dùng bữa cùng. Đã là ngày cỗ thứ hai nhưng khách khứa vẫn đông lắm, sân trên sân dưới toàn người là người, nom thấy cậu Lâm bà Yến uất nghẹn họng, bà thề nếu có thể bóp chết cậu bà cũng bóp rồi ấy chứ. Bỏ độc vào thức ăn, sai người dìm xuống giếng, đập đá vỡ đầu, cách nào bà cũng từng nghĩ qua. Cơ mà nghĩ chơi chơi vậy thôi, chứ muốn thực hiện, e rằng hơi khó. Thời thế thay đổi, cậu đâu còn là thằng trẻ ranh nghèo kiết xác thân phận hèn mọn như trước để mà muốn làm gì cũng được? Sắp làm quan lớn, tương lai chức vị kiểu gì cũng bỏ xa cha bà, nhất cử nhất động đều có bao nhiêu con mắt nhòm vào, sai một li chắc đi ngàn dặm, không khéo cậu cả phải ăn cơm tù cùng bà, bà nào dám manh động. Nhưng cũng chẳng thể để bà hai làm càn. Bà đã ra mặt, thì tất nhiên người sánh bước lên phú ông là bà. Bà hai phận làm lẽ, tốt nhất yên ổn đi hàng sau. Bà Phúc ức khỏi nói, vừa nhai đùi gà vừa vắt óc nghĩ cách, suy tới tính lui cuối cùng cũng có kế, ấy chính là lát nữa trước khi ra khỏi cửa, bà sẽ ngáng chân, cho bà cả ngã sấp mặt đi. Chỉ có điều, chẳng ngờ được tiểu thư bữa nay bớt điệu. Không những không ngúng nguẩy như mọi khi, ngược lại còn chậm rãi từng bước, nghiến răng nghiến lợi chọt cái gót giày gỗ nhọn hoắt lên chân bà. Bà đau tới ứa nước mắt, rốt cuộc đành phải ở nhà chén thêm cái đùi gà nữa. Cậu hai xa nhà nhiều năm, phong thái đĩnh đạc hơn hẳn. Mợ Chi nghe cậu thưa chuyện với mấy người cao tuổi, thấy hay hay liền ngoảnh sang bắt cậu cả từ nay thôi đừng cứ "tui tui" kiểu trẻ con với nhau nữa, xưng "tôi" bắt chước cậu hai kìa, giống thầy bu với trưởng thôn nữa, người lớn dần đi là vừa. Mợ Trâm phì cười, nhưng mợ cũng ghi nhớ luôn. Cả nhà đi phát quà được nửa thôn thì thằng Húng tươi hơn hớn lao tới tìm cậu hai, nó kêu tiểu thư gửi thư cho cậu. Mặt cậu rạng rỡ lắm, đọc thư xong còn cẩn trọng nhét vào ống tay áo, tâm trạng vui vẻ hơn hẳn. Sống lưng mợ bất giác lạnh buốt, chân đi theo mọi người nhưng tâm trí thì ở nơi nào mất rồi, mợ cứ bần thần mãi, đến khi một đám đông chạy qua làm ầm ĩ mới ngớ người. -"Mợ Trâm, hôm qua mợ kêu tháng chạp không hợp bát tự với cậu phải không?" Bà bán nước mắm hỏi, dường như chỉ đợi cái gật đầu của mợ, bà bán xôi ngay lập tức chen vào. -"Ừ, con Mai cháu họ tôi, sinh tháng giêng, mợ cũng bảo không hợp bát tự." -"Dạ vâng, thực sự không hợp thím ạ." -"Thế mấy người xóm trên, con nhà bà Song sinh tháng hai, con bà Ca tháng ba, con bà Vy tháng tư, con bà Giang tháng năm, con ông Tiệp tháng sáu, mợ đều kêu không hợp bát tự. Rồi chưa kể xóm dưới, từ tháng bảy qua tháng mười một, tháng nào cũng khắc. Vậy rốt cuộc tháng nào mới được hử mợ? Rốt cuộc mợ sinh tháng nào? Bữa nay mợ nói rõ ràng ra đi xem nào!" Ôi chao ôi, cả đám các bà sồn sồn lên như cái chợ vỡ, mợ cảm giác mấy mụ sắp xé xác mợ đến nơi không bằng. Mợ cuống quá hoá rối, tính sao đây? Tự mợ mua dây buộc mình mà, cậu lại sắp tới nữa chứ, cậu mà biết mợ lén từ chối một đống bà hai tương lai chắc cậu giận mợ lắm. Mợ biết mà, mặt cậu lừ lừ kia kìa, đến khổ. Mợ đứng trân trân một chỗ, biết tội nên cúi gằm mặt chẳng dám nhìn thẳng vào mắt cậu. Thế rồi tự dưng mợ nghe giọng cậu trầm trầm. -"Tháng mười ba. Mợ sinh tháng mười ba, tháng mười ba cũng hợp bát tự tôi."
|
#68
Tháng mười ba là tháng nào hử? Có phải giữa tháng chạp và tháng giêng không? Là cách tính của người trên kinh thành à? Phải chăng trên đó tháng ngắn hơn dưới thôn quê nên một tháng mới nhiều ngày? Hội các bà các mẹ bắt đầu nhao nhao bàn luận, hiển nhiên vẫn có mấy thím tinh ý hơn, biết thừa Võ Trạng Nguyên lấp liếm bênh vợ, nhưng mà thôi, đã nói tới mức đó nghĩa là Trạng cũng chẳng ưng, có lẽ phải tìm tới bà hai thưa chuyện vậy. Khổ nỗi, bà hai giờ kiêu ngang bà cả chứ đùa à. Gớm, gả cho cậu? Nguyên mợ Trâm gái làng còn chưa đủ hay sao? Muốn rước thêm cả dàn đồng quê về nữa hử? Mơ đi, giờ muốn làm con dâu bà, chí ít cũng phải con quan lục phẩm trở lên, nhé! Đám đông giải tán dần, trong khi đó đoàn người đi phát quà đã bắt đầu đến nhà vợ chồng ông Tứ. Con trai ông Tứ thua bạc, đem trâu đi cắm mà vẫn chưa đủ trả nợ, nhà cửa tan hoang xơ xác, nghe nói Tết vừa rồi còn không có nổi cái bánh chưng. Cậu hai đặc biệt cho vợ chồng ông thêm năm quan tiền lấy vốn làm ăn, ông bà mừng mừng tủi tủi, chẳng rõ cậu còn nói gì nữa mà khiến bà vợ ông Tứ khóc lóc um sùm, đến đầu chiều thì tự động ra đình gõ kẻng thú tội. Rốt cuộc sau bao nhiêu năm, mợ Trâm cũng được giải oan cái vụ ăn cắp, sự thật là mợ chỉ đi mót lúa sót thôi, lấy đâu ra nửa sào ruộng mà chôm chỉa cơ chứ. Dân làng bấy giờ mới rõ đầu đuôi câu chuyện, thi nhau bu vào xin lỗi mợ, nịnh nọt mợ, mong mợ tha cho cái tội móc mỉa đặt điều không hay về mợ. Một điều dạ, hai điều vâng dạ, ba điều mợ lớn, cái kiểu người ta cứ gặp mình là khép nép kính cẩn, mợ Trâm quả thật vẫn chưa quen nổi. Mợ ngượng chín mặt, len lén chạy ra chỗ cậu với cu Trí đang bàn chuyện. Vừa có người sang báo tin con Dung mới bị đánh sưng trán, thằng bé sốt sắng lắm, nó cầu cậu hai sớm mai đi chuộc vợ giùm nó. Bởi cỗ ngày thứ ba chủ yếu khách của phú ông thôi nên cậu đồng ý liền. Cậu với nó quyết nhanh quá, hại cả nhà Trâm toán loạn chuẩn bị. Bên ngoài Toàn Trí, cậu hai cùng lính của cậu trang hoàng nhà cửa thì bên trong Trâm, Trang tất bật may váy yếm cho nàng dâu mới. Chuyện cỗ bàn đã có bu Trinh, các thím các dì lo toan, cả hội bà tám rộn ra rộn ràng ghê lắm, vú Năm lên tiếng móc mỉa. -"Đó, thím Vân nói đúng mà, cậu có rước ai đâu." -"Ôi dào, ba mươi chưa phải Tết nghe! Với có mấy quả đậu mà lâu la kề cà thế, nhanh nhanh cái tay lên." Dì Hồng bĩu môi dằn mặt vú, thằng Thóc con Lúa lững chững bò tới, dì véo cho mỗi đứa ít xôi rồi xui ra đòi cậu hai bồng cho lây cái thơm của cậu. Chúng nó nghe lời nhí nhéo chạy tới ôm chân ông Trạng, cậu nhấc bổng tụi nó lên, ôm thằng Thóc trước ngực, kiệu con Lúa trên vai, hai đứa cười khanh khách, ngay cả con chó cũng ngó lên đầy ghen tỵ. Phía trong mợ Trâm mặt mày u ám, từ cái lúc biết tỏng mợ chối bà hai của cậu, bề ngoài thì tỏ ra bình thường giữ thể diện cho mợ, chứ trong lòng chắc ghét mợ lắm, suốt từ sáng tới giờ chẳng thèm nói với mợ câu nào. Mãi đến khi trời khuya, cả nhà đi nghỉ hết rồi, còn mỗi cái yếm nhỏ mợ đem ra ngoài hiên dựa theo ánh trăng cố may nốt mới thấy cậu đi tới ngồi xuống cùng, cẩn thận khoác cho mợ chiếc áo choàng. -"Tôi tưởng cậu hai hết thương tôi rồi cơ. Cả ngày tôi lảng vảng quanh cậu suốt mà cậu cứ lờ tôi hoài." Mợ nhớ lời mợ Chi nên đổi cách xưng hô, trình bày vô cùng trịnh trọng. Cậu vòng tay qua ôm mợ, cằm ghì nhẹ lên vai mợ nhưng vẫn lặng thinh. -"Đang còn bực tôi hử?" Bực chứ, không bực mới là lạ đấy. Khi xưa cậu làm mặt lạnh cái là mợ cuống quít tít mù, lao vào ôm cậu, nhảy lên người cậu, chui rúc bấu víu. Nay thì sao? Lúc chiều cậu đứng ở bụi chuối rõ lâu mà mợ chẳng quấn cậu như trước nữa. Tất nhiên tức tức vậy thôi chứ cậu không nói ra, lầm lì một hồi lâu, đợi tới lúc mợ khâu xong mũi cuối cùng, quay sang thơm chụt một cái lên trán cậu, ra sức năn nỉ mặt cậu mới bắt đầu dãn dãn ra. -"Thôi tôi xin mà, rước mấy cái đứa đấy về làm gì cho chật nhà. Bà hai, bà ba, bà tư hay bà năm, để tôi làm tất cho, nha." Tay mợ dịu dàng luồn qua tóc cậu, nịnh nọt, ỉ ôi, mè nheo đủ trò. Thực ra mợ vẫn thế, chẳng qua nghe lời bu nên ban ngày giữ ý cho ông Trạng thôi, chứ lúc không có ai mợ khác hẳn, có quan tâm tới lễ tiết phép tắc mấy đâu, cứ thế chủ động trèo vào ngồi trong lòng cậu, nép mặt vào ngực cậu thỏ tha thỏ thẻ. -"Nếu còn chưa hết giận hay là cậu hai phạt tôi đi, phạt như tối qua ý." Chịu mợ, khôn lỏi là không ai bằng. Nhưng đối diện với cặp lông mày đen nhánh, mi mắt cong vút đang chớp chớp lấy lòng, tim cậu cũng loạn nhịp, cũng chẳng có cách nào cưỡng chế. Cậu cúi xuống, nhá lên gò má tròn đầy, lần này thực sự là phạt thật, bởi mợ thấy đau râm ran, eo còn bị nhéo, nhưng chẳng như mọi khi chỉ nhéo không, bàn tay kia lần qua váy mợ, trêu chọc nơi nhạy cảm nhất. Cả người mợ nóng rẫy, lồng ngực phập phồng tưởng chừng muốn nổ tung. Gió thổi mây trôi bồng bềnh, trăng khuất dần dần, gà trong chuồng bắt đầu gáy té le, phía buồng nhỏ đã vang tiếng bu Trinh đánh thức con Trang, mợ thẹn đỏ mặt, ngượng ngượng nhoài người xuống. Cậu thế mà không có nửa điểm bối rối, giúp mợ soạn đồ rồi chuẩn bị sang nhà con Dung. Lần đầu tiên mợ hai được ngồi kiệu mười sáu người khiêng, lính gặp mợ cúi đầu rầm rập, hại mợ bối rối quá cơ. Cậu mợ phải sang trước thương lượng chuyện chuộc vợ, tháng chín năm ngoái mợ với cu Trí, vợ chồng Trang Toàn sang một lần rồi đó chứ, mang hẳn năm chục quan tiền mợ gom góp lúc trước để đổi vòng, cơ mà nhà đó thấy nhà mợ cần người quá nên kiêu không chịu. Hi vọng lần này cậu ra mặt sẽ khác. Cậu mợ vừa xuống kiệu đã bắt gặp cảnh con Dung ngồi rửa rau ngoài giếng, thằng chồng tay cầm điếu cày đập liên tục vào đầu nó, miệng chửi inh ỏi đòi tiền đi uống rượu. Dung nó đã không còn là con nhóc ngố tàu năm xưa nữa rồi, máu rỉ đầm đìa dưới trán mà vẫn im phăng phắc, việc nó nó làm, việc chồng nó đánh, nó mặc kệ. Mợ Trâm vội chạy vào kéo con bé về phía mình, thằng kia đang định choảng mợ thì bị cậu Lâm túm cổ áo, nhấc lên, rồi một phát ném thẳng vào chuồng lợn. Thầy nó đang băm bèo gần đấy, cầm dao ra hực máu quát lớn. -"Mả cha thằng nào oánh con ông, ông băm sống nghe." Hùng dũng là thế, vậy mà khi dân làng chỉ trỏ vào ông Trạng, chân tay lại run cầm cập, con dao phay bất giác rơi xuống, toàn thân sững sờ hoảng hốt. Trạng kiệm lời, chỉ hỏi ông đúng một câu, rằng giờ muốn đưa thằng con ông xuống phố huyện để quan xử tội hành hung gây thương tích hay muốn nhận tiền rồi trả người? Tất nhiên, ông đâu có ngu mà chọn phương án một. Mọi chuyện coi như ổn thoả, mợ Trâm đưa cái Dung về nhà nó, giúp nó cầm máu, trang điểm rồi thay váy yếm. Nó cứ khóc hoài, nãy chồng đánh không khóc, giờ lại sướt ma sướt mướt, khóc từ lúc thằng Trí sang rước về đến khi đôi vợ chồng trẻ mời nước hàng xóm láng giềng. Đôi lúc vẫn có vài người xì xào bàn tán, mỉa mai bu Trinh mang tiếng mẹ vợ Trạng mà rước phải đứa con dâu bẩn, hàng tồn, đồ bỏ đi, nhưng bị mợ Trâm chấn chỉnh ngay, nói nhăng nói cuội mợ chửi cho vỡ mặt ý chứ. Cũng may giờ mợ lớn rồi nên người ta cũng nhịn đôi ba phần, chứ không lại cãi nhau to. Bu nhìn mợ, lắc đầu cười khổ. Đúng lúc bu chuẩn bị mời quan khách vào mâm thì có lính đến truyền tin, quan về làng, thông báo về việc nhậm chức của Võ Trạng Nguyên. Cậu hai ngay lập tức phải ra đình, mọi người cũng ồ ạt kéo theo hóng hớt. Cậu được bổ nhiệm làm Đề đốc, được nắm giữ binh quyền, Chánh nhị phẩm. Vì cậu cũng thi đỗ Thám Hoa bên văn nữa nên còn được thăng thẳng lên làm Trấn thủ, quan đứng đầu và quản chế trấn Đoài. Cái xã nãy, huyện này thì chính là thuộc trấn Đoài đó, nhưng là phạm vi thôn quê rừng núi xa lắc xa lư thôi, chứ còn ở trung tâm của trấn nhộn nhịp sầm uất lắm, người ta hay gọi là xứ Đoài, một trong tứ trấn lừng lẫy có vị thế quan trọng, bao bọc quanh kinh thành tráng lệ. Thế nghĩa là chức còn to hơn cả cha của bà cả Đinh Phi Yến cơ đấy! Ôi cái làng này, mát mặt ghê nhỉ? Đã làm quan thì chớ, lại còn được ban biệt phủ rộng hai mươi mẫu đất, mợ Trâm nghe hoang mang kinh hồn, xưa ước có sào ruộng để cấy cũng khó, nay lại những hai mươi mẫu đất lận, cộng thêm gần trăm kẻ ăn người ở đi kèm, gì vậy trời? Gà ri hoá phượng hoàng đây hử? Ý nghĩ thoáng vụt qua trong đầu, mợ lén che miệng cười thầm. Người làng tay bắt mặt mừng ôm nhau nhảy cẫng lên, già trẻ gái trai ai ai cũng sướng. Đám cưới cu Trí càng thêm phần náo nhiệt, mọi người đến chúc cứ phải gọi là ầm ầm, người có ngô cho ngô, người có nếp biếu nếp, vợ chồng trẻ thi nhau hưởng sái quan lớn. Phú ông quyết định mở tiệc thêm bảy ngày nữa, bà cả ngất xỉu, tháng sau cậu mới chính thức nhậm chức nhưng bà hai đã ra giá trước. -"Cậu xa nhà nhớ bu quá thì về thăm bu thôi chớ bu không chuyển xuống trấn đâu, hàng tháng nhớ gửi bu tiền là được...à...thêm tổ yến nữa... cả bào ngư với gấm vóc lụa là, có gì đẹp cậu cứ khuân tất về cho bu nhé! Cả đời bu lam lũ vất vả vì cậu, giờ cậu không phụng dưỡng bu thì phụng dưỡng ai nữa, cậu nhể?" Cậu lễ phép dạ, mợ dự tính tối sẽ rất đông khách từ các nơi tới kêu con Thuận chuẩn bị nước để tranh thủ gội đầu. Cậu cũng lén vào cùng, vò bồ kết giúp mợ, mợ đang tư thế cúi xuống nên cậu không nhìn được mặt mợ lúc này, cười toe toét luôn à. Khổ nỗi ghét cái thằng Húng, nó lại nhí nhéo ngoài cửa kêu cậu ra đình gấp, tiếp tục có quan về, tiếp tục có tin mừng. Cậu đi rồi, mợ vội vàng gột tóc cho sạch, đoạn với cái khăn, cũng nhanh nhanh chóng chóng định ra chung vui với cậu. Cơ mà có lẽ không cần, vì cô Mõ đã đi gõ kẻng khắp làng, lanh lảnh rêu rao. -"Thứ nam nhà phú ông, Trấn thủ xứ Đoài, học rộng tài cao, tính tình hào sảng, vinh dự được quan Thái phó cùng quan Chưởng cơ chọn làm rể, tiểu thư nhà quan Thái phó gả cho cậu làm chính thê, tức mợ lớn, tiểu thư nhà quan Chưởng cơ gả cho cậu làm mợ ba."
|
#69
Mới có mấy ngày thôi mà toàn chuyện vui đáo để, phú ông tâm trạng lâng lâng như trên mây. Tiểu thư nhà Chưởng cơ, đổi một nửa gia tài của ông may ra thì rước được, nhưng nhà quan Thái phó trước giờ chỉ liên hôn với Hoàng thân quốc thích, có bán hết ruộng vườn đất đai e rằng cũng không mang được kiệu vào sân lớn. Ấy thế mà, chả phải bán gì sất, quan điềm nhiên chấm cậu hai, chuyện thật như đùa. Ai mà tin cho nổi? Tranh đấu chốn quan trường xưa nay vốn khốc liệt, vì đâu mới vừa đỗ Trạng cậu đã thăng tiến nhanh vậy? Lẽ nào cậu có người chống lưng? Người đó, phải chăng chính là Thái phó? Nếu vậy thì tốt quá, phúc phận nhà ông để đâu cho hết đây hử? Ông rít điếu thuốc lào, mơ màng thả hồn lơ đãng. Ngược lại, con dâu cả của ông đầu óc căng hơn dây đàn. Chết toi, cậu Lâm xấu như quỷ mà vừa mới làm Trạng quan đã gả con gái, cứ cái đà này nhỡ cậu Hưng đỗ không khéo Thánh Thượng ban công chúa cũng nên. Ôi chao ôi, có trách cũng chỉ trách cậu thôi. Ở đâu ra cái người trắng trẻo bụ bẫm, ngon giai đến thế hả trời? Lòng dạ mợ thấp thỏm, cuống quít lao tới thư phòng rủ cậu đi chơi. Mợ quyết rồi, từ nay sẽ chỉ học đủ đỗ Thám Hoa là được, không đỗ cũng kệ, mợ tình nguyện ở cái chốn làng quê này với cậu cả đời. Cậu trìu mến nhìn mợ, mấy bữa nay đi đâu cũng thấy ca ngợi thằng hai, tâng nó lên tận trời cao, tiệc tùng ca múa từ sáng đến tối, rõ làm màu, rõ nhàm chán, hại cậu phát mệt. May còn có mợ thương cậu, cùng cậu xuống phố huyện, thi thoảng cho cậu nghe ngóng con hĩm trong bụng. Trong xe ngựa, cậu mợ đang tình củm ngút trời thì tự dưng bên ngoài có mấy thằng ôn con chặn đường, nháo nhác hỏi tung tích mợ Trâm. Ơ hay, mợ hai ở đâu cậu hai còn không biết, mắc mớ gì đến lượt cậu biết? Khổ cái cậu chưa kịp xỉa xói đã bị mợ Chi đưa tay bịt miệng, mợ mở rèm xe, kêu tụi nó thử lên thác nước trên núi xem. Bọn lính cúi đầu cảm tạ, cậu hai đứng cách đó rất xa nhưng hình như cũng nghe được, vội vã lao đi. Cậu và mọi người đã tìm mợ gần một canh giờ, khắp các hang cùng ngõ hẻm quanh làng đều không thấy, lời nói của mợ Chi xem như thắp lên chút hi vọng nhỏ nhoi, mà rốt cuộc, trên thác rộn ràng là thế, tiếng chim chóc ríu rít, tiếng thú rừng hú vang, tiếng lính nhao nhác tìm người, nhưng lại không có tiếng của mợ. -"Cái thuở Võ Trạng Nguyên còn phận hèn, rất nhiều người muốn hỏi Trâm, nhưng mợ nhất định không chịu, chỉ một lòng muốn gả cho cậu." Giọng bu Trinh buồn buồn, cậu ngạc nhiên quay lại, cẩn thận đỡ bu xuống dưới, vừa đi bu vừa tâm tình. -"Ba cái Tết cậu xa nhà, phần vì chuộc vòng, phần vì sợ cậu thi rớt, sợ cậu bị áp lực nên mợ ra sức dành dụm. Nền bà con gái liễu yếu đào tơ, muốn kiếm tiền thì cùng lắm đi mò cua bắt ốc hoặc dệt vải, làm bánh, nấu chè đem bán. Đằng này mợ tham, mùa khoai người ta thuê gánh đồng ý liền, đêm về vai bầm tím cả mảng, đến mùa lúa gặt thuê cấy thuê đủ cả, đỉa bám dầy dặc quanh bắp chân, có bữa nhai cả nắm lá thuốc vẫn không cầm hết máu." Nhắc lại xót con gái, bu ứa nước mắt, bu kể hôm nghe tin cậu sắp về, vì lo cậu chê già nên mợ vội vã chạy ra chợ mua son phấn để trát. Bu biết dù mợ có trát mấy tầng thì cũng chẳng đẹp được bằng con quan, bu hiểu tính mợ đôi lúc bốc đồng, ích kỷ hẹp hỏi, nhưng bu vẫn mong cậu nể tình xưa, sau này đừng hắt hủi mợ, tội nghiệp mợ. Cậu toan nói đôi lời trấn an bu, nhưng cổ họng nghẹn đắng. Cậu vẫy tay ý bảo lính đưa bu về trước, còn mình thì trầm ngâm rẽ qua thác nước. Vẫn khu đất trống đó, vẫn là cái cây sồi già đại thụ, dưới gốc sồi có ngôi nhà nhỏ do chính tay cậu dựng, qua năm tháng, màu gỗ đã bạc đi nhiều. Bên trong, ai đó đang nằm co quắp một xó. Thấy mợ, những tưởng sẽ nhẹ nhõm đi phần nào, nhưng nghe tiếng mợ khóc tức tưởi, lòng cậu lại trĩu nặng. Tay cậu áp lên bắp chân mợ, trầm trầm hỏi. -"Đỉa cắn, còn đau không?" -"Chân không đau, cơ mà tim đau, đau muốn chết luôn đây này!" Mợ gào ầm ĩ, cậu khổ sở ngả người xuống bên cạnh, vòng tay qua ôm mợ vào lòng, cẩn thận kéo trễ vai áo, môi miết nhè nhẹ trên bả vai nhỏ nhắn, nơi đã từng bị quang gánh hàng đè đến tím tái. -"Đọc cho tôi tờ giấy này!" Mợ ấm ức ra lệnh, cậu ngoan ngoãn nghe lời. -"Mười tạ gạo tẻ, năm tạ gạo nếp, hai tạ đỗ xanh, một tạ lạc..." Cậu càng đọc mợ càng nổi máu điên. Rõ ràng thư tình mà, thư mợ lấy trộm trong phòng cậu, móc đâu ra gạo đỗ lạc? Mợ hỏi ai gửi, nghe đáp án quan Thái phó, cảm giác thất vọng tràn trề, sự thực là của tiểu thư, tiểu thư nào thì mợ không rõ, hà cớ gì cậu phải giấu giếm? Mợ buồn bực tránh cậu, ánh mắt u uất nhìn thẫn thờ qua cửa sổ. Mỗi khi cậu buồn, chỉ cần mợ ríu rít bên cạnh tâm trạng cậu sẽ khá hơn nhiều. Bởi vậy, lần này thấy mợ tủi thân cậu cũng muốn gần gũi mợ, an ủi mợ. Cậu ghé sát mợ hơn, hàng khuy nhỏ bị tháo dần, từng nụ hôn mải miết rong ruổi dọc theo sống lưng mợ, eo mợ, cậu cũng hôn rất lâu. Mợ không rõ vì sao cậu lại thích eo mợ đến vậy? Tiểu thư thì sao? Cậu thích cô ấy ở điểm nào? Rước tiểu thư về rồi, cậu sẽ tình cảm với cô ấy, dịu dàng như cái cách cậu đối xử với mợ bây giờ, phải không? Tay cậu đưa lên rút dây yếm, nhưng mợ lại vô thức giữ lấy, giọng mợ khản đặc. -"Cậu về đi, tôi muốn ở một mình!" Mợ đã đuổi cậu, như thế đó. Giá kể cậu đừng gian dối mợ chuyện bức thư, giá kể cậu rủ mợ cùng bỏ trốn hoặc hứa đại dù có bao nhiêu vợ sẽ vẫn thương mợ như xưa. Giá kể cậu nán lại, dỗ ngọt mợ vài câu. Nhưng không, lòng mợ, cậu chẳng hiểu gì sất. Khi đó giận nên nói lẫy chút, mợ đâu có ngờ rạng sáng hôm sau về làng, đã không còn được gặp cậu nữa, bên tai mợ, chỉ văng vẳng tiếng trách móc của thằng Húng. -"Chính mợ ép cậu vào chỗ chết. Tôi hận mợ."
|
#70
Sao có thể? Vừa mới đêm qua cậu còn sai con Trang lên núi ngủ cùng mợ, cậu lo mợ đói nên nhờ nó đem xôi gà chả lụa theo mà. Khi ấy mợ biết cậu vẫn còn quan tâm đến mình nên nguôi nguôi rồi. Lúc hai chị em nằm tâm sự chuyện trò, bu thằng Thóc hỏi mợ tính bỏ cậu hả? Mợ mắng con điên, dỗi dỗi chút thôi chứ bao nhiêu công mới được cậu rước về, mới cua được cậu, khiến cho cậu động tâm với mợ, bỏ là bỏ thế nào? Chết cũng không bỏ, nhá! Nó nghe ra đập lưng mợ rầm rầm, trách móc hờn gì mà hờn lắm, đồ ngu ngốc. Chồng đã yêu chiều thế thì tranh thủ cơ hội mà xin thằng cu tí. Có con rồi, mẹ quý nhờ con, mai sau tiểu thư kia vào cửa có ghê gớm đến mấy cũng không đuổi được mợ, giống bu Phúc đó. Mợ nghe em gái phân tích thấy có lý lắm, thao thức suốt cả đêm dài, chỉ mong trời mau mau sáng còn về làng nịnh cậu, ôm cậu, làm lành với cậu. Khổ nỗi, thời khắc mợ nghĩ thông suốt, thì lại chẳng thấy bóng dáng cậu đâu! -"Là đi từ hôn sao?" -"Mợ dở à? Từ thế nào được mà từ? Người ta là tiểu thư nhà quan Thái phó đấy, tự dưng chẳng có lý do chính đáng liền bị từ hôn, danh dự quẳng đi đâu? Rồi liệu quan có để yên cho cậu sống không? Quan Thái phó là chức quan rất to, cực kỳ có thế lực trong triều đình, mợ có hiểu không?" -"Vậy cậu tính đi đâu? Tôi theo cậu." -"Theo sao nổi? Giặc Xiêm đang chiếm đóng ba trấn lớn ở gần biên giới phía Nam, nửa tháng trước Đô đốc cầm một vạn quân đi mà nghe tin báo về thương vong mất già nửa, cậu hai đem thêm ba ngàn quân hỗ trợ khác nào tự ném mình vào hang cọp? Cậu còn chưa nhậm chức, đáng nhẽ đợt ra quân này phải là Thống chế, cơ mà tại mợ còn gì? Chẳng phải vì mợ khóc, mợ dỗi nên cậu mới quyết đi để tạm hoãn hôn? Đến khổ, vết thương cũ còn chưa khỏi hẳn." -"Vết...vết thương cũ?" Mợ run run hỏi, thằng Húng thở dài thườn thượt. -"Tháng chạp vừa rồi phủ Quốc Oai gặp nạn thổ phỉ, ông thầy nhân cơ hội lệnh cậu đi dẹp loạn. Khi ấy tôi ghét ông dễ sợ, bao nhiêu học trò chẳng sai lại sai cậu, lại vừa mới thi xong đang đợi kết quả, nhỡ chưa nhận tin đậu đã ngỏm củ tỏi thì uổng à? Nhưng sau mới thấy ông có tầm nhìn, vì vụ đó cậu lập công lớn nên sau khi đỗ Võ Trạng Nguyên lập tức được phong Đề đốc, được cầm binh, chứ không còn khướt." Quá nhiều thông tin dồn dập một lúc, mợ cố gắng hít thở thật sâu để bình tĩnh tiếp nhận. Giờ mợ mới nhớ ra, thảo nào bữa trước cậu chỉ cho mợ cài giúp khuy áo ngoài, mợ còn tưởng cậu vẫn ngại. Càng nghĩ mợ càng giận bản thân mình, vô tâm vô ý, mợ cứ đứng trân trân một góc, tay chân run cầm cập, cả người căng cứng muốn nổ tung. -"Tại mợ, tất cả là tại mợ, tại mợ làm quá! Đàn bà con gái gì mà ích kỷ, cả làng này, cả xã này, cả cái đất nước này, chả ai quá quắt như mợ. Hễ làm quan lớn, năm bảy bà thì có sao? Quan Thái Phó có tận chín bà kia kìa! Người ta tiểu thư còn chịu chung chồng, mợ là cái thá gì mà ngúng nguẩy dỗi hờn, ép cậu vào bước đường cùng! Tôi mà là cậu, tôi bỏ quách mợ đi cho rồi!" Phải, nó chửi rất hay, rất chuẩn! Tất cả là tại mợ! -"Đây, đôi vòng bình an cậu xin ở chùa, cái có bông hoa tặng mợ rồi, còn cái có chiếc lá này giờ cậu cũng kêu tôi đưa mợ nốt, dặn nếu cậu có chết trận thì mợ tìm người khác tặng lại họ, người ta sẽ che chở cho mợ." Nó đặt chiếc vòng vào lòng bàn tay mợ rồi lao ra ngõ chạy thẳng. Từ đó, mợ không gặp nó nữa, cũng chẳng có tin tức của cậu. Phú ông biết chuyện, gật gù tán dương trai trẻ cống hiến cho đất nước thế là tốt. Bà cả chỉ mong giặc đánh cậu hai nhừ tử luôn đi, khỏi làm quan. Bà hai thì chẳng quan tâm lắm, bà giờ ở nhà lớn, ăn uống thoả thích, người làm tấp nập, sướng chả để đâu cho hết. Có bữa bà còn gọi mợ Trâm lên, ban cho bát chè sen long nhãn, ngọt ngào vỗ về. -"Ôi dào, nghĩ làm gì gầy người. Uống đi cho bổ, nói gở miệng cậu hai có mệnh hệ gì thì cũng tính là bất hiếu, bu đẻ cậu ra, tần tảo sớm hôm nuôi cậu lớn mà cậu lại bỏ bu đi trước. Nhưng dẫu sao trong cái rủi có cái may, nếu thế chẳng phải bu được phong là mẹ anh hùng, mợ là vợ anh hùng, gớm tới lúc ấy, lụa là gấm vóc, vàng bạc châu báu, không xuể đâu mợ ạ." Rõ ràng bu có lòng tốt khuyên nhủ, vậy mà mợ tự dưng nổi khùng, ném thẳng bát chè vào vách tường, bu mà không tránh kịp có khi mẻ trán cũng nên. Cái loại đàn bà thôn quê vô học, chả ra thế thống gì sất. Mợ trước mặt bu cứng rắn là thế, vậy mà về tới túp lều lá lại ôm đầu gối ngồi thu lu một chỗ. Nhà lớn rộng quá mợ ở không quen, kể cả hôm bão lớn mái dột nước tanh tách xuống đầu thì mợ vẫn ngủ ở đây thôi. Xuân qua hạ sang, nhành phong lan treo bậu cửa sổ sắp nở hoa rồi, cậu, khi nào thì về đây? Cậu sẽ về chứ? Sẽ không sao đâu, phải không? Cùng lắm là bị thương, nhưng chỉ bị thương thôi nhé! Về với mợ, mợ chăm cậu, không làm quan được cũng tốt, mợ sẽ nuôi cậu, mợ có sức, mợ làm được, đâu sợ chết đói. Sớm nào tỉnh giấc mợ cũng chạy ra mộ thầy xin xỏ. Hai chiếc vòng bình an mợ luôn đeo trên tay, cứ tối muộn trước khi đi ngủ mợ lại chạm vào, âm thầm cầu nguyện lấy may. Vậy mà, đêm nào mợ cũng gặp ác mộng, có hôm mợ mơ thấy ngàn mũi giáo đâm vào ngực cậu, mợ gọi hoài, gọi mãi, kêu tới khản cổ nhưng cậu không tỉnh lại nữa. Còn mợ, tỉnh giấc, nước mắt giàn giụa ướt đẫm đôi gò má. Chẳng phải trước khi lấy cậu đã xác định tư tưởng rồi còn gì? Lúc ấy còn xin cậu có rước vợ mới về thì thương tình tháng qua phòng mợ một đêm. Cớ làm sao, thời gian trôi qua, tính tình mợ lại ngày càng tệ hại? Bu bảo, do mợ được cậu cưng quá sinh hư! Là lỗi của mợ, chưa bao giờ mợ hận bản thân mình đến thế! Mợ hận mợ ngu xuẩn, nhỏ nhen, ương bướng. Ước cho thời gian quay trở lại, hôm ấy, mợ sẽ ôm cậu thật lâu, giữ cậu thật chặt, cậu đi đâu, mợ bám theo đấy. Làm lẽ thì làm lẽ, mợ hai thì mợ hai, mọi người vẫn hay gọi là mợ hai đấy thôi, có sao đâu? Mợ nhớ cậu, nhớ đến kiệt quệ! Mợ mong cậu, mong mòn con mắt, chiều chiều lại chạy ra hàng nước hóng tin. Rồi một ngày cuối tháng bảy, cũng có người từ phương Nam ghé qua, họ báo, Đề đốc tử trận rồi. Mợ ôm chân người ta hỏi đi hỏi lại, là Đề đốc hay Đô đốc? Thế nhưng, đáp án chỉ có một. Người đó đi rồi, mợ cũng không nói gì thêm nữa. Không khóc, không kêu gào, chỉ lẳng lặng qua chợ mua một xấp vải trắng, đoạn ghé qua hàng bún riêu nhà mình, dặn cái Dung tiền dành dụm của mợ giấu ở cái hộp gỗ đặt dưới thúng khoai trong túp lều lá, sau này cu Trí, bu Trinh, trăm sự nhờ nó.
|