Làm Dâu Nhà Phú Ông
|
|
#56
Cậu mợ cùng nhìn nhau há hốc, ông giải thích thêm một hồi nữa, cậu thẳng thắn từ chối gợi ý của ông, ngược lại mợ nghe như muốn nuốt từng chữ một, trong lòng khấp khởi hi vọng. Chiều tối hôm đó, đợi lúc cậu đi đóng chuồng lợn cho người ta, mợ chạy vụt sang nhà con Trang, hồ hởi tâm sự với các dì các thím. Giọng mợ run run, ngắt quãng chỗ được chỗ mất làm cả hội ngơ ngác chẳng hiểu gì sất, cũng may có dì Hồng sáng dạ thay cháu gái tóm tắt ngắn gọn. -"Là thế này, cách kinh thành sáu dặm về phía Đông có một ngọn núi lớn, sâu trong núi có cái trường đào tạo sĩ tử, tầm chục học trò của trường đó sẽ được vào thẳng kì thi Hội." -"Ơ con tưởng phải qua thi Hương mới được thi Hội chứ dì nhể?" Con Trang ngây ngô thắc mắc, mợ Trâm húp vội bát nước vối lấy sức kể tiếp. -"Không đâu, là dân làng mình đồn thế thôi. Sự thực thì ông thầy mở cái trường đó trước là thừa tướng cơ mà, nay cáo lão hồi hương rồi. Nghe đồn ban đầu Thánh Thượng ra chiếu chỉ cho ông chọn hẳn ba chục đứa, cơ mà ông chỉ lấy chục thôi cho chất lượng, năm nào ông cũng có học trò đậu tam bảng đó. Cái ông tui với cậu gặp trên núi ban trưa ý, vợ chồng ông đó làm dưới khu bếp mà, chuyên nấu cơm cho các thầy các trò." -"Có hẳn người nấu cơm cơ ạ? Vậy trường đông lắm mợ nhỉ?" -"Đông, hàng năm cứ tới tháng tám là cả ngàn người khắp nơi đổ về xin học, nhận tầm dăm bảy chục một khoá. Mỗi tội chỉ nhận nam thôi, không nhận nữ, cũng không cho vợ đi cùng, thế mới khổ." -"Ôi dào, chắc gì cậu hai đã được nhận mà lo? Lấy đâu ra tiền đóng học phí? Với cả được thì cũng không cho đi, mất chồng như chơi đó con, mi dại lắm." Dì Hồng tỏ vẻ hiểu biết nhắc nhở, thím Vân bĩu môi đập vai dì bôm bốp. -"Cái mụ này, nghễnh ngãng hả? Nó biểu rồi đấy thôi, giàu góp tiền, nghèo thì sáng học chiều bổ củi trồng rau cho trường, cứ đủ tiêu chuẩn là nhận, mà tiêu chuẩn lớp văn chưa biết chứ lớp võ thì cậu hai cao vượt rồi còn gì? Cứ động viên cậu đi thử sức mợ ạ, rồi sau này cậu rạng danh, kể cả cậu có rước bà hai thì cậu cũng không quên mợ đâu." -"Đến lúc đó có khối mà nó được làm bà cả. Cậu thành đạt rồi, rước con gái nhà quan đời nào nó chịu làm lẽ? Còn tôi còn thím nha, để rồi coi lời tôi nói đúng không?" Thím Vân kêu chịu hay không thì cậu là người quyết, dì Hồng phản bác có nhiều chuyện không phải quyết là được. Bu Trinh con Trang theo phe thím Vân, mấy người còn lại ủng hộ dì Hồng, hai bên cãi nhau om sòm củ tỏi. Con Phụng đứng ngoài nghe ra hết, nó chạy vào níu ống tay áo mợ Trâm chân thành thủ thỉ. -"Cứ để cậu thử sức đi mợ ạ, để sau này nhìn lại không phải hối tiếc." -"Ừ ha, như khi xưa mi bỏ thằng Toàn theo trai huyện giờ chắc mi cũng chẳng hối tiếc đâu nhỉ?" Mợ Trâm ngứa mắt sẵn rồi nên quắc mắt xỉa xói rõ ghê, hại nó tái mặt. Thằng Toàn xót vợ nhỏ, vội cầm tay cái Phụng xoa xoa an ủi. -"Dào ôi, mợ Trâm phổi bò nói có bao giờ uốn lưỡi đâu mà, bu nó đừng để bụng gầy người." Con Phụng e lệ gật đầu, tụi nó dắt díu nhau lên buồng để lại con Trang bên dưới nở nụ cười méo xệch. Nó kêu cái rơm này bị ẩm hay sao mà đun lên khói cay mắt quá, xin phép cả nhà ra ngoài rút thúng rơm khác. Bu Trinh rón rén đi đằng sau nó, đoạn ngồi xổm xuống vỗ vai con gái động viên. -"Thôi con ạ, lấy được thằng chồng khá giả thì phải chịu. Nom mợ Trâm kia kìa, có bữa còn phải vét cơm cháy, nhà mi thì bữa nào thiếu cá thiếu thịt đâu?" -"Con thà vét cơm cháy cả đời!" Nó gần như gào lên, đoạn nó ôm bu khóc rưng rức, nó xin bu cho nó về nhà bán bún, nó sắp không nhịn được nữa rồi. Mắt bu cũng nhoè đi từ bao giờ, bu thở dài dỗ dành nó. -"Ngoan, nín đi, nín rồi lát bu xin ông Trần bà Thanh cho mi về ngủ một đêm." Mợ Trâm đứng sau gốc hồng xiêm nghe lén mà đầu óc ong ong, mợ thương bu thằng Thóc, thương bu, thương luôn cả cậu nữa. Ba năm! Ở nhà ba năm cũng có làm gì đâu? Ở nhà để vét cơm cháy à? Thà rằng để cậu đi học cho mở mang đầu óc, chung một trường chắc suất ăn giống nhau, nhà cao cửa rộng ở cũng sướng cái thân. Con Trang nhỏ hơn mợ, nó còn chịu được, không lẽ mợ lại ích kỷ? Nghĩ thấu rồi, mợ hít một hơi thật sâu chạy về gặp cậu, tỉnh bơ phàn nàn. -"Cậu hai, tận mấy năm nữa cậu mới thi Hương thì lâu quá, tui chán cảnh nghèo lắm rồi, tui thích có chồng đỗ đạt để ra ngoài đường có thể ngẩng cao mặt." Một câu nói bâng quơ của mợ thôi cũng hại cậu trằn trọc cả đêm. Sáng ra mợ nấu cháo hành hoa với tép khô, đợi bu Phúc ăn xong cậu chậm rãi thưa chuyện với bu, bu nghe xong lửa giận phừng phừng, tiện tay úp thẳng cái bát con lên đầu mợ chửi rủa. -"Cái con khốn này nữa, cậu hai kiếp trước làm nên tội tình gì mà lấy phải con vợ ngu suốt ngày chỉ biết xúi dại chồng như mày? Bu dặn rồi cơ mà? Đợi cậu cả đỗ đạt bu xin cho chức thị vệ, không đi đâu hết. Chớ cậu dám cãi bu, cậu mà bước chân ra khỏi cửa thì từ giờ đừng có gọi bu là bu nữa." -"Cậu cả, cậu cả, suốt ngày cậu cả. Có mỗi bát bún riêu cua cũng ăn hết của cậu hai, nhưng gi gỉ gì gi cái gì cũng dúi cho cậu cả. Rốt cuộc bu là bu của ai? Của cậu hai hay cậu cả?" -"Chị bị mất trí à mà còn phải hỏi? Tất nhiên là của cậu cả!"
|
#57
Chỉ là lúc bốc đồng nhỡ buột miệng thôi, ai dè hậu quả khôn lường. Mợ Trâm dường như chỉ đợi thời khắc ấy, nhanh như cắt chạy vụt lên méc bà cả, bà hai cũng toát mồ hôi hột đuổi theo. Phú bà đang nằm nhai trầu tỏm tẻm trên chiếc chõng tre, phú ông bên cạnh vừa bổ cau cho bà vừa cười sằng sặc. -"Chị ăn sằng nói bậy cái gì thế hả? Chị nom lại cậu xem, da dẻ trắng bóc, trí tuệ hơn người, giải Hương Cống đó, nào có phải chuyện đùa? Cái ngữ bà hai mà đẻ được cậu hử?" -"Nhưng...nhưng...chính bu Phúc bảo vậy...với trước giờ bu chả hề thương cậu hai...bu...bu chỉ thương cậu cả thôi..." -"Ơ cái chị này hay nhể? Cậu hai hay cậu cả thì cũng là con phú ông, con tiểu thư, con tôi, đã là con thì tôi thương tất, thương như nhau..." Bà hai giảo hoạt lên tiếng, bà cả chẹp miệng cắt ngang. -"Chị Phúc nè, đừng thấy cậu cả đỗ đạt cao, thấy sang mà bắt quàng làm họ nghe! Còn mợ Trâm nữa, tội ông ngoại cậu Lâm mà cậu phải gánh kể cũng khổ, nhưng đó là số của cậu rồi, muốn đổi đời thì cố đợi kiếp sau thôi, chứ kiếp này bịa ra chuyện tày trời như vậy, hoang đường lắm mợ ạ. Thân hèn mà cứ thích trèo cao, mắc mệt!" Mợ nào có dám trèo cao, tại mợ cứ nghĩ biết đâu cậu không phải con bu Phúc mà chỉ là đứa bé bu lượm được ở ngoài đồng thì tốt biết mấy. Không cha không mẹ vẫn còn hơn vừa mới sinh ra đã mang cái danh cháu tội phạm sát nhân. Mợ tiu nghỉu về buồng tiếp tục quay sợi, cậu thì tới xế trưa mới ghé qua nhà. -"Cậu đi đâu đấy? Sáng tui chạy lên nhà trên xíu mà về đã chả thấy cậu. Chuyện kia cậu định như nào? Cậu tính nghe lời bu hử?" -"Không." -"Là sao?" -"Sang tuần tui đi." Cậu vừa gặp ông lão kia về, ông kêu đợi ông dưỡng thương mấy bữa thì hai người xuất phát. Như vậy tiện đôi bên, đường xá xa xôi ông già có người trẻ bên cạnh đỡ đần, còn cậu đỡ mất công hỏi han rồi nhỡ đi lạc. -"Tui bảo cậu chứ cứ đi từ sớm, đi lén bu ý, bu ngủ say chả biết gì đâu. Tốt quá rồi!" Mợ cười rạng rỡ, xưa hay chê con Trang giả tạo, giờ mợ thấy mợ cũng giỏi ngang nó. Lòng mợ thực sự không vui đến thế đâu. Một năm, đỗ thêm là hai năm, rất có thể còn tới ba năm, vui sao nổi? Mợ bò vào gầm giường lôi ra cái túi vải giấu bên dưới thúng khoai, gom chỗ bạc vụn và tiền lẻ tích được đưa hết cho cậu, dặn có cần mua sắm gì thì mua dần. Cậu gật đầu, nhưng chiều tối cậu lại lẳng lặng qua nhà bu Trinh, gửi sạch cho bu. Cậu nhờ bu bữa nào mợ lên chợ thì mua cho mợ xâu bánh tẻ hoặc bát chè lam, thi thoảng mợ về chơi bu cứ thịt gà tẩm bổ mợ, tiền thiếu sau này cậu gửi. -"Ôi dào, cậu tính xa làm gì? Con gái bu, bu chả xót thì ai xót? Cậu cứ cầm lấy còn chi tiêu nhiều việc." -"Không, bu xót là việc của bu, còn đây là của tui lo cho vợ tui." Cậu quả quyết rồi xin phép bu cậu về. Bu cứ nhớ tới chuyện cậu dặn đi dặn lại phải chăm mợ mà thấy ngọt ghê lắm. Nghe đâu cậu còn đặt ống tre mới thông từ trên mái lều xuống hứng nước mưa cho mợ, củi thì cậu tranh thủ chẻ nhỏ chất đống cao lắm, mợ thoải mái dùng cả năm. Thường thì cậu hay làm tới khuya nên lúc cậu vào mợ đi nằm rồi, chỉ có trước hôm cậu đi, cậu thấy mợ ngồi lặng lẽ một góc giường, tóc mợ mềm như mây buông xoã bên vai, những ngón tay búp măng bẽn lẽn mở từng khuy áo. -"Cậu hai, tui muốn thực sự là người của cậu." Xong có cu tí luôn thì càng tốt, chứ cậu đi lâu như vậy, mợ ở nhà cô đơn lắm. Con nhỏ xíu thân phận thấp hèn nó cũng chả biết đâu, mợ sẽ chăm con mập mạp khoẻ mạnh, rồi cậu đỗ đạt cao về cả nhà đều được xoá phận hèn, như vậy chẳng phải rất tốt sao? Mợ ra sức nài nỉ, thậm chí ngay cả chiếc yếm đào cũng đã gỡ xuống, nhưng cậu, vẫn một mực không chịu. -"Cậu hai chê tui phải không? Chê tui già?" Nước mắt mợ lã chã rơi. Cậu chỉ ngồi cách mợ có một gang tay, giá như mợ biết ngay lúc này đây, cậu khó chịu tới nhường nào? -"Ngày mai tui đi chả biết như nào. Nếu nhỡ chết dọc đường thì lúc mợ tái giá với người ta, mợ còn nguyên vẹn chắc chồng cũng không làm khó." Giọng cậu buồn buồn, mợ lao tới ôm chầm lấy cậu. Mợ khóc, rấm rứt, nức nở, tức tưởi. Mấy ngày nay mợ nhịn thế là đủ lắm rồi, mợ chịu không diễn thêm được nữa. -"Cậu sống tui sống, cậu chết tui chết." Mợ hằn học cắn môi cậu đến bật máu, mợ kêu phải thật đau thì cậu mới nhớ tới mợ lâu lâu. Mợ khiêu khích cậu trả đũa, cậu cười, cậu nhá lại mợ, một chút trên cánh môi, một chút đôi gò má, một chút trên bờ vai nhỏ nhắn, miên man theo chiếc xương quai xanh mảnh dẻ, chút một, chút một, đều rất nhẹ nhàng. Đoạn cậu với chiếc chăn mỏng, bọc mợ gọn ghẽ trong lòng. Vòng tay của cậu, sự ân cần dịu dàng của cậu, khiến tim mợ chợt nhẹ nhõm. Mợ thôi không cáu, không hờn, không mè nheo, tay mợ mân mê gương mặt cậu, mợ ngắm cậu thật lâu. -"Tui chẳng thèm nhớ cậu đâu." -"Ừ, chỉ mình tui nhớ mợ là đủ rồi!" Ngọt ghê, cậu hai không biết nịnh nhưng cậu biết nói ngọt đó, nói câu nào nhử mợ chết đứ đừ câu đó. Mợ cười hiền, gần tới canh tư thì giả bộ ngủ say, cậu đi rồi mợ mới rón rén bám sau, mợ trèo lên con đê cao nhất, trời còn nhá nhem tối nên cũng chẳng nom rõ cái gì cả. Đôi mắt mợ lơ đễnh vô định, mợ cứ đứng đó, đứng từ lúc bình minh rực rỡ chói chang tới khi trời dần tắt nắng. Khói trắng len lỏi từ các góc bếp quấn quít với mây hồng, gió đưa luỹ tre kêu xào xạc, đâu đây mùi cơm chín thơm phức, tiếng tụi nhỏ ríu rít tắm sông cùng trâu già nghé non, tiếng các chú các dì đi làm đồng về rôm rả chuyện trò, một buổi chiều yên bình êm ả như bao buổi chiều khác, cớ sao lòng mợ, trống rỗng đến tột cùng?
|
#58
-"Cái con ôn nghiệt kia! Tối rồi mà không về nấu cơm đứng ưỡn ẹo trên đấy làm cái gì? Chị tính để bu chết đói chị mới vừa lòng hả?" Giọng bu Phúc oang oảng từ phía bờ sông bên kia. Dâu với chả con loại mất nết, sáng không thấy đằng sáng trưa mất tăm đằng trưa, cả ngày hôm nay bu lê la ngoài chợ, hết bánh tẻ tới bánh rán, nào đã được hột cơm nào vào bụng? Gớm chả biết ăn phải bả gì, chửi cho không biết tiếp thu thì thôi, cái mặt cứ hầm hầm như đâm lê. Hồn mợ chắc treo trên trời? Kho cá quên giềng, nấu canh rau ngót thì chẳng thèm bỏ tôm khô, canh xuông húp loãng thềnh thệch, nhà ba bu con sắp lên có đôi bát. -"Chưa già đã lẫn thế này thì chết!" Bu gõ đũa cành cạch xuống mâm, bĩu môi xỉa xói, mợ ngược lại bình thản đáp. -"Cậu hai đi làm ăn xa rồi, chắc năm sau mới về." -"Hả? Đi đâu? Dưới phố huyện hử? Ai thuê?" Bu sửng sốt hỏi lại, mợ xới cơm cho bu, bịa bừa. -"Có cái xưởng mộc họ thuê người, đúng là dưới phố huyện, nhưng huyện khác chớ không phải huyện mình. Nên là đi xa lắm, chắc không về thường xuyên được." Thường ngày mợ Trâm chỉ đanh đá thôi chứ tính tình thẳng thắn có gì nói nấy nên bu tin liền, bu khấp khởi dặn dò. -"Ừ, cơ mà làm xưởng mộc chắc giàu lắm nhỉ? Không về cũng chẳng sao, đi lại vất vả tốn kém, có điều hàng tháng nhớ nhắn cậu gửi tiền về. Rồi Tết được thưởng nhiều dặn cậu đừng mua linh tinh, để đấy bu còn cắt cái áo tứ thân mới...Ờ mà thôi, kêu cậu mua vải luôn trên đó đi, mua hai xấp, một của bu một của cậu cả nghe!" -"Tiền của cậu cực khổ làm ra thì cậu xài, mắc mớ gì phải cho ai." Mợ Trâm lủng ba lủng bủng, khổ nỗi tai bu thính quá, bu nghe thấy liền, bu mắng mợ bất hiếu. Mợ kệ, bu nhòm mâm cơm một hồi, đoạn cầm cái bát đưa mợ, hắng giọng sai. -"Chạy sang nhà bu Trinh xin ít dưa cà đi, nhai kèm cho đỡ ngấy." -"Thôi, bu thích mai con ra chợ mua về muối bu ăn, cứ xin hoài con ngại lắm." -"Ôi dào, nhà bu chị có cả vườn, mua làm gì lãng phí? Với chả phải ngại ai sất, không xin thì lén xúc trộm về, chỗ bu con với nhau không lẽ nó lôi chị ra đình bêu riếu." Bu nhì nhèo khản cổ mà mợ nhất định không đi, bu điên tiết ném thẳng cái bát vào mặt mợ. Mợ tránh được nhưng bị mảnh sành sượt qua trán làm da rơm rớm máu. Có vết xước nhẹ thôi mà mợ khóc rấm rứt, bu cười khẩy móc mỉa. -"Gớm, có mấy quả cà làm gì mà căng? Sống ích kỉ nhỏ nhen nó quen, bu nào con nấy đến chán đời." -"Bu im ngay!" Mợ mất bình tĩnh gào lên, thầy mợ mất sớm, bu mợ một mình tần tảo nuôi ba đứa con biết bao cực khổ, lo trăm thứ bà dần nhưng nào có để chị em mợ chịu thiệt thòi. Cu Trí bu thuê thầy dạy đàng hoàng đã đành, đằng này ngay cả mợ với con Trang, phiên chợ nào bu gặp bu chả cho cái này cái kia, có lần nào về bu không thịt gà? Nhưng tất cả những điều đó, bu Phúc lại không biết. Bu mở miệng ra là nhiếc mợ, nhiếc bu mợ nông dân hèn không biết dạy con. Cậu đi vắng nên khẩu khí bu lớn lắm, vênh lắm, bu với cái quạt nan ra sức ghè mợ. Bu biết một mà chẳng biết hai, trước kia mợ nhịn bu, cắn răng để cho bu tẩn, bu có biết vì ai không? Vì cậu hai đó, vì mợ thương cậu, nên mợ không muốn cậu phải khó xử, chớ bu đừng tưởng mợ dễ bị bắt nạt. -"Tui nói bu nghe, tui là con người chứ không phải là con chó nghe! Bu còn dám quật tui thêm cái nữa là tui xách đồ về ở với bu tui liền. Cậu hai đi cả năm cơ, để xem còn con nào cơm bưng nước rót tới tận miệng cho bu?" Bu sốc, mợ dám trừng mắt lại bu cơ đấy, mợ cũng ghê thật. Doạ bu cơ à? Láo nha láo nháo! -"Được, chị được lắm! Để tôi về tui méc cậu hai, xem cậu có trị mợ không?" -"Bu giỏi bu cứ méc, tui cũng muốn xem cậu biết bu đánh tui thì cậu xót tui hay xót bu?" Mợ cãi cứ nhem nhẻm, bu tưởng bu lên cơn đau tim rồi chứ. Ôi chao ôi, ở đâu có cãi ngữ con dâu đè đầu cưỡi cổ mẹ chồng thể hả? Bu uất nghẹn họng mà không làm được gì sất, cũng chẳng dám đập mợ thêm cái nào nữa, nhỡ đâu mợ về thật mất thì còn ai hầu bu? Lần đầu tiên cãi nhau với mợ bu khóc, không phải để ăn vạ, mà khóc vì ấm ức thực sự. Mợ thì chả quan tâm, mợ cố ăn nốt bát cơm lấy sức. Cậu vắng nhà nên mợ là người quyết, bu thích ăn gì mợ thường cố gắng chiều bu, nhưng tiền tiêu vặt mợ chẳng cho bu đồng nào cả, cơm trưa của bu mợ nấu từ sáng. Mợ giờ bận lắm, ai thuê gì cũng làm, hết cắt cỏ tới xới đất, từ vụ chiêm qua vụ mùa, ngay cả hôm Tết Trung Thu, người người rước đèn nhà nhà hát hò, mợ vẫn ngoài ruộng cùng con Trang, men theo ánh trăng chăm chỉ cắt lúa. Sáng mợ đi gặt thuê cho người ta, đêm thì lại tranh thủ qua giúp ông bà thông gia. Tất bật như con thoi cả ngày, người nhức vai mỏi, nhưng nghĩ xót em gái nên lại cố gắng. -"Em bảo, tuần sau hong xong em đem cho hai yến Bắc thơm." -"Ôi dào, mi điên, tao bảo giúp là giúp. Mà con Phụng sao lười chảy thây thế? Chả thấy bóng dáng tăm hơi đâu?" Cái Trang cười cười nói đỡ con nhỏ vừa mới ở đây lúc chiều, chắc nóng quá về tắm, nhưng xong chột dạ thế nào nó lại kêu bác làm nốt em về có tý việc. Đúng như nó linh tính, con bé đã gói ghém quần áo cẩn thận, đang lén lút chạy lên phố huyện. -"Phụng rồ hả? Tui đã nói hết nước hết cái cả đêm qua rồi mà? Cái thằng khốn nạn đó nó đâu có thương Phụng, nó ốm mặc nó, cho nó chết cha nó đi! Thầy thằng Thóc cưng Phụng như vậy sao Phụng nỡ lòng nào? Thời tiết trở trời thầy nó cũng đang sốt sình sịch, mở mắt ra không thấy Phụng lại buồn, lại ôm chó ngồi khóc tu tu, Phụng không xót sao Phụng?" -"Trang làm gì mà nghiêm trọng vậy? Có Trang rồi mà, với tui đi vài ba ngày tui về thôi, Trang không hiểu đâu, tui lo lắm, cái ruột tui nó cứ bồn chồn không yên, không đi tui chẳng ngủ được đâu." Con Phụng phân trần, dứt lời nó cắn tay cái Trang đau điếng rồi lừa lừa chuồn mất. Thằng Toàn thức giấc không thấy vợ bé buồn thối ruột, nó hỏi thì con Trang cứ chối quanh, nó cáu tiết ép vợ cả thề độc, rằng nếu nói sai thì tương lai cu Thóc thi đâu cũng rớt. Trang sợ tái mặt, rốt cuộc đành khai thật, Toàn nghe xong đầu óc choáng váng chân tay rụng rời, loạng choạng thế nào trượt chân ngã ngửa xuống cái ao sau nhà. Ao đang tát để bắt cá nên nó cũng chả chết chìm được, chỉ là, bao nhiêu thống khổ giận hờn nó đổ hết lên đầu con Trang, nó chỉ thẳng vào mặt bu thằng Thóc quát ầm ĩ. -"Sao không giữ nó ở lại cho tui? Sao giấu tui mấy bữa liền? Tại bu nó đó, tất cả là tại bu nó! Tui chán cái mặt bu nó rồi, bu nó cút về nhà bu Trinh đi!"
|
#59
Đang điên nên nó chửi đổng cho sướng cái mồm thôi, bữa nào nó chả thế, cứ bực bội cái gì là lôi con Trang ra càu nhàu. Đau lưng bu thằng Thóc, rát họng bu thằng Thóc, đến cả rượu chè bê bết về cũng kêu bu thằng Thóc rửa chân hộ, thi thoảng thói đàn ông sĩ diện lên quát vợ, đuổi vợ một hai câu cho oai chứ nào có ý gì. Con Trang lúc hiền nó nịnh, lúc cáu nó cãi bao giờ ông Trần bà Thanh đuổi thì nó về, ấy vậy mà bữa nay nó thay tính đổi nết, sồn sồn lên như con hổ cái. -"Này nhá...đừng thấy bà lành mà...mà...mà...chèn ép quá đáng nhá! Đây nói cho mà biết, đằng ấy cũng chẳng cao giá gì đâu! Cái đợt suốt ngày ôm chó đó, cả thôn đồn bị điên, có ma nào thèm ngó? Còn đây ý, các anh trai xếp hàng chật cả sân nhá, đây chỉ thua Trâm với Hoàng Anh thôi." -"Ghê nhỉ? Đây bị điên đấy, sao còn lấy? Chả mê bỏ xừ đi còn màu mè!" -"Quên đi, thèm vào mà mê! Chẳng qua nhà đằng ấy giàu hỏi cưới cao thôi." Sự thực thì đúng là thế, nhưng tất nhiên chỉ là nửa đầu của câu chuyện. Còn nửa sau, mê đắm cha thằng Thóc từ lúc nào, bố ai mà biết được? Mà một vừa hai phải nó còn nhịn nổi, chứ quá đáng thế này thì dẹp thôi. Nó vênh mặt quay vào buồng dọn áo quần, đoạn bồng cu Thóc lao phăng phăng ra ngoài ngõ. Bà Thanh trong bếp tất tưởi chạy theo con dâu, dúi vội cho thằng cháu đích tôn quả trứng gà ta mới luộc rồi thỏ thẻ khuyên con mẹ nó. -"Sang bên đó chơi mấy bữa xong cuối tuần lại về với thầy bu nha Trang." Khoé mắt con Trang rưng rưng, so với Trâm thì nó được gả vào gia đình khá giả hơn, ruộng vườn rộng thênh thang, cha mẹ chồng tốt tính, thua là thua mỗi phần thằng chồng thôi, mà nó cảm thấy, thua thế, là thua tất rồi. -"Bu kệ nó, đã bước chân ra khỏi cổng thì cấm về!" Thằng Toàn kiêu căng lên tiếng, ông Trần rít xong điếu thuốc lào liền cầm cái ống cày đập vào đầu thằng con dại, lãnh đạm tuyên bố. -"Mày ấy, mày đi luôn theo con Phụng đi, dọn xuống phố huyện hai ông một bà sống cuộc đời viên mãn của tụi bay đi. Thầy bu có thằng cu Thóc nối dõi tông đường rồi, khỏi lo." Toàn bị thầy đuổi, tự ái vào buồng gom hết bạc lẻ quyết chí xuống phố huyện tìm Phụng. Nó chạy mải miết, chạy tới kiệt quệ mới thấy người. Nó thấy Phụng đang đút cho thằng cha kia từng thìa cháo một ngay dưới túp lều trong chợ huyện. Xưa giờ nó cứ đinh ninh trong lòng Phụng chỉ có nó, còn với hắn chỉ là ham giàu, ham chốn phố xá xa hoa, nhưng có lẽ nó đã nhầm. Ngay cả khi nhà hắn khuynh gia bại sản, Phụng vẫn hết lòng bên hắn. Mấy ngày nay nó cũng ốm, thi thoảng mở mắt nó thấy Trang lau mồ hôi trán cho nó, còn Phụng cứ đi ra đi vào, nó tưởng Phụng lo cho nó, giờ mới biết, lại một mùa dưa bở. -"Đã từng thương tui chưa?" Thằng Toàn cay đắng hỏi, con Phụng giật mình quay ra trân trân nhìn chồng. Thương chớ sao không thương? Nhưng tình cảm đó, âu cũng chỉ là chút rung động đầu đời, không đủ lớn, không đủ mãnh liệt để khi xưa níu chân nó lại. Trâm từng hỏi, mi bỏ thằng Toàn theo trai huyện giờ chắc mi cũng chẳng hối tiếc đâu nhỉ? Lúc ấy nó đã rất muốn đáp, phải, chưa từng ân hận. Bất đắc dĩ phải tái giá, nó đâu sung sướng gì? Thằng Toàn cưng nó, chiều chuộng nó, thậm chí trước kia từng nhớ nó tới phát điên, dường như cũng chẳng hẳn do yêu nó lắm, mà là, đang nuối tiếc những ký ức đẹp. Chuyện vui kể nó nghe, nhưng muộn phiền thì chỉ nói với mỗi Trang. Nó nhớ mãi cái hôm trưa nắng bu Thanh mang cơm ra đồng, bu đãng trí đem có hai chiếc bát, Toàn nhường nó dùng bát đẹp rồi ăn chung chiếc bát sứt cùng Trang. Nó được đối xử rất tốt, tốt tới mức nó tưởng nó là người lạ, là khách, chứ chẳng phải vợ người ta. -"Cái người kia ý, thì ra nhà hắn bại lụi, hắn xót tui nên bỏ tui để tui lấy người khác sướng hơn chứ không phải hết thương tui. Chắc tui chẳng về nữa đâu, tui ở đây với hắn thôi." Con Phụng chậm rãi trình bày, thằng Toàn sững sờ một hồi, nó tưởng nó sẽ sốc, sẽ phát rồ lên cơ. Ai ngờ cũng chẳng đến nỗi thế, khoảnh khắc chứng kiến đôi trai gái mặn nồng, dường như lòng nó đã nguội lạnh. Phải chăng nó già mất rồi, cảm xúc chẳng còn được sôi sục như thời trai trẻ? Nó cho con Phụng một phần ba chỗ bạc, kêu giữ làm vốn mà mở quán nước chè rau cháo nuôi nhau. Phụng chưa kịp cảm ơn thì nó đã bỏ đi rồi, nó phải tìm tiệm đá quý cuối huyện, xưa mợ Trâm mợ có cái vòng đá đỏ đẹp lắm, con Trang cứ khao khát mãi, tiện thể thôi thì mua luôn. Lựa một hồi mới được cái màu hồng, đúng màu bu thằng Thóc thích. Cơ mà bu nó còn dỗi bên đằng ngoại, đã thèm về nhà đâu? Ngay cả chó cũng đi theo thằng Thóc rồi. Ôi dào, cái bọn nhiễu sự, được dăm bữa nửa tháng ấy mà, ở bên đó khổ quá, suốt ngày ăn dưa cà rồi cũng phải mò về thôi! Ấy thế mà vụ thu qua đi, sang vụ đông bắt đầu xới đất nửa trồng khoai nửa trồng ngô, từ bu lẫn con tới cả con chó vẫn chưa thấy tăm hơi. Mỗi lần nghe thấy tiếng cổng mở là một lần nó giật nảy mình, bụng dạ khấp khởi mừng thầm, nhưng rồi, lại là một lần nó thất vọng. Bu thằng Thóc thế mà gan, thầy thằng Thóc sốt ruột ghê gớm, nó kiếm mợ Trâm đánh tiếng. -"Chả khuyên em gái để nó hỗn như thế người làng chả cười cho thối mặt." Mợ Trâm bữa nay mượn xe bò của dì Hồng đi xuống chợ đầu mối bán hàng cả ngày nên hơi mệt, thành ra lời lẽ chẳng được nhẹ nhàng cho lắm. -"Dào ôi, cho cười, cười hở mười cái răng." -"Gớm bác đừng có kiêu, bỏ tui cũng chẳng hay ho gì đâu, gái có chồng ai thèm rước nữa." -"Mi khỏi lo bò trắng răng, đợi cậu hai về tao bảo cậu rước, về ở chung với tao luôn cho vui." Ôi chao ôi, trêu thế thôi mà có đứa lo xoắn quẩy kìa. Mợ Trâm cười lăn cười bò, cười đến nỗi chảy cả nước mắt. Cậu hai, vậy mà cũng đi ngót nghét mấy tháng rồi nhỉ? Chẳng biết có nhớ tới mợ không? Chắc có đó, trước lúc đi cậu kêu mình cậu nhớ mợ là được rồi mà, cậu đã nói thì kiểu gì cậu chả giữ lời. Trước cậu ở nhà, có bữa rảnh rỗi không phải lên núi, cậu cứ bám mợ hoài. Theo mợ xuống bếp rang cơm, theo mợ ra chợ bán vải, theo mợ nhổ rau dại ngoài vườn, chốc chốc chọc eo mợ đau điếng, nhột nữa, nhiều khi mợ bực bực ấy. Xong cơ mà giờ lại nhớ, lại ước giá kể cậu ở đây, bẹo eo mợ, dù chỉ một cái thôi là đêm nay mợ ngủ ngon rồi. Mợ thở dài thườn thượt, đang định đứng dậy quét cái sân bỗng nghe giọng mợ Chi hớt ha hớt hải. -"Trâm...mợ Trâm...có tin của cậu hai nè...nguy...nguy to rồi...cậu...cậu rước thêm vợ rồi, là cháu gái của ông thầy dạy cậu đó...nghe đồn có cu tí nên phải lấy!"
|
#60
Cán chổi trong tay mợ Trâm đột ngột rơi xuống, mợ đứng như trời chồng giữa sân, không cười, không khóc, cũng không một lời oán hận. Mợ Chi lay mãi mà người đối diện cứ cứng đơ, mợ hoảng quá rối rít thừa nhận. -"Ê, mợ Trâm...tui đùa...mợ Trâm nè...đùa tý mà...ông thầy kia làm gì có cháu gái. Với giả như có cũng lấy sao được, ít nhiều cũng phải môn đăng hậu đối, đợi tới lúc cậu đỗ đạt thì may ra chứ. Mấy người có địa vị, mợ tưởng rước con gái nhà người ta dễ lắm à? Như tui nè, thầy Kim chả tốn mấy hòm vàng đó, chưa kể gấm vóc lụa là..." Mợ Trâm sau một hồi định thần mới hoàn hồn, mợ điên tiết bẻ cành na quật mợ Chi vun vút. Từ vườn hồng sang vườn mận, một mợ chạy hối hả, một mợ vừa đuổi thục mạng vừa quát. -"Tui giết mợ nghe, cái mồm độc địa, làm người ta sợ muốn xỉu." -"Tại mợ cũng ngu nữa đi, muốn có cu tí cũng phải chín tháng mười ngày chứ bộ, thế mà cũng tin? Nhưng mà có thư của cậu hai thật đó, tháng trước thầy tui xuống kinh thành chơi mà, rồi tui dặn thầy tui ghé qua trường cậu, thầy tui cưng tui lắm, thầy tui đi liền à." -"Thật á?" -"Không tin thì thôi, tui giữ làm của riêng vậy, chữ cậu hai đẹp ghê nhỉ?" Mợ Chi hươ hươ bức thư ra chọc ghẹo, mợ Trâm mắt sáng long lanh, nịnh nọt mợ Chi không tiếc lời, mợ Chi xinh gái, mợ Chi dễ thương, mợ Chi tốt bụng nhất trên đời. Mợ Chi phổng mũi lắm, kéo mợ Trâm ra sau đống rơm, ngó nghiêng ngó dọc thấy vắng tanh liền hắng giọng đọc mợ ấy nghe. Chuyện cậu hai đi học chỉ có vài người biết thôi, mợ Trâm bắt mợ Chi giấu tiệt, một phần sợ người làng mỉa mai, phần nữa sợ bà cả hãm hại. Cậu hai cẩn thận ghê lắm, hễ cái gì cậu gặp mà lạ lạ, từ những toà nhà gần kinh thành được lợp mái ngói ra sao tới ở đây có cái lò nung gạch từ đất sét nó lạ như nào, cậu đều ghi chép cẩn thận tỉ mỉ kể mợ hai. Rồi mang tiếng cuối thư cậu dặn mợ cái này cái kia cũng hết cả hai mặt giấy. -"Chữ này là gì? Là tên tui hả?" -"Ừ, tên mợ. Trâm, Ngọc Trâm." -"Hử? Đâu ra vậy? Tui làm gì có tên đệm đâu?" -"Không biết, chắc cậu đặt cho mợ!" Là cậu đặt thật á? Ngọc Trâm, nghe hay ghê đó, mợ sướng râm ran, mợ ôm khư khư bức thư trong lòng mãi. Kể từ đó, mỗi lúc mợ Chi rảnh mợ lại chạy sang nhờ đọc hộ, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần mà mợ chẳng chán gì sất, cứ cười tủm tỉm hoài thôi, còn dựa vai mợ Chi kêu kinh thành nhiều thứ hay nhỉ, giá kể được tới một lần, mơ mộng ghê lắm. Được cỡ một tháng thì mợ chẳng cần nhờ vả nữa, tại mợ thuộc rồi. Đi đâu mợ cũng đem theo, rảnh rang lại mang ra ngắm, mợ dốt chứ không được sáng dạ như mợ Chi, mặt chữ mợ không nhớ hết được, nhưng riêng cái dòng cuối cùng mợ đọc vanh vách luôn. Cậu bảo, mong tới ngày tái ngộ. Mỗi lần đến cái đoạn ấy tinh thần mợ phấn chấn lạ thường. Có bữa người ta thuê gánh khoai lang cả ngày, trả công bảy tiền lận, nhưng lúc về vai sưng rộp, đau khủng khiếp, cơ mà mợ lại thắp đèn dầu, mở thư của cậu ra xem ngấu nghiến, rồi mợ quên mất mợ mệt, mợ ngủ thật ngon. Bức thư thứ hai cậu gửi đầu tháng chạp, nhưng phải hai mươi chín Tết mới tới tay mợ. Cậu hai là một trong mười học trò được thầy chọn để cuối tháng sáu tham dự thi Hội, mợ Chi cứ chúc mừng mợ mãi thôi, vậy là kỳ này cả hai cậu cùng thi, hai mợ đêm ba mươi còn rủ nhau ra chùa xin lộc non lấy may. Mợ Chi cầu cho cậu cả đỗ giải Hội Nguyên làm rạng danh dòng họ, mợ Trâm thì chẳng dám mơ cao đến vậy, nếu như thi Hương lọt tam bảng là cu tí được xoá phận hèn thì thi Hội chỉ cần lọt danh sách ba mươi người đứng đầu thôi. Mợ cầu cho cậu được vào cái bảng đó, còn đứng thứ mấy cũng được, chả quan trọng. Cái Tết đầu tiên của bu con mợ khi cậu vắng nhà cũng gọi là tươm tất. Tuy chẳng có lợn rừng nhưng được thằng Toàn cho chục cân thịt ba chỉ với ít nếp nương là đủ gói bánh chưng rồi. Trang còn chưa thèm vác mặt về nhà cơ, đợt này nó làm mình làm mẩy kinh lên được, đòi ra giêng thầy thằng Thóc phải đem trầu cau tới rước nó thêm lần nữa nó mới chịu. Nó đang nghén đợt hai đấy, ông Trần bà Thanh mong cháu phấn khởi hết cả người, chốc chốc lại giục Toàn nhặng xị ngậu, Trang được thể càng kiêu tợn. Bu Trinh, Trâm, Trí nom cái điệu bộ ngúng nguẩy của nó mỗi lần chồng sang nịnh nọt mà chụm đầu cười khúc khích. Cái bụng to chềnh ềnh lên kia kìa, giận dỗi cái kiểu gì vậy hả trời? Đầu giường cãi nhau cuối giường làm lành hử? Mồng năm Trang Thóc chó theo Toàn về dinh thì mồng bảy thôn cũng có thêm đám nữa, cô Hoàng Anh lấy chú Phường, con trai cai tổng. Nghe đồn chú phải trồng cây si mấy năm lận người ta mới ưng, thôi kể cũng xứng đáng, rước được cô đẹp người đẹp nết đẹp hết phần thiên hạ. Cỗ nhà cô to lắm, chắc thua mỗi nhà phú ông. Chuyện, con gái trưởng thôn cơ mà, coi như đại diện cho bộ mặt của cả thôn, không làm hoành tráng thôn bên kia nó lại chả cười cho. Cả thôn tụ họp từ sáng sớm tinh mơ, thanh niên trai tráng người bắc rạp người tết cổng lá dừa, chị em phụ nữ cũng chia dăm bảy nhóm, con Quỳnh đảm nhiệm nhóm tiếp khách, nhóm nấu nướng do thím Vân quản, nhóm nếm thử cỗ bà hai đứng đầu, nhóm cắm hoa bà cả phụ trách, nghe đâu bà đợt này chơi sang, hoa do bà đầu tư cả đấy, toàn mẫu đơn thược dược chuyển từ phố huyện về, cỡ phải gần trăm quan. Riêng nhóm văn nghệ ông trưởng thôn tin tưởng giao cho dì Hồng và cô Mõ. Thường ngày dì quê quê bẩn bẩn thế thôi mà quẹt thỏi son trát tý phấn vào nom cũng ra gì ra phết, chú Hảo dắt đàn bò đi qua cứ phải gọi là đua nhau nhìn không chớp mắt, nhìn đến rụng rời chân tay. Trong buồng mợ Trâm hì hụi tết tóc cho cô Hoàng Anh, không khí nó cứ ngượng ngập ghê ý, ôi chao, đối diện với tình địch một thời ai mà tự nhiên cho nổi. Với cả ở cô cũng toát lên khí chất kiêu sa đài các, mợ thấy mợ dân đen chẳng sánh được. -"Cậu hai đi làm xưởng gỗ chắc cực lắm, Tết cũng không thấy về mợ nhỉ?" Cô dịu dàng hỏi thăm, mợ giả bộ tỉnh bơ chối đây đẩy. -"Đâu có, giao thừa cậu về nhưng mồng một lại đi sớm rồi, cậu vẫn còn thương tui nhiều ghê ý, mang cho tui bao nhiêu quà kia kìa." Phải nói đại thế để cô còn yên tâm đi lấy chồng, chứ cứ tương tư nhòm ngó chồng mợ mãi mợ mệt lắm. Cô cười hiền khen mợ có phúc, mợ đỏ mặt, lí nhí thừa nhận mợ phải cua cậu mãi chứ đâu được người ta si mê say đắm ngay từ đầu như cô. Cô lặng thinh hồi lâu, rồi lúc thay yếm đỏ xong, cô kéo mợ lại thủ thỉ. -"Ngày xưa ấy, cũng có lần tui bắt chước mợ, tui dùng một quan tiền mua cây chổi mười chín đồng. Cậu hai có chiếc hộp phân loại tiền rất ngăn nắp, chỉ một cái chớp mắt cậu đã trả tui đầy đủ tiền thừa. Ngược lại, mợ đưa có một tiền thôi, nhưng cậu phải đổ cả đống xu lẻ trong ống ra, mày mò, đếm đếm, tìm hoài kiếm mãi mới hối lại được cho mợ. Mợ hiểu không?"
|