Làm Dâu Nhà Phú Ông
|
|
#61
Mợ không hiểu thì còn ai hiểu? Mợ đẻ ra cái trò đó cơ mà? Trước mợ trông gánh bún cho bu, tiền lẻ nhiều như lá rụng mùa thu, nhưng cứ phải tìm tiền chẵn để mang sang mua chổi, cố ý câu giờ để được lảng vảng quanh cậu nhiều hơn. Chẳng biết cậu có khôn lỏi như mợ không? Hay do mợ đẹp quá nên lòng cậu bối rối, chân tay luống cuống? -"Thế chắc khi xưa cậu hai cũng mê mê tui ý cô nhỉ?" Mợ thẹn thẹn hỏi, cô đùa. -"Ai mà biết được?" -"Cậu khen tui đẹp hơn cô đó, cô tin không?" Cô mỉm cười đồng tình, bu Trinh bên ngoài nghe giọng mợ lanh lảnh lắc đầu cười khổ, con gái con lứa, cái duyên nó ném đằng nào rồi? May mà vớ được cậu hai hiền chứ cứ tật nghĩ gì nói nấy như thế lấy phải thằng khác chả nhừ đòn. Đợi lúc chiều muộn bu liền kéo mợ về nhà khuyên nhủ. -"Mợ đừng có hạnh hoẹ ganh tỵ với cô Hoàng Anh hiểu chửa? Suốt ngày đố kỵ rồi nguyền rủa cô ấy là dần dần mợ thành chua loét luôn, mợ chúc phúc cho người khác chính là tích phúc cho mình đó, tâm mợ ngọt rồi đời mợ sẽ an yên." Ôi bu dặn hoài à, mợ thừa nhận xưa thấy cô hay lảng vảng quanh cậu hai mợ cũng ghen ghen đó, còn bêu riếu cô trước mặt cậu cơ. Nhưng khi đó mợ còn nhỏ, mợ chưa hiểu chuyện, nghĩ lại thấy xấu hổ ghê. Giờ mợ có chồng đàng hoàng hoàng rồi, lo đi làm, lo nhớ cậu, lo cho chuyện thi cử của cậu cũng đủ bận rộn cả ngày, thời gian đâu mà xỉa xói móc mỉa người khác? Có rảnh mợ cũng không làm vậy, mợ đâu muốn tự biến mình thành loại đàn bà nhỏ nhen tầm thường? Mợ thích trong mắt cậu, mợ đẹp cả trong lẫn ngoài, và cậu, sẽ mãi thương mợ như thế, mãi quan tâm mợ như cái cách cậu gửi tiền dặn bu lo cho mợ. Bu nhận đại cho cậu an tâm thôi chứ sau bu cũng đưa mợ tất, lúc nghe bu tâm sự, mắt mợ như nhoè đi, xót cậu, thương cậu, nhớ cậu. Nhưng thôi, có tiền cũng tốt, có tiền sẽ chuộc được vòng. Mợ khẽ chạm tới cổ tay trống không của mình, mợ nhớ đợt đó cậu cũng từng mân mê tay mợ rất lâu, cậu biết mà, tại là vật đính ước cậu trao mợ, lại còn một màu đỏ rực rỡ vô cùng nổi bật, chỉ là, cậu không tra khảo nhiều, cũng chẳng trách mợ. Mợ nghĩ rồi sẽ chuộc được thôi, suốt một năm liền mợ vẫn cứ nghĩ sự việc đơn giản cho tới những ngày hè lúa chín vàng ruộm khắp cánh đồng, mợ háo hức nắm xôi nắm ruốc khăn gói xuống phố huyện. Cả tuần liền mợ cứ loanh quanh trước cửa tiệm cầm đồ từ sáng sớm tới tối mịt mà chẳng thấy bóng dáng tiểu thư Minh Châu, sau may gặp được vợ chồng con Phụng, đêm nó cho ngủ nhờ đỡ tốn kém, ngược lại mợ Trâm dạy tụi nó bỏ hoa cúc vào trà cho thơm, rồi nấu thêm nước nhân trần, nước vối, rang ít lạc húng lìu và hạt dưa hạt bí ăn kèm dần dà đắt khách lắm. Vợ chồng con Phụng cười phớ lớ cả ngày, hàng nước chè ở khá gần địa điểm khi xưa mợ đổi vòng nên chốc chốc mợ lại liếc sang, mợ còn cẩn thận dặn ông chủ tiệm nếu có tiểu thư nào ghé nhớ chạy qua gọi mợ cơ. Tiếc rằng, mợ vật vờ suốt một tháng trời cũng không tìm được người quen. Ở nhà bu Phúc bu Trinh một bên không có dâu nấu cơm sống khổ sống sở, một bên sốt ruột con gái nên cứ có ai xuống phố huyện liền nhắn họ nhắc mợ mau về. Thì mợ cũng phải về thôi, đâu có ăn nhờ ở đậu nhà người ta mãi được đâu, huống chi vợ chồng chúng nó đang còn son? Lòng mợ buồn lắm, cứ nghĩ tới chiếc vòng mợ lại tiếc hùi hụi, lại nẫu nề thở dài thườn thượt. Nếu cậu ở nhà, mỗi khi đêm đến mợ tủi thân, cậu dù ngủ riêng cũng nhảy sang giường mợ, ôm mợ, vỗ về mợ, thi thoảng còn gạt tóc mợ rồi nhẹ nhàng hôn đằng sau gáy. Những lúc ấy, có khi mợ sẽ càng khóc tợn, khóc để ăn vạ cậu, nức nở sụt sịt đến khi nào được cậu dỗ chán mới thôi. Còn bây giờ, khóc, chỉ đờn giản là vì, mong cậu. Mấy bữa trước ở nơi phố xá nhộn nhịn, nghe người ta đồn năm nay thi Hội khó, chẳng rõ cậu làm bài như nào nữa? Cái hôm mợ mới về làng mợ Chi chạy sang phàn nàn cậu cả mặc dù được mợ đào tạo bài bản lắm mà thi võ vẫn không lọt vòng ba, thi văn thì đề trừu tượng quá, chả biết thế nào. Cậu lần này dự thi đâu phải cho riêng mình cậu, là chiến đấu vì bộ mặt cả làng, cả thôn, cả xã, đâm ra cũng áp lực. Người ta mong kết quả không khéo còn hơn phú ông phú bà. Từ họp các trưởng thôn, họp các bô lão tới họp chợ buôn dưa các nơi, đâu đâu cũng duy nhất một chủ đề, cậu cả dự thi Hội. -"Năm nay tuổi cậu không đẹp, chỉ sợ lành ít dữ nhiều, mà nghe đồn đề khó." -"Ôi dào, chẳng biết cái gì thì thôi, cậu đỗ Hội nguyên môn võ rồi nhé!" -"Bà mới là không biết cái gì ấy, thi võ trượt thẳng cẳng từ vòng hai rồi lấy đâu Hội nguyên, vớ va vớ vẩn!" Bà Lan bán nước vối oang oang phản bác, cô Nhung ngơ ngác đáp. -"Thật hử? Ai biết đâu đấy, thấy đồn thế tưởng thế thật! Vậy còn mỗi thi văn thôi hả? Ông ngoại cậu khi xưa thi Đình đỗ Bảng Nhãn cơ mà, con nhà tông ít cũng phải giống tý lông chứ, kể cả cậu không lọt tam bảng thì chắc vẫn sẽ được vào danh sách dự thi Đình thôi." -"Công nhận, chả bù cho cái cậu hai. Ôi chao nghe đâu năm ngoái cũng xí xớn đăng ký đó, mà bỏ thi văn, gớm thi sao được, có biết chữ đâu mà thi? Chữ nghĩa tưởng nó tự rơi vào đầu á? Quên đi, phải mời thầy về dạy đàng hoàng đó, nhà cậu hai nghèo rớt lấy đâu ra. Thi võ thì xong vòng một xỉu mất, kiểu kể cậu biết thân biết phận thì tốt, đằng này đã yếu lại còn thích ra gió, ở cùng thôn với cậu mà tôi thấy mất mặt thay." -"Ừ, cũng xấu hổ thật. Mà cậu làm xưởng mộc gì mà mãi chẳng thấy về nhỉ? Hay bỏ quê đi luôn rồi? Gớm ôi bỏ cũng đúng, lấy phải con vợ xấu tính chuyên đi ăn cắp vặt thế chịu sao nổi, tôi nói bà nghe ngày xưa nhà tôi còn nửa sào ruộng chưa gặt, con mợ hai nó sang nó cuỗm sạch." Vợ ông Tứ thao thao bất tuyệt, cu Trí ức điên người, có mỗi cái vụ xưa như trái đất, rõ ràng là Trâm chỉ mót lúa sót, vậy mà năm nào mụ cũng đay đi nghiến lại rõ ghét. Mà không lẽ mấy bà thím đang thì thụt với nhau nó nhảy vào làm ầm ĩ, mấy mụ chả chối bay chối biến. Giờ chỉ ước cậu hai đỗ cao thật cao thôi, cậu làm quan sớm ngày nào nó chuộc con Dung về sớm ngày đó. Tại đợi đến lúc nó đủ tuổi dự thi cũng còn xa, tội nghiệp con bé. Thế cho nên Trí cũng nôn nóng chẳng kém, ngày nào cũng chạy ra cổng đình ngóng kết quả. Ngày quan về làng, không khí bi thương bao trùm cả thôn. Cậu cả trượt, làng trên xóm dưới ruột gan nẫu nề. Những khuôn mặt thiu thỉu như đưa đám, đếch ai thèm nói với ai điều gì. Hơn thế nữa, kết quả của cậu hai chẳng hề được báo về khiến mợ Trâm nóng ruột vô cùng. Không lẽ có chuyện gì xảy ra? Không lẽ cậu xui xẻo bị ốm nên không dự thi được? Mợ nôn nao chạy đi tìm mợ cả, lúc rẽ ngang qua nhà chính, mợ nghe tiếng bà Yến khóc lóc ai oán. Mợ nghe lính của quan nhắc hội thi năm nay có người tên Lâm họ Phạm, mợ vội rón rén nép vào sau gốc chuối nghe lỏm, hồi hộp tưởng chừng ngạt thở. -"Người này thi ở dưới kinh thành, khác cụm với cậu cả nhưng tôi nhìn qua là ấn tượng liền, tại tuy là cao lớn vạm vỡ hơn nhưng gương mặt cũng có vài nét giống phú ông. Da dẻ màu đồng nom rất khoẻ khoắn, được quan Thái phó ưu ái ghê lắm, thi võ xong quan còn đích thân mang trà của quan ra cho uống mà, nổi bật cả trường thi."
|
#62
-"Ôi dào, chắc trùng tên thôi, chứ cậu đang xẻ gỗ dưới xưởng mộc cơ mà." Phú bà chẹp miệng cảm thán, tên lính tiu nghỉu kêu tiếc quá, giá mà thật thì nhà có người đỗ cao kể cũng vinh hạnh. Phú ông nhấp ngụm nước chè, đoạn xua xua tay phản bác. -"Cậu hai nhà này thì đúng là vạm vỡ, nhưng dốt lắm, năm ngoái thi Hương còn trượt vẽ đâu ra chuyện đỗ thi Hội. Chỉ có cậu cả giỏi thôi, bu nó nhỉ? Bu nó giỏi đẻ ra cậu cũng giỏi, còn trẻ tuổi như vậy là hoành tráng lắm rồi. Mấy năm nữa thi lại, bu nó không việc gì phải buồn!" -"Nhỡ...nhỡ vẫn rớt thì sao?" -"Rớt là do tôi. Này nhé, cậu đỗ là giống bu nó, bu nó tài năng, còn cứ trượt là do tôi, tại cái đầu tôi dốt nên ảnh hưởng tới cậu." Ông thì cũng đâu có phải con quan, chỉ gọi là biết chữ, giỏi tính tiền tính lãi làm ăn thôi chứ ba cái vụ bình thơ luận văn ông mù tịt, thế nên ông mê bà mười phần thì phải nể bà bảy tám phần, kể có cái luật cho nữ dự thi không khéo bà đỗ đầu bảng. Ông lấy vạt áo lau nước mắt cho bà, ra sức dỗ dành, giọng ông còn ngọt hơn cả lũ trai mười tám đôi mươi, sến sến cơ mà bà thích, bà làm bộ đập lưng, lườm nguýt ông, nhưng miệng lại tủm tỉm cười. Vú Năm thấy ông bà tình nồng ý đượm chắc chẳng có gì sai bảo nên lén ra ngoài chỗ mợ Trâm đang thập thò. Lâu lắm mới gặp mợ, tại đợt vừa rồi dì Chín sinh ba vất vả nên vú xin bà cả đi chăm. -"Mợ Trâm, dì Chín gửi cho cậu mợ ít thịt chua lá ổi đó, mà giấu giấu đi chớ bà hai nhìn thấy khéo bà nốc hết." Mợ rối rít cảm ơn. Dì Chín, nhân vật mợ chỉ nghe kể qua lời vú Năm chứ chưa từng được gặp mặt, nôm na rằng khi xưa dì chính là người đỡ đẻ cho bu Phúc và bu Yến, xong qua đó mấy tháng thì dì đi lấy chồng xa quê luôn, chẳng về nữa, nhưng lần nào có dịp cũng gửi quà cho cậu hai, hỏi thăm cậu hai, phải chăng cậu hồi còn đỏ hỏn đã rất đáng yêu nên dì có ấn tượng mạnh? -"Tình hình cậu làm mộc ở mãi huyện nào, có khá khẩm hơn không mà sao chẳng thấy về mấy?" -"Ơ cậu mới về tuần trước nhưng xong lại đi luôn đó vú." -"Khổ, thôi cậu mợ cố gắng, còn trẻ còn phấn đấu, sau già ắt hưởng lộc." Nói dối vú mợ hơi áy náy, nhưng kệ đi, tại vú thật thà chất phác, sợ không giữ được chuyện. Thấy vú bảo mợ Chi không có nhà nên mợ cầm thịt chua về đưa luôn bu Phúc, tại lòng mợ bồn chồn chẳng nuốt nổi, nếu không phải trùng tên nghĩa là cậu đậu rất cao còn gì, thế thì tốt quá. Nhưng nếu trùng tên thì sao? Nhỡ đâu mừng hụt? Đêm đến mợ cũng nào có ngủ được mấy, chập chà chập chờn, nghe tiếng gà gáy lại giật mình tỉnh giấc, lại chạy ra đầu ngõ ngóng mợ Chi. Cậu Hưng từ lúc biết kết quả tâm trạng bất ổn định, mợ bận dỗ cậu, mượn ngựa phú ông đưa cậu đi đây đi đó giải khuây, mãi nửa tháng sau mới về. Thấy mợ Trâm đợi mợ mới giật mình sực nhớ ra cái bọc cậu hai gửi, ba chân bốn cẳng lao qua phòng lấy rồi rủ mợ hai ra bụi chuối tâm sự. Cái người tên Lâm đó chính xác là cậu hai, thi văn lọt danh sách ba mươi người, đứng thứ hai mươi bảy, thi võ thì cao hơn, đậu Phó bảng. Cậu xin thầy nói giùm một tiếng với quan lớn không gửi kết quả về làng, đợi năm sau thi Đình thì báo một thể. Mợ Chi đọc thư xong quay sang thở dài. -"Đợt này cậu hai bị thầy quở trách nhiều lắm đó!" -"Ơ lạ chửa? Trách gì chớ? Mà sao mợ biết, cậu đâu có viết trong thư đâu?" -"Tại lão thầy kỳ vọng vào cậu nhiều mà, giờ lại đậu có Phó bảng. Cậu bị lão nhốt riêng một chỗ rồi, trước còn sáng học chiều trồng rau bổ củi cho trường chứ giờ sáng chiều tối đều phải luyện tập. Lão nghiêm khắc ghê lắm, tội cậu. Nhưng tui thấy đợt này thi võ đề cũng kiểu lấy thịt đè người, thầy tui bảo cái tên vật nhau với cậu hai nặng hơn một tạ, chưa vào trận nó đã sồn sồn lên như một con bò tót, cậu không bị đè chết là may rồi." Mợ Trâm nghe kể thôi mà run cầm cập, mợ Chi nắm tay mợ động viên, mợ cũng quay sang hỏi han mợ ấy. -"Nè, mợ có ghen không? Ghen tỵ ý, tại cậu nhà tui đỗ cao, mà cậu nhà mợ trượt mất tiêu rồi." -"Xi, thèm vào. Nói mợ nghe, tại là tại cái người chấm văn đầu óc ngu muội không cảm nhận được tinh hoa trong thơ của cậu Hưng thôi, chớ cậu nhà tui giỏi mà. Trắng trẻo mập mạp, như cục bột nhỏ nhìn thích hết cả mắt, còn cái ngữ đen thui thui như cậu nhà mợ, có cho tui cũng chẳng thèm." -"Ừ, nhưng mợ buồn không?" -"Tui không, mỗi tội dân làng này, họ ác miệng quá mợ ạ." Chẳng phải dân làng này đâu, dân làng nào chả thế. Ở đâu cũng có người này người kia, lúc đỗ cao thì họ tâng tận mây xanh, chẳng may rớt một cái, tha hồ mà xuống địa ngục. Dè bỉu, miệt thị, xỉa xói, mợ quen rồi, cậu hai lại càng quen, còn cậu cả mợ cả chắc phải thích nghi dần dần. Hai mợ thủ thỉ gần hết buổi chiều, lúc ngồi ngoài vườn sợ mợ Chi nghĩ ngợi nên mợ Trâm chẳng dám tỏ thái độ gì chứ về tới buồng một cái mợ đóng kín cửa, phấn khích nhảy múa tưng bừng. Trong cái bọc của cậu có rất nhiều bạc, toàn bộ bạc được thưởng cậu gửi mợ tất, còn mua thêm cho mợ tấm vải đỏ tươi đẹp mê hồn, tấm này may yếm là nhất rồi. Mợ cười khúc khích, cẩn thận mở thư đặt lên chiếc ghế đẩu, mợ thì ngồi bệt xuống nền gỗ, tay rờ rờ từng chữ một, mơ màng hồi tưởng lại những gì mợ Chi vừa đọc. Cậu dặn mợ đừng đi làm thuê nhiều nữa, phải ăn nhiều vào, mợ béo mợ khoẻ thì cậu mới gửi được cu tí chứ? Eo, cái cậu này nói đi đâu vậy? Hai tai mợ đỏ rừng rực luôn, cũng phải, cu tí nhà mợ thoát kiếp hèn rồi còn gì? Gớm cu tí có cha đỗ thi Hội hẳn hoi, nhất cu tí nhé! Cơ mà năm sau mãi tháng chạp mới thi Đình. Cậu xa nhà cũng ngót nghét một năm rồi, mợ lẩm nhẩm tính toán, giờ mợ mười tám tuổi rưỡi, ra giêng mười chín, vậy thì ra giêng năm sau, cái lúc có kết quả ý, mợ hai mươi xừ nó rồi à? Cậu lại mới chỉ có mười tám thôi, trai mười tám trẻ măng măng, gái hai mươi già đau già đớn, ôi chao ôi, chắc từ giờ phải chú ý giữ gìn chứ không xấu quá cậu về cậu lại chẳng nhận ra thì toi. -"Trâm...mợ Trâm ơi...có trong đó không mợ? Mau...mau...mợ Chi xảy ra chuyện rồi..." Vú Năm gọi ngắt quãng, mợ Trâm nghe ban đầu còn tưởng đùa, vừa lúc chiều hai đứa còn rôm rôm rả rả luyên thuyên đủ thứ, thế nào mà ngoảnh đi ngoảnh lại chưa đầy một canh giờ mặt mợ ấy đã trắng bệch, váy áo tóc tai ướt nhẹp. Con Chanh, bà cả, phú ông, ngay cả cậu Hưng lay mãi mợ vẫn cứ im lìm không nhúc nhích. -"Cậu cả nghĩ quẩn nhảy thác tự vẫn, mợ cả lao xuống vớt, lôi được cậu lên thì mợ xỉu mất." Vú thì thụt kể lể, mợ Trâm ức chế lườm cậu Hưng, thi rớt thì sau thi lại, người làng nói mặc người ta, họ có tai, họ nói xong họ nghe, thanh niên trai tráng gì mà hèn, thật chỉ muốn xông vào đập cho nhừ tử. Khổ nỗi chuyện nhà trên đâu đến lượt mợ quản, mợ bây giờ cũng đang xem lén ngoài cửa sổ thôi, mợ thấy thầy lang lắc đầu, giọng trầm trầm. -"Thường ngày mợ cả có luyện võ nên sức khoẻ tốt, chắc sẽ sớm tỉnh...chỉ buồn cho đứa nhỏ...đứa nhỏ...không giữ được rồi."
|
#63
Mợ Trâm, vú Năm, con Chanh con Bưởi cùng mấy đứa người làm đang bâu kín ngoài cửa hoảng hồn hoang mang nhìn nhau. Bà cả khóc nấc, phú ông an ủi bà thôi trong cái rủi có cái may, cậu thoát nạn là tốt rồi, đứa nhỏ mất thì sau này lại có. Đoạn ông nghiêm mặt đe không ai được hé răng nửa lời cho mợ biết, tránh mợ nghĩ ngợi nhiều ảnh hưởng tinh thần. Mọi người khép nép vâng vâng dạ dạ, chỉ trừ bà hai xót cháu đâm ra mất bình tĩnh, thấy mợ vừa hé mắt liền xông vào chửi rủa ầm ĩ. -"Tại mày, tất cả là tại mày, cả mày lẫn con nặc nô kia nữa. Hai con ôn nghiệt bất lương, cậu đang buồn như thế chúng mày còn bỏ cậu đi hì hụi với nhau, tụi bay hại cậu nhảy thác suýt ngỏm, tụi bay hại chết cháu bà!" Bà giận lắm, khí thế phừng phừng lao tới bóp cổ mợ. Bà bị phú ông lôi ra cho một tát, chưa kịp đứng dậy đã bị cậu Hưng giáng tiếp cho phát nữa, máu mồm bà cứ thế mà hộc. Đau, đau lắm, đau như người ta cầm dạo nhọn rỉa từng khúc ruột, u uất, tái tê, nhiều lúc bà chỉ muốn nuốt lá độc cho nhanh. Nhưng rồi sao? Chỉ sợ lúc cậu biết sự thật, cả đời cậu sẽ phải sống trong ăn năn, thế cho nên bà lại không nỡ chết! Người làm lôi bà ra ngoài, phú ông lệnh tất cả giải tán, trong phòng chỉ còn cậu mợ. Từ lúc tỉnh mợ chưa hề nói câu gì, không mắng cậu đồ hèn, không oán trách vì mất đứa nhỏ, cũng chẳng kêu la ăn vạ. Mợ chỉ nằm yên một chỗ, đôi mắt vô hồn nhìn lơ đễnh qua vườn mận. Cậu thi rớt, chẳng ai dám mỉa mai trước mặt, nhưng như vậy không có nghĩa họ thôi bàn tán sau lưng. Cậu đi đâu cũng bị người ta nhìn lén, cái nhìn đó, chẳng phải ánh mắt ngưỡng mộ thán phục như trước, mà là khinh bỉ. Lần đầu tiên cậu đồng cảm với thằng hai, mới bị miệt thị mấy ngày cậu đã tưởng như phát điên. Còn nó, cả đời nó, từ khi sinh ra đã mang phận hèn, chả hiểu nó làm cách nào để vượt qua? Cách đây hai tuần có mấy đứa thì thụt với nhau ngoài đầm sen vô tình lọt tai cậu mợ, cậu khi xưa huyênh hoang ngang ngược, mà giờ cậu tự thấy nhục nên chỉ rơm rớm bỏ đi, mợ thì máu nóng hầm hập, nhảy vào tẩn cho tụi kia một trận lên bờ xuống ruộng. Khi bu cậu bận buồn, bận khóc, khi thầy cậu bận dỗ bu, khi Trâm bận mong tin thằng hai, khi tất cả mọi người quay lưng với cậu, thì mợ vẫn bên cậu. Mợ mượn thầy ngựa đưa cậu xuống phố huyện chơi, cậu ở phía trước nép vào người mợ. Có bữa trời đổ bão, cậu dỗi chẳng muốn dừng trú mợ vẫn chiều cậu, mợ khoác cho cậu chiếc áo choàng của mợ rồi đánh ngựa đi đều đều, vừa đi mợ vừa khen cậu giỏi, mợ mắng cái người chấm thi, mợ xoa đầu cậu, cậu ôm eo mợ, chợt thấy tâm trạng phấn chấn lên hẳn. Chiều nay tìm mãi chẳng thấy mợ đâu, cậu lại rơi vào khủng hoảng. Cậu nghĩ chưa thông đã làm liều, hại mợ, hại con cậu mợ. Cậu buồn thiu, lững thững bước ra vườn nhoài người bứt trái mận chín đỏ, đoạn quay lại ngồi bệt xuống bên giường, cẩn thận đặt nó vào lòng bàn tay mợ. -"Cái mạng này của tui là do mợ nhặt về, kiếp này mợ bảo tui làm trâu chó gì tui cũng chịu, mợ đừng như vậy nữa, nói với tui một câu đi." Lông mi cậu cong vút chớp chớp nhìn mợ, khoé mắt đẫm lệ. Người đâu mà đẹp như tranh vẽ, mợ mủi lòng, cố nặn ra nụ cười gượng gạo. -"Chỉ kiếp này thui hử?" -"Thế mợ muốn sao?" -"Kiếp sau nữa ý, đền bù cho tui, cậu phải là người đeo đuổi tui trước. Nhưng ban đầu tui không thèm thương cậu đâu, tui thương một người khác như cậu thương Trâm nè, sau đó cậu cua chán chê tui mới chịu ưng." Mợ sụt sịt ra điều kiện, cậu ừ ngọt ngào. Rạng sáng hôm sau cậu sang cáo lỗi với mợ Trâm, cậu gãi đầu gãi tai kêu cậu nỡ nợ mợ Chi rồi, chắc chẳng rước được Trâm nữa đâu, đành hẹn Trâm qua hai kiếp vậy. Mợ Trâm bụm miệng cười tủm, lâu lắm mới thấy cậu cả dễ thương đến vậy, mợ làm bộ nghiêm túc bảo. -"Chịu thôi cậu ạ, tại tui với cậu hai hẹn nhau đời đời kiếp kiếp rồi." Cậu cả ngớ người, nhưng cậu cũng chẳng bận tâm mấy, Trâm hẹn nó mấy kiếp kệ Trâm, cậu giờ có Chi rồi, cậu còn phải trả mợ đứa nhỏ bị mất đây này. Cậu mợ lao động quần quật hăng say, mãi một năm rưỡi sau mới có tin mừng. Thời gian đó mợ thấp thỏm ghê lắm, nhưng bu mợ dạy đúng thật, mình cứ sống thật tốt, không bon chen không tỵ nạnh không hại người, rồi đời mình sẽ toàn chuyện vui thôi. Đó, mợ sắp có cái hĩm rồi đấy. Mợ đoán thế vì mợ thích ăn ngọt, mợ Trâm đợt này cũng vui, cậu hai sắp về mà. Mỗi lần cậu cả bận học với thầy đồ mợ lại chạy sang làm nũng mợ ấy. -"Ê, trèo lên hái tui quả hồng xiêm đi!" -"Mợ thật, bao nhiêu người làm chẳng sai, cứ rình tui thôi. Tui hái cả rổ kia kìa, nốc được nốc hết đi. Xong tránh ra cái, tui còn đang bận." -"Xi, bận gì mà bận, tui chả biết thừa, mợ cắt giấy dán tường trang trí đón cậu hai về chớ gì? Nhanh nhể? Mới ngày nào cậu khăn gói quả mướp lên đường, mới đó thôi mà đã qua ba cái Tết, nháy mắt cái mợ đã hai mươi, già chua già chát. Sợ cậu chẳng dám nhận mợ nữa ý, hê hê, mà chẳng biết cậu đỗ không nhỉ?" -"Tui đánh chết cha mợ bây giờ, ăn sằng nói bậy. Cậu đậu hay không tui chẳng quan tâm, cu tí được xoá phận hèn tui mãn nguyện rồi, còn tui ở lều lá cả đời cũng được, miễn ở với cậu." -"Ui cha cha, lãng mợn...lãng mợn quá a..." Một mợ lườm nguýt, một mợ cười khúc khích cười. Cô Mõ ghé qua sang sảng nhắc nhở, ô hay các mợ mải buôn không nghe thấy chuông đình à mà còn đứng đó. Cái chuông ấy, chỉ vang lên khi có việc gì trọng đại lắm thôi, lần gần đây nhất kêu là dịp cậu cả đỗ thi Hương mấy năm trước. Hai mợ há hốc nhìn nhau, đoạn cuống quít kéo nhau ra đình, ôi chao ôi, đông gì mà đông dữ tợn? Làng trêu xóm dưới bu nhau chật kín sân, nghe đồn quan lớn về. Mợ Chi mợ Trâm đến muộn chỗ đứng cũng chẳng còn, đành rủ nhau trèo lên đống rơm đằng sau, từ đó nhòm vào phía trong thấy quan đang chào các bô lão, nôm na hỏi thăm bà con năm nay mùa vụ thế nào, rồi nghe bảo giống ngô mới bị sâu bệnh tấn công có ảnh hưởng nhiều đến sản lượng không? Mọi người đua nhau đáp lời quan. Trò chuyện một lát thấy đông đủ rồi, quan mới e hèm trình bày vắn tắt, rằng trong kì thi Đình vừa rồi làng ta có người đỗ cao, bên văn đỗ hạng ba, ông Thám, tức Thám Hoa, bên võ đỗ đầu, Đình Nguyên, hay dân gian còn gọi là ông Trạng. Tin tức lan ra, cả đình nhao nhao. Có người tay bắt mặt mừng, có kẻ lại băn khoăn suy đoán hay do quan già nên nhầm? Cũng phải thôi, râu tóc bạc phơ thế kia lẫn là chuyện bình thường. Quan cười hiền, hắng giọng trịnh trọng thông báo. -"Võ Trạng Nguyên năm nay tên Lâm, thuộc dòng họ Phạm, thân phụ Phạm Kim, thân mẫu Lê Hồng Phúc. Thưởng xã Đại Cường mười hòm vàng ròng, bảy giương lụa thượng hạng, ba chục ngựa tốt, năm chục trâu khoẻ...thưởng thôn Kim Giang mười lợn mười bò mở tiệc ba ngày ba đêm..."
|
#64
Danh sách quà thưởng, chao ôi nó dài cơ man là dài, từ phú ông, bà cả, bà hai, vợ chồng cậu cả, mợ hai, ai ai cũng có phần. Đã thế mỗi hộ gia đình ở cùng làng với Trạng Nguyên còn được thêm một bức thư pháp đẹp mê li, làng bên được dịp ghen nổ đom đóm mắt. Cái cậu hai lầm lì như pho tượng đó hử? Tưởng đang làm dưới xưởng gỗ chứ? Thi Hương trượt, thi Hội kết quả còn chẳng báo về thôn, đùng một cái đỗ thi Đình là sao? Mấy mụ ghen ăn tức ở sồn sồn thắc mắc, bu Trinh cu Trí giải thích bở hơi tai, nói hoài nói mãi tụi nó chả chịu tin, hai bu con mệt quá chả buồn đoái hoài nữa. Kệ, đậu thì cũng đậu rồi, thưởng thì cũng thưởng rồi, phục hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì sất. Bu kêu cu Trí chạy về báo cho Trâm mau đi, Trí hí hửng chỉ tay lên đống rơm, í ới gọi. Mợ Trâm nghe, cơ mà đầu óc mợ vẫn còn chuếnh choáng, người ngợm loạng choạng thế nào bước hụt một cái, như con xoay lăn lông lốc mấy vòng. Mợ Chi hốt hoảng trèo xuống, bu Trinh cu Trí cũng cuống quít lao tới. -"Mợ Trâm, sao không mợ? Đau không?" -"Ừ." -"Cậu đỗ rồi đó, đỗ cao hẳn hoi, mợ giờ làm bà lớn nha, sau này có lộc lá gì nhớ cho tui hưởng ké!" -"Ừ." -"Ừ ừ cái gì mà ừ...mợ bị điên hả?" -"Ừ." Thôi toi, đích xác là vui quá hoá rồ rồi. Cu Trí tặc lưỡi kéo chị gái về, cả buổi mợ ngồi ngẩn ngơ như con dở ngoài hiên, thi thoảng lại nhìn trời nhìn đất nhìn mây tủm tỉm cười một mình. Cười chán thì mợ với cái nón của bu, chạy ra giữa sân vừa hát vừa múa, mợ múa kể cũng đẹp, cơ mà lòng bu cứ lo lo kiểu gì ý. -"Thôi chào bu, chào cu Trí, tui ra chợ đây!" Mặt mợ tươi roi rói, bu thót tim hỏi dò. -"Ra chợ làm gì?" -"Ra mua son phấn để trát, với mua váy mới nữa, sớm mai còn đón cậu. Quan chả bảo đấy thôi, bu quên rồi hử?" -"Ừ...không...không...quên..." Mợ vẫy tay tạm biệt, bu nom theo dáng mợ thở phào nhẹ nhõm, tốt quá, mợ xem ra vẫn còn tỉnh chán. Chứ mòn mỏi đợi chồng ba cái Tết, nay chồng sắp về mà lại bị lú lẫn thì uổng chết. Lần đầu tiên kể từ khi sinh ra mợ dám tiêu hoang, thấy cái gì đẹp đẹp, có thể đắp lên người là mua liền. Nhát nhát lại có người trêu mợ lớn, mợ lớn ăn gì vào đây em miễn phí, mợ lớn thích món nào em giảm giá cho, mợ lớn ơi phú ông bố trí cho mợ gian nhà trên khang trang lắm, để em hầu mợ dọn đồ. Ôi chao ôi, lớn bé cái gì chứ, thẹn muốn xỉu à. Với mợ chưa muốn chuyển đâu, lều lá tuy lụp xụp nhưng đầy ắp kỉ niệm của cậu mợ, giường cậu đóng, nền cậu ốp tấm gỗ, cả nhành phong lan treo trên bậu cửa sổ nữa, thôi mợ nằm ở đây một đêm cho đỡ lưu luyến, mai cậu về tính sau. Bà hai thì chuyển lên nhà trên trước rồi. Ban đầu nghe con mụ Trinh kể lể sự việc, biết bị cậu mợ lừa vố đau bà uất ứa nước mắt. Nhưng nom bà cả ngất xỉu, rồi lúc sau mời bao nhiêu thầy lang tới bắt mạch kê thuốc cũng chẳng nuốt nổi thìa cháo bà lại như mở cờ trong bụng. Tiểu thư Đinh Phi Yến mà cũng có cái ngày này cơ à? Khốn khổ là thế, vậy mà phú ông nào có ở bên dỗ dành được đâu? Ông còn bận ra đình hội ý với trưởng thôn cùng các bô lão kế hoạch ngày mai đón tiếp Võ Trạng Nguyên. Từ lúc quan về tới giờ dân làng nhìn ông khép nép kính cẩn, ai gặp cũng chúc tụng ca ngợi, nói không có chút mát mặt nào là nói điêu. Ông dốt, bà hai dốt, vậy mà lại tòi ra được cậu hai thông tuệ hơn người, nhà có phúc ghê. Các cụ thường bảo, phúc đức tại mẫu, xem ra công lớn thuộc về bà hai. Bà mặc chiếc yếm thêu hoa cải vàng, ưỡn ẹo sánh bước bên ông, thủ thỉ tâm sự bao nhiêu ngày ăn dè ở xẻn tích tiền cho cậu trốn quê tìm thầy xin học. Bà nghẹn ngào chấm nước mắt, ông nghe vừa cảm động vừa thán phục. Đỗ thi Đình, ôi chao, cả cái làng này, cả cái thôn này, à không, cả cái xã này đi, mấy chục năm rồi làm gì có ai? Lại còn đứng đầu bên võ, rạng danh cả gia tộc chứ đùa à? Đất đai rộng rãi thẳng cánh cò bay, vàng bạc châu báu tích đầy dưới kho, lại còn có người làm quan, ở cái xứ này, còn dòng họ nào địch được với dòng họ Phạm nhà ông đây? Ông bước từng bước oai phong bệ vệ, mặt vênh ngang cái bánh đa nướng. Phàm là người trước đây khinh ông, giờ ông chỉ nhìn nó bằng nửa con mắt. Cái thằng cai tổng chứ ai, khi xưa tranh Yến với ông, tranh chẳng nổi, dám chê ông dốt thơ hử? Ừ ha, dốt đấy, ông đây dốt nhưng con ông đây thi văn vẫn được Thám Hoa nhé, chê chê cái khỉ. Quan cho mười lợn mười bò, ông đầu tư thêm gà vịt ngan ngỗng. Gớm của nhà ông đâu có thiếu, chỉ sợ dân thôn làm không xuể thôi. Công nhận cũng tấp nập rộn rã thật, mọi người tụ tập suốt từ canh một tới canh năm chuẩn bị cỗ bàn. Cỗ nhà phú ông mà, đám cưới cô con gái trưởng thôn so ra chỉ là con tép. Các cụ già với mấy đứa nhỏ lít nhít thì dậy muộn hơn, không có việc gì phải phụ trách nên đi bộ ra ngoài bờ đê xếp hàng hai bên đón Trạng Nguyên. Mợ hai đêm qua cũng nào có chợp mắt được, nhưng chân tay bủn rủn đụng đâu hỏng đấy nên bị bu mợ với các thím các dì đuổi ra, mợ đi dạo loanh quanh từ lúc trời còn nhá nhem tối, xong nhọc quá mợ chọn vị trí đẹp ngay cạnh cổng đình đứng đợi cậu. Có vài canh giờ thôi mà mợ ngỡ như cả năm, từng khắc trôi qua sao mà chậm đến lạ kỳ? Mãi tới khi mặt trời đứng bóng, mợ nhớ mợ đang ngó ngó nghiêng nghiêng thì nghe tiếng pháo nổ lộp độp, tiếng vỗ tay giòn giã, tiếp theo là tiếng tụi nhỏ gào thét ầm ĩ. -"Bớ bà con làng nước, bớ tụi bay ơi...ông Trạng...ông Trạng về làng, ông Trạng về rồi...bớ tụi bay ơi..." Mợ cố kiễng chân, mợ thấy cờ đỏ rực rỡ, mợ thấy kiệu lớn hẳn mười sáu người khiêng, cả một đoàn lính trang nghiêm hộ tống phía sau. Họ đi đến đâu, người dân tươi cười vẫy chào tới đấy. Chỉ một kiệu thôi nên mợ cũng bớt lo, sợ hai kiệu lại có cô nào ngồi kiệu sau thì hỏng. Cơ mà kiệu to quá nhỉ? Nhỡ đâu lại ngồi chung? Trống ngực mợ đập thình thịch, mợ nín thở cầu nguyện. Cầu được ước thấy, trong kiệu, chỉ có mình cậu. Võ Trạng Nguyên đó, cái người oai phong bệ vệ hào khí ngút trời chính là cậu hai nhà mợ đó, cái người đĩnh đạc đang bước xuống kiệu ý, chồng mợ đấy. Thế còn con nhỏ mặc áo nâu quần vải, từ đâu ẻo lả chạy lăng xăng lên trước, yểu điệu chỉnh áo phủi bụi cho chồng mợ, e ấp ghé tai chồng mợ thì thầm, nó là ai? Là ai mà chồng mợ lại vỗ về nó? Là ai mà tim mợ đau thế này? Mợ gạt nước mắt, tủi thân chạy một mạnh lên núi, leo lên ngọn thác cao nhất, chua xót nhìn theo dòng nước chảy xiết bên dưới.
|
#65
-"Ê...ê...đừng có ngu mà nhảy nhá, nhảy là chết toi luôn đó, tui không cứu nổi đâu, tui không muốn mất cái hĩm!" Mợ Chi gọi thất thanh bên dưới, mợ Trâm ngoảnh lại càu nhàu. -"Dở à? Lên hóng gió tý, làm gì mà căng?" -"Mợ mới dở ấy, mắt nhắm mắt mở ban nãy dẫm vào chân tui đau điếng đây này. Cả làng đón Trạng mình mợ đứng trên đấy bán dáng hử? Hay muốn chơi trò đuổi bắt, muốn Võ Trạng Nguyên phải đích thân lên rước cho nó hoành tráng." -"Tui không có!" Mợ Trâm hét toáng lên, uất ức tích tụ dâng tới đỉnh đầu, mợ nóng người quát tháo inh ỏi. -"Cái con ranh đó xấu hoắc à, ăn mặc bẩn thỉu thì nào có phải tiểu thư khuê các gì cho cam? Đào bưởi xẹp lép, lông mi không dài bằng tui, tóc không mượt mà bồng bềnh như tóc tui, mặt cũng không phúc hậu như tui. Được mỗi cái điệu hơn tui chứ gì? Tui không chịu đâu, tui hận chết mất!" -"Con nào? Mợ nói gì tui không hiểu?" -"Cái con yêu nữ cậu hai rước về ý, lúc cậu nhà tui xuống kiệu nó õng ẹo chỉnh áo cho cậu, cậu còn vỗ về nó nữa, cậu thương nó xừ mất rồi, xa mặt cách lòng, chắc cậu quên tui rồi." Mợ hai khóc lóc ai oán, mợ cả ôm bụng cười ngặt nghẽo. -"Mợ thức trắng cả đêm nên nhìn gà hoá quốc hử? Cả một đoàn toàn thanh niên trai tráng móc đâu ra yêu nữ? Nó là giai đó, giai nên bưởi đào héo hon là phải rồi. Cậu hai chỉ đập nhẹ lên vai nó thôi mà, vỗ về lúc nào?" Mợ Trâm cãi chày cãi cối làm gì có thằng đàn ông nào tóc tai loã xoã người ngợm ẻo lả như lá liễu mùa thu vậy đâu? Mợ Chi hỏi xoáy thế ngày trọng đại như vậy, làm gì có con đàn bà nào lại không mặc váy yếm? Hai mợ tranh luận một hồi không bên nào chịu bên nào, rốt cuộc đành rủ nhau xuống núi nhòm lại. Kết quả mợ Chi thắng. Mợ Trâm thua, đuối lý cơ mà cười như nắc nẻ. Cổng đình đóng rồi, phía trong cậu hai, phú ông cùng các bô lão đang dâng hương. Bên dưới là hàng ghế của các quan khách, bu mợ, cu Trí, bà hai, cậu cả được ưu tiên ngồi đầu. Cậu Hưng ban sáng còn chốt trái cửa khóc rấm rứt trong buồng. Mợ Chi phải phân tích mãi, rằng hôm nay cậu không đi đón cậu hai thì cậu quá hèn. Buồn vì người ta hơn mình, vậy buồn cả đời hử? Cậu nên nhớ, bây giờ cậu chỉ là con trai của phú ông ở ngôi làng nhỏ xíu. Còn cậu hai, Võ Trạng Nguyên của cả nước, việc cậu ấy nhậm chức chỉ là sớm muộn thôi, hằn học, gây hấn với quan lớn, được ích lợi gì đâu? Chi bằng cứ vui lên, quân tử chúc mừng, lấy tấm gương của người ta mà phấn đấu. Cậu cả nghe vợ, rồi cũng xuôi. Mợ cả nom phong thái của chồng hài lòng vô cùng, trong khi đó mợ hai tiếc hùi hụi, giá kể không ngu thì có phải giờ mợ đang ngồi chễm chệ trong sân đình ngắm cậu không? Nào có phải vắt vẻo trên cành sấu với mợ Chi như bây giờ? -"Này, thi thoảng cậu hai lén đưa mắt tìm mợ hay sao ý!" -"Ôi dào không phải đâu, chắc xa quê lâu ngày giờ quan sát đó đây tý mà." Thẹn thẹn nên nói đại vậy chứ lòng mợ Trâm hoa nở ngập tràn rồi ý chứ. Mợ Chi kêu cái hĩm đói rồi mợ phải về ăn trước đây, mợ Trâm thì vẫn kiên trì hóng hớt. Mấy cái người trong đó, nói rõ lắm ý, lại còn bao nhiêu thủ tục rườm rà, hết hành lễ với thầy Kim bu Phúc, các bô lão, phát lì xì cho từng người một tới bọn trẻ trong thôn lần lượt lên xin chữ lấy may, xong xuôi cũng tới xế chiều. Bấy giờ cổng đình mới mở. Đông đúc quá nên cỗ bàn lần này quyết tổ chức ở nhà phú ông, nhà ông thì rộng rồi, ông cho bắc rạp từ đêm qua, mọi người tha hồ đánh chén. Ở mấy ngày ông cũng chiều, chỉ sợ các vị không đủ sức ăn thôi! Đoàn người nô nức ùa đi khai tiệc, đi cùng Võ Trạng Nguyên lúc nào cũng có lính canh chừng tứ phía, lại còn bao nhiêu kẻ nô nức muốn tới gần chiêm ngưỡng dung nhan. Nháo nhác xô bồ, mợ hai chịu chẳng thể nào mà chen được, mợ đành chạy thật nhanh đến chỗ ngã ba đón đầu, mợ chỉ cần cậu đi ngang qua nhìn thấy mợ một cái là được rồi, cho cậu biết rằng mợ có ra đón cậu. Mợ thẫn thờ nhìn đám đông tiến tới lúc một gần, đông nghịt luôn, mợ mất dấu của chồng mợ luôn rồi, thấp quá kiễng mãi không nom thấy bóng cậu đâu. Mợ tiu nghỉu cúi gằm mặt đá đá mấy viên sỏi ven đường. Đã buồn nẫu ruột thì chớ, lại còn bị đứa nào chọt một cái vào eo đau điếng chứ, đúng là phạt rồ lên được. Mợ toan chửi đổng một trận cho bõ tức, mà chưa kịp xả giận, đã bị cái đứa đó kéo tay hoà vào dòng người. Cái đứa ấy, mợ không rõ mặt, nhưng bàn tay này, hơi ấm này, cả tấm lưng rộng lớn và bờ vai vững chắc kia nữa, trong mơ mợ cũng nhớ, cũng mong. Bên cạnh mợ toàn người là người, chật cứng, đằng sau mợ tụi nó xô đẩy nhau khốc liệt, đẩy mợ đập mặt vào lưng người phía trước. Bàn tay còn lại của người ấy bao bọc nốt tay kia của mợ, rồi vòng hai tay mợ qua eo người ta. Thi thoảng những ngón tay bị siết rất chặt, sống mũi mợ cay xè, mắt mợ đỏ quạch. Mợ khóc, chẳng biết vì sao lại khóc nấc lên nữa, khóc thì khóc thôi. Có ông Trạng che cho rồi mà, cứ chúi đầu vào lưng ông ấy, lau nước mắt lên áo ông ấy, chả sợ xấu hổ đâu. Mợ ước khoảnh khắc đó kéo dài mãi mãi, tiếc rằng, giờ khác xưa khác, nay là ông Trạng rồi, có phải cậu hai của riêng mình mợ nữa đâu. Đến cửa một cái ông Trạng phải theo cha đến nhà thờ tổ tông làm lễ, toàn những bậc trưởng bối trong họ, mợ phận đàn bà nên đành chui xuống bếp sắp mâm sắp bát thôi. Cơ mà cái ông Trạng đó, trước khi đi ông còn bấu eo mợ cái rõ đau, xong mặt ông tỉnh bơ luôn à, ghét nhỉ? Còn sợi dây đỏ mảnh dẻ nữa, đeo trên tay mợ từ lúc nào đây? Xâu qua sợi dây có duy nhất một đoá hoa nhỏ đúc từ đá quý, cũng màu đỏ nốt, màu mợ thích nhất. Trên đoá hoa khắc chữ gì, thì mợ chịu không biết. Mợ Chi cũng chịu luôn, mợ ấy kêu chữ cổ, nhưng cứ nằng nặc đòi cái vòng cho con hĩm. -"Quên đi, con hĩm nhà mợ còn chưa ra, đeo sao được. Để đó cho con Lúa nhà tui." Cái Trang phản bác, nghe đồn đây là vòng bình an của ông thầy phong thuỷ, ông có cái túp lều ở cạnh suối Yến trên đường ra chùa Hương Tích. Lều nhỏ xíu mà mỗi năm đón cả ngàn lượt khách quá giang, chủ yếu là nhờ xem tướng, xem hướng xây dựng nhà cửa làm ăn, còn về việc phát vòng bình an, ba năm mới phát một lần, mỗi lần chỉ phát đúng hai cái. Bởi vậy nên mới hiếm, ai cũng muốn có. Thím Phương chú Trình xin cho bé Ngọc, vợ chồng Nhung Nam xin cho thằng Bắp, vú Năm xin cho con dì Chín, cu Trí năn nỉ dành đồ cho con Dung, gian bếp nghi ngút khói tự dưng sồn sồn cả lên. Tranh nhau mỏi miệng, tiếc rằng mợ hai lắc đầu nguầy nguậy, đoạn lừa lừa chạy biến theo thằng ẻo lả. Nó vẫy mợ từ nãy rồi, thấy mợ ra liền đưa tới căn phòng phía Tây. Mợ vào trong trước, nó ở ngoài ngó nghiêng ngó dọc không thấy ai bám theo liền thở phào đóng kín cửa, run run bê bát ngọc chuẩn bị sẵn kính cẩn đưa mợ. -"Huyết yến đó mợ, mau, mau ăn cho nóng." Mợ Trâm tươi cười đón lấy chiếc bát, mùi thơm ngào ngạt quả thực khó cưỡng. Huyết yến, cả đời mợ cũng chưa thấy huống chi là thưởng thức. Mợ khéo léo múc một thìa nhỏ, vừa định nếm thử thì tình cờ bắt gặp tên đó lén lút lau mồ hôi hột, mợ chợt bần thần, nhưng rất nhanh đã lấy lại tinh thần, mợ đưa chiếc thìa về phía nó, nhỏ nhẹ bảo. -"Ngươi theo cậu vất vả, cho ngươi dùng trước!"
|