Làm Dâu Nhà Phú Ông
|
|
#51
-"Xi, ai? Ai chớ? Một trăm quan? Ai mà nằm mơ giữa ban ngày như thế? Một ngàn một vạn quan tui cũng chẳng thèm nhé. Cái lần đó tui giải thích rùi mà, là tui cần tiền gấp cho cậu đi thi, tui mà biết cậu còn vốn riêng thì tui đâu có điên, kể cả núi vàng đổ trước mặt tui cũng ngó lơ luôn ý, tui chỉ đẻ cu tí cho cậu hai của tui thui chớ." Mợ leo lẻo thanh minh thanh nga, vẻ mặt cậu dãn dãn ra đôi chút rồi, mà cậu vẫn chưa an tâm hỏi lại. -"Chắc không?" -"Chắc. Tui thề tui hứa tui đảm bảo luôn đó, tui mà nói sai sét đánh tui đen thui." Mợ giơ tay chỉ thẳng lên trời thề độc, bộ dạng rõ nghiêm túc. Cậu nheo mắt trông mợ, mặt mợ lúc xưa tròn đầy cơ, mấy bữa nay hốc hác quá, mắt sưng húp, má hóp lại thấy mỗi cái lúm đồng tiền nho nhỏ. Cậu dặn mợ vào ngủ thêm đi, rồi tới bữa ăn nhiều nhiều vào chứ mợ xấu quá rồi. Mợ bị chê, mợ tủi thân, nước mắt lại chảy thành dòng. -"Kệ tui, chẳng ai thương tui nữa, tui đẹp để làm gì đâu?" -"Cứ ngoan rồi ắt có người thương." -"Ai?" Mợ gằn hỏi cho bằng được, cậu lườm mợ, đáp gọn lỏn. -"Chồng mợ." Chồng mợ á? Cậu còn gì? Cậu không nói thẳng được luôn à? Đã ẩn ý rồi lại còn bấu eo mợ rõ đau cơ, nhưng mợ vui đáo để đi ấy. Lâu lắm rồi cậu mới chịu chạm vào mợ, như vậy là cậu nguôi nguôi rồi, mợ gạt nước mắt, ngây ngô nhoẻn miệng cười. -"Tui đồ xôi đỗ cho cậu từ đêm qua, vẫn ủ than hồng, tui còn làm cả muối vừng với ruốc khô nữa, cậu mang đi nhé, xôi đỗ ăn cho đỗ ý!" -"Ừ." Một câu đồng ý của cậu khiến lòng mợ như nở hoa, bằng tốc độ nhanh nhất mợ chạy thẳng xuống bếp, lá sen mợ cũng chuẩn bị từ trước rồi, tay mợ thoăn thoắt gói năm sáu đùm lớn nhỏ đặt cẩn thận trong chiếc giỏ mây, lúc mợ ngẩng mặt lên, bất chợt thấy cậu đứng nhìn mợ chăm chú. Mợ đánh bạo lao tới ôm chầm lấy cậu, giở thói mè nheo. -"Đừng đẩy tui ra, mấy tháng nay đã không nói chuyện với tui rùi, xong sắp tới còn đi nguyên một tuần, giờ không cho tui gần gũi xíu tui nhớ xong tui chết toi mất đó." Xin xỏ đại vậy thôi mà cậu đồng ý thật, cậu còn kéo mợ vào sát hơn. Mợ nép trong lòng cậu, đi theo tiễn cậu tới tận cổng đình. Mợ chẳng muốn xa cậu chút nào, nhưng biết rõ cậu phải đi thi nên mợ chủ động lách người ra trước. Cậu vuốt tóc cho mợ, môi cậu mơn man trên trán mợ, từng nụ hôn nhẹ nhàng rơi dọc theo sống mũi rồi chạy thẳng xuống cánh môi mềm mại. Gò má mợ nóng ran, thứ xúc cảm nồng nàn mãnh liệt ấy rót thẳng vào tim mợ, cuốn hồn mợ lơ lửng mơ màng. -"Chồng tui...cũng nhớ tui...phải không?" -"Không. Là tui sợ chết toi dọc đường thôi." Cậu thản nhiên đáp rồi quay đầu, để lại mợ đứng thẫn thờ nom theo bóng cậu. Nắng sớm trong veo len lỏi qua những kẽ lá, đâu đó những cánh phượng vĩ đỏ tươi phấp phới tung bay theo gió, đâu đó bằng lăng chúm chím từng vạt tím mộng mơ, đâu đó trong lòng mợ, ngập tràn một màu nắng rực rỡ. -"Ôi chao, cái cục than nó xa nhà có một tuần mà làm như cả vài năm không bằng." Mợ Chi xỉa xói rõ đểu, mợ Trâm bĩu môi kêu kệ mợ. Mợ Chi bữa nay hiền, mợ không móc mỉa nữa mà dúi cho mợ Trâm ít bánh đúc nhân thịt rồi đổi chủ đề luôn. -"Nè, trước đây có nhiều chuyện là tui còn nhỏ, tui không hiểu rõ rồi đổ oan cho mợ, hiểu nhầm mợ, tui xin lỗi...tui...tui...giờ lớn rồi...khác rồi...tui...đêm qua...tui...tui thành đàn bà rùi..." Mợ Chi mợ ấy nói có vài câu thôi mà ấp a ấp úng, dứt lời thì mặt đỏ tía tai, ngượng quá lủi mất luôn. Cậu cả lúc ấy mới từ bụi chuối lao ra, cậu cũng dự thi cơ mà nhà cậu có xe ngựa, mai cậu mới xuất phát. Chẳng hiểu sao dạo này cứ nhìn thấy mợ cả là người cậu rạo rực, đêm qua bu cậu làm cơm để cậu lên đường cho may mắn, rồi trong lúc say sưa, cậu làm liều. Sáng ra cậu hoảng quá, ba chân bốn cẳng đi tìm mợ Trâm giải thích. -"Trâm đừng hiểu nhầm, tui vẫn thương Trâm nhất, Trâm cứ yên tâm đợi tui nha, thi đỗ làm quan có quyền có thế rồi tui sẽ rước Trâm về làm bà cả hẳn hoi." -"Sao lúc có mợ Chi cậu không ra thanh minh luôn?" Mợ Trâm trêu, cậu Hưng sụt sịt kêu cậu sợ bị mợ Chi dần cho nhừ tử, mợ có võ mà. Bà hai đi chợ về tình cờ nghe cậu trình bày bực bội ghê gớm, thói đời ở đâu lại có loại vợ giơ võ ra bắt nạt chồng, hỏng, hỏng hết. Để đấy, để sau này bà chấn chỉnh lại hết một lượt. Bà nhổ bãi nước bọt đánh phẹt rồi lững thững về nhà, cậu hai đi rồi, thời cơ vàng cho bà vào phòng cậu lục lọi, bà đang cần tiền cho cậu cả tiêu pha dọc đường, tiếc rằng, bà rà soát hết một lượt, chẳng có gì đáng giá ngoài tập giấy cũ kỹ. Chữ cậu rất đẹp, cậu bình thơ, soạn vế đối cũng rất thông minh. Chữ bà cả thanh thoát uyển chuyển, chữ cậu phóng khoáng thanh tao, quả thật không hề kém cạnh. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, chuyện quan trọng đến vậy mà bà lại lơ đãng quên khuấy mất. Cớ làm sao trước giờ bà luôn mặc định cậu hai kém cỏi, rồi coi thường cậu? Sống lưng bà lạnh toát, bà càng nghĩ càng run, bà ngồi định thần một hồi lâu, toan tính đủ bề mới chầm chậm đứng dậy, đem tập giấy của cậu lên khiêu khích bà cả. -"Ôi chao ôi, cậu cả kiểu này làm sao mà vượt được cậu hai nhà em đây? Không khéo cậu hai đỗ đầu bảng, cậu cả rớt thì kỳ này tiểu thư biết đeo mấy cái mo cho hết nhục?" Bà cả bên ngoài cười khinh khỉnh, ngược lại trong lòng sốt sắng bồn chồn khó tả. Cả ngày bà đứng ngồi không yên, đêm đến thì trằn trọc mãi mới vào giấc được, nhưng bà gặp ác mộng, bà mơ cậu Lâm đỗ cao, làm rạng danh tổ tông, bà hai cậy chức cậy quyền tống cổ bà với cậu Hưng ra ngoài đường. Cậu Hưng yếu ớt không tự kiếm sống được, sau đó phải lang bạt làm ăn mày, mặt mũi nhọ nhem đến thảm. Bà khóc cùng cậu trong mơ, áo bà ướt sũng mồ hôi, rồi trời vừa hửng sáng, bà vội vàng lệnh năm đứa thanh niên sức dài vai rộng đi làm việc lớn. Chúng nó răm rắp nghe lời, tới xẩm tối, thằng to cao vạm vỡ nhất lẻn vào phòng bà báo cáo. -"Cậu hai bất tỉnh rồi, tụi tui tạm nhốt cậu ở nhà kho bỏ hoang cạnh sông Đáy, cách phố huyện chừng năm dặm, bà cứ yên tâm nhé!" -"Sao...sao...cậu lại bất tỉnh? Đã dặn chỉ trói cậu thôi mà?" Bà run run hỏi lại, nó chẹp miệng giải thích. -"Cậu khoẻ với dai sức lắm, không bê đá phang vào đầu thì còn lâu tụi tui mới đấu được với cậu."
|
#52
Tụi nó nói kể cũng có lý, cậu hai cơ mà, đâu có ngắn một mẩu như cậu cả đâu? Cậu Hưng nhà bà thực ra không lùn, cậu được nuông quá thành ra phát triển chậm thôi, chẳng qua cậu hai tháo vát từ nhỏ nên mới cường tráng bệ vệ chứ cái ngữ bà hai cũng cao ráo gì cho cam? Thuở xưa các cụ có câu, ông trời không lấy tất của ai cái gì, ấy thế mà chuẩn. Con mụ Phúc nó xấu người xấu nết xấu đủ, tự dưng lại được thằng con đến là xuất chúng, bất chợt bà nhớ tới vết bớt rồng, lời thầy bói khi xưa lảng vảng trong đầu khiến bà càng bất an. -"Nhốt cậu kỹ chưa?" -"Dạ, bà yên tâm, còn quấn mấy lớp dây thừng trói cạnh cột cơ, cậu mọc cánh cũng chẳng thoát được. Nhưng chiều mai xuống thả nghe bà, chớ không chết người thì toi." -"Nhưng...nhưng...ngày kia thi võ mà?" -"Ôi dào, thi võ toàn mấy ông mình đồng da sắt bỏ công tập luyện cả chục năm trời, vật phát chết sáu bảy thằng, cậu hai cậu hai tuy khoẻ nhưng cũng chỉ là phạm vi thôn xóm, đấu sao nổi, bà căng thẳng làm chi?" -"Không được, mai mày cứ mang nước với bánh xuống cho cậu, rồi canh đó, đợi trời hửng sáng quá giờ thi mới được thả." Bà cẩn thận dặn dò, thằng bé tất nhiên không dám trái lệnh. Con Chanh đứng hóng hớt bên ngoài lè lưỡi chạy biến về phòng méc mợ Chi. Cậu đi thi từ sáng, hôm qua mợ còn chê mợ Trâm ỏng eo, cơ mà hôm nay mặt mợ có khác bị chó cắn lắm đâu, nhớ cậu ý, nhớ điên dại luôn. Chanh phải hò như hò đò mới gọi được mợ, mợ bị ngơ nên mãi mới hiểu được đầu đuôi câu chuyện, hốt hoảng bật dậy xỏ guốc lao đi kiếm mợ Trâm rồi kéo ra bụi chuối kể lể. -"Bu Yến sai người lấy đá đập đầu cậu hai rồi trói cột nhốt ở nhà kho bỏ hoang cạnh sông Đáy đó mợ. Eo, ác nhỉ mợ nhỉ? Đẹp mà ác dữ luôn, có mỗi cơ hội đổi đời của cậu cũng triệt sạch, ích kỷ ý. Nhưng mợ yên tâm đi, sớm ngày kia bu thả, xong cậu lại về với mợ." Mợ Chi vô tư tâm sự thêm một loạt các trường đoạn tình cảm của vợ chồng mợ, tiếc rằng mợ hai dường như chẳng chữ nào lọt tai, người mợ bàng hoàng, trán lấm tấm mồ hôi lạnh. Cứ nghĩ tới cậu mợ lại thấy tức ngực, chân tay mợ cứng đờ, đứng được một lúc thì mợ khuỵ xuống. Mợ cả giật mình lấy tay vỗ má mợ hai trấn an, nhưng nước mắt mợ hai cứ chảy hoài, rồi được một lúc thì mợ ấy bật khóc, ráo riết ôm chân mợ nài nỉ. -"Giúp tui...mợ giúp tui cứu cậu ra đi, tui con nhà dân tui ngu tui dốt, nhưng mợ con quan, mợ khôn hơn tui nhiều mà...xin mợ đó...nhỡ cậu không chịu được thì sao, tui không muốn goá chồng đâu, cậu sao tui sợ tui không sống nổi...van mợ...nghĩ cách giùm tui với..." Cách? Cách gì được giờ? Xa như vậy, có huy động cả chuồng bò nhà dì Hồng cũng chẳng ăn thua. Khó nhỉ? Hay trâu? Ôi chao trâu chỉ giỏi kéo cày thôi! Chó? Ớ chó á? Cho chó kéo xe để mà hộc máu mồm à? Gì đây? Mợ chau mày chau mặt, đi qua đi lại chán chê, rồi bất chợt mắt mợ sáng rực, mồm miệng liến thoắng. -"Ngựa, thầy Kim có con ngựa vằn, nó chạy khoẻ lắm." Nhưng nó cũng dữ nữa, với cả thầy biết dắt trộm ngựa của thầy đi chắc thầy quật cho nhừ tử. Mà kệ, hết cách rồi, làm liều. Mợ Chi lén trộm chìa khoá chuồng ngựa giúp mợ Trâm, còn dạy cả cách cưỡi. Mợ giỏi võ, thu phục con này với mợ là chuyện thường, ngược lại mợ Trâm hơi run, cũng phải thôi, mới đầu con ôn nghiệt nó còn một mực không cho mợ hai trèo lên lưng, chẳng hiểu về sau thế nào, mợ ấy liều mình lao tới ôm cổ nó, khóc rống cả lên, xong nó chịu. Đến lạ kỳ! Mợ Chi thấy ổn ổn rồi thì chuồn về trước đắp chăn kín mít, dặn con Chanh ai hỏi thì kêu mợ ngủ từ sớm rồi, coi như vụ đó mợ không liên quan. Mợ Trâm dắt ngựa qua nhà buộc tạm ở gốc nhãn, mợ vào buồng lấy ít lá thuốc cầm máu với gom tiền mang theo, vừa hay lúc trở ra thì gặp bu mợ liền thật thà tâm tình, mợ hỏi bu nếu còn tiền thì cho mợ vay, mợ tưởng bu phải sốt sắng lắm cơ, nào có ngờ bu lừ mắt quát mợ trả ngựa phú ông rồi quay về ngủ. Tất nhiên mợ không nghe lời. Bu có chửi mợ cũng bỏ ngoài tai, bu chơi ác nắm chặt tóc mợ, mợ điên tiết cầm kéo cắt phăng luôn. Bu nổi khùng rút cây trâm đâm thẳng vào mông ngựa, nó bị đau, hí một tiếng vang trời rồi cựa chân sau, hất bu bay thẳng vào đống rơm nhà hàng xóm. Bị ngựa đá thì chắc vết thương cũng không nhẹ, nhưng mợ đang rối, mợ chẳng lo được nhiều tới vậy, mợ cứ thế thúc ngựa chạy thục mạng. Trời về khuya sương rơi lạnh buốt, trăng lưỡi liềm hắt ánh sáng mờ mờ, một người một ngựa hối hả men theo bờ đê lớn. Ngựa chạy tới kiệt sức thì khuỵ, trên người nó vẫn cắm cây trâm, máu từ đó ứa ra từng dòng. Chỉ còn cách sông Đáy có nửa dặm thôi, nhưng nó chẳng cố được nữa, mắt nó nhắm nghiền rồi. Nó không cố thì mợ cố, mợ khoác hành lý trên vai, ba chân bốn cẳng lao đi tìm cậu. Nhà kho bỏ hoang cạnh sông Đáy? Cách phố huyện chừng năm dặm? Có biết bao nhiêu kho bỏ hoang? Mỗi nhà một hướng, tìm hết đến bao giờ đây? Từ đã, mợ nhớ mợ Chi kêu trói cột, nếu có cột thì chắc phải nhà bự lắm, mợ đưa mắt một hồi, rồi mợ cứ thế đâm đầu tiến thẳng theo phương Bắc, tới cái nhà gỗ to nhất, bê tảng đá to nhất, dồn sức đập cửa. Tìm được cậu, mợ phát khóc. Khóc vì mừng, khóc vì thương cậu, mợ hì hục cứa mãi mới đứt được hết dây thừng, cậu đổ gục trong lòng mợ. Về làm vợ cậu từ lâu lắm rồi, lúc nào mợ cũng được cậu che chở bao bọc, cậu đưa cái tay qua eo là nhấc được mợ, nên nom cậu như này mợ không quen, tim mợ đau nhói. Mợ nhá vài cái lá rồi cho vào chiếc khăn nhỏ, bịt tạm lên trán cậu. Ngoài việc đó ra thì mợ cũng không biết phải chữa thế nào cho cậu mau khỏi nữa, thôi, chỉ cần cậu khỏi, sớm muộn gì cũng được, mợ chả quan tâm nữa. Mợ ngồi dựa cột, trìu mến miên man đôi lông mày dày rậm, lát lát mợ lại kiểm tra xem cậu còn thở không, lát lát mợ lại sụt sà sụt sịt. -"Tui ý...có nhiều chuyện cậu không nhớ chứ tui nhớ rõ lắm ý, cái đợt tui bảy tuổi tui lên rừng bị lạc, xong cậu dắt tui về đó, ai mượn cậu dắt tui làm chi, hại tui trước đã mê cậu rùi sau lại càng mê tít thò lò." -"Mợ Chi mợ cứ chê cậu đen sì, bị tui táng cho một trận. Cậu hai của tui đâu có đen, da cậu màu đồng mà, đẹp mà, nhìn khoẻ khoắn lắm ý, đâu có trắng bóc như cái bánh bao nhân thịt nhà ai đó. Cậu có hoá thành than thì trong mắt tui cậu vẫn là đẹp nhất." -"Lúc đầu tui chả thích bị cậu bấu eo đâu, đau bỏ xừ, nhưng xong giờ lại thành quen, thành nghiện ý, cậu không được bấu eo con khác đâu nha, là tui buồn thối ruột luôn đó." Mợ cứ liên tha liên thiên hết chuyện này tới chuyện khác, tay mợ vẫn đều đều cọ vào nhau cho ấm rồi lại áp lên má cậu. Trán cậu cầm máu rồi, tầm canh tư mợ kêu ruột gan mợ nẫu nề ghê lắm, giá kể giờ được cậu bẹo cho một cái vào eo thì sướng phải biết. Mợ than là than thế thôi, đâu có ngờ điều ước trở thành sự thật đâu. Người mợ giật thót, cúi xuống thấy cậu đang nheo mắt nom mợ, mợ cuống cuồng hỏi han nhưng cậu chả nói gì sất hại mợ phát hoảng. -"Tui mà...tui vợ cậu mà, cậu rước tui về gần hai năm rồi mà...tui là mợ Trâm ý, cậu quên tui rùi à?" -"Ừ." Cậu đáp nhỏ, lòng mợ đắng ngắt, mợ rối rít giải thích phân bua, mợ nói hoài, nói tới khản cả cổ mà cậu cứ vẫn ngây ngốc. Rốt cuộc, tủi thân quá, mợ dỗi. -"Bữa trước khi đi thi còn mần tui ý, thế mà quên liền." -"Mần như nào?" Còn như nào nữa? Mợ kể cũng lạ, thẹn thẹn ngại ngại chẳng dám mở lời, nhưng lại dám dùng hành động để nhắc nhở. Mợ cúi xuống thơm lên trán cậu, rồi cánh môi lướt dọc qua sống mũi, nhẹ nhàng chạm tới môi cậu. Cậu phì cười, cậu kéo mợ ngã ngửa rồi vòng tay qua ôm siết lấy mợ, ghé tai mợ thủ thỉ. -"Đời này tui quên gì thì quên chứ không quên mợ." Mợ của cậu hâm lắm, điên lên trời không sợ đất không sợ nhưng lại sợ cậu rước bà hai. Đường xá xa xôi như vậy, một mình thân mợ đàn bà con gái, cớ làm sao mò được tới tận đây? Mợ nhỏ xíu mà mợ phi thường ghê, lòng cậu ngọt ngào khó tả, tay cậu khẽ lách qua cánh áo tứ thân mềm mỏng, dịu dàng xoa xoa bờ vai mảnh khảnh của mợ. Mợ bị đau đúng chỗ đó đó, là bu đánh mợ lúc chiều, sao cậu biết nhỉ? Cậu tinh thật, còn tinh tường thế này thì chắc không phải mất trí đâu. Mợ thở phào nhẹ nhõm, rồi mợ vùi đầu sâu vào trong lồng ngực cậu, hí hửng mè nheo. -"Bảo không quên, thế có nhớ tui tên gì không?" -"Mợ Trâm." -"Xi, bỏ từ mợ cho người ta xem nào!" Má cậu nóng hầm hập, cậu hơi bối rối, nhưng xong cậu vẫn chiều mợ, vừa bẹo eo vừa nhỏ giọng. -"Trâm." Uầy, sao mà nó bùi tai dễ sợ đi ý! Mợ tưởng mợ xỉu luôn rồi chứ, chuyện, bị cả đống mật nó đè lên người thế không xỉu mới là lạ đó. Cậu dặn mợ cứ nghỉ tạm ở đây, cậu đi thi rồi tối cậu về với mợ nhưng mợ không chịu, mợ nằng nặc đòi bám theo. Thế là cậu mợ lại xôi nắm lên đường, xôi vậy mà chưa thiu, mợ bọc kín nên cũng không bị khô. Mợ véo từng miếng nhỏ chấm ruốc đút cho cậu, nhìn cậu ăn ngon mợ nheo mắt nhoẻn miệng cười. Năm dặm, đi từ lúc nhá nhem tối đến khi nắng chiếu vàng ruộm mới tới nơi. Tới nơi rồi thì cánh cổng trường thi đã đóng chặt. Người ta kêu chậm một nén nhang, không cho vào. Mợ làm loạn cả lên, suýt nữa còn bị mấy tên lính gác cửa cầm gậy đập cho một trận, may có cậu đỡ lại, cậu kéo mợ ra một góc, lặng lẽ lắc đầu. Cậu bình thản được, mợ thì không. Người ta đăng ký thi dễ ợt, riêng cậu thì phải tích tiền mấy năm mới đủ, bao nhiêu lần trèo cây học lén con chữ, còn bị bà cả trải đá dăm đâm thủng cả chân. Rồi rốt cuộc thì sao? Rốt cuộc, vẫn là không được thi.
|
#53
-"Nào! Nào!!! Thích yên lặng giữ trật tự hay thích tôi gông cổ tống vào nhà lao mai khỏi thi võ nữa nhể?" Ai biểu mợ khóc to quá làm chi? Kinh động tới cả quan lớn, quan bệ vệ đi ra, giọng không to nhưng vô cùng có uy. Mợ bị doạ sợ tới mức thất kinh, im bặt len lén liếc trộm quan, sao nom quan quen thế nhỉ? Mợ từng diện kiến quan sao? Đâu có đâu, mợ dân đen cả đời chui rúc trong cái thôn nhỏ, sao có thể có cái phúc ấy? Quan họ Đinh, có cặp lông mày rất rậm, sống mũi cao thẳng, cao lớn vạm vỡ lắm chứ không bụng phệ như mợ thường tưởng tượng. Quan giống ai nhỉ? Ai giống quan? Cậu hai? Phải rồi, cậu hai y hệt phiên bản thời trai trẻ của quan, người không biết còn tưởng có họ hàng thân thích ý chứ. Phát hiện ra điều thú vị, mợ chợt cười ngây ngốc, được giống quan lớn có khi là điềm may, biết đâu mai sau cậu cũng được làm quan thì sao? Cậu đẩy nhẹ lưng mợ, ý bảo đi thôi. Cậu mợ dắt tay nhau ra khỏi trường thi, kiếm nửa canh giờ mới thuê được cái nhà trọ với giá ưu đãi ba quan một ngày. Phố huyện nhộn nhịp tấp nập, nhiều trò hay nhưng đắt đỏ khủng khiếp, một bát bún riêu cũng phải ba tiền. Cậu bị sốt, ngủ li bì trong phòng, người mỗi lúc một nóng. Mợ lo sốt hết cả ruột, mợ tính chạy đi cắt thuốc cho cậu thì lại phát hiện ra túi vải cậu đem theo chẳng còn đồng nào, chắc bị người của bà cả lột hết rồi, mợ nghĩ mà ứa nước mắt. Mợ thì cũng còn vài đồng lẻ thôi, không lẽ mợ đem cái vòng cậu tặng đi cầm? Mợ thích chiếc vòng đó ghê lắm, mợ đeo quen tay rồi, bây giờ bỏ ra mợ thấy trống vắng. Nhưng giờ không có tiền cũng toi, quãng đường về xa xăm cách trở, bao nhiêu thứ cần tiêu, với cậu không hạ sốt thì mai thi sao được? Mợ cứ đứng trước cửa tiệm cầm đồ, băn khoăn day dứt một hồi lâu cho tới khi gặp vị tiểu thư váy áo diêm dúa đi ngang qua. Đẹp nghiêng nước nghiêng thành là như thế nào, đến bây giờ mợ mới rõ. Nét đẹp đó không phải từ gấm vóc lụa là, khí chất cao quý toát ra từ cô ấy mang theo sức hút vô cùng lớn, thanh nhiên trai tráng ngang qua ai ai cũng phải ngoái lại nhìn, có người còn lảng vảng loanh quanh mãi không chịu rời đi. Mợ thấy mợ cũng đẹp, mà đứng bên người ta, đúng kiểu cóc ghẻ sánh với thiên nga. Tiểu thư hỏi han mợ, kiên nhẫn nghe mợ kể khổ, rồi tốt bụng đề nghị giữ chiếc vòng hộ mợ, giọng tiểu thư nghe hay lắm, nhẹ nhàng thánh thót như mật ngọt rót bên tai. Tiểu thư đổi cho mợ năm mươi quan, còn dặn năm nào vào dịp hè tiểu thư cũng cùng cha tới đây chơi, nếu mợ muốn lấy lại đồ thì chuẩn bị tiền rồi hẹn tháng sáu năm sau tại nơi này. Mợ gật đầu lia lịa, tiểu thư tên Minh Châu, là người từ trên kinh thành, mợ nhớ rõ rồi, nhất định sẽ có ngày mợ lấy lại được chiếc vòng cậu trổ tặng mợ. Mợ rối rít cảm ơn người ta rồi hớn hở chạy đi cắt thuốc, chủ quán trọ thương tình cho mợ mượn bếp sắc, còn kêu nếu mợ chịu cọ rửa đống xoong nồi hộ thì cho mợ vét nốt chỗ cơm nguội còn thừa. Mợ nhận lời ngay, chỉ cần cậu ăn uống đầy đủ là được, còn mợ thì thế nào chả xong. Cả đêm mợ thức trắng canh cậu, cậu tỉnh giấc hai lần, mỗi lần uống được trên lưng bát thuốc, mợ biết cậu đắng miệng nhưng mợ dỗ ngọt để cậu cố ăn hết âu cháo thịt lấy sức. Trán cậu mát dần, lòng mợ nhẹ nhõm hẳn đi, mợ ngồi ngay đầu giường cầm quạt nan phe phẩy đuổi muỗi cho cậu. -"Cậu hai bây giờ nom giống cậu bé ghê! Mà đúng là cậu bé mà, cậu hai kém tui hai tuổi lận. Tui già nhỉ? Già hơn cậu nhiều quá, sợ mai sau cậu chê tui...chê cũng được, rước bà hai về cũng được, chỉ cần không đuổi tui ra khỏi nhà là được." Mợ tỏ vẻ cam chịu tâm sự. Mắt cậu vẫn nhắm nghiền, nhưng mợ thấy cậu khẽ cựa người, mặt áp sát vào lưng mợ, cánh tay cậu vòng qua siết lấy eo mợ. Mợ cười hiền, lòng thầm nguyện cầu cho cậu ngày mai thi thật tốt. Đấu trường sáng hôm sau đúng một trăm lẻ bảy người, vòng một có hai tên lính mặc áo đỏ đứng hai đầu, luật quan ra chính là phải bê tạ từ đầu này qua đầu kia, ai bê được trong một nén nhang cho lọt vòng hai. Ban đầu mợ trộm nghĩ nhỡ ai cũng bê được thì không lẽ ai cũng qua? Nhưng mợ tính đâu có bằng quan tính, tạ nặng lắm, cậu cả được ưu tiên thi trước mà cậu nghiến răng nghiến lợi mãi còn chẳng nhấc nổi, xong cậu nhọc quá ngồi phệt xuống đất thở hổn hển, quan lớn đích thân đi ra vác cậu vào chỗ che nắng. Sao quan ưu tiên cậu thế nhỉ? Ơ, quan họ Đinh mà? Bà cả tên Đinh Phi Yến còn gì? Lẽ nào quan là ông ngoại cậu? Cậu thật sướng, chả bù cho cậu hai thân phận thấp kém, phải là người thi cuối cùng. Nắng trưa gay gắt lắm, người cậu lại đang ốm, mồ hôi úa ra như nước, vết thương trên trán còn chưa khỏi hẳn. Mà cậu lì ghê, đầy tên bỏ cuộc giữa chừng nhưng cậu thì không đâu, thành tích của cậu khá cao, trong hai mươi bảy người lọt vòng hai cậu xếp thứ ba. Tiếc rằng, mọi chuyện không phải lúc nào cũng được như ý, khoảnh khắc ấy, đúng khoảnh khắc mợ hạnh phúc nhất, mợ thấy cậu ngã gục, ngay trước mắt mợ. Cậu cả lao ra dè bỉu cậu hai sức yếu, dụ mợ Trâm bỏ cậu hai về ở với cậu, mợ điên quá quát tháo ầm ĩ. Cậu Hưng thương mợ nên nhịn, quan lớn lừ lừ bước tới, mợ tưởng bị quan phạt, mà không, quan chỉ sai lính khiêng cậu hai về phòng trọ giúp mợ, quan còn cho mợ ít bạc lẻ, vỗ vai dặn dò. -"Cầm lấy, ba năm sau đăng ký thi tiếp, anh hùng trả thù mười năm vẫn chưa muộn." Ba năm? Ba năm sao mà xa quá! Nhưng cũng đành chịu vậy thôi, năm nay thi Hương, năm sau thi Hội, năm sau nữa thi Đình, xong rồi mới quay vòng lại tổ chức thi Hương. Cậu hai mê man mấy ngày liên tiếp, mợ thì vừa trông cậu vừa làm thuê cho ông chủ quán trọ, khi thì dọn dẹp nhà cửa, khi thì rửa bát đũa, lúc lại nấu nướng cho khách, mợ tự nhủ chắt chiu thêm được chút nào hay chút đó. Lúc bận bịu thì chả sao, cứ hễ rảnh rỗi nghĩ tới vụ thi cử mợ lại ức nghẹn người, nước mắt không tự chủ đua nhau chảy dài bên đôi gò má. Thi văn thì chưa có kết quả nhưng thi võ công bố người thắng cuộc luôn rồi, pháo đốt ầm ầm từ sáng tới chiều, không khí ngoài đó rộn ràng tấp nập kinh khủng. Giá kể cậu hai khoẻ mạnh, không chừng cậu đỗ Giải nguyên cũng nên, tất cả là tại bà cả đó, loại đàn bà ác độc, mợ căm mợ hận bà, giá kể mợ có quyền khéo mợ băm bà ra thành trăm mảnh mất. Mà không, mợ chỉ là dân đen, uất đến đâu cũng chỉ có thể nén nhịn thôi. Mợ sụt sịt ngồi cọ xoong ngoài giếng, cậu tỉnh giấc thì lật đật chạy xuống tìm mợ, lúc cậu rẽ qua sân lớn, cậu nghe ông chủ quán trọ trêu chọc. -"Nhất cậu nhé, lấy được vợ đảm, toàn cạo nồi vét cơm cháy phần đồ ngon cho chồng." Người ta đang khen, cớ sao cậu chẳng thấy vui vẻ là mấy? Sống mũi cậu cay xè, cậu đứng sững sờ một góc, mãi sau mợ trông thấy cậu, mợ nhoẻn miệng cười gọi với. -"Cậu lên phòng đi không có gió, lát tui mang cháo lên cho." Mợ cười tươi thật, tươi tới mức khoé mắt đỏ hoe? Cậu lặng lẽ bước từng bước qua phía mợ, bất ngờ ôm mợ từ phía sau, cằm cậu cọ cọ lên bờ vai mảnh khảnh, mợ sợ cậu tủi thân nên mở lời an ủi. -"Không được làm quan kể cũng buồn, nhưng chả sao cả đâu, ba năm nữa thi lại." -"Không buồn." -"Sao vậy?" Mợ ngây ngô hỏi, cậu nhá nhẹ lên cổ mợ, chậm rãi giải thích. -"Làm chồng mợ là được rồi."
|
#54
Cậu hai chính xác là thần dược của đời mợ rồi, ngày đang u ám mờ mịt thế mà cậu nói có một câu mợ tưởng như cả vùng trời bừng sáng. Nét mặt mợ rạng rỡ lắm, mợ hân hoan hỏi chuyện. -"Được là được ở chỗ nào thế cậu?" Mợ cố tình nũng nịu đó, để cho cậu có cơ hội khen mợ. Ví như khen mợ đẹp này, tháo vát này, đảm đang này, mợ thích được cậu tán dương mà, gi gỉ gì gi cái gì thốt ra từ miệng cậu cũng ngọt, cũng làm mợ thổn thức mấy ngày luôn à. Cơ mà cậu lười nịnh mợ lắm, cậu chỉ chăm làm thôi, cậu đứng dậy kéo mấy gầu nước đầy để mợ rửa nốt mâm bát. -"Làm chồng tui là được rồi thì không cần làm chồng con khác đâu nhỉ?" Mợ thỏ thẻ gợi ý, cậu quay ra nheo mắt nhìn mợ, giả bộ nghiêm giọng chê mợ nhỏ nhen. Ơ thế mợ không thích cậu rước bà hai nhưng mợ vẫn giả bộ cao thượng à? Mợ chịu, mợ diễn sao nổi. -"Ừ, tui nhỏ nhen, tui ích kỷ, cũng có cấm đoán gì đâu, chỉ đề xuất vui thôi mà, cậu nghe thì nghe không nghe thì thôi, hà cớ gì phải trách tui." Giọng mợ bắt đầu lanh lảnh rồi, cái lòng chảo trắng phau mà mợ vẫn cứ cầm xơ mướp cọ rõ mạnh, cậu thản nhiên múc gáo nước trong vắt rót nhẹ lên bàn tay nhỏ nhắn của mợ, chậm rãi bảo. -"Tui nghe." Nước giếng mát lạnh, tim gan mợ cũng mát rười rượi theo, mợ nhích người ngồi sát sạt cạnh cậu, đôi gò má chúm chím ửng hồng, phụng phịu giả ngốc. -"Nghe gì cơ?" -"Trâm nói gì tui đều nghe!" Mợ đang mơ hả? Đâu có! Trời sáng trưng mà, xong cậu còn bảo mợ nhanh tay rồi trả phòng trọ nữa cơ, mợ kêu cậu cứ nghỉ thêm đến khi khỏi hẳn cũng được nhưng cậu không đồng ý, căn bản tiền phòng đắt quá, hàng ngày nhìn mợ làm quần quật cho người ta cậu chẳng đành lòng. Cậu đã quyết thì mợ chỉ có nước lật đật đi lên dọn đồ thôi, đó, chẳng biết ai nghe ai? Suốt quãng đường chốc chốc mợ lại kiểm tra trán cậu, chốc chốc mợ lại càu nhàu. Người cậu còn nóng quá, từ đây về tới thôn Kim Giang xa xăm cách trở, chẳng biết cậu chịu nổi không? Cậu mợ chọn đi lối tắt xuyên qua cánh đồng bát ngát, thi thoảng tìm được cái lều chăn vịt nào thì rẽ vào, còn không thì lại trú tạm bên gốc cây xanh. Những lúc như thế cậu thường tựa đầu vào hõm vai mợ, có bữa mợ nhớ trời mưa lộp bộp, dưới tán đa già cổ thụ, cậu mợ cùng chui rúc trong cái nón rách, rồi cậu buột miệng cảm thán. -"Có mợ, thật tốt!" Quả thực cuộc sống của cậu những năm tháng ấy, chưa từng tốt đến như vậy, thậm chí còn chưa từng được ốm, theo đúng nghĩa. Kể cả khi sốt cao vẫn cứ lên núi đập đá thôi, lúc về người đau vai nhức cũng kệ, còn khoai sống thì cố nuốt, chẳng còn thì lên giường đắp chăn ngủ cho qua ngày, ốm, tự khỏi. Không khỏi, cùng lắm là xuống mồ, có sao? Giờ thì khác rồi, có mợ rồi, ốm là phải nghỉ. Ốm mà làm là mợ quát đó, mợ láo ghê lắm, điên lên là quát chồng xơi xơi, quát xong thấy cậu lừ mắt, biết mình lỡ lời mồm miệng lại ngọt xơn xớt. Mợ nhỏ người nhưng tháo vát, tụi con gái bình thường một canh giờ dệt được hai xấp vải thì mợ phải dệt được năm sáu xấp. Mợ thay cậu lo toan vun vén mọi thứ, cậu đi đâu, bận việc gì cũng mong nhanh nhanh để về với mợ, nhưng đi cùng mợ, bao giờ về tới nơi, cậu còn chẳng quan tâm. Về tới quê, cũng đâu có vui vẻ gì? Người tốt thì lắc đầu thương hại, kẻ tiểu nhân được dịp tha hồ bôi bác, họ dè bỉu cậu phận hèn mà học đòi làm cao, ra vẻ đi thi, gớm trời ơi, thi sao đỗ nổi mà thi? Phải như cậu cả kia kìa, nghe đâu cậu thi văn đạt giải Hương Cống, là giải cao thứ nhì hội thi. Vừa mới ban chiều quan lớn đích thân về thông báo, còn sai cô Mõ đi loan tin cho khắp làng trên xóm dưới, cả xã Đại Cường mấy chục năm rồi mới có người được lọt vào vòng thi Hội, từ ông trưởng thôn tới cô bán nước chè đầu đình, ai ai cũng phấn khởi tự hào. -"Ôi chao ôi, cậu Hưng ý, cậu Hưng là người thôn tui đó." -"A, cậu con phú ông phải không? Ui bà cả có định rước thêm mợ hai không nhỉ? Tui là tui có đứa cháu gái xinh lắm." -"Phú ông phú bà giỏi, sinh ra con cũng giỏi, làm rạng rỡ dòng họ, ngưỡng mộ quá đi mất!" Phú ông bây giờ chỉ cần bước ra khỏi cửa là nghe thấy người ta thì thụt ca ngợi mình rồi, mát lòng mát dạ không để đâu cho hết. Sau bao ngày cấm cửa, rốt cuộc hôm nay bà cả đã chịu e thẹn gật đầu cho ông tối sang phòng. Tâm trạng ông lâng lâng cả buổi, khổ nỗi, nhìn thấy mợ hai làm ông tụt cả hứng. Ông hỏi, ngựa ông đâu? Mợ ấp úng không trả lời được. Xưa người ta đồn mợ mắc thói ăn cắp vặt, ông đâu có tin, giờ thì hay rồi, dẫn trộm về nhà! Lại còn bất kính với mẹ chồng, bà giữ con ngựa thôi mà mợ sai nó đá bà bất tỉnh hai ngày trời, mợ giờ là dâu nhà ông, ông không trị thì ai trị? Mợ bị ông lôi vào kho phạt năm chục roi mây. Roi thì vừa dài vừa chắc, quật một cái da mợ liền lằn đỏ. Cậu hai bị một đám giữ ở ngoài, mợ ngoảnh ra chỗ cậu bảo không sao đâu, lát về cậu bôi thuốc cho mợ là được. Nhưng mợ nói vậy thôi, mợ đi từ phố huyện về quê người thấm mệt sẵn rồi, mới đến roi thứ ba mợ đã ngã gục. Tụi người hầu vẫn tiếp tục ra đòn, hãi ông nên chẳng dám nhẹ tay. Bà Phúc thấy cậu hai mất bình tĩnh liền chống gậy đến vỗ về cậu, rằng vợ hỗn thì phải dạy mới ngoan ra được, cậu khôn thì cậu cố nhịn, đừng trái lệnh phú ông, để ông nóng lên thì hậu quả khó lường. Bà khuyên can hết mực, mà cậu dại lắm, cậu đập tụi kia sưng đầu rồi lao vào ôm mợ. Cả chục thằng to cao khoẻ mạnh mà không tách nổi cậu mợ ra hại phú ông giận sôi cả máu. Ông cho người đóng chặt cửa nhà kho rồi dùng roi quật liên tục, mợ hai xỉu rồi, cậu hai ôm mợ quay mặt vào tường, chìa lưng ra cho tụi nó phạt. Bà hai tặc lưỡi thở dài, thôi thì cậu ngu cậu chịu, trách ai bây giờ đây? Bà cả đi ngang qua nghe động liền mở hé cửa sổ nhìn vào, mọi chuyện bà biết cả, bà còn biết cậu mợ sẽ không dám khai ra bị bà hại đâu, làm gì có bằng chứng, nói chỉ tổ thêm tội. Ừ, nào có gì liên quan tới bà? Cớ sao bà cứ buồn bực mãi không nguôi? Bà dặn sai con Bưởi vào mời ông ra cho bà, ông gặp bà rồi là ông quên hết sự đời, tíu tít theo gót chân bà về phòng lớn. Ông bà đi rồi, bọn người làm mới thở phào nhẹ nhõm, chúng lén đập roi vào cột gỗ cho xong chuyện, đoạn rối rít đỡ cậu mợ về túp lều tranh. Nửa đêm mợ hai mới tỉnh, thấy phòng để đèn dầu sáng le lói, mợ quay sang ôm cậu, huyênh hoang tâm sự. -"Năm mươi roi kể ra cũng chẳng đau mấy, tui chả thấy gì luôn, tui khoẻ thật." -"Ừ." Cậu đáp, rồi cậu hơi nhổm người, vừa xoa đầu mợ cậu vừa hỏi. -"Mợ cắt tóc từ bao giờ?" -"À cái hôm tui trộm ngựa của phú ông ý, xong bu Phúc giật tóc tui, tui điên tui cắt xừ luôn." Mợ buột miệng khai báo, thường ngày mợ cố ý vấn tóc giấu đi nên cậu không biết đâu, giờ cậu biết rồi thì tốt nhất thành thật, may ra còn được khoan hồng. Chắc cậu giận mợ lắm đó, ai biểu mợ đi ăn trộm ngựa làm chi, tổn hại danh dự của cậu. Tại mợ khiến cậu mất mặt, mợ cũng thấy tội lỗi lắm chứ bộ. -"Ghét tui à?" -"Không." -"Thế sao nãy giờ không nói gì tiếp?" Cậu gác đầu lên eo mợ, chậm rãi giải thích rằng cậu đang nghĩ thôi. Mợ hỏi cậu nghĩ gì thế thì cậu nhéo mợ mấy cái, đoạn cậu mệt mỏi thở dài. -"Mợ có muốn bỏ trốn không?"
|
#55
-"Không, không đời nào nha! Tui đâu phải cái dạng thấy trai huyện giàu là bám theo như con Phụng đâu, tui lấy cậu thì tui phải theo cậu chớ." Mợ đáp không chút đắn đo, cậu phì cười bẹo eo mợ, thủ thỉ ý cậu là trốn cùng nhau. Ôi, nào có phải mợ chưa từng nghĩ tới? Nhưng trốn sao được mà trốn! Mợ biết chắc bu Phúc không chịu đi theo đâu, chả nhẽ để bu ở nhà một mình, bất hiếu lắm. Còn bu Trinh nữa, mợ lo sướng cái thân mợ, mợ đi rồi để dân làng họ chì chiết bu mợ chết à, rồi họ tẩy chay cái gánh bún, bu với cu Trí biết sống ra sao? -"Hay cậu bắt chước chồng con Tuyền ý, xuống phố huyện làm ăn, một mình cậu thui. Tui ở lại tui quán xuyến nhà cửa cho, dăm bữa nửa tháng cậu lại về thăm tui một lần." -"Không thích, xuống đó khổ lắm." -"Ai biểu cậu là khổ? Ở phố huyện tấp nập nhộn nhịp người ta trả cao lắm, rồi làm thuê cho họ thì được ở trong nhà gỗ mà, công việc cũng nhàn hơn là hàng ngày phải lên núi." Mợ phân tích một thôi một hồi, cậu gạt hết, cậu có cái lý riêng của cậu. -"Nhưng mà nhớ mợ. Nhớ mợ là khổ rồi!" Cả người mợ chợt bần thần, thương cậu ở cái chốn này lam lũ vất vả thành ra cũng suýt thì quên, nếu cậu đi thật có mà ruột gan mợ chả buồn thối ra, có mà tối tối lại khóc rưng rức ấy. Mợ đưa tay xoa nhẹ gò má cậu, cậu to cao là thế, nhưng những lúc cậu chủ động rúc đầu trong lòng mợ như này, mợ thấy cậu nhỏ xíu, đáng yêu ghê lắm. Ai bôi bác cậu, mợ ghét. Ai thương hại mợ, mợ mặc kệ, họ đâu có sống cuộc đời của mợ đâu, đâu biết ở bên cậu, mợ đã hạnh phúc đến nhường nào? Sáng sớm bu Phúc í ới gọi mợ dậy rang cơm, cậu cũng hì hụi xuống bếp cùng mợ. Chồng nhà người khác có mà nằm ngáy khò khò tới trưa, chồng mợ được cái bám mợ, hôm hai mươi bảy thằng Toàn rước vợ hai, mợ bảo cậu ở nhà tới giờ sang ăn cỗ là được rồi, nhưng cậu cứ đi theo mợ từ canh ba cơ. Ráo suốt từ tháng giêng mà giờ mới rước được đó. Tại ban đầu bà Thanh ông Trần nhất quyết không đồng ý, vợ chồng Trang Toàn năn nỉ ỉ ôi mãi, ngay cả con Phụng cũng phải chiều chiều vác mặt sang đấm bóp cho mẹ chồng tương lai gần nửa năm trời ông bà mới chịu ưng thuận. Ông Trần ở ngoài sân bắc rạp với cậu hai, cu Trí và mấy thanh niên trai tráng trong thôn, bà Thanh, bu Trinh, mợ Trâm, Trang với các dì các thím lo nấu cỗ dưới bếp. Cái Trang nói cười sang sảng cả buổi, mợ Trâm tưởng nó vui lắm, mợ cũng nhẹ nhõm, nào có ngờ lúc bu Thanh kêu nó mang ít đồ lên cho thằng Toàn ăn lót dạ, mợ thấy nó cứ đứng thẫn thờ ở bậc hiên mãi không vào. Thầy thằng Thóc bữa nay bảnh trai gớm, thay hết bộ này tới bộ khác mà mãi vẫn chưa ưng. Bu thằng Thóc nom chồng hồi lâu, mắt mũi nó đỏ hoe, nó kêu con trai ôm đĩa thịt gà vào cho cha, còn nó chạy một mạch ra bụi rơm sau nhà oà khóc. Nó muốn giấu nên mợ đành lẳng lặng nom nó từ xa, mợ coi như mợ không biết, nhưng từng tiếng nấc của nó như muốt xót sát vào lòng mợ. Bữa đó, pháo đốt ầm ĩ, cỗ bàn linh đình, quan viên hai họ rôm rả chúc mừng cô dâu chú rể, chỉ riêng mợ là không mừng nổi. Rước vợ lẽ mà còn hoành tráng hơn vợ cả. Mợ ức thay em gái, con Phụng là cái quái gì mà dám sai con Trang lấy riêng nước mắm cho nó chấm? Có vài miếng ớt cũng không ăn được hả? Điệu vừa thôi, không ăn được thì tự đi mà múc, làm bộ làm tịch phát ghét. Bu thằng Thóc nữa, giả bộ cũng có kém ai đâu? Tụi bay về một nhà với nhau là quá hợp! Mợ thì chịu, tính mợ bực cái gì mợ không giấu nổi đâu, mợ sợ ảnh hưởng không khí nên rẽ qua ghé tai con em gái kêu tau có việc phải về trước. Cái Trang thoáng buồn, nhưng nó vẫn gói bịch xôi gà phần chị gái rồi dặn tối rảnh thì ghé qua. Cậu hai đang ngồi mâm trên tiếp rượu mấy ông, thấy mợ hai bỏ bữa liền xin phép đuổi theo, cậu bị làng trên xóm dưới nói xấu ghê lắm, kêu loại đàn ông bám váy mợ như cậu, đúng là hạng vứt đi. Bu Trinh nghe hết, chả thấy xấu hổ gì sất, thương là thương con Trang thôi, còn con Trâm, tốt số quá đi mà! Cho dù nó có khóc, có bị ấm ức, thì vẫn có cậu hai, cậu sẽ bao bọc nó. -"Nếu đời này cậu không rước bà hai, tui sẽ đẻ cho cậu mười thằng cu tí luôn." Mợ sụt sịt mặc cả, cậu đưa tay vòng qua eo mợ, nhấc bổng mợ xách lên núi. Đường đi đã gồ ghề thì chớ, lúc lúc cậu lại đong đưa trêu chọc hại mợ chóng mặt muốn xỉu, mợ đập lưng cậu rầm rầm, to mồm chửi đổng thế gian bất công, vì đâu đàn ông được rước nhiều vợ? Cậu lặng thinh cho mợ xả giận, mợ xả xong nguôi nguôi bắt đầu nhì nhèo. -"Tui không thích bị xách như xách lợn thế này đâu. Cõng tui được không?" -"Không." -"Sao không? Cậu hai hết thương tui rồi à? Tại tui nhiều lời quá à?" -"Ừ." Mặt mợ nghệt hẳn đi, tủi thân đòi trườn xuống. Giá kể mợ biết võ như mợ Chi thì còn có hi vọng, đằng này, tay cậu chắc lắm, mợ đẩy mãi không được, ngược lại còn bị cậu nhấc lên cao hơn, rồi đột nhiên cậu thơm vào má mợ mấy cái liên tiếp. Tim mợ mềm nhũn, vừa cương quyết là thế mà giờ đã thôi không giãy giụa nữa rồi, chính kiến ngay lập tức bị lung lay. -"Ừ thôi, xách cũng được, thỉnh thoảng cứ thơm tui là được." -"Ghét mợ ghê!" -"Ghét mà thơm mà ôm hả? Ghét cái kiểu gì lạ thế? Ghét thật thì thử ném tui xuống cái hồ kia đi nào? Có dám không? Không dám mà còn vênh!" Trên đời mợ mặt dày thứ hai chắc chẳng ai mặt dày thứ nhất, đã làm nũng cậu thì thôi rồi, chim chóc đang hót líu lo trên cây chắc cũng phải im bặt chào thua. Không vì gặp ông lão bị thương giữa đường chắc mợ còn mè nheo tới tối. -"Ông không phải là người thôn này hả?" Mợ thắc mắc, ông kêu đúng rồi, ông là người phương xa tới, nghe đồn thôn này có thuốc quý nên tới kiếm về chữa bệnh cho vợ. Cái cây thuốc ông miêu tả nó mọc ở trên vách đá cao lắm, thảo nào ông bị ngã. Cậu hai thương ông già tuổi cao sức yếu nên bảo mợ nhá ít lá đắp cho ông, còn cậu tự mình trèo lên hái giúp. Ông trả công cậu nén bạc, nhưng nhìn ông áo quần tả tơi cũng chẳng giàu có gì nên cậu mợ thôi không lấy. Cậu cõng ông xuống núi, mợ đi bên cạnh, ông với mợ nói chuyện rôm rả, nói đông nói tây thế nào mà lại nói trúng chủ đề thi Hương năm nay. Mợ hai bị chọc đúng mạch, bao nhiêu uất ức phun ra như suối. Ông nghe mợ kiên nhẫn lắm, đợi mợ trình bày hết ông mới vuốt râu cười khà khà. -"Tôi biết có một cách để năm sau cậu nhà mợ vẫn được thi Hội, nhưng từ giờ tới lúc đó mợ phải xa cậu, chắc cũng ngót một năm. Và nếu giả như cậu đỗ thi Hội, thi tiếp lên thi Đình thì cỡ hai năm, mợ chịu không?"
|